VNUHCM Journal of

Social Sciences and Humanities

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam since 2017

ISSN 2588-1043

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

21

Total

18

Share

Internship Satisfaction, Turnover Intention, and Career Orientation of Tourism and Hospitality Management Students in Ho Chi Minh City, Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The study measured the internship satisfaction levels of students majoring in Tourism and Hospitality Management at educational institutions in Ho Chi Minh City. The survey results from 153 students indicated that over 50% of participants were satisfied with their internships. However, the frequency of considering quitting their jobs during the internships was significantly high. Furthermore, the results of the non-parametric Mann-Whitney U test and the logistic regression analysis revealed a correlation between the students’ satisfaction levels and turnover intention, as well as their future career orientation. Notably, most surveyed students expressed an intention to pursue careers in their fields of study if they were satisfied with their prior internship experience. This study presents the significant findings and offers some recommendations for managers and experts involved in human resource training for the Tourism and Hospitality Management sectors in Vietnam. Additionally, the paper encourages future research to investigate the factors that may influence the internship satisfaction levels and the career development orientations of students.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sau những ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2021, ngành du lịch Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực. Theo ước tính của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch nội địa trong năm 2023 đã ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch đầu năm. Bên cạnh đó, lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 được ghi nhận với con số 12,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 678,30 nghìn tỷ đồng, bằng 93% so với năm 2019 1 . Theo các chuyên gia 2 , sự khởi sắc của ngành du lịch Việt Nam cũng đã đặt ra những nhiệm vụ mới, trong đó có việc nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho “ngành công nghiệp không khói” này trong tương lai.

Ngoài những tín hiệu khởi sắc thì ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng 3 . Tại hội thảo “Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển Du lịch quốc tế ở Việt Nam” năm 2022 2 , các chuyên gia nhận định rằng sau đại dịch Covid-19, một số lao động ngành du lịch đã chuyển nghề và dần tìm được sự ổn định trong công việc mới, cũng như không còn muốn quay trở lại làm việc trong ngành du lịch 4 . Ngoài ra, hoạt động đào tạo cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam cần đến 40.000 lao động có trình độ, song các cơ sở đào tạo hiện nay chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 15.000 lao động hằng năm 2 . Do đó, các chuyên gia đã đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đảm bảo số lượng, chất lượng và sự cân đối về trình độ của nhân lực ngành du lịch, đồng thời khuyến khích các chính sách phát triển thị trường lao động một cách toàn diện hơn.

Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, các lãnh đạo ngành, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam và yêu cầu cụ thể hóa các kế hoạch để khuyến khích công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Một trong những nhiệm vụ cần thực hiện là tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp 5 . Hiện nay, tại các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên cả nước, sinh viên được tạo điều kiện tham gia kỳ thực tập tại doanh nghiệp, đây trở thành một nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo (Điều 4, Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT) 6 . Hoạt động thực tập có ý nghĩa rất lớn trong công tác chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch nước nhà trong tương lai.

Tuy nhiên, một số sinh viên sau khi thực tập lại có ý định nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề do những trải nghiệm từ kỳ thực tập không như mong đợi, môi trường làm việc không phù hợp hoặc thiếu cơ hội thăng tiến. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sinh viên có trải nghiệm thực tập không tốt có xu hướng chán nản, mất hứng thú và không có ý định tiếp tục làm việc trong ngành du lịch 7 , hay theo Kim và cộng sự 8 những sinh viên gặp phải trải nghiệm tiêu cực trong kỳ thực tập thường có ý định nghỉ việc hoặc chuyển ngành ngay sau khi tốt nghiệp. Nhu cầu sử dụng lao động ngày càng tăng của xã hội và những vấn đề có thể xuất hiện trong quá trình thực tập của sinh viên đã đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, trong đó, việc cải thiện chương trình đào tạo gắn với học phần thực tập hướng tới xây dựng môi trường làm việc tích cực và thân thiện đã dần trở thành nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, những nội dung liên quan đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và giữ chân người lao động cũng đang dành được nhiều sự quan tâm từ giới chuyên gia và lãnh đạo các ban ngành, hiệp hội du lịch 2 , 4 .

Từ những vấn đề trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đo lường mức độ hài lòng của sinh viên trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp, qua đó cung cấp một phần của bức tranh chung về đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn tại Việt Nam. Ngoài ra, sự hài lòng của sinh viên được sử dụng như một yếu tố chính nhằm dự đoán mức độ gắn bó với công việc liên quan đến ngành học sau khi tốt nghiệp và định hướng sự nghiệp trong tương lai của sinh viên, từ đó đưa ra những đề xuất có giá trị cho công tác đào tạo và giữ chân nguồn nhân lực trong tương lai. Bài viết này tập trung trả lời các câu hỏi chính sau:

  • Mức độ hài lòng của sinh viên ngành Quản trị Du lịch – Lữ hành và Quản trị Nhà hàng – Khách sạn đối với kỳ thực tập doanh nghiệp của mình là như thế nào?

  • Mức độ hài lòng có là yếu tố ảnh hưởng đến tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp của sinh viên hay không?

  • Mức độ hài lòng đối với kỳ thực tập có là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ gắn bó với ngành đào tạo và định hướng phát triển sự nghiệp tương lai của sinh viên hay không?

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm về sự hài lòng trong công việc (job satisfaction) được các học giả định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Sự hài lòng trong công việc là những cảm giác cá nhân liên quan đến công việc của mình, đó có thể là cảm giác thích hoặc không thích 9 hay sự hài lòng trong công việc còn được định nghĩa là cảm giác cá nhân về những thành tích đạt được 10 . Một số học giả cũng cho rằng sự hài lòng trong công việc có thể được miêu tả như thái độ chung của mỗi cá nhân đối với công việc của mình 11 . Dựa trên những khái niệm chung nhất về sự hài lòng trong công việc, sự hài lòng đối với kỳ thực tập (Internship satisfaction) được định nghĩa là những cảm xúc mà sinh viên đã trải qua trong suốt chương trình thực tập của mình 12 .

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự hài lòng trong công việc và ý định nghỉ việc đã chỉ ra rằng sự hài lòng trong công việc là một trong những yếu tố chính có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ý định nghỉ việc của người lao động 13 , 14 . Cụ thể, người lao động ít cảm thấy hài lòng với công việc của mình có xu hướng nghỉ việc cao hơn so với nhóm còn lại 15 , 16 , các động thái của hành động nghỉ việc có thể là sự tách rời khỏi tổ chức 17 , hay là sự thay đổi nơi làm việc 18 . Trong khuôn khổ của nghiên cứu này, ý định nghỉ việc của thực tập sinh còn được định nghĩa là quyết định tự nguyện rời khỏi tổ chức trước ngày quy định hoàn thành kỳ thực tập theo đề xuất của Mensah và cộng sự 12 . Từ cơ sở lý thuyết trên, giả thuyết H1 được thành lập để tìm hiểu mối liên hệ giữa sự hài lòng đối với kỳ thực tập và tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc của sinh viên đang theo học ngành Quản trị Du lịch – Lữ hành và Quản trị Nhà hàng – Khách sạn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

  • H1: Có mối tương quan giữa sự hài lòng về kỳ thực tập tại doanh nghiệp với tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc của sinh viên

Sự hài lòng của sinh viên đối với kỳ thực tập đã trở thành chủ đề nghiên cứu được nhiều học giả quan tâm 11 , 12 và đó cũng trở thành yếu tố được xem xét khi nghiên cứu về định hướng nghề nghiệp của sinh viên 19 , 20 . Feldman và Weitz 21 cho rằng sự hài lòng về kỳ thực tập có ý nghĩa trong việc hình thành những kỳ vọng thực tế hơn về công việc tương lai, hay theo Kim và Park 22 sự hài lòng về kỳ thực tập có mối liên hệ trực tiếp với sự cam kết nghề nghiệp và mong muốn tiếp tục phát triển trong lĩnh vực mà mình đã chọn. Nghiên cứu của Gault và cộng sự 23 đã chỉ ra rằng nhóm sinh viên có cảm giác hài lòng về kỳ thực tập của mình có xu hướng định hình rõ hơn về con đường phát triển sự nghiệp hơn so với nhóm còn lại. Do đó, định hướng nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể chịu ảnh hưởng lớn từ trải nghiệm thực tập của mình.

Trong các nghiên cứu liên quan đến chủ đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn, Kim và Park 22 đã kết luận rằng những trải nghiệm mà sinh viên nhận được trong quá trình thực tập có ảnh hưởng đến nhận thức của sinh viên về con đường sự nghiệp của mình. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Koo và cộng sự 24 ; Walsh và cộng sự 25 đã chứng minh rằng sự hài lòng về kỳ thực tập tại doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với dự định gắn bó với nghề nghiệp thuộc khối ngành Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn của sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Những phát hiện này thúc đẩy việc thành lập các giả thuyết nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem liệu rằng sự hài lòng về kỳ thực tập có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ý định gắn bó với lĩnh vực được đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp của sinh viên đang theo học ngành Quản trị Du lịch – Lữ hành và Quản trị Nhà hàng – Khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh hay không. Các giả thuyết H2, H3 và H4 được thành lập dựa theo đề xuất của Richardson và Butler 26 ; Seyitoğlu và Yirik 27 để khám phá mối tương quan trên.

  • H2: Có mối quan hệ giữa mức độ hài lòng của sinh viên đối với kỳ thực tập và quyết định làm việc trong lĩnh vực Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn sau khi tốt nghiệp

  • H3: Sự hài lòng đối với kỳ thực tập của sinh viên có ảnh hưởng tới mong muốn của họ trong việc dành phần lớn thời gian sự nghiệp của mình cho lĩnh vực Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn

  • H4: Sự hài lòng đối với kỳ thực tập của sinh viên có ảnh hưởng tới việc sẵn sàng chấp nhận bất kỳ vị trí công việc nào để có thể gắn bó với ngành Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn

Trên cơ sở thành lập các giả thuyết, khung phân tích được nhóm nghiên cứu thiết kế và thể hiện trong Figure 1 .

Figure 1 . Khung phân tích (Nguồn: Nhóm tác giả thiết kế)

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng nhằm đo lường mức độ hài lòng của sinh viên và tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm hiểu mối tương quan giữa sự hài lòng đối với mức độ gắn bó với ngành được đào tạo và định hướng sự nghiệp trong tương lai của sinh viên. Địa điểm nghiên cứu được lựa chọn là Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được xem như là đầu tàu kinh tế với có tốc độ phát triển bậc nhất cả nước và đối tượng tham gia khảo sát là các bạn sinh viên đang theo học chương trình đào tạo chính quy ngành ngành Quản trị Du lịch – Lữ hành và Quản trị Nhà hàng – Khách sạn tại các cơ sở giáo dục Đại học và Cao đẳng trên địa bàn thành phố. Các sinh viên này cần phải hoàn thành ít nhất một kỳ thực tập bắt buộc theo quy định của chương trình đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu tham gia khảo sát.

Bảng hỏi được thiết kế bằng Google Form để thu thập dữ liệu nghiên cứu. Cụ thể, phần đầu tiên của bảng hỏi được tổ chức để ghi nhận những thông tin cơ bản về đặc điểm nhân khẩu học của người tham gia khảo sát. Tại phần thứ hai, bảng hỏi chỉ dùng một câu hỏi duy nhất để đo lường mức độ hài lòng trong kỳ thực tập của sinh viên trong kỳ thực tập tại doanh nghiệp theo đề xuất của Westover và Taylor 28 ; Mensah và cộng sự 6 , tuy nhiên, nghiên cứu này sử dụng thang đo Likert 5 với các lựa chọn từ 1 (không thực sự hài lòng) cho đến 5 (cực kỳ hài lòng). Thêm vào đó, tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc của sinh viên trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp cũng được đo lường trên thang đo Likert 5 với các lựa chọn 1 (chưa bao giờ nghĩ đến) đến 5 (luôn luôn nghĩ đến) 29 . Cuối cùng, các câu hỏi liên quan đến mức độ gắn bó với lĩnh vực Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn cũng được xây dựng theo đề xuất của Richardson và Butler 26 ; Seyitoğlu và Yirik 17 nhằm tìm hiểu rõ hơn định hướng nghề nghiệp của sinh viên trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu sử dụng phần mềm STATA/SE 17.0 để thực hiện thống kê và phân tích dữ liệu, các phép kiểm định phi tham số Mann-Whitney U test và phân tích hồi quy logistic được sử dụng để khám phá mối tương quan giữa sự hài lòng đối với kỳ thực tập với tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc, đồng thời làm rõ mức độ gắn bó với ngành được đào tạo cũng như định hướng phát triển sự nghiệp trong tương lai của sinh viên.

Do rất khó trong việc xác định chính xác tổng số sinh viên đang theo học chương trình ngành Quản trị Nhà hàng – Khách sạn và Quản trị Du lịch – Lữ hành tại tất cả các cơ sở đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu, do đó cỡ mẫu tối thiểu cho nghiên cứu được ước tính khi không biết quy mô tổng thể. Trong nghiên cứu này, khoảng tin cậy được chọn là 95% (tương đương với giá trị Z được tra trong bảng phân phối xấp xỉ 1,96) cùng tỷ lệ ước lượng cỡ mẫu p = 0,5. Bên cạnh đó, đối tượng nghiên cứu tập trung ở địa bàn được xác định cụ thể, theo Suresh và Chandrashekara 30 , biên độ sai cho phép được dùng để ước tính cỡ mẫu có thể dao động từ 5% đến 10%, trong nghiên cứu này biên độ sai cho phép được lựa chọn là 8% (E = 0,08). Theo Cochran 31 , kích thước mẫu tối thiểu cần có cho nghiên cứu được ước tính theo công thức n = [Z 2 . p . (1 - p)] / E 2 . Từ đó, cỡ mẫu tối thiểu cần có để thực hiện nghiên cứu này là 151. Bên cạnh đó, nghiên cứu thí điểm (Pilot test) được thực hiện trước khi tiến hành quá trình thu thập dữ liệu chính thức, và phương pháp lấy mẫu thuận tiện phi xác suất được lựa chọn cho nghiên cứu này.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tổng quan mẫu nghiên cứu

Sau khi loại bỏ những phản hồi không hợp lệ, nhóm nghiên cứu ghi nhận 153 phiếu trả lời đạt yêu cầu để tiến hành phân tích dữ liệu. Người tham gia khảo sát này là sinh viên đang theo học ngành Quản trị Du lịch – Lữ hành và Quản trị Nhà hàng – Khách sạn đến từ 15 cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và đã hoàn thành ít nhất một kỳ thực tập tại các doanh nghiệp. Trong đó, sinh viên nam chiếm tỷ lệ 30,72% và sinh viên nữ chiếm tỷ lệ 69,28%. Tất cả các học viên, sinh viên tham gia khảo sát đều là sinh viên năm thứ ba (chiếm 23,53%) và sinh viên năm cuối (chiếm 76,47%) đã được tham gia học phần thực tập doanh nghiệp theo chương trình đào tạo của nhà trường. Các thông tin liên quan đến loại hình doanh nghiệp và thời gian thực tập của sinh viên cũng được ghi nhận lại và được mô tả trong Table 1 .

Table 1 Tổng quan mẫu nghiên cứu

Sự hài lòng

Sinh viên tham gia khảo sát được tự đánh giá về mức độ hài lòng của mình đối với kỳ thực tập tại doanh nghiệp và tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc theo thang đo Likert 5. Kết quả thống kê được mô tả lần lượt trong Table 2 , Table 3 , Table 4 .

Table 2 Sự hài lòng của sinh viên về kỳ thực tập
Table 3 Tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc trong quá trình thực tập
Table 4 Mô tả biến sự hài lòng và tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc

Kết quả thống kê từ Table 2 cho thấy phần lớn sinh viên tham gia khảo sát cảm thấy hài lòng về kỳ thực tập doanh nghiệp của mình. Cụ thể, số lượng sinh viên có cảm giác “Hài lòng” với kỳ thực tập chiếm tỷ lệ lên đến 42,48%, ngoài ra sinh viên cảm thấy “Cực kỳ hài lòng” cũng chiếm tỷ lệ đáng kể (15,04%), trong khi tổng số sinh viên cảm thấy “Không hài lòng” hoặc “Không thực sự hài lòng” chiếm 9,80% tổng số sinh viên, cho thấy chỉ một số ít sinh viên có trải nghiệm tiêu cực về kỳ thực tập. Song có đến 50 sinh viên tham gia khảo sát có thái độ trung dung khi được hỏi về sự hài lòng của mình đối với kỳ thực tập tại doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 32,68%).

Trong Table 3 , mặc dù phần lớn sinh viên tham gia khảo sát có thái độ tích cực khi đánh giá về kỳ thực tập doanh nghiệp của mình, song sinh viên có ý định nghỉ việc trong quá trình thực tập lại chiếm tỷ trọng đáng kể. Kết quả thống kê cho thấy tỷ lệ luỹ tiến 26,8% ở nhóm sinh viên “Chưa từng” xuất hiện ý định nghỉ việc đã phản ánh được xu hướng đáng chú ý trong mẫu dữ liệu khi có đến 73,2% số sinh viên còn lại đã từng xuất hiện ý định nghỉ việc (từ “Hiếm khi” đến “Luôn luôn”). Tiêu biểu, sinh viên có ý định nghỉ việc trong quá trình thực tập với tần suất “Thường xuyên” chiếm tỷ trọng khá cao với 24,84%, tần suất “Thỉnh thoảng” cũng chiếm tỷ trọng đáng kể (22,88%).

Nghiên cứu tiến hành điều tra mối tương quan giữa mức độ hài lòng về kỳ thực tập của sinh viên đối với tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc. Trước khi kiểm định giả thuyết H1, phép kiểm định phi tham số Mann-Whitney U test được thực hiện nhằm tìm xem liệu rằng có sự khác biệt nào ở mức độ hài lòng của sinh viên đối với kỳ thực tập của họ phân theo các lựa chọn về mặt tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc. Cụ thể, biến tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc được tổ chức dưới dạng biến nhị phân bao gồm “Chưa từng nghĩ đến” và “Đã từng nghĩ đến ít nhất một lần” theo đề xuất của Mensah và cộng sự 12 . Kết quả kiểm định phi tham số được thể hiện tại Table 5 .

Table 5 Sự hài lòng về kỳ thực tập phân theo tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc

Kết quả cho thấy nhóm sinh viên tham gia khảo sát chưa từng xuất hiện ý định nghỉ việc có mức độ hài lòng cao hơn so với nhóm sinh viên có xuất hiện ý định nghỉ việc, với giá trị p-value nhỏ hơn mức ý nghĩa (Sig. = 0,05) cho thấy phép kiểm định phi tham số Mann-Whitney U test hoàn toàn có ý nghĩa thống kê. Như vậy, kết quả kiểm định đã cho thấy có sự khác nhau về sự hài lòng đối với kỳ thực tập giữa hai nhóm sinh viên có tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc khác nhau. Phát hiện này đã góp phần củng cố việc thành lập giả thuyết H1 trước đó.

Phép phân tích hồi quy logistic được thực hiện để làm rõ mối tương quan, tương tự như biến “Tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc” ( Table 5 ) và biến độc lập “Sự hài lòng đối với kỳ thực tập” cũng được tạo lập dưới dạng biến nhị phân và được mô tả trong Table 6 . Giả thuyết H1 dự đoán rằng khi “Sự hài lòng đối với kỳ thực tập” của sinh viên tăng lên một đơn vị, tỷ lệ xuất hiện ý định nghỉ việc, cụ thể là “Đã từng nghĩ đến ít nhất một lần” sẽ giảm đi, đồng thời hệ số tương quan giữa hai biến là âm.

Table 6 Mã hoá biến kiểm định giả thuyết H1
Table 7 Kết quả kiểm định giả thuyết H1

Kết quả phân tích hồi quy logistic (LR Chi2 = 7,58; n =153; Odds ratio = 0,336) tại Table 7 cho thấy nhóm sinh viên cảm thấy hài lòng về kỳ thực tập của mình có tỷ lệ xuất hiện ý định nghỉ việc thấp hơn 66,4% so với nhóm sinh viên cảm thấy không hài lòng về kỳ thực tập, với p-value = 0,008 nhỏ hơn mức ý nghĩa (Sig. = 0,05) cho thấy phép kiểm định giả thuyết này có ý nghĩa thống kê. Như vậy, có thể kết luận rằng sự hài lòng về kỳ thực tập có mối tương quan đến tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc của sinh viên. Cụ thể sinh viên tham gia khảo sát có thái độ không hài lòng về kỳ thực tập thì khả năng xuất hiện ý định nghỉ việc sẽ thường xuyên hơn so với nhóm còn lại.

Định hướng sự nghiệp trong tương lai của sinh viên

Trong bảng hỏi khảo sát, các tuyên bố sự nghiệp được đưa ra nhằm đánh giá mức độ đồng tình của sinh viên về việc liệu có nên gắn bó với ngành Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn ngay sau khi tốt nghiệp hay không. Bằng việc thống kê và đánh giá mức độ đồng tình của sinh viên đối với các tuyên bố, bức tranh chung về định hướng sự nghiệp của sinh viên đã được tiết lộ. Kết quả thống kê được mô tả dưới Table 8 .

Table 8 Thái độ của sinh viên đối với các tuyên bố sự nghiệp

Kết quả thống kê cho thấy có 46,41% số sinh viên tham gia khảo sát đồng tình với việc sẽ làm việc tại lĩnh vực Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn ngay sau khi tốt nghiệp, song tỷ lệ sinh viên có thái độ phân vân cũng chiếm tỷ trọng rất lớn. Đặc biệt hơn, có đến 52,94% sinh viên phân vân rằng có nên dành phần lớn thời gian sự nghiệp của mình cho các lĩnh vực này hay không. Bên cạnh đó, chỉ có một nhóm sinh viên sẵn sàng chấp nhận bất kỳ vị trí công việc nào để có cơ hội được gắn bó với lĩnh vực đúng chuyên môn của mình (25,49%), trong khi sinh viên thái độ không đồng tình và phân vân lại chiếm tỷ trọng cao hơn, lần lượt là 28,10% và 46,41%.

Như vậy, kết quả thống kê đã chỉ ra một tỷ lệ đáng kể sinh viên tham gia khảo sát chưa chắc chắn về việc có nên gắn bó với ngành Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn ngay sau khi tốt nghiệp hay không. Mặc dù kết quả nghiên cứu chỉ phản ánh thái độ và định hướng nghề nghiệp của một nhóm sinh viên, song những phát hiện này đã làm gia tăng thêm những quan ngại liên quan đến việc đảm bảo cung ứng nguồn lao động cho ngành du lịch trong tương lai và cũng cho thấy sự cần thiết trong việc tìm kiếm các giải pháp toàn diện.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thực hiện phép kiểm định phi tham số Mann-Whitney U test để tìm hiểu xem liệu rằng có sự khác nhau về mức độ hài lòng của sinh viên đối với kỳ thực tập so với từng lựa chọn có trong các tuyên bố sự nghiệp hay không. Kết quả ở Table 9 đã góp phần củng cố dự đoán rằng sự hài lòng đối với kỳ thực tập của sinh viên có ảnh hưởng tới nguyện vọng được gắn bó với ngành được đào tạo và định hướng sự nghiệp trong tương lai.

Table 9 Sự hài lòng về kỳ thực tập phân theo các lựa chọn trong tuyên bố sự nghiệp

Kết quả kiểm định cho thấy những sinh viên tham gia khảo sát đồng tình với các tuyên bố sự nghiệp có mức độ hài lòng cao hơn so với nhóm không đồng tình hoặc phân vân, hay theo cách diễn giải khác, các sinh viên hài lòng về kỳ thực tập có xu hướng lựa chọn “Đồng tình” với các tuyên bố sự nghiệp được liệt kê trong Table 9 . Kết quả này củng cố giả định rằng sự hài lòng với kỳ thực tập có ảnh hưởng tích cực đến mong muốn gắn bó với ngành đào tạo.

Tương tự như giả thuyết H1, phép kiểm định hồi quy logistic được sử dụng để kiểm định các giả thuyết H2, H3 và H4 ( Table 10 ). Nhóm nghiên cứu dự đoán rằng khi “Sự hài lòng đối với kỳ thực tập” tăng lên, tỷ suất (Odds ratio) của thái độ “Đồng tình” cũng tăng, và hệ số tương quan giữa các biến sẽ dương trong tất cả các tuyên bố. Kết quả kiểm định H2, H3 và H4 được mô tả trong Table 11 .

Table 10 Mã hoá biến kiểm định giả thuyết H2, H3 và H4
Table 11 Kết quả kiểm định giả thuyết H2, H3 và H4

Kết quả kiểm định giả thuyết H2 (LR Chi2 (1) = 5,57; n = 153) cho thấy với hệ số tương quan dương (Coeff. = 0,78; Odds ratio = 2,18) thì sinh viên có mức độ hài lòng với kỳ thực tập của mình tại doanh nghiệp có xu hướng sẽ đưa ra quyết định làm việc tại lĩnh vực Quản trị Du lịch – Lữ hành và Quản trị Nhà hàng – Khách sạn ngay sau khi tốt nghiệp cao hơn 118% so với nhóm sinh viên có thái độ trung dung hoặc không hài lòng về kỳ thực tập của mình. Phép kiểm định giả thuyết H2 có ý nghĩa thống kê khi p-value < 0,05, do đó giả thuyết H2 được chấp nhận.

Tương tự, kết quả kiểm định giả thuyết H3 (LR Chi2 (1) = 10,89; n = 153) và giả thuyết H4 (LR Chi2 (1) = 6,33; n = 153) đều cho hệ số tương quan dương với Coeff. lần lượt bằng 1,16 và 0,99. Từ kết quả trên, có thể kết luận nhóm sinh viên tham gia khảo sát có mức độ hài lòng cao đối với kỳ thực tập doanh nghiệp của mình sẽ có xu hướng dành phần lớn thời gian sự nghiệp cho ngành Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn cao hơn gần 220% và sẵn sàng chấp nhận bất kỳ công việc nào sau khi tốt nghiệp cao hơn 169% so với sinh viên có thái độ trung dung hoặc không hài lòng với kỳ thực tập của mình. Các phép kiểm định giả thuyết này có ý nghĩa thống kê khi p-value < 0,05, do đó giả thuyết H3 và H4 đều được chấp nhận.

THẢO LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Kết quả thống kê từ phản hồi của 153 sinh viên đang theo học ngành Quản trị Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn tại Thành phố hồ Chí Minh đã phản ánh mối liên hệ và dự đoán được sự ảnh hưởng của mức độ hài lòng của sinh viên đối với kỳ thực tập tại doanh nghiệp đối với tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc. Ngoài ra, mức độ gắn bó với ngành được đào tạo sau khi tốt nghiệp cũng như định hướng phát triển sự nghiệp trong tương lai của sinh viên cũng được đề cập tới trong nghiên cứu này. Nhóm tác giả đưa ra một số nhận định như sau:

Thứ nhất, mặc dù phần lớn sinh viên tham gia khảo sát cảm thấy hài lòng về kỳ thực tập của mình song tỷ lệ sinh viên có thái độ trung dung hoặc không hài lòng về kỳ thực tập cũng chiếm tỷ trọng đáng kể. Ngoài ra, số lượng sinh viên có ý định nghỉ việc với tần suất thường xuyên cũng chiếm tỷ trọng khá cao. Kết quả này gợi lên những quan ngại trong công tác đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong tương lai. Nghiên cứu này đã gợi mở một số vấn đề mà các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm, nhất là về thái độ nghề nghiệp của thực tập sinh trong những bước đầu tiếp cận với công việc thực tập.

Thứ hai, kết quả phân tích hồi quy logistic cho thấy những sinh viên tham gia khảo sát có cảm giác hài lòng về kỳ thực tập của mình có tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc thấp hơn so với nhóm sinh viên không hài lòng về kỳ thực tập, kết quả nghiên cứu này góp phần củng cố phát hiện trước đó của Mensah và cộng sự 6 trong việc kiểm định mối tương quan giữa sự hài lòng và ý định nghỉ việc. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này chưa thể lột tả hết những nguyên nhân tiềm ẩn khác có thể dẫn đến sự xuất hiện ý định nghỉ việc của sinh viên ngay cả khi họ cảm thấy hài lòng về kỳ thực tập. Các nghiên cứu trong tương lai có thể được thực hiện để bổ sung vào khoảng trống của nghiên cứu này.

Thứ ba, dù có hơn 50% sinh viên tham gia khảo sát cảm thấy hài lòng về kỳ thực tập của mình song phần lớn vẫn có thái độ phân vân và không chắc chắn về con đường sự nghiệp của mình. Kết quả thống kê mô tả đã chỉ ra rằng sinh viên có thái độ lưỡng lự khi được hỏi về mức độ gắn kết với ngành nghề được đào tạo sau khi tốt nghiệp. Đáng lưu tâm nhất là có đến gần 53% sinh viên cảm thấy phân vân khi được hỏi về việc sẽ dành phần lớn sự nghiệp của mình để gắn bó với ngành Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn. Ngoài ra, kết quả kiểm định giả thuyết cho thấy sinh viên có cảm giác hài lòng đối với kỳ thực tập được dự đoán có xu hướng gắn bó với ngành được đào tạo cao hơn so với nhóm sinh viên còn lại. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt hữu ích cho các nhà quản lý giáo dục và doanh nghiệp trong việc hoạt động tiếp nhận và hướng dẫn thực tập sinh.

Từ những phát hiện chính của nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đề xuất:

Sự hài lòng của sinh viên đối với kỳ thực tập tại doanh nghiệp được dự đoán có thể ảnh hưởng đến tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc cũng như nguyện vọng gắn bó với ngành được đào tạo. Do đó, để đảm bảo hiệu quả trong việc bổ sung nguồn nhân lực du lịch trong tương lai, các cơ sở đào tạo cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên trong quá trình thực tập. Các nghiên cứu trong tương lai có thể tập trung điều tra xem có những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên trong quá trình thực tập như môi trường làm việc, áp lực công việc để đưa ra những giải pháp cụ thể.

Khuyến khích việc thực hiện các nghiên cứu trong tương lai để điều tra xem ngoài sự hài lòng, có những yếu tố nào khác có thể ảnh hưởng đến tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc của sinh viên. Các nghiên cứu định tính kết hợp định lượng chuyên sâu có thể được thực hiện để điều tra rõ hơn cảm nhận của sinh viên trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp để có thể tạo cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp thiết thực hơn. Các cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch có thể dành thời gian quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu động lực và nhu cầu gắn bó của sinh viên với ngành nghề. Cụ thể, các khảo sát định kỳ cần được thực hiện để thu thập dữ liệu về cảm nhận của sinh viên đối với môi trường thực tập. Điều này giúp nhà trường nhận diện sớm các vấn đề phát sinh và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện trải nghiệm thực tập cho sinh viên.

KẾT LUẬN

Bài viết có ý nghĩa như một nghiên cứu tái lập góp phần khẳng định mối tương quan giữa sự hài lòng trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp và tần suất xuất hiện ý định nghỉ việc của sinh viên. Ngoài ra, kết quả còn chỉ ra những sinh viên tham gia khảo sát có cảm giác hài lòng về kỳ thực tập có xu hướng gắn bó với ngành được đào tạo và có định hướng phát triển sự nghiệp gắn với lĩnh vực Du lịch – Lữ hành và Nhà hàng – Khách sạn một cách lâu dài. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng còn nhiều hạn chế do số lượng cỡ mẫu còn khá nhỏ, bên cạnh đó, do những hạn chế về nguồn lực và thời gian triển khai đề tài, nghiên cứu chỉ thực hiện được phương pháp lấy mẫu thuận tiện phi xác suất, vì thế cỡ mẫu với 153 người tham gia không hẳn có tính đại diện cho toàn bộ tổng thể. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu chưa đề cập đến những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên trong quá trình thực tập.

Nhóm tác giả hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ hơn các yếu tố có ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên trong quá trình thực tập cũng như tìm hiểu thêm liệu rằng có những nguyên nhân nào khác có thể ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc của sinh viên, đồng thời khuyến khích các nghiên cứu tái lập với cỡ mẫu lớn cùng phương pháp chọn mẫu xác suất để đảm bảo tính đại diện. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trong tương lai cũng cần có khảo sát đa thanh, kết hợp với phương pháp nghiên cứu định tính để cung cấp một bức tranh toàn cảnh về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch tại Việt Nam.

SỰ THỪA NHẬN

Bài viết là một phần phát triển của đề tài nghiên cứu “Định lượng các yếu tố gây căng thẳng trong quá trình thực tập. Nghiên cứu trường hợp từ sinh viên học ngành Hospitality tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam” thuộc khuôn khổ Hội thảo Du lịch Quốc gia 2024 với chủ đề “Đào tạo và nghiên cứu du lịch trong kỷ nguyên mới”. Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng một phần của dữ liệu từ nghiên cứu trước để tiến hành phân tích định lượng. Mục tiêu và phương pháp nghiên cứu đều mang tính mới và những phát hiện thu được từ nghiên cứu này không có bất kỳ sự trùng lặp nào về nội dung. Nhóm tác giả xin cam đoan rằng nguồn dữ liệu này đã được thu thập bởi chính nhóm tác giả, dữ liệu đảm bảo được tính toàn vẹn và đáng tin cậy. Nhóm tác giả tuyên bố không có bất kỳ xung đột nào về lợi ích hay vi phạm đạo đức nghiên cứu.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết không có bất kỳ xung đột lợi ích nào

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Các tác giả đều có những đóng góp cụ thể trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu này. Những đóng góp của tất cả các thành viên đều được ghi nhận trên tinh thần khách quan, trung thực, công bằng và đạt được sự thống nhất chung:

  • Tác giả Phan Cao Nguyên: Đề xuất ý tưởng nghiên cứu, phác thảo bảng hỏi khảo sát, thực hiện phân tích dữ liệu và hoàn thiện nội dung bài viết

  • Tác giả Trương Hoàng Tố Nga: Hỗ trợ xây dựng bảng hỏi khảo sát, thực hiện nghiên cứu thí điểm, phụ trách thu thập số liệu và viết bản thảo

References

  1. Cục du lịch Quốc gia. Số liệu thống kê du lịch [Internet]. 2024 [Truy cập 05/04/2024]. . ;:. Google Scholar
  2. Trang Anh. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng chuẩn quốc tế. Báo Nhân Dân. 2023 [Truy cập 03/03/2024]. . ;:. Google Scholar
  3. Tổng cục Du lịch Việt Nam. Báo cáo thường niên về thực trạng và phát triển ngành du lịch. Tổng cục Du lịch Việt Nam. 2020. . ;:. Google Scholar
  4. Hoàng Mẫn. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. 2022 [Truy cập 02/03/2024]. . ;:. Google Scholar
  5. Nguyễn Hoàng Phương. Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới hiện nay. Tạp chí Cộng sản. 2023 [Truy cập 05/03/2024]. . ;:. Google Scholar
  6. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT Quy chế đào tạo trình độ đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo; 2021. . ;:. Google Scholar
  7. Silva P, Lopes B, Costa M, Melo AI, Dias GP, Brito E, Seabra D. The million-dollar question: can internships boost employment? Studies in Higher Education. 2018 Jan 2;43(1):2-1. . ;:. Google Scholar
  8. Kim H, Knight DK, Crutsinger C. Generation Y employees' retail work experience: The mediating effect of job characteristics. Journal of Business Research. 2009 May 1;62(5):548-56. . ;:. Google Scholar
  9. Spector PE. Job satisfaction: Application, assessment, causes, and consequences. Vol 3. Thousand Oaks, CA: Sage Publications; 1997. . ;:. Google Scholar
  10. Carr C. Front-line Customer Service: 15 keys To Customer Satisfaction. Canada: Wiley & Sons, Inc; 2007. . ;:. Google Scholar
  11. Mafini C, Pooe DR. The relationship between employee satisfaction and organisational performance: Evidence from a South African government department. SA Journal of Industrial psychology. 2013 Jan 1;39(1):1-9. . ;:. Google Scholar
  12. Mensah C, Azila-Gbettor EM, Appietu ME, Agbodza JS. Internship work-related stress: a comparative study between hospitality and marketing students. Journal of Hospitality & Tourism Education. 2021 Jan 2;33(1):29-42. . ;:. Google Scholar
  13. Alam A, Asim M. Relationship between job satisfaction and turnover intention. International Journal of Human Resource Studies. 2019;9(2):163-194. . ;:. Google Scholar
  14. Randhawa G. Relationship between job satisfaction and turnover intentions: An empirical analysis. Indian Management Studies J. 2007;11(2):149-159. . ;:. Google Scholar
  15. Naiemah SU, Beng TL, Isa EVM, Radzi WNWM. The impacts of job satisfaction, organizational commitment and job stress on turnover intention: A case in the Malaysian manufacturing. In: AIP Conference Proceedings. Vol 2339, No 1. AIP Publishing; 2021 May. . ;:. Google Scholar
  16. Tett RP, Meyer JP. Job satisfaction, organizational commitment, turnover intention, and turnover: path analyses based on meta‐analytic findings. Personnel psychology. 1993 Jun;46(2):259-93. . ;:. Google Scholar
  17. Naumann E. A conceptual model of expatriate turnover. Journal of International Business Studies. 1992 Sep 1;23: 499-531. . ;:. Google Scholar
  18. Yang H, Cheung C, Song H. Enhancing the learning and employability of hospitality graduates in China. Journal of Hospitality, Leisure, Sport & Tourism Education. 2016 Nov 1;19:85-96. . ;:. Google Scholar
  19. Giousmpasoglou C, Marinakou E. Hotel internships and student satisfaction as key determinant to career intention. Journal of Tourism Research. 2021 Jan 15;25:42-67. . ;:. Google Scholar
  20. Gupta P, Burns DJ, Schiferl JS. An exploration of student satisfaction with internship experiences in marketing. Business Education & Administration. 2010;2(1):27-37. . ;:. Google Scholar
  21. Feldman DC, Weitz BA. Career plateaus in the salesforce: Understanding and removing blockages to employee growth. Journal of Personal Selling & Sales Management. 1988 Jan 1;8(3):23-32. . ;:. Google Scholar
  22. Kim HB, Park EJ. The role of social experience in undergraduates’ career perceptions through internships. Journal of Hospitality, Leisure, Sport & Tourism Education. 2013 Apr 1;12(1):70-8. . ;:. Google Scholar
  23. Gault J, Redington J, Schlager T. Undergraduate business internships and career success: are they related? Journal of Marketing Education. 2000 Apr;22(1):45-53. . ;:. Google Scholar
  24. Koo GY, Diacin MJ, Khojasteh J, Dixon AW. Effects of internship satisfaction on the pursuit of employment in sport management. Sport Management Education Journal. 2016 Apr 1;10(1):29-42. . ;:. Google Scholar
  25. Walsh K, Chang S, Tse EC. Understanding students’ intentions to join the hospitality industry: The role of emotional intelligence, service orientation, and industry satisfaction. Cornell Hospitality Quarterly. 2015 Nov;56(4):369-82. . ;:. Google Scholar
  26. Richardson S, Butler G. Attitudes of Malaysian tourism and hospitality students' towards a career in the industry. Asia Pacific Journal of Tourism Research. 2012 Jun 1;17(3):262-76. . ;:. Google Scholar
  27. Seyitoğlu F, Yirik S. Internship satisfaction of students of hospitality and impact of internship on the professional development and industrial perception. Asia Pacific Journal of Tourism Research. 2015 Dec 18;20(sup1):1414-29. . ;:. Google Scholar
  28. Westover JH, Taylor J. International differences in job satisfaction: The effects of public service motivation, rewards and work relations. International Journal of Productivity and Performance Management. 2010 Nov 2;59(8):811-28. . ;:. Google Scholar
  29. Zhang M, Yan F, Wang W, Li G. Is the effect of person-organisation fit on turnover intention mediated by job satisfaction? A survey of community health workers in China. BMJ open. 2017 Feb 1;7(2):e013872. . ;:. Google Scholar
  30. Suresh KP, Chandrashekara S. Sample size estimation and power analysis for clinical research studies. Journal of human reproductive sciences. 2012 Jan 1;5(1):7-13. . ;:. Google Scholar
  31. Cochran WG. Sampling techniques. John Wiley & Sons; 1977. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 4 (2024)
Page No.: 2726-2737
Published: Dec 31, 2024
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i1.1008

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Phan, N., & Truong, N. (2024). Internship Satisfaction, Turnover Intention, and Career Orientation of Tourism and Hospitality Management Students in Ho Chi Minh City, Vietnam. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(4), 2726-2737. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v9i1.1008

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 21 times
PDF   = 18 times
XML   = 0 times
Total   = 18 times