Abstract
This paper is a study of the security and defense policy of the Nguyen dynasty during the reign of King Minh Mang (1820-1840), with a focus on the southwestern border region from two main aspects: (1) the consolidation, construction, and organization of the military forces; and (2) the establishment of the fortification system in this area. Based on the documents mainly compiled by the National History Institute of the Nguyen Dynasty, along with specialized research methods, including historical research methods, logical methods, and comparative and contrastive research operations, the paper argues that as the prosperous land of the Nguyen dynasty, Nam Ky (Southern Vietnam) had a vital position in defense and foreign affairs as well as a great potential in economy to create a breakthrough for the country’s development. However, Nam Ky also often faced political instability, especially in the southwestern border region, due to the complicated relationship among the three feudal states: Dai Nam (Vietnam), Chenla (Cambodia), and Siam (Thailand). As a king with a keen political vision, after ascending the throne (1820), inheriting a large territory and territorial waters, King Minh Mang realized the important role of the southwestern border region in national security, so he implemented the security and defense policy here in a flexible and appropriate way according to the local reality, aiming to maintain the stability and order, strengthen the border defense, and establish the national territorial sovereignty. In fact, this policy contributed significantly to firmly protecting the sovereignty of Dai Nam over the land of Nam Ky.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Năm 1802, sau khi thiết lập vương triều và cai quản đất nước thống nhất trên phạm vi rộng lớn từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, triều Nguyễn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó có việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền biên giới - lãnh thổ. Là vùng đất có vị trí trọng yếu về quốc phòng và đối ngoại, Nam Kỳ có tiềm năng lớn để tạo ra bước đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ xưa đến nay, tuy nhiên, vùng đất Nam Kỳ dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn và thời kỳ đầu triều Nguyễn thường xuyên có những bất ổn về chính trị 1 , đặc biệt là sự bất ổn của mối quan hệ giữa ba quốc gia phong kiến Đại Nam (Việt Nam), Chân Lạp (Campuchia) và Xiêm La (Thái Lan) từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của vùng đất Nam Kỳ dưới sự trị vì của các vua đầu triều Nguyễn. Trong thời kỳ các chúa Nguyễn, Xiêm La từng có quan hệ tốt đẹp với Nguyễn Ánh trong cuộc chiến chống Tây Sơn, nhưng từ sau khi triều Nguyễn được thiết lập, đặc biệt là dưới triều Minh Mạng (1820-1840), với tham vọng kiểm soát Chân Lạp và bành trướng lãnh thổ, Xiêm La luôn tìm thời cơ để tiến hành gây rối vùng biên giới và tấn công vào vùng Tây Nam của Đại Nam. Cụ thể là đầu năm 1834, lợi dụng khởi biến Lê Văn Khôi ở Gia Định, Xiêm La đã tiến chiếm Chân Lạp, sau đó chia quân tiến vào Đại Nam, trọng điểm là Nam Kỳ 2 . Là vị vua thứ 2 trong số 13 vị vua của triều Nguyễn, Minh Mạng được biết đến là một nhà cải cách hành chính xuất sắc, đóng góp quan trọng vào việc định hình lại bản đồ hành chính của quốc gia, đặt nền móng cho sự ổn định lãnh thổ với các ranh giới được xác định một cách khoa học và chính xác. Trên hết, Minh Mạng còn nổi bật với những nỗ lực không ngừng trong việc bảo vệ và phát triển chủ quyền biên giới quốc gia, thông qua việc triển khai các chính sách quyết đoán và chi tiết để củng cố và khẳng định quyền lực của đất nước trên mọi phương diện.
Do vị trí và vai trò chiến lược của vùng đất Nam Kỳ nói chung, khu vực biên giới Tây Nam trong chính sách an ninh - quốc phòng dưới thời kỳ Minh Mạng nói riêng, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, với nhiều góc độ luận giải khác nhau, tiêu biểu như tác giả Nguyễn Minh Tường, trong công trình Cải cách hành chính dưới thời Minh Mạng (1820-1840) 3 đã đề cập đến những chính sách của Minh Mạng (trong đó có chính sách an ninh - quốc phòng) đối với khu vực biên giới Tây Nam. Tác giả cho rằng, những biện pháp kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh mà Minh Mạng thực hiện đối với vùng đất Nam Bộ nói chung, khu vực biên giới Tây Nam nói riêng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của triều đình đối với vùng đất này. Tác giả Choi Byung Wook, trong công trình Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng 4 , trong phần II, tác giả đề cập đến “những nét đặc thù dưới thời Minh Mạng” với các chính sách mà Minh Mạng đã thi hành ở Nam Bộ nói chung, khu vực biên giới Tây Nam nói riêng như xây dựng đồn điền, mộ dân lập ấp... để nắm quyền kiểm soát và cai trị trực tiếp vùng đất này. Tác giả Nguyễn Quang Ngọc, trong công trình Vùng đất Nam Bộ: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX 5 đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến vùng đất Nam Bộ, trong đó có đề cập đến chính sách của vua Minh Mạng đối với khu vực biên giới Tây Nam. Tác giả khẳng định, mặc dù chưa có một chính sách hoàn chỉnh đối với khu vực biên giới Tây Nam, song những biện pháp về khẩn hoang phát triển kinh tế, thiết lập hệ thống đồn, bảo, tổ chức bố phòng, cũng như thực hiện chính sách “an dân” đối với khu vực biên giới Tây Nam của vua Minh Mạng đã chứng tỏ khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, còn có các bài viết, tiêu biểu như Tác giả Lưu Văn Quyết, trong bài viết “ Biện pháp sử dụng quan lại là người địa phương trong bộ máy chính quyền ở Nam Bộ trong thời kỳ đầu của triều Nguyễn (1802-1832) ” 1 cho rằng, Gia Long và Minh Mạng ít nhiều đã có chính sách “ưu tiên” trong việc tuyển chọn và sử dụng quan lại đối với vùng đất Nam Bộ, và chính sách này đã có tác dụng to lớn, góp phần trong việc bảo vệ vững chắc vùng đất Nam Bộ nói chung, biên giới Tây Nam nói riêng. Tác giả Tống Văn Lợi, trong bài viết “Gia Long và Minh Mạng với vấn đề khai thác và quản lý biên giới Tây Nam (1802-1840” 6 cho rằng, chính sách biên phòng ở khu vực biên giới Tây Nam được vua Gia Long và Minh Mạng thực thi có lớp lang, trình tự, mang tính kế tiếp nhau. Trong đó, hai chính sách được nhà Nguyễn thực hiện song song ở khu vực biên giới Tây Nam là mộ dân lập ấp và xây dựng hệ thống quốc phòng, bảo vệ biên giới. Tác giả Đặng Văn Chương, trong các bài viết: “Về cuộc tấn công của Xiêm vào Hà Tiên và Châu Đốc cuối năm 1833 đầu năm 1834” 7 và “Việt Nam trong quan hệ với Xiêm về vấn đề Lào và Campuchia đầu thế kỷ XIX” 8 đã luận giải, so sánh, mối quan hệ phức tạp, chồng chéo và thăng trầm giữa ba quốc gia trong nửa đầu thế kỉ XIX. Từ đó, lý giải nguyên nhân vì sao triều đình nhà Nguyễn (trong đó có vua Minh Mạng) đã đặc biệt quan tâm và ngày càng tăng cường các chính sách an ninh - quốc phòng đối với khu vực biên giới Tây Nam. Tác giả Dương Thế Hiền, trong bài viết “ Hệ Thống Cơ sở phòng thủ trên vùng đất Hà Tiên dưới triều Nguyễn (1802-1859)” 9 đã phục dựng lại diện mạo hệ thống cơ sở phòng thủ trên vùng đất Hà Tiên như một phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ và phát triển vùng biên giới Tây Nam của triều Nguyễn trong giai đoạn 1802-1859. Thông qua việc làm sáng tỏ hệ thống cơ sở phòng thủ của triều Nguyễn trên vùng đất Hà Tiên với hai tuyến phòng thủ trên bộ và hải đảo, tác giả cho rằng với vị trí địa chiến lược tiếp giáp với Chân Lạp và Xiêm, Hà Tiên trở thành một khu vực phòng thủ quan trọng, giữ vai trò lá chắn tiền tiêu trên mặt Tây Nam trong chính sách quốc phòng của triều Nguyễn. Do đó, việc củng cố và thiết lập các cơ sở quốc phòng trên vùng biên giới đặc biệt này trở thành một chính sách lớn của triều Nguyễn. Tác giả Cao Thanh Tân, trong bài viết “Đồn điền - một loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp quan trọng nửa đầu thế kỷ XIX” 10 cho rằng, hệ thống đồn điền ở khu vực biên giới Tây Nam có vai trò hết sức quan trọng, “ vừa khai khẩn ruộng đất, canh tác nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng cương vực lãnh thổ; vừa sẵn sàng chuyển thành phiên hiệu quân đội tham gia dẹp loạn, chống ngoại xâm, tạo nên những hàng rào biên giới vững chắc, giữ yên biên thùy” . Ngoài ra, còn có các bài viết như “Chính sách của vương triều Nguyễn đối với dân tộc Khmer ở Nam Bộ” của tác giả Nguyễn Minh Tường 11 ; “Quá trình phân định biên giới giữa Nam Bộ Việt Nam và Campuchia từ giữa thế kỷ XIX đến nay” của Lê Trung Dũng 12 … Các công trình này dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến khu vực biên giới Tây Nam cũng như chính sách phòng thủ biên giới Tây Nam của triều Nguyễn nói chung, thời kỳ trị vì của vua Minh Mạng nói riêng.
Từ việc tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan cho thấy, chính sách của nhà Nguyễn đối với vùng biên giới Tây Nam dưới triều Minh Mạng không phải là một vấn đề nghiên cứu hoàn toàn mới. Ở những khía cạnh và mức độ khác nhau, vấn đề này đã được đề cập trong không ít các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu mang tính toàn diện, hệ thống về chính sách an ninh - quốc phòng của triều Nguyễn đối với khu vực biên giới Tây Nam trong thời kỳ trị vì của vua Minh Mạng (1820-1840) trên hai khía cạnh củng cố, xây dựng, tổ chức lực lượng quân đội và thiết lập hệ thống đồn bảo ở khu vực này.
TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nguồn tài liệu sử dụng trong bài viết bao gồm: (i) các ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Minh Mạng chính yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí . Đây là nguồn tư liệu quan trọng, có nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến nghiên cứu này; (ii) công trình nghiên cứu của các học giả đã xuất bản liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Trên cơ sở nguồn tài liệu này, bài viết sử dụng hai phương pháp nghiên cứu cơ bản của khoa học lịch sử, đó là phương pháp lịch sử, phương pháp logic và các thao tác nghiên cứu liên ngành như so sánh, đối chiếu,… để khái quát một cách có hệ thống chính sách an ninh - quốc phòng của nhà Nguyễn dưới triều Minh Mạng trên hai phương diện chính: (i) việc xây dựng và tổ chức lực lượng quân đội; (ii) thiết lập hệ thống đồn, bảo ở khu vực biên giới Tây Nam. Từ đó, rút ra những kết luận mang tính kế thừa cho chính sách an ninh - quốc phòng của Việt Nam đối với khu vực này trong giai đoạn hiện nay.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Khái quát về khu vực biên giới Tây Nam dưới thời vua Minh Mạng
Biên giới là một trong những yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của một quốc gia. Biên giới quốc gia ổn định góp phần tạo điều kiện cho hòa bình và phát triển của quốc gia. Do đó, biên giới và bảo vệ biên giới luôn là vấn đề trọng yếu và cấp thiết của mỗi quốc gia, dân tộc trong lịch sử và hiện tại. Biên giới quốc gia được định nghĩa là đường phân định lãnh thổ giữa hai quốc gia hoặc giữa một quốc gia và các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đó 13 . Biên giới quốc gia được hình thành dựa trên các thỏa thuận giữa các quốc gia có lãnh thổ tiếp giáp nhau thông qua các Hiệp ước, Hiệp định, Nghị định thư, hoặc dựa trên các tiêu chí tự nhiên hoặc quy ước [ 14 , tr.157].
Khu vực biên giới Tây Nam được đề cập trong bài viết này là các tỉnh có đường biên giới giáp với Chân Lạp và Xiêm La thời bấy giờ, cụ thể là các khu vực có địa giới tiếp giáp với Chân Lạp và Xiêm La. Sau năm 1757 dưới thời Chúa Nguyễn, khu vực biên giới Tây Nam nước ta đã bước đầu được xác lập. Các đời vua nhà Nguyễn sau này có những điều chỉnh nhất định nhưng chủ yếu dựa trên nền tảng cơ bản đó. Từ thời Gia Long đến trước cải cách của vua Minh Mạng năm 1832, khu vực này thuộc địa phận các trấn Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên (cụ thể là huyện Bình Dương, Thuận An (trấn Phiên An), Kiến Đăng (trấn Định Tường), Vĩnh An, Vĩnh Định (trấn Vĩnh Thanh) và phía tây trấn Hà Tiên). Từ sau năm 1832, khu vực này thuộc 4 tỉnh: Gia Định, Định Tường, An Giang, Hà Tiên (thuộc địa phận các huyện: Tân Ninh, Quang Hóa (tỉnh Gia Định), Kiến Phong (tỉnh Định Tường), Vĩnh Định, Đông Xuyên, Tây Xuyên (tỉnh An Giang), Hà Châu, Kiên Giang, Hà Âm, Hà Dương (tỉnh Hà Tiên) [ 15 , tr.16] (xem Figure 1 ).
Là địa đầu xung yếu, “phên dậu” của cả vùng đất Nam Kỳ rộng lớn, trù phú, khu vực biên giới Tây Nam trong thời kỳ đầu triều Nguyễn, là nơi có địa hình tương đối phức tạp, hoang vu, rậm rạp, núi non trồi hụp, bị chia cắt bởi nhiều sông ngòi chằng chịt 6 . Đặt trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ khi những vùng đất màu mỡ chưa được khai thác ở Nam Kỳ còn nhiều, thì khu vực biên giới là nơi khó khai khẩn, nhiều nguy hiểm rình rập như thú dữ, sơn lam chướng khí hay nạn binh đao… Vì vậy, dân cư sinh sống ở đây khá thưa thớt, gồm người Việt, người Miên (người Khmer), người Hoa và người Chăm 17 . Từ thời các chúa Nguyễn đến những năm cuối thời Gia Long, mặc dù triều đình đã ban hành các chính sách để khuyến khích cư dân đến khu vực khai hoang lập nghiệp, tuy nhiên cư dân người Việt vẫn chủ yếu khai khẩn những khu vực phù sa đất tốt, đất giồng ven sông để phát triển kinh tế và củng cố quốc gia 18 .
Sang thời Minh Mạng, nhằm xác định và bảo vệ biên giới giữa Đại Nam và Chân Lạp, triều đình đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích người Việt di cư đến khu vực biên giới để mở đất, lập làng, định cư. Đặc biệt, sự ra đời của kênh Vĩnh Tế đã khơi dậy tiềm năng kinh tế của khu vực này, thu hút số lượng đông đảo lưu dân người Việt đến định cư. Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của cộng đồng dân cư tại biên giới Tây Nam đã tạo ra thách thức trong việc quản lý xã hội ở khu vực này, đòi hỏi phải có chính sách hài hòa giữa việc bảo vệ chủ quyền biên giới và phát triển kinh tế - xã hội, tránh những mâu thuẫn sắc tộc có thể nảy sinh 10 . Bên cạnh đó, từ khi triều Nguyễn được thiết lập, mặc dù quá trình xác lập chủ quyền của người Việt ở đây đã hoàn thành về cơ bản, song trong bối cảnh mối quan hệ giữa Đại Nam với Chân Lạp và Xiêm La luôn tiềm ẩn và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là trong thời gian trị vì của vua Minh Mạng, đòi hỏi phải có những quyết sách, để bảo vệ vững chắc biên cương phía nam của đất nước 3 . Đối mặt với Xiêm La đầy tham vọng, Minh Mạng đã tiến hành kết hợp chính sách an ninh - quốc phòng với chính sách phát triển kinh tế, xã hội để duy trì, củng cố khu vực biên giới Tây Nam. Trong đó, chính sách an ninh - quốc phòng là nền tảng cơ bản, được các chính sách kinh tế - xã hội hỗ trợ đắc lực. Trong thực tiễn, trên cơ sở kế thừa chính sách của vua Gia Long, vua Minh Mạng đã tập trung xây dựng thế trận phòng thủ biên giới với trọng tâm là hệ thống phòng thủ trên một số khu vực ở Gia Định, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Cụ thể như thể hiện thái độ kiên quyết trong quan hệ với Xiêm La; phân định rõ đường biên giới với Chân Lạp; thực hiện chính sách khai phá kết hợp an ninh quốc phòng; thực hiện chính sách vỗ yên với các dân tộc ở vùng biên giới; lựa chọn quan lại phù hợp để cai quản; xây dựng lực lượng quân đội cơ động, phù hợp với điều kiện của vùng biên giới; thiết lập hệ thống đồn, bảo dày đặc ở đây để kiểm soát tình hình. Việc thực thi chính sách an ninh - quốc phòng đúng đắn của Minh Mạng đã phát huy tác dụng to lớn, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biên giới Tây Nam nói riêng, chủ quyền của Đại Nam trên vùng đất Nam Kỳ nói chung.
Củng cố, xây dựng và tổ chức lực lượng quân đội trấn giữ biên giới
ăm 1802, sau khi thiết lập vương triều, vua Gia Long đã tập trung xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước về mọi mặt, trong đó việc hoạch định và triển khai chính sách về an ninh - quốc phòng, đặc biệt ở khu vực biên giới Tây Nam luôn được triều đình chú trọng. Vua Gia Long đã áp dụng phương pháp quản lý truyền thống “ràng buộc lỏng lẻo” với các vùng dân tộc thiểu số, thực hiện cả việc khuyến khích và kiểm soát nhằm từng bước tăng cường sự kiểm soát của triều đình Trung ương 4 . Bên cạnh đó, Gia Long cũng ban hành nhiều chỉ dụ đến các địa phương có đường biên giới giáp với nước khác nhằm giải quyết những vấn đề xảy ra trong quá trình giao lưu, buôn bán hoặc quan hệ với người nước ngoài. Để đảm bảo an ninh lãnh thổ, Gia Long đã chỉ đạo xây dựng các đồn, bảo dọc biên giới, nhằm giám sát sự xâm nhập của người nước ngoài. Việc tuyển mộ binh lính canh giữ tại các đồn, bảo cũng ưu tiên lấy người địa phương hoặc người nước khác sinh sống tại Việt Nam, cho họ mang tên người Việt Nam để sung vào; đồng thời triển khai nhiệm vụ tuần tra biên giới đến các địa phương, với các quy định nghiêm ngặt từ việc kiểm soát số lượng người nước ngoài ở Việt Nam đến việc báo cáo số lượng quân dịch… 4 . Kế thừa thành quả của Gia Long, dưới thời Minh Mạng, nhà vua dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề xây dựng quân đội, thiết lập hệ thống phòng thủ thông qua việc củng cố, thiết lập hệ thống đồn, bảo và chăm lo cho binh lính đồn trú ở khu vực biên giới.
Trong chế độ tuyển binh, để tăng cường lực lượng quân sự cho Nam Kỳ nói chung, biên giới Tây Nam nói riêng, nếu như trong thời kỳ đầu, việc tuyển binh cho các trấn, đạo ở khu vực biên giới Tây Nam được vua Gia Long quy định: Đối với Gia Định thành, cứ 8 đinh lấy 1 lính, còn biệt nạp như đồn điền các trại 3 đinh lấy 1 lính [ 19 , tr.357], thì dưới thời Minh Mạng, đặc biệt là sau sự biến Lê Văn Khôi ở Phiên An và cuộc tấn công của quân Xiêm vào Nam Kỳ cuối năm 1833 đầu năm 1834, Minh Mạng nhận thấy do số lượng binh lính đồn trú ở khu vực biên giới quá ít, trong khi lực lượng quân đội ở các tỉnh khác không kịp ứng cứu khi có binh biến xảy ra, dẫn đến việc An Giang, Hà Tiên nhanh chóng thất thủ trước sự tấn công của quân Xiêm vào đầu năm 1834, Minh Mạng đã có những quy định về chính sách tuyển binh nhằm tăng cường lực lượng quân sự cho Nam Kỳ nói chung và các tỉnh biên giới Tây Nam nói riêng. Theo đó, Minh Mạng quy định cứ 5 đinh lấy 1 lính (trong khi ở Bắc Kỳ là 7 đinh lấy 1, Quảng Bình - Bình Thuận là 3 đinh lấy 1) [ 19 , tr.357]. Bên cạnh đó, triều đình cũng điều động quân binh từ các khu vực khác đến vùng biên giới quan yếu như An Giang, Hà Tiên, Quang Hóa để hỗ trợ phòng bị: “lệnh cho Tổng đốc An - Biên là Nguyễn Văn Quế, Thự đốc Long - Tường là Lê Phúc Bảo đều phái 1 Lãnh binh, 2 Quản cơ, 1.000 biền binh chuẩn bị đủ thuyền, súng và khí giới, thủy, lục cùng tiến đi (An Giang) trú phòng” [ 20 , tr.565]. Cũng trong năm 1834, Minh Mạng hạ lệnh cho các Tướng quân, Tham tán ở Gia Định phái ngay một vệ Kinh binh cùng 500 hương dũng đi thuyền đến An Giang trú phòng. Theo lệnh nhà vua, tỉnh An Giang được cấp 10 chiến thuyền; Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên mỗi tỉnh từ 5 đến 7 chiếc; lại cấp thêm đại bác, thuốc súng, đạn cho các tỉnh để tăng cường phòng bị. Ngoài ra, theo mật dụ, tỉnh An Giang được lệnh bổ sung 1.000 hương dũng, phối hợp với Kinh binh chuẩn bị chia đi đóng giữ Nam Vang và Hà Tiên [ 20 , tr.570].
Cũng cần nói thêm, ngay từ năm 1822, nhận thấy tham vọng và mối đe dọa từ Xiêm La ngày càng lớn, Minh Mạng quyết định chuyển tất cả dân trong các đồn điền ở Nam Kỳ vào ngạch lính “các trại đồn điền biệt nạp lấy tên huyện hay tên tổng sở tại để gọi, số đinh chỉ ghi vào sổ thuế” trước đây, nay đổi thành “từng hiệu, xin đặt lại tên, ghi theo ngạch binh” [ 21 , tr.231]. Bằng cách này, triều đình có thêm hơn 9.703 binh lính, vốn là số dân đồn điền trong 247 trại đồn điền ở Nam Kỳ [ 21 , tr.231]. Bên cạnh đó, để tăng cường lực lượng cho khu vực này, năm 1823, Minh Mạng sai Vệ úy vệ Trung bảo nhị là Nguyễn Văn Trượng quản 5 cơ tòng thành Gia Định và 450 binh đồn Uy Viễn đến đồn Châu Đốc theo Án thủ Nguyễn Văn Thoại đóng thú [ 21 , tr.230]. Đối với khu vực sông Tiền được xem là nơi trọng yếu, năm 1826, vua truyền dụ cho đặt thêm chức Hiệp thủ ở ba đạo Tân Châu, Chiến Sai và Hùng Ngự (Hồng Ngự) thuộc trấn Vĩnh Thanh [ 22 , tr.419]. Năm 1827, vua lại chuẩn y cho Án thủ Châu Đốc Nguyễn Văn Thoại mộ lập ba đội Châu Đốc Nhất, Nhị, Tam và hai đội An Hải Nhất, Nhị, mỗi đội đặt một Suất đội [ 21 , tr.462] để tăng cường việc phòng bị miền duyên hải Hà Tiên và vùng biên giới Châu Đốc - An Giang.
Cùng với việc tăng cường số lượng binh lính đồn trú trong các khu vực xung yếu ở biên giới Tây Nam, Minh Mạng còn ban hành các quy định cụ thể trong việc tổ chức lực lượng quân đội ở khu vực này. Trong chính sách về việc tổ chức lực lượng quân đội ở Nam Kỳ năm 1832 quy định rõ: Phiên An 11 cơ, Biên Hòa 6 cơ, Vĩnh Long 9 cơ, Định Tường 5 cơ, An Giang 8 cơ, Hà Tiên 4 cơ [ 5 , tr.357]. Theo quy định này, quân số mỗi cơ gồm 10 đội, mỗi đội 50 người, như thế lực lượng quân đội ở các khu vực này vào năm 1832 dao động khoảng 19.000 quân [ 5 , tr.357]. Đến năm 1833, quân đội triều Nguyễn ở Nam Kỳ đã có sự thay đổi, lúc này ở Gia Định (Phiên An trước đây) có 9 cơ (10 đội) và 3 đội pháo thủ, 2 đội giáo dưỡng, 2 đội Hồi lương, 1 đội An lương; Biên Hòa có 5 cơ (10 đội), 2 đội tượng cơ, 1 đội pháo thủ và 1 đội Hồi lương; Vĩnh Long có 8 cơ (10 đội), 1 đội Pháo thủ, 1 đội Long nghị, 3 đội Trấn binh, 2 đội Hồi lương và 2 đội Vĩnh lương; Định Tường có 5 cơ (10 đội), cơ Tường tráng 1 đội, 1 đội Pháo thủ và 1 đội Tường võ, 2 đội Hồi lương; An Giang có 8 cơ (10 đội), 2 đội pháo thủ và 2 đội Hồi lương; Hà Tiên có 2 cơ (10 đội) và 1 đội Biên lương [ 5 , tr.358], với trên 20.000 quân. Năm 1836, Phiên An, An Giang, Hà Tiên, Định Tường là 24 cơ (trong đó riêng An Giang và Hà Tiên là 10 cơ, khoảng 17.000 người) [ 5 , tr.259]. Lúc này, ngoài 4 lực lượng cơ bản là bộ binh, thủy binh, pháo binh và tượng binh đồn trú, ở các tỉnh biên giới Tây Nam còn có các đội quân Giáo dưỡng, đội Pháo thủ, đội Hồi lương, An lương vốn là những tù phạm sung quân [ 5 , tr.375]. Đặc biệt, đối với những khu vực trọng yếu như Hà Tiên và An Giang, Minh Mạng còn ban hành chính sách thiết lập ở những khu vực này các Ty hành nhân - gồm những người am hiểu tiếng Chân Lạp, Xiêm La, Trung Hoa để sử dụng vào các mục đích ngoại giao, quân sự.
Nhất quán trong việc thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, trong việc điều động binh lính, Minh Mạng cho áp dụng quy chế chia ban, phiên đối với binh lính các tỉnh. Theo đó, biền binh đóng ở các tỉnh biên giới Gia Định, Định Tường, Hà Tiên, An Giang chia làm 3 ban, 1 ban tại ngũ, 2 ban về quê, 1 tháng thay đổi 1 lần. Đồng thời, để đảm bảo luôn có một số lượng quan, binh nhất định cho những khu vực này, Minh Mạng tiến hành phân phái binh lính các tỉnh từ Quảng Nam trở vào, luân phiên đi tuần thú tại các địa bàn quan trọng ở biên giới Tây Nam: Gia Định là đất yếu địa - chọn cử 1 vệ lính Kinh, 1 cơ Quảng Nam đóng thú. Hà Tiên là địa đầu quan yếu - phái quân Gia Định, Vĩnh Long, An Giang mỗi tỉnh một cơ đi thú. Lính đến đóng thú vào tháng Giêng, 6 tháng đổi một lần [ 23 , tr.438].
Việc tổ chức cho binh sĩ đóng ở khu vực biên giới tập luyện cũng được triều đình chú trọng và duy trì thường xuyên. Chế độ huấn luyện và thao diễn của lực lượng binh sĩ biên cương được tổ chức nghiêm ngặt hơn so với các khu vực khác. Năm 1831, sau khi nghe Lê Văn Duyệt báo cáo về tình hình do thám cho thấy nước Xiêm đang dòm ngó, Minh Mạng nhận định: “Binh lính có thể trăm năm không dùng đến nhưng không thể một ngày không phòng bị. Nếu có dự bị thời gặp việc không phải lo mấy” [ 24 , tr.60]. Sau đó, ra lệnh cho binh lính ở Gia Định phải tạm dừng mọi hoạt động, tập trung vào tập luyện. Năm 1834, Minh Mạng tiếp tục truyền dụ: “cho tập hợp quân lính Vĩnh Long, An Giang, Định Tường mỗi tỉnh 1000 người; Biên Hòa, Hà Tiên mỗi tỉnh 500 người, nếu thiếu thì lấy thêm hương dõng quanh tỉnh sung vào rồi cấp phát lương tiền, cho đi thao diễn để giữ tỉnh thành… Các tỉnh ấy lại phải sửa chữa các thuyền, thành trì, súng lớn và khí giới, cần cho được vững vàng, tinh nhuệ” [ 19 , tr.158]. Ngoài ra, việc sửa chữa chiến thuyền, thành trì, súng lớn và khí giới… được tiến hành thường xuyên, nhằm đảm bảo luôn trong tư thế sẵn sàng [ 19 , tr.158]. Minh Mạng còn ra quy định “không được ngược đãi lính, dùng làm việc riêng, hoặc bán đi, hoặc thả về, hoặc cho nghỉ việc. Ai vi phạm sẽ có tội” [ 19 , tr.373]. Nhờ sự quan tâm xây dựng và tập luyện, lực lượng quân đội đồn trú ở biên giới Tây Nam khá tinh nhuệ, can đảm và khôn ngoan “họ thường tập bắn súng, bắn tên, đâm chém bằng gươm giáo và ném cả tạ trên bộ và trên chiến thuyền” [ 25 , tr.75].
Xác định Châu Đốc, Hà Tiên là một trong những vùng biên giới có vị trí yết hầu, liên quan trực tiếp đến sự suy, thịnh của triều đình, vua Minh Mạng đã có nhiều chỉ dụ để tăng cường quân nhu, khuyến khích tinh thần của binh lính. Vua dụ: “Quân là nanh vuốt của nước, họ đóng thú xa xôi, làm việc vất vả, trẫm vẫn thương xót,... Vậy phàm thú binh thuộc thành, ngoại lệ lương ra đều được cấp thêm 5 quan tiền, áo quần thì quan may mà cấp...”[ 26 , tr.136]. Đồng thời, năm 1821, cho lập kho Châu Đốc để chứa tiền gạo cấp phát cho viên quân lưu trú, dự trữ quân lương và làm lương thưởng cho tướng, lính lập được chiến công 27 .
Vua Minh Mạng cho rằng, muốn bảo vệ vùng biên giới việc tăng cường và dựa vào lực lượng quân đội chính quy là chưa đủ, mà còn phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, đặc biệt là lực lượng dân tộc ít người ngay tại chính địa phương. Do đó, khác với các vùng đất ở Nam Bộ khi “lưu dân đi trước, nhà nước theo sau” thiết lập chính quyền hành chính, đối với vùng Châu Đốc, Hà Tiên, nhà Nguyễn thiết lập đơn vị hành chính và đưa lực lượng quân đội đi khẩn hoang, tạo ra những điều kiện thuận lợi về chính trị và xã hội 28 . Trên cơ sở đó, thu hút lưu dân đến khai phá và sinh sống ngày càng đông đúc.
Kế thừa chính sách đối với vùng biên viễn của Gia Long, Minh Mạng tiến hành di dân và cải chính tên họ cho dân các dân tộc thiểu số ở các sóc Cao Man, thuộc huyện Kiên Giang 11 . Cụ thể, năm 1826, Minh Mạng lựa chọn 518 người ở các sóc Cao Man, sắp xếp thành 10 đội, gọi là chi Kiên Hùng, và đưa vào đồn Uy Viễn. Năm 1833, Minh Mạng tiếp tục ban dụ mộ 500 người ở phủ Chân Chiêm, sắp xếp thành 10 đội, gọi là cơ An Biên [ 29 , tr.149]. Năm 1834, sau khởi biến Lê Văn Khôi và hành động xâm lược của Xiêm La, Đại thần Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương đã tâu với nhà vua về việc tuyển binh như sau: “Lựa lấy thổ binh người Chàm (dòng dõi Thuận Hóa), người Chà Và (dòng giống Chà Và cư trú đất Phiên)... làm 2 cơ An Man Nhất và Nhị. Mỗi cơ 10 đội, mỗi đội 50 người” [ 19 , tr.298]. Năm 1835, Minh Mạng chọn 823 người dân Chàm, sắp xếp thành 2 cơ, gọi là An Man 1 và 2, mỗi cơ có 10 đội. Ngoài ra, ông cũng lấy 223 người dân Bồ Đà, đã ngụ ở hạt Cao Man, sắp xếp thành 5 đội, gọi là cơ An Man thứ 3… [ 29 , tr.149]. Với việc sử dụng lực lượng quân đội tại chỗ là người địa phương, có am hiểu địa thế vùng biên giới đã giúp các lực lượng đồn trú ở đây phản ứng nhanh và hiệu quả khi có biến xảy ra.
Những chính sách trên cho thấy, vùng biên giới Tây Nam của Nam Kỳ luôn được vua Minh Mạng quan tâm xây dựng bố trí lực lượng quân đội để bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới. Việc xây dựng, tăng cường quân đội địa phương, tổ chức tập luyện, tăng cường trang bị vũ khí và những chính sách ưu đãi đối với binh lính đồn trú ở khu vực này đã giúp cho quân đội của nhà Nguyễn dưới triều Minh Mạng không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
T hiết lập hệ thống đồn bảo phòng thủ khu vực biên giới
Song song với việc củng cố, xây dựng và tổ chức lực lượng quân đội trấn giữ biên giới, trong chính sách an ninh - quốc phòng, Minh Mạng còn chú trọng và triển khai việc việc thiết lập hệ thống đồn (tấn), bảo (cổ) , pháo đài phòng thủ ở khu vực này. Vùng đất Nam Kỳ có địa thế chiến lược với hai con sông quan trọng là sông Tiền và sông Hậu, không chỉ có giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong quân sự và an ninh quốc phòng 5 . Nếu muốn đưa quân lên Chân Lạp thì phải cho thuyền đi ngược sông Tiền Giang rồi mới lên được Nam Vang. Vùng biên giới giữa Đại Nam và Chân Lạp bao gồm các vùng là trấn Phiên An (Long An), Đồng Tháp Mười, Châu Đốc, Hà Tiên với con đường chiến lược là sông Tiền, riêng nơi biên giới hiểm yếu với Xiêm là cửa biển Rạch Giá, Hà Tiên (giáp vịnh Thái Lan) 11 . Vì thế từ thời các chúa Nguyễn, hệ thống đồn, bảo đã được thiết lập ở khu vực Hồng Ngự, Cù lao Giêng, Sa Đéc, Châu Đốc... Sang thời kỳ triều Nguyễn, vua Gia Long tiếp tục đánh giá cao vùng đất biên giới và xem đây là địa đầu quan ải của trấn Vĩnh Thanh với Chân Lạp, nên vua đặt tên là “Châu Đốc Tân Cương” 26 . Ngoài ra, vua Gia Long còn cho tiến hành xây dựng một số công trình quân sự phòng thủ khác ở khu vực này, tạo thành trung tâm phòng thủ, chỉ huy cho cả hệ thống quốc phòng ở vùng biên giới Tây Nam, góp phần quan trọng giữ gìn nền độc lập và trị an của đất nước [ 25 , tr.90-91].
Sang triều Minh Mạng, việc trấn thủ, củng cố, mở rộng và xây dựng thêm hệ thống thành lũy, đồn, bảo ở khu vực biên giới Tây Nam tiếp tục được thực thi, cụ thể: năm 1826, Minh Mạng cho xây dựng thành Hà Tiên với chu vi 96 trượng, cao 7 thước 2 tấc, nằm ở xã Mỹ Đức, huyện Hà Châu; năm 1827, Minh Mạng cho tăng cường thêm các đồn thủ ở phía sông Hậu và xây dựng Châu Đốc thành một khu vực quân sự chiến lược vững chắc, nhằm tạo ra một căn cứ quân sự để bảo vệ Hà Tiên và Nam Vang; năm 1831, Minh Mạng sai Lê Văn Duyệt xem xét địa hạt tỉnh Hà Tiên có những nơi xung yếu nào, đặc biệt là các khu vực giáp giới Chân Lạp, Xiêm La thì cho đặt pháo đài để phòng bị. Sau năm 1832, nhất là khi Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt qua đời, quân Xiêm La tăng cường đưa quân sang khu vực Hà Tiên, An Giang gây hấn, làm cho an ninh khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phá huỷ thành quả khai phá của quân dân vùng biên giới đã đạt được trước đó. Trước tình hình đó, Minh Mạng đã tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường phòng thủ cho những khu vực này với hệ thống đồn, bảo được thiết lập dày đặc ở đây, tiêu biểu như Năm 1833, sau khi thành lập tỉnh An Giang, Minh Mạng nhấn mạnh đến vị trí xung yếu của khu vực này đối với sự an nguy của khu vực biên giới Tây Nam. Năm 1834, để tăng cường hệ thống phòng thủ, Minh Mạng cho triệt phá đồn Châu Đốc cũ xây dựng đồn mới kiên cố hơn [ 30 , tr.110], vị trí đặt đồn ở chỗ đất quang đãng, trấn được cả Tiền Giang, Hậu Giang, giữa các ngả đường đi lại [ 24 , tr.67]; năm 1836, Minh Mạng cho xây dựng thành phủ Ba Xuyên (tỉnh An Giang), thuộc địa phận thôn Hòa Mĩ, huyện Phong Nhiêu... [ 31 , tr.68]; năm 1836 cho xây dựng thành tỉnh Gia Định với chu vi 429 trượng, cao 10 trượng 3 tấc, bằng đá, nằm ở thôn Nghĩa Hòa, huyện Bình Dương; năm 1838, thành phủ Tây Ninh (tỉnh Gia Định), có chu vi 188 trượng, 8 thước, 4 tấc, cao 7 thước, nằm ở địa phận thôn Khang Ninh, huyện Tân Ninh được thiết lập… [ 31 , tr.69].
Cùng với việc xây dựng và củng cố hệ thống đồn, bảo, trong bối cảnh tình hình vùng biên giới luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, đặc biệt là việc quân Xiêm đóng quân ở Bắc Tầm Bôn (đất Chân Lạp) luôn trong tình thế tấn công khi Đại Nam sơ hở, năm 1832, sau khi đánh diệt giặc Chà Và, Minh Mạng cho rằng: “Côn Lôn thủ và Hà Tiên Phú Quốc thủ đều là những nơi xung yếu, dân ở đông đúc, thế mà thường có giặc biển ẩn hiện. Liền truyền dụ cho quan thành chọn đất 2 chỗ thủ ấy, xây đặt pháo dài, liệu cấp súng đạn, khí giới, thuyền bè, phái quân đóng giữ” [ 29 , tr.234]. Đồng thời, dụ cho các tỉnh biên giới chia đặt các súng lớn ở các đồn bảo để phòng thủ. Theo đó, cấp cho tỉnh thành An Giang 1 cỗ đại luân xa Thảo nghịch tướng quân đồng pháo, 1 cỗ Võ công tướng quân đồng pháo, 20 cỗ Quá sơn đồng pháo; Thành Châu Đốc 10 cỗ Hồng y cương pháo, 2 cỗ Phách sơn cương pháo, 10 cỗ Quá sơn đồng pháo. Đồn Châu Giang có 2 cỗ Hồng y cương pháo, 6 cỗ Quá sơn đồng pháo. Hai đồn Tân Châu và An Lạc mỗi đồn đều có 2 cỗ Hồng y cương pháo và 6 cỗ Quá sơn đồng pháo. Tấn sở Lô An có 2 cỗ Hồng y cương pháo, 4 cỗ Quá sơn thiết pháo. Ba đồn Vĩnh Tế, Vĩnh Nguyên và Chu Phú, mỗi đồn đều có 4 cỗ Quá sơn thiết pháo. Tổng cộng có 100 cỗ” [ 19 , tr.615]. Tháng 7/1834, tăng cường binh lính và khí giới để phòng bị cho lũy đài Phù Dung và Kim Dữ ở Hà Tiên [ 19 , tr.229].
Bên cạnh đó, tại những phủ, huyện có địa bàn giáp ranh với Chân Lạp, Xiêm La hay án ngữ trên con đường giao thông thủy, bộ chiến lược, Minh Mạng chủ trương xây dựng hệ thống tấn, bảo, pháo đài... Trong đó, các tấn, bảo, bên cạnh nhiệm vụ phòng giữ, bảo vệ biên giới còn kiêm thêm việc thu thuế và kiểm soát hoạt động giao thương, buôn bán với nước ngoài. Theo thống kê từ Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí , hệ thống tấn, bảo, pháo đài ở các tỉnh thuộc khu vực biên giới Tây Nam thời kỳ này cụ thể như sau: Ở tỉnh Gia Định có các Tấn: Cần Giờ, Đồng Ninh, Lôi Lạp; các Bảo: Quang Hóa, Tây Hóa, Lộc Giang; Thủ: Quang Phong; Pháo đài: Hữu Bình. Ở tỉnh Định Tường có các Tần: Đại Hải, Tiểu Hải, Ba Lai, Thông Bình; các Bảo: Hùng Ngự, Tuyên Uy, Thông Bình, Trấn Nguyên; Ở tỉnh An Giang có các Tấn: Tân Châu, Trấn Di, Mĩ Thanh, Di Xuyên; các Bảo: Vĩnh Tế, An Lạc. Ở tỉnh Hà Tiên có các Tấn: Kim Dữ, Kiên Giang, Cửa Lớn, Cửa Bé, Hợp Phố, Tam Giang, Bồ Đề, Ghềnh Hào; các Bảo Phù Anh, Lư Khê, Giang Thành, Tiên Thái, Phú Quốc,... 22 , 30 , 32 . Có thể nói, sự gia tăng số lượng các tấn, bảo cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Minh Mạng đối với khu vực biên giới Tây Nam. Hệ thống tấn, bảo được xây dựng khá kiên cố, được trang bị vũ khí và lực lượng quân binh. Các chỉ huy đứng đầu các tấn, bảo được quy định trách nhiệm rõ ràng và sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Theo quy định, các tướng lĩnh đứng đầu tấn, bảo không chỉ quản lý các đồn điền do binh lính mở mang, mà còn phải điều chỉnh mối quan hệ giữa các nhóm dân tộc, đảm bảo an ninh và ổn định xã hội ở những khu vực nhạy cảm. Quân binh tại đây vừa giữ vai trò quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì trật tự dân sự, chống lại các hành vi cướp bóc và gìn giữ an ninh. Nhờ có sự “linh hoạt” này, hệ thống đồn, bảo đã hoạt động tương đối hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong chính sách an ninh - quốc phòng dười thời vua Minh Mạng 11 .
Trước tình hình vùng biên giới Tây Nam luôn bị quân Xiêm La tràn sang quấy phá (đặc biệt là trong năm 1834), ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành quả khai phá của quân dân vùng biên giới, năm 1835, vua Minh Mạng ban hành chỉ dụ về việc lập đồn điền và mộ dân khai hoang ở Hà Tiên, nhằm tăng cường phòng thủ và phát triển kinh tế vùng biên giới Tây Nam. Mục tiêu của chỉ dụ là tạo điều kiện cho quân dân vừa canh tác, vừa huấn luyện và sử dụng sản phẩm nông nghiệp của mình làm nguồn lực. Chỉ dụ cũng quy định việc cung cấp vật tư và gia súc cho biền binh trú phòng ở những địa điểm có thổ nhưỡng phù hợp để lập đồn điền: “ khiến họ vừa cày ruộng, vừa thao diễn và cho họ được dùng những thóc gạo, hoa lợi họ đã làm được. Đợi sau 1, 2 năm thành điền rồi, mới lấy thóc lúa, hoa lợi ấy sung làm khẩu lương” [ 19 , tr.561]. Đối với việc lập đồn điền, Minh Mạng cho chọn những chỗ đất có thể trồng cấy được, cấp trâu cày và đồ làm ruộng cho biền binh trú phòng. Bên cạnh đó, Minh Mạng đã cho Tổng đốc An Hà Trương Minh Giảng và tuần phủ An Giang là Lê Đại Cương điều động hơn 1.000 quân phu đến để xây lại thành Châu Đốc và sửa sang đồn Châu Giang. Triều đình còn đặt thêm ở bên hữu thành Châu Đốc một đồn mới gọi là đồn Chu Phú, phía hai bờ kênh Vĩnh Tế, nhà vua cũng cho đặt thêm hai đồn mới là đồn Vĩnh Tế và đồn Vĩnh Nguyên (Vĩnh Ngươn). Ngoài ra, triều đình còn cho đặt các cỗ súng và dự trữ đạn ở đây để chống giặc như “đồn Châu Đốc có 27 cỗ súng lớn, ngoài đồn trước sau 2 góc đều 2 cỗ; góc bên hữu đồn là đồn Chu Phú có 4 cỗ. Đối ngạn sông Vĩnh Tế là 2 đồn Vĩnh Tế và Vĩnh Nguyên đều 2 cỗ, thủ Châu Giang 8 cỗ. Thuyền Hải đạo 5 chiếc, mỗi chiếc một cỗ súng lớn, 6 cỗ súng quá sơn. Thuyền Ô, thuyền Lê và thuyền Chu 22 chiếc, mỗi chiếc 3 cỗ súng quá sơn. Còn súng lớn như cỗ đại xa, luân xa hồng y, phách sơn, mỗi cỗ dự trữ 100 phát đạn, súng quá sơn mỗi cỗ 200 phát đạn” [ 19 , tr.286]. Có thể nói, việc Minh Mạng cho thiết lập hệ thống đồn, bảo dày đặc cho thấy sự quan tâm, chú trọng đặc biệt của nhà Nguyễn đối với khu vực biên giới Tây Nam. Hệ thống tấn, bảo, thủ, pháo đài được xây dựng khá kiên cố, trang bị vũ khí và lực lượng quân binh phòng giữ nghiêm ngặt, không chỉ đóng vai trò canh phòng, mà còn làm cả các nhiệm vụ hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội. Quan binh đóng ở đây vừa làm chức năng quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, vừa ổn định dân cư, tảo trừ cướp bóc, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh. Nhờ có tính chất “linh hoạt” đó, hệ thống các đồn, bảo biên phòng hoạt động hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong chính sách an ninh - quốc phòng của triều đình nhà Nguyễn.
Như vậy, do tình hình, đặc điểm và bối cảnh lịch sử khác nhau nên các chính sách xây dựng hệ thống phòng thủ những nơi xung yếu và vùng biên giới Tây Nam của nhà Nguyễn có những mức độ và quy mô khác nhau tùy theo thời kỳ. Các công trình trong hệ thống phòng thủ biên giới được nhà nước chú trọng xây dựng thường xuyên, liên tục và luôn được sự quan tâm đặc biệt của triều đình. Các đồn bảo phòng thủ được xây dựng dày đặc, có sự liên kết phối hợp chặt chẽ với nhau tạo thành một hệ thống khép kín từ sông Tiền, sông Hậu cho đến cửa biển ở khu vực Hà Tiên. Theo tác giả Nguyễn Quang Ngọc, “trên chính diện biên giới Tây Nam, trong khoảng 100 km luôn luôn có khoảng 15 - 16 đồn bảo trấn giữ. Đây là mật độ đồn bảo khá dày đặc so với các tuyến biên giới khác lúc đó” [ 5 , tr.263]. Hệ thống đồn, bảo đó đã giúp cho nhà Nguyễn phòng thủ, bảo vệ an ninh vùng biên giới và nhiều lần đánh thắng các thế lực ngoại xâm.
THẢO LUẬN
Kết quả nghiên cứu đã đóng góp thêm một mảng tư liệu quan trọng về chính sách an ninh - quốc phòng đối với khu vực biên giới Tây Nam bộ của triều Nguyễn dưới thời trị vì của vua Minh Mạng. Trên cơ sở nội dung nghiên cứu đã giải quyết, chúng tôi cho rằng vẫn cần có thêm nhiều nguồn tư liệu hơn nữa để đi đến khẳng định có một chính sách riêng của vua Minh Mạng trong việc thực thị chính sách an ninh - quốc phòng ở khu vực biên giới Tây Nam bộ, nhưng những gì trình bày trong nghiên cứu này cho phép tạm đi đến nhận xét rằng Minh Mạng ít nhất đã có những “ưu tiên” để thực hiện một chính sách như vậy thông qua những biện pháp và thực tế của việc triển khai những biện pháp đó ở vùng biên giới Tây Nam bộ theo tinh thần “phương thức lập các chính sách, ắt cần phải tùy địa phương mà định quy chế”. Trong thực tế, lực lượng quan binh đóng trú ở đây cùng với hệ thống đồn, bảo không chỉ đóng vai trò biên phòng, mà làm cả các nhiệm vụ hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do có tính chất “linh hoạt” đó mà lực lượng quân đội và hệ thống các đồn, bảo biên phòng hoạt động hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong trong việc định hình đường biên giới Tây Nam và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
KẾT LUẬN
Thuộc địa phận các tỉnh Gia Định, Định Tường, An Giang và Hà Tiên, khu vực biên giới Tây Nam dưới thời nhà Nguyễn luôn giữ một vị trí chính trị - quân sự chiến lược. Đặc biệt, trong thế giằng co của mối quan hệ Đại Nam, Chân Lạp, Xiêm La, khu vực này là “phên dậu” cơ bản để bảo vệ vùng đất Nam Kỳ trù phú, giàu tiềm năng của Việt Nam. Là ông vua có nhãn quan chính trị sắc bén, sớm nhận thức được tầm quan trọng của vùng biên giới Tây Nam, Minh Mạng đã thực hiện hàng loạt chính sách như khai hoang kết hợp với quốc phòng, chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt nhưng kiên quyết đối với hai nước láng giềng là Chân Lạp và Xiêm,… Đặc biệt, việc xây dựng, tổ chức lực lượng quân đội và tổ chức phòng thủ biên giới đất liền thông qua hệ thống đồn, bảo được thiết lập dày đặc cho thấy tầm quan trọng và thái độ quan tâm, chú trọng đặc biệt của vua Minh Mạng. Chính sách của Minh Mạng vừa nằm trong hệ thống chính sách chung của nhà Nguyễn, vừa mang những đặc điểm riêng phù hợp với thực tiễn địa phương và bối cảnh lúc bây giờ. Minh Mạng đã có những bước tiếp nối vua Gia Long trong thế trận phòng thủ biên giới Tây Nam để khẳng định một cách vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc. Do đó, góp phần quan trọng trong việc hình thành một vùng đất Tây Nam trù mật, dân cư đông đúc, binh lực dồi dào, làm cơ sở để thực thi có hiệu quả chính sách an ninh - quốc phòng, bảo vệ biên giới quốc gia. Có thể nói chính sách an ninh - quốc phòng đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền vùng đất phía Nam và đã để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong chính sách an ninh - quốc phòng đối với khu vực biên giới của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
LỜI CẢM ƠN
Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số B2023-18b-03.
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
ĐHQG: Đại học Quốc gia
TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh
NXB: Nhà xuất bản
KHXH: Khoa học xã hội
HN: Hà Nội
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Các tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này.
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của riêng nhóm tác giả. Kết quả nghiên cứu được rút ra trong khuôn khổ đề tài mã số B2023-18b-03. Tác giả Nguyễn Thị Ánh Nguyệt phác thảo ý tưởng; hai tác giả tiến hành thu thập dữ liệu, phân tích và trình bày các kết quả nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chỉnh sửa theo góp ý của các chuyên gia phản biện và hoàn thiện bài viết.
References
- Lưu Văn Quyết. Biện pháp sử dụng quan lại là người địa phương trong bộ máy chính quyền ở Nam Bộ trong thời kỳ đầu của triều Nguyễn (1802-1832). Sci. Tech. Dev. J. - Soc. Sci. Hum.; 5(1):900-907. . ;:. Google Scholar
- Lê Văn Anh, Đặng Văn Chương. Chính sách đối ngoại của triều Nguyễn với Xiêm (Thái Lan) về vấn đề Lào và Campuchia trong 30 năm đầu thế kỷ XIX, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Minh Tường. Cải cách hành chính dưới thời Minh Mệnh (1820-1840). Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996. . ;:. Google Scholar
- Choi Byung Wook. Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Quang Ngọc (Cb). Vùng đất Nam Bộ, Tập IV, Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2017. . ;:. Google Scholar
- Tống Văn Lợi. Gia Long và Minh Mệnh với vấn đề khai thác và quản lý biên giới Tây Nam (từ năm 1802 đến 1840). in trong Mấy vấn đề bản sắc văn hóa - xã hội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học lần thứ ba. 2011. . ;:. Google Scholar
- Đặng Văn Chương. Về cuộc tấn công của Xiêm vào Hà Tiên và Châu Đốc cuối năm 1833 đầu năm 1834 ", Tạp chí nghiên cứu Lịch sử, số 3 (322), 2002. . ;:. Google Scholar
- Đặng Văn Chương. Việt Nam trong quan hệ với Xiêm về vấn đề Lào và Campuchia đầu thế kỷ XIX. Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 2002. . ;:. Google Scholar
- Dương Thế Hiền. Hệ Thống Cơ sở phòng thủ trên vùng đất Hà Tiên dưới triều Nguyễn (1802-1859). Tạp chí khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, 288 (11). . ;:. Google Scholar
- Cao Thanh Tân. Đồn binh Châu Đốc thời Nguyễn. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2 (303), 1999. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Minh Tường. Chính sách của vương triều Nguyễn đối với dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 (97), 2015. . ;:. Google Scholar
- Lê Trung Dũng. Quá trình phân định biên giới giữa Nam Bộ Việt Nam và Campuchia từ giữa thế kỷ XIX đến nay", Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 336, 2006. . ;:. Google Scholar
- Võ Thị Thúy Liễu. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia. Trường chính trị tỉnh Bến Tre, truy cập ngày 10/11/2023. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Như Ý (Cb). Đại từ điển Tiếng Việt. Nxb. Văn hóa thông tin, HN, 1999. . ;:. Google Scholar
- Bùi Thị Ngọc. Chính sách của Nhà Nguyễn đối với vùng biên giới Tây Nam dưới triều Minh Mệnh (1820-1840). Luận văn Thạc sĩ Sử học. Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HN, 2014. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Đình Đầu. Tổng kết nghiên cứu địa bạ nam Kỳ lục tỉnh. Nxb Tp.Hồ Chí Minh, 1994. . ;:. Google Scholar
- Vũ Minh Giang. Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ, Tạp chí Khoa học, số 1, 2006. . ;:. Google Scholar
- Vũ Huy Phúc. Đồn điền - một loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp quan trọng nửa đầu thế kỷ XIX". Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 274, 1994. . ;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập IV, Nxb. Giáo dục, HN, 2007. . ;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập III. Nxb. Giáo Dục, HN, 2007. . ;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập II. Nxb. Giáo dục, HN 2007. . ;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập I. Nxb. Giáo dục, HN, 2007. . ;:. Google Scholar
- Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 9. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993. . ;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994. . ;:. Google Scholar
- Dương Thế Hiền. Vùng đất An Giang trong chính sách quốc phòng của chính quyền chúa Nguyễn và vua Nguyễn thời kỳ 1757 - 1867. Luận văn Thạc sĩ Lịch sử Việt Nam. Trường Đại học Sư Phạm TPHCM, 2014. . ;:. Google Scholar
- Ngô Thị Ngọc Linh. Chính sách bảo vệ biên giới Tây Nam Bộ của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn 1757-1858. Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử. Đại học Đồng Tháp, 2019. . ;:. Google Scholar
- An Giang: Quá trình mở đất và giữ đất dưới thời nhà Nguyễn (1757-1867). Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang. (truy cập ngày 23/5/2022). . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Tuấn Anh. Nam Bộ trong mối quan hệ giữa chúa Nguyễn với Chân Lạp và Xiêm từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, In trong Kỷ yếu hội thảo khoa học: Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009. . ;:. Google Scholar
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Minh Mệnh chính yếu, tập 3. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2010. . ;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập hạ. Nxb. KHXH, 1994. . ;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 5. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006. . ;:. Google Scholar
- Viện sử học. Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, tập 3. Nxb Thuận Hóa, 2007. . ;:. Google Scholar