VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Commentaries

HTML

438

Total

376

Share

Policies by Nguyen Dynasty towards military mandarins and soldiers stationed at Tran Tay Citadel based on its Royal records (1835-1841)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

After nearly two centuries of separation, at the beginning of the 19th century (1802), Dai Viet was reunified under the rule of the Nguyen Dynasty. This was also a period when our country’s territorial boundaries expanded, with many annexed regions, especially during the reigns of King Minh Menh. Tran Tay Citadel was one of the farthest frontier regions in the Southwest, annexed to our country's territory by King Minh Menh in 1835. In order to govern this new land, during the course of 6 years from the 15th ruling year of Minh Menh (1835) to the 1st ruling year of Thieu Tri (1841), in addition to deploying a strong military force here to suppress the uprisings from local people and at the same time counteract invasions from the neighboring countries, the Nguyen Dynasty implemented policies not only to ensure the well-being but also to boost the military mandarins and soldiers’ morale, helping them confidently complete their tasks. Serving military mandarins and active-duty soldiers were regularly granted allowances (either annually or monthly) in the form of rice or land, based on their rank or military classification. When directly executing their duties, the mandarins and soldiers also received allowances based on the nature of the assigned tasks. Those military mandarins and soldiers, who faced misfortunes during service or in combat, such as illness, injuries, deaths, or natural disasters, received support from the royal court.

MỞ ĐẦU

Trấn Tây Thành là “tên nước Chân Lạp và cũng là cơ quan cai trị Chân Lạp dưới triều vua Minh Mạng đặt tại Nam Vang (Phnom Penh) từ năm 1835 đến năm 1841 [ 1 , tr.877]. Năm 1835, sau khi chiến thắng quân Xiêm (Thái Lan), giành thế chủ động ở Chân Lạp (Campuchia), vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân chết, không có con nối ngôi, vua Minh Mệnh đã sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ nước ta, đặt tên là Trấn Tây Thành. Vì vùng đất này được coi là tiền đồn quan trọng cần giữ vững để chống lại âm mưu bành trướng của quân Xiêm nên triều Nguyễn đã huy động một lượng lực lớn quân đội đồn trú. Để duy trì đội quân quân này, vua Minh Mệnh và Thiệu Trị đã thực thi nhiều chính sách đãi ngộ đối với lực lượng binh lính ở đây. Chính sách của triều Nguyễn đối với quân đội thời kỳ này đã nhận được sự quan tâm của các học giả ở mức độ khác nhau. Hoàng Lương (2017) trong bài viết “Định lệ chi cấp binh lương dưới triều Minh Mệnh (1820-1840)” 2 đã đề cập đến việc chi cấp lương của binh lính dưới triều Minh Mệnh đối với thân binh, cấm binh và tinh binh. Tác giả Hà Duy Biển với hai bài viết “Định mức lương bổng của quan lại Bộ Binh dưới triều Minh Mệnh (1820-1840)” 3 và “Cách thức tính toán và chi cấp lương bổng đối với quan lại bộ Binh triều Minh Mệnh (1820-1840)” in trên Tạp chí Lịch sử quân sự số 291 tháng 3/2016 4 đã đề cập một số vấn đề liên quan đến lương bổng của quan lại bộ inh dưới triều vua Minh Mệnh.

Chế độ trợ cấp cho quân đội triều Nguyễn cũng đã xuất hiện trong nghiên cứu của một số tác giả. Nguyễn Minh Tường với “Chính sách đối với chiến sĩ trận vong, trận thương dưới triều Nguyễn” trên Tạp chí Xưa – Nay (số 65, tháng 7/1999) sau được in lại trong sách Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam (tr.201-203) 5 đã đề cập sơ lược về việc ban hành những chính sách của triều Nguyễn đối với thương binh, tử sĩ như và bính lính bị nạn do gió bão. Tác giả Lê Quang Chắn trong Luận án Chính sách xã hội triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884 đã đề cập đến chính sách ưu đãi của triều Nguyễn đối với võ quan và binh lính trước và trong khi thực dân Pháp xâm lược 6 .

Nghiên cứu về Trấn Tây Thành hiện nay có bài viết “Việc thành lập và một số hoạt động buổi đầu của triều Nguyễn ở Trấn Tây Thành” của tác giả Đỗ Kim Trường 7 . Bài viết đề cập tới bối cảnh thành lập Trấn Tây Thành và những biện pháp tăng cường quản lý của triều Nguyễn nhằm thiết lập những biện pháp cai trị ở vùng đất mới này.

Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu trên đây mới chỉ dừng lại ở chính sách chung của vua Minh Mệnh đối với quân đội. Bài viết của tác giả Đỗ Kim Trường là nghiên cứu trực tiếp nhất về Trấn Tây Thành, nhưng cũng chỉ dừng lại ở một số biện pháp củng cố bộ máy chính quyền. Đề tài chính sách đối với binh lính làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành hiện nay còn bỏ ngỏ. Do vậy, bài viết này sẽ góp phần tìm hiểu về chính sách của triều Nguyễn đối với binh lính làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành nói riêng, vùng biên giới nói chung.

Châu bản triều Nguyễn là một khối tư liệu hành chính đồ sộ phản ảnh mọi mặt của xã hội nước ta dưới triều Nguyễn. Đây là nguồn tư liệu biên soạn các bộ sử lớn của triều Nguyễn. Không chỉ tập hợp các chỉ thị vua ban (chiếu, dụ) mà nội dung phần lớn ghi chép trong Đại Nam thực lục hay Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ , Châu bản còn có rất nhiều văn bản của các cơ quan địa phương gửi lên vua (gọi là các bản tấu, phúc, phiến trình), phản ánh hoạt động và tình hình cụ thể của địa phương. Đặc biệt, dấu bút phê của vua trên các văn bản hành chính cho thấy tính nghiêm minh cũng như linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề của các vua triều Nguyễn. Tài liệu Châu bản đem đến cho đề tài nghiên cứu một phông tư liệu đa dạng, nhất là về chính sách của triều Nguyễn đối với những trường hợp cụ thể.

Hiện nay, trong quá trình bảo quản, rất nhiều tập tài liệu của Châu bản không còn nguyên vẹn. Để đánh giá toàn diện hơn về chính sách của triều Nguyễn đối với binh lính Trấn Tây Thành, tác giả bài viết đã kết hợp sử dụng một số sử liệu do các cơ quan biên chép sử triều Nguyễn biên soạn như Đại Nam thực lục Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ nhằm làm tường minh hơn vấn đề nghiên cứu.

NỘI DUNG CHÍNH

Khái quát về Trấn Tây Thành và lực lượng quân đội của triều Nguyễn ở Trấn Tây Thành

Trấn Tây Thành là đơn vị hành chính thuộc nhà nước Đại Nam, từ năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) đến năm Thiệu Trị thứ 1 (1841). Sau thất bại trong trận chiến Vàm Nao – Cổ Hỗ, quân Xiêm bại trận, Đại Nam giành thế chủ động trong công cuộc bảo hộ Chân Lạp. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), sau khi vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân chết, nhưng không có con trai, vua Minh Mệnh đã sát nhập vùng đất này vào lãnh thổ Đại Nam và đặt tên là Trấn Tây Thành. Trấn Tây Thành gồm 32 huyện và 2 phủ. Quản lý và cai trị ở Trấn Tây Thành là một đơn vị hành chính giao cho một tướng quân (Trương Minh Giảng), một Tham tán (Lê Đại Cương), một Đề đốc, một Hiệp đốc và 4 Chánh phó lãnh binh. Sau khi đặt chính quyền cai trị, triều Nguyễn lập sổ ruộng và tiến hành thu thuế. Tuy nhiên, trước sự phản kháng của dân Chân Lạp và sự hậu thuẫn của quân Xiêm, đầu năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), triều Nguyễn rút khỏi Trấn Tây Thành.

Khi thành lập đơn vị hành chính Trấn Tây Thành, triều Nguyễn đặt ở đây 1 đội pháo thủ và 1 đội chăn voi, mỗi đội 50 người, đồng thời tuyển 1000 binh lính từ Quảng Bình trở vào Nam, đặt làm Trấn Tây Tả vệ và Trấn Tây Hữu vệ. Ai có tài nghệ xuất sắc thì được bổ làm võ quan [ 8 , tr.490]. Tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), triều Nguyễn bắt đầu cắt đặt bộ máy quan lại Trấn Tây Thành, bộ phận võ quan được cắt đặt gồm: 1 viên Trấn Tây tướng quân (Đông các điện đại học sĩ Trương Minh Giảng), 1 quan võ làm Đề đốc (thự Thống chế Hậu dinh Thần sách là Bùi Công Huyên), 2 Lãnh binh và 2 phó lãnh binh, 1 binh bị đạo (đều trật Chánh tứ phẩm) [ 8 , tr.788].

Cơ cấu tổ chức quân đội ở Trấn Tây Thành chưa được các tài liệu đề cập cụ thể; tuy nhiên, phiên chế quân ở địa phương dưới triều Nguyễn gồm: Liên cơ (Đề đốc hàm Chánh tam phẩm) à Cơ, Vệ (Lãnh binh, Vệ úy, Quản cơ hàm Tòng tam phẩm) à Đội (Cai đội phẩm trật Tòng ngũ phẩm) à Thập (Suất thập hàm Chánh bát phẩm) à Ngũ (Ngũ trưởng).

Về quân lính, qua tài liệu Châu bản, quân lính làm nhiệm vụ ở Trấn Tây gồm 2 lực lượng chủ yếu: quân đồn trú tại chỗ và lực lượng quân sai phái đi Trấn Tây đặc biệt là khi có các cuộc nổi dậy chống đối triều đình.

Về quân đồn trú, hiện nay, chưa tìm thấy tài liệu nói về tổng số quân lính của triều Nguyễn ở Trấn Tây Thành khi đơn vị hành chính này được thành lập năm Minh Mệnh thứ 16 (1835). Tuy nhiên, một số văn bản của Châu bản triều Nguyễn có đề cập tới số lượng một số đội quân đóng giữ ở Trấn Tây Thành. Theo phúc trình của Bộ Binh ngày 17 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) về việc Trấn Tây Thành dâng tập trình xin đưa Nguyễn Văn Thành bổ chức Chánh Đội trưởng suất đội, đội pháo thủ cho biết: “đội pháo thủ thành ấy hiện ngạch số là 18 tên, dù chưa bổ sung con số” 9 . Về số lượng các loại biền binh, bản kê khai của bộ Binh ngày 19 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) có ghi: “Các loại biền binh cần để lại đồn thú ở thành gồm 6137 người” 10 . Sang thời Thiệu Trị, trong bản tấu của Tướng quân Trấn Tây Trương Minh Giảng, ngày 6 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), toàn bộ số quân ở Trấn Tây “gộp thành 5 doanh là: Trấn Tây, Trung Tiền, Tả, Hữu, Hậu, mỗi doanh gồm các cơ: 1, 2, 3, 4, 5 là 5 cơ cùng với 26 cơ Tượng mục Trấn Tây đã tập hợp gộp bổ thành danh sách tâu trình đầy đủ” 11 . Như vậy, theo bản tấu này này, tổng cộng số binh lính ở Trấn Tây vào năm 1841 là 51 cơ. Xét theo quy định phiên chế các đội quân của quân đội triều Nguyễn, số quân mỗi cơ ở địa phương tương đương với số quân các vệ ở Kinh thành là 500 người, do đó, tổng số quân thường trực ở Trấn Tây năm 1841 là 25.500 quân. Nếu đem so sánh với số lượng quân ở các địa phương thì đây là một lực lượng quân lớn, bởi số quân đóng ở Trấn Tây Thành lớn hơn tổng số quân thường trực chiến đấu của Tinh binh đóng tại 5 tỉnh gồm Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Sơn Tây, Bắc Ninh dưới triều Minh Mệnh với tổng số quân là 25.371 người [ 12 , tr.184-199].

Số binh lính này được triều Nguyễn điều động từ 3 nguồn chính: quân lính của triều đình ở Kinh đô, quân bản địa và quân của các địa phương lân cận. Theo tài liệu Châu bản năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), các đội binh ở Kinh đô được điều đến Trấn Tây như đội Cẩm Y Dực Vũ, Vũ Lâm 13 , các vệ doanh Kỳ Vũ 14 , biền binh của 3 vệ là Hổ Uy hữu, Tiền Bảo nhị, Hữu Bảo nhất đồn thú ở Trấn Tây Thành và Gia Định, An Giang quân lính ở các vệ Hữu nhất và Hậu nhị mỗi vệ một nửa quân là 512 quan quân 15 .

Quân của một số địa phương được vua Minh Mệnh và Thiệu Trị điều động đến Trấn Tây Thành khi có biến như Gia Định, Vĩnh Long, Định Biên. Ngày 28 tháng 1 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), triều đình đã điều động 1100 quân cùng 2 tháng lương thực từ Định Biên đến Hải Đông thuộc Trấn Tây Thành 16 . Cùng năm này, theo Quyền Hộ lý Tổng đốc quan phòng tỉnh Long Tường Trương Văn Uyển: “Tháng Chạp năm ngoái nhận được tư văn của Trấn Tây Thành xin điều 500 biền binh để khi có biến sai phái” 17 . Sang năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), theo lời tâu của bộ Binh: tỉnh Gia Định chiếu lệ hàng năm phái quan quân của hai cơ đến đồn thú ở Trấn Tây, cứ sáu tháng lại thay thế một cơ (500 quân đến Trấn Tây đồn thú; 512 quân cho về tỉnh); tỉnh Vĩnh Long cũng huy động được 3000 quân hương dũng chia làm hai cơ Long Nghĩa 5 và 6 phái đến Trấn Tây 18 . Đặc biệt, tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), tư liệu Châu bản nhắc tới việc quân lính tỉnh Quảng Nam được điều đến Trấn Tây đánh dẹp 19 .

Ngoài ra, quân lính ở Trấn Tây Thành còn được huy động từ các tỉnh Trung kỳ. Theo Đại Nam thực lục , năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), 12 vệ, cơ đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây thì 2 vệ ở Kinh, 5 cơ ở mỗi tỉnh Gia Định, Vĩnh Long, Định Tường, Biên Hoà, An Giang và 5 cơ lấy quân ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận [ 20 , tr.560].

Chính sách của các vua triều Nguyễn đối với quân lính làm nhiệm vụ ở Trấn Tây

Quân lính làm việc ở Trấn Tây bao gồm quân đồn trú và quân được sai phái đến đánh dẹp đều được triều đình cấp lương, ban thưởng và trợ cấp nhằm đảm bảo đời sống vật chất và động viên về tinh thần, giúp họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Lương và phụ cấp

Qua khảo cứu tài liệu Châu bản và tài thư tịch, trong 5 năm đầu từ khi được thành lập, triều Nguyễn chưa đặt định mức lương riêng cho võ quan đi làm việc ở Trấn Tây Thành. Võ quan đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành nhận được mức lương triều đình ban hành chung cho quan văn võ. Theo đó, 4 năm đầu từ năm 1835 đến năm 1839, họ được nhận lương theo định mức lương tiền, gạo thực thi từ năm Gia Long thứ 18 (1819). Từ năm Minh Mệnh thứ 21 (1839), võ quan được điều chỉnh định mức lương theo định mức vua Minh Mệnh ban hành năm 1840. Cụ thể, số tiền gạo mỗi năm võ quan được như ban cấp như Table 1 .

Table 1 Lương của võ quan Trấn Tây Thành từ năm 1835 đến năm 1839 và năm 1840, 1841 20 , 21

Tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), triều đình đặt định lệ cấp lương tháng cho võ quan người địa phương biên chế trong quân đội Trấ Tây Thành với định mức thấp hơn định mức ban cấp cho võ quan theo phiên chế ở Kinh đô. Theo đó, Vệ uý, Phó vệ uý mỗi tháng tiền 4 quan, gạo 3 phương; Quản cơ, Phó quản cơ tiền 3 quan, gạo 2 phương; Cai đội, Chánh đội trưởng, Thí sai, Quản cơ, Phó quản cơ tiền 2 quan, gạo 1 phương 15 uyển; Đội trưởng, Thí sai, Chánh đội trưởng, Suất đội đều 1 quan 5 tiền, 1 phương gạo; Đội trưởng có cấp bằng, sung Suất đội đều tiền 1 quan, gạo 1 phương [ 20 , tr.763].

Đối với binh lính, định mức lương đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành không được ban hành thành định lệ. Tuy nhiên, qua những tư liệu được phản ánh trong Châu bản và các nguồn thư tịch, có thể thấy lương của binh lính Trấn Tây Thành cũng bao gồm tiền và gạo tương tự như quân đi làm nhiệm vụ ở các địa phương khác. Việc ban cấp của triều đình cho binh lính Trấn Tây Thành cụ thể được thực hiện với 3 đối tượng: binh lính đồn thú (binh lính đóng quân ở đây), binh lính ở các tỉnh sai phái (điều động) đến Trấn Tây khi có chiến sự và các thuộc binh (canh gác hầu hạ tại các cơ quan, phủ đệ) với định mức khác nhau tùy theo ngạch binh.

Đối với binh lính đồn thú, bản tấu của Trấn Tây Thành tới bộ Hộ ngày 27 tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) trình bày về việc chi tiền cho quan lính đang làm nhiệm vụ ở đây, nêu rõ: “Số thân biền lại địch binh đinh cùng mọi người các hạng tại hạt gồm hơn 14.600 viên danh. Mỗi tháng phải chi tiền lương, gạo mỗi loại là 14.600 quan, phương” 22 . Định mức lương của binh lính đang làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành tương đương với mức lương trung bình của binh lính dưới triều Nguyễn, mỗi người lính hàng tháng được nhận 1 quan tiền, 1 phương gạo.

Với binh lính ở các tỉnh đi sai phái đến Trấn Tây Thành, mức lương cũng được nhận bằng với mức lương của binh lính đồn thú. Bản tấu của tỉnh Quảng Trị ngày 17 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) có nhắc đến trường hợp “năm Minh Mạng thứ 19 nguyên có các tên Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hiến, Võ Văn Thuyên về tỉnh sai phái đều được cấp hàng tháng tiền 1 quan, gạo 1 phương. Nay bọn Trần Văn Hòa cũng xin cấp lương ăn như vậy để đủ chi dùng. Bộ thần xét thấy các tên về tỉnh sai phái việc cấp tiền, gạo hàng tháng vẫn chưa định thành lệ. Vâng kiểm tra thấy bọn Nguyễn Văn Huyên năm trước về tỉnh Quảng Trị chịu sai phái và bọn Nguyễn Văn Tuấn gồm 52 tên năm nay được phái giao đến Trấn Tây Thành sai phái đều được cấp mỗi tháng 1 quan tiền và 1 phương gạo” 23 .

Bên cạnh đó, định mức lương tiền của thuộc binh được ban cấp thấp hơn các ngạch binh khác. Căn cứ tấu trình về việc chi cấp tiền, gạo, muối cho các thuộc binh được ghi trong tờ 234 tập 13, Châu bản triều Nguyễn năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) nêu rõ: “Toàn bộ các tên thân biền binh dịch và các tên thủ hạ chiêu mộ trước đây tại hạt trong tập tâu trừ các tên Bùi Công Huyên, Trần Hiển Doãn đã biệt phái ra, hiện còn lại bao nhiêu cho gộp thành đội ngũ do hạt đó tùy việc sai phái. Nhưng chuẩn cho cấp hàng tháng tiền 5 mạch, gạo 1 phương để đủ chi dùng” 24 .

Ngoài lương, binh lính đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành còn được nhận phụ cấp khi đi đường, ban cấp thêm quân phục hoặc thuốc men ở nơi đóng quân. Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), triều Nguyễn chi cấp lương đi đường cho binh lính. Binh lính đi làm nhiệm vụ ở vùng xa xôi trong đó có binh lính Trấn Tây Thành nhận được chế độ ưu cấp đặc biệt. Cơ sở của việc ban cấp này là dựa trên quãng đường phải di chuyển. Theo đó, từ Bình Thuận đến Biên Hoà được tính là 7 ngày; từ Biên Hoà đến Gia Định 1 ngày; từ Gia Định đến Định Tường 2 ngày; từ Định Tường đến Vĩnh Long 1 ngày; từ Vĩnh Long đến An Giang 3 ngày; từ An Giang đến Hà Tiên 2 ngày; từ An Giang đến Trấn Tây Thành 4 ngày [ 8 , tr.1075].

Một số trường hợp điều động gấp, binh lính sẽ được triều đình cấp tiền gạo cao hơn định mức lương thông thường. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), 2 cơ lính ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và 4 vệ ở Bình Định điều động đến Trấn Tây Thành được triều đình ban cấp mỗi người 2 tháng lương gạo, tiền [ 20 , tr.810]. Tuy nhiên, việc ban cấp này chỉ áo dụng đối với các trường hợp cụ thể, không ban hành thành định lệ áp dụng cho tất cả quân đội đi làm nhiệm vụ cấp bách ở Trấn Tây.

Đối với quân phục, tướng sĩ được cấp phát quần áo hoặc nhận vải về may. Châu bản ngày 15 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) cho biết về việc nhà nước ban cấp quần áo và vải cho võ quan là 5 quản vệ đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành như sau: “Lần này phái năm vệ quân kinh đô ra Trấn Tây đánh dẹp. Năm viên Quản vệ trừ người đã được cấp áo rét ngoài ra cấp thêm cho mỗi viên khố lụa nam hoa hồng, hoa sen mỗi loại một cái. 50 viên Suất đội cho thưởng loại áo vải hai lớp màu lam mỗi người một cái, khố lụa nam màu cánh kiến, hoa sen mỗi người một cái” 25 .

Với binh lính, triều Nguyễn ban cấp vải để may quần áo. Nội dung này được nêu lên trong bản phúc trình ngày 10 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) của bộ Hộ: “Trấn Tây dâng sách trình bày việc đã cho vải Vũ đoạn để may áo lính xin được thanh toán. Bộ thần đã tư cho phủ Nội vụ và sức cho thuộc ty xem xét, các khoản yêu cầu đều phù hợp. Cung nghĩ phụng chỉ: Vũ đoạn các màu đã chi trong sách đều chuẩn cho thanh toán” 26 .

Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), binh lính Trấn Tây Thành đi làm nhiệm vụ lâu ngày được triều đình cấp phát thêm quân phục, trong đó, binh lính 2 vệ Định Dũng và Tráng Uy được triều đình cấp thêm quần áo. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), binh lính Nam Kỳ được triều đình cấp quân phục, trong đó Trấn Tây Thành và An Giang được ưu tiên may trước [ 8 , tr.820].

Mùa hè, do khí hậu nắng nóng nên binh lính được triều đình cấp phát thêm thuốc men phòng chữa cảm nhiễm. Số lượng cấp phát được ưu tiên nhiều hơn các địa phương khác được cấp cùng đợt như Hà Tiên và Bình Thuận [ 8 , tr.639].

Đặc biệt, vua Thiệu trị còn ban tiền trợ cấp cho võ quan phạm tội bị sai phái đi Trấn Tây Thành. Theo bản phụng Thượng dụ của Nội các đại thần Lâm Duy Nghĩa, võ quan Nguyễn Văn Tuấn và 52 võ quan khác đều được cấp mỗi viên 3 quan tiền làm lộ phí đi đường đến quân thứ Trấn Tây Thành. Khi đến hạt, mỗi viên võ quan được cấp cho mỗi tháng 1 quan tiền và 1 phương gạo để chi dùng 27 .

Ban thưởng

Ngoài lương, trợ cấp khi đi làm việc, võ quan và binh lính làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành còn được triều đình ban cấp bổng lộc. Việc ban thưởng này được thực hiện theo hai hình thức, ban thưởng theo đinh lệ hoặc thưởng theo công việc. Đối với võ quan, tư liệu Châu bản tờ 24 tập 87 ngày 9 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) cho biết “từ Tổng đốc cho tới các viên thân biền ngũ phẩm bất kể ở quân thứ Trấn Tây Thành hay phái đến hạt khác phòng giữ, truyền bắt đầu từ đầu tháng 7 tất cả đều chiếu theo phẩm để cấp bổng” 28 . Về định mức bổng cụ thể của võ quan, tuy chưa được nhắc đến cụ thể nhưng tư liệu trên cho thấy từ tháng 7 năm 1835, vua Minh Mệnh đã đặt định lệ ban cấp bổng cho võ quan từ ngũ phẩm trở lên đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành.

Hình thức ban thưởng ưu hậu nhất của triều đình đối với quan binh Trấn Tây Thành là thưởng công sau khi ra trận thắng lợi. Quân lính được thưởng tiền chung, võ quan không chỉ được thưởng tiền bạc mà còn thăng thụ phẩm hàm. Sách Đại Nam thực lục ghi: Tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) thưởng cho Quản vệ Đoàn Văn Sách 1 đồng kim tiền Phi long hạng to, 1 cái nhẫn vàng, gia quân công 1 cấp; Nguyễn Công Nhàn 1 đồng kim tiền Phi long hạng nhỏ, 1 cái nhẫn vàng, gia quân công 1 cấp... Biền binh đi chuyến ấy thưởng chung cho 2000 quan [ 20 , tr.839].

Ngoài ra, đối với từng trường hợp, võ quan hay binh lính ở kinh được sai phái đi đến Trấn Tây Thành làm nhiệm vụ còn được triều đình ban thưởng với những định mức khác nhau tùy theo phẩm hàm hoặc nhiệm vụ. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), theo bản phụng Thượng dụ của đại thần Trương Đăng Quế, triều đình đã ban thưởng cho các võ quan và binh lính đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây. Do đường đi tương đối xa nên triều đình đã lượng xét cấp tiền cho những đối tượng này dùng làm lộ phí “Trong đó thí thự Phó Quản cơ đợi bổ 3 người thưởng cho mỗi người 5 quan. Bốn viên Cai đội thưởng tiền cho mỗi tên 3 quan tiền. Đội trưởng danh sách hoa 128 tên thưởng cho mỗi tên 2 quan tiền những viên bị giáng cấp điều đi cùng đội trưởng cấp bằng Đội trưởng ngoại uỷ và binh lính 100 tên thưởng cho mỗi tên 1 quan tiền để tỏ sự thông cảm” 13 . Một tư liệu khác trong Châu bản cũng cho biết: biền binh các vệ doanh Kỳ Vũ đi hai thuyền Thanh Hải, Định Tường đến Trấn Tây Thành đánh dẹp, trong thời gian hành quân có biền binh đào ngũ rồi đầu thú đã được triều đình miễn phạt và thưởng cho một tháng lương bằng tiền,... Ngoài ra, tất cả các biền binh đi trên 2 thuyền đó được thưởng chung 70 quan tiền 14 .

Bên cạnh thưởng tiền, binh lính còn được ban thưởng quân trang, quần áo. Châu bản tờ 262 tập 78 ngày 8 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) nhắc tới trường hợp của binh lính 3 vệ là Hổ Uy hữu, Tiền Bảo nhị, Hữu Bảo nhất được phân phái đi Trấn Tây tiễu phỉ “chiếu theo lệ định chức quản vệ biền binh đều được thưởng một áo mở giữa trong lót vải sắc trắng và một quần bằng vải lụa hoa hồng... đều do phủ Nội vụ chi ra may cấp phát” 15 . Đặc biệt, Châu bản còn ghi lại việc triều đình ban thưởng cho võ quan ở Kinh tình nguyện đi Trấn Tây Thành làm nhiệm vụ. Theo tờ phụng Thượng dụ của Nội các ngày 18 tháng 9 năm Minh Mệnh 21 (1840), triều đình đã ban thưởng cho “Quản Cơ Phan Đức Chiếu 5 lạng bạc, tình nguyện đi đến quân thứ phát huy tác dụng là cai đội Gia Phó quản cơ vệ Vũ Lũ, Nguyễn Tường, Trần Toàn gồm 3 người hãy thưởng mỗi người 3 lạng... để dùng làm lộ phí, bọn người đi lần này phải nên như thế nào để tăng thêm phấn chấn sớm giết giặc lập công để đón lấy hậu thưởng” 29 .

Tướng sĩ đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành triều đình còn được đặc cách gia ơn thưởng quần áo cùng với tướng sĩ đi làm nhiệm vụ lâu ngày ở Nam Kỳ. Lãnh binh mỗi người 4 áo, 3 quần. Vệ uý, thự Vệ uý, thực thụ Phó vệ uý thuộc Kinh binh mỗi người 3 áo, 3 quần. Thự Phó vệ uý và quyền sung, quyền sai, thí sai, quyền nhiếp quản vệ thuộc Kinh binh và Chánh, Phó quản vệ các tỉnh, mỗi người 3 áo, 2 quần. Thự Quản vệ quyền sung, quyền sai, thí sai, quyền nhiếp quản cơ các tỉnh mỗi người 3 áo, 1 quần. Suất đội, phó suất đội và quyền sung, quyền sai, ngoại uỷ, quyền nhiếp suất đội [các tỉnh] mỗi người 2 áo, 1 quần [ 8 , tr.622].

Ngoài ra, võ tướng có công còn được triều đình ban thưởng bằng hình thức thăng thụ phẩm hàm. Châu bản tờ 139 tập 73 ngày 10 tháng 11 năm Minh Mệnh 19 (1838) ghi chép về việc triều Nguyễn thưởng cho biền binh cơ An Man thuộc Trấn Tây Thành: Cai đội cơ An Man cho làm Quản cơ ... Tất cả là 22 binh lính đều thưởng cho làm Đội trưởng các cơ đội 30 .

Về ban thưởng cho binh lính, Minh Mệnh năm thứ 18 (1837) triều Nguyễn đặt định lệ thưởng cho cho binh lính ở Kinh đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết: lính nửa vệ Hữu và tả bảo dinh Long vũ sung đi lính thú Trấn Tây Thành được thưởng bổng tiền 2 tháng (lính các vệ khác đi làm nhiệm vụ ở vùng từ Nghệ An trở ra Bắc thưởng 1 tháng lương tiền, đi làm nhiệm vụ ở Gia Định, An Giang được thưởng 1 tháng rưỡi tiền lương) [ 31 , tr.488]. Tư liệu Châu bản cũng cho biết năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), triều đình đã cấp 1080 quan tiền, 50 phương gạo phát thưởng cho binh lính Quảng Nam đến Trấn Tây 19 . Cùng với đó, tư liệu Đại Nam thực lục cũng ghi lại việc các vệ quân ở Kinh đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành, đường sá xa xôi được thưởng tiền nhiều hơn đi đóng quân ở các địa phương khác ở Nam kỳ. Quân ở Trấn Tây Thành thưởng 2 tháng lương (quân làm nhiệm vụ ở Gia Định, An Giang được thưởng một tháng rưỡi) [ 20 , tr.6].

Đối với binh lính tham gia chiến trận, triều đình khuyến khích họ lập công bằng hình thức treo thưởng, khi trở về được thăng thụ phẩm hàm. Ngày 17 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), triều đình ban lệ treo thưởng về việc bắt thổ phỉ. Trong đó quy định: “Nếu bắt được 2 tên phạm thứ yếu là Ôn và Trật, thì cứ mỗi tên cấp cho 1 thẻ bạc thưởng công 6 đồng tiền Phi Long bằng bạc loại lớn... Lại tâu xin thưởng cho chức đội trưởng” 32 .

Trợ cấp đối với tướng sĩ bị bệnh, trận thương, trận vong

Đối với võ quan và binh lính trong thời gian làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành không may bị bệnh hoặc tham gia chiến trận bị thương vong, triều đình cũng có nhiều biện pháp trợ cấp kịp thời. Những trường hợp võ quan bị ốm được triều đình cho nghỉ ngơi chữa bệnh. Tờ tấu của Bộ Lại ngày 26 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) ghi lại việc võ quan Lê Văn Du mới điều bổ về Trấn Tây Thành nhưng trên đường đến nhậm chức bị sốt rét. Tuy võ quan đó đã về đến thành nhưng bệnh tình rất trầm trọng, khó mà làm việc được, nên “Quan phòng đạo ấy xin do bề tôi đạo Lương Trữ là Lê Văn Đạt kiêm nhiệm đợi cho viên quan ấy khỏi bệnh lập tức tiếp nhận việc để làm” 33 . Binh lính ở kinh và binh lính ở các tỉnh đến Trấn Tây Thành đánh dẹp thổ phỉ lâu ngày còn được triều đình ban cấp thuốc men để phòng bệnh. Châu bản tờ 204 quyển số 7 ngày 23 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) chép: “Nhân nghĩ quan binh đánh dẹp nơi biên ải đã lâu ngày, dãi dầu mưa nắng nên không tránh khỏi bị bệnh, thật đáng thương. Nay truyền cho tỉnh Gia Định lập tức mua 30 đơn thuốc, điều phái thuyền chở giao cho tỉnh An Giang 10 đơn, còn 20 đơn giao cho Trấn Tây lưu trữ, phàm quan quân của các đạo có người bị bệnh thì do các hạt đó chi xuất thuốc, điều phái thày thuốc đến chữa trị ngay, sao cho tất cả đều khỏi bệnh 34 .

Đặc biệt, trường hợp Tướng quân Trấn Tây Trương Thành Minh Giảng ốm, triều đình không chỉ ban cấp thuốc men mà còn yêu cầu quan sở tại tâu trình về tiến triển của bệnh tật.

Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), vì thuỷ thổ lam chướng, lính Trấn Tây Thành nhiều người đau ốm, triều đình lập tức sai phái thuốc men ở kho Nội phủ mang đến để điều trị [ 8 , tr.1043].

Đối với binh lính thiệt mạng ở Trấn Tây Thành (bao gồm cả chết khi đồn trú và trận vong) triều đình cấp tiền cho đưa về quê chôn cất và tổ chức tế lễ. Chế độ chi cấp đối với binh lính trận vong không được ban hành thành định lệ. Tuy nhiên, dựa vào bản tấu của Bộ Hộ trong tờ 62 tập 77 ngày 5 tháng 6 năm Minh Mệnh 21 (1840) về việc chi tiêu tiền gạo cho 5 hoạt động của Trấn Tây Thành trong 5 năm từ năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), triều đình đã “chi quá 5049 quan 7 mạch tiền 167 phương gạo” 35 . Trong 5 hoạt động này, có một khoản chi liên quan đến chế độ đối với binh lính trận vong được ghi trong bản tấu là việc trợ cấp cho các biền binh trận vong đem về quê chôn cất. Ngoài ra, binh lính trận vong còn được triều đình tổ chức tế lễ. Bản phụng Thượng dụ tờ số 181 tập 7 của đại thần Phan Huy Thực ngày 19 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) ghi rõ các tướng sĩ, binh lính tử trận tại Trấn Tây Thành cùng với quan quân tử trận ở các địa phương như An Giang, Hà Tiên, Gia Định và Định Tường được Hữu ty của Bộ Hộ “lập 1 đàn ở Ngoài thành quách trước kinh thành, bầy bài vị của các tướng sĩ trận vong, đề rõ họ tên, chức hàm, bên dưới bày bài vị của các binh dũng tử trận, và chuẩn bị lễ tam sinh cỗ bàn, cùng nhiều quần áo giấy, vàng bạc giấy, chọn ngày tốt, phái 1 viên đường quan bộ Binh đến ban tế một lần” 36 . Đặc biệt, đến năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), mặc dù đã bỏ sự bảo hộ ở Trấn Tây Thành nhưng triều đình vẫn thực hiện việc truy tặng cấp tuất và giao cho gia đình lĩnh nhận đối với một số võ quan chết bệnh khi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây là Phạm Văn Điển, Nguyễn Văn Sách và Đinh Văn Huy 37 .

KẾT LUẬN

Qua khảo cứu các tư liệu Châu bản sưu tầm được về chế độ đãi ngộ cho binh lính làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành, tác giả rút ra một số nhận xét sau:

Một là , Trấn Tây Thành là một đơn vị hành chính mới được lập ra cùng với quá trình bảo hộ của triều Nguyễn ở Chân Lạp. Đây là vùng đất có vai trò đặc biệt quan trọng khẳng định vị thế của triều Nguyễn đối các nước trong khu vực nhất là với Xiêm. Nửa đầu thế kỷ XIX, Đại Nam và Xiêm là hai nước có ảnh hưởng lớn tới các nước trong khu vực. Không chỉ triều Nguyễn mà Xiêm cũng âm mưu bảo hộ Chân Lạp. Do vậy, giữ vững vùng đất này không chỉ giúp triều Nguyễn thể hiện vai trò đối với các nước lân bang, làm thế đối trọng với quân Xiêm mà còn giúp chống lại âm mưu xâm lược của quân Xiêm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Tuy nhiên, việc cai trị vùng đất này thực sự là thử thách đối với vương triều Nguyễn. Đây là vùng đất nằm ở vị trí khá xa so với kinh thành Huế. Hơn nữa, trong suốt quá trình cai trị, không chỉ chống lại mưu đồ bành tướng của quân Xiêm mà triều Nguyễn còn phải liên tục chống lại sự nổi dậy của nhân dân bản địa. Để ổn định tình hình, triều Nguyễn đã phải duy trì ở đây một lực lượng quân đội đông đảo. Trong đó, đãi ngộ dành cho binh lính là chính sách quan trọng nhất nhằm xây dựng một lực lượng quân đội trung thành, vững mạnh.

Hai là, chế độ đãi ngộ cho tướng sĩ đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây bao gồm lương ban cấp hàng tháng, phụ cấp khi đi làm việc, chế độ ban thưởng khi tham gia chiến trận và hoàn thành nhiệm vụ, trợ cấp cho binh lính ốm đau, trận thương trận vong. Việc ban cấp thường thực hiện dưới hai hình thức: ban cấp định kì theo quy định đã ban hành hoặc ban cấp đột xuất tùy theo hoàn cảnh và công việc. Chế độ ban cấp thường xuyên bằng lương của triều đình dành cho binh lính làm nhiệm vụ ở Trấn Tây nằm trong chế độ chung đối với binh lính dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, đối với khan thưởng, phụ cấp và trợ cấp, võ quan và binh lính làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành nhận được chế độ ưu cấp cao hơn các địa phương khác. Đó là chế độ cho binh lính đi làm nhiệm vụ ở vùng xa, vùng khó khăn vất vả như chế độ cấp lương đi đường, cấp phát thêm quần áo vải vóc và thuốc men, ưu thưởng nhiều hơn hơn cho quân lính ở Trấn Tây. Việc ban cấp vừa dựa theo định lệ, vừa dựa trên những yếu tố đặc thù trong chế độ đãi ngộ của triều Nguyễn đối với binh lính Trấn Tây Thành, không chỉ đảm bảo sự thống nhất định mức trong quân đội mà còn động viên được tinh thần của binh lính khi tham gia chiến trận.

Ba là, không chỉ nhận được chế độ đãi ngộ mà binh lính không hoàn thành nhiệm vụ cũng bị xử phạt nghiêm khắc kể cả những võ quan có chức hàm cao, lập nhiều công trạng đối với triều Nguyễn như Dương Văn Phong, Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Trứ. Theo Bản phụng Thượng thượng dụ của Nội các ngày 26 tháng 10 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841): Án sát sứ tỉnh An Giang là Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ truyền chiếu theo chức hàm hiện tại giáng 3 cấp lưu nhiệm. Doãn Uẩn truyền miễn nghị. Bọn Nguyễn Công Nhàn gồm 2 viên đều giáng 2 cấp lưu nhiệm” 38 . Điều này thể hiện sự nghiêm minh của những chính sách của triều đình đối với binh lính khi đi làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số T2023-08.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Nội dung bài viết là kết quả nghiên cứu của tác giả về những chính sách của triều Nguyễn đối với binh lính làm nhiệm vụ ở Trấn Tây Thành. Vấn đề này không chỉ giúp hiểu hơn về chính sách của triều Nguyễn đối với quân đội còn mà thông qua đó hiểu hơn tình hình chính trị nước ta đầu thế kỷ XIX. Việc sử dụng nguồn tài liệu Châu bản cùng với các tài liệu thư tịch khác đã làm rõ hơn vấn đề nghiên cứu.

References

  1. Võ Hương An. Từ điển nhà Nguyễn. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp; 2021. . ;:. Google Scholar
  2. Hoàng Lương. Định lệ chi cấp binh lương dưới triều Minh Mệnh (1820-1840). Tạp chí Lịch sử quân sự 2017 (308):35-41. . ;:. Google Scholar
  3. Hà Duy Biển. Định mức lương bổng của quan lại Bộ Binh dưới triều Minh Mệnh (1820-1840). Tạp chí Lịch sử quân sự 2015 (278):51-56. . ;:. Google Scholar
  4. Hà Duy Biển. Cách thức tính toán và chi cấp lương bổng đối với quan lại bộ Binh triều Minh Mệnh (1820 - 1840) Tạp chí Lịch sử quân sự 2016 (291):46-53. . ;:. Google Scholar
  5. Nhiều tác giả. Những vấn đề về triều đại cuối cùng ở Việt Nam. Huế: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Tạp chí Xưa & Nay; 2022: 201-203. . ;:. Google Scholar
  6. Lê Quang Chắn. Chính sách xã hội triều Nguyễn giai đoạn 1802-1884 [Luận án Tiến sĩ Lịch sử]. Hà Nội: Học viện khoa học xã hội, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; 2015. . ;:. Google Scholar
  7. Đỗ Kim Trường. Về việc thành lập và một số hoạt động buổi đầu của triều Nguyễn ở Trấn Tây Thành. Sugia.vn [serial online] 2021 Dec [2021 Dec 19]; [7]. . ;:. Google Scholar
  8. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục; 2004. Tập IV. . ;:. Google Scholar
  9. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 320 tập 57, ngày 17 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  10. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 91 tập 68, ngày 19 tháng 4 (nhuận) năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  11. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 94 tập 5, ngày 6 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  12. Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa; 2005. Tập; V. . ;:. Google Scholar
  13. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 74 tập 77, ngày 6 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  14. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 238 tập 78, ngày 4 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  15. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 262 tập 78, ngày 8 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  16. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 179 tập 62, ngày 28 tháng 1 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  17. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 30 tập 63, ngày 30 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  18. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 78 tập 79, ngày 21 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  19. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 330 tập 79, ngày 3 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  20. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục; 2004. Tập; V. . ;:. Google Scholar
  21. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục; 2004. Tập; I. . ;:. Google Scholar
  22. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 297 tập 13, ngày 27 tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  23. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 143 tập 13, ngày 17 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  24. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 234 tập 13, ngày 16 tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), bản lưu tại Trung tâm Lựu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  25. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 48 tập 79, ngày15 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ nhất (1840), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  26. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 153 tập 73, ngày 10 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  27. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 123 tập 7, ngày 7 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  28. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 24 tập 87, ngày 9 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  29. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 288 tập 78, ngày 18 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  30. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 139 tập 73, ngày 10 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  31. Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa; 2005. Tập; III. . ;:. Google Scholar
  32. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 189 tập 68, ngày 17 tháng 6 năm Minh Mệnh 19 (1838), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  33. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 177 tập 58, ngày 26 tháng 7 năm Minh Mệnh 18 (1837), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  34. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 204 tập 7, ngày 23 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  35. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 62 tập 77, ngày 5 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  36. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 181 tập 7, ngày 19 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  37. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 172 tập 21, ngày 24 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar
  38. Châu bản triều Nguyễn (bản dịch), tờ 68 tập 10, ngày 26 tháng 10 năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), bản lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 4 (2023)
Page No.: 2196-2204
Published: Dec 31, 2023
Section: Commentaries
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.886

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Vu, N. (2023). Policies by Nguyen Dynasty towards military mandarins and soldiers stationed at Tran Tay Citadel based on its Royal records (1835-1841). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(4), 2196-2204. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i4.886

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 438 times
PDF   = 376 times
XML   = 0 times
Total   = 376 times