VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

1405

Total

329

Share

History of the relations between Vietnam and Turkey (from the late 19th century to present)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The Republic of Turkey and the Socialist Republic of Vietnam celebrated the 40th anniversary of its diplomatic relations in 2018. In history, due to the geographic distance and differences of many aspects of language, religion and culture, the contact and relations between two nations were very limited. However, the relations between Turkey and Vietnam have achieved some prominent events. For example, on the voyage to Japan of a frigate named Ertuğrul of the Ottoman navy in 1890, it stopped to visit Sai Gon. During the Vietnam War, some of Turkish staffs and journalists like H. Oğuz Barut and Sami Kohen came to the South of Vietnam and reported on the war that was happening in Vietnam. These reports led the Turkish people have the objective and impartial perceptions of the country and people of Vietnam. After the Vietnam War ended, in 1978 the Turkish Government established diplomatic relations with the Vietnamese Government. Since that time, the diplomatic relations between two countries have gained some significant achievements. This article researches the relations between Turkey and Vietnam from the late of the nineteenth-century to the present. Based on some basic references, the Turkish - Vietnamese relations could be divided into three periods: in the late 19th century, during the Vietnam War and since 1978 to the present.

MỞ ĐẦU

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia cách xa và khác biệt Việt Nam về nhiều mặt từ văn hóa, ngôn ngữ đến tôn giáo. Sự liên hệ giữa hai quốc gia - hai dân tộc trong lịch sử cũng rất ít được biết đến bởi những hạn chế về nguồn tư liệu cũng như nhận thức từ hai phía. Trong một công trình nghiên cứu về lịch sử các quốc gia Viễn Đông được viết bởi học giả Thổ Nhĩ Kỳ, có nhắc đến sự kiện vào năm 1267, Hốt Tất Liệt - Kha Hãn của nhà Nguyên cử một viên Đạt lỗ hoa xích tên là Nureddin đến Đại Việt để yêu cầu triều đình nhà Trần gửi các thương nhân Hồi Hột, Duy Ngô Nhĩ (Uygur gốc Thổ) đang sống ở Đại Việt cho nhà Nguyên, nhằm thu thập tin tức về Tân Cương. Yêu cầu này của Hốt Tất Liệt được lặp lại vào năm sau (1268). Đến năm 1269, triều đình Đại Việt mới hồi đáp rằng ở đây vốn có một thương nhân Uygur tên là I-vın đã chết từ trước, còn lại một thương nhân Uygur khác tên là Po-po vào thời gian cuối cũng lâm bệnh mà qua đời 1 . Sự kiện này cũng được nhắc đến trong Nguyên sử , đoạn chép về An Nam. Đó là vào tháng 11, niên hiệu Chí Nguyên năm thứ sáu đời Nguyên Thế Tổ (tức năm 1269). Tên của hai thương nhân Uygur được chép là Y Ôn và Bà Bà, còn Nureddin mà Hốt Tất Tiệt cử sang Đại Việt chính là Nột Lạt Đinh (theo Nguyên sử , quyển 209, liệt truyện thứ 96, Ngoại Di 2, An Nam). Tuy nhiên, trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép vào tháng 2 năm 1266, nhà Nguyên cử Nâu Lạt Đinh sang Đại Việt và không có bất cứ chi tiết nào đề cập đến việc nhà Nguyên đòi hai người Uygur 2 .

Trong một tư liệu khác là tập du ký của İbn Battûta - nhà thám hiểm Hồi giáo lừng danh sống ở thế kỉ XIV, có chép câu chuyện về vương quốc Tavalisi. Tác phẩm của İbn Battûta, vốn có tên đầy đủ là Tuhfetü’n-Nüzzâr fî Garâibi’l-Emsâr ve Acâibi’l-Esfâr (Một món quà dành cho những ai thưởng ngoạn kỳ quan của các thành phố và sự tuyệt diệu của các chuyến hành trình), thường được biết đến nhiều hơn với tên gọi Rihletü İbn Battûta hoặc İbn Battûta Seyahatnamesi (Tập du ký của ‎ İbn Battûta) 3 . Trong câu chuyện về vương quốc Tavalisi có nói đến một vị công chúa tên là Urduca, dựa theo İbn Battûta, vị công chúa này khi chào hỏi ông đã dùng tiếng Thổ “Hasen misen, yahşî misen?”(Ngài có khỏe không, tình hình của ngà i thế nào?). Hơn nữa, vị công chúa này còn biết viết chữ Ả Rập. Khi ra lệnh cho người hầu cũng bằng tiếng Thổ “Deva ve bitik kâtûr” (mang viết và giấy lại đây) 4 . Dựa theo ghi chép của İbn Battûta về vương quốc Tavalisi và công chúa Urduca, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định Tavalisi là một địa danh nằm ở khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn Tatsuro Yamamoto, trong bài viết On Tawalisi described by Ibn Battut a cho rằng Tavalisi không thể là một nơi nào khác ngoài vương quốc Champa thuộc miền trung Việt Nam ngày nay 5 . Bên cạnh đó, Tatsuro Yamamoto còn nhận định rằng cảng thị Keylûkerî của vương quốc Tavalisi mà İbn Battûta cũng đề cập đến trong ghi chép của mình, chính là Klaung Garai, ngày nay thuộc Phan Rang, Việt Nam 6 , 4 . Tuy vẫn còn phải tiếp tục tìm hiểu lại một cách rõ ràng hơn nguồn gốc của các địa danh này, nhưng có thể thấy những ghi chép của các thư tịch, tài liệu nêu trên chính là những phản ánh đầu tiên và cũng có thể là sớm nhất về sự liên hệ giữa người Việt Nam và người Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử.

NHỮNG TIẾP XÚC ĐẦU TIÊN GIỮA NGƯỜI THỔ NHĨ KỲ VÀ VIỆT NAM (CUỐI THẾ KỈ XIX)

Cho đến nay, sự tiếp xúc và liên hệ sớm nhất giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam được biết đến qua ghi chép của các nguồn tài liệu là vào cuối thế kỉ XIX, mà bước ngoặt quan trọng chính là hành trình của tàu Ertuğrul, thuộc hạm đội của hải quân Ottoman trên đường đi đến Nhật Bản để thực hiện sứ mệnh ngoại giao đã dừng lại cảng Sài Gòn một thời gian ngắn. Dựa theo những tài liệu của Thổ Nhĩ Kỳ, tàu Ertuğrul đến cảng Sài Gòn ngày 10 tháng 3 năm 1890 và đã lưu lại đây 10 ngày 7 . Những thông tin về hoạt động của các thủy thủ trên tàu Ertuğrul trong thời gian ở tại Sài Gòn cũng được ghi chép lại dù còn rất sơ lược. Khi tàu Ertuğrul đến Sài Gòn thì nơi này đang nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Theo ghi chép của người Thổ Nhĩ Kỳ thì Sài Gòn (họ gọi là Saygon) bấy giờ là trung tâm đầu não của xứ Nam Kỳ (Koşinşin, Kuşenşin hay Çoçin Çin) thuộc Pháp. Do có một vị trị trọng yếu và tài nguyên dồi dào nên tất cả các hoạt động thương mại đều diễn ra ở đây 8 . Tàu Ertuğrul khi đi vào cảng Sài Gòn thì đã có 8 con tàu thuộc hạm đội Trung Hoa neo đậu ở đây và dựa theo cờ hiệu của các tàu này, người ta biết được đó là hạm đội của một vị đô đốc Trung Hoa. Do đó, tàu Ertuğrul đã bắn 17 phát đại bác để chào hỏi xã giao. Hạm đội của vị đô đốc Trung Hoa cũng đã đáp lại lời chào hỏi này 8 . Trong thời gian ở Sài Gòn, chỉ huy của tàu Ertuğrul là Đô đốc Osman Paşa cũng đã gặp gỡ, tiếp xúc với Thống đốc Nam Kỳ khi đó là Henri É loi Danel (1889 - 1892). Cũng theo ghi chép thì do tàu Ertuğrul ghé qua Sài Gòn vào mùa mưa nên người đến tham quan tàu không được nhiều. Mặc dù vậy vẫn có khoảng 5000 người đến chiêm ngưỡng con tàu này. Người dân “Aksayı Şark” (hòn ngọc Viễn Đông) còn gọi tàu Ertuğrul là “Mukaddes Gemi” (con tàu thiêng). Những câu chuyện thú vị liên quan đến con tàu, cũng như hành trình của các thủy thủ trên tàu, những chuyến thám hiểm đã qua cũng được truyền tải với nhiều hình thức khác nhau 8 . Khi tàu Ertuğrul đậu ở cảng Sài Gòn, viên Đô đốc Trung Hoa cũng đã viếng thăm tàu, ngoài ra còn mời Osman Paşa ghé thăm các cảng ở Trung Quốc 8 . Bên cạnh đó, hoạt động thương mại tấp nập ở Sài Gòn mà hầu hết đều nằm trong tay người Hoa cũng như đời sống của cộng đồng người Chăm Hồi giáo (Çam) ở Nam kỳ cũng được ghi chép lại 8 . Tàu Ertuğrul sau khi chuẩn bị đầy đủ than, nước và nhu yếu phẩm thì ngày 20 tháng 3 năm 1890 rời cảng Sài Gòn thẳng hướng ra biển Đông để đi đến Hong Kong. Ngày đầu tiên của chuyến hành trình trên biển Đông được cho là thuận lợi. Tuy nhiên từ trưa ngày thứ hai trở đi thì giông gió bắt đầu nổi lên và đến 14 giờ thì càng trở nên dữ dội. Để tránh rơi vào tâm bão, tàu Ertuğrul đã quyết định quay lại Sài Gòn. Do đó, ngày 25 tháng 3 năm 1890, tàu Ertuğrul đã trở về cảng Sài Gòn. Việc sửa chữa hệ thống buồm, khoang tàu và gia cố lại con tàu kéo dài khoảng 14 ngày. Đến chiều tối chủ nhật ngày 8 tháng 4 năm 1890, tàu Ertuğrul tiếp tục khởi hành đi Hong Kong và cuối cùng đến được Hong Kong vào ngày 15 tháng 4 năm 1890 7 . Như vậy, tàu Ertuğrul đã lưu lại ở Sài Gòn trong khoảng 24 ngày. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong thời gian đó chỉ huy của tàu chỉ gặp gỡ và tiếp xúc với đại diện người Pháp mà không có sự tiếp xúc trực tiếp với người bản xứ. Bởi lẽ, Việt Nam lúc bấy giờ đang nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Trong cuộc gặp với viên Thống đốc Nam Kỳ, chỉ huy của tàu Ertuğrul là Osman Paşa được đề nghị là không nên tiếp xúc với triều đình nhà Nguyễn ở Trung Kỳ bởi vì nơi đó tình hình vẫn chưa yên ổn [nhằm nói đến phong trào khởi nghĩa chống Pháp]. Mặt khác, mục đích chính của tàu Ertuğrul trên hành trình đi đến Viễn Đông là nhằm thực hiện sứ mệnh ngoại giao, củng cố quan hệ hữu nghị giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nhật Bản. Tàu Ertuğrul cuối cùng cũng đến cảng Yokohama, Nhật Bản vào ngày 7 tháng 6 năm 1890 và đến ngày 13 tháng 6, chỉ huy tàu là Osman Paşa đã chuyển thông điệp của Sultan Abdülhamid II đến Thiên hoàng Minh Trị. Tuy nhiên, không may là trên hành trình quay về lại Thổ Nhĩ Kỳ, khi từ Yokohama đến Kobe, ngày 16 tháng 9 năm 1890 tàu Ertuğrul đã bị bão đánh đắm tại eo biển Kumano, 609 thủy thủ trên tàu chỉ còn lại 62 người sống sót 9 . Chính vì vậy, tàu Ertuğrul đã không thể trở lại Sài Gòn một lần nữa. Như một định mệnh, cơ hội cho việc thiết lập mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bỏ lỡ.

Có thể nói, từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX là giai đoạn mà người Thổ Nhĩ Kỳ hướng sự chú ‎ ý đến khu vực Viễn Đông tương đối nhiều. Sự thành công của Nhật Bản trong quá trình duy tân đất nước đã tạo được sự quan tâm của triều đình Ottoman cũng như nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài tàu Ertuğrul, trong thời gian này cũng có một vài chuyến đi khác của người Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước Viễn Đông mà đích đến là Nhật Bản. Một trong số đó là chuyến đi của Mustafa bin Mustafa, một viên quan Ottoman vào năm 1893. Khởi hành từ Yemen, trên hành trình của mình, Mustafa cũng đã đặt chân đến bán đảo Đông Dương (Çinhindi) bao gồm Việt Nam 10 . Trong tác phẩm Aksâ-yı Şark’ta Bir Cevelân (Một chuyến hành trình ở Viễn Đông) được chính Mustafa viết vào năm 1894 cũng có một đoạn đề cập đến Việt Nam. Trong ghi chép của mình, Mustafa cho biết từ Cahor (Johor) ông đã lên tàu có tên là Cambis để đến cảng Sài Gòn, khi đó là trung tâm hành chính của thực dân Pháp 10 . Theo tác giả, bởi vì rất mong đợi được viếng thăm Sài Gòn nên ngay khi tàu cập bến, ông đã lập tức tham quan thành phố đến chiều tối hôm đó. Cũng theo ghi chép của Mustafa thì ngày hôm sau ông lên xe lửa và sau 12 phút thì đến một trung tâm hành chính khác của người Pháp là Tonkin (Bắc kỳ). Ở đây chắc hẳn có một sự nhầm lẫn bởi từ Sài Gòn không thể nào chỉ với 12 phút đi xe lửa là có thể đến được Bắc kỳ. Mustafa còn cho biết do không có nhiều thời gian cho việc tham quan nên chỉ vài tiếng sau ông đã phải quay trở lại Sài Gòn. Đến ngày kế tiếp thì ông khởi hành đi Hong Kong cũng với tàu Cambis 10 . Như vậy, Mustafa b. Mustafa chỉ dừng chân lại ở Việt Nam có 2 ngày. Do đó những thông tin liên quan đến Việt Nam được ghi chép trong tác phẩm Aksâ-yı Şark’ta Bir Cevelâ là rất sơ sài và có cả sai sót. Mặc dù vậy, cùng với các thủy thủ Ottoman của tàu Ertuğrul, Mustafa b. Mustafa là một trong số những người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX.

Còn nhận thức sớm nhất của người Việt Nam về Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là ghi chép của Phạm Phú Thứ về các địa danh thuộc lãnh thổ của đế chế Ottoman - Thổ Nhĩ Kỳ trong tác phẩm Tây hành nhật ký tức Nhật ký đi Tây (viết năm 1864). Trên đường sang Pháp và Tây Ban Nha vào năm 1863, đoàn sứ thần của triều đình nhà Nguyễn do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm phó sứ, Ngụy Khắc Đản làm bồi sứ đã có dịp ghé qua những vùng đất khi đó thuộc lãnh thổ của đế chế Ottoman, lần lượt là Aden vào ngày 8 tháng 8; Suez (khi đó vẫn chưa có kênh đào như hiện nay) vào ngày 17 tháng 8; Cairo vào ngày 19 tháng 8 và Alexandria vào ngày 27 tháng 8 năm 1863 11 . Tính đến ngày 2 tháng 9 năm 1863, khi đoàn sứ thần của nhà Nguyễn tiếp tục hành trình sang Pháp thì họ đã lưu trú lại lãnh thổ của đế chế Ottoman tổng cộng 26 ngày. Do đó, trong tác phẩm Tây hành nhật ký , đã có nhiều đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ với các tên gọi Tu Du Cô 須油姑 và Tu Du Ky 須油箕 12 . Mặc dù đoàn sứ thần của nhà Nguyễn chưa đặt chân đến İstanbul - thủ đô của đế chế Ottoman thời đó, Tây hành nhật ký cũng không giải thích chi tiết về địa danh Tu Du Cô , nhưng tác phẩm này vẫn có thể được xem là tài liệu xưa nhất của người Việt Nam đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ, phản ánh nhận thức của người Việt Nam dù còn sơ lược về đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa thế kỉ XIX.

THÁI ĐỘ CỦA CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN THỔ NHĨ KỲ ĐỐI VỚI CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM (1954-1975)

Sau khi hiệp định Geneva được kí kết năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền theo vĩ tuyến 17 13 . Trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt, tại miền Nam Việt Nam từ năm 1955 xuất hiện chính thể Việt Nam cộng hòa, tức chính quyền Sài Gòn được Mỹ và các đồng minh của Mỹ thừa nhận. Theo số liệu của chính quyền Sài Gòn, kể từ khi thành lập đến năm 1958, đã có 48 quốc gia trên thế giới công nhận chính thể này 14 . Thổ Nhĩ Kỳ, khi đó là thành viên của khối NATO (Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952) là một trong số các nước thừa nhận chính quyền Sài Gòn (ngày 18 tháng 11 năm 1955) 15 . Đến đầu những năm 1960, chính quyền Sài Gòn cũng đã mở cơ quan đại diện tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Thông qua cơ quan ngoại giao này, vào năm 1962, một phi công Thổ Nhĩ Kỳ tên là Oğuz Barut trước khi sang công tác tại miền Nam Việt Nam đã tới đây tìm hiểu thông tin và cập nhật tin tức về đất nước Việt Nam 16 . Vào năm 1964, thông qua cơ quan đại diện này, chính quyền Sài Gòn đã chuyển bức thư của Nguyễn Khánh, là người đứng đầu chính quyền Sài Gòn khi đó cho Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là İsmet İnönü để tìm kiếm sự hỗ trợ và giúp đỡ trong khả năng có thể của Thổ Nhĩ Kỳ 17 . Ngoài ra, tin tức cập nhật của nhật báo Milliyet các số ra từ ngày 26 tháng 6 đến 2 tháng 7 năm 1966, đã cho biết một số thông tin cơ bản về cơ quan đại diện của chính quyền Sài Gòn tại Ankara khi đó, như người đứng đầu là Đại sứ Đinh Văn Kiên, bí thứ thứ nhất Nguyễn Văn Cẩn và ngoài ra còn có một người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tên là Bedri Kadıoğlu 18 . Theo thông tin cập nhật bởi tờ nhật báo này vào tháng 7 năm 1966, cơ quan đại diện của chính quyền Sài Gòn ở Ankara được dời về số 74 Paris Caddesi (đường Paris) thuộc quận Çankaya, là địa chỉ cư trú của Đại sứ chính quyền Sài Gòn ở Thổ Nhĩ Kỳ 19 .

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không thiết lập cơ quan đại diện tại Sài Gòn, thay vào đó Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Băng Cốc, Thái Lan thực hiện vai trò phụ trách như cơ quan đại diện của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam. Theo quyết định số 6/729, điều 100004-265 ban hành ngày 6 tháng 7 năm 1962 của Bộ Ngoại giao và cuộc họp chính phủ ngày 17 tháng 7 năm 1962, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Băng Cốc là Hasan İstinyeli đồng thời được kiêm nhiệm là đại diện của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tại Sài Gòn 20 . Sau đó, thông qua quyết định số 6/9792, điều 100004/600- 134 ban hành ngày 7 tháng 3 năm 1968 của Bộ Ngoại giao và cuộc họp ngày 30 tháng 3 năm 1968 của chính phủ, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Băng Cốc là Hikmet Hayri Anlı cũng đồng thời kiêm nhiệm vai trò là đại diện của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tại Sài Gòn 21 . Như vậy có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ lập trường trung lập trong vấn đề chiến tranh Việt Nam. Mặc dù là đồng minh của Mỹ trong khối NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không ủng hộ Mỹ trong các vấn đề liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Điều này hoàn toàn khác so với cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đó bởi lúc bấy giờ, đáp lại yêu cầu của phía Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân đội hỗ trợ tham chiến ở Triều Tiên 22 .

Trong thời kì chiến tranh Việt Nam, tình hình và diễn biến của cuộc chiến tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tin tức về cuộc chiến thường xuyên được nhiều tờ báo lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ như Ulus, Hurriyet, Milliyet cập nhật đăng tải 23 . Đặc biệt, từ năm 1963 đến năm 1968, trên nhật báo Milliyet đã đăng nhiều bài tường thuật của một số người Thổ Nhĩ Kỳ từng đến miền Nam Việt Nam khi đó. Đầu tiên có thể kể đến loạt bài của viên phi công Thổ Nhĩ Kỳ tên là H. Oğuz Barut, đăng trên báo Milliyet từ ngày 24 tháng 11 đến 4 tháng 12 năm 1963 . Ở trang nhất hai số báo ra ngày 21 và 22 tháng 11 có bài giới thiệu với độc giả Thổ Nhĩ Kỳ về câu chuyện của viên phi công H. Oğuz Barut “ Milliyet Duyulmamış Bir Gerçeği Açıklıyor Vietnam’da Kızıllara Karşı Bir Türk Pilotu ”. Ngay sau đó, trên trang 5 các số báo ra từ ngày 24 tháng 11 đến 4 tháng 12 lần lượt đăng tải đều đặn các tường thuật của H. Oğuz Barut về tình hình Việt Nam cũng như những trải nghiệm của ông về đất nước và con người nơi ông từng sống và làm việc. Theo lời kể của H. Oğuz Barut, ông từ Thổ Nhĩ Kỳ đến sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn vào ngày 27 tháng 3 năm 1962 16 . Trong thời gian 1 năm 3 tháng làm việc ở miền Nam Việt Nam, bên cạnh ông còn có bốn phi công Thổ Nhĩ Kỳ khác tên là İbrahim İldir, Orhan Çelikkok, Aziz Bayraktar ve Cihat Dileksiz 16 . Tường thuật của Oğuz Barut đã mang đến cho độc giả Thổ Nhĩ Kỳ những thông tin quan trọng về đất nước và con người Việt Nam. Chẳng hạn, “ Việt Nam, sau hơn 1 thế kỉ là thuộc địa nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp với tên gọi Đông Dương thuộc Pháp cuối cùng đã giành được độc lập năm 1954. Nhưng lại bị chia cắt làm hai miền với hai chính quyền khác nhau, trong đó miền Nam là Việt Nam Cộng hòa. Miền Nam Việt Nam với dân số khoảng 12 triệu, là một lãnh thổ tiếp giáp biển Đông ở phía đông và phía nam, những người cộng sản ở miền bắc, với Lào và Campuchia ở phía tây ”. Theo miêu tả của Oğuz Barut, người Việt Nam là một tộc người hỗn hợp “ Cư dân là sự hợp nhất của một vài chủng tộc. Người bản địa thực tế là người Việt, những người nói tiếng mẹ đẻ, gần giống với chủng người da vàng, có tóc đen thẳng, mắt hí, cá biệt có một số màu nâu. Những người khác chiếm khoảng 30% dân số là những người miền núi (người Thượng). Những người này hiện vẫn còn sống ở các thể chế trung cổ. Họ sống thành các nhóm cộng đồng khoảng 50-200 người và mặc dù còn sơ khai nhưng họ là những người trung thực và chất phác16 . Barut đánh giá ở Việt Nam, mối quan hệ công dân giữa nam và nữ có thể sánh ngang hàng với các quốc gia văn minh khác. Ngoài ra ông cũng nhắc đến trang phục của người dân Việt Nam, các đặc trưng của phụ nữ Việt Nam cùng với tôn giáo và tín ngưỡng ở đây 24 . Tiếp theo, Oğuz Barut miêu tả về khí hậu ở Việt Nam “ Mặc dù khí hậu nóng bức nhưng người dân rất hiền hành, tử tế ”. Theo ông, “ Việt Nam là một trong số những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất lúa gạo, có các rừng cao su bạt ngàn với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, một đất nước như thiên đường. Thứ bắt gặp nhiều nhất khi du ngoạn Việt Nam chính là nước. Những dòng sông lớn nhỏ bao quanh khắp mọi phía ”. Bởi vậy, “ Việt Nam, nơi quanh năm khắp các mùa đều là mặt trời và nước, như ngọc lục bảo ”. Oğuz Barut còn đề cập đến những con sông, bãi biển, cánh đồng, cá, ghe thuyền và hiện tượng kẹt xe thời bấy giờ 25 . Bên cạnh đó, các bài tường thuật của Oğuz Barut còn cho biết “ Mười năm, một cặp vợ chồng có ít nhất 9 đứa con. Hầu hết chúng lớn lên ở ngoài đường mà không phải bận tâm về quần áo ”. Đặc biệt, Oğuz Barut còn đánh giá về vai trò và ảnh hưởng của người Pháp, tình hình chính trị miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm và sự can thiệp của Mỹ. Theo ông, tình hình ở Việt Nam hiện tại đang ngày càng trở nên nghiêm trọng 26 . Cuối cùng, với tư cách là một phi công Thổ Nhĩ Kỳ, người đã sống và làm việc ở miền Nam Việt Nam trong 15 tháng, Oğuz Barut nhận định: “ Việt Nam là một viên ngọc và thiên đường của Viễn Đông, người dân thì thông minh, khiêm tốn, hòa đồng và nhiệt tình, trên con đường đi đến độc lập và dân chủ với sự kiên trì là những người tuyệt vời và dũng cảm27 .

Như vậy, những thông tin của Oğuz Barut đã đem lại cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ một cái nhìn chân thực sống động và khách quan về đất nước Việt Nam. Sau bài tường thuật của Oğuz Barut, vào năm 1965 cũng trên nhật báo Milliyet tiếp tục đăng tải loạt bài tường thuật khác về Việt Nam, được thực hiện bởi nhà báo Sami Kohen. Trên trang nhất số báo ra ngày 11 tháng 5 năm 1965 có bài nói về chuyến đi đến Việt Nam của nhà báo Sami Kohen với nhan đề “ Một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ ở Việt Nam: Sami Kohe n”, “ Nhà báo chuyên bình luận các vấn đề quốc tế Sami Kohen đang ở Việt Nam, nơi đang là sân khấu của chính trị và sự bất ổn ”. Đặc biệt trên số báo này có một bài viết liên quan đến cuộc phỏng vấn giữa nhà báo Sami Kohen với người đứng đầu chính quyền Sài Gòn khi đó là Phan Huy Quát. “ Sami Kohen đã tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam, Sami Kohen là nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phan Huy Quát28 . Theo tường thuật của Sami Kohen, ông có cuộc gặp khoảng nửa giờ với Thủ tướng Quát. “ Theo Thủ tướng, hiện tại ở Sài Gòn có khoảng hơn 200 ký giả nước ngoài đang chờ được phỏng vấn nhưng chưa được chấp thuận. Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên có cuộc gặp với một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ nên đã mong muốn gặp ông28 . Kế đó, trên trang 9 các số báo ra từ ngày 12 tháng 5 đến 17 tháng 5 năm 1965 đã liên tục đăng tải các bài viết của Sami Kohen về Việt Nam. Nhiều vấn đề như tình hình chính trị của Việt Nam, thái độ của người dân đối với cuộc chiến, mục đích của người Mỹ cũng như ảnh hưởng của Mỹ ở miền Nam đã được Sami Kohen chuyển tải đến người đọc Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ, “ nhiều người Việt Nam cảm thấy rằng đây là cuộc đối đầu giữa người Mỹ với những người cộng sản hơn là cuộc chiến tranh của chính họ. Người dân Sài Gòn đã cảm thấy quen với cuộc chiến tranh xa lạ, ngay cả tiếng xúng vang dội từ khách sạn cách một vài km họ cũng không bận tâm29 . Theo nhà báo Sami Kohen, không chỉ nhằm bảo vệ miền Nam chống lại lực lượng Việt Cộng mà còn nhằm ngăn chặn làn sóng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á nên người Mỹ đã lún sâu vào cuộc chiến, chi mỗi ngày 15 triệu lira cho Việt Nam [lira là đơn vị tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ]. Ảnh hưởng của Mỹ ở miền Nam cũng được nhìn thấy rõ. Thành phố Sài Gòn, nơi hơn một trăm năm nằm dưới ảnh hưởng của người Pháp, giờ đây đang dần Mỹ hóa. Các cửa hàng, quán bar chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Anh, sinh viên khi học tiếng nước ngoài cũng chọn tiếng Anh thay cho tiếng Pháp 30 . Bên cạnh đó, Sami Kohen cũng đánh giá tình hình Việt Nam qua các bài khác như “ Việt Cộng đang kiểm soát nửa đất nước ” số ra ngày 14 tháng 5, “ Việt Cộng có phải là phong trào quần chúng ?” ngày 15 tháng 5, “ Tôi tự hỏi ngày mai sẽ ra sao ?” ngày 16 tháng 5, “ Cuộc chiến trước hết cần giành được thắng lợi ở Sài Gòn ”...

Có thể thấy, tường thuật của Oğuz Barut cũng như Sami Kohen trên nhật báo Milliyet đã phần nào giúp cho độc giả Thổ Nhĩ Kỳ có một cái nhìn tương đối chi tiết và khách quan về tình hình thực tế của cuộc chiến đang diễn ra ở Việt Nam, đồng thời hiểu được đất nước và con người nơi đây. Tuy diễn ra trong hoàn cảnh chiến tranh, các chuyến đi đến Việt Nam của Oğuz Barut và Sami Kohen như một hình thức của ngoại giao nhân dân đã góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, tiếp xúc giữa người dân Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam.

Bên cạnh các tường thuật của Oğuz Barut và Sami Kohen, vào năm 1968 khi chiến tranh đang leo thang ở Việt Nam, một số nhà bình luận quốc tế nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều bài viết vế vấn đề này. Chẳng hạn bài viết của nhà báo Mehmet Ali Birand với chủ đề “ İntihar Gönüllüleri ” (Những cảm tử quân) bàn về tổ chức và vai trò của tổ chức Vietkong [trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là Vietnam Ulusal Kurtuluş Cephesi, tức Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam] là một trong số đó. Nhà báo Mehmet Ali Birand cho rằng Việt Nam là một đất nước không may bởi trong xuyên suốt lịch sử đã phải trải qua nhiều thời kì nằm dưới sự thống trị của ngoại bang 31 . Cũng từ ngày 5 tháng 2 đến 11 tháng 2 năm 1968 báo Milliyet có đăng loạt bài bình luận của nhà báo Metin Toker như “ Những người thuộc địa da vàng và thực dân da trắng của Việt Nam ”, “ Thực tế Việt Nam từ xưa đã bị chia cắt làm hai miền ”, “ Việt Nam từ sau đại thế chiến thứ hai ”, “ Mỹ đã rơi vào cái bẫy Việt Nam như thế nào ?”, “ Mỹ tại sao đã không thể và đang không thể thoát khỏi cái bẫy Việt Nam ?”, “ Việt Nam: Kết cục ”. Trong loạt bài bình luận này, trước hết, Metin Toker đã trình bày một cách tổng quát về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam cũng như những thử thách mà dân tộc Việt Nam phải đối mặt trong chiều dài lịch sử. Ông cho biết những ảnh hưởng của người phương Tây ở Việt Nam đã có từ thế kỉ XVIII. Theo ông, nguồn gốc của vấn đề ở Việt Nam hiện tại là bắt đầu từ di sản thuộc địa của người Pháp 32 . Khi đô hộ Việt Nam, người Pháp đã chia cắt Việt Nam thành ba xứ khác nhau. Các phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp và sự thành lập của đảng Cộng sản Việt Nam cũng được ông đề cập đến. Sau đó, Metin Toker phân tích về vai trò của Việt Minh trong “ 1945 Devrimi ” (C ách mạng năm 1945), sự ra đời của nước “ Vietnam Demokratik Cumhuriyeti ” (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), sự tái xâm lược của người Pháp và cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Việt Nam, sự chú ý ‎ của người Mỹ đối với Việt Nam cũng như việc chia cắt tạm thời Việt Nam thành hai miền theo vĩ tuyến 17. Người Pháp đã rút khỏi nhưng người Mỹ vì muốn một Việt Nam không có ảnh hưởng của cộng sản nên đã dính líu vào vấn đề này. Nhà báo Metin Toker còn đánh giá về chế độ cai trị của Ngô Đình Diệm và đưa ra nhận xét, “sen đầm quốc tế” như Mỹ dĩ nhiên sẽ không thể rời khỏi Việt Nam mà để nơi này trong vòng kiểm soát của cộng sản 33 . Như vậy, những thông tin mà nhà báo Metin Toker mang lại cho người đọc Thổ Nhĩ Kỳ trong loạt bài bình luận nói trên là vô cùng giá trị và hữu ích, nhất là về mặt tư liệu lịch sử và nhận thức.

Trong giai đoạn này, sự giúp đỡ của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ dành cho nhân dân Việt Nam cũng được biết đến. Năm 1968, một đề nghị giúp đỡ từ phía miền Nam Việt Nam đã được gửi đến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Oktay İşcen đã thông báo rằng “ Miền Nam Việt Nam vì tình hình chiến tranh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, hàng trăm ngàn người rơi vào tình cảnh hết sức khốn đốn nên mong muốn nhờ sự giúp đỡ để giảm thiểu những thiệt hại. Đề nghị giúp đỡ này đã được đánh giá thông qua34 . Đồng thời, chủ tịch của tổ chức Kızılay (Trăng lưỡi liềm đỏ của Thổ Nhĩ Kỳ) là Rıza Çerçel cũng thông báo sẽ giúp đỡ người dân Việt Nam một khoản viện trợ nhân đạo, đặc biệt là mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ khi đó chưa có quan hệ ngoại giao với miền Bắc Việt Nam, nhưng khoản viện trợ này sẽ được chuyển cho người dân ở cả hai miền như nhau. Theo Rıza Çerçel, “ sự giúp đỡ là nằm ngoài mọi toan tính chính trị và ý thức hệ, nên sẽ được chuyển đến cho người dân bị thiệt hại ở cả hai miền một cách công bằng ”. Khoản viện trợ nhân đạo này sẽ được chuyển thông qua vai trò trung gian của tổ chức Milletlerarası Kızılhaç Komitesi (Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) 35 . Theo một báo cáo cho biết khoản viện trợ này là 5000 USD 36 . Bên cạnh hỗ trợ của Kızılay, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ còn viện trợ riêng cho miền Nam Việt Nam những dược phẩm trị dịch tả và sốt thương hàn. Theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Y tế Vedat Ali Özkan, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ miền Nam Việt Nam 100 lít thuốc trị dịch tả và 100 lít thuốc trị thương hàn.

Cũng trong thời gian này, vào ngày 18 tháng 2 năm 1968, tại phố Altındağ ở thủ đô Ankara, Türkiye İşçi Partisi (Đảng Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ, viết tắt là TİP) đã tổ chức một đợt tri ể n lãm chuyên đề về chiến tranh Việt Nam cho công chúng Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề “ Vietnam’da Amerikan vahşeti ” (Sự man rợ của Mỹ ở Việt Nam) 37 . Ngoài ra, các hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam được tổ chức có sự tham gia của người Thổ Nhĩ Kỳ cũng được ghi nhận. Tháng 2 năm 1968, tại Berlin, Hiệp hội sinh viên Đức đã tổ chức buổi hội nghị và mít tinh về Việt Nam với sự tham gia và phát biểu của các sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ đang học ở Đức. Trong buổi mít tinh, các sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng với nhiều sinh viên các quốc tịch khác đồng thanh hô vang “ Ho-Ho-Ho-Şi-Minh ” (Hồ-Hồ-Hồ Chí Minh). Trong một buổi hội nghị khác về Việt Nam được tổ chức tại Tây Đức cũng có sự tham gia đông đảo của nhiều công nhân và sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ. Tại buổi mít tinh đó, rất nhiều nữ công nhân người Thổ Nhĩ Kỳ còn ẵm theo cả con của mình tham gia 38 .

Nhìn chung, mặc dù trong giai đoạn chiến tranh nhưng thông qua hoạt động của một số người Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Nam Việt Nam, cũng như sự giúp đỡ của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ và Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, với các hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam có sự tham gia của người Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần thúc đẩy sự tiếp xúc, hiểu biết giữa người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với Việt Nam. Nó có thể xem là một hình thức của ngoại giao nhân dân, phi truyền thống, tạo tiền đề mở ra triển vọng trong quan hệ ngoại giao giữa nhân dân hai nước ở các giai đoạn kế tiếp.

QUAN HỆ NGOẠI GIAO CHÍNH THỨC GIỮA VIỆT NAM VÀ THỔ NHĨ KỲ (TỪ NĂM 1978 ĐẾN NAY)

Sau khi Việt Nam thống nhất (1975), tình hình đất nước gặp vô vàn khó khăn thử thách. Tuy vậy, vào năm 1978 khi Việt Nam đang ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã được thông báo vào ngày 1 tháng 6 năm 1978 như sau: “ Nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết, hợp tác và hữu nghị trên tinh thần bình đẳng cùng có lợi giữa hai quốc gia, phù hợp với tiêu chí của Liên hiệp quốc, kể từ ngày 7 tháng 6 năm 1978, chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam39 . Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau nên mãi đến 18 năm sau, với quyết định số 96/7860 ban hành ngày 30 tháng 1 năm 1996 của Chính phủ, Thổ Nhĩ Kỳ mới chính thức mở đại sứ quán ở Hà Nội 40 . Ngay sau đó, với quyết định số 96/8411 ban hành ngày 30 tháng 7 năm 1996 của chính phủ, Önder Alaybeyi đã được cử làm đại sứ đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 41 . Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Hà Nội chính thức mở cửa và đi vào hoạt động từ ngày 2 tháng 5 năm 1997. Kể từ thời điểm đó đến nay đã có lần lượt 6 đ ại sứ Thổ Nhĩ Kỳ được bổ nhiệm tại Việt Nam, gồm Önder Alaybeyi (17.1.1997 - 28.7.1999), Kaya İnal (30.7.1999 - 16.12.2002), Yahya Akkurt (2.1.2003 - 16.3.2008), Ates Öktem (30.3.2008 - 19.5.2011), Ahmet Akif Oktay (1.7.2011 - 1.7.2015) và hiện nay là Akif Ayhan (từ 15.7.2015) 42 . Về phía Việt Nam, tháng 2 năm 1999, Việt Nam thiết lập văn phòng Thương mại tại İstanbul. Một thời gian ngắn sau, vào tháng 7 năm 2002 thì Việt Nam mở tổng Lãnh sự quán tại İstanbul và sau đó đến tháng 11 năm 2003 nâng cấp lên thành đại sứ quán và chuyển về Ankara .

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giai đoạn mới vào năm 1978 cho đến nay, trước khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cơ quan đại diện tại Hà Nội, ngoại giao nhân dân đã giữ vai trò không nhỏ trong việc tiếp tục thúc đẩy sự tiếp xúc hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam rơi vào bế tắc, chính sách cấm vận của Mỹ cùng với chiến tranh biên giới phía bắc với Trung Quốc và chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam chống chế độ Khmer Đỏ đã khiến cho Việt Nam gặp nhiều khó khăn 43 . Trong hoàn cảnh đó, Tổ chức Kızılay đã tổ chức viện trợ thực phẩm, thuốc men giúp đỡ cho người dân bị ảnh hưởng chiến tranh ở Việt Nam. Tổng cộng có 3450 kg đường, 500 kg trà, 650 kg thực phẩm đóng họp, 195 kg thuốc trị dịch tả, sốt thương hàn với 542 gói thuốc trị dịch tả được Türk Hava Yolları (Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ) chuyển tới Frankfrut - Đức, sau đó thông qua vai trò trung gian của tổ chức Trăng lưỡi liềm quốc tế gửi qua Băng Cốc để Hội chữ thập đỏ Thái Lan chuyển cho người dân Việt Nam 44 .

Từ năm 1997 đến nay, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở đại sứ quán tại Việt Nam, quan hệ ngoại giao giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, thương mại lẫn văn hóa. Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã được đánh dấu bằng 5 chuyến thăm các cấp của lãnh đạo hai nước, trong đó có 4 chuyến thăm cấp bộ trưởng của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ İsmail Cem đến Việt Nam các ngày 20-22 tháng 2 năm 1998, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Nhiên đến Thổ Nhĩ Kỳ các ngày 20-24 tháng 6 năm 2005 và của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 25-27 tháng 6 năm 2009. Sau đó là của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğulu đến Việt Nam các ngày 17-19 tháng 3 năm 2015. Đặc biệt, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım vào hai ngày 23-24 tháng 8 năm 2017 và chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân từ ngày 7 đến ngày 12 tháng 10 năm 2018. Hai chuyến thăm cấp cao này đánh dấu một bước ngoặt lớn và được xem là đã mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Bởi từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1978, sau 39 năm lần đầu tiên mới có một chuyến thăm cấp thủ tướng của người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tới Việt Nam. Thủ tướng Binali Yıldırım cũng trở thành vị thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam. Tương tự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng trở thành lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Binali Yıldırım và chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn mang lại ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hai nước tiến hành kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1978 - 2018).

Bên cạnh đó, quan hệ giữa hai nước cũng đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực khác. Ví dụ, bên cạnh đại sứ quán tại Hà Nội, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang lên kế hoạch mở cơ quan đại diện tại Tp. Hồ Chí Minh trong tương lai gần. Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ và thủ đô Hà Nội của Việt Nam từ năm 2011 đã trở thành thành phố kết nghĩa và hoạt động này cũng đang được thúc đẩy tương tự với hai thành phố İstanbul - Hồ Chí Minh và Antalya - Nha Trang. Türk Hava Yolları (THY, Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ) từ ngày 29 tháng 12 năm 2010 bắt đầu khai thác đường bay đến Việt Nam, mỗi tuần 7 ngày. Đặc biệt từ ngày 27 tháng 6 năm 2016 trở đi, đường bay thẳng từ İstanbul - Hà Nội đến Tp. Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào hoạt động, đưa người dân hai nước đến gần nhau hơn. Dựa theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến năm 2016 tổng cộng có 466 công dân Việt Nam đăng kí thường trú ở Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều mục đích khác nhau 45 . Rõ ràng, quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước phát triển mạnh mẽ lên một tầm cao mới.

KẾT LUẬN

Có thể thấy rằng, năm 1978 là cột mốc lịch sử thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Tính đến nay thì quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã bước vào năm thứ bốn mươi. Xét về mặt quan hệ ngoại giao chính thức thì đây không phải là một chặng đường dài và có phần khá muộn nếu so với mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á: Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Philippines năm 1949, Indonesia năm 1950, Thái Lan và Lào năm 1958, Malaysia năm 1964, Singapore năm 1969 và Campuchia năm 1970 47 , 46 .

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những diễn biến lịch sử được trình bày ở trên thì có thể thấy sự tiếp xúc cũng như quan hệ giữa hai dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã có một lịch sử lâu dài hơn và trải qua ít nhất ba chặng đường : từ sự tiếp xúc gián tiếp vào cuối thế kỉ XIX; đến sự liên hệ trực tiếp ở mức độ nhất định (thông qua quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng như sự tiếp xúc của các tổ chức và cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ với nhân dân Việt Nam) trong thời kì chiến tranh Việt Nam; và sau đó là quan hệ ngoại giao với chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1978 đến nay. Trong ba chặng đường nói trên do những yếu tố khách quan khác nhau mà việc thiết lập mối bang giao giữa hai dân tộc Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua những khó khăn nhất định, với ba lần cơ hội bị bỏ lỡ hoặc thử thách. Lần đầu tiên vào năm 1863-1864 khi sứ bộ của triều đình nhà Nguyễn trên đường đi sang Pháp và Tây Ban Nha đã ghé qua Yemen và Ai Cập, thuộc lãnh thổ của đế chế Ottoman khi đó nhưng lại chưa đến İstanbul. Lần thứ hai là vào năm 1890, khi tàu Ertuğrul của hạm đội hải quân Ottoman trên đường đi đến Nhật Bản để thực hiện sứ mệnh ngoại giao tuy dừng chân lại Sài Gòn một khoảng thời gian nhưng vì một số nguyên nhân đã không thể tiếp xúc với triều đình nhà Nguyễn. Lần thứ ba trong thời gian chiến tranh Việt Nam, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một thành viên của khối NATO - đồng minh của Mỹ nên chỉ có quan hệ hạn chế với chính phủ Việt Nam Cộng hòa và quan hệ này cũng đã kết thúc cùng với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào năm 1975. Trong khi đó, sự tiếp xúc giữa nhân dân hai nước vào thời kì này chỉ chủ yếu thông qua con đường không chính thức. Mặt khác, đ áng lưu ý là đối với cuộc chiến ở Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ thái độ trung lập và ủng hộ lập trường tìm kiếm giải pháp hòa bình, thống nhất đất nước cho Việt Nam. Chính điều này cùng với những tiếp xúc và quan hệ đã có từ trước giữa người dân hai nước đã trở thành tiền đề, góp phần tạo dựng mối quan hệ ngoại giao mới giữa hai quốc gia vào năm 1978 khi Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam.

Từ năm 1978 đến nay, mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng từng bước phát triển vững chắc trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã bước vào một chặng đường mới, đầy triển vọng và cơ hội.

Tuyên bố về xung đột lợi ích

Tác giả xác nhận hoàn toàn không có xung đột về lợi ích.

Tuyên bố về đóng góp của tác giả

Dựa trên các nguồn tài liệu có được (chủ yếu bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ), bài viết đã tìm hiểu một cách khái quát về những giai đoạn cơ bản trong lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ (từ cuối thế kỉ XIX đến nay). Bài viết cung cấp tài liệu tham khảo cho những nghiên cứu khác có liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam trong thời gian tới.

References

  1. W Eberhard. En Eski Devirlerden Zamanımıza Kadar Uzak Doğu Tarihi Ankara. . 1957;:. Google Scholar
  2. Viện Khoa học Xã hội.Đại Việt sử ký ‎toàn thư, Tập II Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. . 1998;:. Google Scholar
  3. S Aykut A, Battûta İbn. Diyanet İslam Ansiklopedisi. Cilt. 1999;19:363-363. Google Scholar
  4. Battûta M İ. İbn Battûta Seyahatnâmesi II İstanbul: Yapı Kredi Yayınları. . 2000;:. Google Scholar
  5. Yamamoto T. On Tawalisi described by Ibn Battuta. Memoirs of the Department of Research of the Toyo Bunko 東洋文庫欧文紀要. 1936;8:93-133. Google Scholar
  6. Göksöy İ H. İbn Battûta’ya Göre Güneydoğu Asya Ülkeleri. Dini Araştırmalar. 2002 Ocak - Nisan;4(12):66. Google Scholar
  7. Öke EM&MK.Ertuğrul Fırkateyni Faciası ve Türk - Japon Münasebetlerinin Başlangıcı İstanbul. Türk Dünyası Araştırmaları Vakfı. 1991;:. Google Scholar
  8. Ilgaz AHF&IH.Ertuğrul Fırkateyni İstanbul. Türk Şehitlikleri İmar Vakfı. 2012;:. Google Scholar
  9. Kuvvetleri Türk Deniz. Ertuğrul Fırkateyni’nin Japonya Seyrinin 125. Yıl Dönümü Anısına İstanbul: Deniz Basımevi. . 2015;:. Google Scholar
  10. Mb Mustafa. Bir Osmanlı Bürokratının Uzakdoğu Seyahati (hazırlayan Ahmet Uçar) İstanbul: Çamlıca. . 2010;:. Google Scholar
  11. Phạm P T. Tây hành nhật ký: Sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp và Y Pha Nho năm 1863 Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn nghệ. . 2001;:. Google Scholar
  12. Ngô Đ D, Gian L’Ambassade de Phan Thanh Gian (1863 - 1864) (1). Bulletin des Amis du Vieux Hué. 1919;6(Avril-Juin):183-189. Google Scholar
  13. Genelkurmay Harp Tarihi Başkanlığı.Konferans Broşürü Ankara: Genelkurmay Basımevi. . 1976;:. Google Scholar
  14. Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa.Thành Tích Bốn Năm Hoạt Động Của Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa Sài Gòn: Bộ Thông Tin Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa. . 1958;:. Google Scholar
  15. The Viet-Nam Issue Saigon.Ministry of Foreign Affairs. . 1971;:. Google Scholar
  16. Barut O, Vietnam Da Vietnam’da görev almak ister misiniz?. Milliyet Gazetesi. 1963;24(Kasım):5. Google Scholar
  17. Özel Vietnam bizden yardım istedi. Milliyet Gazetesi. 1964;7(Ağustos):1. Google Scholar
  18. Akyol M. Vietnam Müsteşarının eşi açlık grevi yapıyor. Milliyet Gazetesi. 1966;26(Haziran):. Google Scholar
  19. Özel Vietnamlı kadın grevden vazgeçti. Milliyet Gazetesi. 1966;2(Temmuz):1-9. Google Scholar
  20. Başbakanlığı T C, Gazete Resmi. Resmi Gazete. Sayı 11174. . 7 Ağustos 1962;:. Google Scholar
  21. Başbakanlığı T C. Resmi Gazete. Sayı 12879. . 19 Nisan 1968;:. Google Scholar
  22. Lee H C. Siyasi, Ekonomik, Askeri ve Kültürel Açıdan Türkiye - Kore İlişkileri Ankara: Türk Tarih Kurumu. . 2007;:. Google Scholar
  23. Kaya M Ş. Türk Basınında Vietnam Savaşı: Ulus Gazetesi Örneği. Ankara Üniversitesi Türk İnkılâp Tarihi Enstitüsü Atatürk Yolu Dergisi. 2008;11:311-330. Google Scholar
  24. Barut O. Dünyanın en ince belli kadınları Vietnam’dadır. Milliyet Gazetesi. 1963;25(Kasım):5. Google Scholar
  25. Barut O. Vietnam’da kaza kavga ve cinayet yok. Milliyet Gazetesi. 1963;26(Kasım):5. Google Scholar
  26. Barut O. Vietnam’da en ucuz şey çocuk sahibi olmaktır. Milliyet Gazetesi. 1963;27(Kasım):5. Google Scholar
  27. Barut O. Sergievinde korkunç bir intifâk-Netice: 19 ölü, 26 yaralı. Milliyet Gazetesi. 4. 1963.
  28. Kohen S. Sami Kohen, Vietnam’dan bildiriyor “Bu ölüm-kalım savaşıdır. Milliyet Gazetesi. 1965;11(Mayıs):1. Google Scholar
  29. Kohen S. Halk Harptan Usandı!. Milliyet Gazetesi. 1965;12(Mayıs):9. Google Scholar
  30. Kohen S. Amerika neden bu işe girdi?. Milliyet Gazetesi. 1965;13(Mayıs):9. Google Scholar
  31. Birand M A. Amerika ile alay eden Vietkong kimdir?. Milliyet Gazetesi. 1968;4(Şubat):5. Google Scholar
  32. Toker M. Vietnam’ın sarı müstemlekecileri ve beyaz müstemlekecileri. Milliyet Gazetesi. 1968;6(Şubat):2. Google Scholar
  33. Toker M. Vietnam: Sonuç. Milliyet Gazetesi. 1968;11(Şubat):2. Google Scholar
  34. Özel Güney Vietnam’ın yardım talebi inceleniyor. Milliyet Gazetesi. 1968;11(Şubat):1. Google Scholar
  35. Özel Kızılay, Vietnamda her iki tarafa eşit yardım yapacak. Milliyet Gazetesi. 1968;15(Şubat):1-7. Google Scholar
  36. Özel Kızılay Vietnam’a 5000 dolar yardıma karar verdi. Milliyet Gazetesi. 1968;17(Şubat):1. Google Scholar
  37. Özel Ankara karpuz pazarında Vietnam sergisi açıldı. Milliyet Gazetesi. 1968;19(Şubat):7. Google Scholar
  38. Aytul T. Vietnam mitingine katılan Türk’ler için kovuşturma. Milliyet Gazetesi. 1968;23(Şubat):1-7. Google Scholar
  39. Özel Vietnam Sosyalist Cumhuriyeti’yle diplomatik ilişki kuruldu. Milliyet Gazetesi. 1978;2(Haziran):3. Google Scholar
  40. Başbakanlığı T C. . Resmi Gazete. 1996;7(Mart):. Google Scholar
  41. Başbakanlığı T C. . Resmi Gazete. Sayı 22726. 1996;13(Ağustos):. Google Scholar
  42. Büyükelçilik Tarihi ve Önceki Büyükelçilerimiz. . ;:. Google Scholar
  43. Gürbüz M V. Soğuk Savaşın Kaynama Noktası Vietnam Savaşı ve Amerika Birleşik Devletleri Ankara: Kent Kitap. . 2009;:. Google Scholar
  44. A A. Kızılay Vietnamlı mültecilere gıda ve ilaç yolladı. Milliyet Gazetesi. 1979;1(Aralık):7. Google Scholar
  45. Türkiye - Vietnam İlişkileri. . ;:. Google Scholar
  46. Kadı İH&YO.Siyam Prensi Damrong’un Paylaşılamayan Fotoğrafı!. Kebikeç. 2016;(42):95. Google Scholar
  47. Göksöy İ H. Güneydoğu Asya’da Osmanlı-Türk Tesirleri Isparta: Fakülte Kitabevi. . 2004;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 3 No 3 (2019)
Page No.: 142-151
Published: Feb 20, 2020
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i3.522

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Lu, V. (2020). History of the relations between Vietnam and Turkey (from the late 19th century to present). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 3(3), 142-151. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i3.522

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1405 times
Download PDF   = 329 times
View Article   = 0 times
Total   = 329 times