VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

610

Total

262

Share

The perspectives of students from the Faculty of Russian Linguistics and Literature, University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City on the application of visual vocabulary self-study strategy






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Currently, the visual vocabulary self-study strategy is increasingly influencing foreign language learners and is an effective support tool to help them improve their vocabulary. This paper aims to find out students' perspectives on the importance, benefits, and challenges of using the visual vocabulary self-study strategy. The participants of this survey were 127 students from the Faculty of Russian Linguistics and Literature, University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University, Ho Chi Minh City. The results of this study show that students highly appreciate the importance of the visual vocabulary self-study strategy in the Russian vocabulary self-study process (M=4,3). In addition, this self-study strategy also gives students a lot of benefits in the process of vocabulary learning (M=4.17). Specifically, students assessed this strategy to help them easily review learned vocabulary with the highest average value of M=4.24, and acquire vocabulary faster than traditional learning strategies with the lowest average value of M=4.09. Simultaneously, the research results also show that students also face some certain challenges (M=3.75) when applying this strategy in Russian vocabulary self-study process due to the main reasons coming from the students' low sense of learning (M=3.88), as well as the lack of learning time, the habit of vocabulary learning by traditional strategies, the lack of specific instructions or the unfamiliarity of this strategy for students.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong làn sóng các ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn đang ngày càng trở nên phổ biến, tiếng Nga tuy không còn chiếm ưu thế như cách đây gần hai thập kỷ trước 1 , nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định ở các quốc gia Âu-Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc biết tốt tiếng Nga trong thời kỳ hội nhập toàn cầu là cơ hội vô cùng lớn đối với người học. Tuy nhiên, thực trạng sinh viên (SV) học tiếng Nga hiện nay đang là một vấn đề đáng quan tâm. Phần lớn SV không thể giao tiếp, hoặc giao tiếp rất kém, gặp nhiều lỗi sai về phát âm bởi vì tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, trong khi tiếng Nga lại là ngôn ngữ hoà kết có sự biến đổi nguyên âm và phụ âm trong hình vị. Điều khác biệt của hai hệ ngôn ngữ này đã gây ít nhiều khó khăn cho SV Việt Nam trong việc học phát âm tiếng Nga 2 . Các SV học tiếng Nga cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể hiểu rõ sự khác biệt căn bản này và tiến đến vận dụng tiếng Nga một cách thành thạo. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng hầu hết SV học tiếng Nga tại các trường đại học ít có hứng thú với ngành học do không nhận thức được lợi ích của việc học ngành học này, chưa vạch ra cho mình một mục tiêu học tập rõ ràng để có một chiến lược học tập tiếng Nga cụ thể, chưa có nền tảng học từ vựng tiếng Nga vững chắc vì chưa biết cách tự học và tự nghiên cứu một cách hiệu quả. Hơn nữa, đa số SV tập trung học ngữ pháp là chính, còn nghe nói thì rất ít, trong khi học đại học là học kỹ năng, nghiên cứu về ngôn ngữ và vận dụng nó vào thực tế 1 . Bên cạnh đó, các nguồn tài liệu học tập tham khảo khó tiếp cận do vấn đề bản quyền và chi phí tiếp cận cao đã gây khó khăn cho SV trong việc tự học từ vựng tiếng Nga. Đồng thời, vì không có môi trường tiếng, vốn từ vựng của SV còn hạn chế, lại bị chi phối bởi rất nhiều những điều kiện khách quan bên ngoài nên khả năng thực hành giao tiếp giữa SV và người Nga gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chúng tôi tập trung tìm hiểu góc nhìn của SV về việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga của mình.

Theo Азимов và Щукин 3 , từ vựng là tổng thể các từ của ngôn ngữ, là thành phần trong việc giao tiếp bằng lời nói, hành động tương tác với ngữ pháp và ngữ âm. Chiến lược học từ vựng, theo định nghĩa của Kulikova 4 , là sự kết hợp các hoạt động tư duy, nhận thức để giúp người học học từ vựng trong một ngôn ngữ cụ thể. Liu, Huang và Chien 5 định nghĩa chiến lược học từ vựng trực quan là một phương pháp học từ vựng thông qua việc tạo ra các hình ảnh và trực quan hóa từ vựng thay vì chỉ dựa trên việc đọc và ghi nhớ từ vựng theo phương pháp truyền thống. Thực tế cho thấy đối với người học ở độ tuổi trưởng thành, các phương tiện trực quan bên cạnh từ ngữ có hiệu quả để giải thích nghĩa của từ, đặc biệt là ở dạng sơ đồ 6 . Phillips cũng nhận định rằng từ vựng có thể được học theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả phương pháp và phương tiện trực quan 7 . Нецветаева và Кочеткова bổ sung thêm âm thanh cũng góp phần làm tăng hiệu quả ghi nhớ nghĩa của từ nhờ vào việc luyện tập phát âm chính xác từ đó 8 . Như vậy, việc ghép nối từ vựng với hình ảnh cùng với việc nghe và luyện phát âm từ là rất hữu ích trong việc tự học từ vựng của SV. Thêm vào đó, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả còn tập trung khai thác khía cạnh “tự học” của sinh viên, bởi vì việc “tự học” có vai trò quan trọng trong việc tăng tính chủ động học tập và khơi gợi sự sáng tạo cũng như tìm tòi kiến thức mới 8 . Tự học có thể được hiểu là quyết định học một cách tự nguyện của người học để tự tìm hiểu và khám phá, nhằm làm phong phú hơn vốn hiểu biết ở bản thân người học 9 , 10 . Từ những khái niệm nêu trên, nhóm tác giả đúc kết định nghĩa về chiến lược tự học từ vựng trực quan như sau: đây là chiến lược kết hợp các phương pháp học từ vựng thông qua các phương tiện trực quan (hình ảnh và âm thanh) để ghi nhớ từ vựng trong quá trình tự học.

Việc học từ vựng là vô cùng quan trọng vì nó truyền tải được ý tưởng và quan điểm của người sử dụng ngôn ngữ, ngoài ra, nếu muốn giao tiếp tốt hơn thì người học cần biết một khối lượng từ vựng nhiều hơn 5 . Không chỉ vậy, để học từ vựng hiệu quả thì việc sử dụng đúng chiến lược học tập là rất quan trọng và phụ thuộc vào nỗ lực và nhận thức đúng đắn của người học. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc học từ vựng bằng phương pháp trực quan đem lại rất nhiều lợi ích cho người học. Cụ thể, học bằng phương pháp trực quan giúp người học nhớ nghĩa của từ và cải thiện khả năng nhớ từ tốt hơn 11 . Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của việc học từ vựng trực quan, có không ít những thách thức cho SV. Đối với các SV học ngoại ngữ, việc hình thành thói quen học từ vựng một cách trực quan với họ vẫn còn khá xa lạ. Một số SV thiếu thời gian để học từ vựng, phụ thuộc nhiều vào các kỹ thuật ghi nhớ thuộc lòng 12 . Ngoài ra, còn có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc học từ vựng trực quan của người học. Chẳng hạn, yếu tố khách quan như nguồn học liệu trực quan khó có thể tiếp cận đến do hạn chế về bản quyền hay yếu tố chủ quan như SV quen cách học từ vựng truyền thống từ tiểu học đến trung học.

Nhận thấy những tình trạng đó và để đạt được mục đích của nghiên cứu, chúng tôi đặt ra câu hỏi nghiên cứu như sau: Đánh giá của SV về tầm quan trọng, lợi ích và thách thức của việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học từ vựng tiếng Nga như thế nào?

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là các SV chính quy khoa Ngữ văn Nga, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) từ năm 1 đến năm 4. Cuộc khảo sát được tiến hành để xem xét mức độ đánh giá của SV về tầm quan trọng, lợi ích và thách thức của việc áp dụng chiến lược này. Trong 139 phiếu khảo sát mà chúng tôi đã thu thập được, có 127 phiếu hợp lệ, chiếm tỷ lệ 91.4%. Trong đó, 127 phiếu hợp lệ này đều là phiếu khảo sát được thu thập từ các SV phản hồi rằng đã và đang áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong việc tự học tiếng Nga (xem Table 1 ). Như vậy, cỡ mẫu của một khảo sát định lượng đủ để đảm bảo cho yêu cầu hướng đến tính khách quan trong nghiên cứu. Thời gian lấy mẫu diễn ra vào học kỳ II năm học 2022-2023.

Table 1 Dữ liệu khảo sát về việc SV có áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan khi tự học từ vựng tiếng Nga hay không

Bảng hỏi và công cụ

Dựa vào thang đo Likert 5, chúng tôi đã thiết lập một phiếu khảo sát với 3 phần để đo lường mức độ đánh giá của SV về tầm quan trọng, lợi ích và thách thức của việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong việc tự học tiếng Nga. Phần 1 gồm 5 câu hỏi nhằm khảo sát mức độ đánh giá của SV về tầm quan trọng của việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan đối với tiếng Nga. Phần 2 được lập ra gồm 6 câu hỏi nhằm khảo sát mức độ đánh giá về các lợi ích mà chiến lược tự học từ vựng trực quan mang lại cho SV khi tự học từ vựng tiếng Nga. Cuối cùng, phần 3 cũng bao gồm 6 câu hỏi nhằm khảo sát mức độ đánh giá của SV về các thách thức trong việc áp dụng chiến lược tự học đó. Các phần của bảng hỏi được chúng tôi thiết kế bằng Google Form và mã hóa QR để SV thực hiện khảo sát bằng việc quét mã này, nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác cho cuộc khảo sát. Sau khi thực hiện khảo sát, nhóm chúng tôi đã xử lý dữ liệu bằng hai phần mềm MS Excel 365, SPSS 26.0, thống kê mô tả được thể hiện qua trung bình ± độ lệch chuẩn. Độ tin cậy của bảng hỏi được đo bằng thang đo Cronbach’s alpha, kết quả cụ thể được thể hiện trong Table 2 .

Table 2 Cronbach’s alpha (đo độ tin cậy của bảng hỏi)

Chỉ số Cronbach’s alpha ở tất cả các tiêu chí trong Table 2 đều ở mức cao từ 0.86 trở lên cho thấy bảng hỏi có tính nhất quán bên trong và độ tin cậy ở mức tốt trở lên với từng tiêu chí đã được tiến hành khảo sát.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Table 3 Tầm quan trọng của việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga

Nghiên cứu này đã sử dụng thang đo 5 mức độ Likert với 1 = “không đồng ý” và 5 = “hoàn toàn đồng ý”. Kết quả từ Table 3 cho thấy SV khoa Ngữ văn Nga, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đánh giá về tầm quan trọng của việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga ở mức độ đồng ý (M=4.2961, SD=0.68353). Trong đó, biến A1 được đánh giá cao nhất ở mức độ hoàn toàn đồng ý (M=4.50, SD=0.805), biến A5 được đánh giá thấp nhất ở mức độ đồng ý (M=4.16, SD=0.830), còn lại lần lượt theo mức độ thấp dần là biến A3 (M=4.24, SD=0.804), biến A2 (M=4.26, SD=0.726) và biến A4 (M=4.31, SD=0.753).

Table 4 Lợi ích của việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga

Theo số liệu từ Table 4 , SV cho rằng việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga mang lại nhiều lợi ích với mức độ đồng ý là M=4.1680, SD=0.68927. Trong đó, biến B3 được đánh giá cao nhất ở mức độ hoàn toàn đồng ý (M=4.24, SD=0.791), xếp sau đó theo mức độ giảm dần là biến B1 (M=4.19, SD=0.732), biến B6 (M=4.17, SD=0.814), biến B2 (M=4.16, SD=0.830), và tiêu chí được đánh giá thấp nhất ở mức độ đồng ý là biến B5 (M=4.09, SD=0.904).

Table 5 Thách thức của việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga

Dựa theo số liệu của Table 5 , có thể nhận thấy rằng SV đánh giá việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga còn tồn tại nhiều thách thức với mức độ đồng ý (M=3.7441, SD=0.73487). Trong đó, biến C5 được đánh giá cao nhất ở mức độ đồng ý (M=3.88, SD=0.923), biến C3 được đánh giá thấp nhất ở mức độ đồng ý (M=3.46, SD=0.982), còn lại lần lượt theo mức độ tăng dần là biến C2 (M=3.76, SD=0.897), biến C4 (M=3.78, SD=1.007) và biến C6 (M=3.81, SD=0.932).

Table 6 Chiến lược tự học từ vựng trực quan mà SV khoa Ngữ văn Nga áp dụng đối với tiếng Nga

Từ kết quả phân tích dữ liệu của Table 6 , SV cho rằng “Học qua mạng xã hội (Facebook, Instagram, Youtube, v.v.)” là chiến lược trực quan mà họ áp dụng nhiều nhất trong quá trình tự học từ vựng tiếng Nga với 79.1%; theo sau là chiến lược trực quan “Học qua các ứng dụng, trang web (Quizlet, Kahoot, v.v.)” với 68.7%. Tiếp đến là một số chiến lược như “Học qua từ điển hình ảnh”, “Học thông qua việc take note (ghi chú) trên các đồ vật dễ nhìn thấy”, “Học qua Flashcards giấy”, “Học qua mindmap (sơ đồ tư duy)” được đánh giá lần lượt là 49.6%, 38.3%, 30.4% và 14.8%. Các chiến lược khác được các bạn SV áp dụng chỉ chiếm 2.7% so với tổng số.

THẢO LUẬN

Kết quả phân tích dữ liệu nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy trong quá trình tự học từ vựng tiếng Nga, SV đã áp dụng rất nhiều chiến lược tự học từ vựng trực quan khác nhau (xem Table 6 ). Có thể thấy rằng việc áp dụng các chiến lược tự học trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga dường như đã khá thân thuộc với SV. Tuy nhiên, việc vận dụng các chiến lược này một cách đúng đắn và phù hợp sẽ góp phần nâng cao và cải thiện hiệu quả tự học từ vựng của SV lên đáng kể.

Ngoài ra, nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy được quan điểm của SV về việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan đối với tiếng Nga một cách rõ ràng. Đa số SV tham gia khảo sát đều đánh giá cao về tầm quan trọng của chiến lược tự học từ vựng trực quan trong việc tự học tiếng Nga. Đồng quan điểm với nghiên cứu của chúng tôi, trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Liu, Huang và Chien 5 , nhóm tác giả đã cho rằng việc học từ vựng trực quan đóng vai trò rất quan trọng từ việc chỉ ra hiệu quả của phương pháp ghi chú và học từ vựng trên máy tính xách tay. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã phản ánh và nêu lên tính cấp thiết và tầm quan trọng của phương pháp ghi chú - một trong những chiến lược tự học từ vựng trực quan. Một nghiên cứu khác của Kim và Gilman 6 cũng cho rằng việc áp dụng chiến lược tự học trực quan đóng vai trò quan trọng và đem lại nhiều hiệu quả đáng kể khi học ngoại ngữ. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả này đã khẳng định rằng một trong những cách hiệu quả để cải thiện việc học từ vựng chính là cung cấp hình ảnh minh họa ý nghĩa của từ vựng. Với nhiều SV, việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga đem lại cho họ rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như tiếp thu từ vựng nhanh và ghi nhớ được lâu hơn phương pháp học truyền thống, giúp cho việc phản xạ và kỹ năng giao tiếp của họ ngày càng được cải thiện và giúp cho người học cảm thấy hứng thú hơn vì phương pháp thú vị và không gây nhàm chán. Nghiên cứu của nhóm chúng tôi cũng có cùng quan điểm với một số nghiên cứu khác, trong đó có chỉ ra những lợi ích của việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan. Cụ thể, nghiên cứu của Rokni và Karimi 11 đã cho thấy rằng người học có thể thu được nhiều lợi ích hơn khi học từ thông qua chiến lược học trực quan và họ có thể nhớ nghĩa của từ tốt hơn; đồng thời, cách học này cải thiện khả năng nhớ từ. Không chỉ giúp người học nhớ từ vựng tốt hơn, việc học từ vựng trực quan còn giúp họ dễ nắm bắt từ vựng và biết cách áp dụng chúng trong thực tế xã hội. Một nghiên cứu khác của tác giả Bùi Thị Huyền 13 cũng đã cho thấy lợi ích về việc tăng khả năng ghi nhớ từ vựng và tiết kiệm thời gian học tập của chiến lược tự học từ vựng trực quan qua ứng dụng Quizlet với các tính năng giúp người học tạo flashcards từ vựng, hỗ trợ đa ngôn ngữ, hỗ trợ âm thanh giúp người học học cách phát âm, theo dõi việc học, luyện tập và kiểm tra từ vựng đa dạng và sinh động, thậm chí người học còn có thể chia sẻ kho từ vựng trực tuyến với người học khác.

Tuy nhiên, theo dữ liệu khảo sát SV mà chúng tôi đã thu thập được, thách thức khi áp dụng chiến lược này vào quá trình tự học tiếng Nga của SV xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Đối với các SV học ngoại ngữ, việc hình thành thói quen học từ vựng một cách trực quan với họ vẫn còn khá xa lạ. Cùng quan điểm với nhóm chúng tôi, một nghiên cứu của Binti Robani và Majid 12 đã phát hiện ra rằng các vấn đề học từ vựng do vô số yếu tố gây ra. Chẳng hạn, những SV này đã chỉ ra rằng họ thiếu thời gian để tự học từ vựng và quá trình tự học từ vựng chỉ có thể được thực hiện trong thời gian rảnh rỗi khi họ đọc tiểu thuyết và chơi trò chơi. Họ cũng phụ thuộc nhiều vào các kỹ thuật ghi nhớ thuộc lòng, điều này thật sự vô cùng khó khăn đối với những SV có kỹ năng ghi nhớ kém. Đồng thời, để SV có khả năng tự học từ vựng trực quan một cách hiệu quả hơn, họ cũng cần nhận được sự hướng dẫn cơ bản về cách áp dụng các chiến lược tự học này sao cho phù hợp và có hiệu quả cao từ giáo viên của mình trong những buổi học vỡ lòng đầu tiên.

Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp cho các bạn SV có một cái nhìn cụ thể hơn về việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học tiếng Nga. Mục tiêu trước mắt là cải thiện và nâng cao vốn từ vựng cho các bạn SV. Hạn chế của nghiên cứu này là số lượng mẫu. Số lượng 127 SV khoa Ngữ văn Nga là cỡ mẫu tương đối nhỏ và tập trung ở một khoa thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM; vì vậy, tính khái quát của nghiên cứu chưa cao. Nhóm nghiên cứu đề xuất các nghiên cứu trong tương lai có thể tiến hành trên cỡ mẫu lớn hơn với các đối tượng SV chuyên ngành thuộc các đại học khác nhau, đồng thời mở rộng nghiên cứu trên đối tượng giảng viên để có một góc nhìn toàn diện và chính xác hơn về vấn đề nghiên cứu này.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu đã cung cấp một góc nhìn khái quát về việc áp dụng chiến lược tự học từ vựng trực quan trong quá trình tự học của SV; qua đó, nhóm nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng, lợi ích cũng như thách thức trong việc áp dụng chiến lược này đối với SV. Mặc dù kết quả nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn SV nhận thức được tầm quan trọng cũng như các lợi ích của chiến lược tự học từ vựng tiếng Nga trực quan, nhưng vẫn tồn tại một số thách thức thiên về yếu tố chủ quan ở SV, chẳng hạn như ý thức tự học từ vựng tiếng Nga trực quan của SV chưa cao hay SV vẫn giữ thói quen tự học từ vựng tiếng Nga theo hình thức truyền thống. Do vậy, chính bản thân SV phải luôn là người nhận thức được sự thiếu hụt từ vựng và khát khao học tập, cải thiện vốn từ của mình cũng như luôn sẵn sàng kết hợp nhiều cách khác nhau để nâng cao vốn từ vựng, vì đó chính là chìa khóa cho sự thành công trong việc học bất kỳ một ngoại ngữ nào, không chỉ riêng tiếng Nga. Chúng tôi hy vọng rằng bài viết sẽ giúp người học nhìn nhận được tầm quan trọng, lợi ích cũng như thách thức mà chiến lược này mang lại, nhằm tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới trong hoạt động tự học từ vựng tiếng Nga của người học, giúp họ tiến bộ hơn trong việc vận dụng các kỹ năng sử dụng tiếng Nga của mình.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học SV hệ Chính quy (chương trình chuẩn) năm học 2022-2023.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

SV: Sinh viên

ĐH KHXH&NV: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

M: Mean (Giá trị trung bình)

SD: Standard Deviation (Độ lệch chuẩn)

N: Tổng số người tham gia khảo sát

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Các tác giả cùng thảo luận về ý tưởng, sưu tầm tư liệu và khảo sát.

Tác giả Nguyễn Lê Ánh Phương: Phác thảo đề cương, thiết kế nghiên cứu, xử lý dữ liệu khảo sát và chỉnh sửa hiệu đính bản thảo.

Tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa viết các phần: Tóm tắt và thảo luận.

Tác giả Trương Thị Thu An viết các phần: Đặt vấn đề và kết luận.

Tác giả Lý Thanh Tâm viết các phần: Kết quả nghiên cứu và danh mục từ viết tắt.

Tác giả Phan Thị Ngọc Hân viết các phần: Phương pháp nghiên cứu và tài liệu tham khảo.

References

  1. Nguyễn Ngọc Anh. Thực trạng học tiếng Nga ở Việt Nam. Trong Hội thảo khoa học quốc gia "Dạy-học và nghiên cứu tiếng Nga tại Việt Nam trong giai đoạn mới"; Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội; 2015. tr.233-240. . ;:. Google Scholar
  2. Khuông Thị Thu Trang. Những khó khăn trong việc học phát âm tiếng Nga và giải pháp khắc phục. Trong Hội thảo khoa học quốc gia (UNC): Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam; Hà Nội: Đại học Quốc Gia Hà Nội; 2022. tr.508-514. . ;:. Google Scholar
  3. Азимов ЭГ, Щукин АН. Новый словарь методических терминов и понятий (теория и практика обучения языкам). 2009. стр.120. . ;:. Google Scholar
  4. Kulikova O. Vocabulary learning strategies and beliefs about vocabulary learning: a study of beginning university students of Russian in the United States [PhD thesis]. USA, Iowa: The University of Iowa; 2015. . ;:. Google Scholar
  5. Liu MC, Huang YM, Chien YC. Facilitating vocabulary note taking on computers through the deep processing strategy. Journal of Educational Computing Research. 2019;56(8):1296-1323. . ;:. Google Scholar
  6. Kim D, Gilman DA. Effects of text, audio, and graphic aids in multimedia instruction for vocabulary learning. Journal of educational technology & society. 2008;11(3):114-126. . ;:. Google Scholar
  7. Phillips JJ, Phillips PP. Handbook of training evaluation and measurement methods. New York: Routledge; 2016. p.489. . ;:. Google Scholar
  8. Нецветаева ВО, Кочеткова ЛГ. Увеличение словарного запаса на раннем этапе изучения иностранных языков. Международный научный журнал «Развитие образования». 2022;5:1-5. . ;:. Google Scholar
  9. Đỗ Thị Lan. Tinh thần tự học - một phần tất yếu trong cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm. Trong Hội nghị "Chuyển đổi số: Cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm ứng dụng trong phương pháp dạy học kết hợp"; TP. Hồ Chí Minh: Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh; 2023. tr. 183-199. . ;:. Google Scholar
  10. Избенко ГВ. Особенности автономного обучения. В Конференции «Образование и культура как фактор развития региона»; Киров: Издательство АНО ДПО; 2020. стр.36-38. . ;:. Google Scholar
  11. Rokni SJA, Karimi N. Visual instruction: An advantage or a disadvantage? What about its effect on EFL learners' vocabulary learning. Asian journal of social sciences & humanities. 2013;2(04):236-243. . ;:. Google Scholar
  12. Binti Robani R, Majid FA. Vocabulary learning strategies among Malaysian TEVT students in German-Malaysian Institute (GMI). Procedia-social and behavioral sciences. 2014;123:361-368. . ;:. Google Scholar
  13. Bùi Thị Huyền. Ứng dụng quizlet trong dạy và học từ vựng học phân tích tiếng Anh cơ bản tại trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh. Bản tin Khoa học và Công nghệ QUI. 2021;57:35-40. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 3 (2023)
Page No.: 2098-2105
Published: Sep 30, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.863

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyễn, P., Nguyen Thi, K. T., Truong Thi, T. A., Ly, T. T., & Phan Thi, N. H. (2023). The perspectives of students from the Faculty of Russian Linguistics and Literature, University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City on the application of visual vocabulary self-study strategy. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(3), 2098-2105. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.863

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 610 times
PDF   = 262 times
XML   = 0 times
Total   = 262 times