VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

332

Total

145

Share

The lecturers’ belief on ethical standards of Vietnam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Ethical standard of lecturers is very important issue in teaching and training process of any country. In Vietnam, in the context of fundamental and comprehensive reform of education and training, this issue has attracted more attention from both the political system and the whole society. In order to establish the ethical standards of the teaching staff in the Vietnam National University, Ho Chi Minh City (VNU-HCM), on the basis of literature review and questionnaire survey, the article focuses on the belief analysis of undergraduate lecturers, including three makeup elements of ethical standard: (1) Political qualities and civic responsibility, (2) Professional ethics, (3) Lifestyle. The results show that the scale of criteria for each group has high reliability and the lecturers of VNU-HCM highly appreciate the importance of these criteria. However, perceptions and attitudes in recognizing these criteria also depend on some factors, in which gender, age and expertise are the three factors that create significant differences in the lecturers’ belief of ethical criteria. The data of the article will provide a scientific and practical basis for the development of a set of ethics guidelines and a code of conduct for the VNU-HCM teaching staff. It is also an essential reference resource for the Vietnamese higher education system in general.

DẪN NHẬP

Đạo đức học đường (bao gồm đạo đức của người dạy, người học, người quản lý, người phục vụ và các khía cạnh liên quan) là một thành tố rất quan trọng tạo nên vị thế và diện mạo của nền giáo dục cũng như của từng cơ sở giáo dục. Ở các trường đại học, việc xác lập triết lý giáo dục, bộ giá trị cốt lõi và các chuẩn mực đạo đức là hết sức cần thiết, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của nhà trường trên tất cả các phương diện: đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; tạo ra giá trị bản sắc, nâng cao khả năng cạnh tranh và thích ứng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc tạo lập và phát triển các hệ giá trị này phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm xã hội, nền văn hóa của từng khu vực, quốc gia và thường được cụ thể hóa thành các nguyên tắc, yêu cầu dưới dạng các chuẩn mực đạo đức hay quy tắc ứng xử chung được chấp nhận một cách rộng rãi; giúp điều chỉnh và đánh giá các hành vi, nhận thức, thái độ trong mối quan hệ giữa các thành viên của nhà trường.

Là một “trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hóa và tri thức Việt Nam”, trên hành trình “nỗ lực để hình thành một đại học quốc gia mang bản sắc và văn hóa riêng biệt, lấy những giá trị cơ bản của con người làm nền tảng cho sự phát triển bền vững”, ĐHQG-HCM đang nỗ lực xây dựng bộ chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và người học của mình 1 .

Trong các đối tượng đó, đội ngũ giảng viên có vai trò và sứ mệnh lớn lao, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn. Việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy. Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm” 2 .

Đội ngũ giảng viên làm việc tại ĐHQG-HCM có thành phần đa dạng, đến từ nhiều địa phương trong cả nước, được đào tạo từ nhiều nền giáo dục khác nhau, nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ là chủ thể trực tiếp tham gia giảng dạy và nghiên cứu, giữ vai trò then chốt trong việc duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu của ĐHQG-HCM. Ngoài trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm, giảng viên còn phải có những phẩm chất đạo đức cần thiết, bởi họ không chỉ trang bị cho người học tri thức và kỹ năng, mà còn có trách nhiệm bồi dưỡng thái độ, nhân cách. Do vậy, việc nghiên cứu quan niệm của giảng viên về chuẩn mực đạo đức của nhà giáo ở bậc đại học là một yêu cầu cấp thiết.

CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG VIỆC XÁC LẬP CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA GIẢNG VIÊN ĐHQG-HCM

Trước khi tiến hành khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cũng như các văn bản hành chính của ĐHQG-HCM liên quan đến việc xây dựng chuẩn mực đạo đức của nhà giáo đại học. Có thể kể đến các văn bản quan trọng như: Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” 3 ; Luật Giáo dục Đại học số 08/2012/QH13 4 ; Luật Viên chức số 26/VBHN-VPQH 5 ; Luật Thi đua - Khen thưởng số 15/2003/QH11 6 ; Luật Sở hữu trí tuệ số 19/VBHN-VPQH 7 ; Nghị định số 186/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Đại học Quốc gia 8 ; Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức 9 ; Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025 10 Quy định về đạo đức nhà giáo (ban hành theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) 11 ; Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 7/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo 12 ; Quy tắc đạo đức nghiên cứu trong ĐHQG-HCM (ban hành theo công văn số 1283/ĐHQG-KHCN ngày 30/6/2016) 13 ; Công văn số 1917/ĐHQG-TCCB về việc hướng dẫn công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức năm 2020 của ĐHQG-HCM 14 v.v…

Các văn bản này không chỉ là cơ sở pháp lý, mà còn góp phần tạo nên khung lý thuyết để xác lập các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức nhà giáo đại học. Trong đó, văn bản sát hợp nhất là Quy định về đạo đức nhà giáo, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16/4/2008, nhằm mục đích “để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho người học noi theo”. Quy định nêu rõ các nội dung và tiêu chí cụ thể về: (1) Phẩm chất chính trị, (2) Đạo đức nghề nghiệp, (3) Lối sống, tác phong và (4) Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo 11 .

Cùng với việc nghiên cứu các văn bản và tài liệu trong nước, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận và tìm hiểu cách thức xây dựng chuẩn mực đạo đức của một số tổ chức giáo dục và trường đại học ở nước ngoài. Viện Quy hoạch Giáo dục Quốc tế (IIEP) là một trong những tổ chức thành viên của UNESCO chuyên về lĩnh vực giáo dục. Vì là tổ chức toàn cầu, thay vì đặt ra một tiêu chuẩn chung, IIEP đã dựa trên các nghiên cứu của các chuyên gia, các tổ chức học thuật trên thế giới để đưa ra các hướng dẫn thiết lập chuẩn mực đạo đức cho giáo dục bậc cao, nhằm hạn chế các vấn nạn trong giáo dục như tham nhũng, gian lận, xói mòn tinh thần nghiên cứu, thiếu đạo đức trong giảng dạy, nghiên cứu 15 . Các tiêu chuẩn của Hiệp hội giáo viên Hoa Kỳ (MCEE) đề ra các nguyên tắc cơ bản về: (1) Trách nhiệm đối với nghề nghiệp; (2) Trách nhiệm về năng lực chuyên môn; (3) Trách nhiệm đối với học sinh; (4) Trách nhiệm đối với cộng đồng nhà trường; (5) Đạo đức và trách nhiệm trong việc sử dụng công nghệ 16 .

Đối với các trường đại học, nhóm thực hiện đề tài tham khảo cách thức xác lập chuẩn mực đạo đức của các trường ở các quốc gia có mối liên quan với lịch sử giáo dục Việt Nam (như Trung Quốc, Pháp, Mỹ) và các trường ở khu vực Châu Á và Đông Nam Á có vị thế cao trên bảng xếp hạng quốc tế cụ thể là Trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Trường Đại học Bách khoa Paris - École Polytechnique (Pháp), Trường Đại học Princeton (Mỹ), Trường Đại học Reitaku (Nhật Bản), Trường Đại học Quốc gia Singapore - National University of Singapore (NUS). Qua đó, có thể rút ra một số thu hoạch: Trong các giá trị và chuẩn mực đạo đức xác lập ở trường đại học, có các giá trị mang tính phổ quát mà các trường hiện nay đều hướng tới, như: tự do trong học thuật, kích thích sự ham học hỏi của cả các thành viên để không ngừng tìm tòi cái mới; các giá trị đạo đức trong nghiên cứu và học thuật (không đạo văn, không gian lận, không tham nhũng…); các giá trị về phong cách sống đẹp, không ảnh hưởng đến người khác; tính công bằng; bình đẳng. Các giá trị hay chuẩn mực đạo đức đó không bất biến, mà hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian để thích nghi với bối cảnh mới, phù hợp với thực tiễn của đất nước, của khu vực và thế giới.

Dựa trên nền tảng pháp lý và kinh nghiệm tham khảo trong và ngoài nước nêu trên, nhóm nghiên cứu đã thiết kế bảng hỏi xoáy sâu vào 3 nội dung cốt lõi của chuẩn mực đạo đức nhà giáo nói chung và nhà giáo đại học nói riêng: (1) Phẩm chất chính trị - trách nhiệm công dân; (2) Đạo đức nghề nghiệp; (3) Lối sống, tác phong . Dưới đây là kết quả khảo sát, thể hiện quan niệm của đôi ngũ giảng viên ĐHQG-HCM về chuẩn mực đạo đức nhà giáo đại học.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để kết quả nghiên cứu vừa bảo đảm tính khoa học, vừa phù hợp với thực tiễn, bên cạnh việc phân tích tài liệu thành văn, bài viết tiến hành khảo sát, phân tích và luận giải quan niệm về đạo đức nhà giáo từ đội ngũ giảng viên ĐHQG-HCM. Nghiên cứu thực hiện khảo sát với 324 giảng viên thuộc 6 trường thành viên và được chia thành 3 nhóm. Tỷ lệ mẫu cụ thể cho từng đơn vị được tính xấp xỉ như sau: Nhóm 1 gồm Trường Đại học Bách khoa (107 giảng viên, chiểm 33%); Nhóm 2 gồm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (65 giảng viên, chiếm 20%), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (64 giảng viên, chiếm 20%); Nhóm 3 gồm Trường Đại học Công nghệ Thông tin (29 giảng viên, chiếm 9%), Trường Đại học Quốc tế (30 giảng viên, chiếm 9%) và Trường Đại học Kinh tế - Luật (29 giảng viên, chiếm 9%). Một số đơn vị thành viên không đưa vào quá trình lấy mẫu của đợt khảo sát này do điều kiện đặc thù, như Trường Đại học An Giang, Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre.

Tỷ lệ về số lượng quan sát trong mẫu của từng trường thành viên ĐHQG-HCM được ước tính dựa trên thống kê sơ bộ về số lượng giảng viên hiện đang công tác tại các đơn vị này. Cỡ mẫu ước tính đạt 10% so với tổng thể, đảm bảo được độ tin cậy cho quá trình thực hiện các kiểm định thống kê suy luận. Phương pháp chọn mẫu được sử dụng trong nghiên cứu này là thuận tiện - phi xác suất, trong đó đảm bảo có ít nhất giảng viên thuộc 3 - 4 Khoa/Bộ môn khác nhau trong cùng một đơn vị tham gia thực hiện khảo sát để đảm bảo tính đại diện của mẫu.

Nghiên cứu áp dụng thang đo Likert với 5 mức độ: (1) Rất quan trọng, (2) Khá quan trọng, (3) Bình thường, (4) Ít quan trọng, (5) Không quan trọng, để đo lường tầm quan trọng của các tiêu chí theo quan niệm đạo đức của giảng viên. Phần mềm SPSS được sử dụng để phân tích các dữ liệu về thống kê mô tả và thực hiện các phép kiểm định thống và đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng Cronbach’s Alpha.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Quan niệm về phẩm chất chính trị và trách nhiệm công dân

Các tiêu chí được đưa ra trong khảo sát đều được các giảng viên ĐHQG-HCM đánh giá ở mức rất quan trọng và khá quan trọng (với tổng tỷ lệ ở hai mức đánh giá này chiếm trên 80%). Theo đó, các tiêu chí được đánh giá cao theo quan niệm của giảng viên liên quan đến việc như Tuân thủ pháp luật; Bảo vệ lợi ích quốc gia; Có tinh thần tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung . Các tiêu chí này đều được hơn 70% số lượng giảng viên tán đồng, lựa chọn và xem đó là những chuẩn mực rất quan trọng. Trong khi đó, các tiêu chí như Đấu tranh với các tiêu cực trong xã hội; Không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị; Tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội được đánh giá mức độ rất quan trọng thấp hơn. Trong đó, điểm đáng chú ý là tiêu chuẩn Tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội có chưa đến 50% giảng viên đánh giá là rất quan trọng, thấp hơn nhiều so với hai tiêu chuẩn còn lại ( Figure 1 ).

Figure 1 . Quan niệm về phẩm chất chính trị - trách nhiệm công dân của giảng viên ĐHQG-HCM

Điều này cho thấy rằng, các quan niệm đạo đức gắn liền với trách nhiệm công dân, thể hiện các giá trị sống tốt đẹp được giảng viên đề cao. Trong khi đó, các tiêu chí thuộc về phẩm chất chính trị vẫn còn khiến một tỷ lệ đáng kể các giảng viên còn băn khoăn trong việc đánh giá về mức độ quan trọng . Thực tế này đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần có môi trường tốt hơn để thúc đẩy tinh thần đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực; đồng thời cần thiết kế các hoạt động chính trị, xã hội có sức thu hút hơn, cũng như cần tổ chức học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị một cách thiết thực, phù hợp hơn với đối tượng giảng viên đại học.

Kết quả thực hiện kiểm định thống kê còn cho thấy sự khác biệt nhất định trong quan niệm về phẩm chất chính trị và trách nhiệm công dân xét từ các góc độ thuộc biên chế nhà nước, giới tính, độ tuổi và lĩnh vực chuyên môn, tình trạng hôn nhân. Xét theo đặc tính thuộc biên chế nhà nước hay hợp đồng, Tuân thủ pháp luật là tiêu chí duy nhất tạo nên sức khác biệt (với mức ý nghĩa 10%). Xét theo giới tính, giảng viên nữ có xu hướng coi trọng hai tiêu chí Tuân thủ pháp luật Có tinh thần tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung hơn giảng viên nam (với mức ý nghĩa 10%). Xét theo độ tuổi, giảng viên trong độ tuổi 35-50 nhấn mạnh hơn sự quan trọng của hai tiêu chí Có tinh thần tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung Tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội so với các giảng viên có tuổi đời dưới 35 (lần lượt với mức ý nghĩa 5% và 10%). Xét về lĩnh vực chuyên môn, giảng viên thuộc khối Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá cao tầm quan trọng của việc Bảo vệ lợi ích quốc gia Tuân thủ pháp luật hơn giảng viên thuộc khối Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật (với mức ý nghĩa 5%). Trong khi đó, nếu xét theo trình độ học vấn hay tình trạng hôn nhân thì tầm quan trọng của các tiêu chí được nhận định là ngang như nhau giữa các nhóm ( Table 1 ).

Quan niệm về đạo đức nghề nghiệp

Các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp cũng được đại đa số giảng viên ĐHQG-HCM đánh giá ở mức rất quan trọng và khá quan trọng (với tổng tỷ lệ ở hai mức đánh giá này chiếm trên 90%). Trong đó, các tiêu chí liên quan đến trách nhiệm và đạo đức trong hoạt động chuyên môn như Trách nhiệm với công việc được giao; Ý thức tổ chức kỷ luật tốt; Tận tâm với người học; Công tâm trong đánh giá kết quả học tập đặc biệt được đề cao (biểu hiện qua tỷ lệ đánh giá mức độ rất quan trọng chiếm trên 80%). Các tiêu chí khác như Cách làm việc khoa học; Bảo vệ lợi ích chính đáng của người học và đồng nghiệp; Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao chuyên môn; Không tiết lộ các thông tin bí mật của tổ chức mà chưa được công bố rộng rãi cũng được đánh giá ở mức độ rất quan trọng khá cao (với tỷ lệ lớn hơn hoặc xấp xỉ bằng 70%). Một số tiêu chí còn lại nhận được sự đánh giá ít quan trọng hơn, cụ thể là các tiêu chí: Đấu tranh với những việc gây tổn hại đến cơ quan, Có tinh thần phản biện, Không thờ ơ trước các sai phạm, bất công (có tỷ lệ dưới hoặc bằng 60%) ( Figure 2 ).

Figure 2 . Quan niệm về đạo đức nghề nghiệp của giảng viên ĐHQG-HCM

Dễ nhận thấy có sự tương đồng giữa phẩm chất chính trị - trách nhiệm công dân với đạo đức nghề nghiệp trong quan niệm của giảng viên ĐHQG-HCM. Do còn tâm lý ngại va chạm về môi trường đấu tranh chống tiêu cực, nên một bộ phận giảng viên chưa thực sự đề cao tinh thần đấu tranh với những việc gây tổn hại đến cơ quan, cũng như chưa quyết liệt với việc thờ ơ trước các sai phạm, bất công. Mặt khác, tinh thần phản biện cũng chưa được đánh giá cao có thể được xem là hệ quả của việc tổ chức học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị và thúc đẩy đấu tranh với các tiêu cực trong xã hội.

Kết quả kiểm định thống kê cho thấy trình độ học vấn không phải là nhân tố ảnh hưởng đến quan niệm của giảng viên. Kể cả tình trạng hôn nhân hoặc việc giảng viên là viên chức trong biên chế hay chỉ ký hợp đồng đều không tạo ra sự khác biệt lớn trong nhận định về mức độ quan trọng của các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Yếu tố biên chế nhà nước chỉ ảnh hưởng đến việc nhìn nhận yếu tố Bảo vệ lợi ích chính đáng của người học và đồng nghiệp với mức ý nghĩa thống kê 10%. Theo đó, nhóm giảng viên là viên chức có xu hướng đánh giá kém quan trọng hơn giảng viên thuộc diện hợp đồng. Trong khi đó, tình trạng hôn nhân chỉ tạo sự khác biệt trong nhận thức liên quan đến Tận tâm với người học đến hành với mức ý nghĩa thống kê 5%. Nhóm giảng viên đã kết hôn đánh giá tiêu chí nào là quan trọng hơn nhóm giảng viên đang còn độc thân ( Table 1 ).

Tuy nhiên, các đặc điểm về giới tính, lĩnh vực chuyên môn và độ tuổi lại có ảnh hưởng lớn và tạo ra sự khác biệt trong quan niệm của giảng viên đối với các tiêu chí này. Xét theo giới tính, nhìn chung các giảng viên nữ đánh giá mức độ quan trọng cao hơn giảng viên nam ở các tiêu chí: Cách làm việc khoa học; Công tâm trong đánh giá kết quả học tập; Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ (với mức ý nghĩa 10%) và các tiêu chí: Không tiết lộ các thông tin bí mật của tổ chức mà chưa được công bố rộng rãi ; Tận tâm với người học ; Có tinh thần phản biện (với mức ý nghĩa thống kê 5%). Xét theo chuyên môn, giảng viên khối Khoa học Xã hội và Nhân văn có xu hướng xác định tầm quan trọng cao hơn giảng viên khối Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật đối với các tiêu chí: Tận tâm với người học; Công tâm trong đánh giá kết quả học tập (mức ý nghĩa 1%); Cách làm việc khoa học; Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ (mức ý nghĩa 5%); Tác phong sư phạm đúng mức (mức ý nghĩa 10%). Xét theo độ tuổi, quan niệm về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thể hiện rõ mức độ khác nhau ở 8/13 tiêu chí. Theo đó, các tiêu chí này được nhóm giảng viên có độ tuổi từ 35 đến 50 đánh giá là quan trọng hơn nhóm giảng viên có độ tuổi dưới 35.

Quan niệm về lối sống, tác phong

Các chuẩn mực về lối sống, tác phong được phần lớn giảng viên ĐHQG-HCM đánh giá ở mức rất quan trọng và khá quan trọng (tổng tỷ lệ ở hai mức đánh giá này chiếm trên 90%). Trong đó, Trung thực là tiêu chí được coi là trọng nhất (với tỷ lệ đánh giá mức độ rất quan trọng chiếm trên 80%). Tiếp đến, hai tiêu chí khác cũng được đánh giá cao là Lương thiện Sống có lý tưởng/mục đích (với tỷ lệ tương ứng trên 75%). Các tiêu chí Duy trì các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp; Có lối sống lành mạnh; Có tư duy sáng tạo; Bảo vệ môi trường; Gương mẫu; Văn minh trong ứng xử được đánh giá tầm quan trọng thấp hơn. Đáng chú ý là hai tiêu chí Tôn trọng sự khác biệt Giúp đỡ đồng nghiệp chỉ đạt tỷ lệ đánh giá về mức độ rất quan trọng trên 60%. Điều này phần nào cho thấy sự đề cao, coi trọng của giảng viên đối với các giá trị đạo đức nhân bản tiềm ẩn bên trong, hơn là các tiêu chí đòi hỏi phải thể hiện bằng những hành động cụ thể bên ngoài ( Figure 3 ).

Figure 3 . Quan niệm về lối sống, tác phong của giảng viên ĐHQG-HCM

Giống như các chuẩn mực về phẩm chất chính trị - trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp, kết quả thống kê mô tả cũng cho thấy có sự khác nhau trong nhận định về mức độ quan trọng của các tiêu chí về lối sống tác phong, khi phân chia giảng viên ĐHQG-HCM trong mẫu nghiên cứu theo một số đặc tính. Nhìn chung, phần lớn các tiêu chí có điểm trung bình đánh giá cao hơn nằm ở các nhóm giảng viên thuộc diện hợp đồng, giảng viên nữ, giảng viên có độ tuổi từ trên 35-50, giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên thuộc khối Khoa học Xã hội và Nhân văn và giảng viên đã kết hôn khi thực hiện thống kê mô tả trong mẫu ( Table 1 ). Tuy nhiên, kết quả kiểm định cho thấy, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê chỉ xảy ra đối với tiêu chí Lương thiện (mức ý nghĩa 5%) khi so sánh trình độ học vấn và tiêu chí Trung thực (mức ý nghĩa 10%) khi so sánh tình trạng hôn nhân. Theo đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ đề cao giá trị lương thiện hơn giảng viên có trình độ thạc sĩ; giảng viên đã kết hôn lại coi trọng đức tính trung thực hơn giảng viên còn độc thân.

Khác với hai nhóm chuẩn mực trên, giới tính lại không phải là yếu tố then chốt có ảnh hưởng lớn đến quan niệm về lối sống, tác phong. Cụ thể, Duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp Tôn trọng sự khác biệt là hai tiêu chí có sự khác biệt trong quan niệm khi so sánh giữa giảng viên nam và giảng viên nữ. Trong khi đó, yếu tố biên chế lại có mối tương quan tương đối, ảnh hưởng đến quan niệm của giảng viên ở 3/11 tiêu chí: Sống có lý tưởng/mục đích; Có tư duy sáng tạo; Giúp đỡ đồng nghiệp. Theo đó, giảng viên thuộc diện hợp đồng đề cao các giá trị này hơn là giảng viên diện viên chức (với mức ý nghĩa là 10% xét trên trung bình tổng thể). Xét về chuyên môn, 3 tiêu chí được các giảng viên nữ coi trọng hơn giảng viên nam là: Trung thực; Văn minh trong ứng xử (mức ý nghĩa 5%); Tôn trọng sự khác biệt (mức ý nghĩa 1%). Xét về độ tuổi, đây là yếu tố tạo ra sức ảnh hưởng đến quan niệm của giảng viên nhiều nhất với 5/11 tiêu chí. Các giảng viên nữ có xu hướng đánh giá tầm quan trọng cao hơn giảng viên nam đối với các tiêu chí sau: Lương thiện (mức ý nghĩa 1%); Gương mẫu (mức ý nghĩa 5%); Duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp; Trung thực; Văn minh trong ứng xử (mức ý nghĩa 10%) ( Table 1 ).

Table 1 Kiểm định sự khác biệt về nhận định mức độ quan trọng trong quan niệm đạo đức của giảng viên ĐHQG-HCM

THẢO LUẬN

Các tiêu chuẩn về đạo đức được đưa vào kiểm định độ tin cậy của thang đo. Kết quả kiểm định cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha đối với các tiêu chí thuộc từng nhóm tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị - đạo đức công dân; đạo đức nghề nghiệp; và lối sống, tác phong lần lượt là 0,9; 0,967 và 0,958. Hệ số này đảm bảo thang đo đạt mức tin cậy cao. Hệ số tương quan biến tổng của tất cả các tiêu chí đều phù hợp thấp nhất đạt từ 0,338 và các hệ số Cronbach's Alpha tại cột nếu loại biến đều nhỏ hơn hệ số Cronbach’s Alpha ( Table 2 ).

Table 2 Thống kê hệ số Cronbach’s Alpha và tương quan biến tổng của các tiêu chí đạo đức

Kết quả nghiên cứu cho thấy các tiêu chí làm thước đo về chuẩn mực đạo đức được các giảng viên ĐHQG-HCM đánh giá cao về tầm quan trọng. Quan niệm về các giá trị đạo đức này bị ảnh hưởng ít nhiều bởi một số yếu tố. Trình độ học vấn và tình trạng hôn nhân là hai yếu tố có tầm ảnh hưởng rất ít đến quan niệm của giảng viên về các giá trị đạo đức ở cả ba nhóm chuẩn mực. Ngoài ra, yếu tố thuộc biên chế Nhà nước tuy có ảnh hưởng đến thái độ, nhận thức đối với một số tiêu chí nhưng không nhiều. Trong khi đó, giới tính, độ tuổi và chuyên môn là ba yếu tố tạo ra nhiều điểm khác biệt trong quan niệm về chuẩn mực đạo đức của giảng viên ĐHQG-HCM hiện nay, đặc biệt là về các tiêu chí đạo đức nghề nghiệp. Các nhóm giảng viên nam, giảng viên từ 35 tuổi trở xuống và giảng viên thuộc Khối Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật ít đề cao các tiêu chí hơn các nhóm giảng viên nữ, giảng viên có độ tuổi từ trên 35-50 và giảng viên thuộc khối Khoa học xã hội và Nhân văn. Trong đó, Cách làm việc khoa học; Tận tâm với người học; Công tâm trong đánh giá kết quả học tập; Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ là những tiêu chí đều có sự chênh lệch điểm đánh giá ở cả ba yếu tố trên.

Những bằng chứng trên phần nào lý giải được sự khác nhau trong góc độ nhìn nhận giữa giảng viên nam và giảng viên nữ, giữa giảng viên trẻ và giảng viên ở độ tuổi trung niên, giữa giảng viên có chuyên môn về Khoa học Xã hội và Nhân văn với giảng viên có chuyên môn về Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật như đã đề cập ở phần trên. Dù vậy, sự thống nhất trong quan điểm nhìn nhận giữa các nhóm vẫn hiện diện ở các khía cạnh như Đấu tranh với các tiêu cực trong xã hội; Không ngừng học tập và nâng cao trình độ lý luận chính trị; Đấu tranh với những việc gây tổn hại cơ quan; Không thờ ơ trước các sai phạm, bất công; Có lối sống lành mạnh; Bảo vệ môi trường. Tất cả những điểm đồng nhất hay khác biệt này sẽ đều là cơ sở thực tiễn để hình thành chuẩn mực đạo đức và đưa việc thực hành chuẩn mực đạo đức này trở thành một công việc thường xuyên, lâu dài nhằm đảm bảo cho việc thực hiện tốt sứ mạng và phát triển bền vững của ĐHQG-HCM trong tương lai.

KẾT LUẬN

Giáo dục đại học Việt Nam kể từ mốc khởi đầu thành lập Quốc Tử Giám (1076) cho đến nay đã gần 1.000 năm, từ Đại học Đông Dương (1906) cho đến nay đã hơn 100 năm nhưng dường như chưa có nhiều công trình nghiên cứu thực sự có hệ thống về đạo đức nhà giáo trong môi trường đại học; chưa xác lập các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cụ thể của nhà giáo bậc đại học. Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống kết hợp với tiếp thu tinh hoa của nền giáo dục hiện đại để kiến tạo chuẩn mực đạo đức nhà giáo đại học trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo hiện nay, do vậy vừa là yêu cầu bức thiết, vừa là sứ mệnh của ngành giáo dục, nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo 17 .

Chuẩn mực đạo đức của nhà giáo đại học phải là thành quả của sự đan xen, hòa quyện các giá trị, chuẩn mực truyền thống, mang tính dân tộc với các giá trị, chuẩn mực hiện đại, mang tính toàn cầu. Đương nhiên, các chuẩn mực truyền thống cần được cách tân để bắt kịp với hiện đại, các chuẩn mực hiện đại cần tiếp biến cho phù hợp với truyền thống. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tăng cường hội nhập quốc tế, những nội dung quan trọng cần bổ sung, tô đậm về chuẩn mực đạo đức của nhà giáo đại học chính là: ý thức khai phóng và tự do học thuật, tính liêm chính khoa học, tinh thần đổi mới sáng tạo trên nền tảng số, thái độ phụng sự xã hội, phẩm chất công dân toàn cầu.

Với nhận thức các giá trị/chuẩn mực đạo đức là không bất biến, mà hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian để thích nghi với bối cảnh mới, phù hợp với thực tiễn của đất nước, của khu vực và thế giới, những kết quả nghiên cứu bước đầu trên đây sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện nhằm góp phần xác lập chuẩn mực đạo đức nhà giáo trong ĐHQG-HCM, để ĐHQG-HCM thực hiện tốt sứ mệnh đã cam kết: “Thúc đẩy tiến bộ xã hội”.

LỜI CÁM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số B2019-18b-02.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

IIEP: Viện Quy hoạch Giáo dục Quốc tế (International Institute for Educational Planning)

MCEE: Hiệp hội giáo viên Hoa Kỳ (Model Code of Ethics for Educators)

UNESCO: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc ( United Nations Educational Scientific and Cultural Organization)

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Lê Hữu Phước: viết các mục Đặt vấn đề, Kết luận và phần cơ sở pháp lý mục Cơ sở pháp lý và kinh nghiệm quốc tế trong việc xác lập chuẩn mực đạo đức của giảng viên ĐHQG-HCM.

Tác giả Trương Hoàng Trương: thiết kế nội dung bảng hỏi, viết phần kinh nghiệm quốc tế mục Cơ sở pháp lý và kinh nghiệm quốc tế trong việc xác lập chuẩn mực đạo đức của giảng viên ĐHQG-HCM .

Tác giả Trương Thanh Thảo: thiết kế nội dung bảng hỏi và thực hiện khảo sát, tổng hợp dữ liệu và viết phần Thảo luận Phương pháp nghiên cứu.

Tác giả Lê Khánh Hưng: thực hiện khảo sát, xử lý dữ liệu và viết phần Kết quả nghiên cứu , hoàn thiện các bảng biểu, tài liệu tham khảo và tổng thể bài báo.

References

  1. ĐHQG-HCM. Tầm nhìn, Sứ mạng và Giá trị cốt lõi của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. . ;:. Google Scholar
  2. Thư gửi các nhà giáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn [Internet]. 2021. . ;:. Google Scholar
  3. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế [Internet]. 2013. . ;:. Google Scholar
  4. Luật Giáo dục Đại học [Internet]. 2012. . ;:. Google Scholar
  5. Luật Viên chức [Internet]. 2019. . ;:. Google Scholar
  6. Luật Thi đua - Khen thưởng [Internet]. 2003. . ;:. Google Scholar
  7. Luật Sở hữu trí tuệ [Internet]. 2013. . ;:. Google Scholar
  8. Nghị định số 186/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về Đại học quốc gia [Internet]. 2013. . ;:. Google Scholar
  9. Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức [Internet]. 2020. . ;:. Google Scholar
  10. Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025 [Internet]. 2018. . ;:. Google Scholar
  11. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết định ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo. 16/2008/QĐ-BGDĐT. . ;:. Google Scholar
  12. Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo [Internet]. 2018. . ;:. Google Scholar
  13. Quy tắc đạo đức nghiên cứu trong ĐHQG-HCM (ban hành theo công văn số 1283/ĐHQG-KHCN) [Internet]. 2016. . ;:. Google Scholar
  14. ĐHQG-HCM. Công văn số 1917/ĐHQG-TCCB về việc hướng dẫn công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức. 2020. . ;:. Google Scholar
  15. IIEP. Toolkit on Teacher Codes of Conduct. . ;:. Google Scholar
  16. MCEE. Model Code of Ethics for Educations. . ;:. Google Scholar
  17. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII [Internet]. 2021. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 4 (2021)
Page No.: 1333-1344
Published: Dec 15, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.696

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, P., Truong, T., Truong, T., & Le, H. (2021). The lecturers’ belief on ethical standards of Vietnam National University Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(4), 1333-1344. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.696

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 332 times
PDF   = 145 times
XML   = 0 times
Total   = 145 times