VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

165

Total

88

Share

The “filial piety” of the C&MA Evangelical denomination and the Vietnamese tradition






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Filial piety is one of the central issues of Vietnamese culture. It is not only a matter of social morality or human outlook but also has a close relationship with faith - belief and religion of most Vietnamese people. For the Vietnamese, filial piety is an extremely important moral value and a basic - most important standard of human-to-human relationships. The C&MA Evangelical denomination has existed in Vietnam for more than 100 years and although it has affirmed its position with practical contributions, it still encounters prejudice about a religion that teaches people “to deny their roots", "to abandon their grandparents", and “not to be filial to their ancestors", which is contrary to Vietnamese cultural tradition. The research shows the concept of filial piety in the human outlook of the C&MA Evangelical believers from the perspective of the classical analysis of religion. In addition, the author also contributes to clarifying the causes of the C&MA Evangelical Church's failure to practice ancestor worship and analyzing research hypotheses about the relationship between Evangelicalism and Vietnamese culture in the "filial piety" through doctrines, thereby pointing out the most common reasons to answer the question why the filial spirit of the C&MA Evangelical denomination in Vietnam still encounters cultural barriers in the development process.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Có thể nói việc hiếu thảo – kính thờ tổ tiên là một trong những vấn đề trọng tâm trong đời sống văn hóa của người Việt, hiếu kính được các tôn giáo – tín ngưỡng Việt Nam đẩy lên tầm mức “Đạo làm Người” mà hiếu thảo là sự thể hiện cụ thể. Hiếu thảo từ xưa đã được đề cập đến như một nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi người con, nó đề cao vai trò – vị thế của bậc làm cha là mẹ; đồng thời nhấn mạnh và vạch rõ trách nhiệm cũng như bổn phận của người làm con: “Dạt dào gió kép mưa đơn/ Tấc lòng ghi nhớ công ơn mẫu từ” (Ca dao).

Nội tại văn hóa dân gian Việt Nam cũng thắm đượm tinh thần, trọng trách của hiếu đạo – thậm chí nghĩa vụ hiếu thảo với ông bà tổ tiên cha mẹ được nâng thành một “loại hình tín ngưỡng” gắn với thực hành thờ cúng tổ tiên (đạo Ông Bà). “Trong gia đình, đạo cha con yêu cầu cha phải thương con, con phải hiếu với cha; đạo vợ chồng yêu cầu vợ chồng phải thuận hòa, chung thủy. Trong bất kì chế độ xã hội nào, từ gia đình truyền thống đến gia đình hiện đại, “Hiếu” luôn được xác định là nết đầu trong trăm nết, là giá trị hàng đầu của đạo làm người . ” [ 1 , p.257]

Vấn đề được đặt ra ở đây là: Tại sao hiếu đạo trong giáo lý của đạo Tin Lành (hệ phái C&MA ) vẫn không hòa nhập được với truyền thống hiếu đạo của người Việt? Liệu có phải tinh thần “hiếu đạo” của đạo Tin Lành C&MA chưa thật sự phù hợp với người Việt Nam? Hay người Việt vốn vẫn luôn có định kiến đối với các tôn giáo có nguồn gốc bên ngoài? Một giả thuyết lớn hơn được đặt ra là: Liệu có phải cách giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen và sự phủ định hoàn toàn các tín ngưỡng và thực hành truyền thống của người Việt Nam bởi các tín đồ Tin Lành C&MA tạo nên sự bất hòa về văn hóa khiến người Việt gặp khó khăn trong việc dung hòa đức tin mới với di sản văn hóa?

Để giải quyết vấn đề đặt ra và khảo sát các giả thuyết nghiên cứu, tác giả sử dụng 3 phương pháp chính: Phương pháp quy nạp – diễn dịch nhằm làm rõ nội dung, quan điểm của đạo Tin Lành hệ phái C&MA về “hiếu đạo”; Phương pháp So sánh – đối chiếu để phân tích một cách có hệ thống và có cấu trúc những điểm tương đồng và khác biệt giữa các khía cạnh khác nhau của Tin Lành C&MA và văn hóa truyền thống Việt Nam, quan điểm từ các tôn giáo khác, đồng thời cũng có thể giúp nhà nghiên cứu xác định các ảnh hưởng và mối liên hệ giữa đạo Tin Lành hệ phái C&MA và các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác (cụ thể là Việt Nam), cũng như với các yếu tố xã hội, chính trị hoặc kinh tế; cùng cách tiếp cận từ Hiện tượng học Tôn giáo để có thể cung cấp một cách toàn diện những hiểu biết có giá trị về cách các cá nhân và cộng đồng hiểu và thực hành đức tin của người Tin Lành từ bên trong và từ bên ngoài. Phương pháp này có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo lý về “hiếu đạo” từ quan điểm của những người thực hành nó.

NỘI DUNG CHÍNH

QUAN NIỆM VỀ “HIẾU ĐẠO” TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM

Ý nghĩa của chữ Hiếu

Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, Hiếu được định nghĩa là: “Lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ”, theo cách hiểu ngày xưa của Nho giáo, thì “Học trò ở nhà thì có hiếu, ra đường tôn kính bề trên” (弟子入則孝,出則弟) [ 2 , p. 267]. Đồng thời cũng có hai nghĩa hẹp hơn của Hiếu là “Lễ tang cha mẹ, lễ tang người hàng trên trong gia đình, nói chung” hoặc “Có lòng kính yêu, hết lòng chăm sóc cha mẹ” [ 3 , p.439]. Theo đó, có thể hiểu Hiếu bao gồm 3 phận sự lớn: a) thương yêu tôn trọng vâng lời cha mẹ khi còn tại thế; b) chăm sóc cha mẹ khi về già; c) lo việc tang chế cho cha mẹ chu toàn khi họ qua đời. Do đó, Hiếu không phải chỉ là hành vi gói gọn trong hiện tại, mà còn là sự lo liệu cho tương lai, thậm chí khi bậc sinh thành “đã về thế giới bên kia”. Hiếu ở đây được hiểu và định nghĩa gồm những hành động cả khi sống lẫn khi chết. Từ xưa, chữ Hiếu vốn còn mang nghĩa đề cập đến việc mặc áo tang hay áo hiếu khi cha mẹ qua đời.

Quan niệm Hiếu đạo trong văn hóa Việt Nam

Trước khi ảnh hưởng bởi tư tưởng của Tam giáo thì đức Hiếu đã hiện diện trong đạo đức người Việt. Vốn dĩ sự kính trọng dành cho các bậc cha ông trong dòng tộc, gia đình, xã hội đều hiện diện trong văn hóa của mọi dân tộc – phong tục thờ cúng tổ tiên xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng linh hồn người đã khuất nên hiện hữu gần như rộng rãi trong mọi cộng đồng xã hội, trong đó có Việt Nam [ 4 , p.350]. “Việc tôn kính tổ tiên sắc động lại bao nhiêu tâm tình tự nhiên và thiêng liêng của người Việt Nam. Có thể nói những tâm tình ấy gắn liền với con người, với tâm thức, với cuộc sống của người Việt Nam. Cũng do những tâm tình tự nhiên và thiêng liêng ấy, không người Việt Nam nào lại không tôn kính tổ tiên, không coi tổ tiên là phần chủ đạo của gia đình” 5 . Với người Việt, không gì sánh hơn ân đức cù lao chín chữ của cha mẹ, nó đã đi vào ca dao, thơ nhạc dân gian như một lời nhắc nhở muôn đời cho những người con Việt:

Chín chữ cù lao công đức nặng

Một lòng thành kính khói hương thơm (Ca dao)

Trước khi Nho giáo thâm nhập, ý thức về hiếu đạo đã có trong tâm thức người Việt. Trong kho tàng cổ tích của người Việt đã có rất nhiều truyện đề cao lòng hiếu thảo với bậc sinh thành: Cậu bé Tích Chu; sự tích cây vú sữa; sự tích hoa cúc trắng; sự tích hoa đại;…

Kho tàng ca dao – tục ngữ của Việt Nam tồn tại rất nhiều câu nói liên quan đến bổn phận làm con, lời nhắc nhở khuyên lơn con cái chớ bỏ mẹ quên cha, phải ra sức chăm lo cho cha mẹ, như:

“Làm trai nết đủ trăm đường

Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay

Công cha đức mẹ cho dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ hai thân

Thức khuya dậy sớm cho cần

Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con

(Ca dao)

Hay:

“Em thì đi cấy ruộng bông

Anh đi cắt lúa để chung một nhà

Đem về phụng dưỡng mẹ cha

Muôn đời tiếng Hiếu người ta còn truyền

(Ca dao)

Phan Kế Bính cũng đề cập trong sách Việt Nam Phong Tục: “ Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người ” [ 6 , p.23]. Tôn kính tổ tiên trong văn hóa Việt Nam từ lâu không chỉ còn gói gọn trong khái niệm “phong tục” (custom/tradition) mà đã ăn sâu, nâng lên tầm mức của một loại hình “tín ngưỡng dân gian”, dù người đó có theo một tôn giáo nào thì trong nhà vẫn diện diện bàn thờ tổ tiên như tâm thức hướng về nguồn cội không thể chối bỏ đã ăn sâu vào văn hóa tâm linh, thậm chí tên gọi “đạo ông bà” cũng được sử dụng để gọi hình thức thờ cúng này của người Việt.

Hiếu là thờ phụng tổ tiên

Nghĩa là ghi nhớ không quên gốc nguồn (Ca dao)

Hiếu của người Việt còn chịu ảnh hưởng bởi quan niệm Hiếu trong Nho giáo – Các quy tắc ứng xử giữa người với người trước hết được định hình dựa trên quan niệm Trung (忠) và Hiếu (孝) [ 7 , p.47].

Nho giáo đặc biệt đề cao đạo hiếu của con cái đối với bậc sinh thành dưỡng dục, hiếu đứng đầu trong toàn bộ các đức hạnh khác của con người, hiếu không chỉ là việc mà vua tôi, chí sĩ phải làm mà đến cả những thường dân cũng phải phụng hành. Hiếu là một khái niệm được hiểu theo nghĩa rộng và tùy trường hợp có sự biến chuyển khác nhau, tuy bàn nhiều và đề cao phạm trù hiếu nhưng Nho giáo không có một định nghĩa chung về hiếu [ 8 , p.106].

“Thời Tây Chu, hiếu chủ yếu được dùng như một phạm trù của tôn giáo để chỉ việc thực hiện những nguyên tắc thờ cúng tổ tiên và duy trì được nòi giống nối dõi tông đường. Đến thời Khổng Tử, ý nghĩa tôn giáo của hiếu được đem gắn liền với ý nghĩa luân lý, đạo đức gia tộc cũng từ đây trở đi, các quan hệ, phạm trù đạo đức (trong đó có quan hệ cha mẹ - con cái, phạm trù hiếu) thường bị chính trị hoá. Các nhà cầm quyền thường khôn khéo chuyển hiếu thành trung để biến trung, hiếu thành công cụ phục vụ cho nền thống trị của mình” 9 .

Trong quan niệm của Nho giáo, hiếu là cội rễ của đức hạnh, từ vua tôi cho đến kẻ sĩ phàm là quân tử đều phải giữ hiếu, vì chỉ có người biết hiếu thuận mới biết giữ đạo trung với vua, biết kính trọng thầy mình – có thể rõ ràng nhận thấy đức hiếu theo thời gian đã được chính trị hóa để trờ thành công cụ thống trị, đòi hỏi sự thuận phục với bề trên (tức vua). Điều này đã được khẳng định trong Luận ngữ: “Người biết hiếu thuận với cha mẹ, có nết đễ (kính trọng) với người lớn tuổi hơn mình mà lại thích cãi cọ, va chạm, xung đột, mạo phạm với cấp trên là rất hiếm thấy. Người không mạo phạm cấp trên mà lại thích làm phản loạn là không có. Người quân tử là người chuyên tâm nắm vững cái gốc của tu thân thì đạo lập thân xử thế tự nhiên phát sinh ra trong lòng mình. Hiếu đễ là cái gốc của việc làm đạo nhân” [ 10 , p.101].

Về sau, phạm trù hiếu được đề cao. Chính quyền phong kiến “(…) đã đồng nhất tình yêu thương, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ thành nghĩa vụ đối với ngai vàng của nhà vua” [ 8 , p.108].

Trong Nho giáo, “Hiếu đạo là nền tảng của đạo làm người, là nhân tố để hình thành nên đức Nhân của người Quân tử, một mẫu người lý tưởng trong Nho giáo” [ 11 , p.37].

Một quan niệm về hiếu nghĩa thứ hai ảnh hưởng đến quan niệm về Hiếu đạo của người Việt khá sâu đậm chính là quan niệm hiếu của Phật giáo. Tư tưởng đạo Phật vốn đề cao sự biết ơn và đền ơn, bất cứ điều gì ta thọ nhận, Phật dạy rằng: “Này các đệ tử, hãy nghe cho kỹ, ta sẽ diễn nói ơn nghĩa thế gian và xuất thế gian. Một ơn cha mẹ. Hai ơn chúng sinh. Ba ơn tổ quốc. Bốn ơn Tam bảo. Bốn ơn lớn này, tất cả mọi người đều phải ghi nhận và nên đền đáp” [ 12 , p.211]. Kinh Tương Ưng II cũng giáo huấn về sự cao quý của ơn nghĩa nuôi dưỡng mà mỗi người thọ nhận từ đấng sinh thành, nước đại dương thậm chí còn không bằng dòng sữa mẹ nuôi nấng người con từ vô lượng kiếp. Bởi sự lớn lao ấy mà người con khó có thể đáp đền cho trọn vẹn ơn nghĩa trời biển này [ 11 , p.20-21].

Tư tưởng Phật giáo bên cạnh tương đồng với Nho giáo ở những vấn đề mang tính chất đạo đức xã hội trong mối quan hệ với cha mẹ như phụng dưỡng, vâng lời, không làm cho cha mẹ xấu mặt, biết bảo vệ bản thân mình, làm tang lễ chu toàn khi ba mẹ qua đời, biết giữ gìn gia sản của cha mẹ,… thì còn mở rộng ra theo chiều kích mang màu sắc tôn giáo như: giúp cha mẹ biết Quy y Tam Bảo, sống theo tám Pháp thực hành, biết khuyến thiện lánh dữ theo giáo nghĩa nhà Phật, biết giữ giới,… Hiếu đạo trong Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra sự quý giá của công lao cha mẹ và bổn phận đạo đức của người con khi nhận thức được công ơn đó, mà còn kết hợp với việc khuyến khích, giúp đỡ cho bậc sinh thành quy y và làm theo những gì của Phật dạy để được giải thoát. “Hiện tiền đại chúng thiện nam, tín nữ phải phát hiếu tâm cúng dường cha mẹ, khuyên tu thập thiện, cùng chứng đạo quả, cùng thành Bồ Đề, đời này an vui, đời sau hạnh phúc” [ 13 , p.147].

Sự hiếu thảo được quảng phổ trong cả các đời các kiếp, phạm trù hiếu này được hiểu là thái độ từ bi (vốn được nhấn mạnh trong Tứ Vô Lượng) với muôn loài vạn vật vì rất có thể họ là đấng sinh thành của mình trong đời trước – “Thực hành Hiếu đạo không những hiếu dưỡng với cha mẹ mình mà còn mở rộng hiếu dưỡng với cha mẹ mọi người trong thiên hạ” [ 14 , p12].

“Đạo hiếu vốn là một khái niệm hạt nhân của triết học Nho gia, nhằm quy định tiêu chuẩn hành vi của mối quan hệ cha – con, giống như các cặp đạo đức – nhân luân khác trong ngũ thường. Đây đồng thời cũng là một khái niệm cơ bản của đạo đức Phật giáo được đề cập trong nhiều kinh điển khác nhau như Lục Độ tập kinh, Pháp cú thí dụ kinh, Diệu pháp liên hoa kinh, Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh,…” [ 15 , p.19].

HIẾU ĐẠO TRONG ĐẠO TIN LÀNH HỆ PHÁI C&MA TẠI VIỆT NAM TỪ GÓC ĐỘ GIÁO LÝ

Đạo Tin Lành (Evangelical Church) với hơn 100 năm tuổi tồn tại ở Việt Nam – chưa hẳn gọi là quá đậm sâu trong dòng chảy văn hóa tâm linh của người Việt nhưng lại là cộng đồng tôn giáo tiêu biểu cho những đặc điểm về cả hai phương diện đạo (tôn giáo) và đời (xã hội – chính trị) trong tình trạng hội nhập và hiện đại hóa đời sống ngày nay. Đạo Tin Lành tiêu biểu cho âm hưởng cải cách và đang tiếp tục cải cách, tinh thần đơn giản hóa lễ nghi và phong tục cũng như ý thức cân bằng đời sống tâm linh và cuộc sống hiện đại là những đặc điểm tiêu biểu của đạo Tin Lành. Tin Lành C&MA tại Việt Nam theo chủ nghĩa Phúc Âm (Evangelicalism), vốn xuất hiện như một phong trào liên hệ phái (interdenominational movement) từ năm 1738 [ 16 , p.205] – nổi bật với các đặc điểm: nỗ lực truyền giáo; trải nghiệm cải đạo - tái sinh đức tin (being “born again”); làm chứng về kinh nghiệm đức tin cá nhân; đề cao thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh.

Hệ phái Tin Lành C&MA vốn trước đến nay vẫn được xem là một đại diện lớn của nền đạo Tin Lành tại Việt Nam, đạo Tin Lành phía Nam được dẫn dắt bởi Tổng Liên Hội của tổ chức Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam); còn phía Bắc được điều hành bởi Tổng Hội thuộc tổ chức Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc). Tuy khác nhau về mặt cơ cấu nhưng cả hai đều có quan điểm chung với nhau trên lập trường tư tưởng bảo thủ Thần học, ảnh hưởng sâu sắc bởi điểm tư duy thần học của nhà cải cách người Geneva – thần học gia Jean Calvin. Do niềm tin của đạo Tin Lành hệ phái C&MA vốn mang tư tưởng bảo thủ mặc khải duy Kinh Thánh (Sola Scriptura), cùng điểm nhìn văn hóa theo đường hướng ban đầu của các nhà truyền giáo phương Tây nên thường bác bỏ nhiều truyền thống văn hóa Việt Nam mà theo họ không phù hợp với tục lệ Kinh Thánh. Kể từ khi bắt đầu truyền bá đến hiện tại, một trong những va vấp lớn của đạo Tin Lành và văn hóa truyền thống Việt Nam chính là quan điểm về việc thờ kính tổ tiên.

Trước hết, các giải kinh của hệ phái Tin Lành C&MA đa phần được xem là khá bảo thủ và thường chỉ diễn giải theo nghĩa đen, hiểu một cách cụ thể trực tiếp những điều được tuyên bố thông qua thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh. Chẳng hạn như người Tin Lành C&MA Việt Nam không phân biệt hai khái niệm “thờ” (latreia) và “kính” (doulia) như thần học Công giáo, cho nên đối với họ, việc lập bàn thờ tổ tiên, thắp hương, vái lạy, quỳ trước bàn thờ ông bà tổ tiên là hành vi “thờ phượng” tổ tiên, như thế là sai với nguyên tắc chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời.

Nhưng cũng cần nói rõ cách nhìn và diễn giải văn hóa hiện nay của phái Tin Lành C&MA vốn còn bị ảnh hưởng sâu sắc từ cách nhìn nhận văn hóa ban đầu của các giáo sĩ phương Tây đương thời. Đặc tính của Tin Lành C&MA là tôn trọng dân chủ, độc lập và tự trị – đây cũng là nguyên tắc vận hành của Giáo hội Tin Lành C&MA, do sự độc lập và tự trị vốn có đó mà giáo lý của Tin Lành C&MA trải qua 100 năm qua gần như không có sự thay đổi. Trong khi đó, đạo Công giáo ban đầu khi được Hội thừa sai Paris truyền đến Việt Nam cũng mang quan niệm tương tự về phong tục thờ cúng tổ tiên nhưng hiện nay đã hoàn toàn thay đổi cách tiếp cận và diễn giải thần học kể từ sau Công đồng Vaticano II.

Trong đạo Tin Lành, hệ thống Thần học Bản địa hóa gần như không được nhấn mạnh, điều đó tạo nên diện mạo đạo Tin Lành phái C&MA tại Việt Nam vẫn còn khá tách biệt so với nhiều tôn giáo khác trong dòng chảy văn hóa truyền thống. Do đó, dù trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển nhưng đạo Tin Lành vẫn còn giữ một khoảng cách khá rạch ròi với văn hóa Việt Nam. Nói chính xác hơn, đạo Tin Lành phái C&MA chỉ lưu giữ “tinh thần văn hóa của Việt Nam” thông qua một số ý tưởng phổ quát nhất: Tết Cổ Truyền; những giá trị đạo đức Á Đông;… còn về hình thức và những thực hành thì gần như đã bị biến đổi cho phù hợp với niềm tin của đạo, chẳng hạn cùng là hoạt động ăn Tết Cổ Truyền nhưng người theo đạo Tin Lành phái C&MA sẽ không có các nghi thức cúng ông Táo, dựng nêu – hạ nêu, cúng giao thừa, kiêng cữ quét nhà vào ngày đầu tiên của năm mới,… Đặc biệt, các hoạt động liên quan đến thờ cúng, tín ngưỡng dân gian,… sẽ hoàn toàn bị loại bỏ, - trong đó có thực hành thờ cúng tổ tiên, những người đã qua đời.

Nói như vậy không có nghĩa là kết luận phái Tin Lành C&MA không đề cao tinh thần hiếu đạo. Tinh gọn trong vấn đề này, tác giả Lê Hùng Yên đã có kết luận như sau trong nghiên cứu của mình: “Mặc dù trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ, những năm gần đây, đạo Tin Lành đang phát triển khá mạnh, gia tăng nhiều hệ phái, nhưng đạo Tin Lành vẫn được hầu hết người Tây Nam Bộ đánh đồng “đạo bỏ ông, bà, tổ tiên”, trong khi đó giáo lý đạo Tin Lành khá xem trọng việc hiếu, kính cha mẹ, ông bà. Vấn đề chỉ khác nhau là nghi thức và cách thức hiếu kính” [ 17 , p.96].

Trong Kinh Thánh, người Tin Lành luôn thuộc nằm lòng câu trích dẫn sau: “Hãy hiếu-kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12) [ 18 , p.76]; đây là một trong những câu Kinh Thánh kinh điển mà người Tin Lành luôn nhắc đến khi đề cập đến vấn đề đạo Hiếu. Trong hệ thống 10 điều răn của Chúa Trời trong Kinh Thánh Tin Lành, 4 điều răn đầu là bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, 6 điều còn lại là mối quan hệ giữa con người với nhau. Mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ là điều răn thứ 5 – cũng là điều răn đầu tiên của hệ thống 6 điều răn giữa người với người mà Chúa Trời quy định. Do vậy, có thể nói ngay từ mặt kinh điển tôn giáo, việc thảo kính cha mẹ đã được đưa lên hàng quan trọng thứ hai chỉ sau những nghĩa vụ thiêng liêng với Chúa.

Việc hiếu kính với cha mẹ không phải là một đặc thù riêng có của đạo Tin Lành, mà mọi nền tảng tôn giáo hầu như đều nhấn mạnh đến vấn đề này như một nghĩa vụ bắt buộc. Xét về mặt lịch sử, Kinh Cựu Ước là sản phản sản sinh ra trong nền văn hóa – tư duy của người Do Thái thời kỳ du mục, do đó có thể thấy việc nó rất đề cao vai trò hiếu thảo của con cái với cha mẹ của mình chính là sự tiến bộ về mặt tư duy, và sự tiến bộ này được đánh giá cao vì thời kỳ du mục này rất nhiều người Do Thái thường hay bỏ rơi cha mẹ già yếu của mình, bỏ mặc họ chết trong hoang địa [ 19 , p104]. Sự răn dạy hiếu kính mẹ cha trong Kinh Cựu Ước ra đời như một sự tiến bộ rất đáng ghi nhận về nhận thức của người Do Thái du mục về đấng sinh thành.

Cần nhấn mạnh rằng người Tin Lành vô cùng đề cao việc hiếu thảo với bậc sinh thành – dưỡng dục, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái được đề cao trong Hội thánh Tin Lành C&MA. Vì gia đình là hạt nhân, là nhóm tế bào góp phần phát triển sự lớn mạnh của hội thánh, nên đạo đức một người phần lớn được cho là ảnh hưởng bởi sự giáo dục của cha mẹ 20 . Trong đạo Tin Lành, cha mẹ chính là nhà giáo dục đức tin và nhân cách sống đầu tiên của con cái, đạo đức gia đình là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách đầu tiên của con người trong đạo Tin Lành: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm ngôn 22:6) [ 18 , p.656]. Do đó, cha mẹ nói riêng và các bậc trưởng lão trong nhà nói chung chiếm một vị thế quan trọng trong gia đình đạo Tin Lành.

Các bài viết và sách vở của bổn đạo đều hàm chứa những lời khuyên dạy về vai trò quan trọng tột bậc của cha mẹ trong vấn đề giáo dục gia đình, các câu Kinh Thánh răn đe của Cựu Ước thường xuyên được sử dụng như một lời cảnh báo cho con cái về việc bất kính với cha mẹ: “Kẻ nào đánh cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử. Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử” (Ê-díp-tô Ký 21:15, 17) [ 18 , p.77].

Việc hiếu thảo và vâng phục cha mẹ được người Tin Lành xem như chuẩn mực mà họ phải học theo gương của Đức Jesus, vì Đức Jesus cũng vâng phục cha mẹ của mình suốt khoảng thời gian Ngài còn “tại thế”: “Đoạn, Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ. Mẹ Ngài ghi các lời ấy vào lòng” (Luca 2:51) [ 18 , p.981]. Việc hiếu kính cha mẹ được nâng lên thành một nhiệm vụ và “giới răn” theo đường hướng “Kính Chúa Yêu Người” khi Đức Jesus phê bình những thầy Luật Do Thái chỉ lo “tu tập”, lấy việc đó làm đủ mà bỏ mặc cha mẹ của họ: “Nhưng các ngươi lại nói rằng: Ai nói cùng cha mẹ rằng: Những điều mà tôi có thể giúp cha mẹ, đã dâng cho Đức Chúa Trời rồi, thì người ấy không cần phải hiếu kính cha mẹ. Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 15:5-6) [ 18 , p.934].

Bổn phận của đạo làm con tiếp tục được đề cập và nhắc nhở trong các thư tín Tân Ước của Thánh Paul sứ đồ. Cụ thể, lời răn trong sách Ê-phê-sô 6:1-4 luôn được tín đồ Tin Lành C&MA xem là kim chỉ nam rõ ràng trong mối quan hệ hai chiều giữa cha mẹ và con cái: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất. Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:1-4) [ 18 , p.1134]. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong đạo Tin Lành thường được tuân theo nguyên tắc này:

  • Con cái sẽ vâng lời, thuận phục và thảo kính cha mẹ, nếu những gì cha mẹ muốn, yêu cầu và sai bảo phù hợp với đức tin vào Chúa, nguyên tắc này thể hiện 2 ý nghĩa: cha mẹ phải luôn là tấm gương mẫu mực trong việc thực hành nếp sống đời – đạo cho con cái; nguyên tắc tôn kính Chúa trước tiên và trên hết mọi sự vẫn phải được đảm bảo, tức là thẩm quyền sinh thành của cha mẹ không thể vượt trội hơn đức tin và sự yêu mến Chúa – vì Chúa mới là Đấng Sáng Tạo cao hơn hết.

  • Bên cạnh đó, cha mẹ cũng là những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo ban và tôn trọng con cái, phải có thái độ nuôi dạy đúng đắn để đảm bảo sự bình đẳng với nhau trong nguyên tắc tôn trọng mọi người trong gia đình dù nhỏ hơn hay lớn hơn. Ở đây, sự diễn giải này của đạo Tin Lành tạo ra một lối mở để con cái có thể phản kháng, tỏ bày sự bất đồng nếu điều đó đi ngược lại mong muốn của mình – tuy nhiên sự phản ứng này cần thỏa mãn yêu cầu trước hết: nó phải là sự phản kháng đúng đắn theo chân lý tối cao của Đức Chúa Trời, ngược lại, nếu con cái phản kháng nhưng sự phản kháng này không hợp lẽ đạo thì đó là sự bất kính và bất hiếu.

Sự hiếu kính này không phải chỉ nằm trên những lời dạy lý thuyết, mà tại Việt Nam, nó còn được hiện thực hóa thành những hành động cụ thể mang mục đích giáo dục và răn dạy con trẻ trong hội thánh biết bổn phận hiếu kính của mình với ông bà, cha mẹ, trong đó tiêu biểu nhất là “Ngày Hiếu Kính Cha Mẹ” được diễn ra vào Chủ Nhật tuần thứ hai của tháng Năm hàng năm một cách trọng thể nhằm tri ân công lao của cha mẹ các thế hệ trong hội thánh, theo gương Đức Jesus là người hiếu thảo với cha mẹ mình, thậm chí trước lúc tắt hơi trên Thập Giá thì Đức Jesus vẫn căn dặn Giăng chăm lo cho mẹ mình như mẹ ruột. Trong ngày lễ này, mọi người sẽ hát những bài thánh ca tri ân công lao dưỡng nuôi của cha mẹ, cầu nguyện Chúa bảo vệ cho cha mẹ, đồng thời, những người con trong hội thánh sẽ tri ân cha mẹ mình bằng cách tặng quà, cài hoa cũng như ôm và cầu nguyện. Ngày lễ này thể hiện đậm nét tinh thần hiếu kính của người Việt theo đạo Tin Lành C&MA.

Thông qua các phân tích trên đây, chúng ta thấy rõ cha mẹ thực sự chiếm một vai trò quan trọng trong nền tảng gia đình của đạo Tin Lành C&MA, bổn phận của con cái đối với cha mẹ được giáo dục rất kỹ lưỡng từ nhỏ, cho nên người Việt theo đạo Tin Lành vô cùng đề cao quan niệm về hiếu đạo, điều này không hề đi ngược lại tinh thần thảo kính cha mẹ trong văn hóa Việt vốn có mà người ta thường nghĩ.

Về vấn đề thờ cúng tổ tiên, tín đồ đạo Tin Lành lại có một thế giới quan hoàn toàn khác cách mà đa phần người Việt quan niệm, điều này xuất phát từ quan điểm của người Tin Lành về cuộc sống sau khi chết của một người. Theo quan niệm của đạo Tin Lành C&MA, linh hồn con người sau khi qua đời sẽ được đưa đến khu vực Âm phủ gọi là “Hades” (ᾅδης) hay “Sheol” (שאול). Khu vực này chia thành 2 nơi dựa trên trình thuật Kinh Thánh trong Phúc Âm Lu-ca 16:19-31: một nơi gọi là Parádeisos (παράδεισος) tức là nơi tạm trú dành cho những người có đời sống công nghĩa, đạo đức, còn gọi là “lòng Abraham” (κόλπος Ἀβραάμ) [ 21 , p.7]. Nơi thứ hai được gọi là Tartarus (Τάρταρος), là nơi bị bỏ mặc, đói khát và kêu la dành cho những người tội lỗi. Cả hai nơi này bị ngăn cách bởi một Vực sâu thăm thẳm (῎Αβυσσος); điểm chung thứ hai của hai nơi này chính là chúng đều là nơi tạm thời cho các linh hồn sau khi qua đời 22 , phải đến ngày Phán Xét Cuối Cùng họ mới được Chúa phán xét phân định thuộc về Nước Chúa (βασιλεία τοῦ θεοῦ) hay Gehenna (גֵּיא בֶן־הִנֹּם) với thời hạn đời đời.

Linh hồn người chết sau khi qua đời sẽ nhận sự phân định rõ ràng trên hành trình đến đích đến cuối cùng, mỗi người sẽ chịu trách nhiệm với những hành động họ đã làm trên dương thế, do đó, khái niệm về “luyện ngục” hay cầu thay cho các linh hồn của người trên dương thế không được áp dụng trong đạo Tin Lành. Với người Tin Lành, việc cầu nguyện cho linh hồn người chết là việc làm vô ích, người Tin Lành không tin vào sự luân hồi cũng như việc người chết có thể quay về dương thế: “Mây tan ra và đi mất thể nào, kẻ xuống âm phủ không hề trở lên, cũng thể ấy. Họ không hề trở về nhà mình nữa, Và xứ sở người chẳng còn biết người” (Gióp 7:9, 10) [ 18 , p.505], nên với người Tin Lành, việc cúng bái lễ lạy cho người chết là việc làm vô nghĩa.

Nguyên tắc độc thần trong Kinh Thánh Cựu Ước được người Tin Lành C&MA tuân thủ tuyệt đối, thông qua lời dạy trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-6; Ma-thi-ơ 4:10, người Tin Lành bài bác toàn bộ những thực hành mang dáng vẻ của việc thờ cúng 23 , vì họ cho rằng chỉ duy có Chúa Trời mới xứng đáng có được sự phụng thờ này. Việc cúng bái, tổ chức lễ giỗ cho người đã khuất được người Tin Lành quan niệm như một sự thờ cúng thần khác có thẩm quyền ngoài Chúa, những hành vi thắp hương trước di ảnh, quỳ lạy trước bất cứ người nào (dù là sống hay chết) đều được đánh giá là hành vi đi ngược lại tinh thần một Thiên Chúa của Kinh Thánh. Hành vi hiếu kính nên được thực hiện khi cha mẹ còn sống chứ không phải đến lúc họ qua đời, vì khi qua đời cha mẹ chẳng còn biết gì nữa, việc hiếu kính khi ấy là vô ích.

Với câu hỏi được đặt ra là: Tại sao vấn đề hiếu kính tổ tiên, cha mẹ dù đã xuất hiện trong giáo lý và sinh hoạt của đạo Tin Lành, nhưng so với quan điểm về hiếu đạo của Phật giáo và Nho giáo lại không được người Việt Nam tiếp nhận rộng rãi đã có lời giải đáp.

Thứ nhất: Dù cùng đề cao tinh thần hiếu đạo và xem đó là nghĩa vụ bắt buộc của đạo làm người, nhưng một điểm khác biệt lớn mà đạo Tin Lành hệ phái C&MA bác bỏ chính là việc lập bàn thờ cúng tổ tiên. Như đã trình bày, quan điểm của hệ phái Tin Lành này không chấp nhận bất kỳ hình thức bái lạy thờ cúng nào khác – thậm chí là thờ cúng tổ tiên vì cho rằng tất cả chỉ là thờ cúng ma quỷ và tà thần, là việc làm xúc phạm đến Chúa. Trong khi đó, việc thờ cúng tổ tiên vốn được xem là một thực hành tâm linh quan trọng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, thể hiện sự tiếp nối và nhớ ơn những thế hệ trước – do đó, việc bác bỏ thực hành này của đạo Tin Lành phái C&MA không được nhiều người Việt chấp nhận.

Thứ hai: Hệ thống quan điểm thần học của Tin Lành C&MA Việt Nam không đặt nặng đến yếu tố bản địa hóa Phúc Âm – điều mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đang ra sức thực hiện kể từ sau Công đồng Vaticano II. Trước đây, Công giáo tại Trung Quốc, Việt Nam,… đều bài bác việc thờ cúng tổ tiên, lập bài vị – bằng chứng là các tông huấn “ Ex illa die ” (do Đức Giáo hoàng Clement XI ban hành năm 1705) và tông huấn “ Ex Quo Singulari ” (do Đức Giáo hoàng Benedictus XIV năm 1742) đã được ban ra để quy định thái độ của người Công giáo về việc thờ tự người quá cố, tham dự vào các hoạt động tín ngưỡng dân gian”.

Tuy có cùng quan điểm lúc ban đầu, nhưng vào năm 1939, Thánh Bộ Truyền Giáo đã chính thức hủy bỏ những điều khoản liên quan việc kính nhớ tổ tiên mà tông huấn “ Ex Quo Singulari ” đã cấm đoán trước đó, đòi hỏi người Công giáo phải có cái nhìn mới về việc tôn kính tổ tiên sau nhiều năm bị cấm đoán. Thế nhưng, đạo Tin Lành phái C&MA vẫn giữ lập trường quan điểm bài bác thực hành thờ cúng tổ tiên từ những ngày đầu cho đến hiện nay mà không hề có một sự cải cách hay nới lỏng nào. Điều này phần lớn là do thái độ tiếp cận thần học có khuynh hướng kinh viện, việc giải Kinh còn mang tính “bề mặt” theo nghĩa đen của văn tự, chủ trương tách biệt với tập tục “trần thế” – vốn được xem là biểu hiện của bản chất sa ngã ô uế. Bên cạnh đó là sự thiếu vắng của nền thần học bản địa hóa, nhất là tinh thần bảo thủ thần học của nhà cải cách Jean Calvin đã khiến cho tinh thần hiếu đạo của người Tin Lành C&MA trở nên ít gần gũi với tập tục văn hóa truyền thống của người Việt.

Thứ ba: Đạo Tin Lành C&MA nhìn chung còn khá “khép kín” trong việc cùng các tôn giáo khác đối thoại, người theo đạo Tin Lành C&MA phần lớn không chấp nhận quan điểm “đạo nào cũng tốt” mà chủ yếu chỉ tập trung nhìn nhận đức tin của mình là phương cách duy nhất để đạt được sự cứu rỗi – có thể tạm hiểu theo nghĩa “không có ơn cứu độ nào khác ngoài giáo hội”.

KẾT LUẬN

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy người Tin Lành hệ phái C&MA luôn có tinh thần hiếu thảo tôn kính với bậc sinh thành, quan niệm này tập trung lúc cha mẹ còn tại thế, còn khi qua đời thì linh hồn đã đến nơi linh hồn “phải đến”, không thể thụ hưởng bất kỳ sự thảo kính thông qua hình thức lễ lạy cúng bái nào. Tinh thần hiếu đạo của hệ phái Tin Lành C&MA không bao gồm quan niệm “cúng bái linh hồn quá vãng” như quan niệm hiếu của người Việt vốn đã bị ảnh hưởng bởi các truyền thống tôn giáo khác. Vì chỉ bảo lưu tinh thần “hiếu” mà không có thực hành thờ cúng nên hiếu đạo của Tin Lành vẫn còn tách biệt với hiếu đạo truyền thống của người Việt. Thay vào đó, hiếu đạo theo Tin Lành sẽ mang nghĩa là con cái phải sống đạo đức và ngoan đạo để không làm hổ thẹn danh tiếng cha mẹ sau khi họ qua đời. Từ đây có thể thấy rằng về cơ bản, người Tin Lành không “bỏ” việc kính nhớ hiếu thảo tổ tiên. Vì ảnh hưởng từ lập trường giải thích Kinh Thánh nên quan điểm của họ về hiếu đạo rất khác với hiếu đạo trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, việc không có các yếu tố nghi lễ dẫn đến những tách biệt nhất định, tạo nên nhiều khó khăn khi hòa nhập với văn hóa truyền thống Việt Nam.

DANH MỤC TỪ NGỮ/THUẬT NGỮ VIẾT TẮT

C&MA: The Christian and Missionary Alliance (C&MA) (Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp)

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố nghiên cứu này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài nghiên cứu chỉ ra quan niệm hiếu đạo trong nhân sinh quan của tín hữu đạo Tin Lành C&MA từ góc độ phân tích kinh điển tôn giáo, bên cạnh đó cũng góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân việc không thực hành thờ cúng tổ tiên của đạo Tin Lành C&MA bằng việc phân tích các tín lý liên quan đến linh hồn trong đạo Tin Lành hệ phái C&MA.

References

  1. Lên NT. Đạo Hiếu và giáo dục đạo Hiếu cho thế hệ trẻ hiện nay. Tạp chí Giáo dục. 5/2018;1:257-260. . ;:. Google Scholar
  2. Nghị LL. Tìm về cội nguồn chữ Hán. Đổng NV dịch. Hà Nội: Thế giới; 1997. . ;:. Google Scholar
  3. Viện Ngôn ngữ học. Từ điển tiếng Việt. Đà Nẵng: Đà Nẵng; 2003. . ;:. Google Scholar
  4. Ngọc P. Bản sắc văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa - Thông tin; 1998. . ;:. Google Scholar
  5. Vinh MĐ. Tôn kính Tổ tiên [Internet]. Paris: Giáo xứ Việt Nam Paris; 2004. . ;:. Google Scholar
  6. Bính PK. Việt Nam Phong Tục. Hà Nội: Văn học; 2006. . ;:. Google Scholar
  7. Hải ND. Quan niệm về chữ hiếu trong văn hóa Việt Nam của một số học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến. 7/8/2018;6(2):46-54. . ;:. Google Scholar
  8. Trang HT. Quan niệm của Nho giáo về "hiếu" và ảnh hưởng của quan niệm đó trong đời sống gia đình ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam. 2013;9(70):105-112. . ;:. Google Scholar
  9. Viện Triết Học. Một số nội dung cơ bản của phạm trù "Hiếu" trong Nho giáo sơ kỳ. [Internet]. Hà Nội; 2016. . ;:. Google Scholar
  10. Tứ thư. Sâm TT, Thuận KVB dịch. Hà Nội: Hội nhà văn; 2006. . ;:. Google Scholar
  11. Thu NT. "Đạo hiếu" trong Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đạo đức ở Việt Nam hiện nay [Luận văn Thạc sĩ]. Hà Nội: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; 2015. . ;:. Google Scholar
  12. Từ TN. Kinh Phật cho người tại gia. Hà Nội: Hồng Đức; 2019. . ;:. Google Scholar
  13. Tuệ P. Mục Liên Sám Pháp. Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh; 1998. . ;:. Google Scholar
  14. Đạt TN. Tư tưởng Hiếu đạo trong Phật giáo. Hồ Chí Minh: Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh; 2012. . ;:. Google Scholar
  15. Léon R, Léofanti. Các tầng địa ngục theo Phật giáo. Tuân PV dịch. Hà Nội: Thế giới; 2020. . ;:. Google Scholar
  16. Christian Scholar's Review, Volume 27. USA: Hope College; 1997. . ;:. Google Scholar
  17. Yên LH. Sự phát triển của các hệ phái Tin Lành góp phần đa dạng tôn giáo vùng Tây Nam Bộ. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. 6/8/2018;8(176):84-98. . ;:. Google Scholar
  18. Liên Hiệp Thánh Kinh Hội. Kinh Thánh: Cựu Ước và Tân Ước [Bản Việt ngữ 1926 - VI1934]. Hà Nội: Tôn giáo; 2016. . ;:. Google Scholar
  19. Anh TTP. Quan niệm của Tin Lành về các mối quan hệ gia đình qua Kinh Thánh. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. 2015;7(145):99-110. . ;:. Google Scholar
  20. Phan T. Cơ Đốc giáo dục trong gia đình [Internet]. Hồ Chí Minh: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Tổng Liên Hội; 22/10/2013. . ;:. Google Scholar
  21. Lesley B, Trumble WR, Angus S. The Shorter Oxford English Dictionary on Historical Principles. 5th ed. New York: Oxford University; 2002. . ;:. Google Scholar
  22. Ân TH. Sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu [Internet]. Bình Dương: Tiếng nói của Lẽ Thật; 13/6/2021. . ;:. Google Scholar
  23. Got Question [Internet]. Kinh Thánh dạy gì về việc thờ cúng tổ tiên?. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 3 (2023)
Page No.: 2078-2086
Published: Sep 30, 2023
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.850

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, N. (2023). The “filial piety” of the C&MA Evangelical denomination and the Vietnamese tradition. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(3), 2078-2086. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i3.850

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 165 times
PDF   = 88 times
XML   = 0 times
Total   = 88 times