VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

2141

Total

519

Share

Edo Shigusa- A system of behavior manners for Japanese merchants in Edo period






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Edo Shigusa was a system of behavior manners for Japanese merchants, was taught in the late Edo period. In the process of forming and developing this manner, the Edo-period instructors encountered many objections from the Tokugawa shogunate because they thought that its syllabus risked influence on the politics of the nation, causing Edo merchants not publicly but only in the form of word of mouth. Professor Shiba Mitsuakira was the instructor of Edo Shigusa, who is considered as the last surviving member of Edo Shigusa instructors, holded the seminar "Looking back to the good points of Edo Shigusa" in 1974. He synthesized all of syllabus in the Edo period, calling these manners are "Merchant manners", "Prosperity rules", "Edo Shigusa business philosophers" and finally, named them as “Edo Shigusa”. After restoration and development since 1980, Edo Shigusa has become a common standard in communication, a measure of manners not only for Japanese businessmen but also for ordinary people today. This study, from a cultural point of view, outlines some manners for Japanese merchants in the Edo period, influences in today's era, and analyzes its good and bad sides to explain the general information of Japanese businessmen in particular and Japanese people in general.

Đặt vấn đề

Từ sau khi Tokugawa Ieyasu xác lập chính quyền vào năm 1600, Nhật Bản bước vào thời kỳ mới trong hoạt động thương nghiệp được coi trọng. Edo Shigusa là một quy tắc ứng xử của giới thương nhân hình thành trong quá trình buôn bán và dần dần trở thành quy tắc sống cho người dân Nhật Bản. Sau khi được khôi phục và phát triển từ năm 1980, Edo shigusa trở thành quy chuẩn trong giao tiếp, văn hóa ứng xử dành cho doanh nhân Nhật Bản thời nay.

Bối cảnh hình thành Edo Shigusa

Shigusa (仕草- sĩ thảo), có nghĩa là những dự thảo về tác phong làm việc, là những hành vi, cử chỉ thể hiện ra bên ngoài của con người. Chữ shi do trùng âm đọc với chữ 思 (tư tưởng) nên đôi khi, người Nhật thường viết lại thành 思草để nói lên nghĩa những dự thảo từ suy nghĩ. Nói cách khác, đây chính là việc đưa những suy nghĩ trong tâm họ ra bên ngoài, phơi bày cái đẹp nội tâm của con người 1 . Edo Shigusa hình thành từ thời Edo nên được gọi Edo Shigusa để chỉ quy tắc ứng xử trong giới thương nhân Nhật Bản nói riêng, tác phong của người dân Nhật Bản nói chung.

Từ khoảng giữa cuối thế kỷ XVII, khi xã hội đi vào ổn định, nền kinh tế thương nghiệp Nhật Bản bắt đầu phát triển mạnh. Vào năm 1600, khi Tokugawa xác lập chính quyền, đã lấy Edo làm trung tâm của Mạc phủ, đặt ra thể chế Bakuhan- Mạc phiên. Dấu mốc hình thành nên sự phát triển của thời đại Edo được cho là khi Mạc phủ Tokugawa ban hành chính sách Sankin Kotai (Luân phiên trình diện) vào năm 1635. Chính sách này ban ra nhằm làm thước đo lòng trung thành của các daimyo-lãnh chúa. Thông qua việc các daimyo phải để vợ con lại Edo làm con tin, hàng năm các daimyo từ các địa phương đến Edo để yết kiến Mạc phủ, mang theo những sản vật địa phương để dâng tặng và báo cáo tình hình hoạt động của han- phiên mình đang đảm trách. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách Sankin Kotai đã đưa đến kết quả mà cả Mạc phủ cũng không ngờ. Tokugawa không chỉ bao quát được các hoạt động của các han, mà còn đảm bảo sự ổn định về mặt chính trị. Quá trình thượng kinh trình diện Mạc phủ của các daimyo đã khiến các daimyo suy yếu về mặt kinh tế, không thể cấu kết lẫn nhau để chống lại Mạc phủ. Bên cạnh đó, quá trình yết kiến Mạc phủ đi lại liên tục hình thành nên chuỗi các hoạt động kinh tế đi kèm, khiến cho Mạc phủ Tokugawa nhận về nhiều lợi ích kinh tế, văn hóa xã hội ngoài mong đợi. Lợi ích từ phía Mạc phủ là luôn có được các nguồn sản vật địa phương phong phú từ khắp các tỉnh, các sản phẩm từ phương Tây tập trung ở khu vực Kyushu, các phương tiện khoa học kỹ thuật đều được cập nhật tức thời. Ngoài ra mỗi lần các daimyo yết kiến, họ tổ chức các chuyến đi về với hàng trăm tùy tùng khiến cho hệ thống đường xá, giao thông được mở rộng cùng với những dịch vụ đi kèm như trạm dừng, hệ thống chợ búa, quán xá… “Mặt đường rải cát và đá, hai bên có hai hàng linh sam, con đường rộng này không biết có bao người đi lại, từ những người hành hương, thương gia, samurai đến các đô vật sumo, tất cả đi bằng ngựa….” 2 . Về phía các daimyo, để trang trải chi phí cho mỗi lần trình diện, các daimyo buộc phải tập trung toàn lực tăng gia sản xuất để tìm kiếm thêm nguồn thu nhập, họ không còn thời gian và tâm trí lẫn tư bản để phản đối hay đấu tranh với chính quyền.

Mặt khác, nhờ vào việc cải thiện hệ thống giao thông, vận tải, thương mại nội địa phát triển thịnh vượng. Không chỉ riêng việc trình diện của daimyo mà các tầng lớp quý tộc, võ sĩ lẫn bình dân tứ xứ tập trung về Edo, họ trọ lại các nhà trọ và ăn uống, tiêu thụ các sản phẩm thủ công trong thời gian nhất định. Vào đầu năm 1600, dân số Nhật bản đạt 12 triệu người, tuy nhiên, chỉ 50 năm sau, vào năm 1650, con số tăng vọt lên thành 17,5 triệu người. Sau đó 50 năm, năm 1700, đạt 30 triệu người và duy trì trong suốt thời đại Edo, riêng khu vực Edo đến năm 1750 đã đạt 12 triệu người 3 , trở thành khu siêu cực đại đô thị. Tầng lớp thương nhân phát triển theo quy luật tất yếu khi có cơ hội phát triển kinh doanh, các thương nhân cũng tập trung ở khu vực Edo để sản xuất và buôn bán các mặt hàng thủ công, hàng quán, đồ nhu yếu v.v.... Các daimyo thuần túy cũng bắt đầu có khuynh hướng chuyển thành các daimyo thương nhân và phát triển vào giai đoạn sau. Các thương nhân Edo đã xây dựng những quy tắc ứng xử giữa những thương nhân giúp cho mối quan hệ được tốt hơn. Trên cơ sở đó, họ muốn tạo ra một nếp sống mới, tác phong làm việc mới, thông qua việc luôn thông cảm và nghĩ cho người khác, có lòng từ bi, biết thương xót cho người khác, mọi người cùng nhau sống trong hòa bình, đồng thời xây dựng mối quan hệ hữu hảo với nhau. Edo Shigusa vì thế được định nghĩa là triết học hành động của thương nhân Edo 4 . Edo Shigusa là những quy tắc ứng xử chung sinh ra bởi tầng lớp thương nhân mà không phải do Mạc phủ Tokugawa đưa ra. Những quy tắc này, theo nhà nghiên cứu Koshikawa Reiko, đã nảy sinh trong giai đoạn phương Tây đến Nhật Bản. Bắt nguồn từ những quan sát về người phương Tây với những tác phong giao tiếp lịch sự, hành động dứt khoát, phong thái đĩnh đạc tiềm ẩn, những thương nhân Nhật đã bắt chước phong cách đó và đề ra những quy tắc riêng 5 . Để tránh sự kiểm soát của Mạc phủ, các thương nhân không công khai mà chỉ truyền miệng nhau qua giáo trình gọi là Edokou (江戸講- những bài giảng về Edo Shigusa). Người làm công việc truyền giảng này được gọi là Edokko (江戸っ子- những chuyên gia giảng dạy về Edo Shigusa).

Những quy tắc này, sau khi đến tai Mạc phủ gặp phải sự bài xích mạnh từ phía nhà cầm quyền. Tokugawa Yoshimune vì lo sợ mạng lưới Edokko lan rộng làm ảnh hưởng đến chính trị đất nước nên đã ngăn cấm việc truyền giảng, đuổi đánh và thảm sát các nhà truyền giảng, đốt sách những tài liệu ghi chép cổ. Koshikawa Reiko đã so sánh mức độ thảm khốc của những cuộc đàn áp hơn cả cuộc thảm sát Wounded Knee năm 1890 ở Hoa Kỳ và cuộc thảm sát Sơn Mỹ năm 1968 ở Việt Nam 6 . Không những thế, các tài liệu cổ do các thương nhân ghi chép lại cũng bị đốt sạch. Những hình ảnh còn sót lại trong thư viện Bảo tàng Quốc gia Nhật Bản chỉ là những hình ảnh mô tả vẽ lại sau này.

Đến năm 1974, giáo sư Shiba Mitsuakira (芝三光) chủ trì cuộc hội thảo “Nhìn lại những mặt tốt của Edo Shigusa” để nêu lên những mặt tích cực do Edo Shigusa mang lại cho xã hội Nhật Bản. Đồng thời ông tập hợp những ghi chép của riêng mình từ tổ tiên, những Edokko từ thời Edo và gọi tên chung là “Quy tắc thương nhân”, “Quy tắc phồn vinh” như bộ giáo trình giảng dạy Quy tắc ứng xử cho thương nhân. Năm 1980, ông đề xướng thành thuật ngữ “Edo Shigusa”, sau đó giới thiệu đầu tiên vào năm Showa 56 tức năm 1981 trên mục “Sổ tay biên tập” trong báo giấy Yomiuri Shimbun tại Nhật 7 . Năm 2004 và 2005 Hiệp hội Quảng cáo AC Japan giới thiệu công khai. Sau đó, ký giả Okada Yoshiro (岡田芳郎) của Tập san Quảng cáo Dentsu đã ghi chép lại qua lời kể của bà Koshikawa Reiko (越川禮子) người có công lớn trong việc hồi sinh Edo Shigusa . Không lâu sau đó, bản ghi chép này trở thành tài liệu đào tạo trong các trường học và công ty xí nghiệp. Năm 2012, nhà xuất bản Ikuhosha (育鵬社) đã in trong tập sách Giáo dục công dân dành cho học sinh Phổ thông cơ sở 8 . Năm 2014, nội dung giảng dạy đã có mặt trong cuốn sách “Đạo đức của chúng em -lớp 5-6 Tiểu học” do Bộ giáo dục Nhật Bản ban hành 9 .

Nội dung chủ yếu của Edo Shigusa

Mạc phủ Tokugawa ban đầu quy định xã hội theo giai cấp sĩ, nông, công, thương, trong đó thương nhân được xem thuộc giai cấp đáy xã hội. Đến giữa thời Edo, thương nghiệp bắt đầu được xem trọng. Sau khi thương nhân đưa ra những quy tắc giao dịch chung, vị thế của họ ngày càng được nâng cao. Những quy tắc và giáo lý được họ áp dụng để con người hành xử trong cuộc sống với cảm giác tôn trọng và được tôn trọng, có văn hóa và thật phong cách. Trong giao tiếp để tránh xảy ra xung đột, họ luôn chú ý đến cách sử dụng từ ngữ, cử chỉ, điệu bộ. Có rất nhiều nguyên tắc được xem là kim chỉ nam dành cho các đối tượng. Với các thương nhân Nhật Bản, theo nhà nghiên cứu Koshikawa Reiko đưa ra 4 tiêu chí mà người thương nhân luôn ghi nhớ: (1) xem người đối diện là một hiện thân của Đức Phật; (2) không được là “kẻ cắp thời gian”, không được làm mất thời gian của người khác mà không xin phép trước; (3) đối xử bình đẳng, không phân biệt địa vị, nghề nghiệp, tuổi tác của người đối phương; (4) trong đua tranh với đối phương, luôn tích cực thể hiện sự vui vẻ và tinh thần học hỏi, sự tháo vát trong tính cách hơn là ganh đua 5 .

Tiêu chí (1) (3) xem người đối phương là một hiện thân của Đức Phật, hay đối xử bình đẳng cho thấy sự quý trọng con người trong tính cách của người Nhật. Người Nhật không có sự phân biệt giàu sang, tuổi tác, không ỷ vào gia thế, địa vị mà khinh người hay tỏ thái độ bề trên. Tác giả Fujii Seido qua phân tích hình ảnh Thiên hoàng khi đi thăm người dân bị thiên tai trong trận động đất tháng 3 năm 2011 đã cho rằng: Một ông thủ tướng quỳ gối hay một vị thiên hoàng ngồi cùng với người dân trong những cuộc gặp gỡ được xem là chuyện bình thường 1 . Điều đó, khác xa với hình ảnh khi tiếp đón chính khách hoặc hình ảnh các vị nguyên thủ ở các quốc gia khác.

Qua nghiên cứu của Koshikawa Reiko, ngoài 4 tiêu chí trên, các thương nhân thời Edo tiếp tục đặt ra các nguyên tắc trong giao tiếp thường nhật. Sau khi được phục hồi, các tiêu chí và nguyên tắc được ứng dụng và mở rộng ra người dân thường. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi khái quát một số nguyên tắc được áp dụng trong đời sống ngày nay:

Kasa Kashige (傘かしげ- thuật nghiêng ô)

Vào ngày trời mưa, khi cầm ô đi ra ngoài thì người cầm ô luôn ý thức việc nghiêng ô một góc để khi gặp người đối diện, cả hai cũng sẽ nghiêng ô chếch ra ngoài nhằm tránh làm nước mưa văng vào làm ướt người kế bên ( Figure 1 ). Từ ý thức này, người Nhật luôn cẩn trọng trong việc sử dụng ô một cách khéo léo sao cho không gây phiền đến người gần bên.

Figure 1 . Động tác nghiêng ô- khép ô khi đi ngang qua .

Nguồn : Thư viện Bảo tàng quốc gia Nhật Bản.

Kata biki (肩引き-khép vai)

Từ ý thức e ngại bản thân gây phiền phức cho đối phương, ở trong sinh hoạt hàng ngày, người Nhật chú ý ít để chạm vào người đối phương. Họ luôn thể hiện sự khép nép, dấu thân phận. Khi đi vào đường hẹp, để tránh đụng phải người đi ngược chiều, mỗi cá nhân sẽ tự kéo vai về phía sau, khép vai, nghiêng mình lại nhường sao cho hai bên không chạm vào nhau mà vẫn có thể đi qua dễ dàng.

Kobushi koshi ukase (こぶし腰浮かせ-nhích vào nhường chỗ)

Khi đi trên xe điện hay xe bus thì những người ngồi trước khi thấy hành khách tiếp theo bước lên sẽ lập tức nhích vào từng chút để tạo khoảng trống đủ cho khách có thể ngồi cùng. Trong xã hội đông đúc như hiện tại, hình ảnh xe điện chật người không còn xa lạ với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, khuôn mặt của người Nhật không hề thể hiện sự cau có khó chịu như hình ảnh đó ở các quốc gia khác. Đó chính là do họ ý thức được sự nhường nhịn để người khác cũng có một cơ hội như mình. Hoặc những trận thiên tai xảy ra, khi hàng ngàn người trong cảnh không nhà, chỉ nương náu tại khu tạm tránh nhưng họ không hề than phiền hay xin xỏ mà cùng nhau chịu đựng và nhường nhau những phần cơm, chỗ nghỉ trong trạng thái ôn hòa nhất.

Ba nguyên tắc trên đều thể hiện sự nhường nhịn. Người Nhật quan niệm trong cuộc sống cũng như trong thương trường, khi nhường trước thì trong tương lai sẽ được đối phương nhường lại. Khi bản thân và đối phương đều cảm thấy thoải mái thì mọi hoạt động sẽ diễn ra trôi chảy

San setsu no oshie (三説の教え- Giáo lý 3 không)

Khi nói chuyện với đối phương, nguyên tắc không bao giờ được hỏi là tuổi tác, nghề nghiệp và địa vị. Thời Edo, việc tiên đoán được đối phương thông qua cách ăn mặc, bới tóc là chuyện bình thường, vì vậy việc hỏi nghề nghiệp hay tuổi tác, địa vị là một hành động được cho là khiếm nhã, thiếu tế nhị. Chính vì không biết trước đối phương mình là ai, làm gì, bao nhiêu tuổi mà bản thân không được khinh suất trong mối quan hệ. Giáo lý này thể hiện sự tôn trọng trong cách ứng xử với người ngoài, xem người ngoài là hiện thân của Đức Phật 5 .

Tokidorobo (時泥棒-kẻ cắp thời gian)

Người Nhật có câu “時泥棒は弁済不能の10両の罪” (kẻ cắp thời gian mang tội tương đương ăn cắp 10 lượng) . Họ quan niệm rằng: mượn tiền thì có thể trả lại nhưng làm mất thời gian của người khác thì không thể trả lại. Thời Edo, người mắc tội ăn cắp tiền với số lượng 10 lượng sẽ bị tử hình vì vậy việc đánh cắp thời gian của người khác được xem là trọng tội. Người Nhật xem việc không thông báo trước mà đường đột đến thăm hoặc việc đến trễ hẹn, làm mất thời gian của đối phương là điều không cho phép. Vì một lý do bất khả kháng nào đó buộc họ phải trễ giờ hoặc xuất hiện đột xuất thì họ luôn chủ động liên lạc, xin lỗi và xin phép đối phương.

Ukatsu Ayamari (うかつあやまり- chủ động xin lỗi người gây ra lỗi cho chính mình)

Người Nhật luôn lên tiếng xin lỗi trước cho dù có bị đối phương làm hại (dẫm phải chân, tranh hơn thua) vì họ cho là bản thân đã thiếu thận trọng. Họ thường ít gây xung đột, khi cảm thấy có điều gì bất lợi cho mình, họ sẽ tìm cách thoái lui trong hòa bình. Khi đối phương nhận ra lỗi lầm và tỏ thái độ xin lỗi, họ lại tìm một lỗi nào đó của bản thân mà ứng đáp để câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn. Điều đó nhằm mục đích giữ hòa khí ngay tại thời điểm có sự cố xảy ra và giúp đối phương đỡ phải ngại ngùng.

Nana san no michi (七三の道-thuật 7-3 trên đường đi)

Khi đi trên đường, họ không đi ở giữa đường mà luôn đi trong ba phần đường và để chừa 7 phần còn lại phòng khi có sự cố khẩn cấp mà người khác có thể sử dụng. Điều này trở thành nếp sống hàng ngày của mọi người chứ không chỉ dành cho người thương nhân. Khi sử sụng thang cuốn, người Nhật luôn đứng nép về một phía để nhường đường cho người khác có việc gấp gáp, đi xe đến các giao lộ, ngã tư, họ luôn chủ động dừng lại để nhường dù chỉ 1 con vật; nơi các chốn công cộng, quán ăn họ có thói quen xếp hàng nề nếp và chờ đợi đến lượt mình mà không tranh giành v.v…Quy tắc nhường cho người khác thể hiện sự tôn trọng của họ chứ không thể hiện sự nhún nhường.

Sakarai shigusa (逆らいしぐさ- tác phong ứng xử khi phản đối)

Nguyên tắc tiên quyết của doanh nhân Nhật là không nói từ “nhưng”, “tuy nhiên” để phản đối vấn đề gì. Việc tuân theo lệnh của cấp trên, của tiền bối được cho là thể hiện sự trưởng thành của con người đồng thời được vị cấp trên và tiền bối cảm nhận cá nhân mình có sự giác ngộ, mở mang tầm mắt. Trong các cuộc đàm phán, họ thường không đưa ra kết luận ngay lập tức mà thường xin khất lại trong lần gặp tới hoặc liên lạc qua thư. Họ khiến đối phương trở nên hiếu kỳ và mong đợi nhiều hơn về mình đồng thời thể hiện sự thận trọng trong việc quyết định một vấn đề bởi vì khi đi đến quyết định và ra phán quyết họ phải thi hành mà không trì hoãn.

Soku jikko (即実行- thi hành ngay)

Người Nhật Bản tối kỵ nói được mà làm không được. Người ta nói rằng điều quan trọng là giải quyết được vấn đề bằng hành động hơn là nói. Đây chính là cơ sở của phương pháp kaizen (cải tiến) trong công ty hay còn gọi là cải tiến liên tục, tức là việc bạn nghĩ tương tự với bạn hành động và hãy cho nó phát triển khi bạn thực hiện.

Roku (ロク感- Giác quan thứ 6)

Người Nhật có câu “ロクを養い、ロクを利かす” (nuôi dưỡng giác quan thứ 6, làm hiệu quả giác quan thứ 6). Các thương nhân Nhật đều cho rằng thành công trong công việc hay không là dựa vào khả năng tiên đoán của giác quan thứ 6 của doanh nghiệp đó. Chính vì vậy, họ luôn nỗ lực không ngừng để vận dụng các giác quan cảm nhận đối phương và luôn dự cảm mọi vấn đề bằng chính cảm nhận của họ. Họ rất nhanh nhạy trong suy đoán những vấn đề đang xảy ra trước khi chờ đợi được kể cho biết. Sự “khéo léo” đó quyết định sự thành bại của họ trong kinh doanh. Nhờ yếu tố dự cảm hơn người mà người Nhật thường luôn khéo léo và tinh tế trong các ngành nghề, đặc biệt ngành nghề thủ công và các bộ môn nghệ thuật là nơi họ phát huy giác quan của mình hay nhất.

Chỉ trả lời “hai-(vâng)” 1 lần duy nhất

Khi đối đáp với đối phương, người Nhật thường chỉ trả lời “vâng” bằng một tiếp đáp mà không lặp lại nhiều lần. Đối với họ, sự trả lời lặp từ liên tục “hai”, “hai” là thể hiện thái độ bất lịch sự và không chuyên nghiệp trong giao tiếp.

Rinkiohen no taio (臨機応変の対応- Ứng phó kịp thời)

Tướng quân Tokugawa Yoshimune từng tuyên bố rằng “江戸には60万の江戸がある(Ở Edo có 60 vạn Edo) 10 , tức hàm ý rằng thành phố Edo có 600.000 nhân khẩu thì mỗi một con người đều mang những tính cách khác nhau, suy nghĩ khác nhau. Điều cần thiết cho một người doanh nhân là luôn giải quyết, ứng phó tình huống trong từng trường hợp với thái độ mềm mỏng. Không chỉ vận dụng trong môi trường công sở mà ngay cả những việc riêng, mỗi cá nhân phải luôn nghĩ suy nghĩ cách giải quyết tốt nhất đồng thời luôn thể hiện thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng.

Ảnh hưởng của Edo Shigusa trong xã hội ngày nay

Edo Shigusa, khi áp dụng vào cuộc sống ngày nay, gặp không ít những phản đối của các học giả. Shiba là người khởi xướng đầu tiên cũng cho biết có những nội dung không phù hợp từ giai đoạn Edo. Koshikawa là người khôi phục cũng đã chỉ ra những mặt tiêu cực của Edo Shigusa. Những học giả thời nay như Harada Minoru, Koshikawa Reiko, Murai Shusuke cũng đánh giá khá tiêu cực về một số cách hướng dẫn tác phong trong Edo Shigusa vì cho rằng không có tài liệu xác thực sự chính xác mà chỉ là những lời truyền miệng, không có tư liệu lịch sử cụ thể, một số nguyên tắc chưa được rõ ràng. Trong các giáo trình giảng dạy tác phong doanh nhân, tác phong doanh nghiệp thì cho rằng những bài học của nó đều là hiện thân của lòng từ bi, sự sẻ chia và sự khiêm tốn vốn có của người Nhật thì những người phản biện lại đưa ra những lý lẽ để phản bác sự từ bi đặt không đúng chỗ, hay những hành động không phù hợp trong thực tế hay trong xã hội hiện đại. Harada nói rằng, nguyên tắc của Edo Shigusa là triết học của sự bình đẳng con người trong xã hội, trong tổ chức theo tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên thực tế, trong môi trường công ty Nhật Bản, quan hệ trên dưới được phân định rạch ròi. Không những thế thời Edo, xã hội phong kiến tập quyền, các lãnh chúa phụ thuộc nhiều vào sự chi phối chính quyền thì việc bình đẳng là không thể có 7 .

Những quy tắc nghiêng ô, đi lách người, chừa chỗ ngồi xem thì có vẻ thể hiện sự nhường nhịn, nhưng theo Harada, ông đã phản biện rằng thời Edo đường xá chật chội có thể hiểu được, đồng thời chiếc ô chỉ dành cho giới quý tộc chứ những dân thương nhân thuộc tầng lớp đáy xã hội thì chỉ có những chiếc nón tơi để đội, khó có thể nghiêng ô nhường nhịn, nếu ý thức nhường nhịn thì có thể dừng lại nhường cho người khác qua trước không phải vì thế mà cố ép mình vào con đường nhỏ để cố bước qua. Trong bức tranh nổi tiếng của Utakawa Hiroshige cũng cho thấy người Nhật không mang những chiếc ô xòe như ngày nay mà đội những chiếc nón tơi nhỏ ( Figure 2 ). Hay hành động không trả lời lập tức mà do dự, chần chừ làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc của đối phương khá nhiều 7 .

Figure 2 . Hình ảnh người Nhật đội nón tơi đi dưới mưa trong buổi chiều tà ở Edo.

Nguồn : Utakawa Hiroshige 11

Chính Shiba cũng thừa nhận có những tiêu chí chưa phù hợp và mang tính tưởng tượng còn nhiều. Khi áp dụng vào thực tế đều gặp phải sự mâu thuẫn. Ông cũng cho biết những truyền thống vốn chỉ qua truyền miệng mà không có chứng cứ rất dễ bị mai một và có dị bản, vì vậy cần phải nghiên cứu thấu đáo hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế thì Edo Shigusa vẫn tiếp tục phát triển và quảng bá rộng rãi không chỉ trong nước và nước ngoài và hướng đến nhiều đối tượng. Giới doanh nhân Nhật Bản ngày nay vẫn ủng hộ, tiếp nhận và áp dụng Edo Shigusa như tiêu chí của kỹ năng mềm trong giao tiếp. Khi trở thành một nhân viên của một doanh nghiệp, các nhân viên đều phải trải qua các khóa huấn luyện tác phong quy chuẩn kiểu Nhật. Những quy tắc, cúi gập người, chào hỏi, tươi cười…là những tiêu chuẩn đầu tiên của Edo Shigusa trong bộ quy tắc ứng xử dành cho doanh nhân. Một số quy tắc trong Edo Shigusa được chỉnh sửa để phù hợp với xu thế hiện nay như những quy tắc trao danh thiếp, quy tắc tặng quà, nói lời lịch sự…trong giai đoạn hiện nay trong toàn thể các doanh nghiệp.

Tổ chức NPO Edo Shigusa là tổ chức được thành lập 2007 ban đầu với mục đích phi lợi nhuận nhằm bảo tồn và giới thiệu văn hóa thương nhân Edo đến rộng rãi công chúng để phát huy và đạo đức con người. Đến năm 2009, trước nhu cầu phát triển của xã hội Nhật Bản, đề cao tính chân thiện mỹ, không chỉ những doanh nhân, ngày càng nhiều những người thường dân tìm đến học hỏi và xem đó là quy tắc cần phải điều chỉnh để xây dựng một hình tượng con người toàn mỹ, tổ chức này đã thương mại hóa và phát triển mạnh mẽ bằng hình thức mở những lớp giảng dạy kỹ năng doanh nghiệp, đào tạo tác phong ứng xử. Ngoài hình thức giảng dạy cho doanh nghiệp, tổ chức còn nhắm đến các đối tượng học sinh tiểu học, trung học, lẫn sinh viên như một môn ngoại khóa về đạo đức, quy phạm. Các tổ chức tương tự khác cũng cải biên Edo Shigusa thành Heisei Shigusa (quy tắc thời Heisei), Furusato Shigusa (quy tắc người cùng quê hương), Inaka Shigusa (quy tắc người nhà quê)… để chứng minh sự phong phú của những quy tắc mang tính bản địa. Ngay ở nước ngoài trong đó có Việt Nam hình ảnh người doanh nhân Nhật Bản với những quy tắc ứng xử đặc biệt khiến họ trở nên khác biệt trong quy chuẩn chân thiện mỹ mà chính họ đã đặt ra và thực hiện một cách quán triệt.

Kết luận

Edo Shigusa được khái quát là một nghi thức, tác phong thể hiện đạo đức và lòng từ bi của người Nhật. Đây là triết học do các thương nhân Nhật đã sáng tạo ra nhằm mục đích to lớn là sống đẹp và kinh doanh thành công trong xã hội phong kiến thời Edo. Từ vị thế một giai cấp chưa được xem trọng, qua những quy tắc ứng xử được tôn vinh như học thuyết, thương nghiệp Nhật Bản đã có chỗ đứng đặc biệt từ giữa cuối thế kỷ XVII. Sự thành công của Edo Shigusa, không những làm tiền đề cho những quy tắc dành cho những giai đoạn về sau như Meiji, Showa, Heisei và kéo dài cho đến thời đại Reiwa ngày nay mà còn tạo cảm hứng cho các khu vực khác bảo tồn ý thức vùng miền bằng cách tạo ra những quy cách riêng của khu vực đó. Trong giai đoạn hiện nay, dù có rất nhiều ý kiến phản bác đến yếu tố lỗi thời, hoặc những phản biện về một số quy tắc không thể ứng dụng hay không còn phù hợp nhưng có thể nói, những giáo lý trong đó đã ảnh hưởng đến thương nhân Nhật Bản hiện đại tạo nên sự thành công và hình ảnh đáng ngưỡng mộ ở Việt Nam lẫn các nước khác. Những quy tắc chào hỏi, tặng quà, trao danh thiếp, ứng xử nhã nhặn với người đối diện này trở thành kỹ năng mềm trong giao tiếp, tạo nên một giá trị, bản sắc riêng không chỉ của doanh nhân Nhật Bản mà ngay cả người bình thường cũng thực hiện nghiêm túc khiến hình ảnh người doanh nghiệp Nhật tạo một sự cảm tình lớn cho người đối diện.

Trong thời đại toàn cầu ngày nay, các doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam nhiều hơn. Việc nghiên cứu những quy tắc ứng xử càng giúp cho sự thấu hiểu giữa hai dân tộc ngày được nâng cao, mối quan hệ giữa hai dân tộc được bền chặt trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, dựa vào đó, việc tạo ra một bộ quy tắc ứng xử kiểu Việt nói chung và quy tắc ứng xử của 54 dân tộc theo các vùng miền nói riêng cũng mang lại giá trị to lớn về mặt bản sắc cho Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới.

Danh mục từ viết tắt

Tổ chức NPO Edo Shigusa là tổ chức phi lợi nhuận (Non Profit Organization). Tên đầy đủ là NPO 法人江戸しぐさ(NPO Houjin Edo Shigusa- Tổ chức Pháp nhân Phi lợi nhuận Phổ cập- Chấn hưng Edo Shigusa).

Tuyên bố xung đột lợi ích

Bài viết không có xung đột về lợi ích.

Đóng góp của tác giả

Tác giả hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Văn hóa học với nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa thời đại Edo. Tác giả đã thu thập và phân tích nguồn tài liệu, tư liệu tại Nhật Bản, các sách báo và nguồn thông tin mạng chính thống, đáng tin cậy bằng tiếng Nhật, trực tiếp phỏng vấn các doanh nhân, giáo sư và các nhà nghiên cứu người Nhật về văn hóa thời Edo nói chung và văn hóa Edo Shigusa nói riêng.

References

  1. Fujii Seido 藤井青銅.日本の伝統の正体、栢書房出版社(Chỉnh thể truyền thống Nhật Bản, NXB Hakusho Bou). . 2014;:. Google Scholar
  2. Whitehill Arthur M. Quản lý Nhật Bản truyền thống và quá độ. . 1996;:21. Google Scholar
  3. Viện nghiên cứu xã hội kỹ thuật học.日本列島における人口分析の長期時系列的分析:時系列推移と要因分析-Bảng phân tích dài hạn theo thời gian về phân tích dân số tại quần đảo Nhật Bản: phân tích nguyên nhân và sự biến đổi theo thời gian, NXB社会工学研究所. . 1974;:. Google Scholar
  4. Harada Minoru 原田実.江戸しぐさの正体‐教育をむしばむ偽りの伝統、星海社 (Chỉnh thể Edo Shigusa- truyền thống đi ngược giáo dục, NXB Seikaisya). . 2014;:. Google Scholar
  5. Koshikawa Reiko 越川禮子.江戸の繁盛しぐさ、日本経済新聞社 (Quy tắc phồn vinh thời Edo - Thời báo kinh tế Nhật Bản). . 1992;:. Google Scholar
  6. Koshikawa Reiko 越川禮子.商人道「江戸しぐさ」の知恵袋-、ビッグコミックONE- (Kho tàng trí tuệ của Edo Shigusa trong thương nhân đạo, Tập san BigComic、2008年4月3日号 số phát hành ngày 3 tháng 4 năm 2008). . 2008;:. Google Scholar
  7. Harada Minoru 原田実.江戸しぐさの終焉、星海社 (Sự cáo chung của Edo Shigusa -NXB Seikaisya). . 2016;:. Google Scholar
  8. 育鵬社 NXB Ikuho.中学社会あたらしいみんなの公民、育鵬社出版(Xã hội Trung học- Mọi công dân mới, NXB Ikuho). . 2012;:. Google Scholar
  9. Monbukagakusho 文部科学省Bộ Giáo dục khoa học NB.「私たちの道徳 小学校5・6年」,(Đạo đức chúng em- lớp 5-6 tiểu học Bộ giáo dục NB). . ;:. Google Scholar
  10. Utakawa Hiroshige歌川広重「名所江戸八景」8 phong cảnh Edo danh thắng. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 3 No 4 (2019)
Page No.: 200-206
Published: Apr 2, 2020
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i4.531

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Doan Lien Khe, V. (2020). Edo Shigusa- A system of behavior manners for Japanese merchants in Edo period. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 3(4), 200-206. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i4.531

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 2141 times
Download PDF   = 519 times
View Article   = 0 times
Total   = 519 times