VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

289

Total

165

Share

The government of the Republic of Vietnam exercised and defended its sovereignty over the Spratly Islands (1956-1975)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The Republic of Vietnam regime was established in 1955 on the basis of inheriting the State of Vietnam of Bảo Đại (1949-1955). According to the provisions of the Geneva Agreement (July 1954), the government of the Republic of Vietnam directly managed the territory of the south of the 17th parallel, including the Paracels and Spratly Islands. In fact, the government of the Republic of Vietnam took over the management of the Spratly Islands from the French Government in 1956. During the period 1956-1975, the government of the Republic of Vietnam made many efforts to affirm and consolidate the sovereignty over the Spratly Islands. In addition, the government of the Republic of Vietnam has also fought fiercely with countries in the region to protect Vietnam's sovereignty over the Spratly Islands in various forms. The activities to enforce and protect the sovereignty of the government of the Republic of Vietnam took place continuously, which clearly showed that the Spratly Islands was an integral part of the territory of Vietnam. On that basis, the article focuses on clarifying the following contents: 1) the process of taking over the Spratly Islands by the government of the Republic of Vietnam (1955-1956), 2) the process of exercising the sovereignty of the Republic of Vietnam government over the Spratly Islands in the period 1956-1973, and 3) the government of the Republic of Vietnam sending troops to station, directly managing, and fighting for the sovereignty over the Spratly Islands (1974-1975).

Mở đầu

Năm 1954, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ba nước Đông Dương giành thắng lợi to lớn, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954) của nhân dân Việt Nam, buộc Chính phủ thực dân Pháp phải tiến hành đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ký kết Hiệp định Genève về việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 08/5/1954, Hội nghị Genève về vấn đề Đông Dương chính thức bắt đầu. Tham dự Hội nghị bao gồm đại diện 9 đoàn: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại), Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Trải qua hơn hai tháng đàm phán, thương lượng với tổng số 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, bao gồm ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước (Việt Nam, Lào, Campuchia) và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Hiệp định Genève chính thức công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh do người Pháp tiến hành ở Đông Dương.

Theo Điều 1 của Hiệp định Genève, “ một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ, để lực lượng của hai bên, sau khi rút lui, sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy: Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, Lực lượng Quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến ” [ 1 , tr.50-62]. Giới tuyến quân sự tạm thời trên đất liền nằm ngay con sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17) nên cầu Hiền Lương bắc qua con sông Bến Hải trở thành giới tuyến lịch sử. “ Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo mỗi đường thẳng góc với đường ven biển ” (Điều 4 Hiệp định) [ 1 , tr.50-62]. Và “ trong khi đợi tổng tuyển cử để thực hiện thống nhất nước Việt Nam [dự kiến là 2 năm] , bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản trị hành chính ở vùng ấy ” (Điều 14 Hiệp định) [ 1 , tr.50-62]. Cũng trên cơ sở đàm phán, Chính phủ Pháp sẽ chuyển quân tập kết vào phía nam vĩ tuyến 17 cùng với quân đội Quốc gia Việt Nam, đồng thời lên kế hoạch rút quân về nước và chuyển giao quyền quản lý thực tế toàn bộ cho chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại.

Như vậy, chiếu theo Hiệp định Genève, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở phía nam vĩ tuyến 17 sẽ thuộc quyền quản lý của chính quyền Quốc gia Việt Nam quản lý. Trên thực tế, việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau năm 1954 vẫn do quân đội Pháp đảm nhận . Như vậy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thông qua các điều khoản của Hiệp định Genève, được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Quốc gia Việt Nam, lúc ấy hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp.

Quá trình tiếp quản quần đảo Trường Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1955-1956)

Trong khi Hội nghị Genève đang diễn ra, Bảo Đại đã bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (16/6/1954) 2 . Ngày 07/7/1954, Ngô Đình Diệm thành lập Nội các gồm 18 thành viên đều thân Diệm. Mặc dù tham gia Hội nghị Genève, nhưng đại diện Quốc gia Việt Nam và Mỹ đều không ký vào bản Hiệp định cuối cùng. Ngày 20/8/1954, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã ra Quyết định NSC 5429/2 với nội dung cơ bản là: Pháp phải nhanh chóng rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam và phải ủng hộ Ngô Đình Diệm; Mỹ trực tiếp viện trợ cho chính quyền Sài Gòn không qua Pháp; loại bỏ Bảo Đại, tay sai lâu đời của Pháp 3 . Trên cơ sở đó, Mỹ bắt tay vào việc giúp đỡ Ngô Đình Diệm xây dựng một chính quyền “thân Mỹ” ở miền Nam Việt Nam. Bất chấp điều khoản ràng buộc của Hiệp định Genève “cấm tăng thêm vào Việt Nam mọi bộ đội và nhân viên quân sự”, Hoa Kỳ tìm mọi cách đưa các nhân viên quân sự (cố vấn quân sự) vào miền Nam Việt Nam trợ giúp cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ năm 1955, Hoa Kỳ đưa đội ngũ cố vấn sang miền Nam Việt Nam giúp Ngô Đình Diệm xây dựng lực lượng quân sự và bộ máy “nhà nước”. Ngày 12/02/1955, Chính phủ Mỹ đã quyết định các viện trợ quân sự của Mỹ sẽ chuyển trực tiếp cho Chính phủ Ngô Đình Diệm.

Từ tháng 3/1955, Chính phủ Mỹ hậu thuẫn cho Ngô Đình Diệm tiến hành truất phế Bảo Đại, dựng lên chế độ “thuộc địa kiểu mới” ở miền Nam Việt Nam. Ngày 17/7/1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố không có hiệp thương tổng tuyển cử vì không bị ràng buộc bởi Hiệp định Genève. Ngày 23/10/1955, Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý” phế truất Bảo Đại và lên làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam 4 . Chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ra đời ngày 26/10/1955 với Hiến ước tạm thời và được chính thức hóa một năm sau đó với Hiến pháp ngày 26/10/1956 . Các văn bản pháp lý do Việt Nam Cộng hòa công bố sau đó đều khẳng định rõ sự kế tục của chính thể này từ Quốc gia Việt Nam. Như vậy, từ tháng 10/1955, Việt Nam Cộng hòa sẽ thay thế Quốc gia Việt Nam quản lý trực tiếp toàn bộ khu vực phía nam vĩ tuyến 17, trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây sức ép buộc Chính phủ Pháp mau chóng rút hết quân đội về nước, chuyển giao toàn bộ quyền quản lý thực tế miền Nam Việt Nam cho Việt Nam Cộng hòa, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với vấn đề quần đảo Hoàng Sa, quân đội Pháp sẽ rút quân và chuyển giao quyền quản lý lại cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Riêng đối với quần đảo Trường Sa, Chính phủ Pháp vẫn bảo lưu quyền quản lý của mình đối với quần đảo này do quần đảo này vẫn thuộc quyền quản lý của Chính phủ Pháp chứ không phải Quốc gia Việt Nam.

Tháng 7/1955, Bộ Công chính của Quốc gia Việt Nam yêu cầu người Pháp hỗ trợ tổ chức một chuyến thám hiểm kinh tế đến quần đảo Trường Sa, tuy nhiên viên Tư lệnh các lực lượng Pháp ở Viễn Đông không đồng ý yêu cầu này thông qua việc viện dẫn ý kiến của Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc về Liên hiệp Pháp, chứ không phải Quốc gia Việt Nam theo những thỏa thuận từ năm 1949. Ngoại trưởng Pháp khẳng định quyền của Pháp ở quần đảo Trường Sa là “rõ ràng và vững chắc”, và cần thiết tránh một cuộc tranh cãi công khai với chính quyền (Nam) Việt Nam có thể phục vụ lợi ích của một số cường quốc nước ngoài 5 . Thực tế, Chính phủ Pháp đã cho rút dần lực lượng ra khỏi quần đảo Trường Sa từ trước, và tại thời điểm này không còn lực lượng quản lý trực tiếp ở trên toàn bộ quần đảo Trường Sa. Tháng 01/1956, tàu chiến Pháp Francis Garnier đã được chỉ thị ra một số đảo trên quần đảo Trường Sa, để phá hủy tất cả các dấu hiệu chủ quyền nước ngoài và dựng lên cơ sở chủ quyền mới của Pháp 6 . Tuy nhiên đây là lần cuối cùng tàu chiến Pháp ra quần đảo Trường Sa 7 . Trong đầu năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa buộc Chính phủ Pháp phải mau chóng rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, và lần lượt cho lực lượng tiếp quản các vùng do quân đội Pháp chuyển giao. Phải đến tháng 4/1956, quân đội Pháp mới chính thức rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chính sự chậm trễ rút quân và chuyển giao quyền tiếp quản cho Việt Nam Cộng hoa từ phía Pháp đã tạo điều kiện cho các nước khác ở trong khu vực lợi dụng tình hình này để chiếm đóng trái phép nhiều đảo quan trọng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 5/1956, Tomás Cloma - một nhà thám hiểm người Philippines tuyên bố phát hiện ra quần đảo Trường Sa trên cơ sở phát hiện và chiếm hữu (discovery and occupation) 8 [ 9 , tr.130-133] 10 . Ngay lập tức, chính quyền Việt Nam Cộng hòa phản ứng mạnh mẽ. Ngày 01/6/1956, Ngoại trưởng chính quyền Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu đã phản đối các yêu sách chủ quyền của các nước khác, đồng thời tuyên bố chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam không chỉ ở quần đảo Hoàng Sa, mà còn cả quần đảo Trường Sa, luôn là một phần của lãnh thổ Việt Nam 11 . Tuyên bố của chính quyền Việt Nam Cộng hòa không nhận sự phản đối nào của Chính phủ Pháp vốn trước đó luôn khẳng định quyền của mình ở quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phản ứng của Việt Nam Cộng hòa, Đài Loan (lúc này là Trung Hoa Dân Quốc) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng lên tiếng phản đối tuyên bố của Tomás Cloma. Trước thực tế này, đầu tháng 6/1956, chính quyền Đài Loan cho lực lượng hải quân ra khảo sát một số đảo ở quần đảo Trường Sa, và đến tháng 10/1956 thì cho lực lượng hải quân chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình (Itu Aba) - đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa . Trong khi đó, những can dự (ở mức độ tuyên bố) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với quần đảo Trường Sa lúc này vẫn không rõ ràng và thiếu cơ sở pháp lý. Như vậy, lợi dụng thời điểm “tranh tối tranh sáng” của lịch sử, chính quyền Đài Loan đã cho quân chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình – đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền hợp pháp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Quá trình thực thi chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Trường Sa (1956-1973)

Sau khi quân đội Pháp rút hết khỏi Việt Nam cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (4/1956), chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho lực lượng ra tiếp quản, tổ chức quản lý và đóng giữ. Quần đảo Trường Sa, khi phía Việt Nam Cộng hòa tiếp quản, đang trực thuộc tỉnh Bà Rịa [ 12 , tr.28] .

3.1. Về quản lý hành chính, ngày 22/10/1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh số 143-NV về việc cải tổ các đơn vị hành chính tại Việt Nam Cộng hòa, cho thành lập tỉnh Phước Tuy trên cơ sở tỉnh Bà Rịa cũ. Trong đó, nói rõ quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy. Như vậy, Tỉnh trưởng Phước Tuy là người có trách nhiệm về hành chính và an ninh lãnh thổ trên quần đảo này. Trên thực tế, sự sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy là một sự thay đổi cần thiết về phương diện hành chính lãnh thổ chiếu theo yêu cầu của tình hình lúc bấy giờ. Sự kiện này thể hiện rõ quá trình thực thi chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Trường Sa vốn được chính quyền này khẳng định rõ từ tháng 6/1956. Đến ngày 30/01/1957, Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ra Nghị định số 6-BNV/HC/NĐ ấn định các đơn vị hành chánh tỉnh Phước Tuy, trong đó quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục ban hành các Nghị định số 76/BNV/HC/ND ngày 20/3/1958 và Sắc lệnh số 34/NV ngày 29/01/1959 về việc sửa đổi các đơn vị hành chính ở tỉnh Phước Tuy, trong đó quần đảo Trường Sa vẫn thuộc tỉnh Phước Tuy và xem như là một đơn vị hành chính độc lập.

Ngày 09/01/1973, Hội đồng Nội các của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa họp để ra quyết định cải tổ việc quản lý hành chính đối với quần đảo Trường Sa 13 . Sau đó, Hội đồng tỉnh Phước Tuy cũng có phúc trình đề nghị Chính phủ cho phép sáp nhập quần đảo Trường Sa vào đơn vị hành chính cơ sở của tỉnh. Tháng 7/1973, nhằm chuẩn bị cho các dự án hợp tác khai thác ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Viện Khảo cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển Nông nghiệp và Điền địa Sài Gòn tiến hành khảo sát đảo Nam Ai (Nam Yết) thuộc quần đảo Trường Sa . Chuyến khảo sát của Viện Khảo cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển Nông nghiệp và Điền địa Sài Gòn ở quần đảo Trường Sa có sự hộ tống của lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Đến ngày 06/9/1973, trước những diễn biến phức tạp từ phía Trung Quốc trên Biển Đông cũng như tham khảo đề xuất từ phía Hội đồng tỉnh Phước Tuy, Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa Lê Công Chất ký Nghị định số 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập các đảo Trường Sa (Spratly), An Bang (Amboyna Cay), Thái Bình (Itu-Aba), Song Tử Đông (Northcaest Cay), Song Tử Tây (Southwest Cay), Loại Ta (Loaita), Thị Tứ (Thi Tu), Nam Ai (Namyit), Sinh Tồn (Sinh cowe) và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ của tỉnh Phước Tuy 14 . Như vậy, quần đảo Trường Sa chính thức sáp nhập vào một xã hành chính thuộc quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy theo đề xuất của Hội đồng tỉnh Phước Tuy vào đầu năm 1973. Về cơ bản, sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Trường Sa có tính liên tục và xuyên suốt.

3.2. Trên thực tế, song song với các hoạt động quản lý về mặt hành chánh, xây dựng hệ thống pháp luật quản lý quần đảo Trường Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiến hành việc thực thi và khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa thông qua các hoạt động đồn trú, xây cột bia chủ quyền và trương cờ tại các đảo.

Ngay sau khi quân đội Pháp rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho lực lượng hải quân ra kiểm soát và xác lập chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Theo các báo cáo ghi lại, ngày 22/8/1956, phái bộ thị sát quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên tàu Hộ tống hạm Tuy Đông (HQ04) đã tiến hành đợt khảo sát toàn bộ quần đảo Trường Sa. Trong quá trình này, lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa cũng đã xây dựng hai bia khẳng định chủ quyền ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết, thể hiện sự kiểm soát chính thức của lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng hòa ở quần đảo Trường Sa . Trong khoảng thời gian 1957-1960, lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa vẫn tiến hành các hoạt động tuần tra bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhưng không để lại quân đồn trú thường trực.

Trước những diễn biến phức tạp của các nước trong khu vực, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chú trọng việc tuần tra và tiến hành các hoạt động khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa. Cụ thể, từ ngày 11 đến 16/6/1961, Hộ tống hạm Vạn Kiếp (HQ02) và Vân Đồn (HQ06) thuộc lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa đã cho lực lượng đến kiểm soát các đảo Song Tử Tây, Thị Tứ, Loại Ta và An Bang, tiến hành các hoạt động xây dựng để chuẩn bị cho quá trình đồn trú. Ngày 29 và 30/6/1962, các tàu Hộ tống hạm Tuy Đông (HQ04) và Tây Kết (HQ05) thuộc lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa đổ quân kiểm soát Song Tử Tây và Trường Sa. Tiếp đó, từ ngày 17 đến 22/5/1964, hộ tống hạm Đống Đa II (HQ07) và Tây Kết (HQ05) thuộc lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa cũng tiến hành kiểm soát các đảo Trường Sa, An Bang, Nam Yết và Loại Ta thuộc quần đảo Trường Sa 15 .

Từ 1961 đến 1963, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây, Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta. Đợt hành quân lớn để trùng tu bia chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa được lực lượng hải quân tiến hành từ ngày 19 đến 24/5/1963. Đợt trùng tu này do Hải vận hạm Hương Giang (HQ404), Hộ tống hạm Chi Lăng (HQ08) và Kỳ Hòa (HQ09) phụ trách tiến hành. Cụ thể, ngày 20/5/1963 dựng bia chủ quyền trên đảo An Bang; ngày 22/5/1963 dựng bia chủ quyền trên đảo Thị Tứ; và ngày 24/5/1963 dựng bia chủ quyền trên đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây. Mỗi lần tiến hành các chuyến tuần tra, khảo sát các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa đều tiến hành trùng tu và các quét dọn các bia chủ quyền và các cơ sở xây dựng trên các đảo nhằm khẳng định chủ quyền và sự kiểm soát thực tế đối với quần đảo Trường Sa.

Đối mặt với ý đồ xâm lấn ngày càng tăng của Đài Loan và cả Philippines ở quần đảo Trường Sa, lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa đã triển khai một loạt các hoạt động nhằm tái khẳng định quyền kiểm soát đối với quần đảo này. Trên thực tế, các cuộc tuần tra thường xuyên của hải quân Việt Nam Cộng hòa trên quần đảo quần đảo Trường Sa vẫn tiếp tục đến năm 1964 [ 16 , tr.8], mặc dù tần suất các cuộc tuần tra đã giảm đáng kể sau năm 1963 do cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam. Giai đoạn 1960-1967, lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện một số cuộc khảo sát và lập bản đồ trên 14 điểm của quần đảo Trường Sa ở các đảo An Bang, Thị Tứ, Loại Ta và cụm Song Tử. Năm 1967, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ thị cho lực lượng công binh thiết lập một phi trường tại đảo Trường Sa nhưng đã không thực hiện được vì các đảo quá nhỏ, không đủ lập chiều dài của một phi đạo ngắn nhất [ 17 , tr.30].

Tuy nhiên, cho đến trước năm 1973, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn không cho lực lượng trú đóng chính thức trên bất kỳ đảo nào trên quần đảo Trường Sa, một phần do điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở đây và một phần do tập trung lực lượng vào cuộc đối đầu với lực lượng cách mạng miền Nam vốn phát triển mạnh mẽ từ sau cao trào Đồng khởi năm 1960 [ 18 , tr.10]. Lợi dụng sự hiện diện không thường trực của lực lượng Việt Nam Cộng hòa, từ năm 1970-1971, Philippines đã lần lượt chiếm 5 đảo và đá tại quần đảo Trường Sa gồm Song Tử Đông (Northeast Cay - Parola island), Thị Tứ (Thitu Island - Pagasa island), Loại Ta (Loaita island – Kota island), Vĩnh Viễn (Nanshan island - Lawak island) và Dừa (West York island – Likas island) [ 19 , tr.46] 20 . Trong số đó, ba đảo Song Tử Đông, Thị Tứ và Loại Ta đã được lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa dựng bia chủ quyền trong tháng 5/1963. Trong đó, đáng chú ý nhất là các đảo Song Tử Đông, Thị Tứ và Loại Ta đều là những đảo có diện tích lớn của quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên Philippines có sự hiện diện tại quần đảo Trường Sa. Philippines đã âm thầm chiếm đóng trái phép các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào và không nước nào trong khu vực biết, ngay cả chính quyền Việt Nam Cộng hòa là chủ thể đang quản lý quần đảo này vào thời điểm đó. Đến đầu năm 1974, Philippines duy trì một đại đội thủy quân lục chiến chiếm đóng 5 đảo trên 21 .

3.3. Song song với các hoạt động thiết lập tính “chính danh” về chủ quyền, chính quyền Việt Nam Cộng hòa còn tổ chức các hoạt động trên mặt trận ngoại giao nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa.

Tháng 4/1956, ngay khi Pháp rút quân khỏi Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho lực lượng ra tiếp quản các đảo và quần đảo nằm ở phía nam vĩ tuyến 17. Đầu tháng 6/1956, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu đã ra tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa [và Hoàng Sa] và tái khẳng định quyền sở hữu đối với quần đảo Trường Sa [và quần đảo Hoàng Sa] và đưa ra một tham chiếu cụ thể đến tuyên bố [của Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu] tại Hội nghị quốc tế San Francisco năm 1951 [ 16 , tr.9]. Ngày 16/6/1956, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và Cộng hòa Philippines đều nhận quần đảo Trường Sa là của họ, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đối với phương án giải quyết các tranh chấp chủ quyền, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thống nhất chủ trương nhất quán: “ Việt Nam Cộng hòa lúc nào cũng sẵn sàng theo phương thức thương nghị ôn hòa để giải quyết tranh chấp quốc tế22 . Trên mặt trận đối ngoại, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn luôn khẳng định rõ quan điểm “chủ quyền không thể chối cãi” của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đầu thập niên 1970, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục phản đối những yêu sách chủ quyền của các nước trong khu vực đối với quần đảo Trường Sa. Ngày 03/02/1971, Đại sứ Malaysia tại Sài Gòn gửi một công hàm cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa nói một cách dè dặt rằng họ có chủ quyền đối với vùng phía Nam quần đảo Trường Sa mà họ gọi là nước Cộng hòa Morac Songhrati Meads nằm trong Liên bang Malaysia. Ngày 20/4/1971, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã gửi một Điệp văn số 1858/AC/TBD cho Sứ quán Malaysia giải thích và xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Trường Sa, đáp lại yêu sách về chủ quyền của Malaysia đối với một số đảo trong quần đảo Trường Sa 15 [ 23 , tr.127]. Trước phản ứng của phía Việt Nam Cộng hòa, chính quyền Malaysia im lặng không tỏ thái độ gì.

Đầu năm 1971, Chính phủ Philippines bắt đầu đưa ra yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trên cơ sở 5 đảo đã chiếm trước đó. Vào ngày 13/7/1971, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm cũng đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị lần thứ VI của Hiệp hội các Quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Manila (Philippines). Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm, Nha Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao đã ra Thông báo số 214/BNG/TTBC/TT ngày 15/7/1971 với nội dung nêu rõ: “ Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa long trọng xác nhận lại một lần nữa chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thật vậy, trên căn bản lịch sử và pháp lý, chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên hai quần đảo này đã được thể hiện từ nhiều thế kỷ nay… Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố Việt Nam Cộng hòa có chủ quyền hoàn toàn trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và bác bỏ tất cả các đòi hỏi của bất cứ một quốc gia nào về vấn đề này24 .

Trước áp lực từ các bên đưa yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tỏ thái độ dứt khoát trong việc giải quyết các tranh chấp trên quần đảo này thông qua các tuyên bố ngoại giao. Tuy nhiên, trước những động thái tăng quân của Đài Loan ở đảo Ba Bình và đẩy mạnh quá trình tiến chiếm các đảo ở quần đảo Trường Sa của Philippines, bên cạnh tấn công ngoại giao, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã bắt đầu lên kế hoạch đưa quân lên trú đóng trên các đảo với mục đích khẳng định chủ quyền và bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa quân đội ra trú đóng, trực tiếp quản lý và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (1974-1975)

Đầu năm 1972, vấn đề giải quyết tranh chấp đã được ghi vào trong chương trình nghị sự của Hội đồng Nội các Việt Nam Cộng hòa để thảo luận. Một đề nghị đã được lưu ý giao phó cho Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa nghiên cứu vấn đề, giải quyết và phối hợp hành động để thu hồi chủ quyền của Việt Nam trên các đảo đang bị lực lượng nước ngoài chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [ 17 tr.111].

Vào tháng 5/1973, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho lực lượng tiến hành các hoạt động diễn tập và khảo sát trên các tuyến đảo trong quần đảo Trường Sa. Thông qua các kết quả đạt được, lực lượng Hải quân đã trình kế hoạch cho Hội đồng Nội các Việt Nam Cộng hòa về sự cần thiết lập sự hiện diện quân sự trên một số đảo lớn ở quần đảo Trường Sa như Nam Yết, Trường Sa, Song Tử Tây, Song Tử Đông… Đề nghị của lực lượng Hải quân đã được Hội đồng Nội các Việt Nam Cộng hòa chấp thuận. Nhiệm vụ khảo sát lên kế hoạch đưa lực lượng quân đội ra kiểm soát, quản lý và bảo vệ các đảo trong quần đảo Trường Sa được Chính phủ giao cho lực lượng hải quân phụ trách. Đầu tháng 7/1973, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị cho Quân Đoàn III tổ chức và chỉ huy một lực lượng đặc nhiệm ra khảo sát thực tế tại quần đảo Trường Sa, dự kiến sẽ tiến hành thám sát đảo Nam Yết để sửa soạn việc xây cất doanh trại và tạo điều kiện trú đóng cho lực lượng địa phương quân đưa ra chiếm đóng đảo 25 . Ngày 10/7/1973, Tuần dương hạm Trần Quốc Toản (HQ 6) rời Sài Gòn ra đảo Nam Yết tuần tra, thám thính. Đến nơi, lực lượng Việt Nam Cộng hòa có đụng độ với lực lượng Đài Loan đang có mặt gần đảo Nam Yết. Lực lượng Việt Nam Cộng hòa sau đó đã tiến hành cắm cờ, xác lập chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa ở đảo, đồng thời duy trì một lực lượng đồn trú giữ đảo. Báo cáo gửi về cho Hội đồng Nội các Việt Nam Cộng hòa đã buộc Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết định tổ chức cuộc hành quân đổ bộ đóng quân thường trực trên đảo Nam Yết.

Tháng 8/1973, Dương vận hạm Quy Nhơn (HQ 504) đưa lực lượng Địa phương quân thuộc Tiểu khu Phước Tuy và Trung đội Công binh ra đảo Nam Yết. Sau đó, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) được phái ra tăng cường. Cuộc hành quân diễn ra thành công, đưa lực lượng Địa phương quân của Tiểu khu Phước Tuy ra trấn thủ đảo Nam Yết. Với sự có mặt chính thức của 64 binh lính ở đảo Nam Yết 26 , lần đầu tiên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thiết lập sự hiện diện thường trực của họ ở quần đảo Trường Sa vốn được họ xác định chủ quyền từ lâu. Đảo Nam Yết trở thành nơi đặt trung tâm chỉ huy của lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng trên các đảo ở quần đảo Trường Sa. Hành động của Việt Nam Cộng hòa cũng có thể được xem là phản ứng trước sự kiện Đài Loan tái xác nhận chủ quyền của họ trên quần đảo Trường Sa và tăng quân ra đảo Ba Bình.

Sau sự kiện Trung Quốc cho quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (01/1974), chính quyền Việt Nam Cộng hòa đẩy mạnh việc phòng thủ cho quần đảo Trường Sa. Ngay trong tháng 01/1974, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cử một phái đoàn của Bộ Nội vụ ra để khảo sát quần đảo Trường Sa. Đoàn khảo sát đã có báo cáo cụ thể với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đề nghị cho lực lượng ra bảo vệ quần đảo Trường Sa. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giao cho Bộ Tổng tham mưu điều động Tiểu đoàn 2 Thủy quân lục chiến thuộc Quân đoàn III ra quần đảo Trường Sa để củng cố hệ thống phòng thủ chiến đấu ở các đảo quan trọng trong quần đảo này. Sau đó, Quân đoàn III quyết định giao việc phòng thủ quần đảo Trường Sa cho Tiểu khu Phước Tuy. Mười ngày sau đó, các chiến hạm Viêt Nam đã đổ quân lên quần đảo Trường Sa vài trăm hải lý về hướng Nam để ngăn ngừa bị cưỡng chiếm từ phía Trung Quốc [ 27 , tr.638].

Ngày 30/1/1974, Hải vận hạm Tiền Giang (HQ405) và Hộ tống hạm Đống Đa (HQ07) thực hiện cuộc hành quân mang tên Chiến dịch Trần Hưng Đạo 48 để đưa Đại đội 4, Tiểu đoàn 371 Địa phương quân tỉnh Phước Tuy ra trấn thủ 5 đảo ở quần đảo Trường Sa, bao gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa [Trường Sa Lớn], Sinh Tồn và An Bang . Điện văn từ Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gởi về Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/01/1974 báo cáo: “Nguồn tin từ Hãng Thông tấn UPI trong ngày 31/01/1974 đã tường thuật về việc một lực lượng hải quân Việt Nam [Cộng hòa] gồm Khu trục hạm Trần Hưng Đạo, Tuần dương hạm HQ 5 và 1 chiếc Dương vận hạm mang theo một đại đội Địa phương quân thuộc tỉnh Phước Tuy rời Vũng Tàu ngày hôm qua 30/01/1974 trên đường đến 5 đảo không người ngoài Trường Sa. Những đảo này là: đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa, đảo An Bang, đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca. UPI nhấn mạnh là đảo Sơn Ca nằm gần đảo Ba Bình, trên đó có quân đội trú phòng của Đài Loan” 28 . Cũng theo báo cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn ngày 31/01/1974, “cuộc hành quân này chỉ có mục đích thiết lập sự hiện diện của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo không bị chiếm đóng. Chỉ huy trưởng lực lượng đã nhận được lệnh không được có hành động khiêu khích đối với bất cứ lực lượng nào có thể có mặt trong vùng và không cố gắng đưa quân lên bất cứ đảo nào đã bị chiếm đóng” 28 . Trong khi đó, báo chí lại suy đoán về động cơ của chính quyền Sài Gòn là “tìm nguồn dầu ngoài khơi, ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng (hoặc giao chúng cho Hà Nội), kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc, đánh lạc hướng sự chú ý vào các vấn đề trong nước…” 29 .

Ngày 01/02/1974, lực lượng Việt Nam Cộng hòa đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. Do đảo Song Tử Tây rất gần với đảo Song Tử Đông đang do quân đội Philippines chiếm đóng, nên lực lượng Việt Nam Cộng hòa được lệnh không để xảy ra xung đột với quân đội Philippines. Sau đó, lực lượng hành quân tiếp tục đổ quân xuống các đảo còn lại trên quần đảo Trường Sa. Theo kế hoạch, quân đồn trú trên mỗi đảo khoảng chừng 20 người do một chuẩn úy hay thiếu úy chỉ huy. Cũng đầu tháng 02/1974, Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ05) sau khi tham gia cuộc chiến với Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa cũng được điều động tham gia cuộc hành quân Trần Hưng Đạo 48 với tàu HQ405 và HQ07 bảo vệ quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên do có trục trặc về máy móc, QH405 được HQ05 đưa về Vũng Tàu sửa chữa. Tuần dương hạm Phạm Ngũ Lão (HQ15) được điều động thay thế QH405 tiếp tục bảo vệ cho việc đổ quân lên các đảo còn lại ở quần đảo Trường Sa. Khoảng giữa tháng 02/1974, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã gửi thêm một số chiến hạm gồm có Tuần dương hạm Ngô Quyền (HQ17) và Yểm trợ hạm Mỹ Tho (HQ800) chở lực lượng Công binh và 500 tấn vật liệu, cùng các kỹ sư để lo việc xây cất doanh trại và nhà ở kiến cố cho các toán địa phương quân trú đóng trên các đảo ở quần đảo Trường Sa 30 .

Như vậy, từ đầu năm 1974, việc phòng thủ quần đảo Trường Sa do Tiểu đoàn 371 địa phương quân của Tiểu khu Phước Tuy phụ trách. Và cứ 3 tháng, một đại đội ra thay thế lực lượng hiện tại để trấn giữ quần đảo Trường Sa. Vào cuối tháng 3/1975, theo thông tin tình báo của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lực lượng quân sự Việt Nam Cộng hòa ở quần đảo Trường Sa thuộc tiểu đoàn 371 địa phương quân tỉnh Phước Tuy, đóng trên 5 đảo (Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa, Song Tử Tây) với khoảng 150 lính. Sở chỉ huy của lực lượng trấn thủ quần đảo Trường Sa được đặt tại đảo Nam Yết - đảo có quân số đông nhất với 50 lính. Đảo Song Tử Tây có lực lượng đông thứ hai ở quần đảo Trường Sa với 39 lính 31 .

Bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng ra nhiều tuyên bố về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã chuyển các công hàm ngoại giao đến Đài Loan (29/01/1974) và Philippines (12/02/1974) phản đối các yêu sách chủ quyền của Đài Bắc và Manila đối với một số đảo trong quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Ngày 14/02/1974, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa công bố bản “ Tuyên cáo của Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng hòa ”, qua đó long trọng xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Tuyên cáo , Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng đã xác định rõ ràng nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền của mình: “ Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy32 . Có thể nói, Tuyên cáo ngày 14/02/1974 có thể được ví như Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó nêu rõ tính xác thực về chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa được dựa trên “ những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không thể chối cãi được ”. Những căn cứ nêu trên chính là nền tảng cho một chính sách rõ ràng trong phương diện đối ngoại: “ Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên những phần đất này32 .

Giữa năm 1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa cho thành lập một nhóm đặc trách soạn thảo sách Bạch thư về Hoàng Sa – Trường Sa với nhiệm vụ thu thập và trình bày những chứng liệu chắc chắn để chứng minh chủ quyền không thể chối cãi được của Việt Nam trên hai quần đảo này. Đầu năm 1975, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã xuất bản cuốn Bạch-Thư về Hoàng-Sa và Trường-Sa tại Sài Gòn. Cuốn sách được Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa phổ biến khắp thế giới dưới với tên tiếng Anh là White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands 15 . Cuốn sách này tuy chỉ là một tập tài liệu ngắn gọn bao gồm 105 trang, nhưng căn bản khá đầy đủ và hơn nữa, trình bày rất rõ ràng các cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây có thể được xem là một tài liệu chính thức của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa khẳng định rõ ràng chủ quyền của chính quyền này ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuối năm 1974, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa [và Hoàng Sa] tại cuộc họp lần thứ ba của Ủy ban Kinh tế Viễn Đông và tại cuộc họp lần thứ bảy của Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật Biển [ 23 , tr.127].

Kết luận

Như vậy, từ sau khi thành lập vào năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đấu tranh ngoại giao với Chính phủ Pháp để đòi quyền quản lý quần đảo Trường Sa trên cơ sở kế tục chính quyền Quốc gia Việt Nam. Do không thể tiếp tục kéo dài sự hiện diện ở Việt Nam, Chính phủ Pháp đã quyết định trao trả quyền quản lý quần đảo Trường Sa lại cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa cùng với việc rút toàn bộ quân đội về nước trong năm 1956. Trong giai đoạn 1956-1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có nhiều nỗ lực để khẳng định và củng cố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Hoạt động đầu tiên đáng ghi nhận là việc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiếp nhận quản lý và liên tục có những nỗ lực sắp đặt lại các đơn vị hành chính trên cơ sở gắn bó các quần đảo với các đơn vị đất liền. Quá trình này đã được thực thi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Các thông cáo và tuyên bố ngoại giao được Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa phổ biến bằng song ngữ để khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đối với hoạt động khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa luôn tuyên bố rõ ràng các quan điểm, lập trường và thái độ của mình đối với yêu sách chủ quyền phi lý của các chủ thể khác như Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia… 33

Nhìn chung, tất cả những hoạt động thực thi và bảo vệ chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong thời gian tồn tại của mình (1955-1975) đã xác nhận rõ ràng rằng quần đảo Trường Sa [và cả quần đảo Hoàng Sa] là những thành phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Như vậy, quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1955-1975 đã góp phần chứng minh rõ quá trình hành xử chủ quyền diễn ra liên tục, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của các chính quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa [vả cả quần đảo Hoàng Sa] qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trong Tài liệu thể hiện lập trường gửi Liên hợp quốc vào ngày 22/8/2014 về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định rõ: “Trong những năm Việt Nam bị chia cắt, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm ở phía nam đường giới tuyến, thuộc thẩm quyền duy nhất của Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam Cộng hòa, trong thời kỳ này, đã thực thi một cách hữu hiệu chủ quyền của mình và thực hiện nhiều hành vi quản lý đối với lãnh thổ này” 34 .

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Trên cơ sở khảo sát, kiểm chứng các tài liệu lưu trữ và các kết quả nghiên cứu trong và ngoài người, tác giả bài viết tập trung phục dựng lại quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Trường Sa giai đoạn 1956-1975, qua đó khẳng định quá trình quản lý và thực thi chủ quyền của các chính quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa là liên tục qua các thời kỳ lịch sử.

References

  1. Congress US, Senate, Committee on Foreign Relations. Background information relating to Southeast Asia and Vietnam (3d revised edition), 90th Congress, 1st Session. Washington, DC: US Government Printing Office; 1967. . ;:. Google Scholar
  2. Ordonne N. du 19 juin 1954, Sa Majeste Bao Dai - Chef de l'Etat du Vietnam, hồ sơ 3916, phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  3. NCS-5429/2. Review of U.S. Policy in the far east, August 20 1954, Schlesinger TA Jr.. Thousand Days A. John F. Kennedy in the White House. Boston: Houghton Mufflin; 1965. . ;:. Google Scholar
  4. Chapman JM. Staging democracy: South Vietnam's 1955 referendum to depose Bao Dai. Diplomatic Hist. 2006;30(4):671-703. . ;:. Google Scholar
  5. Le Ministre des Affaires Etrangères au Secrétaire d'Etat, chargé des relations avec les Etats Associés,. Vol. 406. AS; 16.7.55, dos. p. 213. Chine s-s. Mae; 1944-1955. . ;:. Google Scholar
  6. Instruction pour le Capitaine de Frégate, Commandant le 'Francis Garnier', no. 15 EM/3, signé Capitaine de Vaisseau Hébrard, Chef d'EM, Forces Maritimes d'extrême Orient, 3ème Bureau. 7.1.56, dos;P01, UU-Sup 2, SHM. . ;:. Google Scholar
  7. Comptes rendus des débats. Vol. 2; 1976. . ;:. Google Scholar
  8. British Embassy Manila to Foreign Office. FO 371/120937, pro. Vol. 1082/3; 4.6.56. . ;:. Google Scholar
  9. Ministry of the Interior. Compilation of historical archives on the southern territories of the Republic of China. Taipei: Ministry of the Interior; 2015. . ;:. Google Scholar
  10. Samuels MS. Contest for the South China sea. New York: Methuen; 1982. . ;:. Google Scholar
  11. Presse VN. Iles Spratley, UU-sup 12, SHM. Also Quoted Saigon MAE. 1.6.1956, dos;1613, 2-6-1956:300, dos. 522. Chine s-s. AO, mae; 1956-1967. . ;:. Google Scholar
  12. Bull Admin Cochinchine. 1934;1. . ;:. Google Scholar
  13. Các Bản phiên họp Hội đồng Nội các của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ngày 09/01/1973. Phông Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa. lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  14. Nghị định số 420-BNV/HCĐP/26, ngày 6/9/41973 của Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, Phông Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa. lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  15. Ministry of Foreign Affairs. Republic of Vietnam. White paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) islands. Saigon: Ministry of Foreign Affairs; 1975. . ;:. Google Scholar
  16. Chiu H, Park C-H. Legal status of the Paracel and Spratly Islands. Ocean Dev Int Law. 1975;3(1):1-28. . ;:. Google Scholar
  17. Cư Phan D. Chủ quyền quẩn đảo Hoàng Sa & Trường Sa. Luận văn tốt nghiệp. Sài Gòn: học viện Quốc gia Hành chánh; 1972. . ;:. Google Scholar
  18. Diến Nguyễn Bá. Việc xác lập và thực thi chủ quyền trên hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước Việt Nam giai đoạn từ sau hiệp ước Pa-tơ-nôt (1884) đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. VNU journal of science. Leg Stud. 2020;36(3):01-15. . ;:. Google Scholar
  19. Fravel MT. Power Shifps and escalation (explaining China's use of force in territorial dispute). Int Sec. 2007;32(3):44-83. . ;:. Google Scholar
  20. Lo C-K. China's policy towards territorial disputes: the case of the South China Sea Islands. New York: Routledge; 1989. . ;:. Google Scholar
  21. U.S. Embassy Manila to U.S. State Department. Subjest: Spratley Islands; January 26, 1973 (1973MANILA098104), par 2. . ;:. Google Scholar
  22. Phiếu trình số 0367/TTM/2/5, ngày 6/3/1961 về việc một ghe chở 9 Hoa Kiều cặp bến tại đảo Hoàng Sa. Hồ sơ 2679, Phông Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  23. Chemillier‐Gendreau M. Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands. La Haye: Kluwer Law International; 2000, note 15. . ;:. Google Scholar
  24. Thông báo số 214/BNG/TTBC/TT ngày 15/7/1971, về Chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Phông Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  25. Cable from U.S. Embassy Saigon to U.S. State Department, Subjest: Spratley Islands (July 7, 1973) (1973SAIGON039624). . ;:. Google Scholar
  26. Cable from U.S. Embassy Saigon to U.S. State Department, Subjest: Spratley Islands, par. 3 (January 31, 1974) (1974SAIGON01347). . ;:. Google Scholar
  27. Robert G. Conway’s All the World’s Fighting Ships, 1947-1982. London: Conway Maritime Press; 1995. . ;:. Google Scholar
  28. Cable from U.S. Embassy Saigon to U.S. State Department, Subjest: Spratley Islands, par. 4 (January 31, 1974) (1974SAIGON01347). . ;:. Google Scholar
  29. Cable from U.S. State Department to All East Asian Diplomatic Posts, Subj: EA Press Summary, par. 1 (February 6, 1974) (1974STATE024979). . ;:. Google Scholar
  30. Cable from U.S. State Department to U.S. Embassy Saigon, Subj: EA Press Summary, par. 1 (March 12, 1974) (1974STATE049497). . ;:. Google Scholar
  31. Lăng My. Trường Sa, tháng 4 lịch sử 1975, Kỳ 1: 3 con tàu bí mật. Tuổi trẻ online, ngày 22-4-2020 [truy cập ngày 2/7/2020]. . ;:. Google Scholar
  32. Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền trên những hòn đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng hòa. Hồ sơ 6360, Phông Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. . ;:. Google Scholar
  33. Quyết Lưu Văn. Chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1858 đến năm 1975. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (VNU-HCM). 2022. MS: B2022-18b-03. . ;:. Google Scholar
  34. Phụ lục V: Nội dung Tài liệu lập trường Việt Nam gửi Liên hợp quốc ngày 22/8/2014 về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong Bộ Ngoại giao. Tài liệu định hướng công tác tuyên huấn về biển đảo. Hà Nội: Nxb. Tri thức; 2015. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 1 (2023)
Page No.: 1899-1908
Published: May 15, 2023
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i1.860

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tien, T. N. (2023). The government of the Republic of Vietnam exercised and defended its sovereignty over the Spratly Islands (1956-1975). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(1), 1899-1908. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i1.860

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 289 times
PDF   = 165 times
XML   = 0 times
Total   = 165 times