VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

747

Total

210

Share

The impacts of ethnicity policy on the Ruc community in the western mountains of Quang Binh province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

For many past years, the government of Vietnam has always paid special attention to and created favorable conditions for promoting economic, cultural, and social development for all ethnic groups, especially ethnic minorities in mountainous areas. Ruc people are a local group of the Chut ethnic group, residing in the western mountains of Quang Binh province. This ethnic group has changed markedly thanks to the implementation of developmental policies since they were discovered and settled in villages. Using the methods of in-depth interviews and participatory observations conducted through surveys in the community, with the theoretical approach to poststructuralism emphasizing the power and discourse of the State through the implementation of developmental policies to the Ruc community. The article focuses on presenting the changes within the Ruc community under the impact of various policies in the fields, including infrastructure, social welfare, crop cultivation and livestock farming, and the development of cultural, educational, and healthcare aspects of life. In addition, the article also discusses the effectiveness of policy enforcement. To enable the Ruc community to further develop in the current context, we propose several solutions to preserve and promote the economic and socio-cultural values of the Ruc ethnic group.

DẪN NHẬP

Người Rục là một trong 5 nhóm địa phương thuộc dân tộc Chứt (Rục, Sách, Mày, Mã Liềng, A Rem) được phát hiện trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1960. Họ là dân tộc được phát hiện muộn nhất trong thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Tính từ khi được phát hiện và đưa về sinh sống trong các làng bản, người Rục thường được các phương tiện truyền thông đại chúng báo đài gọi với các tên như “tộc người bí ẩn nhất thế giới”, “người rừng”, “tộc người sống trong hang đá”,... Hiện nay, địa bàn cư trú của người Rục tập trung chủ yếu ở vùng rừng núi phía Tây của xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nơi giáp với biên giới Việt – Lào. Theo tài liệu phỏng vấn, dân số người Rục tại thời điểm phỏng vấn tháng 04/2022 là 144 hộ với 580 nhân khẩu, cư trú xen với các tộc người khác như Sách, Kinh tại 3 bản là Ón, Yên Hợp và Mò O – Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa. Trong đó, người Rục cư trú ở bản Mò O – Ồ Ồ là đông nhất . Có nhiều tài liệu đề cập đến thời điểm chính quyền địa phương phát hiện ra người Rục, cụ thể theo tác giả Võ Xuân Trang (2012), người Rục được phát hiện vào năm 1960 với 34 người 1 . Tuy nhiên, trước đó, các bài nghiên cứu của các tác giả Vũ Ngọc Thanh, Vi Văn An (1991) cho rằng từ năm 1957, người Rục đã bắt đầu từ bỏ cuộc sống hang đá và tiếp cận với cuộc sống làng bản cũng như chuyển sang nền kinh tế nương rẫy 2 . Tác giả Nguyễn Thành Vân (2015) cho rằng thời gian mà người Rục được phát hiện là vào năm 1959 3 . Thời điểm phát hiện, người Rục sinh sống trong rừng sâu với 34 người, họ sống trong hang đá và lấy vỏ cây làm quần áo để mặc. Hình thức sinh kế chính của người Rục là săn bắt, hái lượm. Có nhiều ý kiến xoay quanh sự tồn tại và thời gian mà người Rục được phát hiện; tuy nhiên, điểm chung của những kết luận trên là người Rục đã được phát hiện và chuyển qua lối sống mới từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX. Mặc dù được phát hiện khá muộn và nhận được sự quan tâm từ nhiều phía, người Rục thực chất đã hiện diện từ trước đó, và họ cũng đã tự tạo cho mình một nền văn hóa với những đặc trưng rất riêng biệt.

Trong những năm qua, chính sách an sinh xã hội đối với cộng đồng người Rục đã được triển khai một cách toàn diện, với việc đầu tư nguồn lực lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Cụ thể, Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho cộng đồng người Rục; Chương trình 135 thực hiện các chính sách xã hội, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội như đường giao thông, thủy lợi, điện, nước và các công trình phúc lợi xã hội: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa tại cộng đồng người Rục; Quyết định 2086 về hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người; Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,... Các chương trình, chính sách của Nhà nước với mục đích cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội, giúp người Rục ngày càng ổn định hơn.

Vì vậy, bài viết này tập trung vào quá trình thực thi chính sách tác động đến cộng đồng người Rục trong thời gian qua. Câu hỏi được đặt ra là: (1) Những thành tựu đạt được của việc thực hiện chính sách đối với cộng đồng người Rục là gì? (2) Vai trò của Nhà nước thông qua yếu tố quyền lực và diễn ngôn được thể hiện như thế nào trong cộng đồng người Rục? Chúng tôi cho rằng xuyên suốt thời gian qua, các chính sách của Nhà nước đã tác động đến mọi mặt lên cộng đồng người Rục, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Những biến đổi này từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa tương xứng với sự đầu tư. Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện các chính sách phát triển tại cộng đồng, chính quyền địa phương và cán bộ đồn biên phòng đã truyền tải các diễn ngôn của Nhà nước thông qua việc thực hiện các chính sách đến cộng đồng nhằm duy trì, ổn định và phát triển cộng đồng. Mặt khác họ thường áp đặt quan điểm, định kiến lên cộng đồng người Rục trong bối cảnh cộng đồng này chưa thích nghi kịp với bối cảnh xã hội.

Tổng quan tình hình nghiên cứu

Ngay khi được phát hiện, người Rục được rất nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu như Nguyễn Bình (1961), Mạc Đường (1963), Nguyễn Đình Khoa (1969), Phạm Đức Dương (1975), Tạ Long (1975), Nguyễn Văn Lợi (1988)... Bài viết của các tác giả xoay quanh chủ đề nguồn gốc, ngôn ngữ, sinh kế cộng đồng, văn hóa, lối sống của người Rục 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 . Có thể kể đến công trình chuyên sâu nghiên cứu về người Rục của tác giả Võ Xuân Trang (2012), tác giả trình bày về đời sống kinh tế của người Rục trước thời điểm phát hiện và những đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của người Rục từ khi mới phát hiện đến thời điểm thực hiện nghiên cứu 1 . Công trình đã cung cấp một nguồn tư liệu điền dã khá phong phú về người Rục trong lịch sử. Các tác giả Trần Trí Dõi (1995), Nguyễn Văn Mạnh (1996), Tạ Long (2004), Nguyễn Thị Ngân (chủ biên) (2017) đã cung cấp các thông tin chi tiết về nguồn gốc, dân số, địa điểm cư trú, tên gọi, sinh kế tộc người, văn hóa vật chất và tinh thần của tộc người Chứt trong đó có nhóm người Rục 10 , 11 , 12 , 13 . Tác giả Nguyễn Thành Vân (2015) cho rằng bắt nguồn từ yếu tố chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội, tôn giáo tín ngưỡng của người Rục cũng trở nên phong phú, đa dạng mang đậm tư duy của thế giới đa thần, vạn vật hữu linh 3 . Tác giả Nguyễn Ngọc Thanh (2002) khẳng định người Rục vốn không phải người rừng hay người nguyên thủy mà họ đã đạt đến một trạng thái văn minh nhất định với những đặc trưng văn hóa riêng biệt. Hoàn cảnh lịch sử đã vô tình đẩy họ trở về đời sống khó khăn và có nguy cơ mai một bản sắc 14 . Còn tác giả Đinh Thanh Dự (2009) cho rằng người Rục là hậu duệ của người tiền sử Cơ Sa – Kim Linh ở thượng nguồn sông Gianh hiếm hoi còn lại ở nước ta sau nhiều giai đoạn lịch sử 15 . Tác giả Trần Tấn Đăng Long (2019, 2022) cho rằng người Rục đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ trên các khía cạnh đời sống sinh kế so với trước đây nhờ vào việc thực hiện các chính sách phát triển của Nhà nước, sự biến đổi môi trường sinh thái và giao lưu tiếp biến văn hóa 16 . Ngày nay, người Rục đang từng bước hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Quá trình hội nhập của người Rục đã tạo ra hai mặt đối lập: một mặt, nó làm cho tộc người này được tiếp cận với thế giới bên ngoài nhằm học hỏi, tiếp thu những cái hay và nguồn tri thức mới của nhân loại để phát triển đi lên; nhưng bên cạnh đó, nó cũng đặt ra những thách thức trong bối cảnh sức mạnh nội sinh của tộc người này chưa thực sự sẵn sàng để bước vào quá trình hội nhập 17 .

Nhìn chung, các tác giả đã phần nào giúp người đọc hiểu thêm về cộng đồng người Rục trong quá trình phát triển tộc người này trên nhiều khía cạnh. Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu trước đây và tiếp tục đi sâu nghiên cứu về cộng đồng này, tác giả hy vọng rằng với bài viết “Tác động của chính sách dân tộc đến cộng đồng người Rục ở vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Bình” sẽ cung cấp góc nhìn toàn diện hơn từ phương diện chính sách phát triển của nhà nước khi áp dụng vào các dân tộc thiểu số nói chung và cộng đồng người Rục nói riêng, góp phần làm dày thêm hệ thống kiến thức về người Rục trong kho tàng tư liệu.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ LÝ THUYẾT TIẾP CẬN

Phương pháp nghiên cứu

Nội dung bài viết được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính là phương pháp phỏng vấn sâu và phương pháp quan sát tham dự thông qua kết quả khảo sát của các đợt đi điền dã tại cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa. Chúng tôi thực hiện 4 đợt khảo sát thực địa tại xã Thượng Hóa trong các năm 2018, 2019 và 2023. Trong mỗi đợt đi điền dã, chúng tôi ở lại cộng đồng từ 6 đến 10 ngày để tiếp cận cộng đồng và thu thập thông tin. Chúng tôi thực hiện chọn mẫu theo hình thức có chủ đích kết hợp mẫu thuận tiện và không giới hạn số mẫu để đảm bảo thu thập đầy đủ thông tin. Phỏng vấn 40 thông tín viên, đối tượng phỏng vấn cả nam và nữ để có sự so sánh, đối chiếu thông tin. Đối tượng nghiên cứu là người Rục từ 18 tuổi trở lên, nhưng tập trung nhiều nhất vào độ tuổi từ 50 đến 70, vì đây là những người am hiểu về cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện các cuộc quan sát tham dự tại cộng đồng. Thông qua phương pháp này, chúng tôi quan sát những việc làm, hành vi của các đối tượng nghiên cứu, điển hình là các hoạt động trong sinh kế, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, các buổi họp bản, phong tục tập quán,... để từ đó phân tích và đưa ra kết quả nghiên cứu một cách khách quan nhất. Ngoài phỏng vấn và quan sát tham dự tại cộng đồng người Rục, chúng tôi còn phỏng vấn các hộ dân người Kinh, người Sách sinh sống cộng cư tại các bản của người Rục, phỏng vấn cán bộ cấp huyện, cấp xã đã về hưu, cán bộ đương nhiệm, cán bộ đồn biên phòng Cà Xèng để hiểu về chính sách của Nhà nước và việc thực thi các chính sách đối với cộng đồng này. Ngoài các đối tượng nói trên, chúng tôi còn phỏng vấn những người đã có quá trình lâu năm tìm hiểu, nghiên cứu về người Rục. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi sẽ có sự so sánh, đối chiếu giữa các đối tượng lẫn nhau nhằm tìm ra những thông tin có độ tin cậy cao.

Các nội dung phỏng vấn này được chúng tôi thu thập bằng các phương tiện hỗ trợ là ghi âm và ghi chép nhanh trong khi thực hiện các cuộc gặp gỡ với thông tín viên tại cộng đồng nghiên cứu. Nguồn dữ liệu này được gỡ băng và viết lại hoàn chỉnh trong các ghi chép điền dã. Phương pháp so sánh đối chiếu (đồng đại và lịch đại), thu thập và xử lý thông tin thư tịch cũng được sử dụng để phục vụ quá trình hoàn thành nghiên cứu. Từ những thực tế nghiên cứu, các giải pháp cũng đồng thời được đưa ra để cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có tài liệu tham khảo nhằm hoạch định chính sách phát triển cộng đồng người Rục theo hướng bền vững, cũng như cần phải có một kế hoạch cụ thể để phát huy những giá trị đặc sắc của người Rục. Ngoài ra, thông qua phương pháp quan sát tham dự, chúng tôi còn đi vào quan sát các hoạt động hằng ngày của cộng đồng người Rục ở địa bàn nghiên cứu.

Lý thuyết tiếp cận

Lý thuyết Hậu cấu trúc luận gắn liền với tên tuổi của Michel Foucault , quan điểm lý thuyết nhấn mạnh đến vai trò của “diễn ngôn” (discourse) và yếu tố quyền lực đi đôi với diễn ngôn. Theo Foucault, trong công trình Governmentality (1991), Cách quản lý của nhà nước được hiểu là sự kết hợp của các thể chế, phương pháp, phân tích, và tư duy, những tính toán và chiến lược để sử dụng một hệ thống quyền lực hướng đến dân chúng. Khái niệm này xem cách quản lý của Nhà nước là tất cả những thành tố trong guồng máy Nhà nước có mục đích duy trì một xã hội có quy củ và hạnh phúc. Những phương tiện mà Nhà nước sử dụng có thể được gọi là những bộ máy an sinh (apparatuses of security). Đây là những kỹ thuật mà Nhà nước dùng để tạo cho xã hội một cảm giác an sinh về kinh tế, xã hội, và văn hoá (economic, political, and cultural well-being). Nhà nước đạt được mục đích này qua nền kinh tế, cũng như qua việc theo dõi và kiểm soát như người chủ gia đình làm với gia đình và tài sản của gia đình [ 18 , tr.94].

Bằng cách kết hợp sự quản lý (người quản lý) và tâm lý (tinh thần) vào cách quản lý của Nhà nước “Governmentality”, Foucault nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa việc thực thi của chính phủ và các yếu tố tâm lý, làm nền tảng cho các thực hành này. Nói cách khác, cách quản lý của Nhà nước có thể được mô tả như một nỗ lực hình thành các chủ thể có khả năng tự quản lý thông qua việc áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để kiểm soát, chuẩn hóa và định hình hành vi của cộng đồng. Do đó, khái niệm quản lý của Nhà nước không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa quyền lực chính trị của Nhà nước và quyền lực đạo đức của cá nhân, mà còn là sự tương tác giữa quá trình hình thành chủ thể (phả hệ của chủ thể) và xây dựng Nhà nước (phả hệ của Nhà nước) [ 19 , tr.2-3].

Foucault cũng đưa ra khái niệm về quyền lực mục vụ ở một số công trình của ông, bao gồm các bài giảng của ông về chính quyền tân tự do, về lời thú tội, và trong bài luận của ông về “The Subject and Power” (tạm dịch: Chủ thể và quyền lực) (1982), ông cho rằng vai trò của quyền lực mục vụ thể hiện rõ nét cho một số cá nhân nhất định như mục sư trong việc hướng dẫn, chăm sóc và đạt được tính hợp pháp từ các cộng đồng mà họ phục vụ. Quyền lực mục vụ đặc biệt ở chỗ nó quan tâm đến phúc lợi và sự đúng đắn về đạo đức của cả cá nhân cũng như cộng đồng, và do đó đưa ra một sự kết hợp khéo léo trong cùng một cấu trúc chính trị của các kỹ thuật cá nhân hóa và các thủ tục toàn thể hóa 20 .

Foucault cho rằng văn hóa là sản phẩm của một hệ thống các nguyên tắc, quan điểm, nhận định, ý tưởng, hệ tư tưởng chi phối suy nghĩ của con người. Ông gọi chung tất cả là các diễn ngôn. Các diễn ngôn này đa phần là do con người tạo ra. Chủ thể tạo ra diễn ngôn có thể là giới cầm quyền để phục vụ mục đích cai trị, những người bình dân muốn phản ứng lại giới cầm quyền và muốn xây dựng một trật tự xã hội mới, cũng có thể là những cá nhân kiệt xuất như một nhà cách mạng, một lãnh tụ tôn giáo, một nhà khoa học, một nhà hoạt động xã hội, một nhà văn, một diễn viên nổi tiếng. Các diễn ngôn có hai điểm chung. Thứ nhất, chúng đưa ra một chuẩn mực về thế nào là đúng và thế nào là sai, thế là nào tốt đẹp và thế nào là xấu xa, thế nào là giỏi và thế nào là dốt, thế nào là bình thường và không bình thường. Thứ hai, với những người, nhóm người hoặc thậm chí là xã hội chịu sự chi phối của diễn ngôn, những gì diễn ngôn ấy nói được coi là chân lý, hiển nhiên, và được làm theo một cách vô thức. Trong mỗi một giai đoạn trong lịch sử, mỗi xã hội, mỗi cộng đồng người sẽ bị chi phối bởi không chỉ một, mà là một tập hợp nhiều diễn ngôn [ 21 , tr.93-94].

Đối với cộng đồng người Rục, bằng việc thực hiện các chính phát phát triển tại cộng đồng, chính quyền địa phương và cán bộ đồn biên phòng đã truyền tải các diễn ngôn của Nhà nước thông qua việc thực hiện các chính sách đến cộng đồng nhằm duy trì, ổn định và phát triển cộng đồng. Trong mối quan hệ đó, những người thực hiện chính sách đóng vai trò áp đặt ý chí lên chủ thể là cộng đồng địa phương (chủ thể bị chi phối bởi quyền lực) để thực hiện các luật pháp, chính sách đưa ra nhằm mang lại những lợi ích, thành tựu về mặt kinh tế và xã hội. Đây cũng là yếu tố thiết yếu đối với sự thành công và thất bại của việc thực thi chính sách. Mối quan hệ quyền lực ấy tồn tại trong điều kiện lịch sử cụ thể, và tùy thuộc vào chủ thể thực hiện, điều kiện sinh tồn khác nhau, mức độ thực hiện quyền lực sẽ khác nhau. Đối với trường hợp của người Rục, khi Nhà nước tiến hành thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xuống cộng đồng này, yếu tố quyền lực của Nhà nước được thực hiện càng rõ rệt.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU: TÁC ĐỘNG CỦA CÁC CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐẾN CỘNG ĐỒNG NGƯỜI RỤC

Các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội

Từ khi được phát hiện năm 1959 đến những năm 1990, trong giai đoạn này, chính quyền địa phương đã từng bước giúp cộng đồng người Rục định cư và ổn định tại các làng bản. Chính quyền đã đẩy mạnh các hoạt động như lập làng bản, thúc đẩy hợp tác xã sản xuất, dạy cách làm kinh tế để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, thời kỳ này, xã hội Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của chiến tranh, gây nên nhiều khó khăn cho cuộc sống của nhân dân toàn quốc. Chính quyền địa phương cũng chưa có sự quan tâm sâu sát đối với các dân tộc thiểu số lúc bấy giờ. Những năm sau khi chiến tranh kết thúc, đời sống của người Rục vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể do đất nước đang phải đối mặt với thách thức của việc khôi phục hậu quả chiến tranh. Cuộc sống của họ tiếp tục hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn lực từ rừng.

Kể từ năm 1990, người Rục nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức, Nhà nước để phát triển cộng đồng. Theo Võ Xuân Trang (2012), các chính sách hỗ trợ được thực hiện giai đoạn 1990-1992 do Hội Huynh đệ Việt Nam và Heks tài trợ. Hội Huynh đệ Việt Nam đầu tư làm đường dài khoảng 15km từ Cu Nhăng đến gần Yên Hợp. Các dự án về nâng cấp trường trạm cũng được chú trọng đầu tư như mua sắm sách vở, dụng cụ học tập hỗ trợ học sinh, tân trang, sửa chữa lại trạm xá,... Sau gần 3 năm thực thi dự án do Hội Huynh đệ Việt Nam tài trợ, mọi mặt đời sống của đồng bào người Rục bước đầu đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, thời gian sau đó, dự án hỗ trợ đến từ hội Huynh đệ Việt Nam không còn tiếp tục nên những mặt tích cực trong đời sống người Rục chưa được bền vững. Tiếp đến giai đoạn từ 1993-2010, các dự án hỗ trợ người Rục được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban dân tộc tỉnh và từ 2010 đến giai đoạn hiện nay do Bộ đội tư lệnh biên phòng của tỉnh Quảng Bình thực hiện. Ở giai đoạn đầu, dự án tập trung vào phát triển 4 khía cạnh là giao thông, sản xuất nông nghiệp, giáo dục và y tế. Về cơ bản, các hộ gia đình người Rục đều được làm nhà ở, mỗi bản đều được đào từ 1 đến 2 cái giếng để có nước sạch phục vụ sinh hoạt, máy thủy điện nhỏ cũng được lắp đặt để cung cấp điện chiếu sáng cho các gia đình,... Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện dự án do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo, bộ mặt đời sống của đồng bào Rục không có nhiều cải thiện, phần nhiều do hướng tập trung chưa đạt hiệu quả và đồng bào chưa tự ý thức được những việc cần làm để ổn định cuộc sống, nhiều hộ gia đình lựa chọn quay trở lại rừng. Sau giai đoạn này, Bộ đội tư lệnh biên phòng của tỉnh chuyển qua tiếp nhận các dự án hỗ trợ đồng bào người Rục [ 1 , tr.201-219].

Tài liệu phỏng vấn lãnh đạo xã Thượng Hóa và các trưởng bản trước đây cho thấy vào năm 2002-2003, Chương trình 135 đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các bản người Rục. Trong đó, công trình tiêu biểu gồm có đường vào bản Ón với số tiền 12,7 tỷ đồng; hệ thống điện bản Yên Hợp – Mò O – Ồ Ồ với số tiền 2,6 tỷ đồng; trạm y tế với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng và các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở. Sau đó, Chương trình 134 cũng đã hỗ trợ xây dựng hàng trăm ngôi nhà ở kiên cố cho đồng bào trị giá gần hai tỷ đồng vào năm 2004, 2005. Chương trình 134 (2014-2020) tiếp tục hỗ trợ đất đai, nhà ở và nước sạch cho các xã của người Rục. Chương trình được chia làm 3 đợt, đợt đầu tiên, mỗi hộ gia đình người Rục được hỗ trợ 8 triệu để có vốn xây dựng nhà ở, đợt 2, mỗi hộ được 20 triệu, và đợt 3, mỗi hộ được 40 triệu. Đây là chương trình không chỉ hỗ trợ về nhà ở mà còn lồng ghép với việc xây cầu đường, đợt đầu hỗ trợ được khoảng 80 hộ tính trong 3 bản người Rục cư trú, những năm về sau, trung bình mỗi năm sẽ hỗ trợ từ 10-15 hộ. Bên cạnh đó, các hộ gia đình người Rục cũng đã được cấp phát đất đai canh tác, diện tích đất được cấp phát dựa vào số người lao động trên 16 tuổi của mỗi hộ, 1 người lao động được cấp 1 sào đất ruộng (500m 2 ). Thời gian gần đây, bản Ón và bản Yên Hợp được Nhà nước đầu tư hỗ trợ khoan giếng cho người dân có nước sinh hoạt, phần nào giải quyết được vấn đề nước sạch sinh hoạt cho cộng đồng người Rục tại hai bản này. Riêng tại bản Mò O – Ồ Ồ, do có Đồn biên phòng Cà Xèng đóng trên địa bàn nên vấn đề nước sạch được giải quyết tương đối thuận lợi, có khoảng trên 80% số hộ có nước sạch để sinh hoạt được dẫn từ đồn biên phòng về .

Các chính sách phát triển của Nhà nước đã góp phần làm thay đổi toàn diện về cơ sở vật chất, cảnh quan làng bản của cộng đồng người Rục. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có một số chính sách thực thi chưa thực sự hiệu quả. Bản chất của người Rục trước đây quen sống gắn bó với rừng, sau khi về định cư, họ sống trong ngôi nhà gỗ lợp bằng các loại lá rừng, hòa hợp với thiên nhiên. Vì vậy, khi được Nhà nước cấp nhà xây khung bê tông và lợp mái tôn, họ cho rằng khi trời mưa thường gây tiếng ồn lớn, còn vào mùa hè thì rất nóng. Mặt khác, diện tích nhà ở được hỗ trợ trước đây tương đối nhỏ, mỗi nhà chỉ khoảng 25m 2 , về sau, khi gia đình phát triển đông thành viên, sẽ phát sinh vấn đề thiếu không gian sinh hoạt. Tuy vậy, dù không phù hợp với lối sống trước đây nhưng người Rục vẫn chấp nhận với những thay đổi từ hỗ trợ của chính quyền, sau này, những gia đình có điều kiện cũng chủ động sửa sang, mở rộng không gian nhà ở của gia đình mình, họ cất nhà lá kế bên để ở và tiện cho việc sinh hoạt. Về cơ bản, người Rục tại các bản đều đã nhận được hỗ trợ về nhà ở và đất đai, những hộ gia đình trẻ người Rục sau này khi ra ở riêng cũng bắt đầu tự xây cất nhà ở cho mình. Hiện tại, bản Ón và bản Mò O – Ồ Ồ được tập trung phát triển kinh tế sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng theo quyết định 2086 và nghị quyết 88. Qua quá trình khảo sát và tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng tại các bản người Rục sinh sống đều đã có trường học, trạm y tế, cầu cống, đường sá bằng bê tông,... Tuy nhiên, cơ sở vật chất này vẫn còn đơn giản và chưa được đảm bảo đầy đủ, do đó cần được đầu tư thêm trong tương lai.

Chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi

Chính quyền địa phương đã thực hiện các chính sách lên cộng đồng người Rục, từng bước vận động họ về sống định canh, định cư, hướng dẫn người Rục chuyển từ các hoạt động kinh tế dựa vào khai thác tự nhiên sang hoạt động kinh tế sản xuất là làm kinh tế nương rẫy, trồng lúa nước và chăn nuôi.

Giai đoạn từ 1993 đến 2010, các dự án hỗ trợ người Rục được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban dân tộc tỉnh và từ 2010 đến nay là do Bộ đội tư lệnh biên phòng của tỉnh Quảng Bình triển khai. Các chương trình phát triển nông nghiệp tập trung vào mua sắm trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, giống cây trồng như ngô, lúa, hồ tiêu, chè,... đều có cán bộ có chuyên môn xuống địa bàn hướng dẫn đồng bào canh tác. Chương trình này được thực hiện nhằm giúp các hộ gia đình người Rục phát huy khả năng tự sản xuất. Theo lời các thông tín viên, những chương trình đầu tư phát triển nông nghiệp được triển khai từ năm 2009 như là dự án đầu tư về thủy lợi Rục Làn nhằm phục vụ tưới tiêu lúa nước trị giá 4,42 tỷ đồng. Các chương trình hỗ trợ về cây trồng và vật nuôi, tập huấn kỹ thuật sản xuất được triển khai giúp người Rục từng bước phát triển kinh tế, đời sống. Từ khi có sự tham gia của Bộ đội tư lệnh biên phòng của tỉnh, đời sống của đồng bào người Rục có nhiều chuyển biến rõ rệt hơn. Với sự hướng dẫn tận tình của các chiến sĩ Đồn biên phòng Cà Xèng trong công tác trồng lúa nước, kể từ năm 2010 đến nay, đời sống của đồng bào người Rục dần ổn định hơn trước. Đồng bào người Rục ở bản Mò O – Ồ Ồ đã bắt đầu có những bước chủ động trong làm kinh tế. Trong giai đoạn đầu chuyển qua trồng lúa nước, các công đoạn của quá trình sản xuất đều được bộ đội làm thay, người Rục chỉ tham gia một số khâu như cuốc đất, làm cỏ, gặt lúa. Tuy nhiên, hiện nay, các công đoạn của quá trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo giống, làm cỏ, thu hoạch đều được người Rục tự làm dưới sự hướng dẫn của cán bộ đồn biên phòng. Lúa thu hoạch được giữ lại làm lương thực trong gia đình, gia đình nào làm nhiều lúa mới đủ ăn quanh năm, đa phần lương thực chỉ duy trì được 7-8 tháng trong năm, còn lại họ sống dựa vào các sản phẩm khai thác được từ rừng hoặc các loại hoa màu như khoai, ngô, sắn. Kể từ khi chuyển qua trồng lúa nước, nỗi lo về “miếng ăn” đã giảm đi trong cộng đồng, bữa cơm của họ cũng có phần phong phú hơn. Tuy nhiên, với những hộ không trồng lúa nước thì cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn và còn mang tư duy trông chờ vào trợ giúp của Nhà nước. Tại bản Ón và bản Yên Hợp, đa phần các hộ dân tham gia vào việc trồng cây tràm, cây keo từ khoảng 5 năm trở lại đây, những gia đình trồng trước đã thu hoạch được tầm 2 vụ, cũng có những gia đình mới bắt đầu chuyển qua trồng vụ đầu tiên. Ngoài trồng trọt, người Rục cũng tham gia vào việc chăn nuôi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có khoảng 40% số hộ người Rục trong các bản chăn nuôi bò. Trong số này, phần lớn các hộ gia đình nuôi một con, có hộ nuôi từ hai đến ba con, một số ít nuôi nhiều nhất từ 5-7 con. Trong thời điểm ban đầu, Nhà nước hỗ trợ mỗi gia đình một con bò để chăn nuôi. Nhưng sau đó, có một số hộ bán lấy tiền, còn một số hộ khác tiếp tục nuôi, đàn bò ngày càng sinh sôi. Mỗi một hộ gia đình người Rục đều có rẫy nương dọc theo các thung lũng sườn đồi gần với nơi cư trú để trồng trọt các loại nông sản ngoài lúa như bắp, khoai, sắn, chuối, đu đủ,... để bổ sung cho nền kinh tế tự cấp tự túc của gia đình. Ngoài việc trồng lúa nước, trồng rẫy nương và chăn nuôi bò, người Rục cũng khai thác nhiều loại lâm sản từ các khu rừng để sinh nhai, củi đun, thịt thú rừng nhỏ như sóc, chồn, chuột,... Ngoài ra, người Rục còn đánh bắt các sản phẩm từ suối cũng rất đa dạng như các loại cá suối, ốc khe, cua, tôm, rắn, rùa, ếch nhái… nhằm cung cấp thêm cho nguồn thực phẩm của họ.

Mặc dù có những sự thay đổi đáng kể trên các khía cạnh kinh tế và văn hóa – xã hội, người Rục vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi so sánh với mặt bằng chung của các dân tộc khác ở Việt Nam. Vì họ vẫn duy trì tập quán canh tác tự cung tự cấp và khai thác tự nhiên, và chưa có nhiều hộ gia đình tham gia vào nền kinh tế thị trường nên việc thực thi những chính sách đưa ra từ phía nhà nước còn gặp rất nhiều cản trở hoặc không phát huy được hiệu quả. Trong mỗi giai đoạn, Nhà nước triển khai các chính sách khác nhau nhằm mục đích cải thiện đời sống cho cộng đồng. Có thể nói hoạt động mưu sinh của người Rục được định hình dựa trên việc thực thi các chính sách của Nhà nước. Trong quá trình sinh sống, đồn biên phòng Cà Xèng, chính quyền địa phương đã triển khai các chính sách nhằm chi phối đến nhận thức, suy nghĩ và thực hành sinh kế đối với cộng đồng người Rục. Bởi trước đây, người Rục sống gắn bó với rừng và phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, nhưng khi có chủ trương cấm chặt phá rừng, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã triển khai đến cộng đồng người Rục, song hành với các diễn ngôn về chính sách là yếu tố quyền lực được tạo ra và yêu cầu cộng đồng tuân thủ. Một bộ phận người Rục tham gia chăn nuôi, trồng keo, trồng bắp để bán, bước đầu tham gia vào nền kinh tế hàng hóa nhằm cải thiện đời sống. Mặc dù vậy, xét về toàn diện, đời sống của người Rục vẫn còn hết sức khó khăn. Kết quả phỏng vấn cho thấy việc tuân thủ theo các quy định của Nhà nước đối với cộng đồng người Rục là hết sức khó khăn, vì từ bao đời nay họ vốn sống gắn bó với rừng. Bối cảnh môi trường mưu sinh đã thay đổi nhưng tư duy của một bộ phận người Rục chưa thích ứng kịp với các hoạt động kinh tế mới. Các hộ dân trước đây sống dựa vào rừng nay bị cấm, trong khi đó, một số hộ dân không có nhiều đất sản xuất nên kinh tế khó khăn, không biết làm gì để mưu sinh. Trong điều kiện chính sách đất đai chưa rõ ràng cũng gây mâu thuẫn, tranh chấp giữa người Rục và một vài người Kinh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những năm qua, một số hộ người Rục đã bán đất rẫy mà họ cho là của gia đình mình cho hộ người Kinh; một số hộ cho người Kinh mượn đất để trồng keo nhưng do nguồn gốc đất không rõ ràng, các hộ người Kinh này sau một thời gian trồng keo đã đi làm giấy tờ đất, từ đó dẫn đến tranh chấp đất đai giữa một số hộ người Rục và người Kinh.

Chính sách về xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, y tế

Về đời sống văn hóa: với sự tác động của chính sách, lĩnh vực văn hóa tinh thần của người Rục cũng có sự biến đổi. Cụ thể, khi người Rục chuyển từ trồng lúa rẫy sang trồng lúa nước, đương nhiên những sinh hoạt văn hóa và tương tác gắn liền cũng phải phù hợp với phương thức sinh kế mới này. Vì vậy, các nghi thức cúng kiếng trong sinh hoạt mùa vụ trước đây đã không còn, các nghi lễ đã được biến đổi để phù hợp với nhu cầu của cộng đồng. Các hoạt động lễ hội được tái hiện, thể hiện sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, cầu mong sự bình an, điều tốt đẹp đến với mọi người trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc người Rục tổ chức lễ hội không thường xuyên dẫn đến nguy cơ những lễ hội này bị mai một, thiếu tính truyền thừa ở thế hệ sau. Trong một số hoạt động, chính quyền địa phương tuyên truyền cộng đồng người Rục bảo tồn những nét văn hóa của cộng đồng. Chẳng hạn, theo thông tin phỏng vấn, trong cộng đồng người Rục trước đây có sử dụng các nhạc cụ như đàn thổi, nhưng do thời gian dài phải chật vật với đời sống kinh tế nên nét văn hóa này dần biến mất. Cùng với đó, chương trình 2086 cũng mang theo mục đích khôi phục lại nét văn hóa này của người Rục; thế nhưng, bước đầu đã gặp nhiều khó khăn do số lượng người biết về chủ đề này còn quá ít cũng như ý thức giữ gìn văn hóa của người Rục chưa cao khiến người Rục phải đối mặt với thách thức bảo tồn và nguy cơ mai một văn hóa tộc người. Bên cạnh những nét văn hóa truyền thống được ra sức phục hồi và gìn giữ, ngược lại, một số phong tục tập quán của cộng đồng được cho là lạc hậu, hay mê tín dị đoan được chính quyền khuyến khích từ bỏ. Chẳng hạn, trong cộng đồng trước đây có thuật thổi thắt, thổi mở, thuật hấp hơi và các tập tục kiêng kỵ khi phụ nữ sinh con ngày nay không còn được duy trì do sự tuyên truyền của chính quyền địa phương. Được biết, thuật thổi thắt, thổi mở của người Rục là dùng bùa chú thổi vào người phụ nữ để sinh hoạt vợ chồng không có con (gọi là thổi thắt). Khi cần có con trở lại, sẽ dùng bùa chú để thổi vào người phụ nữ (gọi là thổi mở). Thuật hấp hơi nhằm để tránh thú dữ khi đi rừng. Mỗi khi vào rừng, người Rục chỉ cần đọc câu thần chú thì dù có hổ, báo, voi rừng cũng không dám đến gần tấn công người. Khi đi vào rừng, họ cũng kiêng kỵ gọi tên lóng các loài động vật và phải im lặng vì sợ ma rừng phật ý. Khi được hỏi về lý do tại sao các tập tục này không còn được duy trì ngày nay, một số người già cho biết rằng đó là do các phong tục này không còn phù hợp với xu hướng và thực tế hiện nay, vì vậy, không còn ai thực hành chúng nữa. Trong quá trình sinh sống, người Rục được chính quyền định hướng là từ bỏ các hủ tục không còn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.

Về giáo dục – đào tạo: Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án, chính sách phù hợp với nhu cầu học tập của con em đồng bào Rục. Các trường mầm non, tiểu học ở vùng có người Rục được nâng cấp và phát triển. Hiện tại, trẻ em người Rục đã có những bước tiếp cận đáng kể so với trước đây, tình hình trẻ được đến trường gần như tối đa trong địa bàn. Theo lời kể của thông tín viên P.V.H (52 tuổi) làm công tác biên phòng tại xã Thượng Hóa, trên địa bàn, gần như 100% gia đình có trẻ em người Rục trong độ tuổi đi học đều được Nhà nước tìm đến vận động đến trường. Tuy nhiên, do cộng đồng người Rục chỉ mới tiếp xúc với chương trình giáo dục quốc gia trong thời gian gần đây, và ý thức giáo dục trong một số gia đình người Rục vẫn chưa đạt đến mức cao nên đã dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc thúc đẩy trẻ em đến trường trong một số gia đình. Mặc dù vậy, nhìn chung, cán bộ địa phương và giáo viên tại các trường học vẫn không ngừng nỗ lực để đảm bảo rằng tất cả trẻ em người Rục đều có cơ hội tiếp cận giáo dục. Trên địa bàn xã Thượng Hóa có tổng cộng 7 ngôi trường, gồm 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở. Để học tiếp trình độ trung học phổ thông, học sinh phải chuyển học lên tuyến huyện. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các em học sinh thuộc cộng đồng người Rục đều đã có cơ hội tiếp cận giáo dục, một số em đã học lên cấp 3 và thậm chí có một em đã học đại học tại Trường Đại học Quảng Bình. Thông qua việc giáo dục trên ghế nhà trường, thế hệ trẻ người Rục được tiếp cận kiến thức và tiếp xúc với các quan điểm mới. Để khuyến khích trẻ em người Rục học tập, Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ như miễn phí học phí, tặng sách vở, đồng phục, cấp phát tiền ăn mỗi học sinh 579 nghìn đồng/tháng. Với những học sinh cấp 2 nhà xa trường, các em còn được nhiều mạnh thường quân tặng xe đạp làm phương tiện đi học. Có thể thấy chính sách giáo dục cho con em người Rục đang từng bước phát huy, học sinh người Rục được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật. Mặc dù vậy, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ người chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông trong cộng đồng người Rục còn cao, chất lượng học tập của trẻ em người Rục chưa cao, đa phần sẽ học đến lớp 7 hoặc 8 sau đó tự động bỏ học và theo gia đình đi rừng, làm rẫy phụ giúp kinh tế. Số người học lên cấp 3 tương đối ít.

Về mặt ngôn ngữ, trong cộng đồng người Rục chỉ tồn tại văn nói, chưa có chữ viết riêng. Trẻ em người Rục từ khi được sinh ra đã được ba mẹ, ông bà dạy cho tiếng nói của dân tộc, nhưng không biết viết tiếng Rục. Khi đến trường, trẻ cũng không học tiếng Rục mà tiếp cận chương trình học chính quy với tiếng Việt là ngôn ngữ chủ đạo. Cùng với đó, trong cộng đồng người Rục và những tộc người anh em cùng sinh sống tại huyện Minh Hóa còn tồn tại một ngôn ngữ chung để giao tiếp. Như vậy, có thể nói mặc dù không thể viết được chữ viết của chính đồng bào mình, nhưng người Rục có thể sử dụng được 3 ngôn ngữ trong giao tiếp là tiếng Rục, tiếng chung của cộng đồng trong huyện và tiếng Việt. Ngoài ra, nhờ tiếp cận công nghệ thông tin qua điện thoại di động, nhiều người Rục mặc dù còn hạn chế về mặt đọc viết tiếng Việt nhưng có thể tham gia mạng xã hội để giải trí như lướt Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube,... và cả Karaoke.

Bên cạnh đó, sự phát triển của y tế đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Người dân có thể khám chữa bệnh dễ dàng hơn tại các trạm y tế. Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền người dân từ bỏ những cách thức chữa bệnh được cho là dùng phép thuật. Sức khỏe của trẻ em và phụ nữ được chú trọng hơn, giúp giảm tỷ lệ tử vong. Nhờ đó, kiến thức bản địa về chăm sóc sức khỏe cũng được cải thiện và hiện đại hóa theo thời gian. Nếu trước đây, khi còn sống trong rừng núi, vấn đề sức khỏe phụ thuộc vào thiên nhiên thì hiện tại, người Rục đã đến các trạm xá, bệnh viện để thăm khám nếu gia đình có người bệnh. Tuy nhiên, trong cộng đồng, nếu gặp một vài bệnh đơn giản như đau đầu, đau bụng thì họ vẫn còn sử dụng phương pháp uống thuốc cây rừng, họ chỉ đến bệnh viện khi có bệnh nặng. Trong các gia đình người Rục, người ta vẫn dự trữ những cây rừng có công dụng trị bệnh. Các hình thức được cho là mê tín như cúng bái khi trong gia đình có người bệnh gần như không còn, những người làm nghề thầy cúng, thầy mo đã không còn tồn tại trong gia đình người Rục, tới thời điểm hiện tại, tập tục này chỉ còn xuất hiện trong cúng đám tang, đám giỗ. Phụ nữ khi sinh đẻ cũng đến các bệnh viện xã, huyện, nếu sinh khó thì chuyển lên tỉnh. Có trường hợp sinh khó thì vẫn có thể báo cho y tá đến nhà đỡ đẻ.

Trong bối cảnh cộng đồng này sống biệt lập trong rừng, khả năng tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật rất hạn chế, khả năng hội nhập còn thấp, sự đầu tư hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, trong đó trên lĩnh vực đời sống văn hóa, giáo dục, y tế đã tác động đáng kể đến cộng đồng người Rục và kích thích sự thay đổi trong nhận thức của họ. Đi kèm với sự hỗ trợ về mặt vật chất là các chính sách tuyên truyền về pháp luật, thay đổi lối sống trong bối cảnh mới để phát triển hơn. Các diễn ngôn này được hình thành trong bối cảnh người Rục bắt đầu thích nghi và hội nhập với cuộc sống mới, từ đó nó dần đi vào tiềm thức của cộng đồng. Tuy nhiên, việc đưa ra các chính sách phát triển cũng đi kèm với quan điểm quyền lực áp đặt và định kiến. Những người thực hiện chính sách cho rằng đây là “tộc người kém phát triển”, “trình độ dân trí thấp”, “người rừng”, “dân tộc lạc hậu”, hoặc đây là dân tộc với lối tư duy “đói không no, lo không mừng”. Tất cả những định kiến này cũng tác động trở lại trong chính cộng đồng người Rục, làm cho họ cảm thấy tự ti trong đời sống. Điều này cũng góp phần làm triệt tiêu động lực phát triển của các thế hệ trẻ người Rục.

THẢO LUẬN

Theo quan điểm lý thuyết hậu cấu trúc luận của Michel Foucault, quyền lực không tồn tại như một thực thể cụ thể, một danh từ, mà thay vào đó, nó là một mạng lưới các mối liên hệ giữa cá nhân và nhóm. Foucault định nghĩa quyền lực như một tập hợp các mối liên hệ, một cấu trúc mạng lưới có tổ chức, phối hợp và thứ bậc. Trong quan điểm của ông, cấu trúc xã hội là cấu trúc của quyền lực, có nghĩa là nó phản ánh các mối quan hệ quyền lực và sự tương tác giữa chúng. Foucault cho rằng xã hội hiện đại, với các hình thức tổ chức xã hội và tổ chức lao động, không duy trì bằng sự đồng thuận hay kiểm soát và áp đặt từ bên ngoài, mà thay vào đó, nó tồn tại thông qua hệ thống giám sát và kỷ luật ngầm đối với thể xác con người, [ 22 , tr.305]. Đi đôi với yếu tố quyền lực là yếu tố diễn ngôn, theo Foucault các diễn ngôn có sức mạnh vượt qua tất cả và chi phối mọi thứ trong xã hội. Theo ông, cái mà quá trình lịch sử tạo ra chính là những diễn ngôn, và những diễn ngôn này chi phối tư duy của con người, cách con người suy nghĩ và hành động, phân biệt phải trái, đúng sai và từ đó định hình nên văn hóa của con người [ 21 , tr.94]. Theo cách tiếp cận này, chúng ta thấy Nhà nước đã thông qua việc thực hiện các chính sách nhằm phát triển các dân tộc thiểu số trên tất cả mọi mặt, bao gồm phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam là một quốc gia có nhiều thành phần dân tộc, đặc điểm tộc người như một thước đo làm căn cứ để xây dựng và thực hiện những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,… của đất nước. Kinh tế của các tộc người tăng trưởng nhanh hay chậm, đời sống nhân dân cao hay thấp, phân hóa giàu nghèo nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách phát triển của Nhà nước. Hiệu quả của các chính sách này cũng phụ thuộc vào việc chúng có được thiết kế và thực hiện một cách công bằng và đồng đều hay không. Các quyết định và hành động của Nhà nước có thể tạo ra sự ổn định và phát triển, hoặc ngược lại, nếu chúng không công bằng và gây ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa các tộc người.

Nhìn dưới góc độ chính sách phát triển, với sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp, người Rục có sự thay đổi toàn diện so với chính họ trước đó. Các dự án về cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế này không chỉ trực tiếp tác động đến các thực hành văn hóa xã hội, sinh kế của người Rục mà còn làm thay đổi cấu trúc xã hội của họ. Sau hơn 60 năm kể từ khi phát hiện và đưa người Rục trở về sống tập trung ở các bản đến nay, đời sống của họ được cải thiện đáng kể nhờ vào các chính sách hỗ trợ phát triển. Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm tại các bản và đầu tư hệ thống nước sạch cho cộng đồng người Rục. Mỗi hộ gia đình người Rục được xây dựng một căn nhà xi măng, gạch đá. Các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, chính sách xóa đói giảm nghèo, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của người Rục. Từ lối sống du cư, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên với dân số 34 người, ngày nay, dân số người Rục đã lên tới 580 người, họ đã dần thích nghi với cuộc sống định cư, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Trên lĩnh vực sinh kế, người Rục được hướng dẫn chuyển sang trồng lúa nước, ngô, khoai, sắn, đậu, chuối..., được Nhà nước hỗ trợ bò để chăn nuôi, bước đầu đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Mặc dù người Rục đã có những bước tiến đáng kể trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội so với trước đây, nhưng nhìn một cách tổng thể và khách quan, cộng đồng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nếu như trước đây đời sống của họ gắn bó với rừng, coi rừng là nhà, là không gian sinh tồn nơi nuôi dưỡng, đùm bọc cả cộng đồng, thì nay cách nhìn nhận thế giới quan về rừng trong tâm thức họ đã thay đổi. Họ vốn thích ứng lâu đời với truyền thống đốt nương làm rẫy và khai thác tự nhiên từ rừng. Những tập tục này được coi là phù hợp với cộng đồng người Rục trong điều kiện sinh thái của khu vực họ sinh sống lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khi Nhà nước thực hiện các chính sách về định canh định cư và phát triển kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, người Rục giảm sự phụ thuộc vào rừng. Chủ trương chuyển đổi cây trồng, đưa canh tác lúa nước vào cộng đồng người Rục bước đầu đã có những kết quả nhất định như cung cấp nguồn lương thực cho cộng đồng; tuy nhiên, cộng đồng vẫn chưa thực sự thích ứng với phương thức sinh kế này. Chính vì vậy, họ bị cho là dân tộc lạc hậu, kém phát triển. Bên cạnh đó, áp lực từ sự phát triển lên cộng đồng này là rất lớn và câu hỏi được đặt ra là phải thay đổi như thế nào cho phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Chính quyền địa phương, bộ đội đồn biên phòng đều là người Kinh, trong quá trình triển khai các chính sách, họ thường áp đặt quan điểm và yêu cầu cộng đồng người Rục phải làm theo. Khi người Rục không đáp ứng được yêu cầu đưa ra, họ bị chê trách hoặc đem ra so sánh là thấp kém các dân tộc khác. Lời nói và ứng xử hàng ngày của chính quyền địa phương và người Kinh luôn biểu hiện thái độ định kiến với người Rục. Chẳng hạn, trong quá trình khảo sát, chúng tôi tiếp xúc với người Kinh, khi nói về người Rục, họ coi đây là một tộc người lạc hậu và kém phát triển. Trong các chính sách, họ cũng thể hiện quan điểm áp đặt từ phía chính quyền. Họ cho rằng trước đây, người Rục có những phong tục tập quán mang tính lạc hậu, mê tín dị đoan nên phải lập các chính sách văn hóa nhằm xóa bỏ những yếu tố lạc hậu, hủ tục, và khuyến khích người Rục tham gia vào các thực hành văn hóa mới thông qua các buổi sinh hoạt văn hóa, họp dân tại nhà văn hóa bản, khuyến khích tham gia thực hành hoạt động kinh tế hàng hóa. Chính những áp lực của việc phát triển làm cho cộng đồng người Rục cũng tự tạo ra những định kiến với chính mình. Họ cho rằng phát triển kinh tế thị trường đối với họ là những vấn đề lớn lao, khó thực hiện đối với nhiều hộ dân.

Qua thực tế khảo sát, chúng tôi thấy rằng có những vấn đề thách thức trong việc bảo tồn văn hóa tộc người. Một trong những vấn đề nan giải đó là ngôn ngữ của người Rục đang có nguy cơ “biến mất”, do tộc người này chưa có chữ viết, hiện nay, gần như rất ít người có thể sử dụng thành thạo tiếng nói của dân tộc mình. Các chính sách phát triển của Nhà nước chưa ưu tiên việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của cộng đồng. Một phần do các chính sách đưa ra mang tính chất hỗ trợ, do vậy, hiệu quả của chính sách chưa thực sự bền vững, chưa thực thi đồng bộ hoặc không có sự tham gia trực tiếp của chính cộng đồng người Rục. Để các chính sách mang tính khả thi hơn, chúng tôi cho rằng khi Nhà nước đưa ra các chính sách, cần phải quan tâm đến tập quán, mức độ nhận biết của tộc người này, phải lấy người dân làm trung tâm, có sự khảo sát, đánh giá để dự án khi đi vào thực hiện sẽ mang tính khả thi cao. Trong quá trình triển khai dự án, chính quyền các cấp tạo điều kiện để cộng đồng là người trực tiếp tham gia, còn nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện. Cách thức này sẽ phát huy được sức mạnh nội sinh của cộng đồng, nâng cao khả năng thích ứng, tạo sự kết nối và hiểu biết nhau trong cộng đồng. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, mà còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội, giúp cộng đồng tiếp cận với xu hướng mới của thời đại. Trong quá trình thực hiện chính sách, cần phải có đội ngũ chuyên môn am hiểu về cộng đồng người Rục, nắm được tâm tư nguyện vọng của họ để từng bước hướng dẫn họ thích nghi với điều kiện mới. Bên cạnh đó, những người thực thi chính sách phải thực sự kiên trì thực hiện từng bước một nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ được ý nghĩa và mục đích thiết thực của từng dự án. Để các chính sách thực thi hiệu quả và giúp cộng đồng người Rục phát triển bền vững, những người làm chính sách phải lựa chọn và cân nhắc để đưa ra các quyết sách, giải pháp phù hợp với khả năng và nguồn lực của chính cộng đồng.

KẾT LUẬN

Từ một cộng đồng sống biệt lập, nền kinh tế tự cung tự cấp, với hai loại hình sinh kế truyền thống là khai thác tự nhiên và nông nghiệp nương rẫy, ngày nay, người Rục đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong đời sống vật chất và tinh thần. Để có được cộng đồng người Rục như ngày nay, phải kể đến vai trò của Nhà nước trong việc đưa ra các chính sách giúp cộng đồng này từng bước thích nghi, ổn định cuộc sống và thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế – xã hội giữa người Rục với các dân tộc khác trong vùng. Mặc dù người Rục đã được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng các chính sách chủ yếu chú trọng đến phát triển kinh tế, cải thiện đời sống mà chưa quan tâm nhiều đến bảo tồn ngôn ngữ tiếng Rục và sự đa dạng văn hóa tộc người. Để người Rục hội nhập mà không đánh mất chính mình, cần phải có sự nỗ lực từ những người thực hiện chính sách và chính cộng đồng người Rục. Để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và an sinh cho cộng người Rục, đồng thời khắc phục những tồn tại, các chính sách đưa ra phải mang tính khả thi. Để cải thiện đời sống cộng đồng và tránh xung đột không mong muốn, Nhà nước cần phải lấy người dân làm trung tâm, cho phép người Rục tham gia nhiều hơn vào mọi hoạt động được tiến hành tại địa phương. Thay vì duy trì cách thức bảo trợ và làm thay họ như thời gian vừa qua, những người thực thi chính sách như chính quyền địa phương và cán bộ đồn biên phòng đóng vai trò là cộng tác viên hoặc người hỗ trợ đồng hành cùng chính họ. Ngoài việc quan tâm đến nguồn lực tài chính, cũng cần xem xét một cách kỹ lưỡng về nguồn lực con người. Đào tạo cán bộ với kiến thức sâu rộng về tri thức bản địa và khả năng hiểu biết sâu sắc về nội tình, văn hóa của cộng đồng người Rục là rất quan trọng. Cán bộ có hiểu biết chuyên sâu về tri thức bản địa có thể tận dụng và phát huy sức mạnh của kiến thức địa phương để thiết kế và triển khai các chính sách, dự án một cách hiệu quả. Đồng thời, việc thấu hiểu nội tình, văn hóa, và bản sắc đặc biệt của cộng đồng người Rục giúp cán bộ tạo ra những giải pháp và hoạch định phù hợp với nhu cầu và mong muốn của cộng đồng. Đồng thời, cần tăng cường kiến thức văn hóa và giáo dục cho cộng đồng người Rục nhằm thúc đẩy sự tự chủ trong quá trình sản xuất, nông nghiệp, và nuôi trồng. Điều này cũng nhằm hỗ trợ họ trong việc thu thập tri thức nhân loại. Bởi vì ý thức và hành động của người Rục quyết định rất lớn đến sự thành bại của các chính sách đầu tư, cũng như sự thay đổi của cả cộng đồng trong tương lai.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số C2024-18b-05

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có xung đột về lợi ích với bất cứ ai liên quan đến việc công bố bài viết này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Đóng góp về mặt khoa học của bài viết là minh họa cho những vấn đề liên quan đến lý thuyết nhân học. Đóng góp về mặt thực tiễn của bài viết là làm cơ sở tham khảo cho cộng đồng người Rục và những người hoạch định chính trong việc xây dựng và phát triển bền vững văn hóa tộc người.

References

  1. Võ Xuân Trang. Người Rục ở Việt Nam. Hà Nội: NXB Thanh Niên; 2012. . ;:. Google Scholar
  2. Nguyễn Ngọc Thanh - Vi Văn An. Ghi chép dân tộc học về người Rục ở Quảng Bình. Tạp chí Dân tộc học, số 4, tr.37-46; 1991. . ;:. Google Scholar
  3. Nguyễn Thành Vân. Vài nét về tôn giáo tín ngưỡng của người Rục. Tạp chí Dân tộc học, số 4, tr.69-75; 1997. . ;:. Google Scholar
  4. Nguyễn Bình. Dân tộc Arem và dân tộc Rục. Hà Nội: Tập san Dân tộc, số 24;1961. . ;:. Google Scholar
  5. Mạc Đường. Tìm hiểu về người Rục ở miền núi tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 48, tr. 32-44; 1963. . ;:. Google Scholar
  6. Nguyễn Đình Khoa. Thành phần nhân chủng một số nhóm dân tộc miền núi tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 121, tr.41-45; 1969. . ;:. Google Scholar
  7. Phạm Đức Dương. Về mối quan hệ thân thuộc giữa các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt - Mường miền tây tỉnh Quảng Bình. Viện Dân Tộc Học, Về vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền bắc Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, tr.500-517; 1975. . ;:. Google Scholar
  8. Tạ Long. Về mối quan hệ cộng đồng tộc người giữa ba nhóm Mày, Rục, Sách. Viện dân tộc học: NXB khoa học xã hội, tr.518-530; 1975. . ;:. Google Scholar
  9. Nguyễn Văn Lợi. Sự hình thành đối lập đường nét thanh điệu bằng/không bằng trong các ngôn ngữ Việt - Mường (Trên tư liệu tiếng Arem và Rục). Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, tr.3-9; 1988. . ;:. Google Scholar
  10. Trần Trí Dõi. Thực trạng kinh tế và văn hóa của ba nhóm tộc người đang có nguy cơ biến mất. Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc; 1995. . ;:. Google Scholar
  11. Nguyễn Văn Mạnh. Một số vấn đề về dân số của người Chứt ở miền núi tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Dân tộc học, số 2, tr.44-49; 1996. . ;:. Google Scholar
  12. Tạ Long, Ngô Thị Chính. Đôi nét về tổ chức trên làng của người Chứt và người Bru - Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Dân tộc học, số 5; 2004. . ;:. Google Scholar
  13. Nguyễn Thị Ngân. Nhận diện di sản văn hóa dân tộc Chứt ở Quảng Bình. Hà Nội: NXB Sân Khấu; 2017. . ;:. Google Scholar
  14. Nguyễn Ngọc Thanh. Một lời kêu cứu từ thực trạng người Rục, trong Hội nghị về sự bảo tồn và phát huy di sản phi vật chất của các dân tộc thiêu số ở Việt Nam 1994. Tính đa dạng văn hóa ở Việt Nam những tiếp cận về sự bảo tồn. Hà Nội: NXB Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; 2002. . ;:. Google Scholar
  15. Đinh Thanh Dự. Văn hóa dân gian Bru - Vân Kiều, Chứt ở Quảng Bình. Thừa Thiên Huế: NXB Thuận Hóa; 2009. . ;:. Google Scholar
  16. Trần Tấn Đăng Long. Sự biến đổi sinh kế của người rục ở huyện minh hóa tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, số 2 (41), 2019, tr 70-79; 2019. . ;:. Google Scholar
  17. Trần Tấn Đăng Long. Người Rục và quá trình hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ- Khoa học Xã hội và Nhân văn 2023,7(1):1909-1921. . ;:. Google Scholar
  18. Lương Văn Hy. Powerpoint bài giảng môn Lịch sử lý thuyết nhân học, dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP,HCM, Tr.94; 2023. . ;:. Google Scholar
  19. Lemke, T. Foucault, governmentality and critique, paper presented at the Rethinking Marxism Conference, University of Amherst MA, 21-24 September, pp.2-3; 2000. . ;:. Google Scholar
  20. Foucault, M. The subject and power. Critical Inquiry: University of Chicago Press, pp.777-795; 1982. . ;:. Google Scholar
  21. Lâm Minh Châu. Nhân học khoa học về sự khác biệt văn hóa. Nhà xuất bản Thế giới, tr.93-94; 2017. . ;:. Google Scholar
  22. Lê Ngọc Hùng. Lịch sử và Lý thuyết xã hội học, NXB Khoa học Xã hội, tr.305-307; 2008. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 1 (2024)
Page No.: 2318-2328
Published: Mar 31, 2024
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i1.906

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, L. (2024). The impacts of ethnicity policy on the Ruc community in the western mountains of Quang Binh province. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(1), 2318-2328. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i1.906

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 747 times
PDF   = 210 times
XML   = 0 times
Total   = 210 times