VNUHCM Journal of

Social Sciences and Humanities

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam since 2017

ISSN 2588-1043

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Commentaries

HTML

764

Total

247

Share

“Men dang hu dui”: From the architectural idiom to the notion of marriage






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

“Men dang hu dui” (門當戶對 – Vietnamese: “môn đăng hộ đối”) is one of the traditional notions of marriage in China, propagated from the wide spread of Confucianism, and has a strong influence on the marriage customs in the East Asian countries, including Viet Nam. On the basis of graphology, “men” (門) is a word formed by combining two similar words “hu” (戶), and the phrase “men dang hu dui” (門當戶對) meant the pleasing symmetry of two door leaves. However, in the ancient architectural construction, this phrase mentioned two parts making up a main door. As stated in these differences, this article is to explore the origin and connotation of the notion “men dang hu dui” in the traditional marriage customs in the East Asian countries (China, Vietnam) in the monarchy period, from the perspective of cultural studies, mainly based on Watson, James’s views on the process of cultural “standardization” and qualitative research methods. According to the systematic reviews and logical inferences, the author found that the notion “men dang hu dui” originating from an idiom of architectural culture was applied to the mate selection with the wishes of a happy marriage and perfect family life. Afterwards, because of the influence of “the orthopraxy” under the Confucian perspective in the early modern era, the notion was changed into “a type of standard” to support the social organization and management of the central state.

DẪN NHẬP

Chủ đề về hôn nhân và gia đình của các tộc người là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu khoa học. Mỗi nghi lễ kết hôn, phong tục và quan niệm hôn nhân của một tộc người nhất định sẽ phản ánh các đặc trưng văn hóa, cũng như những biến đổi trong chế độ hôn nhân của cộng đồng đó. Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia chịu sự chi phối sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo, đặc biệt vào thời kỳ quân chủ 1 , 2 . Thực tiễn chứng minh, nhiều quan niệm xã hội, góc nhìn và các chuẩn mực Nho giáo đã và đang tồn tại trong các vấn đề về hôn nhân và gia đình ở hai quốc gia này, trường hợp quan niệm “môn đăng hộ đối” trong phong tục hôn nhân là một thí dụ điển hình.

Vốn là một thành ngữ trong văn hóa kiến trúc truyền thống ở Trung Quốc, “môn đăng hộ đối” ban đầu được hiểu là “cổng - cửa, nhà tương xứng” 3 . Về sau, thành ngữ này trở thành một quan niệm hôn nhân trong quần chúng, thể hiện ước vọng về một đời sống hạnh phúc của các cá nhân, tập thể liên quan. Do nhu cầu liên kết xã hội, bảo vệ quyền lực và lợi ích của giai cấp, đặc biệt là mục đích thống nhất văn hóa, cai trị đất nước của chính quyền trung ương thời kỳ quân chủ, quan niệm này đã được chuẩn hóa, trở thành một quy ước chung của mọi giai tầng trong xã hội. Ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, nội dung quan niệm “môn đăng hộ đối” lại được diễn giải khác nhau, phụ thuộc vào những biến đổi của xã hội và nhu cầu thực tiễn của các giai tầng. Trong bối cảnh xã hội đa văn hóa và bất bình đẳng, quá trình chuẩn hóa quan niệm “môn đăng hộ đối” tất yếu đối diện với nhiều khó khăn, trở ngại, cũng như những phản ứng đa chiều từ các cộng đồng dân cư. Để giải quyết hiệu quả những vấn đề này, giữa chính quyền trung ương, quan lại và trí thức địa phương cùng người dân đã có những thỏa hiệp nhất định, tạo nên sự thống nhất văn hóa về mặt diện mạo và đa dạng về nội dung. Như vậy, nghiên cứu về nguồn gốc, ý nghĩa của quan niệm “môn đăng hộ đối” nên được đặt trong mối quan hệ giữa văn hóa kiến trúc và quan niệm hôn nhân truyền thống Trung Quốc thời kỳ quân chủ và dưới góc nhìn “chính thống hóa văn hóa”.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Với tư cách là một phương diện trong phong tục hôn nhân, quan niệm “môn đăng hộ đối” được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu liên quan. Tuy nhiên, nghiên cứu về quan niệm này dưới góc nhìn “chính thống hóa văn hóa” chưa thật sự là đối tượng nghiên cứu trực tiếp, độc lập. Phần lớn các nhà nghiên cứu đi trước đóng góp nhiều công trình ở những phương diện như: lịch sử di cư - lưu trú, kinh tế - xã hội, phong tục - nghi lễ trong hôn nhân của các tộc người thông qua các góc nhìn: nhân học, kinh tế học, lịch sử học, dân tộc học, triết học, xã hội học, phân tâm học, v.v. Trong bài viết này, các công trình nghiên cứu được sắp xếp theo hai mảng chính: nhóm tư liệu liên quan đến văn hóa kiến trúc (nhóm 1), nhóm tư liệu liên quan đến quan niệm hôn nhân “môn đăng hộ đối” (nhóm 2).

Ở nhóm 1, nghiên cứu của tác giả Tô Kinh về kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật kiến trúc cổ Trung Quốc chỉ ra, vào cuối thời kỳ xã hội nguyên thủy, ở Trung Quốc đã xuất hiện một loại hình xây dựng dựa trên phương thức kết cấu lấy gỗ làm chính; theo đó, các cột gỗ chính được dựng trên đá tảng, các thanh gỗ khác kết hợp với nhau tạo thành bộ khung nhà hoàn chỉnh giúp cho việc trổ cửa ra vào linh hoạt 4 . Ví dụ minh họa rõ nét cho loại hình xây dựng này là công trình nghiên cứu của các tác giả Đơn Đức Khải (2015) 3 , Wu Yu Cheng (2011) 5 . Kết quả nghiên cứu cho thấy, hai thành phần ở cửa là “môn chẩm thạch” (đá gối cửa) và “trâm cài cửa” (môn trâm) có liên quan đến thành ngữ “môn đăng hộ đối”. Bổ sung thêm nội dung về phân cấp sử dụng, số lượng, tên gọi, phân loại hai thành phần cửa này là nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Hoàng Điệp (2000) 4 , Liu Feng (2006) 6 . Các kết quả tìm hiểu cho thấy rằng, “đá gối cửa” và “trâm cài cửa” có thể được phân loại theo nhiều hướng, điển hình, “đá gối cửa” có thể được phân loại dựa trên cấu trúc (3 loại) hoặc theo hình dạng (6 loại và 2 dạng); “trâm cài cửa” có hình dạng và họa tiết biến đổi theo thời gian từ các khối lục giác, trụ tròn, hình hộp đơn thuần sang các khối hoa văn chạm trổ mang nhiều ý nghĩa may mắn. Nhìn chung, nội dung nghiên cứu chính của các tác giả nhóm 1 thiên về lý giải cấu trúc kiến trúc, chức năng, phân loại các bộ phận cửa, đá kê cửa trong văn hóa xây dựng truyền thống, chưa đề cập chi tiết mối liên hệ sâu sắc với quan niệm hôn nhân truyền thống.

Ở nhóm 2, khởi nguồn từ kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Watson, Rubie S. & Ebrey, Patricia Buckley (1991) 7 cho thấy, từ thời “Xuân Thu - Chiến Quốc” đến giai đoạn “Cách mạng Văn hóa”, hầu hết các cuộc hôn nhân ở Trung Quốc đều có tính lựa chọn (“môn đăng hộ đối”); các giá trị tương đương như nguồn gốc xuất thân (bối cảnh gia đình), quyền thế, địa vị, kinh tế (tài sản, tiền bạc, v.v.) sẽ được diễn giải và có những vị thế khác nhau, ứng với từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Mỗi một giai tầng trong xã hội cũng sẽ có những phản ứng khác nhau với quan niệm “môn đăng hộ đối”; điển hình, “tục cướp hôn” là một cách ứng xử khéo léo của người dân Trung Quốc ở khu vực Nam Hối (McLaren, Anne E., 2001) 8 . Ở một phương diện khác, các tác giả Wang Qiong (2007) 9 , Su Mei Mei & Zhang Bi Chun (2009) 10 , Zhang Hong (2010) 11 , Yang Xiang Liang (2011) 12 dựa trên các lý thuyết “trao đổi xã hội” (đơn cử, Homans, George C., 1958) 13 để phân tích “cái lý tồn tại” của quan niệm “môn đăng hộ đối” trong xã hội Trung Quốc xưa và đương đại. Theo họ, sự lựa chọn đối tác trong hôn nhân là một quá trình trao đổi dựa trên sự tương đương và công bằng, nhằm đáp ứng một nhu cầu cụ thể của các bên liên quan. Như vậy, đóng góp của các tác giả nhóm 2 chủ yếu phác thảo sự xuất hiện của các cuộc hôn nhân sắp đặt và có tính chọn lọc, chưa lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của quan niệm “môn đăng hộ đối”.

Tựu trung, các công trình nghiên cứu sẵn có, chưa bàn luận đến những vấn đề như: Làm thế nào từ thành ngữ trong kiến trúc xây dựng lại có thể được quần chúng vận dụng vào việc lựa chọn bạn đời? Triều đình trung ương làm cách nào thống nhất quan niệm hôn nhân này trên toàn lãnh thổ, v.v. Những nội dung như vậy sẽ lần lượt được đề cập trong bài viết này bên cạnh lời đáp của các câu hỏi nghiên cứu chính: (1) Phải chăng, ngay từ khi xuất hiện, quan niệm này vốn là cơ sở để vun đắp và củng cố hạnh phúc hôn nhân - gia đình của các cặp vợ chồng; thế nhưng theo thời gian, những hệ quả kéo theo đã bị nhấn mạnh quá mức hoặc bị biến đổi theo mục đích quản lý xã hội của các triều đại quân chủ? (2) Tầng lớp hoàng tộc đã giải quyết những mâu thuẫn giữa quan niệm do chính họ “chuẩn hóa” với thực tiễn lựa chọn đối tượng kết hôn ra sao? (3) Trong xã hội bất bình đẳng và đa dạng văn hóa, các giai tầng đã phản ứng với quan niệm này như thế nào? Ngoài vận dụng phương pháp nghiên cứu định tính (phân tích dữ liệu thứ cấp) và suy luận logic, tác giả chủ yếu vận dụng quan điểm “chính thống hóa” văn hóa của Watson, James để hiểu rõ quá trình “chuẩn hóa” quan niệm “môn đăng hộ đối” trên toàn lãnh thổ Trung Quốc; từ đó lý giải nguồn gốc, ý nghĩa của quan niệm này, cũng như có cơ sở khẳng định “môn đăng hộ đối” là một sản phẩm kết hợp giữa văn hóa kiến trúc và quan niệm hôn nhân truyền thống.

NỘI DUNG CHÍNH

Nguồn gốc và ý nghĩa của thành ngữ “môn đăng hộ đối”

“Môn đăng hộ đối” là cách nói trại của thành ngữ “môn đương hộ đối” 14 (門當戶對) trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trên cơ sở nghiên cứu của tác giả Tô Kinh về ưu điểm của phương pháp xây dựng “kết cấu lấy gỗ làm chính” - hỗ trợ cho việc trổ cửa ra vào và cửa sổ linh hoạt thì thành ngữ trên được hiểu là “cổng - cửa, nhà tương xứng” [ 4 , tr.391].

Cụ thể, “môn đương hộ đối” đơn thuần chỉ sự cân xứng của hai thành phần ở cửa là “đá kê cửa” (môn chẩm thạch), “trâm cài cửa” (môn trâm) và chỉ sự cân đối, hài hòa của ngôi nhà truyền thống ở Trung Quốc ( Figure 1 ). “Môn chẩm thạch” là bục, bệ đá đỡ đầu dưới của trục cửa , có chức năng “cố định phần mặt cửa gỗ, để nó không bị di chuyển khi trời gió hoặc khi mở cửa”; “môn trâm” là chốt cửa (nằm trên thanh đà, ngay “mi cửa”, song song mặt đất) 15 , có chức năng “cố định ở phần trên của trục cửa” [ 3 , tr.33]. Dù ngôi nhà có loại cửa một cánh hay hai cánh thì “môn chẩm thạch” và “môn trâm” phải được đặt ở vị trí đối xứng nhau (“môn đương”) thì khung và trục cửa mới đứng vững và ngôi nhà mới cân đối, hài hòa (ngôi nhà mới đúng là ngôi nhà - “hộ đối”) . Ngày nay, “môn chẩm thạch” và “môn trâm” được thay thế bằng các bản lề; thành ngữ được hiểu theo nghĩa chiết tự, ví dụ: “môn đăng” chỉ cặp trụ đá trước cửa có chức năng bảo hộ, trấn trạch trừ tà, “hộ đối” chỉ các cặp môn trâm sóng đôi trên cửa, v.v..

Figure 1 . Hình minh họa vị trí “môn chẩm thạch” và “môn trâm” (Nguồn: Tác giả, 2024)

Ngoài ra, dựa theo góc nhìn văn hóa kiến trúc và văn hóa gia tộc, “môn đăng hộ đối” còn được hiểu là hai gia đình, gia tộc phải tương đương nhau (“môn hộ thất địch” - 門戶匹敵). Bởi lẽ, vào các thời kỳ phong kiến và quân chủ , cửa (môn - 門) đại diện cho địa vị xã hội của chủ căn nhà. Người xưa thường hình dung hoàn cảnh gia đình của nhau qua những cụm từ: “thư hương môn đệ” (書香門第) để chỉ gia đình có học thức, “sài môn thảo hộ” ”(柴門草戶) để chỉ gia đình nghèo [ 3 , tr.31]. Thực tế lịch sử chứng minh, ngôi nhà của mỗi tầng lớp trong xã hội sẽ khác nhau về kích thước, hình dáng, kiểu mái cửa, màu sơn, vật trang trí, v.v. 5 . Thậm chí, những chi tiết gắn liền với cửa như: các lớp củng và đấu (thanh gỗ ngang, khối gỗ vuông chồng lên nhau ở đầu cột nhà), số lượng, hình dáng và hoa văn trên “trâm cài cửa” và “đá kê cửa” cũng được phân loại với những ý nghĩa khác nhau [ 4 , tr.391], [ 5 , tr.8-9]. Tỷ dụ, cửa chính (đại môn) được phân thành các loại như “Vương phủ đại môn” (王府大門), sở hữu của hoàng thân quốc thích, “Quảng lượng đại môn” (广亮大門), sở hữu của các quan lại, “Kim trụ đại môn” (金柱大門), sở hữu của các gia đình quý tộc, “Như ý môn” (如意門), sở hữu của thương nhân và những người giàu, v.v. [ 3 , tr.32-33]. Tương tự, có nhiều hướng phân loại “đá gối cửa”. Dựa trên cấu trúc có các dạng trụ hình cột, trụ tròn, trụ chữ nhật, trụ vuông, v.v. [ 6 , tr.158-159]. Dựa trên hình dáng mà chia “đá gối cửa” thành 3 dạng: hình hộp, hình trụ tròn, hình trống và phân bậc thành 6 loại. Loại thứ nhất, “đá gối cửa” được tạc “tượng sư tử” 16 , dành riêng cho tầng lớp hoàng tộc. Loại thứ hai, trên đỉnh và hai bên mặt “đá kê cửa” thường có chi tiết sư tử, dành cho quan từ tam phẩm trở lên. Giữa các quan, “đá gối cửa” lại được chia thành 2 dạng: quan văn sử dụng dạng hình hộp; quan võ dùng dạng hình trống” . Loại thứ ba, trên đỉnh và hai bên mặt của “đá gối cửa” có chi tiết linh thú (dơi, hươu, v.v.) thể hiện mong muốn về một cuộc sống hạnh phúc, dành cho các quan từ tam phẩm trở xuống. Ngoài ra, còn có các loại kết hợp giữa chi tiết sư tử, linh thú và cỏ cây, hoa lá, cá chép, v.v. với ý nghĩa cát tường, thịnh vượng [ 6 , tr.158-159], 17 . Loại thứ tư, “đá gối cửa” dạng hình hộp, hoa văn điêu khắc thường là cỏ cây, hoa lá, dành cho thương nhân và những gia đình giàu. Loại thứ năm, “đá gối cửa” dạng “bục, bệ chắn cửa”, không có hoa văn, dành cho dân thường. Loại thứ sáu, những người nghèo sẽ dùng “bục kê cửa” bằng gỗ mục thay thế đá khối. Do có những quy định phân loại và yêu cầu kỹ thuật chặt chẽ như vậy, nên các cặp “đá chắn cửa” được xem là một cơ sở để phân tầng các giai cấp trong xã hội.

Bên cạnh, các loại “cửa chính” ở mỗi cấp bậc có sự khác biệt, ảnh hưởng đến độ dài ngắn của thanh đà cửa, nên số lượng “trâm cài cửa” ở mỗi nhà không giống nhau. Ví dụ, chủ hộ là thường dân thì có một cặp; quan lại theo phẩm hàm thấp cao, có từ hai cặp trở lên; cửa càng rộng càng nhiều cặp và chỉ có một cặp gắn liền với trục cửa mới thực hiện chức năng cố định cửa, các cặp còn lại thường để trang trí ( Figure 2 ). Hình dáng “trâm cài cửa” dành cho các quan cũng có sự phân định: quan văn dùng dạng hình trụ tròn thuần túy, quan võ dùng dạng hình trụ lục giác. Vì vậy, “trâm cài cửa” được xem là đặc điểm thể hiện nguồn gốc gia đình và địa vị xã hội.

Figure 2 . Hình minh họa phần trước và sau của “trâm cài cửa” gắn liền trục cửa ở Trung Quốc (Nguồn: https://kknews.cc/history/avmoyzj.html)

Ở Trung Quốc xưa, vào những dịp lễ, hoặc khi gia đình có chuyện vui (sinh được con trai, được triều đình ban thưởng, làm ăn thuận lợi, v.v.), người ta thường treo đèn lồng đỏ ở trước cửa (tại vị trí của các thanh đà) nhằm trang trí, báo tin cho cộng đồng; đồng thời số lượng đèn lồng thường là số chẵn. Có thể vì lý do này, thành ngữ “môn đương hộ đối” đôi khi được hiểu là “môn đăng hộ đối”, với chữ “đăng” (燈) nghĩa là đèn. Một số tác giả khác như Tao Hai Ying (2010) 18 , Yang Shuang Rong (2017) 19 cho rằng “môn đăng”, “hộ đối” lần lượt là tên gọi trực tiếp của “môn chẩm thạch”, “môn trâm” và mỗi thành phần này sẽ luôn tồn tại theo từng cặp sóng đôi nhau. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Sung Qia Nan & Li Cai Qi (2022) 20 chứng minh không có sự tồn tại của hai tên gọi này trong lĩnh vực kiến trúc, số lượng của hai thành phần ở cửa này khởi nguyên không hoàn toàn liên quan đến vấn đề hôn nhân, cũng như không có thành ngữ “môn đăng hộ đối” chỉ sự đối xứng giữa cặp “môn chẩm thạch” và cặp “môn trâm”. Vì lẽ đó, “môn đăng hộ đối”, từ góc nhìn kiến trúc, được hiểu là sự cân xứng giữa cặp “môn chẩm thạch” - “môn trâm” và chỉ sự cân đối, hài hòa của ngôi nhà là hợp lý. Ở góc nhìn văn hóa, ngôi nhà và cửa đại diện cho diện mạo và thân phận của gia đình, gia tộc trong xã hội nên người xưa đã căn cứ vào đặc điểm của cửa để làm cơ sở lựa chọn đối tượng hôn phối.

Khi liên kết các ý nghĩa của kết cấu cửa - nhà truyền thống, văn hóa gia tộc với vấn đề lựa chọn đối tượng kết hôn tương hợp, “môn đăng hộ đối” thể hiện mưu cầu hạnh phúc của người dân về đời sống hôn nhân - gia đình ổn định, bền vững. Ngày trước, người xưa thường dùng từ “hôn lễ” (昏禮) để nói về lễ cưới tổ chức vào buổi chiều tối (lúc chạng vạng; khi mặt trời lặn, mặt trăng mọc) với “hôn” (昏- hoàng hôn) chỉ một thời điểm cát tường trong ngày, có sự giao hòa giữa âm và dương (mặt trăng và mặt trời cùng xuất hiện trên trời, sự kết hợp giữa nam và nữ) [ 21 , tr.52-61]; việc kết hôn, vì lẽ đó, là điều tự nhiên của trời đất, thuận theo quy luật vũ trụ. Về sau, người dân dùng thêm từ “hôn nhân” (婚姻) để chỉ “sự kết hợp của hai người” [ 22 , tr.56]; trong đó, “hôn” (昏) và “nhân” (因 - nương tựa, dựa dẫm) được bổ sung thêm bộ Nữ (女 - con gái, giới nữ) với ngụ ý, khi người phụ nữ kết hôn nghĩa là họ đã tìm được một nơi để nương tựa, cuộc sống sau này sẽ dựa dẫm vào người chồng 23 . Ngoài ra, “hôn nhân” còn được hiểu là việc chung của hai bên gia đình, gia tộc với “hôn (婚) là bố vợ”, “nhân (姻) là bố chồng”, những người đại diện làm chủ hôn sự của đôi nam nữ [ 22 , tr.156], [ 24 , tr.7]. Do nhu cầu duy trì nòi giống, liên kết xã hội, củng cố lực lượng lao động nên người xưa có xu hướng chọn lựa đối tượng kết thông gia có bối cảnh tương đương, nhằm hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, cũng như tạo sự đồng cảm, gắn kết và hạn chế những mâu thuẫn, bất hòa cho đôi vợ chồng mới. Bởi thế, hôn nhân không chỉ là vấn đề trọng đại của riêng đôi nam nữ, còn là vấn đề của hai bên thông gia, là cơ sở nền tảng xây dựng gia đình, xã hội. Như vậy, cuộc hôn nhân có sự kết hợp của đôi nam nữ cùng nền tảng gia đình hoặc có những đặc điểm tương đương (nguồn gốc, giáo dục, văn hóa, kinh tế, v.v.) sẽ tạo nên một gia đình mới ổn định và vững chắc (“môn đương hộ đối”) như kết cấu cửa - nhà truyền thống. Dần dần, thành ngữ “môn đăng hộ đối” trở thành một quan niệm hôn nhân dân gian.

Sự tồn tại của các cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối”

Có nhiều cơ sở để quan niệm “môn đăng hộ đối” tồn tại và ảnh hưởng sâu đậm đến mọi tầng lớp trong xã hội, suốt các thời kỳ phong kiến và quân chủ; trong đó, ba nhu cầu chính là: duy trì, củng cố sức mạnh liên kết tập thể của quần chúng và quyền lực chính trị của chính quyền trung ương; phát triển kinh tế của con người; bảo vệ lợi ích của giai cấp 23 . Thứ nhất, hôn nhân, từ xưa được xem là một hình thức liên kết xã hội, liên minh chính trị. Do đó, lợi ích của gia đình, gia tộc được mọi thành viên chú trọng và cân nhắc khi lựa chọn đối tượng kết hôn. Chẳng hạn, vào thời Tam Quốc (Tào Ngụy, Thục Hán, Đông Ngô) có cuộc hôn nhân liên minh chính trị nổi tiếng của Lưu Bị (Thục Hán) và Tôn phu nhân (Đông Ngô); thời nhà Tần, Tần Huệ Văn Vương lấy công chúa và các dòng dõi vương thất nước Sở; thời kỳ đầu nhà Thanh, hoàng đế và quý tộc triều đình có những cuộc liên hôn Mãn - Mông, Mãn - Di, v.v. để củng cố quyền lực và mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hệ thống thứ bậc xã hội và ý thức tiểu nông, đa số những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội chỉ có thể chọn bạn đời cùng tầng lớp nhằm mưu cầu cuộc sống ổn định, không bám vào những gia tộc quyền thế. Thứ hai, khi điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất, nền tảng xã hội và các mối quan hệ của hai gia đình như nhau hoặc chênh lệch ít thì gia đình, đại diện cho một tầng lớp xã hội, sẽ có đủ tiềm lực phát triển và có nơi hậu thuẫn vững chắc khi gặp khó khăn về kinh tế; như vậy, cuộc hôn nhân sẽ bền vững. Bên cạnh đó, tầng lớp thượng lưu nắm quyền phân phối các nguồn lực xã hội (cơ sở của quyền lực), khi con cái họ kết hôn, không tránh khỏi vấn đề phân chia của cải (đặc biệt quyền thừa kế tài sản của phụ nữ trong gia đình). Do đó, tình trạng kinh tế khác nhau thường là nhân tố chính, cản trở hôn nhân của nam và nữ trong xã hội xưa. Thứ ba, để đảm bảo quyền cai trị và lợi ích của giai cấp, chính quyền trung ương cùng các tầng lớp thượng lưu trong xã hội đã xây dựng và sử dụng các hình thức pháp lý để kiểm soát phạm vi kết hôn và đảm bảo tính hợp pháp của các cuộc hôn nhân. Lần lượt, các bộ luật, sách kinh điển về hôn nhân và gia đình (nội dung xoay quanh những vấn đề cốt lõi như: “tam cương, ngũ thường”, “tam tòng tứ đức”, “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, v.v. của hệ tư tưởng Nho giáo) được phổ biến trong xã hội. Từ những nguyên cớ trên, quan niệm “môn đăng hộ đối” trong các thời kỳ phong kiến - quân chủ được cộng đồng xã hội nhìn nhận trong khuôn khổ tương đương về quyền thế, địa vị giai cấp và điều kiện kinh tế của các đối tác hôn nhân. Cuộc hôn nhân mang đậm yếu tố “môn đăng hộ đối”, xuất hiện sớm nhất từ thời Tây Chu (khi hệ thống lễ nghi đầu tiên được thiết lập). Để đảm bảo trật tự xã hội và củng cố uy quyền của giai cấp, hoàng gia thời Tây Chu đã ban hành những quy định nghiêm ngặt về phạm vi kết hôn 23 . Tỷ dụ, thiên tử chỉ kết thông gia với các chư hầu lân bang; hoàng tử và công chúa chỉ kết hôn với các vương tôn khác họ. Ngoài ra, giữa các chư hầu cũng có sự phân loại lớn nhỏ, nên hoàng gia các nước lớn sẽ không chủ động kết thông gia với các nước nhỏ. Nhờ vậy, sự cao quý, danh tiếng trong sạch, huyết thống thuần túy của hoàng thất sẽ được bảo toàn. Đồng thời, chế độ “cha truyền con nối” sẽ được củng cố và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Các sách sử Trung Quốc cũng ghi nhận rằng, kể từ khi Chu Công định ra “đẳng cấp và lễ nghi”, hệ thống xã hội không ngừng được hoàn thiện, “lễ cưới” được nâng lên tầm cao, mọi tầng lớp xã hội đều đặc biệt tuân thủ các quy tắc hôn lễ; do vậy, chế độ hôn nhân được thiết lập tương đối hoàn chỉnh [ 2 , tr.49], [ 25 , tr.223]. Từ thời Tần và Hán, các giá trị đạo đức và thứ bậc trong quan hệ xã hội được củng cố và duy trì mạnh mẽ; đặc biệt, quan niệm hôn nhân “môn đăng hộ đối” ngày càng có sức ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Sang thời Ngụy, Tấn và Nam - Bắc triều, luật pháp có hẳn những điều lệ, nghiêm cấm quý tộc kết hôn với thường dân. Ở giai đoạn nhà Đường, Tống, Thanh, những quy định và hình phạt, dành cho các cuộc hôn nhân bất hợp pháp giữa tầng lớp thượng lưu (hoàng thân quốc thích, quý tộc, quan lại) với tầng lớp hạ lưu (nô lệ, kỹ nữ, tội phạm), được xây dựng khá nghiêm ngặt 23 . Vì lẽ đó, những người thuộc tầng lớp dưới (phú hộ, thương nhân, thường dân) gặp không ít trở ngại, khi muốn trở thành thành viên hoặc tham gia vào hoạt động của tầng lớp trên. Để thay đổi thân phận, diện mạo, đồng thời có được mối hôn sự như ý, quần chúng thường tìm mọi cách làm quan (nhờ người tiến cử hoặc tham gia khoa cử).

Trước thời Xuân Thu - Chiến Quốc, các chức quan được con cháu trong dòng tộc kế thừa theo hình thức “cha truyền con nối”, các vua không được tùy ý bổ nhiệm hoặc bãi miễn, trừ khi họ phạm trọng tội. Ngoài ra, vua có thể tuyển chọn nhân tài là thường dân làm quan, đảm nhiệm một trọng trách cụ thể trong triều. Về sau, triều đình thực hiện chế độ “khách khanh” (trọng dụng những người có tài, đến từ các nước lân bang), xuất hiện “hình thức tiến cử” . Đến thời Ngụy - Tấn, chế độ đãi ngộ thu hút hiền tài được triển khai, nhưng chỉ phổ biến với con em quý tộc. Giai đoạn Tùy - Đường, khoa thi tuyển làm quan đầu tiên xuất hiện; chế độ khoa cử được hoàn thiện dần đến giai đoạn Tống - Minh. Thời nhà Thanh, khoa cử là công cụ thuần hóa của triều đình nên quan lại được tuyển chọn qua thi cử, ít được trọng dụng [ 26 , tr.111-116]. Mặc dù, chế độ khoa cử (gồm 3 đến 4 cuộc thi, từ địa phương đến trung ương) khác với chế độ tuyển cử (do quan lại, quý tộc tiến cử rồi trải qua sát hạch); song, mọi tầng lớp trong xã hội (kể cả những người đọc sách bình thường, có gia cảnh khó khăn) đều được tham gia khảo thí và có cơ hội làm quan. Tuy nhiên, triều đình vẫn có một số giới hạn như: cấm thi với những thí sinh có nguồn gốc 3 đời không trong sạch, thuộc dòng dõi của kỹ nữ, người diễn tuồng, sai dịch, tội đồ. Thêm vào đó, chế độ khoa cử xưa, đặc biệt vào các thời Ngụy - Tấn - Tùy - Đường - Tống, vẫn còn chú trọng đến danh tiếng người tiến cử, nguồn gốc xuất thân của sĩ tử; vì vậy, các đối tượng chưa đủ giỏi, vẫn còn cơ hội làm quan, so với những cá nhân khác, không có mối quan hệ rộng. Vô hình trung, phạm vi kết hôn của mọi tầng lớp trong xã hội đều ngầm được giai cấp thống trị đóng khuôn (tầng lớp nào kết hôn với tầng lớp đó), không có sự xáo trộn giữa các tầng lớp xã hội.

Thực tế chứng minh, khi hai gia đình có hôn ước với nhau, nếu gia cảnh nhà trai bị sa sút thì chàng trai phải tìm cách thi đỗ công danh mới lấy được vợ. Chẳng hạn, giai thoại về hôn nhân của nhân vật Văn Bích, một trong “Ngô Châu tứ tài tử” hay Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài đều phản ánh một phần quan niệm hôn nhân “môn đăng hộ đối” của xã hội xưa. Nếu chàng trai thi trượt, hôn sự sẽ được điều đình sang những kỳ thi sau; hoặc một trong hai gia đình trai gái, sẽ chủ động thoái hôn vì không “môn đăng hộ đối”. Thậm chí, có trường hợp, những gia đình quý tộc, phú hộ tìm cách cản trở chàng trai nghèo tham gia khoa cử (mua chuộc chủ khảo đánh rớt hoặc vu oan, biến chàng trai thành tội phạm), để họ được “danh chính ngôn thuận” kết thông gia với những gia đình “hoàng thân quốc thích”, “vương tôn quý tộc” khác, nhằm nâng cao danh tiếng và địa vị dòng tộc của mình. Ngoài ra, có trường hợp, khi chàng trai thi đỗ, trở thành người quyền cao chức trọng, nhận thấy nhà gái không còn tương xứng, nên đánh tiếng từ hôn; hoặc giả, đã cưới vợ từ trước, họ có thể lấy “thất xuất chi điều” 27 để bỏ vợ cũ và cưới vợ mới, người có gia thế hiển hách, hỗ trợ con đường “thăng quan tiến chức” cho mình, v.v. Nhìn chung, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, các yếu tố tương đương (nguồn gốc xuất thân, địa vị, quyền thế, tài sản) “môn đăng hộ đối” giữa hai bên đối tác sẽ có vị thế khác nhau. Ví dụ, vào thời Xuân Thu, những cuộc hôn nhân của tầng lớp tinh hoa trong xã hội chú trọng vào yếu tố trao đổi tài sản như nhà chú rể sẽ cung cấp vải cho nhà cô dâu, ngược lại nhà cô dâu sẽ cung cấp quần áo, châu báu và đồ đồng. Vào thời nhà Đường, khi danh tiếng của gia đình được đề cao thì hôn nhân của tầng lớp quý tộc chú trọng nguồn gốc xuất thân và địa vị hơn [ 7 , tr.12], [ 7 , tr.92-122].

“Môn đăng hộ đối” dưới góc nhìn “chính thống hóa” văn hóa

“Chính thống hóa” (orthopraxy) văn hóa là quá trình “chuẩn hóa” (standardization) văn hóa, do các chính quyền phong kiến và quân chủ trung ương ở Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam) thực hiện, thông qua bộ máy quản lý xã hội (quan lại, Nho sĩ, trí thức địa phương), trên nền tảng hệ giá trị tư tưởng Nho giáo chính thống. Trong quá trình này, một số biểu tượng, thần minh mang tính đại diện và hệ thống nghi lễ liên quan của cộng đồng dân cư sẽ được “chọn lọc” và “chuẩn hóa về hình thức, nội dung, ý nghĩa. Từ cơ sở đó, chính quyền trung ương thực hiện được sứ mệnh “phong hóa” và thống nhất tư tưởng - văn hóa quốc gia, tăng cường quyền lực hoàng đế ở triều đình trung ương [ 28 , tr.5], [ 29 , tr.269-310], [ 1 , tr.94-96].

Mỗi cộng đồng cư dân địa phương sở hữu các lớp văn hóa bản địa riêng biệt, tất yếu, quá trình chuẩn hóa phải đối diện với những phản ứng khác nhau từ công chúng. Với vai trò là bộ máy giúp việc của chính quyền trung ương, quan lại các cấp, Nho sĩ, trí thức địa phương đã hỗ trợ người dân “kiến tạo” và “điều chỉnh” phương thức ứng xử phù hợp, linh hoạt với các chính sách mang tính áp đặt của triều đình. Chính vì thế, cơ chế “chính thống hóa” văn hóa ở Trung Quốc và Việt Nam, sản sinh ra đồng thời hai kết quả: sự thống nhất văn hóa quốc gia về mặt hình thức và sự đa dạng về mặt nội dung. Sự tồn tại song hành giữa sức mạnh thể diện (hình thức “chuẩn hóa”) và quyền lực thực tiễn (sức mạnh quần chúng thông qua hiện tượng “chuẩn hóa dị tính” - heteroprax standardization) đã tạo nên diện mạo văn hóa thống nhất trong đa dạng của Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung [ 28 , tr.7-8], [ 1 , tr.113-114].

Thông qua “cơ chế chính thống hóa” văn hóa, phong tục hôn nhân của mọi tầng lớp trong xã hội cũng được chuẩn hóa trên toàn quốc, đơn cử trường hợp quan niệm “môn đăng hộ đối”. Vốn bắt nguồn từ một thành ngữ trong văn hóa xây dựng, “môn đăng hộ đối” được người dân vận dụng vào việc lựa chọn đối tượng kết hôn tương hợp và dần dần trở thành quan niệm hôn nhân dân gian. Nhận thấy được tính hữu dụng trong việc thống nhất tư tưởng - văn hóa, đảm bảo lợi ích cho giai cấp và uy quyền hoàng gia, chính quyền trung ương đã ra sức gán ghép, ban hành những điều luật về hôn nhân và gia đình, nhằm áp đặt quan niệm này vào nhận thức của các giai tầng xã hội. Chẳng hạn, điều 26 và 40 trong Quốc triều hình luật có quy định: “Ai lấy nàng hầu lên làm vợ thì xử tội phạt…”, “Các quan và thuộc lại lấy đàn bà, con gái hát xướng làm vợ cả, vợ lẽ, đều xử phạt 70 trượng, biếm ba tư; con cháu các quan viên mà lấy những phụ nữ nói trên, thì xử phạt 60 trượng; và đều phải ly dị” [ 30 , tr.127 & 131]. Có thể thấy, nội dung hai điều luật này phần nào phản ánh ý thức về danh dự và quyền lợi do thân phận xã hội mang lại, được chính quyền trung ương đặc biệt chú trọng. Nếu một người thuộc đẳng cấp thấp như người hầu, ca kỹ, v.v. khi được công nhận là vợ cả hoặc vợ lẽ thì họ sẽ có thân phận và địa vị xã hội ngang hàng với những người vợ khác thuộc đẳng cấp cao hơn. Mặc nhiên, những yếu tố thuộc phạm trù đặc quyền mà chỉ có ở tầng lớp cao hơn sẽ mất đi tính giá trị trong xã hội, bởi lẽ tầng lớp thấp nào cũng có thể dễ dàng đạt được những lợi ích đặc biệt của giai cấp thượng lưu, thông qua việc kết hôn với tầng lớp cao hơn, mà không có một rào cản nào. Vô hình trung, trật tự xã hội vốn có bị đảo lộn, sự cao quý, mọi lợi ích, bí mật về tư liệu sản xuất, v.v. của gia tộc, giai cấp sẽ bị mất đi, từ đó ảnh hưởng đến sự tồn vong của gia đình, dòng tộc, quốc gia, v.v.

Trong quá trình “chuẩn hóa” ở các cơ sở địa phương, nhiều mâu thuẫn, xung đột đã xảy ra giữa quan niệm “môn đăng hộ đối”, cũng như các chính sách liên quan của triều đình với phong tục tập quán của người dân. Vì thế, giữa nhà nước trung ương, bộ máy quản lý xã hội và quần chúng đã có những thỏa hiệp nhất định để giải quyết tình trạng căng thẳng này. Tỷ dụ, những người thuộc tầng lớp dưới trong xã hội, muốn thay đổi thân phận diện mạo hoặc kết thông gia với tầng lớp trên, có thể tham gia thi cử lấy công danh. Về phía cộng đồng địa phương, các gia đình, dòng tộc bắt đầu có suy nghĩ cởi mở, cho phép hai gia đình trai gái hứa hôn với nhau, chờ khi chàng trai thi đỗ làm quan thì chính thức tổ chức hôn lễ. Về phía chính quyền trung ương, họ mong muốn có thêm nhiều nhân tài cho bộ máy cai trị, đồng thời có thể giải quyết những mâu thuẫn với quần chúng, nên đã tổ chức nhiều khoa cử và cho phép mọi tầng lớp người dân tham gia, ngoại trừ một số đối tượng đặc biệt như tội phạm, con cháu của kỹ nữ, đào kép hát tuồng, v.v. Chẳng hạn, “chế độ khoa cử” được hình thành từ thời Tùy và hoàn thiện vào thời Đường là minh chứng cho khuynh hướng trọng dụng nhân tài của chính quyền trung ương. Trong đó, thi cử gồm hai loại chính: “thường cử” (mỗi năm cử hành một lần, lôi kéo nhân tài dựa vào năng lực, hệ thống chính thức của khoa cử) và “chế cử” (khoa thi không định kỳ, do vua tạm thời ban chiếu tổ chức, lôi kéo nhân tài ẩn sĩ theo hệ thống bổ sung) [ 31 , tr.140-141]. Tuy nhiên, chính quyền trung ương có những giới hạn về đối tượng thi như: phần Huyện thí ở triều Minh có quy định, các “đồng sinh” muốn đi thi cần phải có “5 người cùng bảo đảm” và “một lẫm sinh” thuộc huyện của đồng sinh làm người bảo đảm: “Chính lẫm sinh cần phải khai rõ, bảo đảm chắc chắn, chứng minh được lý lịch của người dự thi là đúng sự thật, chứng minh gia tộc của người ấy là trong sáng, không phải là con cháu của con hát, đầy tớ, không phải chịu tang cha” [ 31 , tr.160-161]. Mặt khác, trong nội bộ chính quyền trung ương, giữa hoàng gia và quần thần cũng tồn tại những cuộc “thương thảo ngầm”; đơn cử, hoàng đế phải nạp con cháu các quan đại thần (có khi không cùng huyết thống) vào hậu cung để cân bằng thế lực giữa các quan trong triều đình. Các đại thần đã dùng khuôn khổ “môn đăng hộ đối” để kiểm soát phạm vi kết hôn của hoàng gia. Hoàng gia muốn cưới ai, lập ai làm hoàng hậu, v.v. đều bị chi phối bởi các thế lực này [ 7 , tr.60-69]. Ngoài ra, ở những khu vực nghèo khó, xa kinh thành, những người có gia cảnh túng thiếu (đặc biệt, những người nam không có năng lực học hành và thi cử), không có điều kiện tổ chức một cuộc hôn nhân đầy đủ “tam thư, lục lễ”, sẽ bị loại khỏi hệ thống hôn nhân đương thời. Để cưới được vợ và có những trải nghiệm cuộc sống gia đình như cộng đồng, họ (những gia đình nghèo khó, đại diện là cha mẹ cô dâu, chú rể) đã tạo nên những cái cớ hạ thấp “giá trị” của người phụ nữ, nhằm thuyết phục tầng lớp quan lại, trí thức và cộng đồng địa phương chấp nhận sự tồn tại của tục “cướp vợ” (“marriage by abduction”) như một hình thức hôn nhân chính thống (bản chất là phi chính thống). Đối với những cộng đồng có tục này, hành vi “cướp vợ” không được xem là phạm pháp, các cô dâu trong trường hợp này được quần chúng tôn trọng như những cô dâu được cưới hỏi đủ lễ; hơn thế, hai bên gia đình của đôi trai gái sẽ không bị áp lực về việc thực hiện đầy đủ các nghi lễ hôn nhân truyền thống 8 . Ở Việt Nam cũng có hình thức kết hôn tương tự; ví dụ, người H’mông Tây Bắc có tục “cướp vợ”, người dân một số vùng miền biển Quảng Bình có tục “cho không” 32 ; bản chất của 2 phong tục này thể hiện cách ứng xử linh hoạt của người dân nghèo đối với sự bất bình đẳng xã hội.

Như vậy, từ thời các triều đại quân chủ điều hành và quản lý đất nước, tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc, Việt Nam đã tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực đời sống của người dân; trong đó có quan niệm hôn nhân truyền thống “môn đăng hộ đối”. Với bối cảnh xã hội đa dạng văn hóa và bất bình đẳng, liệu rằng tất cả các cư dân trên đất nước có hoàn toàn chấp nhận tiêu chuẩn “môn đăng hộ đối” không? Các hiện tượng “cướp dâu” hay “cướp vợ”, “cho không” có được nhà nước trung ương biết đến không hay đây là “mặt trái” của “cơ chế chính thống hóa”? Để các tập tục này tồn tại lâu dài suốt thời kỳ quân chủ và biến đổi thành những “hủ tục” sau các cuộc “Cách mạng Văn hóa” thì đây không phải là “mặt trái” của cơ chế này mà là “sản phẩm” được chấp nhận trong “khuôn khổ chính thống hóa” [ 1 , tr.112]. Điều này cho thấy, giữa nhà nước, bộ máy quản lý xã hội (quan lại các cấp, Nho sĩ, trí thức địa phương) và người dân đã có một sự đồng thuận, phối hợp nhịp nhàng; bất kể các chính sách “chính thống hóa” nào của nhà nước muốn thực hiện thành công thì cần có sự tham gia xây dựng và thực thi của người dân, bộ máy quản lý xã hội và chính quyền trung ương. Vì lẽ đó, nội hàm của quan niệm “môn đăng hộ đối” trở nên đa dạng và mang nhiều thông điệp ẩn chứa tư tưởng xã hội (diễn ngôn).

KẾT LUẬN

“Môn đăng hộ đối” là quan niệm hôn nhân, có nguồn gốc từ một thành ngữ trong văn hóa kiến trúc truyền thống ở Trung Quốc, và bản chất quan niệm này là một cơ sở để vun đắp và củng cố cuộc sống hôn nhân - gia đình của các cặp vợ chồng. Thế nhưng theo thời gian, những hệ quả phát sinh từ quan niệm đã bị nhấn mạnh quá mức và biến đổi theo mục đích quản lý xã hội của các triều đại quân chủ thông qua quá trình “chuẩn hóa” văn hóa. Trong một xã hội bất bình đẳng và đa dạng văn hóa, các giai tầng đã có những cuộc “thương thảo ngầm”, thỏa hiệp nhất định, tạo điều kiện tồn tại cho các cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” với sự thống nhất văn hóa về mặt diện mạo và đa dạng về nội dung. Từ xã hội cổ xưa đến xã hội đương đại, quan niệm về việc lựa chọn đối tượng kết hôn tương hợp “môn đăng hộ đối” cơ bản vẫn được duy trì, Tuy nhiên, những yếu tố tương đương (tài chính, kinh tế, trình độ học vấn, tâm thức văn hóa) giữa các bên đối tác hôn nhân sẽ luôn thay đổi tùy thuộc vào từng bối cảnh lịch sử - xã hội cụ thể. Quan niệm hôn nhân, cũng như “môn đăng hộ đối” từ góc nhìn văn hóa, dựa trên lý thuyết “chuẩn hóa” chưa thật sự là đối tượng được nghiên cứu độc lập, chuyên biệt. Bài viết này hy vọng có thể khơi gợi một hướng tiếp cận, nghiên cứu văn hóa tộc người dựa trên quan niệm hôn nhân và góp phần lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của thành ngữ “môn đăng hộ đối”.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả đã sưu tầm và phân tích dữ liệu từ các nguồn uy tín như Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Thư viện Harvard, Tạp chí điện tử Cambridge Journals.

Bài viết này là một nghiên cứu điển hình áp dụng lý thuyết, góc nhìn phương Tây (“chính thống hóa” của Watson, James) để giải thích, lý giải hiện tượng văn hóa trong văn hóa phương Đông (nguồn gốc và ý nghĩa của quan niệm “môn đăng hộ đối”) theo một trật tự logic.

References

  1. Nguyễn Ngọc Thơ. Nghi lễ và biểu tượng trong nghi lễ. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh; 2020. . ;:. Google Scholar
  2. Nguyễn Hiến Lê. Sử Trung Quốc. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh; 1997. . ;:. Google Scholar
  3. Đơn Đức Khải. Nhà ở Trung Quốc. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh; 2015. . ;:. Google Scholar
  4. Nguyễn Hoàng Điệp (chủ biên). Lịch sử văn hóa Trung Quốc. Tập 2. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Thông Tin; 2000. . ;:. Google Scholar
  5. Wu Yu Cheng. Văn hóa cửa Trung Quốc. Bắc Kinh: Nhà Xuất Bản Phát Thanh Truyền Hình Quốc Tế Trung Quốc; 2011. . ;:. Google Scholar
  6. Liu Feng. The Door and Window of Chinese Traditional Architecture. Thẩm Dương: Nhà Xuất Bản Nhân Dân Liêu Ninh; 2006. . ;:. Google Scholar
  7. Watson RS, Ebrey PB, editors. Marriage and Inequality in Chinese Society. Berkeley: University of California Press; 1991. . ;:. Google Scholar
  8. McLaren AE. Marriage by Abduction in Twentieth Century. Mod Asian Stud. 2001; 35(4):953-84. . ;:. Google Scholar
  9. Wang Qiong. Quan niệm "môn đăng hộ đối" trong xã hội hiện đại dựa trên lý thuyết trao đổi xã hội. Thị trường kinh tế công nghệ. 2007; (9):113-114. . ;:. Google Scholar
  10. Su Mei Mei, Zhang Bi Chun. Khủng hoảng và sai lệch trong hôn nhân "môn đăng hộ đối" thời kỳ chuyển đổi nhanh - Lời giải thích mới cho sự gia tăng tỷ lệ ly hôn dưới góc nhìn phân tầng xã hội. Northwest Population Journal. 2009; 29(5). . ;:. Google Scholar
  11. Zhang Hong. "Môn đăng hộ đối" trong việc lựa chọn bạn đời dưới góc nhìn xã hội học. Khoa học Xã hội Tây An. 2010; 28(4):30-31. . ;:. Google Scholar
  12. Yang Xiang Liang. Sự chuyển biến trong quan niệm lựa chọn bạn đời môn đăng hộ đối thời kỳ xã hội đổi mới - Bước đầu phân tích hiện tượng "thừa nữ" dưới góc độ lý thuyết trao đổi xã hội. 2011; (4):90-93. . ;:. Google Scholar
  13. Homans GC. Social Behavior as Exchange. Am J Sociol. 1958; 63(6):597-606. . ;:. Google Scholar
  14. Lê Ngọc Trụ. Việt ngữ chánh tả tự vị. Sài Gòn: Nhà Xuất Bản Thanh Tân; 1959. . ;:. Google Scholar
  15. Nguyễn Ngọc Chinh, Nguyễn Thị Vân Anh. Nguồn gốc và ý nghĩa các loại 'mắt cửa' trong kiến trúc nhà cổ ở Hội An. Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và phát triển. 2017. p.135-147. . ;:. Google Scholar
  16. Yang Wei Hua, Cheng Bo Tao. Môn Thần. Bắc Kinh: Nhà Xuất Bản Xã hội Trung Quốc; 2010. . ;:. Google Scholar
  17. Guo Xiao Jun, Liu Xiu Jing. Phân tích sơ lược về biểu trưng đặc tính vùng của 'môn đăng' và 'hộ đối' thời cổ đại. Journal of Hebei Institute of Architecture and Civil Engineering. 2020; 8(3):48-51. . ;:. Google Scholar
  18. Tao Hai Ying. "Môn đăng hộ đối" - Phân tích hình ảnh thiết kế và mô hình nhà truyền thống Trung Quốc. Nghệ Thuật Thiết Kế. 2010.. . ;:. Google Scholar
  19. Yang Shuang Rong. Bàn về sự biến đổi "môn đăng hộ đối" từ cấu tạo kiến trúc đến nội hàm văn hóa. Kiến Trúc Sơn Tây. 2017; 43(27):2. . ;:. Google Scholar
  20. Sung Qia Nan, Li Cai Qi. Xem xét lại ý nghĩa "Môn đăng hộ đối" dựa trên văn hóa kiến trúc truyền thống Trung Quốc. 2022; (15):3. . ;:. Google Scholar
  21. Trần Ngọc Thêm. Cơ sở văn hóa Việt Nam. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Giáo dục; 1999. . ;:. Google Scholar
  22. Thiều Chửu. Tự điển Hán - Việt. Tái bản lần 6. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thanh Niên; 2016. . ;:. Google Scholar
  23. Gao Xue Li. "Môn đăng hộ đối" trong quan niệm hôn nhân truyền thống của Trung Quốc. Cultural Journal. 2017; (7). . ;:. Google Scholar
  24. Vương Trạch Thu. Phong tục tập quán về hôn nhân. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Hà Nội; 2008. . ;:. Google Scholar
  25. Dương Lực. Kinh điển 5000 năm Trung Hoa. Tập 3. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn hóa - Thông Tin; 2002. . ;:. Google Scholar
  26. Nguyễn Hoàng Điệp (chủ biên). Lịch sử văn hóa Trung Quốc. Tập 1. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Thông Tin; 2000. . ;:. Google Scholar
  27. Phan Kế Bính. Việt Nam phong tục. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Học; 2005. . ;:. Google Scholar
  28. Sutton DS. Introduction to the Special Issue: Ritual, Cultural Standardization, and Orthopraxy in China: Reconsidering James L. Watson's Ideas. Mod China. 2007; 33(1):3-21. . ;:. Google Scholar
  29. Watson JL. Standardizing the Gods: The Promotion of Tian Hou ('Empress of Heaven') along the South China Coast, 960-1960. In: Village Life in Hong Kong: Politics, Gender, and Ritual in the New Territories. Hong Kong: The Chinese University Press; 1986. p.269-310. . ;:. PubMed Google Scholar
  30. Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí (dịch). Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức). Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh; 1991. . ;:. Google Scholar
  31. Chu Phát Tăng, et al. Từ điển Lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ; 2001. . ;:. Google Scholar
  32. Bùi Xuân Mỹ. Lễ tục trong gia đình người Việt. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Thông Tin; 2007. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 3 (2024)
Page No.: 2491-2500
Published: Sep 30, 2024
Section: Commentaries
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i3.897

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Duong, N. (2024). “Men dang hu dui”: From the architectural idiom to the notion of marriage. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(3), 2491-2500. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i3.897

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 764 times
PDF   = 247 times
XML   = 0 times
Total   = 247 times