VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Reviews - Science Sciences

HTML

272

Total

82

Share

Survey of Vietnamese-Chinese economic and commercial translation textbooks/books system and related suggestions






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The exchange of cultural and economic aspects among nations and ethnicities is an essential demand and necessity of the modern societal development process. As of now, Vietnam has established diplomatic relations with nearly 190 countries and territories. Being a neighboring country with a long-standing relationship with Vietnam, China has consistently been Vietnam’s largest trading partner and the second-largest export market. Meanwhile, Vietnam continues to be China’s largest trading partner among countries in the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) and the 6th largest globally. These figures demonstrate vibrant and potentially expansive trade activities between the two nations. Throughout these exchanges and trade activities, translation between Chinese and Vietnamese plays an immensely crucial role, even determining the success or failure of an economic transaction. Despite its importance, there is a scarcity of materials related to the field of economic and commercial translation between Chinese and Vietnamese at large bookstores, university libraries, book-selling websites, digital databases, etc. in both China and Vietnam. If available, they tend to cover only a few topics with economic vocabulary, concepts, and policies yet to be updated. Through conducting a survey of the system of books/textbooks related to Vietnamese-Chinese Economic and Commercial Translation, combined with practical data published on the websites of Vietnam’s Ministry of Industry and Trade, and Ministry of Planning and Investment, this paper aims to provide assessments and proposals regarding the compilation of translation textbooks that align with development trends and bilateral economic cooperation. It seeks to contribute to the development of a high-value Vietnamese – Chinese Economic and Commercial Translation textbook suitable for Vietnamese learners, with practical significance and wide applicability not only in academic institutions but also in society at large.

MỞ ĐẦU

Giao lưu văn hóa kinh tế thương mại với các quốc gia, dân tộc là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển xã hội hiện đại. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) 1 … Là nước láng giềng đồng thời là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển tốt đẹp. Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Thông qua những con số này, có thể thấy hoạt động giao thương giữa hai quốc gia vô cùng sôi nổi, có tiềm năng và dư địa phát triển lớn. Trong quá trình trao đổi, giao thương, việc chuyển ngữ Trung – Việt và ngược lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định thành bại của một thương vụ kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả đầu tư và thành tựu kinh tế của hai nước. Quan trọng là vậy, nhưng khi tìm kiếm ở các hiệu sách lớn, thư viện các trường Đại học, các website bán sách trực tuyến, hệ thống dữ liệu số hoá… ở cả Trung Quốc và Việt Nam, chúng tôi lại chỉ có thể tìm thấy rất ít những tài liệu liên quan tới lĩnh vực dịch thuật kinh tế thương mại Trung – Việt, nếu có cũng chỉ là một vài chủ điểm trong sách, có những nội dung đã lỗi thời, nhiều từ vựng kinh tế, khái niệm, chính sách mới đều chưa được cập nhật, dẫn tới tình trạng “mạnh ai người nấy dịch”, không có sự thống nhất dẫn tới tính chuẩn hoá không cao. Thông qua khảo sát hệ thống sách/giáo trình liên quan tới dịch thuật kinh tế thương mại Việt – Trung, bài viết sẽ đưa ra những đánh giá và đề xuất liên quan tới việc biên soạn giáo trình Dịch thuật phù hợp với người Việt Nam, đồng thời bắt kịp với xu thế phát triển và mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước Việt Trung hiện nay.

NỘI DUNG CHÍNH

Hệ thống sách/giáo trình có liên quan tới nội dung Dịch thuật kinh tế thương mại Việt Trung được xuất bản trong nước

Sách công cụ:

Năm 2008, Trương Văn Giới, Lê Huy Thìn, Lê Khắc Kiều Lục cho ra đời cuốn Từ điển thuật ngữ ngoại thương Hán – Việt 2 và được tái bản vào năm 2012. Những chủ điểm của từ điển bao quát các lĩnh vực thường gặp trong thực tế hoạt động thương mại quốc tế như: Hợp tác kinh tế và kỹ thuật; Hợp đồng; Tín dụng và thanh toán quốc tế; Nghiệp vụ vận chuyển; Hải quan; Đóng gói, bao bì; Mời thầu; Bồi dưỡng nhân tài; Buôn bán giấy phép… Mỗi mục chủ điểm lớn của từ điển có thể bao gồm nhiều chủ điểm nhỏ hơn, ví dụ như ở chủ điểm lớn “Hợp đồng” có các chủ điểm nhỏ như: Các loại hợp đồng; Các điều khoản cơ bản của hợp đồng; Giá cả hợp đồng; Điều kiện trả tiền; Bảo hiểm; Những trường hợp bất khả kháng…. Sách có giá trị tham khảo nhất định trong lĩnh vực nghiệp vụ ngoại thương. Tuy nhiên, điểm hạn chế là mới chỉ chú trọng tới khẩu ngữ nghiệp vụ ngoại thương thông qua những bài hội thoại đơn giản được biên tập sau mỗi chủ điểm. Điều đáng tiếc hơn cả là sách chưa được tái bản bổ sung kể từ bản in năm 2012, cũng đồng nghĩa với việc đã gần 10 năm chưa được cập nhật từ vựng. Tính ứng dụng trong thời điểm hiện tại không còn cao như khi mới xuất bản nữa.

Từ điển chủ điểm Hán Việt hiện đại của tác giả Trương Văn Giới, Lê Huy Thìn, Giáp Văn Cường, Phạm Thanh Hằng 3 được xuất bản lần đầu vào năm 2004, qua hai lần tái bản bổ sung và chỉnh sửa, hiện bản in mới nhất (năm 2019) có tất cả 43 chủ điểm, bao gồm từ vựng về nơi ở, nơi làm việc, nơi công cộng, nơi vui chơi giải trí đến các lĩnh vực chuyên môn như kinh tế, tài chính, kỹ thuật, thể thao, văn hóa, tôn giáo; các tổ chức thuộc cơ cấu xã hội như bệnh viện, tòa án, nhà tù, quân đội…. Từ điển bao quát lượng chủ điểm khá lớn, nhưng số lượng từ vựng của mỗi một chủ điểm lại không nhiều (trung bình từ 100~150 từ cho một chủ điểm, có những chủ điểm chỉ có vài chục từ), chỉ đủ để phục vụ cho nhu cầu tra cứu cơ bản. Sách được trình bày theo hình thức chia ba cột: tiếng Trung – phiên âm – nghĩa tiếng Việt, không có bảng phiên âm và bộ thủ để tra từ, vì vậy, người đọc chỉ có thể tham khảo theo chủ điểm, ví dụ đang dịch bài liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, thì phải xem toàn bộ số từ vựng được liệt kê trong chủ điểm Ngân hàng mới biết có từ hoặc cụm từ mình cần hay không. Ngoài ra, sách cũng không ghi chú từ loại, không có ví dụ minh hoạ và những lưu ý trong quá trình sử dụng (ví dụ có phải từ ly hợp hay không, được xuất hiện độc lập hay bắt buộc phải sử dụng trong kết cấu…), nên cũng gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình sử dụng.

Tác giả Ngọc Thái biên soạn cuốn Từ điển ngân hàng (Anh – Trung – Việt) (2007) 4 nhằm cung cấp một cách có hệ thống các từ chuyên ngành trong lĩnh vực Ngân hàng theo 3 ngôn ngữ Anh – Trung – Việt. Ngân hàng, nghiệp vụ ngân hàng và thanh toán quốc tế là một phần quan trọng trong hoạt động kinh tế thương mại xuyên biên giới, vì vậy việc tra cứu các từ vựng liên quan là điều cần thiết trong quá trình dịch thuật kinh tế, đặc biệt khi nhiều trường hợp bắt buộc cần có sự đối chiếu qua lại giữa ba ngôn ngữ Anh – Trung – Việt để đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên, do từ điển được trình bày theo hình thức tiếng Anh – tiếng Trung – tiếng Việt nên chỉ có thể áp dụng với những tài liệu có ngôn ngữ nguồn là tiếng Anh và cần chuyển ngữ sang tiếng Trung hoặc tiếng Việt. Cũng giống như một vài sách công cụ được liệt kê ở trên, từ điển được xuất bản năm 2007 và chưa được cập nhật tái bản, nên một lượng lớn từ vựng đã không còn hữu dụng.

Sách giáo trình, tài liệu tham khảo về tiếng Trung thương mại:

Giáo trình tiếng Trung thương mại do Quan Đạo Hùng làm chủ biên và Nguyễn Thị Minh Hồng thực hiện 5 chuyển ngữ sang tiếng Việt là bộ giáo trình bao gồm hai tập, lấy bối cảnh là một đoàn đại biểu của Mỹ đến Trung Quốc đàm phán kinh doanh. Sách chủ yếu được thiết kế theo hướng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đưa ra những tình huống thường gặp trong các hoạt động thương mại và các nghi lễ xã giao có liên quan để người học làm quen và thực hành. Do là sách giáo trình, nên nội dung chỉ dừng lại ở những kiến thức cơ bản, đây sẽ là nền tảng để người học có thể tiến tới dịch thuật những nội dung liên quan tới kinh tế thương mại sau này.

Giáo trình tiếng Hán thương mại (2019) của tác giả Sử Trung Kỳ, Hồ Linh Quân, Vương Tiêu Đan, dịch giả Nguyễn Thị Thanh Huệ 6 được biên soạn theo hình thức hội thoại tình huống, chủ yếu đưa ra bối cảnh làm việc trong công ty, từ đó dẫn dắt đến những nội dung liên quan. Tương tự quyển trên, sách chỉ có thể tạo bước đệm để người học bắt đầu làm quen với tiếng Trung thương mại, mà cụ thể là tiếng Trung thương mại sử dụng trong môi trường công ty, chứ chưa thể hỗ trợ nhiều cho quá trình dịch thuật sau này.

Ngoài ra, còn có những tài liệu tương tự có thể tham khảo như Giáo trình đàm thoại thương mại Hoa Việt (Trương Văn Giới, Lê Khắc Kiều Lục, 2007), 626 mẫu câu đàm phán tiếng Trung thương mại (Trần Thị Thanh Mai chủ biên, 2021), 101 chủ đề giao tiếp tiếng Trung trong thương mại (Quan Đạo Hùng chủ biên, dịch giả Nguyễn Thị Thanh Huệ, 2019), bộ ba quyển Giáo trình tiếng Trung ngoại thương (nhóm tác giả Vương Huệ Linh, Chu Hồng và cộng sự, dịch giả Nguyễn Thị Thanh Huệ, 2018), Tiếng Trung thương mại dành cho nhân viên công ty (Thu Ngân, 2020)… Tất cả những tài liệu này đều có một điểm chung là được biên soạn theo dạng hội thoại tình huống, chủ yếu xoay quanh những nội dung như: lần đầu gặp gỡ với đối tác, thuê phòng, đặt vé máy bay, những tình huống có thể phát sinh trong quá trình làm việc ở công ty, đặt hàng, thương lượng giá cả… Những nội dung này ít nhiều đều giúp ích cho người Việt trong quá trình tiếp xúc và trao đổi công việc với đối tác Trung Quốc, nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở khẩu ngữ cơ bản, khó có thể đi sâu hơn, càng không thể nói tới áp dụng vào dịch văn bản kinh tế thương mại vì thể loại hoàn toàn khác biệt.

Sách giáo trình, tài liệu tham khảo về dịch thuật Trung – Việt:

Về giáo trình dịch thuật, đầu tiên phải kể tới Phiên dịch Việt – Hán Hán – Việt xuất bản năm 2007 của tác giả Lê Đình Khẩn 7 , sách đi sâu vào lý thuyết phiên dịch, như: các hình thức phiên dịch, các bước tiến hành phiên dịch, tiêu chuẩn của bản dịch, những vấn đề cần lưu ý trong quá trình phiên dịch… Nội dung mang tính hàn lâm, thể hiện qua 31 bài viết với gần 100 trang chỉ mang tính tranh luận về phiên dịch của nhiều học giả Trung Quốc. Sách cũng có một số bài dịch mẫu và bài tập thực hành ở cuối để người đọc tham khảo. Có thể nói Phiên dịch Việt – Hán Hán – Việt đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn khái quát về lý thuyết cũng như quy trình phiên dịch Việt – Hán, Hán – Việt, chỉ có điều phần hướng dẫn thực hành chưa được nhiều như mong đợi, nội dung dịch kinh tế thương mại ít và không còn phù hợp với hiện tại do đã trải qua 15 năm chưa được cập nhật kể từ lần xuất bản gần nhất vào năm 2007.

Cuối năm 2021 Giáo trình phiên dịch Việt – Trung do nhóm tác giả Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Hương Giang, Bùi Thị Hằng Nga biên soạn 8 chính thức được xuất bản, sách được chia làm năm chủ điểm: chính trị và ngoại giao; gia đình và cuộc sống; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tố chất và tu dưỡng; giáo dục và văn hoá. Trong đó, chủ điểm Chính trị và ngoại giao , Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có một số nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kinh tế thương mại. Sách được trình bày theo bố cục thống nhất xuyên suốt tất cả các bài: 1. Từ và mẫu câu; 2. Bài khoá (nghe ghi âm); 3. Những vấn đề cần lưu ý; 4. Luyện tập; 5. Bài đọc tham khảo bằng tiếng Trung; 6. Câu hỏi cuối bài. Tuy nhiên, do là sách giáo trình và được dự kiến đưa vào chương trình giảng dạy dành cho sinh viên năm 3 chuyên ngành Phiên dịch tiếng Trung nên sách không cung cấp văn bản ghi âm, không có bản dịch mẫu của bài khoá và phần bài tập cũng không có đáp án tham khảo. Nếu người học không có giáo viên hướng dẫn thì rất khó để có thể phán đoán mình đã dịch đúng hay chưa. Tuy nhiên, đây vẫn là tài liệu thiết thực dành cho những người yêu thích phiên dịch và muốn nâng cao kỹ năng dịch của mình.

Ngoài ra, còn có những tựa sách như Bài tập luyện dịch Việt Hoa (dùng với bộ 301 câu đàm thoại tiếng Hoa) (Trương Văn Giới, Lê Khắc Kiều Lục, 2020), Luyện dịch Hoa Việt – Việt Hoa (Trần Thị Thanh Liêm, Trần Hoài Thu, 2008), Bài tập luyện dịch tiếng Trung ứng dụng (sơ – trung cấp, giao tiếp HSK) (Nhật Phạm, 2021)… Đa phần những quyển này đều thuộc trình độ sơ trung cấp, hướng dẫn người học dịch theo từ, theo cụm, theo câu và đoạn văn ngắn, nội dung dịch đơn giản, thông dụng và phù hợp với những người tự học tiếng Trung. Dịch thuật lĩnh vực kinh tế thương mại thường được mặc định là dành cho trình độ cao cấp nên hầu như sẽ không xuất hiện trong những tựa sách dịch dành cho trình độ sơ trung cấp.

Hệ thống sách/giáo trình có liên quan tới nội dung Dịch thuật kinh tế thương mại Việt Trung được xuất bản ngoài nước

Sách công cụ:

Hiện tại, ở Trung Quốc được sử dụng nhiều nhất là ba quyển Từ điển Việt Hán hiện đại (2011, xuất bản lần đầu năm 1998), Từ điển Việt Hán mới (2013) và Từ điển Việt Hán – Hán Việt thông dụng (2017), mỗi quyển thu thập trung bình khoảng 70 nghìn đơn vị từ, bao quát các lĩnh vực như xã hội, chính trị, pháp luật, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tài chính… Tuy nhiên, số lượng thuật ngữ kinh tế thương mại không nhiều và đều là những từ rất thông dụng, không đủ phục vụ cho những bài dịch chuyên sâu về lĩnh vực này.

Tháng 11 năm 2004, Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc. Đây là một hoạt động quan trọng của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa các bên. Để hưởng ứng cho hoạt động này, dự án biên soạn Bộ từ điển kinh tế thương mại Trung Quốc – ASEAN bao gồm 7 cuốn trong đó có Từ điển kinh tế thương mại Việt Hán – Hán Việt 9 đã được khởi động và xuất bản đúng dịp Hội chợ diễn ra, trở thành một tài liệu vô cùng quan trọng phục vụ cho các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp và phiên dịch viên tham gia hội chợ. Từ điển thu thập một lượng lớn từ vựng liên quan tới kinh tế thương mại, tài chính, kế toán, kiểm toán, chứng khoán, thương mại điện tử, pháp luật…, xoay quanh các ngành hàng tham gia Hội chợ. Tuy nhiên, kể từ lần ấn hành đầu tiên năm 2004, tới nay từ điển vẫn chưa từng được tái bản bổ sung. Trải qua 18 năm với nhiều biến động về kinh tế xã hội, quyển từ điển này đã trở thành “dĩ vãng” và hầu không còn được sử dụng vì tính ứng dụng không còn cao, quả thực rất đáng tiếc.

Sách giáo trình, tài liệu tham khảo về tiếng Việt thương mại:

Giáo trình tiếng Việt thương mại đầu tiên được xuất bản tại Trung Quốc là Giáo trình kinh tế thương mại tiếng Việt thực dụng (2010) của tác giả Đường Tú Trân 10 . Đây là quyển giáo trình ra đời cùng thời với Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc ASEAN, khẳng định tầm quan trọng của việc học tiếng Việt thương mại khi muốn hợp tác kinh doanh với người Việt hoặc khi muốn đầu tư tại Việt Nam. Tác giả nêu lên ba yếu tố chính khiến người Trung Quốc dễ thất bại khi đầu tư tại Việt Nam, đó là: một , không hiểu thói quen cũng như cách làm việc của người Việt; hai , không hiểu pháp luật Việt Nam; ba , gặp trở ngại về mặt ngôn ngữ. Vì vậy, giáo trình được biên soạn khá chi tiết với các nội dung như: điều tra thị trường; kỹ năng đàm phán; hỏi giá – báo giá – trả giá; đấu thầu; vay tín dụng; hợp tác về du lịch; yêu cầu về tên sản phẩm, chất lượng, bao bì; điều kiện giao hàng; điều kiện đặt hàng ở biên giới hai nước; yêu cầu bồi thường; phương thức thanh toán quốc tế; thanh toán mậu dịch biên giới; hợp đồng mua bán; các loại hoá đơn thường gặp trong thương mại xuất nhập khẩu…, đồng thời cũng hướng dẫn cách viết thư báo giá, cách viết thư mời, cách giới thiệu công ty… Có thể nói đây là tài liệu học và tham khảo vô cùng hữu ích với người Trung Quốc khi muốn tìm hiểu về lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu tại Việt Nam trong những năm 2010, nhưng ở thời điểm hiện tại, có lẽ sẽ cần phải tham khảo thêm những tài liệu khác, vì đã có quá nhiều thay đổi trong 12 năm vừa qua nhưng tác giả lại chưa cập nhật và tái bản.

Quyển giáo trình thứ hai phải kể đến là Giáo trình khẩu ngữ tiếng Việt trong thương mại (2013) của tác giả Trịnh Hồng, Hoàng Vĩ Sinh 11 , nội dung biên soạn cũng rất phong phú với 30 bài bao quát hầu như tất cả các tình huống có thể gặp phải trong kinh doanh: gặp gỡ khách hàng, đàm phán, giới thiệu sản phẩm, báo giá, đặt hàng, thanh toán, ký hợp đồng, tín dụng, vận chuyển, hải quan, tranh chấp, bồi thường, đấu thầu… Phụ lục đính kèm mẫu thư tín thương mại, mẫu báo giá, mẫu yêu cầu bồi thường… cũng như website của một số cơ quan chuyên trách về kinh tế thương mại của Việt Nam. Giáo trình được trình bày ngắn gọn và súc tích hơn về mặt nội dung, thông qua các bài hội thoại tình huống để người học luyện tập khẩu ngữ.

Cuối cùng là Giáo trình tiếng Việt thương mại thực hành của Lý Thái Sinh xuất bản năm 2014 12 . Sách chú trọng bồi dưỡng năng lực thực hành tiếng Việt lĩnh vực thương mại cho người học, được chia làm 17 bài với các nội dung như: tiếp đón, EXPO, điều tra thị trường, đàm phán thương mại, thư tín thương mại, lập hợp đồng thương mại, bảo hiểm và bồi thường, tuyển dụng, luật thương mại Việt Nam… Điểm sáng là giáo trình đã đưa EXPO vào bài học, đây là một nội dung khá hữu ích vì Hội chợ EXPO là hoạt động thường niên được tổ chức tại Trung Quốc và Việt Nam luôn là nước tham gia kể từ những kỳ Hội chợ đầu tiên. Khi bài học được gắn liền với hoạt động thương mại thực tế thì chắc chắn người học cũng sẽ dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ và vận dụng hơn.

Sách giáo trình, tài liệu tham khảo về dịch thuật Việt – Trung:

Khi nói tới sách giáo trình và tài liệu tham khảo về dịch thuật Việt – Trung được xuất bản tại Trung Quốc thì chắc chắn phải kể tới Giáo trình dịch Việt Hán (2002) của tác giả Triệu Ngọc Lan 13 , đây là giáo trình đầu tiên được biên soạn chuyên về dịch thuật và được dùng để giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành tiếng Việt tại Trung Quốc trong suốt một thời gian dài. Sách được chia làm tám chương, bao gồm cả lý thuyết và thực hành, với những nội dung khá thiết thực như: giới thiệu về lý thuyết biên phiên dịch, các loại hình phiên dịch, tiêu chuẩn để đánh giá thế nào là một bản dịch tốt, điều kiện cần và đủ để có thể làm tốt công việc phiên dịch, so sánh và hướng dẫn cách dịch số liệu trong tiếng Việt và tiếng Trung, cách dịch đại từ nhân xưng, hướng dẫn cách xử lý bản dịch khi gặp từ vay mượn tiếng Hán, cách dịch hư từ, thành ngữ, định ngữ, các phương pháp dịch khi gặp câu dài… Tuy nhiên, giáo trình sử dụng ví dụ minh hoạ với số liệu khá cũ, không còn phù hợp với hiện tại (số liệu từ những năm 80, 90), bài tập thực hành dịch đa phần là trích đoạn văn học nên hầu như cũng không ứng dụng được vào dịch kinh tế. Mặc dù vậy nhưng đây vẫn là tài liệu tham khảo rất có giá trị, giúp người học thiết lập một nền tảng kiến thức vững chắc để phát triển những kỹ năng dịch sau này.

Tiếp theo phải kể tới Những kỹ năng hữu ích trong dịch thuật Hán Việt – Việt Hán do Lương Viễn, Ôn Nhật Hào biên soạn 14 , sách được xuất bản lần đầu vào năm 2005, sau hai lần tái bản, hiện bản in năm 2017 là bản mới nhất, sử dụng nhiều ví dụ và trích đoạn phù hợp với thời đại. Ngoài phần cơ sở lý thuyết, sách tập trung vào năm lĩnh vực là chính trị, kinh tế, du lịch đời sống, văn hoá và tình hữu nghị. Trong mỗi một phần, tác giả đều lồng ghép kiến thức ngữ pháp và hướng dẫn phương pháp dịch phù hợp, như: cách dịch câu chữ, cách dịch liên từ, hư từ, số từ, cách dịch cụm từ viết tắt, cách dịch định ngữ, cách xử lý khi gặp câu dài cũng như nên căn cứ vào những yếu tố nào để chọn từ vựng thích hợp… Đúng như tên gọi, chúng tôi đánh giá đây là tài liệu rất hữu ích giúp nâng cao kỹ năng dịch hai chiều Trung – Việt, nhưng sách chỉ phù hợp với những người có trình độ tiếng Trung từ cao cấp trở lên bởi những trích đoạn được đưa ra đều khá chuyên sâu (đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và chính trị), đòi hỏi người học phải có một nền tảng kiến thức ngôn ngữ vững chắc mới có thể tiếp cận được.

Tháng 11 năm 2017, nhân chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã ký Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về thúc đẩy kết nối Hai hành lang một vành đai kinh tế của Việt Nam, điều này đã tác động mạnh mẽ đến quan hệ thương mại Việt Trung, mở ra nhiều cơ hội mới. Cũng vì thế mà trong năm 2017 tiếp tục có thêm 2 tựa sách Dịch thuật về kinh tế thương mại Việt Trung ra đời để phục vụ cho nhu cầu xã hội. Thứ nhất là Dịch khẩu ngữ Hán - Việt Lý thuyết và thực hành của nhóm tác giả Vi Trường Phúc, Lâm Lê, Lương Mậu Hoa 15 . Sách chú trọng vào thực hành khẩu ngữ và hướng dẫn các kỹ năng phiên dịch như: nghe hiểu, ghi nhớ, ghi chép, biểu đạt…, ngoài ra, những kỹ năng mềm như: những việc cần chuẩn bị trước khi dịch, quy tắc khi đi dịch tại hiện trường, cách ứng phó với những tình huống bất ngờ… cũng được tác giả giới thiệu rất chi tiết. Về nội dung thực hành dịch, tác giả đưa ra những chủ đề rất thiết thực về văn hoá, giáo dục, du lịch, triển lãm, hội nghị, diễn văn khai mạc, bế mạc…, đồng thời cũng cung cấp một lượng từ vựng nhất định cho từng chủ đề, thông qua đó giúp người học mở rộng vốn từ và nâng cao kỹ năng phiên dịch tại hiện trường.

Quyển thứ hai là Giáo trình phiên dịch Việt Hán (2017) của tác giả Đàm Chí Từ và Kỳ Quảng Mưu 16 . Ngoài phần giới thiệu lý thuyết biên phiên dịch ở chương 1, trong các chương còn lại, tác giả tập trung hướng dẫn cách xử lý từng trường hợp cụ thể, như: cách xác định nghĩa của từ trong ngôn ngữ nguồn; cách lựa chọn từ vựng khi dịch sang ngôn ngữ đích; cách dịch số từ, từ tượng thanh, liên từ, từ vay mượn, danh từ riêng, đại từ nhân xưng… sang tiếng Việt; cách xử lý câu dài... Về chủ điểm thực hành văn bản dịch, tác giả lựa chọn thể loại văn chính luận, khoa học kỹ thuật, tin tức báo chí, văn học nghệ thuật và hướng dẫn cách dịch công văn. Thông qua việc học và thực hành, người học có thể nắm được những kiến thức cơ bản về dịch thuật Việt – Trung, hiểu được sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá giữa hai quốc gia, từ đó nâng cao khả năng phân tích và diễn đạt sang ngôn ngữ đích, đặt nền móng cho việc trở thành một dịch giả cao cấp trong tương lai.

Đánh giá về hệ thống sách/giáo trình có liên quan tới nội dung Dịch thuật kinh tế thương mại Việt Trung và những đề xuất liên quan

Đánh giá

Thông qua việc khảo sát hệ thống sách/giáo trình có liên quan tới lĩnh vực dịch thuật kinh tế thương mại Việt – Trung được xuất bản trong và ngoài nước, có thể thấy về số lượng, sách công cụ được xuất bản ở trong và ngoài nước có thể dùng để tra cứu từ vựng Trung – Việt liên quan tới lĩnh vực kinh tế thương mại là 07 cuốn; Giáo trình/tài liệu tham khảo về tiếng Trung thương mại là 07 cuốn, về tiếng Việt thương mại là 03 cuốn; Giáo trình/tài liệu tham khảo về Dịch thuật Trung – Việt, Việt – Trung là 09 cuốn. Nếu chỉ căn cứ vào số liệu thì số lượng sách, tài liệu để phục vụ cho việc học dịch thuật kinh tế thương mại Trung – Việt cũng khá phong phú; tuy nhiên, những tài liệu này còn tồn tại một vài vấn đề như sau:

- Sách công cụ để phục vụ cho việc học tiếng Trung của người Việt và tiếng Việt của người Trung Quốc khá phong phú và được cập nhật, tái bản thường xuyên. Tuy nhiên, số lượng thuật ngữ kinh tế thương mại không nhiều và đa phần là những từ rất thông dụng, không đủ để phục vụ cho những bài dịch chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế thương mại.

- Giáo trình và tài liệu tham khảo liên quan đến lĩnh vực thương mại Trung – Việt / Việt – Trung tương đối đa dạng, nhưng chủ yếu được biên soạn theo hình thức hội thoại tình huống, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng khẩu ngữ, chủ điểm trùng lặp nhiều, nội dung ít được cập nhật.

- Giáo trình và tài liệu dịch thuật thường không phân chia theo trình độ và khá ôm đồm khi luôn xuất hiện tất cả các chủ điểm từ kinh tế, chính trị đến văn học, văn hoá, xã hội, du lịch, giáo dục… trong cùng một quyển. Nội dung trùng lặp nhiều.

- Hiện tại, chưa có giáo trình chuyên về dịch thuật kinh tế thương mại Trung – Việt / Việt – Trung dành riêng cho người Việt Nam học tiếng Trung Quốc dù rất thiết thực trong bối cảnh quan hệ hợp tác đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Trung ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ.

- Công tác dịch thuật kinh tế thương mại Trung – Việt / Việt – Trung gặp khó khăn do không có từ điển chuyên ngành được cập nhật theo tình hình mới, dẫn tới tình trạng “mạnh ai người nấy dịch” và dịch theo “ý hiểu của mình”, tính chuẩn hoá không cao.

Đề xuất

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Đặc biệt trong những năm gần đây, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển tốt đẹp. Theo số liệu thống kê từ Bộ kế hoạch và đầu tư, tính luỹ kế đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đạt trên 26 tỷ USD với 4032 dự án, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản; ngoài ra, các lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, thương mại điện tử cũng ngày càng được quan tâm 17 . Đặc biệt hơn, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 và từ tháng 1 năm 2022 đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới với GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, thông qua Hiệp định RCEP, Trung Quốc đã ngay lập tức xóa bỏ 67,9% dòng thuế quan cho Việt Nam, với lộ trình 20 năm tiếp theo, tỷ lệ này sẽ đạt 90,5%, còn Việt Nam đã xoá bỏ ngay 65,3% dòng thuế quan cho Trung Quốc, và tới cuối lộ trình, tỷ lệ này sẽ là 85,6% 18 . Điều này đã mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.

Sự thay đổi của thời thế đồng thời đặt ra những yêu cầu mới về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực phiên dịch chất lượng cao để hỗ trợ doanh nghiệp và Chính phủ đón đầu xu thế. Vấn đề ở đây không còn là cá nhân buôn bán nhỏ lẻ qua đường tiểu ngạch hay doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp như xưa nữa, mà là cả một hệ sinh thái kinh tế được đầu tư bài bản, chiếm giữ tỷ trọng lớn trong việc thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam.

Để có thể hợp tác đầu tư ở Việt Nam, một doanh nghiệp nước ngoài thường sẽ phải thực hiện các công tác tiền trạm như: khảo sát thị trường, đánh giá dự án, tìm hiểu các quy định và văn bản pháp quy liên quan, sau đó tới hoàn thiện thủ tục giấy tờ để xin giấy phép hoặc chủ trương đầu tư. Nếu là doanh nghiệp đầu tư sản xuất thì còn phải làm các thủ tục thuê và xây dựng nhà xưởng, nhập khẩu hoặc mua bán máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất, bổ sung giấy phép nếu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi có đầy đủ giấy tờ pháp lý và được phép đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, mới tới bước đàm phán thương mại, ký hợp đồng, làm thủ tục hải quan, thanh toán quốc tế, báo cáo thuế và kiểm toán… Tất cả các quy trình trên đều cần đến sự hỗ trợ của phiên dịch viên có trình độ, có năng lực, kịp thời nắm bắt được những quy định mới, và đặc biệt là hiểu về kiến thức chuyên ngành, có khả năng diễn đạt chính xác những nội dung liên quan bằng cả tiếng Trung và tiếng Việt, trở thành cầu nối tin cậy cho đối tác hai bên trao đổi thông tin, tránh những sai sót và phiền toái không đáng có. Qua đó có thể thấy phiên dịch chính là một mắt xích quan trọng kết nối doanh nghiệp hai nước trong quá trình tìm hiểu hợp tác đầu tư, là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của những thương vụ hợp tác xuyên biên giới.

Để có thể tiếp cận, học tập và vận dụng những kiến thức kinh tế thương mại mới vào thực tiễn, đặc biệt là khi mối quan hệ giao lưu hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng phát triển tốt đẹp nhờ sự ra đời của các Hiệp định, chính sách mới, thì sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Quốc nói riêng và những người làm công việc liên quan tới dịch thuật Trung – Việt nói chung đều cần tới những tài liệu được chuẩn hoá về mặt từ vựng và được cập nhật theo xu thế mới để phục vụ cho nhu cầu học tập và làm việc của mình. Tuy nhiên, thông qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng những tài liệu sẵn có hiện nay tuy có thể hỗ trợ và làm nền tảng kiến thức cho người học về dịch thuật kinh tế thương mại Trung – Việt / Việt – Trung, nhưng lại không đủ để phục vụ cho công việc trong thực tế, do từ vựng và nội dung bị giới hạn trong tình huống giả định nào đó, những tình huống giả định này lại chưa được cập nhật theo xu thế, dẫn đến tính ứng dụng không cao.

Vì vậy, việc cần ưu tiên hàng đầu bây giờ là phải thực hiện công tác chuẩn hoá từ vựng, đặc biệt là chuẩn hóa hệ thống từ vựng thuộc những lĩnh vực đầu tư đang được doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm cũng như hệ thống từ vựng liên quan đến chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử (RCEP), qua đó xuất bản những quyển từ điển thuật ngữ kinh tế thương mại Việt – Trung / Trung – Việt có tính ứng dụng cao để phục vụ cho nhu cầu thực tiễn trong học tập và công việc.

Hai là , biên soạn giáo trình dịch thuật chuyên về kinh tế thương mại Việt – Trung dành cho người Việt Nam đang học tiếng Trung Quốc. Theo số liệu thống kê từ Bộ kế hoạch và đầu tư, các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản, bất động sản, thương mại điện tử…, vì vậy, giáo trình nên chú trọng thu thập từ vựng và nội dung liên quan tới những lĩnh vực trên. Ngoài ra, những nội dung về thủ tục xuất nhập khẩu, khai báo thuế, kiểm toán và Hiệp định RCEP cũng cần đặc biệt lưu tâm.

Ba là , về chủ điểm biên soạn, kiến nghị nên tham khảo quy trình đầu tư của một doanh nghiệp FDI đặc biệt là doanh nghiệp FDI Trung Quốc khi đầu tư vào Việt Nam. Thông thường, quy trình này sẽ được tiến hành theo các bước sau: Khảo sát, đánh giá thị trường - Tìm hiểu các quy định và văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư (chính sách thương mại) - Xin giấy phép kinh doanh hoặc chủ trương đầu tư - Thủ tục bổ sung giấy phép nếu là ngành kinh doanh có điều kiện - Thuê và xây dựng nhà xưởng - Nhập khẩu hoặc mua bán máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất - Đàm phán thương mại - Ký hợp đồng - Bao bì đóng gói và Vận chuyển - Thủ tục hải quan - Thanh toán quốc tế - Sở hữu trí tuệ - Tranh chấp thương mại - Báo cáo thuế - Kiểm toán. Ngoài ra, cũng nên bổ sung nội dung về các biểu mẫu hiện hành liên quan tới doanh nghiệp FDI đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

KẾT LUẬN

Một quyển giáo trình để được đánh giá là có giá trị tham khảo và có tính ứng dụng cao, ngoài việc thoả mãn đầy đủ các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về biên soạn giáo trình, còn phụ thuộc vào việc nó có đáp ứng được nhu cầu của người học và phù hợp với xu thế hay không. Vì vậy, việc khảo sát hệ thống sách/giáo trình sẵn có, tìm ra những ưu điểm để kế thừa và thiếu sót để bổ sung là điều kiện cần ; căn cứ vào thực trạng hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa hai nước Việt – Trung cũng như những chính sách và quy định hiện hành để đưa ra những đề xuất biên soạn giáo trình dành riêng cho người Việt Nam học tiếng Trung Quốc là điều kiện đủ . Bài viết thông qua việc khảo sát hệ thống sách/giáo trình liên quan đến dịch thuật kinh tế thương mại Việt – Trung, đã đưa ra những đánh giá và đề xuất liên quan đến việc biên soạn giáo trình dịch thuật phù hợp với người Việt Nam, tiệm cận với xu thế phát triển và mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương, góp phần định hướng biên soạn nên một quyển giáo trình dịch thuật kinh tế thương mại Việt – Trung có giá trị tham khảo và giá trị thực tiễn cao, có phạm vi ứng dụng rộng rãi, không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài xã hội.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2023 “Nghiên cứu hệ thống từ vựng trọng điểm lĩnh vực kinh tế thương mại Việt Trung”, Mã số T2023-04. Tôi xin chân thành cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đã tài trợ kinh phí cho tôi thực hiện đề tài này.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết này là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam khảo sát về hệ thống sách/giáo trình thuộc lĩnh vực dịch thuật kinh tế thương mại Việt Trung, thông qua số liệu thực tế được đăng tải trên website Bộ công thương Việt Nam, website Bộ kế hoạch và đầu tư, tác giả đã đưa ra những đánh giá và đề xuất liên quan tới việc biên soạn một cuốn giáo trình dịch thuật kinh tế thương mại Việt – Trung có giá trị tham khảo và giá trị thực tiễn cao, phù hợp với xu thế phát triển và đáp ứng được nhu cầu xã hội.

References

  1. Website Bộ công thương Việt Nam. . ;:. Google Scholar
  2. Trương Văn Giới, Lê Huy Thìn, Lê Khắc Kiều Lục. Từ điển thuật ngữ ngoại thương Hán – Việt. 2012 ed. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội. . 2008;:. Google Scholar
  3. Trương Văn Giới, Lê Huy Thìn, Giáp Văn Cường, Phạm Thanh Hằng. Từ điển chủ điểm Hán Việt hiện đại. 2019 ed. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội. . 2004;:. Google Scholar
  4. Ngọc Thái. Từ điển ngân hàng (Anh – Trung – Việt). Hà Nội: Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa. . 2007;:. Google Scholar
  5. Quan Đạo Hùng, Nguyễn Thị Minh Hồng, dịch. Giáo trình tiếng Trung thương mại. Tp. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM. . 2021;:. Google Scholar
  6. Sử Trung Kỳ, Hồ Linh Quân, Vương Tiêu Đan, Nguyễn Thị Thanh Huệ, dịch. Giáo trình tiếng Hán thương mại. Hà Nội: Nhà xuất bản Dân trí. . 2019;:. Google Scholar
  7. Lê Đình Khẩn. Phiên dịch Việt – Hán, Hán – Việt. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. HCM. . 2007;:. Google Scholar
  8. Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Hương Giang, Bùi Thị Hằng Nga. Giáo trình phiên dịch Việt Trung. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. . 2021;:. Google Scholar
  9. Từ điển kinh tế thương mại Việt Hán – Hán Việt, thuộc dự án biên soạn Bộ từ điển kinh tế thương mại Trung Quốc – Asean. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Đại học sư phạm Bắc Kinh. . 2004;:. Google Scholar
  10. Đường Tú Trân. Giáo trình kinh tế thương mại tiếng Việt thực dụng. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Sách thế giới. . 2010;:. Google Scholar
  11. Trịnh Hồng, Hoàng Vĩ Sinh. Giáo trình khẩu ngữ tiếng Việt trong thương mại. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Sách thế giới; 2013. . ;:. Google Scholar
  12. Lý Thái Sinh. Giáo trình tiếng Việt thương mại thực hành. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Đại học Nhân dân Trung Quốc. . 2014;:. Google Scholar
  13. Triệu Ngọc Lan. Giáo trình dịch Việt Hán. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh; 2002. . ;:. Google Scholar
  14. Lương Viễn, Ôn Nhật Hào. Giáo trình Những kỹ năng hữu ích trong dịch thuật Hán Việt – Việt Hán. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Sách thế giới; 2017. . ;:. Google Scholar
  15. Vi Trường Phúc, Lâm Lê, Lương Mậu Hoa. Dịch khẩu ngữ Hán - Việt Lý thuyết và thực hành. Trùng Khánh: Nhà xuất bản Đại học Trùng Khánh; 2017. . ;:. Google Scholar
  16. Đàm Chí Từ, Kỳ Quảng Mưu. Giáo trình phiên dịch Việt Hán. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Sách thế giới; 2017. . ;:. Google Scholar
  17. Website Bộ Kế hoạch và Đầu tư. . ;:. Google Scholar
  18. Website của Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ công thương. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 2 (2024)
Page No.: 2455-2463
Published: Jun 30, 2024
Section: Reviews - Science Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.961

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Đỗ, H. (2024). Survey of Vietnamese-Chinese economic and commercial translation textbooks/books system and related suggestions. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(2), 2455-2463. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i2.961

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 272 times
PDF   = 82 times
XML   = 0 times
Total   = 82 times