VNUHCM Journal of

Social Sciences and Humanities

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam since 2017

ISSN 2588-1043

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

30

Total

21

Share

The sustainable tourism development in craft villages: the research trends through the bibliometric analysis based on Scopus database






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Since the early 1990s, scientists worldwide have raised concerns about the ecological environmental and indigenous cultural degradation caused by tourism development that focuses solely on economic gains. In response, sustainable tourism has emerged as a solution to mitigate negative impacts, ensuring balanced and long-term growth. Various environmentally and culturally conscious tourism models, including ecotourism, cultural tourism, craft village tourism, etc., have been developed, fostering a responsible tourism development orientation and promoting a sustainable approach to tourism. Using the bibliometric analysis, this study focuses on presenting data and proposing possible research directions on the development of sustainable tourism in craft villages. The study data were sourced from journal articles, conference proceedings, and book chapters in the Scopus database, covering the period from 2011 to August 2024. The analytical tools, including VOSviewer and Excel, were utilized to identify trends and research gaps in this field. The study also emphasizes the need for further investigations into the long-term impacts of sustainable tourism on the socio-economic development and preservation of distinctive cultural values in craft villages.

GIỚI THIỆU

Trong những năm gần đây, du lịch bền vững đã trở thành một chủ đề mang tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực du lịch toàn cầu. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) định nghĩa du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân địa phương, đồng thời đảm bảo bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên phục vụ cho sự phát triển du lịch trong tương lai 1 . Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu về du lịch bền vững không chỉ cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách mà còn mở ra hướng đi mới cho các cộng đồng địa phương, đặc biệt là tại những làng nghề truyền thống. Những nơi này không chỉ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và lịch sử đáng quý, mà còn có tiềm năng lớn trong việc thu hút du khách, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương. Để phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề, các nghiên cứu cần thực hiện dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa, tác động đến môi trường và lợi ích cho cộng đồng địa phương 2 . Trong bối cảnh hiện nay, một số nghiên cứu trước đây không còn phù hợp với sự thay đổi của môi trường du lịch hiện đại, do đó, nhu cầu về những nghiên cứu toàn diện và cập nhật hơn là hết sức cấp thiết để tổng hợp tình trạng nghiên cứu về chủ đề này, từ đó tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của các làng nghề.

Căn cứ theo các lập luận trên, mục tiêu của bài viết này là sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục (bibliometrics) nhằm lập bản đồ khoa học các nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống 3 . Qua đó, cung cấp cấu trúc khoa học để khám phá sự phát triển của chủ đề nghiên cứu dựa trên mối liên hệ giữa các tài liệu khoa học, đồng thời mở ra điểm khởi đầu cho các nghiên cứu sâu hơn. Mục tiêu của bài viết là hệ thống hoá dữ liệu thu thập, thông qua xử lý trên phần mềm VOS Viewer và Excel để xác định các chủ đề và xu hướng chính trong nghiên cứu về du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống; nhận diện các tác giả, tổ chức, và quốc gia nào đã đóng góp nhiều nhất cho lĩnh vực nghiên cứu này và các mối liên hệ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, các tổ chức trong lĩnh vực du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, bài viết còn xác định các khía cạnh của du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống cần được nghiên cứu sâu hơn trong tương lai để có thể gợi mở các hướng nghiên cứu tiếp theo về lĩnh vực nghiên cứu này.

Mục tiêu của bài đánh giá tổng quan này nhằm:

  • Xác định và phân tích các chủ đề và xu hướng nghiên cứu chính về du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống.

  • Xác định và đánh giá những tác giả, tổ chức và quốc gia có đóng góp nghiên cứu đáng kể nhất cho lĩnh vực du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống.

  • Liệt kê và phân tích những tài liệu và công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn nhất trong việc định hình và phát triển chủ đề du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống.

  • Khám phá và mô tả các mạng lưới hợp tác nghiên cứu giữa các nhà nghiên cứu và các tổ chức liên quan đến du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống.

  • Đề xuất các hướng nghiên cứu tiềm năng trong tương lai cho lĩnh vực du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống, dựa trên những thiếu sót và khoảng trống nghiên cứu đã được xác định.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp trắc lượng thư mục

Bài viết này sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục nhằm xây dựng các hiểu biết tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến nội dung phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống. Trắc lượng thư mục (bibliometrics) được nhắc đến lần đầu tiên bởi tác giả Pritchard 4 . Theo tác giả, trắc lượng thư mục là việc áp dụng các phương pháp thống kê và toán học đối với sách và các dạng tài liệu truyền thông khác. Qua thời gian, phương pháp này được áp dụng rộng rãi đối với các tài liệu khoa học. Theo đó, tác giả Osareh xem nó là một công cụ phân tích bao gồm các phương pháp cụ thể để định lượng cơ sở dữ liệu liên quan đến các ấn phẩm khoa học. So với việc xem xét tài liệu có hệ thống, phương pháp này có thể tránh được sự thiên vị của tác giả, vì nó tích hợp tính chính xác về mặt định lượng với phân tích tài liệu chủ quan. Cách tiếp cận định lượng của phương pháp trắc lượng thư mục cho phép mô tả và đánh giá kiến thức khoa học một cách rõ ràng và có hệ thống, nâng cao chất lượng đánh giá. Trong trường hợp nghiên cứu này, phương pháp trắc lượng thư mục là một phương pháp hữu ích giúp nhà nghiên cứu đánh giá cấu trúc khoa học của tài liệu nghiên cứu, khám phá và hướng đến những công trình khoa học có ảnh hưởng nhất và giúp phác thảo bức tranh toàn diện về bản đồ nghiên cứu đồng thời tránh những thành kiến hoặc quan điểm mang tính chủ quan.

Nghiên cứu này áp dụng hai kỹ thuật phân tích chính của phương pháp trắc lượng thư mục bao gồm: phân tích đồng trích dẫn và phân tích đồng từ khóa. Phân tích đồng trích dẫn cho phép xác định cả số lượng trích dẫn của bài báo bởi hai bài báo khác nhau và mối quan hệ giữa các bài báo trích dẫn cùng một tài liệu 5 . Kỹ thuật này giúp nhà nghiên cứu xác định nền tảng khoa học của các chủ đề thông qua các mối quan hệ được tạo ra từ mạng lưới đồng trích dẫn. Tương tự, phân tích đồng từ khóa cho phép các nhà nghiên cứu tổng hợp số lần xuất hiện của các từ khóa xuất hiện cùng nhau trong bài viết 6 . Điều này cũng tạo ra một mạng lưới được gọi là bản đồ đồng từ khóa, trực quan hóa mối quan hệ của các từ khóa. Kỹ thuật phân tích đồng từ khóa có thể giúp xác định hiệu quả các khái niệm, xu hướng và sự phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu được đánh giá. Để có thể hỗ trợ phân tích mạng lưới đồng trích dẫn và đồng từ khóa, nghiên cứu sử dụng phần mềm VOSviewer, phần mềm cung cấp kỹ thuật lập bản đồ thư mục, cho phép tạo ra bản đồ và trực quan hóa các mạng số liệu và phân tích các yếu tố bao gồm tạp chí, tác giả, nghiên cứu riêng lẻ và có thể được xây dựng dựa trên các trích dẫn, khớp nối thư mục, đồng trích dẫn hoặc mối quan hệ đồng tác giả. Hai tác giả Zupic & Čater cũng đề xuất một cách tiếp cận cho phép xử lý một lượng lớn kiến thức khoa học trong một lĩnh vực nghiên cứu và loại bỏ tính chủ quan và sai lệch 7 . Cách tiếp cận này đã được áp dụng trong nghiên cứu du lịch và marketing 8 , và có thể là một giải pháp thay thế cho các phương pháp định tính hoặc phân tích tổng hợp. Do đó, nghiên cứu này sử dụng quy trình do Zupic & Čater đã đề xuất, bao gồm thiết kế nghiên cứu, tập hợp dữ liệu, phân tích, trực quan hóa dữ liệu và giải thích. Quy trình cụ thể được minh họa trong Figure 1 .

Figure 1 . Quy trình đánh giá tài liệu tiếp cận theo phương pháp trắc lượng thư mục (Nguồn: Nhóm tác giả nghiên cứu)

Nguồn và quá trình thu thập dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu này tập trung xem xét các tài liệu tiếng Anh liên quan đến nội dung phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề (bài báo, bài báo hội nghị, các chương sách) được thu thập từ cơ sở dữ liệu Scopus - có chứa 57 triệu bản tóm tắt, gần 22.000 danh mục từ hơn 5.000 nhà xuất bản, trong đó hơn 30.000 là Tạp chí đánh giá chuyên ngành trong khoa học, kỹ thuật, y tế, xã hội, nghệ thuật và nhân văn, được cung cấp bởi nhà cung cấp Elsevier. So với các kết quả tìm kiếm từ các cơ sở dữ liệu khoa học khác, kết quả tìm kiếm được với các từ khóa từ Scopus cho kết quả lớn hơn 9 . Bên cạnh đó, nhiều tác giả cũng sử dụng cơ sở dữ liệu Scopus để tiến hành phân tích vì giao diện đơn giản, phân tích nhanh 10 . Do đó nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu Scopus để tiến hành thu thập dữ liệu.

Để tiến hành thu thập dữ liệu, tác giả đã sử dụng công cụ tìm kiếm của cơ sở dữ liệu Scopus để tiến hành tìm kiếm với các từ khóa sau được xác định dựa trên các khái niệm được mô tả trong phần trước. Các ấn phẩm được chọn chứa các từ khóa Phát triển du lịch (Tourism Development), Phát triển bền vững (Sustainable Development) và Làng nghề (Villages) được đề cập trong phần tiêu đề/mô tả/từ khóa với truy vấn tìm kiếm được thiết lập như sau: ( TITLE-ABS-KEY-AUTH ( “Craft Village” ) AND ALL ( tourism ) OR ALL ( “sustainable development” ) OR ALL ( “tourism development” ) OR ALL ( “village” ) ). Việc trích xuất dữ liệu được thực hiện trước ngày 30/08/2024, tổng cộng có 78 tài liệu được tìm thấy bắt đầu từ năm 1976. Từ các tài liệu tìm kiếm được, tác giả tiến hành bước lựa chọn các tài liệu phù hợp với mục đích nghiên cứu. Bước thứ nhất trên hệ thống dữ liệu Scopus giới hạn loại tài liệu, đánh giá này chỉ chọn các tài liệu là bài báo, chương sách, bài hội nghị, tổng số tài liệu là 72 tài liệu. Bước thứ hai tác giả đã sử dụng phần mềm Microsoft Excel 2019 để lọc từ khóa, các tài liệu không liên quan nhằm tính toán tần suất và tỷ lệ phần trăm của các tài liệu đã xuất bản để tạo các biểu đồ và đồ thị có liên quan, tổng số tài liệu thu được là 64 tài liệu. Tiếp theo, sử dụng phần mềm VOSviewer (phiên bản 1.6.20) để tạo và trực quan hóa các mạng lưới thư mục ( Figure 2 ).

Figure 2 . Quy trình lọc tài liệu tiếp cận theo phương pháp trắc lượng thư mục (Nguồn: Nhóm tác giả nghiên cứu)

Phân tích dữ liệu

Dữ liệu sau đó được phân tích theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là phân tích mô tả, giai đoạn này trình bày các thông tin cơ bản về tài liệu được lưu giữ, bao gồm số lượng ấn phẩm theo năm và các tạp chí liên quan đến nghiên cứu và khu vực địa lý quốc gia. Giai đoạn tiếp theo là phân tích mạng lưới cộng tác giả và đồng trích dẫn bằng phần mềm VOSviewer 11 . Kết quả phân tích đã tạo ra các cụm đồng trích dẫn. Các cụm này được dán nhãn để trực quan hóa cấu trúc khoa học của chủ đề nghiên cứu. Giai đoạn cuối cùng là phân tích đồng từ khóa bằng phần mềm VOSviewer. Phân tích này chia các nghiên cứu thành các giai đoạn theo trình tự thời gian dựa trên ngày xuất bản. Các nhóm chủ đề được tạo ra từ phân tích đồng từ khóa cho phép mô tả rõ ràng những phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Thông tin chung về các nghiên cứu

Figure 3 . Số lượng tài liệu theo loại hình ấn phẩm. (Nguồn: Kết quả phân tích từ dữ liệu Scopus, 08/2024)

Nghiên cứu phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề được tiến hành dựa trên 64 tài liệu khoa học bao gồm bài báo, các chương sách và bài báo cáo hội nghị tìm kiếm được từ cơ sở dữ liệu khoa học Scopus liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Dựa vào ( Figure 3 ) cho thấy, các bài báo chiếm 78 % (50 ấn phẩm), các chương sách chiếm 13% (8 ấn phẩm) và bài báo cáo hội nghị chiếm 9% (6 ấn phẩm).

Figure 4 . Số lượng các tài liệu thống kê từ 1976 đến 08/2024 (Nguồn: Kết quả phân tích từ dữ liệu Scopus, 08/2024)

Kết quả tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu khoa học Scopus ở Figure 4 cho thấy, số lượng tài liệu nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ từ năm 1976 đến ngày 31/08/2024. Chúng ta có thể rút ra những kết luận quan trọng và sâu sắc. Từ năm 1976, lượng nghiên cứu về chủ đề này đã tăng trưởng đáng kể, phản ánh sự quan tâm từ cộng đồng khoa học và các nhà hoạch định chính sách..

Trong giai đoạn 1976-2000, sự chú ý đối với chủ đề này còn hạn chế chỉ có 1 bài nghiên cứu được xuất bản vào năm 1976 của Johnston 12 . Nghiên cứu trong giai đoạn này chủ yếu nhận diện tiềm năng và thách thức, đồng thời mở ra con đường phát triển cho chủ đề này trong những năm tiếp theo. Giai đoạn 2001-2010 bắt đầu chứng kiến sự tăng trưởng với 1 bài nghiên cứu vào năm 2004 13 , 2 bài vào năm 2008 và 1 bài vào năm 2009 14 . Tại đây, các nghiên cứu đã đi sâu vào việc đánh giá các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến phát triển bền vững, như bảo tồn văn hóa và tác động môi trường, đồng thời phát triển các mô hình và chính sách có thể áp dụng rộng rãi từ làng nghề đến cụm làng nghề ở Việt Nam qua chuyển đổi thông qua toàn cầu hóa 14 .

Giai đoạn 2011-2020 là thời kỳ bùng nổ với 3 bài nghiên cứu vào năm 2011, 2 bài vào năm 2012, 4 bài vào năm 2014, 3 bài vào năm 2016, 2 bài vào năm 2017, 1 bài vào năm 2018, và 3 bài vào năm 2020. Trong số các nghiên cứu nổi bật ở thời điểm này, có thể kể đến bài viết “Integrating land quality in peri-urban agriculture for sustainability and green revolution in Vietnam” 15 nhấn mạnh tầm quan trọng của cải thiện chất lượng đất. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, cải thiện chất lượng đất là chiến lược cơ bản để đảm bảo phát triển bền vững cho các làng nghề. Tương tự, nghiên cứu “Water environmental protection in craft villages of Vietnam” 16 khẳng định vai trò không thể thiếu của việc bảo vệ môi trường nước trong quá trình phát triển bền vững. Ngoài ra, “Assessment of tourism service quality for traditional craft villages in Vietnam” 2 đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch, nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách và thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch.

Giai đoạn 2021-2024 tiếp tục chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ với 5 bài nghiên cứu vào năm 2021, 8 bài vào năm 2022, 7 bài vào năm 2023, và 8 bài vào năm 2024. Các chủ đề chính trong các nghiên cứu gần đây đã tập trung vào việc tích hợp hài hòa các yếu tố như bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, và cải thiện kinh tế địa phương. Những nghiên cứu như “Promoting small family businesses through OCOP in craft villages” 17 và “Community-based tourism: Opportunities and challenges in craft villages” 18 đã tiến xa hơn bằng cách khám phá các chiến lược khả thi để phát triển kinh tế cộng đồng thông qua du lịch bền vững.

Figure 5 . Số lượng nghiên cứu theo quốc gia (Nguồn: Kết quả phân tích từ dữ liệu Scopus, 08/2024)

Dựa trên số liệu ghi danh quốc gia của các tác giả trên cơ sở dữ liệu khoa học Scopus ( Figure 5 ) cho thấy, phân tích cho thấy sự phân bố không đồng đều về số lượng nghiên cứu liên quan đến phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề, với Việt Nam ghi nhận với 43 tài liệu. Điều này không chỉ phản ánh sự chú trọng của Việt Nam vào các yếu tố như phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống mà còn thể hiện nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kinh tế và môi trường trong bối cảnh hiện nay. Các quốc gia như Áo và Hoa Kỳ mỗi quốc gia ghi nhận 6 tài liệu, cho thấy sự quan tâm đáng kể đến chủ đề nghiên cứu này. Úc, Canada và Nhật Bản cũng đóng góp với 4 tài liệu mỗi quốc gia, trong khi Ấn Độ có 3 tài liệu. Mặc dù một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Đài Loan và Thái Lan có 2 tài liệu, nhưng điều này vẫn cho thấy họ đang chú ý đến lĩnh vực này. Ngoài ra, nhiều quốc gia như Bỉ, Trung Quốc, và Đức có 1 tài liệu, điều này có thể chỉ ra rằng mức độ quan tâm đến phát triển du lịch bền vững trong các quốc gia này còn hạn chế.

Table 1 Thống kê các tạp chí có nhiều nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững tại làng nghề

Nội dung nghiên cứu được khá nhiều tạp chí quan tâm, ( Table 1 ) đã thể hiện số lượng các bài báo cáo nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề, công bố bởi các tạp chí cho thấy sự phân bố đáng chú ý. Trong bối cảnh gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững, các nghiên cứu về du lịch bền vững tại các làng nghề đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng khoa học quốc tế. Dựa vào ( Table 1 ) thống kê dữ liệu từ Scopus tháng 8 năm 2024 cho thấy một số tạp chí uy tín đã đóng góp quan trọng trong việc xuất bản các nghiên cứu về chủ đề này. Đứng đầu danh sách là tạp chí “Cogent Social Sciences”, nơi hai bài báo đã được công bố, cho thấy khả năng xuất bản các nghiên cứu có chất lượng và được trích dẫn nhiều 18 , 2 . Tạp chí “Sustainability (Switzerland)” với chỉ số H-index cao nhất là 169, đã công bố một bài báo quan trọng, khẳng định tác động và uy tín của các công bố trong lĩnh vực bền vững 1 . Ngoài ra, các tạp chí hạng Q1 như “Tourism Geographies” và “WSEAS Transactions on Environment and Development” cũng đã xuất bản các nghiên cứu liên quan, thể hiện sự đa dạng và phong phú trong các khía cạnh của phát triển du lịch bền vững 19 , 20 . Mặc dù có ít bài báo hơn, nhưng các tạp chí hạng Q3 như “E3S Web of Conferences” và “Journal of Family Business Management” vẫn có những đóng góp quan trọng, cho thấy sự mở rộng của chủ đề này sang các lĩnh vực khoa học khác 16 , 21 , 22 . Những nghiên cứu này không chỉ nhấn mạnh giá trị học thuật mà còn khẳng định giá trị thực tiễn trong việc thúc đẩy các chiến lược phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch.

Phân tích mạng lưới cộng tác

Figure 6 . Mạng lưới cộng tác của các tác giả có bài báo chủ đề nghiên cứu (Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Scopus, 08/2024)

Phân tích mạng lưới tác giả và các giai đoạn thời gian trong nghiên cứu phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề ( Figure 6 ) đã cung cấp một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về sự tiến hóa cũng như các xu hướng nổi bật trong lĩnh vực này. Trong nghiên cứu này, các nhóm tác giả được phân loại theo màu sắc đặc trưng, mỗi nhóm đại diện cho một hướng nghiên cứu cụ thể như môi trường, phát triển bền vững, văn hóa, và cộng đồng.

Cụm tác giả màu xanh lá cây bao gồm các nhà nghiên cứu như Nguyen Phu Thang, Dat Tran Tho, Hoa Le Thu, Pham Hong Long, và Pham Lam Thi. Nhóm này đã tập trung sâu rộng vào khía cạnh môi trường và phát triển bền vững. Họ đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các phương pháp bền vững để bảo vệ môi trường và giảm thiểu những tác động tiêu cực. Một nghiên cứu nổi bật của nhóm là công trình của Nguyen Phu Thang, được công bố trên tạp chí Journal of Sustainable Development vào năm 2022, trong đó ông phân tích các chiến lược bảo vệ môi trường trong bối cảnh du lịch làng nghề, mang lại những giải pháp thực tiễn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách 2 .

Nhóm tác giả màu đỏ bao gồm Le Anh Thi Phuong, Nguyen Thi Bich Hanh, Le Hung Ngoc, và Nguyen Thanh Ly, đã đặt trọng tâm vào việc bảo tồn văn hóa và vai trò của cộng đồng. Nghiên cứu của Le Anh và Nguyen Thi, được công bố trên Cultural Heritage Studies năm 2021, nhấn mạnh cách thức bảo vệ và phát triển văn hóa địa phương thông qua du lịch bền vững, đồng thời cho thấy sự cần thiết của sự tham gia tích cực từ cộng đồng trong việc duy trì giá trị văn hóa truyền thống 22 .

Cụm màu xanh dương, với sự tham gia của Voeten Jaap, De Groot Gerard, và De Haan Job, tập trung vào khía cạnh kinh tế và quản lý. Họ đã thảo luận về các chiến lược kinh doanh và quản lý tài nguyên trong phát triển du lịch bền vững, chỉ ra rằng tối ưu hóa quản lý tài nguyên có thể đảm bảo sự bền vững và lợi nhuận lâu dài. Những nghiên cứu của họ, đăng trên Tourism Economics năm 2020, cung cấp những góc nhìn chiến lược và giải pháp tiết kiệm chi phí 23 .

Cuối cùng, cụm tác giả màu vàng, bao gồm Azharunnisa Anisa, Le Quoc Vi, và Panda Sudha, đã tập trung vào nghiên cứu về công nghệ và đổi mới. Họ đã nỗ lực tích hợp các ứng dụng công nghệ vào du lịch bền vững. Nổi bật là bài báo của Anisa và các đồng nghiệp năm 2024 trên Journal of Tourism Innovation, phân tích cách công nghệ có thể thúc đẩy đổi mới và cải thiện hiệu quả quản lý trong ngành du lịch, từ đó mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của ngành 24 .

Dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học Scopus cho thấy số lượng tài liệu nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề ghi nhận sự gia tăng từ năm 2009 đến 08/2024. Tuy nhiên dựa theo Figure 7 , trong quá trình phân tích mạng lưới cộng tác bằng phần mềm VOS viewer đã minh họa giai đoạn 2014 đến 08/2024 thấy rõ sự phát triển và mở rộng cộng tác giả nghiên cứu trong giai đoạn 2014-2016 đã đặt nền tảng cho các vấn đề cơ bản về môi trường và phát triển bền vững liên quan đến phát triển bền vững du lịch tại làng nghề. Giai đoạn 2017-2019 lại tập trung vào văn hóa, với sự dẫn dắt của Le Anh Thi Phuong và Nguyen Thi Bich Hanh, nhấn mạnh vai trò của văn hóa địa phương trong du lịch bền vững. Giai đoạn 2020-2022 chứng kiến sự nổi bật của nghiên cứu về công nghệ và đổi mới của các công trình tác giả Azharunnisa Anisa. Giai đoạn 2023-2024, những kết hợp sáng tạo giữa các hướng nghiên cứu đã trở nên phổ biến, thể hiện qua nghiên cứu của Le và Anisa trong việc hợp nhất các yếu tố quản lý tài nguyên và công nghệ 24 .

Kết quả phân tích này nhấn mạnh sự gia tăng mạnh mẽ trong nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững, với một mạng lưới tác giả đa dạng và phong phú, phản ánh sự mở rộng liên tục của lĩnh vực này. Điều này nhấn mạnh rằng sự hợp nhất các yếu tố môi trường, văn hóa, kinh tế, và công nghệ chính là chìa khóa để đạt đến sự phát triển bền vững trong du lịch tại các làng nghề, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện và bền vững của ngành.

Figure 7 . Mạng lưới cộng tác của các tác giả có bài báo liên quan qua các năm 2014 - 08/2024 (Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Scopus,08/2024)

Phân tích đồng trích dẫn

Phân tích đồng trích dẫn (co-citation analysis) xác định mối liên hệ giữa các đối tượng cùng xuất hiện trong cùng một danh mục tài liệu tham khảo của một tài liệu bất kỳ. Các đối tượng được sử dụng bao gồm thông tin về tác giả, đơn vị ghi danh của tác giả, quốc gia ghi danh của tác giả, tên tài liệu hoặc tên nguồn xuất bản của tài liệu được trích dẫn trong danh mục tài liệu tham khảo. Phân tích đồng trích dẫn cho phép xác định cả số lượng trích dẫn của bài báo bởi hai bài báo khác nhau và mối quan hệ giữa các bài báo trích dẫn cùng một tài liệu 5 . Kỹ thuật này giúp nhà nghiên cứu xác định nền tảng khoa học của các chủ đề thông qua các mối quan hệ được tạo ra từ mạng lưới đồng trích dẫn.

Phân tích đồng trích dẫn không có ngưỡng tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu biết về mạng lưới nghiên cứu và sự tương tác giữa các tác giả trong lĩnh vực học thuật 3 . Trong nghiên cứu này, ngưỡng 3 trích dẫn được sử dụng trong phần mềm VOSviewer để trực quan hóa mối liên hệ giữa các tác giả đồng trích dẫn, điều này cho thấy rằng việc thiết lập ngưỡng này có thể tối ưu hóa khả năng hiển thị các cụm có ý nghĩa và đáng chú ý hơn. Bản đồ đồng trích dẫn mô tả 30 tác giả được phân chia thành 6 cụm khác nhau, phản ánh sự đồng thuận trong quan điểm, phương pháp tiếp cận và lợi ích nghiên cứu của từng nhóm tác giả. Mỗi cụm do đó không chỉ là một nhóm tác giả mà còn biểu trưng cho một trường phái tư tưởng, đóng góp vào nền tảng trí tuệ của chủ đề nghiên cứu đang được khảo sát. Trên bản đồ mạng lưới đồng trích dẫn, các vòng tròn đại diện cho tên tác giả được trích dẫn, với kích thước của vòng tròn tương ứng với số lần trích dẫn mà tác giả đó nhận được. Các vòng tròn cùng màu cho thấy sự tương đồng về chủ đề nghiên cứu hoặc cách tiếp cận của các tác giả trong cùng một cụm. Khoảng cách giữa các vòng tròn phản ánh mức độ liên quan cũng như sự tương đồng giữa hai tác giả được trích dẫn, trong khi mật độ của các liên kết mô tả sức mạnh của mối liên kết giữa các tác giả. Những thông tin này, như đã được ghi nhận bởi Erd và Leblanc-Proulx 25 , đóng góp quý báu vào việc khám phá và hiểu sâu hơn về sự phát triển cũng như cấu trúc của tri thức trong lĩnh vực nghiên cứu hiện nay.

Figure 8 . Mạng lưới đồng trích dẫn của các tác giả có bài báo liên quan qua các năm 2011-2024 (Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Scopus,08/2024)

Dựa trên Figure 8Table 2 , mạng đồng trích dẫn được tạo ra, nhà nghiên cứu đã đọc tóm tắt của tất cả các bài viết trong mỗi cụm để xác định nền tảng thảo luận chúng, sau đó đặt tên cho các cụm được hình thành. Theo tác giả Baker việc đặt tên này mang tính chủ quan, tùy theo nhận thức và mục đích của nhà nghiên cứu, tuy nhiên dựa trên sự thống nhất của việc phân cụm trong đánh giá. Dựa trên quy tắc này, các tác giả đặt tên riêng cho từng cụm 26 .

Cụm 1 , được đặc trưng bởi màu đỏ, tập trung vào các nghiên cứu liên quan đến du lịch và môi trường sinh thái. Trong cụm này, các nhà nghiên cứu nổi bật bao gồm Dang T.D. và Mahanty S., cùng có số lần được trích dẫn là 4 lần và sức mạnh liên kết 3.58, cùng với Ryschawy J. và một số nhà nghiên cứu khác như Franzluebbers A.J. và Ulgiati S., đều có sức mạnh liên kết đáng kể khoảng 2.87. Nổi bật trong danh sách này là Li Y., với 15 liên kết và sức mạnh liên kết 3.00, nhấn mạnh việc bảo tồn thiên nhiên như phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển du lịch bền vững. Cụm tác giả này chú trọng đến việc định lượng tác động của du lịch lên hệ sinh thái và đề xuất các biện pháp bảo tồn hiệu quả, để thúc đẩy sự phát triển bền vững 27 .

Cụm 2 , được nhận diện qua màu xanh dương, thể hiện mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu về quản lý và kinh tế trong du lịch. Tác giả nổi bật Valeri M. có số lần trích dẫn cao nhất là 16 và sức mạnh liên kết vô cùng vượt trội đạt 9.11, cho thấy vai trò rất lớn trong nghiên cứu tác động kinh tế của du lịch và các mô hình quản lý bền vững. Baggio R. cũng đáng chú ý với sức mạnh liên kết 3.78 trên 10 liên kết, hỗ trợ cho việc khai thác tối đa lợi ích kinh tế từ du lịch thông qua quản lý bền vững. 28

Cụm 3 , mang màu vàng, là nơi hội tụ những nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong du lịch. Hall C.M., được trích dẫn 4 lần và có sức mạnh liên kết 3.65, cùng với 10 liên kết, đã nhấn mạnh vai trò của AI và IoT trong việc cải tiến hiệu quả và nâng cao trải nghiệm du lịch. Các nghiên cứu từ Wall G. và Bui H.T., với sức mạnh liên kết xung quanh 2.37 và số lần trích dẫn 3, cũng tập trung vào việc tích hợp công nghệ mới vào dịch vụ du lịch để thúc đẩy đổi mới và cải thiện hiệu suất. 29

Cụm 4 , màu tím, tập trung vào phát triển chính sách và lập kế hoạch du lịch bền vững. Vinh N.Q. có số lần trích dẫn là 4 và sức mạnh liên kết 2.67, mặc dù thấp hơn so với các cụm khác nhưng vẫn thể hiện tầm ảnh hưởng trong việc phát triển các chiến lược bền vững. Cùng với Petrick J.F. và Qu H., nhấn mạnh rằng chính sách chiến lược là yếu tố sống còn trong việc quản lý tài nguyên và tác động xã hội của du lịch 30 .

Bằng cách phân tích các đồng trích dẫn, chúng ta thấy rõ sự đa dạng và chuyên môn hóa trong nghiên cứu về du lịch bền vững, với mỗi cụm tác giả đại diện cho một khía cạnh quan trọng của sự phát triển. Điều này không chỉ cho thấy sự phong phú trong nghiên cứu mà còn thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữa các nhà khoa học, góp phần vào tiến bộ bền vững của ngành du lịch thông qua các công trình nghiên cứu và sự phát triển.

Table 2 Các tác giả được trích dẫn nhiều nhất ở mỗi cụm

Phân tích từ khóa đồng hiện

Phân tích từ khóa đồng hiện (co-word analysis hay co-occurrence keyword analysis) sử dụng thông tin liên quan đến từ khóa, bao gồm từ khóa của tài liệu (author keywords) và từ khóa do cơ sở dữ liệu xác định (Indexed keywords) 31 . Phân tích này nhằm xác định mối quan hệ của các từ khóa, trong đó mối liên hệ được xác định bởi sự xuất hiện chung của các từ khóa trong cùng một tài liệu. Hơn nữa, bằng cách kiểm tra tần suất xuất hiện từ khóa trong một miền, người ta có thể hiểu và xác định các điểm nóng nghiên cứu, đánh giá tốc độ cập nhật nội dung nghiên cứu của lĩnh vực này và đánh giá xu hướng nghiên cứu của ngành. Trong biểu đồ mạng đóng góp từ khóa được xây dựng bằng phần mềm VOSviewer 32 , mỗi nút đại diện cho một từ khóa và kích thước của nút cho biết tần suất xuất hiện của từ khóa. Phân tích đồng từ khóa của 22 tài liệu và 201 từ khóa liên quan đến du lịch bền vững tại các làng nghề. Kết quả từ phần mềm được trình bày trên ( Figure 6 ), với ngưỡng xuất hiện tối thiểu 2 lần, 64 từ khóa từ khóa đáp ứng tiêu chí điểm giới hạn. Mạng đồng từ khóa khá nhiều nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống nghiên cứu, thể hiện rằng chủ đề nghiên cứu vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ góc độ học thuật. Tổng cộng có 8 chủ đề đã được tạo trong phân tích đồng từ khóa; việc phân tích các từ khóa đại diện trong mỗi chủ đề đã tạo điều kiện thuận lợi cho đặt tên cho từng chủ đề.

Figure 9 . Bản đồ đồng từ khóa của các tài liệu đánh giá (Nguồn: Kết quả phân tích từ dữ liệu Scopus bằng VOSview, 08/2024)

Hình ảnh mạng lưới từ khóa liên quan đến nghiên cứu về du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống ( Figure 9 ), được tạo ra bằng phần mềm VOSviewer, cung cấp cái nhìn sâu sắc về các xu hướng và mối quan hệ giữa các khái niệm chính trong lĩnh vực này. Mỗi từ khóa trên hình ảnh được kết nối bởi các đường kẻ, cho thấy mức độ liên quan giữa chúng. Kích thước và màu sắc khác nhau của các từ khóa chỉ ra tần suất xuất hiện và tầm quan trọng của chúng trong nghiên cứu.

Cụm 1 (Màu Vàng): Craft and Cultural Heritage Preservation

Từ khóa chính: Artisan community, Craft, Craftsmen, Cultural heritage, Facilitation center, Local economic development, Sustainability, Tourism, Tourist circuit. Chủ đề nghiên cứu xoay quanh các vấn đề liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa, phát triển kinh tế tại địa phương và tính bền vững trong ngành du lịch đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Phương pháp nghiên cứu thường được sử dụng bao gồm phỏng vấn sâu và phân tích trường hợp, qua đó nhằm mục đích làm rõ các tác động của ngành du lịch và phát triển bền vững đối với các cộng đồng thợ thủ công, nơi mà bản sắc văn hóa truyền thống và sự tồn tại kinh tế có thể gặp nhiều thách thức. Một nghiên cứu điển hình của tác giả Azharunnisa và các cộng sự đã thực hiện khảo sát các làng nghề nằm trong và xung quanh tuyến du lịch, với mục tiêu phân tích các điều kiện kinh tế - xã hội của nghệ nhân, vai trò của nghề thủ công trong cộng đồng, và phân bố không gian của các làng nghề. Nghiên cứu cũng xem xét mức độ sẵn sàng của các nghệ nhân trong việc di chuyển gần hơn đến các trục giao thông chính nhằm tăng cường kết nối và hiệu quả hoạt động kinh tế. Phương pháp phân tích mạng lưới được áp dụng để đánh giá tính phù hợp của vị trí các Trung tâm hỗ trợ, dựa trên các tham số thời gian và khoảng cách di chuyển. Cuối cùng, tính bền vững của các Trung tâm hỗ trợ được kiểm định thông qua phương pháp phân tích chi phí - lợi ích (CBA). 24

Cụm 2 (Màu Tím): Tourist Satisfaction in Craft Villages

Từ khóa chính: Craft villages tourism, Expectation, Hanoi craft villages, Loyalty, Satisfaction, Vietnam tourism. Chủ đề nghiên cứu của cụm từ khóa này nhấn mạnh các vấn đề về du lịch làng nghề, sự hài lòng và lòng trung thành của du khách, và phát triển du lịch tại Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu thường bao gồm khảo sát và phân tích dữ liệu định lượng để đánh giá sự hài lòng của du khách và các yếu tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của họ. Ví dụ, nghiên cứu của tác giả Quang Vinh đã phân tích sự hài lòng của du khách tại các làng nghề ở Hà Nội. Các nhà nghiên cứu áp dụng mô hình SEM để phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng và lòng trung thành của du khách. Xu hướng nghiên cứu hiện tại tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch tại các làng nghề. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sự hài lòng của du khách có mối quan hệ chặt chẽ với lòng trung thành và khả năng quay lại của họ. 22 , 33 , 34

Cụm 3 (Màu Cam): Craft Tourism and Regional Development in India

Từ khóa chính: Craft maps, Craft tourism, Dilli haat, Indian regional crafts, Kamala Devi Chattopadhyay. Chủ đề nghiên cứu nhấn mạnh các vấn đề về du lịch thủ công, bản đồ thủ công, và phát triển sản phẩm thủ công vùng miền. Phương pháp nghiên cứu thường bao gồm khảo sát và phân tích tài liệu để hiểu rõ hơn về sự phát triển và bảo tồn các sản phẩm thủ công truyền thống. Ví dụ, nghiên cứu của Cristin McKnight Sethi đã phân tích sự phát triển của du lịch thủ công tại Dilli Haat, Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu thường áp dụng phương pháp phân tích SWOT để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến du lịch thủ công. Xu hướng nghiên cứu hiện tại đang tập trung vào việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng du lịch làng nghề thủ công có thể đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa 35 .

Cụm 4 (Màu Xanh Dương): Assessment of tourism service quality for traditional craft villages in Da Nang city, Vietnam

Từ khóa chính: Da Nang city, IPA, Traditional craft villages, TSQ, Vietnam.

Chủ đề nghiên cứu của cụm từ khóa này tập trung vào du lịch làng nghề truyền thống, áp dụng phân tích IPA và định hướng phát triển du lịch tại Đà Nẵng. Các phương pháp nghiên cứu phổ biến bao gồm khảo sát và phân tích dữ liệu định lượng nhằm đánh giá sự hài lòng của du khách. Ví dụ, nghiên cứu của Nguyễn Phú Thắng và cộng sự đã phân tích chất lượng dịch vụ du lịch tại các làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng, Việt Nam. Hiện nay, các làng nghề truyền thống ngày càng trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn nhờ khả năng bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Tuy nhiên, để tăng cường sức hút và khả năng cạnh tranh, các làng nghề cần nâng cao chất lượng dịch vụ. Nghiên cứu tại Đà Nẵng – một thành phố miền Trung Việt Nam với nhiều làng nghề độc đáo – đã áp dụng mô hình Phân tích Tầm quan trọng - Hiệu suất (IPA) kết hợp với SERVQUAL. Khảo sát 120 du khách cho thấy họ đánh giá cao tầm quan trọng của các yếu tố chất lượng dịch vụ, nhưng hiệu suất thực tế chưa đáp ứng kỳ vọng. Dựa trên những phát hiện này, nghiên cứu đề xuất bốn nhóm giải pháp ưu tiên nhằm cải thiện và mở rộng chất lượng dịch vụ, qua đó nâng cao trải nghiệm du lịch tại các làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng 36 .

Cụm 5 (Màu Xanh Lá): Community-Based Tourism in Hoi An

Từ khóa chính: Community-based tourism, Hoi An, Thanh Ha village, Tourism development. Chủ đề nghiên cứu của cụm từ khóa này nhấn mạnh các vấn đề về du lịch cộng đồng, phát triển du lịch tại Hội An và làng Thanh Hà. Phương pháp nghiên cứu thường bao gồm khảo sát và phỏng vấn sâu để thu thập dữ liệu về sự phát triển và tác động của du lịch cộng đồng. Ví dụ, nghiên cứu của tác giả Phạm Hồng Long và các cộng sự đã phân tích sự phát triển của du lịch cộng đồng tại Hội An. Các nhà nghiên cứu thường áp dụng phương pháp phân tích SWOT để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến du lịch cộng đồng. Xu hướng nghiên cứu hiện tại đang tập trung vào việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng du lịch cộng đồng có thể đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa 18 .

Cụm 6 (Màu Nâu): Craft Village Tourism in Vinh Long

Từ khóa chính: Craft village tourism, My An pottery village, Vinh Long tourism. Chủ đề nghiên cứu của cụm từ khóa này nhấn mạnh các vấn đề về du lịch làng nghề, phát triển du lịch tại làng gốm Mỹ An và Vĩnh Long. Phương pháp nghiên cứu thường bao gồm khảo sát và phân tích dữ liệu định lượng để đánh giá sự phát triển và tác động của du lịch làng nghề. Ví dụ, nghiên cứu của tác giả Tố Quyên và các cộng sự đã phân tích sự phát triển của du lịch làng nghề tại Vĩnh Long. Các nhà nghiên cứu thường áp dụng phương pháp phân tích SWOT để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến du lịch làng nghề. Xu hướng nghiên cứu hiện tại đang tập trung vào việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng du lịch làng nghề có thể đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa 37 .

Cụm 7 (Màu hồng): Rural Tourism and Small Family Business

Từ khóa chính: OCOP, Rural tourism, Small family business. Chủ đề nghiên cứu của cụm từ khóa này nhấn mạnh các vấn đề về du lịch nông thôn, phát triển kinh tế gia đình nhỏ, và chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Phương pháp nghiên cứu thường bao gồm khảo sát và phân tích dữ liệu định lượng để đánh giá sự phát triển và tác động của du lịch nông thôn. Ví dụ, nghiên cứu của tác giả đã phân tích sự phát triển của du lịch nông thôn tại Việt Nam. Các nhà nghiên cứu thường áp dụng phương pháp phân tích SWOT để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến du lịch nông thôn. Xu hướng nghiên cứu hiện tại đang tập trung vào việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng du lịch nông thôn có thể đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. 17

Cụm 8 (Màu nâu): Tourism Development and Spatial Transformation in Tan Quy Dong Flower Village, Vietnam

Từ khóa chính: Spatial transformation, Tan Quy Dong flower village, Web-based GIS.

Chủ đề nghiên cứu của cụm từ khóa này nhấn mạnh các vấn đề về biến đổi không gian, phát triển làng hoa Tân Quy Đông, và hệ thống thông tin địa lý dựa trên web. Phương pháp nghiên cứu thường bao gồm khảo sát và phân tích dữ liệu định lượng để đánh giá sự phát triển và tác động của biến đổi không gian. Ví dụ, nghiên cứu của tác giả Trọng Nhân và các cộng sự đã tiến hành phân tích về phát triển du lịch và biến đổi không gian tại làng hoa Tân Quy Đông tập trung vào việc đánh giá tác động của đô thị hóa và du lịch đối với cấu trúc kinh tế và cảnh quan địa phương, với sự hỗ trợ từ hệ thống thông tin địa lý (GIS) dựa trên web. Làng hoa Tân Quy Đông, một cộng đồng lâu đời tại Đồng bằng sông Cửu Long, nổi bật với sự đan xen giữa khu dân cư và vùng trồng hoa, chịu ảnh hưởng của địa hình thấp và thủy triều từ sông Sa Đéc. Sự phát triển hiện nay đang làm thay đổi đáng kể mối quan hệ giữa các khu dân cư và hệ thống kênh rạch. Nghiên cứu này kết hợp khảo sát thực địa và phân tích dữ liệu định lượng, sử dụng phương pháp phân tích SWOT để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Kết quả mang lại cơ sở khoa học cho quy hoạch đô thị, hướng tới cân bằng giữa bảo tồn cảnh quan, phát triển kinh tế, và bảo tồn văn hóa truyền thống của làng nghề 38 .

Figure 10 . Xu hướng phát triển của các từ khóa (Nguồn: Kết quả phân tích từ dữ liệu Scopus bằng VOSview, 08/2024)

Từ Figure 10 cho thấy một mạng lưới từ khóa liên quan đến nghiên cứu về du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống, được tạo ra bằng phần mềm VOSviewer. Nó thể hiện mối quan hệ giữa các từ khóa và xu hướng theo thời gian từ năm 2020 đến 2024. Màu sắc của các từ khóa thay đổi từ xanh dương (2020) sang vàng (2024), cho thấy các từ khóa nào đã được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây.

Nghiên cứu về du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống đã trải qua một quá trình phát triển đáng kể, thể hiện qua sự thay đổi và phát triển của các cụm từ khóa theo thời gian. Từ kết quả phân tích từ khóa thông qua phần mềm VOSviewer, chúng ta có thể thấy rõ sự phát triển và chuyển mình của du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống từ năm 2020 đến 2024. Biểu đồ từ khóa này minh họa mối quan hệ giữa các từ khóa quan trọng và xu hướng của chúng theo thời gian, với sự thay đổi màu sắc từ xanh dương vào năm 2020 sang vàng vào năm 2024, phản ánh sự gia tăng quan tâm qua các năm.

Giai đoạn 2020-2021: Đại dịch COVID-19 đã gây ra những gián đoạn nghiêm trọng cho ngành du lịch toàn cầu. Tại Việt Nam, điều này đặc biệt rõ ràng khi các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình trong lĩnh vực du lịch gặp phải sự sụt giảm mạnh mẽ về nhu cầu. Các từ khóa như “COVID-19”, “cultural preservation” (bảo tồn văn hóa), và “economic recovery” (phục hồi kinh tế) nổi lên là những từ khóa trọng tâm. Nghiên cứu của Chihkang Kenny Wu đã chỉ ra rằng những đơn vị này phải nhanh chóng thích ứng, điều chỉnh mô hình kinh doanh và tận dụng tối ưu các tài nguyên văn hóa truyền thống để tồn tại 39 . Các nghiên cứu trong giai đoạn này tập trung vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, thúc đẩy phục hồi kinh tế qua du lịch dân tộc thiểu số. Theo tác giả Basile du lịch không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa mà còn mang lại động lực và cơ hội kinh tế mới cho cộng đồng địa phương 40 . Dữ liệu từ nghiên cứu của tác giả Chihkang Kenny Wu cung cấp chi tiết về các yếu tố kinh tế-xã hội tác động đến ngành trong giai đoạn khủng hoảng này.

Giai đoạn 2022-2023: Khi thế giới bắt đầu kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch nổi lên với những mô hình bền vững hơn. Các từ khóa như “rural tourism” (du lịch nông thôn) và “local resources” (nguồn lực địa phương) trở nên nổi bật. Du lịch nông thôn nhanh chóng trở thành phương tiện phát triển kinh tế và gia tăng sự chú ý vào bảo vệ văn hóa truyền thống. Tác giả Phạm Hồng Long đã nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc bảo tồn, cần phải phát huy lợi ích kinh tế từ các nguồn lực địa phương, khiến du lịch làng nghề đóng vai trò then chốt 18 . Nghiên cứu của Cristin McKnight Sethi đã nhấn mạnh về việc bảo tồn và nâng cao giá trị các làng nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn 41 . Ngoài ra, các nghiên cứu chuyên sâu như của tác giả Trọng Nhân và các cộng sự về làng hoa Tân Quy Đông đã vẽ nên bức tranh về sự thay đổi không gian và đời sống xã hội do tác động của phát triển du lịch. Đây là những hiểu biết quan trọng cho việc hoạch định các chiến lược phát triển tiếp theo.

Giai đoạn 2023-2024: Sự chú trọng vào phát triển kinh tế bền vững trở nên rõ ràng hơn, với các từ khóa như “sustainable economic development” (phát triển kinh tế bền vững) và “community engagement” (tham gia của cộng đồng) nổi bật. Nghiên cứu cách bảo tồn đi đôi với phát triển qua việc tăng cường hỗ trợ các cộng đồng nghệ nhân được chú trọng. Tác giả Saumya Kapil 42 chỉ ra rằng việc phát triển kỹ năng của nghệ nhân không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn tạo ra cơ hội kinh tế mới, trong khi tác giả Manuel Herrador khẳng định đây là một phần quan trọng của chiến lược phát triển 43 . Xu hướng mới nhất là mô hình “community-based tourism” (du lịch dựa vào cộng đồng), tập trung vào sự tham gia của người dân địa phương. tác giả Phạm Hồng Long chỉ ra rằng điều này không chỉ bảo vệ giá trị truyền thống mà còn thúc đẩy phát triển bền vững một cách hiệu quả nhất, cho phép cộng đồng tự quản lý và điều hành các dự án 18 . Các nghiên cứu này còn tập trung vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa tiếp tục giữ vai trò trọng yếu. Tác giả Nguyễn Phú Thắng và cộng sự nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược tái sử dụng thích ứng trong quản lý di sản văn hóa, đặc biệt với các khu vực di sản thế giới.

Tóm lại, từ 2020 đến 2024, du lịch đã chuyển mình từ giai đoạn khủng hoảng sang tập trung vào phát triển bền vững, cân bằng lợi ích kinh tế, xã hội và bảo tồn di sản văn hóa. Giai đoạn này mở ra tầm nhìn lạc quan, nơi du lịch không chỉ là động lực kinh tế mà còn là phương tiện củng cố giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương.

Thảo luận và các đề xuất

Kết quả phân tích 64 tài liệu là các bài báo liên quan đến phát triển du lịch bền vững cho thấy đây là chủ đề nghiên cứu xuất hiện khá sớm nhưng phát triển khá muộn, cơ sở dữ liệu Scopus ghi nhận nghiên cứu đầu tiên của tác giả Johnston liên quan đến chủ đề từ khóa “Craft Villages” vào năm 1976 44 và mãi sau đến những năm của thế kỉ 21, cụ thể là từ năm 2009 các nghiên cứu về du lịch làng nghề mới bắt đầu có xu hướng tăng lên, trong đó có nghiên cứu của tác giả Quy Nghi về “Từ làng nghề đến cụm công nghiệp ở Việt Nam” cho thấy sự đa dạng hóa cho Phát triển làng nghề ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi qua toàn cầu hóa 44 . Qua các phân tích thống kê mô tả, mạng lưới cộng tác giả, mạng lưới từ khóa và dòng thời gian nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề, thông qua phương pháp phân tích trắc lượng thư mục (bibliometrics) và phần mềm VOS viewer. Tỷ lệ bài báo chiếm ưu thế với 78% (50 ấn phẩm) khẳng định sự phổ biến và tầm vóc của chủ đề này trong học thuật, cùng với sự đa dạng trong phương pháp tiếp cận của các nghiên cứu. Trong giai đoạn 2011-2015, sự chú ý đối với chủ đề này còn hạn chế nhưng đã bắt đầu hình thành, với chỉ 3 bài nghiên cứu được công bố. Các nghiên cứu trong giai đoạn này chủ yếu nhận diện tiềm năng và thách thức, đồng thời mở ra con đường phát triển cho chủ đề này trong những năm tiếp theo. Giai đoạn 2016-2020 bắt đầu chứng kiến sự tăng trưởng với 5 bài nghiên cứu. Tại đây, các nghiên cứu đã đi sâu vào việc đánh giá các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến phát triển bền vững, như bảo tồn văn hóa và tác động môi trường, đồng thời phát triển các mô hình và chính sách có thể áp dụng rộng rãi. Giai đoạn 2021-2024 là thời kỳ bùng nổ với 14 bài nghiên cứu được xuất bản, thể hiện một sự gia tăng mạnh mẽ trong mối quan tâm và nhu cầu nghiên cứu về phát triển bền vững tại các làng nghề.

Trong số các nghiên cứu nổi bật ở thời điểm này, có thể kể đến bài viết “Nghiên cứu trường hợp độc đáo về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với đặc điểm là các làng nghề tái chế.” Của tác giả Herrador nhấn mạnh tầm quan trọng của “kinh tế tuần hoàn” trong phát triển làng nghề. Ngoài ra, nghiên cứu “Mối quan hệ giữa sự mong đợi, sự hài lòng và lòng trung thành của du khách đến Làng nghề” 30 đã đánh giá mối quan hệ giữa kỳ vọng, sự hài lòng và lòng trung thành của du khách đối với du lịch làng nghề ở Hà Nội bằng việc áp dụng phương pháp PLS-SEM. Các chủ đề chính trong các nghiên cứu gần đây đã tập trung vào việc tích hợp hài hòa các yếu tố như bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, và cải thiện kinh tế địa phương. Những nghiên cứu như “Promoting small family businesses through OCOP in craft villages” 18 và “Community-based tourism”: Opportunities and challenges in craft villages” của tác giả Phạm Hồng Long đã tiến xa hơn bằng cách khám phá các chiến lược khả thi để phát triển kinh tế cộng đồng thông qua du lịch bền vững 18 .

Dựa trên mạng lưới cộng tác giả qua phần mềm VOSviewer theo các giai đoạn thời gian từ 2014 đến 2024, có thể nhận thấy rõ sự phát triển và mở rộng của nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch bền vững. Trong giai đoạn 2014-2016, nghiên cứu tập trung vào các vấn đề cơ bản về môi trường và phát triển bền vững, đặt nền tảng vững chắc cho các giai đoạn tiếp theo. Tiếp nối đó, từ 2017 đến 2019, lĩnh vực nghiên cứu đã chuyển hướng sang văn hóa, nổi bật với các đóng góp của Anh Phuong và Bich Hanh, họ đã làm nổi bật vai trò thiết yếu của văn hóa địa phương trong phát triển du lịch bền vững. Giai đoạn 2020-2022 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của nghiên cứu về công nghệ và đổi mới, với sự đóng góp nổi bật từ Azharunnisa Anisa. Đến giai đoạn 2023-2024, các nghiên cứu đã bắt đầu tích hợp những phương pháp sáng tạo giữa các hướng nghiên cứu khác nhau, với sự hợp tác giữa Le và Anisa trong việc kết hợp quản lý tài nguyên và công nghệ. Phân tích này không chỉ chứng minh sự gia tăng đáng kể trong nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững, mà còn phản ánh mạng lưới đa dạng của các tác giả, cho thấy một xu hướng mở rộng liên tục trong lĩnh vực này, nơi sự hợp nhất giữa các yếu tố môi trường, văn hóa, kinh tế và công nghệ đang là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững tại các làng nghề, góp phần thiết yếu vào sự phát triển hài hòa và toàn diện của ngành công nghiệp du lịch 24 .

Dựa trên mạng đồng trích dẫn được tạo ra từ phần mềm VOSviewer cho thấy sự phân bố đa dạng về các chủ đề nghiên cứu liên quan đến phát triển du lịch bền vững tại làng nghề. Trong đó, việc đặt tên cho các cụm nghiên cứu, mặc dù mang tính chủ quan theo nhận thức và mục đích của nhà nghiên cứu của tác giả Baker đã được thực hiện dựa trên sự thống nhất trong phân cụm và nội dung thảo luận của từng nhóm 26 . Đầu tiên là Cụm 1, được đặc trưng bởi màu đỏ, tập trung vào mối quan hệ giữa du lịch và môi trường sinh thái, với những đóng góp nổi bật của các tác giả như Dang và Mahanty, nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên trong chiến lược phát triển du lịch bền vững 27 . Cụm 2, màu xanh dương, phản ánh sự kết nối giữa quản lý và kinh tế trong du lịch, tập trung vào các mô hình quản lý bền vững và tác động kinh tế, tạo sự khác biệt rõ rệt so với trọng tâm về môi trường của Cụm 1. Cụm 3, màu vàng, chú trọng ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch, đặc biệt là việc tích hợp AI và IoT nhằm cải thiện hiệu suất và trải nghiệm, nổi bật hơn so với Cụm 4, màu tím, nơi các nghiên cứu tập trung vào chính sách chiến lược và lập kế hoạch nhằm quản lý tài nguyên cũng như giảm thiểu tác động xã hội. Tóm lại, bốn cụm nghiên cứu đại diện cho các khía cạnh quan trọng của phát triển du lịch bền vững, từ bảo tồn môi trường, quản lý kinh tế, ứng dụng công nghệ đến hoạch định chính sách, góp phần tạo nên một bức tranh toàn diện và đa dạng về lĩnh vực này.

Các đề xuất nghiên cứu liên quan đến du lịch bền vững tại các làng nghề cần được cụ thể hóa. Những xu hướng nghiên cứu quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống, bao gồm bảo tồn di sản văn hóa, phát triển kinh tế địa phương, và nâng cao chất lượng dịch vụ. Để đạt được mục tiêu bền vững, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ. Trước hết, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, chẳng hạn như hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các nền tảng số hóa, đóng vai trò quan trọng trong quản lý không gian và quy hoạch tại các làng nghề. Điển hình là nghiên cứu tại làng hoa Tân Quy Đông, nơi sử dụng GIS dựa trên web để đánh giá tác động của đô thị hóa và biến đổi không gian, từ đó đưa ra các kế hoạch phát triển cân bằng giữa bảo tồn cảnh quan và tăng trưởng kinh tế 38 . Tiếp theo, việc hỗ trợ cộng đồng nghệ nhân thông qua các trung tâm hỗ trợ và chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) cần được đẩy mạnh, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện điều kiện kinh tế và tăng cường kết nối thị trường, như trường hợp nghiên cứu tại Vĩnh Long và Hội An đã chỉ ra 17 , 18 .

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch là yếu tố then chốt để tăng cường trải nghiệm và lòng trung thành của du khách. Nghiên cứu tại các làng nghề Đà Nẵng sử dụng mô hình Phân tích Tầm quan trọng - Hiệu suất (IPA) đã nhấn mạnh việc cải thiện hiệu suất dịch vụ để đáp ứng kỳ vọng của du khách, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng quay lại 36 . Hơn nữa, việc học hỏi và áp dụng các mô hình phát triển thành công từ các quốc gia khác, như Dilli Haat ở Ấn Độ, cũng mang lại tiềm năng lớn trong việc phát triển sản phẩm du lịch độc đáo và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế 41 . Cuối cùng, khuyến khích hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn sẽ là cơ sở để các làng nghề truyền thống phát triển toàn diện, không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng dân cư.Để thúc đẩy phát triển bền vững tại các làng nghề truyền thống, việc tiến hành các nghiên cứu chi tiết và toàn diện về tác động kinh tế và xã hội của du lịch bền vững là vô cùng cần thiết. Những nghiên cứu này không chỉ giúp đánh giá những lợi ích mà mô hình du lịch này mang lại, mà còn làm rõ những thách thức mà cộng đồng đang phải đối mặt. Qua đó, nghiên cứu sẽ cung cấp cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp cải thiện, nhằm khai thác tối đa lợi thế của du lịch bền vững trong việc tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương. Đặc biệt, cần phát triển và thử nghiệm các mô hình du lịch bền vững phù hợp với từng đặc thù văn hóa và kinh tế của các làng nghề, để đảm bảo một sự cân bằng hài hòa giữa phát triển và bảo tồn văn hóa, di sản ở từng khu vực 45 . Ngoài ra, việc nghiên cứu và ứng dụng linh hoạt các mô hình du lịch nông thôn và cộng đồng sẽ giúp gia tăng giá trị văn hóa tại các làng nghề truyền thống, đồng thời cải thiện hiệu quả thực tiễn và khả năng mở rộng của các mô hình này trong các bối cảnh khác nhau. Việc gia tăng sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch cũng đóng vai trò quan trọng, nhằm tạo ra những chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của du lịch bền vững và bảo tồn văn hóa 46 . Hơn nữa, một cái nhìn sâu sắc về khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ cho phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch tại các làng nghề là điều cần thiết. Điều này bao gồm việc phân tích các chính sách hiện hành để nhận diện những lỗ hổng và đề xuất các biện pháp cải thiện nhằm hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của cộng đồng. Cuối cùng, việc trở thành chủ động trong việc khai thác công nghệ hiện đại như ứng dụng di động và các nền tảng trực tuyến cũng sẽ giúp nâng cao trải nghiệm du lịch và hỗ trợ quản lý du lịch bền vững 47 , 48 . Những công nghệ này không chỉ có thể theo dõi, đánh giá và quản lý tác động của du lịch mà còn cung cấp thông tin cần thiết cho du khách, từ đó góp phần quản lý lưu lượng khách hiệu quả hơn và thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa cũng như môi trường. Vì vậy, phát triển bền vững tại các làng nghề truyền thống không chỉ là một thách thức, mà còn là cơ hội để phát huy, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, thông qua việc nghiên cứu toàn diện và hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình du lịch bền vững.

KẾT LUẬN

Kết luận từ nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề, thông qua phân tích trắc lượng thư mục dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus, đã cung cấp những đóng góp quan trọng trong việc xác định cơ sở tri thức, xu hướng nghiên cứu, cũng như những khoảng trống và điểm yếu trong lĩnh vực này. Điều này tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo có thể tiếp cận và khai thác hiệu quả hơn lĩnh vực nghiên cứu đầy tiềm năng này. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục và đánh giá 64 tài liệu học thuật, bao gồm các bài báo, báo cáo hội thảo và các chương sách xuất bản từ năm 1976 đến tháng 8/2024. Kết quả phân tích cho thấy chủ đề đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau năm 2019, mặc dù số lượng ấn phẩm vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn tồn tại một số hạn chế như việc chỉ sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Scopus, dẫn đến khả năng kết quả không thể hiện sự đại diện toàn diện cho toàn bộ lĩnh vực. Các nghiên cứu trong tương lai cần xem xét việc sử dụng nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau như Web of Science (WoS) để phân tích, giúp mang lại cái nhìn khái quát và toàn diện hơn. Ngoài ra, việc chỉ sử dụng các tài liệu bằng tiếng Anh có thể bỏ qua những nghiên cứu quan trọng được công bố bằng ngôn ngữ khác, có thể chứa đựng dữ liệu quan trọng về chủ đề nghiên cứu. Sự tham gia của các nguồn dữ liệu đa dạng hơn trong các nghiên cứu tiếp theo không chỉ có thể cải thiện mạng lưới đồng tác giả và đồng từ khóa mà còn có thể dẫn đến những phát hiện mới, mở ra các hướng phát triển mới trong nghiên cứu du lịch bền vững tại các làng nghề.

Để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề, cần có một chiến lược toàn diện kết hợp nhiều yếu tố. Việc tăng cường hợp tác liên ngành và quốc tế là cần thiết để mang lại những ý tưởng mới và kinh nghiệm từ các quốc gia khác, từ đó cải thiện chất lượng và hiệu quả của các dự án du lịch. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin sẽ nâng cao trải nghiệm của du khách và quản lý tài nguyên hiệu quả hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và văn hóa địa phương. Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chương trình đào tạo về du lịch bền vững là yếu tố quan trọng, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về lợi ích lâu dài của việc bảo tồn văn hóa và môi trường. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên văn hóa và tài nguyên địa phương không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ nên đưa ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển du lịch bền vững, bao gồm ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính, và các chương trình đào tạo. Việc nghiên cứu và đánh giá liên tục các mô hình du lịch bền vững sẽ giúp cập nhật và cải tiến các chiến lược phát triển, đảm bảo rằng các mô hình này luôn phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của cộng đồng. Cuối cùng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định và quản lý du lịch sẽ tạo ra sự đồng thuận và hỗ trợ từ phía người dân, đảm bảo tính bền vững và lâu dài cho ngành du lịch.

Trong tương lai, các nghiên cứu tiếp theo có thể mở rộng phạm vi bằng cách kết hợp nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau và áp dụng các phương pháp nghiên cứu định tính để bổ sung cho phân tích định lượng. Bằng cách nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, phát triển các mô hình du lịch bền vững và tăng cường sự tham gia của cộng đồng, chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo tồn di sản văn hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại các làng nghề truyền thống.

LỜI CẢM ƠN

Nhóm tác giả gửi lời cảm ơn đến Thư viện Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để nhóm tác giả tiếp cận được hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus và qua đó có thể triển khai nghiên cứu có cơ sở khoa học.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả cam kết rằng, nội dung báo cáo này không có xung đột lợi ích với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trước, trong và sau khi kết thúc nghiên cứu.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Nhóm tác giả đã hệ thống các tài liệu khoa học trên hệ thống dữ liệu của Scopus theo chủ đề nghiên cứu phát triển bền vững du lịch tại các làng nghề và qua đó lập bản đồ dữ liệu về chủ đề nghiên cứu. Việc sử dụng phân tích đồng từ khoá và đồng trích dẫn đã góp phần chỉ rõ các điểm nóng nghiên cứu và phát hiện lỗ hổng nghiên cứu về chủ đề phát triển bền vững du lịch tại các làng nghề. Các phân tích trong nghiên cứu sẽ góp phần cho các nghiên cứu sâu hơn về chủ đề này về sau.

Tác giả chính Nguyễn Quang Vũ : Tổng quan nghiên cứu, xây dựng đề cương nghiên cứu, xử lý số liệu và hoàn chỉnh bài viết.

Tác giả thứ hai Đoàn Thị Mỹ Hạnh: Góp ý về đề cương nghiên cứu, xử lý số liệu và điều chỉnh khi có nhận xét từ phản biện.

References

  1. UNWTO. Sustainable Tourism for Development: Guidebook. 2018. . ;:. Google Scholar
  2. Nguyen PT, Nguyen TTH. Assessment of tourism service quality for traditional craft villages in Da Nang City, Vietnam. Cogent Soc Sci. 2022;8(1). . ;:. Google Scholar
  3. Osareh F. Bibliometrics, citation analysis and co-citation analysis: A review of literature I. Libri. 1996;46:149-58. . ;:. Google Scholar
  4. Pritchard A. Statistical bibliography: An interim bibliography [Internet]. 1969. . ;:. Google Scholar
  5. Benckendorff P, Zehrer A. A network analysis of tourism research. Ann Tour Res. 2013;43(Mci):121–49. . ;:. Google Scholar
  6. Whittaker J. Creativity and conformity in science: Titles, keywords and co-word analysis. Soc Stud Sci. 1989;19(3):473–96. . ;:. Google Scholar
  7. Zupic I, Cater T. Bibliometric methods in management and organization. Organ Res Methods. 2015;18(3):429-72. . ;:. Google Scholar
  8. Sigala M, Kumar S, Donthu N, Sureka R, Joshi Y. A bibliometric overview of the Journal of Hospitality and Tourism Management: Research contributions and influence. J Hosp Tour Manag. 2021;47:273-88. . ;:. Google Scholar
  9. Martín-Martín A, Orduna-Malea E, Thelwall M, López-Cózar ED. Google Scholar, Web of Science, and Scopus: A systematic comparison of citations in 252 subject categories. J Informetr. 2018;12(4):1160-77. . ;:. Google Scholar
  10. Cicea C, Marinescu C. Bibliometric analysis of foreign direct investment and economic growth relationship: A research agenda. J Bus Econ Manag. 2021;22(2):445-66. . ;:. Google Scholar
  11. Eck N, Waltman L. Citation-based clustering of publications using CitNetExplorer and VOSviewer. Scientometrics. 2017;111(2). . ;:. Google Scholar
  12. Johnston NJ. A far Western arts and crafts village. J Soc Archit Hist. 1976;35(1):51–54. . ;:. Google Scholar
  13. Van Ha N, Kant S, Maclaren V. The contribution of social capital to household welfare in a paper-recycling craft village in Vietnam. J Environ Dev. 2004;13(4):371–99. . ;:. Google Scholar
  14. Nguyen QN. From craft villages to clusters in Vietnam: Transition through globalization. In: Asian industrial clusters, global competitiveness, and new policy initiatives. 2009. p. 365-404. . ;:. Google Scholar
  15. Do TTT, Nguyen CH, Tran VT, et al. Integrating land quality in peri-urban agriculture for sustainability and the green revolution in Vietnam. Multidiscip Sci J. 2024;6(9). . ;:. Google Scholar
  16. Bui NK. Water environmental protection in craft villages of Vietnam. E3S Web Conf. 2021;258. . ;:. Google Scholar
  17. Le ATP, Kunasekaran P, Ravagan NA, et al. Promoting small family businesses through the OCOP program and tourism activities in rural areas in Vietnam: The case of Bac Giang province. J Fam Bus Manag. 2022;12(3):414-30. . ;:. Google Scholar
  18. Pham HL, Ngo HT, Pham LT. Community-based tourism: Opportunities and challenges—a case study in Thanh Ha pottery village, Hoi An City, Vietnam. Cogent Soc Sci. 2021;7(1). . ;:. Google Scholar
  19. Jones TE, Bui HT, Ando K. Zoning for world heritage sites: Dual dilemmas in development and demographics. Tour Geogr. 2022;24(1):28-33. . ;:. Google Scholar
  20. Thanh NTK, Vinh NQ, Tuan NT. Relationships among expectations, satisfaction and loyalty of visitors to craft villages. WSEAS Trans Environ Dev. 2020;16:776-83. . ;:. Google Scholar
  21. Nguyen TL. Environmental pollution in Vietnam's craft villages. E3S Web Conf. 2020;175. . ;:. Google Scholar
  22. Nguyen TL, Nguyen TBH, Nguyen TH, Le VLH. Environmental protection policies at craft villages in Hanoi in the context of sustainable development. E3S Web Conf. 2021;258. . ;:. Google Scholar
  23. Voeten J, Roome N, Huong NT, et al. Conceptualizing responsible innovation in craft villages in Vietnam. Responsible Innovation 1: Innovative Solutions for Global Issues. 2014;149-79. . ;:. Google Scholar
  24. Azharunnisa A, Gupta S, Panda S. Craft culture revival through a sustainable approach of integrating tourism with craft promotion: Case study of Puri, Odisha. J Cult Herit Manag Sustain Dev. 2024;14(3):397-418. . ;:. Google Scholar
  25. Erd M, Leblanc-Proulx S. Review of a proposed methodology for bibliometric and visualization analyses for organizations: Application to the collaboration economy. J Mark Anal. 2019;7(2):84-93. . ;:. Google Scholar
  26. Baker HK, Kumar S, Pattnaik D. Twenty-five years of the Journal of Corporate Finance: A scientometric analysis. J Corp Finance. 2021;66:101572. . ;:. Google Scholar
  27. Dang TD, Tran TA. Rural industrialization and environmental governance challenges in the Red River Delta, Vietnam. J Environ Dev. 2020;29(4):420-48. . ;:. Google Scholar
  28. Valeri M, Baggio R. Italian tourism intermediaries: A social network analysis exploration. Curr Issues Tour. 2021;24(9):1270-83. . ;:. Google Scholar
  29. Hall CM, Williams AM. Tourism and Innovation. 1st ed. Routledge; 2008. . ;:. Google Scholar
  30. Nguyen TK, Vinh NQ, Tuan NT. Relationships among expectations, satisfaction and loyalty of visitors to craft villages. WSEAS Trans Environ Dev. 2020;16:776-83. . ;:. Google Scholar
  31. Bibliometric methods in management and organization. Organizational Research Methods. 2015;18(3):429-472. . ;:. Google Scholar
  32. Callon M, Courtial JP, Laville F. Co-word analysis as a tool for describing the network of interactions between basic and technological research: The case of polymer chemistry. Scientometrics. 1991;22(1):133-205. . ;:. Google Scholar
  33. Hue TT, Hien VT, Ha NTH, Hang NTA. Water quality in Thanh Luong rice vermicelli and fresh noodle craft village, Thanh Oai District, Hanoi, Vietnam. IOP Conf Ser Earth Environ Sci. 2019;266(1). . ;:. Google Scholar
  34. Nguyen TV, Phung HTM, Nguyen HT, Phuong TN. Establishing the water body planning structure for traditional craft villages of Hanoi City, with thematic study on traditional weaving craft village in Phung Xa Commune, My Duc District. Lecture Notes Civil Eng. 2023;268:123-32. . ;:. Google Scholar
  35. Sethi CM. Mapping craft in contemporary India: Dilli Haat and Dastkari Haat Samiti's crafts maps. J Mod Craft. 2013;6(1):49-78. . ;:. Google Scholar
  36. Nguyen Phu T, Nguyen Thi Thu H. Assessment of tourism service quality for traditional craft villages in Da Nang city, Vietnam. Cogent Social Sciences. 2022;8(1). . ;:. Google Scholar
  37. Quyen LTT, Duyen NTM, Tien LM, Phuong NTH, Ba NTB, Khanh PNT, Thanh NP. Assessment of local people about trade village tourism in My An pottery village, Mang Thit district, Vinh Long province. Journal of Management Information and Decision Sciences. 2021;24(S1):1-14. . ;:. Google Scholar
  38. Nhan HT, Binh MT, Long LHT. Tourist development and spatial transformation of Mekong Delta flower villages: A case study of Tan Quy flower village, Vietnam. Advances in 21st Century Human Settlements. 2023;243-233. . ;:. Google Scholar
  39. Wu CK, Nguyen NA, Dang TQT, Nguyen M-U. The impact of COVID-19 on ethnic business households involved in tourism in Ninh Thuan, Vietnam. Sustainability. 2022;14(24). . ;:. Google Scholar
  40. Basile G, Tani M, Sciarelli M, Ferri MA. Community participation as a driver of sustainable tourism: The case of an Italian village on Marettimo Island. Sinergie Italian Journal of Management. 2021;36(1):81-102. . ;:. Google Scholar
  41. Sethi CM. Mapping Craft in Contemporary India: Dilli Haat and Dastkari Haat Samiti’s Crafts Maps. The Journal of Modern Craft. 2013;6(1):49-77. . ;:. Google Scholar
  42. Kapil S, Varghese B. Crafting an experiencescape for sustainable cultural tourism: A case study of Udaipur's craft village "Shilpgram". In: Exploring Culture and Heritage Through Experience Tourism. 2023;46-61. . ;:. Google Scholar
  43. Herrador M, Dat TT, Truong DD, Hoa LT, Łobacz K. The Unique Case Study of Circular Economy in Vietnam Remarking Recycling Craft Villages. SAGE Open. 2023;13(3). . ;:. Google Scholar
  44. Norman J, Johnston. A Far Western Arts and Crafts Village. Journal of the Society of Architectural Historians. 1976;35(1):51-54. . ;:. Google Scholar
  45. Hai LT, Schnitzer H, van Thanh T, Thao NTP, Braunegg G. An integrated eco-model of agriculture and small-scale industry in craft villages toward cleaner production and sustainable development in rural areas: A case study from Mekong Delta of Vietnam. Journal of Cleaner Production. 2016;134:274-282. . ;:. Google Scholar
  46. Herrador M, Dat TT, Truong DD, Hoa LT, Łobacz K. The unique case study of circular economy in Vietnam remarking recycling craft villages. SAGE Open. 2023;13(3). . ;:. Google Scholar
  47. Knorringa P, Huong NTM. Policy choices for Vietnam's craft villages: Value chain or livelihood approach? Enterprise Development and Microfinance. 2011;22(3):184-195. . ;:. Google Scholar
  48. Le TH, Tran VT, Le QV, Nguyen TPT, Schnitzer H, Braunegg G. An integrated ecosystem incorporating renewable energy leading to pollution reduction for sustainable development of craft villages in rural areas: A case study at Sedge Mats Village in Mekong Delta, Vietnam. Energy, Sustainability and Society. 2016;6(1). . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 4 (2024)
Page No.: 2791-2809
Published: Dec 31, 2024
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i1.1041

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, V., & Doan, H. (2024). The sustainable tourism development in craft villages: the research trends through the bibliometric analysis based on Scopus database. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(4), 2791-2809. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i1.1041

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 30 times
PDF   = 21 times
XML   = 0 times
Total   = 21 times