VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

583

Total

353

Share

The role of student clubs, teams, and groups in students’ innovative start-up competencies and skills development






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This paper presents a quantitative study on the role of student clubs, teams, and groups in developing students’ innovative start-up competencies and skills. The survey was conducted on 210 students from the University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, who have participated in student clubs, teams, and groups’ activities. The research results show that most of the participants found the practicality and usefulness of student clubs, in which clubs of Academic and Research, Volunteer, Social Activities, Life skills, and Art & Sports have a largest number of participants. The number of participants in clubs of career guidance and professional skills building and start-up was at the lowest level. The competencies and skills, which students can reap the most from joining those clubs, teams and groups, include teamwork skills, creativity/problem solving ability, networking skills, self-efficacy, perseverance, etc. However, the lowest average score falls on the ability to form start-up ideas. The paper offers some proposals to promote activities of student clubs, teams, and groups in order to enhance innovative start-up skills and support learners in developing their knowledge and soft skills in higher education.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, trong bối cảnh khoa học công nghệ đang có những bước tiến bộ và phát triển vượt bậc, làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) theo đó đã lan tỏa và nhanh chóng trở thành một phong trào mạnh mẽ tại Việt Nam, thúc đẩy cho sự ra đời của nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, mang lại những giá trị kinh tế to lớn cho đất nước. Nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động KNĐMST. Tháng 05/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 569/QĐ-TTg về chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng triệt để những thành tựu công nghệ trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế Việt Nam 1 . Quyết định này cũng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam mà các trường đại học (ĐH) là thành phần quan trọng không thể thiếu. Thông qua Quyết định 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 nhằm hỗ trợ phong trào sinh viên (SV) khởi nghiệp, Thủ tướng chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đề án có những mục tiêu chính như: thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, SV; trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trong thời gian học tập; hỗ trợ học sinh, SV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm sau khi tốt nghiệp v.v. 2 .

Có thể thấy việc giáo dục và bồi dưỡng cho SV ĐH những kiến thức và kỹ năng cần thiết đối với việc KNĐMST là vấn đề mang tính cấp thiết và quan trọng. Để thành công trong việc “lập thân, lập nghiệp”, mỗi SV trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường ĐH cần phải tích lũy cả kiến thức lẫn các kỹ năng khởi nghiệp cần thiết, để sau khi ra trường có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực. Vì lẽ đó, trường ĐH là một cấu phần quan trọng, không thể thiếu trong hệ sinh thái KNĐMST của một quốc gia. Theo Le và các cộng sự 3 , hoạt động KNĐMST tại Việt Nam đang là chủ đề được cả nước quan tâm với rất nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp được triển khai, đặc biệt trong giới học sinh, SV nhằm động viên và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp từ rất sớm trong giới trẻ. Ngoài các kiến thức và kỹ năng trong chương trình đào tạo, hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) - đội, nhóm SV cũng đóng một vai trò không nhỏ trong sự phát triển cá nhân, học tập thực tế và hình thành các kỹ năng khởi nghiệp trong SV. Với câu hỏi nghiên cứu: “SV Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) nhận thức như thế nào về vai trò của CLB - đội, nhóm đối với việc rèn luyện, phát triển năng lực và các kỹ năng KNĐMST?”, kết quả bài báo tập trung vào các nội dung: khái quát chung về khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vai trò của CLB – đội, nhóm trong việc phát triển năng lực và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong SV Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Trên cơ sở thực trạng của vấn đề nghiên cứu, bài viết đề xuất phương hướng để thúc đẩy hiệu quả mô hình hoạt động của các CLB nhằm phát triển kỹ năng KNĐMST trong SV hiện nay.

TỔNG QUAN TÀI LIỆU

Khởi nghiệp và hệ sinh thái KNĐMST

Khởi nghiệp có thể được hiểu là sự khởi đầu cho sự nghiệp/ nghề nghiệp. Ở một góc độ khác, tác giả Lackéus cho rằng khởi nghiệp là việc thành lập, tổ chức, quản lý một doanh nghiệp mới, tạo ra sản phẩm cung cấp cho thị trường. Khởi nghiệp còn được hiểu là tiến trình tạo ra sự gia tăng của cải, do những người dám chấp nhận rủi ro lớn, cam kết cung cấp giá trị cho sản phẩm và dịch vụ của mình trên cơ sở đảm bảo và phân bổ những kỹ năng và nguồn lực cần thiết. Khởi nghiệp là một quá trình năng động của tầm nhìn, thay đổi và sáng tạo, được thực hiện bởi những người luôn nhận ra cơ hội trong khi những người khác còn thấy hoang mang, mâu thuẫn và mơ hồ. Quá trình khởi nghiệp gắn liền với sản phẩm hoặc dịch vụ: có hai hình thức chính, một là khởi sự kinh doanh nhỏ và hai là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 4 .

Có thể nói con người là chủ thể của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhà khởi nghiệp là người có ý tưởng tiềm năng có giá trị và sau đó quyết định khởi nghiệp để biến ý tưởng đó thành sản phẩm cung cấp cho thị trường. Các đặc điểm tiêu biểu của nhà khởi nghiệp là: nhạy bén; năng động, có tầm nhìn; tổ chức được công việc trong những điều kiện bất định; kiên trì, chấp nhận và học tập từ các thất bại; dấn thân; thoải mái, lạc quan khi đối mặt với các thách thức 4 .

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam

Theo Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam 2019 do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Úc (Austrade) thực hiện, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển qua 3 làn sóng: làn sóng KNĐMST đầu tiên diễn ra trong giai đoạn 2004-2007; làn sóng thứ hai từ năm 2007 đến năm 2010; và làn sóng thứ ba từ năm 2011 đến nay. Trong đó, ở làn sóng thứ ba, các doanh nghiệp KNĐMST đã tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng 5 . Theo tác giả Văn Thị Bích, bất chấp những biến động phức tạp về kinh tế do tác động của Đại dịch Covid-19, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam trong năm 2021 vẫn tăng gấp 1,5 lần so với năm 2019, đạt được mức cao kỷ lục 1,4 tỷ USD. Tổng số thương vụ đầu tư tăng 57% so với năm 2020 - mức cao nhất từ trước đến nay là 165 thương vụ. Trong đó, 5 lĩnh vực startup thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất trong năm 2021 là: công nghệ tài chính (26,6%), thương mại điện tử (20,3%), công nghệ giáo dục (17,2%), công nghệ y tế (7,8%) và phần mềm dịch vụ (6,3%) 6 . Số lượng các không gian làm việc chung, vườn ươm và tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Accelerator) đã gia tăng nhanh chóng. Các chương trình hỗ trợ của chính phủ cho cộng đồng khởi nghiệp cũng tăng mạnh mẽ từ năm 2016 7 .

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam năm 2022 1 cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam năm vừa qua đã có những tiến triển vượt bậc. Cụ thể, trong năm 2022, Việt Nam đã xếp hạng 54/100 Hệ Sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 494 triệu USD với 94 thương vụ đầu tư; ước tính Việt Nam đang có khoảng 3800 startup cùng 43 vườn ươm được thành lập tại các trường ĐH, học viện, trường cao đẳng và 41 vườn ươm thuộc các sở hữu tư nhân. Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 208 Quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam. Báo cáo cũng cho biết hoạt động KNĐMST tại Việt Nam có hiệu quả trên cả mong đợi so với tốc độ phát triển GDP. Chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam đã vượt trội hơn mức độ phát triển liên tục trong 12 năm liền và đánh giá có tốc độ bắt kịp ĐMST nhanh nhất trong nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp 1 .

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn những hạn chế về chỉ số vốn con người và nghiên cứu 1 . Một điểm yếu khác của hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2019 là trên cả nước có chưa đến 10% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Trong đó, hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn trong khâu tìm kiếm khách hàng, 42% doanh nghiệp phá sản do vấn đề sản phẩm (tạo ra các sản phẩm mà thị trường không cần) 7 . Báo cáo của Austrade cũng chỉ ra 5 thách thức cơ bản của hệ sinh thái KNĐMST tại Việt Nam là: khả năng tiếp cận tài chính, năng lực và kỹ năng điều hành, hệ sinh thái phân tán rời rạc, năng lực nghiên cứu và phát triển, cuối cùng là vấn đề sở hữu trí tuệ 5 .

Thực trạng hoạt động KNĐMST của SV các trường ĐH Việt Nam

Theo tác giả Giao Thị Hoàng Yến, những năm gần đây, các trường ĐH đã quan tâm hơn đến giáo dục khởi nghiệp và đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy. Thông qua việc thực hiện các buổi tuyên truyền, các lớp kỹ năng, các hội thảo; xây dựng nên các câu lạc bộ khởi nghiệp, các trung tâm phát triển khởi nghiệp, vườn ươm tạo, các trường ĐH đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy ý thức và tinh thần khởi nghiệp của học sinh, SV… 8 . Các cuộc thi khởi nghiệp trong giới trẻ cũng được tổ chức nhiều hơn với quy mô lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn học sinh, SV. Chẳng hạn như, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV STARTUP - 2020) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Cuộc thi đã có 50 dự án, ý tưởng dự thi của SV đến từ các trường cao đẳng, ĐH trong cả nước, đa dạng các khối ngành (kỹ thuật, kinh tế, xã hội nhân văn v.v.) 7 .

Trong buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh một trong những thước đo thành công của trường ĐH là số lượng sinh viên khởi nghiệp và thành danh, chứ không chỉ dừng lại ở số lượng SV tìm được việc làm 9 . Tuy nhiên, theo tác giả Lê Anh Đức 7 , vẫn còn một số hạn chế về mô hình tổ chức; đồng thời nhận thức của SV, GV và nhà trường về KNĐMST chưa cao; hoạt động hỗ trợ KNĐMST của các bên liên quan chưa tốt, đặc biệt sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường thiếu thông tin, cơ chế. Thậm chí, sau khi tốt nghiệp, nhiều SV vẫn còn mơ hồ, chưa có ý thức đầy đủ về khái niệm lập thân, lập nghiệp 10 . Các chương trình đào tạo kỹ năng khởi nghiệp hiện nay còn mang tính phong trào, bề nổi, chưa đi sâu vào chất lượng và chưa có hiệu quả thực tiễn. Đây cũng chính là những mặt tồn tại chủ yếu, bên cạnh việc thiếu hụt các chương trình giáo dục về khởi nghiệp trong các trường ĐH 11 . Tuy nhiên, hiện tại, Bộ GD&ĐT đã có những biện pháp tích cực nhằm triển khai chương trình giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo bắt buộc; tự chọn hoặc lồng ghép các chuyên đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào các chương trình ngoại khóa, các cuộc thi dưới dạng trò chơi để thu hút SV tham gia. Bộ cũng đã tham khảo các chương trình đào tạo về giáo dục khởi nghiệp của các trường ĐH ở các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực; đồng thời tham vấn ý kiến chuyên gia, ý kiến doanh nghiệp để có thể xây dựng một chương trình giáo dục khởi nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn của các trường ĐH Việt Nam 7 .

Năng lực khởi nghiệp và vai trò của các CLB – đội, nhóm trong việc phát triển kỹ năng KNĐMST

Năng lực khởi nghiệp và các kỹ năng KNĐMST

Theo Baum và cộng sự, năng lực được định nghĩa là kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thực hiện một công việc nhất định 12 . Volery và cộng sự cho rằng năng lực có thể học được và đạt được thông qua thực hành, học tập và đào tạo 13 . Do đó, năng lực khởi nghiệp có thể được coi là kiến thức, động cơ, đặc điểm, hình ảnh bản thân, vai trò xã hội và kỹ năng cần thiết để một người có thể khởi nghiệp thành công 14 . Năng lực khởi nghiệp được cho là một tập hợp các kỹ năng, khả năng và kiến thức mà một doanh nhân cần có để thành công trong một môi trường cạnh tranh, không ổn định và khó đoán. Các nghiên cứu trước đây đã phân chia năng lực khởi nghiệp thành các nhóm nhỏ. Chẳng hạn như tác giả Priyanto và và cộng sự đã phân loại năng lực khởi nghiệp thành các nhóm: quản lý, công nghiệp, cơ hội và kỹ thuật 15 . Trong một nghiên cứu khác, Man và cộng sự đã phân loại năng lực khởi nghiệp thành sáu nhóm chính: cơ hội, tổ chức, chiến lược, mối quan hệ, cam kết và năng lực khái niệm 16 . Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi sử dụng bộ năng lực khởi nghiệp cốt lõi của Morris và cộng sự gồm 13 năng lực khởi nghiệp được xác định thông qua nghiên cứu Delphi 17 (xem Table 1 ). Ngoài ra, thông qua phỏng vấn sâu đối tượng là các SV tham gia nhóm khởi nghiệp hoặc sinh hoạt trong các CLB khởi nghiệp, chúng tôi bổ sung thêm hai kỹ năng quan trọng khác trong KNĐMST là kỹ năng thuyết phục và thuyết trình gọi vốn (Persuasion and Pitching skills) và kỹ năng làm việc nhóm (teamwork skills).

Table 1 Các năng lực khởi nghiệp 17

Vai trò của CLB – đội, nhóm trong sự phát triển cá nhân, học tập thực tế và hình thành các kỹ năng khởi nghiệp trong SV

Tại nhiều trường ĐH khác nhau, việc xây dựng các CLB khởi nghiệp cho SV trong các trường ĐH, cao đẳng là mô hình mới và đang được áp dụng rộng rãi hiện nay. Thời gian qua, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, các CLB – đội, nhóm SV các trường ĐH Việt Nam đã tạo sức lan tỏa lớn, làm được nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa, khẳng định sự năng động của tuổi trẻ, sự cống hiến của SV vì lợi ích chung của cộng đồng và giúp các SV có những trải nghiệm thú vị trong quá trình học tập, rèn luyện, trang bị các kiến thức và cần thiết để tìm kiếm việc làm sau khi ra trường hoặc tự tìm cơ hội khởi nghiệp cho bản thân.

Ở phạm vi trong nước, đã có một vài công trình nghiên cứu về đề tài vai trò của CLB – đội, nhóm SV trong trường ĐH. Trong đó, nghiên cứu của tác giả Hoàng Thị Như Quỳnh đã cho thấy các SV không nghỉ học để tham gia CLB – đội nhóm mà vẫn đặt trọng tâm học tập là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các CLB – đội, nhóm trường Đại học Huế đã có cách tổ chức tốt, hình thức đa dạng, chất lượng hoạt động phù hợp với nhu cầu của SV 18 . Tác giả Vũ Hồng Vân tìm hiểu về vai trò của các CLB – đội, nhóm SV trong việc rèn luyện kỹ năng mềm thông qua các chỉ số đã được khảo sát để đánh giá vai trò của CLB – đội, nhóm 19 . Tác giả Vũ Thành Huy với nghiên cứu “Xây dựng hệ thống CLB – Đội, nhóm SV góp phần nâng cao hiệu quả công tác Đoàn thanh niên và Hội sinh viên tại các cơ sở và đào tạo đại học” đã đề cập đến vai trò cũng như đề xuất chiến lược và một số giải pháp xây dựng phát huy tiềm năng của CLB – đội, nhóm SV 20 . Tác giả Nguyễn Thị Hồng nghiên cứu về mức độ hoạt động hiệu quả của CLB – đội, nhóm đã nêu ra các biện pháp nâng cao hiệu quả sinh hoạt của các CLB cho SV tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay 21 . Tác giả Lê Anh Đức 7 cho rằng sau khi ra trường, nhiều SV vẫn còn rất mơ hồ và thiếu hụt các kiến thức căn bản về quản trị doanh nghiệp cũng như các kỹ năng mềm quan trọng khác để phát triển, hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp. Tác giả cho rằng vấn đề cần thiết và cấp bách là cung cấp một cách xuyên suốt các kiến thức, kỹ năng tư duy và xây dựng, chuẩn hóa những chương trình cũng như các công cụ để khởi nghiệp 7 . Từ góc độ này, có thể thấy vai trò của CLB – đội, nhóm SV là không thể phủ nhận trong việc giúp hình thành và phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy và là nơi để SV trao đổi, thực hành và vận dụng các kiến thức được học vào quá trình hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp.

Ở phạm vi quốc tế, nghiên cứu về vai trò của CLB – đội, nhóm SV, mặc dù là một hướng nghiên cứu không mới, nhưng những kết quả cụ thể về vai trò của chúng đối với việc học tập của SV vẫn còn khá ít 22 . Nghiên cứu của Felson chỉ ra rằng các nhân viên tư vấn hướng nghiệp và nhà tuyển dụng có xem xét đến giá trị mang lại của việc tham gia CLB – đội, nhóm trong các quyết định tuyển dụng SV tốt nghiệp 23 . Những nghiên cứu khác nhận thấy có một mối quan hệ mật thiết giữa việc tham gia các CLB với việc nâng cao kỹ năng giao tiếp 22 , 24 và xem kinh nghiệm mà người học có được qua việc tham gia CLB – đội, nhóm là “học tập qua trải nghiệm” 25 , 26 . Những nghiên cứu cũng kết luận rằng các CLB – đội, nhóm giúp SV tiếp cận gần hơn với cộng đồng thực hành mục tiêu 27 và tạo cơ hội cho SV học tập bằng cách trải nghiệm và mắc lỗi 28 . Một số lợi ích khác bao gồm giúp SV phát triển các kỹ năng mới, chẳng hạn như kỹ năng nói, viết, quản lý và kinh doanh 24 , 29 , 30 , đồng thời giúp cải thiện triển vọng việc làm 31 . Các nghiên cứu cũng nhận thấy rằng người học sẽ có động lực và tự tin hơn khi tham gia vào các CLB – đội, nhóm 32 .

Một bài báo đánh giá có hệ thống các nghiên cứu về giáo dục khởi nghiệp của tác giả Pittaway và cộng sự đã chỉ ra một số khoảng trống nghiên cứu chưa được thực hiện. Mặc dù các nghiên cứu về giáo dục khởi nghiệp đã tìm hiểu rất kỹ các vấn đề chương trình học, sự tự tin vào năng lực bản thân của SV v.v. nhưng hầu như đã bỏ qua vai trò của các hoạt động ngoại khóa 33 . Tác giả Edwards đã thực hiện một số nghiên cứu ban đầu về “Câu lạc bộ điện tử E-club”, nêu ra một số lợi ích và mối quan hệ giữa những lợi ích này với “học tập thông qua trải nghiệm” trong vấn đề giáo dục khởi nghiệp 34 . Pittaway và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu định tính để tìm hiểu cách thức người học tham gia các CLB khởi nghiệp đã mô phỏng việc học kinh doanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy những điểm tích cực như người tham gia CLB đã học hỏi được rất nhiều thông qua hành động, trải nghiệm và giải quyết vấn đề 35 .

Có thể thấy các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã trình bày những quan điểm cơ bản về mặt lý luận, thực tiễn, và định hướng trong thời kỳ mới nhằm phát huy vai trò của các CLB – đội, nhóm trong môi trường giáo dục ĐH, từ đó cung cấp những tiền đề khoa học quan trọng làm cơ sở để xây dựng các giải pháp cho việc hình thành ý thức và kỹ năng khởi nghiệp của SV. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy có công trình nào tập trung nghiên cứu về vai trò của CLB – đội, nhóm trong việc xây dựng ý thức và kỹ năng khởi nghiệp cho SV, đặc biệt là SV Việt Nam. Từ đó, nhóm nghiên cứu có đủ cơ sở để xác lập tính cần thiết của vấn đề nghiên cứu về vai trò của các CLB – đội, nhóm đối với việc góp phần xây dựng năng lực và kỹ năng khởi nghiệp cho SV.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp nghiên cứu định lượng được vận dụng để thực hiện nghiên cứu này. Công cụ nghiên cứu gồm có bảng hỏi khảo sát ý kiến các SV tham gia CLB – đội, nhóm. Qua các khảo sát sơ bộ thu thập được từ 86 CLB của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, chúng tôi nhận thấy hiện tại các hoạt động của CLB – đội, nhóm của Trường chủ yếu được phân thành 05 nhóm chính: nhóm học thuật, nghiên cứu; nhóm tình nguyện, hoạt động xã hội; nhóm nghệ thuật – thể thao; nhóm tổ chức, thiết kế hoạt động; nhóm định hướng nghề nghiệp và xây dựng kỹ năng nghề nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, Trường chưa có một CLB – đội, nhóm nào chuyên về lĩnh vực KNĐMST nhằm hỗ trợ cho SV trong quá trình hình thành và xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, bảng hỏi của chúng tôi ngoài 5 nhóm trên còn có thêm nhóm CLB chuyên về lĩnh vực KNĐMST vào trong danh mục khảo sát vì có thể có trường hợp các SV ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM tham gia sinh hoạt tại các CLB KNĐMST ở các đơn vị ngoài trường.

Khảo sát được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 3/2023 trên đối tượng là các SV Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM có tham gia sinh hoạt tại các CLB – Đội, nhóm. Tổng cộng 370 phiếu khảo sát đã được phát ngẫu nhiên cho các SV tại trường. Sau đó, các phiếu trả lời của những SV không tham gia sinh hoạt tại các CLB – đội, nhóm được loại trừ. Tổng số phiếu khảo sát hợp lệ được đưa vào nghiên cứu là 210 phiếu trả lời từ các SV có tham gia sinh hoạt tại các CLB – đội, nhóm trong và ngoài trường nhằm tìm hiểu rõ hơn về hoạt động của CLB – đội, nhóm và các lợi ích thiết thực về kiến thức và kỹ năng KNĐMST mà các SV tham gia sinh hoạt tại CLB – đội, nhóm đã đạt được.

Bảng hỏi để thu thập dữ liệu định lượng cho nghiên cứu này sử dụng thang đo Likert 5 mức độ, trong đó 1 tương ứng với mức ‘rất thấp’ và 5 là ‘rất cao’. Bảng hỏi bao gồm 02 phần: phần một gồm các câu hỏi về thông tin nhân khẩu học của người tham gia khảo sát và nhận định chung về việc tham gia các CLB – đội, nhóm của SV; phần hai có 15 câu hỏi liên quan đến vai trò của CLB – đội, nhóm đối với năng lực và kỹ năng khởi nghiệp của SV. Các năng lực và kỹ năng KNĐMST được đề cập trong bảng câu hỏi gồm có 15 câu: khả năng hình thành ý tưởng khởi nghiệp; khả năng nhận diện cơ hội khởi nghiệp; khả năng đánh giá cơ hội khởi nghiệp; khả năng quản lý rủi ro; ý chí kiên trì; khả năng sáng tạo/ giải quyết vấn đề; kỹ năng tận dụng tài nguyên; kỹ năng du kích; khả năng tạo ra giá trị; khả năng duy trì sự tập trung; khả năng hồi phục, đối phó khủng hoảng; củng cố năng lực bản thân; kỹ năng networking; kỹ năng thuyết phục và thuyết trình gọi vốn; kỹ năng làm việc nhóm. Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS để phân tích dữ liệu định lượng. Table 2 cho thấy độ tin cậy của bảng hỏi đạt loại tốt với chỉ số Cronbach's Alpha 0.853 (xem Table 2 ).

Table 2 Độ tin cậy của bảng hỏi

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê nhân khẩu học

Trong số 210 SV tham gia khảo sát, số lượng nữ SV chiếm tỷ lệ 70%, số lượng nam SV chiếm 30% trong tổng số. Như được trình bày trong Table 3 , dữ liệu thu thập được gợi ý rằng mẫu nghiên cứu có thể mang tính đại diện vì tỷ lệ giới tính này phù hợp với phân bổ giới tính ở trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM với đặc thù nữ sinh chiếm số lượng cao hơn nam sinh. Về độ tuổi, số lượng SV tham gia khảo sát ở độ tuổi 19-20 chiếm đa số với tỷ lệ lần lượt là 28.6% và 40.5%. Số lượng SV năm thứ nhất và năm thứ hai chiếm đa số với 23.8% SV đang học năm nhất và 47.2% SV học năm thứ hai đã tham gia khảo sát. SV viên hệ chính quy chiếm tỷ lệ vượt trội với 94.3% trong khi SV hệ chính quy Chất lượng cao chiếm tỷ lệ chỉ 5.7%. Đại đa số các SV tham gia khảo sát đến từ các tỉnh khác, chiếm tỷ lệ 71.9%, còn lại là 18.1% SV Thành phố Hồ Chí Minh và 10% SV đến từ thành phố khác. Dữ liệu thu thập được gợi ý rằng mẫu nghiên cứu có thể mang tính đại diện vì tỷ lệ này phù hợp thực tế đa số SV Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đến từ các tỉnh và học tại hệ chính quy tập trung (xem Table 3 ).

Table 3 Thống kê nhân khẩu học người tham gia khảo sát

Thống kê tình hình tham gia CLB – đội, nhóm của đối tượng khảo sát

Trong số 210 SV tham gia khảo sát, số lượng SV tham gia từ 1-2 CLB – đội, nhóm chiếm tỷ lệ áp đảo với 90.5%. Số lượng SV tham gia từ 3-4 CLB – đội, nhóm chỉ chiếm 9.5%. Table 4 cho thấy dữ liệu thu thập được gợi ý rằng việc tham gia CLB – đội, nhóm cũng chiếm khá nhiều thời gian của SV nên những người tham gia khảo sát chỉ chọn lọc một hoặc hai CLB phù hợp với nhu cầu bản thân thay vì tham gia nhiều và dàn trải. Về đơn vị trực thuộc của các CLB – đội, nhóm, số lượng SV tham gia CLB cấp khoa chiếm đa số với tỷ lệ 63.3%, kế đến là số lượng SV tham gia CLB cấp trường chiếm 14.8%. Điều này cho thấy khả năng thu hút SV tham gia của CLB tùy thuộc vào quy mô và phạm vi hoạt động cũng như khả năng tiếp cận đối tượng SV của các CLB cấp khoa là có lợi thế hơn cả. Về phân loại CLB – đội, nhóm, số lượng SV tham gia các CLB thuộc nhóm nghệ thuật – thể thao chiếm số lượng đông nhất, đạt mức 42.9%. Tuy nhiên, hai nhóm khác cũng thu hút SV không kém là nhóm tình nguyện, hoạt động xã hội, kỹ năng sống xếp thứ hai với 34.8% và nhóm học thuật, nghiên cứu xếp thứ ba với tỷ lệ đạt 27.6%. Vấn đề đặt ra là số lượng SV tham gia nhóm hướng nghiệp và xây dựng kỹ năng nghề nghiệp ở mức rất thấp, chỉ 4.3% và thấp nhất là tỷ lệ SV tham gia CLB khởi nghiệp chỉ đạt 1.9% . Điều này phản ánh thực tế là hiện tại trường chưa có CLB – đội, nhóm khởi nghiệp nào đang hoạt động nên SV trường nếu muốn tham gia loại hình CLB này đều phải tìm đến các đơn vị ngoài trường. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy gần như tất cả các SV tham gia khảo sát đều nhận thấy tính thiết thực và bổ ích của việc tham gia sinh hoạt tại các CLB với 48.1% SV nhận định “rất thiết thực và bổ ích” và 45.2% SV cho rằng “khá thiết thực và bổ ích”. Với nhận định đó, SV đã dành thời gian để tham gia sinh hoạt tại CLB khá đều đặn khi 59.5% SV cho biết họ đều tham gia các CLB hàng tuần và 21.4% SV tham gia CLB hai lần mỗi tháng. Điều này cho thấy nếu loại hình CLB có sức hấp dẫn và SV nhận thấy lợi ích thiết thực của CLB thì họ mới dành thời gian để sinh hoạt tại đây (xem Table 4 ).

Table 4 Thống kê việc tham gia CLB – Đội, nhóm của đối tượng khảo sát

Thống kê mô tả điểm trung bình các câu hỏi khảo sát

Các thử nghiệm thống kê khác nhau được thực hiện để kiểm tra tính chuẩn mực và độ tin cậy của dữ liệu. Table 5 trình bày giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của 15 câu hỏi khảo sát cho thấy không có sự bất thường trong dữ liệu. Phép đo được diễn giải như sau: rất thấp cho mức điểm trung bình từ 1,0–1,5; thấp cho mức điểm từ 1,51–2,50; trung bình cho mức điểm từ 2,51–3,50; cao cho mức điểm từ 3,51–4,50 và rất cao cho mức điểm từ 4,51–5,0, như được đề cập bởi Paige và cộng sự 36 . Ngoài ra, vì giá trị trung bình của thang đo là 2,5 nên điểm trung bình M trên 3,0 cho thấy SV đồng ý với nhận định trong khi giá trị M = 2,0 cho thấy SV không ủng hộ câu hỏi. Table 4 cho thấy điểm trung bình của tất cả các câu hỏi dao động từ 2.90 đến 4.45. Điều đó thể hiện rằng các SV đồng ý hầu hết với các nhận định trong bảng hỏi. Tiếp theo, phân phối chuẩn được kiểm tra bằng cách sử dụng các giá trị kurtosis và skewness. Vì kết quả cho thấy rằng tất cả các giá trị kurtosis và skewness đều nằm trong phạm vi chấp nhận được chứng tỏ dữ liệu được phân phối bình thường và đủ điều kiện để tiến hành các phân tích sâu thêm (xem Table 5 ).

Table 5 Thống kê mô tả điểm trung bình các câu hỏi khảo sát

Table 5 cho thấy các năng lực và kỹ năng mà SV cho rằng mình có thể gặt hái nhiều nhất từ việc tham gia sinh hoạt tại các CLB – đội, nhóm của SV bao gồm 09 câu hỏi đạt điểm trung bình M > 3.51 bao gồm: kỹ năng làm việc nhóm (điểm trung bình cao nhất với M = 4.45); củng cố năng lực bản thân (điểm trung bình M = 4.20); khả năng sáng tạo/ giải quyết vấn đề (điểm trung bình M = 4.17); kỹ năng networking (điểm trung bình M = 4.06); ý chí kiên trì (điểm trung bình M = 4.02); khả năng hồi phục, đối phó khủng hoảng (điểm trung bình M = 3.84); khả năng duy trì sự tập trung (điểm trung bình M = 3.74); kỹ năng tận dụng tài nguyên (điểm trung bình M = 3.65) và khả năng quản lý rủi ro (M = 3.54). Các năng lực và kỹ năng mà SV tương đối đồng ý rằng họ có thể đạt được bao gồm 06 câu hỏi có điểm trung bình M nằm trong phạm vi 2.51 < M < 3.50 bao gồm: khả năng tạo ra giá trị (M = 3.47); kỹ năng du kích (M = 3.44); kỹ năng thuyết phục và thuyết trình gọi vốn (M = 3.29); các nhóm năng lực thấp nhất rơi vào khả năng hình thành ý tưởng khởi nghiệp (M = 2.90); khả năng nhận diện cơ hội khởi nghiệp (M = 2.97); khả năng đánh giá cơ hội khởi nghiệp (M = 2.95). Đây được cho là nhóm các năng lực và kỹ năng có liên quan nhất và đặc thù cho hoạt động KNĐMST. Trong đó, điểm thấp nhất rơi vào khả năng hình thành ý tưởng khởi nghiệp, cũng là một trong những năng lực quan trọng cốt lõi quyết định cho sự thành công của quá trình KNĐMST. Kết quả này cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao các năng lực cốt lõi của KNĐMST cho SV thông qua hoạt động của các CLB có tính chuyên môn cao hơn và kết nối SV nhiều hơn với các doanh nghiệp và các nhà khởi nghiệp.

THẢO LUẬN

Theo tác giả Huỳnh Quốc Tuấn và cộng sự 36 , trong thời gian gần đây, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với SV đã được đề cập mạnh trên các phương tiện truyền thông nhưng chủ yếu ở quyết tâm chính trị, chưa thực sự tích cực và sâu. Chính sách đặc thù hỗ trợ SV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dường như còn thiếu vắng, dẫn đến hiệu quả chính sách chưa cao hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế 37 . Tác giả Lê Anh Đức 7 cho rằng giáo dục khởi nghiệp hiện nay còn thiếu sự đồng bộ, bài bản về quy mô và kiến thức, cũng như tính thực tiễn. Đa số các trường ĐH gặp khó khăn trong việc xây dựng chương trình học phù hợp, đào tạo giảng viên nguồn, xây dựng các giáo trình bài bản và chính thống về kiến thức, kỹ năng cần có về khởi nghiệp. Tác giả cho rằng giáo dục khởi nghiệp hiện tại chỉ gói gọn lại trong phạm vi một vài môn học về quản trị kinh doanh và chủ yếu xuất hiện ở các trường ĐH có đào tạo lĩnh vực kinh tế. Nhiều trường ĐH chưa có môn học này, nhiều trường thì có nhưng thiếu cụ thể, chưa thống nhất về nội dung và tính hệ thống ở chương trình đào tạo 7 . Những kết quả có được từ nghiên cứu này cho thấy vai trò của các CLB trong việc xây dựng những kỹ năng khởi nghiệp quan trọng. Vì thế chúng tôi cho rằng, việc hình thành và đẩy mạnh các CLB – đội, nhóm thuộc các nhóm hướng nghiệp và xây dựng kỹ năng nghề nghiệp cũng như các nhóm khởi nghiệp sẽ bổ sung vào khoảng trống còn thiếu trong các vấn đề còn tồn tại của giáo dục khởi nghiệp hiện nay mà tác giả Lê Anh Đức đã trình bày.

Không thể phủ nhận rằng các CLB – đội, nhóm SV được các nhà giáo dục cho là hoạt động ngoại khóa quan trọng hỗ trợ việc học tập của SV. Tuy nhiên, số lượng CLB SV khởi nghiệp có hoạt động tích cực hiện chưa nhiều. Số lượng các CLB – đội, nhóm khởi nghiệp được hỗ trợ bởi các nhà giáo dục, các doanh nhân, trường ĐH và các tổ chức khác thậm chí còn hiếm hoi hơn. Tuy nhiên, đây lại là những nguồn lực quan trọng để giúp SV học hỏi thông qua các cơ hội được giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm trực tiếp. Các CLB sẽ đồng hành cùng SV để biến ý tưởng thành hiện thực thông qua các hoạt động: kết nối các tổ chức, cá nhân cùng chung chí hướng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp SV và mang đến góc nhìn KNĐMST trong SV; là một sân chơi cho SV để hỗ trợ triển khai các ý tưởng khởi nghiệp. Song song đó, các CLB – đội, nhóm khởi nghiệp có thể có những hoạt động cụ thể để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến các SV đang có ý tưởng, giúp họ biết đến CLB, thu hút họ tham gia CLB và phát triển ý tưởng lên. Vì thế, chúng tôi cho rằng, các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và trường ĐH cần đầu tư nhiều hơn cho việc hỗ trợ các CLB SV tại các trường ĐH với niềm tin rằng đây sẽ là môi trường tốt để hỗ trợ việc học tập khởi nghiệp của SV một cách cụ thể, trực quan thông qua học tập trải nghiệm mà không khiến SV phải trả giá quá nhiều về thời gian và tiền bạc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các CLB – đội, nhóm mà SV tham gia tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã có những đóng góp tích cực nhất định trong việc phát triển năng lực và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho SV. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn những hạn chế về số lượng và loại hình các CLB. Cụ thể, trong 86 CLB đang hoạt động, hiện Nhà trường chưa thành lập một CLB khởi nghiệp nào. Các CLB cấp khoa vẫn thiên về hướng hoạt động học thuật gắn với chuyên ngành đào tạo là chính. Các CLB cấp trường hiện tại tuy đa dạng về loại hình và số lượng nhưng chưa có những mô hình hoặc phương thức hoạt động hiệu quả gắn với việc hình thành các kỹ năng quan trọng cho KNĐMST như tư duy phản biện, tư duy thiết kế, tư duy khởi nghiệp và các kỹ năng khởi nghiệp liên quan khác. Kết quả khảo sát cho thấy việc hình thành những kỹ năng mềm bổ trợ khởi nghiệp thông qua hoạt động CLB được SV đánh giá khá cao nhưng những kỹ năng và năng lực khởi nghiệp chính yếu lại có điểm trung bình tương đối thấp. Việc xây dựng và phát triển các CLB – đội, nhóm SV theo sở thích, chuyên môn, năng khiếu là một hướng đi mang lại hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho SV trong học tập và rèn luyện. Để đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của SV trong việc tham gia các CLB – đội, nhóm theo định hướng KNĐMST thì việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các CLB – đội, nhóm là điều cần thiết để kết nối SV với các doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp nhằm tạo sân chơi bổ ích và lý thú hơn cho SV.

Ngoài ra, chúng tôi khuyến nghị Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cần thành lập một CLB khởi nghiệp hoặc CLB khởi nghiệp xã hội để đóng vai trò cầu nối, kết nối SV với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp, các chuyên gia cố vấn, trung tâm ươm tạo, trung tâm sở hữu trí tuệ nhằm cung cấp một dịch vụ hỗ trợ đa dạng, tạo sân chơi bổ ích và lý thú nơi SV có thể phát triển các ý tưởng khởi nghiệp của mình thành những dự án khả thi.

KẾT LUẬN

Việc thúc đẩy ý định khởi nghiệp trong SV là một trong những sứ mệnh quan trọng của các trường ĐH Việt Nam, bên cạnh các chức năng chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bởi lẽ, để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp thì từng thành viên trong quốc gia ấy, đặc biệt là những người trẻ, phải có khát khao khởi nghiệp, sẵn sàng dấn thân trong việc “rèn đức, luyện tài”, “lập thân, lập nghiệp”. Các nghiên cứu cho thấy mô hình CLB – đội, nhóm đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của phong trào Đoàn, Hội cũng như góp phần cải thiện và nâng cao kỹ năng mềm cho SV. Để đa dạng hóa các mô hình CLB – đội, nhóm SV, tạo sức lan tỏa lớn, khẳng định sức trẻ và sự cống hiến của SV đối với sự phát triển chung của xã hội và phong trào KNĐMST, các trường ĐH cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến việc hình thành và xây dựng các CLB hướng nghiệp và xây dựng kỹ năng nghề nghiệp, các CLB khởi nghiệp trong SV nhằm thu hút và tập hợp được nhiều hơn nữa SV tham gia, lan tỏa tinh thần và ý thức KNĐMST trong giới trẻ; đồng thời thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong SV.

Bài báo đã bổ sung vào hướng nghiên cứu về hệ sinh thái KNĐMST trong các trường ĐH Việt Nam, đồng thời có ý nghĩa thực tiễn, góp phần lan tỏa và thúc đẩy các phong trào hoạt động của CLB - đội, nhóm theo hướng đẩy mạnh các kỹ năng KNĐMST nhằm hỗ trợ cho người học trong quá trình hoàn thiện các kiến thức và kỹ năng trong môi trường giáo dục ĐH. Nghiên cứu này cũng nhằm kêu gọi sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục trong việc hỗ trợ các CLB – đội, nhóm SV thực hiện chức năng quan trọng của mình trong liên kết SV với môi trường ĐH, tạo nên những sân chơi thiết thực và bổ ích, giúp SV trang bị những kỹ năng quan trọng cho quá trình làm việc sau này.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2022-2023.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

CLB: Câu lạc bộ

Bộ GD&ĐT: Bộ Giáo dục và Đào tạo

ĐH: đại học

ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

ĐMST: Đổi mới sáng tạo

KNĐMST: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

SV: sinh viên

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

- Tác giả Trần Mỹ Lệ thực hiện phần lớn công việc thu thập dữ liệu, nhập liệu, phân tích data và viết một phần Cơ sở lý luận, Phương pháp nghiên cứu và Kết quả nghiên cứu.

- Tác giả Trần Thị Thanh Trúc phác thảo đề cương, thiết kế nghiên cứu và viết các phần: Tóm tắt, Đặt vấn đề, Thảo luận, Kết luận và chỉnh sửa hiệu đính bản thảo.

- Các tác giả Đoàn Công Đạt, Lê Thị Hồng Phương thực hiện một phần công việc thu thập dữ liệu khảo sát và viết một phần Cơ sở lý luận.

References

  1. Bambu UP. Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022. Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ & Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; 2022. . ;:. Google Scholar
  2. Thủ tướng Chính phủ. Quyết Định Số. 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025";2017. . ;:. Google Scholar
  3. Le D, Ha DL, Trinh DU, Nguyen TP. Start-up research's experience of students approaching the process of forming start-up intentions of some European countries. In: Proceedings of the international conference trade and international economic impacts on Vietnam firms - TEIF; 2020. . ;:. Google Scholar
  4. Lackéus M. Entrepreneurship in education. What, why, when, how. Entrepreneurship. 2014;360 and OECD. . ;:. Google Scholar
  5. Austrade. Vietnam's innovation ecosystem 2019. Common wealth of Australia; 2019. . ;:. Google Scholar
  6. Bích VT. Tăng cường vai trò của trường Đại học trong hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. 2023; Số 1. . ;:. Google Scholar
  7. Đức LA. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học tại Việt Nam; 2021; Số 21. Tạp Chí Công Thương. . ;:. Google Scholar
  8. Yến GTH. Rào cản đối với giáo dục khởi nghiệp trong các trường Đại học ở Việt Nam. Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. 2021; Số 24. . ;:. Google Scholar
  9. Tuân Đ. Thủ tướng: thước đo giáo dục đại học là bao nhiêu sinh viên khởi nghiệp thành công. Báo chính phủ điện tử; 2016. Truy Cập Tại. . ;:. Google Scholar
  10. Vân LTK. Tạo lập môi trường khởi nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Tạp Chí Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam. 2017; số tháng 9:8-11. . ;:. Google Scholar
  11. Bình LD et al. Việt Nam - đất lành cho khởi nghiệp: tại sao không? Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. ID; 2016. . ;:. Google Scholar
  12. Smith KG, Baum JR, Locke EA. A multidimensional model of venture growth. Acad Manag J. 2001;44(2):292-303. . ;:. Google Scholar
  13. Volery T, Mueller S, von Siemens B. Entrepreneur ambidexterity: A study of entrepreneur behaviours and competencies in growth-oriented small and medium-sized enterprises. International Small Business Journal. 2015;33(2):109-29. . ;:. Google Scholar
  14. Arthurs JD, Busenitz LW. Dynamic capabilities and venture performance: the effects of venture capitalists. J Bus Venturing. 2006;21(2):195-215. . ;:. Google Scholar
  15. Priyanto SH, Sandjojo I. Relationship between entrepreneurial learning, entrepreneurial competencies and venture success: empirical study on SMEs. Int J Entrep Innov Manag. 2005;5(5/6):454-68. . ;:. Google Scholar
  16. Man TWY, Lau T, Snape E. Entrepreneurial competencies and the performance of small and medium enterprises: an investigation through a framework of competitiveness. J Small Bus Entrep. 2008;21(3):257-76. . ;:. Google Scholar
  17. Morris MH, Webb JW, Fu J, Singhal S. A competency-based perspective on entrepreneurship education: conceptual and empirical insights. J Small Bus Manag. 2013;51(3):352-69. . ;:. Google Scholar
  18. Quỳnh HTN. Ảnh hưởng của việc tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm đến kết quả học tập của sinh viên Khoa kinh tế và phát triển, trường Đại học Kinh tế Đại học Huế (Luận văn thạc sĩ). ĐH Kinh tế −đH Huế; 2017. . ;:. Google Scholar
  19. Vân VH. Thực trạng và một số kiến nghị nhằm phát huy vai trò của Các câu lạc bộ, đội, nhóm trong rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí giáo dục. 2019; Số đặc biệt Kì 2, tr 176-179;199. . ;:. Google Scholar
  20. Huy VT. Xây dựng hệ thống CLB, đội. nhóm sinh viên góp phần nâng cao hiệu quả công tác Đoàn thanh niên và Hội sinh viên tại các cơ sở và đào tạo đại học. Đề tài NCKH cấp sơ sở. 2016. . ;:. Google Scholar
  21. Hồng NT. Giải pháp nâng cao hiệu quả sinh hoạt câu lạc bộ sinh viên tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: khoa học Xã hội và Giáo dục; 2021; Số 51. . ;:. Google Scholar
  22. Rubin RS, Bommer WH, Baldwin TT. Using extracurricular activity as an indicator of interpersonal skill: prudent evaluation or recruiting malpractice? Hum Resour Manage. 2002;41(4):441-54. . ;:. Google Scholar
  23. Felson L. Undergrad marketers must get jump on networking skills. Marketing News; 2001. 35(8):14-5. . ;:. Google Scholar
  24. Burggraaf W. Management skills from different educational settings. Int J Educ Manag. 1997;11(2):65-71. . ;:. Google Scholar
  25. Cox DR, Goff DC. Starting and operating a student investment club. Financ Pract Educ. 1996;6(Fall-Winter):78-85. . ;:. Google Scholar
  26. Evans MD, Evans DM. Community service project planning for ASCE student chapters/clubs. J Prof Issues Eng Educ Pract. 2001;127(4):175-83. . ;:. Google Scholar
  27. Block SB, French DW. The student-managed investment fund: A special opportunity in learning. Financ Pract Educ. 1991;1(1):35-40. . ;:. Google Scholar
  28. Grinder B, Cooper DW, Britt M. An integrative approach to using student investment clubs and student investment funds in the finance curriculum. Financ Serv Rev. 1999;8(4):211-21. . ;:. Google Scholar
  29. Kahl DR. The challenges and opportunities of student-managed investment funds at metropolitan universities. Financ Serv Rev. 1997;6(3):197-200. . ;:. Google Scholar
  30. Montes I, Collazo C. American Chemical Society student affiliates chapters: more than just chemistry clubs. J Chem Educ. 2003;80(10):1151-2. . ;:. Google Scholar
  31. Rutter ME, Jones JV. The job club redux: A step forward in addressing the career development needs of counselor education students. Career Dev Q. 2007;55(3):280-8. . ;:. Google Scholar
  32. McCorkle DE, Alexander JF, Reardon J, Kling ND. Developing self-marketing skills: are marketing students Prepared for the Job Search? J Mark Educ. 2003;25(3):196-207. . ;:. Google Scholar
  33. Pittaway L, Cope J. Entrepreneurship education: A systematic review of the evidence. International Small Business Journal. 2007;25(5):479-510. . ;:. Google Scholar
  34. Edwards LJ. Are E-clubs the answer to entrepreneurial learning? Glamorgan: WEI Working Paper series. Vol. 17; 2001. . ;:. Google Scholar
  35. Pittaway L, Rodriguez-Falcon E, Aiyegbayo O, King A. The role of entrepreneurship clubs and societies in entrepreneurial learning. International Small Business Journal. 2011;29(1):37-57. . ;:. Google Scholar
  36. Paige RM, Jacobs-Cassuto M, Yershova YA, De Jaeghere J. Assessing intercultural sensitivity. An empirical analysis of the intercultural development inventory. Int J Intercult Relat. 2003;27(4):467-86. . ;:. Google Scholar
  37. Tuấn HQ. Khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế "Kiến tạo Hệ sinh thái Khởi nghiệp - yếu tố thành công đối với sinh viên". Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương; 2018. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 3 (2023)
Page No.: 2106-2117
Published: Sep 30, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.865

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, L., Doan Cong, D., Le Thi Hong, P., & Tran Thi Thanh, T. (2023). The role of student clubs, teams, and groups in students’ innovative start-up competencies and skills development. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(3), 2106-2117. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.865

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 583 times
PDF   = 353 times
XML   = 0 times
Total   = 353 times