Abstract
The Thorn Birds by Colleen McCullough (1937-2015) is one of the most popular Australian novels in Vietnam, which is mentioned in the curriculum of Australian Studies – a major of the Faculty of Oriental Studies, University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City). In general, the themes which mainly attract readers’ attention are the great love story between Meggie Cleary – a beautiful, tough woman and Ralph de Bricassart – an ambitious Catholic priest, and (or) an inevitable tragedy resulted from the conflict between the love for God and that for man. However, exerting much focus on human relationships in The Thorn Birds makes it hard to see another important “figure” – nature – as well as the relationship between human and nature in the West of Australia, the main setting of the novel where the climate is harsh, unique and sometimes unpredictable. Since the theme of nature accounts for a large content of the novel, The Thorn Birds is likely to be an interesting subject to eco-critical studies. In this paper, from the perspective of ecocriticism, we try to point out how the theme of nature is treated in this novel, including how the figure of nature being depicted, how the human-nature relationship being dealt with and how nature is embracing human life and “telling” human stories. We also indicate the possible connection between literature and daily human life, and between a 1977 Australian novel which tells us the stories of the natural cycle, the bushfires, the imported animals, etc. and the unusual wildfires which occurred in this country at the beginning of the year 2020. In addition, by evaluating as a typical Australian novel from eco-critical perspectives, we hope to introduce a new approach to conduct research on Australian literature at the Department of Australian Studies and for other researches of literature major in the University.
MỞ ĐẦU
Tiếng chim hót trong bụi mận gai là tiểu thuyết nổi bật nhất của Colleen McCullough (1937-2015), nhà văn nữ người Úc gốc Ireland. Cùng với mối tình dài cả cuộc đời giữa Meggie Cleary và cha xứ Ralph de Bricassart, tiểu thuyết còn “kể” câu chuyện thiên nhiên miền Tây Bắc nước Úc như một “nhân vật” sống động với đầy đủ những sắc thái hỉ nộ ái ố... “Nhân vật” thú vị ấy hứa hẹn một mối liên hệ thiên nhiên - con người nhiều ý nghĩa; đó là cơ sở để tìm hiểu Tiếng chim hót trong bụi mận gai dưới góc nhìn phê bình sinh thái, tập trung vào mối liên hệ thiên nhiên - con người, dù tác phẩm ra đời năm 1977 có chút sớm hơn so với thời điểm trường phái này được giới nghiên cứu chính thức định danh. Nhưng bởi phê bình sinh thái trước hết là sự nhìn lại những cội rễ của tồn tại con người trong tương quan với thiên nhiên, chúng tôi tin rằng đây là một lựa chọn thỏa đáng, có thể góp thêm những khám phá mới mẻ để cảm nhận trọn vẹn hơn giá trị và lý giải toàn diện hơn sức sống của tiểu thuyết. Bài viết sử dụng bản dịch của Phạm Mạnh Hùng, Tiếng chim hót trong bụi mận gai , do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2005.
NỘI DUNG CHÍNH
Phê bình sinh thái: Khi đứa con khổng lồ bứt khỏi Mẹ Gaia
Cảm thức tự nhiên trong sáng tạo nghệ thuật, bao gồm cả sáng tác văn chương, hình thành từ rất sớm - khi đời sống con người còn phụ thuộc vào thiên nhiên, nhưng phê bình sinh thái với tư cách một trường phái lại định hình khá muộn. Theo Cheryll Glofelty, phê bình sinh thái hình thành những cơ sở đầu tiên khoảng giữa thế kỷ XVIII, ra đời từ đầu thế kỷ XIX và phát triển vào cuối thế kỷ XX với những tác giả như Frederick O. Waage hay Alicia Nitecki 1 . Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trường phái này được chính thức định danh vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX - đó là khi vấn đề môi trường trở thành một trong những vấn đề cấp thiết nhất có khả năng quyết định sự tồn vong của loài người; và ở Mỹ - đất nước công nghiệp phát triển hàng đầu, mâu thuẫn giữa văn minh công nghiệp - thông tin với thiên nhiên cũng gay gắt bậc nhất. Sự định danh phê bình sinh thái có thể ví như khoảnh khắc giật mình hoang mang của đứa con nhân loại trưởng thành: Nó những tưởng mình đủ tài giỏi để có thể bứt khỏi Đất Mẹ, nhưng rồi bàng hoàng nhận ra mình mãi mãi chỉ tồn tại trong vòng tay ấy.
Theo Cheryll Glofelty & Harold Fromm, “Phê bình sinh thái là phê bình bàn về mối quan hệ giữa văn học và tự nhiên” (dẫn theo Đỗ Văn Hiểu) 2 . Phê bình sinh thái đầu tiên là thái độ “lật lại vấn đề”, soi chiếu tác phẩm trong mối tương quan với tự nhiên, tìm kiếm tự nhiên trong thế vượt trên và bao trùm lấy con người. Song song đó, phê bình sinh thái cũng thể hiện một thế giới quan “thiên nhiên trung tâm” ( ecocentrism ), chống lại thuyết “nhân loại trung tâm” ( anthropocentrism ), dẫn dắt một thái độ sống và hành động thực tiễn tích cực, bao gồm một lối viết mới - “lối viết tự nhiên” ( nature writing ). Toàn bộ quá trình này là một sự tái nhận thức vị trí của con người trên trái đất, soát xét lại những quan niệm nhân sinh đã có, để thấy con người như một phần của tự nhiên chứ không phải như bá chủ của tự nhiên. So với nhiều trường phái khác, phê bình sinh thái có một lợi thế quan trọng là ra đời ở phương Tây nhưng không hạn chế chỉ với văn học phương Tây. Trường phái này có thể vận dụng cho nhiều tác phẩm, nhiều nền văn học khác nhau trên khắp địa cầu, nhờ tính chất toàn cầu của những vấn đề sinh thái. Trong quá trình phát triển, phê bình sinh thái mở rộng và dung hợp với nhiều lý thuyết khác, dẫn đến sự ra đời nhiều nhánh khác nhau: sinh thái chiều sâu, sinh thái nhân văn, sinh thái duy vật, sinh thái nữ quyền, sinh thái hậu thực dân... Trong đó, phê bình sinh thái chiều sâu ( deep ecocriticism ) có thể coi là nền tảng cơ bản của phê bình sinh thái hiện nay, bởi nó chú trọng sự hài hòa giữa thiên nhiên với con người một cách tổng quát.
Tập trung vào mối quan hệ thiên nhiên - con người, phê bình sinh thái là một trường phái tương đối “cởi mở”, chú trọng mục tiêu sinh thái và trạng thái cân bằng hơn là gò bó vào các lý thuyết hay phương pháp cụ thể. Timo Clark trong Cambridge Introduction to Literature and Environment khẳng định phê bình sinh thái không xác lập một phương pháp đặc thù nào; sức mạnh của trường phái chính là có thể đối diện những thách thức đa dạng 3 . Có lẽ bởi chất tự nhiên xuyên thấm quá sâu vào văn chương đến mức... tự nhiên, hay bởi ràng buộc phương pháp cũng là một biểu hiện của sự khiên cưỡng, đi ngược lại với lối viết tự nhiên mà phê bình sinh thái hướng tới? Riêng với Tiếng chim hót trong bụi mận gai - một tiểu thuyết, việc nghiên cứu tác phẩm dù từ góc nhìn phê bình sinh thái vẫn sẽ ít nhiều gắn với các đặc trưng thể loại - tìm kiếm và khẳng định tính chất cân bằng, hòa hợp giữa thiên nhiên với con người qua những hình tượng, chủ đề nổi bật của tác phẩm.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai & thiên nhiên như một nhân vật
Tiểu thuyết là chuyện của con người, “tập trung vào số phận một cá nhân”. Ở đó, thiên nhiên thường được miêu tả hoặc như một phông nền, một dạng không gian nghệ thuật ít nhiều mang tính tượng trưng (như bầu trời sau trận Austerlitz trong cái nhìn của Andray trong Chiến tranh và Hòa bình (Lev Tolstoy), dòng sông trong Câu chuyện dòng sông (Herman Hesse)...), hoặc như một đối tượng để con người khám phá, chinh phục. Nhưng ở Tiếng chim hót trong bụi mận gai , vượt lên ý nghĩa phông nền, thiên nhiên là một “nhân vật”: Nhân vật-thiên nhiên bao trùm lấy và hài hòa với nhân vật-con người.
Nhân vật-thiên nhiên với bức chân dung sống động
Chưa từng đến những đồng bằng Đất lớn Tây Bắc nước Úc, người đọc vẫn có thể hình dung một cách chi tiết, chân thật và sống động những đặc trưng thiên nhiên của vùng đất ấy - từ hình ảnh, màu sắc, chuyển động... cho đến những cảm nhận xúc giác, qua lối miêu tả rất cụ thể của nhà văn. Đầu tiên, đó là ấn tượng về màu sắc và đường nét:
“ Dưới ánh mặt trời, lúa mì mùa thu có màu ánh bạc pha sắc vàng, bông lúa rập rờn ngả theo chiều gió, chỉ có đây đó giữa những cánh đồng bất tận nổi lên những khoảnh rừng với những cây cao, khẳng khiu, là màu xanh nhạt hay một rặng cây bụi cằn cỗi, xám xịt, bụi bậm!” 4 .
Có thể kể rất nhiều những đặc trưng như thế xuyên suốt tác phẩm: Đồng lúa mì, rặng cây bụi, đồng bằng đất đen, đồng cỏ với những bầy cừu, đà điểu emu, kagaroo, cây thùy liễu, cây khuynh diệp, cây vinga... Tất cả “vẽ” nên một chân dung Đất mẹ sinh động, trù phú, không phải theo kiểu “điểm danh” rời rạc mà là trong một tổng thể hài hòa với những mối quan hệ hữu cơ - mưa nuôi cỏ, cỏ nuôi cừu, cừu là nguồn sống của con người, những cây khuynh diệp tuyệt diệu và cây vinga tròn trặn cho bóng mát, cho chỗ nghỉ đêm... Và cũng như mọi nhân vật-con người, nhân vật-thiên nhiên cũng có ngôn ngữ của riêng mình. Đó là tiếng “ những con bói cá kukabuara chắc nịch, màu nâu cười hô hố và khúc khích vui vẻ ” 4 , chim “ ríu rít huyên thuyên ” 4 , rồi cây cối “ không chỉ nghiến rít vặn mình trước những trận gió thốc, mà dường như nhảy múa trong một niềm vui mọi rợ ” 4 , “ không khí cọ sát lách tách vào nhau ” 4 , sấm sét “ tiếng nổ dữ dội inh tai, tưởng như trái đất vỡ tan thành từng mảnh ” 4 ... Ngôn ngữ của thiên nhiên biến chuyển linh hoạt theo từng trạng thái cảm xúc - có tiếng của niềm vui và cả tiếng của cơn cuồng nộ, để qua đó nhân vật-thiên nhiên hiện lên chân thật với đa dạng những sắc thái cảm xúc.
Biến chuyển linh hoạt qua từng thái cực của thiên nhiên, Tiếng chim hót trong bụi mận gai đã thể hiện trọn vẹn những đặc trưng thiên nhiên và khí hậu Tây Bắc nước Úc. Khí hậu châu Úc vốn rất độc đáo - vừa nóng ẩm do ảnh hưởng xích đạo, vừa nóng khô ở trung tâm lục địa, có cả khí hậu hoang mạc (biên độ nhiệt giữa ngày - đêm, giữa các mùa trong năm đều cao). Úc là lục địa khô hạn nhất trong các lục địa có người định cư; mật độ dân số thấp, dân cư tập trung ở các khu vực ven biển, còn khu vực Tây Bắc (bối cảnh chính của câu chuyện) khá thưa người. Thiên nhiên trong tác phẩm vì thế còn chân thực ở một Đrôghêđa “ hai trăm năm mươi ngàn acro. [...] Từ Jilênbôun đến nhà của Meri Cacxôn bốn mươi dặm, qua hai mươi bảy cái cổng, và không thể tìm ra một chỗ nào khác có nhà cửa trong vòng một trăm linh sáu dặm trở lại ” 4 hay những đặc trưng cực đoan của thời tiết cận hoang mạc - bão bụi, mưa lũ, hạn hán, giá lạnh, cháy rừng...
... Thiếu hơi ẩm hòa dịu, đất khô cứng và không khí cọ sát lách tách vào nhau, gần như làm bật ra tia lửa, tình trạng căng thẳng mỗi lúc một tăng và rút cục không thể không giải tỏa bằng sự bùng nổ vĩ đại của năng lượng tích tụ. Bầu trời hạ xuống rất thấp và tối sầm lại [...]; gà mái lên giàn đậu và sợ sệt giấu đầu dưới cánh 4 .
Nhưng cảm thức thiên nhiên không phải chỉ là tìm kiếm và mô tả thiên nhiên như những vẻ đẹp cho con người thưởng thức (bởi dù sao đi nữa thì cái đẹp chủ yếu vẫn ở mắt người nhìn!). Nhân vật-thiên nhiên, cũng như mọi nhân vật-con người quan trọng trong tác phẩm tự sự, được miêu tả với nhiều sắc thái cảm xúc - có nhẹ nhàng, có dữ dội, có yếu đuối, có mạnh mẽ... Bức chân dung nhân vật-thiên nhiên không chỉ chiều rộng mà còn có chiều sâu sức sống: “ Đất hàn gắn vết thương nhanh chóng kỳ lạ; mới sau một tuần, qua lớp bùn dính nhớp đã đâm lên những ngọn cỏ mỏng manh xanh tươi, hai tháng sau cây cỏ bị cháy xem đã trổ lớp lá xanh đầu tiên .” 4 Đoạn miêu tả dễ khiến độc giả nghĩ đến trận cháy rừng khủng khiếp ở Úc đầu năm 2020 này. Sau hàng triệu hecta rừng cháy, hàng tỉ cá thể động vật chết, những cánh rừng nước Úc đang hồi sinh khiến nhân loại ngỡ ngàng 5 . Sức sống của thiên nhiên mạnh hơn ta tưởng rất nhiều. Không phải một nhân vật tĩnh với tính cách một chiều giản đơn, nhân vật-thiên nhiên của Tiếng chim hót trong bụi mận gai là một nhân vật động với những biến đổi liên tục; không chỉ có bề mặt hình ảnh, màu sắc... mà còn có bề sâu sức sống và cả tâm hồn - điều mà mãi sau này người phụ nữ Mecghi, trưởng thành sau biết bao biến cố, mới có thể dần cảm nhận.
Với sự bao la rợn ngợp của không gian, tính chất hoang dại, những sinh vật đặc trưng... Tiếng chim hót trong bụi mận gai có thể chưa vươn đến tầm một “bách khoa thư” thiên nhiên nước Úc (và đó hẳn cũng không phải là chủ ý của tác giả!) nhưng đủ cho những người chưa một lần đến xứ sở ấy có thể cảm nhận được. Sức quyến rũ của thiên nhiên trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai đến từ sự đặc sắc của “nguyên mẫu” thiên nhiên Úc và cũng đến từ bút pháp miêu tả với đa dạng điểm nhìn. Đầu tiên và chiếm dung lượng nhiều nhất, trở đi trở lại trong tác phẩm, đó là điểm nhìn của Mecghi - nhân vật trung tâm. Khi mới đến Úc, bé Mecghi mười tuổi chưa từng ra khỏi thị trấn quê nhà ở Niu Zilơn đã nhìn nước Úc, nhìn Đrôghêđa bằng sự ngạc nhiên trẻ thơ của mình - điểm nhìn này cho phép nhà văn miêu tả thiên nhiên cụ thể đến từng chi tiết, một cách sống động và say mê, tạo cảm giác đồng cảm nơi người đọc. Điểm nhìn thứ hai tựa như từ một người kể ngôi thứ ba, cái nhìn ít nhiều mang tính “toàn tri” của người gắn bó và thấu hiểu mảnh đất ấy, những cực đoan vì thế cũng có thể thấu hiểu phần nào, cảm thông phần nào. Điểm nhìn này khiến người đọc hiểu rằng con người là một phần của thiên nhiên, mất mát của con người đồng thời với mất mát của thiên nhiên, câu chuyện đau xót trở thành một phần truyền thuyết của đồng bằng đất đen cũng có nghĩa là câu chuyện ấy tái sinh và bất tử. Những chương cuối cùng, điểm nhìn chính trở lại với Mecghi - người phụ nữ trưởng thành sau những chặng đời biến động, để thể hiện sự thấu hiểu Mẹ thiên nhiên ở một mức độ khác, không chỉ ở những vận động bề ngoài mà còn là chiều sâu của thiên nhiên.
Nhân vật-thiên nhiên hòa hợp với với nhân vật-con người
Thiên nhiên trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai không phải là đối tượng để con người chiêm ngưỡng hay khẳng định vị thế bá chủ. Theo bước chân của gia đình Kliri đến với Đrôghêđa, từ xa lạ đến quen thuộc rồi thành ra gắn bó, người đọc cũng từng bước khám phá thiên nhiên để thích nghi và rồi hòa hợp với thiên nhiên ấy. Nhìn sâu hơn vào lịch sử hình thành nước Úc, ta có thể nói rằng đó cũng chính là hành trình của con người đến với nơi này. Ở Đrôghêda, con người không tìm cách chế ngự, không vắt kiệt tài nguyên mà tìm cách thấu hiểu thiên nhiên để sống hòa hợp với thiên nhiên. Đầu tiên, con người học cách thích nghi. Fiona và Mecghi tập quen với tắm táp, giặt giũ và rửa bát đĩa bằng “ thứ nước màu nâu ánh xanh ” 4 lấy từ con sông cạnh nhà bằng bơm tay; những cái thùng sắt được lắp để “ khi trời mưa, nước từ mái nhà chảy vào đó, đấy là nước uống, phải giữ gìn cẩn thận ” 4 ;... Gắn bó nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn một chút, người ta học cách đoán trước những biến chuyển của thiên nhiên để giữ cho mình an toàn cả trong trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, bố trí công việc sao cho hợp lý nhất. Đó là cách “ Uyliam Chân chạy đến với cỗ xe cất nặng hết mức và một tá ngựa dự trữ - ông vội vã cung cấp cho cả vùng mọi thứ cần thiết trước khi mưa cắt mất đường đến các trại xa ” 4 , là cách người chăn cừu dồn cừu về những bãi chăn cao, là cách thợ xén lông cừu tận dụng khoảng thời gian giá lạnh để xén lông cừu nhanh hơn... và thậm chí là dùng súng khi cần, để “ chấm dứt những đau đớn của vật nuôi bị thương ” 4 .
Khi chạm đến ngưỡng thấu hiểu ấy, giữa nhân vật-thiên nhiên với nhân vật-con người trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai có sự hòa hợp đẹp đẽ. Chính nhờ vậy mà ở một miền đất còn chưa xuất hiện tiện nghi (thậm chí là hoang dã, khắc nghiệt qua thước đo văn minh đô thị), người ta vẫn sống, an yên. Những tính toán mang tính “làm ăn” như nuôi cừu, xén lông, phân loại ngựa, trữ nước qua mùa hạn hán... rõ ràng là có hề gì đâu so với bon chen, sân si trong những xã hội người? Và cuộc sống chăn cừu cũng lãng mạn lắm chứ! “ Có khi nhiều ngày ròng họ ở trên yên ngựa, cách nhà nhiều dặm dường và ngủ đêm giữa trời, bầu trời sâu thẳm và nhiều sao đến mức dường như dưới bầu trời ấy ta tiếp xúc với thượng đế.” 4
Hẳn nhiên, con người sống trong lòng thiên nhiên không tránh khỏi những lúc khắc nghiệt của thiên nhiên. Không phải không có những cái chết trên mảnh đất ấy. Petđi và Xtiua chết trong cơn giông bão, những cái chết bi tráng, nhưng “... con người trên mảnh đất này thật kiên cường và giàu sức chịu đựng ” 4 - một sự song hành, hòa hợp đẹp đẽ giữa tồn tại thiên nhiên và tồn tại con người. Con người, nói cho cùng, cũng là những mầm mọc lên từ mẹ Thiên nhiên, và tốt hơn hết vẫn là đón nhận những tác động từ thiên nhiên như đón nhận những anh em mình, “ oán trách sự nham hiểm của số phận hay cơn giận của trời thật chẳng có ý nghĩa gì hết .” 4
Đối lập với sự hòa hợp nhịp nhàng, tâm thế an yên ấy là sự khốn đốn của con người khi họ phá vỡ tuần hoàn tự nhiên. Cừu nuôi ở điền trang dù có những năm hạn hán nhưng vẫn đủ thức ăn, cho đến khi loài thỏ được người Anh đem tới. Thỏ sinh sôi nảy nở quá nhanh, chúng xuất hiện nhan nhản, ăn hết số cỏ quý báu... khiến con người không còn lựa chọn nào khác. So sánh cách nuôi cừu của người nông dân thấu hiểu tự nhiên và cách người Anh - những kẻ xa lạ với miền đất này - đem thỏ tới mới thấy hậu quả nặng nề của hành động không có nền tảng hiểu biết:
Trước kia ở Úc không có thỏ, người Anh đã đưa thỏ đến đây như một kỷ niệm trữ tình về tổ quốc, và thỏ đã phá hủy hoàn toàn cân bằng sinh thái của đại châu [...] Ở Úc không có những loại thú ăn thịt địa phương có thể ngăn cản thỏ sinh sôi nảy nở tràn lan, cáo nhập nội không quen được với khí hậu. Muốn hay không, con người phải tự đảm nhiệm lấy vai trò con thú ăn thịt, nhưng người quá ít mà thỏ quá nhiều 4 .
Một lần nữa, câu chuyện của Tiếng chim hót trong bụi mận gai mang hơi thở của hôm nay, khi nước Úc phải cân nhắc giết bớt hàng chục nghìn cá thể lạc đà 6 - một loài vật được con người đem tới, phá vỡ cân bằng tự nhiên của lục địa... nhưng đồng thời cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về vấn đề nhân đạo. Trong cư xử với thiên nhiên, một sai lầm cũng có thể dẫn tới kết quả tàn nhẫn. Mecghi và những người chăn cừu khác đã buộc phải đóng vai trò một “con thú ăn thịt”, nàng học cách đặt bẫy thỏ dù không hề dễ chịu khi thấy dây thép làm bị thương những con vật nhỏ kháu khỉnh. Trong thế tồn sinh, con người buộc phải hành động, phải cho rằng “ giết để mà sống thì không phải là tàn bạo ” 4 . Thái độ này của nàng gợi nhớ về những bộ tộc ít văn minh, mỗi khi giết một con vật họ thường thời gian cảm tạ con vật đã hy sinh cho cuộc sống con người... Mâu thuẫn giữa “chuỗi thức ăn” (theo khoa học) và mối quan hệ với thiên nhiên sao cho hài hòa tốt đẹp nhất chưa bao giờ thôi là một “nan giải tự sự” trong dòng chảy lịch sử; có lẽ con người chỉ có thể hạn chế làm tổn thương thiên nhiên đến mức tối đa có thể, giữ cho mình là một mắt xích trong cấu trúc sinh thái và không làm những điều phá vỡ cấu trúc đó - như là cách chăn nuôi cừu và bò mà vẫn giữ được cân bằng sinh thái của đại châu.
Thiên nhiên như một định mệnh: Tình yêu vĩ đại - tiếng chim trong bụi mận gai
Xuyên suốt tác phẩm là tình yêu vĩ đại của Mecghi và cha Ranfơ. Đó là một chuyện tình trải dài suốt đời người và trải rộng nhiều miền đất của nước Úc - từ nhà ga Jilênbôun bụi bặm nơi ông đón gia đình nàng lần đầu tiên, trên những đồng cỏ Đrôghêđa đẹp hoang dại và dữ dội đầy sức sống, theo nàng đến đất Bắc Kvenlinxđơ, đơm hoa ở đảo san hô Matloc rồi cuối cùng trở về, sâu đằm, dịu dàng và vị tha ở Đrôghêđa. Trong từng khung cảnh thiên nhiên, từng chặng đời nàng và từng chặng thăng trầm của cuộc tình hiện lên rõ ràng. Thiên nhiên vận vào cuộc đời, hay nói đúng hơn thiên nhiên là hình ảnh cuộc đời, cuộc tình của Mecghi. Mạnh mẽ, hoang dại, hạnh phúc và khổ đau, vị tha và thấu hiểu... tất cả được báo trước bởi nhân vật-thiên nhiên nơi nàng sống. Theo cách đó, thiên nhiên như là định mệnh của cuộc đời - cuộc tình nàng.
Thiên nhiên hoang dã: Tình yêu quyết liệt trước giới luật nhà thờ
Mười tuổi, Mecghi đến Úc. Chào đón cô bé lúc ấy là ông, Ranfơ, cùng một Đrôghêđa đẹp hoang dã, cuốn hút và đầy sức sống. Đồng bằng đất đen trải dài, cái nắng dữ dội, hoạt động sống sôi nổi với những loài sinh vật rực rỡ... sức sống tỏa ra không thể cưỡng lại. Như mái tóc nàng rực lửa. Như cách nàng đến với Ranfơ. Nàng yêu Đrôghêđa vì nàng gắn bó với mảnh đất này, và nàng yêu Ranfơ cũng theo cách đó. Tất cả có một cái gì thật tự nhiên: Nó là như thế, nhất thiết là phải thế. Bởi trong vòng tuần hoàn miên viễn của cả vũ trụ-người và vũ trụ-thiên nhiên xung quanh nàng, nàng tìm thấy duy nhất Ranfơ. Trong khi người cha Petđi mải miết tôn thờ mẹ, mẹ dành tình yêu cho người anh Frenk và Frenk sống với nỗi hận thù, nàng chỉ có duy nhất Ranfơ. Đầu tiên là Cha, rồi là cha, là anh, là bạn và cuối cùng, không thể khác đi được, là người yêu, người tình duy nhất.
Một chi tiết làm nổi bật chất tự nhiên thuần khiết trong mối quan hệ của họ chính là câu chuyện về lần kinh nguyệt đầu tiên của cô bé Mecghi. Không phải mẹ, mà chính ông mới là người khiến cô bé tin tưởng chia sẻ những nỗi sợ hãi của mình; không phải mẹ, mà chính ông mới là người giảng giải cho cô bé một trong những lẽ tự nhiên nhất của tồn tại con người. Chỉ duy nhất ông biết nàng không còn là một cô bé, mà đã thành một cô gái. Xét trên hệ quy chiếu xã hội, có lẽ sẽ thật khó chấp nhận việc một cô bé tâm sự với một người đàn ông (không phải cha mình!) về kỳ kinh nguyệt hay thắc mắc với ông ta về chuyện có con. Nhưng giữa một không gian như thế, một mạch đời như thế, quan niệm kinh nguyệt “dơ bẩn” chỉ là một thành kiến của những cộng đồng tin rằng mình cao hơn tự nhiên.
Sức sống của thiên nhiên thể hiện rõ nhất trong sự hồi sinh sau đám cháy lớn - khi cỏ mọc lên, cây đâm chồi mới, con người không oán trách số phận mà dồn sức khắc phục... Gần như đồng thời, đó là sức sống dữ dội của cô gái Mecghi sau khi để mất người thương vào tay Nhà thờ, dẫu trước đó chính nàng không thể giấu nỗi đau thất bại. Như cỏ nhú lên từ lớp bùn dính nhớp, Đrôghêđa vẫn đứng vững sau tang thương, Mecghi vẫn tiếp tục chiến đấu cùng số phận - dù cuộc chiến nào cũng có những nỗi đau và cả hy sinh, nàng hy sinh tuổi trẻ của mình, chấp nhận đánh đổi bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Đó là thứ nỗi đau để tái sinh, như ngọn lửa tự thiêu của loài phượng hoàng trong truyền thuyết.
Thiên nhiên “nhân tạo”: Nỗi bất hạnh trong hôn nhân toan tính
Cách gọi thiên nhiên “nhân tạo” rõ ràng đầy mâu thuẫn, bởi bản thân hai chữ thiên nhiên đã chỉ những tồn tại nằm ngoài khả năng tạo tác của con người. Nhưng hãy tạm định danh như thế để có một ranh giới giữa hai nhân vật-thiên nhiên khác nhau: Thiên nhiên “nhân tạo” là thiên nhiên ở nơi Mecghi theo chồng đến, sau cuộc hôn nhân gắn kết “phi tự nhiên”, nàng chọn lấy bằng toan tính lý trí mà chẳng nhận ra mình đang sống trái với bản thể của mình.
Ranfơ từ chối nàng, Mecghi đồng ý lấy Liuc, thành bà O’Nin và theo chồng đến Bắc Kvenlinxđơ. Vùng đất ấy không phải không đẹp, thậm chí còn có sự tráng lệ mà Đrôghêđa của nàng không hề có, nhưng đó lại là một vùng đất “nhân tạo” với đầy những can thiệp thô bạo vào thiên nhiên vì mục đích kinh tế - những đồn điền mía, nhà máy ép mía đầy “ mùi trầm trệ tởm lợm, cái mùi vẫn bám theo Mecghi từ lúc nàng xuống tàu. Tuồng như mùi thối rữa, nhưng không hẳn - vậy nó lờ lợ, thấm sâu và bám dai, gió thổi mạnh đến thế nào cũng không tan .” 4 Cây mía rồi sẽ trở thành “tình địch” của nàng. Và bởi những đồng mía có cái gì mang sắc thái cưỡng ép, tận khai, tận diệt, nên động vật ở đó cũng ác liệt hơn: “ nhung nhúc những chuột lớn nhỏ, gián, cóc, nhện, rắn, ong vẽ, ruồi, ong mật. Cơ man nào là những con vật có khả năng cắn ác liệt hay đốt dữ dội . Vì thế người chặt mía trước hết phải hun lửa đồng mía ” 4 - hoàn toàn phi tự nhiên, tương phản với sự hòa hợp nàng từng có ở Đrôghêđa.
Và mối quan hệ giữa Mecghi với Liuc cũng thế. Từ hệ quy chiếu thiên nhiên, có thể thấy sự gắn kết giữa Mecghi với Liuc là tuyệt đối sai trái: nỗi đau đớn dai dẳng và những toan tính trong mỗi lần gần gũi, cái thai có được phải nhờ “chiến thuật” của nàng, cuộc vượt cạn chật vật, nàng không có sữa và không cảm thấy gắn bó với con bé... Một mối quan hệ gượng ép, độc hại và tất yếu là tan vỡ. Nàng và Liuc, mỗi người theo đuổi một mục đích riêng mà người kia chỉ là công cụ. Nàng không chọn Ranfơ mà yêu ông bằng bản thể và bản năng; nàng không yêu Liuc mà chọn anh bằng toan tính và lý trí. Mọi gượng ép đều đau đớn. Nàng chia tay Liuc.
Thiên nhiên dịu dàng: Tình yêu đằm thắm, vị tha
Sau tất cả, Mecghi về Đrôghêđa, mang trong mình đứa con của Ranfơ và niềm hạnh phúc được trở về. Trái với những uất ức dồn nén trên miền Bắc Kvenlinxđơ, trái với những “phi tự nhiên” thô bạo, là thiên nhiên Đrôghêđa dịu dàng chào đón. Nhưng thậm chí trái với cả những quyết liệt dữ dội của chính thiên nhiên ấy nhiều năm về trước và của nàng trong tình yêu dành cho ông - rằng yêu nghĩa là sở hữu, thiên nhiên lần này là một thiên nhiên dịu dàng trong cái nhìn từng trải, báo trước một tình yêu đằm thắm, vị tha.
[...] trong thiên nhiên diễn ra một vòng tuần hoàn thong thả và không thể đảo ngược, giống như sự vận động của các chòm sao. [...] Và cỏ, cỏ màu trắng bạc và vàng tươi của miền Đất lớn Tây bắc trải dài đến tận rìa bầu trời, như một lời chúc phúc 4 .
Nàng sống thanh thản giữa lời chúc phúc ấy, thanh thản bởi biết ông sẽ trở về - và quả thật ông đã về Đrôghêđa, đến với nàng như tự nhiên là thế. Đối lập hoàn toàn với lần vượt cạn đầu tiên, nàng sinh đứa con của Ranfơ một cách bình an, dòng sữa mát lành dào dạt và thậm chí sức sống còn lan tỏa đến mẹ nàng, Fia, người mà tâm hồn tưởng như đã chết, đã xa lạ với tất cả những tình cảm của con người. Vẫn là quy luật ấy, khi người ta thật sự hòa hợp với tự nhiên, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng.
Còn Ranfơ, ở Ý, trong mê cung của những gian phòng Vatican, trong tầng tầng lớp lớp những không gian chạm trổ, không có thiên nhiên và không có cả sự sống của ông. Trong cái nhìn của ông có sự đối lập rạch ròi giữa trời và đất - trời là Chúa, là khát khao vươn lên sánh với Chúa trời; đất là con người, là nàng, là Đrôghêđa và tất cả những sinh-thể nào mà đôi chân còn gắn trên đó. Rốt cục thì người ta không thể sống chỉ bằng linh hồn, với bí tích và những điều lý tưởng. Người ta chưa bao giờ thôi ở trên mặt đất, cũng chưa bao giờ thôi là một phần của Mẹ thiên nhiên. Sự sống mới là bí tích huyền diệu nhất. “ Ông lại chịu phép ban các bí tích, một phép ban lễ khác hẳn, tối tăm như đất, không có gì dính dáng đến các tầng trời ” 4 . Yêu đương là một phần của tự nhiên, không có lý do gì để coi đó như một tội lỗi. “ Còn lúc này chỉ có đêm tối và Mecghi. Người yêu hằng mong ước. Đấy cũng là lễ ban thánh thể thiêng liêng .” 4
Nhưng cũng như thiên nhiên Đrôghêđa có lúc khắc nghiệt, tình yêu của họ tưởng đã bình an rồi cũng có khúc quanh. Đứa con trai mất. Nàng đã đau đớn và ông đã đau đớn, nhưng tựa như cái cách cây cỏ vươn lên từ lớp bùn dính nhớp và Mẹ thiên nhiên bao dung cho con người, tình yêu vẫn vươn lên từ mất mát, nàng vẫn tha thứ cho ông. Chúa trời vẫn không thắng nổi tình yêu rất tự nhiên giữa những tạo vật của tự nhiên.
“ Bao giờ ta cũng thích nhìn những mầm non nhú ra, nhìn mọi vật tươi nở, đổi thay, tàn héo... và những mầm mới nảy nở, vẫn cái vòng tuần hoàn vĩnh cửu ấy không ngừng diễn ra .” 4 Sau tất cả, nàng nghiệm ra vòng tuần hoàn của tự nhiên - mà con người như nàng, như Ranfơ và tình yêu của họ, con trai của họ.... đều là một phần của tuần hoàn ấy - để tha thứ cho những cố chấp của ông và của mình, để sống phần đời còn lại trong thanh thản. Cái nhìn và vị thế của Mecghi lúc này có cái gì đó dịu dàng, nhẫn nại, thấu suốt và vị tha như Đất Mẹ. Rốt cục, con người chiến thắng khi họ sống hòa hợp với tự nhiên. Như loài chim hót trong bụi mận gai dù sao đi nữa vẫn hạnh phúc khi được cất lên tiếng hót hay nhất thế gian ấy, nàng hạnh phúc bởi nàng đã yêu ông.
Trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai , thiên nhiên không phải cái nền mà là cái hồn của câu chuyện tình yêu vĩ đại. Hình ảnh ẩn dụ về loài chim giữa bụi mận gai trước hết là một hình ảnh thiên nhiên - nhân vật-thiên nhiên một lần nữa cho thấy sức mạnh của mình, nó bao trùm lấy nhân vật-con người, như một sự tiên tri thâm trầm mà sáng suốt mà sáng suốt về định mệnh con người. Tình yêu giữa Mecghi và cha Ranfơ cũng như nỗi đau của họ sẽ không thể vĩ đại đến thế, không mang chiều sâu nhân sinh và tầm vóc vũ trụ đến thế - nếu tách khỏi đồng bằng Tây Bắc nước Úc.
Từ The Thorn Birds đến Tiếng chim hót trong bụi mận gai
Bản gốc tiểu thuyết (tiếng Anh) có tựa đề The Thorn Birds , dịch sát là “những con chim trong bụi gai”. Ở Việt Nam, có hai bản dịch phổ biến là Tiếng chim hót trong bụi mận gai và Những con chim ẩn mình chờ chết . Tuy nhiên, toàn bộ tiểu luận này, chúng tôi chọn bản dịch Tiếng chim hót trong bụi mận gai . Chưa bàn sâu đến chất lượng từng bản dịch (mức độ trung thành với bản gốc, sự nhuần nhị trong lối dùng tiếng Việt,...), lựa chọn này đến từ cách dịch tiêu đề tác phẩm. Xét trên “hệ quy chiếu” tự nhiên thì The Thorn Birds - “những con chim trong bụi gai”, một phần của tự nhiên ấy - được thể hiện một cách trung tính. (Danh từ trung tâm birds được bổ nghĩa bằng danh từ thorn , cả hai đều là những danh từ chỉ sự vật không mang sắc thái biểu cảm. Toàn bộ tiêu đề không có tính từ bổ nghĩa.) Cách dịch Tiếng chim hót trong bụi mận gai rõ ràng là một cách dịch thoát, bay bổng và cụ thể hơn so với bản gốc. Có thể dịch giả cốt nhấn vào tình yêu đẹp đẽ, thăng hoa, nhưng quan trọng hơn, đây là cách dịch hướng về mặt tích cực của tồn tại tự nhiên. Loài chim trong truyền thuyết chỉ hót có một lần, nhưng đó là tiếng hót hay nhất thế gian; chúng tồn tại để đợi ngày cất lên tiếng hót ấy.
Trong khi đó, Những con chim ẩn mình chờ chết ít nhiều mang sắc thái tiêu cực, nghiêng nhiều hơn về phía diệt vong. Mà thiên nhiên, nếu không có tác động từ phía con người, thì luôn luôn hướng về sự sống. Bản thân tự nhiên có cân bằng nội tại, mỗi tạo vật mất đi để chuyển hóa và tồn tại trong một dạng khác. Sinh thái tự nhiên không có cái chết; sinh vật (bao gồm cả con người) chỉ chết thật sự khi ta chống lại tự nhiên. Chính vì vậy, cách dịch The Thorn Birds thành Những con chim ẩn mình chờ chết có lẽ không hài hòa lắm với sự say mê mà nhà văn Colleen dành cho câu chuyện bà kể, cho những nhân vật của bà và cho thiên nhiên như một phần câu chuyện ấy. Do đó, để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp và sức sống thiên nhiên, cũng như vẻ đẹp và sức sống của tình yêu con người trong tiểu thuyết của Colleen McCullough, có lẽ nên chọn Tiếng chim hót trong bụi mận gai . Dù trong bản dịch này tên nhân vật và địa danh đều được phiên âm gây khó khăn nhất định, nhưng để tìm hiểu một tác phẩm dưới góc nhìn sinh thái, có lẽ vẫn nên chọn điểm nhìn từ sinh thái.
KẾT LUẬN
Tiếng chim hót trong bụi mận gai là một cuốn tiểu thuyết đẹp - trước hết và sau cùng, là bởi sự hòa quyện tuyệt đối giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người. Tác phẩm không đề cao riêng một đối tượng nào - con người hay tự nhiên, mà tập trung vào sự hài hòa giữa hai phía trong một tuần hoàn lớn của vũ trụ; tình yêu lồng vào giữa thiên nhiên và mang hình ảnh của thiên nhiên. Đó là mục tiêu mà phê bình sinh thái xác lập và cũng là đến đích lý tưởng mà mỗi kiếp nhân sinh khao khát. Nói cho cùng, con người đâu khác gì loài chim giữa bụi mận gai truyền thuyết chấp nhận vong thân cho những khoảnh khắc tột cùng.
Có một chi tiết “ngoài lề” thú vị, Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen McCullough cùng với Tất cả những dòng sông đều chảy ( All the rivers run ) của Nancy Cato là hai tác phẩm văn học Australia quen thuộc hàng đầu với độc giả toàn thế giới. Hai tác phẩm có nhiều điểm tương đồng: cùng là sáng tác của những cây bút nữ, viết về những nhân vật nữ đầy nghị lực giữa thiên nhiên đậm chất hoang dã - Đất lớn Tây Bắc hay những con sông lớn của lục địa Australia là Murray và Darling, đến cả tiêu đề tác phẩm cũng là hình ảnh của tự nhiên để khái quát quy luật bất di bất dịch... Đây có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng cũng có thể là một điều tất nhiên - khi cuộc sống con người hoà hợp với thiên nhiên và thiên nhiên trở thành cảm hứng, mạnh mẽ, xuyên suốt. Theo cách này, những tác phẩm văn học Australia chắc chắn sẽ là gợi ý thú vị, đầy tiềm năng để tìm hiểu dưới góc nhìn phê bình sinh thái; đồng thời, để nghiên cứu văn học Australia xác lập một bản sắc cho mình giữa thời đại của những lý thuyết, những trường phái phê bình chồng chéo, xuyên thấm nhau như hiện nay.
TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Tác giả xin cam đoan không có xung đột về lợi ích trong công bố bài báo.
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Tác giả thực hiện toàn bộ nghiên cứu trong bài viết (tìm tài kiếm liệu tiếng Việt; tìm kiếm, tổng hợp và hệ thống tài liệu tiếng Anh; tìm kiếm các tài liệu liên quan để xác định tình hình nghiên cứu đề tài thiên nhiên trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai và thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về đề tài này). Bài viết thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá của tác giả đối với chủ đề thiên nhiên trong tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai; đồng thời thể hiện quan điểm và phương pháp vận dụng phê bình sinh thái trong việc tiếp nhận một tác phẩm cụ thể.
References
- Cheryll G., Harold F.. The Ecocristism Reader Landmarks in Literary Ecology. USA: University of Georgia Press. 1996;:xvii. Google Scholar
- Hiểu D.V.. Phê bình sinh thái - cội nguồn và sự phát triển. [Online]. [truy cập lần cuối ngày 30/7/2018]. . 2013;:. Google Scholar
- Timothy C.. The Cambridge Introduction to Literature and the Environment. UK: Cambridge University Press. 2011;:4. Google Scholar
- McCullough C., Hùng P.M.. Tiếng chim hót trong bụi mận gai (dịch). Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học. 2005;:. Google Scholar
- Thư A.. Giữa thảm họa cháy rừng Úc, những chồi non nhỏ bé kiên cường hi vọng tái sinh. [Online]. [truy cập lần cuối ngày 05/4/2020]. . 2020;:. Google Scholar
- Khang A.. Australia giết 10.000 lạc đà vì uống quá nhiều nước. [Online]. [truy cập lần cuối ngày 05/4/2020]. . 2020;:. Google Scholar