VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

2453

Total

830

Share

The Covid-19 pandemic and mental health: the case of workers in the travel industry in Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The Covid-19 pandemic has a drastic impact on the global tourism sector, threatening the livelihoods and the physical and mental health of millions of people around the world. The purposes of this article are to 1) examine the relationship between unemployment, travel restrictions by the Covid-19 pandemic, and mental health of workers in the travel industry; and 2) what these workers do to limit the negative effects on mental health in the context of the Covid-19 pandemic in Vietnam. The methods used in this article are the qualitative approach, the secondary document analysis, the semi-structured in-depth interviews, and the purposeful monitoring of interviewees’ Facebook statuses. To achieve the desired goals in the article, the conservation of resources theory is mobilized. The research finds out that the job loss is the cause of psychological stress and the lack of regular travel due to the Covid-19 pandemic also has a negative impact on the mental health of workers in the travel industry. Furthermore, the study shows that the interviewees used a variety of methods to reduce stress on their mental health during the Covid-19 pandemic. The popular activities they have used include learning new knowledge through online channels, updating information about tours and routes, taking care of their family and children, spending a lot of time on social media, and exercising on a daily basis.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Kể từ khi xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12 năm 2019, Covid-19 đã nhanh chóng lan rộng khắp các châu lục trên tế giới 1 . Tính đến 17 giờ (giờ Hà Nội), ngày 3/9/2021, theo báo cáo từ 221 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, Covid-19 là nguyên nhân của 220.049.243 ca nhiễm và 4.558.573 ca tử vong 2 . Trong các sự kiện cực đoan trước đây, dịch Sars (2003) đã từng tác động tiêu cực đến du lịch thế giới nhưng chỉ làm sụt giảm 0,4% về lượng khách (tương đương 2 triệu lượt khách), khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2009) làm sụt giảm 4% (tương đương 37 triệu lượt khách) 3 , trong khi Covid-19 đã gây ra khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có đối với du lịch thế giới với mức sụt giảm 73% về lượng khách (tương 1,1 tỷ lượt khách) vào năm 2020. Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế giảm 83% so với cùng kỳ năm 2019 do tình trạng đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại vẫn ở mức cao 4 . Doanh thu du lịch mất đi khoảng 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 – gấp hơn 11 lần mức thiệt hại được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 5 . Đại dịch Covid-19 còn tước đi 100,8 triệu việc làm trong ngành du lịch trên khắp thế giới vào năm 2020 6 .

Covid-19 cũng ảnh hưởng chưa từng thấy đối với du lịch Việt Nam. Việc đóng cửa biên giới đã khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 14,2 triệu lượt (tương đương mức giảm 78,89%) vào năm 2020 so với năm 2019. Mặc dù toàn ngành du lịch đã có những giải pháp kích cầu nhưng các hoạt động du lịch nội địa bị gián đoạn do các đợt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương dẫn đến lượng khách giảm 29 triệu lượt (tương đương mức giảm 34,88%) vào năm 2020 so với năm 2019 7 , 8 , 9 . Sự sụt giảm nguồn khách du lịch quốc tế và sự đình trệ các hoạt động du lịch trong nước đã tác động tiêu cực đến nguồn thu du lịch trong năm 2020. Tổng doanh thu du lịch năm 2020 chỉ đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% so với năm 2019 10 . Công suất phòng khách sạn đạt từ 10 đến 15% trong năm 2020 11 . Hơn 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động, còn doanh nghiệp lữ hành nội địa chỉ hoạt động cầm chừng qua các đợt dịch 12 . Đến tháng 5 năm 2021, khoảng 18% doanh nghiệp du lịch đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp du lịch có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc từ 50 – 80%, trong đó, số lượng hướng dẫn viên du lịch cả nước nghỉ việc lên đến 90% 13 . Ngành du lịch vừa trải qua một mùa hè ảm đạm và các di chứng từ đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2021.

Việc làm là một phần thiết yếu của sự phát triển của con người, là phương tiện kết nối cá nhân với xã hội. Ngược lại, thất nghiệp là một trong những trải nghiệm khó chịu nhất trong đời với những hậu quả tâm lý tiêu cực đối với cuộc sống của mỗi cá nhân 14 . Mất việc làm và sức khỏe tinh thần có mối quan hệ phức tạp, nó không chỉ gây nhiễu loạn trực tiếp đối với sức khỏe tinh thần người lao động mà còn liên đới đến sự xáo trộn cuộc sống gia đình của họ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một người thất nghiệp thường có chỉ số về căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và các chỉ số sức khỏe tâm thần khác cao hơn so với những người có việc làm 15 .

Do đại dịch Covid-19, các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới phải đóng cửa biên giới hoặc thực hiện giãn cách xã hội. Mặc dù các biện pháp này có mục đích ngăn chặn sự lây lan của virus corona, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của con người 16 . Việc phải sống trong bối cảnh đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội là những trải nghiệm không mấy thú vị dành cho con người, đặc biệt đối với nhóm lao động ngành lữ hành bởi vì nó ngăn cản sự di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác hoặc từ quốc gia này đến quốc gia khác và thói quen giao tiếp thường xuyên với đối tác, khách du lịch – một đặc thù nghề nghiệp của nhóm lao động này. Việc mất đi các thói quen hàng ngày có thể dẫn đến những ức chế về tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ.

Dựa vào những nhận định trên, chúng tôi sử dụng lý thuyết bảo tồn nguồn lực (the conservation of resources theory), được khởi xướng bởi Hobfoll (1989) 17 để phân tích mối quan hệ giữa tình trạng thất nghiệp, việc hạn chế đi lại và sức khỏe tinh thần của nhóm lao động ngành lữ hành; và cách thức ứng phó được nhóm lao động này sử dụng để hạn chế những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ trong bối cảnh Covid-19. Nghiên cứu được tiếp cận theo hướng định tính với các phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp, phỏng vấn sâu bán cấu trúc và theo dõi có chủ đích các status trên Facebook của nhóm lao động này trong các giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam.

TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU & LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU

Tổng quan vấn đề nghiên cứu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), “sức khỏe tinh thần là một tình trạng sức khỏe mà mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và thành công và có thể đóng góp cho cộng đồng” 18 . Sức khỏe tinh thần của mỗi người có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: kinh nghiệm cá nhân, giao tiếp xã hội, cấu trúc xã hội, các nguồn lực và các giá trị văn hóa 19 . Biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tinh thần thường có các phản ứng tiêu cực, trầm cảm, tự ti, lo lắng hoặc xa rời xã hội 20 . Tình trạng này càng phổ biến và khó đối phó hơn trong điều kiện thất nghiệp, thu nhập thấp, trình độ học vấn hạn chế, điều kiện làm việc căng thẳng, phân biệt giới tính, lối sống không lành mạnh và vi phạm nhân quyền 18 .

Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa mất việc làm và sức khỏe tinh thần chỉ ra rằng công việc là công cụ kết nối sự tồn tại của cá nhân với xã hội, việc mất đi các cơ hội làm việc là nguồn gốc của sự sợ hãi và lo lắng 14 , 21 . Tác động tiêu cực của Covid-19 đối với người lao động như sợ hãi hoặc căng thẳng đã được đề cập trong nghiên cứu của Dryhurst và cộng sự (2020) 22 . Nghiên cứu của Wang và cộng sự (2021) cũng cho thấy Covid-19 tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần con người ở các nước có thu nhập trung bình khu vực châu Á 23 . Trong nghiên cứu của mình, Chi và cộng sự (2020) chỉ ra sự bấp bênh về việc làm trong bối cảnh Covid-19 gây ra lo lắng đối với người lao động ở Việt Nam 24 . Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Nam Phi cũng cho kết quả tương tự 25 .

Tác động tiêu cực của Covid-19 đối với sức khỏe tinh thần của lao động ngành khách sạn được lặp lại trong hai nghiên cứu của Baum và cộng sự (2020) 26 và Chen (2020) 27 . Một cách cụ thể hơn, kết quả nghiên cứu về tác động của Covid-19 đối với nhân viên khách sạn nhập cư tại Hoa Kỳ của Sönmez và cộng sự (2020) cho thấy Covid-19 làm tăng căng thẳng, gây ra nguy cơ đáng kể hơn về sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhóm lao động này so với lực lượng lao động nói chung 28 . Khan và cộng sự (2021) phát hiện nỗi sợ hãi về khủng hoảng kinh tế và mất việc làm gây ra cảm giác bất an, trầm cảm trong các đợt bùng phát Covid-19 dựa vào dữ liệu thu thập online các nhân viên làm việc trong lĩnh vực khách sạn 29 . Kết quả nghiên cứu nhân viên và quản lý các khách sạn ở Trung Quốc qua hai đợt dịch của Teng và cộng sự (2021) chỉ ra nỗi sợ hãi về Covid-19 dẫn đến các bất lợi về sức khỏe tinh thần của nhân viên khách sạn cách ly và khẳng định sự lo âu, căng thẳng của nhân viên ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn 30 . Tuy nhiên, nghiên cứu của Vo-Thanh và cộng sự (2021) xác nhận các nhân viên khách sạn ở Việt Nam cảm thấy bị đe dọa bởi khía cạnh kinh tế (tức là mất việc làm) hơn khía cạnh sức khỏe 31 .

Theo Yan và cộng sự (2021), những người thất nghiệp trong lĩnh vực khách sạn ở Peru do Covid-19 có các triệu chứng lo lắng và trầm cảm 32 . Các giả thuyết trong nghiên cứu của Aguiar-Quintana và cộng sự (2021) được kiểm chứng bằng dữ liệu thu thập từ các nhân viên khách sạn tại đảo Canary (Tây Ban Nha) cho thấy tình trạng mất an toàn trong công việc do Covid-19 tác động đáng kể đến sự lo lắng và mức độ trầm cảm của họ 33 .

Có thể thấy đa số các nghiên cứu vừa nêu trên chủ yếu quan tâm đến tác động của Covid-19 đối với lao động ngành khách sạn ở nhiều nơi trên thế giới và đều cho biết Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa đề cập đến mối quan hệ giữa việc mất việc làm, sự hạn chế đi lại và sức khỏe tinh thần của các nhóm lao động ngành lữ hành (ví dụ: giám đốc doanh nghiệp lữ hành, nhân viên kinh doanh, hướng dẫn viên du lịch, tour leader...) trong bối cảnh Covid-19. Điều đó đã đem đến cơ hội nghiên cứu cho bài viết này.

Lý thuyết nghiên cứu

Lý thuyết bảo tồn nguồn lực (the conservation of resources theory) được đề xuất bởi Hobfoll (1989, 2001, 2010, 2011, 2012) 17 , 34 , 35 , 36 , 37 , 38 coi nguồn lực là thực thể có giá trị tự thân hoặc là phương tiện để đạt được mục tiêu có giá trị. Chúng có thể là: 1) vật thể (một căn nhà); 2) đặc điểm cá nhân, thể chất (sức khỏe) hoặc tâm lý (sự lạc quan, lòng tự trọng); 3) các điều kiện (đã kết hôn hoặc đang có làm việc); và 4) năng lượng (thời gian, tiền bạc, hoặc kiến ​​thức). Nguyên tắc quan trọng của lý thuyết này là con người chiến đấu để duy trì, bảo vệ và xây dựng các nguồn lực; hạnh phúc (sức khỏe) sẽ phụ thuộc vào lợi ích của họ và căng thẳng (đau khổ) sẽ phụ thuộc vào sự mất mát của họ. Qua lăng kính lý thuyết bảo tồn nguồn lực, khi nguồn lực của một cá nhân bị đe dọa hoặc bị mất, hoặc có thể thiếu lợi ích từ các nguồn lực đã đầu tư, cá nhân có thể phát triển trạng thái tâm lý tiêu cực (ví dụ: căng thẳng) 17 . Hay nói cách khác, căng thẳng tâm lý xảy ra như một phản ứng đối với việc mất nguồn lực hoặc nguồn lực bị đe dọa (ví dụ: việc mất việc làm của một người). Sau đó, họ chuyển sang trạng thái phòng vệ để bảo tồn nguồn lực còn lại 17 , 34 .

Trong lĩnh vực du lịch, Chen và cộng sự (2016) đã sử dụng lý thuyết bảo tồn nguồn lực để xem xét mối quan hệ giữa các trải nghiệm du lịch và việc giảm căng thẳng 39 . Zhou và cộng sự (2018) áp dụng lý thuyết này để tìm hiểu mối quan hệ giữa trao quyền giám sát và phá hoại dịch vụ giữa các lao động ngành khách sạn 40 . Thông qua lý thuyết bảo tồn nguồn lực, Mao và cộng sự (2020) nghiên cứu sự ảnh hưởng của việc hỗ trợ từ các công ty đối với tâm lý của người lao động du lịch trong đại dịch Covid-19 41 . Còn Luu (2022) phân tích mối quan hệ giữa việc hỗ trợ của gia đình và việc giảm stress của lao động du lịch tại Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 42 .

Đa số nghiên cứu ở phần Tổng quan vấn đề nghiên cứu cho thấy đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập của lao động trên thế giới, có nghĩa là nguồn lực của họ bị đe dọa hoặc mất đi theo lý thuyết bảo tồn nguồn lực. Ảnh hưởng tiêu cực của việc mất nguồn lực (ví dụ: việc làm) đến sức khỏe tinh thần người lao động ngành lưu trú được nói đến trong hai nghiên cứu của Aguiar-Quintana và cộng sự (2021) 33 và Yan và cộng sự (2021) 32 . Với đặc thù nghề nghiệp, lao động ngành lữ hành có xu hướng di chuyển nhiều hơn và thường xuyên hơn từ địa phương này đến địa phương khác hoặc từ quốc gia này đến quốc gia khác so với nhóm lao động ngành lưu trú. Điều 13 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 nêu rõ “Everyone has the right to freedom of movement” (Mọi người có quyền tự do đi lại) 43 . Chiếu theo lý thuyết bảo tồn nguồn lực, có thể xem việc tự do đi lại như một dạng nguồn lực mà con người có thể sử dụng để tiếp cận và đạt được các loại nguồn lực khác 35 . Như vậy, việc không được di chuyển thường xuyên do đóng cửa biên giới hoặc giãn cách xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là một dạng mất mát nguồn lực. Điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của lao động ngành lữ hành bên cạnh việc mất việc làm; và khi nguồn lực bị đe dọa hoặc bị mất, con người có xu hướng chuyển sang trạng thái phòng vệ để bảo tồn nguồn lực còn lại 17 , 34 . Trong thực tế, nhóm lao động ngành lữ hành thường không thụ động trước khó khăn, họ tìm cách ứng phó để giảm bớt tác động tiêu cực đến sự mất mát nguồn lực (ví dụ: sức khỏe tinh thần) do Covid-19 gây ra. Trên cơ sở tổng quan vấn đề nghiên cứu và lý thuyết bảo tồn nguồn lực, chúng tôi thiết lập khung nghiên cứu cho bài viết như Figure 1 .

Figure 1 . Khung nghiên cứu

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Chúng tôi bắt đầu thực hiện bài viết bằng việc sử dụng các từ khóa: job loss (mất việc làm), travel restrictions (hạn chế đi lại), workers in the travel industry (lao động ngành lữ hành), tourism (du lịch), mental health (sức khỏe tinh thần) Covid-19 để tìm kiếm các tài liệu nghiên cứu trên Google Scholar về mối quan hệ giữa tác động của Covid-19 và sức khỏe tinh thần lao động du lịch. Thông qua phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp, chúng tôi thấy đa số các nghiên cứu tập trung phân tích tác động của Covid-19 đến sức khỏe tinh thần lao động ngành lưu trú; các nghiên cứu chưa quan tâm đến lao động ngành lữ hành – những người thường xuyên di chuyển và di chuyển nhiều hơn so với nhóm lao động ngành lưu trú trong hoạt động nghề nghiệp. Như vậy, phương pháp này đã giúp chúng tôi xác định được “khoảng trống” nghiên cứu và mở ra triển vọng nghiên cứu đối với nhóm lao động ngành lữ hành. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp phát hiện lý thuyết bảo tồn nguồn lực – một lý thuyết phù hợp để làm cơ sở phân tích mối quan hệ giữa việc mất việc làm, sự hạn chế đi lại và sức khỏe tinh thần lao động ngành lữ hành trong bối cảnh Covid-19.

Phỏng vấn sâu bán cấu trúc là phương pháp tiếp theo được sử dụng để phục vụ bài viết này. Chúng tôi đã thực hiện 20 cuộc phỏng vấn đối với lao động ngành lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: 5 giám đốc doanh nghiệp lữ hành; 1 giám đốc kinh doanh lữ hành; 1 trưởng đại diện phòng sales; 2 nhân viên kinh doanh khách outbound và nội địa; 1 điều hành tour; 1 tour leader outbound và 9 hướng dẫn viên du lịch (HDVDL). Trong các mẫu phỏng vấn này, có 15 mẫu nghiên cứu có chủ đích, 5 mẫu nghiên cứu thuận tiện theo chiến lược chọn mẫu nghiên cứu định tính của Patton (2002) 44 . Mỗi cuộc phỏng vấn có từ 12 đến 15 câu hỏi, trong đó, có 6 vấn đề chính, bao gồm: lịch sử làm việc; thời gian phải dừng công việc do Covid-19; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp sử dụng lao động; tác động tiêu cực của mất việc làm, hạn chế đi lại đến sức khỏe tinh thần; các biểu hiện tiêu cực về tâm lý; và cách thức ứng phó với tình trạng căng thẳng tâm lý trong bối cảnh Covid-19. Mục đích của của phương pháp này là thu thập dữ liệu nhằm giải thích tác động dây chuyền của Covid-19 đến việc mất việc làm, sự hạn chế đi lại dẫn đến các biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tinh thần của nhóm lao động ngành lữ hành. 12 phỏng vấn được thực hiện thông qua cuộc gọi trên ứng dụng Zalo và Facebook; 8 phỏng vấn được thực hiện bằng cách gửi câu hỏi và nhận lại kết quả qua Zalo, Facebook và e-mail. Thời gian thực hiện phỏng vấn vào ngày 3 – 4/8/2021 và 22 – 24/8/2021.

Dữ liệu của tất cả các mẫu phỏng vấn đều được đánh máy theo thứ tự câu hỏi và mã hóa tên người tham gia phỏng vấn ( Table 1 ) để thuận lợi cho việc trích xuất, phục vụ trích dẫn và đảm bảo tính bảo mật thông tin. Phần dữ liệu liên quan đến cách thức ứng phó với tình trạng căng thẳng tâm lý trong bối cảnh Covid-19 được phân tích với sự hỗ trợ của công cụ phân tích ngôn ngữ trực tuyến https://voyant-tools.org/ nhằm tìm kiếm các hình thức ứng phó phổ biến của nhóm lao động này trước tình trạng căng thẳng tinh thần trong thời gian giãn cách xã hội.

Table 1 Danh sách người trả lời phỏng vấn sâu

Cuối cùng, chúng tôi tiến hành theo dõi có chủ đích các status đăng trên Facebook của những người tham gia phỏng vấn vào các ngày 25/8/2021 và 11/9/2021. Phương pháp này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn các trải nghiệm cảm xúc của họ trong hoàn cảnh không có việc làm hoặc không được di chuyển thường xuyên do giãn cách xã hội trong bối cảnh Covid-19. Các status này có tính “thật”, khách quan do người đăng tải không chịu bất kỳ sự chi phối nào từ người thực hiện nghiên cứu. Sau đó, chúng tôi đã liên hệ để trao đổi về mục đích sử dụng các status này và tất cả họ đều đồng ý.

Như vậy, chúng tôi đã kết hợp các phương pháp khác nhau trong nghiên cứu định tính để thực hiện nghiên cứu. Mỗi phương pháp đều có nhiệm vụ riêng và chúng bổ sung cho nhau một cách hiệu quả trong việc cung cấp dữ liệu cho bài viết này.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Kết quả nghiên cứu

Mất việc làm và sức khỏe tinh thần lao động ngành lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh

Các hoạt động du lịch thường rất nhạy cảm với những biến cố cực đoan trong xã hội, mất việc làm là một trong những biểu hiện dễ thấy đối với lao động ngành lữ hành trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Sự mất mát này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của các chủ doanh nghiệp lữ hành mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ.

  • Covid-19 xuất hiện đã làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty, thu nhập hầu như không có. Công ty phải chuyển hướng sang khách du lịch nội địa để duy trì hoạt động và đảm bảo thu nhập cho nhân viên nhưng không thể cạnh trạnh được với các công ty chuyên khách nội địa lâu năm. Trước tình hình đó, tôi đã quyết định đóng cửa công ty từ ngày 1/1/2021, cho nhân viên nghỉ không lương. Trước đây, tôi kinh doanh thêm xe du lịch nhưng việc kinh doanh xe cũng bị ảnh hưởng, phải bán tháo cắt lỗ. Hiện tại còn chút nợ do việc đầu tư kinh doanh xe du lịch, nên áp lực về tiền bạc, nhiều khi căng thẳng. Tôi phải làm mọi việc để kiếm thêm thu nhập như kinh doanh online, cho thuê xe kiêm lái xe...

PVS, VT, nam, 41 tuổi, giám đốc, doanh nghiệp lữ hành inbound, ngày 4/8/2021

Mặc dù các hoạt động lữ hành nội địa bị ảnh hưởng muộn hơn nhờ nguồn khách trong nước nhưng các hoạt động du lịch vẫn bị dứt quãng liên tục trong năm 2020 và đầu năm 2021 do các đợt giãn cách xã hội. Đợt bùng phát đầu mùa hè năm nay (kể từ ngày 27/4/2021) có thể đặt dấu chấm hết đối với du lịch nội địa trong thời gian còn lại của năm 2021. Tình trạng này gây ra thất nghiệp hàng loạt đối với lao động khối lữ hành nội địa trong thời gian vừa qua; nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế mà còn là nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe tinh thần của các chủ doanh nghiệp lữ hành nội địa.

  • Tôi đã từng làm qua các công việc: sales tour, điều hành tour, hướng dẫn viên du lịch, trưởng phòng sales và marketing, rồi giám đốc công ty du lịch mảng lữ hành nội địa. Do Covid-19, tôi hầu như phải dừng công việc từ tháng 1/2020 đến nay [có hoạt động lại trong 3 tháng; 6 – 7/2020 và 4/2021]. Đời sống kinh tế của cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng nặng nề: thiếu chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, không có tiền để gửi về lo cho bố mẹ và có nhiều khoản nợ xấu. Tôi bị stress. Tôi suy nghĩ nhiều về công ty và những định hướng sắp tới. Đầu óc thì bế tắc và mất ngủ thường xuyên. Tôi đã về quê và “ăn bám” gia đình.

PVS, LN, nam, 33 tuổi, giám đốc, doanh nghiệp lữ hành nội địa, ngày 23/8/2021

Trong tâm lý học, việc làm được xem là vấn đề trung tâm của khái niệm về bản thân 45 , có nghĩa là thông qua công việc, bạn có thể trả lời cho xã hội biết: bạn là ai hoặc bạn được nhìn nhận từ người khác thông qua công việc của mình như thế nào. Vai trò trụ cột gia đình không chỉ là đặc điểm nổi bật mà còn là nghĩa vụ được kỳ vọng đối với một người đàn ông trong gia đình và xã hội Việt Nam 46 . Vì vậy, việc không có việc làm, thu nhập càng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần của các hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh Covid-19.

  • Tôi từng làm hướng dẫn viên du lịch nội địa; từ 2017 làm hướng dẫn viên outbound. Tôi nghỉ việc từ đợt dịch thứ 1 sau Tết Nguyên Đán năm 2020. Tôi mất hoàn toàn thu nhập do vợ chồng cùng làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Công ty không hỗ trợ gì do tôi thuộc diện cộng tác viên. Nhà nước có thông báo các gói hỗ trợ nhưng hiện tại tôi chưa nhận được, đang cố gắng nộp hồ sơ. Thất nghiệp, cực kỳ stress do không có thu nhập và khó xin việc làm. Cuộc sống căng thẳng từng ngày.

PVS, TG, nam, 31 tuổi, HDVDL outbound và nội địa, ngày 23/8/2021

  • Do mọi kế hoạch trong cuộc sống bị đảo lộn cộng thêm áp lực về kinh tế nên đôi khi cảm thấy lo lắng, bất an hay cáu gắt, bực bội.

PVS, TH, nam, 33 tuổi, HDVDL inbound, ngày 22/8/2021

Trong cùng hoàn cảnh tương tự nhưng dữ liệu thu thập từ các lao động nữ trong khối lữ hành cho thấy họ ít chịu áp lực về kinh tế hơn so với nam giới do có sự chia sẻ về nguồn thu nhập từ các thành viên khác trong gia đình. Mặc dù các lao động nữ tham gia phỏng vấn đều có chồng hoặc người thân trong gia đình có những công việc khác ngành nhưng tình trạng không việc làm cũng gây ra cho họ những bức xúc về sức khỏe tinh thần trong đại dịch Covid-19.

  • Tôi làm du lịch 5, 6 năm rồi. Tôi đã từng làm điều hành xe, dịch vụ, nhân viên kinh doanh khách nội địa và outbound. Tôi nghỉ việc từ tháng 6/2021, đời sống kinh tế nói chung khó khăn lắm, nhiều khi chán nản nhưng một phần nhờ ông xã vẫn còn đi làm; nên có để trang trải một phần chi phí này kia.

PVS, AT, nữ, 30 tuổi, nhân viên kinh doanh khách outbound và nội địa, ngày 24/8/2021

Theo dõi Facebook nhóm lao động ngành lữ hành tham gia phỏng vấn sâu, chúng tôi thấy 100% số lao động này đăng các status liên quan đến Covid-19, 70% trong số họ đăng các status bày tỏ các trải nghiệm cảm xúc khó khăn trong bối cảnh Covid-19.

  • Cô Vy muốn tụi Du lịch sống sao thì hãy nói một lần chớ nhấp nháy như này đau tym quá

Nguồn: Facebook PH, nam, 29 tuổi, giám đốc kinh doanh lữ hành, đăng ngày 28/4/2021, tác giả copy ngày 25/8/2021

  • Ta đang sống trong thời 4.0. Không có việc làm => Không có tiền => Không được ra đường khi không cần thiết => Không biết có trụ nổi qua đại dịch này. Hic hic

Nguồn: Facebook HH, nam, 43 tuổi, HDVDL outbound và nội địa, đăng ngày 31/7/2021, tác giả copy ngày 25/8/2021

Ngày 20/6/2021, Facebook TG đăng lại status “KINH HOÀNG VỀ NAM TOUR GUIDE...” mà Facebook NTHP (nam, 34 tuổi, giám đốc, doanh nghiệp lữ hành outbound) đã đăng vào ngày 20/6/2012 với hình minh họa bên dưới ( Figure 2 ) như một dẫn chứng thú vị về hoàn cảnh của các hướng dẫn viên du lịch nam trong đại dịch Covid-19.

Figure 2 . Kinh hoàng về nam tour guide

Tóm lại, dữ liệu phỏng vấn sâu và status đăng trên Facebook của các lao động khối lữ hành tham gia phỏng vấn cho thấy đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân và gia đình của nhóm lao động này. Tình trạng thất nghiệp và mất thu nhập đã gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ.

Hạn chế đi lại và sức khỏe tinh thần lao động ngành lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh

Đi lại thường xuyên được xem như một đặc thù nghề nghiệp của nhóm lao động ngành lữ hành; trong bối cảnh Covid-19, nhóm lao động này không còn nhiều cơ hội thực hiện các hoạt động nghề nghiệp. Vì vậy, họ thường cảm thấy bị “cuồng chân” khi phải ở nhà trong một thời gian dài và có các biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tinh thần.

  • Lĩnh vực lữ hành là đi đây đi đó, nhưng từ khi có dịch bệnh, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Tôi cảm thấy “cuồng chân” và nhớ những chuyến tour. Sức khỏe thì vẫn bình thường nhưng tinh thần thì hơi mệt mỏi và tiêu cực. Tôi cảm thấy ngứa chân nhưng không được rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc.

PVS, LN, nam, 33 tuổi, giám đốc, doanh nghiệp lữ hành nội địa, ngày 23/8/2021

Các phản ứng tương tự cũng lặp lại ở nhóm hướng dẫn viên du lịch, đi lại thường xuyên được xem như một nhu cầu thiết yếu của nhóm lao động này. Việc đóng cửa biên giới hoặc giãn cách xã hội do Covid-19 buộc họ phải ở nhà; không còn được di chuyển đến các điểm đến hàng ngày gây ra những ức chế về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

  • Khi đi thì nhớ nhà, khi ở nhà lâu như thời điểm này thì lại rất khó khăn bởi vì tụi tôi phải đi, buộc phải đi; mà nếu như không được đi, ở nhà thì không có cái việc gì để làm, chỉ phụ giúp việc lặt vặt trong gia đình nó làm cho con người mình nó khờ ra. Stress do bị cuồng chân.

PVS, HT, nam, 37 tuổi, HDVDL outbound, ngày 23/8/2021

  • Không được đi tour thường xuyên, người mệt mỏi, khó chịu lắm, đôi khi cáu gắt, nóng nảy vô cớ.

PVS, HH, nam, 43 tuổi, HDVDL outbound và nội địa, ngày 23/4/2021

Theo dữ liệu phỏng vấn, các lao động nữ có xu hướng bị ảnh hưởng chậm hơn lao động nam, họ cảm thấy có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình trong thời gian đầu bùng phát dịch Covid-19 nhưng các đợt giãn cách kéo dài khiến sức khỏe tinh thần của họ đi xuống.

  • Ban đầu tôi cảm thấy có thời gian sắp xếp việc nhà, thời gian dành cho gia đình, nhưng dịch kéo dài khiến tôi stress, tinh thần đi xuống.

PVS, HT, nữ, 32 tuổi, nhân viên kinh doanh khách outbound và nội địa, ngày 22/8/2021

Trong xã hội truyền thống, phụ nữ Việt Nam thường kiểm soát các công việc trong gia đình; ở chiều ngược lại, đàn ông chiếm ưu thế trong các lĩnh vực ngoài xã hội 47 . Ngày nay, xu hướng này đã có nhiều thay đổi, phụ nữ tham gia vào hầu hết các ngành nghề trong xã hội; các hoạt động nghề nghiệp giúp họ có nhiều cơ hội đi lại thường xuyên hơn và mở rộng các quan hệ xã hội khác nhau. Có thể nói rằng họ chịu áp lực ít hơn về phương diện kinh tế so với nam giới nhưng căng thẳng tâm lý vẫn xảy ra do hạn chế đi lại trong bối cảnh Covid-19.

  • Nói chung cảm thấy bức xúc; nhiều lúc, cảm thấy chán nản, quá chán nản. Cái nghề của mình là đi, tiếp xúc với khách hàng, dịch vụ nhưng bây giờ không còn được tiếp xúc nữa; nếu dịch này kéo dài nữa, nhiều bạn làm du lịch không có công việc khác cũng có thể bị trầm cảm.

PVS, AT, nữ, 30 tuổi, nhân viên kinh doanh khách outbound và nội địa, ngày 24/8/2021

  • Việc không được đi lại thường xuyên làm cho tinh thần không thoải mái, không vui, căng thẳng và áp lực, đôi khi bị stress.

PVS, MA, nữ, 36 tuổi, trưởng đại diện văn phòng sales, ngày 22/8/2021

Không chỉ dừng lại ở các status, một số lao động còn đăng hình kèm theo status để minh họa cho tâm trạng chán nản trong thời gian giãn cách xã hội và mong chờ ngày được trở lại làm việc ( Figure 3 ). Khi được hỏi về ẩn ý đằng sau status và hình tấm này, chủ nhân của tài khoản Facebook trên thổ lộ: “Tôi hơi chán chán. Mong được đi làm lại nên đăng status vậy thôi”.

Figure 3 . Tâm trạng một hướng dẫn viên du lịch trong đại dịch Covid-19

Có thể thấy rằng đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của lao động ngành lữ hành do mất việc làm, thu nhập mà còn gây ra các biểu hiện tiêu cực về tâm lý, tác động đến sức khỏe tinh thần của họ do việc hạn chế đi lại trong các đợt giãn cách xã hội. Mối đe dọa này ảnh hưởng khác nhau đến từng lao động với các biểu hiện khá đa dạng: chán nản, cáu gắt, stress, cuồng chân, mất ngủ...

Các phương thức lao động ngành lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh ứng phó với căng thẳng tinh thần trong đại dịch Covid-19

Theo lý thuyết bảo tồn nguồn lực, trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng, các cá nhân tìm cách sửa chữa thiệt hại và huy động các nguồn lực để bảo vệ tài nguyên hơn nữa. Điều này có nghĩa là họ không chỉ phản ứng với tác nhân gây căng thẳng mà còn nhanh chóng chuyển sang trạng thái phòng vệ để bảo tồn nguồn lực còn lại 17 , 34 . Trường hợp lao động ngành lữ hành, khi nguồn lực quý giá nhất của họ là việc làm và được di chuyển thường xuyên bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trong thời gian kéo dài, họ đã có những phản ứng khác nhau về nhận thức, hướng đến việc gỡ rối các căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

  • Cái nghề của mình đi suốt, vừa được đi, vừa kiếm được tiền; giờ ở nhà cuồng chân, ai mà chẳng stress nhưng phải chấp nhận để tìm việc khác mà kiếm tiền thôi chứ ngồi buồn suốt ngày sao sống được.

PVS, LT, nam, 41 tuổi, giám đốc, doanh nghiệp lữ hành inbound, ngày 4/8/2021

  • Tôi thường nghĩ tới những tình cảnh người ta khó khăn hơn mình, rồi mình có động lực hơn. Tôi nghĩ đến nhiều cán bộ đứng chốt, nhiều y bác sĩ làm việc xuyên đêm, mình còn may mắn hơn trong bệnh dịch này .

PVS, AT, nữ, 30 tuổi, nhân viên kinh doanh khách nội địa & outbound, ngày 24/8/2021

Dữ liệu phỏng vấn còn cho thấy mỗi lao động trong khối lữ hành có cách thức ứng phó khác nhau để giảm căng thẳng tâm lý trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.

  • Ở nhà rảnh thì nấu cơm, thường xuyên tập thể dục và xem phim; nói chung, mở mạng ra có chương trình lạ lạ là học, các chương trình miễn phí trên Facebook; mình rảnh quá, cứ đăng ký trên đó rồi học, bất động sản, chứng khoản tùm lum hết.

PVS, HH, nam, 43 tuổi, HDVDL outbound và nội địa, ngày 23/8/2021

  • Trong mùa dịch này, công ty cho hướng dẫn viên tụi tôi ở nhà. Bản thân tôi trong thời gian dịch chủ động tự học tập, rèn luyện thêm kiến thức và cập nhật thông tin về đường tour.

PVS, PT, nữ, 28 tuổi, hướng dẫn viên du lịch outbound & nội địa, ngày 4/8/2021

Trong số 439 từ liên quan đến cách thức ứng phó của lao động lữ hành đối với các ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe tinh thần trong bối cảnh đại dịch Covid-19, 6 từ có tần suất lặp lại nhiều nhất bao gồm: học (14 lần), gia (12 lần), đình (12 lần), tour (9 lần), xem (8 lần) và tập (7 lần). Để dễ hình dung hơn, chúng tôi chọn 85/439 từ xuất hiện trong khung phân tích trên màn hình máy vi tính; kết quả trạng thái màu sắc và cỡ chữ 6 từ có số lần lặp lại nhiều nhất thể hiện rõ nét hơn các từ còn lại như Figure 4 bên dưới.

Figure 4 . Tần suất xuất hiện của các từ khóa quan trọng

Phân tích mối liên hệ giữa 6 từ có tần suất xuất hiện nhiều nhất với các từ liên kết có ý nghĩa, kết quả cho thấy: từ học kết nối với “mới, lạ, ngoại ngữ, tiếng Anh, kiến thức”; tour với “coi, mới, cập nhật, update, tìm”; xem với “báo, tin tức, online, phim, Youtube, Facebook, mạng xã hội”; tập với “thể dục (6 lần), học”. Ví dụ: cụm từ gia-đình có liên kết chung với nhiều từ trong dữ liệu phỏng vấn bao gồm: làm, cùng, gian (thời gian), chăm, sóc, nấu, cho, ăn... ( Figure 5 ).

Figure 5 . Mối liên hệ giữa các từ khóa quan trọng

Một cách tổng quát, dữ liệu nghiên cứu cho thấy có 5 cách thức ứng phó phổ biến mà nhóm lao động tham gia phỏng vấn thường sử dụng để giảm bớt căng thẳng trong thời gian giãn cách và cách ly xã hội do đại dịch Covid-19, đó là: học kiến thức mới qua các kênh online; cập nhật thông tin liên quan đến tour, tuyến; chăm sóc gia đình, con cái; dành thời gian cho mạng xã hội và tập thể dục hàng ngày. Trong đó, gia đình vừa là gánh nặng về phương diện kinh tế, vừa là nguồn động viên lớn về tinh thần trong đại dịch Covid-19.

  • Gia đình là nguồn động viên vô cùng lớn cho tôi trong giai đoạn này. Gia đình là nơi giúp tinh thần tôi lạc quan hơn, tôi dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình, con cái.

PVS, HP, nam, 32 tuổi, HDVDL outbound & nội địa, ngày 23/8/2021

Bên cạnh tương tác trực tiếp (ví dụ: giữa các thành viên trong gia đình), các tương tác xã hội trực tuyến thông qua công nghệ thông tin và truyền thông (ví dụ: các trang mạng xã hội) cũng làm giảm các căng thẳng về sức khỏe tinh thần do bị cô lập liên tục trong bối cảnh Covid-19 16 . Nhóm lao động ngành lữ hành tham gia phỏng vấn không phải ngoại lệ, tương tác trực tuyến được xem như “vắc xin tinh thần”, giúp họ giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần và họ dành nhiều thời gian nhất cho việc tương tác trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

  • May mà có nguồn internet, mình làm việc online, xem phim online, tương tác với khách hàng, hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp qua các mạng xã hội, nó giúp mình giảm stress nhiều lắm.

PVS, ĐC, nam, 34 tuổi, giám đốc, doanh nghiệp lữ lành nội địa, ngày 23/8/2021

  • Mạng xã hội chiếm khoảng 80% giải trí của tôi, ở nhà ăn hoài, lên cân nên dậy sớm để tập thể dục, suy nghĩ tích cực hơn.

PVS, AT, nữ, 30 tuổi, nhân viên kinh doanh khách outbound và nội địa, ngày 24/8/2021

Căng thẳng là một phần tất yếu của cuộc sống, đặc biệt khi chúng ta đang sống trong bối cảnh cực đoan như đại dịch Covid-19. Điều quan trọng là cần nhận thức đúng về tác nhân gây ra tác động tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần để có cách ứng phó phù hợp. Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy nhóm lao động lữ hành tham gia phỏng vấn có 5 cách ứng phó phổ biến (đã nêu ở trên) để cân bằng cuộc sống hàng ngày trong thời gian giãn cách và cách ly xã hội nhằm hướng tới những điều tích cực hơn trong cuộc sống.

Thảo luận

Đại dịch Covid-19 – sự kiện cực đoan chưa từng có trong lịch sử – gây ra cảm xúc mãnh liệt về nỗi sợ hãi và các mối đe dọa đối với sự tồn tại của con người, thúc đẩy sự phát triển của các vấn đề tâm lý 16 . Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của con người 22 , 23 , 25 . Kết quả nghiên cứu của bài viết này cho thấy mất việc làm do Covid-19 gây ra các biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tinh thần ở nhóm lao động ngành lữ hành tham gia phỏng vấn, điều này tương tự kết quả nghiên cứu đã được thực hiện đối với những người mất việc làm trong ngành lưu trú ở Peru của Yan và cộng sự (2021) 32 , ở đảo Canary (Tây Ban Nha) của Aguiar-Quintana và cộng sự (2021) 33 hay đối với những người mất việc làm nói chung trong nghiên cứu của Blustein và Guarino (2020) 21 . Nghiên cứu cũng chỉ ra lao động nam giới có các biểu hiện căng thẳng hơn so với lao động nữ bởi vì một mặt, họ thường là các trụ cột kinh tế trong gia đình; mặt khác, lao động nữ nhận được nhiều hơn sự chia sẻ về kinh tế từ các thành viên trong gia đình (chồng hoặc người thân) và họ thường có xu hướng thích ứng nhanh hơn với việc chăm sóc gia đình, con cái hoặc làm các công việc gia đình so với nam giới trong thời gian giãn cách hoặc cách ly xã hội. Kết quả này có điểm tương đồng với nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện vào năm 2020 46 .

Một số nghiên cứu đã chú trọng đến tình trạng thất nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người lao động ngành lưu trú. Bên cạnh các phát hiện tương tự, điểm mới của nghiên cứu này là phát hiện việc không được đi lại thường xuyên do Covid-19 như một sự mất mát nguồn lực để tiếp cận và đạt được các nguồn lực khác (việc làm, tiền lương, mối quan hệ xã hội). Kết quả này có thể bổ sung thêm một dạng nguồn lực (tự do đi lại) cho lý thuyết bảo tồn nguồn lực, được khởi xướng bởi Hobfoll (1989) 17 . Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy việc không được di chuyển thường xuyên trong các hoạt động nghề nghiệp ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của nhóm lao động ngành lữ hành trong các đợt bùng phát dịch Covid-19. Phát hiện này có phần tương đồng với nghiên cứu của Pancani và cộng sự (2021) được thực hiện ở Italia rằng việc áp đặt hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của virus corona có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của con người 16 ; và nghiên cứu thực hiện ở New Zealand của Meiring và cộng sự (2021) rằng những hạn chế về di chuyển do đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của người dân 48 . Trong không gian rộng hơn, kết quả quan sát của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng cho thấy việc hạn chế đi lại do Covid-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân nói chung 49 .

Nghiên cứu còn cho thấy sau những phản ứng tiêu cực về tâm lý do mất mát nguồn lực (việc làm, hạn chế đi lại) trong đại dịch Covid-19, nhóm lao động ngành lữ hành đã có các điều chỉnh về nhận thức và cách thức ứng phó khác nhau nhằm giảm thiểu các mất mát nguồn lực tiếp theo. Các hình thức phổ biến bao gồm: học kiến thức mới qua cách kênh online; cập nhật thông tin liên quan đến tour, tuyến; chăm sóc gia đình, con cái; dành thời gian cho mạng xã hội và tập thể dục hàng ngày. Trong đó, gia đình đóng vai trò “phao cứu sinh”, giúp đa số người tham gia phỏng vấn giảm bớt áp lực thông qua việc kết nối với các thành viên trong gia đình và các công việc hàng ngày. Ở điểm này, kết quả bài viết có sự tương đồng với nghiên cứu của Luu (2022) về mối quan hệ giữa việc hỗ trợ của gia đình và việc giảm stress của lao động du lịch tại Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 42 . Các bằng chứng trong nghiên cứu của Taylor và cộng sự (1985) cho thấy hoạt động thể chất và tập thể dục có thể làm giảm bớt một số triệu chứng liên quan đến trầm cảm từ nhẹ đến trung bình 50 . Đây cũng là cách đa số người tham gia phỏng vấn lựa chọn để thực hiện nhằm giảm bớt căng thẳng trong thời gian giãn cách xã hội. Việc hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 khiến mọi người tìm kiếm kết nối trực tuyến nhiều hơn, điều này dường như giúp chống lại tác động tiêu cực về sức khỏe 16 . Thật vậy, nhóm lao động ngành lữ hành trả lời phỏng vấn trong nghiên cứu này dành nhiều thời gian nhất trong thời gian giãn cách xã hội cho các trải nghiệm trực tuyến như học online, xem phim, Youtube, đọc tin tức, lướt Facebook...

KẾT LUẬN

Một cách rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của hầu hết lao động trên thế giới. Trải nghiệm thất nghiệp và không được di chuyển chẳng hề dễ dàng với tất cả mọi người, đặc biệt đối với nhóm lao động ngành lữ hành – một trong những nhóm ngành nghề rất nhạy cảm trước những biến động cực đoan trong xã hội như chiến tranh, dịch bệnh hay khủng khoảng kinh tế. Nghiên cứu này như một lát cắt mô tả tình trạng thất nghiệp, sự hạn chế đi lại do Covid-19 đã dẫn đến mất cân bằng cảm xúc và gây ra các biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tinh thần theo từng giai đoạn khác nhau đối với nhóm lao động ngành lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, có sự khác nhau về các biểu hiện căng thẳng tâm lý, sức khỏe tinh thần do những người tham gia phỏng vấn có đặc điểm tâm sinh lý, kinh nghiệm sống, hoàn cảnh gia đình... khác nhau.

Giữa cuộc khủng hoảng dịch bệnh đang diễn ra, khi sự đe dọa hoặc mất mát về nguồn lực (việc làm, thu nhập hay tự do đi lại) làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, người tham gia phỏng vấn có xu hướng tìm kiếm các giải pháp khác nhau nhằm ứng phó và tạo ra sự cân bằng về cảm xúc để duy trì một triển vọng tốt hơn về sức khỏe tinh thần cho bản thân.

LỜI CẢM ƠN

Tác giả xin gửi lời tri ân đến 20 lao động thuộc khối lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý tham gia, trả lời các câu hỏi trong quá trình phỏng vấn và cho phép sử dụng status trên trang Facebook cá nhân để phục vụ bài viết này. Đồng thời, tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Dương Thị Minh Phượng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và ThS. Dương Đức Minh, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch đã đọc bản thảo và có những góp ý gợi mở, giúp bài viết được hoàn thiện hơn.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

HDVDL: Hướng dẫn viên du lịch

UNWTO: United Nations World Tourism Organization/ Tổ chức Du lịch Thế giới

WHO: World Heath Organization/ Tổ chức Y tế Thế giới

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả không có xung đột về lợi ích với bất cứ ai liên quan đến bài viết này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết này được tác giả thực hiện độc lập qua 3 bước của tiến trình như sau:

  • Tháng 7/2021: tham khảo tài liệu, xây dựng ý tưởng, viết đề cương;

  • Tháng 8/2021: phỏng vấn sâu, hoàn thành bài viết;

  • Tháng 9/2021: chỉnh sửa, bổ sung bài viết.

ĐÓNG GÓP VỀ MẶT KHOA HỌC CỦA BÀI BÁO

Về phương diện lý thuyết, ngoài tham vọng bổ sung thêm một dạng nguồn lực (tự do đi lại) cho lý thuyết bảo tồn nguồn lực được khởi xướng bởi Hobfoll (1989) 17 , thông qua kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 và sức khỏe tinh thần của lao động ngành lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh, bài viết có thể gợi mở việc áp dụng lý thuyết này trong nghiên cứu du lịch tại Việt Nam trong tương lai.

Theo dõi có chủ đích các status trên Facebook có thể là sự bổ sung thú vị tiếp theo của bài viết này trong việc đa dạng cách tiếp cận định tính trong nghiên cứu nói chung và nghiên cứu du lịch nói riêng.

Bài viết cung cấp tổng quan các biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tinh thần của nhóm lao động khối lữ hành do mất việc làm, hạn chế đi lại và các cách ứng phó phổ biến của nhóm lao động này trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Kết quả thực tiễn này có thể làm cơ sở nhận diện các tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần các nhóm lao động khác để có cách ứng phó phù hợp nhằm giảm thiểu các căng thẳng về tâm lý, lo âu, trầm cảm do tác động của đại dịch Covid-19.

References

  1. WHO. Archived: WHO Timeline - COVID-19. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  2. Worldometer. Covid-19 coronavirus pandemic [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  3. UNWTO. Covid-19 and Tourism Tourism in Pre-Pandemic Times. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  4. UNWTO. UNWTO World Tourism Barometer. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  5. UNWTO. 2020: Worst Year in Tourism History with 1 Billion Fewer International Arrivals. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  6. Statista. Employment Loss in the Travel and Tourism Industry Due to the Coronavirus (covid-19) Pandemic Worldwide in 2020, by Region. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  7. Tổng cục Thống kê. Du lịch năm 2020 lao đao vì covid-19. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  8. Tổng cục Du lịch. Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2019. [Online]. Hà Nội: Tổng cục Du lịch; 2020 p. 72. . ;:. Google Scholar
  9. Tổng cục Du lịch. Tốc độ tăng trưởng khách cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  10. Tổng cục Du lịch. Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2008 - 2020. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  11. Phước Tuần. Gần 60% lao động ngành du lịch Việt Nam mất việc làm trong năm 2020. Tuổi trẻ online. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  12. Minh Anh. Một năm vượt bão khó quên của du lịch Việt Nam. [Internet]. 2021. . ;:. Google Scholar
  13. Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam. "Chảy máu" nhân lực ngành du lịch. [Internet]. 2021. . ;:. Google Scholar
  14. Navarro-Abal Y, Climent-Rodríguez J, López-López M, Gómez-Salgado J. Psychological Coping with Job Loss. Empirical Study to Contribute to the Development of Unemployed People. Int J Environ Res Public Health 2018; 15(8):1-11. . ;:. Google Scholar
  15. Roh YH, Chang JY, Kim MU, Nam SK. The Effects of Income and Skill Utilization on the Underemployed's Self-Esteem, Mental Health, and Life Satisfaction. J Employ Couns 2014; 51(3):125-41. . ;:. Google Scholar
  16. Pancani L, Marinucci M, Aureli N, Riva P. Forced Social Isolation and Mental Health: A Study on 1,006 Italians Under COVID-19 Lockdown. Front Psychol 2021; 12:1-10. . ;:. PubMed Google Scholar
  17. Hobfoll SE. Conservation of resources: A new attempt at conceptualizing stress. Am Psychol 1989; 44(3):513-24. . ;:. PubMed Google Scholar
  18. WHO. Promoting Mental Health [Online]. Geneva: World Health Organization. 2004 [cited 2021 Sep 7]. . ;:. Google Scholar
  19. Lavikainen J, Lahtinen E, Lehtinen V, Ministry of Social Affairs and Health. Public health approach on mental health in Europe [Online]. Helsinki: STAKES; 2000. . ;:. Google Scholar
  20. Massé R, Poulin C, Dassa C, Lambert J, Bélair S, Battaglini A. The Structure of Mental Health: Higher-Order Confirmatory Factor Analyses of Psychological Distress and Well-Being Measures. Soc Indic Res 1998; 45(1/3):475-504. . ;:. Google Scholar
  21. Blustein DL, Guarino PA. Work and Unemployment in the Time of COVID-19: The Existential Experience of Loss and Fear. J Humanist Psychol 2020; 60(5):702-9. . ;:. Google Scholar
  22. Dryhurst S, Schneider CR, Kerr J, Freeman ALJ, Recchia G, van der Bles AM, et al. Risk perceptions of COVID-19 around the world. J Risk Res 2020; 23(7-8):994-1006. . ;:. Google Scholar
  23. Wang C, Tee M, Roy AE, Fardin MA, Srichokchatchawan W, Habib HA, et al. The impact of COVID-19 pandemic on physical and mental health of Asians: A study of seven middle-income countries in Asia. Mallhi TH, editor. PLOS ONE 2021; 16(2):1-20. . ;:. PubMed Google Scholar
  24. Chi H, Vu T-V, Vo-Thanh T, Nguyen NP, Van Nguyen D. Workplace health and safety training, employees' risk perceptions, behavioral safety compliance, and perceived job insecurity during COVID-19: Data of Vietnam. Data Brief 2020; 33:1-7. . ;:. PubMed Google Scholar
  25. Posel D, Oyenubi A, Kollamparambil U. Job loss and mental health during the COVID-19 lockdown: Evidence from South Africa. Picone GA, editor. PLOS ONE 2021; 16(3):1-15. . ;:. PubMed Google Scholar
  26. Baum T, Mooney SKK, Robinson RNS, Solnet D. COVID-19's impact on the hospitality workforce - new crisis or amplification of the norm? Int J Contemp Hosp Manag 2020; 32(9):2813-29. . ;:. Google Scholar
  27. Chen C-C. Psychological tolls of COVID-19 on industry employees. Ann Tour Res 2020; 89:1-5. . ;:. PubMed Google Scholar
  28. Sönmez S, Apostolopoulos Y, Lemke MK, Hsieh Y-C (Jerrie). Understanding the effects of COVID-19 on the health and safety of immigrant hospitality workers in the United States. Tour Manag Perspect 2020; 35:1-7. . ;:. Google Scholar
  29. Khan KI, Niazi A, Nasir A, Hussain M, Khan MI. The Effect of COVID-19 on the Hospitality Industry: The Implication for Open Innovation. J Open Innov Technol Mark Complex 2021; 7(1):1-17. . ;:. Google Scholar
  30. Teng Y-M, Wu K-S, Xu D. The Association Between Fear of Coronavirus Disease 2019, Mental Health, and Turnover Intention Among Quarantine Hotel Employees in China. Front Public Health 2021 May 31; 1-10. . ;:. Google Scholar
  31. Vo-Thanh T, Vu T-V, Nguyen NP, Nguyen DV, Zaman M, Chi H. How does hotel employees' satisfaction with the organization's COVID-19 responses affect job insecurity and job performance? J Sustain Tour 2021; 29(6):907-25. . ;:. Google Scholar
  32. Yan J, Kim S, Zhang SX, Foo M-D, Alvarez-Risco A, Del-Aguila-Arcentales S, et al. Hospitality workers' COVID-19 risk perception and depression: A contingent model based on transactional theory of stress model. Int J Hosp Manag 2021; 95:1-11. . ;:. Google Scholar
  33. Aguiar-Quintana T, Nguyen THH, Araujo-Cabrera Y, Sanabria-Díaz JM. Do job insecurity, anxiety and depression caused by the COVID-19 pandemic influence hotel employees' self-rated task performance? The moderating role of employee resilience. Int J Hosp Manag 2021; 94:1-10. . ;:. Google Scholar
  34. Hobfoll SE. The Influence of Culture, Community, and the Nested Self in the Stress Process: Advancing Conservation of Resources Theory. Appl Psychol 2001; 50(3):337-421. . ;:. Google Scholar
  35. Hobfoll SE, Ford JS. Conservation of Resources Theory. In: Encyclopedia of Stress [Online]. Elsevier; 2007 [cited 2021 Aug 18]. p. 562-7. . ;:. Google Scholar
  36. Hobfoll SE. Conservation of Resources Theory: Its Implication for Stress, Health, and Resilience [Online]. Oxford: Oxford University Press; 2010 [cited 2021 Aug 15]. . ;:. Google Scholar
  37. Hobfoll SE. Conservation of resource caravans and engaged settings: Conservation of resource caravans. J Occup Organ Psychol 2011; 84(1):116-22. . ;:. Google Scholar
  38. Hobfoll SE. Conservation of Resources and Disaster in Cultural Context: The Caravans and Passageways for Resources. Psychiatry Interpers Biol Process 2012; 75(3):227-32. . ;:. PubMed Google Scholar
  39. Chen C-C, Petrick JF, Shahvali M. Tourism Experiences as a Stress Reliever: Examining the Effects of Tourism Recovery Experiences on Life Satisfaction. J Travel Res 2016; 55(2):150-60. . ;:. Google Scholar
  40. Zhou X, Ma J, Dong X. Empowering supervision and service sabotage: A moderated mediation model based on conservation of resources theory. Tour Manag 2018; 64:170-87. . ;:. Google Scholar
  41. Mao Y, He J, Morrison AM, Andres Coca-Stefaniak J. Effects of tourism CSR on employee psychological capital in the COVID-19 crisis: from the perspective of conservation of resources theory. Curr Issues Tour 2020; 1-19. . ;:. Google Scholar
  42. Luu TT. Family support and posttraumatic growth among tourism workers during the COVID-19 shutdown: The role of positive stress mindset. Tour Manag 2022; 88:1-12. . ;:. PubMed Google Scholar
  43. United Nations. United Nations Universal Declaration of Human Rights 1948 [Online]. 1948. . ;:. Google Scholar
  44. Patton MQ. Qualitative research and evaluation methods. 3 ed. Thousand Oaks, Calif: Sage Publications; 2002. . ;:. Google Scholar
  45. Kelvin P. Work as a source of identity: The implications of unemployment. Br J Guid Couns 1981; 9(1):2-11. . ;:. Google Scholar
  46. Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội. Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập - Những phát hiện chính và hàm ý đối với Bình đẳng giới [Online]. Hà Nội: Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội; 2020 p. 38. . ;:. Google Scholar
  47. Lynellyn DL, Le NH, Allison T, Le TPM, Dang NA. Changing Gender Relations in Vietnam's Post Doi Moi Era [Internet]. WorldBank; 2000. . ;:. Google Scholar
  48. Meiring RM, Gusso S, McCullough E, Bradnam L. The Effect of the COVID-19 Pandemic Movement Restrictions on Self-Reported Physical Activity and Health in New Zealand: A Cross-Sectional Survey. Int J Environ Res Public Health 2021; 18(4):1-11. . ;:. Google Scholar
  49. Human Rights Watch. Human Rights Dimensions of COVID-19 Response [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  50. Taylor CB, Sallis JF, Needle R. The relation of physical activity and exercise to mental health. Public Health Rep Wash DC 1974 1985; 100(2):195-202. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 1453-1465
Published: Mar 31, 2022
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.709

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, C. (2022). The Covid-19 pandemic and mental health: the case of workers in the travel industry in Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(1), 1453-1465. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.709

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 2453 times
PDF   = 830 times
XML   = 0 times
Total   = 830 times