VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

226

Total

75

Share

Economy and sustainable development issues among local ethnic minorities in the South Central Highlands, Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Sustainable development has been a topic of concern to the Party and State for many decades. Especially, the sustainable development in mountainous regions and ethnic minority areas has always been focused on with promulgated resolutions and policies. Local ethnic minorities in the South Central Highlands such as Ede, Co-ho, Mnong in particular, and other ethnic minorities are also among the subjects of concern to promote the sustainable development. However, currently, in order to develop sustainably as expected by the Government, these ethnic groups must gradually solve the challenges they are facing, including economic development, hunger eradication and poverty reduction, food security, education development, etc. Although these issues have positively changed over the past years, they are still not enough to ensure the sustainable development. Because of the high rate of poor and near-poor households, low education levels and limited lifelong learning opportunities, uncertain food security, etc., to achieve the sustainable development, in addition to the efforts of the ethnic groups themselves, the Government still needs to continue to support them more in the coming time to gradually solve the challenges they are facing. That is also the goal of this article with implications for policy implementation so that local ethnic minorities in particular and other ethnic minorities in general can develop sustainably in the future. The data source of the article was collected in the community in 2022 by participant observation, questionnaire surveys, and in-depth interviews. The article analyzes the economic situation and explores the challenges that local ethnic minorities in the South Central Highlands are facing.

GIỚI THIỆU

Khu vực Nam Tây Nguyên hiện nay được biết đến với địa bàn của ba tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng (xem Figure 1 ). Đây là khu vực nằm ở phía Tây và cuối dãy Trường Sơn của Việt Nam. Nơi đây là cao nguyên rộng lớn, với các đồng bằng thấp ven theo các sông chính như Krông Nô, Srêpốk, thượng nguồn sông Đồng Nai. Khu vực này có tổng diện tích là 2.940.400ha (Đắk Lắk có 1.303.100ha, Đắk Nông có 650.900ha và Lâm Đồng có 978.300ha) [ 1 , tr.46] và phần lớn là đất đỏ bazan phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp lâu năm, phát triển lâm nghiệp. Khí hậu ở đây mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên vừa mang khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng, và được chia thành hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 24 0 C; cao nhất khoảng 35 0 C, thấp nhất khoảng 14 0 C 2 . Khu vực này có nhiều nguồn tài nguyên như: tài nguyên rừng (chiếm khoảng 36% đất tự nhiên, gồm cả rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng), tài nguyên nước (gồm lượng mưa bình quân hằng năm là 1.994,3mm; nguồn nước ngầm phân bố ở hầu khắp các địa bàn với trữ lượng lớn ở độ sâu 40-90m; hệ thống sông, suối, hồ trên địa bàn khá dày…), tài nguyên khoáng sản (gồm các loại khoáng sản như quặng bôxít, đá saphia, khoáng sản làm vật liệu xây dựng; khoáng chất công nghiệp…), tài nguyên du lịch (gồm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa), tài nguyên văn hóa tộc người (với khoảng 45 tộc người hiện đang sinh sống ở khu vực này)… 3 , 4 .

Hiện nay, hoạt động kinh tế chủ đạo của cư dân ở đây gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế khác như công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, du lịch… cũng đang phát triển mạnh tại khu vực này trong nhiều năm qua.

Figure 1 . Vị trí khu vực Nam Tây Nguyên ở Việt Nam (Nguồn: Vẽ lại từ Bản đồ hành chính Việt Nam)

Trong quá khứ cũng như hiện tại, khu vực Nam Tây Nguyên là địa bàn sinh sống chính yếu của các tộc người thiểu số tại chỗ [ 5 , tr.7-8] như Ê-đê, Mnông, Cơ-ho… và cũng là địa bàn được nhiều tộc người khác như Kinh (Việt), Hmông, Dao, Mường… chọn di cư đến để làm nơi sinh sống.

Đối với các tộc người thiểu số tại chỗ như Ê-đê, Mnông, Cơ-ho, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng dân số của họ ở khu vực Nam Tây Nguyên là 643.864 người (chiếm 17% tổng dân số của toàn khu vực) [ 1 , biểu 2, tr.15-16] và phân bố cụ thể như trình bày trong Table 1 .

Table 1 Dân số các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên (ĐV: người) 1

Các tộc người này chủ yếu lấy nông nghiệp (trồng trọt) làm kế sinh nhai. Cụ thể, họ trồng các loại cây như lúa, ngô, sắn… để làm lương thực; ngoài ra còn trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày như mía, lạc, đậu, cà phê, điều, tiêu, cao su… Chăn nuôi của họ trước đây chủ yếu hướng đến mục đích có vật phẩm phục vụ cho các nghi lễ trong gia đình và cộng đồng. Họ thường nuôi trâu, heo, gà... có đặc tính sinh học giống đồng loại sống trong rừng nên yếu tố “hoang dã” nhiều, có sức đề kháng tốt, không tốn nhiều công chăm sóc. Con giống có được là do con mẹ sinh ra và được nuôi theo hình thức thả rong tại khu vực cư trú hoặc tại nơi canh tác [ 3 , tr.90-91]. Hiện nay, chăn nuôi của họ đa phần hướng đến mục đích thương mại, nên cách nuôi đã thay đổi. Họ làm chuồng trại cho vật nuôi, cử người chăn dắt, chăm sóc vật nuôi cẩn thận, và chọn lựa những con giống tốt để nuôi nhằm đạt hiệu quả tối ưu. Vật nuôi hiện nay của họ gồm trâu, bò, dê, gà, vịt… Ngoài ra, họ còn làm nghề thủ công như đan đát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần… và tham gia vào các hoạt động liên quan đến du lịch như biểu diễn cồng chiêng, buôn bán các sản phẩm lưu niệm, chạy xe ôm ở các khu du lịch. Đây cũng là hoạt động kinh tế quan trọng của nhiều hộ thuộc các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên hiện nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển bền vững của khu vực theo chính sách phát triển của Nhà nước, hoạt động kinh tế của các tộc người này đang gặp phải những thách thức quan trọng. Và, bài viết hướng đến mục tiêu phân tích thực trạng kinh tế phát hiện những thách thức liên quan đến việc phát triển bền vững mà các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực này đang gặp phải nhằm góp phần giúp chính quyền địa phương tham khảo thực thi chính sách phát triển hợp lý hơn nữa trong tương lai.

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

Kinh tế và vấn đề phát triển bền vững là chủ đề quan trọng trong việc xây dựng chính sách và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong vài thập niên gần đây. Đặc biệt, khi khái niệm Phát triển bền vững được đưa ra bởi các tổ chức quốc tế như IUCN (Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế), WCED (Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển), UNDP (Tổ chức Phát triển của Liên Hiệp Quốc), Hội nghị thượng đỉnh Rio+20… vào thập niên 90 của thế kỷ XX, nó đã trở thành cơ sở cho việc xây dựng chính sách và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Cụ thể như ở chương 1, điều 3 trong Luật Bảo vệ môi trường (năm 2005) của Việt Nam đề cập đến quan điểm phát triển bền vững, “là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” (chương 1, điều 3, mục 4) 6 . Trước đó, khi nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, Mydans (1996, dẫn lại từ O’Rourke, 2004) đã cho rằng, từ khi thực hiện chính sách đổi mới, chỉ trong vòng hơn 10 năm (1989-2000), Việt Nam được thế giới biết đến như là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới [ 7 , tr.31]. Chính phủ Việt Nam đảm đương vai trò khích lệ phát triển kinh tế và đồng thời đưa ra các chính sách mới để bảo vệ môi trường và công nhân lao động. Chiến lược phát triển lúc đầu là tập trung vào công nghiệp xuất khẩu sử dụng nhiều lao động và khai thác tài nguyên tự nhiên, với năng lực điều hành luật hạn chế, chấp nhận một quan điểm “phát triển trước, dọn sạch sau” và mức độ ý thức của người dân thấp về các hành động vì môi trường. Vì lý do đó, trong 2 thập kỷ phát triển kinh tế (1990-2010), Việt Nam phải đối diện với nan đề về cân bằng giữa công nghiệp hóa với các quan tâm về xã hội và môi trường. Giằng co giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường luôn diễn ra [ 7 , tr.31-33].

Để giải quyết các mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bất cập về môi trường tự nhiên và xã hội, ngày 12/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (số 432/QĐ-TTg), đề ra quan điểm, mục tiêu và các định hướng ưu tiên nhằm phát triển bền vững cho đất nước giai đoạn 2011-2020. Trong quyết định này, Chính phủ đã đưa ra 4 nhóm chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững gồm: 1) Chỉ tiêu tổng hợp, 2) Chỉ tiêu về kinh tế, 3) Chỉ tiêu về xã hội, 4) Chỉ tiêu về môi trường 8 . Chính phủ cũng xác định các mục tiêu ưu tiên phát triển bền vững tại Việt Nam trong giai đoạn này là kinh tế, xã hội và môi trường. Đến ngày 25/9/2020 , Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó mục tiêu tổng quát được đặt ra là: “Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững” 9 . Đi kèm với đó là 17 mục tiêu cụ thể được đặt ra cho việc phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam. Ngoài ra, khi đề cập đến phát triển bền vững ở các tộc người thiểu số, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX năm 2003 về công tác dân tộc đã từng nhấn mạnh đến vấn đề phát triển bền vững ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi 10 . Sau đó là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc đã nhấn mạnh đến chính sách đầu tư phát triển bền vững ở vùng dân tộc thiểu số 11 . Tiếp đến là Nghị quyết số 73/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/8/2016 đề cập đến chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó nhấn mạnh đến việc đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số hướng đến phát triển bền vững 12

Trên cơ sở khái niệm về phát triển bền vững cùng các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định từ Đảng và Chính phủ nêu trên, các nhà khoa học trong vài thập niên gần đây đã chú trọng nghiên cứu liên quan đến vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam. Đặc biệt, các nghiên cứu của Nguyễn Minh Thu 13 , Đỗ Phú Hải 14 , Ngô Thúy Quỳnh 15 nhấn mạnh đến việc để phát triển bền vững cần có sự quản lý chặt chẽ, và quản lý phải đi kèm với đánh giá kết quả, hiệu quả quản lý phát triển bền vững ở cả cấp quốc gia, cấp tỉnh, và ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi… và cần phải có những tính toán thử nghiệm và phân tích biến động chỉ số tổng hợp phát triển bền vững ở các cấp, các vùng này. Ngoài ra, các nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Nga 16 , Nguyễn Đức Ngữ 17 , Nguyễn Danh Sơn 18 , Hà Văn Sự và Lê Nguyễn Diệu Anh 19 , Huỳnh Ngọc Thu 3 còn chỉ ra nhiều yếu tố tác động đến quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế, trình độ phát triển kinh tế của tộc người, khu vực, quốc gia, vấn đề văn hóa, ứng xử, tập quán của các tộc người… Bên cạnh đó, các nghiên cứu ở Việt Nam cũng đề xuất nhiều giải pháp để Việt Nam nói chung và các vùng, các cấp nói riêng phát triển bền vững trong tương lai như vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề giáo dục, bảo vệ môi trường, xây dựng các chính sách cụ thể trong việc phát triển kinh tế, xã hội, vấn đề quyền con người, vấn đề các nguồn vốn… Điều này được thể hiện qua các nghiên cứu của Lê Hồng Hạnh 20 , Doãn Hồng Nhung 21 , Hoàng Diệu Thảo 22 , Huỳnh Ngọc Thu và Lê Thị Mỹ Hà 23

Như vậy, vấn đề chính sách và nghiên cứu về phát triển bền vững đã được triển khai thực hiện ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Đây là cơ sở quan trọng để bài viết kế thừa làm tiền đề nghiên cứu về hoạt động kinh tế và vấn đề phát triển bền vững trong cộng đồng các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên hiện nay.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết dựa trên kết quả của quá trình nghiên cứu thực địa ở cộng đồng các tộc người thiểu số tại chỗ thuộc khu vực Nam Tây Nguyên trong năm 2022. Nguồn dữ liệu cộng đồng được thu thập bằng phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn sâu (PVS) và điều tra bảng hỏi. Trong đó, quan sát tham dự được tiến hành tại 3 cộng đồng, gồm cộng đồng Ê-đê (ở buôn Ea Bong và K Dun, xã Cư Ebur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cộng đồng Cơ-ho (ở bon B’kọ xã Lộc An, bon Đăng Kia và bon Bơ Nơr C thuộc thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) và cộng đồng Mnông (ở xã Trường Xuân và xã Đắk N’Drung của huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông). Nội dung của phương pháp này được chú trọng vào các hoạt động kinh tế và đời sống sống kinh tế của người dân trong cộng đồng. Dữ liệu được ghi lại dưới dạng nhật ký điền dã, và được dùng để phân tích trong bài viết. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn thực hiện khảo sát 300 bảng hỏi theo mẫu định mức (mỗi tộc người 100 bảng) với những câu hỏi liên quan đến các chủ đề về kinh tế, tôn giáo, văn hóa, xã hội, môi trường trong cộng đồng và trong gia đình của thông tín viên. Nội dung của bảng hỏi được xử lý bằng chương trình SPSS 20 có bản quyền. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thực hiện 30 cuộc phỏng vấn sâu với người dân và cán bộ địa phương phụ trách về kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng. Nội dung các cuộc phỏng vấn sâu xoay quanh chủ đề hoạt động kinh tế, những thuận lợi, khó khăn và thách thức mà cộng đồng đang gặp phải trong quá trình phát triển tộc người. Ngôn ngữ sử dụng trong quá trình khảo sát điền dã là tiếng Việt. Tuy nhiên, vẫn cần người phiên dịch (là người dẫn đường trong cộng đồng) chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng của tộc người hoặc ngược lại cho những từ, thuật ngữ mà người dân và người khảo sát không hiểu nhau.

Ngoài ra, bài viết còn sử dụng các nguồn dữ liệu thứ cấp đã được công bố trong các báo cáo, kết quả nghiên cứu của các cơ quan, các nhà khoa học có nội dung liên quan đến chủ đề này nhằm bổ sung thêm kết quả nghiên cứu của bài viết.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thực trạng kinh tế của các tộc người thiểu số tại chỗ

Phân tích từ dữ liệu bảng hỏi về tình hình kinh tế của các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên vào năm 2022 cho thấy, phần lớn các gia đình tự đánh giá ở mức trung bình (chiếm tỷ lệ 77,7%), chỉ khoảng 7% tự nhận ở mức khá, không có gia đình tự nhận mức giàu có. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 15% (xem Figure 2 ).

Figure 2 . Tình trạng kinh tế tự đánh giá của gia đình (ĐV: %) (Nguồn: Khảo sát bảng hỏi năm 2022)

Kết quả này tương đồng với kết quả khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào năm 2022 ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Nam Tây Nguyên nói riêng. Theo Bộ này, “nghèo đa chiều (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) ở Tây Nguyên là 15,39% với 236.766 hộ (so với mức chung cả nước là 7,52% với 1.972.767 hộ)”, và kết luận: “Số hộ nghèo ở Tây Nguyên vẫn khá cao so với các khu vực khác như Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung (10,04% với 571.251 hộ), và Đồng bằng sông Cửu Long (5,73% với 277.936 hộ)..., song thấp hơn hẳn so với vùng trung du và miền núi phía Bắc (21,92% với 701.461 hộ)” 24 . Ý kiến chia sẻ của người dân ở khu vực Nam Tây Nguyên cũng thể hiện rõ kết quả này, như “chúng tôi không có nhiều đất, không trồng được nhiều nên không giàu, chỉ đủ ăn” (trích PVS nam chủ hộ 47 tuổi, người Cơ-ho ở Lâm Đồng); “Trồng cà phê mấy năm nay được giá, nhưng gia đình không có nhiều đất, nên không trồng được nhiều, chỉ đủ sống” (trích PVS nam chủ hộ 56 tuổi, người Ê-đê ở Đắk Lắk); “Không giàu được, chỉ kiếm đủ ăn thôi, vì mỗi ngày chỉ bán được vài chục ngàn, chồng chạy được vài chuyến xe ôm chở khách du lịch là mừng rồi” (trích PVS nữ bán hàng ở khu du lịch Langbiang 39 tuổi người Cơ-ho ở Lâm Đồng).

Đối với thu nhập kinh tế của các hộ, khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy đến từ nhiều nguồn khác nhau như trồng trọt, làm thuê, chăn nuôi, nghề thủ công… (xem Figure 3 ).

Figure 3 . Các hoạt động đem đến thu nhập của các hộ gia đình (ĐV: %) (Nguồn: Khảo sát bảng hỏi năm 2022)

Trong đó, nguồn thu chính cũng đến từ các hoạt động như trồng trọt (chiếm 64% hộ khảo sát) và làm thuê (chiếm 25,3%); các hoạt động khác chiếm tỷ lệ không nhiều. “Người dân ở đây sống chủ yếu nhờ vào việc trồng trọt, trước đây họ trồng lúa trên rẫy, nhưng giờ bỏ lúa chuyển sang trồng cà phê, tiêu và thu nhập của họ cũng từ các loại cây này” (trích PVS cán bộ phụ trách kinh tế xã, 46 tuổi ở Lâm Đồng). “Ở đây người đồng bào đi làm thuê nhiều, họ làm trong các vườn cây ăn trái của người Kinh. Mỗi ngày, một người cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng” (trích PVS cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội xã, 47 tuổi ở Đắk Nông).

Hiện nay, đất trồng của các tộc người này gồm nhiều loại như đất nông nghiệp (80% số hộ có), đất vườn (71% số hộ có), đất trồng rừng và các loại đất khác (0,3% số hộ có)… (dữ liệu khảo sát năm 2022). Hoạt động trồng trọt chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp, với các loại cây được trồng như cà phê, tiêu, chè, bơ, sầu riêng, hồng giòn, chuối, và các loại hoa màu khác… Lúa được trồng rất ít (chiếm tỷ lệ chưa đến 0,2% trong 300 bảng khảo sát).

Đối với làm thuê, kết quả khảo sát cho thấy, 9% số người trong độ tuổi lao động của các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên tham gia. Họ chủ yếu làm thuê trong các trang trại nông nghiệp. Do bởi, hiện nay trang trại nông nghiệp với diện tích đất trồng lớn được xây dựng nhiều ở khu vực này. Theo thống kê đến năm 2022, toàn bộ khu vực Nam Tây Nguyên có 1.722 trang trại nông nghiệp (chiếm 7,15% số lượng trang trại của cả nước), trong đó Đắk Lắk có 928 trang trại, Đắk Nông có 260 trang trại và Lâm Đồng có 534 trang trại (Cục thống kê, 2022) 25 . Các trang trại này là nơi tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ khá lớn. Đội ngũ lao động tộc người thiểu số tại chỗ được xem là lực lượng chính yếu được tuyển dụng để làm việc trong các trang trại này, và nó đem đến nguồn thu nhập chính của họ. Ngoài ra, thu nhập của họ còn đến từ các nguồn như khai thác lâm sản ngoài gỗ (như nấm, cây thuốc, rau, trái, mật ong…), nghề thủ công (dệt thổ cẩm, rượu cần…) hoặc làm các dịch vụ liên quan đến du lịch…, nhưng không nhiều. “Bây giờ rừng do Nhà nước quản lý. Nhà nước cấm phá rừng, phải bảo tồn. Nhà nước giao cho mình coi vài héc-ta rừng để phòng cháy rừng và phòng người khác chặt gỗ và trả lương cho mình. Mình chỉ hái nấm, rau, mật ong, cây thuốc trong rừng để bán, nhưng không có nhiều” (trích PVS nam chủ hộ 57 tuổi người Mnông ở Đắk Nông). “Làm thuê cho người ta cũng được, vô chăm sóc cây ăn trái, làm cỏ, xịt thuốc, tưới nước… Mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn, cũng đủ sống” (trích PVS nam chủ hộ 39 tuổi người Cơ-ho ở Lâm Đồng).

Thu nhập là điều kiện quan trọng để xác định tình trạng kinh tế của gia đình. Hiện nay, dữ liệu khảo sát cho thấy, tổng thu nhập so với tổng chi trong gia đình của các tộc người thiểu số tại chỗ đa phần ở mức thiếu (chiếm 57,3%), mức vừa đủ khoảng 40%, và chỉ 3,3% ở mức dư (xem Table 2 ).

Table 2 Tương quan giữa tổng chi tiêu và mức thu nhập của gia đình (ĐV: %)

Mức chi tiêu này cũng phản ánh rõ tình trạng kinh tế của gia đình. Cụ thể, những gia đình được xem là khá giả thường có mức chi tiêu trong tháng từ 10 triệu đến trên 20 triệu đồng. Ngược lại, chi tiêu chỉ ở mức dưới 10 triệu đồng (xem Table 3 ).

Table 3 Tương quan giữa điều kiện kinh tế và mức chi tiêu trong tháng của hộ (ĐV: %)

Trong đó, các khoản mục chi tiêu hằng tháng của các hộ gồm chi cho việc ăn (gạo, thức ăn), nước sinh hoạt, điện, rác, Internet, học phí cho con, hiếu hỷ, tiêu vặt, thuốc uống và chữa bệnh, gas, khác… Mức chi tiêu trung bình của các mục này khác nhau (xem Figure 4 ).

Figure 4 . Mức chi tiêu trung bình hàng tháng của các hộ (ĐV: %) (Nguồn: Khảo sát bảng hỏi năm 2022)

Chi tiêu dành cho “việc ăn” chiếm hơn 2/3 tổng tỷ lệ trung bình mức chi tiêu trong tháng của các hộ. Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh điều kiện kinh tế hộ, mức chi tiêu sẽ khác nhau ở từng nhóm (xem Table 4 ).

Table 4 Tương quan giữa điều kiện kinh tế và tỷ lệ chi tiêu trung bình hằng tháng cho các mục trong hộ (ĐV: %)

Cụ thể, những gia đình khá giả hoặc trung bình, mức chi cho “việc ăn” ít hơn những gia đình nghèo, nhưng chi cho việc học (học phí) của con cái, hiếu hỷ lại nhiều hơn các hộ khác. “Gia đình mình nghèo, nên phải lo cái ăn trước đã, việc học của con hay những việc khác thì có Nhà nước hỗ trợ” (trích PVS nam chủ hộ 47 tuổi người Mnông ở Đắk Nông). Điều này, về cơ bản phản ánh đúng thực tế, vì những gia đình có điều kiện thường dành nhiều kinh phí đầu tư cho việc học tập của con cái họ. “Mình cố gắng đầu tư cho con nó ăn học để sau này có cơ hội phát triển, không khổ như mình. Mình ngày xưa không học nên khổ cả đời, giờ làm cà phê khá giả chút, nên phải đầu tư cho con” (trích PVS nam chủ hộ 42 tuổi người Ê-đê ở Đắk Lắk).

Như vậy, từ các phân tích trên cho thấy, hiện trạng kinh tế của hộ trong cộng đồng các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên đa phần ở mức trung bình, số hộ nghèo (có sổ hộ nghèo) và cận nghèo vẫn ở mức cao (khoảng 15%) hơn nhiều so với các khu vực khác trong cả nước. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động chi tiêu trong gia đình, đặc biệt là chi tiêu cho giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của tộc người nói riêng và của quốc gia nói chung.

Thách thức về phát triển bền vững ở các tộc người thiểu số tại chỗ

Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 đề ra 17 mục tiêu cụ thể cho việc phát triển bền vững của quốc gia đến năm 2030. Trong đó có những mục tiêu quan trọng khi xét trong bối cảnh của các tộc người thiểu số nói chung và các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên nói riêng như: 1) Chấm dứt mọi hình thức nghèo; 2) Bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; 3) Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người;…

- Chấm dứt mọi hình thức đói nghèo : Đây là vấn đề quan trọng và cũng là vấn đề thách thức đối với các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên hiện nay. Do bởi, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của các tộc người này vẫn cao hơn so với nhiều khu vực khác, mà nguyên nhân có thể kể đến như vấn đề học vấn và việc làm của các thành viên trong gia đình.

Phân tích bảng hỏi cho thấy, trình độ học vấn hiện tại của các tộc người thiểu số tại chỗ không cao (trình độ cấp 3 chiếm 15,3%, cấp 2 chiếm 32,6% và cấp 1 chiếm 28%...). Đặc biệt, những người trong độ tuổi lao động, trình độ học vấn của họ phần nhiều đang ở cấp 2 (từ lớp 6 đến lớp 9); số người có trình độ cấp 3 chiếm hơn 24% và trình độ đại học không đáng kể (xem Table 5 ).

Table 5 Trình độ học vấn theo lứa tuổi (ĐV: %)

Với trình độ học vấn này, rất khó để họ tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao nhằm có thu nhập tốt cho cá nhân và gia đình. “Mình cũng muốn xin vào làm công nhân ở các công ty, nhưng họ đòi hỏi phải học xong lớp 9, mình chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ, nên không xin được, đành phải đi làm thuê” (trích PVS nam chủ hộ người Mnông ở Đắk Nông). Chính vì thế, những người trong độ tuổi lao động của các tộc người này thường chỉ tham gia vào việc làm nông (chiếm 65,7%), hoặc làm thuê (chiếm trên 12%) ở các trang trại trong khu vực (xem Table 6 ).

Table 6 Tương quan giữa học vấn và việc làm của cá nhân trong độ tuổi lao động (ĐV: %)

Những công việc như làm nông, làm thuê thường không đem đến nguồn thu nhập cao và ổn định cho người lao động. “Bấp bênh lắm, trúng mùa thì giá bán không cao, còn mất mùa thì giá cao, nhưng lại không có cái gì để bán, thu được một ít thì phải trả nợ cho người bán phân, thuốc hết rồi” (trích PVS nam chủ hộ 45 tuổi người Ê-đê ở Lâm Đồng); “Khi nào có việc họ mới thuê mình, còn không có thì thôi; có khi nhiều người cùng kêu đi làm cùng lúc, nhưng cũng có khi thất nghiệp cả tuần” (trích PVS nữ 43 tuổi người Mnông ở Đắk Nông). Bên cạnh đó, nguồn lực có thể nâng cao chất lượng lao động bằng trình độ học vấn của các tộc người này tuy rất khả quan về số lượng, vì số lượng học sinh/ sinh viên (những người đang được đào tạo) chiếm trên 7% tổng số người trong độ tuổi lao động, nhưng thách thức mà họ gặp phải là không đủ tài chính để lo việc học của con cháu họ, vì kinh tế gia đình không đảm bảo. Do đó, yếu tố bền vững trong thu nhập của người dân để từng bước chấm dứt việc đói nghèo trong tương lai gần không thật sự bảo đảm đối với họ.

- Bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững : Đây cũng là vấn đề thách thức đối với các tộc người thiểu số tại chỗ hiện nay ở khu vực Nam Tây Nguyên. Do bởi, để đảm bảo an ninh lương thực cần đảm bảo có đủ khối lượng dự trữ lương thực ở mức độ chất lượng phù hợp từ các nguồn sản xuất; và vấn đề này cũng cần gắn liền với việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững 26 . Tuy nhiên, đối với các tộc người thiểu số tại chỗ, việc sản xuất lương thực của họ luôn bị hạn chế, vì có gần 35% số hộ không có đất nông nghiệp để sản xuất; số hộ có diện tích từ 0,1 đến 5 công đất (01 công đất = 1.000m 2 ) chiếm tỷ lệ khá cao (44% trên tổng số 300 hộ được khảo sát) (xem Figure 5 ). “Thấy họ trồng cà phê cũng ham lắm, nhưng mình đâu có đất, trước đây cũng có, nhưng kẹt tiền bán rồi, giờ chỉ đi làm thuê thôi” (trích PVS nam chủ hộ 49 tuổi người Cơ-ho ở Lâm Đồng).

Figure 5 . Tỷ lệ hộ có đất canh tác nông nghiệp (ĐV: %) (Nguồn: Khảo sát bảng hỏi năm 2022)

Sản phẩm được trồng trên đất nông nghiệp chủ yếu là cà phê và cây ăn trái như sầu riêng, bơ… Tuy trong vài năm gần đây, cà phê và sầu riêng có giá bán trên thị trường cao, nhưng số lượng hộ có nguồn thu từ các sản phẩm này không nhiều, do không có nhiều diện tích đất nông nghiệp để trồng. Hơn nữa, kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây này của các tộc người thiểu số tại chỗ không tốt so với các tộc người khác. Họ cũng thường không có vốn để đầu tư ban đầu, nên phải vay hoặc mua nợ cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu… từ các đại lý, và sẽ trả sau khi thu hoạch sản phẩm. “Đất ít, nên trồng không được nhiều, bán được bao nhiêu thì phải trả nợ gần hết, nên cũng không còn bao nhiêu tiền” (trích PVS nam chủ hộ 51 tuổi người Ê-đê ở Đắk Lắk). Chính vì vậy, lợi nhuận sau thu hoạch của các hộ không còn nhiều. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc phát triển nông nghiệp bền vững của các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên hiện tại cũng như trong tương lai.

- Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người : Đây cũng là vấn đề thách thức mà các tộc người thiểu số tại chỗ đang gặp phải. Do bởi, khảo sát thực tế cho thấy, trình độ học vấn hiện tại của họ không cao, đa phần ở trình độ cấp 1 và cấp 2 (xem Figure 6 ).

Figure 6 . Trình độ học vấn hiện tại của các tộc người thiểu số tại chỗ (ĐV: %) (Nguồn: Khảo sát bảng hỏi năm 2022)

Những người có trình độ cấp 3 trở lên chiếm khoảng 17% trên tổng số 1.443 nhân khẩu được khảo sát trong 300 hộ. Việc thúc đẩy cơ hội để người dân ở đây tiếp tục nâng cao trình độ và học tập suốt đời là vấn đề nan giải, vì vấn đề này liên quan đến điều kiện kinh tế của gia đình. Nếu gia đình khá giả, việc đầu tư cho việc học của con cái sẽ khả quan; nhưng với các tộc người này, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, nên khả năng để tiếp tục nâng cao trình độ cho con cái họ ở các bậc cao hơn sẽ là một thách thức. “Gia đình khá giả mới có tiền cho con học cao được. Còn mình nghèo, Nhà nước có hỗ trợ học phí, nhưng còn nhiều cái khác phải chi tiêu nên thôi cho con nghỉ để làm phụ để kiếm sống” (trích PVS nữ 52 tuổi người Cơ-ho ở Lâm Đồng). Mặc dù, nguồn lực để thúc đẩy cơ hội phát triển việc học suốt đời của các tộc người này hiện đang rất lớn. Do bởi, tỷ lệ nhân khẩu chưa đến tuổi đi học và đang đi học (học sinh/ sinh viên) tương đối cao (chiếm 34,6% trên tổng số 1.443 nhân khẩu được khảo sát). Hơn nữa, trong vài thập niên gần đây, việc đầu tư để phát triển giáo dục ở vùng các tộc người thiểu số và khu vực miền núi đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là vấn đề đảm bảo cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, vấn đề phát triển hệ thống giáo dục phổ thông dân tộc nội trú 27 .

Ngoài ra, vẫn còn nhiều thách thức khác liên quan đến phát triển bền vững như: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho người dân ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu;… mà các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên hiện nay đang gặp phải.

Do đó, để các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên nói riêng và các tộc người thiểu số khác nói chung phát triển bền vững trong tương lai, thì bản thân của các tộc người phải luôn nỗ lực hơn nữa trên mọi khía cạnh, ngoài ra Đảng và Nhà nước cũng cần tiếp tục có những chính sách và đầu tư kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng…

KẾT LUẬN

Các tộc người thiểu số tại chỗ có dân số đông ở khu vực Nam Tây Nguyên hiện nay là người Ê-đê, Cơ-ho và Mnông. Đây là những tộc người định cư lâu đời ở vùng đất này. Các hoạt động liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội của họ từ lâu đã gắn bó với môi trường sinh thái ở đây, và tạo nên bản sắc văn hóa tộc người đặc trưng của khu vực.

Trong tiến trình phát triển xã hội, các tộc người này luôn có sự chuyển biến, đặc biệt là chuyển biến về các hoạt động kinh tế và đời sống kinh tế. Hiện nay, các hoạt động kinh tế của họ trở nên đa dạng hơn với nhiều loại hình như trồng trọt, chăn nuôi, làm thuê, công nhân… Trong đó, trồng trọt không còn tập trung vào các loại cây lương thực mà chuyển đổi thành các loại cây công nghiệp như cà phê, điều, tiêu hoặc các loại cây ăn trái… với năng suất và thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, làm thuê cũng là hoạt động đem đến nguồn thu nhập chính trong đời sống của họ. Do bởi, trong vài thập niên gần đây, các trang trại nông nghiệp chất lượng cao được xây dựng ngày một nhiều ở khu vực này. Các chủ trang trại cần lượng lớn nhân công để tham gia sản xuất trong trang trại của họ và người lao động thuộc các tộc người thiểu số tại chỗ là nguồn lực được hướng đến để thuê mướn. Do đó, số lượng lao động của các tộc người này tham gia vào đội ngũ làm thuê khá đông. Và, cũng vì sự thay đổi đó, đời sống kinh tế của các tộc người có sự chuyển biến tốt hơn. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, nhưng trong cộng đồng đã xuất hiện những hộ khá giả, đôi khi còn được xem là giàu có.

Tuy nhiên, để hướng đến việc phát triển bền vững các tộc người này trong tương lai, cần có sự nỗ lực hơn nữa từ chính cộng đồng họ, cùng với đó là những chính sách và đầu tư hợp lý từ Đảng và Chính phủ; đặc biệt là chú trọng vào những vấn đề mang tính thách thức mà cộng đồng đang gặp phải như phát triển kinh tế, đảm bảo lương thực, giảm đói nghèo, nâng cao trình độ học vấn… Đó cũng là những vấn đề cấp bách cần quan tâm hơn nữa để các tộc người thiểu số nói chung và các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên nói riêng phát triển bền vững theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số B2022-18b-02.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐV: Đơn vị

PVS: Phỏng vấn sâu

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Từ việc phân tích dữ liệu định lượng và định tính được thu thập bằng phương pháp quan sát tham dự và điều tra bảng hỏi, bài viết cho thấy thực trạng kinh tế của các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Nam Tây Nguyên cũng như những thách thức họ đang phải đối mặt trong định hướng phát triển bền vững. Kết quả nghiên cứu là hàm ý để các nhà hoạch định và triển khai chính sách quan tâm hơn nữa đối với các tộc người này nói riêng và các tộc người thiểu số khác nói chung trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia đến năm 2030.

Huỳnh Ngọc Thu: Khảo sát, phân tích dữ liệu định tính và cùng viết bản thảo.

Lê Thị Mỹ Hà: Phân tích dữ liệu định lượng và cùng viết bản thảo.

References

  1. Tổng cục Thống kê. Niên giám thống kê năm 2020. Hà Nội: Thống kê. 2020. . ;:. Google Scholar
  2. Kim N. Khí hậu vùng Tây Nguyên, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của Tây Nguyên. Dự báo thời tiết. 2023. (truy cập ngày 27/8/20223). . ;:. Google Scholar
  3. Thu HN. Biến đổi kinh tế, văn hóa, xã hội của các tộc người thiểu số tại chỗ ở khu vực Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng (Trường hợp các nhóm địa phương của người K'ho). Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia. 2022. . ;:. Google Scholar
  4. Hạnh TTN và Thu HN. Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông. Hà Nội: Chính trị Quốc gia Sự thật. 2020. . ;:. Google Scholar
  5. Lệ NV và Thu HN. Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số tại chỗ ở Đắk Nông. Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia. 2017. . ;:. Google Scholar
  6. Quốc hội. Luật Bảo vệ môi trường. Khoá XI, kỳ họp thứ 8 (từ ngày 18/10 đến ngày 29/11). 2005. . ;:. Google Scholar
  7. O'Rourke D. Community-Driven Regulation: Balancing Development and the Environment in Vietnam. The MIT Press Cambridge. Massachusetts and London. England. 2004. . ;:. Google Scholar
  8. Chính phủ. Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Số: 432/QĐ-TTg ban hành ngày 12/4. 2012. . ;:. Google Scholar
  9. Chính phủ. Nghị quyết về Phát triển bền vững. Số 136/ND-CP ban hành ngày 25/9. 2020. . ;:. Google Scholar
  10. Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc. Số 24-NQ/TW ban hành ngày 12/3. 2003. . ;:. Google Scholar
  11. Chính phủ. Nghị định về công tác dân tộc. Số 05/2011/NĐ-CP ban hành ngày 14/1. 2011. . ;:. Google Scholar
  12. Chính phủ. Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020. Số 73/NQ-CP ban hành ngày 26/8. 2016. . ;:. Google Scholar
  13. Thu NM. Nghiên cứu thống kê đánh giá phát triển bền vững ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 2013. . ;:. Google Scholar
  14. Hải ĐP. Những vấn đề lý luận về phát triển bền vững và kinh tế xanh ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội. 2018; 34(2): 1-7. . ;:. Google Scholar
  15. Quỳnh NT. Quản lý phát triển bền vững ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ. 2020; 19(2): 17-26. . ;:. Google Scholar
  16. Nga NTK. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững ở Việt Nam. Đề tài NCKH, mã số QX97.01 của Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN. 2001. . ;:. Google Scholar
  17. Ngữ NĐ. Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba. Tiểu ban: Tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững. Hà Nội: Đại học Quốc gia. 2008. . ;:. Google Scholar
  18. Sơn ND. Một số vấn đề về tài nguyên và môi trường trong phát triển bền vững ở Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo quốc gia lần thứ II: Môi trường và phát triển bền vững. Trung tâm NC TN&MT, ĐHQGHN. Hà Nội: Nông nghiệp. 2010: 295-303. . ;:. Google Scholar
  19. Sự HV và Anh LND. Các yếu tố tác động đến phát triển thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Thương mại. 2021;(154): 14-27. . ;:. Google Scholar
  20. Hạnh LH. Cải cách pháp luật đảm bảo sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ tư. Hà Nội: Đại học Quốc gia. 2013. . ;:. Google Scholar
  21. Nhung DH (Cb). Quyền con người trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam. Hà Nội: Tư pháp. 2015. . ;:. Google Scholar
  22. Thảo HD. Phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Luận án Tiến sĩ, ĐHQGHN. 2021. . ;:. Google Scholar
  23. Thu HN và Ha LTM. Sinh kế bền vững của người K'ho ở Lâm Đồng: Nhận diện từ các nguồn vốn. Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một. 2022; 4(59): 3-13. . ;:. Google Scholar
  24. Vinh TQ. Giảm nghèo đa chiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 2023. (truy cập ngày 10/9/2023). . ;:. Google Scholar
  25. Tổng cục Thống kê. Số trang trại phân theo địa phương chia theo Tỉnh, thành phố và Năm. 2022. (truy cập ngày 29/11/2023). . ;:. Google Scholar
  26. Chính phủ. Nghị quyết về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Số 34/NQ-CP ban hành ngày 25/5. 2021. . ;:. Google Scholar
  27. Hường L. Phát triển giáo dục và đào tạo Vùng Tây Nguyên. Dân tộc và phát triển. 2023. (truy cập ngày 12/12/2023). . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 2 (2024)
Page No.: 2423-2435
Published: Jun 30, 2024
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.963

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Huynh, T., & Le, H. (2024). Economy and sustainable development issues among local ethnic minorities in the South Central Highlands, Vietnam. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(2), 2423-2435. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.963

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 226 times
PDF   = 75 times
XML   = 0 times
Total   = 75 times