VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

357

Total

160

Share

Supplement the information disorder identification framework






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The framework for identifying information disorders by Claire and Hossein based on two references: 'falness' and 'intent to harm' helps to distinguish three types of disinformation: misinformation, disinformation and malinformation. This framework mainly considers information disorder to be a problem of press news, but does not place it in the common vision of loss of control over the entire process of information production – information distribution – information consumption in the landscape of the modern information society. The article proposes to use a third reference to identify information disorder. It is reference 'spreading', an important agent that amplifies false information in the community, especially when it is combined with intent to harm. Whether information spreads on the information environment or not will determine the extent of its impact on the community. If not spread, it seems that information will become harmless even if it is malicious or false. The results of applying 3 references to identify information disorder help distinguish 8 types, including: Terrorist information, Menace information, Confusing information, Dormant information, Disaster information, High-risk information, Admitted information, Ignored information. Only some of these 8 types are capable of disrupting information.

Mở đầu

Sự phát triển vượt bậc của các phương tiện truyền thông mới đã đem đến những cơ hội tuyệt vời để mỗi cá nhân tham gia vào xã hội truyền thông với vai trò rất chủ động. Người dùng thông tin đồng thời cũng trở thành người sản xuất, người tái sản xuất, người phổ biến và người lan truyền thông tin. Với một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, mỗi cá nhân gần như được trang bị nguồn lực của một toà soạn báo chí, của một đài phát thanh, của một đài truyền hình, thậm chí còn hơn thế. Xuất bản ý kiến cá nhân, đưa thông tin như mình nhìn thấy hoặc như mình hình dung, bình luận về tin tức, biên tập lại một bản tin để tạo ra phiên bản mới, chia sẻ thông tin do mình tạo ra hay do mình đọc được với nhiều người khác để khuếch đại chúng trong cộng đồng, phản ứng lại một thông tin đã đăng bằng cách mở chủ đề thảo luận về nó và lôi kéo nhiều người vào cuộc tranh cãi kéo dài,… Tất cả những hành vi như thế của người dùng tin đều trở nên hết sức dễ dàng trên môi trường internet hiện nay.

Nhưng cũng chính sự thuận tiện đó tạo ra rắc rối lớn cho việc tổ chức và quản lý môi trường thông tin hiện nay. Khởi đầu là tin giả (fake news) – một vấn nạn mà báo chí phải đối mặt, nhất là từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tin giả chủ yếu được tạo ra bởi những cá nhân không quan tâm đến việc thu thập và tường thuật chính xác thông tin cho mọi người, mà là tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc lưu hành trên mạng xã hội những thông tin sai lệch bắt chước phong cách của tin tức báo chí. Allcott và Gentzkow (2017) định nghĩa tin giả “là những bài báo đưa tin sai sự thật có chủ đích và có thể kiểm chứng được, và có thể đánh lừa người đọc” 1 Tổng hợp của Tandoc và đồng sự (2017) cho thấy khái niệm tin giả “đề cập đến các bài đăng lan truyền dựa trên các tài khoản hư cấu được tạo ra để trông giống như tin tức báo chí”, liên quan đến các hiện tượng châm biếm (satire), nhại lại (parody), bịa đặt (fabrication), thao túng (manipulation), tuyên truyền (propaganda) và quảng cáo (advertising) 2 .

Không loại trừ trường hợp toà soạn báo chí mắc lỗi nghiệp vụ và vô tình phát hành tin tức sai lệch, nhưng phát hành tin giả không phải là mục đích của báo chí, và thông thường báo chí phải nhận lãnh trách nhiệm cải chính nếu đăng tin sai lệch. Cũng không loại trừ trường hợp, báo chí vì lao theo cuộc chạy đua về tốc độ đưa tin và cạnh tranh công chúng với truyền thông xã hội nên đã tự mình rời bỏ lập trường và tiêu chuẩn hành nghề báo chí chuyên nghiệp để tham gia vào “cuộc chơi” đưa tin tức thiếu trách nhiệm, tức là tham gia vào cuộc chơi tạo ra và phát tán tin giả. “Các tổ chức tin tức đáng tin cậy có khả năng phát tán tin tức sai lệch dưới dạng lỗi “tin nóng” và sự không chính xác sau đó được sửa chữa hoặc rút lại, nhưng lan truyền tin tức sai lệch không phải là chiến lược thu lợi nhuận của họ” 3 .

Tin giả lúc đầu chỉ được nhận biết như một vấn nạn đối với báo chí, nhưng dần dần “tiến hoá” rất nhanh và trở thành “vấn nạn” đối với môi trường thông tin. EJN (Ethical Journalism Network) định nghĩa tin giả (fake news) là thông tin cố tình bịa đặt và phát hành với mục đích lừa dối và đánh lạc hướng người khác để tin vào sự giả dối hoặc nghi ngờ sự thật. Tuy nhiên, thực tế tiến hóa tin giả trong đời sống truyền thông nhanh đến mức, bản thân khái niệm fake news trở nên lỗi thời. “Thuật ngữ Tin giả trở nên đa nghĩa” 3 . Sự phát triển bùng nổ của thông tin trên môi trường truyền thông số đã đặt giới nghiên cứu vào yêu cầu phải tìm kiếm một khái niệm khác bao quát hơn.

Các phương tiện truyền thông mới càng phát triển, sức mạnh của truyền thông xã hội (social media) càng được khuếch đại, thậm chí tới mức gây mất kiểm soát môi trường thông tin. Giờ đây, một tin tức nào đó được phát hành lên truyền thông xã hội thì số phận tiếp theo của mẩu tin ấy gần như không còn do người tạo ra nó quyết định, mà do những bên liên quan khác quyết định, tuỳ vào các tác động lan truyền và tái sản xuất với những mức độ khác nhau về ý định. Thật không may, số lượng các bên liên quan đến tin tức và quá trình sản xuất, phân phối tin tức đã được thêm vào khá nhiều kể từ khi truyền thông xã hội phát triển, khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Một tin tức gốc phát hành có thể tạo ra hàng loạt phiên bản tốt xấu tiếp theo và ảnh hưởng đến cộng đồng người dùng rất khó lường. Không hề dễ dàng đối với người dùng để nhận biết đâu là thông tin sai, thậm chí trong một số trường hợp, việc xác định đâu là thông tin đúng gần như là điều không thể. Trong không ít trường hợp, ngay cả khi báo chí tham gia vào việc vạch trần một tin giả nào đó thì cũng không chắc nó đã giúp công chúng điều chỉnh lại nhận thức của mình. Báo chí truyền thống vốn được xem là đại diện cho sự thật bỗng dưng bị “tước mất” vai trò xã hội rất đặc biệt đó, không đủ uy tín để xác nhận cái gì là sự thật hay không là sự thật. “Giải quyết tin tức giả mạo sẽ “đòi hỏi một sự thay đổi văn hóa về cách chúng ta hiểu thông tin, người mà chúng ta tin tưởng và cách chúng ta hiểu vai trò của chính mình trong việc vật lộn với thông tin” 4 .

Rối loạn thông tin (information disorder, viết tắt là RLTT) là khái niệm được Claire Wardle và Hossein Derakhshan (2017) đề xuất sử dụng để bao quát thực tiễn về các hiện tượng thông tin sai lệch phức tạp hơn nhiều so với hình dung ban đầu về tin giả 5 . Đề xuất của Claire Wardle và Hossein Derakhshan nhận diện RLTT dựa trên 2 tham chiếu: thông tin sai (falness) và ý định gây hại (intent to harm). Cách tiếp cận này giúp phân biệt 3 loại RLTT: misinformation (thông tin sai lệch), disinformation (thông tin xuyên tạc) và malinformation (thông tin độc hại).

Khung nhận diện RLTT dựa trên hai tham chiếu ‘falseness’ và ‘intent to harm’ phân biệt ba loại RLTT dựa trên hai tham chiếu như mô tả trong Figure 1 . Thông tin sai lệch (misinformation) là thông tin sai, nhưng không được tạo ra với mục đích gây hại. Ngược lại, thông tin xuyên tạc (disinformation) là thông tin sai và cố tình tạo ra để gây hại cho một người, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia. Sự phân biệt giữa misinformation và disinformation đã được nhận biết từ cuối thập niên 80 thế kỷ XX. Claire Wardle và Hossein Derakhshan đề xuất thêm nhóm thứ ba là thông tin độc hại (malinformation) để chỉ những thông tin có dựa trên thực tế (tức không phải là thông tin sai), nhưng được sử dụng với ý đồ gây hại cho cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia 5 .

Bên dưới ba loại RLTT nói trên, Claire Wardle và Hossein Derakhshan liệt kê các kiểu loại nhỏ hơn là: (1) Satire and Parody (châm biếm và giễu nhại), (2) False Connection (kết nối sai), (3) Misleading Content (nội dung gây hiểu lầm), (4) False Context (bối cảnh sai), (5) Impostor Content (nội dung mạo danh), (6) Manipulated Content (nội dung bị thao túng/can thiệp) và (7) Fabricated Content (nội dung bịa đặt/nguỵ tạo) 5 .

Figure 1 . Khung nhận diện RLTT dựa trên hai tham chiếu của Claire Wardle và Hossein Derakhshan (2017) 5

Figure 1 
<a class=5" width="300" height="200">

[Download figure]

Trong khung nhận diện RLTT của Claire Wardle và Hossein Derakhshan 5 , mối liên hệ logic giữa 3 loại RLTT và các tiểu loại không thật sự mạch lạc. Chẳng hạn, một tiểu loại như “liên kết sai” (false connection) có thể là thông tin xuyên tạc (disinformation) chứ không đơn giản là thông tin sai lệch (misinformation) vì người viết hoàn toàn có thể có chủ ý gây hại, cố tình sử dụng một tít bài hay hình ảnh minh hoạ không liên kết đúng với bài viết. Điều này đang trở nên khá phổ biến trong nghề báo hiện nay, khi mà không ít phóng viên hoặc biên tập viên báo chí cố tình giật tít bài viết để câu like, câu view nhưng gây tổn hại cho cá nhân hoặc đơn vị được nhắc đến trong bài viết. Một tít bài như “Thuỷ điện Quảng Trị xả lũ nhấn chìm hàng nghìn nhà dân” gần như làm người đọc hiểu sai hoàn toàn về những thông tin trong bài viết và khiến cho doanh nghiệp liên quan phải đối mặt với một yêu cầu xử lý khủng hoảng truyền thông khá phức tạp. Tương tự, “bối cảnh sai” (false context) không nhất thiết lúc nào cũng là thông tin xuyên tạc (disinformation) mà có thể là thông tin sai lệch (misinformation) khi người nhắc đến nó hoàn toàn không cố ý gây hại cho ai, chỉ đơn giản là họ không đủ am hiểu thông tin. Khung nhận diện RLTT của Claire Wardle và Hossein Derakhshan đưa các hiện tượng như châm biếm (satire), giễu nhại (parody) vào 1 trong 7 hiện tượng rối loạn thông tin và xếp vào nhóm thông tin độc hại (malinformation) là không thật sự thoả đáng. Những hiện tượng này, vốn đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống thông tin khi mà nhân loại còn chưa nhắc gì đến vấn đề tin giả hay RLTT. Điều này có liên quan đến “tính đánh dấu” (markedness) trong quá trình lập mã và giải mã ngôn ngữ. Tính đánh dấu ở đây được hiểu là sự khác biệt lưỡng phân liên quan đến khả năng có hay không có thuộc tính x của một cặp đối lập: có thuộc tính x – có đánh dấu (marked) và không có thuộc tính x – không đánh dấu (unmarked). Những thông tin nói dối trong ngày đầu tháng Tư được “đánh dấu” bằng một tập tục văn hoá “ngày Cá Tháng Tư”, báo hiệu cho người tiếp nhận rằng đó chỉ là trò đùa và lời nói dối trong ngày đó được “miễn trừ trách nhiệm” đạo đức và pháp lý liên quan. Các hiện tượng như châm biếm, giễu nhại trên thực tế đều là những hiện tượng ngôn ngữ “được đánh dấu” (marked), tức là chúng thường được báo trước bằng các dấu hiệu nhận biết để người nghe/đọc nhận ra sự cố tình diễn đạt ý định, mục đích hay động cơ của người nói/viết và những thông điệp người nói/viết muốn chuyển tải tới người nghe/đọc thông qua hình ảnh hoặc cách nói châm biếm, chế nhạo. Không loại trừ một số trường hợp châm biếm, giễu nhại vì lý do nào đó bị hiểu nhầm, nhưng cũng không thể vì thế mà xếp các trường hợp châm biếm, giễu nhại vào nhóm thông tin độc hại.

Cách tiếp cận của Claire Wardle và Hossein Derakhshan xem xét vấn đề RLTT trong góc nhìn của quy trình sản xuất và phân phối tin tức. Hai tham chiếu ‘thông tin sai’ và ‘ý định gây hại’ vẫn kế thừa các tiếp cận trước đó về tin giả, tức là chủ yếu xem xét vấn đề trong mối liên hệ với bản thân tin tức (thông tin sai) và với người tham gia vào quá trình sản xuất tin tức (có ý định gây hại). Đó là hệ quả tất yếu của việc xem RLTT là một vấn đề về tin tức, vấn đề đối với nghề báo. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội thúc đẩy quá trình lan truyền thông tin sai lệch trong cộng đồng và khuếch đại chúng đến mức gần như vô hạn. Thực tế này đẩy vấn đề RLTT đến một góc độ mới rộng hơn: RLTT không còn đơn giản là vấn đề của tin tức, của báo chí mà trở thành một vấn đề chung của xã hội thông tin, bị chi phối mạnh mẽ bởi quá trình lan truyền và khuếch đại thông tin không giới hạn trong công chúng và bởi công chúng.

RLTT trở thành thuộc tính của hệ sinh thái thông tin đương đại, nơi mà công chúng với tư cách là người tiêu thụ thông tin nhưng lại được trang bị nhiều điều kiện và nhiều cơ hội dễ dàng để tham gia ngược trở lại vào quá trình sản xuất và phân phối thông tin. Thậm chí, công chúng trở thành nguồn tái sản xuất thông tin và tác động gây hiệu ứng lan truyền, khuếch đại thông tin trên môi trường truyền thông xã hội, tái cấu trúc lại quyền lực truyền thông. Đây là lý do để người viết đề xuất một bổ khuyết cần thiết cho khung logic về RLTT của Claire Wardle và Hossein Derakhshan. Bổ khuyết này đưa thêm một tham chiếu thứ ba là ‘spreading’ (lan truyền) bên cạnh hai tham chiếu ‘falseness’ và ‘intent to harm’ giúp hình dung bao quát hơn về RLTT như một vấn đề chung của hệ sinh thái thông tin đương đại.

Hai tham chiếu ‘falseness’ và ‘intent to harm’ tuy đã giúp dẫn dắt nhận thức của chúng ta vượt lên giới hạn của khái niệm ‘fake news’ để chuyển sang khái niệm bao quát hơn là khái niệm ‘information disorder’, nhưng hai tham chiếu này dường như vẫn chưa đủ hiệu lực để hình dung hết bản chất của vấn đề này.

Phương pháp nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu trình bày trong bài báo này được thực hiện dựa trên hai bước phân tích:

  • Bước 1: Phân tích cải biến khung nhận diện RLTT dựa trên 2 tham chiếu của Claire Warrdle và Hossein Dserakhshan (2017) để đề xuất bổ sung tham chiếu thứ ba. Công việc này thực hiện dựa trên phương pháp phân tích lý thuyết (theory analysis) do Walker và Avant đề xướng (2011).

  • Bước 2: Đối chiếu với tư liệu thực tế về RLTT thu thập được, phân tích và tổng hợp nguồn tư liệu về tin giả và các hiện tượng RLTT khác nhau trên môi trường tin tức báo chí trực tuyến, thông tin trên các mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam như Facebook, Youtube, TikTok để kiểm chứng khung nhận diện RLTT dựa trên ba tham chiếu đã đề xuất ở bước 1.

Phân tích cải biến khung nhận diện RLTT của Claire Wardle và Hossein Dserakhshan

Như đã nói, ban đầu fake news được hiểu thuần tuý như một vấn đề về tin tức sai, hàm ý “giả mạo báo chí” 5 . Sự “tiến hoá” của fake news đã dẫn đến thực tế mới về RLTT với độ phức tạp cao hơn, vượt ra khỏi phạm vi của loại tin tức giả mạo báo chí. Giờ đến lượt khái niệm ‘rối loạn thông tin’ cũng cần được bổ khuyết để có hiệu lực mô tả RLTT chính xác hơn. Trong bức tranh RLTT với các thể loại cụ thể mà Claire và Hossein đề xuất, một vài thể loại cho thấy có những thông tin không nhất thiết phải sai thì mới gây rắc rối cho người dùng, cho xã hội. Chẳng hạn, nói theo Claire và Hossein, thể loại thứ tư (false context) cho thấy “Thông tin không nhất thiết là sai để gây hiểu lầm. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao thuật ngữ ‘fake news’ là vô ích” 5 .

Vấn nạn RLTT cần được nhìn nhận như một vấn đề chung của xã hội thông tin, chứ không nên chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận nó như một vấn đề về sản xuất và phân phối thông tin/tin tức, càng không chỉ là vấn đề riêng của báo chí hay của người tiêu thụ tin tức. Đến nay, RLTT cần phải được thừa nhận là một tất yếu không thể tránh khỏi của tình trạng mất kiểm soát không chỉ trong khâu sản xuất thông tin mà còn trong khâu lan truyền/phát tán và tiêu thụ thông tin. Tạo ra một tin sai không phải chuyện gì mới mẻ trong đời sống nhân loại. Tạo ra hoặc đưa tin với ý đồ và động cơ sai trái cũng không phải chuyện gần đây mới có. Chính các hỗ trợ kỹ thuật số trên nền tảng internet đã tạo điều kiện lan truyền thông tin vượt quá giới hạn cần thiết và dẫn đến tình trạng mất kiểm soát trên toàn bộ chuỗi sản xuất – phân phối – tiêu thụ thông tin.

RLTT cần được định nghĩa một cách bao quát hơn, không nên chỉ vượt thoát khỏi khái niệm ‘fake news’ ban đầu, mà còn nên được xem xét như một tình trạng mất kiếm soát do các áp lực lan truyền thái quá trên môi trường thông tin hiện nay. Đó là tình trạng mất kiểm soát đối với giá trị và tác động của thông tin mà tất cả các bên liên quan đến quá trình sản xuất – phân phối – tiêu thụ thông tin đều phải đối mặt.

Yếu tố ‘spreading’ (lan truyền) chính là một tác nhân quan trọng khuếch đại các thông tin sai (false) trong cộng đồng, nhất là khi nó cộng hưởng với ý định gây hại (intent to harm) của chủ thể liên quan. Thậm chí, quá trình lan truyền và khuyếch đại quá mức một thông tin đúng trên internet cũng có thể dẫn đến nguy cơ thứ cấp là thông tin đúng đó bị “biến dạng” thành thông tin sai do chịu các tác động tái sản xuất liên tục trên mạng kiểu “tam sao thất bản”. Chẳng hạn, một thông tin về “nhà máy thuỷ điện xả lũ” trong thời điểm mưa lũ cực đoan sau khi được lan truyền và khuếch đại đã nhận các tác động từ cảm xúc công chúng để biến thành thông tin “nhà máy thuỷ điện xả lũ nhấn chìm hàng nghìn nhà dân”.

Điều trớ trêu là RLTT đã tạo ra thứ chủ nghĩa hoài nghi hết sức nguy hiểm khiến cho thông tin đúng nhưng có thể không được tin tưởng và bị xem là thông tin sai. “Nghĩ rằng tin thật là giả cũng có thể gây hại như tin vào tin giả vì nó vẫn tác động đến thái độ và hành động của con người” [ 6 , tr.22]. Công chúng, vì thế, có thể rời bỏ quá trình truy cập vào những nguồn tin tức quan trọng, trong đó có tin tức báo chí, và cũng vì thế mà họ dễ dàng trở thành “mồi ngon” cho các luồng thông tin sai trái, độc hại. “Là người tiêu dùng cuối cùng, rất ít người dùng phương tiện truyền thông nhận thức sâu sắc về các quy trình tương đối phức tạp liên quan đến việc sản xuất tin tức” 7 . Một vài tác giả nghiên cứu về tâm lý học, chẳng hạn như Nirmal Kandel (2020), còn nhận diện “hội chứng rối loạn thông tin” (information disorder syndrome) như một bệnh lý về tâm lý xã hội. “Bất kỳ ai phát triển, chia sẻ hoặc một phần hoặc toàn bộ thông tin sai lệch, thông tin sai lệch hoặc thông tin sai lệch đều đang mắc hội chứng rối loạn thông tin” 8 .

Theo quan điểm của người viết, khung nhận diện RLTT không thể bỏ qua một tham chiếu quan trọng như ‘spreading’ (lan truyền) để giúp nhận biết bao quát hơn những thông tin thật sự gây tác động rối loạn cho môi trường thông tin. Không hẳn cứ thông tin sai kèm với ý định gây hại của chủ thể tạo ra nó thì sẽ mặc nhiên gây RLTT. Nếu không tạo được hiệu ứng lan truyền thì một vụ bịa đặt “thần thánh” với ý đồ gây hại rõ ràng cho ai đó cũng sẽ “chết yểu” chứ không chắc sẽ có cơ hội gây RLTT. Khảo sát nhiều trường hợp cụ thể trong thực tế đời sống thông tin internet ở Việt Nam cho thấy có không ít trường hợp doanh nghiệp đối mặt với một tin sai được cố tình đăng để gây áp lực tấn công doanh nghiệp, nhưng vì bản tin không tạo ra được hiệu ứng lan truyền nào nên hầu như không gây ra tác động gì đáng kể. Thực tế, tin giả hay những trường hợp RLTT khác như châm biếm, giễu nhại, rò rỉ,… đã có từ lâu trong đời sống truyền thông. Vấn đề chỉ thật sự nghiêm trọng do tác nhân ‘spreading’ tạo ra làn sóng khuếch đại các hiện tượng này, nhất là trên truyền thông xã hội.

Khác biệt về mức độ ‘spreading’ trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như:

  • Uy tín của kênh đăng tải hoặc của kênh đăng lại;

  • Độ nổi tiếng, độ ảnh hưởng của người đăng thông tin;

  • Độ nổi tiếng của nhân vật trong câu chuyện được đăng;

  • Độ hấp dẫn của câu chuyện, đặc biệt là mức độ “cảm xúc” của câu chuyện (ví dụ: những chuyện bị xem là drama (kịch tính), “biến căng”, những chuyện gắn với nhân vật nổi tiếng, những chuyện gây bức xúc,…);

  • Mức độ và tốc độ tham gia kiểm chứng đối với thông tin lan truyền. Một thông tin sai được kiểm chứng sớm có thể sẽ giúp ngắt mạch lan truyền, làm giảm “cảm hứng” lan truyền.

Tư liệu thực tế về tin giả và RLTT được chọn để quan sát

Để có cơ sở khách quan xây dựng cũng như kiểm chứng đối với khung nhận diện RLTT dựa trên ba tham chiếu nói trên, nghiên cứu này thực hiện quan sát, phân tích và tổng hợp nguồn tư liệu về tin giả và các hiện tượng RLTT khác nhau trên môi trường tin tức báo chí trực tuyến, thông tin trên các mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam như Facebook, Youtube, TikTok trong phạm vi thời gian khoảng 6 năm trở lại đây (từ 2016). Các trường hợp được chọn quan sát thoả một hoặc đồng thời các tiêu chí:

  • Những thông tin liên quan đến một vụ việc bê bối/lùm xùm/, vụ việc gây hiểu lầm/tranh cãi nào đó nổi bật trên môi trường truyền thông liên quan đến cá nhân, tổ chức. Ví dụ: vụ cải cách chữ viết tiếng Việt theo đề xuất của ông Bùi Hiền, vụ nghệ sĩ ưu tú Đức Hải văng tục trên Facebook, vụ liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (2020-2021),…

  • Những trường hợp tin giả được xác định trên trang web chống tin giả của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) quản lý (http://tingia.gov.vn).

  • Những thông tin liên quan đến một chủ đề thời sự nổi bật có sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Ví dụ: các thông tin về bão lụt miền Trung, đại dịch Covid-19,…

  • Những trường hợp tin giả và hiện tượng RLTT liên quan đến các doanh nghiệp lớn được chính doanh nghiệp phát hiện và xác nhận. Ví dụ: các tin giả và các đợt khủng hoảng truyền thông do tác động của tin giả liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng ACB,…

  • Những trường hợp tin giả và hiện tượng RLTT liên quan đến giới ngôi sao, người nổi tiếng.

  • Những trường hợp ban hành chính sách gây tranh cãi hoặc kích hoạt phản ứng gay gắt của cộng đồng như vụ Cục Nghệ thuật biểu diễn năm 2017 ra văn bản cấm lưu hành các ca khúc sáng tác trước năm 1975, vụ tăng giá điện năm 2018, vụ đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại (2019),…

  • Những trường hợp kích hoạt sự chú ý của cộng đồng mạng (thường gọi là những trường hợp làm cộng đồng mạng “dậy sóng”). Ví dụ: bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam, bài thơ đặc biệt về dịch Covid-19 “Đất nước ở trong tim” của cô giáo Chu Ngọc Thanh, vụ bé Vân An bị mẹ kế bạo hành,…

Với mỗi trường hợp thực tế, các kiểm chứng về giá trị thông tin (đúng/sai), về ý định gây hại (intent to harm) và về mức độ lan truyền (spreading) đều được thực hiện. Để xác nhận thông tin trong trường hợp chọn khảo sát là đúng hay sai và ý định của chủ thể là gì, chúng tôi dựa vào các nguồn xác nhận khách quan đã được công bố chính thức thông qua cơ quan điều tra của chính quyền, thông qua báo chí chính danh hoặc thông qua các bộ lọc chính thức do chính quyền tổ chức như trang web Xử lý tin giả Việt Nam. Về mức độ lan truyền, chúng tôi dựa vào các số liệu thống kê thu thập thông qua các công cụ như Google Trends, kết quả tìm kiếm Google, số lượt like, lượt view, lượt comment của các trường hợp chọn quan sát.

Kết quả nghiên cứu

Figure 2 trình bày khung nhận diện RLTT dựa trên ba tham chiếu, trong đó có 2 tham chiếu kế thừa từ khung nhận diện của Claire Wardle và Hossein Derakhshan (falseness, intent to harm) 5 và tham chiếu thứ ba (‘spreading’) do người viết đề xuất. Tham chiếu ‘falseness’ và tham chiếu ‘intent to harm’ phân biệt 2 giá trị Yes/No. Tham chiếu ‘spreading’ phân biệt hai giá trị High/Low (Cao/Thấp). Giá trị Low được hiểu là có lan truyền nhưng không đáng kể.

Khung nhận diện ở Figure 2 cho thấy có 4 nhóm với 8 loại thông tin cần được phân biệt cụ thể.

Figure 2 . Khung nhận diện RLTT dựa trên ba tham chiếu (nguồn: cải biến từ 5 )

- Nhóm Disinformation (Thông tin xuyên tạc) là thông tin sai có chủ ý gây hại, và tuỳ theo mức độ lan truyền để phân biệt 2 loại:

  • Terrorist information (Thông tin khủng bố ): Những thông tin sai có chủ ý gây hại và lan truyền ở mức độ cao sẽ gây ra nhiều tác động “sát thương” đối với các nạn nhân liên quan. Thậm chí, trong thực tế hiện nay, loại thông tin này được “vũ khí hóa” (weaponize) để phục vụ cho mục đích tấn công đối phương trên mặt trận thông tin. Một ví dụ tiêu biểu cho loại thông tin này có thể kể đến trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng cố tình tung các thông tin chưa được kiểm chứng hoặc không đúng sự thật về nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện, xâm hại nghiêm trọng đến danh dự và quyền lợi hợp pháp của không ít nghệ sĩ.

  • Menace information (Thông tin hăm doạ ): Những thông tin sai có chủ ý gây hại tuy chưa được lan truyền nhiều nhưng có thể tạo ra áp lực hăm doạ đối với các nạn nhân liên quan. Trong thực tế, không loại trừ cả trường hợp một số nhà báo thiếu đạo đức nghề nghiệp cố tình đăng tin tức không đúng sự thật về doanh nghiệp trên một kênh báo chí ít người quan tâm và sau đó dùng những tin tức này tiếp tục gây áp lực để hăm doạ tống tiền doanh nghiệp.

- Nhóm Misinformation (Thông tin sai lệch ) là thông tin sai nhưng không có chủ ý gây hại, có thể chỉ do mắc lỗi, và tuỳ theo mức độ lan truyền để phân biệt 2 loại:

  • Confusing information (Thông tin gây nhầm lẫn ): Thông tin sai không cố ý gây hại nhưng do lan truyền mạnh nên sẽ gây nhầm lẫn cho công chúng. Chẳng hạn, nhiều người đăng những thông tin không có cơ sở về việc dùng các mẹo hoặc bài thuốc dân gian để chữa trị Covid-19 có thể không có ý xấu, thậm chí là có ý tốt muốn giúp đỡ cộng đồng, nhưng những thông tin đó gây nhiễu đáng kể cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

  • Dormant information (Thông tin bất hoạt ): Đây là dạng thông tin sai nhưng không cố ý gây hại và ít lan truyền nên giống như tình trạng virus bất hoạt, tức là dù hiện hữu nhưng hầu như không ra tác hại gì đáng kể. Liên quan đến loại này có thể kể đến trường hợp tin sai sau khi đăng được đính chính hoặc được gỡ bỏ kịp thời nên không kịp lan truyền. Điều này gợi ý cho việc xây dựng giải pháp phòng ngừa RLTT.

- Nhóm Malinformation (Thông tin độc hại ) là thông tin không sai nhưng được khai thác với chủ ý gây hại và tuỳ theo mức độ lan truyền mà phân biệt thành 2 loại:

  • Disaster information (Thông tin gây tai biến ): Sự lan truyền mạnh những thông tin thuộc nhóm độc hại sẽ khuếch đại tác động của những thông tin này và biến chúng thành “tai biến thông tin” đối với chủ thể liên quan. Bởi vì, dựa vào đặc điểm “không sai” hoặc “có cơ sở thực tế”, những thông tin kiểu này sẽ được khai thác có chủ ý, thường là ác ý, để tạo ra tác động tiêu cực đến công chúng. Chẳng hạn như, dựa vào một trường hợp “nói hớ” nào đó của một nhân vật quan trọng/nổi tiếng nào đó, kẻ có chủ ý gây hại sẽ tạo ra một đợt “dậy sóng” trên mạng xã hội bằng cách suy diễn, bình luận tiêu cực, hoặc giễu nhại ác ý. Tiêu biểu như trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM Phan Thị Hồng Xuân nói hớ liên quan đến chuyện “giải pháp dùng lu chống ngập” (7/2019). Chuyện một phó chủ tịch phường ở Nha Trang phát ngôn “bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu” (9/2021) trong thời gian chống dịch cũng thuộc nhóm này. Tác động của loại thông tin này đến các đối tượng liên quan thường là rất nghiêm trọng, và hậu quả cũng sẽ nặng nề.

  • High-risk information (Thông tin dễ rủi ro ). Thuật ngữ “high-risk” được sử dụng để ám chỉ loại thông tin tuy có cơ sở thực tế, bị ai đó khai thác với ác ý nhưng lại chưa có cơ hội lan truyền đến mức gây “tai biến thông tin” cho chủ thể liên quan. Ví dụ, có không ít trường hợp có người tung thông tin bất lợi về người khác lên mạng xã hội, nhưng trang mạng họ sử dụng là trang ít tương tác nên không được nhận biết nhiều. Loại thông tin này cần được giám sát rủi ro để tránh diễn biến xấu hơn. Chẳng hạn, nếu một thông tin đang ở trạng thái thông tin dễ rủi ro vì chỉ xuất hiện ở một trang web ít được biết đến, nhưng sau đó bị một vài trang web nổi tiếng hơn đăng lại thì tình hình có thể khác, thông tin dễ rủi ro sẽ chuyển trạng thái thành thông tin gây tai biến .

- Nhóm còn lại là nhóm Clean Information (Thông tin sạch ), hiểu theo nghĩa là thông tin thông thường: thông tin đúng, không gắn với chủ ý gây hại. Nhóm này gồm 2 loại:

  • Admitted information (Thông tin được thừa nhận ): Chuyện đúng được đưa tin, được tường thuật một cách khách quan, và được lan truyền rộng chính là loại thông tin mà báo giới hay công chúng đều mong đợi. Đây có thể xem là loại thông tin lý tưởng, thông tin đáng tin cậy vì giá trị chân thực của thông tin, sự khách quan của chủ thể sản xuất/đưa tin và được phân phối/lan truyền rộng rãi đến công chúng. Các tin tức, phóng sự có giá trị của báo chí thuộc nhóm thông tin này.

  • Ignored information (Thông tin bị bỏ qua ): Thông tin đúng, không gắn với chủ ý gây hại nhưng không được lan truyền nhiều, không được công chúng biết đến thì trên thực tế coi như bị bỏ qua trong đời sống thông tin hiện đại. Chẳng hạn, thông tin đúng được tạo ra với mục tiêu cân bằng nhận thức cho cộng đồng nhưng lại đăng lên những kênh không có sức mạnh lan toả nên hầu như không có tác dụng gì. Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều chương trình thông tin đúng đắn nhắm đến những mục tiêu hữu ích nhưng lại không đạt được mức độ lan truyền cần thiết nên gần như không đạt được kết quả tác động mong muốn. Trong nỗ lực điều chỉnh tình trạng RLTT thì loại thông tin bị bỏ qua này xét cho cùng là lãng phí.

Cách gọi tên 8 loại thông tin trong Figure 2 dựa trên cùng trục quy chiếu là mức độ tác động của các loại thông tin này đến môi trường thông tin.

Thảo luận và kết luận

Về tham chiếu ‘falseness’, trên thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định thông tin là đúng hay sai. Từ góc độ truyền thông, thông tin được xem là đúng trên môi trường truyền thông phải được hiểu là: “thông tin khớp với một thực tế hoặc một sự việc có thật đã được kiểm chứng đầy đủ ”. Theo đó, câu hỏi được đặt ra là một thông tin có thật nhưng chưa kiểm chứng hoặc thậm chí không thể kiểm chứng được ở thời điểm nó được đăng tải/phát hành thì nên xem là thông tin đúng hay sai? Thực tế cho thấy, đến nay, loại thông tin “chưa kịp kiểm chứng” hoặc “không thể kiểm chứng ngay” trở nên ngày càng nhiều trong đời sống thông tin. Vấn đề là báo chí truyền thống chuyên nghiệp sẽ không cho phép đăng những thông tin kiểu này. Nhưng kể từ khi truyền thông xã hội phát triển thì tình hình có khác. Những thông tin kiểu này được tung lên mạng xã hội một cách dễ dàng, và thậm chí báo chí cũng rời bỏ lập trường đạo đức nghề nghiêp và tính chuyên nghiệp của mình để tham gia “cuộc chơi” đăng tin chưa kịp kiểm chứng. Báo chí “tự cứu rỗi” mình khi đăng tin chưa kịp kiểm chứng bằng giải pháp “đánh dấu”, nói rõ với công chúng rằng đây là thông tin chưa kiểm chứng. Nhưng như thế cũng có nghĩa là, báo chí rời bỏ tiêu chuẩn “kiểm chứng” để chuyển sang một tiêu chuẩn mới là “minh bạch” – một lựa chọn tình thế về cách thức giải trình của báo chí với xã hội 9 . Nói cho cùng, việc đăng tải một thông tin chưa kiểm chứng đầy đủ thì tại thời điểm đăng tải, nó phải bị xem là thông tin sai ngay tại thời điểm đó, dù có thể vài năm sau nó được chứng minh là đúng sau khi kiểm chứng đầy đủ.

Phân tích như vậy để thấy, nhận diện rối loạn thông tin là một vấn đề đòi hỏi kiểu tư duy chẩn thuật (heuricstic) với những chẩn đoán phức tạp nhiều hơn là kiểu tư duy giải thuật (algorithm) quá rạch ròi về logic.

Cần tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hoá hơn nữa mỗi tham chiếu trong khung nhận diện RLTT bằng cách sử dụng các tham chiếu thứ cấp để bóc tách những tiểu loại nhỏ hơn. Chẳng hạn, thông tin SAI trên thực tế cần được bóc tách thành những kiểu khác nhau, phản ánh một phổ khá dài các trạng thái sai khác nhau của thông tin từ mức “chưa kiểm chứng được đúng hay sai” tới mức “hoàn toàn sai” (tức là bịa đặt).

Thông tin chưa kiểm chứng được Thông tin thiếu chính xác Thông tin lắp ghép Thông tin suy diễn Thông tin bịa đặt

Trong phổ SAI nêu trên, thông tin chưa kiểm chứng là thông tin ngay cả khi nó đúng trong thực tế nhưng chưa thể nói là đúng ở thời điểm đưa tin. Thông tin thiếu chính xác là thông tin có mức độ SAI nhẹ, có thể trong nội dung bản tin có những chi tiết (ví dụ số liệu) không chính xác, nhưng không gây ảnh hưởng làm sai lệch bản chất của tin tức đó. Thông tin lắp ghép là thông tin được tổ chức phối ghép nhiều thông tin có thể đều là có thật, nhưng việc phối ghép nhiều thông tin có thật với nhau không hẳn sẽ cung cấp một sự thật. Thậm chí, việc lắp ghép các thông tin có thật với nhau thường tạo ra một lượng siêu ngữ nghĩa gây ra hiểu nhầm hoặc tranh cãi. Chẳng hạn, việc lắp ghép một bức ảnh người phụ nữ ngồi trên mái nhà tranh chờ cứu hộ giữa khung cảnh ngập lụt được ghép bên cạnh một bức ảnh đại hội đảng của địa phương đó có thể gây ra một lượng siêu ngữ nghĩa đầy kích động về cảm xúc. Thông tin suy diễn là thông tin phái sinh từ một thông tin gốc có thật nhưng không dựa vào dữ kiện thực tế mà dựa vào logic lập luận để đưa ra thông tin tiếp theo hầu như không có cơ sở thực tế nào để xác nhận là đúng. Thông tin bịa đặt là thông tin hoàn toàn không có cơ sở thực tế, chỉ là sản phẩm của hư cấu của người tạo lập ra nó.

Đề xuất sử dụng thêm tham chiếu thứ ba (spreading) để bổ khuyết khung nhận diện RLTT dựa trên hai tham chiếu (falseness, intent to harm) của Claire Wardle và Hossein Derakhshan có thể giúp nhìn nhận các hiện tượng RLTT trên ba phương diện:

  • Phương diện giá trị thông tin: thông tin là đúng hay sai, có hay không có cơ sở thực tế (base-on reality).

  • Phương diện chủ thể tạo tin hay truyền tin: thông tin được tạo ra hay được chia sẻ/lan truyền với động cơ gì, thường được quy về các phân lập đạo đức kiểu tốt/xấu, vô tư khách quan/cố tình gây hại.

  • Phương diện truyền thông: thông tin có được phát tán, lan truyền mạnh trên môi trường thông tin hay không sẽ quyết định tác động gây RLTT của nó. Trên thực tế, truyền thông xã hội phát triển bùng nổ dường như cũng tạo ra thách thức đối với chính nó. Nghĩa là, một thông tin có thể dễ dàng được tạo ra và được chia sẻ trên truyền thông xã hội nhưng cũng chính thông tin ấy phải chấp nhận cạnh tranh với hàng tỷ thông tin đang tạo ra liên tục có thể “chôn vùi” chính nó dưới “đáy sâu” của “biển cả” thông tin. Không được lan truyền thì dường như thông tin sẽ trở nên vô hại ngay cả khi nó độc hại hoặc sai trái. Một liên tưởng: không phải loại virus gây bệnh nào cũng có thể gây ra dịch nếu nó không có đặc tính lây nhiễm diện rộng.

Khung nhận diện RLTT dựa trên 3 tham chiếu có thể gợi ý nhiều hơn về chiến lược cũng như chiến thuật phòng chống RLTT. Theo đó, tập trung vào việc xây dựng các giải pháp hạn chế, kiểm soát yếu tố ‘lan truyền’ mạnh nên được xem là cách phản ứng phù hợp với tính chất của xã hội truyền thông và cần được ưu tiên lựa chọn. Khi mà việc xác định thông tin đúng/sai hay gây hại/không gây hại trở nên quá phức tạp, thì cách tốt nhất là nhận biết các kiểu loại RLTT có dấu hiệu lan truyền mạnh để kiểm soát, hạn chế kịp thời và hiệu quả tác động tiêu cực của chúng. Đến nay có thể tổng hợp ba hướng giải pháp chiến lược để tác động vào quá trình lan truyền mạnh các thông tin gây rối loạn: một là giải pháp công nghệ, hai là giải pháp tăng cường năng lực truyền thông cho công chúng (media literacy), và ba là can thiệp trực tiếp từ chính quyền 8 .

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số B2021-18b-01.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

RLTT : Rối loạn thông tin (information disorder)

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Để thực hiện nghiên cứu này, tác giả đã tự mình thu thập các tư liệu về tin giả và các hiện tượng rối loạn thông tin trong môi trường thông tin internet ở Việt Nam, phân nhóm các tư liệu này để tìm hiểu những đặc điểm tương đồng và dị biệt giữa chúng. Tác giả cũng là người duy nhất (và có thể là người đầu tiên ở Việt Nam hiện nay) xem xét lại khung nhận diện rối loạn thông tin do Claire và Hossein đề xuất để bổ khuyết, đưa thêm tham chiếu “spreading” (lan truyền) vào khung nhận diện và dựa vào đó phân xuất thành 3 loại với 8 kiểu cụ thể.

References

  1. Allcott H, Gentzkow M. Social media and fake news in the 2016 election. J Econ Perspect. 2017;31(2):211-36. . ;:. Google Scholar
  2. Tandoc EC Jr., Lim ZW, Ling R. Defining "fake news",. Digit Journalism. 2018;6(2):137-53. . ;:. Google Scholar
  3. Zimdars M, McLeod K. Fake news: understanding media and misinformation in the digital age. Cambridge, MA: The MIT Press; 2020. . ;:. Google Scholar
  4. Boyd Danah. Did media literacy backfire?; 2017. Points (Blog), Data and Society [cited Jan 5, 2017]. . ;:. Google Scholar
  5. Wardle C, Derakhshan H. Information disorder: toward an interdisciplinary framework for research and policy making. Strasbourg: Council of Europe. Truy xuất từ; 2017. . ;:. Google Scholar
  6. Farmer LSJ. Fake news in context. London: Routledge; 2021. . ;:. Google Scholar
  7. Jolly J. News Literacy vs. media Literacy. Columbia Journalism Rev. 2014. . ;:. Google Scholar
  8. Kandel N. Information disorder syndrome and its management. JNMA J Nepal Med Assoc. 2020;58(224):280-5. Published online. . ;:. PubMed Google Scholar
  9. Bossio D. Journalism and social media - practitioners, organisations and institutions. London: Palgrave Macmillan; 2017. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 4 (2022)
Page No.: 1777-1786
Published: Feb 10, 2023
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i4.788

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thông, H. (2023). Supplement the information disorder identification framework. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(4), 1777-1786. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i4.788

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 357 times
PDF   = 160 times
XML   = 0 times
Total   = 160 times