VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

498

Total

271

Share

Group presentation from the perspective of students majoring in foreign languages at the University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Organizing group presentations in class for students is a common teaching method used by many lecturers to assist students in absorbing knowledge in an active and exciting way, as well as to build important soft and professional skills. The purpose of this paper is to find out the current state of group presentations from the perspective of foreign language students at the University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City. The authors conducted a quantitative study on 264 students from the five Faculties of Foreign Languages of the University, developed a questionnaire, and collected data to gauge students' perspectives. According to the research findings, organizing group presentations is a teaching method that is regularly and widely employed during school hours. Students regard group presentations as useful and beneficial activities that provide practical benefits by assisting them in effectively absorbing courses, forming a positive learning attitude, and developing various soft and professional skills. Nevertheless, group presentations still have some shortcomings for students, including their low lesson receptivity level, much non-interest and deconcentration in group presentations.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ở môi trường đại học, tổ chức thuyết trình nhóm (TTN) là một trong những phương pháp dạy học được nhiều giảng viên (GV) triển khai trong giờ học trên lớp để giúp sinh viên (SV) tiếp thu kiến thức chủ động, hiệu quả hơn. TTN được xem là những trải nghiệm học tập quan trọng đối với SV vì đây là kỹ năng có ích, cần thiết cho các hoạt động học thuật ở trình độ cao hơn và là yêu cầu tại nơi làm việc sau này 1 . Thông qua TTN, SV không những có thể học tập một cách tích cực, thú vị hơn mà còn có thể phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp. Živković cho rằng thuyết trình là một kỹ năng nghề nghiệp quan trọng mà SV mới tốt nghiệp cần phải có bên cạnh những kiến thức hàn lâm trong tình hình kinh tế đầy thách thức 2 . TTN càng có ý nghĩa đối với SV nhóm ngành ngoại ngữ vì theo King, thuyết trình là một hoạt động giao tiếp hiệu quả được các GV áp dụng rộng rãi nhằm nâng cao kỹ năng nói một cách thành thạo 3 . Khi TTN, SV có thể thực hành đồng thời các kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng trình bày vấn đề trước đám đông. Nunan cũng lập luận rằng thành công trong việc học một ngôn ngữ được đo bằng khả năng thực hiện một cuộc hội thoại bằng ngôn ngữ mục tiêu đó 4 .

Thuyết trình là trình bày một cách hệ thống và sáng rõ một vấn đề trước đông người 5 , là hoạt động được thiết kế để SV nói lên những ý tưởng, những điều đã chuẩn bị mà không có sự trợ giúp trực tiếp từ GV 6 . TTN là hoạt động truyền đạt thông tin, chia sẻ nội dung của một nhóm SV nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể nào đó. TTN cho phép mỗi thành viên trong nhóm có cơ hội thể hiện và truyền tải ý tưởng của mình, tạo ra sự tương tác và trao đổi thông tin giữa các thành viên. Trong các lớp học ngoại ngữ nói riêng, TTN còn rèn luyện cho SV kỹ năng thực hành ngôn ngữ. Có thể thấy rằng trong các giờ học có hoạt động TTN, thời gian nói của GV sẽ giảm xuống và SV sẽ là người làm chủ giờ học, vai trò của GV sẽ thay đổi theo từng giai đoạn TTN của SV 7 . Điều này cũng phù hợp với quan điểm dạy học “lấy người học làm trung tâm” đang được Thủ tướng Chính phủ khuyến khích thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều GV cũng tin tưởng rằng học tập thông qua việc thuyết trình giúp cho SV học được nhiều hơn và nhớ lâu hơn so với các hình thức dạy học khác 8 . Ngày càng có nhiều GV tổ chức hoạt động TTN cho SV trong giờ học, và có thể nói TTN là một phần không thể thiếu trong các trải nghiệm ở môi trường đại học của nhiều SV 9 .

Tuy nhiên, từ góc nhìn của SV, hoạt động TTN có hiệu quả như thế nào, SV có những khó khăn, hạn chế gì khi tham gia hoạt động TTN? SV có thể tiếp thu được trọn vẹn kiến thức trong các giờ học sử dụng TTN hay không? SV có thật sự cảm thấy hứng thú, tích cực, có phát triển được các kỹ năng khi tham gia hoạt động TTN hay không? Ngoài ra, SV của nhóm ngành ngoại ngữ có gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp nhận thông tin vì ngôn ngữ được sử dụng khi TTN không phải là tiếng mẹ đẻ của họ hay không? Nhóm tác giả đặt giả thuyết hoạt động TTN vẫn có một số tồn tại nhất định đối với SV, kết quả thực tế mà SV nhận được sau những giờ học có hoạt động TTN không được như GV mong đợi. Bài báo này nhằm tìm hiểu hiệu quả thực sự của hoạt động TTN từ góc nhìn của sinh viên nhóm ngành ngoại ngữ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM). Bài báo đặt ra các câu hỏi nghiên cứu như sau:

1. Thực trạng của việc tổ chức hoạt động TTN trong học tập cho SV nhóm ngành ngoại ngữ ở Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là thế nào?

2. Quan điểm của SV nhóm ngành ngoại ngữ về hiệu quả hoạt động TTN là gì? Những tồn tại nào đang có khi SV tham gia hoạt động TTN?

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để giải quyết các câu hỏi nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng chủ yếu phương pháp nghiên cứu định lượng. Một cuộc khảo sát đã được thực hiện vào tháng 03/2023 trên 264 sinh viên ở 05 Khoa ngoại ngữ thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là Khoa Ngữ văn Anh, Ngữ văn Nga, Ngữ văn Pháp, Ngữ văn Trung Quốc và Hàn Quốc học nhằm tìm hiểu thực trạng của việc tổ chức TTN cho SV và quan điểm của SV về hiệu quả của hoạt động TTN. Phương pháp chọn mẫu được thực hiện khi khảo sát là chọn mẫu phi xác suất, dựa trên khả năng mà nhóm tác giả tiếp cận và liên hệ được với đối tượng khảo sát.

Nhóm tác giả xây dựng bảng hỏi, thu thập dữ liệu để quan sát, đo lường các biến số liên quan đến các kiến thức, kỹ năng và thái độ SV thu nhận được khi tham gia hoạt động TTN. Dữ liệu trả lời bảng hỏi và kết quả khảo sát được phân tích định lượng bằng phần mềm SPSS. Cụ thể, bảng hỏi dành cho SV bao gồm hai phần: phần 1 gồm các câu hỏi về thông tin cá nhân của người tham gia khảo sát và câu hỏi chung liên quan đến tần suất TTN, tỷ lệ môn học có yêu cầu TTN và các nhận định ban đầu về hoạt động TTN của SV trong học tập; phần 2 gồm 18 câu hỏi, nhận định chia thành 03 nhóm yếu tố liên quan đến kiến thức, kỹ năng và thái độ của SV khi tham gia hoạt động TTN. Các câu hỏi, nhận định trong phần 2 được đo bằng Thang đo Likert 5 mức độ, trong đó 1 tương ứng với “rất thấp” và 5 là “rất cao”.

Sau khi kết quả của bảng hỏi được phân tích bằng SPSS, nhóm tác giả thấy Cronbach's α của cả 03 nhóm yếu tố đều đạt mức trên 0.7, nghĩa là tính đồng nhất của các câu hỏi trong bảng hỏi đều tốt, khảo sát và thang đo có độ tin cậy cao (xem Table 1 ). Xem xét đến hệ số tương quan biến cho từng câu hỏi, kết quả cho thấy hầu hết các câu hỏi đã đạt yêu cầu (có hệ số tương quan biến trên 0.3), trừ câu hỏi 4 (“Mức độ tiếp thu nội dung bài học của SV trong giờ học truyền thống, không có thuyết trình nhóm”) ở Phần A. Vì vậy, số lượng biến quan sát còn lại trong khảo sát là 17 biến.

Table 1 Độ tin cậy của thang đo

[nguồn: Nhóm tác giả]

Về nhân khẩu học, trong số 264 SV trả lời đầy đủ và hợp lệ thì SV nữ chiếm đa số với tỷ lệ là 85,6% và SV nam là 14,4%. Khoa Ngữ văn Anh có số lượng SV tham gia khảo sát đông nhất, với 73 SV chiếm tỷ lệ 27,7%, kế đến là Khoa Ngữ văn Nga với 70 SV chiếm tỷ lệ 26,5%. Số lượng SV thuộc các Khoa Ngữ văn Pháp, Ngữ văn Trung Quốc và Hàn Quốc học tương đối đồng đều nhau. Phần lớn SV tham gia khảo sát là SV năm tư (chiếm tỷ lệ 46,2%), tỷ lệ SV năm hai và năm ba lần lượt là 34,5% và 19,3%. Hầu hết các SV tham gia khảo sát đều là SV hệ đào tạo chính quy với tỷ lệ là 97,7%, SV hệ đào tạo chính quy chất lượng cao chỉ chiếm tỷ lệ 2,3%.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Hiện nay, tại các trường đại học nói chung và Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM nói riêng, có nhiều GV áp dụng TTN trong việc giảng dạy và tổ chức lớp học. Kết quả khảo sát của nhóm tác giả cho thấy gần như tất cả SV đều đã từng tham gia hoạt động TTN trên lớp học, chỉ có khác biệt về tần suất tham gia. Số lượng SV “thường xuyên tham gia” TTN là cao nhất (chiếm tỷ lệ 63,6%), kế đến là “thỉnh thoảng tham gia” (chiếm tỷ lệ 28,8%) (xem Table 2 ). Có 124 SV tham gia khảo sát (chiếm 47%) cho rằng họ dành “nhiều thời gian”, 78 SV (chiếm 29,5%) cho rằng họ dành “rất nhiều thời gian” để chuẩn bị cho bài TTN. Điều này chứng tỏ đa số SV quan tâm đến bài TTN của họ, dành thời gian và công sức chuẩn bị bài, tìm cách đáp ứng các yêu cầu của GV và có mong muốn đạt kết quả cao.

Table 2 Thống kê tần suất SV tham gia TTN

[nguồn: Nhóm tác giả]

Đa số các SV cho biết tỷ lệ số môn học có hoạt động TTN trong tổng số môn học mà họ đăng ký ở hai học kỳ gần nhất là nằm ở mức “nhiều” (50%-75% môn học), với tỷ lệ chiếm đến 43,2%. Kế đến là mức “bình thường” (25%-50% môn học) chiếm tỷ lệ 26,5% và mức “rất nhiều” (75%-100% môn học) chiếm tỷ lệ là 25,8% (xem Table 3 ). Kết quả rõ ràng cho thấy TTN là một phương pháp dạy học được các GV sử dụng thường xuyên, rộng rãi trong các giờ học ở các Khoa ngoại ngữ Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Table 3 Thống kê tỷ lệ số môn học có TTN trong tổng số môn học SV đã đăng ký trong 02 học kỳ gần nhất

[nguồn: Nhóm tác giả]

Nhóm tác giả cũng tìm hiểu suy nghĩ, nhận định chung của SV về hoạt động TTN. Kết quả khảo sát cho thấy đa số SV có nhận định tích cực về hoạt động TTN: 200 SV tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ 75,8%) cho rằng hoạt động TTN trong giờ học là “hiệu quả và cần thiết”, 26 SV (chiếm tỷ lệ 9,8%) cho rằng TTN “rất hiệu quả, rất cần thiết”. Chỉ có một bộ phận nhỏ, 36 SV (chiếm tỷ lệ 13,6%) cho rằng hoạt động TTN là “ít hiệu quả và không cần thiết” (xem Table 4 ).

Table 4 Thống kê nhận định chung của SV về hoạt động TTN

[nguồn: Nhóm tác giả]

Tiếp theo, nhóm tác giả khảo sát ý kiến của SV về việc tiếp thu kiến thức khi tham gia hoạt động TTN (xem Table 5 ). SV tham gia khảo sát cho rằng trong quá trình chuẩn bị cho bài TTN và khi trực tiếp tham gia TTN, họ có thể tiếp thu nội dung bài học ở mức tốt (TB=3,79 và TB=3,95). Tuy nhiên, SV đánh giá mức độ tiếp thu bài học của họ khi theo dõi bài thuyết trình của các nhóm khác chỉ ở mức trung bình (TB=2,70). Nhóm tác giả quan sát được có sự chênh lệch trong việc tiếp thu kiến thức của SV khi họ trực tiếp tham gia TTN và khi họ theo dõi bài TTN của các nhóm khác. SV cũng có một vài khó khăn nào đó khi theo dõi bài TTN được trình bày bằng ngoại ngữ: mức độ tiếp thu bài học của họ ở mức không tốt lắm (TB=3,16). Mức độ ghi nhớ nội dung bài học của SV sau giờ học có hoạt động TTN cũng không được cao (TB=3,14).

Table 5 Ý kiến của SV về kiến thức khi tham gia hoạt động TTN

[nguồn: Nhóm tác giả]

Xem xét nhóm yếu tố liên quan đến kỹ năng của SV khi tham gia hoạt động TTN, nhóm tác giả nhận thấy SV hầu hết có đánh giá ở mức tốt (với TB từ 3,82 đến 4,19) trong việc phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp (xem Table 6 ). Đặc biệt, kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin (TB=4,19) được SV đánh giá cao nhất. Điều này cho thấy TTN không chỉ là một hoạt động để SV trình bày kiến thức của bản thân, mà còn là cơ hội để SV rèn luyện và phát triển các kỹ năng quan trọng (như nói trước đám đông, tư duy phản biện, làm việc nhóm, phân công công việc, sắp xếp thời gian, sử dụng công nghệ thông tin v.v.), hỗ trợ cho việc học và công việc sau này.

Table 6 Ý kiến của SV về kỹ năng khi tham gia hoạt động TTN

[nguồn: Nhóm tác giả]

Cuối cùng, nhóm tác giả tìm hiểu nhóm yếu tố liên quan đến thái độ của SV khi tham gia hoạt động TTN (xem Table 7 ). Kết quả khảo sát cho thấy SV không thật sự thấy hứng thú lắm khi tham gia giờ học có TTN (TB=3,14), không như mục tiêu mà nhiều GV mong đợi khi lựa chọn hình thức dạy học này. Đáng chú ý, mức độ tập trung của SV trong giờ học có TTN cũng không cao, chỉ ở mức trung bình khá (TB=2,92). Sự tương tác và tính chủ động của SV trong học tập là một trong những ưu điểm lớn của hoạt động TTN, tuy nhiên, qua khảo sát này, SV cũng chỉ đánh giá ở mức tương đối tốt (TB là 3,34 và 3,46). Một bộ phận SV cũng cảm thấy TTN không thật sự phù hợp với đặc điểm tính cách của họ (TB=3,03). Ngoài ra, mức độ hài lòng của SV cũng chưa đạt mức cao (TB=3,21), chứng tỏ vẫn còn một số tồn tại nào đó trong giờ học ảnh hưởng đến họ.

Table 7 Ý kiến của SV về thái độ khi tham gia hoạt động TTN

[nguồn: Nhóm tác giả]

THẢO LUẬN

Kết quả khảo sát cho thấy SV nhóm ngành ngoại ngữ ở Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM nhìn nhận TTN là một hoạt động có hiệu quả và mang lại những lợi ích nhất định cho họ. SV có thể tiếp thu kiến thức tốt trong quá trình chuẩn bị cho bài TTN và khi họ trực tiếp tham gia TTN trên lớp. Thông qua TTN, SV có thể tự tìm hiểu và khái quát hóa nội dung bài học liên quan đến chủ đề mình thuyết trình. SV cần cố gắng ghi nhớ, sắp xếp ý nghĩ để có thể diễn đạt, trình bày trước lớp một cách mạch lạc. TTN giúp SV phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập và làm cho giờ học có sự tương tác nhiều hơn. Đặc biệt, thông qua TTN, SV cho rằng họ có thể phát triển tốt các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp, phục vụ cho công việc sau này. SV nhóm ngành ngoại ngữ cũng vận dụng được từ vựng, cấu trúc, ngữ pháp của ngoại ngữ đang học. Như Apple và Kikuchi nhận định, sử dụng phương pháp thuyết trình nhóm trong giờ học sẽ tạo cơ hội cho SV sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp với nhau một cách tự nhiên nhất 10 . Áp dụng TTN thật sự là một phương pháp dạy học tích cực, không thể phủ nhận các lợi ích thiết thực mà TTN mang đến cho SV.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của SV, hoạt động TTN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đầu tiên, SV còn gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức khi theo dõi bài TTN của các nhóm khác. Theo Siddons, một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này là: 1) bài TTN không được chuẩn bị, thiết kế tốt; 2) bài TTN không được các nhóm truyền tải rõ ràng; 3) bài TTN không tạo cảm hứng và lôi cuốn người nghe 11 . Thứ hai, với SV nhóm ngành ngoại ngữ, việc bài TTN được trình bày bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ cũng là trở ngại với họ khi tiếp thu bài học. Theo Junko và Neil, lý do có thể xuất phát từ phía các nhóm thuyết trình như giọng nói không rõ ràng, phát âm chưa chính xác, bài có lỗi ngữ pháp, bài nhiều thuật ngữ khó 12 . Thứ ba, SV cảm thấy không thật sự hứng thú, tập trung lắm khi tham gia giờ học có hoạt động TTN. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc có quá nhiều môn học yêu cầu SV phải thực hiện TTN, các bài TTN chồng chéo lên nhau 13 . Cuối cùng, nhiều SV cảm thấy TTN không thật sự phù hợp với đặc điểm tính cách của họ. Nghiên cứu của Nowreyah đã chứng minh rằng nhiều SV lo sợ khi nói trước đám đông, luôn luôn cảm thấy lo lắng trước khi thuyết trình và đôi khi cảm thấy xấu hổ trong khi thuyết trình 14 . Nếu các tồn tại này không được giải quyết kịp thời thì SV sẽ dễ có lỗ hổng kiến thức, tiếp thu nội dung bài học thiếu chính xác. TTN là một hoạt động lấy SV làm trung tâm, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của SV mà hiệu quả lại không cao thì thật đáng tiếc.

Mặt khác, có 25,8% SV tham gia khảo sát cho biết họ phải thuyết trình trên 75% tổng số môn học đã đăng ký ở hai học kỳ gần nhất, nghĩa là cứ 10 môn học thì có 7, 8 môn học SV phải thực hiện TTN. Có những môn học SV phải TTN gần như toàn bộ chương trình học, buổi học nào của môn học đó cũng có TTN, các nhóm thay phiên nhau làm việc. Hoạt động TTN nếu được áp dụng một cách hợp lý thì có thể thay đổi không khí học tập trong lớp, tạo sự hứng thú, chủ động cho SV trong học tập. Nhưng nếu TTN xuất hiện với tần suất dày đặc thì hoạt động này có thể phản tác dụng, gây nên sự chán nản với SV 13 . Khảo sát đã chỉ ra rằng mức độ hứng thú, tập trung của SV trong các giờ học có TTN không được cao lắm. Tình trạng không hứng thú, không tập trung theo dõi bài TTN của nhóm khác có thể dẫn đến việc SV bỏ lỡ những thông tin quan trọng của buổi học. Việc SV phải thực hiện TTN quá thường xuyên cũng có thể khiến các em SV bất mãn, hình thành suy nghĩ rằng GV gần như trao việc lại cho SV, GV chỉ đến lớp nghe, chấm điểm và giảng sơ lại. Những suy nghĩ này có thể tạo nên những tin đồn không tích cực trong cộng đồng SV và trên mạng xã hội, ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đào tạo của các Khoa nói riêng và Nhà trường nói chung.

Thiết nghĩ, các cấp quản lý như Bộ môn thuộc Khoa hay Ban Chủ nhiệm Khoa cũng nên có sự theo dõi phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức lớp học của các GV. Liệu nội dung của môn học đó, các chủ đề, vấn đề đó có phù hợp với trình độ SV để triển khai hoạt động TTN hay không? Liệu trong một môn học, số buổi học SV phải thực hiện TTN có đang quá nhiều hay không? Liệu SV của một khóa nào đó có đang có quá nhiều môn học phải thực hiện TTN hay không? Liệu các bài TTN của SV có bị chồng chéo lên nhau về thời gian hay không? Đành rằng việc tổ chức lớp học, lựa chọn hình thức dạy học thế nào là quyền của mỗi GV, nhưng nếu không xem xét đến cái tổng thể, đến lợi ích chung của SV thì có thể xuất hiện những hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Các GV cũng nên thỉnh thoảng cập nhật phương pháp giảng dạy, nâng cao nghiệp vụ sư phạm của mình. Hoạt động TTN đòi hỏi GV phải là người có khả năng tổ chức lớp học tốt, xây dựng kế hoạch buổi học, hướng dẫn các hoạt động cụ thể cho lớp khi một nhóm SV nào đó thuyết trình 15 . Khi có sự điều chỉnh ở một mức độ phù hợp từ các cấp quản lý cũng như từ các GV, chắc hẳn việc dạy và học sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, chất lượng đào tạo sẽ được cải tiến.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu đã cho thấy thực trạng của hoạt động TTN và hiệu quả của nó từ góc nhìn của SV nhóm ngành ngoại ngữ tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Kết quả nghiên cứu giúp các GV và các cấp quản lý hiểu được quan điểm của SV thế nào trước hình thức dạy học này, những vấn đề mà SV đang gặp phải, từ đó có thể đề ra những biện pháp cải tiến giúp quá trình dạy và học diễn ra hiệu quả hơn. Các SV cho biết TTN có hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt trong việc phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp phục vụ cho công việc tương lai. Trong quá trình chuẩn bị cho bài TTN và khi trực tiếp tham gia TTN trên lớp, SV có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn. Thông qua TTN, SV còn phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập và làm cho giờ học có sự tương tác nhiều hơn. Tuy nhiên, khi các GV tổ chức hoạt động TTN, bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn một số tồn tại đối với SV. SV thừa nhận rằng khi theo dõi bài thuyết trình của các nhóm khác thì mức độ tiếp thu bài của họ chưa được tốt lắm, và SV cảm thấy không thật sự hứng thú, tập trung lắm khi giờ học có hoạt động TTN. Vì vậy, có thể nói việc tổ chức TTN không nên là hình thức dạy học duy nhất của một môn học, GV cần biết kết hợp các phương pháp dạy học khác nhau để đảm bảo chất lượng đào tạo.

LỜI CẢM ƠN

Nhóm tác giả xin cảm ơn GV, SV của các Khoa Ngữ văn Anh, Ngữ văn Nga, Ngữ văn Pháp, Ngữ văn Trung Quốc và Hàn Quốc học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) đã hỗ trợ và tham gia trả lời khảo sát. Nhóm tác giả cũng cảm ơn Ban Biên tập và Quý Thầy Cô phản biện đã tham gia chỉnh sửa, góp ý, giúp chúng tôi hoàn thành bài báo.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

GV: giảng viên

SV: sinh viên

TTN: thuyết trình nhóm

TB: trung bình

ĐLC: độ lệch chuẩn

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Nhóm tác giả cùng thảo luận ý tưởng, sưu tầm tư liệu và thiết kế nghiên cứu.

- Tác giả Huỳnh Anh Khoa viết các phần: Tóm tắt, Đặt vấn đề, Phương pháp nghiên cứu, Thảo luận và Kết luận.

- Các tác giả Vũ Ngọc Quế Chi, Huỳnh Cao Ngọc Nga, Trần Huyền Châu, Nguyễn Dũ Thiên Ân, Nguyễn Thanh Thúy thực hiện khảo sát và viết phần Kết quả nghiên cứu.

References

  1. Madden G, Keogan JF. Presentations for group assessment: effective and fair? International Conference on Engaging Pedagogy, Athlone Institute of Technology 2014: 15-29. . ;:. Google Scholar
  2. Živković S. The importance of oral presentations for university students. Mediterranean Journal of Social Sciences 2014; 5(19): 468. . ;:. Google Scholar
  3. King J. Preparing EFL learners for oral presentations. Dong Hwa Journal of Humanistic Studies 2002; 4: 401-18. . ;:. Google Scholar
  4. Nunan D. Second language teaching and learning. UK: Cambridge University Press; 1991. p. 39. . ;:. Google Scholar
  5. Lại Thế Luyện ctv. Kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm [Tập bài giảng]. Trường Đại học Tài chính - Marketing; 2021. . ;:. Google Scholar
  6. Baker J, Westup H. The English language teacher's Handbook. Sharing skills, changing lives. Continuum; 2000. p. 91-92. . ;:. Google Scholar
  7. Phạm Thị Phượng. Phương pháp sử dụng video trong việc nâng cao kỹ năng thuyết trình cho sinh viên năm thứ hai, trường đại học Thương Mại [Đề tài nghiên cứu cấp trường]. Trường Đại học Thương Mại; 2017. . ;:. Google Scholar
  8. Barbara GD. Tools for Teaching: Handbook. United States; 1993. p. 147. . ;:. Google Scholar
  9. Elliott N, Higgins A. Self and peer assessment - does it make a difference to student group work? Nurse Education in Practice 2005; 5(1): 40-48. . ;:. PubMed Google Scholar
  10. Apple M, Kikuchi K. Practical powerpoint group projects for the EFL classroom. The JALT CALL Journal 2007; 3(3): 110-122. . ;:. Google Scholar
  11. Siddons S. The Complete Presentation Skills Handbook: How to understand and reach your audience for maximum impact and success. Kogan page; 2008. p. 1-2. . ;:. Google Scholar
  12. Junko O, Neil H. Factors Predicting Effective Oral Presentations in EFL Classrooms. The Asian EFL Journal 2008; 10(1): 65-78. . ;:. Google Scholar
  13. Huyên Nguyễn. Lạm dụng thuyết trình trong trường học: Giáo viên nhàn, học sinh dễ "hổng" kiến thức. [Online]. 09/03/2021. . ;:. Google Scholar
  14. Nowreyah AAN, Muneera MAK, Hanan AT. EFL college students' perceptions of the difficulties in oral presentation as a form of assessment. International Journal of Higher Education 2015; 4(1): 136-50. . ;:. Google Scholar
  15. Huyên Nguyễn. Lạm dụng thuyết trình trong trường học, chúng ta sẽ mất nhiều thứ. [Online]. 10/03/2021. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 3 (2023)
Page No.: 2145-2152
Published: Sep 30, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.877

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Huynh, A. K., Vu Ngoc, Q. C., Huynh Cao, N. N., Tran, H. C., Nguyen Du, T. A., & Nguyen, T. T. (2023). Group presentation from the perspective of students majoring in foreign languages at the University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(3), 2145-2152. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.877

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 498 times
PDF   = 271 times
XML   = 0 times
Total   = 271 times