VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Reviews - Science Sciences

HTML

808

Total

329

Share

Taiwan’s new southbound policy: the cooperation and exchanges of human resources and the impacts on the education cooperation between Taiwan and Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The economic boom in the 1970s has allowed Taiwan to rise as one of the ``four dragons'' in East Asia. In the late 1990s, the Taiwanese government set up a ``Go South policy'' to strengthen and expand the relationships in trade and investment between Taiwan and Southeast Asian countries, including Vietnam. The results gained from the process of implementing the ``Go South policy'' have paved the way for the birth of the ``New Southbound Policy''. In 2016, President Tsai Ing-wen initiated the ``New Southbound Policy''. This policy is people-centered, actively promotes bilateral exchanges and cooperation between Taiwan and countries in Southeast Asia and South Asia in the fields of human resources, manufacturing, and investment. education, culture, tourism, agriculture..., in which special attention is paid to cooperation in education - training and high-level human resource exchange. This policy will create significant impacts on Vietnam's overall relationship with Taiwan, especially in the field of education and human resource development. In Taiwan's perception, Vietnam is the first choice because this is a country with stable economic development, large market ownership and diverse consumer demand. On that basis, the paper focuses on the formation and implementation of Taiwan's ``New Southbound Policy'' on human resources development. In addition, the article assesses the impact of Taiwan's ``New Southbound Policy'' on the present and future cooperation between Taiwan and Vietnam in the field of education.

Những tiền đề của Chính sách hướng Nam mới

Chính sách hướng Nam là một trong những nội dung lớn trong Chính sách đối ngoại Đài Loan kể từ những năm 90 của thế kỷ XX. Nó ra đời trong bối cảnh Đài Loan trải qua 20 năm “thất thế” trên vũ đài chính trị quốc tế (Mỹ và một số nước Phương Tây điều chỉnh chính sách đối ngoại với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khiến Đài Loan mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặt Đài Loan vào tình thế khó khăn về mặt ngoại giao) [ 1 , tr.19]. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tìm cách ngăn chặn và cô lập Đài Loan trong vấn đề ngoại giao với các quốc gia cũng như thể chế quốc tế khác [ 2 , tr.175]. Bên cạnh đó, với chính sách thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khiến nhà đầu tư Đài Loan quyết định chuyển vốn sang đất nước này. Vì vậy, bất chấp nỗ lực hạn chế của Chính phủ Đài Loan, tình trạng “chảy máu” nguồn vốn đầu tư vẫn diễn ra vào giai đoạn này. Đứng trước cục diện khó khăn về cả chính trị và kinh tế, Đài Loan dưới thời Tổng thống Lý Đăng Huy đã thay đổi nhận thức và đưa ra chính sách đối ngoại dựa trên những nền tảng hiện có, khắc phục những khó khăn và xây dựng một Đài Loan có sức mạnh nội tại lớn hơn. Để thực hiện ý tưởng nêu trên, Tổng thống Lý Đăng Huy ngay từ khi vừa nhậm chức đã tuyên bố áp dụng chính sách Ngoại giao thực dụng như một nền tảng lý thuyết cho chính sách ngoại giao Đài Loan thời kỳ này.

Chính sách đối ngoại thực dụng của Lý Đăng Huy được thể hiện ở việc Chính phủ của ông luôn tìm kiếm những quan hệ mang tính thực tế hơn là các công bố ngoại giao mang tính hình thức. Theo đó, Chính phủ của Tổng thống Lý Đăng Huy đặt mục tiêu tổng thể nhằm gia tăng sức mạnh về ngoại giao của Đài Loan, còn đề ra chính sách khuyến khích nhà đầu tư Đài Loan hướng đến thị trường Đông Nam Á nhằm giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc kinh tế của Đài Loan vào thị trường Trung Quốc. Đây được xem là tiền đề đầu tiên cho sự ra đời Chính sách hướng Nam [ 3 , tr.112]. Năm 1993, Bộ Kinh tế Đài Loan đã tiến hành xây dựng hướng dẫn về đẩy mạnh hợp tác kinh tế ở khu vực Đông Nam Á và xem đây là nội dung chính cho kế hoạch triển khai Chính sách hướng Nam.

Từ tháng 1-1994, Chính phủ Đài Loan chính thức triển khai Chính sách hướng Nam thông qua một số hoạt động nhằm hướng đến các quốc gia Đông Nam Á có lợi thế về hàng hải như Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam [ 4 , tr.96-126]. Tổng thống Lý Đăng Huy mong muốn thông qua việc nâng cấp quan hệ với các nước Đông Nam Á bằng việc hợp tác kinh tế có thể đạt được một sự công nhận nhất định dành cho Đài Loan. Cùng với đó là sự nỗ lực sử dụng biện pháp ngoại giao không chính thức (hay còn được gọi là “vacation” diplomacy) bằng cách tiến hành thường xuyên cuộc họp cấp bộ trưởng giữa Đài Loan với các quốc gia Đông Nam Á [ 5 , tr.375-393]. Với chiến lược này, Đài Loan đã thành công trong quá trình đẩy mạnh triển khai ký kết những hiệp định song phương về hợp tác kinh tế giữa Đài Loan và các quốc gia nói trên [ 3 , tr.43]. Đây được xem như một thành công bước đầu về mặt chính trị, như một sự ngầm công nhận về mặt chủ quyền đối với chủ thể Đài Loan.

Năm 1997, Chính phủ Đài Loan bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của Chính sách hướng Nam. Mục tiêu trong giai đoạn 1 của Chính sách hướng Nam chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam Á, với nhiều tham vọng chính trị, nhưng sang giai đoạn 2, Đài Loan chủ trương “thận trọng” hơn, giảm sự quan tâm về mục tiêu chính trị, lấy nhân tố kinh tế làm trọng tâm và mở rộng về phạm vi triển khai chính sách ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, chú trọng gia tăng hợp tác kinh tế song phương với Campuchia, Lào, Myanmar Australia và New Zealand [ 6 , tr.193].

Quá trình triển khai giai đoạn 2 của Chính sách hướng Nam của Chính phủ Lý Đăng Huy gặp nhiều khó khăn khi những chương trình, dự án hợp tác kinh tế triển khai ở bên ngoài Đài Loan không mang lại hiệu quả và tốn kém từ hoạt động tài chính không hiệu quả, chỉ mang tính “khẩu hiệu, hình thức”. Chính sách này không còn nhận được sự ủng hộ của giới thương nhân Đài Loan, và thực tế cũng không kiểm soát được làn sóng đầu tư ồ ạt của Đài Loan vào Trung Quốc. Sự thất bại của Chính sách hướng Nam cũng là sự thất bại của chính sách ngoại giao thực dụng của Tổng thống Lý Đăng Huy, tuy nhiên ý tưởng của nó vẫn được đánh giá cao và được xem là tiền đề cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Năm 2000, Tổng thống Trần Thủy Biển nhậm chức Tổng thống Đài Loan và lấy chính sách Ngoại giao tiến công (Tiếng Hoa: 攻勢外交; Tiếng Anh: Offensive Diplomacy) làm “kim chỉ nam” cho chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình. Mục tiêu của Chính phủ Trần Thủy Biển hướng tới là sự phân biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc về mặt bản sắc. Trên thực tế, những điểm này chỉ mang tính biểu tượng, không chính thức và không có tác động tới vấn đề công khai công nhận chủ quyền của Đài Loan. Mặc dù vậy, điều này vẫn mang lại cho cộng đồng quốc tế sự nhận diện tách bạch về Đài Loan và Trung Quốc. Đây được xem là một “tuyên ngôn độc lập” về mặt bản sắc của người Đài Loan, lấy dân chủ làm điểm mạnh là bước đột phá trong chính sách ngoại giao của Trần Thuỷ Biển thời kỳ này [ 7 , tr.619-638]. Cựu Tổng thống Lý Đăng Huy cũng đồng quan điểm với Tổng thống Trần Thủy Biển khi cho rằng không thể để kinh tế Đài Loan phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc - một thị trường thiếu an toàn và không phải là lựa chọn duy nhất. Ông cũng cho rằng hướng giải quyết tốt nhất là tập trung đầu tư vào Đông Nam Á.

Năm 2002, Tổng thống Trần Thủy Biển chính thức công bố và triển khai kế hoạch Chính sách hướng Nam (lần thứ 3). Chính sách này kế thừa một số điểm của Tổng thống tiền nhiệm như: Tạo lập cộng đồng chính trị gia ủng hộ Đài Loan bằng biện pháp ngoại giao với các nghị sĩ/các nguyên thủ thuộc quốc gia Đông Nam Á; Đưa ra một số sáng kiến về chính sách kinh tế: (1) Thúc đẩy hỗ trợ nông nghiệp cho các nước Đông Nam Á; (2) Đàm phán nhập khẩu lao động từ một số nước Đông Nam Á vào Đài Loan; (3) Hướng đến ký kết song phương FTAs với những quốc gia Đông Nam Á nói trên, nếu thuận lợi có thể ký kết FTAs với ASEAN (Tiếng Hoa: 黃奎博 - 周容卉, Tiếng Anh: Huang Kui-Bo and Zhou Rong –Hui, 2016); Phạm vi hướng tới của Chính sách hướng Nam dưới thời Trần Thuỷ Biển là tập trung vào sáu nền kinh tế ASEAN phát triển bao gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Mặc dù có các định hướng, mục tiêu rõ ràng nhưng chính sách của Tổng thống Trần Thủy Biển lúc bấy giờ không thành công và trở nên thiếu thực tế. Điều này được lý giải bởi chính sách của ông được triển khai trong bối cảnh Trung Quốc đang thực sự “trỗi dậy”. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập thành công WTO, nền kinh tế nước này cũng tăng trưởng mạnh với GDP đạt 10.200 tỷ NDT (2002), dự trữ ngoại tệ 280 tỷ USD [ 8 , tr.27]. Đặc biệt, với sự thu hút từ phía Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, một số quốc gia ASEAN sẽ không sẵn sàng từ bỏ quan hệ ngoại giao với nước này để hợp tác với Đài Loan dưới mọi hình thức. Thất bại rõ ràng nhất thể hiện trong mục tiêu chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong suốt những năm từ 2001 đến 2008, tỷ lệ đầu tư Đài Loan vào Trung Quốc luôn giữ ở mức cao và không ngừng tăng lên, còn đầu tư Đài Loan vào Đông Nam Á chỉ chiếm con số nhỏ và không có tăng trưởng nhiều, thậm chí giảm mạnh trong giai đoạn từ 2002 đến 2005.

Với sự kế thừa tư tưởng “Ngoại giao thực dụng” của cựu Tổng thống Lý Đăng Huy, Thổng thống Mã Anh Cửu đã tập trung mạnh mẽ vào xây dựng chính sách đối ngoại cho Đài Loan trên cơ sở lý thuyết “Ngoại giao linh hoạt” (Tiếng Hoa: 活路外交; Tiếng Anh: Flexible Diplomacy). Chính sách này được Tổng thống Mã Anh Cửu sử dụng với mong muốn đưa Đài Loan thoát khỏi tình trạng bị hạn chế trong quan hệ với các chủ thể quốc tế và ít đối đầu hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Lý Đăng Huy với thái độ cứng rắn và giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc thì Mã Anh Cửu sử dụng sự ôn hoà đối trong quan hệ với nước này. Đây được xem như như một sự hoà hoãn và đánh đổi để có được những mối quan hệ mới với các chủ thể khác trong quan hệ ngoại giao [ 9 , tr.179-199]. Nhìn chung, dưới sự điều hành của Tổng thống Mã Anh Cửu, vấn đề chủ quyền trên đảo Đài Loan không được xem là trọng tâm. Bên cạnh đó, việc Đài Loan hướng đến thị trường Đông Nam Á và việc Đài Loan hợp tác với Trung Quốc vấn đề kinh tế -kỹ thuật là hai vấn đề được thực hiện song song, hoặc có thể xem quan hệ giữa Đông Nam Á, Đài Loan và Trung Quốc là mối quan hệ tam giác, phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau.

Như vậy có thể thấy, sau 3 đời Tổng thống và 4 lần triển khai Chính sách hướng Nam, Đài Loan vẫn chưa thể thực hiện mục tiêu chuyển hướng đầu tư kinh tế từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc dù đã đưa ra nhiều kế hoạch. Chính sách hướng Nam giai đoạn đầu của Tổng thống Lý Đăng Huy được đánh giá là đã làm tăng đáng kể sự hiện diện kinh tế của Đài Loan tại Đông Nam Á (mặc dù trên thực tế đã không thể hoàn toàn chuyển hướng dòng vốn Đài Loan sang nhóm nước này). Bên cạnh đó, những cuộc tiếp xúc gặp gỡ không chính thức giữa nhà lãnh đạo Đài Loan với các thành viên trong chính phủ một số nước Đông Nam Á (hay còn gọi là “Vacation” Diplomacy) được xem là góp phần mang lại thành công trong việc tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Đài Loan và Đông Nam Á.

Nếu như Tổng thống Lý Đăng Huy và Trần Thuỷ Biển áp dụng Chính sách hướng Nam và thể hiện quan điểm chính trị mang tính đối đầu trực tiếp với Trung Quốc thì Tổng thống Mã Anh Cửu lại lựa chọn sự cân bằng giữa Đài Loan, Trung Quốc và Đông Nam Á tạo thế tam giác, sử dụng sự tác động lẫn nhau giữa 3 chủ thể để đưa Đài Loan thoát khỏi sự trì trệ về kinh tế. Hành động này nhằm tranh thủ hoà bình với Trung Quốc để tiến hành hợp tác thương mại với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ chính trị tại Biển Đông căng thẳng gây ra mối bất hoà giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, uy tín của Trung Quốc đối với khu vực này ngày càng đi xuống, các hiệp định mà Tổng thống Mã Anh Cửu ký kết với Trung Quốc không những không thể đưa uy tín của Đài Loan lên thang bậc mới như mong muốn mà còn tạo ra tình thế phụ thuộc kinh tế lớn hơn vào Trung Quốc. Vì vậy Mã Anh Cửu cũng không thành công trong kế hoạch tạo ra tam giác kinh tế trong khu vực.

Theo Viện nghiên cứu Mizuho (Nhật Bản), Đông Nam Á hiện đang có tốc độ phát triển nhanh chóng 10 . Đây cũng là khu vực thu hút đầu tư mạnh mẽ, tiềm năng phát triển lớn bởi sự thu hút mạnh mẽ về nguồn vốn đầu tư từ khắp thế giới. Đối với Đài Loan, Đông Nam Á không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế và còn có tầm ảnh hưởng đến cả văn hoá – chính trị. Khu vực này có số lượng di dân đến Đài Loan đông đảo bao gồm lực lượng lao động và hôn phối nước ngoài. Do đó, Đài Loan vẫn cần phải nghiên cứu về khu vực này một cách đầy đủ và đa chiều hơn để đưa ra các chính sách đối ngoại phù hợp nhằm mang lại lợi ích song phương 10 . Mặc dù chưa thành công như mong đợi nhưng với việc nỗ lực đưa Đài Loan đến gần với các nước Đông Nam Á, Chính sách hướng Nam chính là nền tảng và bài học kinh nghiệm lớn cho việc hoạch định Chính sách đối ngoại của Đài Loan, mà gần đây là Chính hướng Nam mới của Tổng thống Thái Anh Văn vào đầu năm 2016.

Sự hình thành Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, thế giới chứng kiến sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của Trung Quốc về kinh tế và ngoại giao [ 11 , tr.23-37]. Sự chuyển mình này không chỉ làm thay đổi ứng xử của một số nước lớn mà còn tạo ra những biến động đối với những quốc gia nhỏ và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các vùng lãnh thổ đang có mối liên hệ trực tiếp với Trung Quốc. Trong quan điểm của Trung Quốc, Đài Loan là một vùng lãnh thổ thuộc nước này và luôn có hành động gây sức ép về cả kinh tế và ngoại giao nhằm thống nhất quản lý về kinh tế và chính trị. Trước tác động đó, Đài Loan cần có những thay đổi về mặt chính sách nhằm củng cố lại vị trí trên bản đồ thế giới, đồng thời tranh thủ mở rộng quan hệ ngoại giao, tạo ra những “đồng minh mềm” từ việc sử dụng các công cụ ngoại giao vốn là thế mạnh của Đài Loan là kinh tế và giáo dục.

Chính sách hướng Nam mới được đưa ra ý tưởng từ cuối năm 2015 và được Tổng thống Thái Anh Văn nêu ra chính thức trong buổi lễ nhậm chức của mình vào tháng 5-2016. Theo đó, Chính sách này sẽ “ tạo điều kiện cho sự hiện diện của Đài Loan, liên kết với các khu vực này và tái định vị Đài Loan ở nhiều vị trí chiến lược hơn với ít rào cản chính trị hơn …” [ 12 , tr.47-68]. Với định hướng đó, Chính sách hướng Nam mới được hoạch định chi tiết với những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

+ Mục tiêu dài hạn: (1) Nuôi dưỡng liên kết giữa Đài Loan và ASEAN, Nam Á cũng như New Zealand và Úc trong những lĩnh vực quan hệ kinh tế và thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa; chia sẻ tài nguyên, tài năng và thị trường; và tạo ra một chế độ hợp tác mới nhằm tìm kiếm lợi ích chung, hợp tác đôi bên cùng có lợi và rèn giũa "ý thức cộng đồng kinh tế”; (2) Thiết lập cơ chế đàm phán và đối thoại trên phạm vi rộng; hình thành sự đồng thuận hợp tác với ASEAN và Nam Á cũng như New Zealand và Úc; giải quyết hiệu quả vấn đề bất đồng liên quan; dần xây dựng niềm tin lẫn nhau và ý thức cộng đồng.

+ Mục tiêu ngắn hạn và trung hạn: (1) Sử dụng kết hợp ý chí quốc gia, khuyến khích chính sách và cơ hội kinh doanh để thúc đẩy và mở rộng Trao đổi hai chiều trong các lĩnh vực quan hệ kinh tế và thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa và tài năng; (2) Hỗ trợ cho một mô hình mới để phát triển kinh tế, khuyến khích ngành công nghiệp áp dụng chiến lược hướng Nam mới trong kế hoạch di chuyển tiếp theo của họ; (3) Tu luyện nhiều người hơn với một số kỹ năng cần thiết để hỗ trợ Chính sách hướng Nam mới, từ đó giải quyết một nút thắt phát triển; (4) Mở rộng đàm phán và đối thoại đa phương và song phương để tăng cường hợp tác kinh tế và giải quyết những tranh chấp, bất đồng [ 12 , tr.47-68].

Chính sách hướng Nam mới đã đa dạng hơn trong mục tiêu hợp tác, kinh tế vẫn là lĩnh vực trọng tâm để dẫn đường cho các hợp tác sâu rộng hơn và đa dạng hơn, dần đưa trọng tâm ngoại giao giữa Đài Loan với quốc gia khác trở thành mối quan hệ hợp tác song phương thông qua trao đổi lợi ích thay vì cung cấp viện trợ một chiều như trước đây.

Về nội dung, Chính sách hướng Nam mới triển khai 4 điểm lớn: Hội nhập kinh tế và thương mại với khu vực; Giao lưu nhân dân; Hợp tác - trao đổi nguồn nhân lực; Định vị Đài Loan trong vai trò là thành viên tích cực trong việc đóng góp xây dựng và kết nối khu vực (giữa Đài Loan với Đông Nam Á, Nam Á, Úc, New Zealand) ... Đây cũng được xem là các điểm mới trong Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Thái Anh Văn so với Chính sách hướng Nam trước đây.

* Hội nhập kinh tế - thương mại với khu vực:

Nội dung hợp tác kinh tế mà Chính sách hướng Nam mới hướng tới bao gồm: (1) cập nhật và mở rộng thoả thuận chính thức với quốc gia mục tiêu, tập trung vào ký kết thoả thuận đầu tư song phương với các nước ASEAN, thoả thuận về thuế, hải quan và thoả thuận về tiêu chuẩn kỹ thuật – chất lượng với những quốc gia này. (2) Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong ngành công nghiệp để mở rộng sản xuất ra các nước mục tiêu của Chính sách hướng Nam mới; đồng thời thúc đẩy ngành nghề thế mạnh của Đài Loan như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… Nỗ lực giúp đỡ doanh nghiệp vừa và nhỏ để đủ sức cạnh tranh và đầu tư vào thị trường Đài Loan. (3) Sử dụng thế mạnh của Đài Loan về công nghiệp và ngành nghề khác để thúc đẩy phát triển tại các quốc gia mục tiêu Chính sách hướng Nam mới. (4) Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đài Loan nếu có nhu cầu mở rộng kinh doanh ra khu vực.

Với nỗ lực đó, quan hệ thương mại Đài Loan và một số nước trong khu vực đã đạt được những dấu hiệu tốt đẹp. Theo báo cáo của Văn phòng đàm phán thương mại (Office of Trade Negotiations - OTN) về kết quả sau ba năm thực hiện, tổng khối lượng thương mại giữa Đài Loan với các nước thuộc Chính sách hướng Nam mới đã tăng lên 117,1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018, tăng 22% so với năm 2016; trong khi đầu tư vào nước ngoài từ nhóm quốc gia này đã tăng 66% từ 230 triệu đô la Mỹ năm 2016 lên tới 390 triệu đô la Mỹ vào năm 2018. Cũng chỉ trong 3 năm từ 2016-2018, lượng sinh viên và thực tập sinh Đài Loan đi đến các nước thuộc trọng tâm Chính sách hướng Nam mới tăng 34,7%. Có tất cả 29 ký kết hợp tác giữa Đài Loan và những nước này trong ngành thương mại, giáo dục, bảo vệ môi trường, khoa học và công nghệ, đào tạo hành chính công (đào tạo cấp cao), nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác 13 . Đài Loan còn chú trọng tích hợp chuỗi cung ứng cho những ngành Công nghệ thông tin và truyền thông, ngành hóa dầu, nông nghiệp và dịch vụ tài chính. Đối với hỗ trợ tài chính, Đài Loan đang cung cấp quỹ bảo lãnh tín dụng và gia hạn song phương thỏa thuận đầu tư với 18 quốc gia đối tác, với mục đích cung cấp một môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan (TWSE) cũng đã ký thỏa thuận với nhiều sàn giao dịch khác ở Đông Nam Á nhằm thúc đẩy giao dịch chứng khoán trên toàn khu vực này.

Trong Chính sách hướng Nam trước đây, trọng tâm hợp tác chủ yếu ở việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đi các nước. Ngược lại, với Chính sách hướng Nam mới Đài Loan cho thấy một tầm nhìn rộng hơn, chú trọng vào nhu cầu phát triển của những quốc gia này. Từ đó, cung cấp điều kiện mà các quốc gia này cần để phục vụ cho quá trình phát triển, tạo ra mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn. Đây cũng được xem là một bước triển khai “quyền lực mềm”, tạo ảnh hưởng tới một số nước và khẳng định sự tồn tại tích cực của Đài Loan trong khu vực.

* Ngoại giao nhân dân:

Nếu như các nhiệm kỳ Tổng thống trước lấy mục tiêu ngoại giao cấp cao/ngoại giao chính phủ làm đòn bẩy thì trong Chính sách hướng Nam mới, Tổng thống Thái Anh Văn quyết định chọn hình thức Ngoại giao nhân dân (people to people) với mong muốn đặt mục tiêu phát triển về giáo dục và kinh tế lên hàng đầu. Điều này mang tới 2 khía cạnh lớn, có khả năng tạo nền móng vững chắc cho sự thành công của Chính sách hướng Nam mới:

Thứ nhất , khuyến khích sự tương tác giữa người dân Đài Loan với dân cư các nước thuộc 18 nước “hướng Nam”. Sự tương tác này đến từ việc trao đổi, giao lưu học sinh/sinh viên, thu hút du học sinh đến Đài Loan và khuyến khích người dân Đài Loan ra nước ngoài học tập.

Thứ hai , khuyến khích việc tìm về nguồn gốc mẹ đẻ của cư dân là thế hệ thứ hai của hôn phối giữa người Đài Loan với người nước ngoài. Đài Loan là lãnh thổ có số lượng lớn cô dâu đến từ những quốc gia Đông Nam Á, thế hệ thứ hai sinh ra từ hôn phối này hiện chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu dân số của hòn đảo này. Chính vì vậy, tăng cường giao lưu nhân dân chú trọng vào việc đào tạo thế hệ công dân mới về văn hoá và ngôn ngữ của quốc gia mẹ đẻ, đồng thời tạo điều kiện để bộ phận dân số này có dịp đến thăm quê hương thứ 2 của mình, giao lưu học hỏi, từ đó tạo ra một nền văn hoá đa dạng, nhiều màu sắc.

Trước đây, một trong những yếu tố mà các doanh nhân Đài Loan quyết định đầu tư vào thị trường Trung Quốc chính là sự tương đồng về văn hoá và ngôn ngữ. Với những nỗ lực trong ngoại giao nhân dân, Chính phủ Tổng thống Thái Anh Văn mong muốn phá bỏ được một rào cản lớn về văn hoá và ngôn ngữ giữa Đài Loan với các nước thuộc Chính sách hướng Nam mới. Điều này tạo thuận lợi cho hoạt động trao đổi về kinh tế, khoa học kỹ thuật và trao đổi nguồn nhân lực.

* Hợp tác trao đổi nguồn nhân lực:

Một trong những mục tiêu lớn của Chính sách hướng Nam mới là phát triển tài năng đến từ quốc gia thuộc chính sách này. Với nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu và cao cấp, Đài Loan đã triển khai thu hút nhân tài từ các quốc gia, nhằm tăng cường những mối quan hệ song phương và nâng cao chất lượng trong việc trao đổi văn hoá ở tầng lớp tri thức. Về tài chính, Bộ giáo dục Đài Loan công bố dành 1 tỷ Đài tệ để thực hiện chương trình thu hút học sinh/sinh viên và tầng lớp tri thức đến Đài Loan học tập. Ngoài ra, Chính phủ này cũng hỗ trợ triệt để trong vấn đề thủ tục visa, hỗ trợ việc làm và thời gian chờ xin việc đối với những người có nhu cầu ở lại Đài Loan sinh sống và làm việc.

Để thực hiện mục tiêu này, Đài Loan đã tiến hành củng cố và xây dựng thêm văn phòng đại diện tại quốc gia thuộc Chính sách hướng Nam mới. Những văn phòng này có nhiệm vụ kết nối và tạo ra luồng trao đổi sinh viên/nghiên cứu sinh giữa Đài Loan và các quốc gia sở tại. Nguồn nhân sự chất lượng cao sau khi được đào tạo không chỉ phục vụ cho quá trình phát triển của Đài Loan và quốc gia đối tác, mà còn giúp tạo ra một sự giao thoa về văn hoá, phá bỏ rào cản về ngôn ngữ, thói quen làm việc và nền tảng kiến thức/năng lực làm việc. Lực lượng này được xem như những “công dân chung” mang “giá trị Đài Loan” một cách phổ biến rộng rãi, giúp chủ thế quốc tế khác có sự nhận diện “bản sắc” Đài Loan rõ nét hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ đối tác song phương và đa phương giữa Đài Loan và các quốc gia trong khu vực.

* Tăng cường sự hiện diện Đài Loan với vai trò là thành viên tích cực trong việc đóng góp xây dựng và kết nối khu vực

Tổng thống Thái Anh Văn xác nhận rằng “Chính sách hướng Nam mới không phải là nỗ lực để đưa ra một tuyên bố chính trị hoặc đối đầu với Trung Quốc đại lục, mà là về việc thúc đẩy sự phát triển cùng có lợi trong khu vực…” (Nguyên văn: “ The New Southbound policy is not an attempt to make a political statement or compete with mainland China, but is about promoting mutually beneficial development in the region ” [ 14 , tr.22-23]). Điều này có thể hiểu vấn đề chính trị không chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động của Đài Loan trong Chính sách mới của Tổng thống Thái Anh Văn. Những hoạt động thuộc phạm vi Chính sách hướng Nam mới nếu không phải là mục tiêu kinh tế thì sẽ được hiểu đây là thái độ tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia, chú trọng xây dựng và phát triển khu vực. Đài Loan mong muốn thể hiện là một bên liên quan có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Mục tiêu chính của việc thúc đẩy Chính sách hướng Nam mới là đóng góp cho hòa bình và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo ra ý thức cộng đồng giữa tất cả quốc gia trong khu vực bằng việc tạo mỗi liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia trọng tâm của Chính sách này. Đài Loan sẽ tiếp tục tích cực tham gia hội nhập kinh tế khu vực và tìm kiếm thêm cơ hội tham gia vào một số thỏa thuận kinh tế, thương mại và đầu tư song phương hoặc đa phương. Nội dung thể hiện rõ trong những hoạt động trao đổi nhân lực, trao đổi tài nguyên, hợp tác kinh tế đã và đang được triển khai. Những hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Chính sách hướng Nam mới sẽ đan cài lợi ích giữa các nước với lợi ích về an ninh và phát triển khu vực. Qua đây có thể thấy tầm nhìn của Đài Loan trong việc triển khai chính sách đã có sự thay đổi, tạo nên vị thế mới cho hòn đảo này trong khu vực Châu Á –Thái Bình Dương trong tương lai.

Tác động của nội dung “Hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực” trong Chính sách hướng Nam mới đối với hợp tác giáo dục Đài Loan – Việt Nam

* Nền tảng hợp tác giáo dục Đài Loan - Việt Nam

Đài Loan có một nền giáo dục phát triển và được đánh giá cao trên thế giới. Theo công bố của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Đài Loan đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng giáo dục toán học và khoa học toàn cầu năm 2015 15 . Ngoài ra, Đài Loan có 51 trường được vào danh sách xếp hạng , trong đó Đại học Quốc gia Đài Loan (Taiwan National University –NTU) đứng thứ 69 trong bảng xếp hạng QS World University Ranking năm 2020 16 . Luật trường tư do Chính phủ Đài Loan ban hành cho phép trường đại học được chủ động về chương trình giảng dạy tạo sự thu hút đối với giảng viên là học giả từ nhiều quốc gia. Học phí thấp, nguồn học bổng dồi dào dành cho sinh viên quốc tế, bằng cấp được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới chính là ưu điểm giúp hòn đảo này thu hút nhiều du học sinh từ nhiều nước. Giáo dục được Chính phủ Đài Loan quy định như một ngành dịch vụ và sinh viên nước ngoài khi tới đây học tập sẽ được hưởng một dịch vụ học tập chuyên nghiệp, tài nguyên học liệu phong phú, chất lượng giảng dạy tiêu chuẩn quốc tế [ 17 , tr.44-58].

Những nhà máy của Đài Loan đặt tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động đáp ứng được yêu cầu đề ra. Để đáp ứng được nhu cầu này, lực lượng lao động không chỉ vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng mà còn vừa thỏa mãn yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp, ngôn ngữ và tác phong làm việc. Chính vì vậy, vấn đề hợp tác giáo dục giữa Đài Loan và Việt Nam được xem là nội dung quan trọng trong việc trở thành cơ sở để đào tạo một lượng lớn lao động cấp cao người Việt có trình độ phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư FDI Đài Loan, đồng thời có sự tương đồng về mặt ngôn ngữ (Tiếng Anh và tiếng Hoa). Điều này thúc đẩy mạnh mẽ vấn đề hợp tác kinh tế giữa Đài Loan và Việt Nam trong tương lai.

Về phía Việt Nam, Đại hội Đảng Cộng ản Việt Nam lần thứ IX (2001) đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế từ 2001-2010 với yêu cầu thoát khỏi tình trạng lạc hậu và cải thiện nhanh chóng tiêu chuẩn về vật chất, văn hoá - tinh thần của người dân, đạt tới công nghiệp hoá năm 2020. Bên cạnh việc cải thiện và thu hút môi trường đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh giáo dục trong nước – hợp tác giáo dục nước ngoài là hoạt động quan trọng nhằm đảm bảo nguồn cung về lao động một cách ổn định về cả chất và lượng. Với sự phù hợp về cả thực tế và trên phương diện chính sách của Đài Loan và Việt Nam, vấn đề hợp tác giáo dục đã được đẩy mạnh và ngày càng phát triển hơn để đáp ứng nhu cầu của cả hai bên.

Xem xét các văn bản đã ký kết có thể thấy Đài Loan và Việt Nam có cơ sở nền tảng hợp tác về Giáo dục – đào tạo. Những hợp tác nêu trên chủ yếu chú trọng vào đào tạo nghề và một số ít đào tạo nghiên cứu về Kỹ thuật và nông nghiệp và đa số chỉ mang tính một chiều: Đài Loan là nơi nhận đào tạo và Việt Nam là nơi cung cấp học viên. Với những nội dung của Chính sách hướng Nam mới, hợp tác giáo dục sẽ tạo ra những định hướng mới hơn về hình thức đào tạo, hình thức hợp tác cũng sẽ đa chiều hơn .

* Tác động của nội dung “hợp tác, trao đổi nhân lực” thuộc “Chính sách hướng Nam mới” đối với hợp tác giáo dục Đài Loan - Việt Nam

Nếu như Chính sách hướng Nam do Tổng thống Lý Đăng Huy và Trần Thuỷ Biển lấy tầng lớp thương nhân và chính trị gia từ cấp Bộ trưởng trở xuống làm lực lượng chủ chốt triển khai - thực hiện chính sách thì đối với Tổng thống Thái Văn Anh, Chính sách hướng Nam mới được phát động ở cấp cao nhất là Chính phủ Đài Loan, đồng thời lấy nhân dân làm trọng tâm và tập trung vào yếu tố con người. Điều này sẽ tạo được một sức mạnh liên kết giữa người dân và chính phủ Đài Loan. Theo đó, Đài Loan sẽ có nhiều kế hoạch chính sách cụ thể hơn trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ giữa người dân Đài Loan với người dân các nước Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, sẽ có nhiều học bổng hơn cho sinh viên từ các quốc gia Nam và Đông Nam Á đến học tại Đài Loan.

Những kế hoạch, chính sách khác bao gồm đào tạo thêm chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á tại Đài Loan và khuyến khích sinh viên Đài Loan học tập tại Việt Nam và Đông Nam Á. Trong khi mối liên kết truyền thống với cộng đồng người Hoa - Đài Loan ở Đông Nam Á sẽ không bị cắt đứt, trọng tâm của những sáng kiến ​​giáo dục nhân dân và giáo dục mới này dường như chú ý nhiều hơn đến những người không phải là người Trung Quốc ở Nam và Đông Nam Á. Đài Loan sẽ tận dụng những thành tựu về khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp và y tế công cộng để thúc đẩy hợp tác với các quốc gia ở Việt Nam và Đông Nam Á. Và trong quá trình đó, giúp thúc đẩy sức mạnh mềm của Đài Loan như cũng như “thương hiệu" của Đài Loan. Tổng thống Thái Văn Anh cũng cam kết việc Đài Loan tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á sẽ không thay đổi ngay cả khi Đông Nam Á không thể công khai công nhận chủ quyền độc lập cho hòn đảo này.

Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Thái Anh Văn bắt đầu được triển từ năm 2016 và hiện vẫn đang được tiếp tục thực hiện, chính vì vậy việc đánh giá về mức độ thành công của nó tại thời điểm này sẽ chưa thể cho kết quả chính xác. Tuy nhiên, nội dung “hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực” trong Chính sách hướng Nam mới đối với hợp tác giáo dục giữa Đài Loan và Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định. Những thành tựu về hợp tác giáo dục giữa Đài Loan và Việt Nam không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên mà còn thể hiện rõ vai trò quan trọng của Việt Nam trong Chính sách đối ngoại của Đài Loan, đặc biệt là vai trò làm cầu nối giữa Đài Loan với các nước Đông Nam Á và Châu Á, trong lĩnh vực giáo dục cũng như lĩnh vực khác.

Đối với Việt Nam, sự điều chỉnh trong Chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Thái Anh Văn đã có một số tác động tới hợp tác giáo dục Đài Loan –Việt Nam nói riêng và những mối quan hệ hợp tác khác giữa hai bên. Nội dung “hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực” của Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan không chỉ tạo động lực phát triển tốt hơn cho quan hệ hợp tác đã có từ trước đến nay mà còn tạo tiền đề cho những hình thức hợp tác mới trong hiện tại và tương lai, đặc biệt là trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực cao cấp –thành phần cốt lõi tạo động lực phát triển của các quốc gia, lãnh thổ.

Đối với Đài Loan, trong bối cảnh đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự cô lập ngoại giao do tranh chấp với Trung Quốc, nội dung “hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực” được đưa ra như một giải pháp ngoại giao không chính thức nhằm giúp lãnh thổ này tranh thủ mở rộng mối quan hệ ngoại giao từ những chủ thể quan hệ quốc tế khác, đồng thời giữ được những mối quan hệ đã có trước đây. Với chính sách này, sự hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế không bị mất đi do sức ép ngoại giao từ Trung Quốc. Việc cung cấp nhân lực cấp cao với số lượng lớn sẽ tạo tiền đề thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam, mang lại nhiều điểm thuận lợi trong việc phát triển kinh tế -văn hóa -xã hội cho cả hai bên.

Những tác động này được thể hiện cụ thể qua một số yếu tố được đo đếm khi so sánh từ trước và sau khi những nội dung về “hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực” được Đài Loan triển khai đối với Việt Nam:

- Thứ nhất, tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Đài Loan: Tác động dễ nhận thấy nhất là du học sinh Việt Nam tại Đài Loan tăng nhanh về mặt số lượng. Theo thống kê của Bộ giáo dục Đài Loan, năm 2017 có tổng cộng 117.970 sinh viên nước ngoài học tập ở vùng lãnh thổ này, tăng 0,9% so với năm 2016. Trong đó có 37.999 người đến từ những nước mà Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan nhắm tới. Cụ thể, trong số 37.999 du học sinh nói trên, có 7.399 sinh viên đến từ Việt Nam, tăng 54% so với năm 2016 18 . Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm thực hiện hoạt động từ Chính sách hướng Nam mới, lượng du học sinh Việt Nam tại Đài Loan đã tăng lên nhanh chóng. Con số 7.399 sinh viên năm 2017 cũng thể hiện một thay đổi lớn về hợp tác giáo dục Đài Loan –Việt Nam trong vòng 10 năm khi mà con số năm 2007 chỉ mới 1276 sinh viên.

- Thứ hai, mở rộng hình thức hợp tác giáo dục : Tác động thứ hai của nội dung “hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực” là sự tích cực trong việc hợp tác giữa các trường học của Đài Loan và Việt Nam tạo ra hình thức hợp tác giáo dục tại Việt Nam và cấp bằng của Đài Loan.

Bên cạnh đó, việc công nhận bằng cấp lẫn nhau giữa hai nền giáo dục được xem là điểm mới trong việc hợp tác giáo dục Việt Nam –Đài Loan vào những năm gần đây. “Hiệp định công nhận lẫn nhau về chương trình đào tạo và văn bằng giáo dục đại học Đài Loan-Việt Nam” là một bước tiến mới nhằm thể hiện sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục, mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho công dân của cả Đài Loan và Việt Nam trong tương lai.

- Thứ ba, phối hợp giáo dục thế hệ công dân mới Đài Loan thế hệ thứ 2: Công dân mới người Đài Loan thế hệ thứ 2 chính là con của người nước ngoài có hôn phối với người Đài Loan. Trong chiến lược thực hiện của Chính sách hướng Nam mới, bà Thái Văn Anh đã đưa ra kế hoạch thúc đẩy việc tìm về các quốc gia Đông Nam Á, nơi là nguyên quán của bố/mẹ của Công dân mới của Đài Loan. Thống kê của Bộ Nội chính Đài Loan cho thấy trong vòng 30 năm Đài Loan có 124.154 người hôn phối nước ngoài (có vợ hoặc chồng không phải người Đài Loan). Từ năm 2005-2008, Đài Loan có 8.000 đến 10.000 phụ nữ Việt Nam nhập quốc tịch Đài Loan theo hình thức kết hôn mỗi năm, cho đến nay con số này vẫn tiếp tục tăng và tạo ra một thế hệ Công dân mới là con lai giữa người Đài Loan và người Việt Nam 19 .

Đài Loan đã cho nghiên cứu thành công giáo trình Tiếng Việt tập 1 và tập 2 dành cho lứa tuổi tiểu học và đưa môn Tiếng Việt vào giảng dạy tại trường học phổ thông như một ngôn ngữ thứ 2 nhằm giúp thế hệ này có thể tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam – quê hương thứ hai của thế hệ công dân mới của Đài Loan, được sinh ra từ hôn phối giữa người Đài Loan và người Việt Nam. Để thực hiện được dự án này, Bộ Giáo dục Đài Loan cùng với các cơ sở giáo dục được cấp phép dạy Tiếng Việt tại Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ dưới nhiều hình thức: trao đổi giảng viên, gửi giáo viên Việt Nam sang Đài Loan dạy tiếng Việt, gửi giáo viên Đài Loan tới Việt Nam để học về nghiệp vụ trong đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy hợp tác giáo dục giữa Đài Loan và Việt Nam đang có một số bước tiến mới.

Ngoài ra, Đài Loan cũng ký kết bản ghi nhớ hợp tác “Trao đổi giáo dục Đài Loan-Việt Nam” nhằm trao đổi hợp tác về giáo dục 2 bên, đồng thời phối hợp trong vấn đề đào tạo cho thế hệ công dân mới của Đài Loan –Việt Nam để giúp thế hệ này tìm hiểu về quê hương thứ hai của các em, cũng là hình thức để đưa du học sinh người Đài Loan đến Việt Nam học tập theo “Kế hoạch trung hạn 5 năm phát triển giáo dục cho con em cư dân mới (2016-2020)” 20 .

Kết luận

Hợp tác giáo dục Đài Loan –Việt Nam trên thực tế đã có nền tảng trong khoảng thời gian dài, lĩnh vực hợp tác và số lượng hợp tác cũng ngày càng được mở rộng. Với sự tác động mạnh mẽ của Chính sách hướng Nam mới, mối quan hệ này sẽ ngày càng phát triển hơn nhằm đạt được mục tiêu hợp tác, trao đổi nguồn nhân lực giữa Đài Loan và Việt Nam. Đây là mối quan hệ mang lại lợi ích cho cả hai bên: Đài Loan có nền giáo dục tiên tiến, phù hợp với nhu cầu nâng cao chất lượng lao động của Việt Nam thời kỳ này. Việt Nam là một quốc gia có uy tín đối với cộng đồng ASEAN, việc hợp tác tốt với Việt Nam sẽ là lựa chọn sáng suốt của Đài Loan nhằm tiến gần hơn đến hợp tác đa phương với ASEAN trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Để tận dụng được tối đa nguồn lực trong lĩnh vực giáo dục, Đài Loan và Việt Nam cần hệ thống lại một cách đầy đủ những văn bản đã ký kết, đo lường về tính hiệu quả của các chương trình hợp tác và đưa ra những hình thức hợp tác hiệu quả hơn để mang lại lợi ích song phương.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ trở thành “cửa ngõ” quan trọng để Đài Loan đạt được các hợp tác với ASEAN. Với bối cảnh quốc tế có nhiều biến động lớn, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của thế giới, hợp tác giáo dục giữa Đài Loan - ASEAN ngày càng hiệu quả và tạo ra sức mạnh nội tại cho khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ASEAN (Association of Southeast Asian Nations): Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

OECD (Organization for Economic Co-operation and Development): Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

TWSE (Taiwan Securities Exchange): Sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan

NSP (New Southbound Policy): Chính sách hướng Nam mới

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

- Bài báo tập trung phân tích những nội dung cơ bản trong Chính sách hướng Nam mới của vùng lãnh thổ Đài Loan công bố vào năm 2016 cùng những định hướng triển khai đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

- Trên cơ sở đó, bài báo giới thiệu về quá trình hợp tác giáo dục giữa Đài Loan và Việt Nam trong bối cảnh triển khai Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan, trong đó tập trung phân tích kết quả hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa Đài Loan và Việt Nam như một trường hợp điển hình (case study).

References

  1. M. Xuân. Tìm hiểu chính sách đối ngoại của Đài Loan giai đoạn (1949-1970). Nghiên cứu Đông Bắc Á. 2008;4(86):14-19. Google Scholar
  2. San W.Y.. Foreign Policy of the Republic of China on Taiwan: an Unorthodox Approach. New York: Praeger. 1990;:. Google Scholar
  3. Chen J.. Foreign Policy of the New Taiwan: Pragmatic Diplomacy in Southeast Asia. London: Edward Elgar. 2002;:. Google Scholar
  4. N.C. Bing. Taiwan’s Go South Policy: Déjà vu All Over Again?. Contemporary Southeast Asia: A Journal of International and Strategic Affairs. 2017;39(1):96-126. Google Scholar
  5. Jacobs B., Liu I.B.. Lee Teng-hui and idea of “Taiwan”. The China Quarterly. 2017;190:375-393. Google Scholar
  6. Tsang S.. Taiwan and the International Community. Bern: Peter Lang. . 2008;:. Google Scholar
  7. Sullivan J., Lowe W.. Chen Shui-bian: On Independence. The China Quarterly. 2010;(203):619-638. Google Scholar
  8. Mỹ L.V.. Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hai mươi năm đầu thế kỷ XXI. Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội. 2011;:. Google Scholar
  9. 廖顯謨. 馬政府「活路外交」與「外交休兵」的政治謎思.國立研究季刊, 第11卷,第4期. . 2015;:179-199. Google Scholar
  10. [truy cập 2/9/2019]. . ;:. Google Scholar
  11. G.J. Ikenberry. The raise of China and the Future of the West, Can the Liberal System Survive?. Foreign Affairs. 2008;87(1):23-37. Google Scholar
  12. K. Huang. Taiwan’s New Southbound Policy: Background, Objectives. Revista UNISCI / UNISCI Journal. 2017;46:47-68. Google Scholar
  13. Marston H., Bush R.C.. Taiwan’s Engagement With Southeast Asia is Making Progress under the New Southbound Policy, Taiwan-U.S. Quarterly Analysis, Monday. 2018;:. Google Scholar
  14. Tuyên bố của Tổng thống Thái Anh Văn trong văn bản hướng dẫn về Chính sách hướng Nam mới: “The New Southbound policy is not an attempt to make a political statement or compete with mainland China, but is about promoting mutually beneficial development in the region”. Xem Office of Trade Negotiations, executive Yuan (2017), An introductory guide to Taiwan’s New Southbound policy, Bureau of Foreign Trade, Ministry of Economic Affairs. ;:22-23. Google Scholar
  15. Kao E.. Taiwan placed 4th in OECD global education ranking. [truy cập ngày 18/8/2019]. . 2015;:. Google Scholar
  16. National Taiwan University ranking. . 2019;:. Google Scholar
  17. Chí N.H.. Dòng chảy du học Việt Nam. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Kỷ yếu hội thảo Quốc tế lần thứ 4, Khoa Việt Nam học. 2013;:. Google Scholar
  18. Cheung H.. New Southbound Policy: Minister confident on policy progress. Taipei Times, [truy cập 7/8/2019]. 2018;:. Google Scholar
  19. Kênh thông tin Chính sách hướng Nam mới, Thống kê hôn phối nước ngoài của Đài Loan 2018, Nguồn Central News Agency. [truy cập ngày 05/4/2020]. . ;:. Google Scholar
  20. Kênh thông tin Chính sách hướng Nam mới, Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác “Trao đổi giáo dục Đài Loan -Việt Nam”. Nguồn Ministry of Education. [truy cập ngày 05/4/2020]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 3 (2020)
Page No.: 461-470
Published: Sep 20, 2020
Section: Reviews - Science Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i3.570

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Dao, P. T. A. (2020). Taiwan’s new southbound policy: the cooperation and exchanges of human resources and the impacts on the education cooperation between Taiwan and Vietnam. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 4(3), 461-470. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i3.570

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 808 times
Download PDF   = 329 times
View Article   = 0 times
Total   = 329 times