VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Commentaries

HTML

327

Total

139

Share

The Vietnam and the United States non-traditional security cooperation in the maritime capability buidling for Vietnam (2009-2021)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The bilateral relations between Vietnam and the United States since the end of the Vietnam War in 1975 have undergone many drastic changes and development. Looking back at the development of relations between the two countries, one of the areas contributing to the increased strategic nature of the relations is the non-traditional security cooperation. By delving into the realms of the non-traditional security, both countries enhance their diplomatic, political, and strategic proximity in general. This article examines the reasons why Vietnam and the United States have promoted the non-traditional security cooperation, specifically in maritime, over the past 10 years. To explain this, the article considers two factors. First, from the perspective of the realist theory of “covert balancing”, it is how big countries approach small countries and in parallel, small countries increase their capacity. At the same time, it is a strategic calculation when Vietnam and the United States promote the non-traditional security cooperation. Enhancing cooperation in this area keeps the bilateral relations at a low-key level but still promotes the strategic aspect of cooperation. From this perspective, the second factor is that Vietnam strategically leverages this collaboration to bolster maritime capabilities, particularly in the areas contributing to the defense capacity growth during the period spanning 2009 to 2021.

DẪN NHẬP

Nghiên cứu hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống thường là một phần thảo luận trong các nghiên cứu về quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh và quốc phòng giữa hai nước. Bài viết này tiếp nối các thảo luận về hợp tác an ninh phi truyền thống giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây từ 2009 đến 2021. Đồng thời, để xem xét yếu tố gia tăng năng lực của Việt Nam và khía cạnh chiến lược trong quan hệ hai nước, bài viết xem xét các kết quả hợp tác an ninh phi truyền thống trên lĩnh vực hàng hải. Bài viết chia làm hai phần chính: Phần đầu sẽ thảo luận sự lựa chọn hợp tác an ninh phi truyền thống của Việt Nam và Hoa Kỳ là tính toán cân bằng sức mạnh ngầm của hai bên; Phần hai sẽ thảo luận lĩnh vực hợp tác an ninh phi truyền thống trên lĩnh vực cứu trợ cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai đã góp gia tăng năng lực hàng hải của Việt Nam từ năm 2009-2021.

Đầu tiên, bài viết sẽ điểm qua các công trình nghiên cứu trước đây đã đề cập hợp tác an ninh phi truyền thống giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tiến trình quan hệ hai nước trong thời gian qua.

Tác phẩm Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ hướng về phía trước do tác giả Nguyễn Mại chủ biên đã trình bày quan hệ hai nước từ khi kết thúc chiến tranh đến những năm đầu thế kỷ 21. Trong phần thảo luận về lĩnh vực quan hệ quốc phòng an ninh hai nước, nhóm tác giả tổng kết rằng hai bên đã và đang mở rộng các lĩnh vực mới như tham gia các hoạt động hợp tác đa phương trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai. Việt Nam cần đổi mới tư duy và quan điểm chủ động trong vấn đề này và đây sẽ là lĩnh vực mang lại lợi ích cho Việt Nam, giảm tính nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ 1 . Nhận định của nhóm tác giả trong công trình này cũng đã được các nhà nghiên cứu khác cùng chia sẻ như tác giả Lê Văn Cương (2003), Lê Linh Lan (2005), Nguyễn Thái Yên Hương (2008) và Ngô Xuân Bình (2014): Các lĩnh vực hợp tác liên quan đến an ninh trong giai đoạn đầu thế kỷ 21 vẫn tiếp tục tập trung vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, kinh tế và các vấn đề phát triển 2 , 3 , 4 , 5 . Các tranh luận về hợp tác an ninh phi truyền thống xuất hiện thường xuyên hơn kể từ khi chính quyền Mỹ dưới thời kỳ Tổng thống Barack Obama có những bước thay đổi trong chiến lược tại khu vực châu Á [ 6 , tr. 1]. Những tiến bộ trong hợp tác an ninh – quốc phòng nói chung và an ninh phi truyền thống với Hoa Kỳ nói riêng xuất phát từ chính sách ngoại giao đa phương mà Việt Nam theo đuổi cũng như nỗ lực cân bằng mối quan hệ giữa các cường quốc lớn 7 , 8 . Theo các tác giả Joseph M. Siracusa và Hằng Nguyễn trong bài “Vietnam – U.S. Relations: An Unparalleled History” [Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Một lịch sử chưa từng có]; Murray Hierbert, Phuong Nguyen và Poling trong “A New Era in U.S.-Vietnam Relations: Deepning Ties Two Decades after Normalization” [Kỷ nguyên mới trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam: Củng cố quan hệ hai thập kỷ từ khi bình thường hóa], trong tương lai, hai nước cần phải đầu tư nhiều cho mối quan hệ đối tác này ở cả ba trụ cột là chính trị và an ninh, thương mại và đầu tư và ngoại giao nhân dân 6 , 9 . Với nhận định này, ta nhận thấy quan hệ hai nước còn quá nhiều lĩnh vực và khoảng cách cần cải thiện, thúc đẩy để tiến đến mối quan hệ sâu rộng. Như vậy, an ninh phi truyền thống là lĩnh vực tiềm năng để hai bên tiến hành hợp tác.

Với Biên bản ghi nhớ Tăng cường Hợp tác Quốc phòng song phương Mỹ – Việt được kí năm 2011, Hoa Kỳ nhấn mạnh việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng và củng cố khả năng trong công tác gìn giữ hòa bình và cứu hộ thiên tai. Bên cạnh đó, khi các hành động của Trung Quốc gây gia tăng căng thẳng tranh chấp trên Biển Đông thì Hoa Kỳ cũng chú ý và tăng cường sự hiện diện ở khu vực nhằm đảm bảo lợi ích và quyền tự do đi lại trên biển của mình 10 . Các tác giả Nguyễn Vũ Tùng và Tô Anh Tuấn dựa trên góc độ lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực trong bài viết “Xu hướng tập hợp lực lượng ở khu vực và trên thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam” đề xuất để giảm thiểu tác động tiêu cực từ cạnh tranh nước lớn, Việt Nam cần chủ động tạo thế đứng trong ba xu thế tập hợp lực lượng chủ đạo ở khu vực, gồm “phù thịnh”, “cân bằng lực lượng” và “phòng bị nước đôi”. Kết luận của hai tác giả là Việt Nam cần phải nâng cao năng lực tự thân để đề phòng biến động trong quan hệ Mỹ – Trung 11 . Một điểm đáng lưu ý nữa là trong quan hệ hai nước, Việt Nam hiện đang rơi vào tình trạng lưỡng nan trong quan hệ chiến lược và quân sự khi Việt Nam không đủ tài chính để chi tiêu quốc phòng dù có nhận được vũ khí giá rẻ hoặc tài trợ của các cường quốc để mua vũ khí hiện đại từ các đối tác như Mỹ. Để đối phó với tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam càng ưu tiên tập trung hiện đại hóa hàng hải và hàng không, do vậy, các hạng mục quốc phòng còn lại sẽ trở nên lạc hậu 12 . Nghiên cứu quá trình phát triển quan hệ an ninh quốc phòng Việt – Mỹ, bài viết của Dang Cam Tu và Hang Thi Thuy Nguyen “Understanding the U.S. – Vietnam security relationship 2011-2017” [Tìm hiểu quan hệ an ninh Việt Nam – Hoa Kỳ giai đoạn 2011-2017] trình bày tiến trình phát triển mối quan hệ này kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước đến năm 2017 13 . Tương tự như các nghiên cứu trước, các tác giả Dang Cam Tu, Hang Thi Thuy Nguyen cũng chỉ ra những hạn chế và tiềm năng phát triển quan hệ an ninh, quốc phòng, sự khác biệt giữa hai bên về mặt chính trị, ảnh hưởng của quá khứ từ cuộc chiến tranh giữa hai nước, nhân tố Trung Quốc, quá trình xây dựng lòng tin, mối lo ngại của Việt Nam về các hoạt động diễn biến hòa bình, và các cam kết thực sự từ phía Mỹ. Những nhận định này không mới, nhưng cho thấy đây là quan điểm truyền thống mà các nhà nghiên cứu thường chia sẻ với nhau. Nếu đánh giá từ góc độ này, có thể thấy hợp tác an ninh phi truyền thống sẽ là lĩnh vực khả thi để Việt Nam lựa chọn và tranh thủ mọi sự viện trợ để gia tăng năng lực cho quốc gia hiện nay.

Cùng chia sẻ mối quan tâm về hợp tác an ninh phi truyền thống giữa Việt Nam và Hoa Kỳ như các nghiên cứu trước đây, bài viết sẽ tiếp cận vấn đề dựa trên lý thuyết cân bằng quyền lực để lý giải động lực hai bên thúc đẩy hợp tác an ninh phi truyền thống trong giai đoạn từ 2009 đến 2021. Bài viết gồm hai phần: Thứ nhất, hợp tác an ninh phi truyền thống là cách thức hai bên lựa chọn để gia tăng khả năng cân bằng sức mạnh ngầm trước bối cảnh cạnh tranh quyền lực tại khu vực. Theo lý thuyết về cân bằng quyền lực ngầm, đây là cách nước lớn tiếp cận nước nhỏ và song song đó nước nhỏ gia tăng năng lực; từ đó hai bên củng cố quan hệ chiến lược. Thứ hai, bài viết trình bày các kết quả hợp tác an ninh phi truyền thống, đặc biệt trên lĩnh vực hàng hải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 2009-2021. Đây là lĩnh vực vừa góp phần gia tăng năng lực cho Việt Nam, vừa mang tính chiến lược cho mối quan hệ hai bên. Giai đoạn 2009-2021 sẽ tương ứng với hai giai đoạn: hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama (từ 2009 đến 2016), và thời kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump (từ 2017 đến 2021). Việc lựa chọn hai mốc thời gian này vừa để cho thấy sự thay đổi chính sách từ phía Mỹ, và vừa để lý giải tại sao Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau trong hợp tác an ninh phi truyền thống khi đặt trong khung lý thuyết về cân bằng quyền lực ngầm. Bài viết sẽ áp dụng phương pháp nghiên cứu truy hồi quá trình. Với hai lập luận trên, bài viết xem xét toàn bộ quá trình hai bên tiến hành hợp tác an ninh phi truyền thống dựa trên các văn bản, tuyên bố và chính sách của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời, bài viết chú ý vào các kết quả đạt được trong lĩnh vực hợp tác hàng hải mà hai bên đã công bố. Từ đó, bài viết cho thấy mối liên hệ giữa lập luận cân bằng ngầm với thực tế hợp tác an ninh phi truyền thống trong giai đoạn 2009-2021.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Hợp tác an ninh phi truyền thống: sự lựa chọn cân bằng ngầm của hai bên:

Theo cách hiểu thông thường, khái niệm an ninh phi truyền thống sẽ không chỉ tập trung góc nhìn an ninh theo quan điểm lấy quốc gia làm trung tâm, tập trung vào an ninh quân sự và các vấn đề an ninh truyền thống như lãnh thổ. Về mặt lịch sử, khái niệm này phát triển từ giai đoạn hậu thực dân và xuất phát từ những vấn đề bất ổn ở những quốc gia đang phát triển khu vực Nam bán cầu. Sự phát triển khái niệm này góp phần nghiên cứu an ninh gần hơn với những thách thức đương đại ảnh hưởng đến an ninh của người dân ở các nước đang phát triển. Sự phát triển nghiên cứu an ninh phi truyền thống được đẩy mạnh ở châu Á khi các học giả, các viện nghiên cứu ở khu vực đã tạo nên mạng lưới nghiên cứu an ninh phi truyền thống từ giai đoạn giữa thập niên đầu thế kỷ XXI. Caballero-Anthony định nghĩa: “An ninh phi truyền thống” tập trung vào những mối đe dọa phi quân sự, những mối đe dọa này có những đặc điểm như sau: Đây là các mối đe dọa xuyên quốc gia và không xuất phát từ cạnh tranh giữa các quốc gia hay dịch chuyển cân bằng quyền lực mà đến từ các vấn đề kinh tế chính trị - xã hội. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như khan hiếm nguồn lực, di cư trái phép dẫn đến sự bất ổn định chính trị và xã hội từ đó đe dọa đến an ninh truyền thống. Bên cạnh đó là những mối đe dọa như biến đổi khí hậu do con người tác động đến sự cân bằng của thiên nhiên và gây ra hậu quả nghiêm trọng đến xã hội và các quốc gia. Để đối phó với các vấn đề này, các giải pháp ở cấp độ quốc gia thường không đủ, do đó, cần đến sự hợp tác đa phương và khu vực. Bởi lẽ, các đối tượng chịu tác động của an ninh không chỉ là quốc gia (như chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ) mà còn là người dân (sự tồn tại, thịnh vượng và nhân phẩm) từ cấp độ cá nhân đến xã hội 14 .

Erin Zimmerman trong thảo luận về việc quản trị khu vực đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống cho rằng có hai đặc điểm giải thích tại sao các vấn đề an ninh phi truyền thống là chất xúc tác giúp tăng cường hợp tác khu vực. Thứ nhất là đặc tính “xuyên biên giới”/ “xuyên quốc gia” của vấn đề an ninh phi truyền thống đem đến cơ hội cho các nước tìm thấy được mục đích chung để làm việc cùng nhau dù các nước có khác nhau về mức độ phát triển, ngôn ngữ, văn hóa, thể chế. Mối quan tâm chung đến các vấn đề an ninh phi truyền thống trở thành thách thức để các quốc gia cùng nhau làm việc và những nỗ lực cùng nhau đối mặt với thách thức an ninh phi truyền thống giữa các nước trong khu vực sẽ mang đến sự ổn định cho khu vực đó. Thứ hai, các vấn đề an ninh phi truyền thống thường không nhạy cảm như các vấn đề liên quan đến chiến lược và quốc phòng. Việc tăng cường hợp tác trong các vấn đề như dịch bệnh, môi trường góp phần quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và thúc đẩy xây dựng cộng đồng khu vực nói chung. Đó là lí do tại sao mà sự tiến bộ trong hợp tác an ninh khu vực ở châu Á đều diễn ra ở các vấn đề an ninh phi truyền thống như Giảm nhẹ Thiên tai và Cứu trợ Nhân đạo (Disaster Relief & Humanitarian Assistance) – đây là lĩnh vực hợp tác giúp gia tăng năng lực và biện pháp xây dựng lòng tin 15 .

Mặt khác, trong thảo luận lý thuyết, việc lựa chọn hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống cũng là chiến lược cân bằng trước cạnh tranh quyền lực. Quan điểm này phản ánh tư duy truyền thống của chủ nghĩa hiện thực. Theo chủ nghĩa hiện thực, trước sự cạnh tranh của các cường quốc, những nước yếu thế hơn/ nhỏ hơn sẽ đối mặt với hai sự lựa chọn chính: cân bằng sức mạnh để chống lại cường quốc xét lại – thường là lựa chọn liên minh với cường quốc hiện tại; “phù thịnh” với cường quốc xét lại. Từ đây có thể thấy cường quốc hiện tại sẽ có hai lựa chọn tương ứng. Lựa chọn đầu tiên là tận dụng quan hệ với nước nhỏ để cân bằng quyền lực với cường quốc xét lại hay đơn giản là bỏ qua “lòng trung thành” của nước nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có một lựa chọn nữa cho nước nhỏ hơn là chiến lược “phòng ngừa rủi ro” (hay ngoại giao nước đôi) [hedging] nhằm duy trì thế cân bằng trước sự cạnh tranh quyền lực. Nước nhỏ sẽ lựa chọn nước đi này khi họ cảm thấy bị đe dọa bởi cường quốc xét lại nhưng đồng thời cũng không chắc chắn về khả năng hay thiện chí của cường quốc hiện tại [ 16 , tr. 464]. Nỗ lực cân bằng – theo lý thuyết – thường được chia thành hai dạng là cân bằng nội bộ và cân bằng bên ngoài. Cân bằng nội bộ nghĩa là quốc gia tăng cường sức mạnh quân sự thông qua việc huy động và khai thác nguồn lực trong nước. Cân bằng bên ngoài là việc tìm kiếm hay củng cố quan hệ liên minh với các nước khác để đối đầu với mối đe dọa. Một dạng thức cân bằng khác gần đây được nói đến là “cân bằng mềm” [soft balancing] hay chiến lược nêm [wedge strategy]. Trong cân bằng mềm, quốc gia sẽ sử dụng các công cụ như thể chế quốc tế, chiến thuật kinh tế hay các thỏa thuận ngoại giao phục vụ cho các mục tiêu cân bằng của mình. Còn trong chiến lược nêm, quốc gia sẽ ngăn chặn việc hình thành các liên kết mang tính thù địch hay đối đầu hoặc làm suy yếu các liên minh (thù địch) hiện có.

Để hiểu được tác động của nước nhỏ đến sự điều chỉnh chính sách của nước lớn trong cạnh tranh quyền lực, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực Hoa Kỳ – Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hugo Meijer và Luis Simón lập luận rằng nước lớn sẽ điều chỉnh hành vi theo hai kiểu là: cân bằng mở [overt balancing] và cân bằng ngầm [covert balancing]. Trong các trường hợp “cân bằng mở”, các nước sẽ thường xuyên đầu tư vào mối quan hệ đồng minh hoặc đối tác an ninh để gia tăng sức mạnh chiến đấu từ không quân, hải quân, lục quân, căn cứ quân sự, phát triển các hệ thống tên lửa phòng thủ. Ví dụ như trường hợp hệ thống đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Âu trong thời kỳ chiến tranh Lạnh chống lại Liên Xô. Hoa Kỳ và đồng minh tăng cường năng lực và vị trí nhằm ngăn chặn lẫn tối đa hóa sức mạnh chiến đấu trước Liên Xô. Ngược lại, “cân bằng ngầm” là sử dụng các mối quan hệ đối tác an ninh hay đồng minh làm sao để không cho thấy là các bên đang nhắm đến việc cân bằng sức mạnh với đối thủ. Việc hợp tác trên các lĩnh vực như an ninh phi truyền thống hay cùng hợp tác xử lý các mối đe dọa đến từ một quốc gia khác – những lĩnh vực này không trực tiếp liên quan đến việc đối đầu với cường quốc đang lên – góp phần giúp gia tăng khả năng cân bằng sức mạnh trong cạnh tranh quyền lực ở góc độ hỗ trợ hậu cần cho nhau hơn là tăng cường năng lực chiến đấu như cân bằng mở kể trên [ 16 , tr. 463-481]. Các lĩnh vực an ninh phi truyền thống này thường là cứu trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai, tăng cường năng lực hàng hải, điều này sẽ tạo điều kiện cho nước lớn tiếp cận các cơ sở quân sự hay trao đổi thông tin với nước nhỏ. Việc hợp tác này diễn ra không thường xuyên nhưng sẽ liên tục hàng năm. Thông thường, khi nước nhỏ có khuynh hướng chọn chiến lược phòng ngừa rủi ro thì nước lớn sẽ tận dụng kiểu cân bằng ngầm để hợp tác với nước nhỏ. Nhìn từ góc độ này, Hoa Kỳ – nước lớn – sẽ có động lực hợp tác với Việt Nam thông qua các chương trình liên quan đến an ninh phi truyền thống. Một mặt, Hoa Kỳ gia tăng mối quan hệ với Việt Nam để hai bên xích lại gần nhau hơn và không gây ra sự chú ý. Mặt khác, Hoa Kỳ sẽ không đẩy những nước nhỏ như Việt Nam vào tình huống khó xử trước cạnh tranh quyền lực Mỹ – Trung ở khu vực.

Đối với Việt Nam, Sách trắng Quốc phòng công bố năm 2019 xác định các vấn đề an ninh phi truyền thống bao gồm : khủng bố, buôn bán và vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, di cư bất hợp pháp, thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai… Tình trạng biến đổi dòng chảy ở các con sông xuyên biên giới do tác động của con người gây bất lợi cho Việt Nam, tác động đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh môi trường và đời sống của hàng triệu người dân ở địa phương . Đồng thời, Việt Nam xác định “Giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống là ưu tiên trong hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giơi; nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác, cả song phương và đa phương để phòng ngừa, đối phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống và khắc phục hậu quả chiến tranh” 17 . Về mặt định nghĩa, vấn đề an ninh phi truyền thống của Việt Nam không có nhiều khác biệt so với định nghĩa học thuật. Từ đây, Việt Nam có cơ sở triển khai các hoạt động hợp tác và tận dụng nguồn lực lẫn đầu tư từ các đối tác song phương và đa phương để đối mặt với thách thức này.

Trên thực tế, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Tuy nhiên, bài viết sẽ phân tích việc hợp tác an ninh phi truyền thống trên lĩnh vực hàng hải vì đây là lĩnh vực vừa góp phần gia tăng năng lực cho Việt Nam vừa thúc đẩy khía cạnh hợp tác an ninh chiến lược của cả hai nước.

Hợp tác an ninh phi truyền thống trên lĩnh vực gia tăng năng lực hàng hải cho Việt Nam

Giai đoạn 2009-2016

Giai đoạn này chứng kiến nhiều thay đổi trong quan hệ hai nước. Xét về mặt ngoại giao, các chuyến thăm cấp cao cũng như đồng cấp giữa hai bên trong giai đoạn này diễn ra thường xuyên hơn. Trong năm 2009, Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã có chuyến thăm Hoa Kỳ và làm việc với Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (U.S. Pacific Command). Đây là chuyến thăm thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đến Hoa Kỳ và mang tính biểu tượng cho mong muốn tăng cường hợp tác song phương hai bên. Table 1 liệt kê các cuộc viếng thăm cấp cao giữa hai nước liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng trong giai đoạn 2009-2016.

Table 1 Các cuộc viếng thăm cấp cao quan trọng liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai bên trong giai đoạn 2009-2016

Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ vào tháng 07/2013 18 . Về liên lạc đối thoại giữa hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường đối thoại và tư vấn cấp cao về các vấn đề an ninh thường xuyên. Đến tháng 10/2008, cơ chế đối thoại quốc phòng giữa hai nước hàng năm trước đây được nâng cấp thành cơ chế đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng [Vietnam – U.S. Political, Security, and Defense Dialogue]. Các vấn đề an ninh phi truyền thống được hai bên thảo luận như không phổ biến vũ khí, chống khủng bố và phòng chống ma túy, giải quyết hậu quả chiến tranh, cứu trợ nhân đạo 19 . Năm 2010, Quyền Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Scher và Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã gặp nhau tại Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp thứ trưởng lần đầu (Defense Policy Dialogue). Đến lần tổ chức thứ hai, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ Tăng cường Quan hệ Quốc phòng song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (MOU on Advancing Bilateral Defense Cooperation) năm 2011, đề ra năm lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa hai bên, đó là : (i) đối thoại cấp cao thường xuyên; (ii) an ninh hàng hải; (iii) tìm kiếm và cứu nạn; (iv) cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai và (v) hoạt động gìn giữ hòa bình. Tuyên bố năm 2013 về “Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam” và Tuyên bố chung trong các cuộc gặp giữa các lãnh đạo hai bên năm 2015; 2016; tháng 05 và tháng 07 năm 2017 là những văn bản quan trọng cho hai bên triển khai các hoạt động hợp tác an ninh phi truyền thống. Trong tuyên bố “Quan hệ Đối tác Toàn diện”, Hoa Kỳ thể hiện các cam kết ở khu vực và cung cấp cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm quan hệ chính trị ngoại giao, thương mại và kinh tế, quốc phòng và an ninh, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, môi trường sức khỏe, hỗ trợ nhân đạo/giảm nhẹ thiên tai, các vấn đề hậu quả chiến tranh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, hợp tác văn hóa, du lịch và thể thao 20 . Tháng 06 năm 2015, hai nước ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác Quốc phòng. Các kết quả trên tạo cơ chế mở rộng hợp tác an ninh phi truyền thống Việt Nam – Hoa Kỳ.

Với lĩnh vực an ninh hàng hải, đáng chú ý là các chương trình giao lưu, đào tạo và huấn luyện giữa lực lượng quân đội hai nước và tài trợ cơ sở vật chất của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam. Hai bên duy trì Hoạt động Giao lưu Hải quân thường niên (Naval Engagement Activity) nhằm tập trung vào các hoạt động phi tác chiến giữa hai bên như các buổi thảo luận về quân y và luật hàng hải, các buổi trao đổi chuyên môn, y tế, kiểm soát thiệt hại trên tàu. Các hoạt động này được nâng cấp hơn khi các chiến hạm hải quân và tàu tác chiến gần bờ của Hoa Kỳ đã ghé Đà Nẵng lần đầu kể từ năm 2015 và liên tục ghé thăm những năm tiếp theo 21 , 22 . Ngoài những chuyến thăm mang tính biểu tượng như trên, Việt Nam đã có những bước đi đáng chú ý khi gửi quan sát viên đến cuộc tập trận RIMPAC trong hai năm 2012 và 2016.

Thông qua các hoạt động trên, Hoa Kỳ và Việt Nam có cơ hội tiếp xúc thường xuyên và trao đổi trực tiếp góp phần cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất hơn. Đồng thời, Mỹ giúp tăng cường năng lực cho Việt Nam trong các công tác cứu trợ cứu nạn như trong các Tuyên bố hai bên đã đề cập. Hai bên lần đầu tiên triển khai hoạt động diễn tập tìm kiếm và cứu nạn vào tháng 4/2014 khi tàu USS John S. McCain ghé thăm Đà Nẵng. Hai bên đã cùng tổ chức các buổi làm việc và trao đổi kỹ năng, huấn luyện tìm kiếm và cứu nạn – chương trình này một phần nằm trong Hoạt động Giao lưu Hải quân thường niên. Tàu USS John. McCain đã cùng tàu Việt Nam HQ-862 diễn tập tình huống cứu tàu gặp nạn, hai bên huấn luyện trao đổi thông tin, ra dấu hiệu cờ, phương án tìm kiếm, xác định tàu gặp nạn giữa các thủy thủ hai bên 23 . Việt Nam đã cho phép Hoa Kỳ cùng các nước đối tác (Úc, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Peru, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Anh) thực hiện Chương trình Pacific Partnership tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Nghệ An hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai ở khu vực. Năm 2014, các chuyên viên của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, ứng phó cháy nổ và sập nhà do Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn Việt Nam đã làm việc với đoàn Vệ binh Quốc gia Tiểu bang Oregon liên quan đến vấn đề quản lý tình trạng khẩn cấp và phản ứng nhanh. Việt Nam đã tham quan các cơ quan, đơn vị quản lý tình trạng ứng phó, quản lý tình trạng khẩn cấp ở Oregon, Hoa Kỳ. Chương trình Đối tác Bang được phê chuẩn bởi Cơ quan Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ nhằm thiết lập sự gắn kết giữa những nền dân chủ mới nổi với lực lượng vệ binh quốc gia tại các tiểu bang Hoa Kỳ. Chương trình này nhằm tăng cường cam kết với các quốc gia đối tác trên các mặt quân sự ở cấp địa phương, tiểu bang và quốc gia 24 . Tháng 10/2015, hai bên ký kết biên bản làm việc giữa Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Việt Nam và lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Oregon, Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn năm 2016 và những năm tiếp theo tại Hà Nội 25 . Các hoạt động huấn luyện, diễn tập diễn ra thường niên nhằm giúp phối hợp và tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên trong việc tìm kiếm cứu nạn đô thị, kiểm soát và chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, cải thiện khả năng ứng phó đối với các mối đe dọa về hóa sinh, phóng xạ, hạt nhân, chất nổ 26 . Trong dịp này, đoàn Vệ binh Quốc gia bang Oregon đã cắt băng khánh thành trường trung học cơ sở Phú Thịnh thuộc tỉnh Quảng Nam. Đây là trường học do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ tài trợ và giúp tạo nơi trú ẩn khi có tình uống thiên tai xảy ra 27 . Tháng 08/2017, đoàn Vệ binh Quốc gia Oregon sang Hà Nội và cùng tham gia huấn luyện phản ứng trước mối đe dọa hóa học trong chương trình Hoạt động quản lý Thiên tai 28 . Đến tháng 5/2019, Chương trình Pacific Partnership hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai ở khu vực đã diễn ra hai tuần ở Phú Yên, đánh dấu 10 năm Mỹ triển khai hoạt động này ở Việt Nam 29 .

Giai đoạn 2017-2021

Tháng 11 năm 2017, trong chuyến thăm Việt Nam nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC của Tổng thống Donald Trump, hai bên đã tuyên bố Kế hoạch hành động Hợp tác Quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam (2018-2020). Trên thực tế, ngoại trừ Biên bản ghi nhớ Tăng cường Quan hệ Quốc phòng song phương Việt Nam – Hoa Kỳ được phát hành công khai, các văn bản còn lại hiện không rõ nội dung cụ thể. Trong năm 2018 và 2019, đã có nhiều chuyến viếng thăm cấp cao giữa những người đứng đầu hai nước. Đây là một chỉ dấu đáng chú ý cho thấy sự quan tâm của hai bên dành cho nhau, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Các nhà lãnh đạo và đại diện về các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và chiến lược của Hoa Kỳ đều đặn sang thăm Việt Nam trong giai đoạn này. Tháng 1 năm 2018 và tháng 10 năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có chuyến thăm Việt Nam và gặp gỡ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và người đồng cấp Việt Nam – Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Trong thông cáo báo chí thông báo những vấn đề hai bên cùng thảo luận có nhắc đến hoạt động hợp tác an ninh phi truyền thống là tìm kiếm và cứu nạn và hợp tác cùng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc 30 . Chuyến thăm lần thứ hai vào tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thể hiện “sự tiếp tục ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, có đóng góp cho an ninh quốc tế…chúng ta có thể mở rộng hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và cả thế giới” 31 . Tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper thăm Việt Nam và tiếp tục nhấn mạnh các cam kết của Hoa Kỳ ở khu vực cũng như quan điểm vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập có đóng góp cho an ninh quốc tế và thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, thông điệp về an ninh hàng hải, về chủ quyền về quyền tự do đi lại trên biển và vì lợi ích phát triển kinh tế được nhấn mạnh trước các thách thức của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay 32 . Đồng thời, Esper nhấn mạnh đến việc duy trì trật tự hiện nay để cùng nhau đối mặt với những thách thức ở khu vực và Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng lẫn đang lên trong hợp tác với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ cùng làm việc chặt chẽ với Việt Nam để cùng đối mặt với những thách thức này 33 . Ông cũng thông báo Hoa Kỳ sẽ chuyển giao tàu tuần duyên hạng nặng lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện mang tính biểu tượng cho mối quan hệ toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tăng cường khả năng tìm kiếm và cứu nạn của lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam. Hoa Kỳ và Việt Nam có lợi ích cùng chia sẻ về an ninh biển, hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai. Một khi tăng cường được năng lực trên các lĩnh vực này, Việt Nam sẽ gia tăng khả năng để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên của chính mình 32 . Môi trường an ninh khu vực và một mối quan hệ quốc phòng phát triển – là hai chủ đề mà Hoa Kỳ thường xuyên nhắc đến trong mối quan hệ với các đối tác an ninh khu vực Đông Nam Á ở giai đoạn này. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo này trong quan hệ với Hoa Kỳ. Table 2 liệt kê các chuyến thăm giữa hai nước trong giai đoạn 2017-2021. Danh sách chuyến thăm ở giai đoạn này cho thấy các cuộc gặp và trao đổi giữa Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra thường xuyên và liên tục hơn giai đoạn trước.

Table 2 Các cuộc viếng thăm cấp cao quan trọng liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai bên trong giai đoạn 2017-2021

Năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên gửi tám sĩ quan tham dự tập trận hải quận RIMPAC theo lời mời của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ 34 . Hoa Kỳ đã chuyển giao sáu xuồng tuần tra Metal Shark loại Defiant 45 cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Quảng Nam, vùng 2 ngày 22/5 năm 2017 35 . Đến tháng 3/2019, Hoa Kỳ bàn giao tiếp sáu xuồng tuần tra Metal Shark cho Khánh Hòa – vùng 3. Các tàu tuần tra này giúp tăng cường năng lực chấp pháp trong các vấn đề như chống buôn lậu, cướp biển, đánh bắt trái phép và tăng cường hoạt động tuần tra cứu nạn, ứng phó nhân đạo trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 36 . Trong năm 2017, theo Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (Excess Defense Articles) và Tài trợ quân sự nước ngoài (Foreign Military Financing), Hoa Kỳ đã chuyển giao tàu USCG Morgenthau lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam – và được đổi tên thành CSB-8020 37 . Bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam nhận viện trợ theo chương trình SAMSI (Southeast Asia Maritime Security Initiative), chương trình giúp cải thiện và tăng cường năng lực nhận thức khu vực trên biển của Việt Nam (Maritime Domaine Awareness) và gia tăng sự hiện diện của các đối tác trên các vùng biển lẫn duy trì các quy tắc và luật pháp quốc tế 38 . Viện trợ từ các chương trình MSI dành cho Việt Nam từ năm 2015-2018 là khoảng 18 tỷ đô-la Mỹ. Chương trình còn giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng để có thể mở rộng mạng lưới hợp tác chia sẻ thông tin và điều phối trong các hoạt động an ninh hàng hải ở Biển Đông. Tháng 4 năm 2021, Hoa Kỳ đã bàn giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam vùng III Khánh Hòa gồm trung tâm huấn luyện, xưởng bảo dưỡng tàu và hạ tầng cảng biển giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển 39 .

KẾT LUẬN

Bài viết đã phân tích tại sao Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác an ninh phi truyền thống trong những năm 2009-2021. Yếu tố thứ nhất là khi nhìn vào cách tiếp cận cân bằng sức mạnh ngầm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, an ninh phi truyền thống trở thành lĩnh vực hợp tác khả dĩ cho cả hai bên. Một mặt Hoa Kỳ sẽ củng cố mối quan hệ với các nước nhỏ – như Việt Nam – ở khu vực và tránh sự đối đầu hay gây ra những e dè nghi ngại. Mặt khác, Việt Nam cũng thể hiện sự kiên định trong chính sách tự chủ và trung lập, đồng thời tận dụng các cơ hội phát triển năng lực khác nhau. Từ điểm này, ta cũng có thể thấy cách thức triển khai quan hệ với Việt Nam thể hiện tầm nhìn của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong giai đoạn 2009-2021, Hoa Kỳ có sự thay đổi chiến lược và chú ý đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ và Việt Nam dần có cùng mối quan tâm và sự chia sẻ lợi ích nhất định trước những vấn đề trên Biển Đông. Do đó, hai bên đã thúc đẩy các chương trình hợp tác khả dĩ phù hợp với mục đích của mình. Từ phía Hoa Kỳ, thông qua các chương trình hợp tác, Hoa Kỳ tăng cường sự can dự và hiện diện của mình ở khu vực nói chung, còn Việt Nam đạt được lợi ích thông qua phát triển năng lực và hưởng lợi nhất định từ các chương trình hợp tác liên quan đến gia tăng năng lực hàng hải.

Bên cạnh đó, các kết quả hợp tác của hai bên tuy ngoài mặt là hợp tác an ninh phi truyền thống nhưng Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam gia tăng năng lực ở lĩnh vực hàng hải, lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần hiện đại hóa trước áp lực gia tăng các xung đột trên Biển Đông. Việc hỗ trợ của Hoa Kỳ từ đào tạo nhân sự, cung cấp trang thiết bị cho thấy mối quan hệ giữa hai bên ngày càng thực chất và tạo cơ sở để phát triển quan hệ chiến lược đi vào chiều sâu. Một điểm đáng lưu ý xuyên suốt trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước là quan điểm của Hoa Kỳ về “một Việt Nam hòa bình và tự do trong khu vực” là một trong những lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Có thể hiểu là một Việt Nam tự lực, hòa bình, lớn mạnh và tự phòng vệ trong khu vực là một điều có lợi cho Hoa Kỳ. Vì như thế, Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc hay lựa chọn phù thịnh bất kì cường quốc có khả năng đối trọng với Hoa Kỳ (thực tế hiện nay, cạnh tranh Hoa Kỳ – Trung Quốc ở khu vực đã khiến các nước Đông Nam Á rơi vào tình huống này). Với vị thế nước lớn, Hoa Kỳ luôn là nước định hướng chính sách và quyết định tính chất lẫn mức độ của mối quan hệ với Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác an ninh phi truyền thống giúp Việt Nam không rơi vào tình thế “chọn phe” trong quan hệ với Hoa Kỳ hay e dè vì sự khác biệt giữa hai bên về mặt ý thức hệ, ảnh hưởng của quá khứ từ cuộc chiến tranh giữa hai nước, mối lo ngại của Việt Nam về các hoạt động diễn biến hòa bình, và các cam kết thực sự từ phía Hoa Kỳ. Các kết quả hợp tác ở trên là bước đi quan trọng, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ được thực thi, Việt Nam hưởng lợi góp phần gia tăng năng lực quốc gia. Cuối cùng, Việt Nam – với vị thế nước nhỏ – tuy có giới hạn trong sự lựa chọn của mình nhưng qua các biểu hiện và phân tích ở trên, Việt Nam có thể quyết định và tận dụng những lĩnh vực hợp tác phù hợp với lợi ích quốc gia.

LỜI CẢM ƠN

Bài viết này được thực hiện trên cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sở của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, mã số đề tài là TC2023-04.

XUNG ĐỘI LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả là người đặt vấn đề nghiên cứu, thu thập dữ liệu và viết bài nghiên cứu.

References

  1. Nguyễn Mại. Quan Hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hướng về phía trước. Hà Nội: Nhà xuất bản Trí thức; 2015. p. 309-12. . ;:. Google Scholar
  2. Lê Văn Cương. Hướng về phía trước, thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ trong điều kiện mới. Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế 2003;4(95):15-19. . ;:. Google Scholar
  3. Lê Linh Lan. Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ: Kinh nghiệm và bài học. Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế 2003;2(61):19-29. . ;:. Google Scholar
  4. Nguyễn Thái Yên Hương. Mỹ và các vấn để toàn cầu thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế 2008;1(72):46-59. . ;:. Google Scholar
  5. Ngô Xuân Bình. Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội; 2014. p. 204-14. . ;:. Google Scholar
  6. Hiebert M, Poling GB, Nguyen P. A new era in U.S.-Vietnam relations. Lanham (Maryland): Rowman & Littlefield; 2014. . ;:. Google Scholar
  7. Carlyle AT. Vietnam's Proactive International Integration: Case Studies in Defense Cooperation. Vietnamese National University Journal of Science 2016;32(1S):25-47. . ;:. Google Scholar
  8. Carlyle AT. Vietnam's foreign policy in an era of rising Sino-US competition and increasing domestic political influence. Asian Security 2017;13(3):183-199. . ;:. Google Scholar
  9. Siracusa JM, Nguyen H. Vietnam-U.S. relations: An unparalleled history. Orbis 2017;61(3):404-22. . ;:. Google Scholar
  10. Shoji T. Vietnam's Security Cooperation with the United States: Historical Background, Present and Future Outlook. NIDS Security Studies 2018;19:3-16. . ;:. Google Scholar
  11. Nguyễn Vũ Tùng, Tô Anh Tuấn. Xu hướng tập hợp lực lượng ở khu vực và trên thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế 2018;3(114):39-63. . ;:. Google Scholar
  12. Grossman D. U.S. Striking Just the Right Balance with Vietnam in South China Sea. [Online]. 2017 [cited 2020 Oct 10];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  13. Dang CT, Nguyen T T H. Understanding the U.S. - Vietnam Security Relationship, 2011-2017. The Korean Journal of Defense Analysis 2019;31(1):121-44. . ;:. Google Scholar
  14. Anthony MC. Understanding Non-traditional Security. In: Anthony MC, editor. An introduction to non-traditional security studies: A transnational approach. Los Angeles: Sage; 2016. p. 3-19. . ;:. Google Scholar
  15. Zimmerman E. Security cooperation in the Indo-Pacific: Non-traditional security as a Catalyst. Journal of the Indian Ocean Region. 2014;10(2):150-65. . ;:. Google Scholar
  16. Meijer H, Simón L. Covert balancing: Great powers, secondary states and US balancing strategies against China. International Affairs. 2021;97(2):463-81. . ;:. Google Scholar
  17. Bộ Quốc phòng Việt Nam. Chính sách Quốc phòng Việt Nam. [Online]. [cited 2020 Oct 10]; [1 screen]. . ;:. Google Scholar
  18. U.S. Department of State. U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership. [Online]. 2013 [cited 2020 Nov 6]; [1 screen]. . ;:. Google Scholar
  19. Bower ZE. The Fifth U.S.-Vietnam Political, Security, and Defense Dialogue. [Online]. 2012 [cited 2020 Oct 10];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  20. Bureau of East Asian and Pacific Affairs. U.S. Relations With Vietnam. [Online]. 2021 [cited 2021 May 5];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  21. Hồng Hạnh. Chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng. [Online]. 2015 [cited 2020 Oct 10];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  22. U.S. Embassy & Consultae in Vietnam. Seventh Annual Naval Engagement Activity Begins in Danang. [Online]. 2016 [cited 2020 Oct 10];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  23. Commander, Task Force 73 Public Affairs. US, Vietnam Navies Conduct First Search and Rescue Exercise. [Online]. 2014 [cited 2020 Sep 5];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  24. Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vệ binh quốc gia Tiểu bang Oregon tiếp phái đoàn Việt Nam. [Online]. 2014 [cited 2020 Sep 5];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  25. Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Ký kết Biên bản làm việc giữa Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Việt Nam và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Bang Oregon, Hoa Kỳ. [Online]. 2015 [cited 2020 Sep 5];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  26. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 425/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch công tác của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm Cứu nạn 5 năm (1996-2020). [Online]. 2016 [cited 2020 Oct 10];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  27. Ingersoll CL. Oregon's Adjutant General Visits New School, Emergency Shelter in Vietnam. [Online]. 2015 [cited 2020 Oct 10];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  28. Tech. Sgt. Mourik JV. Partnership between Oregon and Vietnam CBRNE teams increase interoperability through training. [Online]. 2017 [cited 2020 Oct 10];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  29. MC1 Morris KT, PP19 Public Affairs. Pacifc Partnership 2019 concludes Vietnam Mission Stop. [Online]. 2019 [cited 2020 Sep 5];[1 screen]. . ;:. Google Scholar
  30. Embassy of the Socialist Republic of Vietnam in the United States of America. Vietnamese, US defence ministers hold talks. [Online]. 2018 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar
  31. Ferrdinando L. Mattis Calls U.S., Vietnam 'Like-Minded Partners'. [Online]. 2018 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar
  32. U.S. Embassy and Consulate in Vietnam. U.S. Secretary of defense Mark Esper visits Vietnam highlighting a strong U.S.-Vietnam partnership. [Online]. 2019 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar
  33. Diplomatic Academy of Vietnam. US defense secretary Mark Esper delivers a speech at Diplomatic Academy of Viet Nam. [Online]. 2020 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar
  34. Báo Chính Phủ. Cử 8 sĩ quan tham gia diễn tập hải quân lớn nhất nhất thế giới RIMPAC. [Online]. 2018 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar
  35. U.S. Embassy & Consulate in Vietnam. USS Coronada Makes Technical Visit to Cam Ranh International Port to Conduct Expeditionary Maintenance. [Online]. 2017 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar
  36. U.S. Embassy & Consulate in Vietnam. United States Transfers Six Boats to Vietnam Coast Guard Region III. [Online]. 2019 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar
  37. Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hoa Kỳ bàn giao Tàu tuần duyên trọng tải cao cho Cảnh sát biển Việt Nam. [Online]. 2017 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar
  38. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Hợp tác an ninh của Mỹ với Việt Nam. [Online]. 2019 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar
  39. Vu Anh. US hands over training facilities to Vietnam coast guard. [Online]. 2021 [cited 2020 Oct 10]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 1 (2024)
Page No.: 2359-2369
Published: Mar 31, 2024
Section: Commentaries
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i1.959

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Hoang, T. (2024). The Vietnam and the United States non-traditional security cooperation in the maritime capability buidling for Vietnam (2009-2021). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(1), 2359-2369. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i1.959

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 327 times
PDF   = 139 times
XML   = 0 times
Total   = 139 times