VNUHCM Journal of

Social Sciences and Humanities

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam since 2017

ISSN 2588-1043

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

0

Total

0

Share

The correlation between the information literacy training program and the satisfaction of students at the University of Information Technology, Viet Nam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This study aims to examine the effectiveness of information literacy training activities by determining the correlation between the students’ satisfaction and the components of the information literacy training program. The Library of the University of Information Technology, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, was chosen as the case study. The quantitative research data were collected from the responses of 104 students who had participated in information literacy classes organized by the Library from 2021 to 2024, using an online questionnaire via Microsoft Forms. The relationship between the components of the information literacy training program and students’ satisfaction was calculated by the Pearson correlation coefficient, frequency values, percentages, mean values, and standard deviations of the data collected from students through the measurements calculated and supported by SPSS (Statistical Package for the Social Sciences) software. The study results show the strong positive correlations between the satisfaction of participating students and most of the information literacy training program factors, except for the factor “Planning to organize one training session each year,” which was the only factor with no significant correlation. The research results help the Library of the University of Information Technology identify the factors that need improvement and adjustments to align with the needs and realities of information literacy training in the coming years.

Giới thiệu

Năng lực thông tin (NLTT) là một trong những lĩnh vực nghiên cứu của Khoa học Thông tin – Thư viện (TT-TV) đã và tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Các hướng nghiên cứu xoay quanh NLTT khá phong phú, bao gồm xác định nội hàm của NLTT 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , xác định nhu cầu nâng cao NLTT của người dùng tin 6 , 7 , 8 , tìm kiếm các giải pháp nâng cao NLTT cho người dùng tin thông qua các hình thức đào tạo khác nhau từ các chương trình đào tạo (CTĐT) NLTT chuyên biệt 9 , 10 , 11 , 12 đến các hình thức tích hợp, lồng ghép vào các vào các nội dung của các hoạt động trong nhà trường 9 , 13 , 14 , 15 , cũng như trong thư viện (TV) 16 , 17 , 18 .

Tổ chức ALA (American Library Association – Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ) (1989) cho rằng người có NLTT là người có thể: xác định rõ được nhu cầu thông tin của mình, định vị hay tìm kiếm và đánh giá được chất lượng thông tin, tổ chức và khai thác thông tin, sử dụng thông tin hiệu quả và có đạo đức 19 . Trong những năm qua, khái niệm NLTT đã được bổ sung nhiều nội dung và ý nghĩa, phần lớn liên quan đến phát triển năng lực ICTs (Information and Communication Technologies) cho người dùng tin 20 , 21 .

Mặc dù các vấn đề về công nghệ thường chiếm ưu thế trong nội dung các CTĐT NLTT, nhưng bản chất cốt lõi của NLTT xoay quanh các kỹ năng từ khâu tìm kiếm đến sử dụng và phát tán thông tin trong quá trình thực hiện các công việc khác nhau. Đây là những nội dung được những người làm công tác thư viện, cụ thể là những chuyên viên thư viện chuyên trách (sau đây gọi tắt là CVTV) trong các trường đại học (ĐH) chú trọng truyền đạt cho người dùng tin thông qua nhiều hình thức khác nhau từ các buổi học đơn lẻ đến các khóa học chính thức được tích hợp vào chương trình giảng dạy, gồm các khóa học, các dự án tích hợp, đào tạo trực tuyến và các khóa học độc lập 20 , 21 . Công tác đào tạo NLTT trong các thư viện đại học (TVĐH) ngày càng được chuẩn hoá và nâng cao nhằm giúp sinh viên (SV) có kỹ năng tương tác với thông tin tốt hơn trong quá trình thực hiện các hoạt động học tập, nghiên cứu ngày càng đa dạng và phức tạp của giáo dục ĐH. Định hướng đào tạo NLTT chuyển từ giảng dạy về các nguồn thông tin cụ thể sang phát triển kỹ năng tư duy phản biện liên quan đến việc sử dụng thông tin. Sự thay đổi này được thể hiện qua Bộ tiêu chuẩn NLTT dành cho giáo dục ĐH do ACRL (Association of College & Research Libraries – Hiệp hội TVĐH và TV nghiên cứu Hoa Kỳ) phát triển 22 .

Do đó, việc không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng công tác đào tạo NLTT luôn là yêu cầu được đặt ra đối với các TVĐH.

Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá mối tương quan giữa các yếu tố của CTĐT NLTT của TV với đánh giá sự hài lòng của SV đã tham gia CTĐT, từ đó xem xét các yếu tố cần cải thiện và bổ sung, điều chỉnh cho CTĐT NLTT. Các giả thuyết nghiên cứu được thiết lập gồm:

- H1: Có mối tương quan giữa thực trạng CTĐT NLTT và mức độ hài lòng của SV;

- H2: Các yếu tố cụ thể của CTĐT NLTT, chẳng hạn như nội dung CTĐT, phương pháp đào tạo,… có ảnh hưởng đáng kể đến sự hài lòng của SV.

Tổng quan tài liệu

Công tác đào tạo NLTT hiện nay được nhiều TVĐH trên thế giới triển khai với đa dạng nội dung và dưới nhiều hình thức, trong đó việc thiết kế và triển khai các CTĐT NLTT là một hình thức đòi hỏi tính chuyên nghiệp và nguồn lực lớn. Về nội dung đào tạo, có nhiều CTĐT không dừng lại ở việc hướng dẫn SV những kỹ năng liên quan đến tương tác với thông tin để thực hiện nhiệm vụ học tập mà còn hỗ trợ thực hiện nghiên cứu khoa học, nhưng vẫn đảm bảo các nội dung theo nội hàm của NLTT cũng như theo các khung, tiêu chuẩn, mô hình NLTT do nhiều tổ chức uy tín trong lĩnh vực TT-TV đề xuất.

Theo hướng dẫn về “Đặc điểm của các CTĐT NLTT minh họa từ thực tiễn tốt nhất” của ALA (2019), các TV có thể tự đề xuất nội dung đào tạo NLTT tuỳ vào nhu cầu của người dùng tin và điều kiện của TV 23 . Theo dự án của Clay và cộng sự (2000), các nội dung về NLTT hỗ trợ SV trong học tập, nghiên cứu bao gồm: xác định vấn đề nghiên cứu, tổng quan tài liệu, quản lý thông tin và dữ liệu, trích dẫn tài liệu tham khảo, hiểu biết về bản quyền và đạo đức nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới 14 . Tác giả Hemavathi và Ramesh (2020) đã xác định các nội dung NLTT như kiến thức về TV, năng lực nghiên cứu, năng lực sử dụng web và máy tính và năng lực tìm kiếm thông tin 2 . Tác giả Đỗ Văn Hùng và cộng sự (2018) đề xuất CTĐT NLTT cho SV Việt Nam với 7 mô-đun là: (1) Tổng quan về NLTT, (2) Nhận dạng nhu cầu thông tin, (3) Tìm kiếm và khai thác thông tin, (4) Thẩm định và đánh giá thông tin, (5) Sử dụng thông tin và phòng tránh đạo văn, (6) Trình bày thông tin: văn phong học thuật và phương pháp viết bài luận, (7) Tổ chức thông tin 24 . Về hình thức đào tạo, Aharony và cộng sự (2020) chỉ ra rằng đào tạo NLTT thường diễn ra dưới hình thức trực tiếp, nhưng thời gian ngắn khiến việc truyền đạt kiến thức khó khăn 25 . Zakharov và Maybee (2019) ghi nhận sự phổ biến của đào tạo trực tuyến tại ĐH Purdue 11 , trong khi Heriyanto và cộng sự (2021) tập trung vào trải nghiệm học tập từ xa của SV Indonesia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 15 . Fernández-Ramos (2019) đã nghiên cứu triển khai CTĐT NLTT trực tuyến tại các ĐH Mexico 18 ; Iqal và Idrees (2022) nhận thấy rằng đào tạo trực tiếp vẫn phổ biến tại các TV y tế Pakistan 26 . Về nhân sự đào tạo, Aharony và cộng sự (2020) phát hiện rằng tại Mỹ, phần lớn CVTV có trách nhiệm chính trong đào tạo NLTT, khác biệt so với Canada, nơi ít có sự tham gia của giảng viên 25 . Iqal và Idrees (2022) nhấn mạnh vai trò quan trọng của CVTV trong đào tạo NLTT tại các cơ sở y tế ở Pakistan 26 . McGowan và cộng sự (2020) ghi nhận giảng viên được sử dụng để đào tạo NLTT cho SV chuyên ngành điều dưỡng 17 . Phương pháp thuyết trình là phương pháp chính trong đào tạo NLTT theo các nghiên cứu của Liu (2021) và Xie (2020) 9 , 10 . Dreisiebner (2019) đã nghiên cứu các khóa học trực tuyến mở quy mô lớn, nhận thấy rằng phương pháp giảng dạy chủ yếu dựa trên thông tin, còn các hoạt động hợp tác và tương tác ít được sử dụng 3 . Nghiên cứu của Sample (2020) về việc áp dụng các công nghệ học tập như thực tế tăng cường, thực tế ảo và thực tế hỗn hợp tại TVĐH Oral Roberts cũng mang lại góc nhìn mới về phương pháp đào tạo 16 . Về kiểm tra và đánh giá, Xie (2020) đề xuất thành lập nhóm TV để xây dựng kỳ thi NLTT cho SV 10 , Liu (2021) cho thấy phương pháp kiểm tra trước và sau đào tạo được áp dụng để đánh giá 9 . Tác giả Walters và cộng sự (2020) nhấn mạnh vai trò của bài tập viết và phản hồi từ SV trong đánh giá kết quả đào tạo NLTT tại Cao đẳng Manhattan 27 . Ngoài ra, về người học, Iqal và Idrees (2022) phát hiện rằng phần lớn TVĐH ở Pakistan cung cấp CTĐT NLTT cho SV năm nhất với quy mô lớn 26 . Aharony và cộng sự (2020), Liu (2021) cũng ghi nhận tương tự, với các lớp học thường được tổ chức cho số lượng SV lớn 9 , 25 . Dreisiebner (2019) tiến hành đào tạo NLTT qua khóa học trực tuyến mở rộng lớn (MOOCs) với số lượng SV đông đảo 3 . Tuy nhiên, một số nghiên cứu như của Liu (2021) tập trung vào quy mô nhỏ dành cho học viên sau ĐH với các nội dung đào tạo nâng cao 9 . Như vậy, các TVĐH sẽ tổ chức lớp học NLTT với quy mô khác nhau tùy theo điều kiện, nhu cầu, tập trung vào đối tượng chính là SV, nhưng cũng mở rộng cho các học viên sau ĐH khi cần thiết.

Bên cạnh đó, theo gợi ý từ tổ chức ALA (2019), quá trình tổ chức triển khai thực hiện đào tạo NLTT nên bao gồm các yếu tố như: lập kế hoạch; chuẩn bị nguồn lực và quy định/chính sách; truyền thông, quảng bá; tổ chức thực hiện; và đánh giá, tổng kết CTĐT NLTT. Tuy nhiên, việc tổ chức CTĐT NLTT không nhất thiết phải có đầy đủ tất cả các yếu tố này, vì còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng TVĐH hoặc các cơ sở giáo dục khác nhau, cũng như tùy thuộc vào hình thức đào tạo được áp dụng 23 . Tác giả Huỳnh Thị Trúc Phương (2010) cho rằng vì tổ chức CTĐT NLTT không bắt buộc, không có những chính sách quy định về quyền lợi, trách nhiệm của người học nên tình trạng đăng ký nhưng không tham dự xảy ra khá nhiều, điều này dẫn đến việc kiểm soát số lượng SV đăng ký tham gia gặp nhiều khó khăn 28 . Ngoài ra, nghiên cứu của Lê Thị Nga (2018) cho thấy khi xây dựng CTĐT NLTT, các lãnh đạo cần có tầm nhìn tích cực, coi NLTT là môn học bắt buộc, đồng thời ưu tiên chính sách, cơ sở vật chất (CSVC) và ngân sách để triển khai hiệu quả 29 .

Các nghiên cứu về CTĐT NLTT dành cho SV hiện nay chủ yếu ở các quốc gia phát triển được thực hiện bài bản với nhiều yếu tố đa dạng, mới mẻ của CTĐT và có nhiều nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo mới xuất hiện những năm gần đây. Điều đó thể hiện vai trò và tầm quan trọng của CVTV ở môi trường học thuật đã nâng cao và không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu của người học tại các cơ sở giáo dục ĐH.

Kết quả của tổng quan tài liệu cho thấy CTĐT NLTT bao gồm 02 nhóm yếu tố. Thứ nhất, các yếu tố phản ánh những thành tố của CTĐT NLTT gồm: nội dung CTĐT, hình thức đào tạo, nhân sự đào tạo, người học, phương pháp đào tạo, kiểm tra và đánh giá. Thứ hai, các yếu tố phản ánh những hoạt động tổ chức CTĐT NLTT gồm có: (1) lập kế hoạch, (2) chuẩn bị nguồn lực và quy định/chính sách, (3) truyền thông và quảng bá, (4) tổ chức thực hiện, (5) đánh giá, tổng kết CTĐT NLTT. Theo đó, trong nghiên cứu này, chất lượng của CTĐT NLTT được xem xét qua mối tương quan giữa mức độ hài lòng của SV đối với các yếu tố vừa nêu.

Phương pháp nghiên cứu

Thư viện Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TV Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM) được chọn làm trường hợp nghiên cứu. Đơn vị này đã tổ chức các CTĐT NLTT từ năm 2020 đến nay và thu hút nhiều SV tham dự. Thống kê trong giai đoạn từ 2021 đến 2024 đã có 497 SV đã tham gia CTĐT 30 . Nội dung khung CTĐT của TV được thiết kế với thời lượng 05 tiết học, gồm: Mô-đun 1 – Kỹ thuật tìm kiếm tài nguyên thông tin trên Internet; Mô-đun 2 – Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các cơ sở dữ liệu trực tuyến; Mô-đun 3 – Xác định và đánh giá chất lượng nguồn tài nguyên thông tin; Mô-đun 4 – Vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ và “Đạo văn”; Mô-đun 5: Tìm hiểu về các chỉ số khoa học và định danh; Mô-đun 6 – Trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo. Chuyên viên thư viện và cộng tác viên (CTV) là SV đã tham gia đào tạo NLTT. CTĐT được lên kế hoạch thực hiện hằng năm, CSVC của trường được sử dụng để tổ chức, lớp học NLTT được truyền thông và tổng kết, đánh giá sau đào tạo 31 .

Để xem xét mối tương quan giữa các yếu tố của CTĐT NLTT với đánh giá sự hài lòng của SV đã tham gia CTĐT, phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng thông qua việc thu thập dữ liệu từ bản hỏi khảo sát trực tuyến của 104 SV Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM đã tham gia CTĐT NLTT từ năm 2021 đến 2024. Vì giai đoạn này CTĐT gần như không thay đổi nên đảm bảo SV thực hiện khảo sát được tham gia các CTĐT gần giống như nhau. Cụ thể, bản hỏi được thiết kế bằng ứng dụng Microsoft Forms với các biến khảo sát về thực trạng các yếu tố của CTĐT NLTT (xem Table 1 ). Đối với SV đã tham gia CTĐT NLTT từ 2021 đến 2023, tác giả gửi link bản hỏi qua Email cá nhân SV đã đăng ký, trong đó, đối với một số SV đã ra trường, tác giả gửi qua mạng xã hội Facebook, Zalo,… SV tham gia năm 2024 được gửi trực tiếp sau khi kết thúc buổi đào tạo qua Email, Zalo,… Thời gian thực hiện khảo sát từ cuối tháng 02/2024 đến tháng 03/2024 kết quả thu được 104 câu trả lời của SV. Trong đó, thang đo Likert 5 được sử dụng để đo lường mức độ hài lòng của SV đối với các yếu tố gồm (1) Hoàn toàn không hài lòng, (2) Không hài lòng, (3) Bình thường, (4) Hài lòng, (5) Hoàn toàn hài lòng 32 . Khi ấy, giá trị khoảng cách = (Maximum – Minimum) / n = (5-1)/5 = 0,8. Với các mức ý nghĩa: (1) 1.00 – 1.80: Hoàn toàn không hài lòng; (2) 1.81 – 2.60: Không hài lòng; (3) 2.61 – 3.40: Bình thường; (4) 3.41 – 4.20: Hài lòng và (5) 4.21 – 5.00: Hoàn toàn hài lòng 33 .

Dữ liệu thu được từ bản hỏi được tải xuống file Excel của Microsoft Forms, sau đó được nhập vào phần mềm SPSS (Statical Package for Social Sciences), điều chỉnh, mã hóa các biến và làm sạch dữ liệu trước khi bắt đầu phân tích. Nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả để thống kê như tần số (N), tỷ lệ phần trăm (%) của đặc điểm mẫu khảo sát và thống kê suy luận bằng phân tích tương quan Pearson cho kết quả nghiên cứu chính.

Table 1 Mã hóa các biến

Đặc điểm của mẫu khảo sát

Người tham gia khảo sát bao gồm SV từ tất cả các ngành đào tạo của Trường đã từng theo học các CTĐT NLTT. Trong đó, SV ngành “Công nghệ thông tin” chiếm tỷ lệ cao nhất với 15,4%, trong khi ngành “Trí tuệ nhân tạo” có tỷ lệ thấp nhất với 1,9%, do đây là ngành mới mở vào năm 2022 (xem Table 2 ).

Table 2 Tần suất và phần trăm sinh viên thực hiện khảo sát theo ngành học

Về độ tin cậy thang đo được sử dụng trong đánh giá các yếu tố của CTĐT NLTT

Từ kết quả kiểm định, những nội dung có kết quả với giá trị hệ số Cronbach’s Alpha ≥ 0,8 được lựa chọn. Đây là mức đảm bảo độ tin cậy cao 32 . Bên cạnh đó, các biến đo lường có hệ số tương quan biến tổng Corrected Item – Total Correlation ≥ 0,3 là các biến đạt yêu cầu 34 . Kết quả hệ số Cronbach’s Alpha về đánh giá sự hài lòng của SV là:

Trong đó, giá trị hệ số Cronbach’s Alpha: Từ 0,8 đến gần bằng 1 – thang đo lường rất tốt; Từ 0,7 đến gần bằng 0,8 – thang đo lường sử dụng tốt; Từ 0,6 trở lên – thang đo lường đủ điều kiện 32 . Kết quả phân tích hệ số tương quan biến tổng của các biến về thực trạng triển khai CTĐT và đánh giá hài lòng của SV đã tham dự về CTĐT NLTT của TV (xem Table 3 ):

Table 3 Tương quan biến tổng các thang đo về CTĐT NLTT và sự hài lòng của SV

Kết quả từ Table 3 cho thấy thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha (≥ 0,7) và hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item-Total Correlation) (≥ 0,3) đều đạt yêu cầu, không có biến nào cần loại bỏ.

Kết quả nghiên cứu

Theo Gayen (1951), ở lĩnh vực thống kê, các nhà nghiên cứu thường sử dụng hệ số tương quan Pearson (ký hiệu là “r”) để đo lường mức độ chặt chẽ của mối quan hệ tuyến tính giữa hai biến định lượng. Tuy nhiên, khi một hoặc cả hai biến không phải là biến định lượng (ví dụ: biến định tính hoặc biến nhị phân) thì việc áp dụng phân tích tương quan Pearson sẽ không phù hợp 35 . Phân tích tương quan chỉ áp dụng cho các biến định lượng và gồm ít nhất ba yếu tố quan trọng trong mối liên hệ giữa các biến là “Strength”, độ mạnh hoặc yếu của tương quan đó (căn cứ vào hệ số tương quan mẫu, được biết với kí hiệu “r”); “Type”, dạng tương quan giữa các biến, gồm: tương quan tuyến tính (linear correlation) và tương quan phi tuyến (nonlinear correlation); “Direction” là hướng của tương quan, gồm: tương quan thuận hay còn gọi là tương quan dương (positive, r > 0 < 1), tương quan nghịch hay tương quan âm (negative, -1 < r < 0) và không tương quan (none, r = 0) 36 .

Trong nghiên cứu này, mối liên hệ tương quan giữa các cặp biến về các yếu tố của CTĐT NLTT cho SV đã được phân tích qua các mục hỏi bao gồm 16 biến (xem Table 1 ). Tất cả các câu hỏi về đánh giá thực trạng CTĐT NLTT và sự hài lòng của SV được kiểm định độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha và kết quả đạt 0,963 (>0,8), cho thấy thang đo này có độ tin cậy cao, như đã được trình bày trong phần phương pháp nghiên cứu.

Table 4 Giá trị trung bình (Mean) và độ lệch chuẩn (Std. Deviation) đánh giá hài lòng của sinh viên về các yếu tố chương trình đào tạo năng lực thông tin của Thư viện Trường

Về sự hài lòng chung của SV về CTĐT NLTT đã tham dự (HL01, Mean = 4,04) có thể thấy ở mức “Hài lòng”. Trong đó, “Năng lực và sự hỗ trợ của CVTV, CTV” (TT03, Mean = 4,27) và “Khóa học giúp SV nâng cao NLTT của bản thân (TT15, Mean = 4,21) ở mức “Hoàn toàn hài lòng”. Còn tất cả các yếu tố còn lại đều ở mức “Hài lòng” với độ lệch chuẩn không quá đáng kể (xem Table 4 ).

Kết quả phân tích các yếu tố có tương quan mật thiết đến sự hài lòng của SV và công tác triển khai CTĐT NLTT của TV mà SV đã tham dự cho thấy: TT01 và HL01 có giá trị Sig. < 0,01, hệ số tương quan r = 0,351** [1], có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 99%; Về TT02 và HL01 có giá trị Sig. < 0,01, hệ số tương quan r = 0,360**, điều này cho thấy có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 99%; Tương tự, TT03 và HL01 có giá trị Sig. < 0,01, và hệ số tương quan r = 0,360**, có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 99%; TT04 và HL01 có giá trị Sig. < 0,01 và hệ số tương quan r = 0,295**, có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 99%; TT05 và HL01 có giá trị Sig. < 0,01, hệ số tương quan r = 0,209**, có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 99%; TT07 và HL01 có giá trị Sig. < 0,01 và hệ số tương quan r = 0,324**, có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 99%; TT13 và HL01 có giá trị Sig. < 0,01, và hệ số tương quan r = 0,379**, cho thấy có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 99%; TT15 và HL01 có giá trị Sig. < 0.01, hệ số tương quan r = 0,323**, điều này cho thấy có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy lên đến 99%. TT14 và HL01 với giá trị Sig. < 0.01, r = 0,362**, điều này cho thấy có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy lên đến 99%; TT08 và HL01 có giá trị Sig. < 0,01 và hệ số tương quan r = 0,218* [2], có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy lên đến 95%; TT12 và HL01 có giá trị Sig. < 0,01 và hệ số tương quan r = 0,221*, điều này cho thấy có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 95%; TT11 và HL01 có giá trị Sig. = 0,04 < 0.05, r = 0,280** cho thấy một mối tương quan không quá mạnh; Riêng hai biến TT06 (r = 0,274**, Sig. = 0,05) và TT09 (r = 0,193*, Sig. = 0,049) đều có mối quan hệ tuyến tính với sự hài lòng của SV. Mặc dù hệ số tương quan của hai biến đều không cao (cho thấy mối quan hệ yếu), nhưng cả hai đều có giá trị Sig. ≤ 0,05, nghĩa là mối quan hệ này có ý nghĩa thống kê. Do đó, có thể kết luận: TT06 và TT09 đều có mối quan hệ tuyến tính có ý nghĩa thống kê với sự hài lòng của SV.

  • [1] Ký hiệu ** cho biết rằng cặp biến này có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 99% (tương ứng mức ý nghĩa 1% = 0,01).

  • [2] Ký hiệu * cho biết rằng cặp biến này có sự tương quan tuyến tính ở mức tin cậy đến 95% (tương ứng mức ý nghĩa 5% = 0,05).

Table 5 Phân tích tương quan Pearson (từ nhóm yếu tố TT01-TT08)

Kết quả phân tích tương quan Pearson từ dữ liệu (xem Table 5Table 6 ) đã thể hiện được mối quan hệ mạnh mẽ giữa các yếu tố liên quan đến quá trình giảng dạy và tổ chức triển khai thực hiện lớp học NLTT trong thực tế của TV Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM. Sự phối hợp và bổ trợ giữa các yếu tố này có thể ảnh hưởng tích cực đến trải nghiệm trong quá trình tham gia học tập lớp học NLTT của SV về CTĐT NLTT của TV Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM đã triển khai các năm qua. Tuy nhiên, trong các yếu tố về thực trạng triển khai CTĐT NLTT của TV không có mối quan hệ tương quan hay ảnh hưởng đến sự hài lòng về CTĐT đã tham dự của SV vì có giá trị Sig. > 0,05 là TT10, biến này có giá trị Sig. = 0,241; Yếu tố này biểu hiện việc SV đánh giá sự hài lòng về CTĐT NLTT đã tham dự phần lớn không dựa vào hoặc có rất ít sự hài lòng được đánh giá dựa trên đây.

Table 6 Phân tích tương quan Pearson (từ nhóm yếu tố TT09-TT15)

Kết quả nghiên cứu cho thấy giả thuyết H1 và H2 đã xảy ra, có thể suy ra rằng, để tăng cường sự hài lòng từ SV và hiệu quả của các CTĐT NLTT, TV Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM cần chú trọng cải thiện các mặt gồm chất lượng nội dung bài giảng, việc cung cấp tài liệu và nguồn thông tin cho lớp học để SV có thể tham khảo trước, nâng cao năng lực và sự hỗ trợ từ CVTV; cải thiện điều kiện CSVC, công tác truyền thông, quy trình tổ chức thực hiện lớp học, phương pháp kiểm tra và đánh giá, cũng như mối quan hệ giữa khóa học và sự phát triển NLTT của bản thân mỗi SV. Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết các yếu tố của CTĐT đều có ảnh hưởng đến sự hài lòng của SV theo mức độ tương quan mạnh hay yếu. Tuy nhiên, chỉ có kế hoạch mỗi năm tổ chức một đợt đào tạo là không có tương quan với sự hài lòng của SV.

Thảo luận

Kết quả phân tích tương quan đã cho thấy mối quan hệ giữa các yếu tố của CTĐT NLTT và mức độ hài lòng của SV đã từng tham gia CTĐT này. Kết quả nghiên cứu thể hiện những yếu tố cụ thể trong CTĐT đã ảnh hưởng đến sự hài lòng của SV như: nội dung bài giảng, năng lực của CVTV và CTV, thời lượng, hình thức và phương pháp đào tạo, tài liệu và nguồn thông tin, hình thức khen thưởng cho SV tham gia tốt, phương pháp kiểm tra và đánh giá sau đào tạo. Từ đây, có thể xác định các khía cạnh cần được cải thiện của CTĐT NLTT tại TV Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM. Kết quả của nghiên cứu này có ý nghĩa tương đồng với nghiên cứu của Iqal và Idrees (2022) khi cho thấy mối tương quan rõ ràng đối với các yếu tố liên quan đến nội dung bài giảng, tài liệu cung cấp, năng lực và sự hỗ trợ của CVTV, cùng điều kiện CSVC, truyền thông, quy trình tổ chức lớp học, phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá. Có thể thấy rõ rằng những yếu tố này không chỉ phù hợp với những nội dung của các khung và mô hình đào tạo NLTT được các tổ chức uy tín như ALA khuyến nghị, mà còn cho thấy tính hiệu quả của quá trình triển khai và tổ chức đào tạo tại TV trong việc nâng cao trải nghiệm học tập và mức độ hài lòng của SV.

Điều đáng chú ý là các yếu tố về nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo có tương quan cao với sự hài lòng của SV. Đây là những yếu tố được coi là quan trọng của một CTĐT NLTT, Aharony và cộng sự (2020), Liu (2021) và kết quả xác nhận sự tương quan này phù hợp với nhận định đã được phản ánh trong nghiên cứu của Dreisiebner (2019). Ngoài ra, các kết quả từ nghiên cứu cũng cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị đầy đủ các yếu tố của quá trình tổ chức triển khai CTĐT NLTT. Theo ALA (2019), các giai đoạn từ lập kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực, truyền thông, cho đến tổ chức và đánh giá đều cần thiết 23 . Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố như quy trình đăng ký và tổ chức lớp học đều ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của SV khi có sự minh bạch, hỗ trợ tốt từ phía TV. Điều này cũng được nêu rõ trong nghiên cứu của Zakharov và Maybee (2019) cũng như của Heriyanto và cộng sự (2021), khi nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức bài bản và truyền thông hiệu quả để thu hút SV tham gia các CTĐT NLTT.

Nghiên cứu cho thấy có một yếu tố là “Kế hoạch tổ chức một đợt đào tạo mỗi năm” (TT10) không có mối tương quan với sự hài lòng của SV, với giá trị Sig. > 0,05. Điều này phản ánh SV không đánh giá cao tần suất tổ chức mà tập trung nhiều hơn vào chất lượng nội dung của CTĐT NLTT, sự hỗ trợ từ CVTV và trải nghiệm học tập thực tế mà họ nhận được trong các buổi học. Kết quả này cho thấy rằng việc nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng tốt nhu cầu học tập của SV có thể quan trọng hơn việc mở rộng quy mô hay số lượng lớp học. Trong bối cảnh phát triển, đa dạng hóa phương thức giảng dạy hiện nay, việc TV Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM tập trung cải tiến những yếu tố này sẽ là một chiến lược cần thiết để nâng cao chất lượng CTĐT và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của SV trong môi trường học thuật hiện đại trong những năm sau.

Kết luận

Nghiên cứu phân tích đánh giá mối tương quan giữa các yếu tố của CTĐT NLTT với sự hài lòng của SV đã tham dự CTĐT tại TV Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM đã cho thấy đây là cách tiếp cận giúp nhận diện chất lượng của CTĐT NLTT, cụ thể là xác định được các yếu tố đã nhận được sự hài lòng và các yếu tố cần chú trọng cải tiến. Theo đó, TV và Nhà trường có căn cứ để xác định các vùng cần tập trung tìm kiếm giải pháp giúp nâng cao chất lượng công tác đào tạo NLTT cho SV.

Kết quả nghiên cứu đã thể hiện nhiều yếu tố của CTĐT NLTT có ảnh hưởng đến đánh giá sự hài lòng từ SV, ví dụ như năng lực và sự hỗ trợ của CVTV, CTV, tài liệu và thông tin được cung cấp, thời lượng, khen thưởng, khóa học giúp SV nâng cao NLTT của bản thân,... Điều này giúp TV có thể căn cứ để cải tiến các yếu tố cụ thể cho các CTĐT ở những năm tiếp theo. Ngoài ra, nghiên cứu góp phần khẳng định các yếu tố gồm nội dung đào tạo, công tác tổ chức và sự nhiệt tình của CVTV là rất quan trọng và sẽ tác động mạnh mẽ đến sự hài lòng của người dùng tin đối với CTĐT NLTT. Theo đó, đây là những yếu tố cần được các TV quan tâm gia tăng chất lượng khi tổ chức các CTĐT NLTT.

Một số hướng nghiên cứu có thể thực hiện trong tương lai gồm: mối tương quan giữa CTĐT NLTT và sự hài lòng của SV theo từng ngành học, đánh giá CTĐT NLTT có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của SV, nghiên cứu mức độ áp dụng NLTT vào công việc thực tế của SV sau đào tạo, so sánh CTĐT NLTT với một số trường trên thế giới,…

Danh mục các từ viết tắt

ALA: American Library Association – Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ

CNTT: Công nghệ Thông tin

CSVC: Cơ sở vật chất

CTĐT: Chương trình đào tạo

CTV: Cộng tác viên

CVTV: Chuyên viên thư viện

ĐH: Đại học

NLTT: Năng lực thông tin

SV: Sinh viên

TT-TV: Thông tin – Thư viện

TV: Thư viện

TVĐH: Thư viện đại học

Lời cảm ơn

Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ Luận văn Thạc sĩ “Phát triển chương trình đào tạo năng lực thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học cho sinh viên” của học viên Phan Trường Nhất dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Xung đột lợi ích

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

Đóng góp của các tác giả

- Tác giả Phan Trường Nhất thực hiện khảo sát, xử lý và phân tích dữ liệu, soạn thảo khung nội dung bài viết.

- Tác giả Nguyễn Hồng Sinh hướng dẫn thiết kế nghiên cứu, biên tập và hoàn thiện nội dung bài viết.

References

  1. Huyền Ngô Thị. Khái niệm kiến thức thông tin được hiểu như thế nào?. Tạp chí Thư viện Việt Nam. 2015;4:26-32. Google Scholar
  2. Hemavathi B.N., Ramesha B.. Information Literacy (IL) Model for Indian Higher learning environment: A practical approach to implementation of IL instruction program at University Libraries. J Indian Libr Assoc. 2020;56(4):146-55. Google Scholar
  3. Dreisiebner S.. Content and instructional design of MOOCs on information literacy: A comprehensive analysis of 11 xMOOCs. Inf Learn Sci. 2019;120(3/4):173-189. Google Scholar
  4. Chung J.Y.. A study on developing the curriculum of information literacy education for college students. J Korean Soc Inf Manag. 2015;32(3):1-20. Google Scholar
  5. College Association, Libraries Research. Association of College & Research Libraries. Framework for Information Literacy for Higher Education [Internet]. Cited 2023 Sep 4. . 2015;:. Google Scholar
  6. Batabyal G., Rath D.S.. Information literacy competency with a particular reference to information search skills among the research scholars and faculty members of the University of Burdwan: An Analytical Study. Asian J Inf Sci Technol. 2017;7(2):70-78. Google Scholar
  7. Ramaiah C., Ramya R.. Information literacy training needs of research scholars of Pondicherry University: A Survey. . 2015;:. Google Scholar
  8. Moyo M., Bangani S.. Data literacy training needs of researchers at South African universities. Global Knowledge, Memory and Communication. 2025;74(11):1-18. Google Scholar
  9. Liu G.. Information literacy instruction for international graduate engineering students: A case study at University of Windsor. J Acad Librariansh. 2021;47(5):102415. Google Scholar
  10. Xie J.. Information Literacy Instruction at the University of Macau: Challenges, Outcomes, and Lessons Learned. Portal Libr Acad. 2020;20(2):255-68. Google Scholar
  11. Zakharov W., Maybee C.. Bridging the Gap: Information literacy and learning in online undergraduate courses. J Libr Inf Serv Distance Learn. 2019;13(1-2):215-225. Google Scholar
  12. Tachie-Donkor G., Ezema I.J.. Assessment of information literacy course for undergraduate students in higher education. Information Development. 2023;:1-12. Google Scholar
  13. Diep K.C., Nahl D.. Information literacy instruction in four Vietnamese university libraries. Int Inf Libr Rev. 2011;43(4):198-206. Google Scholar
  14. Clay S.T., Harlan S., Swanson J.. Mystery to mastery: the CSU Information Competence Project. Res Strateg. 2000;17(2):157-66. Google Scholar
  15. Heriyanto Prasetyawan YY, Krismayani I.. Distance learning information literacy: Undergraduate students experience distance learning during the COVID-19 setting. Inf Dev. 2021;37(3):458-466. Google Scholar
  16. Sample A.. Using augmented and virtual reality in information literacy instruction to reduce library anxiety in nontraditional and international students. Inf Technol Libr. 2020;39(1):1-29. Google Scholar
  17. McGowan B.S.. Evaluating nursing faculty’s approach to information literacy instruction: a multi-institutional study. J Med Libr Assoc JMLA. 2020;108(3):378-88. Google Scholar
  18. Fernández-Ramos A.. Online information literacy instruction in Mexican university libraries: The librarians’ point of view. J Acad Librariansh. 2019;45(3):242-51. Google Scholar
  19. American Library Association. Presidential Committee on Information Literacy: Final Report, American Library Association. ALA. Chicago. . 1989;:. Google Scholar
  20. Spitzer K.L., Eisenberg M.B., Lowe C.A.. Information Literacy: Essential skills for the information age. . 1998. [cited 2023 Sep 4];:427. Google Scholar
  21. Kerns S.C.. Information Literacy Instruction: Theory and Practice. J Med Libr Assoc. 2002;90(3):351. Google Scholar
  22. Association of College & Research Libraries. LibGuides: Information literacy and instruction: information literacy competency standards for higher education (ACRL) -- Retired [Internet]. [cited 2023 Nov 30]. . ;:. Google Scholar
  23. Association American Library. American Library Association. Association of College & Research Libraries (ACRL). 2019 [cited 2023 Nov 26]. Characteristics of Programs of information literacy that illustrate best practices: A guideline. . ;:. Google Scholar
  24. Aharony N., Julien H., Nadel-Kritz N.. Survey of information literacy instructional practices in academic libraries. J Librariansh Inf Sci. 2020;52(4):964-71. Google Scholar
  25. Hùng Đỗ Văn, Nga Lê Thị, Thủy Nguyễn Bích. Nghiên cứu và phát triển chương trình đào tạo năng lực thông tin cho sinh viên trong kỷ nguyên số. Tạp chí Thông tin và Tư liệu. 2018;3:9-20. Google Scholar
  26. Iqal S., Idrees H.. The current status of information literacy instruction in University libraries of Pakistan. New Rev Acad Librariansh. 2022;28(3):303-20. Google Scholar
  27. Walters W.H.. A multi-method information literacy assessment program: Foundation and early results. Portal Libr Acad. 2020;20(1):101-35. Google Scholar
  28. Phương Huỳnh Thị Trúc. Công tác đào tạo kỹ năng thông tin tại Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ. Tạp chí Thư viện Việt Nam. 2010;3:19-22. Google Scholar
  29. Nga Lê Thị. Năng lực thông tin của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội [Luận văn Thạc sĩ]. . 2018;:. Google Scholar
  30. Thư viện Trường Đại học Công nghệ Thông tin. Thống kê sinh viên đã tham gia chương trình đào tạo năng lực thông tin của Thư viện Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Văn bản lưu hành nội bộ; 2024. . ;:. Google Scholar
  31. Thư viện Trường Đại học Công nghệ Thông tin. Kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn “Kỹ năng thông tin - Information literacy” năm 2024. Văn bản lưu hành nội bộ; 2024. . ;:. Google Scholar
  32. Trọng Hoàng, Ngọc Chu Nguyễn Mộng. Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. . 2005;:257. Google Scholar
  33. Aslan İ.. The Innovative Role of Social Media in Healthcare. . 2018;:123-42. Google Scholar
  34. Nunnally J.. Psychometric Theory. . 1978;:. Google Scholar
  35. Gayen A.K.. the frequency distribution of the product-moment correlation coefficient in random samples of any size drawn from Non-Normal Universes. Biometrika. 1951;38(1/2):219-47. Google Scholar
  36. Lind D.A., Marchal W.G., Wathen S.A.. Statistical techniques in business & economics. . 2012;:844. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 9 No 3 (2025)
Page No.: 3109-3120
Published: Jul 21, 2025
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i3.1085

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Phan, N., & Nguyen, S. (2025). The correlation between the information literacy training program and the satisfaction of students at the University of Information Technology, Viet Nam National University Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 9(3), 3109-3120. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i3.1085

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 0 times
PDF   = 0 times
XML   = 0 times
Total   = 0 times

Most read articles by the same author(s)