VNUHCM Journal of

Social Sciences and Humanities

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam since 2017

ISSN 2588-1043

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

0

Total

0

Share

Current state of night tourism infrastructure and support services in urban areas of the South Central Coast, Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Night tourism is becoming a significant trend, playing a crucial role in promoting local economic development by increasing tourist spending and extending their length of stay. The South Central Coast region of Vietnam has many advantages for developing this type of tourism, thanks to its favorable climate, beautiful landscapes, and diverse cultural and entertainment activities. However, in reality, night tourism in the region has yet to reach its full potential due to limitations in infrastructure and support services. This study aims to assess the current state of infrastructure and support services for night tourism in urban areas of the South Central Coast, thereby proposing recommendations to enhance the visitor experience. The research methodology includes on-site surveys in various localities and the collection of domestic tourist opinions through questionnaire survey with a convenience sample of 524 people. The findings indicate that public lighting, security, and public transportation are generally well-rated by tourists due to relatively good investment, facilitating mobility, sightseeing, experiences, and ensuring safety for tourists. However, certain limitations persist, such as the short operating hours of convenience stores, shopping centers, and tourist attractions, which create difficulties for visitors engaging in nighttime activities. Based on these findings, the study proposes several recommendations for the effective and sustainable development of night tourism, including upgrading infrastructure and extending the operating hours of service facilities.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Du lịch đêm ngày càng trở thành một thành tố quan trọng trong nền kinh tế đô thị và trải nghiệm du lịch, mở ra những cơ hội đặc biệt cho các điểm đến 1 , 2 . Không chỉ đóng góp vào nền kinh tế ban đêm, du lịch đêm còn giúp gia tăng GDP của các thành phố và thúc đẩy sự phát triển bền vững 1 , 3 . Việc mở rộng hoạt động du lịch ngoài khung giờ truyền thống không chỉ kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch mà còn tạo điều kiện để khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến. Bên cạnh lợi ích kinh tế, du lịch đêm còn có tác động đáng kể đến cảm xúc và sự gắn kết của khách du lịch với điểm đến, đặc biệt là đối với thế hệ Gen Z 2 .

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa và nền ẩm thực phong phú, cùng sự sôi động của các đô thị ven biển, sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch đêm. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả những lợi thế này, cần có sự đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ nhằm nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách du lịch. Mặc dù du lịch đêm mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và phát triển đô thị, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc những thách thức tiềm ẩn để đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững 4 .

Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng trải nghiệm du lịch đêm thuận lợi và an toàn. Các yếu tố như hệ thống giao thông, chiếu sáng công cộng, an ninh – an toàn, cửa hàng tiện ích, ATM, và giờ đóng cửa của các siêu thị, cửa hàng, điểm tham quan có thể tác động trực tiếp đến sự thoải mái và mức độ sẵn sàng chi tiêu của khách du lịch. Nếu những yếu tố này chưa được đáp ứng tốt, du lịch đêm có thể gặp nhiều hạn chế trong việc thu hút và giữ chân khách du lịch.

Trong nghiên cứu khoa học du lịch nói chung, du lịch đêm đã và đang trở thành một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực đô thị và du lịch 5 . Các nghiên cứu trước đây đã phân tích nhiều khía cạnh khác nhau của du lịch đêm, bao gồm giá trị cảm nhận của khách du lịch thế hệ Gen Z 2 , mối quan hệ giữa du lịch và đời sống ban đêm đô thị 6 , vai trò của trải nghiệm du lịch đêm trong việc phát triển lòng trung thành thương hiệu và sự hài lòng của khách du lịch. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã tập trung vào phát triển bền vững nền kinh tế du lịch đêm tại các đô thị 7 .

Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm tại các đô thị thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, trong bối cảnh các nghiên cứu về chủ đề này vẫn còn hạn chế. Hiện nay, hầu hết các nghiên cứu trong nước mới chỉ tập trung vào kinh tế ban đêm tại các đô thị lớn, chưa có nhiều tài liệu khảo sát cụ thể về tình trạng giao thông, chiếu sáng, an ninh hay các dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm tại các địa phương ven biển. Do đó, nghiên cứu này góp phần bổ sung dữ liệu về thực trạng hiện tại của khu vực, tạo cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo cũng như các đề xuất nhằm cải thiện chất lượng hạ tầng và dịch vụ phục vụ du lịch đêm.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Một số vấn đề chung về du lịch đêm

Du lịch đêm là một khái niệm mới nổi trong nghiên cứu đô thị và du lịch, đề cập đến các hoạt động, trải nghiệm và điểm tham quan diễn ra sau khi mặt trời lặn, chủ yếu trong môi trường đô thị 8 . Theo cách hiểu phổ quát, du lịch đêm bao gồm tất cả các hoạt động du lịch diễn ra vào khoảng thời gian từ hoàng hôn đến bình minh. Một số nghiên cứu xác định cụ thể khung thời gian từ 18 giờ đến 6 giờ sáng 9 . Không giống như du lịch truyền thống tập trung vào cảnh quan ban ngày, du lịch đêm thu hút khách du lịch bằng ánh sáng rực rỡ của đô thị, mang đến những trải nghiệm thẩm mỹ độc đáo thông qua cảnh quan thành phố được chiếu sáng 8 .

Bên cạnh các hoạt động giải trí về đêm như quán bar, câu lạc bộ đêm hay sự kiện âm nhạc, du lịch đêm còn bao gồm nhiều loại hình trải nghiệm khác như lễ hội ánh sáng, trình diễn nghệ thuật đô thị và các hoạt động văn hóa về đêm 6 . Không gian đêm không chỉ là bối cảnh thụ động mà còn đóng vai trò như một tác nhân xã hội, góp phần định hình và phát triển các mối quan hệ, hành vi tiêu dùng và trải nghiệm của khách du lịch.

Sự phát triển của du lịch đêm mang lại cả cơ hội và thách thức cho các đô thị. Về mặt kinh tế, nó giúp gia tăng doanh thu từ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch và thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, du lịch đêm cũng có thể tạo ra các xung đột với cộng đồng địa phương. Các vấn đề có thể bao gồm tiếng ồn, an ninh và cân bằng giữa phát triển kinh tế với chất lượng cuộc sống cư dân 4 , 6 . Trước thực trạng này, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã có những chính sách can thiệp nhằm quản lý và phát triển du lịch đêm một cách bền vững để giám sát và điều phối các hoạt động liên quan 6 .

Nhiều nghiên cứu đã đề xuất các khung lý thuyết khác nhau để phân tích du lịch đêm, bao gồm cả cách tiếp cận thẩm mỹ và xã hội học 8 , 10 . Sự quan tâm ngày càng lớn đối với du lịch đêm không chỉ phản ánh tầm quan trọng của nó đối với ngành du lịch mà còn cho thấy nhu cầu nghiên cứu sâu hơn để tối ưu hóa tiềm năng phát triển của loại hình du lịch này.

Xu hướng về chính sách phát triển du lịch đêm

Du lịch đêm đang trở thành một xu hướng quan trọng trong phát triển du lịch đô thị, kéo theo sự thay đổi trong cách tiếp cận chính sách để tối ưu hóa lợi ích kinh tế, khai thác tài nguyên hợp lý và thúc đẩy hợp tác công – tư 11 . Chính phủ và các cơ quan quản lý du lịch trên thế giới ngày càng nhận thức rõ vai trò của du lịch đêm như một sản phẩm du lịch chiến lược, đòi hỏi sự đầu tư bài bản về marketing, quản lý, hạ tầng và chính sách hỗ trợ 12 .

Một trong những xu hướng quan trọng trong chính sách phát triển du lịch đêm là mở rộng cách tiếp cận, thay vì chỉ đơn thuần kéo dài thời gian hoạt động của du lịch ban ngày 6 . Các chính sách đang tập trung vào việc tối ưu hóa bố cục không gian của các tài nguyên du lịch đêm, nhằm giải quyết tình trạng phân bổ không đồng đều và xu hướng “tập trung trung tâm” quá mức 13 . Sự kết hợp giữa du lịch và đời sống về đêm đang ngày càng nhận được sự quan tâm, thúc đẩy các thành phố điều chỉnh chính sách để quản lý tốt hơn các hoạt động du lịch diễn ra vào ban đêm 6 .

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ là một ưu tiên trong phát triển du lịch đêm. Các chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm kích thích tiêu dùng ban đêm, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất và hỗ trợ sự phát triển của các điểm tham quan, hoạt động về đêm 14 . Bên cạnh đó, vấn đề an ninh và an toàn cũng được chú trọng, với các chính sách cụ thể nhằm quản lý các hoạt động du lịch ban đêm một cách hiệu quả và đảm bảo trải nghiệm tích cực cho khách du lịch 12 .

Một xu hướng đáng chú ý khác trong phát triển du lịch đêm là ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao trải nghiệm khách du lịch. Các công nghệ hiện đại như thực tế ảo (virtual reality), thực tế tăng cường (augmented reality) được ứng dụng trong việc tạo ra các hiệu ứng sống động, thú vị trong cảnh quan đêm. Các chiến lược mới đang được nghiên cứu, bao gồm việc tích hợp công nghệ vũ trụ ảo (metaverse) nhằm mang đến những trải nghiệm văn hóa nhập vai hơn 14 . Đồng thời, thiết kế ánh sáng đã trở thành một công cụ quan trọng trong phát triển du lịch đêm, khi nhiều thành phố đưa các mục tiêu về du lịch đêm vào chính sách chiếu sáng đô thị 5 .

Cuối cùng, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về giá trị của du lịch đêm cũng là một yếu tố quan trọng trong định hướng chính sách. Việc khuyến khích người dân địa phương tham gia hỗ trợ du lịch đêm một cách chuyên nghiệp và tích cực sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của loại hình du lịch này 12 . Nhìn chung, du lịch đêm đang ngày càng được quan tâm trong chính sách phát triển du lịch của nhiều quốc gia, với mục tiêu không chỉ tối đa hóa lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững cho cộng đồng và thành phố.

Nghiên cứu về du lịch đêm tại Việt Nam và Duyên hải Nam Trung Bộ

Du lịch đêm tại Việt Nam đang dần trở thành một chủ đề nghiên cứu đáng chú ý, đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam năm 2020 15 . Các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch đêm và tiềm năng đóng góp của nó vào sự phát triển kinh tế 16 .

Một số nghiên cứu đã tập trung vào phát triển du lịch đêm tại các thành phố ven biển, đảo, và đô thị 17 . Những yếu tố tác động đến du lịch đêm bao gồm an ninh, cơ sở hạ tầng, trải nghiệm văn hóa và chất lượng dịch vụ 12 . Trong đó, chợ đêm được xác định là một trong những điểm thu hút quan trọng, với nhiều nghiên cứu phân tích mức độ hài lòng của khách du lịch khi tham gia vào loại hình này 18 . Đồng thời, tiềm năng của văn hóa địa phương trong việc nâng cao trải nghiệm du lịch đêm cũng được đề cập như một yếu tố quan trọng.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm thành phố Đà Nẵng và bảy tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Phía bắc vùng giáp với biển Đông và Bắc Trung Bộ, phía nam giáp vùng Đông Nam Bộ, phía tây giáp Tây Nguyên và phía tây bắc giáp nước Lào. Duyên hải Nam Trung Bộ sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, nằm giữa các tuyến đường du lịch quan trọng. Đây là cửa ngõ kết nối các vùng miền, giúp phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và văn hóa. Tuy nhiên, vùng cũng đối mặt với không ít khó khăn, như thiên tai, hạn chế về cơ sở hạ tầng tại một số địa phương, và sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các điểm đến khác.

Tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, du lịch đêm được nhận định là một hướng đi tiềm năng và cần có chiến lược phát triển bền vững. Các nghiên cứu đã khảo sát du lịch đêm tại các thành phố ven biển như Nha Trang và Quảng Ngãi, nhấn mạnh nhu cầu xây dựng các chiến lược phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch đêm tại khu vực này bao gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, tài nguyên và sự tham gia của cộng đồng địa phương 19 , 20 . Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã gợi ý các giải pháp phát triển du lịch đêm theo hướng tận dụng tài nguyên địa phương, đồng thời giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng và quản lý du lịch 21 . Những nghiên cứu này góp phần định hướng chính sách và giải pháp thực tiễn nhằm phát triển du lịch đêm tại Duyên hải Nam Trung Bộ theo hướng hiệu quả và bền vững.

Phương pháp NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu này áp dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa định lượng và định tính nhằm đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm tại một số đô thị thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Việc kết hợp cả hai nhóm phương pháp giúp đảm bảo tính khách quan và toàn diện trong phân tích, đồng thời cung cấp cái nhìn sâu sắc về thực trạng và những vấn đề cần cải thiện trong phát triển du lịch đêm tại khu vực này.

Phương pháp thu thập dữ liệu

Để đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, nghiên cứu triển khai phương pháp khảo sát thực địa tại các trung tâm du lịch của các tỉnh/thành phố thuộc vùng trong gian đoạn từ tháng 05 đến tháng 12 năm 2023. Mục tiêu của phương pháp này là đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm thông qua bảng ghi chép khảo sát. Quá trình khảo sát được thực hiện có hệ thống, tập trung vào các tiêu chí sau:

  • Cơ sở hạ tầng giao thông: bao gồm chất lượng đường sá, tình trạng vỉa hè, hệ thống tín hiệu giao thông và sự kết nối giữa các điểm đến du lịch;

  • Hệ thống chiếu sáng công cộng: mức độ bao phủ, cường độ ánh sáng và tính ổn định của hệ thống chiếu sáng vào ban đêm;

  • An ninh và an toàn: sự hiện diện của lực lượng an ninh, mức độ giám sát qua camera an ninh, các sự cố ảnh hưởng đến khách du lịch;

  • Dịch vụ hỗ trợ: sự sẵn có và khả năng tiếp cận của các tiện ích như ATM, cửa hàng tiện lợi, nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, phương tiện giao thông hoạt động vào ban đêm.

Dữ liệu định lượng được thu thập thông qua điều tra bằng bản hỏi với cỡ mẫu gồm 524 khách du lịch nội địa, được chọn một cách thuận tiện tại các đô thị du lịch đêm tiêu biểu trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Cuộc khảo sát được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 05 đến tháng 12 năm 2023 cùng với khảo sát thực địa. Thông tin về các đợt khảo sát được trình bày cụ thể trong Table 1 .

Table 1 Các địa điểm thực hiện khảo sát thực địa

Mẫu được chọn là mẫu thuận tiện kết hợp mẫu có chủ đích để đảm bảo tính đa dạng về các đặc trưng nhân khẩu học. Khách du lịch nội địa đến du lịch tại Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ rất khó xác định chính xác số lượng vào cùng một thời điểm, do đó, nghiên cứu xác định cỡ mẫu thông qua công thức xác định cỡ mẫu khi không biết tổng thể. Cỡ mẫu này được xác định theo Yamane Taro (1967) trong trường hợp không biết tổng thể, độ tin cậy 95%, sai số 0,05. Do đó, cỡ mẫu của nghiên cứu ít nhất là 384 khách du lịch nội địa. Thực tế quá trình triển khai khảo sát thu thập dữ liệu bằng bản hỏi và làm sạch dữ liệu, đề tài thu được bộ dữ liệu của 524 khách du lịch nội địa.

Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm là những yếu tố thiết yếu đảm bảo hoạt động du lịch diễn ra thuận lợi trong khoảng thời gian từ chiều tối đến rạng sáng. Cơ sở hạ tầng hỗ trợ du lịch đêm bao gồm các công trình vật chất và hệ thống kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch vào ban đêm, như hệ thống giao thông, chiếu sáng, an ninh, và tiện ích công cộng. Trong khi đó, dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm bao gồm các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch vào ban đêm, giúp nâng cao trải nghiệm và đảm bảo sự an toàn, tiện lợi khi tham gia các hoạt động du lịch.

Dựa trên tổng quan tài liệu 1 , 2 , 4 , 6 , 8 , 9 , 16 và khảo sát thực địa tại địa phương, nhóm tác giả xác định các yếu tố cốt lõi phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm, bao gồm: hệ thống chiếu sáng và đèn đường; phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe ôm…); hệ thống ngân hàng và các điểm rút tiền tự động (ATM); tình hình an ninh, an toàn tại điểm đến; sự hiện diện của các cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/7; giờ đóng cửa của trung tâm thương mại, cửa hàng; giờ hoạt động của các điểm tham quan du lịch. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến mức độ thuận tiện trong di chuyển và tiếp cận dịch vụ của khách du lịch mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của du lịch đêm tại địa phương.

Phiếu khảo sát được thiết kế dưới dạng câu hỏi đóng, sử dụng thang đo Likert 5 điểm để đo lường đánh giá của khách du lịch đối với các yếu tố chính thể hiện thực trạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm tại điểm khảo sát.

Các phương pháp xử lý và phân tích dữ liệu

Dữ liệu thu thập từ khảo sát thực địa được tổng hợp và phân tích bằng các công cụ hỗ trợ như Microsoft Word và Excel. Các thông tin được phân loại theo nhóm tiêu chí cụ thể nhằm nhận diện những điểm mạnh cũng như các hạn chế trong hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm.

Dữ liệu định lượng từ khảo sát được xử lý bằng phần mềm SPSS 24.0, sử dụng các phương pháp thống kê mô tả để tính toán tần suất, trung bình, độ lệch chuẩn nhằm xác định mức độ hài lòng chung của khách du lịch đối với từng yếu tố nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Đặc trưng nhân khẩu học của mẫu khảo sát

Về giới tính, mẫu khảo sát cho thấy sự phân bổ tương đối đồng đều giữa nam và nữ, trong đó nữ giới chiếm 55% (288 người) và nam giới chiếm 45% (236 người).

Xét về nghề nghiệp, những người tham gia khảo sát có sự đa dạng về lĩnh vực công việc. Nhóm làm việc trong khối văn phòng và các ngành nghề chuyên môn cao chiếm tỷ lệ cao nhất, với 37,6% (197 người), tiếp theo là nhóm kinh doanh, buôn bán với 20,8% (109 người) và nhóm học sinh, sinh viên với 18,9% (99 người). Các ngành nghề khác như nông nghiệp, công nhân, lao động tự do chiếm 12,8% (67 người), trong khi nhóm nội trợ, người đã nghỉ hưu và thất nghiệp chiếm 3,6% (19 người). Ngoài ra, có 6,3% (33 người) thuộc các ngành nghề khác.

Về trình độ học vấn, phần lớn người tham gia có bằng đại học hoặc cao đẳng, chiếm 63% (330 người). Nhóm có trình độ sau đại học chiếm 16,4% (86 người). Trong khi đó, tỷ lệ người có trình độ trung học phổ thông là 9,5% (50 người) và trung học cơ sở là 2,9% (15 người).

Đối với hình thức du lịch, phần lớn khách du lịch lựa chọn đi du lịch tự túc, chiếm 60,3% (316 người), trong khi 39,7% (208 người) tham gia các tour du lịch trọn gói.

Kết quả khảo sát thực địa về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm

Kết quả khảo sát thực địa về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm tại một số đô thị vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cho thấy những điểm tích cực cũng như hạn chế và sự khác biệt nhất định giữa các địa phương.

Đối với hệ thống chiếu sáng, các thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang có hệ thống chiếu sáng công cộng tốt, đảm bảo an toàn và tạo không gian lung linh cho các hoạt động du lịch đêm. Đặc biệt, hệ thống ánh sáng trên sông Hàn của Đà Nẵng kết hợp với các chương trình trình diễn nghệ thuật ánh sáng đã tạo nên điểm nhấn độc đáo. Tuy nhiên, tại các địa phương khác như Quảng Ngãi, Tuy Hòa và Phan Thiết, hệ thống chiếu sáng công cộng dù được đầu tư đồng bộ nhưng chỉ mới đáp ứng nhu cầu cơ bản mà chưa được đầu tư để phục vụ du lịch đêm. Nhiều khu vực ven biển, đường nội đô thiếu ánh sáng hoặc ánh sáng yếu, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và trải nghiệm của khách du lịch.

Hệ thống giao thông tại các đô thị vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương. Những thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng và Nha Trang có hệ thống đường sá được quy hoạch tốt, vỉa hè rộng rãi, phù hợp cho khách du lịch đi bộ. Đặc biệt, khu vực ven biển Đà Nẵng với tuyến đường Võ Nguyên Giáp và các trục đường trung tâm như Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh đều có chất lượng cao, giúp kết nối thuận tiện giữa các điểm vui chơi giải trí về đêm. Trong khi đó, các tỉnh như Bình Định, Phú Yên và Bình Thuận vẫn còn hạn chế về kết nối giao thông. Tại Tuy Hòa (Phú Yên) và Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận), một số tuyến đường vẫn nhỏ hẹp, chưa đồng bộ, làm giảm trải nghiệm du lịch. Tình trạng thiếu bãi đỗ xe tại các khu vực trung tâm cũng là một vấn đề lớn, gây bất tiện cho khách du lịch khi tham gia các hoạt động du lịch đêm.

Hệ thống giao thông công cộng tại các địa phương Duyên hải Nam Trung Bộ vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển vào ban đêm của khách du lịch. Các thành phố lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An có xe buýt công cộng, nhưng số lượng tuyến còn hạn chế và thời gian hoạt động chỉ kéo dài đến khoảng 18h–21h. Trong khi đó, dịch vụ xe công nghệ tuy phổ biến hơn ở các đô thị lớn, nhưng vào tối muộn, khách du lịch vẫn gặp khó khăn trong việc đặt xe. Tại các địa phương có ngành du lịch kém phát triển hơn trong vùng, dịch vụ này thậm chí chưa được triển khai, khiến taxi truyền thống trở thành lựa chọn gần như duy nhất nếu khách du lịch không có phương tiện cá nhân. Những hạn chế này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận các điểm tham quan, khu vui chơi và dịch vụ vào ban đêm, làm giảm trải nghiệm tổng thể của khách du lịch và hạn chế tiềm năng phát triển của du lịch đêm tại khu vực này.

Các điểm du lịch phát triển mạnh như Đà Nẵng, Nha Trang và Hội An đảm bảo an ninh, an toàn tốt thông qua hệ thống các chốt bảo vệ, cảnh sát, cùng với hệ thống camera giám sát tại các khu vực đông khách. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi tham gia các hoạt động về đêm. Ngược lại, một số khu vực như Quảng Ngãi, Tuy Hòa, và Phan Rang – Tháp Chàm chưa có sự kiểm soát an ninh chặt chẽ. Số lượng camera an ninh còn hạn chế, cùng với việc thiếu lực lượng tuần tra ban đêm khiến khách du lịch cảm thấy không an toàn khi đi lại vào khuya.

Các địa phương như Đà Nẵng và Nha Trang có hệ thống dịch vụ hỗ trợ đầy đủ, bao gồm ATM, cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/7, nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, bãi đỗ xe rộng rãi, và các phương tiện công cộng hoạt động vào ban đêm như taxi, xe điện. Ở các địa phương khác như Bình Định, Phú Yên và Bình Thuận, số lượng ATM, cửa hàng tiện lợi và nhà vệ sinh công cộng còn ít, chưa sạch sẽ gây khó khăn cho khách du lịch. Đặc biệt, như đã nói ở trên, phương tiện công cộng phục vụ du lịch hoạt động về đêm gần như không có, khách du lịch chủ yếu phải sử dụng xe cá nhân hoặc taxi với chi phí cao.

Đánh giá của khách du lịch về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm

Khách du lịch đánh giá thực trạng một số yếu tố cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm thông qua thang đo Likert, đánh giá từ 1 tới 5 với mức 1 tương ứng với rất tệ và mức 5 tương ứng với rất tốt. Kết quả được thể hiện ở Table 2Figure 1 .

Table 2 Đánh giá của khách du lịch về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm

Figure 1 . Đồ thị minh họa điểm đánh giá trung bình của khách du lịch về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm [Nguồn: Nhóm tác giả]

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trong số bảy yếu tố được khảo sát, có bốn yếu tố được khách du lịch đánh giá ở mức tốt, bao gồm: hệ thống chiếu sáng và đèn đường (3,78); phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe ôm…) (3,57); hệ thống ngân hàng và điểm rút tiền tự động (ATM) (3,45); cùng với mức độ an ninh, an toàn (3,73). Ba yếu tố còn lại (các cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/7, giờ đóng cửa của trung tâm thương mại và cửa hàng, thời gian hoạt động của các điểm tham quan du lịch) nhận được đánh giá trung lập hoặc mức độ đáp ứng chỉ ở mức trung bình với điểm trung bình lần lượt là 3,34; 3,12; 3,17. Trong các yếu tố được đánh giá cao, hệ thống chiếu sáng đạt điểm trung bình cao nhất (3,78), tiếp theo là an ninh, an toàn (3,73). Giao thông công cộng và hệ thống ngân hàng/ATM lần lượt nhận được điểm trung bình là 3,57 và 3,45. Đối với các yếu tố chỉ nhận được sự đánh giá bình thường từ khách du lịch thì Giờ đóng cửa các trung tâm thương mại, cửa hàng,… có điểm trung bình thấp nhất (3,12), tiếp theo là Giờ đóng cửa các điểm tham quan du lịch… (3,17) và Các cửa hàng tiện ích 24/7 (3,34).

Hệ thống chiếu sáng đường phố đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch đêm và đã nhận được những đánh giá tích cực. Sự đầu tư có hệ thống vào hạ tầng đô thị tại các thành phố và khu vực trọng điểm của Duyên hải Nam Trung Bộ giúp nâng cao chất lượng chiếu sáng, đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi của khách du lịch vào ban đêm. Khảo sát thực địa cũng cho thấy ngay cả những địa điểm xa trung tâm, như đảo Lý Sơn, vẫn có hệ thống chiếu sáng phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch đêm. Các tuyến đèn đường ven biển và các khu vực tham quan được lắp đặt hợp lý, mang lại lợi ích cho cả cư dân địa phương và khách du lịch.

Về vấn đề an ninh, các điểm đến trong khu vực cũng nhận được phản hồi tích cực từ khách du lịch. Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch, đặc biệt vào ban đêm 1 , 22 . Các nghiên cứu thực địa và tài liệu trước đây ghi nhận rằng mức độ an toàn tại khu vực này khá cao 23 , 24 . Điều này phản ánh nỗ lực từ chính quyền địa phương trong việc duy trì môi trường an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, góp phần củng cố hình ảnh điểm đến thân thiện và đáng tin cậy.

Nhằm đảm bảo môi trường du lịch an toàn và hấp dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 4/9/2013, đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều biện pháp cải thiện quản lý môi trường du lịch. Đây không chỉ là nhiệm vụ ngắn hạn mà còn là chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng điểm đến. Trong bối cảnh phát triển du lịch đêm, việc đảm bảo an toàn trở thành yếu tố then chốt, tạo cảm giác an tâm cho khách du lịch. Theo các nhà quản lý du lịch địa phương, an ninh luôn được ưu tiên hàng đầu và thực tế cho thấy số lượng sự cố ảnh hưởng đến khách du lịch là rất ít.

Nhiều nghiên cứu trước đây nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn điểm đến đối với mức độ hài lòng và ý định quay lại của khách du lịch 1 , 2 , 25 . Tại Việt Nam, các nghiên cứu về sự hài lòng với điểm đến như Hội An, Huế, Đà Nẵng và các khu vực du lịch nông thôn đều cho thấy an ninh là yếu tố quan trọng quyết định trải nghiệm tổng thể 26 , 27 . Điều này cũng áp dụng đối với du lịch đêm tại Duyên hải Nam Trung Bộ. Ruan và cộng sự (2023) nhấn mạnh rằng điểm đến cần tập trung vào an toàn, sự tiện lợi và trải nghiệm giải trí trong không gian du lịch đêm 28 , 29 . Điều này có thể được thực hiện thông qua các biện pháp an ninh tăng cường và quy hoạch không gian hợp lý 29 , 30 . Ngoài ra, việc đa dạng hóa các hoạt động giải trí, tổ chức các chương trình tương tác hấp dẫn, đặc biệt dành cho giới trẻ, sẽ nâng cao sự hấp dẫn của du lịch đêm 2 , 31 .

Hệ thống giao thông công cộng tại khu vực cũng nhận được phản hồi tích cực từ khách du lịch. Các phương tiện như xe buýt, taxi truyền thống, taxi công nghệ và xe ôm xuất hiện rộng rãi tại hầu hết các điểm du lịch 23 . Trên đảo Lý Sơn, khảo sát thực địa ghi nhận sự hiện diện của taxi, xe điện và dịch vụ cho thuê xe máy, giúp khách du lịch di chuyển thuận lợi ngay cả vào ban đêm. Các khu vực khác trong vùng cũng đảm bảo cung cấp các phương tiện di chuyển phù hợp, đặc biệt là taxi và xe máy cho thuê. Nhiều nghiên cứu trước đây khẳng định vai trò quan trọng của giao thông đối với sự phát triển du lịch 29 , 32 . Hiểu rõ cách thức khách du lịch sử dụng hệ thống giao thông có thể giúp nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến. Các yếu tố như khả năng tiếp cận, chất lượng dịch vụ, giá trị cảm nhận và hình ảnh điểm đến đều có tác động đến sự hài lòng của khách du lịch.

Hệ thống ngân hàng và điểm rút tiền tự động (ATM) trong khu vực khá đáp ứng nhu cầu tài chính của khách du lịch. Hầu hết các ngân hàng cung cấp dịch vụ rút và nạp tiền tại ATM, đồng thời hỗ trợ giao dịch quốc tế nhằm phục vụ khách du lịch nước ngoài. Mặc dù ngân hàng hoạt động theo giờ hành chính, nhưng hệ thống ATM mở cửa 24/7, mang lại sự tiện lợi đáng kể.

Tuy nhiên, một số yếu tố khác chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của khách du lịch, bao gồm hệ thống cửa hàng tiện lợi 24/7, thời gian đóng cửa của trung tâm thương mại, cửa hàng và các điểm tham quan du lịch. Dù cửa hàng tiện lợi phổ biến tại các điểm du lịch lớn, nhưng tại nhiều khu vực xa trung tâm vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ khách du lịch vào ban đêm.

Thời gian hoạt động của các trung tâm thương mại, cửa hàng và điểm tham quan hiện chưa được kéo dài để hỗ trợ du lịch đêm. Theo khảo sát, phần lớn trung tâm thương mại và cửa hàng đóng cửa vào khoảng 21h đến 22h, trong khi các bảo tàng và di tích thường ngừng đón khách từ 17h. Điều này chưa thực sự thuận lợi cho việc phát triển du lịch ban đêm tại khu vực.

Trên thực tế, khoảng thời gian từ 18h00 đến 24h00 được xem là lý tưởng cho các hoạt động vui chơi, mua sắm và ẩm thực của khách du lịch 29 . Việc điều chỉnh thời gian hoạt động của các dịch vụ ban đêm không chỉ giúp gia tăng chi tiêu du lịch mà còn khuyến khích khách lưu trú lâu hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Một số địa phương đã triển khai thành công mô hình du lịch đêm. Tại Hà Nội, các tour đêm như “Huyền Thoại Tuổi Thanh Xuân” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hay “Đêm Thăng Long - Hà Nội” bằng xe đạp đã thu hút sự quan tâm lớn. Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát triển tour “Quận 1 - Sắc màu đêm”, mang đến cho khách du lịch trải nghiệm phong phú về văn hóa, giải trí và ẩm thực. Những mô hình này là minh chứng cho tiềm năng du lịch đêm và có thể được áp dụng tại Duyên hải Nam Trung Bộ.

Các hàm ý nghiên cứu

Du lịch đêm tại các đô thị vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có tiềm năng lớn. Đà Nẵng, Nha Trang và Hội An đã có sự đầu tư bài bản, trong khi các địa phương khác vẫn gặp nhiều hạn chế về hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ và sản phẩm du lịch. Để khai thác tối đa tiềm năng, cần có sự đầu tư đồng bộ về giao thông, chiếu sáng, an ninh, và các dịch vụ hỗ trợ khách du lịch tham gia du lịch đêm. Dựa trên các phát hiện này, một số hàm ý nghiên cứu được đưa ra nhằm nâng cao trải nghiệm khách du lịch và phát triển du lịch đêm:

Thứ nhất, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm cải thiện hệ thống giao thông, mở rộng và giữ gìn trật tự vỉa hè, nâng cấp hệ thống tín hiệu giao thông và tăng cường kết nối giữa các điểm đến du lịch bằng hệ thống xe điện công cộng, nhất là ở các đô thị chưa phát triển mạnh du lịch. Điều này sẽ giúp khách du lịch di chuyển thuận tiện hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Một số tuyến phố tập trung đông khách du lịch nên được xem xét chuyển thành phố đi bộ cố định để trở thành điểm đến du lịch đêm cho khách du lịch, tạo điều kiện kêu gọi đầu tư dịch vụ du lịch đêm và không gian du lịch đêm.

Thứ hai, mở rộng và nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng tại các khu vực du lịch trọng điểm, đảm bảo độ phủ rộng, ánh sáng ổn định và an toàn. Hệ thống chiếu sáng ngoài công năng cơ bản cần chú ý đến yếu tố nghệ thuật, tạo điểm nhấn về thương hiệu nhằm thu hút khách du lịch và để lại ấn tượng tốt đẹp. Các điểm du lịch như phố đi bộ, chợ đêm, bãi biển cần có hệ thống đèn trang trí bắt mắt để tạo không gian hấp dẫn hơn vào ban đêm. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật cùng ánh sáng với công nghệ hiện đại, âm nhạc cũng nên được quan tâm đầu tư tại các khu vực trung tâm, tập trung đông khách du lịch.

Thứ hai, tuy kết quả chỉ ra yếu tố chiếu sáng được đánh giá tốt nhưng cần phải tiếp tục được cải thiện. Cơ quan quản lý địa phương cần mở rộng và nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng tại các khu vực du lịch trọng điểm, đảm bảo độ phủ rộng, ánh sáng ổn định và an toàn. Hệ thống chiếu sáng ngoài công năng cơ bản cần chú ý đến yếu tố nghệ thuật, tạo điểm nhấn về văn hóa địa phương, thương hiệu điểm đến nhằm thu hút khách du lịch và để lại ấn tượng tốt đẹp. Các điểm du lịch như phố đi bộ, chợ đêm, bãi biển cần có hệ thống đèn trang trí bắt mắt để tạo không gian hấp dẫn hơn vào ban đêm. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật cùng ánh sáng với công nghệ hiện đại, âm nhạc cũng nên được quan tâm đầu tư tại các khu vực trung tâm, tập trung đông khách du lịch.

Thứ ba, tăng cường an ninh và giám sát thông qua việc bố trí thêm lực lượng an ninh, lắp đặt nhiều camera giám sát hơn tại các khu vực đông khách du lịch. Đồng thời, xây dựng các đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch khi có sự cố xảy ra để tăng cảm giác an toàn. Cần ứng dụng công nghệ để phát triển các trung tâm du lịch thông minh, Chatbox với sự hỗ trợ của AI nhằm kịp thời hỗ trợ, cung cấp thông tin cho khách du lịch.

Thứ tư, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ như mở thêm ATM, cửa hàng tiện lợi, nhà vệ sinh công cộng và bãi đỗ xe tại các khu vực có hoạt động du lịch đêm. Ngoài ra, cần có các phương tiện giao thông công cộng hoạt động muộn hơn hoặc triển khai dịch vụ xe điện chở khách tại các điểm du lịch đêm, nhất là các địa phương chưa phát triển về du lịch. Các phương án bố trí xe đạp thông minh cũng nên được xem xét trong bối cảnh hỗ trợ khách du lịch tham quan và đi dạo khoảng cách ngắn vào ban đêm. Khi có thêm các dịch vụ hỗ trợ này, khách du lịch sẽ cảm thấy thuận tiện hơn và kéo dài thời gian tham quan đêm hơn.

Thứ năm, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiện nay, giờ đóng cửa các điểm tham quan, mua sắm còn hạn chế đối với phát triển du lịch đêm. Do đó, các địa phương cần có chính sách kéo dài thời gian mở cửa của các địa điểm này. Bên cạnh đó, việc tạo ra các trải nghiệm du lịch về đêm thú vị cũng có thể thu hút khách du lịch. Thông qua ứng dụng các công nghệ như thực tế ảo, thực tế tăng cường, kết hợp cùng âm thanh sống động, điểm tham quan sẽ trở nên thu hút hơn trong không gian đêm. Hiện nay, việc đầu tư này trong vùng còn rất hạn chế.

Kết luận

Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm tại các đô thị vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, từ đó đề xuất các hàm ý nghiên cứu nhằm nâng cao trải nghiệm khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch này. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định mức độ đáp ứng của các yếu tố hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ, đồng thời tìm ra những điểm mạnh cũng như hạn chế còn tồn tại. Phương pháp nghiên cứu bao gồm khảo sát thực địa tại các địa phương trong khu vực và điều tra bằng bản hỏi đối với khách du lịch.

Kết quả khảo sát thực địa cho thấy sự chênh lệch rõ rệt về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch đêm giữa các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Trong khi các thành phố lớn như Đà Nẵng, Nha Trang có hệ thống giao thông, chiếu sáng, an ninh và dịch vụ tiện ích phát triển tốt, thì nhiều địa phương khác như Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận vẫn còn hạn chế về kết nối giao thông, bãi đỗ xe, an ninh ban đêm và các dịch vụ hỗ trợ, ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm của khách du lịch và sự phát triển của du lịch đêm tại khu vực.

Kết quả khảo sát đối với khách du lịch nội địa cho thấy trong số bảy yếu tố được đánh giá, có bốn yếu tố nhận được phản hồi tích cực từ khách du lịch, bao gồm hệ thống đèn đường và chiếu sáng với mức độ phủ sóng tương đối tốt tại các điểm du lịch chính, hệ thống giao thông công cộng với sự hiện diện của nhiều loại hình phương tiện như xe buýt, taxi truyền thống, taxi công nghệ và xe ôm giúp khách du lịch di chuyển thuận tiện, sự sẵn có của ngân hàng và điểm rút tiền tự động (ATM) đáp ứng nhu cầu thanh toán và cuối cùng là yếu tố an ninh, an toàn nhờ sự có mặt của lực lượng chức năng cũng như hệ thống camera giám sát tại một số khu vực trọng điểm. Ba yếu tố còn lại nhận được đánh giá trung lập hoặc mức độ đáp ứng bình thường, bao gồm hệ thống cửa hàng tiện ích 24/7 tuy có mặt ở một số khu vực nhưng chưa đồng đều, gây bất tiện cho khách du lịch; giờ đóng cửa của các trung tâm thương mại, cửa hàng thường kết thúc sớm, làm hạn chế trải nghiệm mua sắm vào ban đêm; và giờ đóng cửa của các điểm tham quan du lịch chưa thực sự phù hợp với nhu cầu khám phá về đêm của khách du lịch. Từ những phát hiện trên, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý nghiên cứu nhằm cải thiện và phát triển du lịch đêm, bao gồm nâng cấp hạ tầng giao thông và chiếu sáng, mở rộng dịch vụ hỗ trợ và tăng cường an ninh.

Nghiên cứu này vẫn còn một số hạn chế, bao gồm: phạm vi khảo sát chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn và một số địa điểm trọng điểm, chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tại các địa phương kém phát triển hơn; nghiên cứu chủ yếu dựa trên phản hồi của khách du lịch mà chưa xem xét sâu về góc nhìn của doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc phát triển du lịch đêm; nghiên cứu này chỉ tập trung khảo sát khách du lịch nội địa, do đó chưa phản ánh đầy đủ góc nhìn của khách du lịch quốc tế, những người có thể có kỳ vọng, nhu cầu và hành vi trải nghiệm du lịch đêm khác biệt. Các nghiên cứu tiếp theo nên mở rộng phạm vi khảo sát để so sánh sự khác nhau giữa hai nhóm khách du lịch, từ đó đưa ra các đề xuất phát triển phù hợp hơn. Ngoài ra, trong tương lai, các nghiên cứu tiếp theo cũng có thể khai thác các phương pháp nghiên cứu khác cũng như mở rộng phạm vi khảo sát đến nhiều địa phương hơn, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về tác động kinh tế của du lịch đêm đối với từng khu vực nhất là tác động đến cộng đồng địa phương.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số B2023-18b-06.

Xung đột lợi ích

Tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này

Đóng góp của tác giả

Tác giả Nguyễn Thị Vân Hạnh: Định hướng cấu trúc bài viết, viết phần đặt vấn đề, tổng quan nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, hoàn thiện bản thảo.

Tác giả Trần Tuyên: Viết phần tóm tắt, kết luận, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và thảo luận, hoàn thiện bản thảo.

References

  1. Chen N., Wang Y., Li J., Wei Y., Yuan Q.. Examining Structural Relationships among Night Tourism Experience, Lovemarks, Brand Satisfaction, and Brand Loyalty on “Cultural Heritage Night” in South Korea. Sustainability 2020, Vol 12, Page 6723 [Internet]. 2020 Aug 19 [cited 2023 Oct 28]. Sustainability. 2020;12(17):6723. Google Scholar
  2. Jiang Y., Hong F.. Examining the relationship between customer-perceived value of night-time tourism and destination attachment among Generation Z tourists in China. Tourism Recreation Research [Internet]. . 2023;48(2):220-233. Google Scholar
  3. Chenli G.. Research on Promoting Night Tourism and Night Economic Development in Guilin City. E3S Web of Conferences. . 2021;292:02015. Google Scholar
  4. V. Pogodina I., AA Kislina. Night Tourism Development: Advantages and Disadvantages. Tourism law and economics. . 2024;15:26-30. Google Scholar
  5. Giordano E.. Outdoor lighting design as a tool for tourist development: the case of Valladolid. European Planning Studies. 2018;26(1):55-74. Google Scholar
  6. Eldridge A., Smith A.. Tourism and the night: towards a broader understanding of nocturnal city destinations. Journal of Policy Research in Tourism, Leisure and Events. 2019;11(3):371-9. Google Scholar
  7. Zhang R., Chen S., Xu S., Law R., Zhang M.. Research on the Sustainable Development of Urban Night Tourism Economy: A Case Study of Shenzhen City. Frontiers in Sustainable Cities. 2022;12(4):. Google Scholar
  8. Kim S.M., Lee H.. Conceptualization and application model of night tourism using aesthetics theory. The Tourism Sciences Society of Korea. 2023;47(1):47-65. Google Scholar
  9. Song H., Kim M., Park C.. Temporal Distribution as a Solution for Over-Tourism in Night Tourism: The Case of Suwon Hwaseong in South Korea. Sustainability. 2020;12(6):2182. Google Scholar
  10. Velázquez Garcia M.A.& BH. The Study of Night Tourism -: A research agenda. Revista Dimensiones Turísticas. 2020;4(6):149-58. Google Scholar
  11. Wahab S.E.A.. Trends and implications of tourism policy in Developing Countries. Trends in outdoor recreation, leisure and tourism. 2000;:103-9. Google Scholar
  12. P Trinh Thi, N Nguyen Thi Phuong, H Hoang. Factors Affecting the Development of Community-Based Night Tourism in Vietnam: A Case Study in Sapa-Lao Cai. Journal of Environmental Management and Tourism. 2023;14(8):3112. Google Scholar
  13. Hu H., Hou Y.. Study on Spatial Distribution and Sustainable Development of Night Tourism Resources:Take the Central Guilin as an Example. IOP Conf Ser Earth Environ Sci. . 2021;766(1):012088. Google Scholar
  14. Peng Runhua, Jing Chang. Innovative Development Strategies for “Immersive” Cultural and Tourism Night Tours from a Metaverse Perspective. Academic Journal of Business & Management. 2023;5(8):. Google Scholar
  15. Thủ tướng Chính Phủ. Quyết định số 1129/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. . 2020;:. Google Scholar
  16. Huong Tran Thi Thu. Night-Time Economy Development In Viet Nam. . 2021;:. Google Scholar
  17. Le T., Anh V., Huyen T., Ha N.. Factors Affecting Night Economy Development: A Case Study In Da Nang City, Vietnam. GeoJournal of Tourism and Geosites. . 2023;50(4):1373-81. Google Scholar
  18. P Quang Tin. An Investigation Of Domestic Tourists’ Satisfaction With Son Tra Night Market, Da Nang – Viet Nam. Ra Journal Of Applied Research. 2023;09(04):. Google Scholar
  19. Nguyen C., Ngo T., Do N., Nguyen N.. Key Factors Affecting Sustainable Tourism in the Region of South Central Coast of Vietnam. The Journal of Asian Finance, Economics and Business. 2020;7(12):977-93. Google Scholar
  20. Cong L.C., Van Chi T.T.. The Sustainability of Marine Tourism development in the South Central Coast, Vietnam. Tourism Planning & Development. . 2021;18(6):630-48. Google Scholar
  21. Pham T.T.K.. Conditions For Development Of Night Tourism Activities In Bac Lieu City, Bac Lieu Province, Vietnam.. Tra Vinh University Journal Of Science. 2022;1(46):1-11. Google Scholar
  22. Guo Q., Lin M., Meng J.H., Zhao J.L.. The development of urban night tourism based on the nightscape lighting projects-A case study of Guangzhou. . 2021;:477-81. Google Scholar
  23. Cong L.C., Chi T.T.V.. The Sustainability of Marine Tourism development in the South Central Coast, Vietnam. Tourism Planning and Development. . 2021;18(6):630-48. Google Scholar
  24. N Tien Nguyen, C Nguyen, T Loi Ngo, Do My N., N Tien Nguyen. Key Factors Affecting Sustainable Tourism in the Region of South Central Coast of Vietnam*. Journal of Asian Finance [Internet]. 2020 [cited 2024 Jan 27]. . 2024;7(12):977-93. Google Scholar
  25. Eldridge A., Smith A.. Tourism and the night: towards a broader understanding of nocturnal city destinations. Journal of Policy Research in Tourism, Leisure and Events [Internet]. 2019;11(3):379. Google Scholar
  26. Hải Lưu Thanh Đức, Giang Nguyễn Hồng. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch khi đến du lịch ở Kiên Giang. Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ [Internet]. 2011;19b:85-96. Google Scholar
  27. Hà T.T.T., Tuấn T.H., Hưng Đ.K.. Ảnh hưởng của nhân tố đẩy và kéo đến lòng trung thành của khách du lịch đối với điểm đến Hội An. Hue University Journal of Science. 2019;128(5A):147-167. Google Scholar
  28. Ruan W.Q., Jiang G.X., Li Y.Q., Zhang S.N.. Night tourscape: Structural dimensions and experiential effects. Journal of Hospitality and Tourism Management. 2023;55:108-17. Google Scholar
  29. Li R., Li Y.Q., Liu C.H., Ruan W.Q.. How to create a memorable night tourism experience: atmosphere, arousal and pleasure. Current Issues in Tourism. 2022;25(11):1817-34. Google Scholar
  30. Tian M., Zheng W., Wang N., M K.H.M., F Y.. Research on the Interactive Development of Dong Village Cultural Heritage Protection and Night Tourism: A Case Study of Huangdu Dong Village in Hunan. E3S Web of Conferences [Internet]. 2021;:. Google Scholar
  31. Chenli G., I M.S., L W.. Research on Promoting Night Tourism and Night Economic Development in Guilin City. E3S Web of Conferences [Internet]. EDP Sciences. 2021;:. Google Scholar
  32. Chuang Y.F., Hwang S.N., Wong J.Y., Der Chen C.. The attractiveness of tourist night markets in Taiwan – A supply-side view. International Journal of Culture, Tourism, and Hospitality Research. 2014;8(3):333-44. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 9 No 2 (2025)
Page No.: 3019-3029
Published: Jun 30, 2025
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i2.1115

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, H., & Tran, T. (2025). Current state of night tourism infrastructure and support services in urban areas of the South Central Coast, Vietnam. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 9(2), 3019-3029. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i2.1115

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 0 times
PDF   = 0 times
XML   = 0 times
Total   = 0 times