VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Short Communication - Social Sciences

HTML

661

Total

428

Share

Japanese Philosophy of Education in the 21st Century






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Since the Second World War (1945), stepping into the modern period, Japan has many times carried out innovation in the education system from education content to methods, infrastructure, organization, and educational policy. However, through the enactment and rectification of the basic education law, the Japanese government only proceeded to revise the national educational mission twice. The first time was in 1947, aiming to eliminate all educational remnants of modern combative militarism, to educate individuals to be independent and creative, to exert self-control in the spirit of American-style democratic philosophy of education; and the second time was in 2006, aiming to bring the country through dramatic changes of the society due to the wave of modernization and globalization, to welcome “the 100-year life” and develop “super-smart society” as reported by the Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology of Japan in 2016. The paper uses data collection and analyzing methods specifically for legal documents on Japanese education so as to point out two new elements in Japanese educational philosophy at the threshold of the 21st century, activities to realize the new educational philosophy, as well as making general observations about the main cause leading to the formation of these two new elements in Japanese educational philosophy in the 21st century.

Đặt vấn đề

Triết lý giáo dục là nội dung cốt lõi, là tinh thần chủ đạo của giáo dục. Triết lý giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ ra đường lối phát triển giáo dục của một quốc gia. Để đương đầu với mọi sự chuyển biến của xã hội, bất cứ quốc gia nào, khi muốn thực hiện đổi mới giáo dục cho phù hợp với thời đại, đều cần phải tiến hành động thái: hoạch định ra triết lý giáo dục thích hợp với đường lối quốc gia, mục tiêu quốc gia muốn hướng đến. Vì thế, triết lý giáo dục phổ quát của một quốc gia, một trường học, một tổ chức…nằm trong các văn bản chỉ đạo liên quan đến chiến lược phát triển giáo dục của quốc gia, trường học, tổ chức đó. Cụ thể hơn, ở trường hợp Nhật Bản, triết lý giáo dục mang tầm quốc gia được đúc kết một cách khúc chiết trong Luật Giáo dục cơ bản.

Như Nguyễn Quốc Vương có đề cập trong Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản : ở trường hợp Nhật Bản, cải cách giáo dục giống như một cuộc cách mạng xã hội trong hoà bình. Ở đó, triết lý giáo dục được bàn đến và minh định trước tiên. Triết lý giáo dục này đã chi phối toàn bộ nội dung, phương pháp giáo dục cũng như cách thức tồn tại của nền giáo dục mới và có mối quan hệ rất mật thiết với Hiến pháp cũng như các bộ luật về giáo dục [ 1 , tr.71]. Ngoài ra, tại buổi Hội thảo Khoa học “Triết lý giáo dục: Những vấn đề lý luận & Kinh nghiệm thế giới”, Nguyễn Tiến Lực cũng nhận định rằng tuy trong các điều luật về giáo dục của Nhật Bản không ghi rõ cụm từ “triết lý giáo dục”, nhưng người đọc có thể hiểu được triết lý giáo dục của Nhật Bản thông qua các văn bản giải thích Luật Giáo dục cơ bản [ 2 , tr.188].

Luật Giáo dục cơ bản của Nhật được ban hành chính thức vào năm 1947, trong bối cảnh Nhật Bản thua trận trong chiến tranh thế giới thứ hai. Lúc bấy giờ, giáo dục Nhật Bản đứng trước một ngả rẽ ngoạn mục, đó là: phải triệt tiêu chủ nghĩa quân quốc của những năm cuối thời cận đại và xây dựng chế độ dân chủ theo kiểu Mỹ. Sứ mệnh giáo dục của Nhật Bản được quy định trong Luật Giáo dục cơ bản năm 1947 như sau: “Giáo dục phải hướng tới hoàn thiện nhân cách; yêu chân lý và chính nghĩa với tư cách là người làm chủ xã hội - quốc gia hoà bình; tôn trọng trách nhiệm và lao động dựa trên các giá trị của bản thân, và giáo dưỡng toàn dân kiện toàn v tinh thần lẫn thể chất để đáp ứng được tinh thần tự chủ” 3 .

Thực tế cho thấy rằng, sau hai thập kỷ từ khi ban hành Luật Giáo dục cơ bản, giáo dục Nhật Bản đã góp phần đưa Nhật Bản tiến lên hàng thứ hai thế giới sau Mỹ vào năm 1968. Triết lý giáo dục Nhật Bản được đề ra năm 1947 đã phát huy được vai trò của nó – là kim chỉ nam để Nhật Bản thoát ra khỏi “cái bóng” giáo dục theo chủ nghĩa quân quốc, giáo dục phục vụ quân sự, để tiến lên tầm cao của giáo dục dân chủ, đào tạo ra nguồn nhân lực lao động có chuyên môn, đủ khả năng đi tiên phong trong phát triển khoa học – công nghệ cao. Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student – viết tắt PISA) do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (Oganization for Economic Coorporation and Development – viết tắt OECD) thực hiện trên 34 nước thành viên có nền kinh tế thị trường lớn nhất thế giới, năm 2000, Nhật Bản đứng thứ hai về năng lực toán học, xếp thứ tám về năng lực đọc hiểu. Đến năm 2006, Nhật Bản lần đầu tham gia đánh gia năng lực khoa học, và đứng vị trí thứ ba; năng lực toán học đứng thứ tư và năng lực đọc hiểu đứng thứ mười hai.

Tuy nhiên, song song với sự tiến bộ vượt bậc về mặt kinh tế, công nghệ – kỹ thuật do giáo dục – đào tạo đem lại, Nhật Bản đã phải đối mặt với một số vấn đề mới phát sinh theo sự vận động của xã hội. Chính vì giáo dục “lấy cá nhân làm trung tâm” của những năm đầu thời hiện đại, tư duy của thế hệ được đào tạo theo triết lý giáo dục này chuyển dần theo xu hướng cá nhân hóa, độc lập. Lối tư duy này kéo theo lối sống xem nhẹ vai trò, mối liên kết gia đình, dòng tộc. Số lượng người trẻ không muốn lập gia đình, không muốn sinh con ngày càng tăng. Ý thức “lao động, phục vụ trọn đời” cho một công ty để ổn định cuộc sống, chăm lo gia đình, con cái cũng theo chiều hướng giảm. Giới trẻ Nhật Bản có xu hướng chuyển đổi công việc cho đến khi tìm được công việc thực sự phù hợp với bản thân, hơn là tìm một công việc để cống hiến, tự làm cho bản thân mình phù hợp với công việc như ông cha của họ trước đó. Và cũng chính vì biên độ dịch chuyển công việc tăng nên biên độ dịch chuyển nơi ở tăng theo. Điều này một lần nữa làm khắc sâu hơn tình trạng giới trẻ Nhật Bản không muốn lập gia đình, sinh con, thích di chuyển, tích cực tiếp nhận luồng văn hóa mới từ bên ngoài, vô hình chung, điều này cũng dẫn đến sự hời hợt trong ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống.

Vì lẽ này, sau 60 năm tồn tại, Luật Giáo dục cơ bản của Nhật Bản đã chính thức được sửa đổi vào năm 2006, nhằm mục đích giải quyết những khó khăn hiện hữu trong xã hội của thế kỷ 21 như: vấn đề già hóa dân số, xu hướng cô lập cá nhân, sự thay đổi của môi trường tuyển dụng, làn sóng toàn cầu hoá mạnh mẽ. Căn cứ trên nội dung của Luật Giáo dục cơ bản sửa đổi năm 2006, có thể thấy nổi bật hai yếu tố mới được thêm vào là yếu tố truyền thống được ghi trong Lời bạt và yếu tố học tập suốt đời được ghi trong Điều 3 như sau:

Yếu tố truyền thống được nêu trong Lời bạt:

Giáo dục coi trọng sự tôn nghiêm cá nhân, mưu cầu chân lý và chính nghĩa, tôn trọng tinh thần cộng đồng, giáo dục con người có tính nhân sinh và tính sáng tạo phong phú, chúng ta ti ế p tục kế thừa truyền thống và xúc ti ế n giáo dục nhắm vào mục tiêu sáng tạo nền văn hóa mới.

Yếu tố Học tập suốt đời trong Điều 3:

[Triết lý học tập suốt đời] Cần phải lập k ế hoạch để hiện thực một xã hội mà ở đó từng quốc dân có thể mài giũa nhân cách cá nhân và sống một cuộc đời phong phú, có thể học tập mọi nơi, mọi lúc trong suốt cuộc đời mình và có thể vận dụng thích hợp những thành quả đó.

Yếu tố truyền thống trong triết lý giáo dục thế kỷ 21

Thực tế trong các cuộc họp bàn về đường lối giáo dục Nhật Bản sau chiến tranh (1945), yếu tố “tôn trọng truyền thống” cũng đã được nêu ra và tranh luận. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị chi phối bởi Tổng tư lệnh quân đội đồng minh (Mỹ), cộng với chí hướng muốn xóa bỏ triệt để chủ nghĩa quân phiệt của toàn dân Nhật Bản, yếu tố “tôn trọng truyền thống” đã bị bỏ ra khỏi Luật Giáo dục cơ bản năm 1947 vì mối lo ngại yếu tố này sẽ khơi gợi lại chủ trương quân phiệt, hiếu chiến [ 4 , tr.54].

Như đã đề cập ở mục 1, triết lý giáo dục đầu giai đoạn hiện đại đặt sứ mệnh giáo dưỡng cá nhân độc lập lên hàng đầu, theo kiểu phương Tây, dẫn đến hiện tượng cá nhân hóa, độc lập với gia đình, kéo theo mối quan hệ trong gia đình, xã hội dần trở nên rời rạc, con người bị thiếu thốn tình cảm của họ hàng thân thích, dễ cảm thấy bị cô đơn, bị cô lập và mất định hướng sống. Để khắc phục tình trạng này, Nhật Bản phải xây dựng lại khối liên kết giữa gia đình – nhà trường – xã hội, hướng người Nhật quay trở về với các giá trị truyền thống phương Đông, đề cao tình cảm gia đình, nhà trường. Do đó, trong phiên bản chỉnh sửa đầu tiên năm 2006, Luật Giáo dục cơ bản đã quy chế hóa trách nhiệm giáo dưỡng một cá nhân trong một khối thống nhất: gia đình – nhà trường – xã hội.

Để hiện thực hóa triết lý giáo dục mới được thêm vào Luật Giáo dục cơ bản sửa đổi năm 2006, chính phủ Nhật Bản đã đổi mới nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục bằng cách thêm vào những hướng dẫn đào tạo kích thích lòng tự hào dân tộc, ý chí hướng nội, hướng về gia đình, dòng tộc, quê hương, đất nước. Ví dụ, văn bản Hướng dẫn chỉ đạo học tập dành cho cấp tiểu học và trung học cơ sở vào năm 2009 đã thêm vào nội dung “giáo dục tình cảm trân quý truyền thống và văn hóa đất nước chúng ta bằng việc viếng thăm các di sản văn hoá thế giới, tài sản văn hoá quan trọng, bảo vật quốc gia do tiền nhân giữ gìn, lưu truyền lại”, cấp trung học phổ thông thêm vào nội dung “Bổ sung giờ giáo dục lịch sử (đặt lịch sử Nhật Bản trong lịch sử thế giới), tăng cường học tập văn hoá, các môn lịch sử địa lý, công dân. Bổ sung thêm giờ học các điển tích cổ, võ đạo, âm nhạc truyền thống, văn hoá mỹ thuật, văn hoá ăn mặc ở (các môn quốc ngữ, thể dục kiện toàn, mỹ thuật, âm nhạc, gia đình)” 5 . Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện cải biên ba luật định quan trọng kèm theo (Luật Giáo dục trường học, Luật hành chính giáo dục địa phương, Luật cấp phép viên chức giáo dục) để đồng bộ các chế định, giúp các trường học có đủ hành lang pháp lý triển khai các hoạt động giảng dạy theo Hướng dẫn chỉ đạo học tập mới.

Yếu tố học tập suốt đời trong triết lý giáo dục thế kỷ 21

Sau chiến tranh, giáo dục Nhật Bản phải đáp ứng được yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa. Ở thập niên 60, việc coi trọng học hành, bằng cấp trong học tập được xem như chìa khóa tiến thân. Với chế độ tuyển nhân sự “正社員” (Seishain – nhân viên chính thức ), các công ty Nhật có khuynh hướng lựa chọn, xem trọng các sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường danh tiếng. Nhà tuyển dụng căn cứ vào mức độ danh tiếng của trường Đại học để đánh giá trình độ nhân sự, cũng như thiết lập chế độ ưu tiên tuyển dụng. Vô hình chung, khuynh hướng này đã tạo ra chủ nghĩa bằng cấp, cạnh tranh học lực khốc liệt trong xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, do xã hội ngày càng được thông tin hóa, Nhật Bản bắt đầu dung nạp thêm nhiều giá trị hiện đại từ các nước bên ngoài, dẫn đến việc nếu không cập nhật kiến thức thường xuyên sẽ bị tụt hậu. Song song với nhu cầu bằng cấp, nhu cầu bắt kịp thời đại dần hình thành và trở nên bức thiết.

Hơn nữa, tập quán tuyển dụng suốt đời kiểu Nhật dần trở nên mờ nhạt do sự ảnh hưởng của văn hóa tuyển dụng kiểu phương Tây – coi trọng năng lực, sẵn sàng sa thải nhân viên không làm việc hiệu quả. Về phía người lao động, do được tiếp nhận giáo dục lấy mỗi cá nhân làm trung tâm theo triết lý giáo dục được xây dựng năm 1947, người Nhật Bản dần chủ động trong việc chuyển đổi công việc, không còn ý thức một lòng trung thành với công ty như trước. Việc chuyển đổi môi trường làm việc cũng đòi hỏi người lao động phải cập nhật, cải thiện năng lực bản thân.

Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến yếu tố biến đổi của kết cấu dân số. Trong xã hội mà tỷ lệ người già đang gia tăng thì giáo dục gói gọn trong nhà trường dần trở nên không phù hợp, hay nói cách khác, không thể đáp ứng được nhu cầu học thêm của toàn xã hội, đặc biệt là bộ phận người dân muốn duy trì việc bồi dưỡng tri thức, bộ phận người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn muốn tiếp tục học tập và làm việc.

Đứng trước tình hình trên, những nhà hoạch định giáo dục Nhật Bản phải chịu sức ép trong việc kiến thiết, xây dựng một hệ thống giáo dục, đào tạo nhân lực lao động đáp ứng nhu cầu của quốc dân và tương thích với thời đại. Chính vì thế, ở bản chỉnh sửa Luật Giáo dục cơ bản 2006, “triết lý học tập suốt đời ” được tách ra thành một điều luật riêng, khuyến khích toàn dân theo đuổi việc học tập mọi nơi, mọi lúc và không chỉ dừng việc học tập tại trường. Đây là một trong những điểm mới đáng lưu tâm trong triết lý giáo dục của Nhật Bản khi bước vào thế kỷ 21.

Đánh giá được tầm quan trọng và tính cấp bách trong việc xây dựng một xã hội nâng cao việc học tập suốt đời, các hội đồng thẩm định giáo dục đã thực hiện điều tra, báo cáo về “Giáo dục suốt đời” (1961) và “Sự chuyển đổi sang xã hội học tập suốt đời” (1986). Hội đồng giáo dục đã nêu ra ba mục đích và lí do phải xây dựng xã hội học tập trọn đời là: (1) điều chỉnh lại những tiêu cực của xã hội coi trọng bằng cấp; (2) đáp ứng sự gia tăng của nhu cầu học tập cùng với sự phát triển của xã hội; (3) sự cần thiết của việc học tập nhằm đáp ứng những thay đổi của kinh tế và xã hội. Tiếp theo đó, chính phủ Nhật Bản cũng đã ban hành “ Luật xây dựng thể chế xúc tiến chính sách phát triển học tập suốt đời ” (生涯学習の振興のための施策の推進体制等の整備に関する法律) vào năm 1990 tạo hành lang pháp lý để phổ biến việc học tập suốt đời trong toàn dân [ 6 , tr.173].

Ngoài ra, theo Báo cáo của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về “ Thực hiện xã hội học tập trọn đời7 , để có thể xúc tiến “học tập trọn đời” một cách có hệ thống, nhà nước đã quy định vai trò cho các cấp giáo dục liên quan. Trước hết, quy định vai trò của Giáo dục học đường : “ Nuôi dưỡng thái độ, ý muốn tự học và những năng lực cần thiết cơ bản để để duy trì việc học tập trong suốt cuộc đời ”; hướng đến mục tiêu nuôi dưỡng những con người có thể tự mình học tập ngay cả khi tốt nghiệp, ra trường đi làm. Tiếp theo, nhà nước quy định vai trò của Giáo dục xã hội , đó là hỗ trợ các hoạt động học tập trọn đời của người dân bằng cách “ phấn đấu thúc đẩy một môi trường có thể nâng cao bồi dưỡng văn hóa phù hợp với cuộc sống thực tế của mỗi người ” (Luật Giáo dục xã hội Điều 3) để mỗi cá nhân có thể tiếp tục học tập suốt cuộc đời mình. Bên cạnh đó, nhà nước cũng quy định vai trò của Hành chính giáo dục xã hội , đặt những chuyên viên quản lý giáo dục xã hội vào vị trí đầu tàu trong hệ thống xúc tiến học tập trọn đời.

Cũng theo Báo cáo này của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản năm 2015 về công tác xây dựng xã hội học tập trọn đời, bên cạnh các chính sách nêu trên, Nhật Bản đã thực hiện mở rộng hàng loạt các cơ sở giáo dục để tăng cơ hội học tập cho người đang đi làm, người lớn tuổi như đại học từ xa, mở thêm chế độ học đa dạng tại các trường đại học hiện hành, khuyến khích mở các trường học tư nhân…cụ thể như sau:

Đại học đào tạo từ xa

Trường đại học đào tạo từ xa là những cơ sở sử dụng phương tiện truyền thông để cung cấp cho quốc dân cơ hội tiếp nhận giáo dục đại học mà không cần đến trường. Ngoài ra, trên toàn quốc, các trung tâm học tập được xây dựng, hỗ trợ việc học tập của học viên, đồng thời nỗ lực chấn hưng việc học tập suốt đời tại địa phương. Các trường đại học này đóng vai trò là hạt nhân trong công cuộc xúc tiến học tập trọn đời.

Đại học hiện hành

Đại học đóng vai trò là “trung tâm tri thức” trong xã hội, địa phương, được thực hiện các chế độ học tập dành cho người đi làm, chế độ tuyển sinh cho người đi làm, tổ chức các lớp học ngoài giờ hành chính, giáo dục từ xa, tổ chức các lớp học công khai… Các lớp học công khai đóng vai trò cung cấp thông tin cho người dân địa phương về các thành quả nghiên cứu, giáo dục tại đại học.

Trường chuyên môn

Theo Luật Giáo dục trường học, trường chuyên môn là trường học nhắm vào mục đích đào tạo năng lực cần thiết cho người đi làm và trong sinh hoạt thực tế. Để nâng cao trình độ chuyên môn, các trường này đóng vai trò quan trọng với tư cách là cơ quan giáo dục thực hiện đào tạo kỹ thuật chuyên môn, giáo dục thực nghiệp.

Giáo dục thông tin xã hội

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản công nhận, khuyến khích nâng cao giáo dục xã hội thông qua đào tạo từ xa tại các tập đoàn pháp nhân trường học (Incorporated Educational Institutions). Đến tháng 2 năm 2015, đã có 27 đoàn thể 112 khóa học được thực hiện. Số người tham gia từ 2014 đến 2015 là 55.000 người.

Công ty giáo dục tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận

Các đoàn thể tư nhân hoạt động phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục hoặc các công ty giáo dục tư nhân cũng đóng vai trò làm đa dạng hóa hoạt động học tập của quốc dân. Bộ Giáo dục thực hiện chi viện, tạo mạng kết nối các đoàn thể, giới thiệu các đoàn thể tiên tiến, đồng thời thực hiện nghiên cứu, điều tra các loại mô hình hoạt động để phát huy sự hiểu biết trong dân chúng.

Kết luận

Trong xã hội siêu thông minh, khi mà công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, nhất là Nhật Bản là một trong những nước trên thế giới đi đầu về chế tạo robot và đã thực hiện đưa robot vào hoạt động trong một số lĩnh vực thay thế con người, giáo dục được đặt lên vai trọng trách lớn: không chỉ đào tạo ra đội ngũ lao động, nhà khoa học có thể duy trì và đưa Nhật Bản dẫn đầu thế giới về công nghệ trí tuệ nhân tạo, mà còn phải bảo tồn được nền văn hóa đặc sắc của quốc gia. Những câu hỏi như “làm thế nào để “chất truyền thống” có thể dung hòa trong xã hội hiện đại?”, “làm thế nào để sử dụng lực lượng lao động lớn tuổi?”… cũng chính là sứ mệnh quan trọng không chỉ của giáo dục Nhật Bản khi bước vào thế kỷ 21, mà của cả các quốc gia khác, đang và sẽ đối mặt với tiến trình toàn cầu hóa – hiện đại hóa, cũng như sự già hóa dân số. Từ đó có thể thấy rằng, nghiên cứu sự chuyển biến của giáo dục Nhật Bản với nhân tố trung tâm là triết lý giáo dục là bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng và hiện thực hoá triết lý giáo dục ở các quốc gia trên thế giới.

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tra cứu, dịch thuật, phân tích tài liệu liên quan đến các văn bản pháp quy về giáo dục của Nhật Bản. Chỉ ra và phân tích hai yếu tố mới trong triết lý giáo dục Nhật Bản trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, các hoạt động nhằm hiện thực hóa triết lý giáo dục mới, cũng như đưa ra nhận định chung về nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành hai yếu tố mới này trong triết lý giáo dục Nhật Bản thế kỷ 21.

References

  1. Vương N.Q.. Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản. Hà Nội: Phụ Nữ. 2016;:71. Google Scholar
  2. Lực N.T.. Quan niệm về “Triết lý giáo dục” của Nhật Bản. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Triết lý giáo dục: Những vấn đề lý luận & Kinh nghiệm thế giới”. 2019;:180-188. Google Scholar
  3. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Luật giáo dục cơ bản. 2006;:. Google Scholar
  4. Michiyoshi H.. Tại sao bây giờ phải cải biên Luật Giáo dục cơ bản. Japan: PHP Kenkyusho. 2004;:. Google Scholar
  5. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Cải cách Hướng dẫn chỉ đạo học tập. 2015b;:. Google Scholar
  6. Asahiro K.. Mục đích và phương pháp xúc tiến học tập trọn đời. Báo cáo thường niên học hội giáo dục trọn đời Nhật Bản. 2013;34:171-177. Google Scholar
  7. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Thực hiện xã hội học tập suốt đời. 2015a;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 2 (2020)
Page No.: 395-400
Published: Jun 30, 2020
Section: Short Communication - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i2.547

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trang, T. (2020). Japanese Philosophy of Education in the 21st Century. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 4(2), 395-400. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i2.547

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 661 times
Download PDF   = 428 times
View Article   = 0 times
Total   = 428 times