Abstract
Unlike previous studies on the Buddhist revival movement in Vietnam in the first half of the twentieth century in general and the Buddhist revival movement in Tonkin in particular, this article focuses on the character Nguyen Trong Thuat, a very prominent one but little-known by researchers. On the basis of exploiting his articles in Duoc Tue periodicals, especially stories and novels, the article clarifies the special points of Nguyen Trong Thuat in terms of Buddhism, thereby helping readers realize his contributions to the Buddhist revival movement in Tonkin. Using his literary talent combined with his profound Buddhist level, Nguyen Trong Thuat has composed short stories and novels to convey Buddhist teachings in a vivid, close, and easy to understand. From these works, readers will visualize specifically how to practice "a religious life at home" and "Buddha at heart". In addition, Nguyen Trong Thuat also used Buddhist philosophy to solve the issues of society at that time. From these aspects, readers will have a correct assessment of his position and role in the Buddhist revival movement in Tonkin as well as see the creativity and independent thinking of the Vietnamese people in the process of reviving Buddhism.
MỞ ĐẦU
Chấn hưng Phật giáo là một hiện tượng trọng đại trong lịch sử hơn 2000 năm của Phật giáo Việt Nam, góp phần đưa tôn giáo này từ một tôn giáo truyền thống chuyển biến theo hướng hiện đại, để thích ứng với xã hội có nhiều biến động trước ảnh hưởng của làn sóng văn minh phương Tây. Chịu ảnh hưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc, nhất là Thái Hư đại sư, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam khởi đầu từ Nam Kỳ vào những năm 20 của thế kỷ XX, gắn với tên tuổi của Hòa thượng Khánh Hòa. Năm 1931 Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời, đánh dấu “phong trào đạt được địa vị hợp pháp” [ 1 , tr.615]. Tiếp sau Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, các hội Phật học lần lượt ra đời ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Tại Bắc Kỳ, Hội Phật giáo được thành lập ngày 6/11/1934 do ông Nguyễn Năng Quốc làm chánh hội trưởng, hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, đã nhanh chóng trở thành trụ cột trong phong trào chấn hưng ở đất Bắc. Phong trào chấn hưng ở Bắc Kỳ đã quy tụ nhiều gương mặt trí thức tiêu biểu của Việt Nam thời đó. Có thể kể tới các vị như Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Lê Dư, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Trọng Thuật, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha. Sự có mặt của đông đảo trí thức đã tạo nên điểm độc đáo của phong trào chấn hưng trên đất Bắc cũng như những đóng góp về mặt “văn hóa dân tộc” của Tạp chí Đuốc Tuệ – cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Cùng với Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Trọng Thuật là một trong hai cây bút “bền bỉ nhất của Tạp chí Đuốc Tuệ ” [ 2 , tr.723], nhưng ông lại chưa được các nhà nghiên cứu dành sự quan tâm đúng mức. Hiện nay, các công trình chủ yếu giới thiệu ông tới độc giả dưới góc độ là một nhà văn, một nhà báo của Tạp chí Nam Phong 3 , 4 . Bài nghiên cứu này khai thác các bài viết của Nguyễn Trọng Thuật trên Tạp chí Đuốc Tuệ để làm sáng tỏ những đóng góp của ông đối với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ.
NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Nguyễn Trọng Thuật và các bài viết trên Tạp chí Đuốc Tuệ
Nguyễn Trọng Thuật quê ở làng Mạn Nhuế, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ban đầu, ông theo Hán học và được đánh giá là một tay “cự phách” [ 5 , tr.26], sau đó theo học lại và dự các kỳ thi theo chương trình mới của nền giáo dục Pháp - Việt. Chính vì vậy, khi đánh giá về học vấn của Nguyễn Trọng Thuật, tác giả Trịnh Văn Thảo có viết: “…theo học hai nền văn hóa, thông thạo ngôn ngữ hiện đại, sinh ngữ, trên nền tảng tu từ học truyền thống” [ 4 , tr.125]. Có lẽ chính nền tảng này đã giúp ông tham gia có hiệu quả vào các hoạt động văn hóa như giảng dạy, viết báo, viết văn. Trong đó, báo chí là lĩnh vực hoạt động nổi bật. Sự nghiệp báo chí của Nguyễn Trọng Thuật gắn liền với Tạp chí Nam Phong . Ông tham gia nhóm Nam Phong do Phạm Quỳnh làm chủ bút và là một trong những “cây bút cốt cán” của tạp chí [ 6 , tr.83]. Ông ra mắt độc giả vào khoảng cuối năm 1919 và cộng tác liên tục cho đến khi tạp chí bị đình bản năm 1934. Sự nghiệp báo chí của Nguyễn Trọng Thuật rất phong phú. Điều này được thể hiện ở đối tượng cũng như thể loại ông sử dụng. Các bài viết của ông đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: văn học, tôn giáo, triết học, kinh tế, xã hội, giáo dục, lịch sử, âm nhạc, pháp luật, y học, tiểu sử nhân vật [ 7 , tr.128-138]. Các thể loại được ông sử dụng đa dạng và linh hoạt: du ký, tiểu thuyết, phiên dịch, biên khảo, phê bình. Trong đó có những thể loại ông thực sự xuất sắc. Chúng tôi muốn nhắc tới ở đây tiểu thuyết Quả dưa đỏ . Đây là “cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên do người Việt Nam viết” [ 3 , tr.158]. Cuốn tiểu thuyết này được Hội Khai Trí Tiến Đức (AFIMA) trao giải nhất vào năm 1925.
Sau khi Tạp chí Nam Phong bị đình bản, ông tiếp tục cộng tác với Tạp chí Đuốc Tuệ , một tạp chí Phật học ra đời từ trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ những thập kỷ đầu thế kỷ XX. Ra mắt độc giả Đuốc Tuệ ngay số đầu tiên, tháng 12 năm 1935 và tận tụy cống hiến cho tạp chí đến khi ông đột ngột qua đời vào đầu năm 1940 sau hai ngày đổ bệnh [ 8 , tr.23], với tổng cộng 62 bài viết dưới các bút danh Đồ Nam Tử, Quảng tràng thiệt cư sĩ, Đ.N.T, D.N.T, Ng-Tr-Thuật. Là “cây bút bền bỉ và chủ lực” của Tạp chí Đuốc Tuệ , trung bình mỗi năm ông góp khoảng 16 bài ở nhiều thể loại. Về biên khảo, có thể kể tới các bài Việt Nam cao tăng khảo (số 35, 36), Việt Nam thiền tông thế hệ (41 số, 1936-1939), Hương Hải thiền sư (số 38, số 41, số 42, số 44), Tuệ Trung Thượng sĩ (số 121-122, số 124, số 125). Ông cũng viết các bài có tính cách bênh vực, giải thích đạo đức, triết lý Phật giáo như Phá ba điều nhận lầm giáo lý của đạo Phật (số 63, số 64, số 76), Phật giáo tân luận (số 71, số 72, số 73, số 74, số 76, số 77, số 78) , Nghĩa bình đẳng của đạo Phật (số 66, số 67), Chính nghĩa hai chữ từ bi (số 50), Dũng mãnh, tinh tiến (số 33), Luân lý tứ ân của đạo Phật (số 20, số 21). Các bài về nông thôn, cải cách phong tục theo tinh thần đạo Phật gồm Luận đàn lễ kết hôn trước cửa Phật (số 4), Câu truyện đạo Phật với việc làng (từ số 82 đến số 86), Đã là người tin đạo Phật phải quyết liệt bỏ vàng mã (số 102), Thuốc thánh đền Bia (số 31). Đặc biệt trên Đuốc Tuệ , ông cống hiến độc giả nhiều tác phẩm du ký, truyện và tiểu thuyết thú vị. Qua các bài viết trên Tạp chí Đuốc Tuệ , chúng ta có thể thấy những đóng góp của Nguyễn Trọng Thuật đối với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ.
Sử dụng đa dạng các thể loại văn xuôi bằng chữ Quốc ngữ trên báo chí để truyền tải giáo lý đạo Phật
Đây là cống hiến đặc biệt của Nguyễn Trọng Thuật và nhờ đó đã tạo nên điểm đặc sắc của Đuốc Tuệ , khác biệt hẳn so với các tạp chí Phật học cùng thời như Từ Bi Âm, Viên Âm . Trên Đuốc Tuệ , Nguyễn Trọng Thuật đóng góp 10 tác phẩm du ký , truyện ngắn và tiểu thuyết – chiếm đại đa số các sáng tác văn xuôi bằng chữ Quốc ngữ trên tạp chí Phật học này . Du ký gồm các bài Cuộc diễn giảng ở chùa Sơn Thủy (Ninh Bình) (số 11), Lễ khánh thành Ban đại lý Hội Phật giáo chùa Hun (Chí Linh) (số 13), Cuộc tiễn hành tăng học sinh sang du học Trung Quốc (số 61), Lễ khánh thành chi hội chùa Kính Chủ (số 61), Lễ khánh thành chi hội Phật giáo Dưỡng Chính (số 70). Các tác phẩm truyện và tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Thuật trên Tạp chí Đuốc Tuệ gồm: Oán thù bình đẳng (số 60), Thế cũng là "Ngộ đạo" (số 65), Ai tạo nghiệp (tiểu thuyết nạn nước lụt) (số 77), Thư cô Mai (11 số, năm 1936), Cô con gái Phật hái dâu (17 số, từ 1939 đến 1940) . Việc sử dụng đa dạng các thể loại văn học để truyền tải giáo lý đạo Phật thể hiện tài năng, sự sáng tạo cũng như sự nhạy bén của Nguyễn Trọng Thuật.
Vào đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ được sử dụng ngày càng phổ biến và đã trở thành “công cụ kỳ diệu để giải phóng trí tuệ” [ 9 , tr.281]. Chữ Quốc ngữ ban đầu do các giáo sĩ tạo ra nhằm phục vụ cho công cuộc truyền giáo nhưng sau đó đã được chính quyền thuộc địa sử dụng trong giáo dục như một thứ chuyển ngữ nhằm loại dần chữ Hán. Nhờ vậy, chữ Quốc ngữ có điều kiện phát triển ở Việt Nam [ 10 , tr.140]. Nhận thấy những lợi thế của chữ viết này, một bộ phận trí thức người Việt đã đóng góp vào việc truyền bá chữ Quốc ngữ bằng những xuất bản phẩm dành cho trường học, cũng như bằng việc xuất bản truyện, thơ, và bài hát dân gian phục vụ công chúng rộng rãi. Những người đầu tiên cần phải kể tới là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, tiếp đó cần phải nhắc tới hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục, Nguyễn Văn Vĩnh và nhóm Đông Dương Tạp chí , Phạm Quỳnh và nhóm Nam phong . Nhờ đó, chữ Quốc ngữ ngày càng phổ biến và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tri thức của người Việt. Dù muốn dù không, do chính phủ Pháp và những phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ được thực hiện bởi những nhà ái quốc Việt Nam, “đã gia tăng một cách đáng kể số người đọc báo Việt ngữ trong làng báo Việt Nam” [ 11 , tr.86]. Nhờ đó, đã góp phần tạo nên một số độc giả đáng kể của báo chí Việt Nam.
Việc sử dụng chữ Quốc ngữ một cách phổ biến và đại chúng đã hình thành một nền báo chí Quốc ngữ phong phú. Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định báo được thành lập năm 1865. Theo thời gian, số lượng các tờ báo bằng chữ Quốc ngữ ngày càng tăng. Trong những năm 1920 và 1930, báo in Việt Nam đã đạt được sự phát triển vượt bậc cả về số lượng xuất bản và sự đa dạng về nội dung của nó [ 12 , tr.18]. Ở Việt Nam, văn chương ra đời sau báo chí, đây là một điểm khác biệt so với thế giới. Chính báo chí Quốc ngữ đã tạo nên văn chương Quốc ngữ và các nhà văn nổi tiếng trước hết là nhờ báo chí. Bản thân Nguyễn Trọng Thuật là một minh chứng cho nhận xét này. Nguyễn Trọng Thuật tham gia nhóm Nam Phong ngay từ những ngày đầu tiên, nhưng phải đợi đến khi tiểu thuyết Quả dưa đỏ xuất hiện, nhất là khi tác phẩm này được Hội Khai Trí Tiến Đức trao giải nhất thì tên tuổi của ông mới nổi như cồn. Tương tự như vậy, Vũ Trọng Phụng nổi tiếng nhờ các tiểu thuyết, truyện ngắn đăng trên báo chí, chẳng hạn như Số đỏ đăng trên Hà Nội báo từ số 40 ngày 7/10/1936. Việc cho đăng tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ trên nhật báo ngay cả báo chuyên ngành là một yếu tố tối cần thiết để duy trì và tăng số lượng độc giả. Thậm chí có ý kiến cho rằng: “Số phận một tờ nhật báo tùy ở những cây bút viết tiểu thuyết” [ 13 , tr.110]. Điều đó không chỉ cho thấy xu hướng của báo chí mà còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn chương trên báo chí.
Nắm bắt được xu thế, hiểu được đối tượng độc giả, Nguyễn Trọng Thuật đã tìm đến báo chí và lựa chọn văn chương làm phương tiện để truyền tải các triết lý của đạo Phật. Nếu như các trí thức cùng thời trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ như Trần Văn Giáp, Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Can Mộng, Bùi Kỷ, Nguyễn Hữu Tiến chọn hình thức viết các bài khảo cứu, rồi diễn giảng để giải thích giáo lý đạo Phật thì Nguyễn Trọng Thuật thực sự là một trường hợp khác biệt. Chúng ta không thể phủ nhận giá trị khoa học của các bài khảo cứu, nhất là khi tác giả của những bài khảo cứu này đều là những học giả, những trí thức Hán học hay có người lĩnh hội cả hai nền văn hóa, nhưng những bài viết này thường mang tính học thuật, khô khan, đòi hỏi độc giả phải có trình độ nhất định mới có thể hiểu một cách thấu đáo. Trong khi đó, Nguyễn Trọng Thuật lại lựa chọn các thể loại văn chương vốn là những thể loại dễ cảm thụ, dễ tiếp cận, hấp dẫn và phù hợp với trình độ của đại bộ phận tầng lớp bình dân để làm phương tiện giới thiệu, truyền tải giáo lý đạo Phật.
Dành cho phụ nữ một sự quan tâm đặc biệt qua các tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết
Nguyễn Hữu Kha, một nhân vật tích cực trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ đã chỉ ra rằng “từ khi Hội Phật giáo ra đời, những ngày khánh đản, những cuộc diễn giảng cứ trông ghế ngồi trong chùa hội quán này cũng đủ rõ rằng tấm lòng mộ đạo, nữ giới chiếm đa số hơn nam giới” [ 14 , tr.15]. Mặc dù phụ nữ chiếm số lượng lớn trong số những người có cảm tình với đạo Phật nhưng họ lại ít nhận được sự quan tâm và chú ý của các sĩ phu cũng như các nhà trí thức trong phong trào. Các bài viết về đạo Phật thường hướng đến công chúng nói chung, không có sự phân biệt về giới, về tâm tính, về hoàn cảnh cùng những yếu tố đặc trưng của nữ giới.
Khác với các tác giả cùng thời, Nguyễn Trọng Thuật đã dành một sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ trong các tác phẩm của mình . Họ không chỉ là đối tượng độc giả được quan tâm mà còn là những nhân vật trong các tác phẩm văn học của Nguyễn Trọng Thuật. 3 trong số 5 tác phẩm của Nguyễn Trọng Thuật, phụ nữ là nhân vật chính, trong đó có hai tiểu thuyết dài kỳ là “Thư cô Mai” và “Cô con gái Phật hái dâu” ; các tác phẩm còn lại cũng đều thấp thoáng bóng dáng của phụ nữ.
Nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Thuật có hoàn cảnh xuất thân, và cảnh ngộ đa dạng, điều này được thể hiện ở nhiều tuyến nhân vật khác nhau. Đó là cô Mai, cô tiểu thư mới lớn, con nhà gia thế, sống trong ngôi nhà “nguy nga tráng lệ kiểu tân thời ở giữa phố Hàng Bông”, nhưng chẳng may gặp cơn gia biến, phải chuyển đến ở “trong ba gian nhà lá cửa phên nền đất ở giữa cái trại gần hồ Bảy Mẫu”. Đó là những người phụ nữ đủ các lứa tuổi ở nơi xóm lao động nghèo bên hồ Bảy Mẫu: bà Tú Hậu, người phụ nữ góa chồng, tần tảo nuôi con; bà H với sản nghiệp giàu có; những bà phó nề, phó mộc, mấy cô hàng xén hàng rau (“Thư cô Mai”). Đó là những người phụ nữ bình dân chốn thôn quê với cuộc sống nghèo khó luôn bị đe dọa bởi thiên tai (“Ai tạo nghiệp”). Họ cũng có thể là một cô gái mới lớn, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có “dinh cơ đồ sộ, nhà ngói, nhà gác, tường xây, cổng cuốn tại giữa làng Tân Ninh” đã đến tuổi gả chồng (“Thế cũng là ngộ đạo”). Họ có khi là một nhân vật nổi tiếng có thật trong lịch sử, đó là Nguyên phi Ỷ Lan (“Cô con gái Phật hái dâu”).
Nhìn chung, thế giới nhân vật phụ nữ của Nguyễn Trọng Thuật khá đa dạng, nhiều lứa tuổi, ở cả chốn thị thành cho đến những xóm lao động nghèo và những làng quê bình dị. Qua các tác phẩm truyện và tiểu thuyết trên Đuốc Tuệ , Nguyễn Trọng Thuật đã khéo léo truyền tải và hướng dẫn thực hành giáo lý đạo Phật trong đời sống.
Đề cao tư tưởng tu tại gia và Phật tại tâm
Dương Bá Trạc, một trong những thành viên tích cực trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ đã chỉ ra một thực tế “Phật giáo ở nước ta xưa kia chưa được thật phổ cập trong xã hội, cho nên chỉ lấy một phần ít những người xuất gia làm đại biểu cho Phật giáo mà thôi” [ 15 , tr.13]. Theo ông, theo đạo Phật gồm cả hai giới xuất gia và tại gia. Xuất gia chỉ chiếm thiểu số, đa số là tại gia. Vì vậy, muốn cho Phật pháp được phổ thông phải trông cậy vào những người tại gia . Cùng quan điểm với Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật cũng đề cao tư tưởng tu tại gia, nhưng theo một cách khác, bằng các sáng tác văn chương. Với hai thiên tiểu thuyết “Thư cô Mai” và “Cô con gái Phật hái dâu” tư tưởng đề cao tu tại gia của ông được thể hiện một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển. Trong “Thư cô Mai”, tư tưởng này được diễn giải thông qua lời giải thích của cô Mai (Hà Nội), người được cảm hóa bởi đạo Phật gửi tới người bạn gái của mình, chị Băng Tâm (Sài Gòn). Ông viết: “Phật có bốn hạng đệ tử là Tăng, Ni, Thiện, Tín, ấy là tứ chúng. Tăng là sư nam, Ni là sư nữ, là hai hạng đệ tử xuất gia. Thiện tức là thiện nam, tiếng Phạm là Ưu bà tắc. Tín tức là tín nữ, tiếng Phạm là Ưu bà di, là hai hạng đệ tử tại gia” [ 16 , 25/8/1936, tr.28]. Dù là tại gia hay xuất gia thì theo Phật giáo Đại thặng đều lấy Bồ tát đạo làm tôn chỉ, nghĩa là “đều lấy những việc về sáu phương, bốn ân, đại nguyện và bố thí làm công đức” [ 16 , 25/8/1936, tr.28], “cứ tại gia mà thực hành đạo Phật, thực hành công đức cũng được” [ 16 , 25/8/1936, tr.29]. Còn trong “Cô con gái Phật hái dâu”, tư tưởng này một lần nữa được thể hiện rõ nét qua lời thuyết giảng của sư già Đàm Không dành cho cô Yến, tên hồi trẻ của Nguyên phi Ỷ Lan – khi cô xuất gia tu Phật trong lúc gia cảnh đang cơn biến cố: “Đạo Phật có nhiều phương tiện, tại gia mà tạo được phúc cũng có công duyên. Đức Quan Âm hiện vô số thân để cứu độ cho đời. Làm thân nhà giàu có tiền của, làm thân vua quan có chức quyền, làm thân xuất gia, làm thân trai mạnh dạn, làm thân gái nhân từ, tùy chúng sinh cần đến thân gì Người hiện ra thân ấy mà cứu độ, có chấp nệ một đường nào” [ 17 , 1/8/1939, tr.36].
Trong tư tưởng của Nguyễn Trọng Thuật, tu tại gia chính là “thực hành công đức”, “tạo phúc”. Vậy làm thế nào để “thực hành công đức”, để “tạo phúc”? Trong tiểu thuyết “Thư cô Mai”, ông khẳng định chắc chắn: “Những việc công đức ấy tức là những việc luân lý đạo đức ở đời này” [ 16 , 25/8/1936, tr.26]. Tựu trung trong “sáu phương, bốn ân, đại nguyện và bố thí”. Nội dung này được Nguyễn Trọng Thuật giải thích trong bài “Luân lý tứ ân của đạo Phật” (số 20, 21), tiểu thuyết “Thư cô Mai” [ 16 , 25/8/1936, tr.21-29] và tiểu thuyết “Cô con gái Phật hái dâu”. Có thể khái lược như sau:
Kẻ tu đạo bất luận tại gia hay xuất gia, phàm đã tự nhận là đệ tử của Phật, trong phải tu luyện lấy nhân cách cho đủ mọi nết hay tính tốt… Ngoài phải làm sao cho trọn bổn phận mình, như cha mẹ ở với con, con ở với cha mẹ sao cho phải đạo. Vợ ở với chồng, chồng ở với vợ, sao cho phải đạo. Thầy ở với trò, trò ở với thầy, sao cho phải đạo. Chủ ở với tôi tớ, tôi tớ ở với chủ, sao cho phải đạo. Họ hàng chúng bạn ở với nhau thế nào cho phải đạo. Hiền triết ở với đồ đệ, đồ đệ ở với hiền triết, sao cho phải đạo. Vì thế mà có Kinh Sáu phương.
Lại đối với cha mẹ, đối với đất nước, đối với quốc gia, đối với xã hội chúng sinh, đối với thánh hiền, đạo thống, đều phải làm thế nào cho tròn nghĩa vụ làm người. Vì thế mà có thuyết Tứ ân.
Ngoài ra bậc trên có đạo đại nguyện, bậc dưới có phép bố thí. Đại nguyện là đối với cả chúng sinh trong thế gian đều mong cho họ được thỏa thuê sung sướng về phần xác cũng như về phần hồn… Bố thí là đối với từng người hoặc từng đoàn thể nhỏ, hoặc lấy trí thức mà dạy bảo, ấy là pháp thí, hoặc lấy tiền tài mà cứu giúp ấy là tài thí, và hoặc lấy can đảm mà cứu chữa bênh vực ấy là vô úy thí [ 16 , 25/8/1936, tr.26-27].
Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là tư tưởng đề cao tu tại gia này được đề cập tới trong hai tiểu thuyết mà nhân vật chính không chỉ là phụ nữ mà bản thân họ còn là những hình mẫu về tu tại gia. Cô Mai, một cô gái trẻ con nhà giàu có, sau cơn gia biến cô bén duyên với đạo Phật, thấm nhuần giáo lý của đạo Phật, cô hăng hái làm những việc có ích cho những người xung quanh, nào dạy học cho những người bình dân, nghèo hèn nhất là đám thanh niên để họ không còn phải chịu cái khổ về sự thất học, nào diễn giảng giáo lý của đạo Phật. Còn cô Yến trong truyện “Cô con gái Phật hái dâu” chính là nhân vật lịch sử Nguyên phi Ỷ Lan. Ỷ Lan không xa lạ đối với người dân Việt Nam bởi vì bà không chỉ nổi tiếng là một vị vương phi thay chồng nhiếp chính, phò tá con thơ khi vua hãy còn nhỏ mà còn nổi tiếng bởi trình độ Phật học uyên thâm. Bản thân Nguyễn Trọng Thuật, trước khi đi vào nội dung chính của thiên tiểu thuyết đã giới thiệu về bà như sau: “Thân thế Ỷ Lan phu nhân từ bé đến già, từ nghèo hèn đến tôn quý không một hồi nào là không có sự trạng vẻ vang mà người đời hiếm có...Thực là một nhà nữ cư sĩ tinh thâm ít có. Ỷ Lan phu nhân thực đã hiện đủ năm cái thân để giúp ích cho đời là hiếu nữ, thân nội tướng kiêm tể tướng, thân hiền mẫu, thân nữ chúa và thân nữ cư sĩ mà đều là những thân quý hóa hiếm có cả. Người đời bấy giờ đã gọi bà là Quan Âm nữ không phải là quá khen” [ 17 , 15/5/1939, tr.35]. Với việc lựa chọn các nhân vật như vậy, phải chăng Nguyễn Trọng Thuật không chỉ đề cao tu tại gia mà còn có chủ ý hướng tu tại gia đến những người phụ nữ trong xã hội?
Bên cạnh việc đề cao tư tưởng tu tại gia, Nguyễn Trọng Thuật còn đặc biệt coi trọng tư tưởng Phật tự tâm. Luận điểm này được thể hiện theo cách giản dị và dễ hiểu trong tiểu thuyết “Thư cô Mai”. Tác giả gọi đó là “lòng tôn giáo tâm”. Cái “lòng tôn giáo tâm” được ông giải thích qua việc thực hành tôn giáo của hai người phụ nữ là bà Tú Hậu và bà Đ trong tiểu thuyết “Thư cô Mai”. Hai người phụ nữ ở hai cảnh ngộ đối lập nhau, nhưng nhận thức và thực hành đạo Phật khác nhau. “Bà Tú Hậu là một người giàu cái lòng tôn giáo tâm, tức là cái lòng chân thành, ngay thực, một tin cậy ở trời ở Phật, không dám làm điều gì trái với lương tâm, dù gặp cảnh nghèo nàn, vất vả thế nào cũng một niềm như vậy. Vì có lòng ấy mà sinh ra mọi điều đạo đức, yêu thương người vật, cao khiết công bình” [ 16 , 11/8/1936, tr.24]. Còn bà Đ “ngoài ai chả bảo bà này là người có đạo tâm, một trăm nơi cửa điện bà đều có gửi bát hương, một nghìn nơi cúng cháo bà đều có gửi vàng mã. Nhưng chính bà thì mồm loa mép giải, ăn không nói có, lừa lật mọi người, thế mà vẫn thơn thớt lỗ miệng những nhân nghĩa, đạo đức” [ 16 , 11/8/1936, tr.24-25]. Đặt trong bối cảnh văn hóa, xã hội lúc bấy giờ thì luận điểm này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong khi nhiều người theo đạo Phật nhấn mạnh đến các yếu tố thuộc về hình thức và mang tính biểu lộ như đi chùa, cúng bái, du xuân, thì với tư tưởng Phật tự tâm, Nguyễn Trọng Thuật đang hướng việc thực hành đạo Phật vào bên trong mỗi người, mang tính cá nhân và có chiều sâu; phù hợp với điều kiện đặc thù của người phụ nữ, nhất là phụ nữ bình dân vốn không có điều kiện để đi chùa hay lễ bái. Họ vẫn chăm lo được cuộc sống gia đình mà vẫn có thể trở thành một Phật tử thuần thành.
Từ tư tưởng bình đẳng của đạo Phật, Nguyễn Trọng Thuật đề cập đến tư tưởng bình đẳng giới
Vào đầu thế kỷ XX vấn đề nữ quyền là một trong những vấn đề được quan tâm nhất. Trên các báo dành cho phụ nữ, người ta bắt đầu nói nhiều đến vấn đề nữ quyền, đến bình đẳng nam nữ, nhưng dưới ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây 18 . Nguyễn Trọng Thuật cũng luận bàn về vấn đề bình đẳng giới nhưng ông lại sử dụng tư tưởng bình đẳng, một triết lý căn bản của đạo Phật. Ông là người đầu tiên mượn giáo lý của Phật giáo, và thông qua diễn đàn báo chí để đề cập đến vấn đề nữ quyền.
Với bài viết “Nghĩa bình đẳng của đạo Phật” (số 66, 67) Nguyễn Trọng Thuật đã giải nghĩa chữ “bình đẳng” theo kinh Phật và dẫn giải bằng các ví dụ thực tiễn trong cuộc đời đức Phật cũng như trong lịch sử Việt Nam. Bình đẳng trong đạo Phật nghĩa là: “Phật với loài người, loài người với vật, nhất thiết đều chung nhau một cái Phật tính tức là cái chân như nó thiêng liêng, trong sạch, sáng suốt, hằng bàng bạc ở trong cõi hư không. Thế cho nên Phật với loài người, loài người với loài vật nhất thiết phải có Phật tính, tức là có cái gốc bình đẳng như nhau cả” [ 19 , tr.11]. Biểu hiện cụ thể trong cuộc sống là không phân giai cấp, sang hèn, nguồn gốc xuất thân; ai cũng có cơ hội học hành và đỗ đạt làm quan. “Bình đẳng” còn được thể hiện trong việc hôn nhân và việc dụng nhân đều không phân giai cấp.
Từ “Nghĩa bình đẳng của đạo Phật”, ông bàn đến bình đẳng và tự do trong hôn nhân. Trong truyện ngắn “Thế cũng là ngộ đạo”, qua câu chuyện đám cưới của cô Tâm con nhà hào phú với anh Đức, con của một bà góa đến ngụ cư ở làng Tân Ninh, làm nghề thợ may, Nguyễn Trọng Thuật khẳng định chọn chồng, kén rể không căn cứ vào gia sản mà phải tìm người đức độ, hiếu nghĩa “người ta chỉ cốt ở cái nhân cách hay giở mà thôi, giàu nghèo không quan hệ gì, nhất là trong đạo vợ chồng” [ 20 , tr.27]. Từ đó mới có chuyện hôn nhân không phân giai cấp, không quan trọng việc “môn đăng hộ đối”. Mặc dù, dưới ảnh hưởng của văn minh phương Tây, việc hôn nhân đã có phần cởi mở hơn so với trước đây nhưng tư tưởng môn đăng hộ đối vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam, nhất là ở các làng quê. Lấy câu chuyện bình đẳng trong hôn nhân qua đám cưới ở một làng quê, phải chăng Nguyễn Trọng Thuật muốn mang tư tưởng bình đẳng tới những nơi còn đang bị những tư tưởng cũ bao phủ theo một cách rất Nguyễn Trọng Thuật, rất Phật giáo. Đó cũng chính là cách để đưa đạo Phật vào cuộc đời một cách chắc chắn và có chiều sâu.
Một phương diện khác cũng được Nguyễn Trọng Thuật quan tâm, đó là vấn đề “giải thoát trí tuệ” cho phụ nữ. Xuất phát từ tư tưởng “đạo Phật cho nữ nhân cũng đồng đẳng trí tuệ như nam tử” [ 21 , tr.10], trong bài “Phải giải thoát trí tuệ cho phụ nữ” ( Đuốc Tuệ , số 84), ông kêu gọi phải giải quyết nạn thất học để mở mang trí tuệ cho phụ nữ, bằng các biện pháp mở trường nữ học, dạy đủ các môn tân học cùng nữ công, nhất là những trường phúc thiện dành cho các nữ sinh nhà nghèo để học chữ Quốc ngữ và 4 phép tính, đồng thời khuyến khích các gia đình có con gái, tùy vào điều kiện nhà mình mà cho con đi học ít nhiều [ 21 , tr.10].
Trên thực tế, từ năm 1907, các trường nữ sinh đã được thành lập nhưng nữ sinh chiếm tỷ lệ thấp [ 10 , tr.135-136], đặc biệt số nữ sinh chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các thị trấn, ở các làng quê, số học sinh không nhiều. Chẳng hạn như năm 1929, số nữ sinh ở nông thôn là 965/30.000 [ 22 , tr.109], chiếm tỷ lệ 3,2%. Từ đó có thể thấy, đại đa số nữ sinh ở nông thôn vẫn trong tình trạng thất học. Đóng góp mới của Nguyễn Trọng Thuật được thể hiện ở chỗ để giải quyết một vấn đề xã hội, ông đã vận dụng và phát huy tinh thần tôn giáo. Ông đã góp tiếng nói vào việc giải quyết vấn đề nữ quyền theo một cách rất đặc biệt. Hơn nữa, vấn đề ông đề xuất rất thiết thực và căn bản. Báo chí cho nữ giới thời đó bàn đến các vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ, nhưng để thực hiện được những quyền đó thiết nghĩ quyền đầu tiên và cũng là điều kiện tiên quyết phải là quyền được học hành, được giải phóng về trí tuệ để trở thành những người phụ nữ có học thức. Để khuyến khích việc mở mang trí tuệ cho nữ giới, Nguyễn Trọng Thuật còn dày công sáng tác bộ tiểu thuyết lịch sử về Nguyên phi Ỷ Lan, với tựa đề “Cô con gái Phật hái dâu”. Nguyên phi Ỷ Lan vốn là một vương phi nổi tiếng dưới thời Lý, công đức của bà đối với đất nước và đạo pháp lưu danh sử sách. Lựa chọn một nhân vật phụ nữ điển hình để xây dựng tiểu thuyết, Nguyễn Trọng Thuật cũng không ngoài mục đích “cảm hóa cho quần chúng, nâng cao nhân cách, mở mang trí tuệ cho bên nữ giới, cho có thể tiến lên mà tham gia vào mọi việc quốc gia xã hội, cho xã hội có thêm nhiều người làm việc” [ 17 , 15/5/1939, tr.36].
Từ thông điệp về tư tưởng bình đẳng trong hôn nhân, mở mang trí tuệ cho phụ nữ của Nguyễn Trong Thuật, chúng ta có thể cảm nhận rõ tấm lòng nhân ái của ông dành cho nữ giới, những người yếu thế trong xã hội. Đồng thời cũng hình dung ra chân dung người phụ nữ mà ông mong muốn: họ không chỉ là những người có vai trò quan trọng trong gia đình mà còn cùng nam giới gánh vác các công việc ở ngoài xã hội. Đối với gia đình, họ là người thấm nhuần tinh thần đạo Phật, thực hiện bổn phận của người con, người vợ, người mẹ theo triết lý, đạo đức Phật giáo. Đối với xã hội, họ là những người có học thức, tham gia vào các việc xã hội cũng như nam giới. Người phụ nữ mà Nguyễn Trọng Thuật mong muốn là những người có nền tảng đạo đức vững vàng được xây dựng trên triết lý đạo Phật, có chiều sâu tâm hồn, thấm nhuần các giá trị đạo đức truyền thống nhưng đồng thời cũng hòa nhập được với các trào lưu của xã hội mới. Họ khác hẳn với những người phụ nữ “văn minh nửa mùa” hay người phụ nữ cổ điển, cam chịu và mang nặng tư tưởng phong kiến ở chốn thôn quê mà chúng ta thường bắt gặp trong những tư liệu thời đó.
KẾT LUẬN
Thời kỳ Pháp thuộc đã tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong xã hội Việt Nam. Nhiều yếu tố mới trong đời sống văn hóa, tri thức xuất hiện như sự phổ biến của chữ Quốc ngữ, cùng với đó là sự ra đời và phát triển của nền báo chí, văn học Quốc ngữ, giáo dục dành cho nữ sinh xuất hiện. Bên cạnh những tác động tích cực, chế độ thuộc địa cũng tạo ra những hệ lụy tiêu cực, khiến cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị xói mòn. Nho giáo suy thoái, Phật giáo suy vi, xã hội chạy theo những trào lưu vật chất mà quên đi những giá trị đạo đức, tinh thần đã trở thành nguyên tắc sống và ứng xử. Nguyễn Trọng Thuật đã khéo léo qua báo chí, công cụ do chế độ thuộc địa mang lại để giải thích giáo lý đạo Phật phù hợp với tình hình xã hội mới theo cách gẫn gũi và dễ hiểu với đại chúng.
Với Nguyễn Trọng Thuật, chấn hưng Phật giáo chính là cơ hội để ông khám phá trong kho tàng văn hóa truyền thống những giá trị đạo đức, tư tưởng phù hợp với trào lưu của xã hội mới, phát huy và vận dụng trong bối cảnh mới để giáo lý của đạo Phật đi vào cuộc sống và phụng sự xã hội. Đó là việc vận dụng tư tưởng bình đẳng của đạo Phật để giải quyết vấn đề bình đẳng giới, là đề cao thực hành tu tại gia và Phật tại tâm thông qua việc “tu thân” và làm tròn bổn phận của mỗi người đối với gia đình và xã hội. Đặc biệt việc đề cao tu tại gia và Phật tại tâm rất thích hợp với phụ nữ. Hình ảnh của “cô Mai” hay tấm gương Nguyên phi Ỷ Lan chính là hình mẫu để phụ nữ noi theo. Họ vừa có chiều sâu tâm hồn vừa thực hành được công đức đối với cộng đồng và dân tộc. Họ vừa mang đặc điểm của người phụ nữ truyền thống nhưng cũng lại có dáng dấp của người phụ nữ hiện đại. Nguyễn Trọng Thuật đã tìm thấy cái mới trong cái cũ, cái hiện đại trong cái truyền thống. Việc vận dụng tư tưởng Phật giáo vào thực tiễn cuộc sống của Nguyễn Trọng Thuật thể hiện tư duy nhạy bén, sáng tạo của người Việt Nam trong bối cảnh của một xã hội thuộc địa./.
LỜI CẢM ƠN
Đây là nghiên cứu được tài trợ bởi Trường ĐHSP Hà Nội 2 trong khuôn khổ đề tài mang mã số HPU2.2022-UT-06.
Tác giả xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu Nhà trường đã tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện nghiên cứu này. Đồng thời, tác giả cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới hai phản biện. Nhờ những góp ý của hai phản biện, ý tưởng bài viết được thể hiện rõ nét, nội dung bài viết trở nên hoàn thiện.
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Bản thảo này không có xung đột lợi ích
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Trước hết, tác giả đã dày công sưu tập, xây dựng mục lục bộ sưu tập Tạp chí Đuốc Tuệ với hơn 200 số báo. Tiếp đó, tác giả đã tiến hành thống kê các bài viết của Nguyễn Trọng Thuật trên Tạp chí Đuốc Tuệ và phân tích nội dung. Nhờ vậy đã phát hiện được những khía cạnh chủ yếu trong tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Trọng Thuật. Trên cơ sở phân tích, đối chiếu với các cây bút khác trên Đuốc Tuệ tác giả đã phát hiện ra những điểm độc đáo và đặc sắc trong các bài viết của ông.
References
- Anh NT. Parcours d'un historien du Vietnam. Paris: les Indes savants; 2008. p. 615. . ;:. Google Scholar
- Lang N. Việt Nam Phật giáo sử luận. Cà Mau: Nxb Phương Đông. 2010; tr.723. . ;:. Google Scholar
- Vũ NP. Nhà văn hiện đại, quyển 1. California: đại Nam. Tái Bản Lần Thứ. 1960;3:145-58. . ;:. Google Scholar
- Thảo TV. Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954). Hà Nội Nxb Trí Thức. 2020. Tr;125. . ;:. Google Scholar
- BK. Bài điếu từ đọc thay Hội Phật giáo Bắc Kỳ kính viếng ông Nguyễn trọng Thuật. Đuốc Tuệ. 1/2/1940; số 125;26. . ;:. Google Scholar
- Ngoạn PT. Phạm Trọng Nhân dịch. Paris: Ý Việt. Tìm Hiểu Tạp Chí Nam Phong. 1993; p. 83; 1917-1934. . ;:. Google Scholar
- Xuyên NK. Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong; 1917-1934. Gòn S. Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục ấn hành. In: lần thứ nhất; 1968. tr. 128-38. . ;:. Google Scholar
- ĐT. Ông Nguyễn Trọng Thuật tịch rồi. Đuốc Tuệ. 1/2/1940. Số 125: 23. . ;:. Google Scholar
- Huyên NV. Văn minh Việt Nam. Hà Nội: Nxb Hội nhà văn. 2016; Vol. 281.. . ;:. Google Scholar
- Phương NT. Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa: huyền thoại đỏ, huyền thoại đen. Hà Nội Nxb Hà Nội. 2020. tr.140. . ;:. Google Scholar
- Tòng HV. Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945. TpHCM Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh. 2016. tr.86. . ;:. Google Scholar
- McHale SF. Print and power: confucianism, communism, and Buddhism in the making of modern Vietnam. Honolulu: University of Hawai'i Press; 2004. p. 18. . ;:. Google Scholar
- Dẫn theo Tế xuyên. Nghề báo. Sài Gòn: Tủ sách gia đình:. 1969. tr.110. . ;:. Google Scholar
- Kha NH. Địa vị đàn bà con gái đối với đạo Phật. Đuốc Tuệ. 7/4/1936. Số 17;15. . ;:. Google Scholar
- Dương BT. Tu tại gia. Đuốc Tuệ. 1/7/1937. Số 64;13. . ;:. Google Scholar
- Đ. N. T. Phật hóa tiểu thuyết, Thư cô Mai. Đuốc Tuệ. 25/8/1936. Số 37: 28, 29 ; Đuốc Tuệ. 11/8/1936. Số 35: 24. . ;:. Google Scholar
- Đồ Nam Tử. Cô con gái Phật hái dâu, Tuệ Đ. Số 113: 36. Đuốc Tuệ. 15/5/1939. Số 108. 1/8/1939;35. . ;:. Google Scholar
- Chi ĐTV. Vấn đề phụ nữ trên báo chí Tiếng Việt trước năm 1945. Hà Nội Nxb Khoa Học Xã Hội. 2008. . ;:. Google Scholar
- Thuật NT. Nghĩa bình đẳng của đạo Phật. Đuốc Tuệ. 1/8/1937. Số 66;11. . ;:. Google Scholar
- Thế ĐNT cũng là ngộ đạo. Đuốc tuệ. Vol. 27; 15/7/1937. Số 65. . ;:. Google Scholar
- Ng-Tr-thuật. Phải giải thoát trí tuệ cho phụ nữ. Đuốc Tuệ. 1/5/1938. Số 84;10. . ;:. Google Scholar
- Hoa NM. Trường nữ sinh thời Pháp thuộc ở Việt Nam: từ góc nhìn quyền văn hóa. Hội thảo Quyền văn hóa: Pháp luật và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam (Seminar Cultural Rights: Law and Practice in the World and Vietnam): Hà Nội. 28/6/2019;109:106-13. . ;:. Google Scholar