VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

591

Total

156

Share

Tôn giáo The Cham beliefs and religions in Vietnam: Issues need to be clarified






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The purpose of this article is to contribute to clarifying the original names of Cham religious groups and beliefs. Specifically, what are the Cham Jat, Cham Ahiér, Cham Bani/Cham Awal, and Cham Islam? Simultaneously, this article also points out the relationship among the above Cham religious groups and these Cham groups with other religions. The research results show that through the process of exchange, when absorbing Brahmanism, Hinduism or Islam from outside, the Cham people always consciously localize them, so Cham Ahier is not completely similar to Brahmanism of India and Cham Bani/Awal is not also completely similar to Islam of Arab. In conclusion, the article suggests that in order not to deviate from the content while analyzing and explaining these issues, researchers should use the original terminologies and self-names of Cham beliefs and religious groups such as “Cham Jat” for the Chams practicing indigenous beliefs, “Cham Ahíer” for the Chams were influenced by Hinduism and Islam; “Cham Bani/Awal” for the Chams influenced by Islam, and “Cham Islam” for the Chams practicing the orthodox Islam. To achieve these results, this article uses the ethnographic/anthropological research methods including mainly the fieldwork, the participatory observation, the document collection, and the manuscripts analysis and comparison, combined with the theory of historical particularism developed by Franz Boas and the theory of cultural exchange - acculturation of American anthropologists to analyze and explain the above-mentioned issues.

DẪN LUẬN

Người Chăm ở Việt Nam có số dân là 178.948 người [ 1 , tr.134] sinh sống ở nhiều tỉnh thành khác nhau như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, trong đó Ninh Thuận và Bình Thuận là hai tỉnh người Chăm tập trung sinh sống đông nhất và hiện nay họ vẫn còn bảo lưu di sản văn hóa truyền thống.

Trong quá trình hình thành và phát triển từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 19 người Chăm tiếp nhận nhiều tôn giáo khác nhau như Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo. Trên cơ sở những tôn giáo lớn này, tùy theo giai đoạn lịch sử, người Chăm kết hợp với tín ngưỡng bản địa đã tạo ra 4 nhóm Chăm theo tên tự gọi của người Chăm như sau: i) Chăm Jat; ii) Chăm Cuh/Chăm Ahiér; iii) Chăm Matai Dar/Chăm Bani/Chăm Awal; iv) Chăm Asulam/Chăm Islam/Chăm Muslim/Chăm Birau 2 . Từ những tên gọi riêng trên, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước khởi đầu là người Pháp, sau đó đến người Mỹ, người Nhật, người Việt, người Chăm đã bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu tôn giáo Chăm và đạt nhiều thành tựu khoa học đáng khích lệ. Theo thống kê của Nguyễn Hữu Thông, cho đến nay đã có hơn 2.282 sách báo viết về Champa trong đó có nhiều tác giả nổi tiếng như E. Aymonier (1891), H. Parmentier, M. Durand (1903), Trần Kỳ Phương (1987), Ngô Văn Doanh (1994), Phan Xuân Biên (1991), Phan An (1991), Phan Văn Dốp (1991), Inrasara (1995), Bá Trung Phụ (2001), Lê Đình Phụng (2005), Thành Phần (2007), Sử Văn Ngọc (2012), Phú Văn Hẳn (2013), Shine Tosihiko (2018), Sakaya (2003, 2020)… 3 .

Tuy nhiên khi nghiên cứu, một số nhà khoa học ít khi dùng tên gọi gốc của tôn giáo Chăm mà thay vào đó là cố gắng dịch nghĩa chúng. Cụ thể, Chăm Jat được dịch là Chăm gốc; Chăm Cuh/ Chăm Ahiér được dịch là Chămthiêu/ Chăm Bàlamôn/ Chăm ảnh hưởng Bàlamôn/ Chăm theo Hồi giáo sau ; Chăm Matai Dar/ Chăm Bani/ Chăm Awal được dịch là Chăm chết chôn/ Chăm Hồi giáo Bàni/ Chăm Hồi giáo cũ/ Chăm theo Hồi giáo trước; Chăm Birau/ Chăm Asulam / Chăm Islam được dịch là Chăm mới/ Chăm Islam chính thống. Việc dịch thuật, không sử dụng từ ngữ, thuật ngữ gốc trong nghiên cứu khoa học đã dẫn đến những hiểu biết sai lệch về ngữ nghĩa, nội hàm của các gốc từ trong tôn giáo Chăm cho độc giả.

Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi đặt ra một số câu hỏi như sau: Chăm Jat, Chăm Cuh/Chăm Ahiér, Chăm Bani/Awal, Chăm Asulam/Chăm Islam/Chăm Muslim/Chăm Birau có nghĩa gì? Nội hàm và ý nghĩa của tên tự gọi của các nhóm, tín ngưỡng, tôn giáo Chăm nêu trên ra sao? Giữa các nhóm Chăm này có mối quan hệ với nhau như thế nào trong lịch sử, trong giáo lý và trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo? Mối quan hệ giữa các nhóm Chăm với nhau và với tôn giáo bên ngoài như thế nào? Đó là những câu hỏi mà bài viết này sẽ trả lời và làm sáng rõ nhằm giúp các nhà khoa học, chính quyền địa phương có hướng tiếp cận đúng trong việc nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

PHƯƠNG PHÁP VÀ LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU

Về phương pháp nghiên cứu : Bài viết này sử dụng phương pháp nghiên cứu điền dã, quan sát thực hành tín ngưỡng, tôn giáo tại các vùng Chăm Ninh Thuận – Bình Thuận – Thành phố Hồ Chí Minh; phương pháp phân tích văn bản, chủ yếu văn bản chép tay mà người Chăm đang lưu giữ trong cộng đồng; qua đó chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu giữa các nhóm tín ngưỡng, tôn giáo Chăm và giữa các tôn giáo Chăm với tôn giáo bên ngoài như Hinduism và Islam để rút ra mối tương đồng, dị biệt giữa chúng cũng như đặc trưng riêng của các nhóm tôn giáo Chăm. Trong các phương pháp trên, ngoài phương pháp phân tích văn bản, tìm nguồn gốc các từ vựng, thuật ngữ liên quan đến các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng Chăm, chúng tôi còn rất chú trọng đến phương pháp quan sát, tham dự thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm tại thực địa để hiểu rõ nội hàm của các thuật ngữ của các nhóm tôn giáo trên. Ví dụ khi quan sát trực tiếp nghi lễ Katat (lễ cắt da quy đầu) cho các cháu trai sắp trưởng thành của người Chăm Bani/Awal ở Ninh Thuận, chúng tôi mới nhận ra lễ Katat của người Chăm Bani/Awal chỉ làm qua loa lấy lệ chứ không thực hiện việc cắt da quy đầu thực sự cho các cháu trai như Chăm Islam. Từ đó, chúng thôi nhận thấy trong trường hợp này, Chăm Bàni chỉ ảnh hưởng Islam, chứ không hoàn toàn sao chép văn hóa Islam. Vì thế việc vận dụng phương pháp điền dã, quan sát tham dự trực tiếp tại cộng đồng sẽ giúp nhà khoa học xem xét sự việc một cách cụ thể, giảm được tính chủ quan trong khoa học. Đây là phương pháp chủ đạo mang đặc trưng riêng tạo ra sự khác biệt của ngành Dân tộc học/Nhân học với các ngành khoa học khác [ 4 , tr.31]

Về lý thuyết : Bài viết này sử dụng thuyết Đặc thù luận lịch sử (Tương đối luận) của Franz Boas, cho rằng văn hóa - xã hội phát triển theo nhiều con đường khác nhau, phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: bối cảnh lịch sử, xã hội và môi trường địa lý; các nền văn hóa phát triển theo đa tuyến, đa dạng chứ không phải đơn tuyến, nhất thể hóa như quan điểm của trường phái Tiến hóa luận (Edward Bernett Tylor, Lewis Henry Morgan); ông xem mọi nền văn hóa đều có giá trị ngang nhau [ 5 , tr.147 ; 6 , tr.41]. Trường phái này xem tôn giáo là một bộ phận cấu thành văn hóa hay nói cách khác tôn giáo là hiện tượng văn hóa - xã hội cần phải xem xét và nghiên cứu, góp phần điều tiết hệ thống xã hội. Hướng tiếp cận này phù hợp với quan điểm Đảng ta. Cụ thể trong Nghị quyết 24 có ghi: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới” 7 . Bên cạnh những lý thuyết, quan điểm trên, bài viết này còn tiếp cận lý thuyết về giao lưu, tiếp biến văn hóa của nhà Nhân học Mỹ. Cốt lõi lý thuyết này cho rằng, trong quá trình giao lưu văn hóa sẽ xảy ra hiện tượng “tiếp biến văn hóa” (acculturation) [ 8 , tr.1 và 67].

NỘI DUNG THẢO LUẬN

CÁC NHÓM TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CHĂM

CHĂM JAT (Chăm gốc)

Từ “Jat” có gốc từ Sanskrit là “Jati/Jata” (hiện nay Mã Lai cũng thường dùng từ này) có nghĩa là “nature, real, pure” (tự nhiên, trong sạch, tinh khiết) [ 9 , tr.97; 10 , tr.506]. Từ “Jati/Jata” của Sanskrit Chăm vay mượn biến thành “Jat” (gốc, thuần), “Chăm Jat: Chăm gốc” [ 10 , tr.219]. Vậy theo nghĩa này chúng ta hiểu “Chăm Jat” là Chăm gốc, Chăm thuần, Chăm không lai giống hay theo tôn giáo nào. Thuật ngữ này có một số tác giả đã ngộ nhận. Chẳng hạn như trong từ điển của E. Aymonier – A Cabaton: Từ Jat bên cạnh nghĩa là Chăm gốc, Chăm truyền thống, còn có nghĩa là Chăm Bàlamôn giáo (Brahminism) [ 11 , tr.143]. Sau này, một số học giả cũng viết theo Chăm Jat là Chăm Bàlamôn giáo (Brahminism). Lưu ý, người Chăm thường tự gọi Chăm Ahiér, hoặc Chăm Matai Cuh để chỉ Chăm ảnh hưởng Bàlamôn giáo, chứ không phải Chăm Jat là Chăm Bàlamôn.

Đặc điểm của nhóm Chăm Jat là không theo tôn giáo nào mà chỉ theo tín ngưỡng bản địa, thờ cúng tổ tiên ( muk kei) kết hợp với tục thờ đa thần như thần đất, thần lúa, thần núi, thần sông ... Khi có người chết, thầy cúng (Gru Urang) cử hành lễ chôn cất đơn giản trong ngày; hàng năm nhóm Chăm Jat cũng có lịch riêng (một năm chỉ có 10 tháng), ngoài phục vụ lao động sản xuất, còn để xem ngày tháng trong lễ cúng tổ tiên, đám cưới, dựng nhà, làm nhà mới theo phong tục riêng... Nhóm Chăm này hiện nay có số dân khoảng hơn 10 ngàn người sinh sống ở làng Bỉnh Nghĩa (Palei Bal Raya); làng Palei Danân (Thành Tín) và làng Phước Lập (Palei Aia Li-U) tỉnh Ninh Thuận và sau này có một phần bị ảnh hưởng Chăm Ahiér và Chăm Awal 2 (xem Figure 1 ).

Figure 1 . Lễ cưới của nhóm Chăm Jat tại làng Palei Panân (thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). (Nguồn: Tác giả)

CHĂM CUH/CHĂM AHIÉR/CHĂM AKAFIR (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn)

Chăm Cuh/ Chăm Ahiér/ Chăm Akhafir là những tên gọi khác nhau để chỉ một nhóm Chăm mà nhà khoa học hay gọi là nhóm Chăm Bàlamôn/ Chăm ảnh hưởng Bàlamôn/ Chăm ảnh hưởng Hồi giáo sau. Cụ thể ngữ nghĩa và nội hàm của những từ gốc, tên tự gọi này như sau:

CHĂM CUH : Xét về ngữ nghĩa theo ngôn ngữ Chăm, “Chăm Cuh” có nghĩa là “Chăm thiêu”, khi chết được hỏa táng theo ảnh hưởng đạo Bàlamôn – Ấn Độ. Tên gọi này để khu biệt với Chăm Matai Dar (hay Chăm Bani/ Chăm Awal) chết thổ táng theo ảnh hưởng đạo Islam.

CHĂM AHIÉR : Đây là từ ghép gốc Chăm – Ả Rập. Từ “Chăm” có gốc ngôn ngữ Chăm chỉ “người Chăm”, còn từ “ Ahiér ” có gốc từ Ả Rập là Akhir [ 12 , tr.514; 13 , tr.150]. Từ chữ Akhir người Chăm đọc chệch âm thành Ahiér, có nghĩa là “cuối, đuôi, sau,” ám chỉ là người Chăm Cuh, ngoài tín ngưỡng bản địa, ảnh hưởng Bàlamôn, còn tin theo Islam, phụng sự Awluah (Allah) sau so với Chăm Awal. Căn cứ theo ngữ nghĩa của từ vựng có một lần chúng tôi có dịch “Chăm Ahíer” (Chăm theo hay Hồi giáo sau)” [ 14 , tr.45] (xem Figure 2 ).

Figure 2 . Múa mừng Lễ hội Katé của nhóm Chăm Ahíer tại tháp Po Klaong Garai - Ninh Thuận. (Nguồn: Tác giả)

CHĂM AKAPHIR : Ngoài từ “Chăm”, từ akaphir có gốc từ Ả Rập là kaafir có nghĩa là “người không theo đạo” (infidel, unbeliever), để chỉ những người không phải là người Islam (non–Muslim) [ 12 , tr. 514 ; 13, tr.50]. Trong từ điển của E. Aymonier – A. Cabaton và cả trong văn bản Chăm cũng dùng từ akaphir để chỉ người Chăm Ahiér, người ngoại đạo không phải là người Chăm Bani hay Islam [ 11 , tr.2,19]. Vậy rõ ràng, Chăm Akaphir không phải là tên tự gọi, mà tên do nhóm người khác, người Chăm Bani/Awal ám chỉ Chăm Cuh/ Chăm Ahiér- những người không có cùng đạo giáo với mình nên tên gọi này người Chăm Ahíer ít dùng.

Hiện nay Chăm Ahíer (nhà nước gọi là Chăm Balamôn) có số dân là 64.547 [ 1 ,tr .62] Đặc điểm của nhóm Chăm Cuh/Chăm Ahiér là có hệ thống giáo lý, giáo luật, giáo lịch riêng hàm chứa cả yếu tố bản địa, ảnh hưởng Bàlamôn giáo và cả Islam giáo. Cụ thể nhóm Chăm này có hàng ngũ tu sĩ, chức sắc như Po Adhia, Basaih; thầy cúng dân gian như Maduen, Kadhar, Ka-ing, Muk Raja; Gru Urang… Tất cả tầng lớp tu sĩ, tín đồ đều kiêng thịt bò, thịt heo. Giáo lý của nhóm Chăm này được biết qua các bài ghi trong văn bản lá buông gọi là Agal bac do thầy Basaih nắm giữ bao gồm triết lý Sakkarai Po Kuk; những bài cầu cúng đền tháp, phong chức sắc ( agal praong ); hướng dẫn hành lễ ( danak ngap yang ); những bùa chú ( abaoh sarak ); giáo luật ( adat cam ) 15 ; giáo lịch riêng ( sakawi Ahiér ) 16 . Bên cạnh đó còn có các bài hát lễ ( danak adaoh yang ) của thầy Kadhar -Maduen và những bài kinh cầu cúng của Gru Urang 17 .

Về tín đồ, khi đến tuổi trưởng thành, gia đình phải làm trình báo thần yang ( ngap manuk ka yang ) hoặc cho đấng Allah (ngap pabaiy ka Po ) và khi chết được thầy Gru Urang làm lễ nghi chôn cất theo nghi thức bản địa, sau đó thầy Basaih cử hành làm đám thiêu. Sau khi thiêu, họ lấy 9 miếng xương trán để làm nghi lễ cúng tuần ( patrip ) và cuối cùng là lễ nhập Kút. Nhóm này có tục thờ cúng tổ tiên ( muk kei ); tục thờ đa thần như thần đất, thần sông, thần lúa, thần biển, thần núi…; thờ các vị thần linh dân tộc ở đền tháp như Po Ina Nagar, Po Klaong, Po Ramé và thờ luôn cả thần Sibai (Shiva) và đấng Awluah (Allah) 2 . Hàng năm làm lễ nghi ở đền tháp, nổi bật nhất là lễ Katé; tổ chức lễ Raja ở các làng và lễ nghi nông nghiệp khác 18 .

Nói chung, Chăm Cuh/ Chăm Ahiér, nếu xét về ngữ nghĩa, nội dung chúng ta có thể dịch, giải thích nhiều cách khác như “Chăm Bàlamôn, Chăm ảnh hưởng Bàlamôn, Chăm ảnh hưởng hay Chăm theo Hồi giáo sau”, nhưng những cách dịch này không bao giờ bảo đảm được độ chính xác và bao quát hết nội dung, cùng lắm chỉ nên đặt trong ngoặc đơn bên cạnh từ gốc mang tính gợi mở vấn đề. Vì thế để khỏi bị hiểu sai lệch vấn đề khi viết danh từ riêng lên văn bản chính thức mang tính định danh nên ghi thẳng thuật ngữ/danh từ gốc một cách chính danh theo tên tự gọi truyền thống của dân tộc họ là: “Chăm Cuh hoặc Chăm Ahiér”, chứ không quy họ là Chăm Bàlamôn hoặc Chăm theo Hồi giáo sau mặc dù trong giáo lý, giáo lịch, kinh kệ của họ có ảnh hưởng một phần của Bàlamôn và Islam.

CHĂM MATAI DAR/CHĂM BANI/CHĂM AWAL (Chăm ảnh hưởng Islam)

Chăm Matai Dar/ Chăm Bani/ Chăm Awal là những tên gọi khác nhau để chỉ một nhóm Chăm mà nhà khoa học hay gọi là “Chăm Hồi giáo Bani, Chăm ảnh hưởng Hồi giáo hay Chăm Hồi giáo cũ”. Sau đây là ngữ nghĩa và nội dung cụ thể của những tên tự gọi này:

CHĂM MATAI DAR ( Chăm chôn, thổ táng): Đây là từ gốc Chăm nhưng ít được dùng trong văn bản, chỉ phổ biến trong dân gian dùng để chỉ “Chăm Bani/Awal” có phong tục thổ táng người chết ( matai dar: chết chôn) có ảnh hưởng Islam để khu biệt với “Chăm Cuh/Ahiér” (Chăm thiêu), ảnh hưởng đạo Bàlamôn.

CHĂM BANI/ BINI/BENI : Đây là từ ghép gốc Chăm – Ả Rập. Từ “Bani/Bini/Beni” gốc Ả Rập nghĩa là: “đứa con trai, tức là con của đấng tối cao” của đạo Islam” [ 19 , tr. 29; 20, tr.26]. Tuy nhiên, người Chăm lại thường dùng từ “bani/bini/beni” để chỉ “phái nữ - thuộc Awal” đối lập với “Ahiér – phái nam”, Mã Lai cũng vậy, từ Bani/Bini là phái nữ [ 10 , tr.434].

CHĂM AWAL : Đây là từ ghép gốc Chăm - Ả Rập. Ngoài từ “Chăm” ra, từ “Awal” có gốc Ả Rập “Awwal” nghĩa là “trước, đầu, sớm” ám chỉ là người Chăm Madai Dar/ Chăm Bani tin theo Islam, phụng sự Awluah (Allah) trước so với Chăm Ahiér [ 12 , tr.404 ; 13 , tr.20].

Hiện nay Chăm Bani/Awal được nhà nước tính gộp chung vào Chăm Hồi giáo có số dân là 70.934 người [ 1 , tr.162] . Đặc điểm của nhóm Chăm này là có hàng ngũ tu sĩ, chức sắc riêng như Po Gru, Acar; thầy cúng dân gian như Maduen, Kadhar, Ka-ing, Muk Raja; Gru Urang … Tất cả tầng lớp tu sĩ, tín đồ đều kiêng thịt heo. Giáo lý của nhóm Chăm này được biết qua Sakkarai Po Kuk, Po Kuk Illa Huk 17 , 18 , sách hướng dẫn hành lễ, cầu nguyện ( tapuk patal ), bài cúng lễ người chết ( danak marat ), bùa chú ( danreng) được rút ra một phần nhỏ từ kinh Qur’an 19 , 20 . Bên cạnh đó còn có giáo luật (adat ); giáo lịch riêng (sakawi awal ); các bài hát lễ ( damnây, ampam ) của thầy Maduen và những bài kinh cầu cúng của Gru Urang tương tự như nhóm Chăm Ahíer đã trình bày trên. .

Về tín đồ khi đến tuổi trưởng thành, gia đình phải làm lễ Kareh (đối với nữ) và lễ Katat (đối với nam); lễ Likhah (lễ cưới) và khi chết được tu sĩ Po Acar tiến hành làm tang lễ ( padhi) . Khi chôn cất, mộ được đào sâu, mặt thi hài quay về phía Tây, phía thánh địa Macca 21 . Nhóm này, ngoài thờ đấng Awluah (Allah) ở thánh đường ( sang magik) còn có tục thờ cúng tổ tiên ( muk kei ); tục thờ đa thần như thần đất, thần sông, thần lúa, thần biển, thần núi… và thờ cúng vị thần linh dân tộc ở đền tháp như Po Ina Nagar, Po Klaong, Po Ramé. Hàng năm làm lễ nghi ở thánh đường, nổi bật nhất là lễ Ramawan; tổ chức lễ Raja ở các làng và lễ nghi nông nghiệp khác 22 , 23 .

Tóm lại: Nhóm Matai Dar/Chăm Bani/Awal, bên cạnh tín ngưỡng bản địa, còn ảnh hưởng Islam giáo nhưng không phải vì thế mà chúng ta gọi họ là “Chăm Hồi giáo, Hồi giáo cũ hay Hồi giáo Bàni” mà phải gọi đúng tên chính danh, tên tự gọi truyền thống của họ “Chăm Bani hay Chăm Awal” . Điều này cũng tương tự như Islam, trong giáo lý, kinh Qur’an có ảnh hưởng và tiếp nhận nhiều yếu tố của Do Thái giáo và Kitô giáo. Cụ thể những vị đấng/thần của Do Thái giáo và Kitô giáo như Illah, Maria, Gesu, Ahmed, Moses, Jacop, Abraham, Gabriel, Mika-il, Solomon, Naoh, Lot, Adam, Ewa … đã được Islam tiếp thu biến thành những biệt danh khác trong kinh Qur’an như Allah, Mayam, ‘Isa, Muhammad, Musa, Ya’qub, Ibrahim, Jibril, Michael, Sulayman, Nuh, Lut, Adam, Ewa … [ 19 , tr.605]. Mặc dù vậy, nhưng chúng ta không thể gọi và định danh Islam giáo là “Thiên Chúa giáo Islam” hay “Thiên Chúa giáo Hồi giáo” mà phải gọi chính danh theo tên tự gọi của họ là “Chăm Islam” còn những từ dịch tiếng Việt nên để trong ngoặc đơn chỉ mang tính tham khảo (Xem Figure 3 ).

Figure 3 . Nhóm Chăm Bani/Awal cầu nguyện ngày lễ Ramawan tại thánh đường (sang magik) thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. (Nguồn: Đàng An 2018)

CHĂM ASULAM/ CHĂM MUSLIM/ CHĂM BIRAU (Chăm Islam)

ASULAM/ISLAM: Từ Asulam được người Chăm đọc chệch âm từ Islam gốc Ả Rập, có nghĩa là “Quy phục thượng đế” [ 24 , tr.27]. Từ Asulam/Asalam thỉnh thoảng xuất hiện trong văn bản chép tay của người Chăm dùng để cúng các vị thần mới – những vị thần ảnh hưởng Islam 25

MUSLIM (muslimin, mulsuman): Từ này có gốc Ả Rập có nghĩa là “những người thuần phục Allah” [ 19 , tr.58] hoặc "những kẻ đã quy phục thượng đế" và ngày nay được hiểu là "người theo đạo Islam" [ 26 , tr.27].

BIRAU: Gốc từ tiếng Chăm có nghĩa là “mới”; “Chăm Birau” (Biraw, Biruw) có nghĩa là “Chăm mới” (Chăm Islam chính thống), để phân biệt với các nhóm Chăm cũ (Chăm klak) bao gồm Chăm Ahiér và Chăm Awal.

“Chăm Birau/ Chăm Asulam/ Chăm Islam” là ba tên tự gọi của người Chăm thường dùng để chỉ cùng một nhóm “Chăm Islam” chính thống ở Nam Bộ (khoảng 74 ngàn người) và nhóm nhỏ ở Ninh Thuận (khoảng 4 ngàn người). Nhóm Chăm này các nhà khoa học thường gọi là “Chăm Hồi giáo mới” để phân biệt với “Hồi giáo cũ” là Chăm Bani/Awal. Sự thật đạo Hồi hay Hồi giáo là tên gọi xuất phát từ cách gọi của người Trung Quốc dùng để chỉ dân tộc Hồi Hồi (Hồi Hột) theo đạo Islam, chứ không phải là tên tự gọi của người Chăm [ 27 , tr.19-20].

Hiện nay Chăm Islam ở Việt Nam có khoảng 70.934 người [ 1 , tr.162]. Đặc điểm của nhóm Chăm này có hàng ngũ chức sắc chuyên nghiệp Hakem, Kotip, Imam, có thánh đường (masjib) để tín đồ cầu nguyện thường xuyên một ngày 5 lần như đạo Islam chính thống trên thế giới. Nhóm Chăm có giáo lý là kinh Qur’an, giáo luật Siriat và sử dụng lịch Hajri của Islam Về tín đồ khi đến tuổi trưởng thành thì làm lễ Kareh, Katat, lễ Likhah (lễ cưới) và khi chết được chôn cất theo phong tục đạo Islam. Hàng năm làm lễ Ramadam và chỉ tôn thờ duy nhất đấng chí tôn là Allah và thiên sứ Mohammad. Họ thường đọc kinh Qur’an ở thánh đường hoặc ở nhà và thực hiện đúng 5 giáo điều của Islam để lại đó là 1) Shahadah (đức tin); 2) Salah (cầu nguyện); 3) Ramadan (lễ tháng 9); 4) Zakat (bố thí); 5) Haji (hành hương) 21 , 25 . Nhóm Chăm này mong muốn các dân tộc khác cũng như nhà nước không nên gọi họ là Chăm Hồi giáo mà gọi họ theo tên tự gọi là “Chăm Islam” hay “Chăm Muslim” [ 2 , tr. 158; 26 , tr. 160; 27 , tr. 15-19] (Xem Figure 4 ).

Figure 4 . Nhóm Chăm Islam cầu nguyện trong thánh đường (masjid) Khay Riya ở An Phú – An Giang. (Nguồn: Thanh Quyến, 2019)

TÔN GIÁO CHĂM VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ

MỐI QUAN HỆ GIỮA CHĂM AHIÉR VÀ BÀLAMÔN GIÁO - ẤN ĐỘ GIÁO

Mấy năm gần đây, các nhà khoa học thường dùng từ Bàlamôn giáo (Brahminism) - Ấn giáo (Hinduis) để chỉ nhóm Chăm Ahiér ở vùng Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay). Nếu đồng hóa hai từ như vậy thì chưa khoa học vì giữa Chăm Ahiér - Bàlmôn giáo - Ấn giáo có sự khác biệt mặc dù Chăm Ahiér có ảnh hưởng Bàlamôn - Ấn giáo.

Bàlamôn và Ấn giáo có nguồn gốc Ấn Độ 28 . Hiện nay, Chăm Ahiér vẫn còn lưu giữ một số yếu tố của Bàlamôn – Ấn giáo như họ vẫn còn tin vào con đường nghiệp chướng, luân hồi (Karma - jalan pajieng ); giải thoát bằng con đường thiền định (Adhia); xã hội có 4 đẳng cấp như Ấn Độ; kiêng ăn thịt bò; thờ bò Nandin, hỏa táng người chết và tin vào Niết bàn 29 . Tuy nhiên, những yếu tố này được thể hiện rất mờ nhạt, vì khi tiếp nhận Bàlamôn - Ấn giáo, người Chăm luôn có sự chọn lọc, kinh Veda và dòng triết học cổ Upanishad của Ấn Độ chỉ còn là bóng dáng xa mờ trong kinh sách Agal bac của Chăm Ahiér; họ chỉ tin vào triết lý Po Kuk (dung hòa giữa triết lý Po Ina Nagar – ảnh hưởng một phần Ấn giáo và triết lý Po Uwluah/Allah ảnh hưởng Islam) 14 . Khi chết người Chăm Ahiér cũng hỏa táng nhưng không giống Bàlamôn và Ấn giáo (Ấn Độ) ở chỗ sau khi thiêu xác, người Chăm hốt tro đổ một ít ở bìa rừng (phía Tây tượng trưng cho Awal) và một ít đổ gần mé sông (tượng trưng cho Ahiér); trong quá trình thiêu xác còn đập đầu lâu lấy 9 miếng xương trán bằng đồng tiền để làm nghi lễ nhập Kut ; kiểu mộ Kut ảnh hưởng mộ của người Islam ở Mã Lai, Jawa. Chăm Ahiér còn thờ cúng tổ tiên ( muk kei ); làm lễ Rija, thờ các vị thần linh dân tộc như Po Ina Nagar, Po Klaong, Po Ramé và tôn thờ luôn cả Sibai (Shiva) ở đền tháp và cả đấng Awluah (Allah) ở thánh đường ( sang magik ) 30 .

Như vậy, chúng ta thấy giữa Chăm Ahiér có mối quan hệ và ảnh hưởng ít nhiều từ Bàlamôn giáo - Ấn giáo nhưng trong quá trình du nhập và cũng do bị chi phối bởi bối cảnh lịch sử, xã hội, môi trường địa lý khác nhau, cộng đồng Chăm đã bản địa hóa hai tôn giáo ngoại lai (Bàlamôn giáo - Ấn giáo) trở thành đạo Ahiér mang bản sắc riêng Chăm, khác đạo Bàlamôn của Ấn Độ. Đây cũng là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa Chăm và Ấn Độ.

MỐI QUAN HỆ GIỮA CHĂM BANI/AWAL VÀ ISLAM GIÁO

Islam là một tôn giáo lớn thế giới, phát sinh từ Macca thuộc Ả Rập Xê Út ngày nay, do vị giáo chủ Mohammad (571- 632) sáng lập vào thế kỷ thứ 7 Sau công nguyên. Toàn bộ giáo lý Islam, tập trung trong Thiên kinh Qur‘an được xem là những lời của đấng Allah. Trên thực tế giáo lý này là những tín ngưỡng của bộ lạc Ả Rập kết hợp với một vài tín điều của Do Thái giáo và Kito giáo. Tín đồ Islam tuân thủ nghiêm ngặt những điều ghi trong Thiên kinh Qur’an và Hadith (sách Tiên tri), coi trọng 5 trụ cột của đức tin trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như đã trình bày trên 26 , 31 .

Tuy nhiên, khi tiếp nhận Islam, người Chăm cũng như người Mã Lai không bê nguyên giáo lý Islam một cách rập khuôn mà tiếp thu có chọn lọc, kết hợp với tín ngưỡng bản địa đã tạo ra một tôn giáo “Chăm Bani/Awal” có bản sắc riêng được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Ví dụ như đã trình bày trên, từ Bani/Bini hoặc Beni thay vì mang nghĩa Ả Rập là “đứa con trai (phái nam)” nhưng người Chăm dùng từ này để chỉ “phái nữ - thuộc Awal”. Chăm Bani/Awal, không bê nguyên kinh Qur’an của Ả Rập để hành đạo mà chỉ dựa vào một số điểm cốt lõi cơ bản của sách kinh gốc Qur’an để sáng tạo triết lý riêng gọi là triết lý Po Kuk làm nền tảng tư tưởng và sáng tạo ra 3 cuốn sách khác mang tên Tapuk Patal, Marat, Nreng để tu sĩ hành đạo, cúng lễ cho tín đồ. Theo đó, Chăm Bani/Awal cũng thực hiện nghi lễ vòng đời người (lễ cắt tóc đặt tên, lễ cưới, đám tang) và lễ nghi ở thánh đường (lễ Ramawan) nhưng tất cả những lễ này không giống Ả Rập mà theo kiểu Chăm. Chăm Bani không thờ duy nhất đấng Allah mà họ còn thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thần đất, thần trời, thần sông, thần biển và thờ luôn những vị thần dân tộc như Po Ina Nagar, Po Klaong, Po Ramé; hàng năm còn làm lễ Raja và lễ nghi nông nghiệp…. Tín đồ Chăm Bani /Awal không cầu nguyện một ngày 5 lần, mà trong dịp lễ Ramawan chỉ có tu sĩ (Po Acar) mới làm lễ cầu nguyện. Nếu như Islam Ả Rập cấm dùng rượu thì Chăm Bani/Awal được phép dùng rượu trong dịp cúng tế và cả trong ngày thường. Riêng Chăm Islam có sinh hoạt tôn giáo gần giống như Islam trên thế giới.

Cũng vì những lý do khác biệt trên, nhóm Chăm Bani/Awal không có mối quan hệ với nhóm Chăm Islam Nam Bộ và các tổ chức Islam trên thế giới. Ngược lại nhóm Chăm Islam Nam Bộ do có những điểm chung nên có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức Islam thế giới như tổ chức Hội Trăng Lưỡi Liềm UAE, Tổng lãnh sự quán, Hội từ thiện Kuwait, Pretronas Mã Lai, Islam Ấn Độ, Đại học Islamyad Libye, Apghanixtan, Pakistan, Nam Phi và Lào.

Sự khác biệt giữa Chăm Bani/Awal và Islam thế giới như trên không phải do người Chăm Bani/Awal từ lâu không biết giáo lý Islam mà đó là kết quả của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa – tôn giáo giữa Chăm Bani/Awal và Islam thế giới. Nếu theo dõi mô hình phổ biến của văn hóa Chăm trong suốt chiều dài lịch sử chúng ta thấy, người Chăm không bao giờ sao chép y nguyên văn hóa - tôn giáo bên ngoài vào (kể cả ngôn ngữ, chữ viết, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc đền tháp và các loại hình tôn giáo…) mà khi tiếp nhận họ luôn cải biên, bản địa hóa trở thành sản phẩm riêng mang bản sắc Chăm.

MỐI QUAN HỆ GIỮA CHĂM AHIÉR VÀ CHĂM AWAL

Hai nhóm Chăm Ahiér và Chăm Awal ngay buổi đầu tiếp nhận Islam có xung đột nhau gay gắt. Bằng chứng của sự xung đột này được ghi trong hai tác phẩm văn chương Chăm nổi tiếng: Akayét Um Marup 32 và Ariya Chăm - Bini- Chăm [ 33 , tr.323]. Để hóa giải sự xung đột này, tiến tới hòa bình, ổn định đất nước thời đó, vua Po Romé (1627-1651) đã dung hòa hai nhóm Chăm này thành cặp đôi theo triết lý bản địa. Sự thay đổi này không chỉ dừng ở tên gọi (Chăm Ahiér và Chăm Awal) mà còn thay đổi nhân sinh quan và vũ trụ quan, từ đó hình thành nên triết lý mới, “triết lý kép” mang tính dung hòa gọi là: “triết lý Ahiér – Awal”. Chăm Awal tượng trưng cho cái/nữ/vợ và Chăm Ahiér tượng trưng đực/nam/chồng. Triết lý này mang tính lưỡng nghi, lưỡng hợp, trong Ahiér có Awal và trong Awal có Ahiér và rất nhất quán thể hiện sâu sắc trên các bình diện văn hóa – tôn giáo Chăm như sau: về cơ sở thờ tự (đền/ danaok – tháp/ bimong – thánh đường/ sang magik ), tu sĩ (thầy Basiah – Po Acar), cơ cấu hội đồng quản lý tôn giáo (hội đồng 7 tháp và 3 thánh đường/ tajuh halau klau bimong ), giáo lý (sự dung hòa giữa triết lý Po Ina Nagar và Po Awluah thành Po Kuk), hệ thống thần linh (thần linh Chăm Ahiér/ yang klak và thần linh ảnh hưởng Islam /yang birau ), lịch pháp (lịch Chăm Ahiér/ saka và lịch Chăm Awal/ jawi) , nghi lễ, hội hè (lễ Katé - lễ Rija – lễ Ramawan có quan hệ mật thiết với nhau)… 34 .

Những vấn đề vừa trình bày trên là những nhân tố (hạt nhân), là chìa khóa rất quan trọng để hình thành triết lý “Chăm Ahiér - Chăm Awal” nhằm để dung hòa hai nhóm tôn giáo này, tránh việc chia tách mà đối đầu, xung đột nhau như trong quá khứ lịch sử. Triết lý này cũng là cơ sở để vua Po Romé tạo ra sản phẩm của nền văn minh Panduranga có bản sắc riêng so với các tiểu vương quốc phía bắc Champa cổ như Khauthara, Vijaya, Amarawati.

CHĂM AHIÉR, CHĂM BANI/AWAL THUỘC LOẠI HÌNH TÍN NGƯỠNG HAY TÔN GIÁO?

Xét thấy trong 4 nhóm Chăm trên, chỉ có nhóm Chăm Jat theo tín ngưỡng bản địa rõ ràng và Chăm Islam là một tôn giáo chính thống. Còn nhóm Chăm Ahiér và Chăm Bani/Awal thì giữa tín ngưỡng và tôn giáo chưa tách bạch rõ ràng. Tuy nhiên, đây cũng là đặc trưng chung của nhiều loại hình tôn giáo trên thế giới, bất cứ tôn giáo nào cũng lấy “niềm tin” (tín ngưỡng) làm cốt lõi, không có “tín ngưỡng”, không có tôn giáo.

Vì thế, ở điều 2, mục 5, Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng… của Việt Nam qui định: “ Tôn giáo là niềm tin con người tồn tại với hệ thống quan điểm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giao luật, lễ nghi và tổ chức ” [ 35 , tr.7]. Nếu xét theo qui định trên thì Chăm Ahiér và Chăm Bani/Awal đều đủ yếu tố để cấu thành “tôn giáo”. Vì họ cũng có “niềm tin” vào đấng thần linh, có đối tượng thờ cúng (Po Yang, Po Awluah); có giáo lý (Sakkarai Po Kuk, Po Ina Nagar, Po Awluah); giáo luật (adat cam ); có giáo lịch ( sakawi) 16 ; có cơ sở thờ tự, cầu nguyện (4 đền tháp/ bimong và 14 thánh đường/ sang magik và 30 đền thờ/ danaok đang hoạt động); có tầng lớp tu sĩ (200 thầy basaih/300 thầy acar; 20 cả sư/ po adhia/ po gru ); có bài kinh cầu nguyện, cúng tế ( agal bac, tapuk palal, marat, nreng); bài thánh ca ( damnây, ampam po yang ), nhạc lễ ( adaoh yang ); có hệ thống nghi lễ ổn định ( mbang kate, ramawan, Rija ) và có đông đảo tín đồ theo (khoảng dưới 60 ngàn người) 2 , 15 , 16 , 17 , 22 . Có điều những di sản trên, nhất là những bộ kinh, nghi thức hành lễ được viết bằng chữ Chăm chưa dịch thuật sang tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài một cách có hệ thống nên thế giới chưa biết đến.

Phải nói nếu dựa vào những danh sách, con số vừa liệt kê trên chúng ta có thể thấy tôn giáo Chăm Ahiér và Bani/Awal có tầm vóc, đồ sộ, vĩ đại, chứ không phải đơn giản. Những năm gần đây, họ đang lượt bỏ một số nghi thức, tục lệ xưa cũ rườm rà, chọn lọc những yếu tố tích cực để hoàn chỉnh mình như là một tôn giáo, thích nghi với đời sống hiện đại. Như vậy rõ ràng, hiện nay trong xu thế hội nhập và phát triển, hoạt động của hai nhóm Chăm Ahíer và Chăm Bani/Awal đang hướng dần đến tôn giáo truyền thống dân tộc hơn là tôn giáo hiện đại hay tín ngưỡng dân gian.

Ở đây nếu nhìn theo lý thuyết Đặc thù luận lịch sử (Tương đối luận) của F.Boas, chúng ta thấy những vấn đề của tín ngưỡng, tôn giáo vừa nêu trên được người Chăm biểu đạt bằng cách riêng, phù hợp với bản sắc văn hóa, bối cảnh lịch sử, xã hội và môi trường địa lý của họ và có giá trị ngang hàng với các loại kinh kệ, hệ thống thần linh, cơ sở thờ tự, giáo lý, giáo lịch của Islam giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Tin Lành, Phật giáo, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Cũng cùng quan điểm trên, Hiến pháp Việt Nam xem ““mỗi dân tộc Việt Nam đều có bản sắc riêng” và “các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” [ 36 , điều 24, điếm 1). Để đáp ứng nguyện vọng nhân dân và dễ dàng trong việc quản lý, nhà nước cũng đã công nhận Chăm Ahiér và Chăm Bani/Awal như một tổ chức tôn giáo. Cụ thể theo Nghị định 22, Nhà nước đã thành lập “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni Chăm Ninh Thuận” (9/2006) 37 , 38 và “Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn” (12/2010) 39 . Hai tổ chức tôn giáo này có trụ sở, con dấu, văn phòng, tài khoản và chương trình hoạt động riêng. Tuy nhiên, hiện nay, theo nguyện vọng của tín đồ người Chăm muốn đổi tên tôn giáo của họ theo đúng tên tự gọi của dân tộc họ. Cụ thể nên gọi chính danh “Chăm Ahíer”, chứ không gọi là “Chăm Balamôn”, gọi “Chăm Bani”, chứ không nên gọi là “Chăm Hồi giáo Bani”. Theo đó “Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn” mong muốn đổi thành “Hội đồng Chức sắc Chăm Ahiér” và “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni” đổi thành “Hội đồng Sư cả Chăm Bani”.

KẾT LUẬN

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, tinh thần của các quốc gia, dân tộc đều hướng đến sự đa dạng (diversity), chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng bản sắc của nhau hơn là tiến đến nhất thể hóa (unification). Việt Nam không ngoại lệ, là quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng được qui định trong hiến pháp. Vì thế mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có quyền thể hiện bản sắc, tiếng nói, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo của riêng mình. Để tránh sự mất gốc hay bị đồng hóa, những năm gần đây, Đảng – Nhà nước Việt Nam luôn có chính sách tốt để bảo tồn văn hóa các dân tộc và đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Hy vọng bài viết này sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có ích để nhà nước hoạch định chính sách đúng đắn về dân tộc – tôn giáo của người Chăm. Thiết nghĩ, chúng ta nên sử dụng tên tự gọi của các nhóm tôn giáo Chăm như Chăm Jat, Chăm Ahiér, Chăm Bani/Awal, Chăm Islam mới là có giá trị vĩnh cữu. Còn gọi Chăm Jat là Chăm theo tín ngưỡng bản địa; Chăm Ahíer là “Chăm Bàlamôn”; Chăm Bani/Awal là “Chăm Hồi giáo Bani”, “Chăm Hồi giáo cũ” hay “Chăm ảnh hưởng Hồi giáo trước”; Chăm Islam là “Chăm Hồi giáo mới” chỉ mang tính tạm thời, rất dễ bị hiểu nhầm và sai lệch về nội dung. Để hiểu được hết ý nghĩa, nội hàm tên tự gọi của tôn giáo Chăm, các nhà khoa học bên cạnh việc tiếp cận lý thuyết, lý luận tôn giáo cần bỏ thêm thời gian để điền dã, trải nghiệm, học tiếng nói của cộng đồng mới có thể thấu hiểu và diễn giải văn hóa cộng đồng một cách chân thực và chính xác. Từ đó, chúng ta mới có thể cùng chung tay góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung, tôn giáo, tín ngưỡng Chăm nói riêng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

LỜI CẢM ƠN

Chúng tôi chân thành cám ơn cô Sử Thị Gia Trang và ông Đạo Thanh Quyến đã đọc, sửa chữa bản thảo; đặc biệt cảm ơn các chuyển gia phản biện có góp ý nhiều kiến quý báu để chúng tôi hoàn thành bài viết này.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

Bài viết không có từ viết tắt

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài báo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết được hình thành, tích lũy, rút ra từ những tư liệu nghiên cứu, sưu tầm văn bản Chăm (manuscripts) và tư liệu điền dã vùng Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận từ năm 2008 - 2022.

References

  1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê, Biểu 5; 2010, tr.134-225. . ;:. Google Scholar
  2. Sakaya. Sự biến đổi tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm ở Việt Nam. Trong Nguyễn Hồng Lý và Nguyễn Thị Phương Châm, biên tập. Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới, 2008, tr. 131-173. . ;:. Google Scholar
  3. Nguyễn Hữu Thông. Tổng Thư Mục Champa. Huế: Nxb Thuận Hóa; 2003. . ;:. Google Scholar
  4. Nhiều trác giả. Một số vấn đề Lý thuyết và Phương pháp nghiên cứu Nhân học. Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; 2006. . ;:. Google Scholar
  5. Alan Barnard. Lịch sử và Lý thuyết Nhân học. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia; 2015. . ;:. Google Scholar
  6. Khoa Nhân học. Nhân học Đại cương. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia; 2013. . ;:. Google Scholar
  7. Nghị quyết số 24/NQ-TW. Bộ Chính trị Đảng CSVN, khóa VI [ ra ngày 16/10/1990]. . ;:. Google Scholar
  8. Charllotte Seymour - Smith. Dictionary of Anthropology. London: Macmillan Press; 1993. . ;:. Google Scholar
  9. Gonda. J. Sanskrit in Indonesia. New Delhi: International Academy of India Culture; 1973. . ;:. Google Scholar
  10. Bùi Khánh Thế (chủ biên), Inrasara, Thành Phần, Đinh Lê Thư và Phú Văn Hẳn. Từ Điển Chăm - Việt. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội;1995. . ;:. Google Scholar
  11. Aymonier, E and Cabaton, A. Dictionnaire Cam- Français, Paris: EFEO Publisher; 1906. . ;:. Google Scholar
  12. English-Malay Dictionary. Sdn.Bhd, Selangor - Malaysia: Pelanduk Publications; 2004. . ;:. Google Scholar
  13. Muhd Farhan Basheer. Qamus Azakiyy: Melayu - Arab - Inggeris- Malay -Arabic- English. Kuala Lumpur: Al-Hidayah Publishers; 2005. . ;:. Google Scholar
  14. Trương Văn Món. Yếu tố bản địa, Bàlamôn giáo, Islam giáo trong tôn giáo người Chăm Ahiér qua bộ kinh văn bản lá buông (Agal bac) mới phát hiện. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo 2016 (1): 86-99. . ;:. Google Scholar
  15. Phan Đăng Nhật (chủ biên), Sakaya, Trần Vũ và Chamalaiq Riya Tien. Luật tục Chăm và Luật tục Raglai. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc; 2003. . ;:. Google Scholar
  16. Sakaya. Lịch pháp của người Chăm. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức; 2016. . ;:. Google Scholar
  17. Sakaya (chủ biên), Sử Văn Ngọc, Gia Trang và Phước Thuyết. Huyền thoại và truyền thuyết Chăm. Hà Nội: Nxb Tri thức; 2018. . ;:. Google Scholar
  18. Văn bản Chăm (ký hiệu VMST. GH.02). Sakkarai Po Kuk Illa Huk (Huyền thoại về Po Kuk Illa Huk) [Tài liệu chưa xuất bản]. . ;:. Google Scholar
  19. Thiên Kinh Qur'an. Madidah, Saudi-Arabia: Trung tâm ấn loát quốc vương Fahad; 2010. . ;:. Google Scholar
  20. Văn bản Chăm (ký hiệu VMST. 200). Qur'an, Tapuk patal (Thiên kinh Qur'an và sách hướng dẫn hành lễ cầu nguyện) [Tài liệu chưa xuất bản]. . ;:. Google Scholar
  21. Bá Trung Phụ. Gia đình và hôn nhân của người Chăm ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc; 2001. . ;:. Google Scholar
  22. Sakaya. Lễ hội Chăm, Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội; 2014. . ;:. Google Scholar
  23. Durand, M. "Le Cham Bani", BEFEO.III. Paris: EFEO publisher; 1903. . ;:. Google Scholar
  24. E. Aymonier. Les Tchames et Luers Religions. Paris: Leroux pusblisher; 1891 (tái bản 2001). . ;:. Google Scholar
  25. Văn bản Chăm (ký hiệu VMST. 19). Krân gah jalan asulam (Tìm hiểu về Islam) [Tài liệu chưa xuất bản]. . ;:. Google Scholar
  26. Nguyễn Văn Luận. Người Chàm Hồi giáo miền Tây nam phần Việt Nam. Sài Gòn: Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên xuất bản; 1974. . ;:. Google Scholar
  27. Phú Văn Hẳn (chủ biên). Đời sống văn hóa & xã hội người Chăm Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc; 2005. . ;:. Google Scholar
  28. Nguyễn Thừa Hỷ. Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa; 1986. . ;:. Google Scholar
  29. Doãn Chính. Veda Upanishad - Những bộ kinh triết lý tôn giáo ở Ấn Độ. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật; 2016. . ;:. Google Scholar
  30. Trương Văn Món. Dấu ấn Phật giáo trong tang lễ của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay. Tạp chí Văn hóa Phật giáo 2021 (363): 68-75. . ;:. Google Scholar
  31. Durant, Will. Lịch sử văn minh Ả Rập. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin; 2004. . ;:. Google Scholar
  32. Po Dharma và các tác giả. Akayét Um Marup, Kuala Lumpur: KKKWM - EFEO Publisher; 2007. . ;:. Google Scholar
  33. Inrasara. Văn học Chăm, tập I. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc;1994. . ;:. Google Scholar
  34. Sakaya. Tư duy lưỡng hợp trong nền văn hóa Chăm - Thử nhìn từ lý thuyết cấu trúc của Claude Lévi - Strauss. Tạp chí Nguồn sáng Dân gian 2017 (4), tr. 85-88. . ;:. Google Scholar
  35. Ban Tôn giáo chính phủ. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo & Những qui định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo. Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo; 2018. . ;:. Google Scholar
  36. Hiến Pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013. Hà Nội: Nhà xuất bản Hồng Đức; 2014. . ;:. Google Scholar
  37. Nghị định 22/2005/NĐ-CP. Hướng dẫn thi hành một số pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo [ra ngày 1/3/2005]. . ;:. Google Scholar
  38. Công văn số 2749/UBND-VX và Công văn số 150/BTG-VP của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận [ra ngày 6/9/2006]. . ;:. Google Scholar
  39. Quyết định số 2704/QĐ-UBND của Úy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận [ra ngày 13/12/2010]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 1737-1747
Published: Sep 30, 2022
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i3.766

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trương, M. (2022). Tôn giáo The Cham beliefs and religions in Vietnam: Issues need to be clarified. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(3), 1737-1747. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i3.766

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 591 times
PDF   = 156 times
XML   = 0 times
Total   = 156 times