VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

909

Total

317

Share

Ethics Review Board in Social Sciences and Humanities: theoretical issues and the implementation model in University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Ethics Review Board, or Research Ethics Committee, or Institutional Review Board is responsible for reviewing and monitoring the conduct of research to ensure no physical or mental harms should occur to the research subjects as well as secure their rights and benefits in participating in the research. Such institution is widely available in research bodies and higher education institutions in developed countries. In the context of international integration in Vietnam, examining the Ethics Review Board model for establishing and operating it in Vietnamese universities has become an urgent need. This process put forward the necessity for understanding the history of the evolution of research ethics principles, international precedence, and the Vietnamese reality is a necessary step. This article is based on existing materials to present the historical evolution of research ethics principles, key internationally significant documents, international examples of Ethics Review Board in the world as well as the current situation in Vietnam, when a non-biomedical Board has been established by University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City. The article is also among the first of its kind in systematically examine Ethics Review Board in Vietnam, and it also calls for further research on such topic and how to implement the institution in conducting research in Vietnamese higher education institutions.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hội đồng đạo đức nghiên cứu (Hội đồng ĐĐNC, Ethics Review Board/ Research Ethics Board/ Institutional Review Board) là một thể chế phổ biến trong các trường đại học và cơ quan nghiên cứu các cấp ở các quốc gia phát triển. Thành phần của Hội đồng ĐĐNC gồm các thành viên thuộc trường đại học/cơ sở nghiên cứu và bên ngoài với nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của các khách thể nghiên cứu là con người tham gia các hoạt động nghiên cứu dưới sự quản lý của cơ quan chủ quản của hội đồng đó.

Lịch sử hình thành của Hội đồng ĐĐNC bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với mong muốn không muốn tái diễn những thực hành nghiên cứu xâm hại nghiêm trọng đến các quyền và sự sinh tồn của khách thể nghiên cứu như đã từng diễn ra dưới chế độ Quốc xã ở Đức cũng như hàng loạt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến an toàn và nhân phẩm của của khách thể nghiên cứu là con người trong các thập niên 1960 và 1970 sau đó 1 , 2 , 3 . Vì thế mà Hội đồng ĐĐNC là một thể chế bắt buộc trong các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan nghiên cứu thuộc nhóm ngành y sinh học. Ở Hoa Kỳ, tất cả các nghiên cứu nhận tài trợ từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và các cơ quan liên bang khác đều phải được Hội đồng ĐĐNC thẩm định và thông qua [ 2 , p.1148]. Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt ra các yêu cầu và quy trình thẩm định đạo đức nghiên cứu đối với tất cả các nghiên cứu thuộc Chương trình Khung nghiên cứu 7 (FP7) 4 . Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 04/TT-BYT ngày 05/3/2020 quy định việc thành lập chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có triển khai hoạt động nghiên cứu y sinh học liên quan đến con người trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Qua thời gian hoạt động, việc rà soát và thẩm định đạo đức nghiên cứu dần mở rộng phạm vi bao quát tất cả các nghiên cứu có khách thể là con người bao gồm các ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) 5 , 6 . Như vậy, việc rà soát các khía cạnh đạo đức đối với khách thể con người tham gia nghiên cứu đã trở thành một yêu cầu bắt buộc và Hội đồng ĐĐNC với vai trò là thể chế thẩm định, phê duyệt, giám sát việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định đạo đức nghiên cứu đã trở nên không thể thiếu đối với các cơ quan và tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học bao gồm trường đại học.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Hội đồng ĐĐNC hầu như chỉ mới được thể chế hóa rộng rãi trong các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các nhóm ngành y sinh học. Với các trường đại học không đào tạo và nghiên cứu các nhóm ngành y sinh học thì Hội đồng ĐĐNC vẫn còn là một thể chế xa lạ 7 . Sự thiếu vắng các Hội đồng ĐĐNC ngoài y sinh học cũng như những yêu cầu bắt buộc trong việc rà soát, phê duyệt và giám sát các hoạt động nghiên cứu có sử dụng khách thể con người, một mặt tạo cơ hội cho những lỗ hổng về đạo đức nghiên cứu có thể dẫn đến những ảnh hưởng đối với khách thể nghiên cứu, mặt khác vô hình trung khiến cho các nghiên cứu ở Việt Nam không tiệm cận được với các thực hành tiên tiến trên thế giới. Đơn cử trong hoạt động công bố quốc tế hiện nay, các bản thảo gửi đến các tạp chí thuộc các nhà xuất bản uy tín đều phải đáp ứng yêu cầu về đạo đức nghiên cứu, trong đó sự phê duyệt của Hội đồng ĐĐNC là một yêu cầu bắt buộc 8 , 9 . Trong bối cảnh hội nhập quốc tế giáo dục ngày càng là một nhu cầu bức thiết, rõ ràng việc cập nhật các hiểu biết về đạo đức nghiên cứu mà cụ thể là hoạt động của Hội đồng ĐĐNC trong cơ sở giáo dục đại học là cần thiết. Dựa trên các thông tin và tư liệu về mô hình Hội đồng ĐĐNC của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, bài viết này sẽ trình bày lịch sử hình thành các nguyên tắc đạo đức nghiên cứu, những thảo luận về nguyên tắc đạo đức và hoạt động của hội đồng đạo đức nghiên cứu đối với lĩnh vực KHXH&NV, nguyên tắc hoạt động và mô hình hoạt động Hội đồng ĐĐNC của một số trường đại học trên thế giới trước khi trình bày mô hình hội đồng đạo đức nghiên cứu ở Việt Nam trong nhóm ngành y sinh học và trường hợp Hội đồng ĐĐNC Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM).

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết này sử dụng phương pháp tổng quan những công trình nghiên cứu về hội đồng đạo đức nghiên cứu trên thế giới công bố rải rác từ thập niên 1980 đến nay kết hợp với nghiên cứu tài liệu, văn bản hành chính liên quan đến quá trình thành lập Hội đồng Đạo đức Nghiên cứu Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Do chủ đề nghiên cứu còn rất mới ở Việt Nam nên hầu hết các tư liệu sử dụng được công bố ở nước ngoài trên các tạp chí và các ấn phẩm uy tín thảo luận các vấn đề liên quan đến hội đồng đạo đức nghiên cứu và mối quan hệ của mô hình này với nghiên cứu KHXH&NV. Từ những thông tin thu thập được, chúng tôi hệ thống hóa và sắp xếp theo các chủ đề nhằm làm sáng tỏ được sự hình thành của các quy tắc đạo đức nghiên cứu, những vấn đề ứng dụng trong KHXH&NV, cũng như những mô hình quốc tế và Việt Nam.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Lược sử về những nghiên cứu lạm dụng dẫn đến những tổn hại về thể chất và tinh thần của khách thể nghiên cứu là con người

Sự ra đời của những quy tắc đạo đức nghiên cứu, sự thành lập và hoạt động của Hội đồng ĐĐNC như một thể chế để rà soát, phê duyệt và giám sát việc tuân thủ các quy tắc và quy định về đạo đức nghiên cứu gắn liền với hàng loạt các nghiên cứu mang tính lạm dụng khách thể là con người diễn ra rải rác nhiều thập kỷ. Đầu tiên phải kể đến những thực hành và thí nghiệm được thực hiện dưới chế độ Đức Quốc xã trong suốt thập niên 1930 cho đến năm 1945 khi kết thúc Chiến thanh thế giới thứ hai. Hai hoạt động chủ yếu của hệ thống y tế Quốc xã về sau dẫn đến sự ra đời của bộ quy tắc chính thức đầu tiên về đạo đức nghiên cứu, (Điều luật Nuremberg 1947), là (1) triệt sản và an tử cưỡng bách hàng trăm nghìn người bị cho là không đạt chuẩn và (2) tiến hành thí nghiệm phục vụ mục đích chiến tranh đối với các tù nhân trong các trại tập trung mà không hề có bất kỳ biện pháp nào bảo vệ họ khỏi các rủi ro của thí nghiệm dẫn đến tử vong hàng loạt 10 . Những sự việc này được đưa ra ánh sáng sau Chiến tranh thế giới thứ hai trong các phiên xét xử tội phạm chiến tranh tại Nuremberg (Đức), các phán quyết của thẩm phán về những loại thí nghiệm y khoa được cho phép về sau trở thành Điều lệ Nuremberg.

Một chuỗi thí nghiệm y khoa khác bắt đầu sớm hơn các hoạt động diệt chủng của Đức Quốc xã nhưng kéo dài đến 40 năm và chỉ được biết đến vào năm 1972 là Cuộc thí nghiệm Tuskegee. Trong suốt thời gian thí nghiệm, hàng trăm bệnh nhân giang mai người da đen có thu nhập thấp ở thị trấn Tuskegee, bang Alabama (Mỹ) bị đánh lừa rằng mình đang tham gia vào một chương trình điều trị giang mai với các hoạt động được thiết kế nhằm làm họ tin rằng mình được điều trị mặc dù trong thực tế, họ bị ngăn cản không được tiếp cận với bất kỳ dịch vụ điều trị nào kể cả uống kháng sinh penicillin, vốn được chứng minh từ năm 1945 là có phản ứng tích cực với giang mai [ 10 , pp.6-8]. Vụ việc chỉ bị đưa ra ánh sáng năm 1972 khi hãng tin AP (Associated Press) tiến hành điều tra và công bố các thông tin về cuộc thí nghiệm dẫn đến sự căm phẫn của dư luận quốc tế và các cơ quan thực thi pháp luận liên bang Mỹ phải vào cuộc [ 3 , p.3].

Ngoài ra, còn hàng loạt các vụ việc mang tính chất lạm dụng khác diễn ra và được mang ra ánh sáng trong suốt các thập niên 1950, 1960 và 1970 như nghiên cứu thực hiện tiêm tế bào ung thư vào các bệnh nhân lớn tuổi tại Bệnh viện bệnh mạn tính Do Thái tại Thành phố New York (Mỹ) bị đưa ra xét xử vào năm 1964; hay nghiên cứu tiêm virus viêm gan vào trẻ em có khuyết tật về trí tuệ với mục đích tìm hiểu quá trình lây nhiễm tại Trường Willowbrook (bang Staten Island, Mỹ) được đưa ra ánh sáng vào năm 1972. Những sự kiện này đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và đặt vấn đề về sự cần thiết phải bảo vệ khách thể nghiên cứu [ 1 , p.5].

Mặc dù những nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh có vai trò nổi bật trong lịch sử của những vụ việc dẫn đến sự ra đời của Hội đồng ĐĐNC như một thể chế cần thiết trong phê duyệt các công trình khoa học, các hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực khác cũng có những trường hợp lạm dụng gây tổn hại đến khách thể nghiên cứu. Một trong những trường hợp nổi bật là luận án tiến sĩ Xã hội học xuất bản thành sách với tựa đề Tearoom Trade: Impersonal Sex in Public Places (Tạm dịch: Nghề “phòng trà”: Tình dục nhạt thếch chốn công cộng) năm 1970 của Laud Humphreys. Trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận án, Humphreys, một nghiên cứu sinh Xã hội học tại Đại học Washington kiêm linh mục thuộc Giáo hội Episcopal, đã cải trang dưới nhiều nhân thân khác nhau để tiếp cận nghiên cứu cộng đồng đồng tính nam mà không có sự đồng thuận của khách thể nghiên cứu. Mặc dù công trình nghiên cứu của Humphreys là một trong những nghiên cứu tiên phong và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ học giả sau đó về vấn đề tình dục đồng giới, nhưng cách thức thu thập dữ liệu của ông cũng gây nhiều tranh cãi về khía cạnh đạo đức nghiên cứu trong hơn 30 năm kể từ khi quyển sách ra đời [ 11 , p.12] với sự chỉ trích tập trung vào khía cạnh mà ngày nay bị cho là “lừa dối” khách thể nghiên cứu [ 10 , p.32].

Một số ví dụ nổi bật nêu trên chỉ là những trường hợp kinh điển cho thấy hoạt động nghiên cứu với khách thể nghiên cứu là con người có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến thể chất và tinh thần của chính những người này. Trong nhiều trường hợp, các tổn hại có thể dễ dàng quan sát và đo lường được; tuy nhiên, trong những trường hợp khác, các tổn hại có thể tồn tại ở dạng tinh thần khó quan sát hơn. Vì vậy, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các bộ nguyên tắc thực hành đạo đức nghiên cứu đã được soạn thảo và mô hình hội đồng đạo đức nghiên cứu đã ra đời với vai trò là cơ chế xét duyệt và giám sát các nghiên cứu trên khía cạnh đạo đức liên quan đến khách thể con người.

Các bộ quy tắc đạo đức nghiên cứu

Điều luật Nuremberg 1947

Điều luật Nuremberg 1947 là bộ quy tắc hướng dẫn đạo đức nghiên cứu đầu tiên ra đời từ yêu cầu cần có các chuẩn mực đạo đức nghiên cứu y sinh học làm căn cứ cho các cáo buộc của Tòa án Nuremberg xét xử tội phạm chiến tranh sau Chiến tranh thế giới thứ hai [ 12 , p.20]. Điều luật Nuremberg có tầm ảnh hưởng lịch sử bởi lẽ đó là văn bản quốc tế đầu tiên đề cập đến các chuẩn mực đạo đức trong thực hành nghiên cứu với khách thể nghiên cứu là con người. Mười nguyên tắc đạo đức nghiên cứu được nêu ra trong Điều luật Nuremberg bao gồm:

  1. Sự đồng thuận tự nguyện của khách thể nghiên cứu là con người là tuyệt đối cần thiết.

  2. Việc thực hiện thí nghiệm phải mang lại kết quả hữu ích cho xã hội nói chung, chỉ thực hiện khi không thể thu được kết quả từ các phương tiện hay phương pháp khác chứ không phải từ sự tùy tiện hay không cần thiết về bản chất.

  3. Việc thực hiện thí nghiệm phải được thiết kế và dựa trên cơ sở kết quả của các nghiên cứu trên động vật cũng như tri thức về lịch sử tự nhiên của loại dịch bệnh ấy hay những vấn đề cần nghiên cứu khác mà kết quả mong đợi sẽ biện giải cho hiệu quả thực hiện của cuộc thí nghiệm ấy.

  4. Thí nghiệm phải được thực hiện trong điều kiện tránh tất cả những sự chịu đựng và tổ thương không cần thiết về thể chất và tinh thần.

  5. Không được thực hiện thí nghiệm khi có một sự tiên liệu để tin rằng cái chết hoặc thương thật vĩnh viễn sẽ xảy ra, trừ trường hợp, có thể là trong các thí nghiệm mà y sĩ thực hiện thí nghiện đóng vai trò khách thể nghiên cứu.

  6. Một mức độ rủi ro có thể chấp nhận được không bao giờ vượt qua tầm quan trọng của tính nhân văn của vấn đề mà thí nghiệm được thực hiện để giải quyết.

  7. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng phải được thực hiện và các cơ sở vật chất phải được cung cấp đầy đủ để bảo vệ các khách thể nghiên cứu chống lại những khả năng tổn thương dù là không trực tiếp.

  8. Thí nghiệm phải được thực hiện chỉ bởi những cá nhân có chuyên môn khoa học. Các cá nhân thực hiện nghiên cứu hay tham dự vào nghiên cứu phải đảm bảo mức độ thành thạo cao nhất về kỹ năng và sự chăm sóc tốt nhất xuyên suốt tất cả các giai đoạn của thí nghiệm.

  9. Trong quá trình thực hiện thí nghiệm, khách thể nghiên cứu phải có được quyền tự do chấm dứt tham gia thí nghiệm nếu người đó đạt đến ngưỡng về thể chất và tâm thần mà mình nghĩ rằng không thể tiếp tục được nữa.

  10. Trong quá trình thực hiện thí nghiệm chủ nhiệm nghiên cứu phải trong tư thế chuẩn bị để chấm dứt thí nghiệm ở bất kỳ giai đoạn nào nếu có đủ cơ sở để tin rằng, với mục đích thiện chí, cùng với những kỹ năng ưu trội trong nghề nghiệp và phán đoán thận trọng, rằng việc tiếp tục thực hiện thí nghiệm sẽ có nhiều khả năng dẫn đến thương tổn, khuyết tật hay cái chết đến cho khách thể nghiên cứu. [ 12 , p.21]

Tựu trung, cốt lõi của Điều luật Nuremberg tập trung các yếu tố là sự đồng thuận của khách thể nghiên cứu, tính thích đáng và cần thiết của việc tiến hành nghiên cứu, và quyền ngưng tham gia của khách thể nghiên cứu [ 4 , p.3]. Mặc dù ra đời nhằm tạo cơ sở để phán quyết các hành vi lạm dụng trong nghiên cứu y sinh học trong Chiến tranh thế giới thứ hai của các bác sĩ Đức Quốc xã, các nguyên tắc của Điều luật Nuremberg về sau được ứng dụng phổ quát đối với các nghiên cứu có khách thể nghiên cứu là con người nói chung [ 10 , p.32], [ 1 , p.67], [ 3 , p.2].

Tuyên bố Helsinki 1964

Tuyên bố Helsinki của Hiệp hội Y học Thế giới ban hành lần đầu năm 1964 tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 18 của Hiệp hội là một văn kiện quan trong nữa xác lập các nguyên tắc và hướng dẫn thực hành đạo đức nghiên cứu trong các nghiên cứu có khách thể là con người chủ yếu trong lĩnh vực y học, mặc dù một số quan điểm của Tuyên bố này cũng được áp dụng trong các nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác. Tuyên bố Helsinki đi xa hơn Bộ luật Nuremberg ở chỗ bao quát cả những tư liệu và dữ liệu liên quan đến con người thay vì chỉ tập trung vào khách thể nghiên cứu là con người trên cơ sở thượng tôn những lợi ích và sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của cá nhân khách thể nghiên cứu [ 4 , p.3]. Văn kiện này được rà soát và cập nhật nhiều lần với phiên bản mới nhất đã được ban hành năm 2013 tại kỳ họp Đại hội đồng Hiệp hội Y học Thế giới lần thứ 64 tại thành phố Fortazela, Brazil 13 . Trong phiên bản mới nhất Tuyên bố Helsinki có 37 điều quy định các nguyên tắc chung về thực hành nghiên cứu y học và các nghĩa vụ mà nhà nghiên cứu phải đảm bảo; nguyên tắc cân bằng giữa rủi ro và lợi ích khi tiến hành nghiên cứu cũng như trách nhiệm gánh vác những rủi ro có thể xảy ra; các điều liên quan đến nghĩa vụ đối với các nhóm dễ tổn thương trong nghiên cứu; yêu cầu phải đảm bảo tính khoa học của nghiên cứu cũng như đảm bảo tính hợp lý của thiết kết và quy trình nghiên cứu; yêu cầu bắt buộc mọi đề xuất nghiên cứu phải được rà soát bởi hội đồng đạo đức nghiên cứu; đảm bảo tính riêng tư và bảo mật nhân thân của khách thể nghiên cứu; sự đồng thuận của khách thể nghiên cứu trên cơ sở nắm rõ thông tin; về sử dụng giả dược trong nghiên cứu; quyền được tiếp tục duy trì điều trị sau khi thí nghiệm kết thúc; đăng ký bộ dữ liệu nghiên cứu, công bố và chia sẻ kết quả nghiên cứu; và những yêu cầu về việc can thiệp bằng những biện pháp chưa được công nhận trong trường hợp cần thiết 13 .

Báo cáo Belmont 1978

Mặc dù Điều luật Nuremberg ra đời từ năm 1947 và Tuyên bố Helsinki ra đời năm 1964, nhưng như đã trình bày ở trên, hàng loạt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc đạo đức nghiên cứu và gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của khách thể nghiên cứu vẫn diễn ra và đến những năm 1970 mới bị đưa ra ánh sáng. Những sự việc này đặt ra yêu cầu cần phải có những quy phạm pháp luật về đạo đức nghiên cứu đối với khách thể con người. Vì vậy, năm 1974, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Nghiên cứu Quốc gia (National Research Act) và thành lập Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Khách thể con người trong Nghiên cứu Y sinh học và Hành vi (National Commission for the Protection of Human Subjects of Biomedical and Behavioral Research) với nhiệm vụ thể chế hóa các nguyên tắc đạo đức căn bản trong thực hành nghiên cứu liên quan đến khách thể con người và kết quả là sự ra đời của Báo cáo Belmont (The Belmont Report). Đây là một văn kiện vô cùng quan trọng, đặt nền móng cho các quy định pháp luật ở Hoa Kỳ đối với đạo đức nghiên cứu cũng như được công nhận trên toàn thế giới như bộ chuẩn mực cho tính hợp pháp của việc thực hiện nghiên cứu trên khách thể con người [ 1 , p.77].

Báo cáo Belmont đề cập đến ba nguyên tắc đạo đức trong thực hành nghiên cứu, đó là: 1) tôn trọng con người; 2) hướng thiện và tránh hại; và 3) công bằng. Trong đó, nguyên tắc thứ nhất “tôn trọng con người” có vị trí đặc biệt quan trọng hơn hai nguyên tắc còn lại [ 3 , p.4]. Nếu Bộ luật Nuremberg chỉ đề cập đến “sự đồng thuận tự nguyện” thì nguyên tắc “tôn trọng con người” của Báo cáo Belmont có nhiều điểm mở rộng hơn, nó bao quát cả quyền riêng tư và bảo mật của khách thể nghiên cứu, cũng như nâng cao “sự đồng thuận” lên thành “sự đồng thuận trên cơ sở nắm rõ thông tin” buộc nhà nghiên cứu phải cung cấp đầy đủ thông tin và giải đáp những thắc mắc của khách thể trước khi họ chấp thuận tham gia nghiên cứu, cũng như bảo vệ những khách thể nghiên cứu không thể tự đưa ra quyết định như người khuyết tật hay trẻ em [ 3 , p.4]. Nguyên tắc thứ hai “hướng thiện tránh hại” nhấn mạnh đến sự cân bằng giữa rủi ro và lợi ích của việc tiến hành nghiên cứu, trong đó “tránh hại” được bao gồm trong “hướng thiện”. Nói cách khác, tương quan giữa rủi ro và lợi ích phải nghiêng về phía lợi ích và nhà nghiên cứu phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra [ 3 , pp.4-5]. Nguyên tắc “công bằng” được xây dựng trên cơ sở lựa chọn các nhóm khách thể để đảm bảo không có một nhóm nhất định nào trong xã hội có nhiều khả năng bị nhắm đến để thực hiện nghiên cứu hơn các nhóm khác trong xã hội và cũng không nằm ngoài những lợi ích chung mà kết quả nghiên cứu ấy mang lại [ 3 , p.5].

Như vậy, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ít nhất đã có ba văn kiện quan trọng tầm cỡ quốc tế xác lập những nguyên tắc cơ bản về đạo đức nghiên cứu đối với khách thể nghiên cứu là con người. Nếu Bộ luật Nuremberg 1947 ra đời để đáp ứng yêu cầu trực tiếp của Tòa án Nuremberg xét xử tội phạm chiến tranh thì các văn kiện về sau dần được kiện toàn hơn, bao quát những khía cạnh gián tiếp hơn đối với thể chất và tinh thần của khách thể nghiên cứu. Ở Hoa Kỳ, sự ra đời của Đạo luật Nghiên cứu Quốc gia vào năm 1974 cùng với hàng loạt các thể chế và quy định kèm theo dựa trên những nguyên tắc của Báo cáo Belmont đã dẫn đến sự thành lập của các Hội đồng ĐĐNC (Institutional Review Board, IRB) trong các cơ sở nghiên cứu nói chung, trong đó có các trường đại học. Ban đầu, phạm vi của các quy định về đạo đức nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các nghiên cứu y sinh học và khoa học hành vi nhưng dần dần đã được mở rộng ra các lĩnh vực khác, bao gồm khoa học xã hội và nhân văn.

Hội đồng ĐĐNC và thực hành trong lĩnh vực KHXH&NV

Đạo đức nghiên cứu không phải là một vấn đề mới mẻ trong các ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV, thậm chí một số hiệp hội học thuật danh tiếng ở Hoa Kỳ còn đưa ra những bộ quy tắc đạo đức trước khi Đạo luật Nghiên cứu Quốc gia ra đời, ví dụ như bộ quy tắc của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) được ban hành lần đầu năm 1953 hay Tuyên ngôn về các vấn đề trong nghiên cứu và đạo đức nghiên cứu trong Nhân học được Hiệp hội Nhân học Hoa Kỳ (AAA) ban hành năm 1967. Tuy nhiên phải đến đầu những năm 1990 thì Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ mới đưa những tiêu chuẩn thực hành cụ thể vào Bộ Quy tắc Đạo đức của mình và từ đó làm mẫu cho một số hiệp hội khác ban hành văn bản tương tự [ 14 , p.96]. Diễn biến này có lẽ là hệ quả của một xu hướng bắt đầu ở Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1990 khi các cơ quan quản lý nhà nước có những động thái khiến các trường đại học rà soát nghiêm ngặt hơn các hoạt động nghiên cứu bao gồm cả nghiên cứu KHXH&NV [ 15 , p.120]. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở Anh từ đầu thập niên 2000 khi Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Vương quốc Anh (Economic and Social Research Council, ESRC) ban hành Bộ khung Đạo đức Nghiên cứu vào năm 2005 mở rộng đáng kể phạm vi bao quát của các quy tắc và thực hành đạo đức nghiên cứu so với giai đoạn trước đó vốn chỉ áp dụng với các nghiên cứu khoa học xã hội được Hệ thống Y tế Quốc gia Anh (National Health Service, NHS) tài trợ [ 16 , p.873].

Hai diễn biến này dẫn đến những cuộc tranh luận học thuật đến tận ngày nay về tính phù hợp của các quy tắc đạo đức nghiên cứu, vốn được xây dựng để đáp ứng các yêu cầu ngăn ngừa những lạm dụng trong các nghiên cứu y sinh học, đối với những thực hành nghiên cứu trong các lĩnh vực KHXH&NV. Các tác giả phản đối việc đưa các nghiên cứu KHXH&NV vào diện bắt buộc phải rà soát bởi cơ chế hội đồng đạo đức nghiên cứu ở các trường đại học cho rằng các nhà nghiên cứu KHXH&NV hơn ai hết, là những người quan tâm đặc biệt đến sự an toàn và bảo vệ khách thể nghiên cứu của mình; lịch sử của các nghiên cứu xã hội cho thấy những trường hợp gây ra tổn hại nghiêm trọng hầu như hiếm khi xảy ra; sự áp dụng các tiêu chuẩn vốn có nguồn gốc từ các thực hành nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh học sẽ vừa không hiệu quả để bảo vệ khách thể nghiên cứu vừa hạn chế tiếp cận thông tin đặc biệt là đối với các nghiên cứu định tính; chuyên môn của các thành viên hội đồng đạo đức không phù hợp để thẩm định các phương pháp nghiên cứu KHXH&NV v.v… 15 , 17 . Ngược lại, một số học giả khác lại cho rằng cơ chế rà soát đánh giá đạo đức nghiên cứu, nếu có những cân chỉnh phù hợp với đặc thù KHXH&NV sẽ mang lại những lợi ích đáng kể 18 , 19 . Lợi ích đầu tiên mà quá trình rà soát ĐĐNC mang lại là cơ hội để có những ý kiến động lập chỉ ra những điểm trong thiết kế nghiên cứu, phương pháp v.v… mà nhà nghiên cứu có thể vô tình bỏ qua từ đó góp phần cải thiện chất lượng nghiên cứu và tự thân nhà nghiên cứu khi thiết kế nghiên cứu cũng có những động lực nhìn bao quát đề tài ở những khía cạnh đạo đức để có cái nhìn toàn diện hơn [ 18 , p.74]. Để giảm thiểu những rào cản giữa hội đồng ĐĐNC và nhà nghiên cứu, Carniel và cộng sự 19 đề xuất cần thực hiện hai điều, đó là đa dạng hóa thành phần hội đồng ĐĐNC với chuyên gia của thược lĩnh vực liên quan, thành viên chủ chốt của cộng đồng được nghiên cứu, chuyên gia pháp lý v.v… để một mặt các thành viên hội đồng có thể giúp nhà nghiên cứu thấy được những vấn đề ĐĐNC còn bỏ sót, mặt khác vẫn đảm bảo được yêu cầu chuyên môn về chủ đề nghiên cứu nhằm tránh những tranh luận không cần thiết do việc các thành viên hội đồng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực ấy. Thứ hai là cần tăng cường sự tương tác giữa nhà nghiên cứu và hội đồng ĐĐNC trong quá trình rà soát để từ đó nâng cao nhận thức của nhà nghiên cứu về sự cần thiết của hội đồng đạo đức nghiên cứu cũng như tăng cường hiểu biết của các thành viên hội đồng đạo đức nghiên cứu đối với những chuyên ngành cụ thể của KHXH&NV [ 19 , p.8]. Như vậy có thể thấy rằng mặc dù những tranh luận học thuật về sự phù hợp của hội đồng ĐĐNC đối với các nghiên cứu KHXH&NV vẫn tiếp diễn, nhưng nhìn chung hiện nay sự hiện diện và hoạt động của hội đồng ĐĐNC vừa là một yêu cầu bắt buộc ở các quốc gia phát triển vừa nhận được sự ủng hộ của giới học giả với những đề xuất nhằm giúp cơ chế này hiệu quả hơn trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Vì vậy mà việc thành lập hội đồng ĐĐNC trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV là cần thiết nhằm một mặt nâng cao chất lượng nghiên cứu, mặt khác giúp các nghiên cứu tại Việt Nam tiệm cận được với thực hành quốc tế và thoả mãn các yêu cầu học thuật đặt ra trên thế giới.

Các mô hình hội đồng đạo đức nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam

Để có thể có cơ sở xây dựng mô hình ĐĐNC cho một cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam thì việc tham khảo các mô hình tiên tiến là cần thiết. Ở đây chúg tôi trình bày khái lược ba mô hình của các trường đại học danh tiếng ở Anh, Mỹ và Singapore, sau đó là mô hình hội đồng đạo đức trong lĩnh vực y sinh học ở Việt Nam, trước khi thảo luận về hội đồng ĐĐNC ở một cơ sở giáo dục trong nước, đó là Trường ĐH KHXH&N, ĐHQG-HCM.

Mô hình Hội đồng đạo đức nghiên cứu Đại học Oxford ( Central University Research Ethics Committee, CUREC) 20

Đại học Oxford là cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất nước Anh và là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới. Mô hình hội đồng đạo đức nghiên cứu của Oxford được chia làm hai cấp: hội đồng cấp đại học (CUREC) và các hội đồng cơ sở cho từng lĩnh vực, riêng trong lĩnh vực KHXH&NV còn có hội đồng đạo đức nghiên cứu cấp khoa.

CUREC là cơ cấu chịu trách nhiệm triển khai các quy định và chính sách của toàn đại học, đảm bảo các hoạt động nghiên cứu liên quan đến các đối tượng là con người cũng như có sử dụng các dữ liệu cá nhân tuân thủ các chuẩn mực đạo đức. Các Hội đồng cơ sở ngành (subcommittee) chịu trách nhiệm trực tiếp rà soát các hồ sơ đề tài để thông qua và xác nhận đã đạt các yêu cầu đạo đức nghiên cứu. Các Hội đồng cơ sở ngành được phân theo từng lĩnh vực, bao gồm:

  • MS IDREC (Medical Sciences Interdivisional Research Ethics Committee): Y sinh học;

  • OxTREC (Oxford Tropical Research Ethics Committee): dành cho các nghiên cứu thực hiện bên ngoài nước Anh hoặc EU;

  • SSH IDREC (Social Sciences and Humanities Interdivisional Research Ethics Committee): KHXH&NV;

  • DRECs (departmental research ethics committees): Hội đồng cấp khoa được SSH IDREC trao quyền tùy tình huống.

Hội đồng đạo đức nghiên cứu cơ sở KHXH&NV (SSH IDREC) chịu trách nhiệm rà soát các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH&NV. Cơ cấu SSH IDREC bao gồm các thành viên trong và ngoài nhà trường từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Đối với các thành viên là nhà khoa học/giảng viên, có thể bao gồm cả các thành viên đã và đang thực hiện các nghiên cứu liên quan đến con người cũng như các thành viên không thực hiện các nghiên cứu liên quan đến con người (ví dụ như nghiên cứu văn bản). Ngoài ra, còn có các thành viên không thuộc cộng đồng khoa học nhằm đảm bảo tính đa dạng và cung cấp những chuyên môn và góc nhìn đa chiều từ các lĩnh vực bên ngoài giáo dục và khoa học. Với cơ cấu như thế, hội đồng đạo đức nghiên cứu có cơ sở để phản ánh những vấn đề từ nhiều góc độ, từ phía nhà nghiên cứu, đối tượng tham gia nghiên cứu cũng như các bên liên quan khác. SSH IDREC hiện nay có 16 thành viên và một thư ký, bao gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch (trong đó có 1 phó chủ tịch ngoài trường) và 13 thành viên (trong và ngoài trường) thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau với những yêu cầu và điều kiện cụ thể.

Đối với những đề tài ít rủi ro (cấp độ CUREC 1A theo phân hạng của Oxford), SSH IDREC trao quyền cho các DREC (hội đồng đạo đức nghiên cứu cấp khoa) để rà soát và thẩm định thông qua. Đối với các đề tài có rủi ro từ cấp độ CUREC 2 trở lên, DREC cũng là nơi tiếp nhận và tiến hành rà soát bước đầu trước khi chuyển lên cấp cao hơn là SSH IDREC để rà soát và ra kết luận chung quyết. Hội đồng đạo đức cấp khoa do các khoa tự thành lập với thành phần: 2 thành viên thuộc hội đồng khoa học của khoa và 1 thành viên bên ngoài khoa là Trưởng phòng Quản lý khoa học.

Như vậy, với cơ cấu này, CUREC đảm bảo được việc triển khai các chính sách chung của Oxford đến toàn bộ các đơn vị thành viên, mặt khác vẫn tôn trọng những đặc thù riêng của từng lĩnh vực, đặc biệt trong các ngành KHXH&NV khi mà việc phân quyền được trao đến cấp khoa.

Mô hình hội đồng đạo đức Đại học Chicago 21

Đại học Chicago là một trong những viện đại học danh giá hàng đầu tại Mỹ và trên thế giới. Khác với mô hình CUREC của Oxford, Đại học Chicago không có Hội đồng đạo đức cấp đại học mà thay vào đó việc rà soát các vấn đề đạo đức nghiên cứu được thực hiện thông qua ba hội đồng đạo đức của từng nhóm lĩnh vực, bao gồm:

  • Biological Sciences Division IRB: các lĩnh vực y sinh học

  • Crown Family School & Chaplin Hall IRB: ngành công tác xã hội

  • Social & Behavioral Sciences IRB: tất cả các ngành còn lại bao gồm KHXH&NV, luật, kinh doanh, khoa học quản lý v.v…

Ở Đại học Chicago, toàn bộ các đề tài có liên quan đến đối tượng nghiên cứu là con người hay dữ liệu cá nhân đều phải được rà soát thông qua việc nộp đơn xin rà soát vào hệ thống toàn đại học là AURA IRB. Sau đó hệ thống sẽ xử lý các hồ sơ theo các trình tự được quy trình hóa. Các đề tài nghiên cứu sẽ được chia ra thành các cấp độ, từ rà soát hạn chế đến rà soát toàn diện, để được các thành viên thẩm định theo quy mô tương ứng. Đối với các đề tài cần rà soát toàn diện, các hội đồng đạo đức của các lĩnh vực tương ứng sẽ nhóm họp phiên toàn thể định kỳ để tiến hành đánh giá chấp thuận hay không chấp thuận cho triển khai.

Mô hình Hội đồng đạo đức nghiên cứu Đại học Chicago đơn giản hóa các tầng nấc rà soát và chỉ có một cấp duy nhất, thay vào đó, các đề tài sẽ được phân loại dựa trên mức độ rủi ro để xử lý theo hướng cần có sự đồng thuận của toàn hội đồng hoặc cần một bộ phận các chuyên gia liên quan trong hội đồng đó cùng chấp thuận.

Mô hình Hội đồng đạo đức Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore 22

Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) là một trong hai trường đại học “đẳng cấp thế giới” (world class) của Singapore. Những năm gần đây, đại học này đã ngày càng khẳng định vị thế là một đại học tổng hợp đa ngành với thứ hạng ngày càng cao trên các bảng xếp hạng đại học thế giới. NTU-IRB được tổ chức theo hướng tập trung, không phân thành các hội đồng cơ sở ngành như Oxford và cũng không phân thành 3 hội đồng riêng biệt như Chicago. Thay vào đó, NTU-IRB là hội đồng toàn đại học với một chủ tịch và các phó chủ tịch phụ trách 3 lĩnh vực, bao gồm:

  • Social, Behavioural, Educational Research: các nghiên cứu thuộc KHXH&NV, khoa học hành vi, giáo dục;

  • Human ​Biomedical Research: các nghiên cứu thuộc y sinh học;

  • Human Performance and Endurance Research: các nghiên cứu về thể chất.

Toàn bộ Hội đồng có 51 thành viên, gồm 40 thành viên đại diện cho các đơn vị trong trường, 6 thành viên bên ngoài không công tác trong lĩnh vực giáo dục, và 5 nhà khoa học ngoài trường. Tuy nhiên, thành phần nhóm họp hội đồng thường kỳ để ra quyết định đối với các nghiên cứu cần rà soát toàn diện chỉ gồm: chủ tịch hội đồng, 2 thành viên trong trường, 1 thành viên không thuộc lĩnh vực giáo dục, và 1 nhà khoa học ngoài trường. Có thể thấy, mô hình NTU-IRB tuy được tổ chức theo cơ chế tập trung với chỉ một hội đồng duy nhất nhưng vẫn đảm bảo tính đại diện của tất cả các đơn vị trong nhà trường và thành phần xã hội, cũng như tính linh hoạt với cơ cấu họp hội đồng gọn nhẹ.

Hội đồng đạo đức nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh học ở Việt Nam

Ở nước ta, Hội đồng đạo đức nghiên cứu vẫn còn là một thực hành mới mẻ, chỉ mới được thể chế hóa và đưa vào thực hành trong các cơ sở nghiên cứu y sinh học. Cơ chế và cơ cấu tổ chức của các Hội đồng cấp quốc gia và cấp sơ sở được quy định trong Thông tư 04/2020/TT-BYT quy định việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học. Theo đó:

  • Hội đồng đạo đức cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định thành lập, có nhiệm kỳ 5 năm, gồm: Chủ tịch, 03 Phó Chủ tịch, tiểu ban Thường trực, các tiểu ban chuyên môn, tiểu ban giám sát dữ liệu và văn phòng Hội đồng và các tiểu ban khác trong trường hợp cần thiết; có ít nhất 9 thành viên chính thức đảm bảo yêu cầu theo quy định; ngoài các thành viên chính thức, có thể có thành viên thay thế được ghi rõ trong quyết định bổ nhiệm; có tối đa 3 thư ký chuyên môn và tối đa 2 thư ký hành chính. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế làm thường trực của Văn phòng Hội đồng đạo đức cấp quốc gia.

  • Hội đồng đạo đức cấp cơ sở do người đứng đầu tổ chức có thẩm quyền phê duyệt nghiên cứu quyết định thành lập, phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng, quyết định bổ nhiệm, cho từ nhiệm,miễn nhiệm hoặc bổ sung, thay thế thành viên của Hội đồng đạo đức cấp cơ sở. Nhiệm kỳ của hội đồng là 5 năm. Hội đồng đạo đức cấp cơ sở gồm có Chủ tịch, 01 đến 02 Phó Chủ tịch,bộ phận thường trực, trong trường hợp cần thiết có thể có các tiểu ban chuyên môn; có ít nhất 5 thành viên chính thức theo chuẩn quy định; ngoài các thành viên chính thức Hội đồng đạo đức cấp cơ sở có thể có thành viên thay thế và được ghi rõ trong quyết định bổ nhiệm; tối đa 2 thư ký chuyên môn và tối đa 2 thư ký hành chính. 23

Mô hình hội đồng đạo đức hiện nay ở nước ta phân chia theo ngành dọc với cấp quốc gia và cấp cơ sở theo đặc thù chuyên môn và quản lý của các ngành y sinh học.

Hội đồng ĐĐNC Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thể chế hóa các hoạt động đạo đức nghiên cứu theo thực hành thế giới, ngay từ cuối năm 2020, Hiệu trường Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã có công văn gửi ĐHQG-HCM xin phê duyệt chủ trương thành lập Hội đồng ĐĐNC Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM và đã được Giám đốc ĐHQG-HCM phê duyệt. Trên cơ sở đó Nhà trường đã thành lập tổ soạn thảo đề án và triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình Hội đồng ĐĐNC thuộc Trường. Kết quả là Hội đồng ĐĐNC Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đã được thành lập ngày 21 tháng 12 năm 2021 và Quy chế hoạt động của Hội đồng cũng đã được ban hành vào tháng 4 năm 2022 triển khai thí điểm với các đề tài nghiên cứu cấp Cơ sở, luận văn, luận án của học viên cao học và nghiên cứu sinh đang học tập tại Trường. Như vậy đây là Hội đồng ĐĐNC đầu tiên ngoài khối ngành y sinh học ở Việt Nam, bên cạnh một đề án khác vẫn đang trong giai đoạn triển khai của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng trên cơ sở các hội đồng đạo đức trong lĩnh vực y sinh học có tham khảo với mô hình của Đại học Yale và Vanderbilt (Hoa Kỳ) 24 .

Mô hình Hội đồng ĐĐNC Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM được xây dựng trên cơ sở tham khảo các mô hình quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài trường cũng như lấy ý kiến từ các đón vị trong trường. Theo đó, Hội đồng Đạo đức nghiên cứu Trường bao gồm:

  • Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên là lãnh đạo đơn vị quản lý hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo đại học và sau đại học.

  • Số lượng thành viên trong Hội đồng nên là số lẻ từ 15 đến 25 thành viên, bao gồm: Hiệu trưởng, một số Phó Hiệu trưởng; Trưởng của một số khoa, phòng chức năng, trung tâm nghiên cứu trong Trường; một số đại diện các nhà khoa học uy tín trong và ngoài Trường.

  • Hội đồng Đạo đức nghiên cứu có trách nhiệm tham mưu cho Hiệu trưởng để ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn. Thành phần Hội đồng tư vấn chuyên môn sẽ có ít nhất 05 thành viên, gồm: Chủ tịch và 04 ủy viên, trong đó 01 ủy viên sẽ đảm nhận nhiệm vụ thư ký.

  • Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Đạo đức nghiên cứu là tôn trọng các cá nhân; hướng thiện và tránh hại; công bằng; trung thực, chính xác và liêm chính khoa học; tôn trọng, tuân thủ và thượng tôn luật pháp quốc gia ở nơi tiến hành nghiên cứu; bảo vệ môi trường và sự sống của các thế hệ tương lai; bảo vệ và tôn trọng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các cộng đồng tiến hành nghiên cứu.

  • Bên cạnh đó, Hội đồng Đạo đức nghiên cứu còn có trách nhiệm xem xét gia hạn các nghiên cứu đã hết thời hiệu thực hiện; tái rà soát hoặc đình chỉ những nghiên cứu đang trong quá trình tiến hành nhưng có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghiên cứu hoặc các trường hợp phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong nghiên cứu; tham vấn các vấn đề liên quan đến đạo đức nghiên cứu cho lãnh đạo Nhà trường hoặc các bên liên quan trong trường hợp được yêu cầu.

Như vậy có thể thấy Hội đồng ĐĐNC Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM có đặc thù riêng, một mặt đảm bảo tính đại diện thông qua số lượng thành viên của Hội đồng, mặt khác đảm bảo tính linh hoạt trong khâu xét duyệt khi triển khai cụ thể với số lượng thành viên trực tiếp tham gia ít, đúng chuyên ngành. Đây là lợi thế rất lớn của mô hình này khi tôn trọng đặc thù của khối ngành khoa học xã hội và nhân văn tránh đi những xung đột không đáng có giữa nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn và thành viên hội đồng có chuyên môn ngoài ngành như đã thấy ở các quốc gia phát triển. Đó cũng là lợi thế của những quốc gia đang phát triển trong việc triển khai mô hình hội đồng đạo đức nghiên cứu ở nước mình khi một mặt vừa kế thừa những lợi thế của các mô hình ở các nước phát triển, vừa học được bài học từ những hạn chế của các mô hình này [ 25 , p.69].

THẢO LUẬN VÀ KẾT LUẬN

Hội đồng ĐĐNC gần như là một thể chế bắt buộc trong các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học ở các quốc gia tiên tiến trên thể giới nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như các quyền và lợi ích của khách thể nghiên cứu là con người. Lịch sử hình thành các quy tắc đạo đức nghiên cứu trên thế giới gắn liền với những hành vi lạm dụng trong các nghiên cứu làm tổn hại đến thể chất và tinh thần của khách thể nghiên cứu và dẫn đến sự thành lập của các Hội đồng ĐĐNC trong các cơ quan có hoạt động nghiên cứu bao gồm cả các trường đại học. Mặc dù các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV có những quan điểm không ủng hộ yêu cầu rà soát ĐĐNC theo những trình chính thức của hội đồng ĐĐNC, tuy nhiên hiện nay nhìn chung hội đồng ĐĐNC là một thể chế không thể thiếu trong các cơ sở giáo dục đại học có nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV. Mô hình Hội đồng ĐĐNC trên thế giới ngày nay hết sức đa dạng với nhiều hình thức hoạt động khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn có sự cân nhắc đối với đặc thù đạo đức nghiên cứu của từng nhóm ngành.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về giáo dục, đặc biệt là trong giáo dục đại học, việc xây dựng và vận hành mô hình Hội đồng ĐĐNC trong các trường đại học ở Việt Nam là vô cùng cần thiết cả về thực tiễn nghiên cứu lẫn việc đáp ứng yêu cầu của các tạp chí chuyên ngành hàng đầu thế giới về tuân thủ đạo đức nghiên cứu tiệm cận với thực hành tiên tiến trên thế giới. Sự ra đời của Hội đồng ĐĐNC Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là một bước đi tiên phong trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay thể chế này mới chỉ bắt buộc có ở các cơ sở y tế và các cơ sở giáo dục – đào tạo phục vụ ngành y tế. Mô hình này vẫn đang trong giai đoạn hoạt động thí điểm, tuy nhiên những kinh nghiệm đúc rút ra từ quá trình hoạt động thực tế sẽ là những kinh nghiệm quý giá về lý luận cũng như thực tiễn hoạt động của hội đồng ĐĐNC trong bối cảnh một quốc gia thu nhập trung bình đang hội nhập vào nền giáo dục và các hoạt động nghiên cứu khoa học quốc tế. Trong tương lai cần có những nghiên cứu cụ thể từ quá trình hoạt động của Hội đồng ĐĐNC này để từ đó có những dữ liệu hữu ích để đề xuất cải tiến cũng như thể chế hóa mô hình này ở các cấp cao hơn.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số T2021-11

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐĐNC: Đạo đức nghiên cứu

IRB: Institutional Review Board

EU: Liên minh châu Âu

FP7: Khung nghiên cứu 7

KHXH&NV: Khoa học xã hội và Nhân văn

ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM: Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

AP: Associated Press

APA: Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ

AAA: Hiệp hội Nhân học Hoa Kỳ

ESRC: Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Vương quốc Anh

NHS: Hệ thống Y tế Quốc gia Anh

CUREC: Mô hình Hội đồng đạo đức nghiên cứu Đại học Oxford

MS IDREC: Y sinh học

OxTREC: dành cho các nghiên cứu thực hiện bên ngoài nước Anh hoặc EU

SSH IDREC: Hội đồng đạo đức nghiên cứu cơ sở KHXH&NV

DRECs: Hội đồng cấp khoa được SSH IDREC trao quyền tùy tình huống

NTU-IRB: Hội đồng đạo đức nghiên cứu Đại học Công nghệ Nanyang

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Châu Huy Ngọc: phân tích dữ liệu; thực hiện bản thảo;

Tác giả Trần Anh Tiến: chỉ đạo thực hiện; chỉnh sửa bản thảo; duyệt bản thảo cuối;

Tác giả Nguyễn Võ Đan Thanh: thu thập, xử lý dữ liệu, góp ý bản thảo.

Bài báo này là một trong những nỗ lực đầu tiên ở Việt Nam giới thiệu nguồn gốc ra đời của các nguyên tắc đạo đức nghiên cứu nhằm đảm bảo an toàn và các quyền lợi chính đáng của khách thể nghiên cứu con người, đồng thời trình bày một số mô hình Hội đồng ĐĐNC ở một số cơ sở giáo dục đại học trên thế giới và trình bày về trường họp Hội đồng ĐĐNC thành lập trong một cơ sở giáo dục đại học ngoài khối y – sinh học ở Việt Nam.

References

  1. MacKay CR. The evolution of the Institutional Review Board: A brief overview of its history. Clin Res Regul Aff. 1995;12(2):65-94. . ;:. Google Scholar
  2. Grady C. Institutional review boards: purpose and challenges. Chest. 2015;148(5):1148-55. . ;:. PubMed Google Scholar
  3. Spellecy R, Busse K. The history of human subjects research and rationale for Institutional Review Board oversight. Nutr Clin Pract. 2021;36(3):560-7. . ;:. PubMed Google Scholar
  4. European Commission. Ethics for researchers: facilitating research excellence in FP7. Brussels. Directorate General for Research and Innovation. . 2013;:. Google Scholar
  5. Susskind L, Vandergrift L. IRBs and the regulation of social science research. In: Greenwald RA, Ryan MK, Mulvihill JE, editors. Human subjects research: a handbook for institutional review boards. New York: Plenum Press; 1982. p. 207-17. . ;:. Google Scholar
  6. Cohen P. As ethics panels expand grip, no field is off limits. The New York Times; 2007, February 28. . ;:. Google Scholar
  7. Như B. Sự cần thiết của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu; 1/1/2019. Tia Sáng. Truy xuất từ. . ;:. Google Scholar
  8. SAGE. Ethics approval and informed consent statements; n.d. Editor guidelines. . ;:. Google Scholar
  9. Taylor & Francis. Editorial policies . Retrieved from Research Ethics; n.d. . ;:. Google Scholar
  10. Loue S. Textbook of research ethics: theory and practice. New York: Kluwer Academic Publishers; 2002. . ;:. Google Scholar
  11. Babbie E. Laud Humphreys and research ethics. Int J Sociol Soc Policy. 2004;24(3/4/5):12-9. . ;:. Google Scholar
  12. Evans ME. The legal background of the Institutional Review Board. In: Greenwald RA, Ryan MK, Mulvihill JE, editors. Human subjects research: A handbook for institutional review boards. New York: Springer New York; 1982. p. 19-28. . ;:. Google Scholar
  13. World Medical Association. Policy/current policies/WMA Declaration of Helsinki - ethical principles for medical research involving human subjects; 2018, July 18. Retrieved from World Medical Association [Website]. . ;:. Google Scholar
  14. Fisher CB, Anushko AE. Research ethics in social science. In: Alasuutari P, Bickman L, Brannen J, editors. The SAGE handbook of social research methods. Thousand Oaks: SAGE; 2008. p. 95-109. . ;:. PubMed Google Scholar
  15. Schrag ZM. The case against ethics review in the social sciences. Res Ethics. 2011;7(4):120-31. . ;:. Google Scholar
  16. Hedgecoe A. Research ethics review and the sociological research relationship. Sociology. 2008;42(5):873-86. . ;:. Google Scholar
  17. Hoonaard van den WC. Is research-ethics review a moral panic? Can Rev Sociol Rev Canadienne Sociol. 2001;38(1):19-36. . ;:. Google Scholar
  18. Nicholls SG, Brehaut J, Saginur R. Social science and ethics review: A question of practice not principle. Res Ethics. 2012;8(2):71-8. . ;:. Google Scholar
  19. Carniel J, Hickey A, Southey K, Brömdal A, Crowley-Cyr L, Eacersall D et al. The ethics review and the humanities and social sciences: disciplinary distinctions in ethics review processes. Res Ethics. 2023;19(2):139-56. . ;:. Google Scholar
  20. Oxford University. Research ethics; n.d. Oxford University Research Support. [retrieved Dec 10, 2021 from]. . ;:. Google Scholar
  21. The University of Chicago. Aura; n.d. The University of Chicago Website. [retrieved Dec 10, 2021 from]. . ;:. Google Scholar
  22. Nanyang Technological University. Research: research Intergrity & ethics: Institutional Review Board; n.d. Nanyang Technological University [Website]. [retrieved Dec 10, 2021 from]. . ;:. Google Scholar
  23. Thông tư 04/2020/TT-BYT; 2020. . ;:. Google Scholar
  24. Trường ĐH. GD, ĐHQGHN; n.d. Trường ĐH GD, ĐHQGHN: Tin Tức. [retrieved Aug 10, 2021 from] Trường ĐH GD, ĐHQGHN Website. . ;:. Google Scholar
  25. Mamotte N, Wassenaar D. Ethics review in a developing country: A survey of South African social scientists' experiences. J Empir Res Hum Res Ethics. 2009;4(4):69-78. . ;:. PubMed Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 1958-1968
Published: Jun 30, 2023
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.826

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Châu, N., Trần, T., & Thanh, N. V. Đan. (2023). Ethics Review Board in Social Sciences and Humanities: theoretical issues and the implementation model in University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 7(2), 1958-1968. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v7i2.826

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 909 times
PDF   = 317 times
XML   = 0 times
Total   = 317 times