VNUHCM Journal of

Social Sciences and Humanities

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam since 2017

ISSN 2588-1043

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

102

Total

11

Share

An error analysis of indirect speech usage by Vietnamese learners of Korean language






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Against the backdrop of the elevated bilateral relations between Vietnam and South Korea to a “Comprehensive Strategic Partnership,” the demand for Korean language proficiency among Vietnamese workforce has surged. Nonetheless, Vietnamese learners of Korean language still encounter many challenges, particularly in grammar, especially indirect speech. This study aims to identify common errors made by Vietnamese learners when using this grammatical structure, thereby pinpointing the specific causes and proposing the effective solutions for these errors. To achieve this goal, the study conducted an error analysis on a large corpus of the Vietnamese learner of Korean language data collected from the National Institute of Korean Language. The research findings reveal that Vietnamese learners of Korean language make various errors in the indirect speech, primarily attributed to the interference of their native language (Vietnamese language) and the target language (Korean language). Based on the research results, this paper suggests several recommendations to address these limitations. Specifically, it is essential to enhance the comparison and contrast between the grammatical structures of the two languages, design diverse and flexible practice exercises, and prioritize the creation of real-life communication situations to enable learners to apply their acquired knowledge.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nghiên cứu về lỗi sai của người học ngoại ngữ là một lĩnh vực đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu phương Tây từ những năm 1950-1960. Những nghiên cứu tiên phong này đã đặt nền móng cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai 1 . Qua nhiều thập kỷ, các học giả đã không ngừng phân tích và thảo luận về bản chất, nguyên nhân cũng như vai trò của lỗi sai trong quá trình học ngoại ngữ. Những đóng góp đa dạng từ các góc nhìn khác nhau đã hình thành nên một số học thuyết khác nhau.

Học thuyết đầu tiên được đưa ra là thuyết phân tích tương phản (contrastive analysis hypothesis) . Theo đó, lỗi được định nghĩa là yếu tố xuất phát từ ảnh hưởng tiêu cực của ngôn ngữ mẹ đẻ trong quá trình học một ngôn ngữ mới và do đó cần phải được khắc phục. Lado cho rằng: “Những yếu tố của ngoại ngữ mà tương đồng với ngôn ngữ mẹ đẻ của người học thì đơn giản với họ, và những yếu tố khác biệt với ngôn ngữ mẹ đẻ thì khó khăn với họ” [ 2 , tr.2]. Tuy nhiên, thuyết ngôn ngữ trung gian (interlanguage hypothesis) lại đưa ra một góc nhìn khác, xem lỗi sai là một phần tự nhiên của quá trình học ngôn ngữ và là dấu hiệu cho thấy người học đang tích cực xây dựng một hệ thống ngôn ngữ mới. Lỗi sai của người học được hiểu là những cấu trúc ngôn ngữ bị “hóa thạch” 3 . Thuyết phân tích lỗi (error analysis hypothesis) , với quan điểm thực nghiệm hơn, tập trung vào việc phân tích các lỗi sai cụ thể để hiểu rõ hơn về quá trình học tập của người học. Lỗi được định nghĩa là việc sử dụng một đơn vị ngôn ngữ (từ, ngữ pháp, hành vi ngôn ngữ,...) chưa đúng hoặc thể hiện sự thiếu kiến thức theo quan điểm của một người thông thạo hoặc người bản ngữ của ngôn ngữ đó [ 4 , tr.201]. Đặc biệt, Corder đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lỗi sai ở ba điểm. Thứ nhất, lỗi sai giúp người dạy xác định người học đã đạt đến trình độ nào và cần học thêm những gì. Thứ hai, lỗi sai cung cấp dữ liệu cho các nhà nghiên cứu về cách ngôn ngữ được học và thụ đắc, về chiến lược và quy trình mà người học thực hiện để khám phá ngôn ngữ. Thứ ba, lỗi sai là điều không thể tránh khỏi và thông qua lỗi, người học có thể tìm cách khắc phục, nâng cao hiểu biết 5 .

Nghiên cứu về lỗi của người học tiếng Hàn cũng bắt đầu khá sớm, từ những năm 1980 6 . Về đối tượng người học, các nghiên cứu phân tích lỗi thường tập trung vào nhóm người học có cùng một ngôn ngữ mẹ đẻ, và người học Việt Nam là một trong những đối tượng chính của các bài viết được công bố tại Hàn Quốc (trong giai đoạn 2006-2016, số nghiên cứu đối với người học Việt Nam nhiều thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản) 7 , 8 . Bên cạnh đó, khi xem xét dữ liệu thu thập được từ Cổng dịch vụ Thông tin Nghiên cứu Học thuật Hàn Quốc (RISS), các nghiên cứu phân tích lỗi của người học Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại (2013-2023) tập trung chủ yếu vào một số nội dung nhất định như trợ từ cách, vĩ tố liên kết mà chưa có xu hướng mở rộng sang các điểm ngữ pháp khác.

Tường thuật gián tiếp là một điểm ngữ pháp phức tạp trong nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là khi so sánh giữa các ngôn ngữ thuộc các hệ ngôn ngữ khác nhau. Lê Thị Thắm đã chỉ ra sự khác biệt đáng kể giữa hệ thống hình thái tường thuật gián tiếp của tiếng Hàn và tiếng Việt. Trong khi tiếng Việt chỉ có ba hình thái, (Ø, “không/chưa/phải không” và “đi”) thì tiếng Hàn lại có đến năm hình thái (-다, -느냐, -으라, -자 và -으마), điều này chắc chắn gây ra không ít khó khăn cho người học Việt Nam 9 . Tuy nhiên, so với tiếng Trung, một ngôn ngữ cũng thuộc hệ ngôn ngữ đơn lập và có nhiều điểm tương đồng với tiếng Việt, nghiên cứu về lỗi sai của người học Việt Nam khi sử dụng tường thuật gián tiếp vẫn còn khá hạn chế.

Việc xác định chính xác các loại lỗi sai và nguyên nhân gây ra chúng sẽ giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy, từ đó nâng cao hiệu quả học tập của người học. Qua việc phân tích dữ liệu trong kho ngữ liệu người học tiếng Hàn của Viện Nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia Hàn Quốc (NIKL), nghiên cứu này nhằm xác định các loại lỗi sai thường gặp và nguyên nhân gây ra lỗi sai ở người học Việt Nam khi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp trong tiếng Hàn. Dựa trên kết quả nghiên cứu, chúng tôi sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm giúp người học khắc phục các lỗi sai này và nâng cao khả năng sử dụng tường thuật gián tiếp trong giao tiếp.

TƯỜNG THUẬT GIÁN TIẾP TRONG TIẾNG HÀN

Khái niệm tường thuật trong tiếng Hàn đã được nhiều học giả nghiên cứu và đưa ra những định nghĩa khác nhau. Theo Kim Soo-tae, hành động tường thuật là việc người nói tái hiện một phát ngôn đã xuất hiện trong một tình huống giao tiếp trước đó vào một tình huống mới với mục đích nhất định 10 . Dựa trên sự phân biệt giữa tường thuật và câu tường thuật, Seo Eun-ah tập trung vào quá trình truyền tải thông tin và cho rằng tường thuật là việc người nói chuyển tiếp lời nói hoặc văn bản của người khác đến người nghe, đồng thời có thể điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình này 11 . Trong khi đó, Lee Kwan-kyu nhấn mạnh tường thuật là phương thức truyền tải thông tin từ người nói đến người nghe nhằm làm rõ một thông tin hoặc hỗ trợ cho một luận điểm [ 12 , tr.361]. Nhìn chung, các định nghĩa về tường thuật đều tập trung vào việc truyền tải thông tin từ người nói đến người nghe.

Việc phân loại các diễn đạt tường thuật trong tiếng Hàn đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Từ quan điểm cú pháp, Nam Ki-sim đề xuất phân loại tường thuật thành trực tiếp và gián tiếp dựa trên việc lời nói được thuật lại có giữ nguyên hình thái ban đầu hay biến đổi hình thái theo chủ quan của người tường thuật 13 . Các nhà nghiên cứu khác như Lee Pil-young và Mun Suk-yeong cũng đã đưa ra những phân loại tương tự, trong đó nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc truyền tải nội dung và hình thức của lời nói 14 , 15 . Trong khi tường thuật trực tiếp tập trung vào việc giữ nguyên hình thức ban đầu, tường thuật gián tiếp lại chú trọng đến việc truyền tải nội dung một cách rõ ràng. Tiếp nối những quan điểm trước, Kang Jung-mi đã phân loại tường thuật theo ba tiêu chí: theo quan điểm câu tường thuật, theo người nói gốc và theo tính chất của tường thuật 16 . Thứ nhất, nếu quan điểm của người nói gốc vẫn được giữ nguyên khi tường thuật thì đó là tường thuật trực tiếp và nếu bị thay đổi thành quan điểm của người tường thuật thì đó là tường thuật gián tiếp. Thứ hai, tường thuật gián tiếp có thể tiếp tục được phân loại tùy vào người tường thuật đang thuật lại lời nói của người khác hay của chính mình. Thứ ba, tường thuật được phân ra thành tường thuật lời nói và tường thuật suy nghĩ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ áp dụng cách phân loại của Nam Ki-sim do tập trung vào việc phân tích các lỗi cú pháp trong quá trình sử dụng tường thuật gián tiếp. Việc phân loại này giúp đơn giản hóa quá trình phân tích và so sánh dữ liệu.

Theo NIKL, tường thuật gián tiếp trong tiếng Hàn có năm đặc điểm 17 . Thứ nhất, trong mệnh đề tường thuật không sử dụng biện pháp kính ngữ đối phương (người nghe). Thứ hai, thì của mệnh đề tường thuật được giữ nguyên và không nhất thiết phải trùng khớp với thì của câu chứa mệnh đề. Thứ ba, hệ thống vĩ tố kết thúc của mệnh đề tường thuật rất đa dạng, tùy thuộc vào loại câu đang được tường thuật, bao gồm -(ㄴ/는)다고, -(이)라고, -(느/으)냐고, -(으)라고 và -자고. Thứ tư, trong nhiều trường hợp, chủ ngữ hoặc tân ngữ của mệnh đề tường thuật có thể được lược bỏ trong phạm vi không gây nhầm lẫn về ý nghĩa. Cuối cùng, do tường thuật gián tiếp phản ánh quan điểm của người tường thuật nên các đại từ nhân xưng có thể thay đổi.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của tường thuật gián tiếp trong tiếng Hàn là hệ thống vĩ tố kết thúc đa dạng. Điều này khác biệt rõ rệt so với tiếng Việt, như Lê Thị Thắm đã chỉ ra trong nghiên cứu của mình ( Table 1 ).

Table 1 So sánh hình thái câu tường thuật gián tiếp trong tiếng Hàn và tiếng Việt 9

Theo đó, có thể thấy tường thuật gián tiếp trong tiếng Việt không phức tạp như tiếng Hàn. Phần lớn các trường hợp tường thuật gián tiếp của tiếng Việt không cần thay đổi gì về hình thái và các động từ, yếu tố phụ trợ đi kèm ít có sự khác biệt giữa các kiểu câu.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi áp dụng phương pháp phân tích lỗi dựa trên khung lý thuyết của Corder. Theo đó, quá trình phân tích lỗi được thực hiện trong bốn bước, bao gồm: (1) thu thập dữ liệu từ kho ngữ liệu người học tiếng Hàn, (2) thống kê và phân loại lỗi, (3) mô tả các lỗi, (4) giải thích nguyên nhân gây ra lỗi 5 . Dữ liệu sẽ được thu thập từ kho ngữ liệu người học tiếng Hàn của NIKL.

Kho ngữ liệu (hay khối liệu) được hiểu là những tập hợp ngôn từ, văn bản được thu thập dưới dạng dữ liệu để máy tính có thể phân tích, xử lý nhằm nghiên cứu ngôn ngữ 18 . Điểm mạnh của kho ngữ liệu này là nó cung cấp một lượng lớn dữ liệu đa dạng, bao gồm cả dữ liệu văn viết và văn nói, giúp người nghiên cứu có cái nhìn toàn diện hơn về các lỗi ngữ pháp mà người học mắc phải. Nghiên cứu ngôn ngữ dựa trên khối liệu không dựa trên trực quan của người nghiên cứu mà mang tính khách quan hơn ở chỗ nó đưa ra kết quả dựa trên sự quan sát các hiện tượng ngôn ngữ 19 . Tuy nhiên, một hạn chế của kho ngữ liệu là chưa có đầy đủ thông tin về ngữ cảnh giao tiếp, điều này có thể ảnh hưởng đến việc phân tích nguyên nhân gây ra lỗi.

NIKL đã bắt đầu xây dựng kho ngữ liệu người học tiếng Hàn từ năm 2015, đến nay đã hoàn thành ở giai đoạn 1 (2015-2020) và đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 (2021-2025). Đến tháng 12 năm 2022, kho ngữ liệu đã tổng hợp dữ liệu của người học đến từ 146 quốc gia, tương đương 101 vùng ngôn ngữ khác nhau. Kho ngữ liệu thu thập dữ liệu trong cả văn nói lẫn văn viết và bao gồm ba loại là kho ngữ liệu thô, kho ngữ liệu chú thích về hình thái và kho ngữ liệu chú thích về lỗi. Trong đó, kho ngữ liệu chú thích về lỗi là nguồn dữ liệu để thực hiện nghiên cứu này, có kích thước là 7.749 tiêu bản (token) và 1.346.015 cụm từ (type) tính đến tháng 6 năm 2023.

Nghiên cứu này phân tích lỗi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp của người học Việt Nam, do đó trước hết các điều kiện về người học trong kho ngữ liệu này được thiết lập là người học có quốc tịch Việt Nam và ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt. Ngoài ra, các thông tin về độ tuổi, trình độ, mục đích hay hoàn cảnh học tập của người học sẽ không ảnh hưởng đến đối tượng của nghiên cứu này. Theo đó, chúng tôi đã tiến hành thiết lập các điều kiện như trong Table 2 để có thể trích xuất dữ liệu lỗi sai của đối tượng người học Việt Nam.

Table 2 Điều kiện được thiết lập khi tra cứu kho ngữ liệu người học của NIKL (Nguồn: Tác giả)

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Oh Mi-yeon, ngữ pháp tường thuật gián tiếp được giảng dạy ở nhiều hình thái đa dạng tùy theo cấp độ của giáo trình và người học; tuy nhiên, các giáo trình đều xuất phát từ một điểm chung là giải thích, hướng dẫn người học hiểu và sử dụng được những vĩ tố cơ bản của tường thuật gián tiếp, đó là -(ㄴ/는)다고, -(이)라고, -(느/으)냐고, -(으)라고 và -자고 20 . Do đó, đây cũng là những từ khóa được sử dụng để tra cứu kho ngữ liệu chú thích về lỗi của người học nhằm trích xuất những lỗi liên quan đến ngữ pháp tường thuật mà người học Việt Nam mắc phải.

Chúng tôi đã trích xuất một kho ngữ liệu dựa vào các điều kiện và từ khóa trên. Kho ngữ liệu này tiếp tục được rà soát từng trường hợp để đảm bảo các lỗi được trích xuất đều có liên quan đến ngữ pháp tường thuật, không bị lẫn với lỗi của các ngữ pháp khác. Sau quá trình rà soát, kho ngữ liệu chính thức có 182 mẫu lỗi (type) liên quan trực tiếp đến ngữ pháp tường thuật gián tiếp. Dựa trên thuyết phân tích lỗi của Corder, chúng tôi đã tiến hành thống kê, sắp xếp các trường hợp lỗi và mô tả chi tiết các hiện tượng lỗi mang tính đặc trưng xuất hiện trong kho ngữ liệu, qua đó đưa ra những nguyên nhân có khả năng gây ra lỗi như được trình bày ở phần tiếp theo.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Trên cơ sở thiết lập các điều kiện liên quan đến người học như được trình bày ở trên, kết hợp với sử dụng từ khóa tìm kiếm là các vĩ tố tường thuật gián tiếp, nghiên cứu đã tổng hợp được từ kho ngữ liệu người học tiếng Hàn của NIKL 4.182 trường hợp sử dụng tường thuật gián tiếp, trong đó có 182 trường hợp mắc lỗi sử dụng ngữ pháp này, tương đương với tỷ lệ lỗi là 4,33%. Số liệu cụ thể tương ứng với từng vĩ tố tường thuật gián tiếp và từng cấp độ của người học được trình bày trong Table 3 và minh họa bằng hình 1 bên dưới.

Table 3 Mức độ sử dụng và mắc lỗi dùng vĩ tố tường thuật gián tiếp của người học Việt Nam (Nguồn: Tác giả)

Hình 1 minh họa xu hướng sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp theo từng cấp độ của người học. Khi quan sát các biểu đồ, có thể thấy ngữ pháp tường thuật gián tiếp bắt đầu được sử dụng phần lớn bởi người học ở trình độ sơ - trung cấp. Cụ thể, tần suất sử dụng ngữ pháp này tăng dần từ cấp độ 2 đến cấp độ 4, sau đó có xu hướng giảm nhẹ ở các cấp độ cao hơn. Riêng đối với trường hợp người học ở cấp 1, hầu như không ghi nhận được trường hợp nào hoặc có rất ít trường hợp sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp. Điều này có thể được lý giải bởi khung chương trình đào tạo tiếng Hàn cho người nước ngoài do NIKL công bố năm 2017. Theo khung chương trình này, ngữ pháp tường thuật gián tiếp được đưa vào giảng dạy từ cấp độ 3. Các giáo trình dạy tiếng Hàn cho đối tượng người nước ngoài thường sẽ căn cứ vào khung chương trình của NIKL để phân bổ nội dung, do đó ngữ pháp tường thuật cũng thường được giới thiệu đến người học ở giai đoạn cuối cấp độ 2 và đầu cấp độ 3 20 . Ngoài yếu tố khung chương trình, đặc điểm của ngữ pháp tường thuật gián tiếp cũng có thể ảnh hưởng đến việc người học làm quen với cấu trúc này. Ngữ pháp tường thuật gián tiếp đòi hỏi người học phải nắm vững các kiến thức về thì, cách dùng vĩ tố, và khả năng chuyển đổi câu trực tiếp thành câu gián tiếp. Do đó, người học cần có một nền tảng ngữ pháp vững chắc để có thể sử dụng thành thạo cấu trúc này.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc lỗi ở từng cấp độ người học có sự thay đổi đa dạng giữa các vĩ tố tường thuật gián tiếp. Đối với vĩ tố -(ㄴ/는)다고, kho ngữ liệu người học tiếng Hàn của NIKL ghi nhận tỷ lệ mắc lỗi khá cao ở người học cấp 1 (chiếm 20,00%) và có xu hướng giảm xuống ở những trình độ cao hơn. Hiện tượng này có khả năng xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, theo khung chương trình, người học cấp độ 1 chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về ngữ pháp tường thuật gián tiếp. Thứ hai, số lượt sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp ở giai đoạn này của người học là rất ít (tổng cả năm vĩ tố tường thuật gián tiếp chưa đến 40 lượt), do đó góp phần làm đẩy cao tỷ lệ mắc lỗi. Đáng ngạc nhiên, tỷ lệ lỗi ở các vĩ tố -(ㄴ/는)다고, -(이)라고, -(느/으)냐고 và -자고 lại tăng lên ở cấp độ cao cấp so với cấp độ trung cấp. Điều này có thể do một số nguyên nhân như mức độ phức tạp của ngữ liệu: người học cấp cao thường tiếp xúc với các văn bản phức tạp hơn, đòi hỏi họ sử dụng đa dạng các cấu trúc ngữ pháp dẫn đến việc người học mắc lỗi do áp lực trong các ngữ cảnh phức tạp. Mặt khác, sau khi đã học qua ngữ pháp tường thuật gián tiếp ở các cấp độ trước, người học cấp cao có thể quên một phần kiến thức do không thường xuyên sử dụng.

Kết quả phân tích hình 2 cho thấy vĩ tố -(ㄴ/는)다고 là dạng tường thuật gián tiếp được người học Việt Nam sử dụng phổ biến nhất (2.562 lần), tiếp theo là -(이)라고 (1.334 lần). Điều này cho thấy người học chủ yếu thuật lại các câu trần thuật. Các vĩ tố còn lại được sử dụng ít hơn đáng kể, tổng cộng chưa đến 300 lần. Về tỷ lệ sai sót, vĩ tố -자고 ghi nhận tỷ lệ cao nhất (8,33%), tiếp đến là -(ㄴ/는)다고 (5,31%) và -(으)라고 (4,61%). Ngược lại, -(느/으)냐고 và -(이)라고 có tỷ lệ sai sót thấp nhất, lần lượt là 3,06% và 2,40%.

Table 4 Loại hình lỗi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp của người học Việt Nam ở từng trình độ (Nguồn: Tác giả)

Table 4 thống kê các lỗi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp theo từng loại hình lỗi mà người học Việt Nam ở mỗi trình độ mắc phải. Có bốn hiện tượng lỗi được hiển thị trong kho ngữ liệu của NIKL là lỗi thay thế, lỗi thiếu sót, lỗi thêm vào và lỗi sai hình thái. Trong đó, lỗi thay thế là đặc điểm chính của người học Việt Nam khi sử dụng ngữ pháp tường thuật với 86 mẫu (47,25%). Điều này cho thấy người học Việt Nam khi chưa sử dụng thành thạo tường thuật gián tiếp sẽ có xu hướng thay thế tường thuật gián tiếp bằng những ngữ pháp, cách diễn đạt khác mà đối với họ có thể là đơn giản hoặc quen thuộc hơn. Lỗi thiếu sót lỗi thêm vào và lỗi sai hình thái được ghi nhận ở mức độ thấp hơn với lần lượt 8 mẫu (4,40%), 6 mẫu (3,30%) và 36 mẫu (19,78%) cũng góp phần thể hiện người học còn chưa nắm vững cách sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp về cả hình thái lẫn chức năng. Ngoài ra, có đến hơn 25% các lỗi chưa được phân loại cụ thể, cho thấy sự đa dạng và phức tạp của các lỗi sai mà người học Việt Nam mắc phải. Xét theo cấp độ, đa phần các trường hợp người học mắc lỗi đều ở cấp 3-4 (trung cấp) và có xu hướng giảm khi lên cấp 5-6 (cao cấp), tuy nhiên mức giảm này không đáng kể. Theo đó, người học mặc dù đã có sự cải thiện nhằm sử dụng tường thuật gián tiếp chính xác nhưng vẫn còn mắc nhiều lỗi.

Thông qua việc tổng hợp và thống kê dữ liệu từ kho ngữ liệu người học tiếng Hàn của NIKL, nghiên cứu đã cho thấy một số đặc điểm trong việc sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp, cũng như đặc điểm về lỗi sai liên quan đến ngữ pháp này của người học Việt Nam. Thứ nhất, người học Việt Nam có xu hướng bắt đầu sử dụng tường thuật gián tiếp từ cuối cấp 2, tăng dần trong cấp 3 và 4, sau đó giảm xuống ở các cấp cao hơn, phản ánh ảnh hưởng của khung chương trình đào tạo. Thứ hai, trong số các loại câu, người học Việt Nam tường thuật câu trần thuật nhiều nhất, thể hiện qua tần suất sử dụng của hai vĩ tố tường thuật -(ㄴ/는)다고 và -(이)라고. Thứ ba, khi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp, người học Việt Nam thường mắc lỗi thay thế nhiều hơn các lỗi khác. Phần sau của nghiên cứu tiếp tục phân tích các hiện tượng lỗi cụ thể xuất hiện trong kho ngữ liệu và đưa ra nguyên nhân.

Lỗi thay thế

Như được trình bày trong bảng 4, lỗi thay thế xảy ra khá phổ biến đối với người học Việt Nam khi sử dụng ngữ pháp tường thuật và loại hình lỗi này xuất hiện ở tất cả các cấp của trình độ người học.

(1) a. 그리고 실수하면 바로 “죄송합니다” * 말다고 ( ü 라고 ) 합니다.

b. 또는 잘못 없을 때도 항상 먼저 “죄송합니다” “미안합니다” * 말다고 ( ü 라고 ) 자주 합니다.

Ví dụ (1) là những câu chứa lỗi của người học Việt Nam trình độ trung cấp (cấp 4). Thông qua việc đặt hai câu “죄송합니다” và ‘미안합니다” trong dấu ngoặc kép, có thể thấy người học có ý định sử dụng tường thuật trực tiếp để thuật lại chính xác hình thức của lời nói. Tuy nhiên, thay vì dùng vĩ tố tường thuật trực tiếp, người học trong ví dụ (1) dùng vĩ tố -다고 của tường thuật gián tiếp. Ngoài ra, việc đặt -다고 ngay sau danh từ 말 cũng vi phạm quy tắc ngữ pháp tiếng Hàn, vì vĩ tố này chỉ có thể gắn với động từ hoặc tính từ đứng cuối mệnh đề. Điều này cho thấy người học chưa nắm vững sự khác biệt cơ bản giữa tường thuật trực tiếp và gián tiếp.

(2) 빌리가 “주말에 친구를 만났어요.” 라고 이야기했어요. [ 21 , tr.174]

Đối với tường thuật trực tiếp, như được thể hiện ở ví dụ (2), người tường thuật chỉ cần trích dẫn lại nguyên văn câu nói (đặt trong dấu ngoặc kép khi viết) và sau đó dùng trợ từ -(이)라고 hoặc -하고. So với tường thuật gián tiếp, tường thuật trực tiếp đơn giản hơn về mặt cú pháp. Có thể vì vậy mà một số giáo trình như 연세 대학한국어 어휘ž문법 초급 II (Tiếng Hàn học thuật Yonsei - Từ vựng & Ngữ pháp Sơ cấp 2) xuất bản năm 2016, 경희한국어 중급1 문법 (Tiếng Hàn Kyunghee - Ngữ pháp Trung cấp 1) xuất bản năm 2020 không đề cập, giảng dạy về tường thuật trực tiếp hoặc có đề cập nhưng không có phần luyện tập cho ngữ pháp này. Do đó trong quá trình học tiếng Hàn, nếu không được giáo viên giải thích thêm, người học rất có khả năng chỉ được tiếp cận với tường thuật gián tiếp và không được giảng giải về tường thuật trực tiếp. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến người học không phân biệt được hai dạng tường thuật, hoặc không nhận thức được trường hợp nào nên dùng tường thuật trực tiếp và gián tiếp và dẫn đến lỗi sai như ví dụ (1).

(3) a. 사람은 대부분 자라면 자랄수록 과거로 돌아가고 * 싶다고 ( ü 싶다는 ) 생각을 많이 한다.

b. 어 어 그 육아와 같이 인과를 아 같이 병행하기 * 어렵다고 ( ü 어렵다는 ) 생각이 많이 있어서어

c. 더 열심히 일해야 * 한다고 것으 ( ü 한다는 것을 ) 의미합니다

Ví dụ (3) là một số trường hợp mắc lỗi thay thế của người học Việt Nam trình độ trung cấp (mẫu 3a, 3b) và cao cấp (các mẫu còn lại). Người học trong trường hợp này được đề nghị sử dụng diễn đạt -다는 thay cho vĩ tố tường thuật -다고. Theo NIKL, -다는 được giải thích là “cách diễn đạt rút gọn của -다고 하는”, có chức năng “tường thuật một sự thật được nghe hoặc thể hiện suy nghĩ, đồng thời bổ nghĩa cho một từ phía sau, chủ yếu là các danh từ như 생각, 말, 사람” [ 21 , tr.294-295]. Trong ví dụ (3), người học đã sử dụng một danh từ ở ngay sau nội dung tường thuật như 생각, 답hay 것 nên dùng -다는 sẽ chính xác hơn so với vĩ tố tường thuật -다고. Theo khung chương trình đào tạo tiếng Hàn áp dụng chung cho quốc tế của NIKL, -다는 cùng với các diễn đạt có liên quan là -(ㄴ/는)다는 -(이)라는, -냐는, -(으)라는, -자는 được xác định là ngữ pháp thuộc trình độ cao cấp (cấp 6). Tuy nhiên, các diễn đạt này không được xuất hiện trong nhiều giáo trình tiếng Hàn với tư cách là một hạng mục ngữ pháp riêng biệt, có phần giải thích cụ thể. Theo đó, người học có nhiều khả năng không được giảng giải về cách diễn đạt này nên sử dụng chưa được chính xác.

(4) a. 우리나라도 *똑같다는( ü 똑같다고 ) 생각하였다.

b. 여러 방면으로 사회에 도움을 주거나 공헌할 수 있는 직업을 택해 봉사하는 마음으로 일하고 그것을 통해 얻어지는 대가로 자신과 가정을 꾸려 * 나간다는 ( ü 나간다고 ) 주장하는 사람이 있다.

c. 아 어 주변 사 사람 아 주변에 에너지를 * 전한 있다는 ( ü 전할 있다고 ) 생각합니다.

Ngược với ví dụ (3) là người học mắc lỗi sử dụng -다고 thay vì -다는 thì ở ví dụ (4), người học lại dùng -다는 vào vị trí của -다고. Dạng lỗi này cũng xuất hiện ở cả người học trình độ trung cấp (mẫu 4a) lẫn cao cấp (mẫu 4b, 4c). Như đã giải thích ở trên, theo sau -다는 cần phải có một danh từ để nó bổ nghĩa; tuy nhiên, người học trong ví dụ (4) đều không sử dụng danh từ sau -다는 mà chỉ có động từ (생각하다, 주장하다, 전하다). Mặc dù -다는 được xác định thuộc nhóm ngữ pháp trình độ cao cấp nhưng việc vẫn có người học trình độ trung cấp mắc lỗi sử dụng -다는 cho thấy khả năng cao người học đã tự mình học hỏi, tiếp thu kiến thức ngữ pháp bên ngoài giáo trình và chương trình học.

(5) 아무튼 어 사랑만으로 이루어지는 것이 * 아니라고 ( ü 아니라는 ) 생각이 됩니다.

(6) 왜냐하면 그런 말을 하면 우리는 예의가 있는 * 사람이라는 ( ü 사람이라고 ) 표현할 수 있기 때문이다.

Tương tự lỗi thay thế giữa -다고 và -다는, kho ngữ liệu cũng ghi nhận được những trường hợp người học mắc lỗi thay thế -(이)라고 thành -(이)라는 và ngược lại. Giống như -다는, diễn đạt -(이)라는cũng thường được dùng khi theo sau là một danh từ mà nó bổ nghĩa. Do đó, ở ví dụ (5), người học được đề nghị thay thế vĩ tố tường thuật -(이)라고 sang diễn đạt -(이)라는để bổ nghĩa cho danh từ 생각 theo sau. Ngược lại, ở ví dụ (6), do theo sau diễn đạt -(이)라는 của người học không có bất kỳ danh từ nào theo sau nên cần được điều chỉnh thành vĩ tố -(이)라고 mới đảm bảo tính chính xác về cú pháp.

(7) a. *한국을 선택하고 나서 어떻게 한국에 올 수 * 있냐고 ( ü 있는지 ) 여러 방법을 찾았습니다.

b. 어떻게 * 하냐고 ( ü 해야 하는지 ) 해도 몰랐는데

Ví dụ (7) cho thấy người học mắc lỗi thay thế khi sử dụng vĩ tố -냐고 và -다고 thay vì vĩ tố -는지. NIKL giải thích -는지 là vĩ tố liên kết thể hiện sự nghi vấn mơ hồ [ 21 , tr.263]. Trong các giáo trình giảng dạy tiếng Hàn, vĩ tố -는지/(으)ㄴ지 thường được hướng dẫn sử dụng kèm với động từ 알다 (biết), 모르다 (không biết) để hỏi hoặc xác nhận lại một thông tin. Ngoài ra, -는지/(으)ㄴ지 cũng được dùng với một số động từ khác như 이야기하다 (nói chuyện), 생각하다 (suy nghĩ), 궁금하다 (thắc mắc), 기억하다 (nhớ), 가르치다 (chỉ dạy),... để diễn tả nội dung liên quan.

(8) 학생증을 어디에서 신청하는지 아세요? [ 22 , tr.28]

Theo đó, khi xem xét ngữ cảnh ở các mẫu của ví dụ (7), có thể thấy người học có dụng ý diễn đạt nội dung liên quan đến việc tìm kiếm phương pháp (mẫu 7a) hoặc một thông tin mà bản thân không biết (mẫu 7b). Nói cách khác, người học ở ví dụ (7) không có dụng ý thuật lại lời nói, thông tin mà bản thân nghe hoặc đọc được. Vì vậy, việc dùng -냐고 trong trường hợp này là chưa phù hợp. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc người học chưa nắm rõ sự khác nhau trong cách vận dụng -냐고 và -는지. Bên cạnh đó, như được thể hiện trong ví dụ (8), vĩ tố -는지 thường được dùng kèm với một từ nghi vấn ở phía trước (어디 - ở đâu), góp phần khiến người học có thể nhầm lẫn rằng bản thân đang tường thuật lại một câu hỏi.

(9) a. 어 먹으면 * 행복하게 ( ü 행복하다고 ) 느낄 수 있어요

b. 그런데 우리 살고 있는 사회가 속에 너무나 야박하고 치열하게 경쟁해서 경제에 도움이 되는 일이 시급히 * 필요하게 ( ü 필요하다고 ) 볼 수 있다.

Ví dụ (9) là những mẫu lỗi sử dụng vĩ tố -게 thay vì vĩ tố tường thuật -다고 của người học ở trình độ cấp 4 và cấp 5. Vĩ tố -게 được gắn vào sau động từ hoặc tính từ nhằm diễn tả mục đích, phương thức, mức độ,... của hành động theo sau [ 21 , tr.20]. Ngoài ra, theo sau vĩ tố -게 cũng có thể là một số động từ như 여기다 (xem như), 생각하다 (suy nghĩ) để diễn tả chủ ngữ có suy nghĩ hoặc cảm xúc như thế nào đó về một đối tượng.

(10) a. 나는 그 사람을 좋게 생각하지 않아. [ 21 , tr.20]

b. 사람들은 그를 불쌍하게 여긴다. [ 21 , tr.20]

Cách vận dụng vĩ tố -게 như được minh họa trong ví dụ (10) có thể chính là nguyên nhân góp phần khiến người học cảm thấy mơ hồ và nhầm lẫn với ngữ pháp tường thuật gián tiếp do cả hai cách diễn đạt đều thể hiện được nội dung của suy nghĩ hay cảm xúc. Tuy nhiên, khi xem xét ví dụ (9), người học trong những trường hợp này không thể hiện suy nghĩ, cảm xúc về một đối tượng cụ thể mà chỉ đang “thuật lại” suy nghĩ, cảm xúc của bản thân; do đó, việc sử dụng vĩ tố -다고 sẽ phù hợp hơn.

(11) a. 나는 국제 결혼에 대해 * 좋은 ( ü 좋다고 ) 생각한다.

b. 그래서 저희들 같은 이주 여성들 상담사가 필요할 것 * 같아서 ( ü 같다고 ) 생각합니다.

Ví dụ (11) là một số mẫu lỗi thay thế khác của người học Việt Nam khi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp. Có thể thấy người học đang muốn diễn đạt nội dung suy nghĩ của bản thân nhưng do không nắm vững hoặc không nhớ rõ về chức năng của tường thuật gián tiếp nên đã sử dụng thay vào những vĩ tố, cách diễn đạt không phù hợp.

Lỗi thiếu sót và lỗi thêm vào

Lỗi thiếu sót và lỗi thêm vào là hai hiện tượng lỗi được ghi nhận với tỷ lệ khá thấp trong kho ngữ liệu người học tiếng Hàn của NIKL, lần lượt chiếm 4,40% và 3,30%.

(12) a. 같은 생각으로, 여자는 도톰한 입술에 오똑한 코와 눈이 크고 항상 항상 웃으면 정말 * 아름답다 .( ü 아름답다고 생각한다 .)

b. 과학 논문에 의하면 과학 기술이 점점 발전해서 환경이 점점 오염되고 * 있다 .( ü 있다고 한다 .)

Ví dụ (12) là trường hợp mắc lỗi thiếu sót ngữ pháp tường thuật gián tiếp của người học trình độ trung cấp và cao cấp. Xem xét trường hợp đầu tiên, có thể thấy người học được đề nghị bổ sung vĩ tố tường thuật -(ㄴ/는)다고 vào sau động từ, tính từ cuối câu và theo sau là động từ 생각하다 (suy nghĩ). Lý do là vì ở phần đầu câu, người học đã sử dụng những cụm từ như là “같은 생각으로” (cùng suy nghĩ) nhằm thể hiện nội dung xuất hiện ở sau chính là suy nghĩ của chủ thể, và diễn đạt -(ㄴ/는)다고 생각하다 được thêm vào để tạo sự tương ứng. Tương tự, ở trường hợp sau, người học đã sử dụng cụm từ “과학 논문에 의하면” (theo bài báo khoa học) nhằm thể hiện nội dung ở phía sau được trích dẫn lại từ một nguồn thông tin. Do đó, người học được đề nghị bổ sung ngữ pháp tường thuật gián tiếp ở phía sau để thể hiện chính xác đó là nội dung được thuật lại.

(13) a. 한편 심리학자는 사람들이 생활의 흥분이 * 필요하다고 ( ü 필요하 ) 여서 로또를 사게 되 되었다고 합니다

b. 앞으로 나는 결혼 생각이 없지만 사회에서 강하고 자랑스러운 부모님처럼 될 수 있었으면 *좋겠다고 본다. ( ü 좋겠다 .)

Ví dụ (13) là những trường hợp người học Việt Nam mắc lỗi thêm vào, nói cách khác là sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp vào vị trí không cần thiết. Ở mẫu 13a, người học được đề nghị lược bỏ yếu tố tường thuật tại “필요하다고” bởi vì những nội dung theo sau đó vẫn tiếp tục là nội dung tường thuật của cùng một người, và người học đã có sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp sau khi toàn nội dung tường thuật kết thúc. Hiện tượng này có thể xuất phát từ việc người học đang tường thuật nhiều câu liên tiếp của cùng một người nói (viết). Do phần lớn giáo trình tiếng Hàn khi giải thích hoặc đưa ra bài tập thực hành về ngữ pháp tường thuật gián tiếp thường giới hạn trong một câu, người học chủ yếu sử dụng tường thuật trên từng câu riêng biệt nên ít nhiều dễ bị bối rối khi gặp trường hợp người nói (viết) đưa ra nhiều câu liên tiếp. Ở mẫu 13b, người học sử dụng tường thuật suy nghĩ (-다고 보다) vào sau nội dung thể hiện mong muốn. Theo đó, người học đang diễn đạt mong muốn của chính bản thân mình, không phải của ai khác nên việc dùng tường thuật ở sau diễn đạt -(으)면 좋겠다 là không cần thiết. Người học ở trường hợp này có thể do bị ảnh hưởng từ văn phong của ngôn ngữ mẹ đẻ nên diễn đạt câu chưa chuẩn với lối nói hoặc viết của tiếng Hàn.

Lỗi sai hình thái

Lỗi sai hình thái cũng là loại lỗi xuất hiện khá phổ biến trong kho ngữ liệu lỗi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp của người học Việt Nam (chiếm 19,78%).

(14) a. 근데 한국 친구 사귀기 좀 어려워 * 어어려운다고 ( ü 어렵다고 ) 했어요.

b. 인터넷으로 쇼핑하기가 * 편한다고 ( ü 편하다고 ) 들었다.

Ví dụ (14) thể hiện lỗi sai hình thái của người học Việt Nam khi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp. Nhìn chung, có thể thấy người học ở các trường hợp này đang nhầm lẫn các hình thái khác nhau của tường thuật gián tiếp câu trần thuật. Như được giải thích ở phần trước, khi tường thuật gián tiếp câu trần thuật, một số vĩ tố khác nhau sẽ được sử dụng tùy theo loại từ xuất hiện ở cuối câu, tùy vào yếu tố thì thể và các vĩ tố khác nếu có. Trong ví dụ (14), nội dung tường thuật kết thúc bằng một tính từ và ở thì hiện tại, do đó theo đúng cú pháp thì người học phải sử dụng vĩ tố -다고 thay vì -ㄴ다고.

(15) a. 나는 열심히 * 공부하다고 ( ü 공부한다고 ) 해도 친구처럼 똑똑하지 못하다.

b. 닮고 싶은 사람은 좋은 장점이 많이 있어서 모두 사람들이 닮고 싶은 사람처럼 * 되고 싶은다고 ( ü 되고 싶어한다고 ) 생각합니다.

Ngược lại với ví dụ (14), các mẫu ở ví dụ (15) có nội dung tường thuật kết thúc bằng động từ ở thì hiện tại nhưng người học lại dùng vĩ tố -다고 thay cho –ㄴ/는다고. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lỗi ở cả hai ví dụ (14) và (15) có thể xuất phát từ hai yếu tố. Thứ nhất, do ảnh hưởng từ tiếng Việt - ngôn ngữ mẹ đẻ của người học - không có sự khác biệt khi tường thuật giữa câu có động từ và câu có tính từ ở cuối nên người học có thể chủ quan không chú ý đến, hoặc thậm chí không phân biệt được loại từ xuất hiện ở cuối câu, mà chỉ tập trung vào loại câu đang tường thuật. Thứ hai, do bản thân tiếng Hàn là ngôn ngữ đích của người học cũng có tính phức tạp nhất định khi sở hữu hệ thống vĩ tố phát triển, có vĩ tố chỉ dùng riêng biệt cho động từ hoặc tính từ khiến người học đến từ quốc gia có loại hình ngôn ngữ khác như Việt Nam đều gặp khó khăn khi tiếp thu và sử dụng. Ngoài ra, hiện tượng mắc lỗi như trên không chỉ xuất hiện ở người học trình độ trung cấp mà có cả trình độ cao cấp, cho thấy ngay cả người học tiếng Hàn khi đạt trình độ cao vẫn có khả năng không phân biệt được một số động từ, tính từ hoặc vận dụng ngữ pháp trình độ trung cấp chưa thành thạo.

Trường hợp lỗi khác

Trong kho ngữ liệu người học tiếng Hàn của NIKL, bên cạnh các lỗi được chú thích là lỗi thay thế, lỗi thêm vào, lỗi thiếu sót hoặc lỗi sai hình thái thì còn nhiều trường hợp không được chú thích rõ (47 mẫu, chiếm 25,82%). Do đó, nghiên cứu đã tiếp tục phân tích các trường hợp này để làm rõ hơn đặc điểm về lỗi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp của người học Việt Nam.

(16) a. 돈이 많이 * 있는 ( ü 있는 것이라는 ) 생각을 가지는 사람이 있는가 하면 행복하게 사는 것, 애기를 잘 * 키우는 ( ü 키우는 것이라는 ) 사람도 있다.

b. 저는 성공은 행복하고 후회 없이 살아가는 것을 ( ü 것이라고 ) 생각합니다.

Ví dụ (16) là một số trường hợp lỗi thay thế hoặc thiếu sót của người học. Cụ thể, người học Việt Nam trong ví dụ trên không dùng vĩ tố tường thuật để diễn đạt nội dung của suy nghĩ mà thay vào đó, họ chỉ dùng định ngữ như -는 생각 (mẫu 16a) hoặc -는 것을 생각하다 (mẫu 16b). Cả hai cách diễn đạt này đều không có chức năng “thuật lại” nội dung suy nghĩ như dụng ý của người học trong câu, do đó chúng được xem là không phù hợp và cần phải điều chỉnh. Qua đó, có thể thấy người học chưa nắm được hết những cách sử dụng khác nhau của ngữ pháp tường thuật gián tiếp.

(17) a. 왜냐하면 국민들이 다양한 정보가 * 필요한다고 ( ü 필요하다고 ) 생각하기 때문이다.

b. 실패를 통해 유익한 경험을 쌓으므로 좋은 기회가 될 수 * 있는다고 ( ü 있다고 ) 생각하기 때문입니다.

Tương tự với ví dụ (14), các trường hợp lỗi trong ví dụ (17) được xác định là lỗi sai hình thái do người học dùng vĩ tố -ㄴ다고 cho tính từ thay vì phải là -다고. Đây đều là lỗi của người học ở trình độ cao cấp, theo đó có thể thấy việc phân biệt giữa động từ và tính từ, hoặc việc sử dụng chính xác những vĩ tố nói riêng và ngữ pháp nói chung ở trình độ trung cấp vẫn là vấn đề khó khăn của người học Việt Nam. Đặc biệt, thông qua cụm “정보를 필요한다고” ở mẫu 17a, có thể thấy người học đã mắc lỗi khi nhầm lẫn 필요하다 (cần thiết) là động từ. Đây là trường hợp mà người học Việt Nam đã bị ảnh hưởng từ ngôn ngữ mẹ đẻ. Tương đương với “필요하다” của tiếng Hàn thì tiếng Việt có hai từ là “cần” và “cần thiết” mang ý nghĩa tương tự nhau, trong đó “cần” là động từ và “cần thiết” là tính từ [ 23 , tr.123]. Do đó, người học khi sử dụng “필요하다” nếu không nhận thức chính xác thì sẽ có khả năng cao nhầm lẫn loại từ của từ này. Mặt khác, bản thân tiếng Hàn cũng có thể là nguyên nhân góp phần gây ra lỗi sai của người học Việt Nam. Chẳng hạn ở mẫu 17b, người học kết thúc nội dung tường thuật với từ “있다” và trong tiếng Hàn, “있다” mang nhiều loại từ khác nhau tùy theo ý nghĩa hoặc cách thức sử dụng. Đơn cử 있다 khi biến thành định ngữ sẽ đi với vĩ tố -는 giống động từ, nhưng khi được tường thuật gián tiếp ở dạng câu trần thuật thì lại đi với vĩ tố -다고 giống như tính từ.

(18) a. 나 에 다른 사람 아 에게 말하지 마 묻지 * 마라고 ( ü 말라고 )

b. 더 * 효과적라고 ( ü 효과적이라고 ) 생각해요

Ví dụ (18) là một số trường hợp khi người học mắc lỗi sai hình thái. Những lỗi này có khả năng xuất phát từ việc người học chưa nắm vững cú pháp của tường thuật gián tiếp hoặc do thiếu cẩn trọng trong quá trình viết và nói.

THẢO LUẬN

Lỗi sai trong quá trình học ngoại ngữ không chỉ là hiện tượng tự nhiên mà còn là đối tượng nghiên cứu quan trọng của các nhà ngôn ngữ học. Thông qua việc phân tích lỗi sai, các nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn những khó khăn mà người học gặp phải, từ đó đưa ra những phương án cải tiến phương pháp giảng dạy. Những phát hiện trong bài viết này không chỉ làm sáng tỏ nguyên nhân mà còn cung cấp gợi ý để khắc phục những khó khăn mà người học Việt Nam gặp phải khi học ngữ pháp tiếng Hàn, đặc biệt là ngữ pháp tường thuật gián tiếp.

Trước hết, nghiên cứu cho thấy người học Việt Nam bắt đầu làm quen với ngữ pháp tường thuật gián tiếp từ cuối cấp độ sơ cấp và sử dụng nó thường xuyên hơn ở cấp độ trung cấp. Tuy nhiên, tần suất sử dụng ngữ pháp này lại giảm dần khi người học đạt đến cấp độ cao cấp. Điều này phản ánh các chương trình đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam đang tuân thủ đúng lộ trình giảng dạy ngữ pháp tường thuật gián tiếp theo khung tiêu chuẩn của NIKL. Mặc dù vậy, việc giảm tần suất sử dụng ngữ pháp tường thuật ở cấp độ cao cấp lại dẫn đến tình trạng sai sót tăng cao, cho thấy việc không thường xuyên luyện tập có thể làm giảm khả năng vận dụng thành thạo cấu trúc ngữ pháp này.

Phân tích kho ngữ liệu của NIKL cho thấy một trong những nguyên nhân chính khiến người học Việt Nam mắc lỗi khi sử dụng tường thuật gián tiếp là sự ảnh hưởng của tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ của người học. Sự khác biệt lớn giữa tiếng Việt và tiếng Hàn, đặc biệt là hệ thống trợ từ và vĩ tố đã gây ra nhiều khó khăn cho người học Việt Nam. Việc phải lựa chọn và sử dụng đúng trợ từ, vĩ tố trong từng ngữ cảnh là một thách thức lớn với người Việt khi giao tiếp bằng tiếng Hàn. Ngoài ra, sự khác biệt về từ vựng và cách diễn đạt giữa hai ngôn ngữ cũng gây ra nhiều nhầm lẫn, dẫn đến việc người học Việt Nam lạm dụng hoặc sử dụng sai cấu trúc tường thuật gián tiếp.

Bên cạnh ảnh hưởng của tiếng Việt, sự phức tạp của tiếng Hàn cũng là một trở ngại lớn. Thứ nhất, hệ thống vĩ tố tường thuật trong tiếng Hàn rất đa dạng và phức tạp, đặc biệt là đối với câu trần thuật - loại câu mà người học tường thuật nhiều nhất. Câu trần thuật thường sử dụng các vĩ tố như -ㄴ/는다고, -다고 và -(이)라고 tùy thuộc vào loại từ đứng trước. Ngoài ra, sự kết hợp giữa tường thuật và định ngữ tạo ra nhiều cấu trúc phức tạp như -(ㄴ/는)다는, -(이)라는,... khiến người học khó khăn trong việc lựa chọn đúng cách diễn đạt. Thứ hai, tường thuật gián tiếp trong tiếng Hàn không chỉ dùng để thuật lại lời nói trực tiếp mà còn được sử dụng với nhiều mục đích khác như thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của người nói, lặp lại câu nói hoặc xác nhận lại lời nói 24 . Do đó, nếu người học Việt Nam không nắm được mức độ phổ biến và những khả năng ứng dụng đa dạng của tường thuật gián tiếp thì sẽ dễ mắc lỗi sử dụng ngữ pháp này.

Bên cạnh yếu tố ngôn ngữ, nội dung cụ thể của chương trình học và giáo trình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển khả năng sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp của người học Việt Nam. Một số giáo trình hiện hành tại các trường ở Việt Nam không đề cập đến tường thuật trực tiếp, dẫn đến việc người học gặp khó khăn trong việc nắm vững cấu trúc và cách sử dụng của từng loại hình tường thuật. Thêm vào đó, một số tài liệu chỉ tập trung vào việc giới thiệu các vĩ tố tường thuật gián tiếp cơ bản, bỏ qua các dạng nâng cao hoặc thiếu sự liên hệ giữa các dạng khác nhau của tường thuật gián tiếp, khiến người học thiếu một cái nhìn tổng quan và hệ thống về ngữ pháp này.

Dựa trên những nguyên nhân đã phân tích, bài viết đưa ra một số gợi ý cụ thể để nâng cao hiệu quả giảng dạy ngữ pháp tường thuật gián tiếp cho người học tiếng Hàn, đặc biệt là người học Việt Nam. Thứ nhất, ở giai đoạn khởi động, giáo viên cần làm rõ sự khác biệt về cách thức tường thuật trực tiếp và gián tiếp, cũng như sự khác biệt về tường thuật gián tiếp trong tiếng Việt và tiếng Hàn. Việc so sánh và đối chiếu này sẽ giúp người học nhận thức rõ hơn về những điểm cần lưu ý khi học ngữ pháp tường thuật gián tiếp, từ đó chủ động hơn trong quá trình học tập. Thứ hai, việc giảng dạy cần được cá nhân hóa tùy thuộc vào trình độ và khả năng tiếp thu của từng nhóm học viên. Đối với những người mới bắt đầu, giáo viên nên đề cập đến các chức năng đàm thoại khác của tường thuật gián tiếp bên cạnh chức năng truyền đạt lời nói trực tiếp. Có thể minh họa bằng những ví dụ thực tế, kết hợp với các tài liệu nghe nhìn như phim ảnh để giúp người học hình dung rõ hơn về cách sử dụng tường thuật gián tiếp trong giao tiếp hằng ngày. Khi dạy những cấu trúc phức tạp hơn như -다는, -다면서(요), -다고 해서, giáo viên cần tạo ra mối liên kết rõ ràng với kiến thức về tường thuật gián tiếp đã học, giúp học viên dễ dàng nắm bắt và ghi nhớ. Thứ ba, giáo viên nên tăng cường hoặc đa dạng hóa các bài tập để giúp người học sử dụng tường thuật gián tiếp một cách phù hợp. Giáo viên có thể bổ sung những bài luyện tập giúp người học nắm vững hệ thống vĩ tố tường thuật đa dạng. Giáo viên cũng có thể tổ chức những hoạt động giao tiếp, đóng vai, trò chơi để tạo ra một môi trường học tập sinh động và khuyến khích người học chủ động sử dụng tường thuật gián tiếp. Đặc biệt, các hoạt động này nên phản ánh đầy đủ các chức năng khác nhau của tường thuật gián tiếp như kể chuyện, xác nhận thông tin, thể hiện suy nghĩ,... để người học có thể linh hoạt ứng dụng trong thực tế.

KẾT LUẬN

Qua việc phân tích dữ liệu thực tế từ kho ngữ liệu của NIKL, nghiên cứu đã làm rõ những khó khăn của người Việt học tiếng Hàn khi sử dụng ngữ pháp tường thuật gián tiếp. Các lỗi sai phổ biến được xác định chủ yếu bắt nguồn từ sự khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Hàn, ảnh hưởng đến quá trình tư duy và chuyển ngữ của người học. Bên cạnh đó, yếu tố giáo trình và phương pháp giảng dạy cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc hình thành các lỗi này. Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết đã đưa ra một số gợi ý trong dạy học nhằm cải thiện khả năng sử dụng tường thuật gián tiếp của người học. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả của các giải pháp này, chúng tôi đề xuất tiến hành thêm các nghiên cứu thực nghiệm. Ngoài ra, do hạn chế của nguồn dữ liệu, nghiên cứu hiện tại chủ yếu tập trung vào các câu trần thuật, chưa bao quát đầy đủ các loại câu còn lại.

LỜI CẢM ƠN

This work was supported by the Core University Program for Korean Studies of the Ministry of Education of the Republic of Korea and Korean Studies Promotion Service at the Academy of Korean Studies (AKS-2022-OLU-2250002).

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

NIKL: National Institute of Korean Language - Viện Nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia Hàn Quốc

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả đã thu thập dữ liệu người học từ kho ngữ liệu người học tiếng Hàn của Viện Nghiên cứu Quốc ngữ Quốc gia Hàn Quốc, phân tích lỗi sai liên quan đến ngữ pháp tường thuật gián tiếp và nhận định những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến quá trình hiểu và vận dụng của người học. Qua đó, tác giả cũng đã đưa ra một số gợi ý để góp phần cải thiện việc dạy và học ngữ pháp tường thuật gián tiếp nói riêng và tiếng Hàn nói chung.

References

  1. Al-Khresheh MA. A review study of error analysis theory. Int J Humanit Soc Sci Res. 2016;2:49–59. . ;:. Google Scholar
  2. Lado R. Linguistics across Cultures: Applied Linguistics and Language Teachers. Ann Arbor: Univ Michigan Press; 1957. . ;:. Google Scholar
  3. Selinker L. Interlanguage. Int Rev Appl Linguist Lang Teach. 1972;10(3):209–31. . ;:. Google Scholar
  4. Richards J, Schmidt R. Longman Dictionary of Language Teaching and Applied Linguistics. Harlow: Pearson Education; 2010. . ;:. Google Scholar
  5. Corder SP. The Significance of Learner’s Errors. In: Richards JC, editor. Error Analysis: Perspectives on Second Language Acquisition. London: Longman; 1974. p. 19–27. . ;:. Google Scholar
  6. Kim Sang-soo, Song Hyang-keun. A study on trends of error analysis researches in Korean education. Biling Res. 2006;1–33. . ;:. Google Scholar
  7. Lee Hoon-ho. A study on the trends of error analysis research on Korean language: Focusing on academic theses. Stud Foreign Lang Educ. 2015;29(2):107–35. . ;:. Google Scholar
  8. Won Da-song. A study on the trends of error analysis research on Korean language learner [master's thesis]. Seoul: Yonsei Univ; 2017. . ;:. Google Scholar
  9. Lê Thị Thắm. Contrastive study on the mood conversion from direct quotation to indirect quotation in Korean and Vietnamese. Lang Cult. 2023;19(1):21–51. . ;:. Google Scholar
  10. Kim Soo-tae. Về việc xác định phạm trù của biểu thức trích dẫn. Quốc ngữ Quốc văn học. 1990;27:121–33. . ;:. Google Scholar
  11. Seo Eun-ah. Về việc diễn giải ý nghĩa của câu trích dẫn. Nghiên cứu Ngôn ngữ Hàn Quốc. 1996;2(0):125–36. . ;:. Google Scholar
  12. Lee Kwan-kyu. Ngữ pháp tiếng Hàn dành cho giáo dục tiếng Hàn. Seoul: Youkrack; 2005. . ;:. Google Scholar
  13. Nam Ki-sim. Cấu trúc của câu trích dẫn trong tiếng Hàn. Tạp chí Nghiên cứu Hàn Quốc. 1971;12(0):223–33. . ;:. Google Scholar
  14. Lee Pil-young. Nghiên cứu về cấu trúc câu trích dẫn trong tiếng Hàn hiện đại [luận án tiến sĩ]. Seoul: Đại học Quốc gia Seoul; 1993. . ;:. Google Scholar
  15. Mun Suk-yeong. Nghiên cứu về lời nói gián tiếp và sự thay đổi điểm chỉ. Tạp chí Ngôn ngữ học Hàn Quốc. 2012;65(0):219–49. . ;:. Google Scholar
  16. Kang Jung-mi. Nghiên cứu về đặc điểm thể loại của câu trích dẫn gián tiếp trong tiếng Hàn: Tập trung vào dấu hiệu trích dẫn ‘-dago’ [luận văn thạc sĩ]. Seoul: Đại học Yonsei; 2016. . ;:. Google Scholar
  17. Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc. Ngữ pháp tiếng Hàn dành cho người nước ngoài 1. Seoul: Communication Books; 2005. . ;:. Google Scholar
  18. Lee Rae-ho. Kho ngữ liệu. Trong: Bách khoa toàn thư văn hóa Hàn Quốc [Internet]. . ;:. Google Scholar
  19. Jeon Young-ok. Nghiên cứu về thán từ xuất hiện trong kho ngữ liệu nói. 2009. . ;:. Google Scholar
  20. Oh Mi-yeon. Nghiên cứu về nhiệm vụ của biểu thức gián tiếp trong tiếng Hàn [luận văn thạc sĩ]. Seoul: Đại học Dongguk; 2019. . ;:. Google Scholar
  21. Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc. Ngữ pháp tiếng Hàn dành cho người nước ngoài 2. Seoul: Communication Books; 2005. . ;:. Google Scholar
  22. Oh Soo-jin, Kim Seo-hyun, Shin Young-ok, Joo Sang-heon, Gil Ji-soo, Do Won-sook, et al. Ngữ pháp tiếng Hàn trung cấp 1 của Đại học Kyung Hee. Seoul: Kyung Hee University Communication & Press; 2020. . ;:. Google Scholar
  23. Hoàng Phê. cần, cần thiết. In: Từ điển tiếng Việt. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng; 2003. . ;:. Google Scholar
  24. Kim Ji-hye. A study on teaching method for indirect quotation expressions through a discourse analysis. Biling Res. 2011;46:45–65. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 4 (2024)
Page No.: 2833-2844
Published: Dec 31, 2024
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i1.1050

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, D. (2024). An error analysis of indirect speech usage by Vietnamese learners of Korean language. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(4), 2833-2844. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i1.1050

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 102 times
PDF   = 11 times
XML   = 0 times
Total   = 11 times