VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

351

Total

193

Share

The attitude towards having children in the next time of young couples in Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

To adapt the fertility decline during the over past two decades, Ho Chi Minh City has implemented a population policy to encourage couples to have two children. This article analyzes the attitudes of young couples in HCMC towards having children in the next three years and related factors. The data were collected from a structured questionnaire with a sample size of the 120 young couples without children and the ones with a child in Thu Duc district (in Thu Duc City under Ho Chi Minh City) and Binh Chanh district. The data processing methods include the descriptive statistics, inferential statistics, and exploratory factor analysis. The research results show that the attitude of young couples towards having children are formed from the four factors: (1) the status of the familial finances, (2) the health and investment for the personal and family development, (3) the familial relationships and individual emotional happiness, and (4) other factors. As having children, the familial relationships and individual emotional happiness are assessed to be changed better, and vice versa, the status of familial finances is worse. The majority of young couples in Ho Chi Minh City have a positive attitude towards having children. However, this positive attitude is not of a high level and controlled by demographic factors. The findings of the study are the suggestions for the policy interventions to create a supportive environment for young couples to have children.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh nhiều quốc gia sau khi trải qua nhiều thập kỷ của sự thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học và hiện đang trong hoặc gần giai đoạn kết thúc của quá trình chuyển đổi dân số với mức sinh bằng hoặc thấp hơn mức sinh thay thế 1 , thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng không phải là ngoại lệ với tổng tỷ suất sinh giảm liên tục từ 1,76 con/phụ nữ vào năm 2000 giảm xuống còn 1,39 con/phụ nữ vào năm 2019 2 . Xu hướng giảm sinh này làm tăng nhanh vấn đề già hóa dân số và gây ra các hệ quả tiêu cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong thời gian tới. Để thích ứng với bối cảnh mới, chính sách dân số mỗi gia đình có hai con triển khai từ năm 1988 (Quyết định số 162/HĐBT ngày 18/10/1988) đã có sự thay đổi mục tiêu. Trước đây, các cặp vợ chồng không được sinh nhiều hơn hai con và nếu sinh ít hơn thì càng tốt. Hiện nay, đối với những địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, như tại TP.HCM, các cặp vợ chồng được khuyến khích cần phải sinh đủ hai con (Quyết định 588/QĐ-TTG ngày 28/4/2020). Trong chính sách này, nhóm dân số ưu tiên là các vợ chồng trẻ. Các nhà quản lý và lập chính sách cần tìm hiểu ý định sinh con, các trở ngại nảy sinh trong cuộc sống nếu sinh con và các mong đợi của họ. Các thông tin này cần thiết để xây dựng các giải pháp hỗ trợ thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc sinh con của các vợ chồng trẻ. Khi ứng dụng lý thuyết hành vi có kế hoạch (Theory of Planned Behavior - TPB) để nghiên cứu ý định sinh sản 3 , Ajzen I và Klobas J. cho rằng có ba nhân tố quyết định đến ý định sinh con hay không sinh con của cá nhân: (1) Thái độ của cá nhân đối với việc có con, (2) Chuẩn mực của cá nhân về con cái và (3) Nhận thức của cá nhân về việc kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng việc có con trong thời gian tới. 4

Trong giới hạn của bài viết này, nhóm tác giả phân tích thái độ của các vợ chồng trẻ tại TP.HCM đối với việc có con (con đầu lòng hay con thứ hai) trong vòng 3 năm tới và các yếu tố nhân khẩu học liên quan. Tổng quan tư liệu cho thấy các nghiên cứu về sinh sản tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các chủ đề như Kiến thức sinh sản (Lê Minh Tâm và cộng sự, 2012) 5 ; Sinh con thứ ba (Đỗ Thị Mai, 2021) 6 ; Quan hệ tình dục và hôn nhân, kết hôn sớm, mang thai và sinh con ở lứa tuổi vị thành niên (Đào Nguyễn Diệu Trang, 2020) 7 ; Lựa chọn giới tính khi sinh (Vũ Đức Long, 2014) 8 ; Nhận thức, thái độ và hành vi sử dụng biện pháp tránh thai (Lê Thị Ngọc Giàu, 2013) 9 ; Các yếu tố tác động đến việc điều hòa kinh nguyệt và phá thai (Pham Gia Tran, 1996; Lưu Thị Hồng, 2012) 10 , 11 ; Kiến thức và thái độ đối với vô sinh (Lê Minh Tâm và cộng sự, 2012; Nguyễn Thị Lê Na và cộng sự, 2017) 12 ; Quan niệm sinh sản của các tôn giáo (Trần Nguyễn Tường Oanh, 2019) 13 và Mức sinh thấp (Phạm Thị Mỹ Lệ, 2019; Lê Văn Thành, 2019) 14 , 15 . Chủ đề nghiên cứu “Ý định sinh con”, bao gồm vấn đề nghiên cứu “Thái độ đối với việc sinh con” là chưa có. Do đó, nội dung nghiên cứu trong bài viết này là mới. Nghiên cứu đóng góp cho hiểu biết về thái độ đối việc có con và các minh họa thực tiễn cho việc sử dụng khái niệm “Thái độ” trong lý thuyết hành vi có kế hoạch của Icek Ajzen cũng như cho các nghiên cứu về sinh sản có sử dụng khái niệm này. Về ý nghĩa thực tiễn, sự hiểu biết về thái độ của các cặp vợ chồng trẻ đối với việc có con sẽ đóng góp cho việc xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao tính khả thi của chính sách dân số trong việc khuyến khích các cặp vợ chồng cần sinh đủ hai con.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Khái niệm nghiên cứu

Thái độ

Khái niệm “Thái độ” được định nghĩa là ''Đánh giá của cá nhân về một hành vi đang được xem xét'' 3 . Hay “Thái độ” đề cập đến việc đánh giá cùng với chiều hướng ủng hộ hoặc không ủng hộ, thích hoặc không thích, nhận định tốt hoặc xấu của cá nhân đối với một đối tượng, khái niệm hay hành vi 16 .

Thái độ đối với việc có con

Theo Ajzen I và Klobas J 4 , thái độ của cá nhân đối với việc có con được hình thành từ niềm tin của cá nhân về tác động của việc có con (còn gọi là niềm tin về hành vi - Behavioral belief) hay đánh giá chủ quan của cá nhân về những thay đổi trong cuộc sống do đứa con tiềm năng (hay đứa con sẽ sinh ra trong thời gian tới) mang lại . Những thay đổi này có thể là những thuận lợi hay khó khăn về kinh tế, tâm lý, sức khỏe ... cá nhân và gia đình sẽ đối diện nếu cá nhân có con trong thời gian tới. Cá nhân nào đánh giá đứa con tiềm năng mang lại lợi ích cho cuộc sống thì được xem là có thái độ tích cực đối với việc có con, và ngược lại nếu đánh giá đứa con tiềm năng mang lại khó khăn cho cuộc sống thì được cho là có thái độ tiêu cực đối với việc có con.

Đo lường thái độ đối với việc có con

Trong nghiên cứu này, thái độ của các vợ chồng trẻ đối với việc có con được đo lường bằng đánh giá của họ về mức độ thay đổi của cuộc sống (tốt hơn hoặc kém đi) nếu họ có con (con đầu lòng hay con thứ hai) trong vòng ba năm tới. Một bộ câu hỏi bao gồm mười sáu mục (hay biến số) và câu trả lời dạng thang đo Likert với 5 mức độ: Kém hơn (1 điểm), Kém (2 điểm), Không kém và cũng không tốt (3 điểm), Tốt (4 điểm) và Tốt hơn (5 điểm) được sử dụng để đánh giá tác động dự kiến của việc có con. Các biến số này thuộc về 5 tiêu chí kinh tế, tâm lý và xã hội là: (1) Kinh tế gia đình, (2) Hạnh phúc hôn nhân, (3) Gắn kết xã hội và cảm nhận về cuộc sống, (4) Sức khỏe, (5) Công việc và sở thích cá nhân ( Table 1 ), được nhận dạng qua các nghiên cứu trước đây 4 , 17 , 18 , 19 . Ở góc độ lý thuyết hành vi có kế hoạch, những biến số này có thể được mô tả như niềm tin về tác động của việc có con. Nguyên tắc tương thích được sử dụng khi trình bày các mục cho người tham gia phỏng vấn, “Nếu có con trong vòng ba năm tới, điều này sẽ tốt hơn hay kém hơn cho anh/chị đối với vấn đề …”

Table 1 Tiêu chí và biến số phản ánh sự thay đổi trong cuộc sống do có con

Trong mỗi biến số, câu trả lời là “Tốt” hay “Tốt hơn” đồng nghĩa với việc có con sẽ đem lại thuận lợi cho cuộc sống - thể hiện thái độ tích cực đối với việc có con. Ngược lại, câu trả lời là “Kém” hay “Kém hơn” đồng nghĩa với việc có con được cho rằng sẽ đem lại khó khăn - thể hiện thái độ tiêu cực đối với việc có con. Câu trả lời là “Không kém và cũng không tốt” đồng nghĩa với việc có con không tạo ra thuận lợi và cũng không gây ra khó khăn cho cuộc sống - thể hiện thái độ trung dung (thái độ không tiêu cực và cũng không tích cực) đối với việc có con.

Tổng điểm của 16 biến số dao động từ 16 điểm đến 80 điểm và điểm giữa là 48 điểm. Tổng điểm được phân thành ba nhóm với các giá trị là: thấp (16-46 điểm), trung bình (47-49 điểm) và cao (50-80 điểm). Giá trị thấp tương ứng với thái độ tiêu cực, giá trị trung bình tương ứng với thái độ trung dung và giá trị cao tương ứng với thái độ tích cực đối với sinh con ( Table 2 ).

Table 2 Điểm đánh giá thay đổi cuộc sống do có con và các giá trị tương ứng của thái độ đối với việc có con

Thu thập thông tin

Đây là nghiên cứu cắt ngang, công cụ thu thập thông tin chính là bảng câu hỏi cấu trúc. Khách thể nghiên cứu là các vợ chồng trẻ tại TP.HCM trong độ tuổi 18-35, bao gồm các vợ chồng chưa có con và các vợ chồng có một con (đây là nhóm dân số mà số con hiện nay của họ chưa đạt tiêu chuẩn hai con của chính sách dân số, do đó họ có thể tiếp tục sinh con trong thời gian tới). Dung lượng mẫu của mỗi nhóm là 60 người (người vợ hoặc người chồng). Địa bàn nghiên cứu là quận Thủ Đức - đại diện cho vùng ven và huyện Bình Chánh - đại diện cho khu vực ngoại thành. Đối với mỗi quận huyện nghiên cứu, số lượng phiếu thu thập là 60 phiếu và phương pháp chọn mẫu là phi xác suất theo hạn ngạch. Ngoài ra, thông tin nghiên cứu còn được thu thập qua phỏng vấn sâu với dung lượng mẫu là 10 vợ chồng trẻ và tổng quan tư liệu.

Xử lý thông tin

Thông tin bảng câu hỏi được xử lý bằng phương pháp thống kê mô tả - thống kê các đặc điểm của mẫu khảo sát, phương pháp phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis -EFA) - nhận dạng các nhân tố thái độ đối với việc có con và các phương pháp kiểm định Chi-Square test và Mann-Whitney U test - nhận dạng quan hệ thống kê giữa các biến số định tính và sự khác biệt thống kê về trị trung bình thái độ đối với việc có con giữa các nhóm dân số. Nhập và xử lý dữ liệu bảng hỏi được thực hiện với phần mềm SPSS per Window version 20,0. (IBM Corp, Armonk, NY, USA). Thông tin thu thập từ phỏng vấn sâu và tư liệu được sắp xếp theo các chủ đề phục vụ cho minh họa hay hỗ trợ cho phân tích định lượng.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đặc điểm nhân khẩu, kinh tế và xã hội của dân số nghiên cứu

Table 3 trình bày đặc điểm của dân số nghiên cứu. Độ tuổi trung bình của các vợ chồng chưa có con là 28 tuổi và của các vợ chồng có một con là 30 tuổi. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả hai nhóm này là 26 tuổi (Độ tuổi kết hôn lần đầu của cả nước là 25 tuổi) 20 . Tính đến thời điểm khảo sát (tháng 6 năm 2021), 62,5% số người tham gia phỏng vấn có số năm kết hôn là từ 2 năm trở lại.

Phần lớn các vợ chồng trẻ chưa có con có học vấn là Cao đẳng - Đại học (61,7% số người tham gia phỏng vấn) và các vợ chồng trẻ có một con có học vấn là cấp 3 (46,7% số người tham gia phỏng vấn). Loại hình nghề nghiệp của dân số nghiên cứu chủ yếu là buôn bán - kinh doanh và là nhân viên công ty. Căn cứ theo chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo trong chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND, ngày 09 tháng 12 năm 2020), tỷ lệ các vợ chồng trẻ chưa có con và các vợ chồng trẻ có một con tự đánh giá gia đình thuộc mức nghèo (Dưới 3 triệu đồng /người/tháng) là 20% và 25% số người tham gia phỏng vấn.

Về tình trạng cư trú, các vợ chồng trẻ thuộc diện thường trú (66,7% số người tham gia phỏng vấn), chưa có nhà riêng (58,3% số người tham gia phỏng vấn) và không sống chung với gia đình (56,7% số người tham gia phỏng vấn).

Table 3 Đặc điểm nhân khẩu và xã hội của các vợ chồng trẻ

Thái độ đối với việc có con

Thay đổi cuộc sống do có con

Đánh giá về những thay đổi cuộc sống do có con được phân chia thành ba nhóm ( Table 4 ).

Nhóm thứ nhất, bao gồm các biến số có điểm trung bình đánh giá trên 3 điểm (Mức độ “Tốt”) như: “Niềm vui và sự thỏa mãn anh/chị nhận được từ cuộc sống khi có con”, “Sự gần gũi của anh/chị với cha mẹ của mình khi có con”, “Sự gần gũi anh/chị với vợ/chồng của mình sau khi có con”,… Hầu hết các biến số trong nhóm này là các biến số tâm lý và xã hội. Như vậy, có con trong thời gian tới sẽ mang lại các lợi ích về tâm lý và xã hội cho các vợ chồng trẻ.

Hộp 1: Hạnh phúc gia đình khi có con trong thời gian tới

Đứa con là niềm vui và là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình khi có được đứa con bé bổng khi chào đời và hạnh phúc khi thấy con vui khỏe mỗi ngày và sự gắn bó mật thiết giữa ông bà cha mẹ đối với con cháu. Sinh con trong thời gian tới góp phần tăng thêm số con trong gia đình và lực lượng lao động về sau cho xã hội. Công việc vẫn bình thường nhưng kinh tế sẽ khó khăn hơn vì nhiều thứ phải lo cho chặng đường phía trước của con, nhưng đổi lại được niềm vui có thêm thành viên gia đình. Hiện tại, theo tôi nghĩ mình cố gắng làm việc để vì con . (Nam, 30 tuổi, nghề nghiệp: kỹ sư, tình trạng cư trú: thuê nhà, kết hôn năm 2020, có 1 con, có ý định sinh con trong 3 năm tới – Phường Tân Nhựt, huyện Bình Chánh).

Nguồn: Nhóm nghiên cứu (2021)

Nhóm thứ hai, bao gồm các biến số có điểm trung bình đánh giá là 3 điểm (Mức độ “Không kém và cũng không tốt) như: “Sức khỏe của cá nhân sau khi có con” và “Mua sắm tiện nghi cho gia đình trong thời gian tới”. Đây là các vấn đề được cho là không thay đổi sau khi có con.

Nhóm thứ ba, bao gồm các biến số có điểm trung bình đánh giá dưới 3 điểm (Mức độ “Kém”) như: “Tình hình tài chính của anh/chị sau khi có con”, “Tình hình tiết kiệm của anh/chị sau khi có con”, “Cơ hội công việc/việc làm của anh/chị sau khi có con” và “Đầu tư nhà ở trong thời gian tới”. Đây là các biến số phản ánh kinh tế - vật chất gia đình. Như vậy, có con trong thời gian tới sẽ làm kinh tế - vật chất của gia đình kém đi.

Table 4 Điểm trung bình những thay đổi trong cuộc sống do có con phân theo các nhóm dân số

Có sự khác biệt về đánh giá những thay đổi trong cuộc sống do có con giữa các vợ chồng trẻ chưa có con và các vợ chồng trẻ có một con. Kiểm định Mann - Whitney U cho thấy đối với các vợ chồng trẻ chưa có con, “Cơ hội việc làm” của họ sau khi có con được đánh giá là có sự thay đổi kém hơn so với các vợ chồng trẻ có một con (U = 1441,000, P = 0,039). Ngược lại, đối với các vợ chồng trẻ có một con, “Sức khỏe cá nhân”, “Sức khỏe của vợ/chồng” và “Kế hoạch tương lai của gia đình” sau khi có con được nhận định là có sự thay đổi kém hơn so các vợ chồng trẻ chưa có con (U = 1345,000, P = 0,013; U = 1291,000, P = 0,005 và U = 1290,000, P = 0,004, tương ứng).

Thái độ đối với việc có con

Thái độ đối với việc có con được tính bằng cách cộng điểm tất cả các biến số đo lường sự thay đổi cuộc sống do có con và sau đó phân nhóm tổng điểm này (xem mục 2.2). Kết quả thống kê Table 5 cho thấy đa số các vợ chồng trẻ có thái độ tích cực đối với việc có con (58,3% số người tham gia phỏng vấn). Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ khá lớn những người tham gia phỏng vấn thể hiện thái độ tiêu cực và thái độ trung dung đối với việc có con (41,7%). Điểm trung bình thái độ của các vợ chồng trẻ đối với việc có con không cao chỉ là 3,2 điểm (điểm giữa là 3 điểm) chứng tỏ có con sẽ mang lại sự thay đổi tốt hơn trong cuộc sống, nhưng sự thay đổi này được đánh giá là không nhiều.

Table 5 Thái độ đối với việc con phân theo các nhóm dân số

Kiểm định Mann-Whitney U cho thấy các vợ chồng trẻ chưa có con có thái độ tích cực hơn đối với việc có con (U = 1392,000, P = 0,032). So sánh theo giới tính, không có sự khác biệt thống kê về điểm đánh giá sự thay đổi trong cuộc sống do có con giữa người vợ và người chồng.

Hộp 2: Thái độ tiêu cực đối với việc có con trong thời gian tới

Theo tôi, trong quan hệ vợ chồng, đứa bé sinh ra giúp hàn gắn mối quan hệ của hai vợ chồng khi cùng nhau chăm sóc cho đứa bé, dễ dàng tha thứ cho nhau để cùng nhau chăm lo cho con được tốt nhất. Trong quan hệ với cha mẹ, giúp ông bà giải tỏa được căng thẳng khi chơi với cháu. Là một trong những lí do giúp câu chuyện thêm sinh động hơn khi kể về những đứa con, giúp mối quan hệ xã hội tốt đẹp hơn. Đứa con sinh ra trong thời gian tới đem lại lợi ích như có thêm các khoản nho nhỏ của công đoàn như ngày lễ thiếu nhi, tết trung thu…

Con cái không đem lại lợi ích về tiền bạc vì các khoản chi tiêu cần thiết cho con là khá tốn kém. Vợ chồng không cùng quan điểm nuôi dạy con dẫn đến rất dễ cãi nhau, mâu thuẫn gia đình nảy sinh nhanh chóng. Bố mẹ và ông bà cũng rất dễ nảy sinh mâu thuẫn trong vấn đề giáo dục con cháu do bất đồng quan điểm. Có con thì mình dành nhiều thời gian hơn cho con, không có thời gian cho các mối quan hệ xã hội như trước. Có khả năng phải nghỉ làm để chăm sóc cho con. Đứa con sinh ra trong thời gian tới làm hao hụt nhiều về tài chính (tiền bạc) do điều kiện kinh tế còn nghèo.

So sánh giữa lợi ích và bất lợi, đứa con sinh ra trong thời gian tới mang lại bất lợi lớn hơn.

(Nữ, 27 tuổi, nghề nghiệp: Điều dưỡng, tình trạng cư trú: thuê nhà, kết hôn năm 2020, có 1 con, chưa có ý định sinh con – Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức).

Nhân tố thái độ đối với việc có con

Bên cạnh đo lường thái độ đối với việc có con của các vợ chồng trẻ nêu trên, nghiên cứu tiến hành nhận dạng các thành phần nền tảng của thái độ đối với việc có con (hay mô hình cơ bản các mối quan hệ giữa các biến số đo lường thái độ). Để thực hiện mục đích này, phương pháp phân tích nhân tố được thực hiện. Trước khi tiến hành phân tích, các kiểm tra cho thấy yêu cầu về độ tin cậy dữ liệu (Hệ số Cronbach alpha) và tính thích hợp của phân tích nhân tố khám phá được đảm bảo (Hệ số KMO và kiểm định Barlett). Trong phân tích nhân tố khám phá, phương pháp phân tích thành phần chính (Principal Component Analysis), phép xoay Varimax và điểm dừng khi trích các nhân tố có Eigen Values ≥ 1 được áp dụng. Tại eigenvalue = 1,384 rút trích được bốn nhân tố với phương sai trích là 69,2%. Tóm tắt các biến số có hệ số tải nhân tố cao (> 0,5) đối với từng nhân tố trong phân tích Varimax được trình bày trong Table 6 .

Table 6 Biến số, nhân tố và hệ số tải nhân tố

Căn cứ vào nội dung của các biến số trong mỗi nhân tố, các nhân tố được đặt tên theo các tiêu đề như sau ( Table 7 ):

Nhân tố 1: Kinh tế và vật chất gia đình

Nhân tố 1 là tập hợp các biến số như: “Tình hình tài chính của anh/chị sau khi có con”, “Tình hình tiết kiệm của anh/chị sau khi có con”, “Mua sắm tiện nghi cho gia đình trong thời gian tới” và “Cơ hội việc làm của anh/chị sau khi có con”. Đây cũng là các biến số phản ánh mức sống của gia đình thấp hay cao.

Nhân tố 2: Sức khỏe và đầu tư cho phát triển bản thân và gia đình

Sức khỏe bao gồm các biến số như “Sức khỏe của cá nhân sau khi có con” và “Sức khỏe của vợ/chồng sau khi có con”. Bên cạnh tài chánh, học vấn, lao động,… sức khỏe là nguồn lực để duy trì sự tồn tại và phát triển của cá nhân và gia đình. Để bản thân hoàn thiện và chất lượng cuộc sống gia đình ngày càng nâng cao, các vợ chồng trẻ đặt ra mục đích hướng tới trong tương lai và họ đầu tư nguồn lực và nỗ lực hành động để đạt được mục đích này. Đây được gọi là “Đầu tư cho phát triển bản thân và gia đình” và được thể hiện qua các biến số như: “Điều kiện thực hiện những gì anh/chị muốn làm cho bản thân” và “Kế hoạch tương lai của gia đình khi có con”.

Nhân tố 3: Quan hệ gia đình và hạnh phúc về cảm xúc của cá nhân

Nhân tố 3 là tập hợp các biến số về tâm lý xã hội và được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các biến số liên quan đến sự gắn kết và củng cố các mối quan hệ trong gia đình như: “Sự gần gũi anh/chị với vợ/chồng của mình sau khi có con” và “Sự gần gũi của anh/chị với cha mẹ của mình khi có con”. Theo Azmoude E và cộng sự 21 , sinh con tạo ra tác động xã hội cho các cặp vợ chồng. Một đứa trẻ ra đời làm thay đổi các mối quan hệ cá nhân và môi trường xã hội của cha mẹ nó như mối quan hệ giữa mẹ và cha, mối quan hệ của họ với bạn bè, người thân và hàng xóm và thay đổi vị trí của họ trong xã hội. Nhóm thứ hai bao gồm các biến số phản ánh sự cảm nhận của vợ chồng trẻ hạnh phúc về cảm xúc 22 trong cuộc sống khi có con như “Cảm nhận có sự chắc chắn trong cuộc đời khi có con” và “Niềm vui và sự thỏa mãn anh/chị nhận được từ cuộc sống khi có con”. Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý với nhiều cảm xúc tích cực, giúp cho con người cảm thấy vui vẻ và hài lòng trong cuộc sống 22 .

Nhân tố 4: Khác

Nhân tố này không được đặt tên và được gọi là “Khác” do tập hợp các biến số phản ánh các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Cụ thể, biến số “Đời sống tình dục của vợ chồng” liên quan đến tình dục trong hôn nhân, biến số “Cân bằng thời gian giữa công việc, gia đình và cá nhân” liên quan đến khả năng quản lý thời gian trong cuộc sống và biến số “Những gì mọi người chung quanh nghĩ về anh/chị” liên quan đến sự công nhận xã hội đối với vợ chồng trẻ. Trong sinh hoạt hàng ngày, cá nhân thường quan tâm đến các chuẩn mực xã hội vì chúng sẽ điều chỉnh hành vi của họ. Theo quan niệm truyền thống, hôn nhân gắn liền với sinh sản và sinh con được xem là chuẩn mực. Do đó, có con được xem là chỉ báo của sự công nhận xã hội. Ngoài ra, có con còn được xem là chỉ báo của sự trưởng thành. Trong nghiên cứu về giá trị của trẻ em tại Thái Lan, một số cá nhân quan tâm đến sự phát triển hay trưởng thành của mình và họ xem việc có con, đặc biệt là con đầu lòng và con thứ hai là biểu tượng cho thành tựu này 23 .

So sánh điểm trung bình của các nhân tố thái độ, kết quả thống kê Table 7 cho thấy nhân tố “Quan hệ gia đình và hạnh phúc cảm xúc của cá nhân” được đánh giá là sẽ thay đổi tốt hơn (điểm trung bình là 3,5 điểm) và ngược lại nhân tố “Kinh tế - vật chất gia đình” được đánh giá là sẽ thay đổi kém đi (điểm trung bình là 2,9 điểm). Nhân tố “Sức khỏe và đầu tư cho phát triển bản thân và gia đình” và nhân tố “Khác” không có sự thay đổi nhiều. Như vậy, yếu tố quan trọng nhất hình thành thái độ tích cực của các vợ chồng trẻ đối với việc có con là sự thay đổi tốt hơn của “Quan hệ gia đình và hạnh phúc về cảm xúc của cá nhân”.

Table 7 Điểm trung bình các nhân tố thái độ đối với việc có con phân theo các nhóm dân số

Sự khác biệt về các yếu tố nhân khẩu học của thái độ của người vợ đối với việc có con

Mục tiêu của mục này là làm rõ tác động của các yếu tố nhân khẩu đến thái đô đối với việc có con của các vợ chồng trẻ. Đây là thông tin cần thiết hỗ trợ cho các nhà xây dựng chính sách nhận dạng được các nhóm dân số cần ưu tiên. Các yếu tố nhân khẩu học được đưa vào phân tích thái độ đối với có con bao gồm tuổi, học vấn, thu nhập và số con mong muốn.

Người vợ đóng vai trò quan trọng hơn người chồng vì họ là người trực tiếp sinh sản, vì vậy nghiên cứu phân tích các đặc điểm nhân khẩu của người vợ (tuổi và học vấn) với thái độ đối với việc có con. Thu nhập là thu nhập chung của cả gia đình và số con mong muốn cũng là ý kiến chung của cả vợ và chồng, vì vậy khách thể phân tích của quan hệ giữa hai biến số này và thái độ đối với việc có con là các vợ chồng (người vợ hay người chồng).

Tuổi

Kết quả thống kê Table 8 cho thấy những người vợ ở các nhóm tuổi đều có thái độ tích cực đối với việc có con. Độ tuổi càng cao thì cá nhân càng có thái độ tích cực đối với việc có con [tỷ lệ cá nhân có thái độ tích cực tăng từ nhóm tuổi 19-25 (54,5%) đến nhóm tuổi 31-35 (63,2%)].

Table 8 Thái độ của người vợ đối với việc có con phân theo các nhóm tuổi

Học vấn

Những người vợ với dù có trình độ học vấn theo từng các cấp bậc khác nhau nhưng họ đều có thái độ tích cực đối với việc có con. So sánh giữa các nhóm học vấn, cá nhân có trình độ học vấn từ cấp 2 trở xuống chiếm tỷ lệ cao nhất về thái độ tích cực đối với việc có con (100,0% số người tham gia phỏng vấn) và ngược lại cá nhân có trình độ học vấn ở bậc Cao đẳng - Đại học chiếm tỷ lệ thấp nhất về thái độ tích cực đối với việc có con (54,1% số người tham gia phỏng vấn) ( Table 9 ).

Table 9 Thái độ của người vợ đối với việc có con phân theo các nhóm học vấn

Thu nhập

Các vợ chồng trẻ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và không nghèo đều có thái độ tích cực đối với việc có con. Các vợ chồng trẻ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo có tỷ lệ thái độ tích cực cao hơn các vợ chồng trẻ thuộc diện hộ không nghèo (63,0% và 72,7% so với 54,9% số người tham gia phỏng vấn, tương ứng) ( Table 10 ).

Table 10 Thái độ của vợ chồng trẻ đối với việc có con phân theo các nhóm thu nhập

Số con mong muốn

Số con mong muốn (Wanted children) hay quy mô gia đình ước muốn (Desired family size) là số con mà một cặp vợ chồng mong muốn trong cuộc đời của mình. Trong các nghiên cứu dân số, khái niệm này được sử dụng để giải thích việc ra quyết định về sinh sản và sử dụng các biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng trong độ tuổi khả sản. Về lý thuyết, đối với các cặp vợ chồng đã đạt được số con mong muốn, để ngăn ngừa thai ngoài ý muốn (unwanted pregnancy) thì họ sẽ sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngược lại, các cặp vợ chồng chưa đạt được số con mong muốn thì họ sẽ không sử dụng các biện pháp tránh thai và tiếp tục sinh sản cho đến khi nào đạt được số con mà mình mong muốn. Như vậy, các cặp vợ chồng chưa đạt được số con mong muốn sẽ có thái độ tích cực hơn đối với việc có con so với các vợ chồng đã đạt được số con mong muốn. Kiểm định Mann - Whitney U cho thấy vợ chồng chưa đạt được số con mong muốn có thái độ tích cực hơn với việc sinh con (U=273,000, P = 0,024).

THẢO LUẬN

Tác động của việc có con đến cuộc sống của các vợ chồng trẻ tại TP.HCM bao hàm cả hai khía cạnh là tích cực và tiêu cực. Nếu có con trong 3 năm tới, các vợ chồng trẻ cho rằng đứa con tiềm năng này sẽ mang đến cho họ lợi ích về tâm lý và xã hội nhưng đồng thời cũng mang đến những khó khăn kinh tế và vật chất cho gia đình. Từng trải về việc có con (đã từng trải /chưa từng trải) tạo ra sự khác biệt trong đánh giá giữa các vợ chồng trẻ về tác động của việc có con. Các vợ chồng trẻ chưa có con (chưa từng trải việc có con) nhận định “Cơ hội việc làm” của họ sau khi có con sẽ kém hơn so với các vợ chồng trẻ có một con (đã từng trải việc có con). Ngược lại, các vợ chồng có một con đánh giá “Sức khỏe bản thân”, “Sức khỏe của vợ/chồng” và “Kế hoạch tương lai của gia đình” sau khi có con sẽ kém hơn so các vợ chồng trẻ chưa có con.

Đa số các vợ chồng trẻ có thái độ tích cực đối với việc có con, tuy nhiên thái độ tích cực này có mức độ không cao. Vợ chồng trẻ chưa có con có thái độ tích cực hơn đối với việc có con so với vợ chồng trẻ có một con.

Thái độ đối với việc có con của các vợ chồng trẻ được hình thành từ bốn nhân tố là kinh tế - vật chất gia đình, sức khỏe và đầu tư cho phát triển bản thân và gia đình, quan hệ gia đình và hạnh phúc cảm xúc của cá nhân và nhân tố khác (bao gồm: tình dục trong hôn nhân, quản lý thời gian trong cuộc sống và công nhận xã hội). Nhân tố “quan hệ gia đình và hạnh phúc cảm xúc của cá nhân” được đánh giá là sẽ thay đổi tốt hơn và nhân tố “kinh tế và vật chất gia đình” được nhận định là sẽ thay đổi kém hơn nếu các vợ chồng trẻ sinh con.

Thái độ tích cực đối việc có con của các vợ chồng trẻ bị phân hóa bởi các yếu tố nhân khẩu học như tuổi và học vấn của người vợ, thu nhập và số con mong muốn.

Tuổi của người vợ có tương quan thuận với thái độ tích cực đối với việc có con và số con của họ. Người vợ có tuổi càng cao thì càng có thái độ tích cực đối với việc có con và tương ứng là số con của họ nhiều hơn. Kiểm định Chi-square cho thấy có quan hệ thống kê giữa tuổi của người vợ và số con hiện nay của họ ( P = 0,007). Trong nhóm người vợ có một con, những người vợ ở độ tuổi 31-35 chiếm tỷ lệ cao nhất (78,9% số người tham gia phỏng vấn) - đây cũng là những phụ nữ có thái độ tích cực đối với việc có con. Ngược lại, trong nhóm người vợ chưa có con, những người vợ thuộc độ tuổi 19-25 chiếm tỷ lệ cao nhất (72,7% số người tham gia phỏng vấn) - đây cũng là những phụ nữ có thái độ ít tích cực đối với việc có con.

Học vấn của người vợ có tương quan nghịch với thái độ tích cực đối với việc có con và số con. Trong nghiên cứu này, trong nhóm người vợ chưa có con, những người vợ có học vấn cao (Cao đẳng-Đại học) chiếm tỷ lệ cao nhất (59,5% số người tham gia phỏng vấn) - đây cũng là những phụ nữ có thái độ ít tích cực đối với việc có con. Ngược lại, trong nhóm người vợ có một con, những người vợ có học vấn thấp (Dưới cấp 2) chiếm tỷ lệ cao nhất (80% số người tham gia phỏng vấn) - đây là những phụ nữ có thái độ tích cực đối với việc có con.

Thu nhập có tương quan nghịch với thái độ tích cực đối với việc có con và số con. Kiểm định Mann-Whitney U cho thấy các vợ chồng trẻ chưa có con có thu nhập cao hơn (U = 1357,000, P = 0,039) và có thái độ đối ít tích cực hơn (U = 1392,000, P = 0,032) so với các vợ chồng trẻ có một con. Thu nhập cao dẫn đến mức sống và chất lượng cuộc sống cao, do đó để duy trì chất lượng cuộc sống này các cặp vợ chồng ước muốn có quy mô gia đình nhỏ (hay số trẻ em trong nhà là ít) để giảm chi phí, từ đó họ không có thái độ tích cực đối với việc có con và mức sinh của họ sẽ thấp.

Các vợ chồng trẻ chưa đạt được số con mong muốn có thái độ tích cực hơn đối với việc có con so với vợ chồng đã đạt được số con mong muốn.

KẾT LUẬN

Đa số các vợ chồng trẻ được hỏi có thái độ tích cực đối với việc sinh con, tuy nhiên thái độ này có tỷ lệ không cao. Thái độ tiêu cực đối với việc có con hình thành chủ yếu từ niềm tin cho rằng tình trạng kinh tế - vật chất gia đình sẽ kém hơn nếu sinh con. Trong quyết định sinh con, người vợ đóng vai trò quan trọng vì là người trực tiếp sinh sản. Thái độ của họ đối với sinh con chịu sự kiểm soát của các yếu tố như tuổi, học vấn, thu nhập và số con mong muốn.

Phát hiện nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị cho chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng cần sinh đủ hai con của thành phố: Thứ nhất, cần có giải pháp hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trẻ về việc làm, nâng cao thu nhập và chi phí nuôi dạy con cái. Thứ hai, cần quan tâm đến các đặc thù kinh tế-xã hội của nhóm dân số nữ (người vợ).

Nghiên cứu này được xem là nghiên cứu ban đầu (Preliminary study) nhằm cung cấp các thông tin nền tảng cho các nghiên cứu thời gian sau tiến hành với quy mô lớn hơn và đi sâu vào chi tiết hơn.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số T2021-06.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

- Tác giả Phạm Gia Trân phụ trách công việc xử lý dữ liệu và viết các mục: Kết quả nghiên cứu, Thảo Luận và Kết luận.

- Tác giả Trần Nguyễn Tường Oanh phụ trách công việc thu thập dữ liệu và viết các mục: Đặt vấn đề, Phương pháp nghiên cứu, Thảo Luận và Kết luận.

References

  1. Bongaarts J. Trends in fertility and fertility preferences in sub-Saharan Africa: the roles of education and family planning programs. Genus volume 76. [cited Jan 10 2022] Vol. 1; 2020. . ;:. Google Scholar
  2. Dân Ccục. số-kế hoạch hóa gia đình TP.HCM. Báo động mức sinh thấp nhất nước. già hóa dân số tăng.2019. [cited Dec 20 2021] [1 screen]. . ;:. Google Scholar
  3. Ajzen I. The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes. 1991;50(2):[179-211]. . ;:. Google Scholar
  4. Ajzen I, Klobas J. Fertility intentions: an approach based on the theory of planned behavior, Demographic research volume 29. p. 205-10. doi: 10.4054/DemRes.2013.29; 2013. [cited Dec 15 2021]. . ;:. Google Scholar
  5. Lê Minh tâm, Bùi thị Thanh hương, Cao ngọc Thành. 2012. Khảo sát kiến thức, thái độ của phụ nữ về sinh sản và vô sinh. Tạp chí Phụ sản 10 (3);2012:225-33. . ;:. Google Scholar
  6. Mai ĐT. Thực trạng sinh con thứ 3 trở lên và những yếu tố ảnh hưởng tại một số xã huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tạp chí Y học Việt Nam tập 504 số. . 2021;2:. Google Scholar
  7. Trang ĐND. Nghiên cứu thực trạng sức khỏe sinh sản và đánh giá hiệu quả của mô hình can thiệp ở nữ vị thành niên huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Luận án Tiến sĩ Y học ngành Y tế công cộng. Đại học Y Dược - Đại Học Huế.; 2020. . ;:. Google Scholar
  8. Long VĐ. Nghiên cứu một số yếu tố liên quan tới lựa chọn giới tính khi sinh của các bà mẹ đến sinh con tại bệnh viện phụ sản Hải phòng năm 2012. Tạp chí Y học thực hành. . 2014;914(4/2014):. Google Scholar
  9. Giàu Lê Thị Ngọc. C-c yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ Chăm tại Tây Ninh. (Nghiên cứu trường hợp tại ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Luận án Thạc sĩ Xã hội học. Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Đại Học Quốc Gia TP.HCM. . 2013;:. Google Scholar
  10. Trân PG. Factors affecting pregnancy termination practice in contemporary Viet Nam: A case study in Ho Chi Minh City [thesis] of Master of Arts (Health Social Science). Thailand: Faculty of Graduate Studies. Mahidol University; 1996. . ;:. Google Scholar
  11. Hồng LT. Nhận xét một số yếu tố liên quan đến việc đi phá Thai ở phụ nữ chưa kết hôn tại bệnh viện phụ sản Trung ương. Tạp Chí Phụ Sản Tập. 2012;10, Số 2. Tháng. p. 4; 2012. . ;:. Google Scholar
  12. Lê Na NT. Hồ thị Thanh tâm; 2017. Kiến thức, thái độ và mức độ phiền muộn của cặp vợ chồng vô sinh. Tạp chí Phụ sản tập 14 số 4. Lê Minh tâm, Cao ngọc thành. . ;:. Google Scholar
  13. Oanh TNT. Quan niệm truyền sinh trong hôn nhân của Công giáo và kế hoạch hóa gia đình của các cặp vợ chồng Công giáo hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh. Luận án Tiến sĩ Xã Hội học. Học viện Khoa Học Xã Hội-Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. . 2019;:. Google Scholar
  14. Lệ TPM. Báo cáo đề dẫn: Vấn đề mức sinh thấp tại thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng, nguyên ngân và giải pháp. Kỹ yếu hội thảo "Vấn đề mức sinh thấp tại thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng, nguyên ngân và giải pháp" ngày 26 tháng 11 năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh. . 2019;:. Google Scholar
  15. Thành LV. Một số giải pháp đối với chính sách khuyến sinh tại thành phố Hồ Chí Minh. Kỹ yếu hội thảo "Vấn đề mức sinh thấp tại thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng, nguyên ngân và giải pháp" ngày;26 tháng 11 năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh. . 2019;:. Google Scholar
  16. Ajzen I, Fishbein M. Attitudes and the attitude-behavior relation: reasoned and automatic processes. Eur Rev Soc Psychol. 2000;11(1):[1-33]. . ;:. Google Scholar
  17. Billari FC, Philipov D, Testa MR. Attitudes, norms and perceived behavioural control: explaining fertility intentions in Bulgaria. Eur J Population. 2009;25(4):[461-2]. doi: 10.1007/s10680-009-9187-9. . ;:. Google Scholar
  18. Li X, Fan Yancun. Sawitri Assanangkornchai và Edward B. McNeil. Application of the Theory of Planned Behavior to couples' fertility decision-making in Inner Mongolia, China. PLOS ONE. 2019 [1-4];4(8):e022152614. . ;:. Google Scholar
  19. Sørensen NO, Marcussen S, Backhausen MG, Juhl M, Schmidt L, Tydén T et al. Fertility awareness and attitudes towards parenthood among Danish university college students. Reprod Health published online. 2016 Dec 13;13(1) [3-6]. . ;:. Google Scholar
  20. UNFPA. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 [online]; 2019. dân-số-và-nhà-ở-năm-2019 [cited Jan 2 2022]. [1 screen]. . ;:. Google Scholar
  21. Azmoude E Ms, Behnam H, Barati-Far S, Kabirian M Ms. The relationship of Socio- demographic factors, fertility behavior and Child's perceived value with fertility. Int J Community Based Nurs Midwif. 2017;5(Apr):[123-33] c4c1c13ce2dbab0afapdf. . ;:. PubMed Google Scholar
  22. Tường Nguyễn Văn, Thư Nguyễn Hoàng Anh. Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên Khoa Giáo Dục, Trường đại Học Khoa Học Xã hội và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh. Tạp Chí Giáo Dục và Xã hội, năm thứ;14, số đặc biệt tháng 5/2020:[150-53]. . 2020;:. Google Scholar
  23. Buripakdi C. The value of children: across-national study -Thailand volume four. Honolulu, Hawaii. University Press of Hawaii. 1977. P 41-7. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 2 (2022)
Page No.: 1560-1572
Published: Jun 30, 2022
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.740

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trân, P. G., & Oanh, T. N. (2022). The attitude towards having children in the next time of young couples in Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(2), 1560-1572. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i2.740

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 351 times
PDF   = 193 times
XML   = 0 times
Total   = 193 times