VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

550

Total

262

Share

The intentions to replace Ngo Dinh Diem of us officials from ambassador lawton collins to ambassador Henry Cabot Lodge (1955 - 1963)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

After the Geneva Agreement of 1954, the US officials supported Ngo Dinh Diem come to power in South Vietnam in the hope that he would obey, but later realized that they could not control him. While Americans were worried about Diem, he himself was worried about the US. The US viewed economic aid and their increased military presence as a prerequisite, if not a guarantee for a must-have reform to win the war in Vietnam. Diem accepted all the support in terms of military and economy but he still acted on his will, not being subject to the US advice. Despite all warnings, Diem continued dealing with, in an unwise manner, movements against the Ngo government. This approach made the US war target in Vietnam at risk of failure. Diem's government gradually eliminated all political oppositions and created a power vacuum in South Vietnam that gave Americans no other choice but the existing government. Therefore, Americans were forced to “swim” or to “sink” with Diem even though this regime became increasingly unpopular. US officials had almost never found a perfect solution for South Vietnam. The intentions to replace Diem appeared once he came to power (1955) until it became a reality (1963).


 

Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Theo dòng chảy của chiến tranh lạnh, Mỹ đã từng bước can thiệp sâu vào Việt Nam, từ viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tái chiếm thuộc địa Đông Dương đến quyết định thành lập một quốc gia riêng biệt tại Nam Việt Nam sau Hiệp định Genève 1954. Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thực chất là sản phẩm do Mỹ tạo ra vì: không có sự ủng hộ của Mỹ, Ngô Đình Diệm gần như không thể củng cố vị trí của mình trong giai đoạn 1955-1956; không có viễn cảnh Mỹ can thiệp, Nam Việt Nam sẽ không khước từ Hiệp định Genève, từ chối thảo luận về tổng tuyển cử năm 1956; không có viện trợ Mỹ trong những năm sau đó, chế độ của Ngô Đình Diệm cũng không thể tồn tại. Tuy nhiên, tình hình tại Nam Việt Nam xấu đi một cách nghiêm trọng từ những năm đầu của thập niên 1960. Trong khi chiến lược “trả đũa ồ ạt” của chính quyền Tổng thống Eisenhower tỏ ra bất lực, không ngăn chăn được sự phát triển mạnh mẽ của các làn sóng giải phóng dân tộc và cách mạng trên thế giới, tân Tổng thống J.F. Kennedy tin rằng Mỹ cần nhiều hơn, chứ không phải ít đi các phương án để đối phó một cách linh hoạt với cách thức đa dạng trước dòng thác cách mạng đang diễn ra ở châu Á, Phi và Mỹ Latin. Với ý tưởng này, chính quyền mới cho ra đời chiến lược “phản ứng linh hoạt” và Việt Nam hiện diện như một trận đánh có ý nghĩa quyết định mà Mỹ cần phải thắng. Nhìn thấy Việt Nam như là một thử nghiệm về việc liệu Mỹ có thể đánh bại những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc được dẫn dắt bởi cộng sản trong các nước đang phát triển, Kennedy đã gia tăng viện trợ, cố vấn đều đặn cho VNCH. Trong suy nghĩ của chính quyền Mỹ, để chiến thắng quân giải phóng miền Nam Việt Nam, ngoài viện trợ kinh tế, gia tăng sự hiện diện về quân sự, thì những cải cách cần phải có của chính quyền Ngô Đình Diệm như một điều kiện tiên quyết.

Tuy nhiên, chính quyền Kennedy không thể thay đổi được gì trong nỗ lực ép Ngô Đình Diệm phải cải cách theo ý muốn của Mỹ. Diệm chấp nhận những hỗ trợ quân sự, kinh tế nhưng không sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của Mỹ. Những xung đột giữa hình dung của Diệm về sự chuyển biến của Nam Việt Nam với những ý tưởng phát triển mà các cố vấn Mỹ đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thập niên 1950 và ngày càng lớn hơn trong những năm sau đó. Sự khác biệt này là nguyên nhân chủ yếu cho những căng thẳng ngay từ đầu của liên minh Mỹ - Diệm. Càng ngày, các giới chức Mỹ nhận ra rằng Ngô Đình Diệm vẫn làm theo ý mình và không thể kiểm soát được ông ấy. Cách thức này đã làm cho mục tiêu chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đứng trước nguy cơ thất bại. Do đó, chính quyền Kennedy phải “thay ngựa giữa dòng” đối với Ngô Đình Diệm. Việc nghiên cứu những xung đột và bất đồng trong nội bộ của giới chức Mỹ về cách thức tối ưu để theo đuổi các mục tiêu của Mỹ tại miền Nam Việt Nam ngay từ khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, cũng như cách thức duy trì sự tồn tại của gia đình họ Ngô của giới chức Mỹ mang một ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc trong việc lý giải bản chất của liên minh Mỹ - Diệm.

Trong nghiên cứu này, phương pháp lịch sử giữ vai trò chủ yếu trong việc sưu tầm, chọn lọc, phân loại, so sách để xử lý các nguồn sử liệu trước khi phục dựng lại một cách khách quan, toàn diện về sự xung đột và những ý định thay Ngô Đình Diệm của các giới chức Mỹ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc kết hợp phương pháp lô-gíc để hiểu được bản chất của liên minh Mỹ - Diệm ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện chủ nghĩa thực dân mới tại Việt Nam là điều hết sức cần thiết và được chúng tôi hết sức lưu tâm.

Kết quả nghiên cứu

Thiên mệnh Mỹ của Ngô Đình Diệm

Tháng 7/1954, Hiệp định Genève được ký kết nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Đông Dương. Ngay trong ngày ký Hiệp định, Tổng thống Eisenhower tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Washington rằng Mỹ không phải là một bên ký kết, cũng không bị ràng buộc bởi các quyết định được Hội nghị Genève thông qua vì Hiệp định chứa đựng những điểm mà Mỹ không tán thành. Bằng những tuyên bố của mình, giới lãnh đạo Washington đã xác định rõ chính sách của Mỹ đối với Việt Nam sau Hiệp định Genève là “chuẩn bị dùng mọi phương cách khác để ủng hộ chế độ Sài Gòn trong việc không tôn trọng các điều khoản trong thỏa thuận” [ 1 , tr.59]. Ngày 20/8/1954, Chính quyền Eisenhower tán thành Nghị quyết NSC-5429/2 của Hội đồng An ninh Quốc gia với nhan đề: “Duyệt xét lại chính sách của Mỹ ở Viễn Đông”. Nghị quyết này nhấn mạnh Mỹ sẽ cộng tác với Thủ tướng Ngô Đình Diệm, nhưng sẽ khuyết khích ông mở rộng Chính phủ của mình và thiết lập những định chế dân chủ hơn [ 2 , tr.40]. Với những quyết định này, Chính quyền Eisenhower đã xác định không úp mở rằng dollar của Mỹ dành cho Việt Nam trước đây đưa cho Pháp, thì từ nay sẽ cấp thẳng cho Diệm [ 3 , tr.1890]. Tài liệu CIA cho biết sở dĩ Ngô Đình Diệm được Mỹ chọn ủng hộ vì ông có được 3 yếu tố mà hiếm có nhân vật nào lúc đó đạt được: Chống cộng, Thiên chúa giáo và giỏi tiếng Anh. Yếu tố tiếng Anh hết sức quan trọng, vào thời điểm đó, đa số quan chức Việt Nam đều ảnh hưởng chương trình Pháp, nói và viết tiếng Pháp thông thạo, thậm chí nhiều người còn giữ quốc tịch Pháp. Ngô Đình Diệm có lợi thế khi ông từng sống ở Hội truyền giáo Maryknoll ở New York và New Jersey từ năm 1951 đến 1953 [ 4 , tr.9].

Một nhóm vận động hành lang cho Ngô Đình Diệm mang tên tổ chức “Những người bạn Mỹ của Việt Nam” (The American Friends of Vietnam) bao gồm các nhân vật nổi bật, kể cả tiến sĩ Wesley Fishel, Hồng y Francis Spellman, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, Thẩm phán Pháp viện tối cao William O. Douglas và Joseph Kennedy (cha của John F. Kennedy), Dân biểu Walter H. Judd đã thông qua Ngoại trưởng John Foster Dulles và Giám đốc CIA Allen Dulles để đưa Diệm lên nắm quyền nhằm đẩy người Pháp khỏi Việt Nam [ 5 , tr.30]. Ngày 15/10/1954, trong báo cáo gửi lên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện sau chuyến thăm Ðông Dương giữa lúc cuộc tranh chấp Nguyễn Văn Hinh – Ngô Đình Diệm đang căng thẳng, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield nhìn nhận Ngô Đình Diệm không phải là lãnh đạo lý tưởng nhưng Mỹ không ủng hộ một cá nhân nào, chỉ ủng hộ một chế độ chống cộng. Diệm là người duy nhất, là cơ hội cuối cùng, những phương án thay thế chính phủ Diệm đưa ra đều không có triển vọng. Nếu Diệm bị lật đổ, Mỹ nên xem xét yêu cầu ngưng viện trợ ngay lập tức [ 3 , tr.2145-2146].

Ngày 22/10/1954, Tống thống Eisenhower đã dùng câu tục ngữ “ở xứ mù, những người chột là vua” để khẳng định sự ủng hộ của mình dành cho Diệm [ 6 , tr.52]. Ngày 23/10/1954, Đại sứ Donald Heath đã chuyển đến Diệm bức thư của Eisenhower cam kết sẽ “hỗ trợ chính phủ Việt Nam duy trì một quốc gia vững mạnh với khả năng chống lại những mưu toan lật đổ hay xâm lược bằng quân sự… bằng một nỗ lực thực hiện các cải cách cần thiết nhất” [ 7 , tr.349-350]. Lá thư này có tầm quan trọng to lớn đối với Diệm vì nó báo cho các đối thủ hiện nay của ông biết rằng Ngô Đình Diệm đã được chọn cho chính sách của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Nhờ sự giúp đỡ của Mỹ và sự khích lệ của Đại tá tình báo Edward Lansdale, Diệm từ chối thực thi mệnh lệnh của Bảo Đại, từng bước cắt đứt mối liên hệ với vị “Quốc trưởng” và gắn tương lai của mình với chính quyền Mỹ. Từ giữa thập niên 1950, các chuyên gia đến từ Mỹ như: Wesley Fishel, Wolf Ladejinsky và Edward Lansdale đã giúp Diệm tiến hành những cải cách hành chính, tái thiết nông thôn và chống nổi dậy. Tuy nhiên, Diệm quan tâm đến việc thiết lập một chế độ độc tài ở miền Nam Việt Nam, chỉ tin tưởng vào những người trong gia đình hơn những lời khuyên của các chuyên gia dù Mỹ đã cung cấp viện trợ để xây dựng và nuôi dưỡng chính quyền của ông.

Đặc sứ Lawton Collins muốn thay Ngô Đình Diệm năm 1955

Thế nhưng, ngay trong giai đoạn 1954 - 1955, không phải tất cả quan chức Mỹ đều nhiệt tình với Ngô Đình Diệm. Trái lại, nhiều quan chức Mỹ tại Sài Gòn lẫn Washington vẫn hoài nghi sâu sắc đối với “cuộc thử nghiệm Diệm” (the Diem experiment). Những quan điểm hoài nghi này có lúc đã giành được sự chấp thuận của Tổng thống Eisenhower về một kế hoạch thay Ngô Đình Diệm bằng một lãnh đạo khác. Trong số đó, Đại tướng J. Lawton Collins là một ví dụ điển hình.

Ngày 8/11/1954, Collins tới Sài Gòn với sứ mệnh nghiên cứu tình hình Nam Việt Nam nhằm kiến nghị lên Eisenhower nên hay không nên can thiệp sâu hơn vào Ðông Dương [ 8 , tr.232]. Sự hiện diện của Collins phần nào giải quyết nhanh chóng vụ tranh chấp Nguyễn Văn Hinh – Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 12/1954, Collins bắt đầu thất vọng về Diệm, nhất là từ sau khi Diệm không chịu cử Phan Huy Quát làm Tổng trưởng Quốc Phòng. Collins đưa ra hai giải pháp: yêu cầu Bảo Ðại bổ nhiệm Quát làm Thủ tướng hoặc đích thân Bảo Ðại về nước trong tình trạng khẩn cấp [ 3 , tr.2365-2366]. Tuy nhiên, ý định này gặp phải sự chống đối của một số giới chức ủng hộ Diệm như Thượng nghị sĩ Mansfield và Giám đốc Đông Nam Á vụ Kenneth T. Young. Ngày 13/12/1954, Collins ký một Mật ước 7 điểm với Tướng Paul Ely về những điều cần làm ở Nam Việt Nam và khẳng định sẽ ủng hộ Nam Việt Nam chống cộng. Pháp hứa sẽ trả quyền tự trị hoàn toàn cho miền Nam trước ngày 1/7/1955 và cơ quan MAAG Mỹ sẽ huấn luyện quân đội Quốc gia Việt Nam từ tháng 2/1955. Ðổi lại, Mỹ sẽ viện trợ 100 triệu dollar cho quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam [ 3 , tr.2366-2368].

Do đó, ngày 16/12/1954, Tướng Collins đành đề nghị với Washington hỗ trợ Diệm một thời gian nữa nhưng đồng thời cũng nghiên cứu phương án hồi hương Bảo Ðại. Nếu sau một thời gian mà Diệm không có dấu hiệu tiến bộ thì sẽ cho Bảo Ðại về nước. Nếu Bảo Ðại không về nước và Diệm tiếp tục bất lực trong khả năng đoàn kết các phe nhóm thì cần duyệt xét lại chính sách của Mỹ tại Ðông Nam Á – rút khỏi Nam Việt Nam [ 3 , tr.2379]. Tuy nhiên, kế hoạch này của Đặc sứ Collins bị Ðại sứ Donald Heath phản đối. Theo Ðại sứ Heath và Ngoại trưởng Dulles thì Diệm là người duy nhất phục vụ đắc lực cho mục tiêu của Mỹ. Bảo Ðại không có người ủng hộ ở Việt Nam và quá khứ chứng tỏ ông ta không biết cai trị. Mối lo sợ về khoản tiền 300 triệu dollar viện trợ và uy tín nước Mỹ sẽ bị mất trong việc duy trì một nước Việt Nam tự do là chính đáng, nhưng ngưng hỗ trợ (cho Diệm) lúc này còn mang lại hậu quả tai hại hơn [ 9 , tr.226-227].

Ngày 20/1/1955, Collins hoàn thành báo cáo về Ðông Dương. Theo Collins, Ngô Đình Diệm là Thủ tướng tốt nhất hiện có để lãnh đạo Việt Nam trong cuộc chiến chống cộng nhưng ông hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục Diệm mở rộng thành phần trong Chính phủ của ông [ 10 , tr.54-57]. Ngày 27/1/1955, Collins thuyết trình tại phiên họp thứ 234 của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới sự chủ trì của Eisenhower rằng cơ hội duy trì một miền Nam chống cộng chỉ có 50%. Chính phủ Diệm trên thực tế chỉ còn là Chính phủ của một người với hai cố vấn Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Luyện. Diệm thiếu khả năng hợp tác với bất cứ ai ngoại trừ các anh em của mình. Ông ấy đang cai trị với một Chính phủ chỉ biết tuân lệnh, dù có thể không nhận ra điều đó. Theo Collins, Việt Nam không thể chấp nhận mô hình gia đình trị như vậy. Collins đề nghị thay Diệm bằng Trần Văn Đỗ và Phan Huy Quát hay thậm chí đưa Bảo Đại về nước để trực tiếp nắm quyền [ 10 , tr.174].

Trong một Công điện khác được gửi về Washington, Collins nhận xét rằng Diệm không có khả năng tạo sự đoàn kết cần thiết để ngăn chặn miền Nam rơi vào tay cộng sản. Diệm giống như một dạng Don Quiyote đánh nhau với cối xay gió. Collins nhấn mạnh rằng rất tiếc phải nói lên điều này nhưng đó là niềm tin vững chắc của ông. Theo Collins, mặc dù Diệm có vài ưu điểm nhưng thiếu đặc tính cá nhân của lãnh tụ và khả năng hành pháp để đứng đầu một chính phủ và đương đầu với Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Diệm không tốt cho mục tiêu của Mỹ tại Việt Nam, đó là cứu đất nước này khỏi cộng sản [ 10 , tr.218-221]. Ông nhấn mạnh rằng “Diệm đang đưa Mỹ tới thảm họa ở Đông Nam Á” [ 11 , tr.74]. Ngày 12/4/1955, Collins lập lại yêu cầu Washington phải có quyết định càng sớm càng tốt. Theo Collins, việc thay Diệm cần thực hiện trước ngày 15/5/1955, tức ngày dự trù bầu cử Quốc hội lâm thời và Diệm sẽ không nên nhận nhiệm vụ nào trong Chính phủ mới.

Ngày 12/4/1955, Ngoại trưởng Dulles chỉ thị Ðại sứ Mỹ tại Paris thông báo cho Bộ Ngoại giao Pháp và Tướng Ely là Mỹ quyết định phải thay Diệm và yêu cầu Pháp đề cử người thay. Cần khẳng định đây là do ý của Pháp [ 10 , tr.244-245]. Ngày 16/4/1955, với sự đồng ý của Eisenhower, Dulles chỉ thị Collins sau khi nhận được đề nghị của Pháp, cần về Mỹ tường trình. Nhưng do sự can thiệp của Thượng nghị sĩ Mansfield và nhất là các cơ quan tình báo Mỹ, Eisenhower đổi ý về kế hoạch “thay ngựa” vì chưa tìm được “ngựa khác” có khả năng hơn [ 10 , tr.337-339]. Trong khi Collins về Mỹ để báo cáo về kế hoạch thay Diệm thì từ Sài Gòn Lansdale xin Washington tiếp tục hỗ trợ Diệm vì Diệm là cơ hội tốt nhất, không có ai bằng Diệm và không một lãnh tụ thân Pháp nào có thể thắng được Việt Minh. Ðề nghị của Lansdale được Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chấp thuận. Từ cuối tháng 4 - đầu 5/1955, Ngô Đình Diệm đã lần lượt thu phục phần lớn các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và đập tan lực lượng Bình Xuyên. Bên cạnh giúp Diệm xây dựng Nam Việt Nam thành một quốc gia riêng biệt, chính quyền Mỹ tìm cách thu hẹp dần vai trò của người Pháp ở Nam Việt Nam.

Với sự trợ giúp của Mỹ, Diệm đã sống sót trong năm 1954 và tự mình củng cố quyền hành trong hai năm tiếp theo. Ngày 23/10/1955, Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại thông qua một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức rầm rộ ở miền Nam. Uy tín lẫn vị thế của Ngô Đình Diệm tăng lên rất cao. Cuộc trưng cầu dân ý đã đập tan mọi ảo tưởng rằng Ngô Đình Diệm và gia đình ông đủ khả năng để thiết lập một chế độ dân chủ ở miền Nam. Mục tiêu duy nhất mà Diệm không thể hoàn tất vào năm 1955 là việc “thành lập một Chính phủ chống cộng mạnh và được dân chúng ủng hộ” [ 12 , tr.152]. Tuy nhiên, nhiều tờ báo bắt đầu quay sang ủng hộ Diệm, người Mỹ biểu hiện sự tin tưởng vào Diệm gần như tuyệt đối. Thượng nghị John F. Kennedy bắt đầu khen ngợi thành công đánh kinh ngạc của Diệm. Ông khẳng định: “Chúng ta đã khai sinh ra nó (VNCH), làm cho nó sống, giúp đỡ để tạo dựng tương lai của nó” [ 13 , tr.210].

Đại sứ Elbridge Durbrow muốn thay Ngô Đình Diệm năm 1960

Sau năm 1955, dù biết rằng Ngô Đình Diệm còn rất nhiều hạn chế, đang bị chống đối nhưng Mỹ không tìm thấy ai có thể giúp Mỹ chống cộng hữu hiệu tại Nam Việt Nam hơn Diệm. Một số giới chức của Washington cũng bắt đầu ra sức tâng bốc Diệm. Các viên chức cao cấp khác cũng tin rằng Ngô Đình Diệm “là hy vọng tốt nhất cho chúng ta (Mỹ) ở miền Nam Việt Nam”, là “cậu nhóc duy nhất mà chúng ta có ở đó”, “là tất cả những gì chúng ta có và chẳng còn sự lựa chọn nào khác” [ 14 , tr.214]. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu của các quan chức Mỹ là xây dựng chính quyền Sài Gòn để ngăn chặn những áp lực từ miền Bắc và trấn áp những người cộng sản tại miền Nam. Thay vì ép Ngô Đình Diệm tạo dựng sự nhất trí giữa các phe phái chính trị để tìm sự ủng hộ của nhân dân, các quan chức Mỹ tại Việt Nam lại khuyến khích Diệm tăng cường sự kiểm soát vùng nông thôn. Từ cuối 1957, báo cáo của Đại sứ Durbrow và CIA về chính phủ và cá nhân Tổng thống Diệm rất bi quan. Những báo cáo này thường nhắc đến ông bà Ngô Đình Nhu – Trần Lệ Xuân cùng với một chính thể đang tiến dần đến chỗ độc tài, độc đảng.

Ngô Đình Diệm biết Mỹ cần ông để tiến hành chính sách ngăn chặn cộng sản tại miền Nam Việt Nam, mọi hành động chống đối Diệm, tấn công vào “đứa con mới đẻ” của Mỹ đều được coi là thù nghịch. Vì vậy, nhiều lần Diệm không làm theo ý Mỹ, nhưng Mỹ đành bỏ qua vì “mọi ý định gây sức ép đối với ông sẽ là tự mình làm cho mình thất bại” [ 15 , tr.496-497]. Việc thay đổi ý kiến từ loại bỏ đến ủng hộ khiến Diệm tin rằng Mỹ bao giờ cũng “đề cao người chiến thắng cộng sản” [ 16 , tr.66]. Do đó, việc yêu cầu Diệm cải cách chính trị, mở rộng chính phủ để đón nhận người của những phe phái khác chỉ được Mỹ đưa ra một cách yếu ớt, chứ không buộc Ngô Đình Diệm phải thi hành. Trong mắt Diệm, người Mỹ không phải là người châu Á nên không hiểu được tâm lý phương Đông. Họ ngây thơ và gần như hoàn toàn không hiểu gì về các vấn đề thực sự của Việt Nam [ 17 , tr.130].

Sở dĩ chính quyền Eisenhower biết rõ những hành động lạm dụng đó nhưng không muốn gây sức ép đối với Diệm ngay từ đầu để thực thi các quyền tự do tại miền Nam là vì: Sau những sai lầm liên tiếp trong việc đánh giá tình hình chính trị Đông Dương từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Washington có khuynh hướng cho rằng Diệm hiểu vấn đề Việt Nam hơn người Mỹ, nhất là sau khi Diệm dẹp xong các thế lực đối lập trong năm 1955, chính giới Mỹ cho rằng trong một xã hội chia rẽ và đứng trước nguy cơ bị cộng sản lật đổ, Diệm phải có chính đảng riêng của mình và phải có một chính phủ mạnh để đối phó với tình hình. Khi Đảng Cần lao Nhân vị trở thành thế lực chính trị độc tôn của gia đình họ Ngô và thâm nhập quá sâu vào quân đội, Quốc hội, Edward Lansdale đã khuyến cáo Diệm về sự lạm dụng này. Nhưng mọi thứ đã quá trễ, Ngô Đình Diệm không còn muốn nghe lời cố vấn của Lansdale nữa.

Với Đạo luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam, Diệm đã không đập tan được ý chí của người dân trong việc chống đối mình, thay vào đó, Diệm đã gieo rắc nỗi sợ hãi, hoài nghi vào cái mà ông gọi là “Chính nghĩa Quốc gia”. Nhận thấy chính quyền Ngô Đình Diệm đang bắt đầu bất lực trước những cuộc nổi dậy đang bùng ra khắp nơi. Giới chức Mỹ tại Sài Gòn thúc ép Diệm phải thực hiện một số cải cách chính trị, tuy nhiên Diệm khước từ những yêu cầu này. Quan hệ giữa Diệm và các thành phần khác nhau trong xã hội miền Nam Việt Nam ngày một xấu đi. Tháng 9/1960, Đại sứ Durbrow báo cáo cho Washington về hai mối nguy ở miền Nam Việt Nam: một bên là cộng sản ở nông thôn, còn bên kia là những cuộc biểu tình hay những cuộc đảo chính ở Sài Gòn mà cộng sản sẽ là người hưởng lợi được từ cả hai bên. Bất mãn trong mọi giới, đặc biệt là quân đội và giáo dân Ki-tô di cư. Ông viết: “Mỹ cũng cần phải xác định rằng mục tiêu hàng đầu của mình là lập nên một một chính phủ Việt Nam mạnh và tích cực chống cộng, có khả năng liên kết được sự ủng hộ trung thực và nồng nhiệt của đại bộ phận nhân dân Việt Nam có thể được... Nếu vì lý do bất lực trong áp dụng những biện pháp chính trị, tâm lý, kinh tế và an ninh thích hợp mà tình thế trong nước của Diệm tiếp tục xấu đi thì sẽ có thể chính phủ Mỹ phải tính đến những con đường khác và những nhà lãnh đạo khác” [ 18 , tr.102].

Ngày 4/12/1960, trong một báo cáo khác về Việt Nam sau đảo chính 11/11/ 1960, Đại sứ Durbrow nhận định: tình hình ngày càng nguy hiểm hơn, Việt Cộng đang gia tăng áp lực để “tiến hành nỗ lực chiến tranh du kích trên quy mô lớn nhằm chiếm vùng nông thôn và lật đổ chính phủ Diệm. Họ gia tăng cường độ hoạt động một cách đều đặn trong năm nay” [ 19 , tr.20]. Quần chúng ngày càng bất mãn vì Diệm không đủ khả năng ngăn chặn cộng sản và chính sách mạnh tay đối với các thành phần chống đối. Theo Durbrow: “Một điều rất rõ ràng là nếu ông ta (Ngô Đình Diệm) muốn duy trì quyền lực thì phải đáp ứng được ít nhất là hai thử thách bằng cách cải thiện những phương thức điều hành cuộc chiến chống cộng và phải hành động tích cực hơn, mạnh mẽ hơn để xây dựng được sự ủng hộ của quần chúng đối với chính phủ. Nếu ông ta (Diệm) không chịu hành động như vậy, chúng ta (Mỹ) chắc chắn bị buộc phải nhận lãnh một việc làm khó khăn là phải tìm cho ra và ủng hộ người lãnh đạo khác ở Miền Nam Việt Nam” [ 19 , tr.20].

Những ý định thay Ngô Đình Diệm của giới chức Mỹ trong các năm 1961 và 1962

Không bao lâu sau khi phái đoàn của Tướng Maxwell Taylor từ Việt Nam trở về, tháng 11/1961, Tổng thống Kennedy chỉ thị cho John Kennet Galbraith (Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ) ghé ngang qua Sài Gòn và cho biết ý kiến về những gì có thể làm được ở Việt Nam. Theo Galbraith, Nam Việt Nam là “một con rắn không đầu” đang “cuốn Mỹ vào Đông Dương” khiến Mỹ “ngày càng khơi sâu sự oán thù ở đó”, “nó là thứ chất độc chính trị có thể giết chết chúng ta ngay bây giờ” [ 20 , tr.223]. Mỹ không thể thắng nổi cuộc chiến và nên thu về toàn bộ các trợ giúp đặc biệt đã đưa vào Nam Việt Nam kể từ tháng 1/1961 [ 21 , tr.11]. Galbraith đã đưa ra 3 điểm căn bản: Không thể cải tiến gì được trừ phi Mỹ gạt bỏ Diệm; nếu Mỹ gạt bỏ Diệm, cơ hội chiến thắng sẽ lớn; và một chính phủ quân nhân hình như sẽ là một sự thay thế có nhiều triển vọng hơn là chế độ quan lại mà Mỹ đang bảo trợ [ 22 , tr.45].

Trong báo cáo gửi cho Kennedy, Galbraith nhấn mạnh: “Diệm sẽ không cải cách hành chính hay chính trị trong bất kỳ cách thức nào để mang lại hiệu quả... Thật ngây thơ để mong đợi điều đó... Ngô Đình Diệm lo cho việc bảo vệ bản thân được an toàn hơn là bảo vệ đất nước khỏi Việt Cộng. Tôi hiểu khá rõ rằng việc thiếu trí thông minh, tập trung hóa quyền quản lý của quân đội, vai trò hai mặt không thể tin được của các quan chức địa phương cũng như các tướng lĩnh quân đội và các chính trị gia, sự bất tài và luôn phải khúm núm, tất cả các vấn đề này liên quan tới nỗi lo sợ phập phồng của ông ta” [ 23 , tr.316], [ 24 , tr.334].

Từ cuối 1962, những viện trợ về người và vũ khí cho VNCH đã tỏ ra hết tác dụng, Chính phủ Diệm đang trên vực thẳm của sự sụp đổ, các nhà báo chiến trường bắt đầu đánh vào tâm trạng lạc quan của các giới chức Mỹ tại Sài Gòn. Họ nói rằng cuộc chiến đang thất bại, Chính phủ Diệm tham nhũng, đàn áp, mất lòng dân và chương trình Ấp chiến lược là một trò lòe bịp. Họ cũng cho công chúng Mỹ biết rằng những báo cáo chính thức nói về tiến bộ quân sự được thổi phồng quá mức và quân đội VNCH tiến hành “tác chiến giờ hành chính”, tức là tác chiến qua loa vào ban ngày và đến tối thì quay trở lại căn cứ. Những nhà báo này cũng cho rằng Mỹ không thể thắng được cuộc chiến cho đến khi còn cố theo đuổi chính sách “chết chìm hay bơi cùng Ngô Đình Diệm” [ 11 , tr.116].

Những thất bại trên chiến trường và tình hình an ninh ngày càng tồi tệ ở vùng nông thôn khiến cho quan hệ giữa chính quyền Kennedy và Sài Gòn ngày càng bất đồng gay gắt. Chúng ta có thể thắng với Diệm không? Là câu hỏi mà các quan chức Washington dùng trong các cuộc họp hay trao đổi khi bàn luận đến vấn đề Việt Nam. Một số thành viên trong chính quyền Mỹ cho rằng Ngô Đình Diệm đang điều hành một chính quyền tham nhũng, đàn áp đối lập, không chống cộng hữu hiệu. Bên cạnh đó, Diệm luôn giữ thái độ dè chừng, giữ khoảng cách với chính người Mỹ. Những bản tường trình từ VNCH bắt đầu được gửi về Washington. Điều quan trọng là những bản tường trình đó lại không ăn khớp nhau, bên Quốc phòng thì đưa ra một tương lai tốt đẹp, còn bên Ngoại giao lại báo cáo tình hình đang đi vào khủng hoảng trầm trọng.

Ngoài Đại tướng Paul Harkins và Đại sứ Frederick E. Nolting chỉ là một phần rất nhỏ trong giới chức của Washington có cái nhìn lạc quan về tình hình miền Nam Việt Nam. Số còn lại thì lại suy nghĩ khác. Các giới chức Bộ Ngoại giao thì kết luận rằng với sự độc tài của gia đình họ Ngô, miền Nam Việt Nam dù có cố gắng lắm cũng sẽ dẫn đến kết quả thất bại. Do đó, bắt đầu từ năm 1962, giới chức Mỹ bắt đầu nghiên cứu một giải pháp khác Diệm. Trong số đó có những nhân vật từng là bạn của Diệm trong nhóm “Những người bạn Mỹ của Việt Nam”.

Giáo sư Wesley R. Fishel bắt đầu hoài nghi khả năng của chính quyền Diệm, trong thư đề ngày 17/2/1962, ông nhận xét: “Chế độ Diệm đã xa rời quần chúng, sự chống đối ngày càng nhiều… sự gia tăng lính Mỹ và cùng trực thăng khiến tình hình khả quan hơn nhưng chẳng hiểu ưu thế ấy giữ được bao lâu… không ai dám nói thẳng với Diệm những điều chói tai vì có thể Diệm sẽ cách chức họ… việc áp dụng một cách mù quán những giáo điều Công giáo khiến sự chia rẽ đã tạo nên sự căng thẳng mà trước đó ít khi xảy ra… Viện trợ Mỹ chỉ giúp cho những ngón tay và chân của VNCH cử động nhưng thân mình thì vẫn bất động… phải loại bỏ vợ chồng Nhu thì mới hy vọng tạo nên được cú hích tâm lý khả dĩ” [ 25 , tr.148-152].

Ngày 16/8/1962, trong bản ghi nhớ gửi cho Edward E. Rice, cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Joseph A. Mendenhall nhận định: “Diệm không có khả năng huy động quần chúng, kém hiệu quả về mặt tổ chức…chính phủ hiện nay không được dân chúng ủng hộ… Diệm đã quá già và xơ cứng với kiểu quan lại phong kiến, không tin cậy bất kỳ ai ngoài gia đình mình tới nỗi họ hoàn toàn không muốn thay đổi phương pháp quản lý chính phủ bằng cách “chia để trị” [ 26 , tr.598]. Do đó, Mendenhall kết luận: “Chúng ta (Mỹ) không thể thắng cuộc chiến này với Diệm - Nhu và chúng ta lại không thể thay đổi các phương pháp này, bất kể bao nhiêu áp lực mà chúng ta thúc đẩy họ… Loại trừ ông Diệm, cả ông bà Nhu và thành phần còn lại trong gia đình nhà Ngô” [ 25 , tr.596-600].

Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, người ủng hộ hết lòng giúp Ngô Đình Diệm khi ông cùng Ngô Đình Nhu sang Mỹ kiếm tìm sự ủng hộ trước đây, đã bắt đầu cảm thấy chán ngán với tính cách cũng như việc điều hành quốc gia của ông Diệm. Tháng 12/1962, theo đề nghị của tổng thống Kennedy, ông đã sang Việt Nam. Sau chuyến công du này, ông đã gửi một báo cáo dài cùng với những ý kiến đánh giá vô cùng bi quan. Báo cáo này được chính thức phổ biến từ 25/2/1963. Trong báo cáo Mansfield nhận xét: “Tình hình Việt Nam giống như 7 năm trước đó (1955)… tình hình sẽ không thay đổi nếu bộ máy chính quyền còn nằm trong tay hai ông Diệm – Nhu và những kẻ thân cận… viện trợ của Mỹ chỉ giúp VNCH giải quyết những khó khăn đang xảy ra chứ không thể giải quyến được tương lai… Đó là đất nước của họ, quyền lợi tương lai của họ chứ không phải của chúng ta. Bỏ qua thực tế này sẽ khiến chúng ta không chỉ phải trả giá đắt về con người, nguồn lực của nước Mỹ mà còn kéo chúng ta vào vị trí không đáng ở Việt Nam… Mỹ không thể hoàn toàn gánh vác cuộc chiến ở VNCH vì làm như thế sẽ biến nước này thành thuộc địa kiểu mới dưới mắt người Việt và quốc tế… Nếu coi VNCH là một chiến trường chống cộng sản quốc tế thực sự thì Mỹ phải chuẩn bị hy sinh người và của cải trong một thời gian dài vô hạn. Còn nếu chỉ coi VNCH như một mặt trận dùng để tranh giành ảnh hưởng chính trị tạm thời thì nên tìm mọi cách từ từ rút ra” [ 25 , tr.779-787]. Tổng thống Kennedy rất giận khi đọc bản tường trình này, không phải ông giận về những gì người bạn của ông viết, mà giận vì những gì ông tin Mansfield viết là sự thật. Mansfield không thể nói dối với Kennedy được vì cả hai đều là thành viên nhóm “Những người bạn Mỹ của Việt Nam”. Ông nói với Kenneth O’Donnell: “Tôi giận Mike (Mansfield) vì ông ta không hoàn toàn đồng ý với chính sách của chúng ta và tôi giận chính mình vì tôi phải đồng ý với ông ta điều đó” [ 27 , tr.320]. Các báo cáo này cho thấy, tình hình tại Nam Việt Nam vẫn tiếp tục căng thẳng và mong manh, khoét sâu thêm sự mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - VNCH trong cách nhìn nhận vấn đề. Một lần nữa, ý định thay Diệm lại được mang ra bàn luận trong các cuộc họp ở Washington.

Đại sứ Henry Cabot Lodge thay Ngô Đình Diệm năm 1963

Mùa hè năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm công khai phát động cuộc tấn công vào Phật giáo, một tôn giáo của đại đa số người Việt Nam. Họ ra lệnh đóng cửa các trường học, cho các đạo quân tinh nhuệ tấn công các cuộc biểu tình, bắt bớ và giam cầm hàng nghìn người. Ngày 11/6/1963, Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để chống lại sự ngược đãi tôn giáo. Malcolm Browne, phóng viên hãng thông tấn Associated Press , đã chụp được nhiều bức ảnh tự thiêu quý giá này. Một ngày sau đó, những bức ảnh về sự kiện này xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo lớn trên khắp thế giới, bên cạnh những bài viết lý giải về nguyên nhân của thảm kịch. Hầu hết những hình ảnh về các hành động bạo lực của chế độ Diệm chống lại những tín đồ Phật giáo có tinh thần hòa bình đã được đưa lên các màn ảnh truyền hình ở Mỹ. Nước Mỹ và phần còn lại của thế giới biết hết sự thật về “Winston Churchill của châu Á”, hàng trăm người Mỹ đa ̃ xuống đường cùng với khẩu hiệu “Chúng tôi yêu cầu chấm dứt việc Mỹ viện trợ quân sự cho chính quyền Diệm” [ 28 , tr.12].

Anh em họ Ngô tin rằng cuộc nổi dậy của Phật giáo là do cộng sản xúi giục. Bà Nhu (Trần Lệ Xuân ) công khai lăng mạ cuộc tự thiêu của Thích Quảng Đức là “nướng thịt một nhà sư ” (barbeque a bonze), bà sẽ rất lấy làm thích thú khi nhìn thấy có thêm nhiều vụ “nướng các nhà sư” như vậy [ 11 , tr.149]. Tổng thống Kennedy lên án những hành động bạo lực của chính quyền Sài Gòn và kêu gọi Tổng thống Diệm sớm giải quyết các yêu sách của Phật tử để ổn định tình hình. Ông thay Đại sứ Frederick E. Nolting bằng Henry Cabot Lodge - một trong những đối thủ chính trị thuộc đảng Cộng hòa. Tổng thống Kennedy còn nói với vị đại sứ sắp sang nhận nhiệm sở rằng ông không cản trở một cuộc đảo chính quân sự [ 29 , tr.559]. Chính quyền họ Ngô chào đón thông tin này bằng sự thách thức: “họ (Chính phủ Mỹ) có thể gửi 10 Lodge tới đây… kể cả việc họ huấn luyện pháo binh bắn vào dinh (Gia Long) này” [ 30 , tr.413-414]. Vào đêm 20 rạng 21/8/1963, Diệm - Nhu cho mở một loạt các cuộc tấn công vào các chùa trên khắp miền Nam Việt Nam, bắt 1426 tăng ni, Phật tử và gây ra những thương vong lớn. Ngô Đình Nhu dự tính rằng tân Đại sứ Cabot Lodge khi đến Sài Gòn sẽ phải chấp nhận việc nghênh đón ông bằng một “sự đã rồi” này thì cuộc tranh cãi về vấn đề Phật giáo sẽ không còn lý do để tồn tại nữa. Tuy nhiên, cuộc tấn công chùa vào đêm 20 rạng 21/8/1963 đã đánh dấu chấm hết cho mối quan hệ suốt chín năm qua giữa Ngô Đình Diệm và chính phủ Mỹ [ 31 , tr.118]. Ngô Đình Nhu đã quên không tính đến phong cách của Lodge, người mà Tổng thống Kennedy cần vào giai đoạn này để áp dụng chiến thuật “bàn tay sắt bọc nhung” cho các lựa chọn chính trị của ông tại Việt Nam. Sau vụ tấn công chùa trên khắp miền Nam, Cabot Lodge đã chuyển hẳn sang một thái độ chống đối gần như không cần che giấu đối với chế độ Diệm. Ngày 22/8/1963, Tổng thống Kennedy chỉ thị cho Đại sứ Cabot Lodge phải nhanh chóng nhận nhiệm sở càng sớm càng tốt (Lodge dự định sẽ thăm Hồng Kông vài ngày). Chính phủ Mỹ đã phải gửi một phi cơ quân sự đặc biệt để Đại sứ Lodge tới Sài Gòn ngay trong ngày hôm đó [ 21 , tr.304]. Âm mưu lật đổ Diệm đã hình thành và được thực hiện một cách cẩn thận bởi những nhân vật hàng đầu trong chính quyền Kennedy. Lodge được giao nhiệm vụ nhanh chóng xem xét phương án thay thế người lãnh đạo VNCH và lập kế hoạch chi tiết để “làm sao chúng ta có thể thay Diệm nếu điều này trở nên cần thiết” [ 32 , tr.297].

Chỉ trong ngày 23/8/1963, Lodge đã cho nhân viên đi tiếp xúc hầu hết với các nhân vật cao cấp Việt Nam để nắm tình hình. Hai phụ tá thân tín nhất của ông là Freddy Flott và John Michael Dunn yêu cầu gặp khẩn cấp Rufus Phillips, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực bình định nông thôn. Trước khi đi Việt Nam, Lodge được Lansdale cho biết Rufus Phillips quen nhiều người Việt, nên muốn Phillips cho biết một cách trung thực thái độ của người Việt như thế nào đối với tình hình sôi động lúc bấy giờ. Ông đích thân tiếp xúc với Thượng tọa Thích Trí Quang và một nhà sư khác đang tị nạn tại một cơ quan của Mỹ, gặp gỡ đại diện nhóm Caravelle, tiếp xúc với Đại sứ Giovanni d’Orlandi của Italia và Khâm sứ Salvatore d’Asta của Vatican. Chỉ một ngày sau khi đến Sài Gòn, Cabot Lodge đã nắm được tình hình hiện tại của Nam Việt Nam. Ông còn biết được rằng, quân đội không liên quan đến các cuộc tấn công chùa và nhiều nhóm muốn làm đảo chính [ 33 , tr.71]. Nhận thức về vai trò của Ngô Đình Diệm đã mất đi sự hữu dụng trong chiến lược của Mỹ khiến Đại sứ Lodge và một số giới chức trong chính phủ Mỹ nhận thấy đã quá đủ với nhà Ngô.

Ngay sau đó, Đại sứ Lodge nhận được bức điện chỉ thị từ Washington do George W. Ball ký với nội dung: “Chính phủ Mỹ không thể chấp nhận khi quyền lực nằm trong tay Nhu. Diệm phải có cơ hội để loại bỏ Nhu và đồng bọn, thay vào đó những nhân vật quân sự và chính trị có khả năng hơn. Nếu bất chấp sự cố gắng của ông (Lodge) mà Diệm vẫn ngoan cố, chúng ta phải tính đến khả năng không giữ Diệm lại nữa” [ 34 , tr.113]. Trong một bản báo cáo gửi về Washington, Đại sứ Lodge nói rằng cơ may ông Diệm sẽ làm theo đòi hỏi của Mỹ thực sự chỉ là con số không [ 30 , tr.634-635].

Mặc dù báo chí Mỹ lúc đó vẫn không biết gì về công điện quan trọng này, nhưng trong một phân tích tin tức của ký giả Warren Unna trên Washington Post vào buổi sáng thứ ba cho thấy những gì đã xảy ra trong bí mật : “Chính quyền Kennedy quyết định rằng Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn Nam Việt Nam rơi xuống vực thẳm… Các quan chức chính phủ (Mỹ) được thuyết phục rằng quyền lực của chế độ Diệm - Nhu đã kết thúc” [ 29 , tr.569]. Ngày hôm sau 25/ 10, Lodge gửi Công điện cho McGeorge Bundy yêu cầu tiến hành đảo chính. Theo Lodge “đảo chính là phương tiện duy nhất để dân Việt Nam thay đổi chính quyền” [ 35 , tr.436].

Ngày 27/10/1963, Đại sứ Lodge cùng Ngô Đình Diệm lên Đà Lạt dự lễ khánh thành nhà máy điện nguyên tử, viên đại sứ hỏi tổng thống Diệm: “Ngài tổng thống, tất cả các đề nghị cụ thể duy nhất mà tôi đã đưa ra, ngài đã từ chối. Liệu có một số điều mà ngài có thể nghĩ rằng trong khả năng của ngài để làm và điều đó sẽ có thể gây ấn tượng thuận lợi trước công chúng Mỹ?” [ 29 , tr.639]. Viên đại sứ kết luận: “Cũng như vào những lúc khác trước đây, khi tôi hỏi ông câu hỏi tương tự, ông đã cho tôi một cái nhìn trống không và thay đổi chủ đề” [ 19 , tr.255]. Sáng 1/11/1963, Đại sứ Lodge cùng với Đô đốc Harry Felt (từ Honolulu sang Việt Nam) đến gặp Diệm. Sau buổi gặp, Diệm yêu cầu Lodge nán lại một chút để nói chuyện riêng. Có thể trong tuần lễ cuối cùng trước khi cuộc đảo chính được khởi sự, Ngô Đình Diệm cảm thấy chuyện chẳng lành sắp đến với mình khi phần lớn các tướng tá đều xa lánh ông và đang ngả theo Mỹ. Diệm thực sự đã có chút lo lắng khi nói với Lodge rằng “tôi biết sắp có đảo chính nhưng tôi không biết ai làm việc đó”. Bốn ngày trước (27/8), khi ở Đà Lạt, Diệm đã từng nói với Lodge: “Hãy nói cho chúng tôi những gì các ông muốn và chúng tôi sẽ thực hiện điều đó” [ 36 , tr.83]. Hôm nay, khi Lodge đứng dậy từ biệt, Tổng thống Diệm nói: “Xin ông hãy nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi là một đồng minh tốt và thành thật, thà là tôi nói thẳng và đặt vấn đề ngay bây giờ còn hơn là sau này mới nói, lúc đó thì chẳng còn gì nữa. Xin nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi rất coi trọng những đề nghị của Tổng thống và tôi sẽ thực hiện, vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi” [ 35 , tr.517]. Những lời tâm sự trên của Tổng thống Diệm rất chân thành. Tuy nhiên, ông lại đem bày tỏ nó với kẻ đang âm mưu lật đổ mình.

Thảo luận

Mục tiêu của Mỹ tại miền Việt Nam là thắng cuộc chiến. Người Mỹ xem những viện trợ kinh tế và sự có mặt ngày càng tăng về quân sự của mình như một điều kiện tiên quyết, nếu không phải là một bảo đảm cho một cải cách phải có. Khi tình hình ngày một xấu, các giới chức Washington thúc Diệm sửa chữa những khiếm khuyết của chính quyền: sự lộn xộn trong bộ máy hành chính do Diệm không muốn san sẻ quyền hành, sự thiếu dân chủ và thiếu ủng hộ chính phủ trong dân chúng. Mỹ lo ngại rằng Diệm quá thừa sự chuyên quyền, mà không đủ nỗ lực chinh phục thêm người ủng hộ. Họ bực tức thấy Diệm vẫn làm theo ý mình. Cách thức này đã làm cho mục tiêu chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đứng trước nguy cơ thất bại. Một điều quan trọng hơn cả đối với Mỹ là Ngô Đình Diệm có thái độ dè chừng, giữ khoảng cách với chính các giới chức Mỹ, cùng với việc Diệm ngày càng trở nên độc đoán, bảo thủ, khó tiếp cận và khó thuyết phục trong khi mục tiêu chống cộng đang ngày càng gặp nhiều khó khăn đã khiến cho quan hệ giữa CIA và các cơ sở khác của Mỹ với anh em Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Chúng ta có thể thắng với Ngô Đình Diệm không?

Là câu hỏi mà các quan chức Washington dùng trong các cuộc họp hay trao đổi khi bàn luận đến vấn đề Việt Nam. Khi tình hình ngày một xấu đi, người Mỹ bắt đầu nghiên cứu một giải pháp khác Diệm. Ngay những người bạn cũ của Diệm trong nhóm “Những người bạn Mỹ của Việt Nam” như Giáo sư Wesley Fishel, Joseph Buttinger, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield… đã không dấu sự hoài nghi về khả năng của anh em Diệm. Mansfield còn yêu cầu Tổng thống Kennedy xét duyệt lại chính sách của Mỹ tại Việt Nam, tức nghiên cứu việc rút khỏi miền Nam trước khi quá trễ. Thậm chí cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Joseph Mendenhall còn yêu cầu Nhà Trắng phải “khử Diệm, vợ chồng Nhu và phần còn lại của gia đình họ Ngô”. Trong nhận thức của các viên chức cao cấp của chính quyền Kennedy, Chính phủ Diệm không thể thực hiện mục tiêu chiến thắng của Mỹ và phải loại bỏ Diệm. Chế độ Ngô Đình Diệm đã kết thúc trong đẫm máu và sáng 2/11/1963, cả hai ông Diệm – Nhu đều bị giết trong xe thiết giáp khi di chuyển về tòa nhà tổng hành dinh của Bộ Tổng tham mưu.

Kết luận

Sự liên minh giữa gia đình họ Ngô và chính quyền Mỹ rõ ràng là một bản hòa tấu lạc nhịp. Mỹ muốn một chính quyền có năng lực, một vị lãnh đạo mạnh mẽ, một người thủ lĩnh của nhân dân nhưng Ngô Đình Diệm lại chẳng làm gì được trong số các điều trên. Mặc dù viện trợ Mỹ ngày càng gia tăng nhưng tình hình miền Nam Việt Nam vẫn không cải thiện được phần nào, trái lại ngày càng trầm trọng thêm. Diệm đã loại được một số trung tâm quyền lực cạnh tranh ở miền Nam trong giai đoạn đầu. Tuy vậy, trong đầu thập niên 1960, cuộc nổi dậy của nhân dân nhanh chóng bắt rễ ở miền Nam đã chứng tỏ sự mỏng manh trong tính chính danh của Diệm. Ngô Đình Diệm muốn tạo dựng một quốc gia tự chủ nhưng chính chính quyền của ông vẫn phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ Mỹ. Không có viện trợ Mỹ, Nam Việt Nam sẽ sụp đổ hoặc Ngô Đình Diệm sẽ bị lật đổ bởi một nhóm khác sẵn sàng làm việc với người Mỹ thay Diệm. Do đó, chính phủ Diệm không thể tồn tại nếu quay lưng với Washington.

Viện trợ của Mỹ luôn đi kèm với điều kiện được tóm gọn trong thành ngữ Latin “quid pro quo” có nghĩa là “nếu tôi cho anh cái này thì anh phải làm cho tôi cái khác”. Mỹ giúp Ngô Đình Diệm nhưng với điều kiện ông phải cải tổ theo ý muốn của các cố vấn Mỹ. Linh mục Cao Văn Luận đã từng cảnh báo Diệm rằng : “Chúng ta cần người Mỹ, lệ thuộc nhiều vào người Mỹ, chịu ảnh hưởng nặng nề vì sự thương hay ghét của họ. Nếu không vì những lợi ích thiết thực mà phải cải tổ chính phủ, thì cũng nên vì để làm hài lòng người Mỹ mà cải tổ, để họ khỏi phá hoại. Cụ cũng đã hiểu câu châm ngôn ‘ai chi tiền thì kẻ đó cai trị” [ 37 , tr.97]. Sài Gòn và Washington đến với nhau vì cùng có mục tiêu chung là những người cộng sản Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là họ luôn hòa thuận. Sự khác biệt luôn tồn tại trong giai đoạn Ngô Đình Diệm cầm quyền ở Nam Việt Nam – cuối cùng, chúng trở nên không thể giải quyết và đưa người Mỹ can dự vào âm mưu lật đổ Ngô Đình Diệm. Cái chết của Ngô Đình Diệm và người em Ngô Đình Nhu trong cuộc đảo chính năm 1963 là một khúc quanh trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Danh mục từ viết tắt

ĐHQG : Đại học Quốc gia

CIA : Central Intelligence Agency/ Cục tình báo Trung ương Mỹ

NSC : National Security Council/ Văn kiện Hội đồng An ninh Quốc gia

MAAG : Military Assistance Advisory Group / Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự

VNCH : Việt Nam Cộng hòa

Xung đột lợi ích

Tác giả bài viết cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này.

Đóng góp của tác giả

Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của riêng tác giả, các kết quả nghiên cứu trình bày trong bài viết được tác giả rút ra trong quá trình nghiên cứu từ bài viết này.

References

  1. Kahin George McTurnan, W John, Lewis The United States in Vietnam: An Analysis in Depth of the History of Americas Involvement in Vietnam.New York: A Delta Book 1966.
  2. Prados John. Vietnam: The History of Unwinnable War.. Lawrence: University Press of Cansas. 2009;:1945-1975. Google Scholar
  3. P John Glennon, Petersen H Neil. Foreign Relations of the United States (FRUS). .
  4. Ahern L Thomas. Jr. CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam. USA: Center for Study of Intelligence. 2009;:1954-1963. Google Scholar
  5. Olson Gregory Allen. Mansfield and Vietnam: A Study in Rhetorical Adaption. Michigan; East Lansing, Michigan State University Press. 1995;:. Google Scholar
  6. C George, Herring America’s Longest War: The United States and Vietnam.New York: McGraw-Hill, Inc; 1996.
  7. W Allan, Cameron Vietnam Crisis: A Documentary History. . 1971;I:1940-1956. Google Scholar
  8. Spector H Ronald. Advice and Support: The Early Years of the United States Army in Vietnam 1941-1960.New York: The Free Press; 1985.
  9. Gravel Senator Mike. The Pentagon Papers.Boston: Beacon Press: Beacon Press; 1971.
  10. Glennon P John, Keefer C Edward, Mabon W David. Foreign Relations of the United States (FRUS). .
  11. Jacobs Seth. Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of Americas War in Vietnam..New York: Rowman & Littlefield Publishers; 2006.
  12. L Chester, Cooper The Lost Crusade.New York: Mead & Company, Dodd 1970.
  13. Harisson James P. The Endless War: Vietnam Struggle For Independence.New York: Columbia University Press; 1989.
  14. Karnow Stanley. Vietnam: A History.New York: Penguin Books; 1983.
  15. M Arthur, Schlesinger JR. A Thousand Days: John F. Kennedy in the White House.New York: A Fawcett Crest Book 1967.
  16. Nguyễn Phú Đức, Nguyễn Mạnh Hùng.. . 2009;:. Google Scholar
  17. Đạo Chính. Việt Nam niên biểu:. 1939 – 1975. tập I-C:1955 – 1963. Hoa Kỳ: Nhà xuất bản văn hoá. 2000;:. Google Scholar
  18. William Colby, Nguyễn Huy Cầu, dịch. Một chiến thắng bị bỏ lỡ. Hà Nội: Nhà xuất bản công an nhân dân; 2007.. . ;:. Google Scholar
  19. Gravel Senator Mike. The Pentagon Papers.Boston: Beacon Press 1971.
  20. Paterson G Thomas. Kennedy’s Quest for Victory: American Foreign Policy.New York: Oxford University Press; 1989.
  21. Jones Howard. Death of a Generation: How the Assassinations of Diem and JFK Prolonged the Vietnam War.New York: Oxford University Press; 2003.
  22. Gelb L H, Betts R K. The Irony of Vietnam: The System Worked.Washington: Brookings Institule 1979.
  23. Brogan Hugh. Thu Hà, dịch. Kennedy. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức. 2011;:. Google Scholar
  24. Freedman Lawrence. . .
  25. Lafantasie W Glenn, Glennon P John, Baehler M David, Sampson S Charles. Foreign Relations of the United States (FRUS). .
  26. Lafantasie W Glenn, Glennon P John, Baehler M David, Sampson S Charles. Foreign Relations of the United States (FRUS).Vietnam 1962.
  27. Newman M John. JFK and Vietnam: Deception, Intrigue, And the Struggle for Power.New York: Warner Book; 1992.
  28. Zaroulis Nancy, Sullivan Gerald. Who Spoke Up? American Protest against the War in Vietnam.New York: Doubleday & Company, Inc; 1963.
  29. Reeves Richard. President Kennedy: Profile of Power.New York: Simon & Schuster; 1993.
  30. Glennon P John, Keefer C Edward, Smith J Louis. Foreign Relations of the United States (FRUS).Vietnam; Washington: United States Government Printing Office Washington; 1963.
  31. Poole A Peter. Nước Mỹ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon. Hà Nội: Nhà xuất bản thông tin lý luận. 1986;:. Google Scholar
  32. Duiker William J.. U.S. Containment Policy and the Conflict in Indochina.California: Standford University Press; 1994.
  33. Đạo Chính. Mùa Phật đản đẫm máu. tập III. USA: Nhà xuất bản Nxb Thien tri thuc. 2010;:. Google Scholar
  34. J William. . .
  35. Glennon P John, Keefer C Edward. Foreign Relations of the United States (FRUS). .
  36. Mcnamara S Robert. In Retrospect – The Tragedy and Lessons of Vietnam.New York: Random House; 1995.
  37. Luận Luận Cao Văn. Bên giòng lịch sử. Sài Gòn: Nhà xuất bản trí dũng. . 1972;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 3 No 2 (2019)
Page No.: 99-108
Published: Dec 31, 2019
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i2.517

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Cả, P. (2019). The intentions to replace Ngo Dinh Diem of us officials from ambassador lawton collins to ambassador Henry Cabot Lodge (1955 - 1963). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 3(2), 99-108. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i2.517

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 550 times
Download PDF   = 262 times
View Article   = 0 times
Total   = 262 times