VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

814

Total

331

Share

The solutions to develop the rural tourism with the national target program of building the new rural construction in Viet Nam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The World Tourism Organization (UNWTO) released a message on the World Tourism Day 2020 with the theme "Tourism and Rural Development". The rural tourism is playing an important role in the development of rural areas, helping rural people to integrate more into the world, and creating many valuable products associated with cultural identities and agricultural production of many localities, thereby increasing incomes for the community. In Vietnam, building a new rural area and developing rural tourism have a reciprocal and interconnected relationship in the process of rural economic development: (1) the results achieved through the process of building a new village are an important basis in preserving and promoting cultural values as well as developing typical agriculture and landscape infrastructure for tourism; and then (2) developing the rural tourism is the important task of the national target program on building new rural areas (NTM) in the 2021-2025 period in order to increase incomes and enhance pride in the homeland. The author has used expert methods in accompanying the Ministry of Agriculture and Rural Development to advise on rural tourism programs associated with new rural construction. In particular, the author uses the results from in-depth interviews with local leaders, tourism households and businesses in the Northwest region, Central Highlands, and Southwest region, from which the solutions to rural tourism development associated with the construction of new rural areas in Vietnam are proposed.

DẪN NHẬP

Du lịch nông thôn đang là lựa chọn trong phát triển du lịch của nhiều nước trên thế giới. Tại những nước phát triển, du lịch nông thôn được thực hiện theo chiều sâu do diện tích đất khu vực nông thôn ngày càng bị thu hẹp và người dân sống ở thành thị chiếm tỷ lệ cao. Tại những nước đang phát triển, du lịch nông thôn được triển khai theo chiều rộng với mục đích đa dạng hóa thu nhập từ nông nghiệp, góp phần chống đói nghèo, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, với nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, nhiều địa phương đã tích cực triển khai xây dựng các đề án, dự án nhằm hiện thực hóa các chính sách, đưa du lịch nông thôn phát triển gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, với phần lớn dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM sẽ là xu thế tất yếu, trong mối quan hệ hữu cơ, có tác động tương hỗ lẫn nhau. Du lịch nông thôn phát triển sẽ góp phần đa dạng hóa ngành nghề và nâng cao thu nhập vùng nông thôn, tạo ra giá trị lớn hơn cho những sản phẩm nông nghiệp, đây cũng là định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đời sống người dân được nâng cao qua việc cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn cũng góp phần nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Từ đó, làm tăng niềm tự hào về quê hương xứ sở, thu hút ngày càng nhiều những lao động trẻ và tầng lớp trí thức ở lại miền quê làm việc, sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời, hoạt động này cũng theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng “tích hợp đa ngành”. Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, là động lực thúc đẩy xây dựng NTM bền vững, ngược lại, NTM là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu thứ cấp

  • Dữ liệu được thu thập từ tạp chí khoa học về du lịch, kỷ yếu hội thảo, báo cáo của cơ quan chuyên trách về du lịch, nông thôn mới, dữ liệu thống kê và dữ liệu phân tích từ các địa phương.

  • Phân tích, tổng hợp và bổ sung vào các nội dung nghiên cứu định sẵn.

Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu sơ cấp

  • Dữ liệu được thu thập từ khảo sát thực tế trong các chuyến tập huấn về bộ tiêu chí dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại vùng nông thôn trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại một số tỉnh thành miền Bắc (Lai Châu), miền Trung (Lâm Đồng) và miền Nam (Đồng Tháp) kết hợp với phỏng vấn sâu một số đối tượng cán bộ phụ trách về du lịch tại các địa phương trên.

  • Phân tích, tổng hợp và bổ sung vào các nội dung nghiên cứu định sẵn.

CƠ SỞ LÝ LUẬN

Khái niệm du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn ( rural tourism ) trở thành loại hình du lịch phổ biến từ những năm 1970 ở các nước phát triển và từ những năm 1990 ở các nước đang phát triển 1 . Có nhiều định nghĩa cho thuật ngữ du lịch nông thôn. Một trong những định nghĩa phổ biến nhất về du lịch nông thôn là của Bernard Lane. Tác giả định nghĩa du lịch nông thôn là loại hình du lịch diễn ra ở những khu vực nông thôn, thiết thực cho nông thôn, hoạt động dựa trên những đặc điểm tiêu biểu của những khu vực nông thôn với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thế giới thiên nhiên, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã. Du lịch nông thôn chủ yếu được phát triển và quản lý bởi địa phương, phục vụ lợi ích lâu dài của dân cư trong làng xã. Du lịch nông thôn với nhiều loại hình, thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn 2 .

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mô tả du lịch nông thôn là “hoạt động du lịch diễn ra ở nông thôn” và giải thích thêm: “Du lịch nông thôn là một hoạt động đa diện phức tạp, không chỉ là du lịch dựa vào nông nghiệp mà còn bao gồm các hoạt động tham quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng, đi bộ, leo núi; thưởng thức ẩm thực, văn hóa-nghệ thuật” [ 3 ; p.7].

Mặc dù du lịch nông thôn có thể được hiểu đơn giản như “hoạt động du lịch diễn ra tại nông thôn” nhưng định nghĩa như vậy không thể hiện hết được tính đa dạng và phong phú của loại hình hoạt động này ở các quốc gia khác nhau. Hiểu rộng hơn, du lịch nông thôn bao gồm một loạt các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp bởi nông dân và người nông thôn nhằm thu hút khách du lịch đến với khu vực của họ 4 . Theo khái niệm này, du lịch nông thôn bao gồm nhiều loại hình trong đó có du lịch trang trại, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái…

Encyclopedia of Tourism giải thích khái niệm du lịch nông thôn là loại hình khai thác các vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên và nó đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị trong việc tìm kiếm không gian yên tĩnh và giải trí ngoài trời. Du lịch nông thôn bao gồm các chuyến thăm vườn quốc gia và công viên công cộng, du lịch di sản trong khu vực nông thôn, các chuyến đi tham quan danh lam thắng cảnh, thưởng ngoạn cảnh quan nông thôn và du lịch trang trại 5 . Du lịch nông thôn có thể được định nghĩa là trải nghiệm nông thôn, bao gồm các nét hấp dẫn cũng như các hoạt động ở các khu vực nông nghiệp và ngoài đô thị 6 .

Còn tác giả Yong M.A.O 7 thì cho rằng du lịch nông thôn là khái niệm về một sản phẩm tổng thể, bao gồm miền sản phẩm cốt lõi, miền sản phẩm phụ trợ và miền sản phẩm mở rộng. Nó có thể được phát triển từ tham quan, trải nghiệm, nghỉ mát, giải trí và chăm sóc sức khỏe 7 . Hai tác giả Guo Huancheng, Han Fei định nghĩa du lịch nông thôn dựa trên loại hình du lịch, cho rằng du lịch nông thôn bao gồm du lịch nông thôn truyền thống, du lịch nông thôn hiện đại, nông nghiệp tham quan, du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch phố cổ, du lịch dân gian 8 .

Tác giả Phạm Trung Lương cho rằng Du lịch nông thôn là hoạt động du lịch được tổ chức phát triển ở địa bàn nông thôn trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch mang tính đặc trưng về văn hóa, lối sống truyền thống làng quê gắn với lao động sản xuất nông nghiệp nhằm thoả mãn nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch về những giá trị đích thực của điểm đến nông thôn 9 .

Như vậy, có thể nói rằng du lịch nông thôn là những hình thức du lịch trong đó cảnh quan nông thôn, hoạt động nông nghiệp, sinh hoạt hàng ngày của người nông dân, nghề truyền thống,… là các tài nguyên du lịch vốn chưa được khai thác, giờ được sử dụng trong các hoạt động du lịch, giúp cho du khách được tiếp xúc, trải nghiệm với đời sống nông thôn.

Đặc điểm của du lịch nông thôn

Cuộc sống và sinh hoạt thường ngày ở nông thôn nếu được bổ sung thêm các dịch vụ giá trị gia tăng phù hợp với du lịch sẽ trở nên hấp dẫn cho du khách. Du lịch nông thôn cung cấp một nguồn thu nhập thêm, đặc biệt là cho phụ nữ. Du lịch nông thôn thông qua việc tạo việc làm, giữ chân lao động trẻ nên góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ suy giảm dân số nông thôn. Đầu tư du lịch nông thôn có thể đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên du lịch ở địa phương như các công trình lịch sử và các hoạt động truyền thống như lễ hội làng thông qua sự quan tâm của khách du lịch 10 .

Nhiều nghiên cứu khác về du lịch nông thôn tập trung vào các yếu tố như: mật độ dân số thấp và không gian mở, tỷ lệ định cư thấp, số dân tại đó có thể ít hơn 10.000 người 2 . Đất được sử dụng thường là đất trong canh tác trong nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc đất tự nhiên. Xu hướng lưu giữ nhiều giá trị truyền thống đã ảnh hưởng từ quá khứ đến mọi mặt trong cuộc sống xã hội hiện đại. Chính sách phát triển của địa phương có xu hướng bảo tồn hơn là thay đổi một cách nhanh chóng. Có thể thấy du lịch nông thôn có một số đặc điểm như sau 9 :

  • Du lịch nông thôn là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn;

  • Du lịch nông thôn chú trọng khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống truyền thống làng quê gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn;

  • Du lịch nông thôn có nhiều tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng vốn còn nhiều khó khăn bởi nó tạo được nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng; trực tiếp tạo ra cầu đối với hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công làng nghề truyền thống, v.v.;

  • Du lịch nông thôn ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng vùng nông thôn như những bản làng, ngôi nhà truyền thống, các thiết chế văn hóa làng (đình, đền, giếng làng,..), các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, v.v. để phát triển;

  • Du lịch nông thôn hướng du khách tìm hiểu đặc trưng khu vực nông thôn gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa và các hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư.

  • Nền tảng của du lịch nông thôn là nông nghiệp. Mục tiêu của du lịch nông thôn là nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, đáp ứng lợi ích cho các nhà kinh doanh du lịch và là chiến lược để phát triển nông thôn bằng việc khai thác và đưa các sản phẩm nông nghiệp vào du lịch;

  • Mô hình của du lịch nông thôn có thể thay đổi theo thời gian và không gian cho phù hợp với tình hình và chịu sự chi phối của tính mùa vụ nông nghiệp trong du lịch;

  • Du lịch nông thôn không cạnh tranh với các loại hình du lịch khác, sự phát triển của các ngành khác là tiền đề cho du lịch nông thôn phát triển;

  • Du lịch nông thôn có tính liên ngành và liên vùng cao. Tính liên ngành không chỉ được thể hiện giữa du lịch với nông nghiệp mà còn với các ngành khác như văn hóa, lịch sử... Những sản phẩm du lịch đặc trưng nhất định gắn với mỗi địa phương, sự kết hợp các điểm du lịch đặc trưng tại mỗi địa phương lại với nhau tạo thành một chuỗi sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu của du khách.

Bên cạnh những đặc điểm chung đã trình bày ở trên thì để phát triển du lịch nông thôn, đặc biệt là du lịch làng quê ở một điểm đến, cần lưu ý đến một số điều kiện quan trọng chủ yếu mang tính đặc thù 9 .

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Du lịch nông thôn và hiệu quả đối với xây dựng nông thôn mới

Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần xây dựng NTM bền vững. Du lịch nông thôn có tác động tích cực trở lại đối với xây dựng NTM, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân nông thôn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số tác động cụ thể của phát triển du lịch nông thôn đối với xây dựng nông thôn mới như sau:

- Phát triển du lịch tại khu vực nông thôn đã góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về NTM ở nước ta đặc biệt là tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần gìn giữ được nghề nông truyền thống, duy trì được sản vật địa phương có giá trị, góp phần hình thành lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề… Du lịch tạo ra các nguồn thu đa dạng cho hộ nông dân bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Thông qua cung cấp dịch vụ “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và cùng lao động sản xuất” cho du khách, người dân địa phương đã có thu nhập và được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch.

- Du lịch sẽ tạo ra việc làm “tại chỗ” cho lao động nông thôn, cả trực tiếp cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch và gián tiếp đến các hộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho du lịch, đặc biệt là cả các nhóm có khả năng khó tiếp cận thị trường việc làm như phụ nữ, người cao tuổi, người yếu thế tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam... Du lịch nông thôn còn kéo thế hệ trẻ quay về quê nhà bằng tình yêu, sự tự hào với quê hương, sống có trách nhiệm vì cộng đồng.

- Thông qua phát triển du lịch và tiếp xúc với du khách, người dân nông thôn được nâng cao năng lực (đặc biệt là các kỹ năng về du lịch và giao lưu trao đổi với du khách, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết, khi khách du lịch đến thưởng thức tại vườn thì nông dân phải sản xuất khác trước, sạch hơn, an toàn hơn, trách nhiệm hơn). Tại các điểm phát triển du lịch, người dân có ý thức cao hơn trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo lối sống văn minh, lành mạnh và mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng được tốt hơn.

- Du lịch nông thôn phát triển cùng hướng tới giá trị bền vững, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt là cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch nông thôn tạo điều kiện khai thác các vật phẩm sản xuất tại địa phương thành hàng hóa để phục vụ du khách, qua đó thúc đẩy sản xuất, duy trì ngành nghề truyền thống, bảo tồn các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh.

- Phát triển du lịch nông thôn đã tác động đến ý thức xây dựng môi trường cảnh quan văn minh, sạch sẽ; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc (khôi phục lễ hội, khai thác ẩm thực, trang phục, nghệ thuật truyền thống), góp phần giao lưu văn hóa giữa các vùng, các địa phương và giữa các quốc gia; cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều khu vực nông thôn được thay đổi đáng kể, trở thành những “vùng quê đáng sống”.

- So với đô thị, nông thôn không có lợi thế để thu hút đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, khách sạn với quy mô lớn… nhưng hoạt động du lịch đã góp phần thu hút đầu tư vào nông thôn với quy mô nhỏ, hoạt động ổn định. Để khai thác du lịch, nhiều hộ dân đã tự nâng cấp, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất sẵn có để có thể phục vụ khách du lịch. Nhiều địa phương, cá nhân, tổ chức đã đầu tư cho sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

Chính vì vậy, phát triển du lịch nông thôn đang từng bước trở thành một trong những nội dung cốt lõi của xây dựng NTM bền vững trong giai đoạn 2021-2025. Việc định hướng ưu tiên phát triển du lịch nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Trung ương vào tháng 6 năm 2021, sau hơn 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới với hơn 60% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 305 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 24 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt với nhiều khởi sắc. Hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp là bệ phóng cho du lịch nông thôn phát triển. Trong Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, phát triển du lịch nông thôn tiếp tục là một nội dung quan trọng, góp phần đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu và chất lượng, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình. Theo đó, du lịch nông thôn sẽ phát triển với các định hướng chính như sau: (1) Phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; (2) Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP là các điểm du lịch cộng đồng; (3) Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn; (4) Phát triển du lịch nông thôn gắn với đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, nâng cao trình độ dân trí.

Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng. Tuy nhiên, các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là: du lịch nông nghiệp; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch làng nghề. Các sản phẩm du lịch nông thôn hiện đang được khai thác tập trung vào ba nhóm sản phẩm chính: (1) sản phẩm dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn; (2) sản phẩm dựa trên khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp; (3) sản phẩm dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống của khu vực nông thôn.

Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp tại các nước trên thế giới, du lịch nông thôn là điểm đến được lựa chọn cho một miền quê đáng sống thời kỳ hậu COVID-19. Du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM mang lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội và môi trường, cụ thể như sau:

Kinh tế: Du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM là chiến lược phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị

+ Du lịch nông thôn góp phần gia tăng giá trị của nền nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho du khách đòi hỏi phải không ngừng được cải tiến theo hướng gia tăng chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, góp phần giúp sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, không chạy theo số lượng mà đi vào chất lượng, chuyển đổi nền nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Từ các sản phẩm nông sản của Lai Châu, thông qua du lịch đã trở thành những sản phẩm chất lượng cao. Doanh thu của nông dân tại bản Sin Suối Hồ dựa vào du lịch cao hơn hoạt động nông nghiệp rất nhiều.

+ Du lịch nông thôn góp phần khai thác lợi thế của vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị: Hiện tại, sản phẩm du lịch có phần bị trùng lắp và chưa khai thác hết được giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống, cảnh quan và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng miền. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn đúng hướng sẽ góp phần phát huy được giá trị nội tại của mỗi địa phương, từ đó tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc và đa dạng hơn, giúp người dân tham gia vào du lịch nhiều hơn. Du lịch ở Đồng Tháp trước đây được cho là trùng lắp với một số tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện nay với chiến lược phát triển du lịch nông thôn dựa trên những tài nguyên vốn có, du lịch Đồng Tháp đã có những sự thay đổi đáng kể. Trong đó phải kể đến mô hình chuỗi giá trị du lịch gắn với làng hoa Sa Đéc đã mang đến nhiều lợi ích cho nông dân và đang được hoàn thiện trở thành mô hình kiểu mẫu cho các địa phương khác.

+ Du lịch nông thôn góp phần gia tăng thu nhập và giải quyết vấn đề nông nhàn cho người dân: Nếu như người nông dân chỉ đơn thuần là sản xuất nông nghiệp thì sẽ có lúc “nông nhàn” và thu nhập chỉ đơn thuần đến từ nông nghiệp nhưng khi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào cung cấp dịch vụ du lịch, họ có thể tăng thu nhập gấp đôi, gấp ba hoặc nhiều hơn nữa từ giá trị tinh thần họ mang lại cho du khách. Căn homestay với không khí ấm cúng và chân tình người bản xứ, món ăn quê dân dã nhưng đượm tình, tất cả các trải nghiệm của một “làng quê đáng sống” sẽ tạo nên những giá trị vô hình mà du khách sẵn sàng bỏ tiền ra để mua. Nông dân ở Lai Châu, hay Lâm Đồng hay Đồng Tháp, nếu trước đây chỉ tham gia sản xuất nông nghiệp thì hiện nay đã tham gia vào du lịch. Nguồn thu nhập đã tăng lên bằng việc sử dụng thời gian nông nhàn cùng với sản phẩm nông nghiệp làm tài nguyên cho chính bản thân để tham gia vào kinh tế dịch vụ. Điều này phản ánh tư duy kinh tế của nông dân đã thay đổi rõ rệt.

Xã hội: Du lịch nông thôn thôn gắn với xây dựng NTM là trụ cột quan trọng trong phát triển cộng đồng nông thôn qua sự kết nối các tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch nông thôn

+ Du lịch nông thôn góp phần giúp người dân biết bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì đây là “tài sản” để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc vùng miền cho phát triển du lịch nên họ sẽ gìn giữ thứ tài sản quý giá này cho du khách, qua đó, họ quảng bá được văn hóa của dân tộc hay “cái hay”, “cái đẹp” của quê hương.

+ Du lịch nông thôn giúp người dân nhận thức, gắn kết và cảm nhận được những giá trị của vùng quê nơi họ đang sống và tự hào về quê hương xứ sở: hiện tại một số điểm du lịch cộng đồng đã đưa những giá trị, biểu trưng, câu chuyện, thương hiệu của quê hương vào trong sản phẩm để giới thiệu với du khách. Đặc biệt, những sản phẩm OCOP cũng được giới thiệu, bày bán, và trở thành sản phẩm ẩm thực, trải nghiệm đặc trưng cho mỗi điểm đến. Nhiều quầy trưng bày sản phẩm OCOP đã được trang bị tại các điểm đến như Đồng Sen (Tháp Mười, Đồng Tháp), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sin Suối Hồ (Lai Châu). Đây vừa là cách thức quảng bá địa phương đồng thời tăng khả năng tương tác xã hội cho nông dân với các đối tượng khác.

+ Du lịch thôn góp phần hạn chế di dân và thu hút người trẻ ở lại hay trở về tham gia hoạt động du lịch: Quá trình phát triển du lịch thôn trong thời gian qua cho thấy ngày càng có nhiều bạn trẻ ở lại tham gia cung cấp dịch vụ du lịchvà có nhiều người đi học xong thì trở về miền quê để kinh doanh du lịch. Điều đáng mừng là có một bộ phận không nhỏ những vùng quê tưởng chừng chỉ có người già và trẻ em ở lại bỗng nhiên hồi sinh nhờ nhóm lao động trẻ di cư quay trở về tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào phát triển du lịch địa phương. Bằng chứng cho thấy một số mô hình khởi nghiệp du lịch tại Đồng Tháp được khởi xướng bởi một số người trẻ như Hội quán làm du lịch, Cùng nhau làm du lịch cho thấy xu hướng quay trở về xây dựng quê nhà của lực lượng lao động trẻ.

Môi trường: Du lịch nông thôn thôn gắn với xây dựng NTM là động lực thúc đầy phát triển một “Miền quê đáng sống”

+ Du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM phát triển góp phần tạo môi trường cảnh quan đặc trưng vùng miền và một môi trường xanh, sạch, đẹp: Những dự án, đề án các tình đang xây dựng tại các điểm du lịch cộng đồng luôn chú ý đến diện mạo cảnh quan và quy hoạch hạ tầng, đảm bảo môi trường thông thoáng, các hạng mục về môi trường trong xử lý rác thải, nước thải cũng được chú trọng.

+ Du lịch nông thôn thúc đẩy tổ cộng đồng tự quản về môi trường: Một số điểm du lịch cộng đồng đã hình thành tổ tự quản môi trường, điều này giúp gìn giữ môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp. Gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều tổ chức đoàn thể cũng tham gia vào các hoạt động gìn giữ môi trường.

+ Môi trường sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ: sản phẩm nông nghiệp ngày càng chú trọng theo hướng an toàn, hữu cơ, ứng dụng khoa học cộng nghệ và kinh tế tuần hoàn vào trong sản xuất cho ra các sản phẩm cung cấp cho du khách và người tiêu dùng ngày càng chất lượng.

Giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Từ việc nghiên cứu tài nguyên du lịch với giá trị văn hoá cốt lõi và thực trạng cảnh quan vùng miền cũng như những rào cản trong phát triển du lịch nông thôn, chúng tôi đề xuất những giải pháp trong phát triển du lịch nông thôn:

Xây dựng cơ chế đồng quản lý, phát huy sức dân tại các điểm du lịch cộng đồng

Khó khăn lớn nhất tại các điểm du lịch nông thôn là còn tồn tại nhiều hạn chế về quản lý điểm du lịch với sự tham gia của người dân. Cần phải phối hợp với các nhà dân trong công tác quản lý, điều hành điểm du lịch để tạo một điểm đến hấp dẫn và tiếp cận được với du khách, tổ chức lữ hành. Sức dân có thể được hiểu là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp (doanh nghiệp, hộ dân kinh doanh du lịch) và những người được hưởng lợi gián tiếp (nông dân tham gia vào cung cấp sản phẩm nông nghiệp trong du lịch, những người có tay nghề, nghiệp vụ trong việc tạo ra các sản phẩm trong du lịch như nghệ thuật, ẩm thực…). Tại các điểm du lịch nông thôn cộng đồng, cần phải cùng nhau quản lý, đưa ra ý tưởng thúc đẩy phát triển du lịch địa phương bằng cách sử dụng phương pháp ABCD – một phương pháp tiếp cận từ “nội lực” của cộng đồng. Phương pháp này được xem là một cách tiếp cận mới trong việc phát triển cộng đồng mang tính tích cực, bắt đầu từ việc khơi dậy và phát huy điểm mạnh, năng lực vốn có cũng như thành công của cộng đồng dân cư nông thôn trong đề xuất các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương và hoàn thiện cơ chế quản lý du lịch cộng đồng. Tài sản xã hội được đưa vào trọng tâm của huy động nội lực, tập trung vào các mối liên kết và năng lực hợp tác của các nhóm, tổ chức trong cộng đồng. Cộng đồng chủ động định hướng các hoạt động phát triển du lịch tại điểm đến dựa vào nội lực.

Cần thiết xây dựng một cơ chế quản lý với sự tham gia đầy đủ các tác nhân bao gồm: nhà quản lý; nhà đầu tư; nhà khoa học và nhà dân. Mỗi tác nhân đóng vai trò khác nhau nhưng lại có mối liên hệ tương hỗ. Trong số những tác nhân này, nhà dân hay nói cụ thể hơn là hộ kinh doanh tham gia vào hoạt động du lịch tại địa phương đóng vai trò nòng cốt trong phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn. Họ sẽ tham gia lựa chọn ban quản lý và tham gia quản lý tại điểm du lịch nông thôn. Điều này tương ứng với chủ trương xem nhân dân là lực lượng chủ đạo, phát huy sức mạnh toàn dân trong phong trào phát triển nông thôn mới.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá, cảnh quan trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM

Để có thể bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hoá, cảnh quan trong phát triển du lịch nông thôn, cần nhận diện, xác định rõ những giá trị truyền thống của nông thôn trong không gian văn hoá, cảnh quan văn hoá và diện mạo văn hoá…, các sắc thái thể hiện giá trị văn hoá truyền thống hay bản sắc văn hoá vùng miền. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến hoạt động phát triển du lịch gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với sản phẩm là dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Mỗi điểm du lịch cần được xây dựng đề án phát triển tổng thể dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa và giá trị bản địa tại các bản, làng, thôn, ấp;

Nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa thông tin ở các địa phương bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa theo chiều hướng tối ưu nhất; phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật; sưu tầm, khai thác các vốn văn hóa dân tộc; Phục hồi các lễ hội dân gian truyền thống, đa dạng về hình thức tổ chức hoạt động, giữ đúng nguyên bản nội dung lễ hội. Đồng thời, xác định bước đi phù hợp để nuôi dưỡng và phát huy các giá trị văn hoá cộng đồng nông thôn. Phát triển du lịch phải gắn với việc khai thác các giá trị của nông nghiệp truyền thống, gắn với việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá bản địa cũng như phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, làm đẹp cảnh quan.

Nâng cao nhận thức và nghiệp vụ chuyên môn của người dân trong phát triển du lịch nông thôn

Đa số nguồn nhân lực du lịch là lao động nông thôn, phần lớn là nông dân gắn với nghề làm nông, chưa qua đào tạo, còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ trong du lịch nhưng lại có thế mạnh về sự đôn hậu và nhiệt tình của người miền quê. Do vậy, cần có chiến lược ngắn hạn và dài hạn trong phát triển nguồn nhân lực địa phương cho phục vụ du lịch. Mỗi nông dân phải là một sứ giả cho điểm đến du lịch nông thôn và nâng cao nhận thức cộng đồng trong. Việc du khách quay trở lại một điểm du lịch nông thôn phụ thuộc rất nhiều vào sự thân thiện, hiếu khách của cộng đồng địa phương cũng như nghiệp vụ, uy tín trách nhiệm của họ trong cung cấp sản phẩm du lịch nông thôn. Do vậy, không ngừng nâng cao nghiệp vụ, tập huấn thường xuyên nghiệp vụ du lịch và tham quan thực tế cho cộng đồng làm du lịch là điều hết sức cần thiết.

Liên kết vùng và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn

Liên kết vùng là xu hướng tất yếu trong phát triển du lịch nông thôn nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh về sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, tạo sự gắn kết, hỗ trợ nhau và cung cấp sản phẩm du lịch nông thôn phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Liên kết vùng mang lại nhiều lợi ích, trước tiên là tăng thêm nguồn lực. Việc xây dựng những tour tuyến chung, liên kết trong các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch giữa các địa phương liên kết làm tăng sức hút cho các điểm đến du lịch nông thôn. Hiện tại, vấn đề liên kết vùng vẫn chưa được triển khai triệt để. Tuy có nhiều ký kết hợp tác giữa các tỉnh trong liên kết điểm đến song vẫn chưa có sự đánh giá hoặc theo dõi sát sao các vấn đề triển khai sau ký kết. Do vậy, cần có sự rà soát và đưa ra chiến lược hành động cụ thể hơn nữa cho từng giai đoạn.

Quảng bá, kết nối và xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn với các hãng lữ hành hay trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế, chưa có sự gắn kết chặt chẽ và mạnh mẽ giữa chính quyền địa phương và các chủ thể hoạt động du lịch cho các hoạt động này. Đa phần vẫn là các hãng lữ hành tự tìm đến các điểm du lịch mới có những sản phẩm đặc sắc hoặc nhà đầu tư làm dịch vụ du lịch nông thôn tự tìm đối tác cho mình. Việc ký kết kết nối từ chính quyền địa phương với các hãng lữ hành vẫn còn mang tính hình thức, chưa được triển khai hiệu quả.

Đa dạng hóa hình thức quảng bá, đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong việc kích thích mọi giác quan của du khách khi tiếp cận với sản phẩm du lịch được quảng bá bằng công nghệ thông tin.

Gắn liền việc phát triển du lịch nông thôn với chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chuẩn hóa các điểm du lịch theo bộ tiêu chí chương trình

Tài nguyên và tiềm năng cho phát triển du lịch nông thôn là rất lớn nên cần thiết phải có một chiến lược toàn diện để có thể khai thác hợp lý và toàn diện nguồn tài nguyên này. Phải gắn du lịch nông thôn với bộ tiêu chí sản phẩm điểm du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từng bước chuẩn hóa các điểm du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí OCOP, định hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, mỗi vùng miền lại có thế mạnh riêng về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, con người, ẩm thực và đặc biệt là có những sản phẩm nông nghiệp phong phú đa dạng, mang thế mạnh địa phương và là đặc sản vùng miền. Do vậy, việc phát triển du lịch rất cần những giá trị bản địa để tạo nên nét đặc thù riêng cho mỗi điểm, khiến mỗi điểm đến “là duy nhất”, tránh sự trùng lắp trong sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch trên lợi thế vùng miền cũng là kênh quảng bá và tiêu thụ rất tốt cho đặc sản địa phương.

Cần có cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển du lịch nông thôn

Các chính sách được ban hành tương đối sát với nhu cầu thực tiễn, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đặt ra để hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, việc ban hành chính sách cần gắn với việc triển khai thực hiện, giám sát triển khai thực hiện và đánh giá hiệu quả của chính sách; cần có tính kết nối, liên ngành và hệ thống giữa các chính sách để tăng cường hiệu quả trong thực tế triển khai.

Cần có ưu đãi cho đầu tư phát triển dịch vụ du lịch ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, để thúc đẩy các mô hình du lịch farmstay đòi hỏi phải có những cơ chế riêng, hỗ trợ cho phát triển dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách. Đặc biệt cần xây dựng nghị định về trang trại, trong đó có chính sách đối với trang trại du lịch.

Xây dựng Đề án phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Ngoài 10 làng điểm theo Quyết định 4078/QĐ-BNN-VPĐP về khung chỉ đạo điểm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, nhiều tỉnh đã chủ động trong xây dựng đề án phát triển làng văn hóa du lịch hay điểm du lịch cộng đồng như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Quãng Ngãi, Ninh Thuận, Phú Yên. Đây có thể xem là một trong những giải pháp nhằm chuẩn hóa lại các điểm du lịch cộng đồng ở nông thôn với các giải pháp như: (1) Nâng cấp hạ tầng, cảnh quan; (2) Phát triển, khôi phục ngành nghề truyền thống và xây dựng các mô hình hoạt động du lịch gắn với sản xuất chủ lực của địa phương; (3) Đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực phát triển du lịch; (4) Xây dựng phần mềm hệ thống quản lý, hướng dẫn, quảng bá; (5) Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; (6) Xây dựng bộ thuyết minh về các điểm di tích, văn hoá, lịch sử, sinh vật và nghề truyền thống; (7) Kết nối các doanh nghiệp và cơ sở lữ hành; (8) Tổ chức các hoạt động khởi nghiệp trong du lịch; (9) Tuân thủ quy hoạch kiến trúc, cảnh quan; (10) Xây dựng cơ chế quản lý và bộ quy tắc ứng xử; (11) Liên kết nội và ngoại vùng. Việc xây dựng Đề án phát triển dịch vụ du lịch nông thôn trên quan điểm phát triển tổng thể phải dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa và giá trị bản địa tại các bản, làng, thôn, ấp. Nguồn lực tài chính để phát triển du lịch nông thôn có thể được huy động từ nhiều nguồn khác nhau thông qua việc xây dựng và phát triển đề án, dự án du lịch nông thôn. Mỗi đề án, dự án cần thể hiện rõ cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đầu tư của các hộ dân, tín dụng, đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng phải phát huy thế mạnh các nhà trong xây dựng đề án, dự án để đảm bảo đạt hiệu quả cao và phát triển du lịch bền vững khi đưa vào triển khai.

Ngoài ra, đối với đặc thù du lịch nông thôn theo vùng miền, một số điểm cần được nhấn mạnh trong định hướng phát triển như sau:

Ở Lai Châu nói riêng và Tây Bắc nói chung, trong các giải pháp phát triển du lịch nông thôn cần chú trọng phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc trong phục vụ du lịch; xây dựng ban quản lý du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch và cơ cế quản lý hoạt động của của các dịch vụ du lịch; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đảm bảo lưu thông đến tận từng nhà, từng bản; phát triển hàng lưu niệm với đặc trưng văn hóa từng dân tộc và chuẩn hóa những điểm dừng chân bán hàng lưu niệm của địa phương.

Ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung, trong các giải pháp phát triển du lịch nông thôn cần chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng lao động du lịch, chính sách thu hút lao động trẻ, lành nghề trong du lịch; phát huy việc bảo tồn các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch gắn với nâng cao nhận thức bảo vệ rừng.

Ở Đồng Tháp nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung, trong các giải pháp phát triển du lịch nông thôn cần chú trọng tăng cường vai trò của ban quản lý điểm du lịch cộng đồng/hội quán; trữ nước vào mùa mưa phục vụ du lịch; phát huy sản phẩm đặc trưng vùng miền vào phát triển du lịch; phát triển du lịch xanh gắn với sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

KẾT LUẬN

Phát triển du lịch nông thôn là nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn, giảm di dân từ nông thôn lên đô thị. Để làm được điều này, vẫn còn nhiều việc cần phải giải quyết. Cần phát huy hơn nữa chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) (với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch) trên cơ sở phát huy giá trị nội tại của cộng đồng, bản sắc văn hoá, cảnh quan đặc trưng của vùng miền – tiền đề cho việc phát triển du lịch nông thôn. Người dân đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn phát huy nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán, tín ngưỡng, do vậy, khi phát triển du lịch tại đây, cần phải gắn kết chặt chẽ với nền tảng văn hoá của địa phương.

Giải pháp quan trọng nhất cho phát triển du lịch nông thôn là nâng cao nhận thức và năng lực cho những người dân địa phương trong việc xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở những địa phương có tiềm năng. Phát huy vai trò của cộng đồng là điều quan trọng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, họ tham gia vào quản lý và điều hành mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có những bước đi cho việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa địa phương để biến vùng nông thôn trở thành điểm đến lý tưởng, đặc biệt là với những người từ khu vực đô thị muốn trải nghiệm những thời gian quý báu hòa mình với thiên nhiên. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của những người trong cuộc (người dân địa phương), các chính sách cũng phải được xây dựng, đảm bảo tính đồng bộ để khuyến khích những địa phương khó khăn có được kế hoạch phát triển tốt nhất.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

NTM: Nông thôn mới

OCOP: Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Bộ NNPTNT: Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn

OECD: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

MTQG: Mục tiêu quốc gia

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết là một phần kết quả của đề tài cấp quốc gia “Giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM tại Việt Nam đến năm 2030“ do tác giả là chủ nhiệm đề tài. Kết quả bài viết còn là kết quả của quá trình tư vấn cho các địa phương triển khai xây dựng các đề án, dự án du lịch nông thôn.

References

  1. Khartishvili L.. Rural tourism in georgia in transition: Challenges for regional sustainability. Sustainability. . 2019;11(2):410. Google Scholar
  2. Lane B. What is rural tourism? Journal of sustainable tourism. . 1994;2(1-2):7-21. Google Scholar
  3. Development Committee on Tourism Secretariat. Tourism Strategies and Rural Development. Paris, France: OECD. . 1994;:94p. Google Scholar
  4. Rátz T., Puczkó L.. Rural tourism and sustainable development in Hungary. In D. Hall & L. O'Hanlon, Rural Tourism Management: Sustainable Options" International Conference, Conference Proceedings (pp. 450-464). International Conference, Scottish Agricultural College, Scotland, UK. . 1998;:450-464. Google Scholar
  5. Jafari J. Encyclopedia of tourism. London: Routledge. . 2002;:. Google Scholar
  6. Humaira I. Rural tourism-an overview. Agriculture and Rural Development, Government of Alberta, Canada. . 2010;:. Google Scholar
  7. Yong M. A. O.. The Package of Tourism Products and its Development [J]. Journal of South-Central University for Nationalities (Humanities and Social Sciences). . 2009;2:13-25. Google Scholar
  8. Huancheng G., Fei H.. Review on the development of rural tourism in China. Progress in Geography. . 2011;29(12):1597-1605. Google Scholar
  9. Lương Phạm Trung. Một số vấn đề lý luận cơ bản về du lịch nông thôn và chuỗi giá trị du lịch nông thôn. Tài liệu Hội thảo Chuỗi giá trị du lịch nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới tại Việt Nam: từ lý thuyết đến thực tiễn (lưu hành nội bộ). . 2020;:1-8. Google Scholar
  10. Sen Võ Văn, Loan Ngô Thanh. Định hướng khai thác sản phẩm đặc thù trong phát triển du lịch nông thôn ở An Giang. Phát triển Khoa học và Công nghệ. . 2017;20(X3):34-41. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 1412-1420
Published: Mar 31, 2022
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.693

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trang, N. (2022). The solutions to develop the rural tourism with the national target program of building the new rural construction in Viet Nam. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 6(1), 1412-1420. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v6i1.693

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 814 times
PDF   = 331 times
XML   = 0 times
Total   = 331 times