VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

288

Total

258

Share

For developing religious resources in Vietnam today, the religion rethinking must-have in light of ousiology






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The mobilization of religious resources in community building and development in Vietnam today is just the mobilization of money and human strength, without resource accumulation. This is not rationality. The ousiological religion rethinking is necessary. In light of ousiology, we get a view of the identity and way of religion existence in each dimension: Social Consciousness, Social Facts, Religious Facts, Culture Facts, and Social Capital. This view integrates the general knowledge of religion to determine: The social capital of religion is an ensemble of ousiological attributes of religion that makes with the being of man. The Man Being is the resource of religion. In light of ousiology, we can forecast the dangers and threats of the Age, which are challenging the existence of religions, and provide the contents for the restructuring a religious worldview, religious rituals and activities, and ways to preserve religious and moral values, etc., as an adaptation for religion to exist. In light of ousiology, we understand that it is inevitable for the social capital of religion to participate in the capital flow of the market economy. New challenges are emerging and the total mobilization of society to overcome these challenges is necessary for the authentic existence of religion.

PHẦN MỞ ĐẦU

Ở Việt Nam, việc chung tay xây dựng cộng đồng, phát huy nguồn lực tôn giáo trong công việc thiện nguyện, góp phần hỗ trợ khắc phục những khó khăn trong các lĩnh vực đời sống xã hội như chăm sóc trẻ em mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa, y tế xã hội, giáo dục cộng đồng… đã trở thành hoạt động truyền thống và luôn được các tổ chức tôn giáo thực hiện hoàn toàn mang tính tự nguyện. Hiện nay, hoạt động này đã có sự phối hợp với các cấp chính quyền hình thành nên các phong trào, ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, hữu ích hơn cho cộng đồng. Nhưng cũng đến lúc cần phải nhìn nhận lại tình hình này. Vì đã và đang diễn ra tình trạng trên văn bản là “phát huy nguồn lực” nhưng trong thực tế lại là “huy động lực đã và đang có” (“ lực” được hiểu là tiền tài và sức lực ) của người tôn giáo bằng nhiều phương thức chứ “không quan tâm phát huy nguồn”. Nói một cách hình ảnh, phong trào này đang diễn ra tình trạng chỉ chăm hái trái nhưng không có sự quan tâm đến việc vun bồi cho “sâu rễ, bền gốc”. Nếu như thế thì “cây không thể đâm chồi, cành không thể nảy lộc, hoa không đơm được trái”. Nếu chỉ khai thác “lực” mà không tạo “nguồn” cho tôn giáo thì lực của tôn giáo sẽ dần cạn kiệt, chức năng đích thực tôn giáo khó có thể vẹn toàn.

Từ định lý bất toàn của Kurt Gödel : “Bất cứ điều gì mà bạn có thể vẽ một vòng tròn bao quanh nó sẽ không thể tự giải thích về bản thân nó mà không tham chiếu đến một cái gì đó ở bên ngoài vòng tròn – một cái gì đó mà bạn phải thừa nhận là đúng nhưng không thể chứng minh” 1 đã chỉ cho chúng ta cách tiếp cận giải quyết vấn đề không phải là vẽ lên một vòng tròn bao quanh vấn đề “lực đã và đang có” của tôn giáo mà phải tham chiếu tôn giáo trong tầm nhìn bản thể học.

NỘI DUNG CHÍNH

BẢN THỂ HỌC

Xuất phát từ vấn đề cơ bản của triết học là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại nên nội hàm bản thể học (khoa học về sự tồn tại) vốn đã rất trừu tượng lại càng thêm rắc rối và khó hiểu khi được tiếp cận từ những chiều kích khác nhau trong sự định danh của thế giới quan: duy vật – duy tâm; khoa học – phi khoa học; vô thần – hữu thần và tùy thuộc vào từng cấp độ của thế giới quan như cấp độ cảm quan; cấp độ quan niệm hoặc cấp độ hướng đến cải tạo hiện thực. Sự tiếp cận trên những chiều kích như vậy tuy có những điểm hợp lý nhưng lại có sự khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Từ đây đặt ra vấn đề là trước một đối tượng nghiên cứu, cần phải xác định rõ nội hàm của thuật ngữ bản thể học , tránh được những định kiến mà căn nguyên, cội nguồn không được xác định rõ làm lạc hướng trong nhận thức và hành động.

Bản thể học (Ousiology) là một lý thuyết khoa học bắt nguồn từ thuật ngữ οὐσία/ousia, một thuật ngữ Hy Lạp thời Cổ đại, thường được các nhà triết học thời đó như Plato và Aristoteles sử dụng trong các tác phẩm của mình với nghĩa: chỉ bản tính và phương thức tồn tại của những cái đã và đang có (LÀ = những tồn tại/being) . Thuật ngữ này khi được dịch sang tiếng Latin được biến thể thành hai thuật ngữ không có sự tương đương với nghĩa của từ ousia, đó là: essentia (bản chất) và substantia (bản thể). Giữa hai khái niệm này có sự khác biệt: essentia/ bản chất với từ : xác định đặc điểm riêng trong sự tồn tại của đối tượng đã hoặc đang có; substantia/ bản thể cũng với từ nhưng xác định đặc tính chung của các đối tượng đã có hoặc đang có ở cấp độ trừu tượng hơn, phạm vi phổ quát hơn. Sự nhận thức lại tôn giáo từ hai phương diện này của bản thể học đều hướng về sự truy nguyên nguồn gốc, những thuộc tính và phương thức tồn tại của cái đã và đang có nhưng ở cấp độ khác nhau – có thể nói như ngôn ngữ Logic học – là Hạng (essentia) Loại (substancia) .

Cùng với Bản thể học còn có Hữu thể học (Ontology) xuất phát từ thuật ngữ Onto là Tồn tại. Ontology là khoa học về “cái Tồn tại phổ quát” xuất phát từ luận đề nổi tiếng của Aristoteles: Tồn tại như là tồn tại . Hữu thể học là hạt nhân của siêu hình học phương Tây, chỉ bàn về cái tồn tại siêu việt, không bàn đến những tính chất hay thuộc tính chung của những cái đã và đang có trong thực tại ở cấp độ essentia và substantia của Ousiology. Do đó, Hữu thể học có phạm vi bao quát hơn và cấp độ trừu tượng cao hơn Bản thể học vì luôn đặt ra câu hỏi mang tính siêu nghiệm thể là: Vấn đề/hiện tượng ta suy nghiệm có thật không? Làm thế nào để vấn đề/hiện tượng) đó có thể được chứng minh là có thật? Trong khoa học, đó chính là nội dung của các giả thuyết. Trong thần học đó là những suy nghiệm về Đấng tối cao, về Thượng đế, về Chúa.

Ousiology cũng như Ontology, ban đầu mới chỉ là ở dạng quan niệm bàn về những dạng thức tồn tại của những thực thể đã và đang có theo thứ bậc từ thấp đến cao trong sự truy tìm nguyên nhân tận cùng của Tồn tại. Mãi sau này, Ousia hay Onto mới được định danh thành môn học hay luận thuyết, đó là: Ousiology (Bản thể học) và Ontology (Hữu thể học)

Ở phương Tây, thần học Kito giáo đã thường sử dụng nội hàm của hai thuật ngữ Ousiology và Ontology trong sự giải thích về Chúa Ba Ngôi. Ở phương Đông, cụ thể là ở Trung Quốc, có thuật ngữ Nguyên (trong hệ thống phạm trù Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh của Kinh Dịch) được xem là có nghĩa tương đồng với thuật ngữ Ousia . Nguyên hay còn được gọi là “bản nguyên” với nội dung là: cái tự tính vốn có, cái căn tính, cái khởi nguồn…

Tổng quan về sự tiếp cận đối tượng nghiên cứu tôn giáo từ bản thể học của phương Tây và phương Đông (Trung Quốc) dù nhân danh bất cứ thế giới quan nào cũng như từ cấp độ nào của thế giới quan cũng phải trả lời hai câu hỏi sau:

Câu hỏi thứ nhất: Thực chất của sự vật/hiện tượng (đối tượng) đã và đang có hoặc đang được suy nghiệm là gì?

Câu hỏi thứ hai: Dạng thức tồn tại của những sự vật/hiện tượng (đối tượng) đã và đang có hoặc đang được suy nghiệm là như thế nào?

Trong lĩnh vực tôn giáo học, khi tiếp cận vấn đề từ góc nhìn bản thể học thì hai câu hỏi này luôn được đặt ra và câu trả lời phải luôn hợp lý trên cả hai phương diện khách quan và chủ quan. Khách quan theo nghĩa là sự quan sát đã loại bỏ được ác cảm hay thiện cảm về đối tượng trong ý thức của chủ thể nghiên cứu. Chủ quan theo nghĩa là phụ thuộc vào cách thức nghiên cứu cũng như năng lực của chủ thể nghiên cứu. Sự hợp lý đầu tiên nhận được từ hai câu trả lời mở hướng nghiên cứu tiếp theo là: các dạng thức bản thể tôn giáo đều thuộc về Bản thể của con Người (viết hoa).

Câu hỏi thứ nhất đã có câu trả lời. Thực chất của tôn giáo là tổng thể của các hiện tượng: Niềm tin vào cái Thiêng – Nghi thức hành xử đối với cái Thiêng – Tổ chức cộng đồng có niềm tin vào cái Thiêng – Sự thực hành hệ giá trị đạo đức từ niềm tin vào cái Thiêng. Từ đây, chúng ta đi vào giải quyết câu hỏi thứ hai.

CÁC DẠNG THỨC TỒN TẠI CỦA TÔN GIÁO NHÌN TỪ BẢN THỂ HỌC

Dạng thức bản thể học thứ nhất: Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội

Quan niệm này thường được diễn giải bởi những người thuộc trường phát triết học Mácxít . Tổng quan tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen có thể được rút ra qua hai trích đoạn tiêu biểu trong Lời nói đầu của K.Marx: “Căn cứ của sự phê phán chống tôn giáo là: con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người. Cụ thể là: tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự tri giác của con người chưa tìm thấy bản thân mình hoặc đã lại đánh mất bản thân mình một lần nữa” và “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng như nó là tinh thần của những điều kiện xã hội không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân [ 2 , tr.13-14].

Qua hai trích đoạn này, chúng ta nhận ra tinh thần cơ bản trong quan điểm của K. Marx: “tôn giáo là hình thức của sự phản kháng thực tại xã hội bằng hạnh phúc hư ảo” của con người khi nhận định về hiện thực xã hội của nước Phổ trong thời kỳ còn chịu sự thống trị của Kito giáo . Ý nghĩa của những nhận định này là:

Thứ nhất: K. Marx xác định cần phải kiến tạo một xã hội mới mà trong đó áp bức xã hội phải bị xóa bỏ, mỗi con người được quyền tự do sáng tạo, năng lực của con người được phát huy đến mức cao nhất để đem lại hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng ở thế giới bên này, không cần phải “sáng tạo ra tôn giáo” để tìm thấy hạnh phúc ở thế giới bên kia. Xã hội mới đó, theo K.Marx chính là xã hội cộng sản văn minh.

Thứ hai: Tôn giáo là thuốc phiện “của” nhân dân 3 . Nghĩa là, tôn giáo (hay ý thức tôn giáo) là thuộc tính bản thể Người, là yếu tố tinh thần nội sinh từ trong cuộc sống của con Người. Vì con người là động vật có lý tính - một phân đoạn quan trọng trong nhận thức của con người khi tái hiện thực tại khách quan bằng sự lý giải nội dung, bản chất cũng như sự vận động mang tính quy luật. Sự tái hiện thực tại khách quan của lý tính đã bao hàm sự tưởng tượng trong sự “đồng hóa thực tại” trên lĩnh vực tinh thần. Về phương diện tôn giáo, tưởng tượng là sự tái hiện thông tin được tiếp nhận từ thực tại khách quan trong ý thức con người cùng với một cảm xúc “vượt ngưỡng thông thường” trong một “sang chấn tâm lý” hoang mang, hoảng sợ, bất lực, tuyệt vọng của con người trước thực tại, tạo ra một “sự phản kháng dẫn đến sự thăng hoa” trong hoạt động tinh thần của con Người về một thế giới phi thực tại để rồi hòa tan vào một thực tại xã hội đầy dẫy bi thương, hoảng loạn. Sự ra đời của tôn giáo như là sự “bù đắp” cho sự khủng hoảng về giá trị Sống của con người bằng niềm tin vào những giá trị của thế giới bên kia. Tôn giáo không quan sát, mô tả, giải thích xã hội mà chỉ là sự cấu thành quan niệm về ý nghĩa đời sống xã hội - cá nhân - thân phận Người. Với việc dẫn dắt đức tin bằng giáo lý, người tôn giáo càng ý thức rõ hơn ý nghĩa của những việc làm của mình cho thế giới bên kia. Tôn giáo nâng cao đời sống tinh thần của người tôn giáo lên không phải là để làm chủ thế giới mà chỉ là để lý giải cuộc sống của chính bản thân mình với những xác tín ý nghĩa cuộc sống của mình, cho dù là không có thực.

Dạng thức bản thể học thứ hai: Tôn giáo là thực thể xã hội

Thực tại xã hội khách quan là tiền đề của một thực thể xã hội

Quan điểm xem xã hội và văn hóa là một thực tại xã hội khách quan không chỉ có trong nghiên cứu xã hội như là cái toàn thể mà còn có trong nghiên cứu các lĩnh vực chuyên ngành như Tâm lý học, Nhân học, Nghệ thuật học, Tôn giáo học… Do đó, thực tại xã hội không thể là thực tại xã hội trừu tượng thuần túy mà bao giờ cũng phải được thể hiện trong dạng tồn tại có thực, có thể khả giác và trực quan. Nghĩa là thực tại xã hội phải có nội dung và chức năng cụ thể trong từng lĩnh vực. Thực tại xã hội – theo Durkheim là thực tại khách quan qua sự thể hiện nội hàm của thuật ngữ “sự kiện xã hội”, “ý thức tập thể”.

Sự kiện xã hội

“Sự kiện xã hội là bất cứ phương cách hành động nào, dù cố định hay không cố định, có khả năng tác động lên cá nhân một sự cưỡng chế ngoại tại; hoặc nữa, là bất cứ phương cách hành động nào mang tính phổ biến trong phạm vi của một xã hội nào đó, đồng thời lại có một tồn tại riêng, độc lập với các biểu hiện cá thể của nó” [ 4 , tr.106]. Bản thể của tôn giáo là thực tại xã hội mang tính khách quan, được thể hiện qua sự kiện xã hội nhưng có đặc trưng riêng biệt, đó là lòng tin và những thực hành đã cấu thành trước đó. Tuy nhiên, đây không phải là sự kiện tâm lý. “Cũng giống như thế, tín đồ nhận thấy những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo có sẵn nơi mình từ lúc chào đời; nếu chúng đã có trước anh ta, có nghĩa là chúng tồn tại ở bên ngoài anh ta” [ 4 , tr.88].

Tuy nhiên, cũng đáng lưu ý là khái niệm “sự kiện xã hội” về sau này được Durkheim chuyển vào bên trong con người, chứ không còn chỉ hiểu theo nghĩa là nằm bên ngoài cá nhân. Trong công trình Xã hội học và triết học , Durkheim cho rằng xã hội là “ cái ở bên trên chúng ta và cái ở bên trong chính chúng ta ”. Nghĩa là sự kiện xã hội vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan [ 5 , tr.129].

Ý thức tập thể

Tôn giáo là một thực tại xã hội khách quan thể hiện qua ý thức tập thể bằng tính thống nhất về một hệ thống biểu tượng. Trong tác phẩm Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo , Durkheim đã củng cố lý thuyết của mình về sự kiện xã hội bằng cách cấp cho ý thức tập thể những biểu hiện cụ thể: “Tôn giáo cấp cho nhóm tín đồ một tính thống nhất, một sự gắn bó, nuôi dưỡng họ bằng hệ thống biểu tượng như nhau về thế giới, các nghi lễ tôn giáo kết hợp người ta lại trong việc lặp lại những cử chỉ như nhau... tôn giáo thực chất là một cách biểu trưng của xã hội - thực tại khách quan - mà thôi” [ 6 , tr.18].

Tôn giáo là thực thể xã hội

M.Mauss, năm 1904, đã viết: “Trong thực tế, không có vật nào, bản chất nào gọi là tôn giáo, chỉ có các hiện tượng tôn giáo, ít hay nhiều, được kết tụ thành các hệ thống mà người ta gọi là các tôn giáo, và chúng có một lịch sử tồn tại xác định, trong các nhóm người và trong các thời gian nào đó” [ 7 , tr.21]. Vì tôn giáo (hay ý thức tôn giáo) là thuộc tính bản thể của một nhóm Người nên tôn giáo là một thực thể xã hội. Thực thể này là một hệ thống - cấu trúc của các yếu tố (hiện tượng) tôn giáo. “Hệ thống được định nghĩa là tập hợp những phần tử tương tác với nhau. Ở một cấp độ, hệ thống bao gồm một cấu trúc, và cấu trúc là thành tố ở cấp độ hệ thống giúp cho ta nhận biết các phần tử đang thuộc một hệ thống chứ không phải đơn thuần là một tập hợp (không có mối liên kết nội tại). Ở một cấp độ khác, hệ thống gồm các thành phần tương tác với nhau” 8 .

Từ quan điểm hệ thống luận (systemique), tôn giáo là thực thể xã hội vừa mang tính lịch sử vừa mang tính thời đại và tồn tại khách quan. “ Thực thể tôn giáo tồn tại một cách khách quan có tính chỉnh thể và có mối quan hệ tương tác với các bộ phận khác của xã hội với tư cách là một tiểu hệ thống, có những đặc tính cơ bản để phân biệt nó với các tiểu hệ thống khác ” [ 9 , tr.22-23].

Vấn đề thực thể tôn giáo (Fait religieux/Religious facts) đang được ngành tôn giáo học trên thế giới triển khai lý thuyết nhằm hệ thống hóa và cấu trúc hóa tôn giáo trên ba phương diện: khái niệm thực thể tôn giáo 10 , các chiều kích của thực thể tôn giáo (tính lịch sử, tính tập thể, tính tài liệu, tính biểu tượng, tính kinh nghiệm và nhạy cảm) và cốt lõi thực thể của tôn giáo [ 11 , tr.3-19] 12 .

Dạng thức bản thể học thứ ba: Tôn giáo là thực thể văn hóa

Quan niệm bản thể của tôn giáo là thực thể xã hội mà cốt lõi là niềm tin vào cái Thiêng (sacré/ sacred) ám chỉ một sự khác biệt trong quan hệ giữa con người với một thế giới khác với thế giới mà con người đang sống. Nhưng chỉ có sống trong thế giới thực tại (thế giới bên này) thì con người này mới đặt ra tính thiêng với thế giới bên kia (thế giới phi thực tại). Tôn giáo hình thành từ một quá trình có tính lịch sử của sự nối kết niềm tin vào cái Thiêng thông qua một chuỗi các hiện tượng của thực tại xã hội mang tính cộng đồng, thực hành các nghi lễ mang tính biểu trưng cho sự hiện hữu của cái Thiêng. Khi sự thực hành các nghi lễ dần trở thành phong tục, tập quán của cộng đồng xã hội thì nhu cầu nhằm khẳng định sự “hiện hữu” cái Thiêng luôn “đồng hành, giám sát, phù trợ” con người. Những quy định để giữ vững niềm tin được xác lập hình thành nên những giá trị được gọi là văn hóa đạo đức tôn giáo, nghĩa là có những vấn đề của văn hóa mà ta chỉ có thể hiểu được sau khi đã hiểu nội dung cái Thiêng tôn giáo của vấn đề này. Paul Tillich đã khẳng định: “ Văn hóa là hình thức của tôn giáo. Điều đó thể hiện đặc biệt rõ qua minh chứng rằng bất cứ tôn giáo nào cũng phải sử dụng cái ngôn ngữ của văn hóa. Mỗi một ngôn ngữ kể cả ngôn ngữ của thánh kinh thì cũng là kết quả của vô số hành vi sáng tạo văn hóa” [ 13 , tr.106].

Nếu văn hóa là ngôi nhà của “Tồn tại Người” thì tôn giáo chính là căn tính của văn hóa. “Đương nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa, sẽ không hợp lý khi người ta quá nhấn mạnh cái căn tính tôn giáo và văn hóa của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta có thể bỏ qua cái căn tính đó” [ 14 , tr.197]. Nhân loại đã có các nền văn hóa Ấn Độ giáo, Kito giáo, Do Thái giáo, Hindu giáo, Phật giáo… Sự gắn kết giữa tôn giáo - văn hóa là gắn kết bản thể, không tách rời luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau, xâm nhập chuyển hóa cho nhau và có những thời đoạn cũng đối lập nhau. Sự gắn kết này có một diễn trình lịch sử mang tính khách quan và có tính quy luật. Tôn giáo như một nền tảng làm nên tính đặc thù của một nền văn hóa. Tôn giáo và văn hóa có sự thống nhất chứ không đồng nhất. Trong diễn trình lịch sử, tôn giáo cũng có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận giá trị truyền thống của văn hóa nhưng luôn tồn tại song trùng cùng với văn hóa. Văn hóa cũng e ngại, thậm chí sợ hãi hoặc bất bình trước việc những nghi thức và giáo luật của tôn giáo mới làm thay đổi giá trị truyền thống của văn hóa. Đây lại là hai mặt của quá trình phát triển, biến đổi trong quan hệ tôn giáo và văn hóa và là đặc tính khách quan mà nhà nghiên cứu phải tôn trọng.

Khi khảo cứu văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hưng cũng đã có kết luận xác đáng từ cách tiếp cận tôn giáo là bản thể văn hóa: “tôn giáo, tín ngưỡng là nền tảng, căn tính của văn hóa Việt Nam. Khi đón nhận một tôn giáo lại sản sinh ra (hay góp phần quyết định sản sinh ra) một nền văn hóa mới… Từ cách tiếp cận văn hóa thế tục: tôn giáo là một bộ phận, một thành tố của văn hóa và tôn giáo là chính bản thân văn hóa. Tuy hai cách tiếp cận có sự đối lập và không có giá trị ngang nhau trong việc xác định bản chất, căn tính văn hóa nhưng lại bổ trợ cho nhau khi xem xét văn hóa Việt Nam nơi mà ranh giới giữa cái linh thiêng và cái phàm tục chỉ mang tính tương đối” [ 14 , tr.323-327].

Nếu như dựa theo nhận định của L. Cadière: “Trong đời sống dân tộc Việt, không có gì là thoát khỏi ảnh hưởng của tôn giáo. Tôn giáo nhập vào người Việt từ khi mới sinh ra, cùng đồng hành đến khi chết và ngay cả khi chết rồi cứ vẫn còn ảnh hưởng đi theo. Thấy được cái cội rễ sâu xa của các hữu thể siêu nhiên ấy vào tâm hồn người Việt như thế, ta không thể chối cãi rằng dân tộc Việt là một dân tộc rất tôn giáo” [ 15 , tr.77] thì điều cần nhận thức là trong quá trình bảo toàn giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, trước hết cần có sự chấn hưng giá trị tôn giáo mà trọng tâm là các giá trị đạo đức tôn giáo phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội.

Dạng thức bản thể học thứ tư: Tôn giáo là vốn xã hội – một sự tổng hòa các thuộc tính của tôn giáo trong bản thể Người

Vốn xã hội

Thuật ngữ “vốn xã hội” đã không còn xa lạ trong giới nghiên cứu học thuật, nhất là ở phương Tây. Nhưng vì có lẽ bị “bị ám ảnh” bởi từ capital với nghĩa là tư bản, nên các định nghĩa về vốn xã hội thường ở trong tầm chi phối của kinh tế học. Nói đến vốn xã hội là nói đến con Người. Con người là vốn xã hội. Song cần phải có sự luận chứng tường minh về vấn đề này.

Xã hội là cộng đồng liên kết những cá nhân hiện thực (những con người riêng lẽ và đang tồn tại). Vốn xã hội bắt đầu từ vốn sống của những cá nhân. Vốn sống của cá nhân hình thành từ quá trình thực hiện nhu cầu sống của con người. Nhưng con người sống không chỉ với yêu cầu được thỏa mãn nhu cầu vật chất. Vì thỏa mãn nhu cầu vật chất chỉ là nhu cầu mang tính bản năng của con vật, trong khi nhu cầu của con người là được sống xứng đáng với tư cách là một con Người (viết hoa). Vốn sống của một cá nhân là tổng hợp những giá trị được tích lũy từ tri thức khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, chính trị, kinh tế, pháp luật… là niềm tin, thương yêu và hy vọng, là tầm nhìn, cách nghĩ về cuộc sống để tạo nên phẩm chất và năng lực Người của cá nhân đó. Nhưng vốn sống của cá nhân chỉ được hình thành và phát huy hiệu quả trong tổng hòa các quan hệ xã hội. Từ vốn sống của các cá nhân được liên kết lại với nhau mà vốn xã hội được hình thành thông qua “mạng lưới” quan hệ xã hội. Niềm tin là nhân tố cơ bản tạo nên sự gắn kết của mạng lưới này. Vì một điều đơn giản là không ai có thể kết bạn với một người mà mình không tin. Xuất phát từ niềm tin, con người thể hiện sự hiểu biết trong sự gắn kết xã hội bằng tất cả năng lực, phẩm chất và tình cảm của mình.

Trong tầm nhìn bản thể học, tôn giáo cũng là vốn xã hội vì tôn giáo là sự tổng hòa của các thuộc tính bản thể của tinh thần xã hội, của thực thể xã hội, của văn hóa xã hội. Tôn giáo tồn tại trong xã hội loài người, làm nên xã hội loài người. Sẽ không toàn diện khi nói đến đời sống xã hội loài người ở bất kỳ thời đoạn nào trong lịch sử mà không nói đến tôn giáo kể cả thời đoạn lịch sử chưa thành văn. Nhưng vốn xã hội của tôn giáo có những đặc trưng riêng biệt.

Đặc trưng vốn xã hội của tôn giáo

Từ sự diễn giải trên, có thể khẳng định nội hàm vốn xã hội của tôn giáo trên hai chiều kích:

- Thứ nhất: Vốn xã hội của tôn giáo là những giá trị sống mà người tôn giáo cần phải có để trước hết là sống xứng đáng với tư cách là một con Người và tiếp đến là sống xứng đáng với tư cách là một con Người tôn giáo.

- Thứ hai: Vốn xã hội của tôn giáo là tổng thể giá trị trong đời sống tâm linh của cộng đồng tôn giáo, là sự “lắng đọng” và “lan tỏa” bản thể văn hóa của tôn giáo trong mạng lưới cộng đồng tôn giáo mà trọng tâm là hệ giá trị đạo đức tôn giáo được xác lập trên nền tảng của đức tin vào cái Thiêng.

Tóm lại: Vốn xã hội của tôn giáo là kết quả của quá trình thực hành sự thiện lành của người tôn giáo với niềm tin vào cái Thiêng theo thế giới quan tôn giáo mà cụ thể là sự thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Giá trị cao nhất của cái Thiêng là đáp ứng nhu cầu bảo toàn sự sống với yêu cầu Sống xứng đáng với tư cách là con Người. Hướng sự sống đến sự an lành trong tâm trí, thanh thản trong sự dấn thân với niềm tin thánh thiện, nhận ra ý nghĩa sống trong hành động của người tôn giáo, góp phần hoàn thiện thế gian chính là chức năng của tôn giáo và cũng chính là hành trình tạo vốn xã hội của tôn giáo. Vốn xã hội của tôn giáo là vốn tâm linh trong đời sống xã hội. Vốn xã hội của tôn giáo là hệ phức hợp giá trị của niềm tin tôn giáo – hiểu biết tôn giáo – thực hành đạo đức tôn giáo. Hành trình tạo vốn xã hội của tôn giáo đi từ cá nhân – gia đình – xã hội.

PHÁT HUY NGUỒN LỰC CỦA TÔN GIÁO PHẢI TẠO VỐN XÃ HỘI CHO TÔN GIÁO

Phát huy nguồn lực của tôn giáo phải tạo vốn xã hội cho tôn giáo là một cách nói khác đi để khẳng định: Vốn xã hội của tôn giáo chính là nguồn sản sinh các nguồn lực của cộng đồng tôn giáo. Vốn xã hội của tôn giáo là vốn tâm linh nên nguồn lực của tôn giáo là nguồn lực nội sinh từ những thực thể tinh thần - vật chất xã hội của một cộng đồng tôn giáo. Tiến trình phát huy nguồn lực tôn giáo và tạo vốn xã hội tôn giáo là một quan hệ song trùng, trong đó tạo nguồn vốn xã hội cho tôn giáo là căn nguyên để phát huy nguồn lực của tôn giáo. Nguồn lực của tôn giáo là nguồn lực mang tính bảo toàn để tự sinh hòa nhập để phát triển của cộng đồng tôn giáo.

Vốn xã hội của tôn giáo cần phải được tái cấu trúc từ những yếu tố tạo ra giá trị xã hội của tôn giáo

Việc tái cấu trúc phương thức tạo ra giá trị xã hội của tôn giáo phải được bắt đầu từ sự tái cấu trúc từng yếu tố của hệ thống tôn giáo. Như đã nói trên, tôn giáo là một diễn trình lịch sử tương tác của các hiện tượng trong cấu trúc mang tính hệ thống, đó là: Niềm tin vào cái Thiêng – Nghi thức hành xử đối với cái Thiêng – Tổ chức cộng đồng có cùng niềm tin vào cái Thiêng – Sự thực hành hệ giá trị đạo đức từ niềm tin vào cái Thiêng.

- Từ niềm tin vào cái Thiêng : Cái Thiêng bắt đầu sự ngạc nhiên của con người về sự huyền bí không thể hiểu được nhưng ta có thể cảm nhận được sự hiện hữu của nó trong tâm tưởng với sự thuần phục, từ sự thuần phục “Thần thiên nhiên” đến sự thuần phục những lời phán truyền từ những “Ngôi cao”. Thông qua giáo lý, sự lý giải về cái Thiêng làm nên nội dung thế giới quan tôn giáo. Thế kỷ XXI với sự phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ làm thay đổi quan niệm của chúng ta về thế giới. Thế giới không bình yên. Thế giới đang phải đối đầu với hiểm họa. Thế kỷ XXI có phải là thế kỷ của sự tồn tại loài người? Câu hỏi lạnh lùng và tàn nhẫn này xuất phát từ sự nhận thức những hiểm họa từ sự khủng hoảng sinh thái chứ không phải từ sự nhận thức của nguy cơ chiến tranh hạt nhân. 16 , 17 Quan niệm về cái Thiêng và sự lý giải về cái Thiêng trong thế giới quan tôn giáo buộc phải thay đổi từ chính hiểm họa này. Thế giới quan của tôn giáo phải là thế giới quan của hành động cứu rỗi môi trường sinh thái chứ không chỉ là cứu rỗi những linh hồn không có được nhận thức về những hiểm họa đang cận kề.

Thế giới quan của các tôn giáo dù có thay đổi, dù có khác biệt trong giáo lý, giáo luật nhưng đều quy tụ vào điểm chung, đó là xác lập niềm tin vào luật nhân – quả. Luật này có trong lĩnh vực nhận thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học về tư duy. Người vô thần cũng chấp nhận luật nhân – quả chứ không chỉ là người tôn giáo. Nhưng trong thế giới quan tôn giáo, luật nhân – quả có sự tác động lớn khi chỉ ra hậu quả con người phải nhận lấy từ chính hành động do mình gây ra. Trong đời thường, con người có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật hiện hành nhưng không bao giờ thoát khỏi sự trừng phạt của “luật thiêng”, thậm chí còn di hại đến đời sau. Việc tái cấu trúc yếu tố Thiêng trong tôn giáo phải đặt luật nhân - quả thành vấn đề trung tâm của niềm tin vào cái Thiêng trong việc truyền bá thế giới quan tôn giáo. Có nghĩa là không chỉ phương thức truyền giáo mà nội dung giáo lý cũng phải thay đổi trước những biến động trong đời sống thế tục. Đây là một thử thách mà các tôn giáo không dễ vượt qua.

- Từ nghi lễ và tổ chức của cộng đồng tôn giáo : Nghi lễ là hành vi ứng xử với cái Thiêng. Thực hành nghi lễ tôn giáo là sự tiếp dẫn đến nội dung khấn cầu và tin kính trong tâm tưởng của người tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tổ chức như thế nào để nghi lễ là khuôn mẫu thể hiện niềm tin vào cái Thiêng. Vì “Nghi lễ là mối quan hệ của các thực thể ở thế giới bên kia với cuộc sống trần gian của cộng đồng và cá nhân, nó làm cho nội dung giáo lý tôn giáo trở nên sống động, phổ quát qua thực hành hành vi tôn giáo” [ 18 , tr.98]. Chính nghi lễ cùng với sự hoạt động của các tổ chức tôn giáo tạo ra môi trường tôn giáo để cho người tôn giáo và cộng đồng tôn giáo khẳng định niềm tin thiêng liêng, chức năng điều chỉnh hành vi được thực hiện, giá trị đạo đức tôn giáo được duy trì, các quan hệ xã hội được thiết lập. Vốn xã hội của tôn giáo được phát triển.

Việc tái cấu trúc nghi lễ và tổ chức nghi lễ trong hoạt động của các tôn giáo phải thích ứng với những biến đổi của thời đại. Nhưng “không phải là cố gắng áp dụng những hiểu biết tổng quát về tiến trình nghi thức hóa (processes of ritualization) … mà là để cho thấy phụng tự đó thuộc về tôn giáo chính thực (authentic religion)” [ 19 , tr.17]. Điều này có nghĩa: nghi lễ và thực hành nghi lễ tôn giáo là dạng thức để người tôn giáo “trao gởi” niềm tin vào cái Thiêng, thậm chí xác định “nguyện hiến” đời mình trong đó (cho nên trong Kitô giáo có sự phân biệt giữa nghi lễ và phụng vụ). Tái cấu trúc nghi lễ và tổ chức nghi lễ không chỉ là sự đổi mới hình thức nghi lễ và ngôn từ đã cũ kỹ, lỗi thời mà phải là một nỗ lực vượt qua “sự bất lực trong việc tìm ra một thái độ xứng đáng trước một vị Thiên Chúa mang đến ơn cứu độ (offer of salvation)” [ 19 , tr.17]. Vấn đề này đang đặt ra sự giằng co giữa một bên là tính khách quan của nghi lễ (không thể không thực hiện) với một bên là tính chủ quan trong thực hiện nghi lễ (thực hiện như thế nào với ý nghĩa gì).

- Từ sự thực hành hệ giá trị đạo đức tôn giáo. Giá trị đạo đức của tôn giáo hình thành từ nếp sống thiện lành theo thế giới quan của tôn giáo thông qua truyền thống thực hành nghi lễ cùng với sự hằng tâm tuân theo giáo lý, giáo luật mà trong đó niềm tin vào cái Thiêng là nhân tố chủ đạo. Giá trị đạo đức tôn giáo được người tôn giáo cảm nghiệm khi hướng về mục tiêu hoạt động của tôn giáo, chi phối hành vi cá nhân của người tôn giáo. Giá trị đạo đức đích thực của tôn giáo trong sự nhận thức của người tôn giáo là những giá trị vĩnh hằng, trường cửu, cho nên không có yêu cầu tái cấu trúc giá trị đạo đức tôn giáo mà chỉ yêu cầu tái cấu trúc hoạt động của các tổ chức tôn giáo làm sao để các tín đồ củng cố được niềm tin tôn giáo trong hoàn cảnh niềm tin tôn giáo đang định hình nhiều loại giá trị trong các vấn đề như hôn nhân, gia đình, đồng tính, bình đẳng giới, hòa hợp - hòa giải dân tộc… chứ không chỉ là lý thuyết trừu tượng của vấn đề Thiện – Ác.

Phát huy nguồn lực tôn giáo cần định hướng đúng giá trị đích thực của tôn giáo

Ngày 16/10/1990, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới đã có sự tái khẳng định giá trị của tôn giáo, tín ngưỡng: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với xã hội mới” 20 .

Như vậy, việc phát huy nguồn lực của tôn giáo thông qua những phong trào thiện nguyện là sự đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; là sự cụ thể hóa hiệu quả niềm tin tôn giáo, tình đoàn kết tôn giáo, phát huy giá trị đạo đức tôn giáo trong sự hoạt động của mạng lưới xã hội tôn giáo tạo ra hiệu quả thiết thực trong cộng đồng tôn giáo. Thông qua những chương trình này, tôn giáo thực hiện chức năng của mình là hoàn thiện thế gian, nói rõ hơn là góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa xã hội. Chính chức năng này mới làm nên giá trị đích thực của tôn giáo.

Cũng như các hệ giá trị xã hội khác, giá trị đích thực của tôn giáo đang đối mặt với những thách thức mới từ xã hội, đó là: những di chứng của cơ chế kinh tế cũ đang hợp lực với mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường cùng với những thông tin “không đúng đắn” và “phản cảm rõ ràng” lan tràn trên mạng xã hội đã và đang “hỗ trợ” cho sự tấn công của cái Xấu, cái Ác, phá vỡ cái Đẹp, cái Thiện đang được tạo dựng. Việc giúp cho người tôn giáo hiểu rõ giá trị đích thực của tôn giáo và có ý thức bảo toàn giá trị đạo đức tôn giáo đang được đặt ra một cách cấp thiết. Vốn xã hội của tôn giáo cần phải được phát huy. Giá trị đạo đức tôn giáo cơ bản được hình thành từ niềm tin vào đấng thiêng liêng, từ nhận thức được tinh thần giáo lý, giáo luật của tôn giáo của cá nhân người tôn giáo. Quá trình hình thành vốn xã hội của tôn giáo (trong đó có giá trị đạo đức tôn giáo) là quá trình của sự liên kết của mạng lưới cá nhân - gia đình - giáo đoàn /hội đoàn tôn giáo - xã hội mà trong đó giáo dục gia đình và sự tỉnh thức của người tôn giáo là nhân tố cơ bản. Các hoạt động của các tổ chức tôn giáo (giáo đoàn/hội đoàn tôn giáo) có vai trò quan trọng trong sự nối kết nguồn vốn xã hội này.

Được tạo thành từ hệ giá trị đạo đức tôn giáo, nguồn lực tôn giáo luôn là nguồn lực bảo toàn để tự sinh và hòa hợp để phát triển. Những giá trị đạo đức của tôn giáo thể hiện trong đời sống hàng ngày của người tôn giáo, sẽ tái sinh mạnh mẽ trong những phong trào thể hiện đúng chức năng đích thực của tôn giáo không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như giáo dục, y tế, từ thiện mà còn trong các lĩnh vực mới từ phong trào khởi nghiệp, nữ quyền, bảo vệ sinh thái…

KẾT LUẬN

Phát huy nội lực phải có nội tâm. Việc nhận thức tôn giáo trong tầm nhìn bản thể học, lần lượt qua từng chiều kích: ý thức xã hội – thực thể xã hội – văn hóa xã hội – vốn xã hội làm cho sự nhận thức nguồn và lực của tôn giáo rõ ràng hơn. Sự nhận thức này sẽ mở ra cách nhìn mới với những quan điểm mới về bước chuyển của tôn giáo trong tiến trình tiếp tục thực hiện chức năng của tôn giáo là hoàn thiện thế gian, góp phần phát triển cộng đồng một cách lành mạnh. Trong thời đại toàn cầu hóa về kinh tế đang diễn ra, cơ chế kinh tế thị trường chi phối toàn diện mọi lĩnh vực của các quốc gia, tôn giáo không thể ở ngoài “vùng xoáy nghiệt ngã” này. Để tồn tại, tôn giáo buộc phải thích ứng với sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Không thể khác được. Vốn xã hội của tôn giáo như đã phân tích trên là “Vốn tâm linh”, là “phi vật thể” nhưng trong kinh tế thị trường, vốn phi vật thể này vẫn có thể đưa vào kinh doanh để sản sinh lợi nhuận. Những gì có thể sản sinh lợi nhuận thì cơ chế thị trường sẽ nhanh chóng tiếp cận. Vốn xã hội của tôn giáo tham gia vào vòng luân chuyển vốn của thị trường xã hội là điều tất nhiên. Chức năng của tôn giáo vì thế cũng sẽ thay đổi và đòi hỏi sự phân tích chức năng của tôn giáo phải diễn ra trên hai chiều cả mặt tích cực lẫn hạn chế mà tôn giáo tạo ra trong một cấu trúc xã hội cần phải được tiên liệu. Vì “tiếp cận phân tích chức năng của hiện tượng tôn giáo (cái gọi là tôn giáo) phải phù hợp với một cấu trúc xã hội tại chỗ. Có nghĩa không có một khuôn mẫu bất biến các chức năng của hiện tượng tôn giáo cho mọi xã hội, mọi thời gian và mọi nhóm người. Chức năng của tôn giáo phải được chỉ ra trong điều kiện của phân tích cụ thể” [8, tr.31].

Trong quá khứ, chức năng của tôn giáo chỉ là tôn giáo – văn hóa – giá trị đạo đức (thực hiện sự cứu rỗi, đem lại sự an lạc tinh thần). Trong hiện tại, chức năng của tôn giáo còn là tôn giáo – thế tục – thị trường (sẽ có những giao dịch dựa trên chi phí – lợi ích theo hợp đồng).

Trong thực hiện chức năng tôn giáo – thế tục – thị trường, vốn tôn giáo không chỉ cho đi mà còn phải được nhận lại phần thặng dư cần cho hoạt động phát triển tự thân của các tổ chức tôn giáo. Làm thế nào để chức năng truyền thống hòa nhập trong hiện tại và làm thế nào để chức năng phái sinh từ hiện tại kết hợp được với truyền thống để tôn giáo luôn thực hiện được nhiệm vụ đích thực của mình. Tốt Đời - Đẹp Đạo luôn là bài toán khó. Bài toán này chỉ có thể giải được từ sức mạnh tổng hợp trong sự nỗ lực đổi mới từ tư duy hành động, từ sự quản trị của chính các tôn giáo, từ sự hỗ trợ, định hướng, mở đường trong chính sách của nhà nước và trong sự đoàn kết của cộng đồng dân tộc – tôn giáo.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

Bài viết không có từ viết tắt

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tiếp cận tôn giáo từ bản thể học, tác giả đã xác định được nội hàm và đặc trưng vốn xã hội của tôn giáo, định hướng cho sự tái cấu trúc hoạt động của tôn giáo trước những thách thức mới của thời đại và của cơ chế kinh tế thị trường.

References

  1. Marshall P. Định lý Bất toàn của Gödel: khám phá toán học số 1 trong thế kỷ 20. Phạm Việt Hưng lược dịch. 2018. . ;:. Google Scholar
  2. Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen - Lời nói đầu. 1980. Trong Tuyển tập Mác -Ănghen, tập I. Hà Nội: Sự thật. . ;:. Google Scholar
  3. Rojo SV. La religion, opium du people et protestation contre la misère réelle. Les positions de K.[Marx et de Lénìne, first published June 1, 1988, research]. Vol. 03; 1988. . ;:. Google Scholar
  4. Durkheim E. Các quy tắc của phương pháp xã hội học. Đinh Hồng Phúc dịch, Hà Nội: Tri thức. . 2014;:. Google Scholar
  5. Lewis D, Cose A. Masters of sociological thought. Ideas in historical and social context. 2nd ed. New York: Harcourt Brace Jovanovich, Inc; 1977. . ;:. Google Scholar
  6. Dẫn lại từ Tony Bilton. Nhập môn xã hội học. Hà Nội: Khoa học xã hội. . 1996;:. Google Scholar
  7. Williaime J-P. Sociologie des religions, Que c'est je? Paris: PUF; 1995. . ;:. Google Scholar
  8. Waltz KN. Cách tiếp cận hệ thống và các lý thuyết. Nguyễn Việt Vân Anh biên dịch, Nguyễn Hoàng Như Thanh hiệu đính. Truy xuất từ; 1979. . ;:. Google Scholar
  9. Tuấn NQ. Tôn giáo học và khảo cổ học tôn giáo ở Việt Nam. Hà Nội: đại học sư phạm; 2020. . ;:. Google Scholar
  10. LeDebray, Le R. 'fait religieux': définition et problems. . ;:. Google Scholar
  11. Tuấn NQ. Triển khai lý thuyết thực thể tôn giáo. Nghiên cứu tôn giáo, số 10. 2014;136, tr.:3-19. . ;:. Google Scholar
  12. Tuấn NQ. Tôn giáo học và khảo cổ học tôn giáo ở Việt Nam. Hà Nội: đại học sư phạm. . 2020;:. Google Scholar
  13. Tillich P. Bản thể tôn giáo của văn hóa: Các bài viết về thần học văn hóa, C-c tác phẩm được sưu tầm, Renate Albrecht biên tập, Tập IX Ấn bản đầu tiên. Stuttgart: Tin lành. . 1967;:. Google Scholar
  14. Hưng NQ. Tôn giáo và văn hóa. Hà Nội: Tri thức. . 2016;:. Google Scholar
  15. Cadière LM. (năm XB). Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt, tập III. Đỗ Trinh Huệ dịch. Huế: thuận hóa. . ;:. Google Scholar
  16. Báo cáo giới được Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (The Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC) công bố ngày 9/8/2021. . ;:. Google Scholar
  17. Moiseev N. Tồn tại hay không tồn tại… Nhân loại? Phạm Vĩnh Cư Dịch. Hà Nội: Tri thức. 2019. . ;:. Google Scholar
  18. Vạn ĐN. Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Hà Nội: chính trị quốc gia. . 2001;:. Google Scholar
  19. Geldhof J. Phụng vụ và nghi lễ, Vì sao việc cầu nguyện và Phụng vụ nghi lễ hiện nay lại khó khăn. Trong Nghi lễ tôn giáo và thực hành nghi lễ tôn giáo ở Việt Nam. Hà Nội: Khoa học xã hội. . 2022;:. Google Scholar
  20. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo. Nguồn. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 2018-2027
Published: Jun 30, 2023
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.844

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Dong, T. (2023). For developing religious resources in Vietnam today, the religion rethinking must-have in light of ousiology. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(2), 2018-2027. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.844

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 288 times
PDF   = 258 times
XML   = 0 times
Total   = 258 times