VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

1728

Total

976

Share

The mission of the Khuc family from the perspective of meeting the requirements of Vietnamese history from the end of the 9th century to the end of the 10th century






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

From the overarching vision of the historical movement in a transitional period of national independence from the end of the 9th century to the end of the 10th century and based on the objective criterion which is the degree of meeting the then historical requirements of historical figures, the article analyzes and evaluates the mission stature of Khuc Thua Du, Khuc Thua Hao and Khuc Thua My in the struggle to regain national independence of Vietnam in the early 10th century. Specifically, the article analyzes the historical requirements for Vietnam's independence and autonomy in the early 10th century as well as the fulfillment of those requirements by Khuc Thua Du, Khuc Thua Hao and Khuc Thua My. Thereby, the article suggests some comments to evaluate the contribution of these characters to Vietnamese history. At the same time, with an overview of the historical evolution of anti-aggression activities to protect Vietnam’s national independence in the next period during the 10th century, the article does some analysis to clarify the profound impacts of the mission of the Khuc family in the encouragement to separate Vietnam from the orbit of Chinese dependency at that time.


From these analyses, the article comes to a remark that the great mission to separate Vietnam from Chinese dependency was not of a single person or of a family line but of the entire nation during the 10th century. On the basis of the stepping stone of that transitional century, from the 11th century, the history of Vietnam could turn into a gorgeous page of independence and autonomy, and brilliant development in the next period.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cho đến nay các nghiên cứu về sự nghiệp của họ Khúc đầu thế kỷ X đã khá phong phú và được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Nhìn chung các đánh giá về sự nghiệp của họ Khúc là khá tích cực và thống nhất 1 .Tài liệu ghi chép đương thời của phong kiến phương Bắc cũng như các nhận xét của sử sách phong kiến hậu thế về sự nghiệp của họ Khúc là những bằng cứ lịch sử quan trọng, nhưng tiếc là chúng khá ít ỏi sơ sài, hơn nữa lại còn tùy thuộc vào nhận định chủ quan của người ghi chép. Vì vậy, vẫn cần có thêm những phân tích đánh giá sự nghiệp của họ Khúc trong một tầm nhìn bao quát của sự vận động lịch sử trong cả một thời kỳ quá độ giành lại độc lập dân tộc từ cuối thế kỉ IX đến hết thế kỉ X. Mặt khác, để đánh giá một nhân vật lịch sử và sự nghiệp của họ thì tiêu chí quan trọng là mức độ đáp ứng của nhân vật đó cũng như sự nghiệp của họ với yêu cầu của lịch sử đương thời. Mức độ đáp ứng yêu cầu này cao hay thấp sẽ quy định thang đánh giá về họ.

Với tầm nhìn và quan điểm như vậy, chúng tôi muốn góp thêm một ý kiến nữa phân tích đánh giá tầm vóc của sự nghiệp họ Khúc dưới góc độ đáp ứng yêu cầu của lịch sử.

Những yêu cầu lịch sử cho vấn đề giành quyền độc lập tự chủ của nước ta đầu thế kỷ X và việc đáp ứng các yêu cầu đó của Khúc Thừa Dụ.

Dòng chảy chính của lịch sử Việt Nam trong 10 thế kỷ Bắc thuộc xoay quanh mâu thuẫn xã hội cơ bản giữa một bên là phong kiến phương Bắc đô hộ và một bên là toàn thể dân tộc ta bị chúng cai trị và đồng hóa. Mâu thuẫn đó đã khiến cho trong suốt thời Bắc thuộc, trên nhiều khu vực của đất nước, với nhiều quy mô khác nhau, những cuộc nổi dậy của nhân dân ta chống lại ách đô hộ đã liên tiếp bùng nổ. Dù nhiều lần các cuộc nổi dậy này đã giành được thắng lợi, thậm chí có lúc giành lại được chủ quyền đuổi được quân đô hộ ra khỏi bờ cõi, nhưng cuối cùng tất cả đều bị thất bại. Do vậy cho đến đầu thế kỷ X mâu thuẫn cơ bản của xã hội Bắc thuộc vẫn chưa được giải quyết, yêu cầu giành lại quyền độc lập tự chủ cho dân tộc vẫn là yêu cầu quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam.

Mặc dù các cuộc nổi dậy chống ách đô hộ thời Bắc thuộc trước thế kỷ X đều bị đàn áp và thất bại nhưng thành quả của những sự quật khởi kiên cường đó của người Việt không mất đi. Đó không chỉ là ý chí bất khuất không cam chịu thân phận bị nô dịch, bị đồng hóa mà còn là sự trưởng thành về bản lĩnh cũng như kinh nghiệm đối phó với kẻ thù. Ý chí và kinh nghiệm này được tích lũy trở thành truyền thống, thành một hành trang tinh thần quý giá của người Việt trong cuộc đấu tranh sinh tử giành lại quyền độc lập tự chủ thời Bắc thuộc. Đó cũng chính là điều kiện tư tưởng quan trọng để mâu thuẫn cơ bản của xã hội Bắc thuộc được giải quyết khi cơ hội cứu nước xuất hiện.

Về phương diện xã hội, trên cơ sở kết cấu kinh tế của công xã nông thôn thời Bắc thuộc, một tầng lớp hào trưởng đã hình thành và phát triển với tư cách là một tầng lớp có của và là thủ lĩnh của các dòng họ lớn. Họ xây dựng lực lượng, gầy dựng thanh thế, cát cứ ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, các hào trưởng này giữ một vai trò quan trọng trong xã hội An Nam. Trước bộ máy cai trị đô hộ, họ xuất hiện như những đại biểu của dân chúng bản địa, họ có ảnh hưởng mạnh mẽ và thao túng các vùng địa phương họ quản giữ. Sự trỗi dậy của tầng lớp thổ hào này ở giai đoạn cuối Bắc thuộc đã đáp ứng điều kiện xã hội về giai cấp lãnh đạo cho sứ mệnh giành lại quyền độc lập tự chủ của dân tộc 2 .

Các tư liệu và các phân tích về bối cảnh lịch sử của Trung Quốc và An Nam từ cuối thế kỷ IX đã cho thấy nhà Đường rơi vào tình thế suy vong, thế sự Trung Quốc hỗn loạn rối ren, hệ thống cai trị đô hộ ở An Nam suy sụp. Thời cơ thuận lợi để nước ta giành lại quyền độc lập tự chủ đã xuất hiện.

Yêu cầu cấp bách của lịch sử Việt Nam lúc đó là: Cần phải có một thủ lĩnh có đủ ý chí quyết tâm cứu nước, đủ bản lĩnh, mưu lược, đủ uy tín và ảnh hưởng trong dân chúng, có thể tận dụng được thời cơ thuận lợi để lãnh đạo nhân dân giành lại quyền độc lập chủ quyền từ tay bọn đô hộ.

Yêu cầu này là cấp bách vì cơ hội khá mong manh. Sở dĩ như vậy là vì dù có nhiều thuận lợi từ sự tan rã và mâu thuẫn nội bộ của kẻ thù nhưng Trung quốc vẫn là nước lớn và rất nhất quán về ý chí xâm lược, đồng hóa Việt Nam. Sự sụp đổ của nhà Đường không phải là sự sụp đổ của phong kiến Trung Quốc lại càng không phải là sự giảm thiểu dã tâm và tham vọng đô hộ nước ta của phong kiến phương Bắc. Do đó nếu không kịp thời nắm bắt thì chắc chắn khi kẻ thù dàn xếp xong sự hỗn loạn của nội bộ, củng cố lại nền thống trị, cơ hội sẽ vượt qua tầm tay. Tính cấp bách của cơ hội vì vậy đòi hỏi thủ lĩnh phải là người đã chuẩn bị sẵn sàng về tâm thức và lực lượng, là người có đủ uy tín tạo được sự đoàn kết ủng hộ trong nội bộ và trong dân chúng, đồng thời cũng phải là người có đủ bản lĩnh và mưu lược hiểu rõ tình hình, chọn đúng thời điểm hành động thì mới có cơ may thành công. Xét như vậy, Khúc Thừa Dụ quả là một nhân vật đáp ứng xuất sắc các yêu cầu đó:

Trước hết là đáp ứng yêu cầu về vị thế khi khởi nghiệp

Sử cũ ghi rõ: họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu. Thừa Dụ tính khoan hòa hay thương người được dân chúng suy tôn 3 . Như vậy trước khi khởi nghiệp, Khúc Thừa Dụ đã là một hào trưởng của dòng họ lớn có thanh thế. Đạo đức uy tín và lòng thương dân của ông đã khiến ông có được ảnh hưởng rộng rãi với dân chúng. Có thể nói đây là nền tảng quan trọng cho sự nghiệp của Khúc Thừa Dụ.

Bên cạnh đó, xét về logic nếu không có vị thế đó, Khúc Thừa Dụ dù trong một hoàn cảnh thuận lợi như thế nào cũng không dễ tự xưng là Tiết độ sứ bởi vì Khúc Thừa Dụ lúc đó chỉ là một hào trưởng của một trong các dòng họ lớn ở An Nam. Nếu Khúc Thừa Dụ không có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội thì chắc chắn các dòng họ khác cũng như toàn thể dân chúng khó có thể đồng thuận ủng hộ việc ông tự đứng ra quản lý đất nước. Lịch sử không ghi nhận dấu hiệu nào cho thấy nhân dân hoặc các dòng họ khác phản đối hay tranh chấp vị trí Tiết độ sứ lúc đó của Khúc Thừa Dụ.

Mặt khác, nếu Khúc Thừa Dụ không phải là người có đủ thanh thế và có ảnh hưởng ở xã hội An Nam thì nhà Đường dù đã rất suy yếu cũng không dễ dàng và nhanh chóng hợp thức hóa vai trò Tiết độ sứ của Khúc Thừa Dụ. Thậm chí một thời gian ngắn sau đó năm 906 nhà Đường còn gia phong thêm cho ông chức Đổng Bình chương sự 3 .

Thứ hai, Đáp ứng yêu cầu về chuẩn bị chu đáo trước khi thời cơ tới và chọn đúng thời cơ.

Sử sách hầu như không có ghi chép cụ thể nào về sự chuẩn bị của Khúc Thừa Dụ trước khi khởi sự nhưng kết quả đạt được trong các hành động của ông cho thấy đó chỉ có thể là kết quả của một sự chuẩn bị kỹ càng chu đáo.

Trong bối cảnh lịch sử lúc đó có thể thấy Khúc Thừa Dụ là đại biểu xuất sắc của tầng lớp hào trưởng yêu nước. Ông đã tiếp nhận đầy đủ tinh thần và khí phách bất khuất không chịu kiếp sống nô lệ từ các cuộc nổi dậy chống đô hộ trước đó. Có lẽ từ lâu trước khi khởi sự, ông đã tập trung tinh lực cho sự nghiệp cứu nước. Không có tâm thế đó thì khi thời cơ đến, Khúc Thừa Dụ không thể ngay lập tức quyết đoán tự xưng là Tiết độ sứ và đương đầu với những trọng trách lịch sử to lớn như vậy.

Mặt khác, chúng ta cũng biết rằng, cơ hội giành lại quyền độc lập đã xuất hiện từ thế kỷ IX khi nhà Đường suy yếu và sự cai trị ở An Nam bị buông lỏng. Trên thực tế nhiều cuộc nổi dậy chống chính quyền đô hộ do các hào trưởng của An Nam lãnh đạo đã bùng nổ, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Dương Thanh (819-820) 4 . Những cuộc khởi nghĩa này đánh dấu sự suy sụp của hệ thống cai trị nhà Đường ở An Nam nhưng sự thất bại của nó cũng cho thấy, việc vượt qua được sự đàn áp tái thống trị của chính quyền đô hộ vẫn còn là một vấn đề nan giải bởi vì tuy chúng có suy yếu nhưng chưa hoàn toàn tan rã.

Là người đi sau, Khúc Thừa Dụ đã sáng suốt không khởi sự vào thời điểm chưa thật thuận lợi. Phải đến khi kẻ đô hộ suy yếu đến mức không còn có thể cai trị như cũ được nữa. Đó là lúc các viên quan đô hộ An Nam sau Tăng Cổn như Cao Mậu Khanh (882), Tạ Triệu (884) Lý Kế Chiêu (901) Chu Toàn Dục (904) chỉ nhận chức hình thức mà không đến An Nam thì khoảng trống quyền lực tại An Nam mới thực sự xuất hiện và thời cơ mới chín muồi. Chính lúc đó Khúc Thừa Dụ quyết định hành động và ông đã thành công. Thành công của Khúc Thừa Dụ không thể là sự ăn may mà chỉ có thể là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, theo dõi thời cuộc sát sao và một tâm thế sẵn sàng hành động.

Minh chứng rõ ràng hơn cho việc chuẩn bị kỹ lưỡng của Khúc Thừa Dụ chính là thắng lợi chiếm thành Tống Bình. Việc chọn đúng địa điểm chiến lược là thành Tống Bình để khởi sự đã cho thấy nhãn quan quân sự đúng đắn của Khúc Thừa Dụ. Thắng lợi triệt để và nhanh chóng của chiến công này không chỉ vì nó được thực thi vào thời điểm chín muồi thuận lợi mà còn vì đó là kết quả của một sự chuẩn bị chu đáo nằm trong chiến lược đã được suy tính của một thủ lĩnh tài giỏi mưu lược là Khúc Thừa Dụ.

Những yêu cầu lịch sử và sự kế tục xuất sắc của Khúc Thừa Hạo

Năm 907 Khúc Thừa Dụ mất. Trọng trách đặt lên vai Khúc Thừa Hạo là phải tiếp tục kế nghiệp giữ vững thành quả trong bối cảnh lịch sử khó khăn và phức tạp hơn nhiều.

Trước hết, chức vị Tiết độ sứ của Khúc Thừa Hạo không còn được thuận lợi như thời Khúc Thừa Dụ. Mặc dù năm 907 sau khi Khúc Thừa Dụ mất, nhà Lương thay thế nhà Đường đã chấp nhận “khởi phục” phong cho Khúc Thừa Hạo làm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ nhưng năm 908 nhà Lương lại phong cho Lưu Ẩn bấy giờ đang là Thanh hải quân Tiết độ sứ, kiêm thêm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ như họ Khúc 3 . Sự mập mờ xảo quyệt này khiến cho ngôi vị Tĩnh hải quân Tiết độ sứ của Khúc Thừa Hạo rơi vào thế cạnh tranh. Việc tận dụng ưu thế hợp pháp hóa quyền cai quản vùng đô hộ như thời Khúc Thừa Dụ không còn trọn vẹn nữa. Sử cũ chép Nhà Lương cho Tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ, ít lâu sau phong Nam Bình Vương. Lúc đó Ẩn chiếm giữ phiên ngung, người Giao Châu là Khúc Hạo giữ trị sở châu xưng là Tiết độ sứ. Họ chỉ muốn thôn tính nhau 5 .

Thứ hai, nguy cơ xâm lược từ phương Bắc vẫn rất to lớn và nghiêm trọng. Cục diện Ngũ đại thập quốc của Trung Quốc lúc đó tạo ra tình thế: kẻ thù xâm lược sẽ không chỉ là chính quyền phong kiến trung ương Trung quốc mà còn là các thế lực cát cứ khác của Trung quốc, đặc biệt là các thế lực cát cứ ở phía Nam gần An Nam.

Yêu cầu lịch sử bảo vệ thành quả độc lập tự chủ đã giành được lúc đó buộc thủ lĩnh phải là người có bản lĩnh và mưu lược, hiểu rõ tình thế, hiểu rõ kẻ thù để có một kế sách phù hợp: Một mặt, phải tiến hành được một đường lối ngoại giao mềm dẻo, cân bằng với những thế lực cát cứ cận kề và chính quyền phong kiến trung ương Trung Quốc để hòa hoãn các mâu thuẫn. Mặt khác, phải tích cực củng cố và phát triển nội lực cho đất nước.

Trên thực tế, Khúc Thừa Hạo đã cố gắng thực hiện các yêu cầu lịch sử này:

Về đối ngoại, Khúc Thừa Hạo đã kế tục cha giữ mối quan hệ đồng minh chính trị với thế lực Sở của Mã Ân khi đó đang kiểm soát các tuyến giao thông từ An Nam vào nội địa Trung Quốc. Nhờ đó họ Khúc vẫn cử được sứ giả đến Lạc Dương và Khai Phong duy trì quan hệ ngoại giao với chính quyền nhà Lương và sau này là nhà hậu Lương. Với kẻ thù nhiều dã tâm xâm lược nhất là Nam Hán, Khúc Thừa Hạo đã cử con trai là Khúc Thừa Mỹ sang đó làm sứ giả giao thiệp, kết mối hòa hảo nhưng thực chất là dò xét tình hình thực hư 3 .

Đặc biệt Khúc Thừa Hạo đã xuất sắc tiến hành những cải cách kinh tế, xã hội quan trọng đáp ứng yêu cầu củng cố và phát triển nội lực của đất nước.

Cải cách của Khúc Thừa Hạo được chép trong Khâm định việt Sử thông giám cương mục như sau: Khúc Hạo nhờ vào cơ nghiệp cũ giữ lấy thành, tự xưng Tiết độ sứ, chia đặt các bộ, phủ, châu và xã ở các xứ. Đặt ra Chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng, bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên quê quán giao cho Giáp trưởng trông coi. Chính sự cốt khoan dung giản dị nhân dân đều được an vui 3 .

Đã có nhiều nghiên cứu và đánh giá tích cực về các cải cách này của Khúc Thừa Hạo 1 . Kế thừa các ý kiến đó, từ góc độ xem xét việc đáp ứng yêu cầu lịch sử, chúng tôi muốn phân tích thêm:

Cải cách của Khúc Thừa Hạo phát huy cao tính độc lập tự chủ để phát triển đất nước.

Tính độc lập tự chủ của một chính quyền không chỉ ở việc xưng danh vương hay đế mà ở chỗ có thể thực hiện được quyền hạn cao nhất là quyền lập pháp, nghĩa là: bãi bỏ hệ thống cũ, chính sách cũ, xây dựng hệ thống mới, thực thi chính sách mới theo ý chí của nhà cầm quyền mới. Cải cách của Khúc Thừa Hạo đã thể hiện rõ vấn đề này.

Cụ thể về hành chính , cải cách của Khúc Thừa Hạo đã thay đổi hệ thống khung xương hành chính của chính quyền đô hộ, vươn sự quản lý tới tận làng xã. Dưới thời thuộc Đường chính quyền đô hộ xây dựng theo hệ thống các cấp: Châu - Huyện - Hương – Xã nhưng trên thực tế chính quyền đô hộ chỉ nắm tới cấp huyện chứ chưa thể với tới cấp xã. Khúc Thừa Hạo đã đổi h ương thành giáp, đứng đầu có chức danh Quản giáp và Phó tri giáp. Ngoài các hương cũ đổi thành giáp, họ Khúc còn đặt thêm nhiều giáp mới, tất cả có 314 giáp, bên dưới giáp là các xã có chức quản lý là: chánh lệnh trưởng, tá lệnh trưởng và giáp trưởng 6 .

Về mặt xã hội, cải cách thực thi quản lý con người khá chặt chẽ, các xã đều lập sổ hộ khẩu ghi rõ họ tên quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi.

Như vậy về hành chính, cải cách Khúc Thừa Hạo tạo một hệ thống hành chính mới xuyên suốt từ trung ương đến làng xã với quy cách quản lý cụ thể và sát sao hơn thời chính quyền đô hộ. Hệ thống hành chính mới thể hiện ý chí của nhà cầm quyền mới:

- Đảm bảo sự lãnh đạo của chính quyền trung ương có thể tới tận làng xã nơi mà hơn 1000 năm Bắc thuộc, phong kiến phương Bắc không thể với tới. Bởi vì chính làng xã - tế bào cơ sở của xã hội An Nam mới là nơi chứa đựng hồn cốt văn hóa, bảo tồn sức sống của dân tộc. Vì vậy xây dựng hệ thống hành chính liền mạch từ trung ương đến làng xã là phương cách đúng nhất để giải Hoa hóa (theo như cách nói của giáo sư Trần Quốc Vượng) cho xã hội Bắc thuộc của Việt Nam.

- Đảm bảo các khu vực lãnh thổ được quản lý chặt thành một hệ thống thống nhất, chống nạn cát cứ lạm quyền của những thế lực địa phương, có thể tạo ra nguy cơ mâu thuẫn nội bộ làm giảm nội lực đất nước.

Về mặt kinh tế , cải cách Khúc Thừa Hạo thực thi Bình quân thuế ruộng , tha bỏ lực dịch. Giáo sư Phan Huy Lê phân tích chính sách kinh tế của cải cách Khúc Thừa Hạo như sau:

- Bỏ lực dịch là xóa bỏ chế độ bóc lột tô thuế, cống phẩm, lao dịch và binh dịch rất nặng nề của chính quyền đô hộ cho nhân dân.

- Bình quân thuế ruộng nghĩa là theo đó nguồn thu nhập chủ yếu của nhà nước là thuế ruộng đánh đồng theo hộ khẩu chứ không theo diện tích ruộng đất. Giáp trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý hộ khẩu và thu thuế nộp cho cấp trên. Như vậy Nhà nước thu thuế qua làng xã, đơn vị bóc lột là làng xã 7 .

Dưới góc độ đáp ứng yêu cầu giải phóng dân tộc thì những cải cách kinh tế này đã thực hiện xuất sắc mục tiêu giải phóng đó. Trước hết là giải phóng nhân dân khỏi chế độ bóc lột nặng nề của chính quyền đô hộ, điều đó thể hiện thành quả to lớn, rõ ràng nhất của sự nghiệp giành lại chủ quyền độc lập cho dân tộc. Nếu trước khi khởi nghiệp Khúc Thừa Dụ đã là một hào trưởng có tấm lòng yêu nước thương dân được dân chúng suy tôn ủng hộ thì Khúc Thừa Hạo tiếp tục thể hiện tấm lòng yêu nước thương dân ở mục tiêu giải phóng cho nhân dân khỏi ách bóc lột và cai trị tàn bạo của kẻ thù, khoan sức dân, củng cố nội lực của đất nước, đem tới sự yên vui cho dân.

Mặt khác, cải cách Khúc Thừa Hạo còn thực hiện Giải hoa hóa cấu trúc kinh tế An Nam bị áp đặt thời Bắc thuộc. Dưới thời Bắc thuộc, chính quyền đô hộ đã áp đặt quyền sở hữu tối cao của hoàng đế Trung Quốc vào An Nam và thi hành một chính sách tô thuế hết sức bất bình đẳng của xã hội phong kiến Trung Quốc vào xã hội An Nam. Sự áp đặt cưỡng bức này không phù hợp với cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội công xã nông thôn của An Nam vốn mang nặng tính chất tự trị và quan hệ bình đẳng công xã. Do đó đã tạo ra không chỉ sự bóc lột nặng nề khiến cho sức dân suy kiệt mà còn chứa đựng mâu thuẫn không phù hợp trong cấu trúc kinh tế xã hội kìm hãm sự phát triển của An Nam.

Vì vậy đồng thời với việc xóa bỏ cái cũ, cải cách của Khúc Thừa Hạo thực thi chính sách mới bình quân thuế ruộng theo đơn vị làng xã. Chính sách này cho thấy chính quyền chấp nhận và tôn trọng quyền sở hữu ruộng đất trên thực tế của làng xã, tôn trọng quyền phân phối ruộng đất của làng xã, mỗi hộ gia đình làng xã.

Bằng chính sách ấy, chính quyền họ Khúc đã khôi phục lại vai trò và truyền thống công xã, thực hiện một phương thức bóc lột phù hợp với kết cấu kinh tế xã hội thực sự của nước ta lúc bấy giờ, tạo nên sự dung hợp thỏa đáng giữa nhà nước và công xã, tức giữa Nước và Làng 7 .

Chính sự dung hợp thỏa đáng đó tạo ra thực trạng chính sự cốt khoan dung giản dị, nhân dân đều được yên vui của xã hội lúc đó.

Yêu cầu lịch sử và thất bại của Khúc Thừa Mỹ

Khúc Thừa Hạo mất năm 917, Khúc Thừa Mỹ thay cha nắm quyền lãnh đạo trong tình thế rất khó khăn: Ngay cả chức vị Tiết độ sứ của Khúc Thừa Mỹ cũng không phải đương nhiên được kế thừa mà phải dùng nhiều cống phẩm quý giá nộp cho nhà Hậu Lương mới được thừa nhận 8 . Hơn thế nữa nguy cơ xâm lược từ phương Bắc ngày càng to lớn và nghiêm trọng bởi dã tâm xâm lược của Nam Hán.

Từ năm 911 trước khi lên ngôi hoàng đế ở Phiên ngung đặt quốc hiệu Nam Hán, Lưu Nham đã khởi binh tấn công Dung Châu của Mã Ân Nước Sở và sau đó đã kiểm soát được Dung Châu -một điểm quan trọng trong tuyến đường tiến xuống An Nam. Tham vọng thâu tóm nước Sở và tiến xuống chiếm An Nam của Nam Hán đã bộc lộ rõ ràng.

Yêu cầu lịch sử đặt ra trong tình thế đó đòi hỏi người lãnh đạo phải đủ bản lĩnh và mưu lược để có được một định hướng chiến lược đúng đắn: Bên ngoài phải khôn khéo, mềm dẻo, tránh đối đầu trực tiếp nhiều nhất có thể để hòa hoãn, bên trong phải dựa vào dân tích cực chuẩn bị kháng chiến chống xâm lược.

Thực tế cho thấy, Khúc Thừa Mỹ đã không đáp ứng được các yêu cầu lịch sử về đối ngoại, đối nội trong bối cảnh phức tạp lúc đó.

Khúc Thừa Mỹ đã không đủ mưu lược, khôn khéo và mềm dẻo để duy trì mối quan hệ cân bằng giữa An Nam với chính quyền trung ương và các lực lượng cát cứ. Khúc Thừa Mỹ đã chỉ tập trung vào quan hệ với nhà Hậu Lương và ảo tưởng vào mối quan hệ này. Điều đó làm tăng thêm hiềm khích với Nam Hán.

Khúc Thừa Mỹ không hiểu rằng, trong tình thế hỗn loạn của Ngũ đại thập quốc thì chính quyền phong kiến trung ương của Trung Quốc không có mấy ảnh hưởng và uy thế để tác động được lực lượng cát cứ. Hơn nữa, nhà Hậu Lương cũng sẽ không bảo vệ chính quyền họ Khúc khi Nam Hán gây hấn với An Nam bởi vì chính nhà Lương ngay từ đầu đã mập mờ phong đồng thời chức Hải quân tiết độ sứ cho Lưu Ẩn và Khúc Thừa Hạo để tạo nên sự cạnh tranh lẫn nhau, làm giảm sức mạnh của lực lượng cát cứ.

Về đối nội, Khúc Thừa Mỹ không dựa vào dân, không chuẩn bị tích cực cho cuộc kháng chiến chống xâm lược. Điều này chỉ có dưới thời Dương Đình Nghệ và nhất là dưới thời Ngô Quyền sau này.

Những sai lầm đó dẫn đến thất bại nặng nề của khúc Thừa Mỹ: Năm 928 Nam Hán đánh bại được quân Sở và 930 Nam Hán tấn công Giao Châu, Khúc Thừa Mỹ bị bắt đưa về Phiên Ngung, thành Giao Châu bị rơi vào tay quân Nam Hán.

Sự thất bại của Khúc Thừa Mỹ chấm dứt sự nghiệp lãnh đạo đất nước đầu thế kỷ X của họ Khúc. Thất bại này để lại bài học lịch sử cho đời sau về việc cần định hướng chiến lược đối nội, đối ngoại đúng đắn trong hoàn cảnh khó khăn và tình thế phức tạp mới có thể để bảo tồn được độc lập dân tộc.

Mặc dù vậy, công lao bôn ba trong ngoài làm việc nước hàng chục năm trời từ khi cha còn sống cho đến sau khi cha mất của Khúc Thừa Mỹ vẫn rất đáng ghi nhận. Vì vậy Khúc Thừa Mỹ vẫn được xem là một trong 3 Khúc chúa của dòng họ Khúc ở đầu thế kỷ X.

Một số ý kiến đánh giá khác về sự nghiệp của họ Khúc trong tầm nhìn cho đến hết thế kỷ X

Sự phù hợp và đúng đắn của quyết định chỉ xưng là Tiết độ sứ của Khúc Thừa Dụ.

Mặc dù hiện nay đa số thừa nhận việc Khúc Thừa Dụ trong bối cảnh lúc đó chỉ tự xưng Tiết độ sứ là khôn khéo tránh được sự đối đầu với chính quyền đô hộ trong buổi đầu giành độc lập nhưng định kiến đánh giá điều này thấp hơn việc xưng Vương để chính danh có nền độc lập vẫn là khá phổ biến.

Vậy thì vấn đề là: Trong bối cảnh của lịch sử lúc đó để bảo vệ quyền độc lập tự chủ vừa mới giành được, xưng Vương tuyên bố hoàn toàn độc lập hay chỉ xưng là Tiết độ sứ một chức quan cai quản vùng đô hộ như Khúc Thừa Dụ là phù hợp hơn?

Căn cứ vào tình hình cụ thể của thời cuộc và lực lượng của Khúc Thừa Dụ lúc đó, chúng tôi cho rằng, quyết định chỉ xưng là Tiết độ sứ của Khúc Thừa Dụ là đúng đắn và phù hợp hơn.

Sở dĩ như vậy là vì thứ nhất nhìn vào cục diện xã hội An Nam cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X chúng ta có thể thấy có sự trỗi dậy của tầng lớp hào trưởng của các dòng họ lớn và xu hướng cát cứ là một xu hướng khá rõ rệt. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: C ác hùng trưởng đua nhau nổi dậy đều chiếm cứ quận ấp để tự giữ 9 .

Theo Trần Quốc Vượng thì sau khi nhà Đường không còn thực sự có mặt ở Tĩnh Hải quân từ cuối thế kỷ IX, tình hình cát cứ đó lại càng có cơ hội phát triển hơn. Không nên nhìn thời kỳ Thập Nhị Sứ Quân chỉ như là sự bột phát của các thế lực cát cứ sau khi Ngô Quyền mất vì trong 12 sứ quân mà sử cũ chép thì thấy 2 ông sứ quân họ Kiều là cháu nội của Kiều Công Tiễn ở Phong Châu, 2 ông Sứ quân họ Ngô thuộc dòng dõi Ngô Quyền và các ông sứ quân họ Đỗ - Đỗ Cảnh Thạc- thì từ đời Đỗ viện- Đỗ Tuệ Đô ở thế kỷ IV đã là thế lực lớn ở Đỗ Động Giang 10 .

Dòng họ Khúc ở Hồng Châu khi đó cũng chỉ là một trong những thế lực cát cứ như vậy. Khúc Thừa Dụ mặc dù có uy tín và ảnh hưởng trong dân chúng được dân chúng suy tôn nhưng không thể nói là đã thống lĩnh được các thế lực cát cứ khác tại An Nam. Trong cục diện đó, nếu bước ra nắm quyền cai quản mà xưng Vương thì khó có thể tránh phải đối đầu với các thế lực khác tại An Nam. Nhưng nếu chỉ xưng là Tiết độ sứ lại được chính quyền đô hộ hợp thức hóa thì có thể có vị thế là người được phương bắc sắc phong, đại diện cho phương bắc tại An Nam. Như vậy có thể kế thừa quyền điều hành hệ thống tổ chức chính quyền phương Bắc để lại mà không làm cục diện cát cứ ở An Nam nổi sóng.

Rõ ràng là, trong tình thế đó, nếu vừa muốn giành được quyền cai quản đất nước vừa muốn tránh được xung đột nội bộ để tập trung tinh lực củng cố nội lực đất nước thì xưng tiết độ sứ là đúng đắn hơn, thiết thực hơn và khôn khéo hơn. Xưng vương ngay sẽ bị rơi vào tình thế đối đầu với cả trong lẫn ngoài.

Tính phù hợp của hành động tự xưng là tiết độ sứ của Khúc Thừa Dụ còn do sự hợp lý của tình hình thời cơ diễn biến quy định. Do thực tế lúc đó không có một viên đô hộ nào nhà Đường cắt cử đến được An Nam nên nếu muốn hợp thức hóa việc tự giành quyền cai quản vùng đô hộ thì xưng tiết độ sứ là dễ được chấp nhận nhất. Quả nhiên như đã thấy, nhà Đường sau đó không chỉ nhanh chóng chấp nhận mà còn nhân đó phong thêm chức Đổng Bình chương sự cho Khúc Thừa Dụ, hi vọng tạm thời lấp được chỗ trống quyền lực cai trị vùng đô hộ, trong tình thế nhà Đường đã không còn với tay đến được.

Phân tích tính phù hợp và đúng đắn của quyết định chỉ xưng là Tiết độ sứ của Khúc Thừa Dụ, chúng tôi hoàn toàn không có ý đánh đồng, ý nghĩa của việc tuyên bố độc lập với việc không tuyên bố độc lập.

Chúng ta không cần bàn cãi gì về mốc 938 với chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt của Ngô Quyền. Sự kiện này thực sự là một dấu son trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam nói chung và chống xâm lược phương bắc nói riêng. Đánh giá này không chỉ do quy mô chiến thuật độc đáo của chiến thắng Bạch Đằng mà còn là do tầm vóc đập tan được ý chí xâm lược của kẻ thù có dã tâm lớn nhất xâm lược nước ta lúc đó là Nam Hán và sau đó chính thức tuyên bố nền độc lập tự chủ cho dân tộc.

Ý nghĩa của chiến thắng Bạch Đằng và công lao của Ngô Quyền là không cần bàn cãi nhưng rõ ràng phải thấy rằng trong cơ sở để tạo ra chiến thắng đó có thành quả và công lao của họ Khúc: Trước hết chiến thắng Bạch Đằng là chiến thắng của một cuộc kháng chiến chứ không phải là một cuộc khởi nghĩa. Nghĩa là khi đó chúng ta đã có chủ quyền và độc lập. Hơn nữa chủ quyền và độc lập này còn được thực thi trên thực tế bằng những cải cách khoan sức dân ở tận tế bào quan trọng nhất của xã hội Việt Nam lúc đó là làng xã. Đó là điều kiện tiên quyết và quan trọng để có chiến thắng Bạch Đằng. Có dân, có nước mới có thể huy động được sức mạnh kháng chiến, mới chủ động chuẩn bị được trận đánh quyết chiến chiến lược Bạch Đằng. Tài năng và chiến tích của Ngô Quyền ở chiến thắng Bạch Đằng là sáng chói nhưng công lao giành nền độc lập từ tay bọn đô hộ, kiến tạo kinh tế xã hội độc lập tự chủ của họ Khúc ở đầu thế kỷ X cũng là một hòn đá tảng không thể phủ nhận.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền đã xưng Vương tuyên bố nền độc lập thực sự của dân tộc. Việc xưng vương của Ngô Quyền theo chúng tôi không phải là sự khác biệt hay hơn hẳn việc xưng là Tiết độ sứ của Khúc Thừa Dụ. Điều đó chỉ cho thấy, bối cảnh lịch sử ở thời điểm chiến thắng Bạch Đằng đã khác với thời điểm xưng Tiết độ sứ của Khúc Thừa Dụ. Khi đó đã qua thời kỳ trứng nước đầu tiên, đã đủ nội lực để kháng chiến chống xâm lược cũng như đã đến lúc phải khẳng định và tuyên bố nền độc lập tự chủ của dân tộc. Xưng vương sau năm 938 là phù hợp nhưng đó là sự kế tục, là sự tiếp nối thành quả giành độc lập của dân tộc Việt nam từ đầu thế kỷ X và người mở đầu thành công cho sự sang trang đó chính là Khúc Thừa Dụ.

Cải cách Khúc Thừa Hạo tạo cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy quyền độc lập tự chủ của Việt Nam trong cả một giai đoạn lịch sử quá độ thoát khỏi quỹ đạo Bắc thuộc cho đến hết thế kỷ X.

Chính quyền họ Khúc kết thúc với sự thất bại của Khúc Thừa Mỹ nhưng sự nghiệp của họ Khúc không vì vậy mà ngừng tác động tới lịch sử giai đoạn tiếp theo.

Công lao to lớn của Khúc Thừa Hạo không chỉ là kế tục cha giữ được chủ quyền độc lập tự chủ mà chủ yếu là đã nhanh chóng làm cho nền độc lập tự chủ ấy bén rễ sâu vào xã hội Việt Nam qua những cải cách thiết thực và hữu hiệu. Cải cách đó tạo nên sức mạnh nội lực quốc gia - nền tảng quan trọng nhất của kế sách giữ nước, giúp thoát khỏi quỹ đạo Bắc thuộc bằng một tiến trình độc lập tự chủ không thể đảo ngược.

Khúc Thừa Mỹ bắt, nước bị tái chiếm nhưng nhờ vào cơ sở vững chắc của sự nghiệp giành độc lập của Khúc Thừa Dụ và kiến tạo độc lập của Khúc Thừa Hạo mà tiến trình độc lập dân tộc vẫn tiếp tục duy trì.

Ngay sau khi thành Giao châu bị quân Nam Hán chiếm, Dương Đình Nghệ một bộ tướng cũ của Khúc Thừa Hạo đã xuất sắc sửa chữa sai lầm của Khúc Thừa Mỹ bằng những trận quyết chiến đúng thời điểm, chặn đứng tham vọng đặt ách thống trị của Nam Hán với An Nam.

Sự thất bại nhanh chóng của quân Nam Hán sau khi tái chiếm An Nam một mặt cho thấy tài năng và công lao của Dương Đình Nghệ, nhưng mặt khác cũng cho thấy tiến trình độc lập tự chủ đã đủ lớn mạnh để không dễ dàng bị đảo ngược.

Dương Đình Nghệ vốn là tướng cũ của họ Khúc và lực lượng quân của Dương Đình Nghệ cũng được gầy dựng và phát triển trong thời kỳ của họ Khúc nhưng quan trọng hơn là tiến trình độc lập tự chủ đã bén rễ vào đời sống kinh tế xã hội An Nam qua những cải cách rất hữu hiệu và rất hợp lòng dân của họ Khúc. Quân Nam Hán chiếm được thành, bắt được Khúc Thừa Mỹ nhưng đã không thể dễ dàng đặt lại ách đô hộ lên một cơ cấu kinh tế xã hội đã được biến đổi, đã bước vào quỹ đạo độc lập tự chủ. Dương Đình Nghệ đã thực hiện ý chí đó của nhân dân và tiến trình độc lập tự chủ vẫn tiếp tục tiến lên phía trước.

Dương Đình Nghệ bị mưu sát, tiến trình đó được trao vào tay vị tướng tài giỏi Ngô Quyền. Nhờ đó, tiến trình độc lập phát triển một bước mới rực rỡ hơn: Đập tan sự xâm lược và làm tan rã ý chí xâm lược của kẻ thù, tuyên bố nền độc lập tự chủ chính danh cho đất nước.

Ngô Quyền mất, xu thế cát cứ trỗi dậy. Sự nghiệp thống nhất các lực lượng cát cứ của Đinh Bộ Lĩnh là bước đi mới của tiến trình độc lập dân tộc vì đó là sự đảm bảo để tiến trình này không bị tan rã do các cuộc chiến tương tàn trong nội bộ, tạo cơ hội cho kẻ thù có thể tái đặt ách đô hộ của chúng.

Đinh Bộ Lĩnh bị sát hại, kẻ thù từ hai phía Bắc Nam đều lăm le xâm lược nước ta nhưng xu thế độc lập tự chủ vẫn vững vàng nhờ vào tài năng của vị tướng kiệt xuất Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.

KẾT LUẬN

Từ hạt mầm độc lập Khúc Thừa Dụ giành được, cây đã mọc, rễ đã bám chắc, cây đã phát triển, đã tạo tường thành để lực lượng ngoại xâm không thể tràn qua, không thể bẻ gẫy. Các trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng từ Ngô Quyền đến Lê Hoàn đều được tạo ra nhờ vào tài năng quân sự của các vị tướng đó nhưng cơ sở của chiến thắng là nhờ vào lòng dân, sức dân của một dân tộc bất khuất kiên quyết giữ sự yên vui đã được các cải cách của thời kỳ có độc lập tự chủ đem lại, không cam phận trở lại thời kỳ bị ngoại bang nô dịch và đồng hóa.

Thế kỷ X là thế kỷ vận hành của cỗ xe độc lập tự chủ tách khỏi quỹ đạo Bắc thuộc. Người mở đầu cho sự vận hành ấy là Khúc Thừa Dụ, người tạo nên nền tảng vững chắc để sự vận hành ấy không thể đảo ngược là Khúc Thừa Hạo. Tiến trình sau đó tiếp tục một cách đầy thách thức, đầy vẻ vang dưới sự lãnh đạo của các anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn

Rõ ràng là sự nghiệp to lớn tách khỏi quỹ đạo Bắc thuộc của Việt Nam không chỉ là của riêng một người hay của một dòng họ mà là của cả dân tộc trong suốt cả một thế kỷ sóng gió - thế kỷ X nhưng những đóng góp của dòng họ Khúc là rất to lớn và nên được tôn vinh hơn nữa. Trên cơ sở thành quả giành và giữ độc lập của thế kỷ X như vậy, từ thế kỷ XI, lịch sử Việt Nam mới có thể sang trang độc lập tự chủ phát triển rực rỡ./.

TUYÊN BỐ VỀ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả nghiên cứu các sử liệu liên quan đến dòng họ Khúc cũng như các nghiên cứu đi trước về sự nghiệp của họ Khúc. Tác giả đã dựa vào tiêu chí đáp ứng các yêu cầu lịch sử đương thời để đưa ra đánh giá khách quan cho sự nghiệp của họ Khúc trong từng giai đoạn cũng như trong một một tầm nhìn bao quát về sự nghiệp thoát khỏi quỹ đạo Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ IX đến hết thế kỷ X, đồng thời định vị các đóng góp của dòng họ Khúc trong sự nghiệp đó.

References

  1. Nhiều tác giả. Kỷ yếu Hội thảo Khúc Thừa Dụ và họ Khúc trong lịch sử dân tộc. Hải Dương; tháng 3, 1999. Kỷ yếu Hội thảo, Họ Khúc trong lịch sử dân tộc góc nhìn nghệ thuật quân sự. TP.HCM. 2019;:. Google Scholar
  2. Huy P.L.. Tầng lớp thủ lĩnh tại Giao Châu An Nam thời đô hộ Tùy - Đường. [Luận án tiến sĩ]. Khoa Lịch sử Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Đại học quốc gia Hà Nội. 2017;:. Google Scholar
  3. Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm định việt sử thông giám cương mục. Hà Nội: Nxb. Giáo dục. 2007;:207(1). Google Scholar
  4. Huy P.L.. Khảo cứu lại cuộc khởi nghĩa Dương Thanh 819 - 820. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. 2017;(12):. Google Scholar
  5. Sĩ N.T.. Đại Việt sử ký tiền biên. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội. ;:137. Google Scholar
  6. Lê P.H.. Tính chất chức năng của Nhà nước thế kỷ X và hình thái kinh tế xã hội đương thời. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. 1983;:208. Google Scholar
  7. Lê P.H.. Tìm về cội nguồn. Hà Nội: Nxb. Thế giới. ;:714. Google Scholar
  8. Huy P.L.. Một vài suy nghĩ về chính quyền họ Khúc. Kỷ yếu Hội thảo Họ Khúc trong lịch sử dân tộc góc nhìn nghệ thuật quân sự. TP. HCM. 2019;:237. Google Scholar
  9. Liên N.S.. Đại việt sử ký toàn thư. Hà nội: Nxb. khoa học xã hội. 1967;:151. Google Scholar
  10. Vượng T.Q.. Văn hóa Thăng Long Hà Nội, hội tụ và tỏa sáng. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia. 2000;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 3 (2020)
Page No.: 417-424
Published: Aug 9, 2020
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i3.563

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Luong, T. (2020). The mission of the Khuc family from the perspective of meeting the requirements of Vietnamese history from the end of the 9th century to the end of the 10th century. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 4(3), 417-424. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i3.563

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1728 times
Download PDF   = 976 times
View Article   = 0 times
Total   = 976 times