VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

534

Total

204

Share

The education activities in the Museum of History - Culture, the University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City: the current situation and solutions






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The Museum of History - Culture under the University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City is a unique museum - the first school museum established in the university system in the south of Vietnam. Implementing the motto "bringing the museum to the class, bringing the lecture to the museum", the museum closely combines training knowledge and educating the national cultural heritage and historical traditions for generations of students. By qualitative methods, including practical work experience and participant observation in museum activities, combined with discourse analysis and statistics on the number of visitors to the museum in recent years, the article presents the current situation of the heritage education at the Museum of History - Culture and its achievements and limitations as well as proposes the solutions to improve the effectiveness of the heritage education at the museum. Those solutions are suitable for the current situation when the digital and virtual technology brings a lot of convenient performance for viewers. Therefore, bringing the school museum towards perfection and gradually meeting the above requirements are the work that the Museum of History - Culture needs to achieve. The ultimate goal of the Museum is the long-term and synchronous development of human resources, facilities, artifacts, collections, digital technology, and galleries.

MỞ ĐẦU

Được biết đến như một giảng đường đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa) là bảo tàng khảo cứu học đường, một trung tâm đa chức năng: nghiên cứu, thực nghiệm, bảo quản, trưng bày nhiều hình thức khác nhau các sưu tập hiện vật - mẫu vật, hệ thống tư liệu về di sản văn hoá vật thể, phi vật thể Việt Nam truyền thống và hiện đại. Bảo tàng được xây dựng nhằm mục đích giáo dục di sản văn hóa tới học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, góp phần xây dựng các thế hệ tương lai người Việt hội nhập với thế giới nhưng vẫn luôn biết trân trọng, tự hào về di sản văn hóa của dân tộc mình. Khi đến tham quan và tham gia các hoạt động giáo dục do bảo tàng tổ chức, học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu có cơ hội học tập, tiếp nhận những tri thức khoa học mới, bổ sung, củng cố những kiến thức đã được học trên giảng đường; được giáo dục, rèn luyện về tư tưởng, đạo đức, lòng yêu nước, yêu lịch sử - văn hóa dân tộc, cũng như nâng cao năng lực tư duy, cảm thụ, đánh giá thẩm mỹ. Điều này cũng góp phần vào quá trình bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương, dân tộc.

Trong thời kỳ công nghệ số, mặc dù vẫn duy trì phương pháp thuyết minh truyền thống, nhưng việc ứng dụng rộng rãi công nghệ tại các bảo tàng đã thúc đẩy công tác bảo tồn, giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nhiều hình thức như: ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, công nghệ ảo, thuyết minh tự động. Những thay đổi này giúp không gian bảo tàng không bị bó hẹp giữa bốn bức tường mà trở nên sinh động, hấp dẫn, thu hút đa dạng khách tham quan. Đây được xem là một bước tiến quan trọng, góp phần làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nhân loại.

Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi việc áp dụng các thành tựu công nghệ trong hoạt động thực tiễn của bảo tàng, đó cũng là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục bảo tàng. Bằng thực tế từ hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa trong những năm gần đây, cùng với kinh nghiệm học tập được từ các bảo tàng trong và ngoài nước, bài viết này nhằm một lần nữa đánh giá vai trò của giáo dục trong hoạt động bảo tàng, đánh giá thực trạng công tác giáo dục ở Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa trong những năm vừa qua, từ đó đưa ra những giải pháp chủ động, linh hoạt, hữu hiệu, phù hợp với tính chất của bảo tàng nhằm nâng cao hiểu biết cho giới trẻ, đặc biệt là sinh viên khối ngành khoa học xã hội và nhân văn hiểu về di sản văn hóa dân tộc.

BẢO TÀNG LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa được chính thức thành lập theo Quyết định số 334/QĐ-TCHC ngày 22 tháng 8 năm 2007 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, với tên gọi là Bảo tàng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đến tháng 10 năm 2009, Bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa theo Quyết định số 246/QĐ-TCHC ngày 13 tháng 10 năm 2009 của Hiệu trưởng Nhà trường.

Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa được thành lập với tiền đề hình thành từ các hiện vật được giảng viên và sinh viên trường sưu tầm trong những chuyến đi thực tập, thực tế và được hiến tặng. Sau khi thành lập, Bảo tàng cũng đã tiến hành việc trao đổi hiện vật, sưu tầm với nhiều đơn vị trong phạm vi cả nước. Đến nay, Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đã có hơn 6000 hiện vật khảo cổ, hiện vật lịch sử cách mạng, hiện vật dân tộc học, dụng cụ của các ngành nghề truyền thống, nhạc cụ,… ở nhiều dạng chất liệu khác nhau như gốm sứ, đất nung, đá, giấy, vải, gỗ, mây tre, kim loại, thủy tinh, nhựa, xương, sừng…thuộc nhiều thời kỳ lịch sử được khai quật, sưu tầm từ nhiều nơi trên cả nước. Đây là những hiện vật gốc cung cấp những thông tin, tri thức chân thực, có độ tin cậy cao, đáp ứng được phần nào nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên Trường. Bảo tàng cũng đã xây dựng đề cương và dàn dựng trưng bày hiện vật trên diện tích khoảng 900m 2 với các chủ đề khác nhau: “Tiền sử - Lịch sử”, “Dân tộc học”, “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Việt Nam”, “Nhạc cụ dân tộc Việt Nam”, “Di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, “Nghề và làng nghề truyền thống”. Ngoài ra, bảo tàng còn có các kho mở, kho lưu trữ tài liệu khoa học phụ, phòng Tư liệu sách, báo, tạp chí. Bên cạnh đó, từ sau kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tiền thân của trường ĐHKXHX&NV (1957 – 2017), bảo tàng còn mở rộng hơn với việc xây dựng phòng Truyền Thống và phòng trưng bày Biển và Hải đảo Việt Nam phục vụ cho hoạt động của trường. Tất cả các phòng trưng bày trên đều phục vụ cho công tác giáo dục bảo tàng học đường ( Figure 1Figure 2 ).

Figure 1 . Sinh viên tham quan phòng Truyền Thống trường. (Nguồn: Tác giả)

Figure 2 . Sinh viên khoa Giáo dục học thăm quan phòng trưng bày Biển và Hải đảo Việt Nam. (Nguồn: Tác giả)

Dù không phải là giảng đường, nhưng trong mỗi năm học, Bảo tàng đã mở cửa phục vụ tham quan, giáo dục lịch sử - văn hóa khá toàn diện cho khoảng 8.000 lượt học sinh, sinh viên, giảng viên; tạo môi trường nghiên cứu, thực tập hiệu quả cho khoảng 30 sinh viên các chuyên ngành như Khảo cổ học, Bảo tàng học và Di sản, Nhân học, Văn hóa học, Lịch sử Việt Nam, Di sản văn hóa,… ở trong và ngoài Trường (như Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sài Gòn, Đại học Sư Phạm Tp.HCM,…). Bảo tàng cũng đã tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông (Đài Truyền hình Việt Nam - VTV9, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - HTV, Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên, Báo Sài Gòn tiếp thị, Báo An ninh thế giới, Báo Mực tím,...) giới thiệu về các hiện vật độc đáo tại bảo tàng.

Công tác giáo dục bảo tàng có thể được định nghĩa là một tập hợp những giá trị, khái niệm, tri thức và thực tiễn được tạo ra nhằm đảm bảo sự phát triển của công chúng; đó là một quá trình tiếp biến văn hóa nhờ các phương pháp sư phạm, cũng như sự phát triển, hoàn thiện và tiếp thu đầy đủ những kiến thức mới. “Sư phạm bảo tàng là một khung lý thuyết và phương pháp luận phục vụ những hoạt động giáo dục trong môi trường bảo tàng nhằm mục đích chính là để lan truyền kiến thức (thông tin, kỹ năng, thái độ) đến với khách tham quan” [ 1 , tr.27]. Học tập được định nghĩa là “hoạt động mà cá nhân tiếp nhận, tương tác và hiểu rõ về một sự vật, hiện tượng”, từ đó dẫn đến “sự tiếp nhận tri thức hay phát triển những kỹ năng hoặc thái độ” 2 .

Nếu như nói văn hóa là hình ảnh, là thương hiệu của mỗi quốc gia thì các bảo tàng là nơi nghiên cứu, lưu giữ và phát huy những di sản văn hóa - những giá trị kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc, quốc gia đó. Nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển bền vững chính là con người. Bảo tàng có chức năng giáo dục để phát triển bền vững. Mà mục tiêu của giáo dục ở đây không chỉ là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện.

Theo Luật Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng “là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng” 3 . Theo Hiệp hội Bảo tàng thế giới (ICOM, Kỳ họp Đại hội đồng ICOM lần thứ 26 diễn ra tại Praha ngày 24/8/2022): “Bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động lâu dài, phục vụ xã hội thông qua nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, diễn giải và trưng bày di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Mở cửa cho công chúng, dễ tiếp cận và bao trùm, bảo tàng thúc đẩy sự đa dạng và bền vững. Bảo tàng hoạt động và thực hiện truyền thông theo đạo đức, một cách chuyên nghiệp, với sự tham gia của cộng đồng, đem lại những trải nghiệm đa dạng cho giáo dục, tư duy và chia sẻ kiến thức” 4 . Những định nghĩa này đã khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng là tổ chức hoạt động giáo dục, chia sẻ kiến thức phục vụ công chúng một cách đa dạng, bên cạnh những nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày. Hoạt động giáo dục bảo tàng nhằm cung cấp cho công chúng, khách tham quan cơ hội được mở rộng sự hiểu biết, trải nghiệm và sáng tạo.

Xã hội càng hiện đại thì vai trò của thư viện và bảo tàng càng được xem trọng. Ở nhiều nước, bảo tàng được coi là thước đo của sự tiên tiến về văn hóa của một quốc gia, một thành phố 5 . Ở Việt Nam, hoạt động giáo dục trong bảo tàng đã chính thức được quy định là một trong những hoạt động thiết yếu tại Điều 10, Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng. Cụ thể, thông tư đã đưa ra nội dung:

“1. Hoạt động giáo dục của bảo tàng bao gồm a) Hướng dẫn tham quan; b) Tổ chức chương trình giáo dục; c) Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề; d) Xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng.

2. Chương trình giáo dục của bảo tàng phải phù hợp với nội dung hoạt động và đối tượng công chúng của bảo tàng.

3. Chương trình giáo dục của bảo tàng nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng” 6 .

Như vậy, Bảo tàng thực hiện chức năng giáo dục thông qua việc phổ biến những kiến thức, hiểu biết khoa học cho công chúng một cách hấp dẫn, dễ hiểu trên cơ sở khai thác đặc trưng và khả năng cung cấp thông tin trực quan sinh động thông qua nội dung được trưng bày các tổ hợp hiện vật gốc được lưu giữ tại bảo tàng. Chương trình giáo dục ở bảo tàng không chỉ dạy về kiến thức, hiện vật hay những sự kiện hiện vật chuyển tải mà là gieo mầm cho sự thích thú, đam mê, một nguồn cảm hứng sáng tạo, cảm hứng để đào sâu suy nghĩ, tìm hiểu sâu hơn bức tranh về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, xã hội đằng sau những hiện vật.

Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đang nỗ lực hướng đến kiện toàn cơ sở vật chất, nhân sự và các sưu tập hiện vật nhằm hội đủ các yếu tố trở thành một thành viên trong hệ thống bảo tàng công lập tại Việt Nam, thực hiện tốt chức năng của một thiết chế văn hóa đặc biệt, vừa là nơi nghiên cứu, giảng dạy, học tập, vừa thực hiện chức năng quan trọng nhất của bảo tàng là cầu nối giữa con người với văn hóa bằng các phương pháp thực nghiệm cụ thể và trực tiếp. Bảo tàng trở thành một giảng đường đặc biệt, vừa là trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, vừa là nơi phổ biến, quảng bá lịch sử - văn hóa của dân tộc, của nhân loại cho sinh viên và công chúng ( Figure 3Figure 4 ).

Figure 3 . Sinh viên tham quan phần trưng bày về gốm Bàu Trúc. (Nguồn: Tác giả)

Figure 4 . Sinh viên nghe thuyết minh về kỹ thuật chế tác công cụ đá thời tiền sử ở Việt Nam. (Nguồn: Tác giả)

Trong những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đã có nhiều cố gắng nhằm thu hút du khách đến với bảo tàng, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, khách đến bảo tàng chủ yếu là học sinh trong các chương trình tư vấn tuyển sinh, sinh viên các chuyên ngành gần tới tham quan theo đoàn, do lớp, hoặc thầy cô tổ chức. Việc trở thành không gian học tập, mở rộng hiểu biết về lịch sử văn hóa dân tộc cho học sinh, sinh viên, xây dựng một “văn hóa bảo tàng”, để sinh viên chủ động đến bảo tàng như một sinh hoạt văn hóa thường xuyên vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, trong tình hình thế giới hiện nay, khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực công nghệ số đang thể hiện tính ưu việt và quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Xu hướng bảo tàng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hiện vật, tư liệu - thư viện, nhân sự, trưng bày bảo tàng ảo, truyền thông và giáo dục công chúng là tất yếu. Vấn đề giáo dục và giáo dục trực tuyến, giáo dục trên các nền tảng số đang là điểm yếu của Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa cũng như các bảo tàng khác ở Việt Nam.

Công nghệ số hóa bảo tàng cần phải trú trọng vì tất cả hoạt động của nhà nước hiện nay đều được chủ trương số hóa. Mục tiêu của bảo tàng Lịch sử - Văn hóa là phải số hóa một cách đồng bộ từ cơ sở vật chất trang thiết bị bảo quản, phòng trưng bày, nhân sự, hiện vật, các bộ sưu tập… Hơn nữa, số hóa bảo tàng phải đồng bộ với hoạt động giảng dạy của bảo tàng như chủ trương của Tp.HCM hướng đến. Do đó, việc đưa ra giải pháp cho phần này là những định hướng, cách thức thực hiện cho mục tiêu phát triển lâu dài. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng trên cơ sở thực tiễn thì giải pháp công nghệ số chỉ là một phần chứ không thay thế được bảo tàng truyền thống, công nghệ số bảo tàng chỉ là mục tiêu chứ không phải mục đích cuối cùng hướng tới.

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở BẢO TÀNG LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Từ khi thành lập cho đến năm 2015, bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đang trong giai đoạn hình thành những bộ sưu tập hiện vật, các phòng trưng bày bảo tàng còn là những phòng rời rạc được sử dụng trong tòa nhà tạm nên số lượng sinh viên và khách tham quan ngoài trường đến với bảo tàng còn hạn chế. Sau khi bảo tàng được chuyển đến tòa nhà Điều Hành công tác vận chuyển, xây dựng đai vách mới, phòng trưng bày mới được bổ sung thêm, cơ sở vật chất ổn định hơn. Cuối năm 2017 phòng Truyền thống được khánh thành, cuối năm 2020 phòng trưng bày Biển và Hải đảo Việt Nam được hoàn thiện, đặc biệt trong thời gian vừa qua công tác truyền thông được chú trọng nên số lượng sinh viên và khách tham quan ngoài trường đến với bảo tàng nhiều hơn trước. Lấy ví dụ thực tế số lượng khách tham quan trong và ngoài trường trong năm 2022 ( Table 1 ).

Table 1 Số lượng khách tham quan năm 2022 (Nguồn: Tác giả)

Có thể nói từ năm 2018 đến nay, hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đã có những thay đổi đáng kể dưới một số góc độ sau:

Về Công chúng : Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đã có sự nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu nhu cầu, mong đợi và sự hài lòng của các đối tượng sinh viên, học sinh trước và sau khi đến với bảo tàng; Xây dựng nội dung thuyết minh, giáo dục tại bảo tàng dựa theo nhu cầu đăng ký trước của các đoàn khách tham quan.

Sinh viên đến với bảo tàng không chỉ là sinh viên đang học các chuyên ngành gần như Lịch sử, Văn hóa, Nhân học, Đông phương học,… mà bảo tàng ngày càng được sinh viên toàn trường quan tâm, dành nhiều thời gian tới giao lưu, trao đổi, tham quan, học tập. Trong đó, đặc biệt sinh viên các khoa tiếng như Ngữ văn Trung, Ngữ văn Anh, Ngữ văn Pháp,… thường xuyên xem Bảo tàng là nơi rèn luyện ngôn ngữ, nơi các bạn tới tìm hiểu sâu hơn về lịch sử - dân tộc để giới thiệu ra cho bạn bè quốc tế ( Figure 5Figure 6 ). Hơn thế nữa, bảo tàng còn có một kho tài liệu khoa học phụ lưu giữ hàng ngàn mẫu vật khảo cổ học và nhân học phục vụ thiết thực cho sinh viên hai chuyên ngành này học tập thực tế và nghiên cứu chuyên sâu thậm chí cả bậc cao học và nghiên cứu sinh. Những tư liệu này của bảo tàng đem lại hiệu quả liên quan đến môn học mà nhà trường đang đào tạo. Mặc dù vậy, kho tài liệu khoa học phụ còn hạn chế về diện tích và dụng cụ bảo quản, cũng như chưa được số hóa hết các tư liệu. Do đó, bảo tàng cần thiết phải đầu tư công nghệ số hoá các tài liệu hiện vật để giúp người học dễ dàng tiếp cận trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Figure 5 . Các bạn sinh viên khoa Nhân học thực hành thuyết minh tại bảo tàng (Nguồn: Tác giả)

Figure 6 . Một buổi tự học của các bạn sinh viên Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử. (Nguồn: Tác giả)

Về Chương trình : Các chương trình giáo dục chính ở Bảo tàng gồm: hướng dẫn tham quan trưng bày, triển lãm bảo tàng, trưng bày lưu động; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử; Xuất bản các ấn phẩm; tổ chức các chương trình giáo dục…

Hoạt động chính của giáo dục bảo tàng chính là công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan phòng trưng bày bảo tàng và Phòng truyền thống Trường Đại học KHXH&NV. Đây là cách thức giáo dục lâu đời nhất, phổ biến nhất trong lĩnh vực bảo tàng từ xưa đến nay. Ở Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, hoạt động này không chỉ đơn thuần cung cấp cho công chúng những bài “thuyết minh”, “giới thiệu” một chiều mà đã có sự thay đổi như lồng ghép vào trong nội dung thuyết minh những câu chuyện kể về hiện vật, tài liệu hay hình ảnh trưng bày nhằm thu hút sự tò mò, hứng thú của công chúng, nhưng vẫn đảm bảo chức năng giáo dục, mang lại lợi ích cho cộng đồng và phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đã từng bước đa dạng hình thức tổ chức chương trình từ trưng bày cố định đến trưng bày lưu động, trưng bày chuyên đề với những chủ đề hấp dẫn như: “Hiện vật Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa: Những câu chuyện chưa kể”, “Bộ sưu tập hiện vật nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng”, “Biển và hải đảo Việt Nam”,… Các chương trình tuyên truyền, giáo dục không chỉ là những chuyến tham quan, trưng bày thông thường mà còn bao gồm nhiều hoạt động khác với nội dung, hình thức, cách thức đa dạng nhằm chuyển tải thông điệp giáo dục của bảo tàng đến công chúng, với phương châm: hấp dẫn, bổ ích, niềm vui và sáng tạo ( Figure 7Figure 8 ).

Figure 7 . Các em sinh viên Khoa Hàn Quốc học tham gia chương trình tìm hiểu biển đảo Việt Nam “Ta thức”. (Nguồn: Nguyễn Sự)

Figure 8 . Một góc phòng trưng bày trang phục các dân tộc Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Sự)

Bảo tàng cũng in ấn nhiều brochure, poster giới thiệu chung về bảo tàng cũng như những nội dung của các bộ sưu tập hiện vật độc đáo hiện có tại bảo tàng để giới thiệu kỹ hơn đến công chúng. Đây là những tài liệu giáo dục quan trọng, là một yếu tố không thể thiếu trong trải nghiệm học tập của công chúng khi tới bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa cũng đã tiến hành những hoạt động chia sẻ thông tin, sách báo, tài liệu về lịch sử, văn hóa và những nội dung trưng bày tại bảo tàng.

Về sự hợp tác : Hoạt động giáo dục bảo tàng có sự phối hợp chặt chẽ giữa bảo tàng với các khoa bộ môn trong Trường, Ký túc xá Đại học Quốc gia Tp. HCM, các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, bảo tàng Nhân học thuộc Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN, bảo tàng Confluences ở Pháp và các nhà sưu tập tư nhân để có chương trình hướng dẫn các kỹ năng nghiệp vụ, trao đổi nâng cao năng lực hoạt động giáo dục trong bảo tàng ( Figure 9 , Figure 10Figure 11 ). Tuy nhiên, do bảo tàng Lịch sử - Văn hóa là bảo tàng trường học ngoài công lập nên những hoạt động chung của ngành chưa được đưa đến kịp thời, những khóa tập huấn chuyên môn về di sản và bảo tàng do Cục Di sản hoặc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ban hành cán bộ bảo tàng Lịch sử - văn hóa phải chủ động xin tham gia hoặc cập nhật kiến thức từ các bảo tàng khác trong thành phố. Đây cũng là một hạn chế. Do đó, trong năm học này (2023) Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đang tiến hành thủ tục gia nhập vào ngôi nhà chung của hệ thống bảo tàng công lập.

Figure 9 . Các chuyên gia bảo tàng Confluences, Pháp trao đổi học thuật về các ngành nghề bảo tàng. (Nguồn: Tác giả)

Figure 10 . Các chuyên gia bảo tàng là giảng viên Đại học Artois, Pháp làm việc và tham quan bảo tàng. (Nguồn: Tác giả)

Figure 11 . Chuyên gia ở Trung tâm nghệ thuật Quốc gia Indira Gandhi, New Delhi, Ấn Độ xem xét tình trạng của hiện vật giấy cổ. (Nguồn: Tác giả)

Về c ông nghệ được ứng dụng trong các hoạt động giáo dục của bảo tàng: Xác định áp dụng công nghệ số trong các hoạt động giáo dục bảo tàng là xu thế tất yếu. Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa trong những năm gần đây cũng đang từng bước nghiên cứu, tìm hiểu về công nghệ, thử nghiệm các phương pháp giáo dục mới để giúp công chúng dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn. Mặc dù vậy, thực tế là nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên còn hạn chế, nguồn nhân lực được đào tạo để áp dụng công nghệ số hóa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cho nên đây vẫn còn là một điểm yếu của bảo tàng trước những thách thức của thời đại công nghệ số như chủ trương của nhà nước và hội nhập quốc tế hiện nay hướng tới.

Nhìn chung, trong những năm qua, Bảo tàng đã đạt được nhiều hiệu quả, góp phần phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên nhà trường, có thể thấy điều này qua biểu đồ thống kê số lượng khách tham quan Bảo tàng trong 5 năm trở lại đây, từ 2018- 2022 ( Figure 12 ).

Figure 12 . Biểu đồ số lượng khách tham quan của Bảo tàng Lịch sử - Văn Hóa trong thời gian gần đây (2018-2022) (Nguồn: Tác giả)

Một cuộc khảo sát đối với 402 sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, có 317 sinh viên đã từng đến Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa ít nhất 1 lần, 85 sinh viên chưa từng đến. Đánh giá về chất lượng phục vụ của bảo tàng, “Bạn cảm thấy việc tham quan bảo tàng Trường thú vị và giúp ích cho học tập/nghiên cứu của mình”. Hầu hết sinh viên đều cho rằng Bảo tàng Lịch sử -Văn hóa đã giúp ích cho mình trong quá trình học tập ( Figure 13 ).

Figure 13 . Biểu đồ đánh giá của sinh viên đối với ý kiến “Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa thú vị và giúp ích cho học tập/nghiên cứu của mình” (Nguồn: Tác giả)

Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa là nơi giáo dục về di sản văn hóa, lịch sử dân tộc, đồng thời cũng giúp công chúng mở mang những ý tưởng mới trong học tập và nghiên cứu. Thông qua các bộ sưu tập và chương trình hoạt động của mình, Bảo tàng đã và đang nỗ lực trong việc tạo ra một sợi dây thiết yếu hình thành tính cách, con người Nhân văn, đây chính là lợi ích của giáo dục di sản. Giáo dục di sản được hiểu rộng hơn ngoài di sản vật thể, phi vật thể còn bao gồm cả giáo dục truyền thống nói chung, giảng dạy ở phòng truyền thống, ở bảo tàng. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất trong giáo dục di sản thời kỳ công nghệ như hiện nay, Bảo tàng cũng cần thực hiện nhiều giải pháp mới trong khả năng cho phép.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC DI SẢN Ở BẢO TÀNG LỊCH SỬ - VĂN HÓA HIỆN NAY

Thay đổi nhận thức, tư duy phục vụ của cán bộ phục vụ

Thay đổi nhận thức về vai trò công tác giáo dục trong Bảo tàn g: Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng trong bảo tàng, các bộ sưu tập và cách thức trưng bày các sưu tập đó đóng vai trò quan trọng nhất, là cốt lõi của một bảo tàng. Tuy nhiên, các nhà Bảo tàng học hiện đại khuyến cáo “không nên quên giáo dục là một trong những chức năng chính của một bảo tàng và là lý do để bảo tàng tồn tại” 7 . Trong cuốn “ Lập kế hoạch thành công cho những dự án xây dựng bảo tàng” (Planning Successful Museum Building Projects) xuất bản năm 2009 tại Mỹ, các tác giả Walter L. Crimm, Martha Morris và L.Carole Wharton đã khẳng định: Các bộ sưu tập, trưng bày và các chương trình giáo dục được coi là cốt lõi của một bảo tàng 8 .

Thay đổi về nhận thức từ chỗ bảo tàng lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm , vai trò công tác giáo dục trong bảo tàng ngày càng được coi trọng, đẩy mạnh, nó tác động mạnh mẽ, tích cực đến các hoạt động khác của bảo tàng. Đây được coi là cơ sở xác lập chiến lược hoạt động phát triển của mỗi bảo tàng, đồng thời, căn cứ vào thế mạnh, đặc điểm riêng biệt và chức năng của mỗi bảo tàng cụ thể, ban điều hành có thể đa dạng hóa các hình thức hoạt động để phục vụ nhu cầu chính đáng của công chúng.

Hoạt động giáo dục trong bảo tàng, với quan điểm coi công chúng là những người chủ động học tập, cũng có thể được gọi là hoạt động cung cấp cơ hội học tập cho công chúng tham quan bảo tàng. Theo Hiệp hội Bảo tàng Anh, việc giáo dục, học tập trong bảo tàng là: “một quá trình chủ động trải nghiệm. Đó là việc con người thực hiện khi họ muốn tìm hiểu về thế giới. Nó có thể bao gồm việc phát triển hoặc đào sâu về kỹ năng, kiến thức, sự hiểu biết, nhận thức, giá trị, ý tưởng và cảm xúc, hoặc tăng cường khả năng suy nghĩ. Học tập có hiệu quả dẫn đến sự thay đổi, phát triển và khao khát học hỏi thêm nữa” 9 .

Bảo tàng, với lợi thế sở hữu các sưu tập hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội cùng với những nội dung và câu chuyện liên quan đến các sưu tập sẽ thực sự là nơi tìm hiểu, học tập, làm giàu kiến thức hấp dẫn, hiệu quả. Để có được chương trình giáo dục đáp ứng những mục tiêu như trên, bảo tàng cần có chiến lược xây dựng hoạt động trải nghiệm rõ ràng, khả thi, có sự đầu tư kinh phí, nguồn lực hợp lý và thích đáng. Đặc biệt, trong xu hướng hiện nay, công chúng không còn thụ động khi tham quan trưng bày, họ chủ động muốn tìm hiểu, sẵn sàng đối thoại, trao đổi để hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về nội dung được trưng bày trong bảo tàng. Do vậy, trước hết, bảo tàng cần xác định rõ nhiệm vụ của mình là cung cấp các cơ hội học tập phục vụ công chúng chứ không phải là “giáo dục” ai về một nội dung nào đó. Với quan điểm này, các hoạt động, các chương trình giáo dục của bảo tàng sẽ hướng tới việc phục vụ nhu cầu của công chúng, với sự tham gia của công chúng trong cả quá trình xây dựng kế hoạch lẫn quá trình triển khai các hoạt động này.

Vì vậy, hoạt động truyền bá tri thức - giáo dục của bảo tàng không còn là sự chuyển giao một chiều từ người giáo dục (hướng dẫn, thuyết minh viên) sang người được giáo dục (khách tham quan) mà là sự trao đổi hai chiều, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Người ta không chỉ quan tâm đến việc bảo tàng “dạy” gì cho công chúng, mà quan trọng hơn là “công chúng học bằng cách trải nghiệm như thế nào”. Ở đây, công chúng là người học “chủ động” chứ không còn là người nghe “thụ động” nữa. Công chúng được tiếp cận nhiều chiều để tự rút ra những trải nghiệm, tự đúc kết những bài học, những kiến thức mới cho mình 10 .

Quan điểm coi nhiệm vụ của bảo tàng là cung cấp các cơ hội học tập phục vụ công chúng cơ bản tương đồng với nội dung về Học tập suốt đời, được giới thiệu trong Báo cáo Học để làm Người (1972) của UNESCO và đã được phát triển và công nhận rộng rãi trên thế giới. Theo Báo cáo này, việc học tập suốt đời diễn ra từ lúc nằm nôi đến khi qua đời, bao gồm học tập chính quy (formal), không chính quy (non-formal) và phi chính quy (informal). Trong đó, việc học tập tập trung vào ba trụ cột chính là kiến thức, kỹ năng và năng lực. Đồng thời, người học được nâng cao khả năng hành nghề, phát triển cá nhân, trở thành công dân tích cực và hòa nhập xã hội 11 .

Từ việc thay đổi trong nhận thức, vai trò của công tác giáo dục của bảo tàng và nhận thức về việc lấy công chúng làm trung tâm, bảo tàng cần chú trọng việc xây dựng, phát triển chương trình giáo dục của bảo tàng, tập trung xây dựng các chương trình cốt lõi, đặc trưng của bảo tàng.

Đổi mới, đa dạng hóa hình thức giáo dục

Dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu và hứng thú của sinh viên đối với bảo tàng, Bảo tàng đề ra nhiều hoạt động giáo dục với nhiều hình thức khác nhau, nhằm thu hút nhiều sinh viên đến Bảo tàng hơn ( Table 2 ).

Table 2 Nhu cầu và hứng thú của sinh viên với các hoạt động của Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa (Nguồn: Tác giả)

Kết nối để đưa học sinh, sinh viên đến với Bảo tàng:

Đối tượng chính của Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa là các bạn sinh viên đang học tại trường, đây là những người ham hiểu biết, có trình độ nhận thức khá cao và đa dạng về quan điểm, tính cách, nhân cách, tâm tư, nguyện vọng. Khi đến Bảo tàng, họ có nhiều mục đích khác nhau với những nhu cầu đòi hỏi hết sức phức tạp. Trước hết, cán bộ làm công tác thuyết minh, giáo dục tại bảo tàng phải linh hoạt hơn nữa trong nội dung thuyết minh để phù hợp với học sinh, sinh viên từng nhóm ngành, từng môn học. Thứ đến, thuyết minh viên phải tăng cường tương tác với công chúng trong thời gian thuyết minh và tương tác sau khi tham quan bằng các hình thức như trò chuyện, hỏi đáp, đặt câu hỏi, đố vui,…

Để thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục di sản trong thời kỳ công nghệ số, bảo tàng cần làm phong phú hình thức giáo dục như: kết hợp với tham quan là những buổi nói chuyện, trao đổi chuyên đề, tọa đàm. Tổ chức các tọa đàm có nội dung gần gũi với sinh viên trong trường như tọa đàm với chủ đề: “ Sinh viên mong muốn trải nghiệm gì khi đến với Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa”; “Cùng nhau khám phá lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh”; “Khám phá di sản ba miền”,… Những chương trình này sẽ tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Bảo tàng với sinh viên trường, vừa cung cấp cho sinh viên cơ hội tiếp cận trực quan với những nội dung lịch sử, văn hóa đã học, vừa khuyến khích sinh viên chia sẻ cảm nghĩ, bày tỏ nguyện vọng nhằm giúp Bảo tàng trở nên hấp dẫn, hữu ích hơn đối với sinh viên và công chúng. Với các hình thức hoạt động này, bảo tàng có thể tổ chức định kỳ, hoặc nhân ngày lễ, dịp kỷ niệm, sự kiện; hoặc gắn với các trưng bày chuyên đề mới,… nhằm thoả mãn những nhu cầu thưởng thức và nâng cao hiểu biết của công chúng với chất lượng cao, từ đó duy trì được công chúng thường xuyên đến bảo tàng và tiếp cận được những đối tượng công chúng mới. Nội dung của các hoạt động động trao đổi chuyên đề, tọa đàm dành cho công chúng này thường gắn liền với nội dung chủ đề của trưng bày chuyên đề, trưng bày cố định của bảo tàng.

Hơn nữa, bảo tàng cần đa dạng hình thức giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế phù hợp với từng nhóm công chúng như: phân loại, mô tả, đo vẽ, chụp ảnh hiện vật đối với sinh viên chuyên ngành lịch sử, khảo cổ, nhân học và văn hóa học; Tổ chức các hoạt động làm gốm và làm các nghề thủ công truyền thống khác có trưng bày ở bảo tàng như làm nón, đan lát, dệt vải,…; hoạt động trải nghiệm sử dụng đồ dùng, trang phục truyền thống các dân tộc,…; nghe, học và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc; chơi các trò chơi dân gian truyền trống như: nhảy dây, con cù, con quay, nhảy sạp, nhảy bao bố,…; trò chuyện cùng nhân chứng lịch sử,…

Ngoài ra, bảo tàng cần định hướng những đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên các ngành có gắn với nội dung trưng bày và cơ sở dữ liệu mà bảo tàng đang sở hữu.

Tăng cường hoạt động giáo dục trực tuyến

Số hóa và tổ chức các chương trình giáo dục trực tuyến là hoạt động mà nhiều bảo tàng đang hướng tới. Hoạt động này là công cụ quảng bá, tăng tương tác với người xem, giúp các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội.

Hình thức giáo dục trực tuyến ở bảo tàng cũng rất đa dạng, có thể tổ chức giới thiệu, chia sẻ thông tin về các di sản hiện có ở Bảo tàng đối với công chúng thông qua những buổi nói chuyện với chuyên gia trên nhiều lĩnh vực dưới sự chủ trì từ bảo tàng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về những hiện vật, câu chuyện sau những hiện vật trưng bày tại bảo tàng; tổ chức quay những clip giới thiệu về hiện vật bảo tàng;…

Để mở rộng hơn nữa đối tượng công chúng đến tham quan không phải là sinh viên trường, Bảo tàng cũng có thể tổ chức lớp học trực tuyến với những chủ đề lịch sử, văn hóa hấp dẫn cho các đối tượng học sinh, sinh viên trong cả nước, sinh viên nước ngoài đang học tại Việt Nam tìm hiểu những vấn đề mà mình quan tâm.

Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử - văn hóa còn giới thiệu những thông tin khoa học, di tích và di vật thông qua kênh Youtube, Fanpage, website với cách làm dung dị, hiện đại, gần gũi và luôn tích cực tăng tương tác với người xem.

Tăng cường hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng số với các bảo tàng, ban quản lý di tích và danh thắng

Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đã và đang nỗ lực cung cấp cho công chúng nhiều hơn những trải nghiệm văn hóa giải trí và thông tin. Để làm được điều đó, Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa không chỉ là điểm đến cho sinh viên học tập, nghiên cứu mà còn phải là đầu mối trong việc hướng dẫn học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu các di tích, danh thắng trên địa bàn Tp. HCM và các tỉnh lân cận, có thể bằng hình thức kết nối với các khoa, bộ môn và sinh viên các trường thiết kế tour tham quan trải nghiệm tùy thuộc vào nhu cầu của sinh viên. Từ những hiện vật Bảo tàng đang sở hữu, Bảo tàng sẽ mở rộng thông tin, kiến thức cho sinh viên bằng cách liên hệ với nền tảng tư liệu mà các bảo tàng khác có qua những nền tảng số.

Ví dụ: Từ những hiện vật gốm Chu Đậu mà bảo tàng đang giữ, có thể giới thiệu cho sinh viên nền tảng dữ liệu về bộ sưu tập gốm này ở Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Tp. HCM, Bảo tàng Quảng Nam hay bảo tàng Hải Dương để công chúng có cái nhìn tổng quát hơn về hiện vật mà họ chưa thể tiếp cận ở các bảo tàng khác.

Giáo dục bảo tàng thời kỳ công nghệ số phải đi liền với truyền thông số và áp dụng kỹ thuật mới trong trưng bày, chú thích hiện vật, giáo dục

Các xu hướng phát triển hiện nay cho thấy công tác giáo dục bảo tàng cần phải vận dụng mọi ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại nhằm chuyển tải một cách hiệu quả nhất nội dung và thông điệp của trưng bày tới công chúng. Những thông tin nội dung được chuyển tải đòi hỏi sự kết nối quá khứ với hiện tại và đảm bảo tính chính xác của thông tin. Cán bộ giáo dục cần phối hợp với cán bộ trưng bày để tạo ra các trưng bày, không gian trưng bày với sự đa dạng các hình thức tường thuật, kể chuyện, tương tác để công chúng không chỉ thưởng ngoạn hiện vật mà còn có thể trải nghiệm những câu chuyện gắn với hiện vật mà bảo tàng đang nắm giữ; tạo ra các ứng dụng để công chúng tham gia, trao đổi và chia sẻ ý kiến, câu chuyện về hiện vật của riêng mình với bảo tàng. Việc sáng tạo các chương trình số tạo cơ hội cho các em học sinh được học tập một cách chủ động, thú vị thông qua các hoạt động trải nghiệm mà cán bộ bảo tàng đã thiết kế. Thông qua các bộ sưu tập và chương trình của mình, các bảo tàng tạo thành một sợi dây xã hội thiết yếu trong việc xây dựng cộng đồng. Bằng cách đề cao các giá trị dân chủ và cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, bảo tàng góp phần hình thành một xã hội dân sự có thông tin và gắn kết.

Áp dụng thuyết minh tự động (Audio Guide):

Hiện tại, nhiều di tích, bảo tàng đang tiến hành thực hiện mô hình thuyết minh tự động như: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Văn miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Việc áp dụng này giúp cho khách tham quan tiếp cận được những kiến thức chuẩn về hiện vật, đồng thời, giảm tải việc tập trung đông người khi đi theo và nghe thuyết minh như cách làm truyền thống. Việc thay đổi này cực kỳ hữu hiệu đối với khách tham quan lẻ và khách quốc tế. Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM là trường có số sinh viên quốc tế theo học các chương trình dài hạn và ngắn hạn đông hàng đầu ở miền Nam, trường cũng thường xuyên tiếp đón các đoàn khách giao lưu hợp tác từ nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, việc xây dựng thuyết minh tự động với nhiều ngôn ngữ cũng góp phần giảm tải áp lực cho cán bộ thuyết minh của Bảo tàng.

Thuyết minh tự động cũng đang chuyển dần từ việc sử dụng hệ thống máy Audio Guide qua việc sử dụng thuyết minh tự động tại Bảo tàng bằng công nghệ quét mã QR code sử dụng trên chính điện thoại thông minh của khách tham quan. Vì Bảo tàng đang có một hệ thống wifi băng tần mạnh, cho nên sẽ hướng tới trang bị phần mềm và thiết bị phù hợp để ứng dụng công nghệ này, khi đó với một chiếc điện thoại di động cầm trên tay du khách rất dễ dàng truy cập để nghe hoặc đọc nội dung thuyết minh trên từng hiện vật, tiếp cận nội dung thông tin của bộ sưu tập khi đến tham quan Bảo tàng. Việc khách tham quan được sử dụng chính thiết bị của mình sẽ giảm được chi phí khi sử dụng máy Audio Guide và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Số hóa và áp dụng nền tảng số

Có thể thấy, số hóa là hướng đi mà hầu hết các bảo tàng đang hướng tới. Nếu trong thời kỳ xảy ra đại dịch, các chương trình tham quan ảo góp phần thu hút người xem, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của các bảo tàng tới công chúng, thì khi đại dịch qua đi, đây lại là những công cụ quảng bá, tăng tương tác với người xem, giúp các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua việc khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội. Việc chuyển đổi số là một bước tiến mới để bảo tàng ngày càng trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích tìm hiểu các hiện vật, tài liệu tại bảo tàng. Điều này cũng phù hợp hơn với xu thế phát triển chung trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và phổ biến như hiện nay.

Trong bối cảnh công nghệ đã có những bước phát triển vượt bậc, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo tàng đã không dừng lại ở việc đơn giản là đưa dữ liệu lên mạng internet. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải luôn tìm tòi, thử nghiệm ứng dụng mới để bảo tàng được tiếp cận dưới nhiều hình thức khác nhau trên môi trường số, từ đó tạo giá trị gia tăng từ bảo tàng và cho bảo tàng.

Kể từ giữa những năm 2000, việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ trong bảo tàng và di sản văn hóa đã được mở rộng sang các công nghệ nhập vai — một thuật ngữ chung cho các công nghệ thực tế tăng cường, thực tế ảo và thực tế hỗn hợp, cung cấp trải nghiệm cảm giác thông qua những sự kết hợp khác nhau giữa nội dung thực và kỹ thuật số 12 . Việc sử dụng và kết hợp các phương tiện truyền thông mới đã góp phần nâng cao cách thức trải nghiệm hiện vật bảo tàng cho người tiếp cận. Lợi ích của việc sử dụng các công nghệ nhập vai là giúp cộng đồng khách vừa tham quan, vừa tương tác, từ đó tiếp cận, trải nghiệm sâu hơn về kiến trúc, điêu khắc và những hiện vật trong không gian văn hóa gốc. Bên cạnh đó, khi dịch COVID-19 xảy ra, khiến sự di chuyển giữa các quốc gia khó khăn, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, các bảo tàng phải tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm trực tuyến 13 . Việc sử dụng công nghệ ảo để tạo ra các chuyến tham quan ảo đã chứng minh được sự phù hợp và hữu ích. Khách tham quan chỉ cần ở nhà, với thiết bị hỗ trợ có chi phí thấp là hoàn toàn có thể tham gia, tương tác với các hiện vật ở bảo tàng. Việc sử dụng công nghệ này đã phần nào giảm áp lực tại các bảo tàng mà vẫn thực hiện được chức năng trưng bày di sản vật thể và phi vật thể, phục vụ cộng đồng của mình. Điều đó cho thấy việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển, giúp Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa theo kịp xu hướng quốc tế. Công nghệ nhập vai, đặc biệt là công nghệ ảo giúp người trải nghiệm bước chân vào quá khứ, dễ dàng truyền tải thông điệp và giá trị của di sản qua lăng kính của thị giác.

Hiện nay, việc số hóa bảo tàng được tiến hành dễ dàng hơn bởi sự hỗ trợ từ nhiều nền tảng công nghệ số, trong đó đặc biệt là nền tảng Google Art & Culture. Google Arts & Culture (trước đây là Google Art Project) là một nền tảng trực tuyến mà qua đó công chúng có thể xem các hình ảnh, video có độ phân giải cao về các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật từ hàng ngàn tổ chức văn hóa trên khắp thế giới. Đây là một sáng kiến phi lợi nhuận được Viện Văn hóa Google, trực thuộc Tập đoàn Google, phát triển, ra mắt từ tháng 2-2011. Họ làm việc với các tổ chức văn hóa, nghệ sĩ và danh nhân trên khắp thế giới, thực hiện sứ mệnh bảo tồn, đưa nghệ thuật và văn hóa của thế giới lên mạng internet để mọi người, ở bất kỳ đâu vào bất kỳ nơi nào đều có thể truy cập được. Google Arts & Culture là một bảo tàng số phi lợi nhuận, nhằm lưu giữ và giới thiệu những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của các quốc gia trên thế giới. Trong hơn 10 năm ra mắt, tổ chức này đã hợp tác cùng 2.500 đối tác trên toàn thế giới 14 , trong đó có các bảo tàng nổi tiếng như Tate Gallery (London, Anh), Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (New York, Mỹ),…

Nền tảng Google Arts & Culture của Viện Văn hóa dành cho các tổ chức phi lợi nhuận, bảo tàng, phòng trưng bày và kho lưu trữ có nội dung không có bản quyền hoặc đã được chấp thuận về bản quyền mà họ muốn chia sẻ. Trên nền tảng này, các đối tác chỉ có thể đăng nhập để tải dữ liệu lên khi có được lời mời từ hệ thống. Để trở thành đối tác, bảo tàng có thể trực tiếp gửi yêu cầu lời mời trên g.co/cisignup. Sau khi kê khai các nội dung theo biểu mẫu, nếu đủ điều kiện, google sẽ gửi cho tổ chức lời mời qua email. Việc sử dụng nền tảng này hoàn toàn miễn phí. Người quản lý của bảo tàng là đối tác của Google art and culture hoàn toàn chịu trách nhiệm tải lên, sắp xếp, quản lý và trình bày câu chuyện của mình trên nền tảng. Google art and culture khuyến khích người quản lý tận dụng tối đa các công cụ và công nghệ mà nền tảng cung cấp (ví dụ: sử dụng hình ảnh của các tác phẩm nghệ thuật ở độ phân giải cao để cho phép người dùng phóng to chi tiết).

Đây là hướng truyền thông và giáo dục mà bảo tàng Trường đang phấn đấu thực hiện trong thời gian tới.

Một số giải pháp khác

Về nhân lực : Số lượng nhân viên bảo tàng ít ỏi (5 nhân sự) sẽ có nhiều khó khăn để thực hiện được nhiều nội dung trên. Vì vậy, Bảo tàng cần xây dựng và duy trì mối quan hệ, hợp tác với các đối tác/cộng sự cả ở trong và ngoài trường: tình nguyện viên là giảng viên, sinh viên các khoa; thầy, cô là chuyên gia của các ngành, nghệ nhân các nghề truyền thống, họa sỹ, nhà thiết kế…

Về tài chính : Bảo tàng phải có kế hoạch kinh phí cụ thể và rõ ràng cho các chương trình giáo dục, xây dựng đề án để ứng dụng công nghệ số.

Về cơ sở vật chất: Phòng tư liệu của bảo tàng cần số hóa để liên thông với thư viện trường giúp người học có thể tìm được đầu sách liên quan đến bảo tàng, di sản, lịch sử văn hóa, khảo cổ,… Bảo tàng cần xây dựng những không gian riêng cho các hoạt động giáo dục, trải nghiệm. Thông thường, mỗi chương trình giáo dục cần một không gian chuyên biệt, lý tưởng khác nhau. Một không gian với nội thất, bàn ghế, kệ giá được thiết kế đẹp mắt, với những thiết bị cần thiết như bảng, máy chiếu, tivi, bút, bảng vẽ, màu vẽ, bút chì, với những cuốn sách hấp dẫn về nội dung trưng bày ở bảo tàng cùng các giáo cụ trực quan, mẫu vật, hiện vật có thể cho học sinh, sinh viên được cầm, xem, trải nghiệm... 10 là một không gian văn hóa thích hợp để đối tượng công chúng của Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo tại bảo tàng.

Như vậy, qua những giải pháp vừa nêu ra cần phải khẳng định lại rằng giảng dạy và học tập là mục tiêu cuối cùng của Bảo tàng LS-VH, hoạt động công nghệ số mà bảo tàng muốn thực hiện được phải đồng bộ với hoạt động giáo dục. Hiện nay, Tp.HCM đang xây dựng thành phố thông minh, để đạt được điều này phải đồng bộ tất cả số liệu và thông tin từ số liệu. Qua chủ trương trên của thành phố, bảo tàng LS-VH muốn trở thành một bảo tàng thông minh cần có sự liên kết hoạt động và thông tin với tất cả các bảo tàng ở Tp.HCM để có thể có những cuộc triển lãm, phòng trưng bày ảo phục vụ đối tượng người học và người xem rộng rãi hơn. Vị thế của Bảo tàng LS-VH cần được nâng cao, và cần thiết phải đứng trong hệ thống bảo tàng quốc gia thì mục tiêu trên sẽ thành hiện thực.

KẾT LUẬN

Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa là một bảo tàng đại học, góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển đưa Nhà truờng trở thành một đại học nghiên cứu theo mô hình hiện đại của các trường đại học mạnh trên thế giới. Bảo tàng cũng xác định được tiềm năng, lợi thế về nghiên cứu và phổ biến các tri thức Khoa học Xã hội và Nhân văn trên địa bàn các tỉnh phía Nam của Tổ quốc. Cùng với việc giáo dục tri thức của nhà trường, Bảo tàng góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, con người luôn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu, đặc biệt là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Giáo dục đào tạo không chỉ ở trên lớp, trên giảng đường với trách nhiệm của thầy cô mà giáo dục là trách nhiệm chung của cộng đồng, trong đó có phần quan trọng từ bảo tàng. Hơn 6000 hiện vật gốc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học mà Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đang gìn giữ là nguồn tri thức khoa học chân thực, đáng tin cậy, hấp dẫn, chứa đựng giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam đồng thời nâng cao vị thế của Nhà trường cũng như đóng góp vào sự nghiệp giáo dục chung, bảo tồn phát huy giá trị di sản nói riêng. Đổi mới phát triển hoạt động bảo tàng cần thiết phải làm tốt các vai trò trên.

Công chúng, đặc biệt là sinh viên, khi đến với bảo tàng có thể vừa tiếp nhận thông tin, vừa sáng tạo ra các tri thức mới riêng mình, góp phần trau dồi nhận thức của cá nhân, nâng cao tri thức, kiến thức lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc. Không ngừng hiện đại hóa, đa dạng hóa hoạt động giáo dục của Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa là sự góp phần vào công tác nghiên cứu, đào tạo về Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng thời xây dựng Bảo tàng trở thành một địa chỉ văn hóa và là một trung tâm giáo dục - nghiên cứu KHXH&NV ở một Trường Đại học đáng tin cậy, có uy tín tầm cỡ quốc gia.

Từ thực trạng và giải pháp được nêu ra có thể thấy rằng công tác giáo dục của bảo tàng Lịch sử - Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong hội nhập và phát triển giáo dục đại học. Giải pháp nhằm nâng cao giáo dục di sản đối với thế hệ trẻ hiện nay cần được quan tâm và chú trọng. Phát triển giáo dục di sản bảo tàng trong thời đại công nghệ số như chủ trương của thành phố Hồ Chí Minh đề ra phải là sự phát triển đồng bộ trên nhiều mặt hoạt động, như thế mới có thể lâu dài và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước./.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số: T2022-17.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

KHXH&NV: Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Nxb: Nhà xuất bản.

ĐHQGHN: Đại học Quốc gia Hà Nội

Tp.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

Tr: Trang

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Với nguồn tư liệu thực tế từ hoạt động của Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, bằng các phương pháp hệ thống hóa tư liệu, so sánh, tác giả đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng phù hợp với đặc trưng, tính chất của một bảo tàng khảo cứu học đường. Những giải pháp này cũng là nguồn tư liệu cho các bảo tàng khác tham khảo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục của bảo tàng, góp phần nâng cao tri thức, kiến thức lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc cho mỗi một người dân.

References

  1. Allard M, Boucher S. Giáo dục tại bảo tàng. Mô hình lý thuyết về sư phạm bảo tàng (Éduquer au musée. Un modèle théorique de pédagogie muséale), Montréal, Hurtubise; 1998. . ;:. Google Scholar
  2. Desvallées André, Mairesse François. Các khái niệm cơ bản về bảo tàng học. Dịch giả: Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu đính: TS. Phạm Lan Hương. Hà Nội. Nhà xuất bản Văn học. 2021. . ;:. Google Scholar
  3. Quốc hội. Luật số 32/2009/QH12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản văn hóa; 2009. . ;:. Google Scholar
  4. Ninh Hải. Hiệp hội bảo tàng quốc tế thông qua định nghĩa mới về bảo tàng. [Online]. 24/8/2022. . ;:. Google Scholar
  5. Như Võ Thị Huỳnh. Xây dựng thói quen đến bảo tàng cho người dân thành phố Hồ Chí Minh: một số vấn đề thực tiễn. Kỷ yếu hội thảo khoa học: Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình. Thành phố Hồ Chí Minh. 12/2021. . ;:. Google Scholar
  6. Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 Quy định về tổ chức và hoạt động của Bảo tàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. . ;:. Google Scholar
  7. Hooper-Greenhill E. Museum Education, Manual of Curatorship (Giáo dục bảo tàng, Cẩm nang cho người phụ trách). Leicester University Press. 1992. . ;:. Google Scholar
  8. Crimm WL, Morris M, Wharton LC. Planning successful museum building projects. Ublisher: ‎ AltaMira Press. February 16, 2009. . ;:. Google Scholar
  9. Edit by Kirsten, Margherita Sani, Jane Thompson Lifelong Learning in Museums A European Handbook. Published by: EDISAI srl - Ferrara (Italy). 2007. . ;:. Google Scholar
  10. Thùy Phạm Thị Mai. Bảo tàng và hoạt động giáo dục bảo tàng (Phần 1). 2020. . ;:. Google Scholar
  11. Faure Edgar. Learning to be: the world of education today and tomorrow. 1972. . ;:. Google Scholar
  12. Bekele Mafkereseb Kassahun. A Survey of Augmented, Virtual, and Mixed Reality for Cultural Heritage. ACM J. Comput. Cult. Herit. 11, 2, Article 7 (March 2018), 36 pages. . 2018;:. Google Scholar
  13. Unesco. World Heritage in the face of COVID-19. May 2021. Pages: 42. . ;:. Google Scholar
  14. Daher Nadine. Ten Museums You Can Virtually Visit. March 20, 2020. https://www.smithsonianmag.com/smart-news/ten-museums-you-can-virtually-visit-180974443/. ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 1 (2023)
Page No.: 1875-1887
Published: May 15, 2023
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i1.841

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nga, C. (2023). The education activities in the Museum of History - Culture, the University of Social Sciences and Humanities, Viet Nam National University Ho Chi Minh City: the current situation and solutions. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(1), 1875-1887. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i1.841

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 534 times
PDF   = 204 times
XML   = 0 times
Total   = 204 times