VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

263

Total

304

Share

The killer character in Edgar Allan Poe's short stories - a view from Hegel's philosophy of self-consciousness






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Edgar Allan Poe’s short stories are often evaluated based on his artistic talent – his ability to use special composition techniques such as the Single Effect technique, a literary theory proposed by Edgar Allan Poe himself, in order to extract highly effective emotional responses from readers, including the fight-or-flight response. This trend of research focuses on writing techniques, which are consistent with Edgar Allan Poe's conception of the importance of effects in artistic creation. Providing a different approach, this article appreciates his short stories in the aspect of philosophical thought that he conveyed in his works, in particular his ability to not only conclude the general rule from which criminal psychology was born, but also to suggest the way out of it. Finding anger, lust for murder, and terror of death, which constantly dominate the surface of Edgar Allan Poe’s horror works, the study tries to understand the core principle hidden in his works that caused such psychological phenomena. Guided by Hegel’s philosophy, this research explains that the desire to self-certainty in the primitive form – through fight to death – of self-consciousness is the psychological operation mechanism of the character in Edgar Allan Poe’s horror short stories.

MỞ ĐẦU

Trong tác phẩm The will to power (Tạm dịch: “Ý chí đạt quyền lực”), đại diện cho những Tự-ý thức, Nietzche khái quát về nỗi bất hạnh và sự xa rời chân lý của con người : “Chúng ta tạo nên một lớp từ mới vào đúng thời điểm mà sự ngu dốt của của ta ra đời, thời điểm mà tầm nhìn ta không thể vươn ra xa, đó là, từ “tôi”, từ “làm”, từ “đau khổ”: đây có lẽ là chân trời tri thức với ta, nhưng không phải là “chân lý” [ 1 , p. 267]. Ở đây, ông đã nối liền cái tôi tự ý thức với số mệnh không thể tránh khỏi là trạng thái mù lòa trước niềm an lạc – hay trạng thái đau khổ, và sự mù lòa trước chân lý. Nhận định của Nietzsche sẽ là lời tóm tắt cho nội dung chính yếu của bài nghiên cứu về nhân vật sát nhân của Edgar Allan Poe hay chính là Tự-ý thức nâng cao sự xác tín về mình dưới hệ thống lý luận của Hegel.

Ở Việt Nam đã có nhiều nhà nghiên cứu giới thiệu, nhận định về truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe như Lê Huy Bắc, Lê Đình Cúc, Hoàng Kim Oanh, Ngô Bích Thu, Hoàng Tố Mai,… nhưng hầu như chưa ai đặt ra vấn đề nghiên cứu hình tượng nhân vật kẻ sát nhân trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe.

Công trình Cái Đẹp, Tình yêu và nỗi ám ảnh về Cái Chết trong thơ Edgar Allan Poe của Hoàng Kim Oanh đặt trọng tâm nghiên cứu là thơ của Edgar Allan Poe, bước đầu đặt ra gợi ý về chủ đề Tự-ý thức mù quáng và bất hạnh trong tiểu mục bàn về truyện ngắn của E.A.Poe. Nhà nghiên cứu cho rằng quan niệm “truyện của ông chỉ là sự bắt chước, vay mượn từ kiểu mẫu phổ biến trong suốt thời đại của ông: truyện kinh dị man rợ kiểu Gothic của người Đức” là sai lầm và đã được Edgar Allan Poe phủ định trong lời tuyên bố ở tựa tác phẩm Tales of the Grotesque and Arabesque: “Sự kinh dị đó không phải là của người Đức mà là những nỗi khiếp sợ của chính tâm hồn con người” [ 2 , p. 35]. Hoàng Kim Oanh khẳng định: “Poe thường đi sâu vào nỗi sợ hãi của con người trước cái chết, và sự độc ác trong tâm hồn con người để qua đó khẳng định một chủ đề hoàn toàn đối lập đến bất ngờ: Khát vọng sống và bản năng sinh tồn của con người” [ 2 , p. 36]. Có thể thấy, dù đưa ra một số nhận định có liên quan đến hình tượng nhân vật kẻ sát nhân, song nghiên cứu này không đặt vấn đề soi chiếu, lý giải nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Edgar Allan Poe dưới góc nhìn triết học Hegel.

Bàn về truyện ngắn kinh dị của E.A.Poe ở Việt Nam, có hai công trình nổi bật là Dấu ấn của Edgar Allan Poe trong truyện khoa học giả tưởng của Viết Linh của Ngô Bích Thu và Nevermore – Hồi ức đau buồn và bất tận của Hoàng Tố Mai. Bài báo của Ngô Bích Thu nghiên cứu các đặc điểm khoa học giả tưởng trong sáng tác của Edgar Allan Poe để cho thấy ảnh hưởng của ông đến tác phẩm khoa học giả tưởng của Viết Linh 3 . Nghiên cứu của Hoàng Tố Mai trình bày các đặc điểm trần thuật – từ biện pháp điệp từ, điệp ngữ đến vấn đề người kể chuyện, giọng điệu kể chuyện và nghệ thuật kể chuyện – trong tác phẩm của Edgar Allan Poe, đồng thời nêu lên những ảnh hưởng gián tiếp giữa Edgar Allan Poe, Charles Baudelaire và Hàn Mặc Tử 4 . Nhìn chung, hai công trình nêu trên đều thiên về loại hình nghiên cứu mô tả, chưa khai thác tác phẩm của Edgar Allan Poe ở khía cạnh tư tưởng triết học và đặc biệt chưa giải thích sáng tác của ông dưới sự soi chiếu của triết học duy tâm Đức.

Ở nước ngoài đã có nhiều bài báo phân tích tác phẩm của Edgar Allan Poe dưới thế giới quan của triết học duy tâm Đức, từ triết gia Kant, Schelling đến Schopenhauer. Soi chiếu tác phẩm của Edgar Allan Poe từ triết học Schelling có bài nghiên cứu “As Urged by Schelling”: Coleridge, Poe and the Schellingian Refrain của Moreland và Shaw vào năm 2012. Trong bài viết, các tác giả khảo sát sức tác động của triết gia duy tâm Đức Schelling đến tư tưởng nghệ thuật của Edgar Allan Poe [ 5 , pp. 50-80]. Soi chiếu tác phẩm của Edgar Allan Poe từ triết học Kant có bài nghiên cứu The transgressive sublime in Edgar Allan Poe's “The tell-tale heart” and “The imp of the perverse” của Koçsoy viết vào năm 2018 6 . Bài báo này khảo sát tác phẩm Trái tim thú tội Con quỷ của thói ngược dưới quan niệm của Kant về cái trác tuyệt. Đồng thời, người viết khẳng định Edgar Allan Poe với khả năng nhìn sâu vào vô thức của con người đã vượt qua nhận thức giới hạn của Kant về lý tính. Nghiên cứu tác phẩm của Edgar Allan Poe từ triết học Schopenhauer, có bài nghiên cứu Epicureanism and Schopenhauer’s Consolation in Edgar Allen Poe’s short story “The Masque of the Red Death” của Humaish, A. H. vào năm 2021 [ 7 , pp. 1-4]. Trong đó, Hurmaish đã đặt ra quan hệ so sánh quan niệm của Schopenhauer và quan niệm của Edgar Allan Poe về tranh đấu chật vật của con người chống lại tính đoản mệnh tất yếu của mình. Như vậy, cho đến hiện nay, theo ý chủ quan của tôi, chưa có nghiên cứu trong nước và ngoài nước nào tiếp cận tác phẩm của Edgar Allan Poe từ triết học của F.Hegel – một trong những trụ cột của trường phái triết học duy tâm Đức. Đây là một vấn đề bỏ ngỏ, cần được đào sâu nghiên cứu. Ra đời trong bối cảnh nêu trên, bài nghiên cứu sẽ đóng vai trò khởi đầu cho hành trình khám phá vùng đề tài giàu tiềm năng này.

Về khung lý thuyết, bài nghiên cứu sử dụng một phần trong triết học về Tự-ý thức trong tác phẩm Hiện tượng học tinh thần của G.F.Hegel do Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Cần hình dung về cấu trúc lập luận chung của quyển Hiện tượng học tinh thần để nhìn thấy vị trí và vai trò của nội dung lý thuyết mà bài viết sẽ vận dụng vào việc nghiên cứu. Tác phẩm triết học này được chia theo hệ thống A, B, C thành ba phần chính là Ý thức , Tự-ý thức , và phần C không có tiêu đề gồm 4 mục nhỏ là Lý tính , Tinh thần , Tôn giáo Tri thức tuyệt đối . Đồng thời, tác phẩm cũng được chia theo hệ thống các chương, trong đó, Chương IV: Sự thật của việc xác tín về chính mình là đồng nhất với phần B. Tự-ý thức . Trong chương này, Hegel bàn về ba cách thức Tự-ý thức thực hiện việc xác tín về chính mình, gồm: thứ nhất, thông qua cuộc chiến đấu mất còn, thứ hai, thông qua quan hệ Chủ-Nô và thứ ba, thông qua ý niệm tự do trừu tượng của Tự-ý thức – hình dung thành thuyết khắc kỷ, thuyết hoài nghi và ý thức bất hạnh. Bài nghiên cứu chỉ vận dụng cách thức nâng cao sự xác tín đầu tiên vào việc phân tích tác phẩm của Edgar Allan Poe, cụ thể là Tự-ý thức nâng cao xác tín về mình thông qua cuộc chiến đấu mất còn.

Về văn liệu nghiên cứu, bài viết lựa chọn bốn truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe là Con mèo đen (The black cat) (1843), Trái tim thú tội (The tell-tale heart) (1843), Con quỷ của thói ngược (The imp of the perverse) (1845) và Thùng rượu Amontilado (1846).

NỘI DUNG

Triết học Hegel về Tự-ý thức nâng cao sự xác tín về chính mình thông qua cuộc chiến đấu mất còn

Tự-ý thức có động cơ là nâng cao sự xác tín về chính mình

Ý thức là sự xác tín

Theo Hegel, nguồn gốc của Tự-ý thức là ý thức. Ông định nghĩa ý thức là sự xác tín. Về khái niệm xác tín, Hegel định nghĩa nó thông qua mối quan hệ tương phản với khái niệm sự thật khách quan: “Sự xác tín trực tiếp không chiếm lĩnh được cái đúng thật , vì sự thật của nó là cái phổ biến, trong khi nó lại muốn nắm lấy cái Này [cá biệt]” [ 8 , p. 281] Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã chú giải khái niệm “xác tín” như sau: “Trong “Hiện tượng học” nói chung (…) luôn có sự đối lập và khác biệt giữa “sự xác tín” chủ quan và sự thật (hay chân lý khách quan). (…) Sự xác tín cảm tính “cho rằng” mình nắm được “cái này” (tức, cái cá biệt, cụ thể) một cách trực tiếp, những sự thật sẽ cho thấy không phải như thế” [ 8 , p. 229].

Như vậy, sự xác tín là sự đinh ninh về định nghĩa của một sự vật trong phân biệt với sự vật khác, là biểu hiện của tư duy phân biệt hay tư duy tối giản hóa; trong khi đó, sự thật khách quan có nội dung là bản chất đa dạng, luôn giao thoa và liên kết giữa các sự vật. Vì vậy, ý thức – hay sự xác tín – không phản ánh được toàn bộ sự thật mà chỉ phản ánh được một phần nghèo nàn của sự thật: “sự xác tín này tự cho thấy bản thân nó là sự thật trừu tượng nhất và nghèo nàn nhất. (…) Trong sự xác tín này, ý thức – về phía mình – chỉ như là cái Tôi thuần túy; hay trong đó, cái Tôi chỉ như là Con người này thuần túy, và cũng thế, đối tượng chỉ như là Cái [vật] này thuần túy. (…) Cái Tôi thì không có ý nghĩa của một sự hình dung hay của tư duy đa tạp, còn sự vật thì không có ý nghĩa của các thuộc tính đa tạp” [ 8 , pp. 230, 231].

Tự-ý thức là sự xác tín về chính mình

Theo Hegel, Tự-ý thức, với tư cách là một ý thức, cũng sở hữu tính chất phân biệt, tối giản hóa trong tư duy. Khác với ý thức – sự xác tín, Tự-ý thức – “sự xác tín về chính mình” – có đối tượng là chính mình. Tự-ý thức là chủ thể nhận thức về sự khác biệt giữa bản thân mình và những Tự-ý thức khác của các cá nhân xung quanh nó. Theo Hegel, trong thế giới quan của Tự-ý phải có sự phân cực giữa chính nó – Cái Cá Biệt với những Tự-ý thức ngoài nó – cái khác [ 8 , p. 440]. Tự-ý thức luôn tìm cách gia tăng sự phân biệt này bằng cách “nâng tự xác tín của chính nó ” [ 8 , p. 441]. Bàn về tính “ái kỷ” của Tự-ý thức, Ernest Becker trong viết: “Nếu bạn trao cho một sinh vật mù quáng và ngớ ngẩn sự tự ý thức và một cái tên, nếu bạn làm nó nổi bật khỏi tự nhiên và ý thức rằng nó là độc nhất, thì chứng ái kỷ sẽ ra đời. Trong con người, bản ngã lý-hóa và một cảm nhận quyền lực và hành vi đã được ý thức hóa” [ 9 , p. 3].

Tư duy phân biệt luôn bận tâm về vấn đề quyền lực, Tự-ý thức luôn phải đối diện với nỗi sợ bị cái khác tước đi quyền lực độc tôn của bản ngã. Như vậy, Tự-ý thức là sự tự nhận thức về tính đoản mệnh của mình. Bàn về động cơ sâu xa này của hành vi tự xác tín, trong quyển The denial of death (Tạm dịch: “ Khước từ cái chết ”), Ernest Becker viết: “ý tưởng về cái chết, nỗi sợ cái chết ám ảnh loài người hơn tất thảy; nó là động lực chính của hành vi con người – hành vi mà phần lớn được thiết kế nhằm né tránh định mệnh phải chết, nhằm vượt qua nó bằng cách phủ nhận nó là số phận cuối cùng của con người” [ 9 , p. ix] . Cần tiếp nhận cái chết theo nghĩa đại diện: Tự-ý thức là sự nhận biết về sự yếu ớt và hạn chế trong quyền lực của mình, mà sự hạn chế trong quyền lực được thể hiện rõ nhất khi nó đối diện với cái chết.

Đến đây, ta tách được Tự-ý thức thành hai luận điểm: thứ nhất, Tự-ý thức là niềm kinh hãi viễn cảnh bị tước đoạt quyền lực hay sự xác tín về bản ngã – hay, nói nôm na, đó là nhận thức về tính đoản mệnh của mình; thứ hai, Tự-ý thức là nỗ lực nâng cao sự xác tín về chính mình – hay, nói nôm na, đó là lời khẳng định về sự sống và quyền năng bất tử của bản ngã.

Tự-ý thức nâng cao sự xác tín về chính mình thông qua cuộc chiến đấu mất còn: Tự-ý thức gây ra cái chết cho Tự-ý thức khác

Điều kiện Tự-ý thức tạo ra cuộc chiến đấu mất còn

Điều kiện diễn ra cuộc chiến đấu mất còn của Tự-ý thức được Hegel nêu thành mệnh đề cơ bản nhất: “Tự ý thức chỉ đạt được sự thỏa mãn trong một Tự ý thức khác” [ 8 , p. 418]. Mệnh đề này có thể được giải thích thành điều kiện cần và điều kiện đủ.

Điều kiện cần: Có Tự-ý thức khác

Xét điều kiện cần, để cuộc chiến đấu mất còn diễn ra, phải có sự hiện diện của một Tự-ý thức khác bên cạnh Tự-ý thức này. Vì ngay trong định nghĩa, Tự-ý thức là ý thức về sự khác biệt giữa mình và người khác, nên nếu không có người khác ở đây thì không thể có Tự-ý thức.

Ở tầng nghĩa sâu hơn, Tự-ý thức khác không chỉ là một con người nằm ngoài Tự-ý thức này. Nó không phải là thực thể hoàn toàn biệt lập, khác biệt với mình mà ngược lại, Tự ý-thức khác là hiện thân của chính Tự-ý thức, hay theo như Bùi Văn Nam Sơn chú giải: “bản thân nó cũng chính là cái khác ấy” [ 8 , p. 456]. Như vậy, Tự-ý thức đã ngoại cảnh hóa những tính cách trong nó ra thành đối tượng. Hegel diễn đạt ý này như sau: “Cho Tự-ý thức, có một Tự-ý thức khác; Tự-ý thức đã đi đến chỗ ra khỏi chính bản thân mình. Điều này có ý nghĩa nhị bội: thứ nhất, nó đã tự đánh mất mình vì nó tìm thấy bản thân nó nhưng một bản chất khác; thứ hai, nó đã, qua đó, thủ tiêu cái khác này, bởi nó cũng không nhìn thấy cái khác như là cái bản chất mà nhìn thấy chính bản thân nó ở trong cái khác ” [ 8 , p. 435]. Sự đối tượng hóa bản ngã thành một Tự-ý thức nằm ngoài mình là tiền đề để Tự-ý thức thực hiện mục tiêu vượt khỏi chính mình, hay nâng cao sự xác tín về chính mình. Nói cách khác, thông qua cuộc chiến đấu sống còn, bằng cách phủ định Tự-ý thức khác, nó có thể phủ định chính mình: “nó phải nhắm tới việc thủ tiêu cái bản chất độc lập-tự chủ khác để qua đó trở thành xác tín về chính mình như là bản chất; (…) khi làm như thế, nó tiến hành thủ tiêu [và vượt bỏ] chính bản thân nó” [ 8 , p. 436].

Vậy, xét điều kiện cần là xét tính chủ quan. Tự-ý thức phải tự nó đi tìm một đối thủ và tự nó ngoại cảnh hóa các phần nội tâm của mình lên đối thủ, từ đó khả năng về cuộc chiến đấu mất còn mới có thể được cân nhắc là khả thi.

Điều kiện đủ: Có Tự-ý thức khác đối đầu với mình

Tuy nhiên, ““cái khác” cũng là một Tự-ý thức, một cá nhân (Individuum) xuất hiện đối lập với một cá nhân” [ 8 , p. 440], do đó sự xây dựng điều kiện diễn ra cuộc chiến đấu mất còn không chỉ phụ thuộc vào Tự-ý thức mà phụ thuộc vào chính cái khác, nghĩa là nó có tính khách quan nhất định. Cả hai bên phải đều phải chia sẻ chung động cơ và mục đích, “mỗi phía nhắm vào mục đích là cái chết của phía bên kia (…) chúng tự chứng tỏ và chứng tỏ cho nhau thông qua cuộc chiến đấu mất còn ” [ 8 , p. 436]. Mỗi bên đều phải liều mạng sống của mình để dấn thân vào cuộc chiến. Như vậy, dù đối đầu nhau trên bề mặt, nhưng hai bên có bản chất và động cơ giống nhau: chúng đều là hành vi để nâng cao sự xác tín về chính mình. Hegel khẳng định tính ‘đồng nghĩa’ giữa hai Tự-ý thức như sau: “Mỗi cái [mỗi Tự-ý thức] nhìn cái khác làm đúng hệt điều mình làm; bản thân mỗi cái làm những gì nó đòi hỏi nơi cái khác, và vì thế, cũng làm những gì mình làm chỉ trong chừng mực cái khác cũng làm đúng hệt những điều ấy” [8, p. 437]. Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã chú giải lời này như sau: “Tiến trình chỉ được thực hiện thành công từ mỗi phía, khi ý thức này thấy ý thức kia làm đúng những gì nó làm đối với ý thức kia: trong thực tế, mỗi ý thức đòi hỏi rằng ý thức kia cũng đối xử với mình giống như mình đối xử với ý thức kia” [ 8 , p. 456] . Như vậy, chỉ khi Tự-ý thức khác đồng thuận tham gia cuộc chiến đấu mất còn với Tự-ý thức, cuộc chiến này mới diễn ra. Đây chính là nội dung thứ hai của mệnh đề “Tự ý thức chỉ đạt được sự thỏa mãn trong một Tự ý thức khác” [ 8 , p. 418].

Tổng quát lại, điều kiện diễn ra cuộc chiến đấu mất còn mang cả hai tính chất: chủ quan và khách quan. Khi thành công trong việc xây dựng điều kiện diễn ra cuộc chiến đấu mất còn, nhân vật Tự-ý thức tiến đến thực hiện giai đoạn thứ hai. Đó là tiến hành tiêu diệt Tự-ý thức đối lập để nâng cao sự xác tín về chính mình.

Kết quả và hệ quả phản ngược Tự-ý thức nhận được sau cuộc chiến đấu mất còn

Kết quả của cuộc chiến đấu mất còn là cái chết cho một Tự-ý thức khác và sự chuyển đổi trong bản chất của Tự-ý thức thắng trận. Trong hành vi “thủ tiêu được bản chất độc lập-tự chủ khác” , Tự-ý thức tự phủ định và vượt lên chính mình. Cụ thể là, nó thủ tiêu nỗi sợ chết hay ý thức về tính đoản mệnh trong mình thông qua cái khác, do cái khác chính là sự đối tượng hóa phần bản ngã yếu ớt nó. Hegel diễn đạt ý này trong câu: “nó phải nhắm tới việc thủ tiêu cái bản chất độc lập-tự chủ khác để qua đó trở thành xác tín về chính mình như là bản chất (…), khi làm như thế, nó tiến hành thủ tiêu [và vượt bỏ] chính bản thân nó, bởi cái khác này là chính bản thân nó” [ 8 , p. 436] . Bùi Văn Nam Sơn tóm lược đoạn này rằng: “nó vừa tiêu trừ cái khác để đạt đến sự tự-xác tín của mình, vừa đồng thời tiêu trừ chính mình trong tiến trình này, bởi bản thân nó cũng chính là cái khác ấy”. [ 8 , p. 456]. Như vậy, kết quả thứ nhất mà Tự-ý thức nhận được – cái chết cho một Tự-ý thức đối lập – cũng là kết quả thứ hai mà Tự-ý thức nhận được – đó là sự chuyển đổi trong bản chất của mình.

Việc liều mạng sống đã gây ra biến đổi trong bản chất của Tự-ý thức. Thông qua việc liều mạng sống mà Tự-ý thức dịch chuyển nội dung từ cái không tự do – tức cái bị ràng buộc bởi nỗi sợ chết – đến cái tự do – tức cái tự trao quyền thành công. Hay nói cách khác, việc liều mạng sống khiến Tự-ý thức biến đổi từ trạng thái “tồn tại-cho mình đơn giản” [ 8 , p. 439], hay “sự tồn tại [trần trụi]” [ 8 , p. 442], đến trạng thái “tồn tại-cho-mình thuần túy”. Vậy, việc liều mạng sống đã đem lại cho Tự-ý thức sự tự do và sự thật của khái niệm Tự-ý thức thuần túy. Ông diễn đạt ý này trong đoạn sau: “chỉ có việc liều mạng sống mới bảo tồn được tự do ; và chỉ có như thế mới chứng tỏ được rằng đối với Tự-ý thức, bản chất của nó không phải là sự tồn tại [trần trụi], không phải đơn thuần là phương thức trực tiếp trong đó nó xuất hiện ra [như lúc đầu], không phải là sự đắm chìm trong việc triển khai sự sống mà đúng hơn là, không có gì nơi nó mà không thể được nó xem như là một yếu tố đang tiêu vong; rằng Tự-ý thức chỉ là sự tồn tại-cho-mình thuần túy ” [ 8 , p. 442].

Ở câu trên, Hegel đã khu biệt bản năng bảo tồn sự sống với nhu cầu nâng cao sự tự xác tín của Tự-ý thức hòng qua đó đưa ra định nghĩa chính xác nhất về Tự-ý thức. Nếu bản năng sống khiến một người tìm mọi cách tránh né cái chết, thì Tự-ý thức trong quá trình trao quyền cho mình có thể sử dụng cái chết như công cụ hiện thực hóa quá trình đó. Tự-ý thức không phải là ý chí muốn sống, mà là ý chí muốn trao quyền cho bản ngã. Luận điểm này của Hegel giúp làm sáng tỏ thêm lý giải của Becker về lời “ khước từ cái chết ” của bản ngã. Trong tác phẩm nghiên cứu, ông chỉ ra hành vi hi sinh của cái hùng, cái cao cả là biểu hiện của sự “khước từ cái chết”, nghĩa là hành vi chết là minh chứng cho sự vượt qua cái chết và đạt đến sự tồn tại bất diệt. Như vậy, nhu cầu nâng cao sự tự xác tín của một Tự-ý thức thuần túy là nhu cầu trao quyền cho bản ngã, ngay cả khi bản ngã ấy phải chết. Tính chất “liều mạng sống” này được Edgar Allan Poe gọi tên là “the spirit of perverseness” (Tạm dịch: tính ngược ngạo) mà chúng tôi sẽ phân tích ở phần 2. Như vậy, việc liều mạng sống đã gây cho biến đổi nội dung của Tự-ý thức từ chỗ chưa tự do đến tự do, từ chỗ “chưa tự thể hiện cho nhau trong hình thức của tồn tại – cho mình thuần túy, tức, như là Tự-ý thức [ 8 , p. 440] , đến chỗ là “sự tồn tại-cho-mình thuần túy” [ 8 , p. 442], từ chỗ “không có tính chân lý” đến chỗ đạt được sự thật về một Tự-ý thức đúng nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả mong muốn, Tư-ý thức phải nhận lấy hệ quả phản ngược. Khát vọng của Tự-ý thức có tính nghịch lý: nó vừa muốn có một Tự-ý thức khác ngang hàng với nó, vừa muốn tiêu diệt được Tự-ý thức đối lập đó. Mong muốn này triệt tiêu mong muốn kia, gây nên hệ quả phản ngược mà kẻ chiến thắng trong cuộc chiến đấu mất còn phải nhận lấy. Vì “Tự ý thức chỉ đạt được sự thỏa mãn trong một Tự ý thức khác” nên một khi Tự-ý thức khác bị giết chết – điều kiện cần bị tước mất, nó không thể thỏa mãn nhu cầu nâng cao sự xác tín về mình nữa. Do đó Hegel viết: “sự chứng tỏ [sự thử thách] bằng cái chết sẽ thủ tiêu sự thật lẽ ra phải là kết quả từ đó [đối với cả hai phía], và cùng với sự thật, thủ tiêu cả sự xác tín về mình nói chung (…) mạng sống là sự thiết định [hay đặt định] tự nhiên của ý thức như là sự độc lập nhưng không có tính phủ định tuyệt đối; thì cái chết là sự “phủ định” tự nhiên của ý thức, [nhưng] như là sự phủ định không có sự độc lập, và như thế, sự phủ định ấy vẫn không đạt được ý nghĩa đòi hỏi của việc thừa nhận [đích thực]” [ 8 , p. 443]. Cần hiểu đoạn này như sau: gây ra cái chết cho Tự-ý thức khác là một phủ định tuyệt đối, không có sự độc lập vì nó tước đi tính độc lập-tự chủ của Tự-ý thức khác, đồng thời tước đi khả năng Tự-ý thức này được thừa nhận bởi Tự-ý thức khác (vì lúc này Tự-ý thức khác đã chết). Vì thế suy cho cùng, Tự-ý thức vẫn không xác tín được về mình. Do đó, Hegel kết luận kẻ thắng trận thực chất là kẻ bại trận trong mục tiêu xác tín về chính mình: “sự xác tín này lại không dành cho những ai đứng vững trước cuộc chiến đấu này” [ 8 , p. 443]

Để tránh nhận lấy hệ quả phản ngược, Tự-ý thức – kẻ thắng trận phải liên tục tìm đối tượng mới, một Tự-ý thức mới ngang hàng với mình, tạo điều kiện cho cuộc chiến mới diễn ra, sự phủ định được lặp lại và qua đó các Tự-ý thức có cơ hội nâng cao sự xác tín về chính mình. Do đó, Hegel rút ra mệnh đề thứ hai từ mệnh đề thứ nhất nêu trên là : “thông qua mối quan hệ phủ định, Tự-ý thức không thể thủ tiêu được đối tượng, nó chỉ càng tạo ra đối tượng cũng như tạo ra ham muốn [mới] bởi chính mối quan hệ này”, “đối tượng của sự ham muốn chỉ (…) là cái bản thể phổ biến không thể nào tiêu hủy được , là cái bản chất trôi chảy ngang bằng với chính mình” [ 8 , p. 417]. Trong sự liên tục đấu tranh với những Tự-ý thức mới thay thế cho Tự-ý thức đối lập đã bị phủ định – hay “cái bản thể phổ biến không thể nào tiêu hủy được” , Tự-ý thức lúc này đã có đủ hai điều kiện để tiến hành cuộc chiến hòng nâng cao tính xác tín về chính mình.

Nhân vật Tự-ý thức nâng cao sự xác tín về chính mình thông qua hành vi giết người trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe

Nhân vật tôi xây dựng điều kiện diễn ra cuộc chiến đấu mất còn

Nhân vật tôi là một Tự-ý thức nâng cao sự xác tín về mình thông qua hành vi giết người. Bàn về quá trình nhân vật nâng cao sự tự xác tín thông qua cuộc chiến đấu mất còn với những mạng sống khác, cần phân tích điều kiện diễn ra, kết quả và hệ quả của hành vi giết người.

Điều kiện cần: Nạn nhân là một Tự-ý thức khác

Điều kiện để nhân vật tôi thực hiện hành vi giết người bao gồm hai nội dung là điều kiện cần và điều kiện đủ. Về điều kiện cần, nạn nhân phải là một Tự-ý thức khác. Điều kiện cần được hiểu theo hai tầng nghĩa. Ở tầng nghĩa đầu tiên, Tự-ý thức khác là một cá nhân độc lập-tự chủ nằm ngoài và đứng ngang hàng với Tự-ý thức này. Sự hiện diện của một Tự-ý thức khác được Edgar Allan Poe biểu tượng hóa thành hình tượng con mắt trong nhiều tác phẩm của mình.

Trong Trái tim thú tội , tên sát nhân thuật lại nỗi kinh hoàng và ghê tởm đôi mắt của ông lão: “Tôi nghĩ đó là do con mắt của ông ta! Vâng, chính thế! Ông ta có con mắt của một con kền kền – con mắt đục xanh với tấm màng phủ trên nó. Mỗi khi nó đậu vào tôi, máu tôi lạnh ngắt; cho nên dần dần – từng chút một – tôi quyết định sẽ giết chết ông già, và từ đó vĩnh viễn thoát khỏi con mắt” [ 10 , p. 286] . Hắn đặt tên cho con mắt của ông lão là “Con mắt tàn độc” và lý giải rằng “không phải do ông lão làm tôi đau khổ, mà là do Con mắt tàn độc của ông ta” [ 10 , p. 286]. Nếu con mắt là biểu tượng của một Tự-ý thức sống động, đứng ngang hàng với tên sát nhân như một Tự-ý thức khác; thì con mắt của một người lớn tuổi – với tính chất trầm tư và thấu suốt cuộc đời của nó – khẳng định tiềm năng có thể đọc vị, nhìn thấu tâm hồn tên sát nhân như đôi mắt của loài kền kền. Trong Con mèo đen , biểu tượng con mắt một lần nữa xuất hiện. Khi tiêu hủy con mèo, tên sát nhân tiêu diệt con mắt trước tiên – bởi con mắt là biểu thị rõ ràng nhất của một Tự-ý thức sống động: “Tôi rút con dao nhíp trong túi áo ra, mở dao, túm lấy cổ con thú tội nghiệp và cẩn trọng cắt một con mắt khỏi hốc mắt nó!” [ 10 , p. 188]. Vì hành vi giết người không thể diễn ra nếu không có điều kiện cần là sự tồn tại của một Tự-ý thức khác, nhân vật tôi trong Trái tim thú tội hồi hộp chờ đợi đến đêm thứ bảy khi con mắt của ông lão mở - chỉ khi hắn có đủ căm phẫn và kinh sợ trước một Tự-ý thức đối lập, có đủ cuồng vọng chết để tiến hành hành vi giết người. Như vậy, sự hiện diện của một Tự-ý thức khác – thông qua con mắt – là thiết yếu để hắn nuôi dưỡng cuồng vọng giết người.

Ở tầng nghĩa thứ hai, như Hegel đã phân tích, Tự-ý thức khác là sự đối tượng hóa một phần tính cách không mong muốn trong tên sát nhân. Hắn ngoại cảnh hóa phần tính cách ấy trong mình và với tư duy tối giản, cho rằng bằng cách tiêu diệt đối tượng, hắn sẽ diệt bỏ phần tính cách đó trong mình và vượt lên trên chính mình.

Trong Trái tim thú tội , tên sát nhân tự cho thấy tính trùng khớp giữa mình và nạn nhân: “Tôi biết đó là tiếng rên của niềm kinh hãi cái chết. Đó không phải là tiếng rên đau hay rên khổ - ồ, không phải! – đó là âm thanh nghẹt thở trỗi lên từ đáy lòng khi một người choáng ngợp trong niềm kính sợ. Tôi biết rõ âm thanh ấy. Đã nhiều đêm, ngay giữa khuya, khi cả thế gian say ngủ, nó trườn dậy trong lồng ngực tôi, sâu hoắm xuống, với một tiếng vang hãi hùng, niềm kinh hãi làm tôi mất trí” [ 10 , p. 287]. Hắn xem xét những cử động nội tâm của mình như là cử động nội tâm của lão già, tường thuật lại cơn kinh hãi của lão như thể đó là của mình: “Tôi biết lão nằm tỉnh từ lúc nghe tiếng động nhỏ đầu tiên, từ lúc lão trở mình trên giường. Niềm kinh sợ trong lão từ khi ấy lớn dần. Lão cố tưởng tượng là chẳng có gì cả, nhưng không thể. Lão cố nói với chính mình – “Chẳng có gì ngoài tiếng gió trong ống khói – chỉ là một con chuột chạy qua sàn”, hay “chỉ là con dế kêu một tiếng rúc”. Vâng, lão đã cố xoa dịu mình bằng những giả định này: nhưng lão thấy tất thảy là vô nghĩa. Tất thảy vô nghĩa, bởi vì Cái chết, trong lúc tiếp cận lão đã oai vệ trưng ra cái bóng đen trước mặt lão, bọc lấy nạn nhân của mình” [ 10 , p. 287] . Sự hiện diện của ông lão trong đoạn trích này dường như chỉ tồn tại như một phông nền cho tên sát nhân phóng chiếu nội tâm hoảng sợ của mình vào. Ông lão không hoàn toàn là một người khác nằm ngoài bản ngã của tên sát nhân mà là chính tên sát nhân đã được ngoại cảnh hóa trong đặc tính có thể phủ định được. Nghĩa là, hắn đã phóng chiếu nhược điểm trong mình lên ông lão để từ đó có thể, thông qua việc tiêu diệt ông lão, phủ nhận sự yếu ớt trong mình và nâng cao sự tự xác tín.

Như vậy, sự có mặt của một Tự-ý thức khác là thiết yếu cho nhân vật tôi tạo nên cuộc chiến đấu mất còn hòng đạt được mục tiêu nâng cao sự tự xác tín. Sự có mặt này được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, đó là sự tồn tại của một Tự-ý thức sống động, nằm ngoài và đứng ngang hàng với Tự-ý thức của tên sát nhân – được biểu tượng hóa thành đôi mắt. Thứ hai, đó là sự khách thể hóa một phần bản ngã, cụ thể là nỗi khiếp sợ cái chết của tên sát nhân hòng giúp tên sát nhân này vượt khỏi chính mình, cụ thể là phủ định được nỗi khiếp sợ cái chết của mình.

Điều kiện đủ: Nạn nhân là một Tự-ý thức khác đối đầu với nhân vật tôi

Chỉ khi điều kiện đủ - sự tồn tại của một đối thủ - xuất hiện, hành vi giết người mới được thực hiện. Nếu xây dựng điều kiện cần là phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Tự-ý thức, thì xây dựng điều kiện đủ là vấn đề khách quan, phụ thuộc vào quyết định của Tự-ý thức khác. Nạn nhân phải tự chứng minh mình là một Tự-ý thức khác đối đầu với tên sát nhân, hay nói cách khác, đồng ý tham gia vào cuộc chiến đấu mất còn trong tình thế “một cá nhân xuất hiện đối lập với một cá nhân” [ 8 , p. 440] , thông qua cảm xúc mà Edgar gọi tên là “niềm kinh hãi cái chết” (“mortal terror”). Trong niềm kinh sợ cái chết, nạn nhân đã cho thấy nó là một Tự-ý thức sống chỉ cho mình và vì mình và cũng có nhu cầu nâng cao sự xác tín về mình bằng cách phủ định đối thủ giống hệt tên sát nhân. Nạn nhân đã tự chứng minh tính đồng nghĩa giữa nó với sát nhân: “Mỗi cái [mỗi Tự-ý thức] nhìn cái khác làm đúng hệt điều mình làm; bản thân mỗi cái làm những gì nó đòi hỏi nơi cái khác, và vì thế, cũng làm những gì mình làm chỉ trong chừng mực cái khác cũng làm đúng hệt những điều ấy” [ 8 , p. 437].

Edgar Allan Poe đã truyền tải luận điểm này trong cách sắp xếp chi tiết trong truyện Con mèo đen. Tiếp nối sau chi tiết con mèo né tránh và tự vệ trước nhân vật tôi là chi tiết nhân vật tôi hóa rồ và tiến hành cắt bỏ một bên mắt của con mèo: “Một đêm, về nhà (…), tôi tưởng như con mèo né tránh sự hiện diện của tôi. Tôi túm lấy nó, và trong cơn hoảng sợ thói bạo lực của tôi, nó cắn vào tay tôi gây một vết thương mỏng. Cơn giận của quỷ sứ đã ám lấy tôi. Tôi không còn biết chính mình. (…) Tôi lấy con dao nhíp trong túi áo ra, tóm lấy cổ con thú tội nghiệp, và thẳng thừng cắt bỏ một con mắt khỏi hốc mắt!” [ 10 , p. 188]. Tương tự, trong Thùng rượu Amontillado , nỗi run rẩy dần nhận thức về tình thế nguy hiểm của nạn nhân khiến tên sát nhân phấn khích. Tên sát nhân thuật kể rất chi tiết tiến trình phát triển tâm lý của nạn nhân – khởi đầu là phản ứng tự lừa mị mình, vờ xem đây là trò đùa của tên sát nhân, sau đó đến tiếng kêu gào thảm thiết trong tuyệt vọng. Vậy, thông qua niềm kinh sợ cái chết, các Tự-ý thức khác đã tự mình hoàn tất điều kiện đủ cho hành vi giết người – cuộc chiến đấu mất còn – diễn ra. Tính chất khách quan là rõ ràng: chính nạn nhân đã tiếp thêm cuồng vọng giết người trong kẻ ác.

Nhân vật tôi nhận kết quả và hệ quả của cuộc chiến đấu mất còn

Kết quả mong muốn

Trên bề mặt, nhân vật kẻ giết người nhận được kết quả mong muốn là cái chết của nhân vật thù địch với hắn. Ở bề sâu, cái chết này là thỏa mãn mục đích phủ định chính mình của nhân vật Tự-ý thức thông qua việc tiêu diệt một cái khác nằm ngoài hắn. Hắn đã vượt qua được bản ngã kinh sợ cái chết mà hắn phóng chiếu lên nạn nhân, đồng thời nâng cao được sự xác tín về bản ngã, minh chứng thành công về quyền lực tối thượng của mình. Luận điểm này được thể hiện trong niềm hả hê thường trực của tên sát nhân xuyên suốt tác phẩm. Trong Trái tim thú tội, ngay trước mặt cảnh sát, tên sát nhân nhấn nhá thụ hưởng cảm giác hả hê của mình sau khi đạt thành quả chiến trận : “Tôi đem chiếc ghế vào phòng, mời họ [cảnh sát] ngồi nghỉ lấy sức, còn tôi, trong trạng thái bạo gan ngông cuồng của niềm vinh quang tuyệt đối, đặt ghế mình ngay trên vị trí mà bên dưới nó đặt để xác chết của nạn nhân” [ 10 , p. 288].

Thái độ hả hê của nhân vật Tự-ý thức không chỉ được thể hiện trong mối quan hệ giữa hắn trên tư cách là một nhân vật với các nhân vật khác trong tác phẩm mà còn trong mối quan hệ giữa hắn trên tư cách là một người kể chuyện với người đọc. Một người không thể xưng “tôi” khi không ý thức về sự hiện diện của một người đọc tiềm ẩn. Hành vi viết hay hành vi thuật kể nói chung không phải là một hành vi độc thoại như vẻ ngoài của nó mà về bản chất là một hành vi giao tiếp, một hành vi truyền đạt thông tin với một Tự-ý thức khác. Sự xưng “tôi” và hành vi kể chuyện cho thấy nhân vật tôi nhận thức về sự tồn tại của một Tự-ý thức khác ngang bằng với mình. Hắn muốn chứng minh hành vi giết người của hắn là một tuyệt phẩm của trí thông minh và giác quan tận cùng sắc bén. Trong Trái tim thú tội, nhân vật tôi hả hê ngạo nghễ khẳng định về sự sáng suốt giác quan : “sao các người nói tôi điên? Căn bệnh đã mài sắc giác quan tôi – không phải hủy hoại nó – không làm cùn nó. Trên tất thảy là sự nhạy bén của thính giác tôi. Tôi nghe tất cả từ trên thiên đàng và trong trái đất. Tôi nghe nhiều thứ từ địa ngục. Vậy, làm sao tôi điên? Nghe đây! Và hãy xem cái cách tôi tỉnh táo và điềm tĩnh thuật lại cả câu chuyện” [ 10 , p. 286] . Nhân vật tôi cố tình xây dựng bầu không khí kinh dị và từ đó gây phản ứng sợ cho người nghe chuyện. Bằng cách này, nhân vật tôi có thể hạ thấp quyền lực của Tự-ý thức khác và nâng cao được sự xác tín về chính mình.

Đồng thời, nhân vật tôi qua những kết quả mong muốn hắn nhận được đã chứng minh một mệnh đề triết học về những biến đổi trong bản chất của hắn. Thông qua hành vi giết người, nhân vật tôi đạt được tự do và sự thật của một Tự-ý thức tồn tại-cho-mình thuần túy, trở thành một Tự-ý thức thuần túy. Nghĩa là, nhân vật tôi lúc này tự chứng minh rằng hắn không tồn tại để bảo tồn mạng sống mà để bảo tồn sự tự do. Trong Con mèo đen, tên sát nhân tự mô tả tâm lý này trong lúc treo cổ con mèo như sau: [Tôi] treo nó với nước mắt chảy ròng, và với niềm hối hận cay đắng nhất trong tim; - treo nó vì biết rằng nó yêu quý tôi, và vì biết rằng nó chẳng gây cho tôi một sự xúc phạm; - treo nó vì tôi biết rằng khi làm thế tôi đang phạm tội – một trọng tội có thể gây hủy hoại linh hồn vĩnh cửu của tôi – nếu linh hồn vĩnh cửu là một thứ có thật” [ 10 , p. 188]. Để lý giải nguồn cội của thứ tâm lý độc hại này – tâm lý mâu thuẫn giữa việc biết mình phạm tội nhưng vẫn phạm tội, giữa cảm giác hối hận nhưng vẫn muốn thực hiện hành vi gây hối hận – cần vịn vào lý giải đã có của Hegel về sự “liều mạng sống” của Tự-ý thức đã phân tích ở phần 1: “chỉ có việc liều mạng sống mới bảo tồn được tự do ” [ 8 , p. 442]. Như vậy, trong ý thức rằng mình đang phạm tội, tên sát nhân cảm thấy đạt được tự do cao nhất. Hắn cảm thấy bản ngã của mình đã vượt qua lời răn dạy tối thượng của tôn giáo, và qua đó tự nâng cao mình vị trí độc tôn tối thượng của bản ngã, ngay cả khi biết rằng đó là tội ác tày trời. Hành vi sát hại động vật xuất phát từ tâm lý “ngược” của hắn là minh chứng rằng tên sát nhân là Tự-ý thức tồn tại cho mình thuần túy. “ bản chất của nó [Tự-ý thức] không phải là sự tồn tại [trần trụi], xuất hiện ra [như lúc đầu], không phải là sự đắm chìm trong việc triển khai sự sống mà đúng hơn là, không có gì nơi nó mà không thể được nó xem như là một yếu tố đang tiêu vong; rằng Tự-ý thức chỉ là sự tồn tại-cho-mình thuần túy ” [ 8 , p. 442].

Tổng quát lại, tên sát nhân đã phủ định được chính mình thông qua sự phủ định cái khác nằm ngoài mình và từ đó thành công trong việc nâng cao sự xác tín về mình – thể hiện thành cảm xúc hả hê thường trực, đồng thời đã chứng minh được mệnh đề triết học quan trọng về sự tự do và chân lý của một Tự-ý thức thuần túy mà hắn đạt được thông qua cuộc chiến đấu mất còn.

Hệ quả phản ngược

Tuy nhiên, cảm giác hả hê không tồn tại được lâu do trong việc tiêu diệt Tự-ý thức khác, Tự-ý thức đã tước đi điều kiện cần cho quá trình diễn ra sự nâng cao tính xác tín về chính mình. Lúc này, tình thế của tên sát nhân không thỏa mãn mệnh đề của Hegel rằng “Tự ý thức chỉ đạt được sự thỏa mãn trong một Tự ý thức khác” [ 8 , p. 418]. Trong tác phẩm Thùng rượu Amontillado , Edgar Allan Poe đã mô tả cuộc đối thoại giữa tên sát nhân với một Tự-ý thức khác đã chết – và tình huống này đã không còn là một đối thoại nữa . Cuộc đối thoại giữa tên sát nhân và nạn nhân trong quá trình hắn trát đá chôn sống nạn nhân đột nhiên im bặt. Tên sát nhân cất tiếng gọi nạn nhân nhiều lần nhưng không nghe lời đáp: “Vẫn không có hồi đáp. Tôi tống ngọn đuốt vào lỗ hở còn lại và để nó rơi vào trong. Vọng lại từ trong ấy là tiếng leng keng của quả chuông. Trái tim tôi thấy ghê tởm – vì độ ẩm trong hầm rượu. Tôi vội vã làm cho xong công việc của mình” [ 10 , pp. 217, 218]. Trong trích đoạn, không khí ghê rợn tủa ra từ đoạn đối thoại không lời đáp. Lúc này tên sát nhân nhận thấy hắn chỉ còn lại một mình. Đối diện với hắn không phải là một Tự-ý thức sống động đứng ngang hàng với hắn, mà là một vật thể vô tri vô giác: tiếng chuông reng. Niềm hả hê ban đầu biến mất. Trong cắt đứt mối quan hệ với một Tự-ý thức khác, hắn đánh mất sự xác tín về chính mình. Hệ quả phản ngược hắn nhận lấy là cảm giác phát bệnh, ghê tởm mà hắn đổ cho không gian ẩm mốc của hầm rượu. Hành vi giết người lúc này không có ý nghĩa nữa, hắn thúc công việc trát đá cho xong mau. Do đó, đúng như Hegel phân tích – “sự xác tín này lại không dành cho những ai đứng vững trước cuộc chiến đấu này” [ 8 , p. 443], sự xác tín không dành cho tên sát nhân. Đây chính là hệ quả phản ngược trớ trêu mà hắn phải nhận lấy.

Cần đối chiếu những lý giải nêu trên với lý giải từ góc nhìn đạo đức của Eric W. Carlson về cảm giác ghê tởm của tên sát nhân trong hầm mộ để chỉ ra được tính hiệu quả nhất định trong sự vận dụng triết học Hegel vào phân tích tác phẩm của Edgar Allan Poe. Đặt mục tiêu chứng minh rằng “chúng ta có lý do để phủ nhận quan niệm cũ cho rằng sáng tác của Poe thiếu “đạo đức” và “trái tim” 11 , Eric Carlson lý giải cảm giác rợn người của tên sát nhân dưới hầm rượu sau khi thực hiện hành vi giết người của mình là một trong những biểu hiện của lòng hối lỗi. Ông đồng nhất động cơ của hai hành vi mà chúng tôi cho rằng vốn rất khác nhau – hành vi viết của nhân vật tôi và cảm giác bệnh hoạn hắn cảm thấy sau khi giết người: “chẳng phải sự kể lại câu chuyện của Montresor sau sự kiện năm mươi năm là một dạng thức của hành vi thú tội, một nỗ lực giải tỏa linh hồn? Ngoài ra, khi Montresor nhận xét rằng “Trái tim tôi phát bệnh trước sự ẩm đục của hầm mộ. Tôi thúc cho công việc xong mau”, ta thấy rằng có nhiều nguyên nhân hơn là ở sự ẩm ướt khiến cho trái tim hắn phát bệnh” 11 . Cần thừa nhận rằng Eric Carlson chính xác khi khẳng định tác phẩm của Edgar không hề thiếu ý nghĩa đạo đức mà ngược lại, giàu có về ý nghĩa đạo đức. Tuy nhiên, cần diễn dịch đúng mã biểu tượng trong tác phẩm. Kẻ sát nhân Montresor trong Thùng rượu Amontillado trong cảm giác phát ốm của mình không phải được đánh thức bởi lòng ăn năn mà chỉ đang sẩy chân sâu hơn vào vòng tuần hoàn của tính ác. Từ chi tiết này chỉ có thể kết luận về trí tuệ của nhà văn khi đúc rút được quy luật tâm lý tất yếu của nhân vật Tự-ý thức sau khi chiến thắng cuộc chiến đấu mất còn.

Từ đây thôi thúc nhân vật tôi – Tự-ý thức tiến vào giai đoạn thứ ba – giai đoạn tái thiết lập điều kiện diễn ra cuộc chiến đấu mất còn.

Nhân vật tôi tái lập điều kiện diễn ra cuộc chiến đấu mất còn tạo vòng lặp vô tận

Để tránh hệ quả phản ngược là cảm giác ghê tởm, tù đọng, những tên sát nhân tìm mọi cách để gây dựng lại điều kiện cần – sự tồn tại của một Tự-ý thức khác. Nói cách khác, hắn tìm mọi cách để tìm một Tự-ý thức khác mới thế chỗ cho Tự-ý thức đã chết, để từ đó mở ra khả năng diễn biến một chiến trận mất còn thứ hai – nơi hắn có thể một lần nữa nâng cao sự xác tín về mình và đạt được cảm giác hả hê. Tuy nhiên hắn sẽ trở lại với hệ quả phản ngược và tiếp tục như thế: một vòng lặp vô tận.

Soi chiếu lý giải trên của Hegel vào truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe, ta phát hiện lý do tên sát nhân trong Con mèo đen cố tìm kiếm một con mèo giống hệt như con mèo đã chết nằm ở mong muốn lặp lại cuộc chiến đấu mất còn hòng tự mị bản thân trong trạng thái hả hê ngắn hạn. Tương tự, nhân vật tôi trong Trái tim thú tội sử dụng ảo giác để kéo dài cuộc chiến giữa hắn với Tự-ý thức khác. Tâm trí hoang tưởng của hắn cho phép ông lão sống lại một lần nữa, không phải trong con mắt đục xanh như loài kền kền trước kia, mà trong tiếng tim đập dai dẳng và to dần lên phát ra từ xác chết. Từ hình ảnh con mắt đến âm thanh tiếng tim đập không phản ánh biến đổi trong nội dung nhận thức của nhân vật Tự-ý thức: chúng đều được Tự-ý thức tạo ra hòng phục vụ mục đích xây dựng điều kiện cho cuộc chiến đấu mất còn của Tự-ý thức, mặc kệ tính xác thực khách quan. Ảo giác đóng vai trò như một cơ chế phòng vệ của bản ngã. Nhờ cơ chế phòng ngự này mà nhân vật Tự-ý thức cảm thấy có ý nghĩa tồn tại, tránh được cảm giác ngột ngạt, phát ốm của tên sát nhân trong Thùng rượu Amontilado.

Trong Con quỷ của thói ngược, tên sát nhân liên tục tìm cách đặt mình vào tình thế sống còn, tình thế buộc phải liền mạng sống. Một khi cảm thấy an toàn rằng sẽ không ai bắt được hắn – kẻ giết người, hắn dò hỏi bản thân cái khả năng có thể có rằng hắn đang ở trong tình thế nguy hiểm và đột nhiên bị cuốn lấy trong ham muốn được tái thiết lập điều kiện diễn ra cuộc chiến đấu mất còn: “Tôi vĩnh viễn luôn bắt gặp mình suy tư về sự an toàn của mình, và trong giọng thấp lặp lại cụm “Ta an toàn”. Một ngày, khi tản bộ dọc đường, tôi bắt gặp mình lẩm bẩm, nửa thành tiếng, những âm tiết quen thuộc này. Trong cơn nóng nảy, tôi chỉnh nó lại thành; “Ta an toàn – ta an toàn – đúng thế – nếu ta chả ngu mà thú tội!” Chẳng lâu sau khi nói những từ ấy, tôi cảm thấy một cơn ớn lạnh lẻn vào trong tim (…) Tôi cảm thấy một thèm muốn phát điên được hét to lên” [ 10 , pp. 222-223]. Hắn tự gọi tên cảm giác điên cuồng đó là “những cơn rồ của thói ngược” [ 10 , p. 222]. Động cơ của ham muốn điên rồ này không là gì khác ngoài nhu cầu được tái lập trận chiến mất còn như một cơ chế phòng vệ lại hệ quả phản ngược dành cho nhân vật Tự-ý thức, kẻ chiến thắng.

Khác với cách diễn dịch dựa vào triết học Hegel nêu trên, Eric Carlson từng sử dụng lăng kính đạo đức để lý giải “thói ngược”: “‘con quỷ của thói ngược’ khẳng định rằng hắn có một nhu cầu vô thức phải thú tội, như thể bằng cách đó gánh nặng của tên giết người sẽ nhẹ bớt. Trong tận cùng suy đồi, Poe như thể muốn nói rằng ý thức đạo đức vẫn tồn tại” 11 . Tuy nhiên, nếu với ý đồ nêu trên, Edgar Allan Poe sẽ không đặt cho hắn một cái tên kỳ lạ là “thói ngược” (perversity) và và quan sát hắn như chỉ dấu của tâm bệnh, một dạng thức loạn thần kinh. Hơn nữa, nhà văn xác định tâm lý ngược ngạo này là có tính “quỷ ám” và lấy đó làm nhan đề tác phẩm – “Con quỷ của thói ngược” . Ngoài ra, Edgar Allan Poe khẳng định ham muốn thú tội của nhân vật giết người nảy sinh từ ý thức rằng hắn an toàn chứ không phải từ ý thức rằng hắn phạm tội – và tương ứng theo phép biện chứng, nội dung của ham muốn này là được liều mạng sống – thoát khỏi trạng thái an toàn, chứ không phải được chuộc tội bằng sự thức tỉnh của tính thiện: “Chúng ta nhìn thấu vào chúng vì chúng ta cảm thấy rằng không nên làm thế” [ 10 , p. 222]. Ham muốn chiến trận là cái thôi thúc Tự-ý thức nghĩ đến việc thú tội. Đó là ham muốn được liều mạng sống thực hiện “Cú lao xuống”: “không có dục vọng nào về bản chất mất kiên nhẫn như bị quỷ ám hơn kẻ đang run rẩy trên bờ vực của vách núi, vì thế trầm tư một Cú lao xuống” . [ 10 , p. 222].

Như vậy, Tự-ý thức ở dạng sơ khai với khao khát được tái lập điều kiện cần cho cuộc chiến đấu mất còn không phải là một kẻ được cứu rỗi bởi lòng ăn năn thiện lương, như Eric Carlson gợi ích giải thích, ngay cả khi ham muốn của hắn là được thét to lên rằng mình có tội. Lý giải từ góc nhìn của Hegel là hoàn toàn đồng ý với chính lý giải của Edgar về các vấn đề tâm bệnh. Như vậy, việc vận dụng triết học Hegel vào phân tích tác phẩm tỏ ra có tính hiệu quả.

KẾT LUẬN

Dưới sự soi chiếu của triết học Hegel, bài nghiên cứu đã đề ra một mô hình diễn giải mới về truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe. Hướng tiếp cận này cho thấy trọng tâm các tác phẩm kinh dị của Edgar Allan Poe là các Tự-ý thức độc lập-tự chủ với tư duy phân biệt sắc sảo, tự nhận thức về mình trong mối tương tác căng thẳng, phân biệt rạch ròi với những Tự-ý thức khác. Qua cách tiếp cận này, bài nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ đặc điểm của nhân vật trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe là tính chất tự ý thức và ham muốn nâng cao sự tự ý thức của hắn bằng cách tiêu diệt các chủ thể sở hữu sự tự ý thức khác. Đồng thời, bài nghiên cứu đã cho thấy tầm vóc tư tưởng triết học của nhà văn Edgar Allan Poe trên cơ sở nhà văn có đồng góc nhìn với triết gia Hegel về quá trình tâm lý của con người. Sự đồng điệu này không thể được giải thích bằng mối liên kết, ảnh hưởng trực tiếp giữa hai danh nhân với nhau mà chỉ có thể được lý giải bằng câu châm ngôn “những nhà tư tưởng lớn thường gặp nhau”. Bằng cái nhìn thấu suốt và lòng trăn trở chân thành về nội tâm con người, truyện ngắn của Edgar Allan Poe không dừng lại ở tính chất kịch tính nhằm hù dọa bạn đọc mà đã vượt lên trên thể loại kinh dị giật gân của nó. Thông qua các tác phẩm, nhà văn đã triết luận về quy luật phát triển của tinh thần con người, và do đó, đã xác định vị trí mình như một đồng sự của Hegel trên hành trình đi tìm chân lý. Xét trong chuyên môn triết học, việc tìm hiểu Edgar Allan Poe dưới sự soi chiếu của triết học Hegel đã cung cấp một minh họa giác quan sinh động cho các luận điểm triết học trừu tượng của Hegel. Sử dụng các tác phẩm của Edgar Allan Poe – cái riêng – làm ví dụ và dẫn chứng cho triết học Hegel – cái chung – giúp rút ngắn quãng đường tiếp nhận hệ thống lý luận vốn được xem là khó hiểu của Hegel.

Ngoài ra, bài nghiên cứu đã góp phần chứng minh tính chất bất hạnh và mù lòa của những Tự-ý thức trong cuộc vật lộn vô tận với những Tự-ý thức khác, hay nói như Nietzsche, chứng minh rằng số phận của những cái “tôi” sống cho riêng mình là nằm gọn trong những từ “đau khổ” và “không phải chân lý”.

Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết, còn nhiều vấn đề chưa được đề cập đến như ngữ liệu thơ và tiểu luận của Edgar Allan Poe và quan niệm của Hegel về toàn bộ quá trình nâng cao sự xác tín của Tự-ý thức. Sự mở rộng phạm vi về lý thuyết nghiên cứu và văn liệu nghiên cứu hy vọng sẽ được các học giả tiếp tục thực hiện trong những bài viết khoa học về sau. Đây là điều kiện thúc đẩy vấn đề nghiên cứu liên ngành giữa văn học và các ngành gần văn học như triết học và tâm lý học ngày càng phát triển.

LỜI CẢM ƠN

Tôi chân thành cảm ơn TS. Lê Ngọc Phương, PGS.TS. Bùi Trọng Ngoãn và TS. Nguyễn Nho Túy đã hướng dẫn, định hướng, giúp đỡ sửa chữa bản thảo; và đặc biệt cảm ơn các chuyên gia phản biện có nhiều ý kiến đóng góp quý báu để giúp tôi hoàn thành bài viết này.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài báo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả xác minh mình là người duy nhất thực hiện các công việc nghiên cứu để hoàn thành bài viết. Bài viết được hình thành dựa trên công việc nghiên cứu tư liệu triết học về sự Tự-ý thức trong công trình triết học Hiện tượng học tinh thần của F.Hegel và tư liệu văn học về hình tượng kẻ sát nhân trong các truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe.

References

  1. Nietzsche. The will to power. New York: Random House; 1967. . ;:. Google Scholar
  2. Oanh HK. Cái Đẹp, Tình yêu và Nỗi ám ảnh về Cái Chết. Luận Văn Thạc Sĩ Trường Đại Học Sư Phạm. 2003. . ;:. Google Scholar
  3. Ngô BT. Dấu ấn của Edgar Allan Poe trong truyện khoa học giả tưởng của Viết Linh. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Nghiên cứu Nước ngoài, tập Tập 29, số Số 3 (2013), pp. 54-61, 2013. . ;:. Google Scholar
  4. Hoàng TM. Nevermore - hồi ức đau buồn và bất tận. Hồ Chí Minh Khoa Học Xã Hội. 2021. . ;:. Google Scholar
  5. Moreland S.D.Z.. As urged by Schelling: Coleridge, Poe and the Schellingian Refrain. Edgar Allan Poe Rev. 2012;13(2). . ;:. Google Scholar
  6. Koçsoy FG. The transgressive sublime in Edgar Allan Poe's "The tell-tale heart" and "The imp of the perverse",. J Int Soc Res. 2018;11(58):142-7. . ;:. Google Scholar
  7. Humaish A. H.. Epicureanism and Schopenhauer's Consolation in Edgar Allen Poe's short story "The Masque of the Red Death",. Int J Lit Stud. 2021;1(1):1-4. . ;:. Google Scholar
  8. Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Hà Nội: Văn học. 2006. . ;:. Google Scholar
  9. Becker E. The denial of Death. London: The Free Press; 1973. . ;:. Google Scholar
  10. Poe EA. 'Edgar Allan Poe: Complete Tales and Poems,' Maplewood books; 2013. . ;:. Google Scholar
  11. Carlson EW. 'Poe on the soul of man,' The Edgar Allan Poe Society, 1973 và 1999. [Trực Tuyến] [Đã truy cập; 03 03 2023]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 1969-1980
Published: Jun 30, 2023
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.845

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen Nho, U. (2023). The killer character in Edgar Allan Poe’s short stories - a view from Hegel’s philosophy of self-consciousness. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(2), 1969-1980. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.845

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 263 times
PDF   = 304 times
XML   = 0 times
Total   = 304 times