Abstract
The New Year festival (Pithi Chol Chnam Thmay) of the Khmer people in Southern Vietnam is a traditional one, which has undergone changes under the influence of modern society. This paper was based on the survey results of 42 correspondents representing 42 Khmer households in Don Xuan Commune, Duyen Hai District, Tra Vinh rovince to investigate their perception of cultural changes in celebrating the New Year festival. The quantitative and qualitative research result have reflected Southern Vietnam Khmer people's perception of changes in the content, form, and festival audiences, namely that (1) few Khmer people find the changes in the activities of the New Year festival, (2) Khmer people have limited understanding of the significance of the New Year festival activities, (3) the process of transmitting traditional culture values of the New Year festival is one-way, passive, and incomplete, and (4) young Khmer people tend to migrate to big cities for their livelihood, which separates them from the traditional cultural space of the Khmer people. This paper aims to provide the realistic data, contributing to the practical assessment of the economic and cultural life of the Khmer people in Don Xuan Commune, Duyen Hai District, Tra Vinh rovince nowadays as well as offer helpful suggestions on the formulation of ethnic policies and the preservation of the intangible culture of the Khmer people in Southern Vietnam.
DẪN NHẬP
Biến đổi là quy luật tất yếu của mọi xã hội trên thế giới. Nó cho phép các tộc người thích ứng với điều kiện sinh sống, sự thay đổi xã hội cũng như nghề nghiệp, phương thức mưu sinh và các giá trị trong cuộc sống. Người Khmer Nam Bộ có một quá trình lịch sử lâu dài sinh tồn trong không gian văn hóa truyền thống. Nay, đứng trước bối cảnh xã hội vùng Nam Bộ chịu nhiều biến đổi lớn về kinh tế, văn hóa, nông nghiệp và cả chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào các tộc người, người Khmer tự thân cũng chấp nhận sự biến đổi để thích ứng và sinh tồn. Tuy nhiên, về sự biến đổi này, bên cạnh những tác động tích cực cũng có những tác động tiêu cực đến quá trình bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc của người Khmer. Kết quả nghiên cứu thực địa tại xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã phản ánh nhận thức của người Khmer trước những biến đổi trong lễ hội Mừng năm mới, cung cấp thêm dữ liệu thực tế về quá trình biến đổi văn hóa diễn ra trong cộng đồng người Khmer Nam Bộ.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Khi thực hiện nghiên cứu, chúng tôi cần phải xác định thời điểm và quy trình tổ chức của lễ hội để đưa ra các phương pháp phù hợp. Đồng thời, với tư cách là một loại hình sinh hoạt văn hóa – xã hội, lễ hội Mừng năm mới luôn tồn tại bằng ba yếu tố cơ bản: nội dung (chủ yếu thể hiện qua đối tượng cử lễ trong lễ hội), hình thức (nghi thức, nghi vật, nghi trượng và những sinh hoạt tạo thành hai thành phần chính là lễ và hội) và đối tượng tham gia (cộng đồng người tham gia tổ chức hoặc đến dự lễ hội với nét riêng về tôn giáo, dân tộc, giới tính, lứa tuổi, …) [ 1 , tr. 99].
Theo quan sát của chúng tôi, phương pháp phù hợp nhất cho chủ đề và đối tượng nghiên cứu về biến đổi văn hóa trong lễ hội Mừng năm mới của người Khmer Nam Bộ là phỏng vấn sâu các thông tín viên. Mục tiêu là tìm hiểu nhận thức và tâm tư của chủ thể văn hóa về những biến đổi của lễ hội Mừng năm mới ở ba yếu tố: nội dung, hình thức và đối tượng tham gia.
Đối tượng tham gia phỏng vấn là 42 người từ 42 hộ gia đình sinh sống tại xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Những đối tượng này được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên thuận tiện. Các buổi phỏng vấn được thực hiện vào tháng Một và tháng Hai năm 2021. Trong số 42 người, có 14,29% dưới 25 tuổi, 59,52% từ 25 – 49 tuổi và 26,19% từ 50 tuổi trở lên. Nam giới chiếm 54,76% và nữ giới chiếm 45,24% tổng số người tham gia phỏng vấn. Trình độ học vấn 0/12 chiếm 23,81%, từ lớp 1 – 5 chiếm 19,05%, từ lớp 6 – 9 chiếm 23,81% và từ lớp 10 – 12 chiếm 30,95%.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp tài liệu để có cái nhìn tổng quan về những thành quả nghiên cứu của những người đi trước, có cơ sở để tiến hành so sánh, đối chiếu giữa tài liệu đã có và kết quả phỏng vấn. Phương pháp phân tích hệ thống – cấu trúc cũng được sử dụng để giúp tìm ra mối quan hệ tương tác giữa những biến đổi văn hóa được thể hiện trong lễ hội Mừng năm mới với các yếu tố khác từ tác nhân bên ngoài.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Diễn biến của lễ hội Mừng năm mới theo truyền thống của người Khmer Nam Bộ
Nam Bộ là vùng đất đa tộc người. Cùng với các tộc người thiểu số khác như người Hoa và người Chăm, người Khmer đã định cư lâu đời tại đây.
Người Khmer theo Phật giáo Nam tông, sống tụ cư xung quanh các ngôi chùa, hợp thành các phum, sóc. Chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, là nơi diễn ra các nghi thức tôn giáo, nơi hội họp, vui chơi, cũng là nơi giáo dục con em người Khmer 2 , 3 . Lễ hội là một nét văn hóa đặc sắc của người Khmer Nam Bộ. Hàng năm, người Khmer Nam Bộ tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, tất cả đều diễn ra tại chùa. Mừng năm mới là lễ hội tộc người quan trọng nhất của người Khmer, theo tiếng Khmer là Pithi Chol Chnam Thmay, cách gọi phổ quát để mọi tộc người đều hiểu là Tết Chol hay Tết cổ truyền đồng bào Khmer Nam Bộ. Lễ hội diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Tư Dương lịch hàng năm.
Khi thời điểm tổ chức lễ hội đến gần, người Khmer dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm quần áo, quét dọn đường sá. Gạo nếp, đậu, lá chuối, lá dừa… được chuẩn bị sẵn sàng để làm các loại bánh trái cúng ông bà tổ tiên, biếu nhà chùa và tiếp khách trong những ngày diễn ra lễ hội. Ở chùa, các vị sư và người dân làm vệ sinh từ cổng cho đến chánh điện. Mọi công việc ruộng rẫy đều bị tạm ngừng lại, trâu bò được nghỉ ngơi. Người ở xa trở về sum họp với gia đình. Những ngày diễn ra lễ hội, mọi người tránh cãi vã. Đêm trước lễ hội, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, mang nhang đèn và lễ vật lên chùa. Chùa tổ chức tụng kinh, rắc nước thơm.
Ngày thứ nhất, mọi người tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp và tham gia đoàn rước đại lịch. Cuốn đại lịch được đặt trên khay, đội lên đầu. Mọi người xếp thành đoàn, dẫn đầu là Chằn mang mặt nạ, đi ba vòng xung quanh chính điện. Sau đó mọi người vào chính điện tụng kinh và nghe sư thuyết pháp.
Ngày thứ hai, mọi người thực hiện lễ dâng cơm. Các gia đình người Khmer chọn giờ tốt để dâng cơm lên chùa, thường là vào buổi sớm và trưa. Mọi người dành riêng phần thức ăn cho các sư, còn lại cùng ăn chung với nhau tại chùa. Sau khi dùng cơm, các sư tụng kinh chúc phúc cho mọi người. Buổi chiều, mọi người tập trung đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng, một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ, ước vọng cầu mưa, cầu phúc cho con người. Đến tối, người già tập trung ở bên trong chùa để nghe các sư thuyết pháp. Thanh niên nam nữ thì tập trung ở sân chùa để múa hát, chơi các trò chơi dân gian. Chi phí tổ chức các hoạt động này một phần do người dân đóng góp tự nguyện, thường do một nhóm người đại diện đến vận động từng nhà để đóng góp, chỉ dùng để tổ chức hoạt động chung tại sân chùa. Đây cũng là dịp để nam nữ làm quen, hẹn hò, tìm hiểu nhau.
Ngày thứ ba, mọi người tiến hành lễ tắm Phật, tắm sư. Buổi sáng, người dân dâng cơm lên chùa và nghe sư thuyết pháp. Buổi chiều, họ đốt nhang đèn, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm tượng Phật và những vị sư cao niên. Người dân và các sư cùng tiến hành làm nghi thức này. Sau đó, mọi người trở về nhà mình để tắm cho ông bà bằng nước ướp hương thơm. Cả gia đình tụ tập đông đủ để cùng thực hiện. Quần áo của ông bà cũng được ngâm nước thơm. Đến chiều, các gia đình rước sư đến nghĩa trang hoặc tháp đựng tro cốt. Các sư đi xung quanh tháp để rắc nước thơm và cầu siêu cho những người đã khuất.
Kết quả phỏng vấn đã phản ánh một vài khía cạnh đáng quan tâm liên quan đến lễ hội Mừng năm mới như sau:
Biến đổi trong lễ hội Mừng năm mới hiện nay và nhận thức của người Khmer
Cơ sở lý thuyết để tiến hành nghiên cứu là các khái niệm về biến đổi như sau: (1) theo Hoàng Phê, biến đổi có nghĩa là “thay đổi hoặc làm cho thay đổi thành khác trước” [ 4 , tr. 88]. Sự vận động và biến đổi này diễn ra không giống nhau mà tuân theo quy luật riêng của nó. Văn hóa cũng vậy. Không có nền văn hóa nào tồn tại trong trạng thái tĩnh và bất biến. Mỗi nền văn hóa đều diễn ra quá trình vận động và biến đổi khác nhau; (2) theo Phạm Đức Dương, “khác với những biến đổi chính trị, kinh tế là những biến đổi mang tính bộc phát, cách mạng, sự biến đổi văn hóa mang tính tiệm tiến vì văn hóa là sự kế thừa và thỏa mãn những nhu cầu bất biến của con người” [ 5 , tr. 20]. Văn hóa của một dân tộc, một quốc gia có tính ổn định cao nên văn hóa chỉ có thể được biến đổi một cách từ từ, do sự tương tác của một số nhân tố như môi trường tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, những biến đổi trong cơ cấu kinh tế, sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa cũng như hệ tư tưởng.
Trên cơ sở của các khái niệm về biến đổi nói chung, biến đổi văn hóa nói riêng, chúng tôi thiết kế các câu hỏi và bảng hỏi phù hợp. Khi được hỏi có nhận thấy sự khác biệt nào trong lễ hội Mừng năm mới không, các thông tin viên đã trả lời với số liệu như sau:
30,95% (13/42 người) cho biết họ nhận thấy không có gì khác trước;
4,76% (2/42 người) do đi làm ăn xa nên không biết có gì thay đổi không.
Bên cạnh đó, cũng có người nhận thấy sự thay đổi về hình thức của lễ hội so với trước, cụ thể:
23,81% (10/42 người) nhận thấy những năm gần đây, lễ hội sôi nổi hơn, có đội văn nghệ biểu diễn các điệu múa dân gian, chùa tổ chức nhiều hoạt động hơn, âm nhạc hiện đại hơn và được đầu tư nhiều hơn;
14,29% (6/42 người) nhận thấy có ít người tham dự lễ hội hơn, chỉ có người già và trẻ nhỏ tham dự còn người trẻ thì hoặc lười, hoặc đi làm xa nên không tham dự lễ hội;
7,14% (3/42 người) cho rằng một số trò chơi đã không được tổ chức như trước;
16,67% (7/42 người) chỉ nhận thấy sự thay đổi về hình thức lễ hội từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra với việc hạn chế tụ tập đông người, giảm bớt các hoạt động của lễ hội;
2,38% (1/42 người) cho rằng lễ hội trong những năm gần đây không vui như trước nhưng không giải thích được lý do tại sao.
Nhận thức từ chủ thể văn hóa – người Khmer, cho thấy ít người nhận ra sự biển đổi của lễ hội Mừng năm mới. Sự nhận thức này không hẳn chỉ là về mặt lý trí mà còn bao hàm cả mặt tình cảm và tâm linh. Đối với một cộng đồng người vốn tôn sùng đạo Phật, mọi sinh hoạt đều gắn liền với ngôi chùa thì tâm lý tôn sùng tuyệt đối dành cho một sự kiện lớn do chùa tổ chức có thể lấn át những gì thiên về lý trí. Sự thay đổi, nếu có, cũng không phải là điều mà người dân quan tâm nhất. Điều mà người dân quan tâm nhất là việc tham dự vào lễ hội với mong ước những điều tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình. Kết quả phỏng vấn đã chứng minh điều này khi 26/42 thông tín viên cho biết hoạt động yêu thích nhất trong lễ hội là hoạt động tắm Phật. Nội dung này sẽ được trình bày chi tiết ở mục 2.
Dưới góc độ quan sát thực tế diễn biến của lễ hội Mừng năm mới hiện nay, chúng tôi nhận thấy những yếu tố biến đổi đã diễn ra như sau:
Về hình thức, các nghi thức, sinh hoạt của lễ hội đã biến đổi theo hướng giản lược. Nếu như trong lễ hội rước Đại Lịch trước đây, đoàn rước đi vòng qua các phum, sóc của người Khmer thì nay chỉ rước trong khuôn viên chùa và ít chùa tổ chức lễ rước Đại Lịch. Thay vì mời ông bà lên chùa như trước đây, thì nay chỉ bày biện lễ vật lên bàn thờ rồi tụng niệm, cúng kiếng ông bà ngay tại nhà. Về hoạt động đắp núi cát, trước đây người dân thường đắp chín núi cát với một núi ở trung tâm, nay chỉ còn đắp một núi lúa hoặc gạo trong chánh điện, cũng có khi chỉ đắp núi cát vào những năm chùa có xây dựng để nhà chùa dùng cát đó để xây chùa, có nơi người dân thay thế bằng cách quyên góp tiền. Nước thơm dùng trong nghi thức đọc kinh cầu an trước đây được ướp hương bằng nhang/sáp, nay được làm bằng nước hoa. Lễ tắm Phật hiện nay được ít chùa thực hiện, thay vào đó, người dân sẽ biếu tiền, quần áo để thể hiện lòng hiếu thảo, cầu chúc cha mẹ, ông bà, sư sãi sống trường thọ 6 , 7 , 8 .
Trước đây, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong lễ hội Mừng năm mới như ném còn, dấu khăn, rồng rắn, hát đối đáp, biểu diễn văn nghệ [ 9 , tr. 72]. Tuy nhiên, những trò chơi này đã dần mai một, thay vào đó là các trò chơi mang tính phổ biến như kéo co, bịt mắt đánh chum, nhảy bao bố. Sự thay đổi này được cho là do giao lưu kinh tế – văn hóa với người Hoa và người Việt ở địa phương, một phần khác là do sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục chính thống [ 8 , tr. 37-38].
Về đối tượng tham gia lễ hội, nếu như trước đây chỉ có người Khmer tham dự thì nay còn có sự tham gia của người Kinh, người Hoa, người Chăm. Nam Bộ là nơi mà bốn dân tộc này cùng chung sống xen kẽ nhau, sự giao lưu văn hóa diễn ra một cách tự nhiên và thuận lợi trên mọi phương diện. Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng tham gia lễ hội, tặng quà cho các gia đình khó khăn và hỗ trợ giữ trật tự tại chùa. Kết quả phỏng vấn cho thấy người dân Khmer đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và mong mỏi chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều hơn nữa trong những ngày diễn ra lễ hội.
Đặc biệt, kết quả phỏng vấn còn cho thấy những năm gần đây, do đời sống khó khăn nên rất nhiều người đi làm ăn xa, ít về tham dự lễ hội, khiến cho thành phần tham gia lễ hội chủ yếu là người già và trẻ nhỏ [ 10 , tr. 117]. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên không tha thiết với văn hóa dân tộc hoặc “lười” (theo chia sẻ của cô Sơn Tú , 28 tuổi) cũng không tham gia lễ hội. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến một số người dân nơi đây cảm thấy lễ hội không còn vui như trước.
Những biến đổi ngày càng rõ ràng này là do tác động của loại hình sinh kế mà cộng đồng Khmer đang làm. Khi sinh kế ổn định, người Khmer cũng gia tăng dần số tiền đóng góp cho các lễ hội, quy mô của lễ hội sẽ lớn hơn. Khi các loại hình sinh kế của cộng đồng chủ yếu là hoạt động tại chỗ thì sẽ quy tụ nhiều người tham gia. Những người đang làm công nhân hay di dân lao động thì khó về tham dự lễ hội truyền thống và chỉ có thể về nhà vào dịp Tết Nguyên đán [ 11 , tr. 248-254].
Tuy nhiên, nhận thức của chủ thể văn hóa về những biến đổi trong lễ hội Mừng năm mới vẫn là vấn đề quan trọng nhất mà bài viết muốn hướng dến. Nhận thức này bao gồm các vấn đề liên quan đến lễ hội như tộc người, các cộng đồng người cư trú trong một không gian văn hóa và có các hoạt động văn hóa, truyền thống văn hóa góp phần làm nên các đặc trưng văn hóa của không gian ấy [ 12 , tr. 339].
Nhận thức của người Khmer về ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội Mừng năm mới
Khi phỏng vấn về việc người dân có hiểu ý nghĩa của từng hoạt động trong lễ hội hay không, kết quả cho thấy:
21,43% (9/42 người) thừa nhận mình chỉ hiểu sơ sơ, đại khái về ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội;
4,76% (2/42 người) cho biết mình không hiểu gì về ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội;
73,81% (31/42 người) cho biết mình hiểu ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến một số hoạt động trong lễ hội và hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của hoạt động đó thì những người này chỉ trả lời chung chung. Điều này chứng tỏ họ chưa hiểu tường tận nguồn gốc và ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy các hoạt động trong lễ hội đều có nguồn gốc và ý nghĩa riêng 2 , 13 . Trong số các hoạt động diễn ra trong lễ hội Mừng năm mới, nghi thức tắm Phật được đa số người dân yêu thích nhất.
Có 26/42 người cho biết hoạt động họ thích nhất trong lễ hội là hoạt động tắm Phật. Khi được hỏi ý nghĩa của hoạt động tắm Phật, những người này cho biết:
53,85% (14/26 người) cho rằng hoạt động này nhằm thể hiện lòng hiếu thảo đối với người đã mất, ông bà và cha mẹ;
23,08% (6/26 người) cho rằng tắm Phật giúp rửa sạch những điều không vui trong năm cũ, mong những điều may mắn trong năm mới;
11,54% (3/26 người) cho rằng hoạt động này nhằm mang lại bình an, may mắn;
11,54% (3/26 người) cho biết hoạt động này có ý nghĩa nhưng không giải thích được là có ý nghĩa gì.
Trong những ngày diễn ra lễ hội Mừng năm mới, hoạt động tắm Phật thường được tổ chức vào ngày thứ ba của lễ hội. Trong nghi lễ tắm Phật, người Khmer đốt nhang đèn, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm Phật và những vị sư cao niên trong chùa. Người dân và các sư cùng tiến hành làm nghi thức này. Sau đó, người dân trở về để tắm Phật ở nhà. Cả gia đình tụ tập đông đủ để tắm cho ông bà bằng nước ướp hương thơm. Ý nghĩa của nghi thức tắm Phật là giúp con người tẩy sạch được nghiệp chướng ô uế, làm phiền não biến mất. Nước được dùng là nước mưa vì nước mưa mới là nước tinh khiết, nước sạch. Khi người dân tắm tượng Phật bằng nước sạch cùng với lòng thành, tâm sạch, niềm tin và công đức của người chủ lễ, bức tượng sẽ trở thành linh thiêng. Nước công đức này rải trúng ai thì người đó được tâm mát mẻ, an vui, giải thoát [ 14 , tr. 6-8].
Đáng lưu ý, một số ít người Khmer thừa nhận không hiểu ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội (kết quả phỏng vấn cô Châu Mỵ , cô Cẩm Thi , chú Chí Trung ). Họ tham gia lễ hội nhưng không hiểu ý nghĩa và cũng không chủ động tìm hiểu ý nghĩa của một hoạt động vốn được nhiều người dân Khmer xem là lễ hội truyền thống của người Khmer.
Xu hướng kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống
Khi được phỏng vấn về việc người Khmer ở địa phương biết đến ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội từ các nguồn nào, kết quả cho thấy:
61,9% (26/42 người) nghe ông bà kể lại;
21,43% (9/42 người) nghe sư trong chùa kể;
2,38% (1/42 người) nghe từ ông bà và sư trong chùa kể lại;
9,52% (4/42 người) nghe bạn bè, người quen nói;
4,76% (2/42 người) nghe ông bà kể và tự tìm hiểu thêm; trong đó, 1 người đã học hết lớp 12 và 1 người chưa từng đến trường.
Kết quả phỏng vấn trên cho thấy, trong cộng đồng người Khmer, truyền miệng là hình thức phổ biến nhất để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác những giá trị văn hóa ẩn chứa trong lễ hội truyền thống. Theo đó, ý nghĩa của các sinh hoạt trong lễ hội Mừng năm mới chủ yếu được lưu truyền trong từng gia đình khi các thế hệ sau được ông bà, cha mẹ kể lại với tỉ lệ 61,9% (26/42 người).
Đồng thời, 21,43% (9/42 người) biết được ý nghĩa của các sinh hoạt trong lễ hội là do được sư trong chùa kể. Điều này đã khẳng định lại một lần nữa kết quả của các nghiên cứu trước đây: các vị sư và ngôi chùa đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao truyền các giá trị văn hóa của cộng đồng người Khmer Nam Bộ. Các vị sư sãi luôn được người dân kính trọng. Ngôi chùa vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tôn giáo, nơi dạy chữ Khmer cho trẻ em, vừa là nơi gửi gắm niềm tin và ước mơ, nơi để bộc bạch tâm tư [ 13 , tr. 103]. Vì thế, người dân Khmer luôn sẵn sàng đóng góp xây dựng chùa dù cuộc sống họ còn nhiều khó khăn [ 15 , tr. 22].
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chỉ có 4,76% (2/42 người) cho biết họ tự tìm hiểu thêm về ý nghĩa của các sinh hoạt trong lễ hội sau khi được nghe ông bà kể lại. Kết hợp với các số liệu đã trình bày ở Mục 2 với 21,43% (9/42 người) thừa nhận mình chỉ hiểu “sơ sơ, đại khái” về ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội và 4,76% (2/42 người) cho biết mình không hiểu gì về ý nghĩa của các hoạt động trong lễ hội, có thể đi đến nhận định rằng: (1) người Khmer thiếu sự chủ động trong quá trình tiếp nhận các giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền từ thế hệ trước và (2) sự trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện trong các hoạt động của lễ hội đã và đang diễn ra với nhiều hạn chế. Thực tế đã chứng tỏ điều đó khi kết quả phỏng vấn cho thấy người tiếp nhận chỉ hiểu “sơ sơ, đại khái” và cũng không chủ động tìm hiểu thêm.
Có thể nhận thấy rằng đây là điều đáng lo ngại. Sự tiếp nhận một cách thụ động, không đầy đủ cùng với sự hạn chế trong nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ là rào cản trong quá trình phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Nếu không nhận thức được tầm quan trọng của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, người dân Khmer khó có thể hành động một cách chủ động và phù hợp để góp phần vào quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hạn chế về nhận thức này một phần được cho là do trình độ học vấn và đời sống kinh tế khó khăn của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.
Cũng như các dân tộc thiểu số khác tại Việt Nam, người Khmer được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ nhiều về giáo dục. Các cơ sở giáo dục dành cho con em người Khmer được đầu tư xây dựng, có chính sách ưu đãi về học phí cho con em các hộ nghèo. Điều này đã góp phần vào việc nâng cao trình độ học vấn của đồng bào Khmer [ 15 , tr. 167]. Tuy nhiên, trình độ học vấn của cộng đồng người Khmer vẫn còn thấp so với mặt bằng chung về trình độ học vấn của người Kinh, người Hoa tại địa phương.
Về kinh tế, công tác khuyến nông được triển khai đến đông đảo người dân Khmer nhằm hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, nhìn chung, các hoạt động này chưa đi vào chiều sâu, khả năng tiếp cận của người dân còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả kém. Thêm vào đó, nhiều người dân Khmer không có đất, mất đất hoặc có ít đất sản xuất nên phải đi làm thuê, việc làm không ổn định. Bệnh tật, thiên tai và chi phí sinh hoạt tăng cao càng làm tăng thêm tính trầm trọng của nghèo đói trong cộng đồng người Khmer và có rất ít người dân Khmer hiểu biết về lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc [ 16 , tr. 168-169].
Có thể nói, trình độ dân trí còn thấp và đời sống kinh tế còn khó khăn là hai trong số nhiều trở ngại đối với sự nhận thức chung của người dân Khmer về giá trị của nền văn hóa dân tộc.
Thêm vào đó, công tác sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, phát huy còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát, có 28,57% (12/42 người) cho biết rất thích hoạt động văn nghệ Rô-băm (hay nghệ thuật múa Khmer Nam Bộ), nhảy Chằn và các trò chơi dân gian diễn ra trong lễ hội. Tuy nhiên, các hoạt động này còn biểu hiện nhiều hạn chế. Loại hình Rô-băm vốn phát triển khá mạnh trước đây, nay bị mai một đến mức báo động. Nếu trước đây có nhiều đoàn Rô-băm với quy mô lớn biểu diễn cả một trường ca Ream kê (hay còn gọi là Chuyện nàng Sê Đa) phục vụ đồng bào gần như quanh năm, thì hiện nay, các đoàn ấy đã tan rã, chỉ có một số địa phương còn duy trì dưới hình thức giữ lại nhân vật Chằn Krông Riếp và Khỉ Hanuman kết hợp với đội trống Chhay dam để phục vụ diễu hành nhân các dịp lễ, tết. Hơn nữa, việc các nghệ nhân Rô-băm hầu hết đã qua đời khiến hầu hết các vũ điệu đầy chất nghệ thuật cũng mất đi vì thế hệ kế thừa không tiếp thu, lĩnh hội được hết.
Thanh niên Khmer di cư đến các thành phố lớn, thoát ly không gian văn hóa truyền thống
Trong số 42 người được phỏng vấn, có 6 học sinh 17 tuổi. Cả 6 bạn đều cho biết sau khi học xong sẽ lên thành phố để kiếm việc làm vì “ở thành phố dễ kiếm việc, có nhiều công ty phù hợp với trình độ, sức khỏe và thu nhập ổn định”. Mặt khác, những người trong độ tuổi lao động hiện vẫn ở lại Trà Vinh cho biết, họ vẫn ở lại quê nhà vì “cuộc sống tạm ổn” dù làm nông ngày càng khó khăn do đất nhiễm phèn nhiều, thu nhập ngày càng giảm.
Có 13/42 người đã rời quê lên làm việc và sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 1 đến 20 năm. Trong số này, có 6 người đã từ lâu không về tham dự lễ hội Mừng năm mới nữa vì công ty chỉ cho nghỉ 3 ngày, việc đi về đã chiếm gần hết thời gian. Chính vì thế, họ không về Trà Vinh tham dự lễ hội Mừng năm mới cùng gia đình mà sẽ về vào những ngày nghỉ lễ dài như Tết Nguyên đán hay 30/4 – 1/5. Thêm vào đó, một bộ phận người trẻ vì “lười” (nguyên văn khi phỏng vấn cô Sơn Tú) nên mặc dù vẫn ở tại quê nhà nhưng không tham gia lễ hội. Từ đó, việc tham gia vào lễ hội chỉ còn là trách nhiệm. Ngày tụ họp đông đủ nhất của cả gia đình chuyển sang dịp Tết Nguyên Đán. Khi đó, các thành viên được nghỉ dài ngày, lại có thêm khoản tiền thưởng, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các buổi gặp mặt, vui chơi, ăn uống [ 11 , tr. 154].
Tất cả những thông tin trên đã cho thấy một viễn cảnh đáng lo ngại khi người trẻ ngày càng xa rời không gian văn hóa của dân tộc, xa lạ với sinh hoạt truyền thống của dân tộc. Đây là rào cản trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer hiện nay và trong tương lai.
KẾT LUẬN
Là một dạng thức văn hóa, lễ hội nói chung, lễ hội truyền thống nói riêng chịu tác động của những biến đổi về kinh tế – văn hóa – xã hội, dẫn đến những biến đổi trong các hoạt động của lễ hội. Bản thân người dân Khmer Nam Bộ với tư cách là chủ thể văn hóa, dù nhận thức còn hạn chế về những biến đổi ấy nhưng đã chấp nhận với tâm thế thích ứng và sinh tồn. Tuy nhiên, sự biến đổi văn hóa diễn ra trong lễ hội đã đặt ra một số vấn đề như mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát huy, giữa mặt tích cực và hạn chế… Về cơ bản, lễ hội là nhu cầu tinh thần của người dân Khmer, là dịp giao hòa với các thế lực siêu nhiên, là dịp gửi gắm hy vọng về những điều tốt đẹp. Dưới tác động của những biến đổi trong xã hội hiện đại, các lễ hội truyền thống của người Khmer mặc dù đã biến đổi nhưng vẫn lưu giữ được ít nhiều các giá trị truyền thống văn hóa tộc người; đặc biệt, các lễ hội truyền thống này luôn gắn liền với hoạt động đoàn tụ gia đình, luôn nhắc nhở người dân Khmer nhớ về nguồn cội và tăng cường mối quan hệ cộng đồng với phần “hội” diễn ra hàng năm. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người Khmer Nam Bộ cần nhận thức rõ điều đó.
LỜI CẢM ƠN
Tác giả chân thành cảm ơn người dân thuộc cộng đồng Khmer sinh sống tại xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Tác giả cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Biên tập và Quý thầy cô phản biện đã đọc, góp ý và chỉnh sửa để bài viết được hoàn thiện.
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Bản thảo này không có xung đột lợi ích.
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Ngoài kết quả đã được trình bày trong bài viết, để thực hiện bài viết này, tác giả đã thiết kế các câu hỏi phỏng vấn nhằm tìm hiểu nhận thức của người Khmer đang sinh sống tại xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh về những biến đổi trong Lễ Mừng năm mới ở ba khía cạnh: nội dung, hình thức và đối tượng tham gia lễ hội.
References
- Thắng Huỳnh Quốc. Lễ hội dân gian người Việt ở Nam bộ (khía cạnh giao tiếp văn hóa dân tộc) [Luận án Tiến sĩ Lịch sử chuyên ngành Dân tộc học]. TP.HCM: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM; 2003. . ;:. Google Scholar
- Hương Lê. Người Việt gốc Miên. Sài Gòn: Nxb Khai Trí; 1969. . ;:. Google Scholar
- Ánh Toan, Giang Cửu Long. Người Việt Đất Việt. Hà Nội: Nxb Văn học; 2002. . ;:. Google Scholar
- Phê Hoàng. Từ điển tiếng Việt. Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng; 2009. . ;:. Google Scholar
- Dương Phạm Đức. Từ văn hóa đến văn hóa học. Hà Nội: Nxb Văn hóa thông tin; 2002. . ;:. Google Scholar
- Sơn Huỳnh Thanh. Lễ hội các dân tộc ở Trà Vinh. Đề tài của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Trà Vinh; 2006. . ;:. Google Scholar
- Tú Dương Thị Ngọc. Lễ hội của người Khmer miền Tây Nam Bộ từ góc nhìn văn hóa học (trường hợp tỉnh Sóc Trăng) [Luận văn thạc sĩ Văn hóa học]. TP.HCM: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM; 2012. . ;:. Google Scholar
- Vinh Lâm Quang. Tín ngưỡng dân gian của người Khmer Trà Vinh [Luận văn thạc sĩ Văn hóa học]. TP.HCM: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM; 2008. . ;:. Google Scholar
- Viện Văn hóa. Người Khmer Cửu Long. Vĩnh Long: Nxb Cửu Long; 1987. . ;:. Google Scholar
- Quang Huỳnh Thanh. Giá trị văn hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia; 2011. . ;:. Google Scholar
- Lan Ngô Thị Phương. Sinh kế và biến đổi văn hóa của người Khmer ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. TP.HCM: Nxb ĐHQG-HCM; 2019. . ;:. Google Scholar
- Hiếu Lý Tùng. Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội; 2019. . ;:. Google Scholar
- Hoan Sơn Phước. Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ. TP.HCM: Nxb Giáo dục; 1998. . ;:. Google Scholar
- Quảng Thích Trí. Ý nghĩa Lễ Tắm Phật. Tạp chí Nghiên cứu Phật học 2005; 3:6-8. . ;:. Google Scholar
- Hạnh Phạm Thị Phương. Văn hóa Khmer Nam Bộ: Nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật; 2012. . ;:. Google Scholar
- Đệ NN. Người Khmer đồng bằng sông Cửu Long: những điều kiện để thoát nghèo. Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ 2005; 4:168-172. . ;:. Google Scholar