VNUHCM Journal of

Social Sciences and Humanities

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam since 2017

ISSN 2588-1043

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

293

Total

118

Share

Developing cultural facilities in the new rural construction program in Ho Chi Minh City: the combination between the State and the community






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Cultural facilities are venues designed to host meetings, cultural activities, entertainment, and health-related practices for the community; combining integration and support in propaganda to mobilize people to comply with the Party's policies and guidelines and the State's laws. Given their pivotal role, investing in the construction of cultural facilities is deemed essential by both the government and society. In the new rural construction program, cultural facilities are a criterion that needs to be invested in and built according to regulations. In order to expand investment in new rural development in general and cultural facilities in particular to meet the needs of society and mobilize social resources for development investment, the Government has issued many documents as a legal basis to mobilize social resources and encourage public participation in the development of cultural infrastructure. For cultural facilities in new rural communes in Ho Chi Minh City, the State mobilizes people to invest in building cultural - sports and community activities venues at hamlets and to operate them together with hamlet offices. This collaborative endeavor, involving both public and private sectors, has yielded efficient and comprehensive results, effectively meeting the cultural and recreational needs of rural communities in Ho Chi Minh City. This also shows that the consensus in building and implementing policies between the Party, State, and citizens, specifically in Ho Chi Minh City today, needs to be spread and promoted.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cơ sở vật chất văn hóa (CSVCVH) là một phần của hệ thống thiết chế văn hóa, gồm các trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao xã, liên xã, cụm, các văn phòng ban điều hành nhân dân ấp kết hợp các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, các sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, cơ sở kinh doanh dịch vụ bơi lặn, cơ sở thể dục thể hình - thẩm mỹ và các điểm vui chơi giải trí phục vụ người dân trên địa bàn, được đầu tư từ ngân sách (Nhà nước đầu tư) và xã hội hóa (do người dân đầu tư).

CSVCVH là yếu tố dễ thấy nhất, là địa điểm kết hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị - xã hội ở địa phương như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; thể dục thể thao; vui chơi giải trí, tổ chức các buổi hội họp; lớp học tập cộng đồng; các chương trình hoạt động cho trẻ em, người cao tuổi; liên hoan, hội thi, hội thao; tổ chức các lớp năng khiếu; các lớp học thêm, bồi dưỡng; phát triển các nghệ thuật dân gian… đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao giữ gìn sức khỏe của người dân trên địa bàn. Với chức năng và nhiệm vụ quan trọng của CSVCVH, việc xây dựng, đầu tư và phát triển các thiết chế văn hóa này luôn được chính quyền thành phố quan tâm.

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích những kết quả đạt được về xây dựng CSVCVH nhờ sự chung tay, nỗ lực góp sức của Nhà nước (công) và của người dân (tư) trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại TP.HCM, từ năm 2010 đến nay.

TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Tổng quan tài liệu

CSVCVH là một phần của hệ thống thiết chế văn hóa, và có nhiều nghiên cứu, bài viết liên quan đến vấn đề này với mục tiêu tìm hiểu vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả các hoạt động của thiết chế văn hóa. Cụ thể như, nghiên cứu của Nguyễn Minh Hòa (2006) cũng nhấn mạnh các thành tố trong thiết chế văn hóa bao gồm: (1) Cán bộ, nhân viên; (2) Cấu trúc của tổ chức; (3) Cơ chế vận hành, các nguyên tắc hoạt động; (4) Mối quan hệ giữa các cá nhân với tổ chức và các tổ chức với nhau; (5) Điều kiện vật chất nhằm đảm bảo cho thiết chế tồn tại và phát triển; và nêu lên những bất cập cũng như đề ra một số giải pháp để hoàn thiện hơn hệ thống thiết chế văn hóa. Hay, bài viết của Lê Thị Anh (2014) nhấn mạnh đến vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, đó là: hưởng thụ, trao truyền, sáng tạo và rèn luyện sức khỏe; thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển xã hội… 1 . Đồng thời, tác giả cũng nêu lên những thành tựu và đưa ra một số bất cập cùng các giải pháp để nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa. Quyển kỷ yếu hội thảo khoa học do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tập hợp tổ chức vào năm 2016 với 41 bài viết có nội dung liên quan đến việc xây dựng khái niệm thiết chế văn hóa, và xác định vai trò, tầm quan trọng của thiết chế văn hóa trong việc xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình 2 . Cụ thể, trong quyển kỷ yếu này có bài viết của Phan Xuân Biên (2016) về “Định hướng xây dựng thiết chế văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng văn minh, hiện đại” với nội dung nhấn mạnh, TP.HCM có hệ thống thiết chế văn hóa đa dạng, nhưng phát triển chậm, chưa đồng bộ, vừa thiếu vừa yếu, chủ yếu dựa vào vốn cũ sẵn có. Một số thiết chế đã xuống cấp; có thiết chế hoạt động không hiệu quả; có thiết chế sử dụng không đúng tính năng… Qua đó, tác giả cũng nêu lên một số giải pháp nhằm định hướng cho việc xây dựng và phát triển các hoạt động của các loại hình thiết chế văn hóa ở TP.HCM trong thời gian tới 3 . Nghiên cứu của Đinh Phương Duy và Nguyễn Việt Hùng (2016) cũng nêu lên bức tranh chung về thực trạng đời sống văn hóa, thiết chế văn hóa ở các xã NTM của TP.HCM và cũng đề ra các giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả của nó trong tương lai 4 . Bài viết của Nguyễn Huy Phòng (2017) nhấn mạnh đến vai trò hết sức đặc biệt của các thiết chế văn hóa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người của đất nước. Bởi vì thông qua các hoạt động văn hóa có thể thấy được chất lượng, giá trị về đời sống tinh thần của người dân; nơi giúp người dân nuôi dưỡng ước mơ, niềm đam mê nghệ thuật; nơi gắn kết cộng đồng thông qua các lễ hội văn hóa hay các sự kiện đặc biệt tại địa phương. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến những hạn chế như nhiều thiết chế văn hóa hoạt động không hiệu quả, cơ sở vật chất xuống cấp, yếu kém trong quản lý… và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa 5 . Nghiên cứu gần đây của Huỳnh Văn Sinh (2022) cho rằng, thiết chế văn hóa vật chất của người dân ở các xã NTM tại TP.HCM đã được cải thiện đáng kể và thể hiện tốt vai trò của nó trong đời sống văn hóa của người dân ở các xã NTM 6 .

Nhìn chung, các bài viết, công trình nghiên cứu về thiết chế văn hóa đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thiết chế này trong sự phát triển đời sống văn hóa của người dân, xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, lành mạnh, làm nền tảng để phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Tuy nhiên, tiếp cận về sự kết hợp đầu tư giữa công và tư trong xây dựng CSVCVH ở nông thôn TP.HCM chưa được đề cập trong các công trình nghiên cứu nêu trên.

Phương pháp nghiên cứu

Để có cơ sở dữ liệu cho bài viết này, chúng tôi đã tiến hành thu thập dữ liệu là các quy định, chính sách của Nhà nước, của TP.HCM về xây dựng NTM; các báo cáo của các huyện đang thực hiện chương trình xây dựng NTM để nắm bắt tình hình NTM nói chung và hiện trạng xây dựng CSVCVH nói riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn sâu (10 cuộc), trong đó 03 cuộc phỏng vấn đối với người quản lý văn hóa về tình hình CSVCVH nói chung và xã hội hóa trong đầu tư CSVCVH và 07 cuộc đối với người dân về sự tham gia của người dân, tình hình hoạt động, hiệu quả của các CSVCVH tại địa phương. Địa bàn chúng tôi tiến hành phỏng vấn đó là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và Cần Giờ. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo tài liệu đã công bố của các nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, thiết chế văn hóa để bổ sung tài liệu thứ cấp nhằm hoàn thiện bài viết này.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Chương trình xây dựng NTM khởi động thực hiện ở TP.HCM vào năm 2009, trong đó, xã Tân Thông Hội được Trung ương lựa chọn thực hiện thí điểm, đồng thời, thành phố cũng lựa chọn 05 xã thuộc 05 huyện Thái Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Tân Nhựt (Bình Chánh), Nhơn Đức (Nhà Bè) và Lý Nhơn (Cần Giờ) thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009-2011 tại thành phố, làm cơ sở để nhân rộng ra các xã khác thuộc 05 huyện của thành phố. Từ giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở kinh nghiệm từ các xã thực hiện thí điểm, UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình tại các xã thuộc địa bàn 05 huyện của thành phố. Kết quả thực hiện có 54/56 xã đạt chuẩn NTM; 3/5 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015 (Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn) . Từ giai đoạn 2016-2020, thành phố thực hiện nâng chất chương trình NTM, giai đoạn này, thành phố thực hiện NTM nâng cao theo bộ tiêu chí đặc thù của vùng nông thôn thành phố, trong đó có 08 tiêu chí (hộ nghèo, thu nhập, nước sạch, điện, lao động qua đào tạo, nhà ở, việc làm, bảo hiểm y tế) cao hơn Bộ tiêu chí của Trung ương. Giai đoạn từ 2020-2025, thành phố xây dựng nông thôn gắn với đô thị hóa, tiếp tục duy trì và nâng cao theo Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa. Hiện nay, thành phố triển khai thí điểm NTM thông minh Thái Mỹ (Củ Chi) và NTM thương mại điện tử Bình Khánh (Cần Giờ), giai đoạn 2023-2025.

Trong quá trình xây dựng NTM, việc đầu tư phát triển CSVCVH là một tiêu chí (Tiêu chí 6) trong 19 tiêu chí cụ thể được triển khai. Và vấn đề đầu tư phát triển CSVCVH ở khu vực NTM của TP.HCM đạt tiêu chuẩn theo quy định đã được thành phố triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, phong phú và đa dạng, do vậy, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của các thiết chế văn hóa nói chung và xây dựng CSVCVH khu vực NTM nói riêng.

Cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực công và tư trong xây dựng CSVCVH

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai thực hiện theo Nghị quyết 26/NQ/TW 7 . Cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện xây dựng NTM là Quyết định số 491/QĐ-TTg 8 về Bộ tiêu chí quốc gia làm cơ sở thực hiện trên phạm vi cả nước. Bộ tiêu chí này gồm có 19 tiêu chí đi kèm với những nội dung và tiêu chuẩn, mức độ cần đạt được. Ví dụ “Cơ sở vật chất văn hóa” (Tiêu chí 6) được quy định với hai nội dung cần thực hiện: “6.1. Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL); 6.2. Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VH, TT&DL” 8 .

Tiếp theo đó, Quyết định số 800/QĐ-TTg 9 phê duyệt chương trình thực hiện NTM cho giai đoạn 2010-2020. Chương trình này nêu rõ nội dung và các tỷ lệ cần thực hiện, đồng thời cũng cho thấy việc đầu tư phát triển NTM nói chung và CSVCVH nói riêng cần huy động đa dạng nguồn vốn từ xã hội chứ không phải chỉ bằng vốn ngân sách. Cụ thể nguồn vốn được quy định: (1) Vốn ngân sách 40%; (2) Vốn tín dụng 30%; (3) Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác 20%; (4) Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 10% 9 .

Để vận động, khuyến khích người dân góp sức xây dựng NTM, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1620/QĐ-TTg về kế hoạch phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nội dung tập trung đẩy mạnh: “… Các hoạt động huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa, phát huy nội lực; huy động công sức, cơ sở vật chất cho xây dựng nông thôn mới” 10 . Các tổ chức chính trị xã hội, mặt trận tổ quốc và các sở ban ngành liên quan đến thực hiện chương trình xây dựng NTM có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến người dân những chủ trương, nhiệm vụ tiêu chuẩn và những quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng NTM. Nhờ vậy, chương trình xây dựng NTM của Chính phủ đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cùng sự chung sức xây dựng của người dân.

Thực hiện chương trình NTM, mỗi tỉnh, thành trên cơ sở pháp lý của Chính phủ, căn cứ trên đặc thù của mỗi địa phương để bổ sung, ban hành các văn bản pháp lý phù hợp để thực hiện. Do vậy, thành phố cũng đã ban hành những văn bản để làm cơ sở thống nhất hành động. Chẳng hạn Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố; tháng 5/2009, Thành ủy TP.HCM quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM; tháng 10/2009, UBND TP.HCM ra quyết định phê duyệt đề án xây dựng NTM tại xã Tân Thông Hội (Củ Chi), Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND…

Trong kế hoạch phát triển NTM của TP.HCM, chủ trương về phát triển NTM nói chung và phát triển văn hóa nói riêng, thực hiện theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa. Xét về huy động nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM của TP.HCM gồm: vốn ngân sách Nhà nước 59%, vốn doanh nghiệp 16%, vốn tín dụng 13%, vốn nhân dân đóng góp 11%, các nguồn vốn khác 1% 11 .

Đối với việc xây dựng CSVCVH ở các xã NTM, chủ trương huy động nguồn lực của người dân được quán triệt như sau: “ Đẩy mạnh xã hội hóa trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho người dân nông thôn” 12 .

Thực tế, TP.HCM là đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, có những nét đặc thù riêng so với các đô thị khác trong cả nước. Do đó, trên cơ sở Bộ tiêu chí về NTM Quốc gia, TP.HCM đã triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM với những đặc thù riêng và đã ban hành Bộ tiêu chí về NTM theo đặc thù vùng nông thôn của thành phố. Trong đó, nội dung “Cơ sở vật chất văn hóa” có hai tiêu chí được hướng dẫn rõ hơn và nhấn mạnh hơn đến chủ trương xã hội hóa trong việc xây dựng các CSVCVH. Cụ thể như Phát huy xã hội hóa, xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng tại ấp 13 .

Như vậy, để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó có xây dựng CSVCVH ở các xã NTM của TP.HCM, Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn khung pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Những quan điểm, chính sách của Chính phủ và của thành phố ban hành là cơ sở pháp lý để hiện thực hóa sự kết hợp nguồn lực công và tư nhằm hoàn thành mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM nói chung và xây dựng CSVCVH ở các xã NTM ở thành phố nói riêng.

Kết quả đạt được về xây dựng CSVCVH: sự kết hợp nguồn lực công và tư

Thống kê và báo cáo của 05 huyện tham gia xây dựng NTM ở TP.HCM cho thấy, CSVCVH xã, ấp trước khi thực hiện chương trình, địa bàn 05 huyện chỉ có 13 nhà văn hóa, trung tâm văn hóa xã, trung tâm văn hóa - thể thao xã cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí và hoạt động thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe của người dân trên địa bàn. Và xét theo tiêu chí 6 về “Cơ sở vật chất văn hóa” tính vào ngày 31/12/2010, không có xã nào đạt như quy định đề ra 14 .

Có thể nhận thấy, từ khi triển khai thực hiện xây dựng chương trình NTM, CSVCVH của 05 huyện đã được đầu tư phát triển về số lượng và chất lượng. Ở 05 huyện ngoại thành, số trung tâm văn hóa và thể thao liên xã, cụm xã tăng lên 20 cơ sở; có 03 hội trường đa năng, 03 nhà thi đấu đa năng [ 15 , tr.19]; và các xã xây dựng NTM có 402 văn phòng ban nhân dân ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao ấp đạt tiêu chí, là nơi người dân đến hội họp, sinh hoạt văn hóa, giải trí và rèn luyện thể dục thể thao, trong đó có 348/402 văn phòng - tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao ấp, nhà văn hóa - khu thể thao ấp đạt chuẩn. Có 73.023 người tham gia hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ; có 389.340 người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; có 477 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ và 642 câu lạc bộ thể dục thể thao [ 15 , tr.19]. Tính đến ngày 31/12/2015, có 56 xã đạt tiêu chí 6 “cơ sở vật chất văn hóa”.

Trong quá trình đầu tư phát triển CSVCVH tại các xã NTM như hiện nay, Nhà nước đầu tư chủ yếu vào các công trình lớn, quy mô như các trung tâm văn hóa xã, liên xã, cụm, các trung tâm thể thao đa năng… Đối với những công trình văn hóa, thể thao và sinh hoạt văn hóa tại ấp được Nhà nước vận động nguồn lực xã hội hóa, chẳng hạn thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục - thể thao như sân bóng đá, hồ bơi, sân tennis, sân cầu lông, trượt patin, phòng tập thể hình, thể dục thẩm mỹ, võ thuật…, về văn hóa nghệ thuật như xây dựng nhà hát, sân khấu… Ngoài ra, để thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, thành phố đã vận động một số đơn vị hỗ trợ thêm trang thiết bị dụng cụ như âm thanh, ánh sáng, giá kệ để sách, báo, khung trưng bày hình ảnh hoạt động, các loại nhạc cụ, các dụng cụ thể thao đơn giản ngoài trời… cho các xã NTM. Xét riêng từng huyện về phát triển CSVCVH, cho thấy:

+ Huyện Bình Chánh: Hiện nay huyện có số lượng là 11 trung tâm văn hóa - thể thao và 106 ấp đều có văn phòng kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa của ấp, đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới. Trong đó, 01 trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện, 04 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 01 Công viên Văn hóa Láng Le, 02 sân chơi thiếu nhi ở Khu dân cư Gia Hòa (xã Phong Phú) và sân chơi thiếu nhi ở Khu dân cư Depometro (xã Tân Kiên), 01 nhà thi đấu đa năng (xã Tân Kiên), 01 nhà văn hóa ở ấp 3 (xã Tân Quý Tây), 01 nhà thi đấu đa năng đạt chuẩn tại trường Trung học Phổ thông Năng khiếu - Thể dục thể thao Bình Chánh (xã Lê Minh Xuân); 106/106 ấp, khu phố có văn phòng kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao được đầu tư trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn, thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em [ 16 , tr.30].

Trong đó, xét về nguồn lực đóng góp xây dựng của người dân, huyện Bình Chánh đã phát triển được 136 cơ sở thể thao ngoài công lập , như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ Văn hóa - Thể dục thể thao Thành Long (xã Phong Phú) đầu tư 250 tỷ đồng và hệ thống cơ sở vật chất phục vụ văn hóa, thể dục thể thao, gồm: 05 sân bóng đá, 04 sân bóng mini, 02 hồ bơi, 01 phòng thể hình, nhà hát, sân khấu; Câu lạc bộ Mỹ Xuân (xã Bình Chánh) đầu tư trên 10 tỷ đồng (gồm có: 02 hồ bơi, 02 sân tennis, 04 bàn bida, nhà hàng...); Câu lạc bộ Trung Sơn có 01 sân bóng đá mini, 05 sân tennis, 01 phòng võ thuật (xã Bình Hưng); Câu lạc bộ Bóng đá Hồng Phúc 05 sân bóng đá mini (xã Bình Chánh). Đến năm 2020, huyện Bình Chánh có 02 hồ bơi tại trung tâm văn hóa - thể dục thể thao huyện, hồ bơi - sân bóng đá mini (THPT Tân Túc) và sân bóng đá (11 người, tại trường THPT Lê Minh Xuân); 136 cơ sở thể thao ngoài công lập, trong đó: 25 bida (196 bàn); 25 bóng đá (74 sân); 05 võ thuật; 15 thể dục thẩm mỹ; 20 thể hình; 12 tennis, patin, 09 cầu lông; 15 aerobic; 10 hồ bơi,... đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể dục thể thao cho người dân địa phương, kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư nâng cấp, sửa chữa hồ bơi và phát triển dịch vụ văn hóa thể thao, cơ sở vật chất khang trang, hoạt động khá hiệu quả, thu hút mỗi năm hơn 250.060 lượt thanh thiếu niên đến tập luyện thể thao [ 16 , tr.35].

+ Huyện Hóc Môn : Nguồn đầu tư vào CSVCVH trên địa bàn huyện Hóc Môn một phần từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và phần còn lại do xã hội hóa tạo nên. Các công trình văn hóa được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa như sân bóng đá mini, sân thể thao đa năng… để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa thể thao của người dân trên địa bàn huyện. Hiện nay, toàn huyện có 19 công trình văn hóa, gồm: 01 trung tâm văn hóa huyện, 01 trung tâm thể dục thể thao huyện, cụm văn hóa - thể thao liên xã, 01 trung tâm văn hóa xã Nhị Bình, 02 sân bóng đá, 02 nhà truyền thống, 01 nhà thiếu nhi, 08 điểm di tích lịch sử văn hóa kiến trúc [ 17 , tr.15]. Nguồn lực huy động từ xã hội hóa ở các xã của Hóc Môn có 72/72 văn phòng ấp được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp sửa chữa kết hợp tụ điểm sinh hoạt, 35 sân bóng đá lớn và sân mini, 06 sân tennis, 01 sân cầu lông, 01 sân bóng chuyền, 09 cơ sở kinh doanh dịch vụ bơi lặn, 75 cơ sở thể dục thể hình - thẩm mỹ và các điểm vui chơi giải trí phục vụ trẻ em, thanh thiếu niên… [ 17 , tr.15].

+ Huyện Nhà Bè: Nguồn vốn đầu tư xây dựng CSVCVH của huyện là từ ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn đóng góp của người dân. Huyện đã hoàn thành việc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa và đưa vào sử dụng 02 trung tâm văn hóa thể thao xã, 21 văn phòng ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Trong đó, nguồn lực huy động từ xã hội hóa đóng góp xây dựng các công trình CSVCVH như sân bóng đá mini, sân thể thao đa năng, các trang thiết bị thể thao đơn giản sinh hoạt ngoài trời tại các văn phòng kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao ấp [ 18 , tr.10].

+ Huyện Cần Giờ: Huyện có 06/06 trung tâm văn hóa - thể thao xã và 22/28 văn phòng ban nhân dân ấp được đầu tư xây dựng, 06 văn phòng ban nhân dân ấp còn lại (ấp Long Thạnh, xã Long Hòa; ấp An Hòa, xã An Thới Đông; các ấp Bình Trường, Bình Mỹ, Bình Thuận và Bình An, xã Bình Khánh) đang triển khai xây dựng 19 . Huyện cũng huy động nguồn lực xã hội hóa đóng góp mua các trang thiết bị văn hóa, dụng cụ thể dục thể thao cho hoạt động tại các tụ điểm sinh hoạt văn hóa ấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu vui chơi, sinh hoạt, giải trí của người dân trên địa bàn.

+ Huyện Củ Chi: Hiện huyện có 08 thiết chế văn hóa (huyện, cụm và xã) như Trung tâm Văn hóa huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao khu vực An Nhơn Tây, Nhà Văn hóa Lao động huyện, Nhà Văn hóa Thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa Thể thao xã Thái Mỹ, Trung tâm Văn hóa Thể thao xã Tân Thông Hội, Khu Văn hóa Thể thao Phạm Văn Cội và Khu Văn hóa Thể thao đa năng xã Bình Mỹ [ 20 , tr.7] và các ấp đều có văn phòng ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Trong việc đầu tư xây dựng CSVCVH của huyện và các xã NTM, huyện cũng đã chú trọng đầu tư kinh phí bằng nguồn lực Nhà nước, đồng thời kết hợp kêu gọi sự chung tay góp sức kinh phí từ các tổ chức, tập thể, cá nhân để xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn.

Quan sát và tìm hiểu của chúng tôi, CSVCVH ở các xã NTM được người dân đánh giá tốt. Do bởi, các trung tâm mới được xây dựng rộng rãi, trang bị khá đầy đủ các thiết bị cần thiết để tổ chức sinh hoạt. Các trung tâm cũ đã xây dựng trước được chỉnh sửa và đầu tư trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, các văn phòng ban nhân dân ấp kết hợp với các tụ điểm văn hóa - thể thao được đầu tư đạt chuẩn phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn, nhất là cho trẻ em và người cao tuổi.

Đánh giá của người dân về CSVCVH tại các xã NTM của 05 huyện ngoại thành, với số phiếu khảo sát 1.000 phiếu do Thành ủy TP.HCM thực hiện, cho kết quả là “từ biên độ khá đến tốt đạt tỷ lệ lần lượt 35,7% và 46,8%” [ 21 , tr.474]. Điều này cho thấy, người dân hài lòng về CSVCVH trên địa bàn các xã NTM do Nhà nước và người dân chung sức xây dựng.

Các CSVCVH được xây dựng trong chương trình NTM ở TP.HCM hiện nay đáp ứng tiêu chí quy định, đáp ứng về cơ bản nhu cầu vui chơi, giải trí và sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe cho người dân. Tuy vậy, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất thì việc vận hành các cơ sở văn hóa ở khu vực nông thôn cũng cần được quan tâm để sử dụng được hết công năng, và hiệu quả hoạt động của cơ sở, không lãng phí nguồn lực là vấn đề cũng cần được quan tâm nghiên cứu.

Qua phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy, một số cơ sở trung tâm văn hóa xã hiện nay hoạt động chưa hiệu quả vì nhiều nguyên nhân như nhân sự, kinh phí hoạt động, nhu cầu người dân đa dạng, và ở nhiều nơi, người dân cũng chưa tham gia sinh hoạt nhiều ở các trung tâm văn hóa xã. Có những trung tâm văn hóa xã có nhiều người tham gia, nhưng cũng có nhiều trung tâm văn hóa xã, người dân tham gia còn hạn chế. Đa số người dân đến các trung tâm văn hóa đông vào các dịp lễ và cuối tuần. Một số người cho rằng các chương trình hoạt động còn mang tính tuyên truyền, hình thức. Ngoài ra, cũng có người dân chưa biết các trung tâm văn hóa có các chương trình hoạt động cụ thể để đến tham gia… Ở các trung tâm văn hóa xã, văn phòng ấp và các tụ điểm sinh hoạt ở văn phòng ấp, theo ý kiến của người dân và quan sát của chúng tôi, đa số khách đến vui chơi là các em thiếu nhi và phụ huynh đi kèm; người cao tuổi đến tập thể dục; các bạn thanh niên thường đến rạp chiếu phim để xem phim và tham gia các hoạt động thể thao như tập thể hình, đá bóng, bơi lội… Văn phòng ấp và các tụ điểm sinh hoạt ở văn phòng ấp mở cửa để người dân đến hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao, tham gia đọc sách, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ ông bà cháu, câu lạc bộ đội nhóm của các hội, đoàn thể… Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn chưa thu hút nhiều người đến tham gia. Do đó, các CSVCVH ở khu vực NTM cần đầu tư nhiều hơn các chương trình hoạt động để thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao.

KẾT LUẬN

Trong quá trình xây dựng NTM ở TP.HCM, CSVCVH ở các xã NTM được nâng cấp và xây dựng mới, đáp ứng tiêu chí 6 về CSVCVH đề ra. Các trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao được đầu tư xây dựng mới thêm nhiều cơ sở. Các văn phòng ban nhân dân ấp (kết hợp với tụ điểm văn hóa - thể thao ấp) là cơ sở văn hóa huy động rất tốt nguồn lực xã hội, huy động sự chung tay của nguồn lực tư nhân vào đầu tư phát triển. Có thể nói, những chính sách của Nhà nước về xã hội hóa, huy động nguồn lực của người dân tham gia xây dựng CSVCVH ở các xã NTM đã tạo cơ sở pháp lý và đem lại hiệu quả cao, giúp các xã đạt được tiêu chí 6 trong xây dựng NTM. Điều này cho thấy, người dân rất quan tâm đến chương trình xây dựng NTM và công tác tuyên truyền cũng có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành vi và thái độ của người dân. Đặc biệt, người dân trên địa bàn các xã xây dựng NTM sẵn sàng tham gia tích cực vào xây dựng NTM nói chung và xây dựng CSVCVH nói riêng. Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ các công trình CSVCVH trong thời gian thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các CSVCVH đã trở thành địa điểm phục vụ hội họp, sinh hoạt của nhân dân; lồng ghép, hỗ trợ vào công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn, góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý tại địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí và rèn luyện sức khỏe của người dân.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số B2023-18b-01.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

CSVCVH: Cơ sở vật chất văn hóa

CTr: Chương trình

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

HĐND: Hội đồng Nhân dân

KH: Kế hoạch

NQ: Nghị quyết

NTM: Nông thôn mới

QĐ: Quyết định

TB: Thông báo

TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

TTg: Thủ tướng

TU: Thành ủy

TW: Trung ương

UBND: Ủy ban nhân dân

VH, TT&DL: Văn hóa, Thể thao và Du lịch

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Từ việc phân tích dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp, bài viết cho thấy thực trạng xây dựng và phát triển CSVCVH ở các xã của TP.HCM trong tiến trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về NTM dựa trên nỗ lực kết hợp giữa đầu tư công và tư. Nhờ đó, CSVCVH ở các xã NTM của TP.HCM đều đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao, góp phần rất lớn vào việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí và rèn luyện sức khỏe của người dân. Điều này cũng cho thấy, sự đồng lòng trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách giữa Đảng, Nhà nước và người dân, cụ thể là ở TP.HCM hiện nay.

References

  1. Lê Thị Anh. Vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa. Tạp chí Cộng sản online. 2014 (truy cập ngày 20/10/2023). . ;:. Google Scholar
  2. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển. Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Kỷ yếu hội thảo khoa học. 2016. . ;:. Google Scholar
  3. Phan Xuân Biên. Định hướng xây dựng thiết chế văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng văn minh, hiện đại. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng Thành phố HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển. 2016: 236-244. . ;:. Google Scholar
  4. Đinh Phương Duy và Nguyễn Việt Hùng. Xây dựng đời sống văn hóa ở các xã nông thôn mới Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài cấp cơ sở. Học viện Cán bộ TP. HCM. 2016. . ;:. Google Scholar
  5. Nguyễn Huy Phòng. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Lý luận chính trị. 2017. (truy cập ngày 28/12/2023). . ;:. Google Scholar
  6. Huỳnh Văn Sinh. Đời sống văn hóa tại các xã nông thôn mới Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia. 2022. . ;:. Google Scholar
  7. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết 26/NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ban hành ngày 5/8/2008. . ;:. Google Scholar
  8. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Ban hành ngày 16/4/2009. . ;:. Google Scholar
  9. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Ban hành ngày 04/06/2010. . ;:. Google Scholar
  10. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định 1620/QĐ-TTG về Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Ban hành ngày 20/9/2011. . ;:. Google Scholar
  11. UBND TP.HCM. Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng NTM trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010-2020. Ban hành ngày 18/03/2011. . ;:. Google Scholar
  12. UBND TP.HCM. Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của BCH TW Đảng khóa X. Ban hành ngày 15/3/2009. . ;:. Google Scholar
  13. UBND TP.HCM. Quyết định số 2598/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn TP.HCM. Ban hành ngày 27/05/2014. . ;:. Google Scholar
  14. Thành ủy TP.HCM, Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng NTM. Phụ lục 3c về bình quân số tiêu chí đạt/xã giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020. Trích: Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM giai đoạn 2010-2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025. Báo cáo số 220-BC/BCĐCTUVCTXDNTM. Ban hành ngày 25/12/2019. . ;:. Google Scholar
  15. Thành ủy TP.HCM. Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM giai đoạn 2010-2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025. Báo cáo số 220-BC/BCĐCTUVCTXDNTM. Ban hành ngày 25/12/2019. . ;:. Google Scholar
  16. UBND huyện Bình Chánh. Báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của huyện Bình Chánh, TP.HCM. Báo cáo số 75. Ban hành ngày 14/12/2021. . ;:. Google Scholar
  17. Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hóc Môn. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hóc Môn, giai đoạn 2010-2020. Báo có số 4498. Ban hành ngày 03/9/2019. . ;:. Google Scholar
  18. Huyện ủy Nhà Bè. Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Nhà Bè giai đoạn 2010-2020; 2019. . ;:. Google Scholar
  19. UBND huyện Cần Giờ, Kết quả xây dựng NTM Cần Giờ giai đoạn 2010-2020. . ;:. Google Scholar
  20. UBND huyện Củ Chi. Báo cáo kết quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 trên địa huyện Củ Chi; 2023. . ;:. Google Scholar
  21. Thành ủy TP.HCM. Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn TP.HCM. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn phòng Thành ủy; 2019. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 3 (2024)
Page No.: 2529-2536
Published: Sep 30, 2024
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i3.973

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, H. (2024). Developing cultural facilities in the new rural construction program in Ho Chi Minh City: the combination between the State and the community. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(3), 2529-2536. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i3.973

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 293 times
PDF   = 118 times
XML   = 0 times
Total   = 118 times