VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

673

Total

229

Share

Risk – coping strategies of undocumented workers: Case study of Vietnamese migrants to Thailand






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Sofar, studies on labour migration in Vietnam have often focused on domestic migration, international migration, refugee migration, force migration; ignored the cross – border undocumented migration. At the North Central Coast provinces: Ha Tinh, Nghe An, many rural workers always choose Thailand as the destination because of convenience transport and seeking job easily. However, the lack of supplying labour official or contract papers legally, they often faced to risks and uncertainties. This paper aims to provide an analysis of these undocumented migration flows from Vietnam to Thailand by indepth interview and participant observation methods. The main issues in this article include: (1) describes the risks of Vietnamese workers through employment, housing, legal status in Thailand and (2) analysis the coping – risk strategies of Vietnamese workers in Thailand. Inside these, express on the renewal and completion of visa such as a special trick helps them respond to risky types. Finally, the article contributes to the development of new research directions on policies for these undocumented migrant workers.


 

Đặt vấn đề

Rủi ro và bất trắc là hai hiện tượng thường xuyên diễn ra trong cuộc sống, từ đơn giản đến phức tạp. Trong nghiên cứu di cư, khái niệm rủi ro đều được nhắc đến trong các quá trình: trước khi đi, trong khi đi và sau khi quay về. Với những đối tượng như: di cư do tị nạn, do chiến tranh, hoặc chính trị, di cư lao động, di cư hôn nhân, định cư… rủi ro luôn tồn tại với nhiều hình thức khác nhau, ảnh hưởng ở nhiều cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng người di cư. Theo Zinn (2004) 1 , rủi ro hiện hữu ngay cả khi người di chuyển nắm được thông tin nơi ở, chi phí, tính chất công việc, các mối quan hệ xã hội. Nguyên nhân là do sự khác nhau giữa “kiến thức ngầm và hiện thực”. Polanyi (1966) 2 lập luận rằng người di cư có thể nắm được thông tin liên quan đến quá trình di cư qua các kênh truyền thông chính thống, thậm chí cả truyền miệng từ mạng lưới xã hội của họ. Tuy nhiên, theo ông đây vẫn chỉ là ngụ ý (tacit knowledge) để họ thích ứng với môi trường mới. Cái chính mà người di cư thiếu là kiến thức về hiện thực (explicit knowledge) được hệ thống hoá bao gồm khả năng nhận thức rủi ro, trí tuệ về văn hoá xã hội, trực giác về ứng xử khi có bất trắc trong lương lai. Trong những năm gần đây, di cư lao động giữa các quốc gia khu vực Đông Nam Á là một trong những chủ đề nóng hổi. Đặc biệt, Thái Lan đang nổi lên như một hiện tượng của lao động di cư không có giấy tờ từ các biên giới Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam 3 . Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, hiện có hơn 50.000 lao động Việt Nam làm việc tại Thái Lan, bao gồm lao động di cư từ các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá hoặc từ các tỉnh phía Bắc như Hoà Bình, Phú Thọ. Vì là lao động không đăng ký nên họ không được hưởng bất kì quyền lợi nào nhưng vẫn chấp nhận di cư, thậm chí di cư cả gia đình, dòng họ từ nhiều thế hệ với mức độ rủi ro cao.

Dựa trên cách tiếp cận rủi ro trong nghiên cứu xã hội học, bài viết đề cập đến lực lượng lao động di cư bất hợp pháp từ Việt Nam sang Thái Lan. Đó là những người lao động “theo các kênh không chính thống, làm việc nhưng không có giấy phép hợp pháp, ở lại quá hạn thị thực hoặc vi phạm quy định về thị thực lao động tại nước tiếp nhận. Cụ thể, lao động Việt Nam tại khu vực kinh tế phi chính thức làm những công việc hạng hai trong các ngành xây dựng, chế biến thực phẩm, may mặc và giúp việc gia đình. Vì vấn đề pháp lý không được thừa nhận nên họ luôn gặp khó khăn trong việc thích ứng và quản lý rủi ro với cuộc sống di cư.

Phương pháp nghiên cứu

Với bài viết này, tác giả sử dụng phương pháp định tính với kỹ thuật phỏng vấn sâu và quan sát tham dự. Mẫu được chọn là mẫu phi xác suất với hai hình thức lấy mẫu theo mục tiêu và mẫu viên tuyết lăn. Đầu tiên, việc chọn mẫu theo mục tiêu giúp tác giả xác định vị trí các nhóm đối tượng thông qua các cơ quan chức năng hỗ trợ người di cư, hoặc thông qua kênh trung gian là người môi giới. Vì khách thể nghiên cứu trong trường hợp của đề tài là lao động không đăng ký nên cần thiết phải định vị được họ ở đâu tại Thái Lan thông qua nhiều mạng lưới xã hội khác nhau. Sau đó, khi tiếp cận người đại diện trong cộng đồng di cư, tác giả sử dụng kỹ thuật viên tuyết lăn, từ một lao động được phỏng vấn sẽ giới thiệu thêm các lao động khác. Trong bối cảnh này, tác giả cố gắng giảm bớt sự thiên vị do quen biết mà hướng đến tính đại diện để tìm được những đối tượng sẽ được khoanh vùng với các tiêu chí khác nhau:

• Không phải là Việt kiều đang định cư tại Thái Lan;

• Là lao động không đăng ký và làm việc tại Thái trên 2 tháng, có kinh nghiệm gia hạn thị thực;

• Có những đặc điểm nhân khẩu học xã hội khác nhau về: giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, quê quán, nghề nghiệp.

Thời gian thực địa được tiến hành tại Thái Lan trong hai đợt vào tháng 9/2018 và tháng 4/2019. Tất cả dữ liệu của bài viết được lấy từ đề tài “Khả năng thích ứng và quản lý rủi ro của lao động Việt Nam di cư tự do sang Thái Lan” (Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG – HCM trong khuôn khổ Đề tài mã số T2019 – 08). Đa số người lao động không đăng ký được giới thiệu đến từ các xã ven biển thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Tại hai thành phố Bangkok và Udon Thani, tác giả phỏng vấn 31 đối tượng là người lao động Việt Nam, độ tuổi từ 20 đến 49, học vấn trung bình đạt hết trình độ cấp 2, làm các nghề phổ thông như đánh cá, may mặc, giúp việc nhà, dịch vụ nhà hàng, bán hàng rong.

Table 1 Thống kê đặc điểm nhân khẩu học xã hộ i
Nơi Nhập cư Bangkok Udon Thani Tổng
Đặc điểm Nam Nữ Nam Nữ
Tuổi
20 – 29 2 5 1 2 10
30 – 39 10 3 5 0 18
40 – 49 0 2 0 1 3
Tổng 12 10 6 3 31
Nơi Xuất cư
Hà Tĩnh 12 8 6 2 28
Nghệ An 0 2 0 1 3
Tổng 12 10 6 3 31
Trình độ HV
Cấp 1 0 2 0 1 3
Cấp 2 11 8 6 2 27
Cấp 3 1 0 0 0 1
Tổng 12 10 6 3 31
Công việc
Đánh cá 0 0 1 0 1
May mặc 1 1 0 1 3
Giúp việc nhà 0 2 0 0 2
Dịch vụ nhà hàng 4 6 2 2 14
Bán hàng rong 7 1 3 0 11
Tổng 12 10 6 3 31

Sự dịch chuyển của lao động Việt Nam sang Thái Lan và những rủi ro họ phải đối mặt

Hình thức di cư của lao động Việt Nam sang Thái Lan

Vào năm 2016, các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế địa phương nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng . Mặc dù chính phủ Việt Nam đã có hướng giải quyết khắc phục hậu quả bằng cách hỗ trợ lương thực và kinh phí cho các cá nhân, tập thể có liên quan, nhưng hệ quả nặng nề nhất tác động đến xã hội là tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng. Tại Hà Tĩnh, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, tăng từ 2,16% năm 2016 lên đến 17% năm 2017, nguyên nhân là do có 275 doanh nghiệp và 44 hợp tác xã đang tạm dừng hoạt động 4 .

Lúc này, quyết định di cư là một trong những chiến lược hàng đầu của lao động ở các huyện, xã ven biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. 31/31 lao động được phỏng vấn ( Table 1 ) đều cho rằng tình trạng thất nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế hộ gia đình nên buộc lòng họ phải di cư. Do khoảng cách địa lý thuận lợi và tiền lương hấp dẫn nên đa số lao động lựa chọn Thái Lan là điểm đến. Bên cạnh đó, thông qua mối quan hệ họ hàng, bạn bè, người thân, người lao động có được thông tin và sự trợ giúp cần thiết tại nơi nhập cư. Di cư vốn là quá trình mang nhiều bất trắc, nên việc sở hữu một mạng lưới xã hội tin cậy sẽ góp phần làm giảm những rủi ro có thể gặp. Hơn nữa, phí môi giới đi lao động ở các nước khác như Hàn Quốc, Đài Loan khoảng vài ngàn USD 3 , nhưng đối với Thái Lan hầu như không tốn chi phí nhiều, bởi phần lớn do những người cùng làng, cùng xã đi trước hướng dẫn cho người đi sau. Nếu không quen biết, chỉ cần trả từ 3 – 5 triệu đồng là có xe đến đón tại nhà, đưa người đến tận nơi bên đất Thái. Di cư tự do thường mang nhiều rủi ro hơn đi xuất khẩu lao động chính thức, nhưng họ vẫn chấp nhận di cư để “đổi đời” vì tin tưởng vào kinh nghiệm của người đi trước.

Xã mình (Thạch Văn) 90% nhà có người sang Thái làm việc, vì ở quê không đi biển được chẳng biết làm gì. Có làm công nhân ở thành phố lớn cũng có 3 – 4 triệu đồng, có bao nhiêu đâu. Mình sang Thái một tháng cũng có từ 12 đến 14 triệu đồng nếu chịu khó cày, có người đi rồi về rồi mách nước cho người sau… cùng là đồng hương, họ hàng với nhau nên được chỉ dẫn tận tình… ai cũng muốn cuộc sống tốt lên mà… có nhà cả gia đình vợ chồng con cái đi lao động bên đây hết. Người mình qua đây làm chui đều có một trật tự riêng mà chỉ người trong cuộc mới biết " (PVS, Lự, nam, 25 tuổi, Udon Thani).

Những người di cư vào Thái có hai dạng: có giấy tờ, có hợp đồng lao động tạm thời và di cư lao động không đăng ký. Cả hai hình thức di chuyển này đều thông qua con đường biên giới giữa 03 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan bằng thị thực du lịch có thời hạn. Người di cư chọn Thái Lan vì gần Việt Nam, di chuyển dễ dàng và ít tốn kém chi phí hơn, lại không vướng thủ tục rườm rà.

Việc xin hộ chiếu dễ mà, chi phí khoảng 250 nghìn đồng, cái này mình tự làm được, không biết thì hỏi những người đi trước; Thái Lan thì không cần visa. Không biết nữa thì đi qua môi giới, cũng tầm mấy triệu…”. “Trước tiên muốn đi, đó là phải làm hộ chiếu, sau đó mình gọi nhà xe đi từ Hà Tĩnh… Hồi đó chưa đi được đường Cha Lo, anh đi đường Cầu Treo, đi vào đường Vientiane ay, thành phố Lào ấy rồi nghỉ lại một đêm rồi lại tới sáng chờ 7 giờ cửa khẩu làm việc rồi mình mới ngồi xe qua cửa khẩu Nakon Phanom. Tính từ Việt Nam mất khoảng hai ngày 24 tiếng hơn thì tới nơi. Chi phi đi đầu tiên hồi đó cũng tầm hơn 3 triệu tiền Việt. Tiền xe, tiền ăn, tiền hộ chiếu qua cửa khẩu (PVS, Thông, nam, 34 tuổi, Bangkok)

Cách di chuyển của lao động Việt trong nghiên cứu này xuất phát từ Hà Tĩnh và Nghệ An đến biên giới Cầu Treo (Việt Nam) - Borikhamxay (Lào), đi tiếp vào thủ đô Vientaine (Lào). Từ Lào qua biên giới Thái Lan, lao động tự do phân bố về các hướng như ở tỉnh Nong Khai, tỉnh Udon Thani (Đông Bắc) và thành phố Bangkok (miền Trung). Trong đó, Nong Khai và Udon Thani được gọi là vùng “đất cũ đãi người mới”. Lịch sử di cư nội địa của Thái Lan cho thấy trong giai đoạn từ 1955 đến 1990 vùng Đông Bắc Thái Lan là một vùng nông thôn nghèo, vì vậy, người lao động ở đây thường xuất cư đến miền Trung, cụ thể là thành phố Bangkok do sự hấp dẫn của công nghiệp hóa 5 . Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực do dòng chảy di cư nội địa ồ ạt tạo điều kiện cho luồng di cư tiếp theo từ Lào và Việt Nam sang.

Rủi ro về việc làm

Giữa Việt Nam và Thái Lan chỉ mới có Thoả thuận hợp tác tuyển dụng lao động ở hai ngành đánh cá và xây dựng là hợp pháp . Tuy nhiên, lao động Việt Nam lại không mặn mà với hai nghề này vì sự vất vả và tiền lương ít. Đa phần lao động Việt di chuyển qua đường biên giới đến Thái sẽ chia làm hai nhánh: ( 1 ) nhóm mới đến ở khu vực Đông Bắc Udon Thani làm mướn cho chủ cơ sở sản xuất theo sự giới thiệu, ( 2 ) nhóm đã có kinh nghiệm làm việc tại Thái tiếp tục nhờ vào mạng lưới xã hội di chuyển lên trung tâm Bangkok phụ giúp hoặc làm những công việc dịch vụ. Loại hình công việc cho người Việt tại Thái Lan rất đa dạng, bao gồm bồi bàn, giúp việc nhà, nhân viên mát – xa, đầu bếp, công nhân may mặc, công nhân xây dựng… Điều kiện làm việc của cả hai nhóm này đều gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, họ có thể bị vi phạm những điều khoản về tiền lương và an sinh xã hội, bị xâm phạm quyền tự do cá nhân, bị đối xử không công bằng trong công việc.

Trong xưởng này, giờ làm việc hàng ngày là từ 10 đến 12 tiếng. Vào những lúc phải chạy đơn hàng, tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm là thường, và trong vài trường hợp họ làm việc đến 2 giờ sáng hoặc suốt 24 tiếng không nghỉ. Về lâu dài khó mà chịu đựng nổi sự lao động vất vả như vậy, nhưng từ chối làm việc thêm giờ đồng nghĩa với việc bị cắt giảm lương và thu nhập của bọn này sẽ ít đi. Mà muốn xin nghỉ cũng không được, chủ thuê đâu có cho… mà nếu ai vẫn khăng khăng muốn nghỉ, tiền lương tháng cuối của họ sẽ bị tịch thu như là hình phạt (PVS, Quý, nam, 31 tuổi, Udon Thani).

Vì muốn trói buộc người lao động, chủ sử dụng lao động đã thu giư bất hợp pháp hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của họ. Điều này vi phạm quyền tự do đi lại cơ bản của người lao động. Chính sự thu giư giấy tờ trái phép đã gây khó khăn cho lao động Việt khi nước sở tại có những quy định yêu cầu người lao động nước ngoài lúc nào cũng phải mang theo giấy tờ gốc của họ, nếu không, họ sẽ bị bắt giữ và bị trục xuất. Tất cả 31 người lao động trong khảo sát ( Table 1 ) là những người nghèo và không được trang bị những kỹ năng để đối phó với những rủi ro. Mạng lưới xã hội đôi khi cũng là con dao hai lưỡi: có thể tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với công việc dễ dàng, nhưng đôi lúc lại là mối nguy hiểm tiềm ẩn; không ít lao động Việt đã bị các môi giới thân quen lừa gạt như ký hợp đồng giả, hoặc phải trả phí tuyển dụng cao với những lời hứa hẹn về những công việc không có thật.

Những lao động kiếm sống bằng việc bán hàng rong thì thường phải đóng đủ loại thuế đường phố : “Đầu tiên là tiền chỗ đứng bán hàng trả cho các tay anh chị , mỗi tháng đóng từ 2.000 đến 5.000 baht tùy vào chỗ đông hay ít khách . Ngoài ra, còn phải đóng tiền cho nhiều bên cảnh sát khác nhau: cảnh sát 191, giống cảnh sát 113 ở Việt Nam mình, rồi cảnh sát khu vực ở quận, rồi cảnh sát du lịch nữa chứ… Nếu là lính mới, phải hỏi những người đi trước về các khoản thuế phải nộp. Nếu đã biết tiếng Thái thì xin số điện thoại của cảnh sát để trực tiếp hỏi giá. Tùy chỗ, nhưng tổng cộng cũng phải tốn từ 2.500 đến 4.000 baht/tháng” (PVS, Cẩm, nữ, 27 tuổi, Bangkok).

Trong quá trình di chuyển và hòa nhập tại nơi đến, lao động di cư phải đối mặt với rất nhiều thách thức, không những trong môi trường làm việc mà cả việc làm quen với cuộc sống mới, điều mà những người dân bản xứ ít gặp phải. Họ thường bị đối xử như những công dân hạng hai, phải làm các công việc được gọi là 3D: bẩn thỉu (dirty), nguy hiểm (dangerous) và khó khăn (difficult). Những phụ nữ phải làm công việc 3D dễ bị lạm dụng về sức lực và tình dục, đặc biệt ở những công việc như người giúp việc nhà, phụ bán quán.

Rủi ro về nhà ở

Sống và làm việc tại nước ngoài không dễ dàng, nhất là đối với lao động bất hợp pháp, rủi ro họ gặp phải gấp nhiều lần hơn người khác. Nếu như việc làm có nhiều loại hình để lao động Việt Nam lựa chọn thì vấn đề tìm kiếm nhà ở ít có cơ hội nào tốt. Ở Thái Lan, tuỳ theo công việc của mình mà họ chọn khu vực trọ cho thích hợp. Cụ thể, nhóm làm công ăn lương cho các cơ sở sản xuất, dịch vụ như may mặc, nhà hàng thì họ được bố trí khu ở bởi người chủ thuê mướn nhân công và một số trường hợp bị giữ hộ chiếu. Nơi ở trọ của những lao động Việt Nam thường rất tệ. Họ chỉ có một căn phòng vừa là phòng ngủ, phòng khách, bếp và cả nhà vệ sinh. Những khu vực này thiếu nước uống sạch, thiếu hệ thống thoát nước, nên rất bừa bộn và bẩn thỉu. Tệ hơn nữa, khi làm việc tại các khu may mặc, đóng hàng thì lao động phải ở nhà thuê của những ông chủ xưởng vì thế họ buộc phải mua hàng từ các cửa hàng thuộc quyền quản lý của chủ nhà hoặc những người bạn của ông chủ, với giá đắt hơn từ 15 - 25% cho mỗi món so với giá bán ở chợ. “Bốn năm trước em mượn tiền đóng để theo một nhóm bạn sang Thái may gia công chui. Qua đến nơi, cả đám bị nhốt dưới hầm, ăn ngủ, làm việc ở đấy mấy tháng liền… có người cả năm hầu như không thấy mặt trời vì toàn sống dưới hầm… Làm cực quá, lại bị trừ tiền này nọ, em trốn ra ngoài đi làm thì bị cảnh sát bắt. Hộ chiếu không có nên bị trục xuất về nước” (PVS, Tùng, nam, 23 tuổi, Bangkok).

Những lao động làm công việc dịch vụ hoặc bán hàng rong thì họ tìm kiếm các khu nhà trọ khác gần khu vực hoạt động để sinh sống. Thông thường họ có nhu cầu ở ghép từ hai người trở lên để đỡ đần chi phí và nương tựa lẫn nhau. Lao động Việt Nam có xu hướng ở với nhau theo cụm gia đình, họ hàng, đồng hương.

Điều kiện sống của lao động di cư khá bấp bênh: “Hai vợ chồng cùng một người em sống trong căn phòng diện tích chưa đến 6m 2 . Phòng đã nhỏ lại chất thêm mớ đồ đạc nên khi nằm ngủ chẳng ai thẳng chân được mà phải co người như con tôm. Lúc trước tụi em ở gần khu Pratunam, thuê chỉ 2.500 baht/tháng (khoảng 1,7 triệu đồng) nhưng mỗi ngày đẩy xe đến khu này bán mất gần tiếng đồng hồ. Giờ dọn về đây phòng bé hơn, tính luôn điện nước là 4.000 baht/tháng nhưng vẫn phải chịu vì tiện buôn bán” ( PVS, Cẩm, nữ, 27 tuổi, Bangkok).

Nhóm lao động tự buôn bán hàng tuy không bị lừa gạt hay ép giá phòng trọ nhưng họ phải đối mặt với rủi ro khác từ cơ quan chính quyền địa phương. Một số trường hợp lao động Việt Nam bị phạt tiền khi lực lượng chức năng kiểm tra phòng trọ, mặc dù họ có hộ chiếu hợp lệ bên mình. Giải thích cho mức phạt này là do lao động vi phạm luật tạm trú của người nước ngoài .Tuy nhiên, Sở Di trú không thường xuyên kiểm tra, họ chỉ làm khi có chiến dịch truy quét người bất hợp pháp hoặc khi có ai đó báo lên. Sự cạnh tranh trong buôn bán hàng rong giữa lao động các quốc gia láng giềng như Myanmar, Lào, Campuchia thậm chí Thái Lan thể hiện qua việc tranh giành chỗ đứng, bày hàng ở các khu vực trung tâm đông người qua lại và họ tố cáo nhau về chỗ ở là điều đã nhiều lần xảy ra. Lời tâm sự của một lao động Việt sau đây cho thấy sự t hiệt thòi của họ vì thiếu tư cách pháp lý khi làm việc bất hợp pháp : “Người Thái tốt là thật, nhưng 100 người thì có 2, 3 người xấu thôi, còn lại là Campuchia và Myanmar hay gây chuyện với dân mình. Nguyên nhân là g i ành chỗ bán, đang yên ổn thì họ đụng cái xe bán nước mình, bắt mình dịch đi mặc dù cả đời chẳng thấy nó đỗ xe ở đấy mà đuổi mình “mày ra để tao đỗ”. Một là mình nhường, không thì cũng nói qua nói lại vài câu rồi nó bỏ đi. Nó chỉ doạ những người biết tiếng ngắn. Anh thì chả sợ. Hôm nọ nhóc bán nước chanh đó, cũng bị liên luỵ chỉ điểm chỗ ở cho công an… anh biết chuyện, anh nói luôn với người Thái đó rằng: ông xấu xa, ông hay bắt nạt những người không biết tiếng, tụi tôi nhường không mất gì cả vì tôi đang sống nương nhờ trên đất nước họ để làm ăn, nhưng chỉ cần tiếng nói thông cảm chứ đừng bắt nạt” (PVS, Phương, nam, 40 tuổi, Bangkok).

Rủi ro về tình trạng pháp lý

Hiện nay, đa số lao động tự do ở Thái Lan đến từ bốn quốc gia: Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam. Theo Luật di cư lao động quốc tế Chính phủ Thái Lan ban hành những lao động nước ngoài có nguyện vọng ở lại làm việc phải đăng ký giấy phép hành nghề theo quốc tịch để họ kiểm soát các loại hình công việc đã ký kết với từng quốc gia. Riêng với Việt Nam, Thái Lan chỉ mới ký kết trao đổi lao động thông qua hai ngành nghề: xây dựng và đánh bắt cá. Để trở thành người nhập cư tự do hợp pháp có thời hạn trên đất Thái thì lao động Việt phải nộp 4.900 bath, bao gồm các khoản bảo hiểm, lưu trú, an ninh để đăng ký giấy phép hành nghề thể hiện tên tuổi, quốc tịch, nơi tạm trú, nghề nghiệp. Bên cạnh việc đóng phí, lao động Việt Nam phải được công ty thuê mướn và Văn phòng việc làm tại tỉnh/thành chấp nhận và bảo lãnh. Thủ tục để thực hiện điều này không khó, tuy nhiên vì không mặn mà với hai ngành nghề trên và không muốn tốn kém phí ban đầu cho chính phủ Thái nên đa số lao động Việt Nam chọn các nghề như bán hàng rong, giúp việc nhà, dịch vụ nhà hàng… để có thể hoạt động tự do và có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn. Nếu chẳng may bị bắt do không có giấy phép lao động hoặc cư trú bất hợp pháp do thị thực hết hạn thì bị trục xuất về nước, thậm chí đi tù như một số trường hợp sau:

Chưa bao giờ trong cuộc đời nghĩ rằng mình sẽ trải qua thời gian còn lại ở trong tù sống như thế này. Đi làm chui bị bắt bị lừa khổ sở cách mấy, nhiều khi ăn uống không dám ăn, tiền mà không dám xài, để tiết kiệm mọi thứ đều không khổ như lúc bị giam trong tù, cuộc đời không ngờ trước được điều gì. Điện thoại cảnh sát thu lại lúc mình bị bắt, mình không liên hệ được với ai. Thậm chí lúc đó anh quỳ xuống van xin họ cũng không được ” (PVS, Chí, nam, 29 tuổi, Bangkok).

Nói chung là ở tù mà, khổ và sợ lắm… Ăn ở kham khổ, nó cho ăn xôi lẫn với cứt chuột, dăm ngày đầu đâu có ăn uống được gì, ngày nào cũng như ngày nào, cứ sáng dậy là ngày ba bữa y nhau, rồi nó đựng trong cái nồi bự như quân lính xài như cái nồi rượu ấy, nhìn ghê lắm, không dám ăn. Từ từ rồi đói quá cũng phải ăn, em không tưởng tượng được đâu, xôi khô cứng mà lẫn đầy cứt chuột. Một phòng giam ở 103 người, có một bể tắm chung nhưng phục vụ đến 103 người, người nào ở lâu bị ghẻ trước thì dùng chung nguồn nước nó lây. Mà đâu phải ngày nào nó cũng cho tắm lâu lâu thỉnh thoảng mới dùng nước. Nói xin lỗi em chứ đang ở đó, đi vệ sinh ở đó luôn, hôi hám và dơ bẩn lắm ” (PVS, Thông, nam, 34 tuổi, Bangkok)

Tại vì cái thời điểm đó, kể thì cũng kể luôn, năm đó là năm lũ lụt, anh để hộ chiếu quá hạn, anh tự đi chui về do thời điểm anh làm trong công ty này, anh quen được một người bạn Lào, họ chỉ dẫn anh có một cái đường để đi chui về Việt Nam là đi qua sông Mê Kong, có thân nhân của họ làm nghề đưa quân trong đó, anh đóng 7.000 baht rồi cứ thế đi theo họ yên tâm không sao. Lúc đi qua địa phận sông Thái thì không sao, nhưng đi qua Lào thì bị cảnh sát Lào bắt và giam giữ trong tù 27 ngày ở Lào (PVS, Chí, nam, 29 tuổi, Bangkok).

Thực tế, trước khi di cư, người lao động chỉ hình dung những khó khăn rất đơn giản như nỗi cô đơn, vất vả trong công việc nói chung, không kiếm được tiền thì về nước chứ không ngờ có ngày bị bắt sẽ xử lý như thế nào. Do hầu hết lao động di cư không dám liều lĩnh tố cáo hay khiếu nại mặc dù gặp nhiều rủi ro, thậm chí bị đe doạ đến tính mạng. Vì làm việc bất hợp pháp nên họ hiểu rằng đi khiếu nại hay tố cáo đồng nghĩa với việc chấm dứt công việc và họ sẽ không còn cơ hội để làm việc hay cải thiện tiền lương. Điều này cho thấy kênh thông tin chính thức về di cư rất cần thiết và đặc biệt quan trọng đảm bảo cho quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, việc tăng cường nhận thức pháp lý sẽ giúp họ nhìn nhận phương hướng đúng đắn, tránh việc bị lừa gạt bởi các đường dây/ tổ chức buôn người.

Kết quả và thảo luận

Ứng phó được định nghĩa là một chiến lược ngắn hạn nhằm phản ứng với khủng hoảng 6 , 7 để giảm tác động của rủi ro khi nó xảy ra 8 . Hoặc có thể hiểu ứng phó là chiến lược hoặc cơ chế hoạt động của những người mà sinh kế của họ bị đe doạ, dễ bị tổn thương nhằm khắc phục hậu quả 9 . Khi thực hiện ứng phó có nghĩa là người lao động sử dụng nguồn tài nguyên ít ỏi của mình xử lý những tình huống khó khăn phát sinh nhằm khởi động cơ chế bảo vệ cho bản thân 10 . Đối với nghiên cứu này, tác giả đưa ra hai khuynh hướng trong chiến lược ứng phó với rủi ro của lao động Việt Nam, đó là: giảm thiểu rủi ro (phòng tránh việc chưa xảy ra) và giảm nhẹ rủi ro (khi đã xảy ra).

Thực hiện giảm thiểu rủi ro (Risk Reduction)

Theo Jensen (2012) 11 , giảm thiểu rủi ro được hiểu là việc thực hiện những hành động hay thoả thuận nhằm phòng tránh khả năng xảy ra rủi ro, mất mát. Điều này được thể hiện qua hai việc mà lao động Việt Nam tập trung duy trì hàng tháng:

Thứ nhất, hợp pháp hoá tình trạng nhập cư (ở lại). Như đã phân tích ở trên, lao động Việt Nam đang sử dụng thị thực du lịch, hết thời hạn 30 ngày, họ phải làm thủ tục ra – vào tại các cửa khẩu biên giới Thái Lan – Lào – Campuchia. Nhu cầu gia hạn visa ngày càng lớn dẫn đến việc hình thành nhiều công ty môi giới do người Thái Lan đảm nhận. Để tránh trường hợp bị bắt, mỗi tháng lao động Việt Nam phải đóng 2.700 baht (gần 2.000.000 đồng) cho các công ty này để họ vận chuyển và thực hiện dịch vụ gia hạn visa.

“Ở Thái Lan có cả nhà xe chuyên đưa mình đi tò (gia hạn). Đây là công ty khá lớ n , CPS đó, có đến vài trăm chiếc xe, không chỉ đưa người Việt mà còn cả người Myanmar, Lào, Campuchia. 2.700 baht thôi, mình sẽ được nhà xe lo trọn gói . Bắt đầu đi tầm 12h đêm, xe có khi 30, có khi 45 người. Mình thì đi cửa khẩu Balem (Campuchia). Nếu hôm nào đi sớm thì 5 giờ sáng tới nơi không thì 7 giờ sáng tới. Tới đó thì mình được phát phiếu thứ tự và phiếu cơm, rồi cứ thế cầm hộ chiếu đi. Đầu ra đầu vô rồi về theo xe, tính cả thời gian ăn uống chờ đợi mất 1 ngày 1 đêm thôi (PVS, Tâm, nữ, 34 tuổi, Bangkok).

Thứ hai, để đảm bảo an toàn của mình, lao động Việt Nam luôn có khuynh hướng tránh c ảnh sát, không để bị bắt quả tang khi đang làm việc không có đăng ký. Thái Lan có rất nhiều điểm gần gũi với Việt Nam, ban ngày có những xe đẩy bán đồ ăn, quầy hàng ở chợ truyền thống. B an đêm có nhiều quán bar đường phố, khu mát – xa và cả các khu mại dâm hoạt động sôi nổi. Hầu hết các hoạt động kinh doanh đường phố không chính thức, thậm chí là bất hợp pháp, không ai đóng thuế, không ai có giấy phép, và không ai có giấy tờ gì. Họ đơn giản chi một khoản tiền “hụi chết” cho chính quyền sở tại để có một chỗ bán hàng và đảm bảo việc làm ăn ổn định, không bị quấy nhiễu.

Mình đóng hụi hàng tháng nên tất cả mọi thứ cảnh sá t là nó nắm số điện thoại mình hế t . Nó điện thoại trực tiếp cho mình báo trước: hôm nay có đoàn kiểm tra, nghỉ nha! Thế là nghỉ thôi… Nếu có bị hỏi thăm thì mình sẽ hỏi anh là cảnh sát gì ? Mình không dám nói là mình đã bao cảnh sá t rồi đâu. Nó mà bảo an h là cảnh sá t (N ừng cà o Nừng) hoặc ( T hôn g T hiều) thì mình bảo vâng bên đó thì em đã bao rồi. Bao cho ai tên gì, đọc số điện thoại. Mình gọi đến cho người đó, là người chuyên đi lấy tiề n hàng tháng cho mình. Thì bắt đầu họ ok ok em bán tự do là nó không lấy thêm Họ có tâm lắm, em đã bao rồi thì sau đó không làm khó, không có xin nước xin nôi gì hết, không ai dám xin xỏ gì mình thêm ” (PVS, Phương, nam, 40 tuổi, Bangkok).

Thực hiện giảm nhẹ rủi ro (Risk Mitigation)

Theo Holzmann (2000) 8 , giảm nhẹ rủi ro mang hai ý nghĩa kết hợp, một là giảm tác nhân gây tổn thương, hai là giảm nhẹ tình tiết, mức độ nghiêm trọng khi xảy ra rủi ro. Đối với lao động Việt Nam, khi đối mặt rủi ro trong công việc và cuộc sống hàng ngày, họ thực hiện nhiều hành động nhằm làm nhẹ tình huống ở các trường hợp như:

Công việc : đa phần lao động Việt Nam nhờ đến mạng lưới đồng hương để tìm kiếm việc làm khi chưa biết tiếng. Như đã phân tích ở trên, rủi ro với loại hình công việc làm thuê là thường xuyên bị chủ lao động người Thái Lan hoặc Trung Quốc bóc lột sức lao động và chi trả lương chậm, thậm chí lừa gạt hết tiền. Để đối phó với tình trạng này, lao động Việt Nam nhờ đến sự bảo lãnh của người dân Thái Lan có uy tín tại khu vực đó đến giải quyết. Xong việc, sẽ có phần hậu tạ hợp lý tuỳ vào mối quan hệ trung gian và sự việc nghiêm trọng ở mức độ nào. “Công việc đầu tiên của anh khi đến đây làm phục vụ quán ăn ở Chonburi, mình nhờ ông anh cột chèo kiếm việc, lúc đó chưa biết tiếng. Người ta chỉ tận tay, cái thìa, chỉ cái tô, chỉ nước mắm… thì mình lấy và làm theo, dần dần quen. Ăn ở thì người ta l o . Làm được 2 tháng không thấy chủ trả lương, với lại công việc vất vả nên mình xin nghỉ. Lúc đó chủ mới lấy cớ vòng vo không trả lương, đuổi đi. Mình gọi cho ông anh, đợt đó ổng trả 2.000 baht nhờ một người Thái giúp. Người Thái với nhau họ ngang hàng, họ lên tiếng mấy người kia sợ, chứ mình không ăn thua đâu em. Chắc chủ nó sợ rắc rối nên không kiếm chuyện nữa…” (PVS, Kiên, nam , 28 tuổi, Udon Thani).

Pháp lý: Đa phần lao động Việt Nam lần đầu sang Thái Lan đều có xu hướng để hộ chiếu chết (quá hạn) để duy trì, thích nghi với cuộc sống cho đến khi có được công việc và lương bổng ổn định thì họ mới tiến hành đi “tò” (gia hạn). Tuy nhiên, bất lợi ở đây là khi hộ chiếu quá hạn thì nguy cơ người lao động không được sang lần thứ hai là rất lớn. Để giảm nhẹ tình huống này, lao động Việt Nam chấp nhận đóng mức phạt hành chính “rẻ bèo” tại cửa khẩu thì sẽ không bị khó dễ.

Trước đây mới sang thì em để ba năm mới về một lần lúc đấy để hộ chiếu chết. Ai cũng vậy mà, để thử xem ở đây làm ăn được không mới tính tiếp. Bây giờ đồng lương ổn định hơn thì em ở hàng tháng và đi tò hộ chiếu. Để hộ chiếu chết mà sang lần hai thì mình sẽ bị phạt hơn 1.000.000 đồng, rẻ bèo ấy, mình cứ sang bình thường. Tất cả các cửa khẩu đều như vậy cho những người có hộ chiếu chết. Họ vẫn cho qua nếu mình chịu đóng phạt. Thời điểm đó mọi người đều bảo nhau để hộ chiếu chết ” (PVS, Hoàng, nam, 35 tuổi, Bangkok).

Nếu chẳng may bị bắt vì tội làm việc phi pháp hoặc sử dụng hộ chiếu giả thì trong vòng ba ngày lao động Việt Nam phải tìm được người bảo lãnh ra thông quan việc đóng phạt. Theo lệ bất thành văn ở các trại giam Thái Lan, cảnh sát nào trực tiếp bắt mới có quyền ký lệnh thả. Số tiền đóng phạt tuỳ vào mức độ phạm tội. Trong vòng ba ngày, nếu chưa tìm được người để bảo lãnh thì sẽ phải hầu toà. Hệ quả của việc tuyên án thông thường sẽ bị trục xuất và cấm nhập cảnh vào Thái Lan từ 01 đến 10 năm tuỳ vào số năm ở quá hạn 11 .

Em đã phải đóng tiền phạt, gọi là đặt cọc một khoản lớn từ 50.000 baht trở lên sau đó thì nhờ chuyên gia người Thái bảo lãnh sau khi hầu toà. Nhưng cũng phải quay về (bị trục xuất) sau đó một thời gian rồi quay lại Thái, có thể lấy lại 1/3 số tiền mà mình đã đặt cọc. Có những trường hợp như thế này nữa, họ bắt người trong ba năm ví dụ ba năm về trước chị (là cảnh sát) bắt em ha, ba năm sau em trở lại em tìm được chị thì chị phải xóa cái tên của em trong mạng internet. Có nghĩa là hộ chiếu xấu xóa đi sau đó mình qua lại được bình thường. Miễn là họ xóa được cái tên cho mình ” (PVS, Thuận, nữ, 30 tuổi, Bangkok).

Kết quả phỏng vấn người lao động cho thấy ở mọi giai đoạn, từ lúc mới bắt đầu di chuyển, đến khi nhập cư ổn định cuộc sống và việc làm, cho đến lúc quay về… rủi ro vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp. Năm năm trở lại đây, chính quyền Thái Lan dường như đã quá quen thuộc với lao động Việt Nam không đăng ký. Họ dùng nhiều cách thức khác nhau để đi – về giữa hai quốc gia như: sử dụng hộ chiếu giả (hộ chiếu Việt kiều), hối lộ để xoá tên trong danh sách đen cấm nhập cảnh, đi chui bằng đường sông biên giới. Do nhu cầu di chuyển và ở lại làm việc của lao động Việt quá lớn nên sản sinh ra các đường dây cung ứng vừa mang tính chất cá nhân vừa mang tính chất tập thể. Lỗ hỏng chính sách của Thái Lan là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này. Khu vực phi chính thức vốn là nơi thu được nhiều lợi ích giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia có tiềm năng du lịch này. Một mặt, nhà nước Thái Lan tỏ ra khuyến khích lao động nhập cư thông qua những tuyên bố về việc gia hạn đăng ký. Mặt khác, các cơ quan chức năng chưa có cơ chế kiểm soát lao động hợp lý, thỉnh thoảng thực hiện những cuộc truy quét nhằm trấn áp và đe doạ khi không quản lý nổi. Hành động bất thình lình này của chính phủ Thái Lan không giải quyết được vấn đề gì, lại một lần nữa tạo cơ hội cho các tổ chức buôn người đẩy giá lên cao, gây thêm nhiều vấn nạn cho xã hội. Trong 31 đối tượng tham gia trả lời phỏng vấn, một số trường hợp may mắn khi thực hiện thành công chiến lược ứng phó của bản thân để duy trì công việc, số khác rủi ro hơn nên phải gánh chịu nhiều hậu quả không lường. Một đặc điểm chung của toàn bộ lao động không đăng ký là họ không có nhận thức đúng đắn về pháp lý, dễ dàng bị lôi kéo dẫn dụ bởi người môi giới, trở thành nạn nhân của nạn buôn người.

Kết luận

Thông qua biên bản Thoả thuận hợp tác lao động ba nước láng giềng , nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế trung hạn, chiến lược của Thái Lan hiện nay mong muốn thu hút người lao động nhập cư từ Lào, Campuchia, Myanmar để làm việc trong khu kinh tế phi chính thức. Chính nhu cầu tuyển dụng ồ ạt đó cũng đã thu hút hàng ngàn lao động Việt Nam đang thất nghiệp và có cuộc sống bấp bênh chấp nhận di cư làm việc bất hợp pháp với hy vọng đổi đời.

Phần lớn với những nghiên cứu về lao động không đăng ký đều chỉ ra những tổn thương mà họ phải gánh chịu do không có tư cách pháp nhân. Kết quả nghiên cứu của bài viết cũng cho thấy lao động Việt Nam tại Thái Lan gặp rất nhiều rủi ro tưởng chừng như không thể chống đỡ. Tuy nhiên, với bất kì tình huống khó khăn nào, họ cũng tìm ra cách để thoát khỏi nó. Từ việc “đi tò” (gia hạn) hộ chiếu để duy trì tư cách pháp lý du lịch, đến việc sẵn sàng đóng “hụi” (hối lộ) cho cảnh sát để có thể tiếp tục buôn bán, thậm chí đóng phạt rất nhiều tiền để “khìa” (chuộc ra) khỏi trại giam khi lỡ bị bắt. Đến lúc cùng đường, bị trục xuất không thể nhập cảnh Thái Lan thì người lao động Việt Nam vẫn có thể qua – về bằng đường sông giáp biên giới Lào. Tất cả những mắt xích này tuy đơn sơ nhưng vững chải, bao gồm một đội ngũ hùng hậu như: cảnh sát Thái Lan, người môi giới Việt Nam, người kinh doanh vận chuyển Lào… Đó là một chuỗi những nhân vật quen thuộc trong mạng lưới di cư của người lao động không đăng ký, giúp họ ứng phó với những rủi ro như trên.

Từ những phân tích trên, tác giả nhận thấy sự hình thành và phát triển của nhiều nhóm lợi ích dựa trên những người di cư lao động không đăng ký. Đáng lưu ý là hoạt động kinh tế của nhóm người có liên quan này đang diễn ra như một quy luật bất thành văn. Điều này, vô tình đẩy người lao động vào vòng vây kìm kẹp, chỉ tháo gỡ được rủi ro trước mắt, chứ không giải quyết được tình trạng pháp lý lâu dài. Nếu chẳng may sơ suất, có thể dẫn họ đến những rủi ro cao hơn, thậm chí là đánh đổi tính mạng. Để tránh được những hệ quả đáng tiếc xảy ra, tác giả cho rằng các nhà quản lý và kiểm soát di cư giữa hai quốc gia nên tìm cách khoá những lỗ hỏng trong chính sách của mình:

• Thứ nhất, giảm thiểu di cư lao động không đăng ký, hạn chế đường dây cung ứng “đi tò” hộ chiếu ở các cửa khẩu đường bộ, rà soát và quản lý chặt chẽ đối tượng gia hạn thị thực tối đa trong năm.

• Thứ hai, tăng cường vai trò của các trung tâm hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài, cập nhật cho người lao động về quyền lợi và pháp lý, thay đổi nhận thức cho họ về mối nguy hiểm của mạng lưới xã hội

• Thứ ba, tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết của các tổ chức quốc tế trong giám sát việc thực thi các điều khoản tôn trọng quyền con người trong các trại tạm giam để cải thiện tình trạng giam giữ và đối xử với người bị giam giữ.

LỜI CÁM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG – HCM trong khuôn khổ Đề tài mã số T2019 – 08.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐHKHXH&NV : Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

ĐHQG : Đại học Quốc gia

NCKH : Nghiên cứu khoa học

PVS : Phỏng vấn sâu

TPHCM : Thành phố Hồ Chí Minh

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này.

Đóng góp của tác giả

Bài viết là sản phẩm khoa học của riêng tác giả, các kết quả nghiên cứu được rút ra từ đề tài NCKH mà tác giả làm chủ nhiệm.

References

  1. Zinn J O. Literature review: Sociology and Risk. Canterbury: University of Kent - SCARR. 2004;:8. Google Scholar
  2. Polanyi M. The Tacit Dimension. London: Routledge & Kegan Paul. . 1966;:. Google Scholar
  3. IOM ILO Risks and rewards: Outcomes of labour migration in South-East Asia. Bangkok. . 2017;:66. Google Scholar
  4. GSO Thống kê tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc quý I năm 2017. . 2017;:. Google Scholar
  5. Bruneau M. Lao động, di cư và nghèo khó ở Đông Nam Á. Tóm tắt khóa học Tam Đảo. . 2009;:. Google Scholar
  6. Davies S. Are coping strategies a cop out. Institute of Development Studies Bulletin. 1993;24:60-72. Google Scholar
  7. Adams A M, Cekan J, Sauerborn R. Towards a conceptual framework of household coping: Reflections from rural West Africa. Africa. 1998;:263-283. Google Scholar
  8. Holzmann R, Jørgensen S. Social risk management: A new conceptual framework for social protection and beyond. Washington DC: World Bank. . 2000;:. Google Scholar
  9. World Bank..World Development Report 2000/2001: Attacking poverty. England. Oxford University Press. 2001;:. Google Scholar
  10. Brahmi, Aicha and Keophet Poumphone.Study on Local Coping Mechanisms in Disaster Management - Case studies from The Lao PDR National Disaster Management Office. . 2002;:. Google Scholar
  11. Roger Jensen,. Risk – Reduction Methods for Occupational Safety and Health. New Jersey: Published by John Wiley & Sons, Inc., Hoboken. . 2012;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 3 No 3 (2019)
Page No.: 133-141
Published: Jan 20, 2020
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i3.520

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Xuan Anh, N. (2020). Risk – coping strategies of undocumented workers: Case study of Vietnamese migrants to Thailand. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 3(3), 133-141. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i3.520

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 673 times
Download PDF   = 229 times
View Article   = 0 times
Total   = 229 times