Abstract
Can Gio is the only coastal district in Ho Chi Minh City, where its natural conditions are favorable for fishing by a wide range of methods and gears. Therefore, from its ancient days, in addition to agricultural activities, fishing became a means of livelihood for many households in Can Gio. In this article, we have deployed the field research method to study common fishing gears frequently used by fishermen in Can Gio district in the past and present to catch fish in “shallow water and deep water”, specifically, stow nets, other typical nets, hooks and lines, types of rakes, etc. Some fishing gears are still used by Can Gio fishermen today, but have changed adapting to the current conditions, especially in terms of crafting materials as well as fishing areas. The research on the change in fishing gears in Can Gio not only focuses on how fish are caught but also reflects the local fishermen community’s flexible adaptation through their fishing over time. More importantly, this greatly contributes to maintaining and fostering the traditional value of fishing in Can Gio district not only at the present time but also in the future.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bài viết này là sản phẩm của một nghiên cứu thực địa tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi chúng tôi đã tập trung vào việc khảo sát để hiểu rõ hơn về phương thức đánh bắt thủy sản của người dân địa phương. Nghiên cứu này đặt ra mục tiêu chính là tìm hiểu sự phát triển và thay đổi trong phương thức đánh bắt thủy sản tại huyện Cần Giờ.
Trong thế kỷ XXI, ngành đánh bắt thủy sản trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế và sinh kế cho nhiều cộng đồng ven biển trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia tiếp giáp với Biển Đông, có đường bờ biển dài trên 3.260km kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Đại dương rộng lớn với sự đa dạng về nguồn tài nguyên biển là yếu tố khiến ngành thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp thực phẩm và nguồn thu nhập cho hàng triệu người dân.
Huyện Cần Giờ, với vị trí độc đáo bên bờ biển và một lịch sử lâu đời trong nghề đánh bắt thủy sản, là một mô hình đáng chú ý để nghiên cứu sự thay đổi và phát triển của các phương thức đánh bắt. Trong bối cảnh môi trường biển và nguồn tài nguyên biển thay đổi liên tục, người dân Cần Giờ đã phải thích nghi và điều chỉnh các phương thức đánh bắt của họ để duy trì cuộc sống và sinh kế. Điều này đặt ra câu hỏi về cách người dân đã thực hiện sự thay đổi và mức độ ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống và nghề nghiệp của họ.
Bằng cách tìm hiểu và phân tích sự phát triển của các phương thức đánh bắt thủy sản tại Cần Giờ, chúng tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp đưa ra những cái nhìn sâu sắc về sự thay đổi của ngành thủy sản và cách mà người dân đã thích nghi cũng như phản ánh sự phát triển của khu vực này. Hơn thế, phương thức đánh bắt hải sản là sự thể hiện rõ rệt nhất cách con người nơi đây sáng tạo, linh hoạt trong chinh phục, thích ứng với môi trường tự nhiên để tồn tại, phát triển và tạo nên những nét đặc trưng văn hoá biển rất riêng của một đô thị sông biển như Thành phố Hồ Chí Minh.
Các kết quả từ nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin về mối quan hệ giữa con người và môi trường biển, đồng thời đưa ra những hướng dẫn có giá trị cho việc quản lý và bảo vệ tài nguyên thủy sản ở Cần Giờ trong tương lai.
NGUỒN TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi dựa vào các nguồn tài liệu chính sau: (1) tư liệu khảo sát thực địa tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hoà, xã Thạnh An là những khu vực tập trung nghề khai thác thủy sản quan trọng nhất của huyện Cần Giờ (2) Tư liệu phỏng vấn trực tiếp những ngư dân khai thác thủy sản tại Lý Nhơn, An Thới Đông, Long Hòa, Thạnh An và Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) về ngư cụ và hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân tại đây. Những thông tin từ họ được nhóm tác giả tổng hợp, đối chiếu, so sánh và chọn lọc, được sử dụng như nguồn tư liệu chính, quan trọng nhất của nghiên cứu này (3) hững công trình chuyên khảo, bài viết về Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ từ các góc độ lịch sử, địa lí, kinh tế...
Để giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu, các phương pháp chuyên ngành và liên ngành được kết hợp sử dụng. Trong đó, trọng tâm là phương pháp lịch sử, phương pháp logic; kết hợp phương pháp điền dã, phương pháp quan sát, phỏng vấn… nhằm phục dựng lại bức tranh về phương thức đánh bắt hải sản của ngư dân Cần Giờ từ quá khứ đến hiện tại, dựa trên điều kiện tự nhiên khá đặc thù của vùng cửa sông ven biển. Đối tượng được lựa chọn phỏng vấn chủ yếu là những ngư dân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, thành viên Ban quản lí di tích và danh thắng trên địa bàn huyện Cần Giờ với các câu hỏi xoay quanh vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng một số phương pháp như phân tích, so sánh, đối chiếu,… để có thể nhận thức và đánh giá vấn đề nghiên cứu một cách khoa học và khách quan hơn, đặc biệt là trong điều kiện suy giảm tài nguyên thủy hải sản, ô nhiễm môi trường biển, sự thay đổi trong tư duy và các hoạt động sinh kế… của người dân Cần Giờ hiện nay.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Tổng quan về huyện Cần Giờ và lịch sử nghề đánh bắt hải sản của ngư dân Cần Giờ
Cần Giờ là huyện biển duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố 60km về phía Đông Nam, ở vào “tọa độ 10°41’00” Vĩ Bắc và từ 106° 4345” đến 107°00’38” Kinh Đông” 1 với bờ biển dài chừng 20km kéo dài từ thị trấn Cần Thạnh tới xã Long Hoà. Về phía Đông và Đông Bắc, Cần Giờ giáp với phần đất thuộc các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang ở phía Tây, Biển Đông ở phía Nam, và huyện Nhà Bè của Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây Bắc. Cần Giờ được bao quanh bởi các hệ thống sông và biển như sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu ở phía Bắc; sông Đồng Tranh, sông Thị Vải ở phía Đông; sông Soài Rạp ở phía Tây và Biển Đông ở phía Nam. Với vị trí này, Cần Giờ gần như trở thành trung tâm của 4 tỉnh thành: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.
Huyện Cần Giờ có diện tích 704,45km², mật độ dân số 102 người/km² (năm 2019), gồm 6 xã và một thị trấn: Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn, Long Hòa, Thạnh An và Cần Thạnh. Trung tâm huyện đặt tại thị trấn Cần Thạnh. Đây là vùng đất tương đối thấp và bằng phẳng, dạng lòng chảo, trũng thấp ở trung tâm do hình thành từ nền đất cổ, khu vực ven biển địa hình được nâng cao do được cấu tạo từ các giồng cát biển cổ.
Trong quá khứ, Cần Giờ được biết đến sớm, khi người Việt bắt đầu khai thác và lập ấp tại Sài Gòn. Theo một số nhà nghiên cứu thì “Vào cuối thế kỷ XVI hoặc đầu thế kỷ XVII, khi lưu dân Việt Nam bước chân tới khẩn hoang lập ấp, thì đất Sài Gòn từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại (trở lên) toàn là rừng rậm hàng mấy nghìn dặm” 2 . Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí viết: “Cửa biển Cần Giờ, cửa rộng chừng 5 dặm, khi nước lên thì sâu 12 tầm, nước triều xuống sâu 9 tầm, ở cách trấn lị về phía đông 142 dặm rưỡi, có thủ ngự đạo Cần Giờ, điếm chợ trù mật, dân theo nghề chài cá. Trong cảng nước sâu rộng bằng phẳng, ngày thường có thuyền buôn ra vào, là một cửa biển đông đúc nhất của thành Gia Định, không đâu ví bằng” 3 .
Kết quả khai quật khảo cổ học cho thấy Cần Giờ là vùng đất cổ, nơi con người đã sớm có mặt tại đây. Một số di chỉ như “Giồng Cá Vồ (niên đại 3.000 – 2.500 năm cách ngày nay), Giồng Phệt (niên đại 2.500 – 1.700 cánh ngày nay)” 4 được phát hiện và nghiên cứu đã cho những kết luận chắc chắn về sự hiện diện của con người ở Cần Giờ từ hàng ngàn năm trước. Các nhà khảo cổ đã xác nhận Cần Giờ là một “cảng thị sơ khai” cách đây hai ngàn năm. Vị trí gần biển tạo điều kiện cho cư dân Cần Giờ sớm biết đến hoạt động đánh bắt thủy sản, được chứng minh bằng các lưỡi câu được tìm thấy tại di chỉ Giồng Cá Vồ. “Số lượng lưỡi câu tìm thấy nhiều chiếm số lượng lớn nhất, gồm 16 chiếc còn nguyên và nhiều mảnh nhỏ. Lưỡi câu khá lớn, tiết diện tròn, mũi nhọn hoặc có ngạnh. Dài khoảng 6,5 đến 8,0 cm, đường kính lưỡi câu khoảng 0,4 cm” 5 .
Cho đến hiện nay, ở Cần Giờ, người dân vẫn sinh sống bằng nghề đi biển, đánh bắt và nuôi trồng các loại hải sản. Những người làm nghề đánh bắt hải sản hay còn gọi là ngư dân sử dụng nhiều loại ngư cụ khác nhau để đánh các loại tôm, cá, cua, ốc,… Đa số những hộ gia đình ở gần biển sử dụng các ngư cụ đánh bắt theo mùa . Chính vì điều này, nhiều hộ gia đình ngư dân tại đây có từ 2 đến 3 loại ngư cụ đánh bắt hải sản khác nhau. Bên cạnh đó, việc đánh bắt ở ngư trường nước nông hay nước sâu cũng là yếu tố quyết định lựa chọn ngư cụ của người đi biển.
Tuy nhiên, không phải tất cả hộ gia đình đều có đủ các loại công cụ đánh bắt, có một số gia đình chỉ tập trung sử dụng một loại công cụ. Ví dụ, gia đình ông Nguyễn Văn Tiều hiện ở thị trấn Cần Thạnh huyện Cần Giờ trong hơn 10 năm qua chỉ sử dụng lưới cào để đánh bắt hải sản.
Đối với các hộ ngư dân lựa chọn sử dụng ngư cụ đánh bắt hải sản nước nông, lí do thường xuất phát từ điều kiện kinh tế. Họ không có đủ vốn đầu tư để có thể trang bị các loại ngư cụ, cũng như phương tiện đánh bắt ở tầng nước sâu. Bên cạnh đó, đánh bắt ở tầng nước sâu đòi hỏi phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, mà không phải hộ gia đình nào cũng có. Đánh bắt ở tầng sâu cũng cần có sự hợp tác của nhiều người.
Kết quả khảo sát thực địa cho thấy việc sở hữu, chế tạo và sử dụng các loại hình ngư cụ của ngư dân Cần Giờ cũng có sự khác biệt giữa các hộ gia đình. Điều này thường được hình thành từ tập quán, truyền thống của dòng họ hoặc khu vực nơi sinh sống. Việc sở hữu, chế tạo và sử dụng loại hình ngư cụ, ở chừng mực nhất định, cũng là chỉ dấu về độ giàu nghèo, thế mạnh và kinh nghiệm đánh bắt từng loại hải sản của các hộ ngư dân.
Thông thường khi tham gia đánh bắt, ngư dân Cần Giờ từ xưa tới nay không có sự phân biệt về giới tính của người sở hữu hay sử dụng các loại hình ngư cụ. Có chăng đó là sự phân chia công việc trong hoạt động và địa điểm khi thực hiện đánh bắt. Đa phần trong hoạt động đánh bắt đều có sự góp mặt của phụ nữ, phổ biến nhất là trong các hoạt động đánh bắt ở tầng nước nông. Ngư dân thường chọn sử dụng các loại hình ngư cụ đánh bắt hoặc phân công những việc phù hợp với sức vóc và kỹ năng của những người phụ nữ. Ở một số trường hợp đặc biệt, phụ nữ có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại ngư cụ phức tạp, họ vẫn tham gia vào các hoạt động đánh bắt ở tầng nước sâu, sử dụng các loại ngư cụ như nam giới .
Cuộc sống của người dân Cần Giờ bao đời nay gắn bó với những con sông, bãi biển. Hình ảnh sinh hoạt, sản xuất mà đặc biệt là ngư cụ của người dân nơi đây được phản ánh một cách chân thật trong các câu ca dao, bài vè :
Ghe Cui mày đỏ cái mũi cá kinh
Buồm đôi, cánh cá, đậm tình quê hương.
Hay tình yêu đôi lứa của ngư dân cũng gắn liền với nghề đóng đáy nơi đây :
Đèn treo nọc đáy,
Nước chảy ngọn đèn rung
Thương nhau bởi nghĩa bởi tình
Mong cha với mẹ cho mình thương nhau.
Phương thức đánh bắt hải sản của ngư dân Cần Giờ
Nguồn thủy sản ở Cần Giờ đa dạng và phong phú, bao gồm cả từ sông và biển. Do môi trường sống khác nhau, ở các tầng nước nông, sâu khác nhau mà giống, loài, đặc tính sinh trưởng, trọng lượng và kích thước… của các loài thủy sản cũng vô cùng phong phú. Nhìn chung, tầng nước nông thường là môi trường sinh sống của các loại nhỏ như tôm, ốc, cua, ghẹ và cá nhỏ, mang lại sản lượng không cao. Việc đánh bắt ở tầng nước sâu đòi hỏi đầu tư nhiều trang thiết bị, ngư cụ đắt tiền, điều này giúp ngư dân Cần Giờ thu được sản lượng lớn, giá trị kinh tế cao từ các loại tôm, cua, ghẹ, mực, cá thu, cá chim, cá chìa vôi... Theo thời gian, nhiều ngư cụ đã trải qua sự biến đổi về vật liệu và phạm vi sử dụng hoặc không còn được sử dụng như trước. Những thay đổi này thể hiện khả năng thích nghi của ngư dân với môi trường và điều kiện kinh tế xã hội thay đổi theo nhu cầu cuộc sống nơi đây.
Phương thức đánh bắt ở tầng nước nông
Đánh bắt cá bằng các loại lưới
Lưới là công cụ đánh bắt quen thuộc thường được ngư dân Cần Giờ sử dụng để đánh bắt cá và các loại thủy sản khác. Các loại lưới thường dùng như lưới cá đục, lưới đăng, lưới ghẹ, lưới cá... Trong quá khứ, một số lưới được đan từ dây nhợ , nhưng hiện tại, tất cả đều được làm từ dây cước vì cho hiệu quả đánh bắt cao hơn.
- Lưới cá đục: Dùng đánh bắt cá đục là chủ yếu, chiều dài một tay lưới khoảng 80m đến 90m, mắt lưới từ 2.5 phân đến 3 phân, độ cao của lưới dưới 1m. Lưới có giềng phao trên, giềng chì dưới, giềng phao có nhiều phao hơn so với các lưới khác, giềng chì nặng khoảng 15kg.
Ngư dân dùng ghe có động cơ với ít nhất 2 người mới có thể sử dụng loại lưới này. Loại lưới này đánh được nhiều nơi, thường ngư dân chọn bãi biển, cạnh hàng đáy sông cầu, nơi không đất bùn. Khi đánh bắt, ngư dân nối nhiều tấm lưới lại với nhau, thường từ 4 đến 5 tấm gọi là “thớt”, ngư dân thường chọn nước đứng để thả lưới.
Loại lưới này đánh theo mùa từ tháng 7 âm lịch đến tháng 9 âm lịch. Những ngày may mắn, ngư dân có thể bắt được vài trăm ký cá. Hiện nay, lưới cá đục vẫn được ngư dân trên địa bàn huyện sử dụng nhưng còn rất ít, vì nguồn cá không còn nhiều như trước.
- Lưới đăng: Là ngư cụ đánh bắt thủy hải sản bằng lưới mắt nhỏ khoảng 1 phân. Chiều cao của lưới thường dưới 5m, chiều dài tùy thuộc vào độ rộng của khu vực khai thác. Lưới đăng thường được sử dụng gần các rừng đước tại con sông, gần các bờ biển, ngư dân phải có kinh nghiệm biết rõ thời gian thủy triều lên xuống trong ngày.
Phương pháp đánh bắt hải sản bằng lưới đăng yêu cầu ít nhất 2 người và sử dụng thuyền lớn có máy, cùng xuồng nhỏ để di chuyển. Ngư dân đặt cây đăng cách nhau từ 3m đến 5m khi nước cạn, với chiều cao thích hợp tùy theo mực nước biển. Họ thả lưới dọc theo cây đăng, khi nước lớn, ngư dân cố định lưới trên đầu cây và khi nước rút các loại hải sản như tôm, cá, cua, mực... bị lưới đăng chặn lại, ngư dân tiến hành thu hoạch. Đánh bắt bằng lưới đăng có thể được thực hiện quanh năm, nhưng chỉ gần bờ. Lưới đơn giản và dễ làm, nhưng cần kinh nghiệm nhận biết con nước và sự cần cù từ ngư dân.
- Lưới bén: Loại lưới có ba màng, mắt lưới cỡ từ 3 phân đến 3.5 phân, lưới mảnh tạo độ bén dễ bắt cá, lưới làm bằng cước trắng hoặc xanh, hai màng còn lại mắt lưới lớn từ 7 phân đến 9 phân, lưới cứng hơn. Một tay lưới khoảng 60m, độ cao từ 1.0m đến 1.3m, ngư dân thường nối từ 2 đến 3 tay lưới khi thả lưới. Lưới có giềng phao và giềng chì, cứ khoảng 5 tấc có một phao nhỏ làm bằng xốp dài bằng 2 lóng tay người lớn, mục đích là để lưới bay (lưới nổi) là sát mặt nước.
Ngư dân thường dùng lưới bén để bắt cá đối, loài cá nhỏ gần bờ. Họ có thể thả lưới bằng ghe (xuồng) nhỏ hoặc thả bộ chỉ cần một người. Địa điểm thả lưới là gần bờ, nơi nước không sâu, như bãi nghêu hay ven sông khi thủy triều lớn. Loại lưới này dùng quanh năm, mang lại thu nhập tăng thêm hoặc cung cấp thực phẩm hàng ngày cho gia đình.
Phương thức đánh bắt cá bằng đáy rạo, xịt, te, bung
- Đáy rạo: Để tạo khẩu đáy rạo, ngư dân dùng 4 cây nọc to cắm lại với nhau, hai hàng cây rạo và tấm lưới đáy dài 30m – 40m với mắt lưới từ 7 phân đến 1 phân. Cửa miệng đáy rạo rộng từ 4.5 đến 5 sải tay , trên miệng đáy có cái chòi để ngư dân trú lại khi thời tiết xấu. Lưới đáy làm từ dây gai dầu Trung Quốc, về sau làm bằng dây nilon. Ngư dân cắm hàng rạo dài khoảng 150m, khi nước chảy, cây rạo lắc đưa tôm, cá vào miệng đáy.
Đáy rạo là cách thức đánh bắt cá ở nơi có lòng lạch. Ngư dân tạo mô hình “đáy nò” bằng cách cắm hai hàng cây tạo hình chữ “V”, phần trên mở rộng, khép xuống đáy . Khi nước chảy, cây nò khua vào nhau tạo âm thanh “rào rạo”.
Đánh bắt bằng đáy rạo cần 4 – 5 người: 2 người ở trên hàng đáy và 2 – 3 người ở dưới ghe. Khi cài đáy, ngư dân chọn nước đứng, mất khoảng 40 phút để hoàn thành. Mỗi ngày, ngư dân đóng 2 con nước ròng. Cửa miệng đáy mở rộng từ 4m đến 5m để bắt tôm, cá. Khi nước đứng, họ kéo đáy lên để thu hoạch tôm, cá, mực, cua,...
Mô hình đánh bắt bằng đáy rạo thường được xây dựng ở lạch có dòng mạnh và hải sản nhiều. Đáy rạo thường được chủ sở hữu đánh bắt theo hộ gia đình hoặc cho người khác mướn với hình thức chia lợi nhuận thông qua sản lượng đánh bắt hay trả tiền theo tháng. Hiện nay, hoạt động đánh bắt theo hình thức đáy rạo ở Cần Giờ đã không còn được duy trì vì nhiều lý do như nguồn hải sản không còn nhiều như trước, do chính sách cấm đáy rạo của Nhà nước,… Hình thức đánh bắt này gần như không giữ lại loại hải sản nào, nó bắt được tất cả từ nhỏ đến lớn, điều này làm nhiều loài hải sản bị tận diệt, hoặc suy giảm gần như không còn.
- Xịt 6 : là ngư cụ do ngư dân Cần Giờ sáng tạo để bắt tôm, ốc, cá nhỏ gần bờ. Nó có dây cản khẩu giữ 2 đầu xịt, 2 cây gọng xịt tre dài từ 4m đến 5m chéo nhau ở điểm cuối và mỗi cây có phao ở đầu gọi là “đôi dép”. Tấm lưới bằng cước dài từ 4m đến 6m, mắt lưới nhỏ dần từ trên xuống đáy.
Có hai loại xịt phổ biến: xịt tôm và xịt ốc. Xịt được ngư dân dùng đánh bắt lúc nước ròng, hai đầu xịt mở rộng 6m tiếp xúc mặt đất biển. Ngư dân đẩy xịt về phía trước, gặp vật cản, ngư dân nâng xịt lên vượt qua vật cản. Khoảng 30 phút ngư dân nâng xịt kiểm tra thu hoạch sản phẩm một lần .
Ngư dân dùng xịt để bắt hải sản trên bãi biển, xịt được đẩy bằng tay trong sông và lạch. Hoạt động này diễn ra quanh năm, bắt đầu khi nước cạn và kết thúc khi nước sát đáy biển. Trong quá trình đánh bắt, ngư dân thường dùng cà kheo để hỗ trợ việc di chuyển.
- Te: Được cấu tạo từ một tấm lưới có mắt lưới cỡ 5 phân ở trên, giữa 3 phân, đuôi đụt 1.5 phân, không có hom. Mỗi đầu te có phao giúp đầu te không đâm xuống đất (gọi là “dép”), giúp dễ di chuyển. Cuối hai gọng te có đặt vật nặng giúp ngư dân lấy te dễ dàng hơn khi thu hoạch.
Là phương thức đánh bắt lấy kinh nghiệm từ xịt, thay vì sử dụng sức người thì te được ngư dân dùng ghe có máy đánh bắt nơi nước sâu hơn . Te hoạt động quanh năm, bắt các loại hải sản gần bờ như tôm, ốc, cá cơm, ghẹ... nhưng chỉ ở bãi biển, không sử dụng ở đất bùn. Thông thường, việc đánh bắt bằng te được tiến hành vào ban đêm và cần ít nhất 2 người tham gia.
- Bung: là ngư cụ làm từ tre, chủ yếu dùng để bẫy cá ngát, dạng hình hộp chữ nhật, dài 6 – 8 tấc , cao 3 – 2 tấc. Một đầu có hom hình vuông để cá vào không ra được, đầu còn lại là cửa để bắt cá. Ngoài ra, ngư dân còn dùng bốn cây tre nhỏ để cố định bung dưới đáy biển, tránh trường hợp bung bị trôi mất.
Loại bẫy này ngư dân dùng mồi, trong mỗi bung, ngư dân cho mồi để dụ cá vào. Mồi hiệu quả nhất là sam nướng, ngư dân nướng sam chín bỏ vào bung, sam nướng có mùi thơm thu hút cá vào bẫy. Thời gian để bẫy cá là khoảng một ngày, nếu đặt bung vào chiều, họ thu về vào trưa hoặc chiều ngày sau. Ngư dân chọn thời điểm nước cạn, nhưng không cạn sát, dựa vào kinh nghiệm, họ thường chọn nơi gốc rạo hoặc cạnh hóc đá nơi cá thường ở và săn mồi. Ngư dân thường đặt rất nhiều bung trong một lần để tăng hiệu quả đánh bắt. Hiện nay, loại hình bẫy cá này hầu như không còn tồn tại ở Cần Giờ do hiệu quả đánh bắt không cao và nguồn thủy sản không còn nhiều như trước.
Ngư cụ đánh bắt ở tầng nước sâu
Phương thức đánh bắt bằng các loại đáy
Đáy là một trong những ngư cụ đánh bắt xuất hiện sớm và mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Cần Giờ trong quá khứ. Nghề đóng đáy tại Cần Giờ có thể kể đến một số loại như đáy sông cầu, đáy rạo và đáy thùng. Trong đó, đáy sông cầu và đáy thùng được ngư dân sử dụng nơi tầng nước sâu.
- Đáy sông cầu: là hình thức đánh bắt của người Hoa. Vào thế kỷ XX, bà Tư Có từ Triều Châu đến định cư tại Tiền Giang. Năm 1922, bảy gia đình con cháu bà đến Cần Giờ phát triển nghề đáy sông cầu. Năm 1954, gia đình Chú Hùng mang nghề này vào làng Long Thạnh, thành lập sở đáy Chú Hùng (Tây Sương), thuê người Việt làm công. Người Việt học và phát triển nghề đáy sông cầu tại Cần Giờ 7 .
Hàng đáy sông cầu giống như một chiếc cầu bằng cây nối liền hai bờ sông giữa lòng biển. Hàng đáy được tạo thành từ 6 đến 10 cây nọc xen kẽ nhau, bao gồm các dây doàng chấn, tần sủi, hạ lầu, tập mị từng, cùng với các dây thạo hạ, thạo thượng, cây sào há (hạ), cây rượng xường, cây rượng hà (hạ) và chòi ở. Khoảng cách giữa các cây nọc gọi là “khẩu đáy”. Cửa miệng đáy rộng bằng khẩu đáy, lưới đáy dài 30 – 40m, ban đầu làm từ dây gai dầu Trung Quốc, sau này làm từ dây nilon. Mỗi hàng đáy có 3 – 6 khẩu đáy, mỗi khẩu đáy có một tấm lưới. Một ngư dân giữ từ 2 đến 3 khẩu đáy tùy theo độ sâu của sở đáy, một ngày đóng được 4 lần, 2 nước ròng và 2 nước lớn.
Hình thức đánh bắt bằng đáy sông cầu ban đầu sử dụng ghe Cui , nhưng về sau ghe được gắn động cơ, có ít nhất 4 người tham gia. Ngư dân đóng đáy tại các chòi, gọi là “bạn đáy”, mỗi chòi có 2 đến 3 người. Ngư dân sử dụng ghe để mang tôm cá vào bờ là “bạn tâm bản”, có 2 người làm việc này. Thời gian đánh bắt chia thành con nước , nước Rằm (từ ngày 12 đến ngày 22 âm lịch) và nước Ba Mươi (từ ngày 27 đến ngày mùng 07 âm lịch). Ngày nước kém không đánh bắt, ngư dân nghỉ ngơi, chuẩn bị cho con nước mới. Trong quá trình đánh bắt, ngư dân cần nắm rõ thủy triều trong ngày.
Lưới đáy sông cầu có dạng hình túi hay ống, từ trên cửa miệng đáy nhỏ dần xuống đuôi đụt, phía trên mắt lưới từ 7 – 8 phân xuống đuôi đụt chỉ còn 1 phân. Ngư dân thả lưới khi nước đứng, thời điểm giữa nước lớn và ròng, việc thả đáy diễn ra chỉ khoảng 30 đến 40 phút, sau 4 đến 5 tiếng ngư dân sẽ kéo lên lưới.
Đáy sông cầu được xem là nghề chủ lực trong hoạt động kinh tế biển Cần Giờ trước đây. Để xây dựng một sở đáy, ngư dân phải có vốn và kinh nghiệm thật giỏi, ngư dân phải chọn nơi nước sâu (từ 13m nước trở lên), dòng chảy mạnh, tránh nơi có dòng chảy khúc khuỷu. Ngư dân đa phần làm công ăn lương, trả theo con nước biển hoặc ăn chia với chủ đáy theo sản lượng . Hiện tại, đáy sông cầu không còn ở Cần Giờ do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính là chính sách phát triển đường thủy của Nhà nước. Việc giữ lại các sở đáy sông cầu thường xuyên dẫn đến các tai nạn đường thủy do va chạm giữa tàu và các sở đáy.
- Đáy thùng: Là phương pháp đánh bắt bằng một tấm lưới dài khoảng 70m. Nó thường được thực hiện ở các xã như Lý Nhơn, An Thới Đông của huyện Cần Giờ. Hình thức này thường do hộ gia đình từ 2-3 người thực hiện, hoặc thuê người làm theo thỏa thuận, lương trả dựa trên sản lượng hải sản bắt được . Một sở đáy thùng thường có ít nhất 3 khẩu đáy. Để xây khẩu đáy, ngư dân đóng 4 cọc dưới nước, hai hàng cọc với 4 cọc (2 cọc mỗi bên). Khoảng cách giữa 2 cọc cùng một hàng (cọc trên cọc dưới) từ 20m đến 30m. Ngư dân sử dụng cây cừ dài 4m – 5m đóng xuống biển tạo thành cọc và đặt 2 phao lớn phía trên hai hàng cọc. Tấm lưới đáy dài 70m làm bằng chỉ, có 4 phần: cặp dạt, buông ống , hom đáy và đuôi đụt đáy. Miệng đáy mở rộng đến 20m chiều ngang và từ 7m – 8m chiều cao tính từ hàm trên đến hàm dưới.
Dây là phần quan trọng của đáy thùng: Dây dạt dài 40m bao quanh hàm đáy với chì ở hàm dưới. Dây đổi trên có hai đường, mỗi đường có 2 dây dài 70m, dây đổi dưới cũng có hai đường, mỗi đường chứa 2 dây dài 20m và một dây dung buộc vào cuối đụt đáy dài 50m.
Thường thì cứ 2 người sẽ đóng được từ 2 đến 3 khẩu đáy trong một sở. Thời điểm thả lưới đáy vào nước đứng, được thực hiện hai lần trong ngày, vào hai con nước ròng giống như đáy rạo. Thời gian bắt đầu thả lưới từ khi bắt đầu đến lúc lưới đáy vào vị trí cố định khoảng 40 phút, thường do một người thực hiện. Ngư dân kéo đáy lên thu hoạch sau từ 3 đến 4, 5 tiếng (nước lửng 3 tiếng, nước sát 4,5 tiếng).
Hình thức đánh bắt bằng đáy thùng diễn ra theo chu kỳ của con nước, kéo dài từ 7 – 8 ngày. Mỗi tháng có hai con nước: nước Rằm (ngày 13 – 21 âm lịch) và nước Ba Mươi (ngày 27 – mùng 6, 7 âm lịch). Trong thời gian còn lại, ngư dân nghỉ ngơi và chuẩn bị cho con nước tiếp theo. Hình thức đánh bắt này hoạt động liên tục quanh năm tại Cần Giờ, đem lại nhiều loại hải sản đa dạng như tôm, cá, cua, mực... Thời gian đánh bắt hiệu quả nhất của đáy thùng là từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 âm lịch.
Phương thức đánh bắt cá bằng các loại lưới
- Lưới của: Là loại lưới có ba màng, màng giữa mảnh và hai màng bên dày hơn. Cả ba màng đều làm bằng dây cước, lớp giữa thường là cước trắng hoặc xanh, hai lớp ngoài như áo nên ngư dân còn gọi là “áo hoàng”. Lưới túi có hai loại: lớn và nhỏ, đều có giềng phao trên, giềng chì dưới và chân kê. Mỗi tấm lưới nặng từ 3.2kg đến 3.3kg. Cả hai loại đều có tay lưới dài từ 22m đến 25m và mắt lưới kích cỡ 5 phân. Tuy nhiên, lưới túi lớn chân kê mắt lưới 3 phân, lưới túi nhỏ chân kê làm bằng lưới 1 phân. Ngư dân thường nối khoảng 30 đến 40 tay lưới thành tấm lưới dài gọi là “thớt” để sử dụng khi đánh bắt. Lưới túi được ngư dân sử dụng đánh bắt các loại hải sản có giá trị như các loại tôm, cá, cua, mực...
Ngư dân dùng ghe với ít nhất 4 người để đi khai thác. Họ chọn khu vực biển không có vật cản để thả lưới. Khi đánh bắt, ngư dân gắn cờ ở hai đầu để theo dõi, lưới túi không được neo cố định, được thả theo dòng nước. gư dân đánh bắt bằng lưới túi vào những tháng nước chảy nhưng không xiết, thời điểm từ tháng 9 âm lịch đến 2 âm lịch năm sau. Đây được xem là thời điểm lưới túi đánh bắt mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho ngư dân trên địa bàn huyện.
- Lưới ghẹ: được ngư dân Cần Giờ dùng để bắt ghẹ theo mùa, mang lại giá trị kinh tế cao. Mỗi tấm lưới ghẹ dài hơn 100m, mắt lưới từ 8 phân đến 1 tấc. Chiều cao của lưới từ 1.2m đến 1.3m, tính từ phao đến chì. Cách nhau 9 tấc có một phao và mỗi 1.8 tấc có miếng chì. Giềng nặng khoảng 10kg đến 12kg, phao nặng 1kg đến 2kg. Ngư dân đánh lưới thường ghép từ 3 đến 5 tấm lưới lại gọi là “thớt” khi đánh bắt.
Ngư dân dùng ghe có động cơ, có ít nhất 3 người tham gia hoạt động đánh bắt. Thời gian ra khơi thay đổi theo tình hình nước triều, không cố định. Ngư dân thường đánh lưới ghẹ tại các bãi, cạnh hàng đáy sông cầu, nơi nào có nhiều ghẹ, ngư dân tiếp tục đánh bắt vào hôm sau.
Ngư dân ở Cần Giờ đánh lưới ghẹ theo mùa, chỉ vài tháng trong năm. Khu vực ven biển từ Cần Thạnh đến Long Hòa, ngư dân đánh lưới ghẹ từ giữa tháng 4 âm lịch đến tháng 8 âm lịch. Những ngày ghẹ nhiều, ghe nào cũng đầy khoang.
- Lưới cá: Là loại lưới được sử dụng khá phổ biến ở Cần Giờ, có mắt lưới từ 6 – 6.5 phân. Ngư dân gọi chung là lưới cá có thể bắt được nhiều loại cá khác nhau . Lưới cá có cấu trúc tương tự lưới ghẹ với chiều cao của lưới khoảng 1.5m đến 1.6m, với giềng chì từ 13 – 15kg (nặng hơn so với lưới ghẹ).
Ngư dân dùng cách đánh bắt tương tự như lưới ghẹ. Lưới cá chủ yếu đánh nước ngày, thời điểm nước ít chảy, chiều tối hoặc nửa đêm ghe ra khơi, chiều tối ghe trở về. Họ chọn đánh ở bãi nghêu, cạnh đáy sông cầu. Lưới cá thường hoạt động từ tháng 8 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau. Các loại cá thường bắt gồm: cá đù, cá lưỡi trâu, cá úc, cá mồi và nhiều loại cá có giá trị khác.
Phương thức đánh bắt bằng câu
- Câu giăng: Là loại câu có nhiều lưỡi, một gấp câu có thể gồm từ 200 đến 300 lưỡi câu, dùng để bắt nhiều loại cá như cá ngát, cá úc, cá dứa, cá đù... Câu giăng được cấu tạo từ giềng câu (dây cái), dây nối giữa giềng câu và lưỡi câu gọi là “thẻo câu”, lưỡi câu, phao và cờ. Giềng câu được làm bằng dây nhợ cỡ chiếc đũa chịu được sức nặng của cả dây câu. Thẻo câu làm từ dây cước cỡ 50 , cách nhau từ 2m đến 2.5m và chiều dài của mỗi thẻo câu khoảng 1m.
Tùy theo loại cá muốn câu mà ngư dân chọn lưỡi cho phù hợp, lưỡi câu phải có ngạnh. Để câu cá ngát và cá úc, họ chọn lưỡi 12, 13 dạng chữ “U” đối với cá nặng dưới 5kg/con. Đối với cá dứa, ngư dân sử dụng lưỡi số 15, lưỡi câu làm bằng thép (inox) và được ngư dân kiểm tra mỗi ngày. Khi thả câu khoảng 20m – 30m, ngư dân bố trí một đá giam để giữ cho câu nằm gần mặt đáy và không bị dao động quá nhiều. Loại câu này có 2 phao ở đầu câu và cuối câu, có 2 neo lớn bằng sắt hoặc đá ở hai phao.
Ngư dân sử dụng loại câu này với nhiều loại mồi khác nhau. Khi câu cá ngát, cá úc, ngư dân chọn mồi là mực, tôm, hà biển, trùng huyết và còng. Khi câu cá dứa, ngư dân sử dụng mồi chủ yếu là cá và mực đã chết có mùi ươn thối, cùng với trái mắm và trái bần. Cá dứa ăn trái mắm, trái bần vào tháng 9, 10 âm lịch (mùa gió Chướng); từ tháng 2, 3 âm lịch, chúng ăn các loại cá và mực chết có mùi.
Câu giăng được ngư dân sử dụng đánh bắt ở nhiều nơi trên sông và biển, thường thả câu cả ngày lẫn đêm, nhưng hiệu quả vào ban đêm tốt hơn. Ngư dân chủ yếu bắt được các loại cá như cá ngát, cá úc, cá dứa dưới 10kg. Ngư dân dựa vào kinh nghiệm biết được tập tính kiếm ăn của từng loại, nhờ đó sử dụng câu giăng hiệu quả.
- Câu kiều: Là phương pháp bắt cá da trơn như đuối, cá ngát và đôi khi cả cua, mực. Giềng câu có phao nhỏ bằng nhựa (trước đây là gốc cây giá), giềng câu và thẻo câu làm bằng nhợ. Một gấp câu bao gồm nhiều lưỡi câu nối với nhau trên dây chính, một giàn câu có thể có hơn 1.000 lưỡi câu. Khoảng cách giữa các lưỡi câu gần hơn câu giăng, lưỡi câu không có ngạnh, thẻo câu kiều ngắn. Lưỡi câu được làm bằng đồng rất sắc (sau này làm bằng inox), thường được ngư dân mài làm tăng độ sắc, lưỡi câu kiều thường to hơn lưỡi câu giăng .
Loại câu này không cần dùng mồi, ngư dân thường thả câu ở bãi cồn, bãi rạn. Ngư dân phải có kinh nghiệm nhận biết dòng nước chảy và cách thả câu. Dây câu phải được thả sao cho lưỡi câu lơ lửng trong dòng nước mà không chạm đáy biển, từ đó câu bắt cá hiệu quả khi các loài cá di chuyển và săn mồi. Câu kiều chủ yếu đánh bắt từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch, bắt cá da trơn như cá ngát, cá chình, cá đuối. Mặc dù có thu nhập tương đối cao, nhưng công việc này không ổn định vì nó phụ thuộc vào thời tiết, lượng cá trong tự nhiên và các yếu tố khác.
Phương thức đánh bắt bằng cào
- Cào (giã cào): Là cách đánh bắt thủy sản sử dụng ghe có động cơ di chuyển ngược dòng nước, thuận tiện hơn so với phương pháp khác. Trước đây ở Cần Giờ có cào đôi và cào chiếc, nhưng hiện tại ngư dân chỉ còn sử dụng cào chiếc. Phương pháp này cần ít nhất 2 ngư dân tham gia. Hiện có 3 loại lưới cào được sử dụng: cào tôm, cào cá và cào mực. Chúng giống nhau về cấu tạo, chỉ khác nhau về kích thước mắt lưới.
Lưới cào có hình túi hoặc ống, tương tự lưới đáy sông cầu. Cửa miệng lưới mở rộng và dần hẹp đến đụt lưới, chiều dài lưới khoảng 20m. Lưới cào bao gồm dạt lưới, thân lưới, đụt cào và các phụ kiện tạo độ mở cho miệng lưới. Dây cản khẩu thường là dây thừng hoặc dây thép, ván lưới (cặp dép) thường là gỗ hoặc kim loại, giềng phao, giềng chì, dây kéo thường là kim loại hoặc dây thừng.
Lưới cào được làm từ dây nilon, với mắt lưới nhỏ từ trên cửa miệng xuống phần đụt. Phần đụt lưới có hom để giữ lại hải sản. Đụt lưới chịu tải nặng và bị mài mòn bởi đáy biển, thường có áo bao bên ngoài. Dây cản khẩu nằm phía trước cửa miệng cào, giúp tránh rách lưới khi gặp vật cản. Giềng phao ở phía trên nâng miệng cào, còn giềng chì ở phía dưới để lưới bám sát đáy biển. Ván lưới (gọi là dép) tạo độ mở ngang và khoảng cách giữa hai ván quyết định rộng miệng cào quét dưới đáy. Dây kéo cào nối ghe với lưới và đưa lưới cào đến đúng độ sâu khai thác. Ngư dân thường chọn dây kéo có sức mạnh gấp 2 – 3 lần cản của lưới và dòng nước.
Hoạt động đánh bắt bằng cào chiếc diễn ra suốt năm, điều này yêu cầu ngư dân phải có kinh nghiệm về mùa thủy sản trong một năm, địa điểm đánh bắt và loại lưới cào phù hợp. Cào là phương pháp phổ biến tại Cần Giờ. Tùy theo phương tiện, lưới cào và điều kiện nước, ngư dân chọn địa điểm cào thích hợp. Cào dùng lưới với mắt từ 1.2 phân đến 6 phân, có thể bắt được nhiều loại thủy sản như tôm, cua, cá, mực từ nhỏ đến lớn.
Ngư dân chọn loại lưới cào phù hợp với mùa phát triển của thủy sản. Vào mùa mực từ tháng 7 âm lịch đến tháng 9 âm lịch, ngư dân sử dụng lưới cào mực với mắt lưới từ 5 phân đến 1.2 phân, có hom dài 2m. Sau đó, vào tháng 10 âm lịch đến tháng 11 âm lịch, ngư dân chuyển sang cào tôm. Lưới tôm có cấu trúc như lưới cào mực, chỉ khác mắt lưới ở đuôi đụt là 2 phân. Khi hết mùa mực và tôm, ngư dân sử dụng lưới cào cá với mắt lưới ở phần trên là 6 phân và từ hom xuống đuôi đụt là 3 phân. Ngư dân ra biển vào chiều tối hoặc đêm, thu hoạch lưới sau 1 – 2 tiếng khi thả cào. Thời gian thả cào phụ thuộc vào tình hình nước biển, họ thường thả cào vào thời điểm nước chảy không xiết khi bắt đầu thực hiện việc khai thác.
Phương pháp đánh bắt bằng cào cho phép ngư dân thu bắt nhiều loại hải sản như tôm, cua, cá, mực với kích cỡ khác nhau. Phạm vi khai thác của cào rộng, bao gồm nhiều tầng nước trên biển và sông. Mặc dù đem lại thu nhập lớn nhưng cuộc sống của ngư dân không ổn định do phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên.
KẾT LUẬN
Cần Giờ là một vùng đất sớm có con người đến cư trú, lập nghiệp. Ngay từ thuở xa xưa, người dân tại đây đã gắn bó với sông, biển và hoạt động khai thác thủy sản. Trải qua quá trình sinh sống lâu dài trong môi trường ven biển, với những thuận lợi và khắc nghiệt do thiên nhiên mang lại, người dân Cần Giờ nói chung và những ngư dân nói riêng đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm sinh tồn quý giá, mà cách thức chế tạo và sử dụng các loại ngư cụ đánh bắt thuỷ sản là một biểu hiện vật chất cụ thể.
Cư dân Cần Giờ đã thể hiện sự tương tác sâu sắc với môi trường biển bằng những công cụ đánh bắt phong phú, đa dạng; từ công cụ thô sơ đến kết hợp với cơ khí. Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, trong hồi ức của những ngư dân Cần Giờ, trữ lượng thủy sản tại các con sông và biển Cần Giờ còn rất phong phú. Dần dần, môi trường biến đổi, những phương tiện, công cụ đánh bắt thủy sản cũng trải qua sự cải biến về chất liệu và phạm vi sử dụng. Các nguyên liệu truyền thống như gỗ và tre bị thay thế bởi vật liệu mới, điều này ở mức độ nhất định, là sự thể hiện tính linh hoạt, thích nghi của ngư dân theo thời gian và môi trường.
Những biến đổi trong môi trường sống, cùng với những cách thức khai thác mang tính “tận diệt” của ngư dân, đã dẫn đến tình trạng suy giảm nghiêm trọng của nguồn thủy sản. Hiện nay, việc khai thác thủy sản thông qua những phương tiện truyền thống không còn được coi là phương pháp hiệu quả để kiếm sống. Thực tế này dẫn đến việc những phương pháp đánh bắt truyền thống đã bị lãng quên vào quá khứ. Hình ảnh những chiếc thuyền đầy ắp tôm, cua, cá, mực..., hình ảnh những chiếc ghe khẩm mũi vượt sóng dưới ánh nắng rực rỡ nay chỉ còn lại trong ký ức của những ngư dân Cần Giờ.
Cần Giờ gần như là trung tâm của 4 tỉnh thành, chính điều này đã tạo nên một ngư trường tam giác trong phát triển kinh tế khai thác thủy sản: Cần Giờ, Vũng Tàu và Tiền Giang. Tuy nhiên, so với Vũng Tàu và Tiền Giang, ngành đánh bắt thủy sản tại Cần Giờ chưa đạt được sự phát triển mong muốn. Có lẽ vấn đề này liên quan đến việc Cần Giờ cách xa trung tâm dẫn đến hạn chế trao đổi hàng hóa, khó khăn cho phát triển ngành đánh bắt thủy sản. Địa hình thấp, vùng trũng, rừng ngập mặn chỉ phù hợp cho việc sử dụng các phương tiện đánh bắt như ghe và thuyền nhỏ.
Tuy nhiên, với tiền đề hiện tại và tiềm năng của vùng, có thể kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ hơn của ngành khai thác thủy sản tại Cần Giờ trong tương lai. Để thực hiện điều này, Cần Giờ cần có những chính sách, khuyến khích sự đổi mới trong cách ngư dân tiếp cận công việc khai thác biển. Ý thức của ngư dân trong khai thác thủy sản trên địa bàn cũng cần được nâng cao, thay đổi thói quen đánh bắt bằng cách kết hợp ngư cụ truyền thống và các thiết bị hiện đại. Điều này có thể giúp nâng cao thu nhập và cuộc sống của người dân tại vùng này, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương và quốc gia.
LỜI CẢM ƠN
Chúng tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc tới những tâm huyết, những gương mặt đáng quý đã đồng hành cùng chúng tôi để mang đến thông tin quý báu cho bài viết này: chú Phan Văn Chấn (Cần Thạnh – Cần Giờ), chú Lê Văn No (Cần Thạnh – Cần Giờ), chú Phạm Văn Tốt (Cần Thạnh – Cần Giờ), anh Lê Thành Công (Lý Nhơn – Cần Giờ), chị Phạm Thị Mỹ Hương (Lý Nhơn – Cần Giờ), và em Phạm Văn Sĩ (Cần Thạnh – Cần Giờ).
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Nhóm tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan tới nghiên cứu này.
ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ
Nhóm tác giả tiến hành khảo sát thực địa; tìm hiểu lịch sử, môi trường cảnh quan sinh thái vùng biển Cần Giờ; tiếp xúc, trao đổi với những cư dân hiện sinh sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trên địa bàn huyện Cần Giờ. Bằng tư liệu thực địa, tác giả đã phác hoạ phương thức đánh bắt hải sản của ngư dân Cần Giờ với các loại hình ngư cụ mang tính truyền thống, phổ biến, gắn bó lâu đời với ngư dân nơi đây. Qua việc khảo tả ngư cụ và phương thức đánh bắt hải sản, tác giả đồng thời giới thiệu những tri thức bản địa phong phú của những cư dân Cần Giờ được tích luỹ bao đời nay từ quá trình bám biển, khai thác biển. Trong nghiên cứu này, tác giả cũng chỉ ra những biến đổi của công cụ hoặc phương thức đánh bắt hải sản truyền thống của địa phương, từ đó có thể liên hệ đến các chính sách về bảo vệ môi trường, kiến tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân ven biển Cần Giờ.
PGS.TS. Trần Thị Thái Hà: Sưu tầm tài liệu; Hệ thống, phân loại tư liệu; Lập đề cương; Sửa bản thảo và viết lần 2.
Học viên Phạm Văn Dũng: Sư tầm tài liệu; Thực hiện nội dung khảo sát, thực địa; Viết bản thảo lần 1.
References
- Nguyễn Thị Hậu, Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr. 29. . ;:. Google Scholar
- Trần Văn Giàu-Trần Bạch Đằng, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh Tập 1. Lịch sử, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1998. . ;:. Google Scholar
- Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 32-33. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Thị Hậu, Văn hóa khảo cổ học huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr. 78. . ;:. Google Scholar
- Đặng Văn Thắng và NNK, Khảo cổ tiền sử và sơ sử Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Trẻ, 1998, tr. 55. . ;:. Google Scholar
- Nguyễn Nghị-Nguyễn Thanh Long, Địa lí học: Tự nhiên, Kinh tế & Lịch sử Nam kỳ tập III, Chuyên khảo về tỉnh Gia Định, Nxb. Trẻ, 2017, tr. 108. . ;:. Google Scholar
- Phan Văn Chấn, Tư liệu Lăng Ông Thủy Tướng-thị trấn Cần Thạnh-huyện Cần Giờ, Tư liệu viết tay, 2023, ngày 7/7/2023. . ;:. Google Scholar