VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

986

Total

174

Share

The role and decision-making power of working women in families in New Delhi (India) in the 1991-2022 period






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Women in India from ancient to modern times, specifically before 1991, suffered from many disadvantages, prejudices, outdated customs and practices, gender inequality, child marriage, and prohibition of widows from remarrying, etc. However, since 1991, the Indian government has liberalized and restructured its economy, contributing to liberating and empowering women through some family policies. The role and status of women in the family and in society has thus been improved significantly. The article would like to analyze the changes in the role and status of working women in the family in New Delhi (India) in the 1991-2022 period through their decision - making participation in family matters. The article is based on the results of the survey conducted from February to June 2023, of 165 official and marginal female workers in public and private sectors in Delhi, India. The survey results show that the roles of women in the family have been confirmed through housework, full-or-part-time labor force participation, and community activity participation. Although working women are still in charge of household chores, there is a share of husbands and housekeepers in tasks, including cooking, cleaning the house, doing laundry, taking care of and educating children, and emotional connection between family members, which previously in patriarchal families, women had to be responsible for. Women are increasingly having a voice in the family and together with their husbands, they make decisions on all large and small tasks, act as the head of the household, have their names on real estate documents, and participate in community activities. Working Women become more independent in finance and participate in financial management in the family. Among the surveyed women, 78.1% are university degree holders. The survey results also show that 9.4% of them are the breadwinners (the main earners), and 12.7% of them have a higher income than their husbands’. The study has shown the changing role and status of women in the patriarchal families in New Delhi recently. The article contributes to identifying changes in the role and decision-making power of working women in the 1991-2022 period, thereby partly finding changes in the Indian family and society in New Delhi in the modern era.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ấn Độ là một đất nước rộng lớn ở Nam Á, đa dạng văn hóa, tộc người, tôn giáo và ngôn ngữ. Tuy nhiên, xã hội Ấn Độ nói chung là một xã hội gia trưởng. Trước khi bị Anh chính thức cai trị, Ấn Độ đã trải qua thời kỳ phong kiến dưới sự trị vì các vương triều Islam, đặc biệt là thời Mughal – giai đoạn thực hành chế độ gia trưởng. Khái niệm “gia trưởng”, theo Từ điển tiếng Việt , ám chỉ một người đứng đầu, nắm mọi quyền hành trong gia đình [ 1 , tr.483]. Đây là đặc điểm nổi bật của chế độ gia trưởng. Những người có tư tưởng gia trưởng thường ứng xử như một người đứng đầu một tập thể, tự coi mình có mọi quyền hành, tự ý quyết định mọi việc, coi thường quyền dân chủ của những người khác. Ở Ấn Độ, không chỉ cộng đồng Hindu giáo mà cộng đồng Muslim và các tôn giáo khác cũng thực hành chế độ gia trưởng trong gia đình. Dưới tác động của quá trình Âu hóa và toàn cầu hóa đầu thế kỷ XX, các đô thị lớn của Ấn Độ như Mumbai, đặc biệt là Delhi đã dần chuyển mình từ một kinh đô phong kiến thời kỳ trung đại sang dáng dấp của một đô thị hiện đại.

Thủ đô New Delhi của Cộng hòa Ấn Độ ngày nay cũng là thủ đô của Ấn Độ thời kỳ thuộc Anh. Hơn nữa, Delhi từng là kinh đô của các triều đại phong kiến Islam giáo, nên nó mang đậm nét của một xã hội gia trưởng với thiết chế gia đình gia trưởng, dù muốn dù không, tàn dư phong kiến không thể được xóa bỏ một sớm một chiều. Đặc thù hình thái gia đình ở Ấn Độ là gia đình mở rộng (extended family) hoặc đại gia đình sống chung (joint family). Kiểu gia đình này kết hợp với chế độ gia trưởng càng làm cho người đàn ông, người chủ gia đình (chủ hộ) có thêm quyền hành và uy quyền khiến tất cả thành viên trong gia đình phải tôn kính và nể sợ. Trong kiểu gia đình gia trưởng, người phụ nữ không phải là một thực thể độc lập mà bị phụ thuộc vào người chồng, được chồng bảo trợ về tất cả các mặt từ kinh tế, xã hội đến sự an toàn của họ. Phụ nữ bị cấm cung theo tục purdah (mạng che mặt). Theo tục này, phụ nữ phải dùng mạng che mặt hoặc khăn trùm đầu khi đi ra đường; hơn nữa, tục purdah không cho phép phụ nữ tiếp xúc với người khác giới, tách biệt họ khỏi xã hội. Dĩ nhiên phụ nữ không đi làm, họ chủ yếu làm công việc nội trợ mà các nhà kinh tế học gọi là công việc không được trả lương (unpaid work). Những quy định khắt khe của chế độ gia trưởng và những hủ tục trong văn hóa Ấn Độ vẫn bảo lưu ở người phụ nữ thủ đô New Delhi ngay cả trong giai đoạn hậu độc lập (1947).

Tuy nhiên, toàn cầu hóa và hiện đại hóa ở Ấn Độ, nhất là từ năm 1991 sau khi chính phủ Ấn Độ thực hiện cải cách kinh tế theo hướng tự do hóa nền kinh tế, vai trò và vị thế của phụ nữ ở thủ đô New Delhi ngày càng được nâng cao. Đô thị hóa và công nghiệp hóa ở New Delhi làm cho hoạt động kinh tế ở Delhi nhộn nhịp hơn, góp phần biến đổi cấu trúc gia đình từ đại gia đình sống chung sang kiểu gia đình hạt nhân, người phụ nữ giữ vai trò quan trọng và chủ đạo hơn trong gia đình. Mặc dù tỉ lệ phụ nữ Delhi tham gia lực lượng lao động thấp hơn so với các bang và vùng lãnh thổ khác của Ấn Độ (xem Table 1 ) do tàn dư của thiết chế gia đình gia trưởng vẫn còn đậm nét ở thủ đô New Delhi, nhưng những người phụ nữ đi làm ngày càng năng động hơn, họ chủ động quản lý gia đình, tham gia quyết định các công việc trong gia đình và tham gia các hoạt động ngoài xã hội.

Table 1 Tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở thủ đô New Delhi và một số Bang khác ở Ấn Độ (đơn vị: %) (Nguồn: Điều tra dân số Ấn Độ 2011 [ 2 , tr. 58])

Cuộc điều tra dân số 2011 ( Table 1 ) cho thấy hầu hết ở các bang và vùng lãnh thổ ở Ấn Độ, tỉ lệ phụ nữ đi làm thấp hơn nam giới, tỉ lệ phụ nữ ở nông thôn tham gia lực lượng lao động cao hơn phụ nữ ở thành thị. Tuy ở thủ đô New Delhi, tỉ lệ phụ nữ ở khu vực thành thị có việc làm cao hơn phụ nữ ở khu vực nông thôn nhưng sự chênh lệch không nhiều (10.6% phụ nữ thành thị và 9.7% ở nông thôn). Ở Table 1 , tỉ lệ phụ nữ đi làm ở thủ đô New Delhi thấp nhất so với các bang khác ở Ấn Độ, chỉ 20.3% cả khu vực nông thôn và thành thị. Trong các bang và vùng lãnh thổ Ấn Độ, tỉ lệ phụ nữ đi làm cao nhất là ở bang Sikkim (27.3%) và tỉ lệ thấp nhất là ở bang Bihar (4.5%). Năm 2022, tỉ lệ phụ nữ đi làm ở New Delhi là 26% [ 3 , tr.88].

Tuy nhiên, Ấn Độ là một nước có nền kinh tế phát triển nhanh, tốc độ phát triển kinh tế Ấn Độ đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 1990, trong khi đó, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động nữ từ 30% năm 1990 giảm 19% năm 2021 4 . Điều bất cập ở Ấn Độ là mặc dù phụ nữ được tạo điều kiện tiếp cận giáo dục như nam giới nhưng phụ nữ càng có học vấn cao, sự chênh lệch tỉ lệ tham gia lực lượng lao động giữa hai giới càng sâu sắc. Trong giáo dục tỉ lệ phụ nữ là 0.961 so với 1 nam, trong khi đó, trong lĩnh vực cơ hội việc làm và tham gia lực lượng lao động của nữ chỉ có 0.350 so với 1 nam [ 5 , tr.32]. Nghiên cứu của Pew năm 2022 đã chi ra rằng 600 triệu phụ nữ ở Ấn Độ (52%) thuộc Gen Z và Mellennial (hay Gen Y) năng động, đầy khát vọng, tự tin, có trình độ học vấn cao, độc lập tài chính, có kỹ năng công nghệ số và có định hướng nghề nghiệp hơn thế hệ trước 6 . Thế nhưng, thiết chế gia đình gia trưởng ở Ấn Độ đã kìm hãm sự phát triển của phụ nữ. Tỉ lệ lao động nữ thấp dẫn đến việc phụ nữ phải phụ thuộc kinh tế, họ khó thay đổi được vị trí thấp kém trong gia đình và xã hội. Ấn Độ cũng đã nhận ra đây là một vấn đề không thể giải quyết trong phạm vi kinh tế, mà phải ở phạm vi xã hội, phải biến đổi xã hội thì mới có thể giải quyết vấn đề phụ nữ một cách căn cơ và toàn diện.

Cuộc khảo sát lực lượng lao động định kỳ 2022 (Periodic Labour Force Survey 2021-2022), tính đến ngày 30/12/2022, cho thấy tỉ lệ phụ nữ tuổi từ 15 trở lên tham gia lực lượng lao động ở thủ đô New Delhi từ năm 1991 đến 2022 ( Table 2 ).

Table 2 Tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở thủ đô New Delhi từ năm 1991 đến 2022 (đơn vị: %) (Nguồn: [ 7 , tr.73])

Table 2 cho thấy tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động (LFPR) ở New Delhi từ năm 1991 đến 2022 chiếm tỉ lệ thấp hơn nam giới. Phụ nữ đang có việc làm trong giai đoạn này cũng chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn so với nam giới. Table 2 cũng cho thấy ở New Delhi, tỉ lệ thất nghiệp ở phụ nữ cao hơn so với nam giới. Về nghề nghiệp, phụ nữ thủ đô tham gia vào các ngành nghề đa dạng như sản xuất, giáo dục, ngân hàng, công việc văn phòng, IT, thủ công mỹ nghệ, tự kinh doanh, chủ doanh nghiệp… Figure 1 thể hiện số lượng người đi làm ở thủ đô New Delhi giai đoạn 2012-2020.

Figure 1 . Số lượng người đi làm ở thủ đô New Delhi giai đoạn 2012-2020 (đơn vị: 1000 người) (Nguồn: [ 8 , tr. 133])

NỘI DUNG CHÍNH

Vai trò và quyền quyết định của phụ nữ Ấn Độ trong gia đình ở thủ đô New Delhi trước năm 1991

Khi Ấn Độ ở trong thời kỳ thuộc Anh, George V đã quyết định chọn Delhi là kinh đô và ra chiếu dời đô từ Calcutta (nay là Kolkata) vào năm 1911. Ông đã cho xây dựng thủ đô mới New Delhi và đặt bộ máy chính quyền thuộc địa nơi đây. Sau khi độc lập năm 1947, Ấn Độ vẫn giữ New Delhi làm thủ đô và xây dựng thành một thành đô, một trong 11 quận/hạt của lãnh thổ thủ đô quốc gia Delhi. New Delhi là trung tâm thương mại lớn nhất của miền Bắc Ấn Độ. Theo báo cáo của Tổ chức World Wealth, hoạt động kinh tế của New Delhi xếp thứ 39, cao hơn Jakarta (thủ đô của Indonesia) và Johannesburg (thành phố ở Nam Phi). Hơn thế, New Delhi có thể cạnh tranh với Bắc Kinh – thành phố đứng đầu vị trí nền kinh tế thị trường mới nổi đáng chú ý nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với tổng sản phẩm của bang là 85 tỉ đô năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 230.000 Rupee (thu nhập bình quân năm 2008-2009 là 116.886 Rupee (tương đương 2.595 đô); 2009-2020 là 135.814 Rupee (3.018 đô) đứng thứ hai chỉ sau Goa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022-2023 là 444.768 Rupee, tăng 32.74% so với năm 2009-2010 [ 9 , tr.5]. Khu vực công và bán công là nguồn tuyển dụng chính ở New Delhi. Với lợi thế của nguồn lao động có tay nghề cao nói tiếng Anh, khu vực dịch vụ của thành phố thu hút nhiều nhà đầu tư và công ty đa quốc gia. Các ngành dịch vụ chính ở New Delhi là công nghệ thông tin, viễn thông, khánh sạn, ngân hàng, truyền thông và du lịch. Năm 2022, khu vực dịch vụ ở New Delhi chiếm 84.84%, công nghiệp chiếm 12.53% và nông nghiệp chiếm 2.03% [ 10 , tr. 83]. Thủ đô New Delhi trở thành trung tâm thương mại lớn nhất của miền Bắc Ấn Độ từ khi Ấn Độ thực hiện tự do hóa nền kinh tế năm 1991, Chính phủ thực hiện nhiều chính sách kinh tế như chính sách Công nghiệp mới, tự do hóa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bãi bỏ cơ chế Giấy phép (License Raj) để tiếp cận vốn tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế năm 1991, khi cán cân thanh toán của Ấn Độ thâm hụt. Kinh tế phát triển đã kéo theo sự phát triển xã hội, chính trị; gia đình cũng không nằm ngoài sự chuyển biến này vì gia đình được xem là “tế bào của xã hội”.

David G. Mandelbaum khi nghiên cứu gia đình ở Ấn Độ cho rằng hình thái gia đình cổ điển nhất là đại gia đình sống chung, được ghi chép trong các kinh điển Hindu giáo và tồn tại qua nhiều thế kỷ [ 10 , tr.123]. Có thể thấy ở thủ đô New Delhi, kiểu gia đình này phổ biến trong tầng lớp thượng lưu và đẳng cấp cao, diễn ra ở các gia đình Hindu giáo, gia đình Islam giáo và các gia tộc Âu hóa như gia tộc Ambani, gia tộc Tata, gia tộc Jain, gia tộc Kalyani, gia tộc Munjal và nhiều gia tộc khác là những tập đoàn kinh tế của Ấn Độ. Hình thức gia đình sống chung của cộng đồng Islam giáo còn được gọi là gia đình “a’ilah” theo tiếng Ả Rập [ 11 , tr.243]. Đặc điểm của loại hình gia đình này được thể hiện ở số lượng các cặp gia đình và việc con cái của họ sống chung dưới một mái nhà. Những người đàn ông trong gia đình có quan hệ huyết thống gồm người đàn ông, con trai, và cháu trai. Những người phụ nữ trong gia đình là vợ và con gái chưa lập gia đình. Con gái đến tuổi đi lấy chồng sẽ về làm dâu bên nhà chồng. Các thành viên trong gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà, cùng ăn chung và sở hữu tài sản chung.

Trước năm 1991, khi kinh tế chưa phát triển, vai trò và quyền quyết định của phụ nữ trong các gia đình gia trưởng ở New Delhi còn nhiều hạn chế. Quan niệm về vai trò giới trong xã hội rất nặng nề. Gia đình trong xã hội gia trưởng như Ấn Độ trọng con trai (son preference). Người con trai và sau này là người đàn ông trong gia đình được trao nhiều vai trò. Trong các gia đình gia trưởng, phụ hệ, người con trai trưởng có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ già, là người thọ lễ trong đám tang của cha, mẹ. Vì vậy, họ được quyền thừa kế tài sản của gia đình. Mối quan hệ giữa vợ và chồng cũng được phân chia theo giới, theo đó, người chồng là trụ cột, có nghĩa vụ kiếm tiền nuôi sống gia đình, người vợ có vai trò nội trợ và chăm sóc con cái. Hơn nữa, người chồng là người quyết định tất cả công việc lớn nhỏ trong gia đình, từ chi tiêu, mua sắm, đầu tư, thậm chí quyết định chính trong việc về thăm gia đình và họ hàng của vợ [ 12 , tr.119]. Người phụ nữ trong gia đình gia trưởng có bổn phận chăm sóc con cái, làm các công việc nhà như nấu ăn, lau dọn nhà cửa, giặt giũ… Quan trọng hơn, ngoài việc “tề gia nội trợ”, người phụ nữ còn phải lệ thuộc, vâng lời và tôn thờ chồng một cách tuyệt đối trong mọi tình huống. Trong các gia đình “ngũ đại đồng đường” ở Ấn Độ, người con dâu còn phải kính nể ông bà và cha mẹ chồng. Trong văn hóa Ấn Độ, uy quyền của người lớn tuổi được xem là giá trị cốt lõi. Vì thế, người phụ nữ – với bổn phận dâu con và là người vợ – không có vai trò và quyền hạn gì trong việc quyết định các công việc trong gia đình.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của thời kỳ thuộc Anh, cộng thêm sự kiện chia tách tiểu lục địa Ấn Độ thành Ấn Độ và Pakistan (1947), đã làm cho xã hội Delhi có nhiều biến động. Đặc thù là xã hội gia trưởng, nhưng cấu trúc hộ gia đình có chiều hướng chuyển dần sang hình thái gia đình hạt nhân với số nhân khẩu giảm, cụ thể, nhân khẩu trung bình giảm từ 4.4 (năm 1999) xuống 4.1 (năm 2004) [ 13 , tr.60], Đối với 94% dân số sống ở khu vực thành thị, những biến đổi kinh tế, xã hội có tác động làm thay đổi vai trò và vị thế của người phụ nữ Delhi trong thiết chế gia đình gia trưởng hay không? Vào thời điểm Ấn Độ giành độc lập năm 1947, gia đình ở Delhi phần lớn có hình thái gia đình truyền thống, đại gia đình sống chung. Tuy nhiên, quá trình tiếp xúc với phương Tây đã sản sinh các nhà tư tưởng, nhà cải cách xã hội có nhận thức được vai trò và vị thế người phụ nữ ở Delhi. Khởi đầu là cuộc cải cách xã hội diễn ra vào đầu thế kỷ XIX ở Bengal, đây được xem là phong trào phục hưng ở Ấn Độ [ 13 , tr.233], sau đó, phong trào lan rộng ra cả nước, mà tiêu biểu là các phong trào giải phóng ở thủ đô New Delhi. Đại diện cho các phong trào đó là Rammohun Roy đấu tranh bãi bỏ tục hỏa thiêu góa phụ (satibabu), Vidyasagar ủng hộ góa phụ tái giá…

Đến đầu thế kỷ XX, nhận thức về vai trò và vị thế của người phụ nữ ở New Delhi bị giằng co giữa hai xu hướng. Một xu hướng bị ảnh hưởng bởi quan điểm Hindu giáo cho rằng tinh thần và vật chất trở thành chuẩn mực mới để khẳng định vai trò giới; gia đình chính là nơi biểu hiện văn hóa truyền thống và phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng văn hóa gia đình. Xu hướng còn lại đánh giá vai trò của người phụ nữ theo thực tế năng lực và những đóng góp của họ ngoài xã hội khi cho rằng phụ nữ có thể được xem là nguồn lực linh hoạt của gia đình, họ không thể bị giới hạn trong không gian của gia đình hay gán ghép cho một vai trò cứng nhắc, không được chủ động hay có quyền quyết định về việc làm [ 14 , tr.235]. Rõ ràng, người phụ nữ Ấn Độ có vai trò quan trọng trong gia đình, họ duy trì mối quan hệ thân tộc trong các nghi lễ tôn giáo bên cạnh vai trò sinh sản và nuôi dạy con cái. Điều đó dường như là một khế ước xã hội bất thành văn và tiếp tục chi phối việc phân chia trách nhiệm và vai trò giới trong gia đình. Quan niệm của người Ấn Độ đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc nội trợ, quản lý gia đình, tổ chức cuộc sống vật chất trong gia đình. Hiện nay, mặc dù Ấn Độ đang trải qua thời kì công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, nhưng vai trò nội trợ của người phụ nữ không vì thế mà mờ nhạt đi, trái lại, họ còn đảm nhận thêm vai trò mới – vai trò xã hội.

Khi nghiên cứu phụ nữ đi làm ở Delhi, Sudarsham và Bhattacharya đã thực hiện nghiên cứu hộ gia đình ở khu đô thị Delhi năm 2006 và kết quả cho thấy tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao hơn con số do Cục Khảo sát Mẫu quốc gia (National Sample Survey) thực hiện giai đoạn 1983-2000 [ 15 , tr.59]. Điều này cho thấy sự biến động về số lượng phụ nữ đi làm ở Delhi giai đoạn 1983-2006 theo hướng tăng thêm vai trò của người phụ nữ trong gia đình gia trưởng ở thủ đô New Delhi. Tuy nhiên, nghiên cứu của Sudarsham và Bhattachrya chỉ dừng lại ở việc xem xét sự quyết định đi làm hay ở nhà nội trợ của phụ nữ Delhi sau khi kết hôn. Tác giả chỉ ra rằng 90% phụ nữ ở nhà trước khi kết hôn, và 90% phụ nữ nghỉ làm sau khi kết hôn hoặc sau khi sinh con. Quyết định đi làm hay ở nhà nội trợ không phải do cá nhân người phụ nữ mà quyết định đó chịu sự chi phối của tính chất gia đình.

Bài viết này đã sử dụng phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi trên 165 phụ nữ đi làm ở thủ đô New Delhi ở độ tuổi 18-60, làm việc trong lĩnh vực công và tư nhân, chính thức và phi chính thức để xem xét sự biến động vai trò và vị thế của phụ nữ trong thiết chế gia đình gia trưởng ở New Delhi. Các yếu tố như giáo dục, tình trạng hôn nhân, quyền quyết định của phụ nữ trong gia đình, việc làm, thu nhập, sự tham gia các hoạt động xã hội, quyền tham chính của phụ nữ được xem xét như các chỉ số để đo lường sự biến chuyển vai trò và vị thế của phụ nữ đi làm trong gia đình gia trưởng ở thủ đô New Delhi. Phần lớn những người tham gia trả lời bảng hỏi xuất thân từ tầng lớp trung lưu của New Delhi. 72% dân số Delhi thuộc tộc người Ấn-Aryan, 25% là người Dravidian. Dân số nói chủ yếu tiếng Hindi (81%), còn lại là tiếng Anh, Punjabi và Urdu, do đó 82% dân số theo đạo Hindu, 12.86% là tín đồ Islam, 0.82% theo đạo Thiên Chúa, và 0.11% theo Phật giáo. Dân số thủ đô Delhi năm 2022 là 16.326.200 người, trong đó 8.961.000 nam và 7.365.300 nữ [ 16 , tr.219]. Báo cáo của ông Rameswar Teli – Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm trước Hạ viện Ấn Độ ngày 20/3/2023 về xu hướng gia tăng tỉ lệ tham gia lao động của phụ nữ ở New Delhi tuổi từ 15 trở lên cho biết năm 2017-2018, tỉ lệ này là 30.0%, năm 2019-2020 là 32.5% và 2021-2022 là 30.8% [ 8 , tr. 95]. Những người tham gia trả lời bảng hỏi thuộc các ngành nghề công chức/giáo viên (32%), IT (15%), doanh nhân, tự kinh doanh (9.2%) và các công việc phi chính thức (43.7%). Họ có kinh nghiệm làm việc từ 2-20 năm.

Những biến chuyển về vai trò và quyền quyết định của phụ nữ đi làm trong gia đình ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ)

  • Phân bổ các công việc trong gia đình giữa vợ và chồng

Trong thiết chế gia đình gia trưởng, người đàn ông làm chủ, là người trụ cột, có vị trí cao nhất trong gia đình, và có quyền quyết định, quản lý, áp đặt các thành viên khác trong gia đình, phụ nữ phụ thuộc vào người chủ gia đình, không được coi trọng, bị xem là thứ yếu. Không những thế, người phụ nữ thường không được ra ngoài làm việc mà chỉ ở nhà, giam mình trong bốn bức tường và làm công việc nội trợ. Người đàn ông gia trưởng và hầu hết các thành viên khác mặc định xem việc nhà là của phụ nữ, những việc xã hội mới là việc của đàn ông.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, với sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật và đô thị hóa, phụ nữ New Delhi ngày càng trở nên tự tin, độc lập và tự chủ. Nếu như trước đây, việc nhà được phó thác cho phụ nữ chăm lo thì ngày nay, đàn ông trong các gia đình gia trưởng có xu hướng chia sẻ việc nhà với vợ khi người vợ đi làm ( Table 3 ). Table 3 cho thấy tỉ lệ tham gia đảm nhận các công việc nhà giữa vợ và chồng trong các gia đình gia trưởng ở New Delhi.

Table 3 Tỉ lệ phân bổ các công việc nhà giữa vợ và chồng trong các gia đình gia trưởng ở New Delhi

Số liệu từ Table 3 cho thấy người vợ trong gia đình gia trưởng đảm nhận hầu hết các công việc nhà, người chồng trong thiết chế gia đình này có xu hướng chia sẻ việc nhà với vợ, mặc dù mức độ tham gia chưa nhiều (Đi chợ 15%, Rửa chén 4.6%, Lau dọn nhà cửa 3.1% và Giặt giũ 3.1%). Số liệu cũng cho thấy đàn ông gia trưởng không nấu ăn (0%), nhưng có xu hướng tham gia phụ vợ trong công việc chuẩn bị bếp núc và các công việc nhà khác (tỉ lệ cả hai vợ chồng cùng nấu ăn là 32.8%, cả hai vợ chồng cùng đi chợ là 43.9%, rửa chén là 20%, lau dọn nhà cửa và giặt giũ lần lượt là 26.2% và 29.2%). Số liệu khảo sát ở Table 3 còn cho thấy sự tham gia các công việc nhà của hệ thống người giúp việc nhà. Với sự tham gia của những người giúp việc nhà và của người chồng, phụ nữ đi làm ở New Delhi giảm được phần nào gánh nặng công việc nhà.

Về nuôi dạy con cái, kết quả khảo sát cũng cho thấy đàn ông trong các gia đình tham gia trả lời phiếu khảo sát có xu hướng chia sẻ việc nuôi dạy con cái với người vợ ( Table 4 ). Khái niệm vai trò giới tính của Hindu giáo nhấn mạnh đàn ông phải ra ngoài làm việc, phụ nữ ở nhà chăm lo gia đình và con cái.

Table 4 Tỉ lệ phân bổ công việc nuôi dạy con cái trong gia đình ở New Delhi

Số liệu ở Table 4 cho thấy đàn ông có xu hướng tham gia vào việc chăm sóc, nuôi dạy con cái trong gia đình. Công việc này trước đây do phụ nữ đảm nhận, ngày nay, khi phụ nữ đi làm, đàn ông bắt đầu tham gia đảm nhận cùng với người vợ: dạy con học (4.6% đàn ông, 52.3% phụ nữ, 43.1% cả hai); chăm sóc con khi con ốm (3.1% đàn ông, 16.9% phụ nữ, 80% cả hai); gần gũi chia sẻ với con khi con gặp vấn đề tâm lý (4.6% đàn ông, 20% phụ nữ, 75.4% cả hai). Điều đáng chú ý là nếu như trước đây, phụ nữ chịu sự bó buộc bởi truyền thống văn hóa và hủ tục như tục purdah (cấm cung phụ nữ), thì đến giai đoạn nghiên cứu này, phụ nữ đã chủ động hơn và tham gia cùng chồng vào các công việc bên ngoài như đưa đón con cái đi học (21.9% phụ nữ, 20.3% đàn ông, 65.3% cả hai); đưa con đi khám bệnh (12.3% phụ nữ, 4.6 đàn ông, 83.1% cả hai); và đi họp phụ huynh cho con (21.5% phụ nữ, 3.1% đàn ông, và 75% cả hai cùng tham gia).

  • Phân bổ quyền quyết định về các công việc trong gia đình giữa vợ và chồng

Các gia đình trong xã hội Ấn Độ ngày càng nhận thức cao về vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt là phụ nữ tại các thành phố lớn như thủ đô New Delhi, có tiếng nói hơn trong gia đình, tham gia quyết định đối với các công việc quan trọng của gia đình như con cái, sự nghiệp, cư ngụ, tham gia quản lý tài chính, thu chi trong gia đình, và đặc biệt là phụ nữ có quyền sở hữu tài sản ( Table 5 ), trong khi đó, trước đây, chỉ dành cho người đàn ông, người trụ cột, người gia trưởng mới được đứng tên chủ hộ hoặc tài sản.

Table 5 Quyền quyết định của phụ nữ về các công việc trong gia đình ở New Delhi

Số liệu ở Table 5 cho thấy vai trò và vị thế của phụ nữ ở New Delhi có xu hướng biến đổi. Trong thiết chế gia đình gia trưởng, người đàn ông là người có quyền hành cao nhất, quyết định tất cả mọi việc lớn nhỏ, quan trọng trong gia đình. Trong số các gia đình tham gia khảo sát, người phụ nữ có vai trò nhất định trong gia đình. Phụ nữ tham gia quản lý tài chính, quyết định thu chi trong gia đình (13.8% phụ nữ, 36.9% đàn ông, 49.2% cả hai). Phụ nữ có quyền quyết định số con và thời gian sinh con (15.4% phụ nữ, 12.5% đàn ông, 72.3% cả hai), tham gia quyết định định hướng nghề nghiệp cho con (số liệu khảo sát cho thấy phụ nữ có quyền quyết định ngang bằng với nam giới với tỉ lệ 6.3%). Ở Ấn Độ, hôn nhân phần lớn được sắp đặt nên việc chọn bạn đời cho con là do cha mẹ quyết định, trong các gia đình gia trưởng, người đàn ông sẽ quyết định. Table 5 cho thấy phụ nữ hiện đại đã có xu hướng tham gia quyết định chọn bạn đời cho con (3.2% phụ nữ, 6.3% đàn ông, và 90.5% cả hai vợ chồng).

Các gia đình tham gia cuộc khảo sát này ở New Delhi thể hiện đặc điểm hiện đại, phụ nữ đi làm có học vấn cao (78% phụ nữ có trình độ đại học và trên đại học), do đó, các giá trị chia sẻ và trân trọng được các cặp vợ chồng thể hiện rõ. Số liệu khảo sát ở Table 5 cho thấy sự xuất hiện của chủ hộ gia đình là nữ – điều chưa từng có tiền lệ trong các gia đình gia trưởng ở Ấn Độ. Tỉ lệ phụ nữ đứng tên chủ hộ gia đình trong các gia đình tham gia trả lời bảng hỏi là 12.3%, đàn ông đứng tên là 36.9%, và cả hai cùng đứng tên chủ hộ là 55.4%. Phụ nữ còn có quyền sở hữu tài sản như đứng tên nhà, đất (12.3%). Ngoài ra, phụ nữ có quyền quyết định cư ngụ như tách hộ gia đình ra ở riêng (chiếm 4.7%), quyết định việc làm và đi làm hay ở nhà (9.2%). Tỉ lệ phụ nữ là người đưa ra quyết định sau cùng trong các vấn đề trong gia đình là 18.5%.

Qua phân tích số liệu, mặc dù phụ nữ được đi làm, lắng nghe, tôn trọng, có quyền tham gia quyết định công việc trong gia đình, có quyền được đứng tên chủ hộ, là người đưa ra quyết định cuối cùng nhưng còn hạn chế so với nam giới. Điều đó đã thể hiện rằng người phụ nữ vẫn chưa thực sự bình đẳng với nam giới. Song, trên thực tế, số liệu các công việc gia đình được cả hai vợ chồng cùng quyết định cho thấy phụ nữ được người chồng chia sẻ, lắng nghe, và tôn trọng. Đây là điều hiếm thấy trong thiết chế gia đình gia trưởng khi người đàn ông gia trưởng có quyền quyết định mọi thứ và có quyền hành cao nhất. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với phụ nữ đi làm có trình độ đại học và trên đại học; đối với phụ nữ học vấn thấp (số liệu khảo sát cho thấy 15.6% phụ nữ có trình độ trung học phổ thông, 1.6% phụ nữ học hết cấp 2, và 4.7% phụ nữ chỉ tốt nghiệp tiểu học), không được coi trọng hoặc sự đóng góp của họ đới với gia đình chưa được nhìn nhận, họ không có tiếng nói hoặc có quyền đưa ra quyết định đối với các công việc trong gia đình.

  • Sự chuyển dịch vai trò của người vợ trong gia đình

Theo Báo cáo từ Women@Work của Deloitte , 15% phụ nữ đi làm chia đều công việc hàng ngày với người bạn đời của họ và 85% phụ nữ gánh vác phần lớn trách nhiệm gia đình đồng thời là trụ cột gia đình [ 17 , tr.16]. Mặc dù đàn ông cởi mở hơn và ngày càng chấp nhận bình đẳng giới về mặt nào đó, nhưng phần lớn họ vẫn xem công việc nhà (công việc nội trợ như nấu ăn, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, đi chợ, và chăm sóc con cái) là công việc của phụ nữ. Đặc biệt trong các gia đình gia trưởng, tư tưởng này còn khá nặng nề. Cuộc khảo sát tiếp tục cho thấy rằng ngay cả khi cả hai vợ chồng là những người có thu nhập chính hoặc thu nhập bằng nhau, phụ nữ cũng phải chịu trách nhiệm chăm sóc con cái.

Theo truyền thống Ấn Độ, đàn ông là trụ cột của gia đình, phụ nữ chăm sóc nhà cửa và nuôi dạy con cái. Văn hóa truyền thống xã hội và gia đình gia trưởng làm cho đàn ông và phụ nữ dễ dàng chấp nhận sự phân công về vai trò giới này. Thế nhưng, khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động và xây dựng sự nghiệp thành công, hôn nhân gia đình buộc phải thay đổi để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông là một sự thay đổi căn bản không chỉ ở Ấn Độ mà trên toàn thế giới. Ở New Delhi, trong số gia đình tham gia trả lời bảng hỏi, có 9.2% phụ nữ thu nhập chính trong gia đình, 24.6% đàn ông thu nhập chính, và 25% vợ và chồng có thu nhập bằng nhau, trong đó 12.5% phụ nữ thu nhập cao hơn chồng. Khi được hỏi, người chồng một mặt cho biết không cảm thấy bị đe dọa bởi thu nhập ngày càng tăng của vợ và người vợ cảm thấy ngày càng độc lập và tự chủ hơn về tài chính, mặt khác họ vẫn tin vào các vai trò giới truyền thống. Tuy nhiên, trong giai đoạn nghiên cứu, kết quả khảo sát cho thấy khi vợ đi làm, đàn ông Ấn Độ cũng phải giặt giũ, ru con ngủ. Mặc dù người chồng có thể không làm việc nhà một cách hoàn hảo hoặc chăm sóc con cái tốt, nhưng đàn ông gia trưởng đã bắt đầu thay đổi để chia sẻ công việc nhà với người vợ. Hơn nữa, những người đàn ông gia trưởng đã được rèn luyện đời sống tự lập khi đi học, họ thường ở trong các ký túc xá và phải tự làm tất cả công việc cá nhân. Khi có gia đình, đặc biệt là trong các mô hình gia đình hạt nhân ngày nay chỉ có vợ, chồng và con cái, đàn ông buộc phải chia sẻ công việc nhà với vợ khi người phụ nữ đi làm và do tính chất công việc họ có thể đi sớm về muộn hoặc thường xuyên đi công tác xa.

Báo cáo từ Women@Work của Deloitte và kết quả khảo sát cho thấy phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt phụ nữ đi làm ở New Delhi, có biến động về vai trò, họ chuyển dịch từ vai trò hoàn toàn nội trợ trong các gia đình gia trưởng, phụ hệ sang có đóng góp về mặt tài chính trong gia đình và dần dần trở thành vai trò trụ cột trong gia đình, người thu nhập chính hoặc người có thu nhập cao hơn chồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến động vai trò và vị thế của phụ nữ đi làm ở New Delhi trong việc quyết định các vấn đề gia đình và vai trò gần như trụ cột gia đình. Thứ nhất, những phụ nữ đi làm đã đóng góp thu nhập, tài chính cho gia đình và xã hội, kỹ năng tài chính của họ cũng được nâng cao. Arora (2016) đã chỉ ra kỹ năng tài chính của phụ nữ đi làm ở khu vực thành thị cao hơn phụ nữ nông thôn [ 18 , tr. 219]. Kỹ năng tài chính là khả năng nhận định và đưa ra quyết định liên quan đến việc sử dụng và quản lý tài chính. Với việc tham gia lực lượng lao động và các hoạt động kinh tế, phụ nữ đi làm có kỹ năng tài chính cao và nhờ đó, vai trò của họ trong việc đưa ra các quyết định gia đình cũng được nhìn nhận. Thứ hai, trình độ học vấn của phụ nữ được nâng cao đã góp phần nâng cao vai trò và quyền quyết định của phụ nữ trong các công việc gia đình. Trong những phụ nữ tham gia trả lời bảng hỏi, 78,8% phụ nữ có trình độ đại học và trên đại học, 15,2% tốt nghiệp trung học, 1,5% tốt nghiệp cấp hai, và 4,5% phụ nữ ở trình độ tiểu học. Những phụ nữ đi làm có trình độ cao có xu hướng có tiếng nói hơn trong việc tham gia vào việc quyết định các công việc gia đình. Sharma & Kota (2019) cũng chỉ ra mối quan hệ tỉ lệ thuận giữa giáo dục, việc làm và đóng góp vào thu nhập gia đình với quyết định trong gia đình của phụ nữ đi làm ở New Delhi [ 19 , tr. 91]. Thứ ba, những biến đổi trong gia đình cũng tác động đến vai trò và quyền quyết định của phụ nữ đi làm. Mặc dù các gia đình ở New Delhi vẫn giữ thiết chế gia đình gia trưởng, phụ hệ, nhưng hiện nay, các quan niệm truyền thống chi phối mối quan hệ gia đình và quan niệm giới trở nên linh hoạt và cởi mở hơn. Gia đình Ấn Độ đang trong giai đoạn biến chuyển, thay đổi để thích nghi với bối cảnh biến đổi kinh tế, văn hóa, xã hội. Hình thái gia đình biến đổi từ gia đình nhiều thế hệ sống chung sang gia đình hạt nhân. Số lần sinh của phụ nữ thủ đô giảm từ 4.8 lần (năm 1991-1992) xuống 1.6 lần (năm 2022-2023) [ 16 , tr. 20]. Điều này đã tác động đến quy mô hộ gia đình và do đó, quan hệ thứ bậc (trên dưới) giữa vợ và chồng đã được rút ngắn và chuyển sang quan hệ theo chiều ngang, bình đẳng hơn. Biến đổi gia đình đã dẫn đến việc tái phân công lao động cũng như trách nhiệm theo giới tính. Phụ nữ không chỉ làm việc nhà, chăm sóc con cái, mà còn tham gia vào lực lượng lao động. Khi phụ nữ đi làm, vắng nhà, đàn ông cũng phải phụ vợ chăm sóc con cái và làm các công việc nhà. Hơn thế, hệ thống người giúp việc ở thủ đô đã góp phần giải phóng phụ nữ tầng lớp trung lưu khỏi các công việc nhà. Việc phụ nữ độc lập kinh tế và đóng góp tài chính cho gia đình đã góp phần thay đổi nhận thức về vai trò và quyền quyết định của phụ nữ, làm thay đổi những định kiến giới của các thành viên khác trong gia đình. Thứ tư, từ năm 1991 chính phủ Ấn Độ áp dụng nhiều chính sách kinh tế mới (New Economic Policy/NEP). Đặc biệt, chương trình tái cơ cấu nền kinh tế (Structural Adjustment Program/SAP) cùng với các chính sách tái cơ cấu nền công nghiệp trong nước từ những năm 1980 đã tác động mạnh mẽ đến phụ nữ đi làm. SAP tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất hiệu quả, ưu đãi khu vực tư nhân, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, bãi bỏ chế độ giấy phép, bãi bỏ quy định nhà nước hoặc kiểm soát của nhà nước ở một số ngành, nâng cao vai trò của lao động nữ. Nhờ hiệu ứng của SAP, nhiều ngành công nghiệp đã thu hút số lượng lớn lao động nữ. Guy Standing (1989) đã sử dụng thuật ngữ Feminization of Labour Force (nữ hóa lực lượng lao động) để chỉ hiện tượng sự gia tăng tham gia lực lượng lao động của phụ nữ ở các ngành nghề mà truyền thống chỉ dành cho nam giới [ 20 , tr.107]. Sự nữ hóa lực lượng lao động ở Ấn Độ được biểu hiện ở việc phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực ngành nghề đa dạng như hầm mỏ, sản xuất công nghiệp, điện, xây dựng, thương mại, giao thông và thông tin liên lạc, tài chính – ngân hàng, truyền thông, giải trí – điện ảnh. Trước năm 1991, phụ nữ tham gia các ngành truyền thống như giáo dục, y tế, hoặc khoa học gia đình. Trong giai đoạn nghiên cứu, phụ nữ tham gia các ngành nghề đa dạng, đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao. Deshpande (1993) cho rằng NEP đã góp phần tăng nhu cầu của thị trường lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. NEP giúp phụ nữ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề và cơ hội tham gia thị trường lao động đầy biến động và vốn chỉ dành cho nam giới [ 21 , tr.1175]. Thập kỷ 1981-1991, tỉ lệ trung bình lực lượng lao động nam tăng 1,6% hàng năm, trong khi đó, tỉ lệ này ở nữ là 5,6% [ 22 , tr.269]. Phụ nữ đi làm sẽ góp phần làm giảm mức độ nghèo đói của gia đình, làm tăng tỉ lệ các gia đình trung lưu, hệ quả là vai trò và quyền quyết định trong các công việc gia đình của phụ nữ cũng được cải thiện đáng kể. Khả năng người vợ có nhiều quyền lực hơn trong quá trình ra quyết định tài chính trong số các cặp vợ chồng có thu nhập kép nếu thu nhập của người vợ cao hơn người chồng [ 23 , tr.42].

KẾT LUẬN

Vai trò của phụ nữ trong các gia đình Ấn Độ ở New Delhi có xu hướng biến động. Trong những thập kỷ qua, gia đình Ấn Độ đã trải qua những biến chuyển quan trọng, từ gia đình tuyền thống gia trưởng, phụ hệ sang hình thái gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn. Quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và phát triển kinh tế xã hội làm góp phần biến đổi xã hội, gia đình từ các gia đình sống chung sang gia đình hạt nhân, đặc biệt là đã góp phần nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ Ấn Độ, chủ yếu là phụ nữ đi làm ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi. Một sự thay đổi đáng kể đã xảy ra từ khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947, đặc biệt là giai đoạn 1991-2022. Trước đây, quyền thừa kế chủ yếu được trao cho con trai, nhưng hiện nay, chúng tôi nhận thấy nhiều gia đình đối xử bình đẳng với con trai và con gái. Kết quả khảo sát cũng cho thấy xuất hiện phụ nữ đứng tên tài sản, chủ hộ gia đình, đứng tên đất đai.

Theo Ngân hàng Thế giới, phụ nữ Ấn Độ tham gia nền kinh tế chính thức thuộc loại thấp nhất thế giới 24 , tr.2]. Cùng với đó, kết quả Cuộc Khảo sát lực lượng lao động định kỳ năm 2020 ở Ấn Độ cho thấy chỉ có 18,6% phụ nữ trong độ tuổi lao động đi làm và năm 2011 là 14,7% ở khu vực thành thị [ 8 , tr. 90]. Mặc dù số phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Ấn Độ thấp so với các nước khác trên thế giới, nhưng thực tế đã cho thấy con số này có sự gia tăng và xuất hiện xu hướng gia tăng tỉ lệ phụ nữ đi làm ở Ấn Độ. Ở New Delhi, theo Điều tra dân số 2020-2021, tỉ lệ phụ nữ đi làm là 17,7% so với 58,1% của nam giới [25, tr.6]. Các công việc làm của phụ nữ được chia thành 3 nhóm: Tự kinh doanh (23,2%), công chức nhà nước (74,5%) và lao động thời vụ (2,2%). Nghiên cứu của Sudarshan và Bhattacharya (2009) trên 440.000 hộ gia đình với khoảng 15 triệu nhân khẩu và phụ nữ ở khu vực thành thị chiếm 45% chỉ ra rằng số phụ nữ tham gia thị trường lao động ở khu vực thành thị Delhi cao hơn với những gì do Cục Khảo sát mẫu Quốc gia công bố giai đoạn 1993-2005 [ 8 , tr.59]. Điều này cho thấy phụ nữ tham gia lao động ngày càng nhiều ở thủ đô New Delhi. Nghiên cứu cũng chỉ ra tỉ lệ phụ nữ là lao động chính trong gia đình (23%), tỉ lệ phụ nữ đóng góp tích cực cho kinh tế gia đình (42%) và tỉ lệ phụ nữ làm việc vì mục đích khác (35%).

Trong số phụ nữ đi làm tham gia trả lời bảng hỏi, có 72,2% phụ nữ đã kết hôn, 22,7% phụ nữ độc thân hoặc chưa kết hôn, 4,5% góa phụ và 1,5% phụ nữ li hôn. Điều đáng chú ý là tỉ lệ li hôn ở Ấn Độ nói chung thấp nhất so với thế giới, chỉ có 1,1%. Tuy nhiên, vài thập kỷ trở lại đây, tỉ lệ li hôn ở khu vực thành thị Ấn Độ có xu hướng tăng. Ở New Delhi, tỉ lệ li hôn ở phụ nữ đi làm là 1,5%, cao hơn tỉ lệ của cả nước, điều này cho thấy phụ nữ New Delhi ngày càng độc lập về tài chính, kinh tế và xã hội. Phụ nữ thủ đô không còn quá phụ thuộc, lệ thuộc nam giới. Phụ nữ được tự do nêu quan điểm và chính kiến, có quyền quyết định đời sống hôn nhân trong gia đình gia trưởng, nơi mà phụ nữ vốn không được phép phát biểu ý kiến, chỉ biết cúi đầu lắng nghe và chấp nhận.

Có thể nói, trong giai đoạn 1991-2022, vai trò và vị thế của phụ nữ thủ đô New Delhi, Ấn Độ có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là phụ nữ đi làm càng trở nên độc lập về tài chính, kinh tế, và xã hội hơn. Phụ nữ đi làm nhận được sự chia sẻ của chồng về công việc nhà, nuôi dạy con cái… Ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi, nơi có nhiều người di cư cùng với việc đô thị hóa và phát triển kinh tế, xã hội, làm biến đổi cấu trúc gia đình, xuất hiện nhiều kiểu gia đình hạt nhân với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do. Do đó, vai trò và quyền quyết định của phụ nữ trong các gia đình gia trưởng và phụ hệ cũng có xu hướng biến đổi. Trong đó, người phụ nữ tham gia quyết định về các công việc quan trọng trong gia đình và cũng có thể là người đưa ra quyết định sau cùng. Người phụ nữ được quyền thừa kế tài sản và đứng tên chủ hộ, nhà cửa và đất đai. Người phụ nữ cũng có quyền li hôn, điều mà trước đây chỉ có nam giới quyết định li hôn.

Lời cảm ơn

Bài viết dựa trên kết quả khảo sát bằng bảng hỏi của đề tài Cấp Cơ sơ năm 2023 “Những chuyển biến về vai trò và địa vị của người phụ nữ Ấn Độ ở thủ đô Delhi từ sau năm 1947”, Mã số T2023-06. Tôi xin chân thành cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đã tài trợ kinh phí cho tôi thực hiện đề tài này.

Danh mục từ viết tắt

LFPR: Labour force participation rate/Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động

WPR: Work participation rate/ Tỉ lệ người có việc làm

PLFS: Periodic labour force survey/Khảo sát lực lượng lao động định kỳ

NEP: New Economic Policy/ Chính sách kinh tế mới

SAP: Structural Adjustment Program/Chương trình Tái cơ cấu nền kinh tế

FY: Fiscal Year/Năm Tài Khóa

Xung đột lợi ích

Tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

Đóng góp của tác giả

Tác giả bài viết đã sử dụng kết quả điều tra khảo sát trên 165 phụ nữ đi làm ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, để phân tích và trình bày kết quả nghiên cứu.

Bài báo khái quát cơ sở lý luận và thực tiễn về gia đình gia trưởng trong xã hội Ấn Độ nói chung và thủ đô New Delhi nói riêng, góp phần chỉ ra sự biến đổi về cấu trúc gia đình ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi, dẫn đến sự biến đổi vai trò và quyền quyết định của phụ nữ trong các gia đình gia trưởng ở thủ đô. Phụ nữ New Delhi ngày càng có vị trí và tiếng nói hơn trong gia đình. Họ được quyền tham gia quyết định các công việc quan trọng trong gia đình, điều mà trước năm 1991, chỉ có nam giới mới có thể đưa ra quyết định.

References

  1. Hoàng Phê chủ biên. Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội Hồng Đức. 2018. . ;:. Google Scholar
  2. Chandramouli. National census of India 2011. Registrar general & census commissioner. India; 2013. . ;:. Google Scholar
  3. Statistical abstract of Delhi. Gov Natl Cap Territ Delhi. 2002. . ;:. Google Scholar
  4. World Bank. Data. . ;:. Google Scholar
  5. Zahidi, Saadia. World Economic Forum’s Global Gender Gap Report; 2022. . ;:. Google Scholar
  6. Pew Research Center; 2022. . ;:. Google Scholar
  7. Periodic Labour Force Survey 2021-2022. Census. 1991;2001 and 2011. . ;:. Google Scholar
  8. Nirmal A. Labour and employment Statisitcs. Government of India Ministry of Labour and Delhi: Employment Directorate General of Employment New; 2022. . ;:. Google Scholar
  9. Dupont. Delhi: urban space and human destinies. Delhi: Manohar; 2000. . ;:. Google Scholar
  10. Mandelbaum DG. The Family in India. Southwest J Anthropol. Summer 1948;4(2):123-39. . ;:. Google Scholar
  11. Bardian N. Urban, cultural, economic and social transformation history of New Delhi 1947-65. New Delhi: Ruby Press; 2014. . ;:. Google Scholar
  12. Nath V. Delhi before 1947: urbanization, urban development, and Metropolitian cities in India. Delhi: Concept Publishing; 2007. . ;:. Google Scholar
  13. Sudarshan, Bhattacharya. Through the magnifying glass: women’s work and Labour Force participation in urban Delhi. Econ Pol Wkly. 2009;44(48). . ;:. Google Scholar
  14. Volwahsen A. Imperial Delhi: the British capital of the Indian empire. München: Prestel Publishing; 2003. . ;:. Google Scholar
  15. Agarwal B. The gender and environment debate: lessons from India. Feminist Stud. 1992;18(1):119-58. . ;:. Google Scholar
  16. Arora A. Assessment of financial literacy among working Indian women. Bus Anal. 2016;36(2):219-37. . ;:. Google Scholar
  17. Women@work 2023: A Global Outlook. . ;:. Google Scholar
  18. Sharma M, Kota H. The role of working women in investment decision making in the family in India. Australas Acc Bus Fin J. 2019;13(3):91-110. . ;:. Google Scholar
  19. Standing G. Global feminization through flexible Labour. World Dev. 1989;17(7):1077-95. . ;:. Google Scholar
  20. Deshpande S. Structural adjustment and feminization. In: Sharma, Singh, editors. Delhi: Patna and B.R. Publishing. Women and work – changing scenario in India; 1993. . ;:. Google Scholar
  21. Winkler A. Earnings of husbands and wives in dual-earner families. Mon Lab Rev. 1998:42-8. . ;:. Google Scholar
  22. Ghosh A. New economic policy. A review. Econ Pol Wkly. 1992;27(23, Jun 6):1175-8. . ;:. Google Scholar
  23. Verick S. Women’s Labour Force Participation in Inida: why is it so low? International Labour Organization; 2014. . ;:. Google Scholar
  24. Mishra AKN. Economic Survey of Delhi 2022-2023. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 4 (2023)
Page No.: 2252-2262
Published: Dec 31, 2023
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.895

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, H. (2023). The role and decision-making power of working women in families in New Delhi (India) in the 1991-2022 period. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(4), 2252-2262. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.895

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 986 times
PDF   = 174 times
XML   = 0 times
Total   = 174 times