VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

875

Total

337

Share

A survey of the current status of the signage of the Vietnam National University Ho Chi Minh City system






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Linguistic landscape plays an important role in the globalization of the higher education environment. In particular, the signage system is seen as a fundamental part of the linguistic landscape, contributing to the promotion of university systems’ images and identities in the world. However, there has not been sufficient attention on the signage use at many universities in Vietnam, and one of them is the Vietnam National University Ho Chi Minh City system (VNUHCM). This survey aims at examining the current status of the signage use at four of the six VNUHCM member universities. Using quantitative methods, the paper synthesized and analyzed 564 signs, including monolingual ones in Vietnamese and in English, bilingual ones in Vietnamese and English, and multilingual ones which were all collected via fieldwork during the first quarter of 2020. Based on the signage guidelines of some globally popular university systems in the top of the QS Rankings 2021, the paper points out it is the lack of a signage guide manual at the VNUHCM system that leads to inconsistencies in the signage use at its member universities. Then, the survey findings reveal some specific problems and suggestions with the hope to encourage the improvement of the linguistic landscape at the VNUHCM system. Also, the research may serve as a useful reference for other universities in Vietnam.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, toàn cầu hóa môi trường giáo dục tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu với sự tham gia kiểm định chất lượng theo các chuẩn quốc tế của nhiều trường đại học. Hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở giáo dục tiên phong. Báo cáo thường niên ĐHQG-HCM 2018 1 cho thấy nhiều trường thành viên của ĐHQG-HCM đã chủ động thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với đối tác từ các châu lục trên thế giới. Vì thế, lượng giảng viên, chuyên gia, sinh viên quốc tế đến với hệ thống ĐHQG-HCM đang ngày càng gia tăng.

Do vậy, các trường thành viên của ĐHQG-HCM cần duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất. Trong đó, tạo ra một không gian vật chất toàn cầu hóa là hết sức cần thiết, và cảnh quan ngôn ngữ ( linguistic landscape ) liên quan đến việc sử dụng biển báo chỉ dẫn song ngữ Việt - Anh hay đa ngữ (gồm tiếng Việt, tiếng Anh và một thứ tiếng khác) đóng một vai trò không thể thiếu. Theo Dressler 2 , trường học là một không gian công cộng, ở đó sự lựa chọn ngôn ngữ hiển thị trên BBCD giúp đưa ra bức tranh về thực trạng ngôn ngữ của trường; tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều sự quan tâm đúng mực về BBCD dù việc sử dụng chúng góp phần quan trọng trong tạo dựng cảnh quan ngôn ngữ và thúc đẩy các chương trình học song ngữ của nhiều trường trên thế giới.

Các trường đại học ở Việt Nam sử dụng BBCD viết bằng tiếng Việt là điều hiển nhiên nhằm thể hiện sự tôn trọng giá trị ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình toàn cầu hóa môi trường giáo dục, việc sử dụng BBCD song ngữ Việt - Anh và đa ngữ là cần thiết để các đối tượng quốc tế có thể hiểu hơn về bản sắc của trường cũng như giúp sinh viên quốc tế dễ dàng hòa nhập vào một cộng đồng mới ở một môi trường đa ngữ. Bên cạnh đó, theo quan sát của chúng tôi, trong hệ thống ĐHQG-HCM, việc sử dụng BBCD còn nhiều bất cập cũng như thiếu vắng rất nhiều BBCD song ngữ và đa ngữ cần thiết. Vì thế, một khảo sát về thực trạng sử dụng BBCD cần được thực hiện để đưa ra đề xuất phù hợp, góp phần xây dựng cảnh quan ngôn ngữ trong hệ thống ĐHQG-HCM ngày càng hoàn thiện hơn.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Khảo sát này có mục đích làm sáng tỏ câu hỏi nghiên cứu: “Thực trạng sử dụng BBCD hiện nay ở các trường đại học thành viên của hệ thống ĐHQG-HCM là như thế nào?”

Hệ thống ĐHQG-HCM có 6 trường đại học thành viên, gồm 5 trường ở Thành phố Hồ Chí Minh và 1 trường ở An Giang. Do bối cảnh đại dịch Covid 19, việc khảo sát tại thực địa bị hạn chế nên nhóm nghiên cứu đã chọn 4/6 trường thành viên để lấy mẫu theo dạng thuận tiện, gồm: Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (ĐHKHTN), Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHCNTT), Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHKHXHNV) và Trường Đại học Quốc tế (ĐHQT). Bốn trường này có thể đại diện cho khối ngành tự nhiên, khối ngành xã hội và khối ngành kỹ thuật của hệ thống ĐHQG-HCM. Theo Lammers và Badia 3 , phương pháp chọn mẫu thuận tiện tuy chưa tối ưu song nó có hiệu suất, giá trị thực tiễn cao và thích hợp với bối cảnh nghiên cứu nên được xem là một phương pháp thích hợp và thiết thực.

Bài nghiên cứu này mang tính định lượng. Trong đó, các phương pháp định lượng được sử dụng cụ thể như sau: (1) Phương pháp thống kê và phương pháp quan sát: Các BBCD tại các cơ sở của 4 trường đại học thành viên kể trên được thu thập và tổng hợp trực tiếp thông qua việc chụp hình và ghi chép lại địa điểm bố trí; (2) Phương pháp mô tả: Các BBCD được phân loại và mô tả theo hai hệ thống biển báo của trường Đại học Yale được nêu ở cụ thể mục 3.2 bên dưới; (3) Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Dựa trên các bộ quy chuẩn BBCD của các hệ thống đại học trên thế giới, các tiêu chí và cơ sở lý thuyết được đưa ra để phân tích và đánh giá các điểm mạnh và điểm cần cải thiện ở BBCD thu thập trong dữ liệu nghiên cứu.

Việc thu thập và xử lý mẫu khảo sát được tiến hành trong 3 tháng đầu năm 2020. Trong số 800 BBCD được thu thập, những mẫu nào có nội dung và thiết kế trùng nhau trong cùng một trường được lọc ra và tính là 1 nên số lượng chính thức còn lại dùng cho phân tích là 564.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Biển báo chỉ dẫn

Từ điển Tiếng Việt [ 4 , tr.63] định nghĩa BBCD là “dấu hiệu đặt trên đường để thông báo về các hạn chế hoặc đặc điểm của điều kiện giao thông.” Còn trong Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 8092:2009) [ 5 , tr.8], biển báo an toàn sử dụng ở nơi làm việc và nơi công cộng là “biển báo kết hợp thể hiện bằng đồ họa và mô tả ứng dụng” nhằm ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy, thông tin nguy hiểm đến sức khỏe và sơ tán khẩn cấp; và biển báo bổ sung là “biển báo hỗ trợ cho biển báo khác mà mục đích chính là để dễ hiểu hơn”. Longman Dictionary of American English [ 6 , tr.944] định nghĩa BBCD ( sign ) là: “một tấm giấy, kim loại, hoặc gỗ có từ ngữ hoặc hình ảnh cung cấp thông tin, cảnh báo hoặc chỉ dẫn.” Tương tự, Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English [ 7 , tr.1380] giải thích BBCD là “một biển báo đặt ở nơi công cộng cung cấp thông tin hoặc chỉ dẫn dưới dạng chữ viết hoặc kí hiệu”.

Nhìn chung, ở Việt Nam và trên thế giới, BBCD là một thuật ngữ dùng để nói đến biển báo cung cấp các thông tin, giải thích hay khuyến cáo với một thông điệp nhằm hướng dẫn người dùng thực hiện một hành động an toàn, nắm bắt một yêu cầu hay thông tin tại một địa điểm/không gian giao thông cụ thể.

Trong nghiên cứu dịch thuật, BBCD công cộng song ngữ và đa ngữ là: biển báo chứa từ ngữ và/hoặc hình ảnh, được đặt ở nơi công cộng nhằm mục đích truyền tải một số thông tin nhất định 8 ; các từ ngữ, có kèm hình ảnh hoặc không kèm hình ảnh, được sử dụng ở nơi công cộng nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin cần thiết 9 ; là một ngôn bản đặc biệt tồn tại dưới dạng biển hiệu có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố: ngôn ngữ, kết cấu, hình dạng, kích cỡ, màu sắc, hình ảnh minh họa, ký hiệu v.v. nhằm thực hiện chức năng truyền tải một thông điệp, ý nghĩa tới đối tượng được hướng tới 10 .

Chức năng của BBCD có thể được chia thành 4 nhóm 9 : (1) Chỉ dẫn ( directing ) - BBCD cung cấp thông tin chi tiết/dịch vụ nào đó cho người dùng nhưng không mang tính hạn chế hay bắt buộc phải thực hiện; (2) Nhắc nhở ( prompting ) - BBCD thông tin đến hậu quả có thể xảy ra khi một hành vi/hành động được thực hiện, mục đích là nhắc nhở, cảnh báo, giúp người dùng di chuyển/hành động phù hợp; (3) Hạn chế ( restricting ) - BBCD đưa ra yêu cầu tuân theo quy tắc công cộng, nhằm hạn chế hành vi/hành động nào đó; (4) Cấm ( compelling ) - BBCD nghiêm cấm hành vi/hành động ở một địa điểm, yêu cầu người dùng cần làm/không được làm gì, mục đích là đảm bảo rằng thông tin/quy tắc được chấp nhận và tuân thủ. Bộ Tiêu chuẩn Hệ thống Biển báo Chỉ dẫn trong khuôn viên trường của Đại học Bang Ohio, Mỹ 11 cho rằng BBCD chính là các vật thể phản ánh mối liên kết với trường, được thiết kế và bố trí để nhìn thấy từ khu vực công cộng hoặc trong một cơ sở đại học nhằm truyền đạt thông tin, nhận dạng hoặc hướng dẫn.

Trong môi trường giáo dục đại học toàn cầu, việc sử dụng BBCD có thể hình dung được qua hoạt động của một sinh viên quốc tế: Bạn sinh viên muốn đến một văn phòng của trường nên sẽ cần đến sự trợ giúp từ BBCD đường đi. Khi đến được văn phòng mong muốn, bạn sẽ thấy có các BBCD để nhận diện số phòng, tên phòng và quy định của phòng. Sau đó, bạn lại có một lớp học ở một tòa nhà khác vì thế lại cần đến BBCD thông tin chung hay sơ đồ chỉ dẫn trong khuôn viên trường và BBCD tên hay số phòng của lớp học. Trên đường đến lớp học, bạn định đi vào một lối tắt cho nhanh hơn nhưng lại thấy có BBCD hạn chế đến gần khu vực này nên bạn dừng lại và đi theo hướng chỉ dẫn... Các hoạt động này minh họa sống động cho lợi ích của hệ thống BBCD với 4 nhóm chức năng chỉ dẫn, nhắc nhở, hạn chế và cấm trong khuôn viên trường đại học.

Kết hợp các định nghĩa và chức năng của BBCD như đã phân tích bên, có thể khái quát rằng BBCD trong trường đại học là biển báo sử dụng chữ viết và/hay dấu hiệu/kí hiệu đặt ở vị trí phù hợp nhìn thấy được để cung cấp thông tin hướng dẫn cho đối tượng sử dụng các dịch vụ/tiện ích ở những không gian mở, các tòa nhà, phòng ban hay phòng học. Cụ thể hơn, bài nghiên cứu này sử dụng thuật ngữ “biển báo chỉ dẫn” cho các biển báo có ba đặc trưng sau: (a) là một thông báo dưới dạng chữ viết, có hoặc không có kèm hình ảnh; (b) được đặt ở trong khuôn viên các trường thành viên của hệ thống ĐHQG-HCM; và (c) nhằm truyền đạt thông tin, cảnh báo, chỉ dẫn, yêu cầu, điều cấm đến các đối tượng đang làm việc, học tập, hay đến liên hệ tại trường. Còn “biển báo chỉ dẫn song ngữ” được dùng để nói đến các biển báo có nội dung được thể hiện qua hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó tiếng Việt là ngôn ngữ nguồn và tiếng Anh là ngôn ngữ đích; và “biển báo chỉ dẫn đa ngữ” là BBCD có thêm ít nhất một thứ tiếng khác.

Bộ quy chuẩn biển báo chỉ dẫn trong các hệ thống đại học trên thế giới

Nhiều hệ thống trường đại học xếp thứ hạng cao trên thế giới trong bảng QS Rankings 2021 đã đưa ra các bộ quy chuẩn BBCD dùng trong cơ sở/khuôn viên trường. Chúng tôi chọn các bộ quy chuẩn có tính khoa học và cập nhật để khái quát được sự cần thiết của việc sử dụng BBCD như là một phần cảnh quan ngôn ngữ trong môi trường đại học từ 5 hệ thống đại học của Anh, Úc, Mỹ, gồm: Đại học Bristol ( University of Bristol ) (Anh), Đại học RMIT ( RMIT University ) (Úc), Đại học Bang Ohio ( The Ohio State University ) (Mỹ), Đại học Yale ( Yale University ) (Mỹ), Đại học Luân Đôn ( University College London ) (Anh).

Hệ thống trường Đại Học Bristol, hạng 58 thế giới, có Bộ Quy chuẩn BBCD 2015 12 đạt giải The Bristol Legible City Inititaive (Sáng kiến thành phố Sống động Bang Bristol) vốn được xem là hình mẫu tại nước này. BBCD ở đây được thiết kế như một phả hệ ( family ) trong đó tất cả các yếu tố đều hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra một thương hiệu Trường trong toàn khuôn viên; và được chia thành 5 tầng bậc dựa vào nơi bố trí: khu vực khuôn viên, đường đi, tên tòa nhà/phòng ban, khu vực sàn nhà, tên phòng/cá nhân. Trường cũng quy định rõ màu sắc, kiểu chữ, logo, chất liệu… cho từng loại biển báo, trong đó các màu trắng, đỏ, cam, tím, xanh lá và xanh đậm là chủ đạo.

Hệ thống đại học RMIT, hạng 77 thế giới, có Bộ Quy chuẩn BBCD 2015 13 chia thành 3 phần ( section ): biển báo tiêu chuẩn, biển báo thông tin trung tâm và biển báo trong Trung tâm học thuật Swanston. Phần 1 là BBCD bên ngoài trời và bên trong các tòa nhà. Phần 2 là BBCD cung cấp thông tin về các tòa nhà, số tầng, số phòng, lối ra vào… dùng chung trong toàn thể các cơ sở của Trường. Phần 3 là BBCD chính, phụ, thư mục tòa nhà, thông tin lớp học, phòng dịch vụ… cho các khu học thuật Swanston. Mỗi loại BBCD đều có hướng dẫn cụ thể về thông số kỹ thuật và màu sắc dựa trên bảng 12 màu chuẩn.

Hệ thống trường Đại học Bang Ohio, hạng 108 thế giới, có Bộ Quy chuẩn BBCD 2014 , chỉnh sửa 2018 11 , gồm 5 nhóm ( category ): biển báo ngoài trời, biển báo bên ngoài các tòa nhà có chiếu sáng, biển báo chỗ đậu xe trong khuôn viên trường, biển báo bên trong các khu nhà học và biển báo trong Trung tâm Y khoa. Trường cũng quy định các bảng màu nền chủ đạo khác nhau cho các tầng nhà, chẳng hạn tầng trệt là màu xám, tầng 1 là màu đỏ, tầng 2 là màu xanh lá… Còn màu sắc, kiểu chữ, kích cỡ, nội dung cũng được quy định chi tiết cho từng loại tùy theo chức năng và nơi bố trí.

Hệ thống trường Đại học Luân Đôn, hạng 10 thế giới, có Bộ Quy chuẩn BBCD 2020 14 , gồm 8 loại ( type ): biển báo bên trong, biển báo bên ngoài, biển báo khu vực tiếp đón, biển báo trên tường, biển báo trong khu học đường, biển báo điện tử, pano quảng cáo và biển báo tạm thời, biển báo dán cửa sổ/cửa ra vào. Trường đưa ra các hướng dẫn cụ thể về hình thức thiết kế và thông số kỹ thuật cho từng loại biển báo và cả hướng dẫn cho các trường hợp phát sinh đặc biệt. Màu sắc chuẩn gồm 6 màu là xanh da trời, xám nhạt, xám đậm, cam, trắng và đỏ.

Bốn bộ quy chuẩn trên chia BBCD ra nhiều phần/nhóm/loại như biển báo trong nhà và ngoài trời, biển báo trong các khu vực có chức năng riêng, và nhiều thể loại chính/phụ, truyền thống/điện tử, cố định/tạm thời… Những cách phân chia này rất tỉ mỉ với từng quy định riêng về màu sắc, thiết kế, chất liệu… cho mỗi phần/nhóm/loại biển báo. Điều này đòi hỏi một quá trình xây dựng quy chuẩn lâu dài. Vì khuôn viên của các hệ thống đại học này rất rộng, chia làm nhiều khu dịch vụ và học thuật với nhiều chức năng khác nhau, việc phân chia BBCD cụ thể như thế mới giúp phân biệt được cảnh quan ngôn ngữ của từng khu nhưng vẫn đảm bảo phù hợp trong tổng thể quy định chung của trường. Đặc biệt, bảng màu và thiết kế cho các BBCD được quy định với nhiều sắc màu và thiết kế đa dạng hơn so với màu sắc và thiết kế hiện hữu ở các trường đại học Việt Nam hiện nay (dựa theo quan sát và thu thập của chúng tôi ở các trường thành viên của ĐHQG-HCM). Việc áp dụng những bộ quy chuẩn này vào BBCD ở các đại học Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn vì cần đến sự thay đổi hoàn toàn, loại bỏ nhiều cái cũ; đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tài chính mới có thể đáp ứng sự cải cách này.

Trong khi đó, hệ thống trường Đại học Yale, hạng 17 thế giới, có Bộ Quy chuẩn BBCD 2018 15 chia thành 2 hệ thống ( system ), tuy đơn giản hơn nhưng vẫn bao gồm đủ các loại BBCD của các hệ thống trường đại học. Đặc biệt, cách phân chia này phù hợp với thực tế sử dụng BBCD hiện nay ở Việt Nam nên chúng tôi sẽ trình bày rõ và dùng làm cơ sở lý luận cho phần phân tích kết quả khảo sát bên dưới:

  1. Biển báo chỉ dẫn ngoài trời: được sử dụng ở không gian mở, cung cấp thông tin về các tòa nhà, chỉ đường hay những thông tin về các dịch vụ đỗ xe trong khuôn viên trường. BBCD có hai màu là xám khói và xanh đen. Biển màu xanh là BBCD địa điểm và tòa nhà cụ thể ( Figure 1 a). Còn biển màu xám là BBCD cung cấp thông tin và các quy định ( Figure 1 b).

  2. Biển báo chỉ dẫn trong nhà và biển báo tưởng niệm, ghi danh: loại thứ nhất cung cấp thông tin về kế hoạch của trường, tên văn phòng và các khu hành chính, ký túc xá, nhà vệ sinh, cầu thang, các loại phòng khác cũng như biển báo phòng cháy chữa cháy… ( Figure 2 a); còn loại thứ hai cung cấp thông tin về những thành tựu của sinh viên ( Figure 2 b).

Figure 1 . Biển báo chỉ dẫn ngoài trời (Nguồn: Hệ thống Đại học Yale)

Figure 2 . Biển báo chỉ dẫn trong nhà và biển báo tưởng niệm, ghi danh (Nguồn: Hệ thống Đại học Yale)

Nhìn chung, tất cả các hệ thống đại học trên đều chia sẻ quan điểm của hệ thống Đại học Yale về sự cần thiết phải áp dụng một một bộ quy chuẩn BBCD trong khuôn viên trường đại học. Đó là: (1) có một hệ thống BBCD nhất quán và chặt chẽ để tạo ra một khuôn viên đại học thống nhất về mặt trực quan; (2) có các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật chi tiết, đáp ứng mục đích sử dụng và cung cấp các dấu hiệu nhận biết tòa nhà thống nhất và hiệu quả; (3) xác định được số lượng biển báo và làm đẹp khuôn viên trường bằng sự lắp đặt thống nhất với thiết kế phù hợp, từ ngữ, vị trí đặt để, tránh sự lộn xộn; (4) chuẩn hóa thiết kế, vật liệu, thông điệp và kiểm soát chi phí thiết kế, sản xuất và bảo trì; (5) cung cấp đầy đủ thông tin hỗ trợ việc tìm đường trong khuôn viên trường chẳng hạn như chỉ dẫn các địa điểm quan trọng như giảng đường, phòng tuyển sinh, lối vào… rõ ràng, dễ hiểu cho những người mới đến cũng như người của trường 15 .

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Đánh giá chung về sử dụng BBCD tại hệ thống ĐHQG-HCM

Kết quả thống kê (Bảng 1) cho thấy BBCD đơn ngữ TV là 34%, chiếm khoảng 1/3; đơn ngữ TA là 20,5%, chiếm 1/5; song ngữ là 45%, gần 1/2; còn đa ngữ (3 thứ tiếng) là 0,5%. Như vậy, trong hệ thống ĐHQG-HCM, việc sử dụng BBCD song ngữ/đa ngữ để toàn cầu hóa cảnh quan ngôn ngữ còn thấp; sự tương phản trong tỉ lệ sử dụng BBCD đơn ngữ và song ngữ tại các trường khá cao. Từ đó thể hiện sự chưa nhất quán trong hoạch định sử dụng BBCD trong hệ thống ĐHQG-HCM.

Table 1 Số lượng biển báo chỉ dẫn được khảo sát

Số lượng BBCD ở các trường thành viên chủ yếu là BBCD bên trong các tòa nhà. Trong đó, biển báo tên khoa, phòng ban, phòng học và hướng dẫn nội quy chiếm đa số; số biển báo tưởng niệm hay ghi danh không nhiều. Còn các BBCD ngoài trời phổ biến là BBCD bãi đỗ xe và biển báo trung tâm về thư mục/sơ đồ các tòa nhà.

Khảo sát cũng cho thấy các trường đều có các biển báo thuộc bốn nhóm chức năng. Trong đó chức năng chỉ dẫn là phổ biến nhất, gồm BBCD chỉ đường đến các văn phòng hay khu nhà trong khuôn viên trường và các dịch vụ như thư viện, phô-tô, căn-tin… Tiếp theo là BBCD hạn chế và cấm, được bố trí dọc theo các hành lang của các tòa nhà, dán trên tường hay cửa. Nhiều trong số đó là BBCD theo dạng tạm thời in trên giấy trắng, không theo quy chuẩn ( Figure 3 ).

Figure 3 . Một số biển báo chỉ dẫn tạm thời thường gặp (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu)

Ngoài ra, còn có những biển báo có sự kết hợp cả TV và TA nhưng không thể xác định là biển báo song ngữ hoàn thiện như “WC Nam” (nội dung liên văn bản nên là: TV: Nhà vệ sinh nam; TA: WC - Gentlemen). Hiện tượng dịch một phần này được tìm thấy trong một số mẫu khảo sát ở cả 4 trường ( Figure 4 ).

Figure 4 . Biển báo chỉ dẫn song ngữ là sản phẩm liên văn bản không hoàn thiện (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu, 10/03/2020, Trường ĐHKHXHNV, Tòa nhà D, Cơ sở Quận 1)

Nghiên cứu ở trường đại học Hàn Quốc nhấn mạnh cảnh quan ngôn ngữ là một sản phẩm liên văn bản, chứ không phải là vật chất phản ánh các giá trị cố định của tiếng Hàn và tiếng Anh 16 . Chính vì thế, việc xử lý ngôn ngữ trong BBCD cần phải được thực hiện hoàn chỉnh. Việc dịch một phần dẫn đến một sản phẩm liên văn bản chưa hoàn thiện.

Điển cứu về thực trạng sử dụng BBCD tại hệ thống ĐHQG-HCM

Để làm rõ hơn thực trạng cụ thể của từng trường, kết quả khảo sát được phân tích theo dạng điển cứu, trong đó một số vấn đề nổi trội sẽ được trình bày và thảo luận.

Điển cứu 1: TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

Trường có 30% BBCD là đơn ngữ TV, 1,5% đơn ngữ TA và 68,5% song ngữ Việt - Anh. Đây là trường có nhiều BBCD song ngữ Việt - Anh nhất trong bốn trường được khảo sát. Hầu hết BBCD song ngữ có chức năng thông tin về các tòa nhà, khoa, phòng ban, phòng học và chỉ dẫn sử dụng thang máy, lối ra vào, thoát hiểm.

Tuy nhiên, kích thước và màu sắc chưa cho thấy một hình ảnh kết nối của một phả hệ BBCD, chẳng hạn: các biển tên phòng có ba màu: nền xanh đen, xanh đậm, trắng và xanh, viền trắng; chữ trắng hoặc chữ xanh; kích thước không đồng nhất; một số còn lại có màu sắc và thiết kế đa dạng ( Figure 5 ). Đa số các BBCD song ngữ có kích thước nhỏ hơn so với BBCD đơn ngữ tiếng Việt. Sự khác biệt chính giữa BBCD bên ngoài trời và bên trong là: BBCD bên ngoài to hơn, có thiết kế chi tiết và chất liệu dày hơn; BBCD bên ngoài chủ yếu là đơn ngữ tiếng Việt.

Figure 5 . Một số biển báo tên phòng ban tại Trường ĐHKHTN (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu, 20/02/2020, Cơ sở Quận 5)

Một số có lỗi liên văn bản, chẳng hạn: lỗi sai “Rest room” (thay vì “Restroom”) và chưa dịch hoàn chỉnh. Việc sử dụng tiếng Anh cũng chưa nhất quán trong BBCD liên quan đến tên của các phòng ban, chẳng hạn “Department/Dept.” (Bộ môn), “Seminar/Special Room” (Phòng Chuyên đề) ( Figure 6 ).

Figure 6 . Một số biển báo có lỗi dịch tại Trường ĐHKHTN (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu, 20/02/2020, Cơ sở Quận 5)

Theo Zhang & Tou 17 , những lỗi dịch kém hay dịch sai như thế thường làm người nước ngoài thấy rối rắm và thậm chí còn hiểu nhầm, trực tiếp làm giảm chất lượng, ảnh hưởng đến chức năng của biển báo và cả hình ảnh của nơi tạo ra nó.

Điển cứu 2: TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Trường có 36% BBCD đơn ngữ TV, 6% đơn ngữ TA và 58% song ngữ Việt - Anh. Nhiều BBCD song ngữ có nội dung chữ viết TV và TA không cùng nằm trong 1 bảng. Vấn đề này được đại diện Trường giải thích: “Trường sử dụng các BBCD tiếng Việt. Sau đó do Trường tham gia kiểm định chất lượng nên các BBCD tiếng Anh được bổ sung và đặt ngay dưới BBCD tiếng Việt. Các biển này vẫn còn mới nên được giữ lại để tránh lãng phí.”

Hệ thống BBCD song ngữ tại Trường ĐHCNTT chủ yếu là thông tin các phòng ban, được bố trí thuận tiện ở các nơi như thang máy, cầu thang, lối ra vào để người dùng có thể tìm đường dễ dàng. Tuy nhiên, vị trí lắp đặt biển báo chưa nhất quán (dọc, ngang, trên, dưới) ( Figure 7 a, b, c); một vài BBCD chỉ được dịch một phần ( Figure 7 d).

Figure 7 . Thiết kế và màu sắc đa dạng của BBCD tại Trường ĐHCNTT (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu, 25/02/2020)

Màu sắc, thiết kế và kích thước của các BBCD chưa thể hiện mối liên kết của một phả hệ và khó nhận diện được bản sắc của Trường vì không dễ nhận diện ra các màu sắc chủ đạo.

Điển cứu 3: TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Trường có 52% BBCD đơn ngữ TV, 7% đơn ngữ TA, 39,5% song ngữ Việt - Anh và 1,5% đa ngữ. Đây là trường có lượng sinh viên quốc tế nhiều nhất trong hệ thống ĐHQG-HCM. Một số BBCD thuộc loại tên khoa, phòng ban mới được đưa vào sử dụng có thiết kế khá đồng nhất là nền màu xanh, viền trắng, chữ trắng, còn lại các loại biển báo đã dùng trước đó có thiết kế và màu sắc đa dạng. Vì thế, tính phả hệ và tầng bậc của hệ thống BBCD chỉ mới bước đầu hình thành. Tuy nhiên, Trường sử dụng rất nhiều BBCD tạm thời dán trên các cửa phòng ban, nhất là ở cơ sở 2 Thủ Đức, không theo quy chuẩn nào.

Đa số các biển hướng dẫn, quy định, biển cấm, biển thông tin của Trường là đơn ngữ tiếng Việt. Điều này có thể gây bất tiện lớn cho sinh viên quốc tế, chẳng hạn: BBCD tạm thời “VUI LÒNG VÀO CỬA PHÍA ĐƯỜNG LÊ DUẨN” ( Figure 8 a) trên cửa một phòng Lab có thể khiến họ diễn dịch là phòng đang đóng cửa thay vì đi qua cửa khác để vào. Bên cạnh đó, nhiều BBCD tiếng Việt có rất nhiều thông tin/yêu cầu (7-10 điều) có thể gây khó khăn cho sinh viên quốc tế ( Figure 8 b, c).

Figure 8 . Một vài biển báo chỉ dẫn đơn ngữ có thể gây khó khăn cho sinh viên quốc tế tại Trường ĐHKHXHNV (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu, 10/03/2020, Cơ sở Quận 1)

Thông tin truyền tải từ các BBCD rất quan trọng và cần thiết trong việc định hướng cho sinh viên trong một môi trường không quen thuộc 18 . Vì thế, việc có quá nhiều thông tin trong một BBCD và chỉ diễn đạt đơn ngữ là tiếng bản xứ chắc chắc sẽ hạn chế khả năng xử lý thông tin của sinh viên quốc tế tại Trường ĐHKHXHNV. Ngoài ra, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ của sinh viên bản xứ cũng không được khuyến khích khi họ không thể so sánh và hiểu được nội dung thông tin được truyền tải vì không có được những sản phẩm liên văn bản hoàn chỉnh.

BBCD song ngữ thường gặp là biển tên các khoa, phòng ban. Tuy nhiên một số chưa có sự nhất quán trong thiết kế, vị trí logo, màu sắc, kích thước và ngôn ngữ biểu đạt như “TV: Phòng họp; TA: Meeting/Conference Room” ( Figure 9 ).

Figure 9 . Một số biển báo chỉ dẫn chưa có sự nhất quán tại Trường ĐHKHXHNV (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu, 10/03/2020, Cơ sở Quận 1)

Ngoài ra, một số lại có phần biểu đạt ngôn ngữ đích khá dài dòng chưa phù hợp văn phong BBCD, chẳng hạn BBCD tạm thời trong thời gian dịch Covid 19: “Các bạn vui lòng mang khẩu trang khi liên hệ tại Trung tâm - Please wear mask before coming into contact with us”. Phần TA được dịch theo kiểu từng từ một thay vì ngắn gọn là “Facemask requested” ( Figure 10 a). Hoặc có lỗi sai ngữ pháp như: “Phòng Nghiên cứu Ngữ âm học Thực nghiệm - Phonetic Lab” (Bản dịch đúng là: Phonetics Lab vì trong trường hợp này Ngữ âm học là một lĩnh vực học nên phải dùng danh từ chứ không phải tính từ) ( Figure 10 b).

Figure 10 . Một số lỗi trong BBCD tại Trường ĐHKHXHNV (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu, 10/03/2020, Cơ sở Quận 1)

Nên sử dụng từ vựng đơn giản và rõ ràng, đồng thời mang những đặc tính của ngôn ngữ đích trong BBCD song ngữ. Khi dịch, cần hướng đến người đọc ở ngôn ngữ đích và giúp họ không gặp khó khăn khi hiểu ý nghĩa của biển báo; cần hướng đến hiệu quả giao tiếp nên phải sử dụng ngôn ngữ lưu loát, dễ hiểu và truyền đạt được tín hiệu cần thiết đó đến người đọc 19 . Như vậy, khi TV là ngôn ngữ nguồn, TA là ngôn ngữ đích thì cần xem xét phương pháp dịch và đặc điểm ngữ dụng phù hợp để có thể chọn từ ngữ, cấu trúc phù hợp trong TA thay vì dịch nguyên văn hay từng từ một. Xét về cấu trúc, nhiều BBCD tiếng Anh có phần đơn giản và theo lối trực tiếp hơn so với phiên bản TV. Tuy nhiên, nhiều bản dịch đã không chú ý đến điều này, dẫn đến lỗi cú pháp. Hiện tượng này cũng gặp ở các trường còn lại.

Ngoài ra, chỉ có rất ít (3/200) BBCD là đa ngôn ngữ, gồm tiếng Việt, Anh và một trong ba ngôn ngữ Hoa, Nhật, Hàn, có chức năng chỉ dẫn, bao gồm biển tên phòng chức năng và biển ghi danh ( Figure 11 ). Không có BBCD đa ngữ cho các loại và chức năng khác.

Figure 11 . Biển báo chỉ dẫn đa ngữ tại Trường ĐHKHXHNV (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu, 25/02/2020, Cơ sở Quận 1)

Trong nghiên cứu về cảnh quan ngôn ngữ trong khuôn viên trường đại học ở Nhật, Jing-Jing 20 phát hiện một luật bất thành văn trong BBCD song ngữ luôn là Nhật - Anh, còn những ngôn ngữ khác được bổ sung dựa vào số lượng sinh viên quốc tế trong trường. Chẳng hạn, các nhân viên cho rằng các BBCD trong căn-tin cần thiết kế lâu dài, chứ không sử dụng tạm thời và phải đa ngôn ngữ gồm tiếng Nhật và tiếng Anh, Trung, Hàn để các sinh viên quốc tế có thể “sống sót trong khuôn viên trường”. Điều này cho thấy hệ thống ĐHQG-HCM cần xây dựng một chính sách ngôn ngữ cụ thể hơn trong cảnh quan ngôn ngữ trường đại học dựa vào lượng sinh viên quốc tế đến từ các nước khác.

Ngoài ra, Mahemuti 21 quan sát thấy ở các nước châu Á, lớp học có nhiều áp phích và thông tin được viết bằng tiếng Anh giúp sinh viên học ngôn ngữ này tốt hơn. Tuy nhiên, BBCD dọc hành lang với nhiều thông tin bổ ích và quan trọng về bảo hiểm y tế, cập nhật visa đối với sinh viên quốc tế hoặc thông tin tốt nghiệp là đơn ngữ tiếng Anh khiến cho sinh viên có trình độ tiếng Anh chưa tốt không hiểu rõ hết được, vì thế Mahemuti đề xuất những thông tin liên quan đến sinh viên quốc tế nên được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nữa. Ngoài ra, nghiên cứu này còn cho thấy cảnh quan ngôn ngữ rất quan trọng với cả sinh viên quốc tế và bản địa vì các lợi ích: giúp sinh viên bản địa mở rộng lòng đón nhận sinh viên quốc tế; góp phần thúc đẩy việc học song ngữ và tạo động lực học tiếng với những sinh viên không giỏi tiếng; giúp các sinh viên quốc tế bớt nhớ nhà, bớt cô đơn, thấy thoải mái, thêm tự tin và tự hào về nguồn cội của họ; giúp sinh viên nắm bắt thông tin tốt hơn và mở rộng tương tác xã hội và nhận thức văn hóa của họ.

Điển cứu 4: TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ

Hệ thống BBCD tại Trường ĐHQT nhìn chung có sự thống nhất về thiết kế, thể hiện tính phả hệ và tầng bậc khá rõ, chẳng hạn: biển báo chỉ tên phòng chức năng nền trong suốt và chữ xanh; biển lưu niệm và ghi danh màu vàng đồng; biển báo phòng học nền trắng, chữ xanh, có khung chứa nội dung thông báo thay đổi được, giúp tiết kiệm chi phí khi vị trí phòng học thay đổi ( Figure 12 ).

Figure 12 . Biển báo chỉ dẫn đơn ngữ tiếng Anh tại Trường ĐHQT (Ảnh: Nhóm Nghiên cứu, 05/03/2020, Cơ sở Tp. Thủ Đức)

Giống như tên gọi của mình, Trường muốn đem đến môi trường giáo dục quốc tế nên có tới 95% BBCD là đơn ngữ TA, chỉ có 4% đơn ngữ TV và 5,5% song ngữ Việt - Anh. BBCD đơn ngữ TV chủ yếu là các biển báo hướng dẫn phòng cháy chữa cháy hiện đang lưu hành trên thị trường trong nước.

Trong nghiên cứu của Soler 22 , hoạch định chính sách ngôn ngữ trong giáo dục đại học toàn cầu diễn ra trong bối cảnh tương tác phức tạp giữa các tác nhân và ý thức hệ khác nhau. Từ đó, việc hoạch định này đặt ra nhiều tiêu chuẩn trong việc lựa chọn ngôn ngữ hiển thị; đôi khi ưu tiên bản sắc dân tộc để bảo vệ tiếng mẹ đẻ, đôi khi lại ưu tiên thúc đẩy quốc tế hóa. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc hoạch định cần đặt trong bối cảnh cụ thể và không gian vật chất xã hội. Vì thế, chức năng điều hướng (chỉ đường và hướng dẫn) thường được ưu tiên hơn so với việc xây dựng thương hiệu và các mục đích chính sách khác. Tương tự, nghiên cứu của Choi và cộng sự 16 cho thấy sinh viên Hàn và sinh viên quốc tế có hai luồng quan điểm khác nhau về BBCD đơn ngữ TA. Nhiều sinh viên Hàn không muốn sử dụng BBCD đơn ngữ TA vì cho rằng tiếng mẹ đẻ giúp họ hiểu và diễn đạt tốt hơn, họ lập luận sinh viên quốc tế nên học thêm tiếng Hàn vì đó là cũng là một mục đích của họ khi đến Hàn Quốc. Trong khi đó, sinh viên quốc tế lại mong muốn có thêm những BBCD bằng tiếng Anh vì họ sợ bỏ sót thông tin quan trọng và nếu xung quanh chỉ toàn tiếng Hàn, họ sẽ có cảm giác không thuộc về cộng đồng đó.

Trở lại với Trường ĐHQT, gần 80-90% người tham gia làm việc và học tập là người bản địa nên việc chỉ có 5,5 % BBCD song ngữ Việt - Anh dẫn đến sự mất cân bằng trong cảnh quan ngôn ngữ của Trường. Rõ ràng, bên cạnh việc cung cấp một môi trường giáo dục toàn cầu thì cảnh quan ngôn ngữ còn là một yếu tố đóng góp vào việc quảng bá ngôn ngữ bản xứ, tức là tiếng Việt. Môi trường đại học sẽ hoàn thiện hơn khi chính sách ngôn ngữ của cảnh quan ngôn ngữ có sự hiện diện song ngữ gồm tiếng bản xứ và tiếng Anh, nhờ đó sinh viên bản địa và quốc tế sẽ vui vẻ học tập và cộng tác.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Hệ thống BBCD là phần tất yếu trong xây dựng cảnh quan ngôn ngữ của trường đại học, là yếu tố quan trọng của quá trình sinh viên hòa nhập với môi trường hoàn toàn mới, giúp tiếp cận với các cơ sở vật chất của trường tốt hơn. Với sinh viên quốc tế, BBCD song ngữ/đa ngữ giúp phần nào giảm bớt sự lạc lõng và tăng sự hội nhập. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy để hội nhập tốt hơn trong môi trường toàn cầu hóa thì việc sử dụng biển báo song ngữ/đa ngữ là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy tỷ lệ sử dụng BBCD song ngữ/đa ngữ chưa đạt tới 50% tại các trường thành viên ĐHQG-HCM là do chưa có một bộ quy chuẩn BBCD ở hệ thống ĐHQG-HCM, dẫn đến thực trạng là mỗi trường thành viên sử dụng BBCD theo nhu cầu riêng và chưa được hoạch định nhất quán.

Khảo sát thực trạng BBCD ở 4/6 trường thành viên của hệ thống ĐHQG-HCM cho thấy hiện BBCD đang được sử dụng gồm hai loại chính như hệ thống Đại học Yale và cũng đủ các loại như các hệ thống đại học khác trên thế giới, có đầy đủ 4 nhóm chức năng. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề nổi trội như sau:

  1. BBCD ngoài trời còn ít, chưa tạo ra được một hình ảnh trực quan sinh động, khắc họa rõ nét bản sắc của mỗi trường;

  2. Tính phả hệ và tầng bậc chưa cao vì việc thiết kế màu sắc, kích thước, mẫu và cỡ chữ, nơi lắp đặt BBCD chưa chuyên nghiệp;

  3. Một số BBCD song ngữ có lỗi dịch hay chưa là một sản phẩm liên văn bản hoàn thiện, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như hình ảnh của trường;

  4. Nhiều BBCD truyền tải thông tin khá phổ biến ở trong khuôn viên trường lại ở dạng tạm thời thay vì dạng cố định. Một số trường chưa sử dụng khung chứa cố định và thuận tiện cho việc thay thế BBCD có nội dung tạm thời nên ảnh hưởng đến mỹ quan;

  5. BBCD về những nội quy thường gặp, hướng dẫn trong trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, ra vào khuôn viên trường, thủ tục hướng dẫn ở phòng đào tạo v.v. hiện chủ yếu là đơn ngữ TV nên cần được chuyển đổi sang dạng song ngữ hoặc đa ngữ. Điều này sẽ giúp sinh viên và đối tác quốc tế đến trường có phản ứng nhanh và tốt hơn, giảm thiểu các rủi ro không đáng có.

Những bộ quy chuẩn BBCD của các hệ thống trường đại học trên thế giới không phải một sớm một chiều là có được mà trải qua nhiều phiên bản chỉnh đổi và xây dựng khá chặt chẽ dựa trên các tiêu chí phù hợp với bản sắc và cảnh quan ngôn ngữ của họ. Vì thế, để có được một bộ quy chuẩn BBCD cho các trường thành viên, hệ thống ĐHQG-HCM cần hoạch định và có quá trình biên soạn dựa vào nhu cầu sử dụng thực tế.

Việc khảo sát thực trạng sử dụng BBCD ở bài viết này chỉ là một sự khởi đầu. Tiếp theo, cần sự quan tâm từ các nhà hoạch định chính sách về cảnh quan ngôn ngữ trong hệ thống ĐHQG-HCM. Nghiên cứu này khai thác một phương diện tuy không mới nhưng lại chưa được đề cập nhiều hoặc chưa đi sâu vào thực trạng, vì thế nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn khi nêu ra được một nhu cầu thực tế về xây dựng một bộ quy chuẩn BBCD áp dụng chung cho các trường thành viên trong hệ thống ĐHQG-HCM để có sự nhất quán và tính thẩm mỹ cao, góp phần xây dựng nên bộ mặt của toàn hệ thống. Nhờ đó, đối tác và sinh viên trong và ngoài nước sẽ có được một môi trường toàn cầu hóa, làm việc và học tập dễ dàng, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao tính hội nhập và xây dựng một hình ảnh hệ thống ĐHQG-HCM thân thiện hơn với bạn bè quốc tế.

Tóm lại, kết quả của nghiên cứu nhấn mạnh đến sự cần thiết của hệ thống BBCD theo quy chuẩn đảm bảo hiệu quả chất lượng thông điệp truyền tải trong một môi trường giáo dục đại học toàn cầu hóa. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn có thể được sử dụng cho các trường đại học Việt Nam có bối cảnh tương tự.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

BBCD: Biển báo chỉ dẫn

ĐHCNTT: Đại học Công nghệ Thông tin

ĐHKHTN: Đại học Khoa học Tự Nhiên

ĐHKHXHNV: Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

ĐHQT: Đại học Quốc tế

TV: Tiếng Việt

TA: Tiếng Anh

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài báo là kết quả của sự hợp tác giữa giảng viên và nhóm sinh viên hệ Chính quy Chất lượng cao trong nghiên cứu khoa học năm học 2019-2020. Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài viết là kết quả của cả tập thể sinh viên và giảng viên hướng dẫn trong việc thu thập mẫu khảo sát tại khuôn viên 4 trường thành viên của hệ thống ĐHQG-HCM suốt 3 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid toàn cầu. Bài viết đã đưa ra được một bức tranh về thực trạng sử dụng BBCD, nêu ra nhu cầu cần xây dựng một bộ quy chuẩn BBCD để hoàn thiện hơn cảnh quan ngôn ngữ của hệ thống ĐHQG-HCM, một yếu tố quan trọng trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa môi trường giáo dục và khẳng định vị thế của hệ thống này trong bản đồ đại học thế giới. Đóng góp cụ thể của từng tác giả:

Tác giả Nguyễn Thị Như Ngọc: Tổng thuật tư liệu và viết bài.

Các tác giả Phạm Thị Tú Duyên, Đặng Nguyễn Ngọc Dung, Dương Nhã Văn, Phạm Ngọc Thanh Tâm, Trần Khánh Vy: Thu thập số liệu.

References

  1. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo thường niên 2018. Truy cập ngày 05/06/2020. . 2018;:. Google Scholar
  2. Dressler R. Sign geist: promoting bilingualism through the linguistic landscape of school signage. International Journal of Multilingualism. . 2015;12(1):128-145. Google Scholar
  3. Lammers W. J., Badia P.. Fundamentals of behavioral research. Recording for the Blind & Dyslexic. . 2004;:. Google Scholar
  4. Viện Ngôn ngữ học. Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội - Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học. . 2003;:. Google Scholar
  5. Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Tiêu chuẩn quốc gia - TCNV 8092:2009: Ký hiệu đồ học - Màu sắc an toàn và biển báo an toàn - Biển báo an toàn sử dụng ở nơi làm việc và nơi công cộng. Hà Nội: Nhà xuất bản Tài chính. . 2009;:. Google Scholar
  6. Mayor M. (Ed.). Longman dictionary of American English. 4th Edition. UK: Pearson Education. . 2015;:. Google Scholar
  7. Hornby A. S.. Oxford advanced learner's dictionary of current English. 8th Edition. USA: Oxford University Press. . 2010;:. Google Scholar
  8. Ko L. Chinese-English translation of public signs for tourism. Journal of Specialised Translation. . 2010;13:111-123. Google Scholar
  9. Guo M.. Analysis on the English-translation errors of public signs. Theory and Practice in Language Studies. . 2012;2(6):1214-1219. Google Scholar
  10. Tâm N. T. M., Hồng N. D., Long T. T.. Khảo sát thực trạng sử dụng tiếng Anh trong các biển hướng dẫn du lịch tại một số điểm du lịch ở Miền Bắc Việt Nam. Nghiên cứu Nước ngoài. . 2017;33(2):90-104. Google Scholar
  11. Ohio State University. University signage standards. Issue: 07/01/2014. Truy cập ngày 10/06/2020. . 2014, 2018;:. Google Scholar
  12. University of Bristol. Signage guidelines. Truy cập ngày 10/06/2020. . 2005;:. Google Scholar
  13. RMIT University. Signage manual. Truy cập ngày 10/06/2020. . 2015;:. Google Scholar
  14. University College London. Signage guide manual 2020 - Draft 12. . 2020;:. Google Scholar
  15. Yale University. Yale University campus signage. . 2018;:. Google Scholar
  16. Choi J.. Bilingual signs at an 'English only' Korean university: Place-making and 'global'space in higher education. International Journal of Bilingual Education and Bilingualism. . 2019;:1-14. Google Scholar
  17. Zhang B., Tuo X. U.. English translation of linguistic signs: A study from the perspective of linguistic landscape. Studies in Literature and Language. . 2015;11(3):35-42. Google Scholar
  18. Chang H. H.. Wayfinding strategies and tourist anxiety in unfamiliar destinations. Tourism Geographies. . 2013;15(3):529-550. Google Scholar
  19. Qiannan M. Research on the translation of public signs. English Language Teaching. . 2012;5(4):168-172. Google Scholar
  20. Jing-Jing Linguistic landscape on campus in Japan - A case study of signs in Kyushu University. Intercultural Communication Studies. . 2015;24(1):123-144. Google Scholar
  21. Mahemuti M.. Linguistic landscape on campus: Asian college students' perceptions of multilingual learning environments (Doctoral dissertation, State University of New York at Fredonia). . 2018;:. Google Scholar
  22. Soler J.. Language policy and the internationalization of universities. Boston: De Gruyter Mouton. . 2019;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 4 (2021)
Page No.: 1263-1277
Published: Nov 7, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.688

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Ngọc, N., Duyên, P., Dung, Đặng, Tâm, P., Văn, D., & Vy, T. (2021). A survey of the current status of the signage of the Vietnam National University Ho Chi Minh City system. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(4), 1263-1277. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i4.688

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 875 times
PDF   = 337 times
XML   = 0 times
Total   = 337 times