VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

744

Total

755

Share

Study about the change of “IE” traditional Japanese family through the research on the change of Japanese family grave “IE haka”






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In the background where there are many factors affecting Japanese families such as the decrease of children, the change of family structures, gender concept, etc., "family'' has become a noticeable issue attracting much attention nowadays. The type of Japanese traditional family named "IE'' was officially regulated in the law during the Meiji period. After the war, the legal status of "IE'' was eliminated; however, in reality, "IE'' still remains popular. In fact, "IE'' is always considered an important keyword to understand the Japanese family system. In this paper, the author studies about the change of "IE'' through the research on the Japanese family grave "IE haka'' in Japan. "IE haka'' was formed based on "IE'' family background; therefore, doing research on the change of Japanese family grave "IE haka'' makes it possible to clarify the characteristics and trend of IE in Japan. The research outcomes showed that in the post-war period, "IE'' was no longer regulated in law; however, the stable sustainability of "IE haka'' system reflects that traditional family "IE'' has firmly rooted in Japan's culture and society until now. Meanwhile, in the current changing context, "IE haka'' shows deep basic changes including the increase of simple structures, simplification of ancestor worship rituals, etc. Through it, "IE'' could be seen to have fundamentally changed and even been predicted to decline in the future.

Phần m ở đầu

Trong bối cảnh nhiều yếu tố ảnh hưởng gia đình Nhật Bản như số lượng trẻ em suy giảm, sự thay đổi trong quan niệm gia đình và quan điểm giới,v.v..., gia đình chính là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý hiện nay. Khi tìm hiểu về gia đình Nhật Bản, “IE” - hình thức gia đình truyền thống là chủ đề chính yếu cần phải đề cập đến 1 . Mặc dù, sau chiến tranh, hình thức gia đình truyền thống “IE” đã loại bỏ tính pháp lý nhưng trên thực tế “IE” vẫn ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều lĩnh vực như quan hệ gia đình, quan niệm giới, suy nghĩ tôn giáo,v.v… tại Nhật Bản cho đến ngày nay. Trong đó, chế độ mộ gia đình “IE haka” vốn hình thành dựa trên nền tảng “IE” chính là chìa khóa quan trọng khi tìm hiểu về “IE”.

Cho đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu về “IE”, cũng như nghiên cứu “IE” trong mối liên hệ với “IE haka”. Tiêu biểu có các công trình sau đây. “Lý thuyết về sự biến đổi của gia đình hiện đại” của Morioka K. đã nghiên cứu chi tiết về nguồn gốc của “IE” trong thời kỳ Minh Trị. Dựa trên sự phân biệt nghĩa của các từ dùng để chỉ “gia đình”, đã làm rõ đặc điểm, tính chất của “IE”. Trong bối cảnh nhiều thay đổi từ sau chiến tranh, tác giả đã tìm hiểu về sự chuyển đổi của gia đình Nhật Bản hiện đại thông qua phân tích môi trường tác động bên ngoài như quá trình công nghiệp hóa,... và tác động bên trong như nơi ở, thu nhập. Dựa trên đó, tác giả làm rõ khuynh hướng thay đổi của gia đình như quy mô ngày càng nhỏ, sự thay đổi chức năng gia đình 2 . Nghiên cứu của Morimoto K. đã tìm hiểu “IE” ở mặt khái niệm và thực tế. Tác giả đã hệ thống và phân tích về quá trình hình thành “IE”, làm rõ đặc điểm về năng lực sản xuất, tính trường tồn,... của “IE”. Trong đó, thông qua mối quan hệ của vợ và gia đình ruột, tác giả đã làm rõ tính chất phụ hệ “không chặt chẽ” của “IE” 1 . Qua đó, các tác giả đã hệ thống lịch sử hình thành, đặc điểm và ảnh hưởng của “IE” trong xã hội văn hóa Nhật Bản.

Trong đó, tìm hiểu “IE” thông qua “IE haka” là hướng tiếp cận phổ biến. Điển hình như trong “Gia đình luận liên quan đến mộ”, Inoue H. đã tìm hiểu sự thay đổi của gia đình, thờ cúng tổ tiên, mộ gia đình, trong đó đặc biệt sự thay đổi ý thức của người nữ đối với “IE haka” để luận về sự thay đổi của “IE” hiện nay 3 . Nhà nghiên cứu mộ nổi tiếng Makimura H. đã tổng hợp, phân tích kết quả nghiên cứu về ý thức mộ trong bối cảnh thay đổi như cá nhân hóa, tập thể hóa,... tại Nhật Bản. Qua đó, phản ảnh cách sống và hình thái gia đình ngày càng đa dạng của người Nhật hiện nay 4 . Tsubouchi T. làm rõ thay đổi của chế độ mai táng, mộ và thông qua đó, phản ánh sự gia tăng gia đình hạt nhân, thay đổi của quan niệm sinh tử, phong tục viếng mộ 5 . Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu về chế độ mai táng ở khu vực Đông Á là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Makimura H. làm rõ các vấn đề, khó khăn của lò hỏa táng, hình thức mộ cũ. Thêm vào đó, sự thay đổi của chế độ mai táng như triển khai hình thức mộ mới như mộ cây (mộc thụ táng),... đã phản ánh sự thay đổi của ý thức gia đình, mai táng ở Nhật Bản 6 . Noguchi N. tìm hiểu về không gian thờ cúng người mất bao gồm quang cảnh mộ, bia mộ,… trong các nghĩa trang tư lập ngày càng phát triển. Qua đó, tác giả quan sát sự thay đổi của gia đình, vị thế ngày càng nâng cao của phụ nữ 7 . Tác giả Kotani M. tìm hiểu về các vấn đề của mộ, trong đó nhấn mạnh mộ vô chủ. Kết quả nghiên cứu phản ánh khuynh hướng gia đình hạt nhân hóa, không cần mộ. Dựa trên đó, tác giả kiến nghị giải pháp bảo vệ mộ và sự an nghỉ của người mất 8 . Trong nghiên cứu trước đây, tác giả đã phân tích tính mới và tính kế thừa truyền thống của các mộ mới, từ đó làm rõ đặc điểm và khuynh hướng tương lai của các mộ mới này 9 .

Theo đó, các nghiên cứu trước đã hệ thống và làm rõ lịch sử hình thành, đặc điểm, ảnh hưởng của “IE” đến các mặt trong đời sống. Trong đó, thông qua mối liên hệ giữa “IE haka” và “IE”, các tác giả đã tìm hiểu, quan sát về đặc điểm, thay đổi và khuynh hướng tương lai của “IE”. Từ sau chiến tranh, trong bối cảnh các yếu tố ảnh hưởng đang có nhiều thay đổi, “IE” và “IE haka” luôn là chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Trong đó, đặc biệt khuynh hướng “thay đổi”, tính chất ít truyền thống và tan rã của “IE” được nhấn mạnh,v.v... tại Nhật Bản hiện nay. Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu đi trước, thông qua phân tích tài liệu gốc và thứ cấp, nghiên cứu thực tế điền dã định tính, từ mối quan hệ với “IE haka” - góc nhìn được đánh giá là hiệu quả nhất, tác giả tìm hiểu về sự gắn kết duy trì của “IE” truyền thống - khía cạnh còn ít được đề cập trong các nghiên cứu trước đây. Dựa trên đó, làm rõ sự thay đổi, đặc điểm và khuynh hướng tương lai của “IE” trong bối cảnh nhiều thay đổi hiện nay.

Chế độ gia đình “IE” là gì?

Khái niệm “IE”

“IE” là tên gọi của chế độ gia đình được quy định chính thức trong Luật dân sự Minh Trị vào năm 1898. Chính phủ Minh Trị đã quản lý dân chúng được trao trả từ các lãnh chúa dựa trên đơn vị gia đình “hộ” và luật hộ tịch được công bố vào năm 1871. “Hộ” trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với “IE” 2 . Một “IE” được đăng ký vào một hộ tịch, nghĩa là việc đăng ký hộ tịch sẽ minh chứng cho việc có thuộc “IE” hay là không.

“IE” được định nghĩa là chế độ gia đình duy trì qua nhiều thế hệ vợ chồng, với tính “kế thừa” đặc trưng dựa trên trục liên kết chính là sự kế thừa cha-con theo nguyên lý phụ hệ 2 . “IE” mở rộng bao gồm tổ tiên đã mất và trẻ em chưa sinh ra theo dòng nam 1 . “IE” liên quan chặt chẽ đến “chế độ gia trưởng phụ hệ” - chế độ gia đình mà trong đó người nam với quyền gia trưởng chi phối, thống trị và quản lý các thành viên trong gia đình” 10 .

Ở một góc độ tiếp cận khác, “IE” được xem là một tập thể bao gồm chủ hộ (gia trưởng) và gia đình. Trong Luật dân sự Minh Trị, từ “gia đình” là chỉ thân tộc và vợ của chủ hộ trong một “IE” (hộ). Nhưng sau đó, “gia đình” cũng dần được dùng với nghĩa chỉ tập thể người cùng gia đình bao gồm gia chủ. Tuy nhiên, phân biệt với “gia đình”- chỉ tập thể những người chung huyết thống cùng sinh sống trong đó mối quan hệ vợ chồng đóng vai trò trung tâm, “IE” nhấn mạnh ý nghĩa tập thể gia đình dựa trên nguyên lý “kế thừa huyết thống” từ tổ tiên đến con cháu do người gia trưởng đứng đầu [ 2 , tr.83].

Ngoài tính huyết thống, “IE” được xem xét và định nghĩa từ nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ theo Chie N., “IE” được định nghĩa là cấu trúc tập thể gia đình cùng nhau sinh sống, trong đó nhấn mạnh sự liên kết về mặt kinh tế 11 . Tương tự, nhà dân tộc học nổi tiếng Yanagita K. (1975) đã chỉ ra IE không chỉ là tập thể gia đình huyết thống mà là tổ chức lao động và sản xuất. “IE” thay đổi phù hợp với điều kiện lao động và sản xuất 1 .

Theo đó, “IE” mang nhiều ý nghĩa đặc trưng riêng của Nhật Bản. Trong tiếng Việt, “IE” thường được dịch thành “gia đình” hoặc “họ hàng” [ 12 , tr.66]. Theo Từ điển tiếng Việt , định nghĩa “gia đình là tập thể gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu” [ 13 , tr.482], “họ hàng là những người có quan hệ huyết thống [ 13 , tr.560] cũng không diễn đạt hết ý nghĩa vốn có của “IE”, ví dụ không thể hiện rõ “tính kế thừa qua các thế hệ”. Tính kế thừa được nhấn mạnh trong ý nghĩa của từ “dòng họ” hơn. Theo đó, trong tiếng Việt khó tìm ra từ tương đương với “IE”, vì vậy cũng giống như đa số các nhà nghiên cứu trên thế giới, tác giả sử dụng nguyên tên “IE” để chỉ loại hình gia đình này của Nhật Bản.

Hoàn cảnh ra đời và đặc điểm của “IE”

Như đã đề cập, “IE” được quy định chính thức về mặt pháp luật trong thời kỳ Minh Trị. Tuy

nhiên, khi tìm hiểu về nguồn gốc có thể nói “IE” chính là sự kế thừa của chế độ gia đình dựa trên nguyên lý phụ hệ Nho giáo, tính gia trưởng,... đã tồn tại trong quá khứ.

Theo nhận xét, bối cảnh ra đời của “IE” vẫn còn nhiều điểm chưa rõ 14 , tuy nhiên đã tồn tại

nhiều thuyết về nguồn gốc của “IE” như sau đây.

Theo Morimoto K., trong thời kỳ Jomon và Yayoi, xã hội Nhật Bản có tính chất song hệ (phía tây Nhật Bản), sau đó đã chuyển dần sang chế độ phụ hệ vào cuối thời kỳ Kofun (Tanaka 1995). Và hình thái gia đình kiểu “IE” đã bước đầu hình thành trong tầng lớp quý tộc thời kỳ Heian và dần phổ biến đến tầng lớp võ sỹ sau này 1 .

Trong đó, chế độ quản lý người dân của chính quyền Mạc Phủ được xem là cơ sở hình thành “IE”. Chính phủ quản lý người dân dựa trên chế độ chùa quản lý theo đơn vị gia đình (mỗi gia đình đăng ký thông tin họ tên, nơi ở,...) 3 . Theo đó, hình thái tương tự “IE” đã tồn tại từ thời kỳ trung thế, đặc biệt trong gia đình võ sỹ, nguyên lý phụ hệ được nhấn mạnh qua sự trường tồn, kế thừa theo dòng nam 15 . Vào cuối thời trung thế, có sự chuyển đổi lớn từ chế độ thừa kế phân chia tài sản giữa các con trai sang chế độ thừa kế con trai trưởng duy nhất 13 .

Thêm vào đó, chính đặc điểm “kế thừa” của hình thái như “IE” này được nhận định đã góp phần ổn định và nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp trong xã hội truyền thống.

Từ cuối thời kỳ Kamakura (1185-1333), những cộng đồng làng nông nghiệp mới của nông dân được hình thành và mở rộng khắp các địa phương. Những làng này mang tính tự trị cao, có luật và tài sản riêng, đứng đầu là trưởng thôn. Dân làng cùng nhau làm nông, công trình nước phục vụ tưới tiêu, nghi lễ thần đạo, lập đội thờ cúng của làng,… Quyền lợi nghĩa vụ trong làng kế thừa theo đơn vị gia đình. Thêm vào đó, công việc làm nông không đơn thuần là phương kế sinh sống mà được xem là gia nghiệp truyền lại từ tổ tiên, được con cháu thừa kế và phát triển. Những điều này được cho là cơ sở để hình thành nên ý thức gia đình 3 . Có ý kiến cho rằng hình thái như “IE” đã hình thành trong tầng lớp nông dân cấp trên khoảng thế kỷ 14-15 1 . Và từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, hình thái như “IE” đã phổ biến trong các tầng lớp nông dân 13 .

Như vậy, tuy vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất và nguyên lý phụ hệ không tuyệt đối, nhưng ở tầng lớp nông dân và thương nhân từ thế kỷ 17~ 18, đã hình thành ý thức gia đình, trong đó nhấn mạnh sự kế thừa qua các thế hệ. Từ thời kỳ Edo nền nông nghiệp truyền thống được nhận định dựa nhiều vào chế độ kiểu “IE” trên toàn quốc và được duy trì cho đến sau thời kỳ Minh Trị. Qua đó, có thể thấy với đặc tính kế thừa, kiểu gia đình “IE” chính là đơn vị cơ bản hình thành nên xã hội làng xã Nhật Bản trong một thời gian dài.

Những hình thái gia đình này chính là cơ sở hình thành của “IE” và “IE” đã được thể chế hóa chính thức trong Luật dân sự Minh Trị. Trong cuộc đại cải cách chuyển đổi từ nền chính trị Mạc phủ thành quốc gia cận đại Thiên hoàng đóng vai trò trung tâm, với lập trường thống nhất phục hồi Vương chính, chính phủ mới đã thực hiện nhiều biện pháp như bài trừ Phật giáo, quốc giáo hóa Thần đạo,… Trong đó, như đã đề cập, chính phủ mới đã tiếp nhận chế độ quản lý theo đơn vị gia đình, và sau đó thực hiện chính sách “hộ tịch”.

Trong thời kỳ Edo, ngoại trừ một bộ phận, phần lớn dân chúng không được phép đặt họ. Chính phủ Minh Trị đã phải quy định đặt “họ” cho dân chúng và sổ hộ tịch ghi tên tất cả thành viên của 1 hộ với chủ hộ đứng đầu.

Luật dân sự Minh Trị công nhận “IE” về mặt pháp lý được cho là kết quả của sự kết hợp giữa chế độ gia đình võ sỹ và chế độ một vợ một chồng trong xã hội Thiên chúa giáo phương tây 2 .

Như vậy, trên cơ sở kế thừa đặc điểm quá khứ, “IE” đã hình thành và thống nhất tình trạng gia đình không đồng nhất từ trước đến giờ trong xã hội Nhật Bản truyền thống. Bên cạnh đó, vào năm 1889, Hiến pháp Đế quốc Đại Nhật Bản được lập ra dựa trên sự kết hợp nguyên lý thống trị thần quyền và nguyên lý chế độ quân chủ lập hiến, thiết lập đất nước như một “IE”, và Thiên hoàng được xem là con cháu của Thần giữ vai trò đại gia trưởng. Như vậy, “IE” bao gồm hai ý nghĩa ở mức độ “khái niệm” (ideology) và “thực tế”, là nền tảng của chế độ trung ương tập quyền và ý thức đoàn kết và thống nhất dân tộc Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị. Theo nghĩa đó, “IE” tồn tại ở 2 cấp độ quốc gia và gia đình mỗi người dân.

Trong phạm vi gia đình, đặc điểm chính của “IE” là “tính kế thừa”, cha mẹ cùng chung sống với gia đình con trai, và trải qua nhiều thế hệ, gia đình được duy trì, truyền lại tài sản, nghề nghiệp, địa vị xã hội một cách bền vững. Sự nhấn mạnh trường tồn của gia đình gắn liền tính chất phụ hệ và mối liên hệ tổ tiên bảo vệ và chăm sóc con cháu, ngược lại thông qua việc thờ cúng tổ tiên con cháu thể hiện sự kính trọng, tưởng nhớ và gắn kết với tổ tiên.

Liên quan đến tính phụ hệ, trong “IE”, người nữ bị trói buộc vào những quy định đạo đức phong kiến Nho giáo 10 . Như điều 788 của Luật dân sự Minh Trị quy định “Thông qua hôn nhân, vợ bước vào gia đình nhà chồng”, khi kết hôn, bố mẹ vợ sẽ nói với con gái “cho dù có việc cay đắng đau khổ cũng sẽ luôn gắn bó với nhà chồng, không quay đầu về lại”. Và như nghĩa của từ chỉ người nữ “không có năng lực”, người nữ không được quy định quyền lợi cụ thể về mặt pháp luật. Vợ có nghĩa vụ sinh con trai nói dõi, bị hạn chế quyền làm mẹ đối với đứa con mình đẻ ra 15 . Tuy nhiên, ví dụ thông qua việc không tồn tại quy định người vợ phụ thuộc hoàn toàn vào nhà chồng 15 . Hoặc đặc điểm thành viên của “IE” có thể bao gồm thành viên không huyết thống nhưng cùng sống trong một nhà như con nuôi, người hầu,… 1 đã cho thấy so với xã hội phụ hệ khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, tính chất gia trưởng, phụ hệ không chặt chẽ và có tính bắt buộc yếu.

Theo đó, đặc điểm nổi bật của “IE” chính là tính kế thừa, mối liên hệ các thế hệ, tính phụ hệ. Trong đó, thờ cúng tổ tiên - trục chính của “IE” được nhấn mạnh tuyệt đối. Tổ tiên phải được con cháu thờ cúng, nếu không sẽ thành linh hồn vất vưởng, bất hạnh. Và mộ gia đình “IE haka”, nơi thực hiện nghi thức thờ cúng tổ tiên chính là biểu tượng của “IE”.

Mộ gia đình “IE haka”

“IE haka” có nghĩa là gì?

Theo “Luật pháp liên quan đến nghĩa trang, mai táng,…”, mộ chính là “chỗ chôn cất thi thể hoặc chôn cất tro cốt hỏa táng” . Trong đó, mộ gia đình “IE haka” là hình thức mộ chôn cất tro cốt hỏa táng của các thành viên trong “IE” với bia mộ phổ biến khắc họ của “IE” ví dụ như “Mộ các thế hệ tổ tiên của IE ”.

Hoàn cảnh ra đời và đặc điểm của “IE haka”

Mộ gia đình “IE haka” là một trong những kết quả của chính sách “cải cách nghĩa trang”, gắn liền với sự phổ biến của hỏa táng và chế độ gia đình “IE” ra đời chính thức trong thời kỳ Minh Trị.

Trước đây, tại Nhật tồn tại nhiều phương thức mai táng khác nhau như phong táng (hình thức

thi thể phân hủy tự nhiên),... nhưng từ giữa thời kỳ Edo, việc chôn cất và xây mộ đã được thực hiện

với cách thức phổ biến là người vợ kế thừa chăm sóc và vào mộ gia đình mình sau khi mất. Nghĩa là hai vợ chồng khác mộ. Tuy nhiên, vào thời Minh Trị, lần đầu tiên bộ luật về nghĩa trang mai táng đã được ban hành vào năm 1884, và trong Luật dân sự Minh Trị đã nêu, dựa trên nền tảng “IE” đã hình thành, quy định mộ “IE haka” là đối tượng thờ cúng, đặc quyền thừa kế mộ của người gia trưởng “IE”.

Từ sau thời kỳ Minh Trị, trong các nghĩa trang công lập, và đặc biệt vào thời kỳ Showa (1926-1989) “IE haka” đã được xây dựng với số lượng nhiều 3 . Ngay từ nửa sau thời kỳ Taisho (1912-1926), nội dung khắc trên bia mộ “IE haka” đã được thống nhất và ngày càng phổ biến 15 .

Về đặc điểm của “IE haka”, ngoài những tính chất riêng như tính chất Phật giáo,... “IE haka” gắn liền với “IE” và có những đặc điểm chính như tính cố định, tính vĩnh cửu, tính kế thừa, phụ hệ 16 . Trong đó, tính kế thừa và thờ cúng tổ tiên của “IE” đặc biệt được nhấn mạnh.

Thông qua “IE haka”, thực hiện thờ cúng tổ tiên chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của con cháu. Mộ vô chủ, không có gia đình huyết thống chăm sóc và kế thừa (trong tiếng Nhật gọi là “”muen”) là không thể chấp nhận 17 . Trong suy nghĩ truyền thống về quan niệm vòng đời, sau khi mới mất, linh hồn chỉ là linh hồn của người mất; sau đó, dựa vào sự thờ cúng của con cháu mới có thể chuyển đổi thành linh hồn tổ tiên 18 .

Thêm vào đó, về tính chất phụ hệ, như đã nêu, có ý kiến cho rằng “IE” có đặc điểm phụ hệ không chặt chẽ; tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu mộ nổi tiếng Makimura H., Inoue H., Kotani M,… với cách thức phổ biến người vợ sau khi mất tất yếu sẽ vào mộ của gia đình chồng, tính phụ hệ của “IE haka” được nhận thức một cách rõ nét.

Theo đó, từ thời kỳ Minh Trị, dựa trên nền tảng “IE”, “IE haka” đã ra đời và được công nhận chính thức về mặt pháp luật. Trên thực tế, “IE haka” chính là hình thức mộ phổ biến và duy trì đến tận ngày nay. Trong phần sau, tác giả đi vào tìm hiểu về tình trạng “IE haka” và nền tảng gia đình “IE” trong bối cảnh nhiều thay đổi từ sau chiến tranh đến nay tại Nhật Bản.

Sự duy trì và thay đổi của “IE haka” từ sau chiến tranh tại Nhật Bản

Bối cảnh từ sau chiến tranh tác động đến “IE” , “IE haka”

Kể từ sau chiến tranh, bên cạnh các yếu tố ảnh hưởng lớn đến mộ như hiện trạng thiếu mộ trầm trọng vì số lượng người già tăng cao, ảnh hưởng của trào lưu mộ mới,v.v... thì những thay đổi liên quan đến “IE” - nền tảng căn bản của “IE haka” chính là yếu tố tác động chính yếu.

Sau chiến tranh, chế độ gia đình “IE” trở thành đối tượng bị phê phán mang tính phong kiến, phân biệt trọng nam khinh nữ. Việc chỉnh sửa Luật dân sự đã đem lại những thay đổi lớn trong chế độ gia đình Nhật Bản. Trong quá trình cải cách dân chủ, tính pháp lý của “IE” bị hủy bỏ, tính chất “quan điểm quốc gia” phai nhạt, và gia đình dần chuyển đổi sang hình thức gia đình “dân chủ” trong đó vợ chồng đóng vai trò trung tâm.

Một cách cụ thể, bối cảnh xã hội nông nghiệp chuyển đổi thành xã hội công nghiệp tại Nhật Bản đã phản ánh một phần lý thuyết về xã hội và gia đình nổi tiếng của William J.Goode. Nhật Bản từ những năm 1950, trong thời kỳ kinh tế phát triển cao độ, đã có sự di chuyển địa lý lớn vì yêu cầu của công việc, cuộc sống làm công ăn lương,... và chính điều này dẫn đến sự gia tăng của gia đình hạt nhân 19 , 2 . Trên thực tế, từ những năm 1960, chế độ gia đình vợ chồng đóng vai trò trọng tâm đã được du nhập, quy mô gia đình nhỏ lại và gia đình hạt nhân ngày càng gia tăng 7 .

Những năm 70, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra “gia đình truyền thống đang đối mặt nhiều nguy cơ” và trong giai đoạn chuyển đổi lần thứ 1 này hình thức gia đình trực hệ truyền thống chuyển đổi sang gia đình hạt nhân là chủ đề nổi bật 20 . Sau đó, vào những năm 1980 khi các hiện tượng tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số,… trở thành vấn đề của xã hội, ở mặt truyền thông đã phổ biến cụm từ “gia đình truyền thống tan vỡ”, và sự thay đổi của gia đình thể hiện qua các xu hướng kết hôn muộn, tỷ kệ ly hôn cao, độc thân,… Đây chính là sự chuyển đổi lần 2 của gia đình từ hình thức tập thể nhỏ dựa trên khuynh hướng cá nhân hóa chuyển sang hình thức cá nhân 5 , 19 . Một cách cụ thể, gia đình hạt nhân với tỷ lệ 62% (1955) đã tăng đến 74,1% vào năm 1975 2 . Thậm chí nhà nghiên cứu gia đình nổi tiếng Ochiai Emiko, vào những năm 80 đã chỉ trích “IE” là tàn tích phi dân chủ, gia đình phải là nơi bình đẳng, đem lại cảm giác cân bằng cho mỗi người [ 20 ; tr.115- tr.116]. Và cùng với sự thay đổi cấu trúc của xã hội, làng quê - môi trường nền tảng của IE đã dần biến mất, kéo theo sự tan rã của tổ chức thân tộc của “IE” 20 .

Hiện nay, các vấn đề như số lượng trẻ em suy giảm, khuynh hướng cá nhân hóa và độc thân, dân số già, thay đổi quan niệm giới,... ngày càng nổi bật và ảnh hưởng lớn đến “IE”. Ví dụ ở một thống kê, số lượng nam giới chưa một lần kết hôn vào lúc 50 tuổi chỉ là 1,7% vào năm 1970, nhưng đã tăng lên 5,6% năm 1990, và lên đến 23,4% năm 2015 21 .

Qua đó, có thể thấy quan niệm “IE” - nền tảng của “IE haka” ngày càng trở nên mờ nhạt và thậm chí được dự đoán sẽ dẫn đến tan rã. Bối cảnh nhiều thay đổi như vậy đã tác động rất lớn đến mộ gia đình “IE haka”. Từ sau chiến tranh, cùng với chủ đề “IE”, mộ “IE haka” luôn là vấn đề nổi bật.

Sự duy trì phổ biến của “IE haka” cho đến ngày nay

Trong bối cảnh có nhiều thay đổi từ sau chiến tranh như tác giả đã phân tích trên đây, cũng như “IE” ,“IE haka” đã có sư thay đổi lớn là bi loại bỏ tính pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, “IE haka” vẫn được duy trì và phổ biến sâu rộng cho đến ngày nay.

Liên quan đến việc thừa kế mộ, luật dân sư hiện hành tại điều 897 quy định “Quyền sở hữu của dụng cụ thờ cúng, gia phả, mộ phần thuộc về người chủ hộ thực hiện thờ cúng tổ tiên, theo phong tục tập quán” .

Khi so sánh với điều 987 của Luật dân sự Minh Trị với nội dung “quyền sở hữu dụng cụ thờ cúng, gia phả, mộ phần thuộc về đặc quyền của người trưởng gia đình”, nội dung luật hiện hành được đánh giá phần lớn thừa kế nguyên nội dung của Luật dân sự Minh Trị 3 . Qua đó, có thể thấy ở mặt pháp luật, “IE” và mộ “IE haka” vẫn được duy trì ở một ý nghĩa nhất định.

Theo đó, như ý kiến của một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, mặc dù chế độ gia đình “IE” đã bị xóa bỏ ở mặt pháp luật, nhưng chỉ dừng lại ở hình thức, trên thực tế “IE” vẫn tồn tại và hỗ trợ cho sự duy trì của mộ gia đình “IE haka” cho đến ngày nay. Trong đó, điển hình như tính kế thừa, tính chất phụ hệ gắn liền với “IE” vẫn thể hiện rõ qua cách duy trì của mộ “IE haka”.

Ví dụ, nhà nghiên cứu Morioka K. đã nhấn mạnh vào những năm 1980, bàn thờ Phật tại nhà đã xuất hiện việc thờ cúng tổ tiên song hệ; tuy nhiên về mộ, trừ trường hợp quá đặc thù, hầu như không có trường hợp chồng, gia đình chồng cùng an táng với gia đình, họ hàng bên vợ 2 .

Liên quan đến tình kế thừa, hiện tượng mộ vô chủ “muen” đã xuất hiện như vấn đề xã hội từ cuối thời kỳ Minh Trị đến thời kỳ Taisho, nhưng trong thời kỳ này “IE haka” được xây dựng nhiều, vì vậy dù trong cấu trúc gia đình đã xuất hiện sự thay đổi, nhưng khái niệm “IE” - gia đình trực hệ truyền thống mang tính gia trưởng vẫn được nhận thức sâu đậm 17 . Thêm vào đó, trước đây cho dù di cư ra thành phố nhưng người ra thành phố không cắt đứt với quê hương vẫn quay về thăm mộ, hoặc mộ được người thân và làng xã chăm sóc; vì vậy trong thời gian dài cho đến ngày nay “muen” không được nhận thức là vấn đề xã hội 17 .

Trong nghiên cứu của tác giả đã phản ánh một phần hiện trạng này, hầu hết mọi người trả lời phỏng vấn sống ở Osaka và Tokyo vẫn về quê thăm mộ trong những dịp lễ obon, higan, tết. Như trong trường hợp của gia đình A (vợ chồng và hai con gái sống ở Osaka) người mẹ tâm sự: “ Cứ đến tháng 8, thì cả nhà lại lái xe về quê thăm mộ. Thành thói quen lâu đời rồi. Ai không thực hiện sẽ bị hỏi han. Nhất là nhà có con cái mà có dịp được trở về quê là rất vui ”. Hoặc một người mẹ B khác đã dẫn tác giả đến thăm mộ chồng mới mất cho biết: “ Lúc trước hai vợ chồng thay nhau lái xe về quê thăm mộ (nhà chồng) ở Oita. Lúc ở cùng, gia đình con trai cùng đi thì rất vui. Lễ Obon là dịp rất đặt biệt, mộ giống như quê nhà vậy ”.

Trên thực tế, cho đến ngày nay, khái niệm “muen” vẫn in sâu trong suy nghĩ người Nhật với 2 tầng nghĩa tiêu cực chỉ “linh hồn không có nhà để trở về” (ví dụ người mất do tai nạn, thiên tai,…) , “linh hồn không có con cháu cúng viếng”. Trong điều tra thực tế của tác giả, hầu như các nghĩa trang lâu đời, ngay khi bán hình thức mộ mới vẫn thực hiện theo cách thức truyền thống là chỉ bán mộ khi đáp ứng điều kiện có con cháu thừa kế, chăm sóc.

Theo đó, như trong nghiên cứu trước của tác giả đã chỉ ra, ý thức và sự gắn bó với hình thức mộ “IE haka” là mộ truyền thống vẫn thể hiện rất rõ nét cho đến ngày nay 16 . Và điều này cũng được phản ánh qua nhiều kết quả nghiên cứu khác nhau.

Ví dụ theo kết quả kết quả khảo sát thường niên (lần 10) (1/ 1/2018 - 31/12/2018, 624 người) “Thực trạng người sử dụng mộ toàn quốc” của một công ty lớn về mộ là “Mộ tốt” với đối tượng điều tra là người đến tư vấn và mua mộ tại công ty cho thấy, trong nhiều loại mộ phong phú hiện nay, trên thực tế, khách hàng tìm hiểu mua nhiều nhất vẫn là mộ thông thường (“IE haka”) (41%) và nguyện vọng cùng yên nghỉ với gia đình vẫn là nguyện vọng đông nhất ( Figure 1 , Figure 2 )

Figure 1 . Hình thức mộ khách hàng đã tìm hiểu chọn mua

Figure 2 . Các loại mộ được chọn mua thực tế 22

Figure 2 
<a class=22" width="300" height="200">

[Download figure]

Qua đó, hai hình trên đã cho thấy mặc dù trong bối cảnh nhiều thay đổi với nhiều hình thức mộ phong phú hiện nay, nhưng tỷ lệ chọn mộ truyền thống “IE haka” vẫn luôn chiếm vị trí thứ nhất trong suy nghĩ và trên thực tế.

Liên quan đến điều này, ví dụ về hình thức mộ mới chôn cất tập thể với người ngoài gia đình, kết quả điều tra xã hội tổng hợp (Japanese General Social Surveys: JGSS) tìm hiểu về ý thức và hành vi của con người (10/2000 - 2/2010, phỏng vấn và bảng câu hỏi trên toàn quốc, đối tượng là nam nữ 20-89 tuổi), cho thấy nguyện vọng chọn loại mộ này chỉ tăng nhẹ từ 1,8% đến 2,5% 23 .

Tương tự, trong điều tra về thay đổi của nội dung khắc trên bia mộ, Naito R. đã chỉ ra dù nhà nghiên cứu như Inoue H. đã xem “cái tôi cá nhân” là đặc điểm chính của sự thay đổi, nhưng qua điều tra cho thấy bia mộ khắc câu văn tùy ý thể hiện “cái tôi cá nhân” chỉ hầu như giới hạn trong trường hợp người mất sớm, và trường hợp bia mộ dù khắc câu văn tùy ý nhưng đồng thời đều khắc họ “IE” hoặc gia hiệu của dòng nam chiếm hơn 90%. Do đó, khó có thể tạo khuynh hướng mới là “thoát ly “IE” 24 .

Qua đó, có thể thấy tinh thần “IE” thể hiện qua sự gắn bó với “IE haka” vẫn thể hiện rõ nét. Tinh thần thờ cúng tổ tiên-biểu tượng của sự trường tồn của “IE” vẫn tiếp tục được ý thức và thực hiện sâu rộng cho đến nay.

Thực tế, đặc điểm và ấn tượng của “IE” và “IE haka” bị ảnh hưởng mạnh bởi khái niệm “IE” trong suốt thời kỳ Minh Trị. Không ít nhà nghiên cứu khi đề cập đến những bất cập của “IE haka” hiện nay đã chỉ ra nền tảng của mộ “IE” chỉ là hình thức gia đình xuất hiện thời cận đại 1 và phủ nhận tính truyền thống gắn bó của “IE” trong văn hóa xã hội Nhật Bản 3 , 25 .

Tuy nhiên, như trong phân tích về nguồn gốc của chế độ gia đình “IE”, những đặc điểm chính của “IE” như quan niệm huyết thống, tinh thần thờ cúng tổ tiên đều có nguồn gốc xa xưa trong văn hóa truyền thống Nhật Bản. Thêm vào đó, dù trong bối cảnh nhiều biến đổi tác động đến “IE” và “IE haka” từ sau chiến tranh, và ngay cả trong tính chất của “IE” điển hình như trong thời kỳ Edo, đã chỉ ra tính tự do tương đối của mỗi cá nhân gia đình Nhật Bản 26 , nhưng cùng với việc duy trì đăng ký họ gia đình theo dòng nam - một trong sự thể hiện của khái niệm “IE”, thì sự duy trì bền vững của “IE haka” cho đến ngày nay đã cho thấy sự gắn bó với “IE”, và sự nhận thức sâu đậm này tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều mặt như mô hình gia đình hiện đại, tinh thần tôn giáo, sự liên kết thế hệ gia đình. Chính điều này đã đem lại sự khác biệt cho gia đình Nhật Bản. Đúng như nhà nghiên cứu Morioka K. đã nhận xét “hình thức gia đình vợ chồng đóng vai trò trung tâm của Nhật Bản vì cõng trên mình truyền thống “IE” nên có tính chất khác với gia đình vợ chồng của Âu Mỹ” 2 .

Tuy nhiên đồng thời, trong bối cảnh chịu tác động của nhiều yếu tố thay đổi như đã phân tích, hiện nay mộ “IE haka” đã có những thay đổi về hình thức và tính chất ngày càng rõ nét.

Khảo sát sự thay đổi của “IE” thông qua thay đổi của “IE haka” và khuynh hướng tương lai

Các vấn đề về kế thừa mộ và thờ cúng đã xuất hiện từ những năm 1980 6 , và từ những năm 1990, với sự ra đời của các hình thức mộ mới, đã xuất hiện những thay đổi đáng chú ý trong hệ thống mộ.

Trong nghiên cứu trước, tác giả đã làm rõ các vấn đề của “IE haka” hiện nay. Trong đó, mộ vô chủ “muen” là vấn đề nổi bật 16 . Hiện nay, đây là vấn đề nghiêm trọng bật nhất của mộ Nhật Bản. Ví dụ, tại thành phố Hitoyoshi tỉnh Kumamoto, theo thống kê năm 2013 có hơn 40% nghĩa trang gặp vấn đề mộ vô chủ. Tại thành phố Takamatsu vào thời điểm tháng 11/2016, 60% nghĩa trang có vấn đề mộ vô chủ, trong đó có 7 nơi có tỷ lệ mộ vô chủ chiếm hơn 30% [ 21 ;tr.10]. Trên thực tế, năm 1992, “Luật pháp liên quan đến mộ, mai táng...” đã được cải thiện nội dung để có thể giải quyết mộ vô chủ thông qua cải táng, tu sửa mộ một cách dễ dàng hơn.

Trong các thay đổi, đầu tiên phải kể đến sự đa dạng hóa của nội dung khắc trên bia mộ. Các nội dung thường thấy “cảm ơn”, “lại đến nhé”, “tình yêu”,... thể hiện tình cảm của người mất và gia đình hầu như không liên quan đến tính chất “IE”. Về cấu trúc, không gian diện tích của mộ trở nên nhỏ gọn hơn, hàng rào phân chia giữa các mộ cũng được lược bớt, phong cách mộ phương tây ngày càng trở nên phổ biến. Nhìn từ góc độ này, có thể thấy so với thiết kế truyền thống, ý thức “IE” bị xóa nhòa, thiết kế mới phong phú và được đánh giá là đem lại cảm giác thân thiện hơn ( Figure 3 , Figure 4 ).

Figure 3 . Bia mộ khắc chữ “Giấc mơ”

Figure 4 . Hình thức mộ mới

Ngoài ra, không ít nghĩa trang đã thực hiện chế độ mua mộ trước khi mất theo nguyện vọng của người không có con cháu hoặc không muốn phiền con cháu sau khi mất. Đây là sự thay đổi lớn trong tinh thần thờ cúng tổ tiên vốn được con cháu đảm trách trong “IE” truyền thống.

Ở góc độ khác, hiện tượng này được cho là thể hiện “quyền tự quyết sau khi mất” 3 .

Thêm vào đó, sự thay đổi về tính phụ hệ cũng là nét nổi bật, ví dụ thể hiện qua sự xuất hiện “mộ hai gia đình” (Ryokebaka) khắc cả họ của gia đình chồng và vợ ( Figure 5 ).

Figure 5 . Mộ hai gia đình

Qua đó cho thấy sự thay đổi trong quan niệm huyết thống “IE”, đó chính là sự phai nhạt của tinh thần phụ hệ và sự xuất hiện của ý thức song hệ. Sự thay đổi về quan niệm huyết thống này càng thể hiện rõ nét hơn ở hình thức mộ vợ chồng, mộ cá nhân.

Để chỉ hiện tượng này, các nhà nghiên cứu mộ nhấn mạnh đó chính là “sự sụp đổ của thần thoại vợ vào mộ gia đình “IE haka” của chồng” đã tồn tại bao lâu nay 3 .

Trong nghĩa trang “Fureai park”, Tokyo, khi phỏng vấn người quản lý cho biết loại mộ mới được ưa chuộng nhất hiện nay là mộ vợ chồng “Fufubo” (hình thức mộ chỉ chôn cất tro cốt của vợ chồng). Quy định của mộ này ghi rõ dành cho người không có con thừa kế mộ vì con gái đi lấy chồng, không bị ràng buộc bởi “IE” và xem trọng mối quan hệ vợ chồng. Khu mộ tượng trưng bằng chữ “Kizuna” (sự kết nối), và trên bia mộ có thể khắc họ tên hai vợ chồng. Ngoài ra có “mộ gia đình” dành cho người không có “IE haka”, sau khi mất muốn vào chung với cha mẹ ruột với chữ tượng trưng là “Nukumori” (sự ấm áp) ( Figure 6 , Figure 7 ).

Figure 6 . Khu mộ vợ chồng

Figure 7 . Khu mộ gia đình

Trong các trường hợp tác giả phỏng vấn, mặc dù có quê ở Tokyo hay ở nơi khác, nhưng hầu hết mọi người tuy vẫn có lo lắng về “IE haka”, thủ tục cải táng mộ, nhưng phần lớn hài lòng với các hình thức mộ mới này.

Ví dụ trường hợp hai vợ chồng E (khoảng 70 tuổi) từ Hiroshima ra Tokyo sinh sống. Mộ gia đình ông E ở Hiroshima do một người họ hàng trông nom, hai vợ chồng ông đang tìm kiếm mua mộ mới ở Tokyo. Ông tâm sự “ Vợ chồng con cũng sống ở đây nhưng bận lắm. Hai vợ chồng cùng sống rồi sau khi mất vào cùng chỗ là vô cùng hợp lý. Thời buổi này không thể cứ theo tục cũ được ”.

Theo đó, kết quả điều tra thực tế của tác giả đã phản ánh một phần khuynh hướng chọn lựa mộ mới hiện nay. Xu hướng này cũng được phản ánh trong một số điều tra khác. Ví dụ, trong “Điều tra ý thức về mộ” (2000 người, 20~ 89 tuổi, 2011), đối với câu hỏi “Bạn muốn vào mộ với ai?”, so với nguyện vọng “IE haka” (38,9%), tỷ lệ chọn mộ vợ chồng là 9,9% và mộ gia đình lên đến 31,1% ( Figure 8 ) 21 .

Figure 8 . Hình thức mộ nguyện vọng 21

Figure 8 
<a class=21" width="300" height="200">

[Download figure]

Qua đó đã thể hiện ý nghĩa của gia đình hiện tại được nhấn mạnh hơn, đây là điểm khác lớn với tinh thần “IE” vốn trọng huyết thống nối dõi trong mối quan hệ với tổ tiên. Điểm thay đổi này cũng thể hiện rõ nét trong khuynh hướng quy mô mộ ngày càng nhỏ “mộ hạt nhân hóa” và từ khóa “thể hiện cái tôi” 3 gắn liền với hình thức mộ cá nhân. Đồng thời ngược lại, hình thức mộ tập thể vượt phạm vi gia đình với tên gọi “Kyodobo” hoặc “Shugobo” đang ngày càng phổ biến cũng phản ánh sự thay đổi căn bản của tình chất phụ hệ, kế thừa qua các thế hệ của tinh thần IE truyền thống gắn liền với “IE haka”.

Ngoài ra, trong bối cảnh chung như sự gia tăng dân số già, quan điểm xem trọng tự nhiên,… trên thế giới, ở Nhật cũng đã xuất hiện phương thức mới như “mộc thụ táng”, rải tro cốt... Các mộ này đều mang tính chất rất mới so với “IE haka” như nhấn mạnh tính cá nhân, không cần xây mộ, hòa hợp thiên nhiên.

Trong bối cảnh mộ phong phú đó, có thể thấy sự thay đổi trong lựa chọn mộ ví dụ thông qua kết quả điều tra “Thực trạng người sử dụng mộ toàn quốc” của công ty “Mộ tốt” đã nêu trên (1/2019~12/2019, 828 người), có kết quả so với năm 2018 với tỷ lệ mua “IE haka” là 41,2% và “mộc thụ táng” là 30%, vào năm 2019 tỷ lệ chọn mua mộ mới là “mộc thụ táng” (41,5%) lần đầu tiên đã vượt qua tỷ lệ chọn “IE haka” thông thường (27,4%) ( Figure 9 ).

Figure 9 . Hình thức mộ đã mua thực tế 27

Figure 9 
<a class=27" width="300" height="200">

[Download figure]

Và xem xét từ đặc điểm của mộ mới, có thể thấy thay đổi nổi bật của “IE haka” chính là khuynh hướng “vô hình hóa”, “không tên họ”, “lưu động hóa”,... Trong đó, đặc biệt tính chất trọng yếu của “IE haka” là tính kế thừa đã thay đổi rõ nét. Trong phỏng vấn, những lý do chọn mộ mới thường thấy nhất chính là “ không muốn làm phiền con cháu bận rộn ”, “ không chăm mộ lâu dài vì không có con ”, ... Và thay vì hạn chế ở phạm vi gia đình, chế độ thờ cúng vĩnh viễn (eidaikuyobaka) mở rộng ra phạm vị xã hội dựa vào các dịch vụ xã hội đã trở nên ngày càng phổ biến. Người quản lý ở hầu hết khu mộ mới đều khẳng định việc không ràng buộc đòi hỏi người kế thừa chính là yếu tố quan trọng để thu hút khách hiện nay.

Qua thay đổi của “IE haka” như đã phân tích đã phản ánh xu hướng không bao giờ có thể tưởng tượng trước đây đó chính là “thoát ly “IE” 3 . Hiện nay, lối sống ngày càng đa dạng, đặc biệt vị thế phụ nữ, quan điểm giới thay đổi, ảnh hưởng của khuynh hướng mộ trên thế giới, v.v... “IE haka” đã không chỉ phản ánh tinh thần giới hạn trong “IE” truyền thống, và trong đó, đặc biệt tinh thần thờ cúng tổ tiên - trục chính của “IE” được dự đoán ngày càng mờ nhạt, thậm chí tan rã. Đây chính là một trong các cơ sở quan trọng dẫn đến sự thay đổi từ cấu trúc dựa trên đơn vị nhỏ nhất là gia đình truyền thống sang đơn vị cá nhân của xã hội Nhật Bản.

KẾT LUẬN

Chế độ gia đình “IE” đã ra đời và chính thức được công nhận về mặt pháp luật trong thời kỳ Minh Trị. “IE” có đặc điểm như tính kế thừa, kết nối giữa các thế hệ, tính chất phụ hệ,... Trong bối cảnh từ sau chiến tranh, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra “IE” dần phai nhạt và thậm chí tan rã 28 . Tuy nhiên, nếu so với trước đây, dựa trên “IE” đã tạo nền tảng thống nhất, đoàn kết sức mạnh dân tộc, cần thiết trong công cuộc bảo vệ đất nước trước sự bành trướng của phương Tây lúc bấy giờ; sau chiến tranh, khía cạnh “quan niệm quốc gia gia đình” bị loại bỏ, nhưng trong phạm vi gia đình, mặc dù “IE” không còn tính pháp lý, nhưng dựa trên kế thừa, kết hợp đặc điểm gia đình truyền thống của Nhật Bản như nhấn mạnh sự kết nối thế hệ, thờ cúng tổ tiên,… vẫn được nhận thức và phổ biếu sâu rộng cho đến nay. Điều này thể hiển rõ qua sự duy trì bền vững của “IE haka” như đã phân tích trên đây.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều thay đổi, những khuynh hướng thay đổi lớn từ mặt nội dung cho đến hình thức của “IE haka” bao gồm xu hướng “vô hình hóa”, “không kế thừa”,… , đã phản ánh những thay đổi sâu sắc của “IE”. Trong đó, đặc biệt thờ cúng tổ tiên gắn liền ý nghĩa trường tồn của “IE”, quan niệm cứu rỗi đem lại an tâm, hạnh phúc cho người mất - trục chính của “IE” đã thật sự lung lay từ gốc rễ.

Cùng với tính mới của “IE haka” bao gồm thay đổi bề ngoài của “IE” thì chính sự thay đổi như “không cần kế thừa”, “độc lập khi mất”,... đã phản ánh sự thay đổi về tinh thần, mối quan hệ thành viên mà nhà nghiên cứu Morioka K. cho rằng là tầng sâu khó thay đổi của gia đình 2 . Với sự thay đổi toàn diện như vậy, “IE” thật sự đang dần phai nhạt và có thể dự đoán sẽ tan rã.

Đây vẫn là vấn đề tranh cãi tại Nhật cho đến nay. Ví dụ, qua điều tra của mình, Naito R. khẳng định phần lớn bia mộ mới chỉ là biến thể của hình thức truyền thống. Nội dung tự do khắc trên bia mộ không phải vì lý do đặc biệt nào như liên quan đến “thoát ly “IE”, “mộ cá nhân hóa” mà chỉ đơn thuần là đặc điểm của sản phẩm mộ mới (nội dung ngắn gọn, hiện đại phù hợp mộ hiện đại, nhỏ gọn) để kinh doanh trong văn hóa tiêu dùng hiện nay. Theo đó, Naito nhận định mộ mới này chỉ tạm thời, không thể duy trì lâu dài. Mộ thể hiện “cái tôi” này chỉ mang tính trào lưu như các trào lưu tang lễ hoành tráng trong thời Taisho [ 24 ; tr.38]. Qua đó cũng có thể thấy sự bám rễ sâu đậm của “IE” truyền thống trong suy nghĩ người Nhật. Dựa trên đó, ta có thể thấy mặc dù đã trải qua con đường chung phát triển công nghiệp hiện đại hóa mạnh mẽ, nhưng gia đình Nhật Bản vẫn duy trì đặc trưng riêng, cũng như sự hình thành chủ nghĩa cá nhân chậm hơn so với xã hội phương tây.

Tuy nhiên, như các thay đổi của “IE haka” đã làm rõ trên đây, tác giả nhận định rằng sự thay đổi và thậm chí tan rã của “IE” là điều khó tránh khỏi. Điều này đem lại những thay đổi cơ bản về quan điểm gia đình, tôn giáo, và cấu trúc xã hội của Nhật Bản. Thêm vào đó, thông qua sự tiếp nhận các yếu tố thời đại như ‘hòa hợp với tự nhiên thể hiện trong “mộc thụ táng”, …, có thể thấy quan điểm về mộ, sự sống và cái chết không còn bó hẹp trong phạm vi gia đình, đất nước mà đã mở rộng ra phạm vi chung của toàn thể nhân loại.

Liên quan đến điều này, nhà nghiên cứu về gia đình nổi tiếng Mori K. đã nhận xét về khuynh hướng phổ biến là liên kết sự thay đổi của mộ trong mối liên hệ với gia đình như sau: chế độ kế thừa theo tinh thần “IE” đã không thể duy trì, và phát sinh kẽ hở cho “nền công nghiệp” thay thế chức năng này gia đình xuất hiện. Theo đó, cần xây dựng hệ thống thờ cúng người mất hoàn toàn tách khỏi gia đình. Do vậy, góc nhìn gia đình từ mộ sẽ trở nên không hiệu quả, con người không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà nên nằm xuống và được tưởng nhớ trong cộng đồng xã hội rộng mở [ 29 ; tr.53].

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài báo không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Nôi dung bài viết là một phần kết quả của nghiên cứu trong thời gian hoc cao học tại ĐH Okayama, Nhật Bản.Tác giả đã thu thâp dữ liệu thông qua nghiên cứu tài liệu và nghiên cứu thực tế tại các nghĩa trang ở Osaka, Tokyo, Nhật Bản. Tác giả dịch tài liệu, liên hệ gửi và chỉnh sửa bài viết.

References

  1. Morimoto K. Rethinking IE (A Japanese traditional family): Focusing on Relationship berween wife and her parents' home. Journal of intimate and public spheres; 2011(1)1 : 4-16. . ;:. Google Scholar
  2. Morioka K. Lý thuyết về sự thay đổi của gia đình hiện đại. Mineruva Shobo; 1996. . ;:. Google Scholar
  3. Inoue H. Lý thuyết gia đình nhìn từ mộ. Heibonsha; 2000. . ;:. Google Scholar
  4. Makimura H. Thay đổi ý thức về mai táng và mộ - Từ điều tra ý thức toàn quốc. Kỷ yếu nghiên cứu Hội nghiên cứu tôn giáo-văn hóa trường đại học Kyoto joshi; 2006 (19): 129-147. . ;:. Google Scholar
  5. Tsubouchi T. Thay đổi của mai táng và mộ trong Nhật Bản hiện đại. Kỷ yếu nghiên cứu xã hội học; 2011(72):139-142. . ;:. Google Scholar
  6. Makimura H. Sự thay đổi của chế độ mai táng những năm gần nay tại khu vực Đông Á: thông qua ví dụ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Nghiên cứu xã hội hiện đại; 2012 (15): 23-35. . ;:. Google Scholar
  7. Noguchi N. Đặc điểm quan cảnh và địa điểm nghĩa trang tư lập nhìn từ thay đổi của gia đình thông qua miền nam tỉnh Saitama. Annals of Ochamizu geographical society; 2017 (56):29-38. . ;:. Google Scholar
  8. Kotani M. Vấn đề hiện đại của mộ Nhật Bản. Life design report spring; 2016:1-10. . ;:. Google Scholar
  9. Chau N.T.H.. Thay đổi và duy trì của tập tục mai táng của Nhật Bản hiện đại. Kỷ yếu khoa nghiên cứu khoa học văn hóa xã hội ĐH Okayama. Khoa nghiên cứu văn hóa xã hội; 2011(31):103-119. . ;:. Google Scholar
  10. Shen L. Patriarchal family institution of Japan - In the center of the family relationship in farm. Hội Nghiên cứu chính sách địa phương Đại học kinh tế Takasaki; 2006 (8), 4: 99-104. . ;:. Google Scholar
  11. Chie N. Japanese society. London, Weidenfeld and Nicholson; 1973. . ;:. Google Scholar
  12. Niệm L.Đ., T.Đ.Nguyên Từ điển Nhật-Việt. NXB Cà Mau; 1993. . ;:. Google Scholar
  13. Phê H.. Từ điển tiếng Việt. NXB Hồng Đức; 2019. . ;:. Google Scholar
  14. Sakane Y. "IE" của Nhật Bản và thiên nhiên -Từ quan điểm của Châu Á-. Tạp chí nghiên cứu lịch sử gia đình so sánh (28); 2014,7-20. . ;:. Google Scholar
  15. Nakamura T. Marriage relations in the process of modernization: patriarchy and civil code. The Hokkaigakuen law journal ;2009 (45)1:1-27. . ;:. Google Scholar
  16. Châu N.T.H.. Tìm hiểu về mộ "IE haka" NB. Tạp chí phát triển Khoa học và Công nghệ. Đại học Quốc gia tp. HCM; 2020 (4)1: 293-304. . ;:. Google Scholar
  17. Mori K. Mộ và mai táng hiện nay từ thờ cúng tổ tiên đến tự do mai táng. Tokyodo; 2000. . ;:. Google Scholar
  18. Morioka K & Takashi M. Xã hội học gia đình mới. Baifukan; 1997. . ;:. Google Scholar
  19. Komoto M. Thờ cúng tổ tiên ở Nhật Bản hiện đại. Ochanomizushobo; 2001. . ;:. Google Scholar
  20. Muta K. Ý nghĩa trong xã hội học gia đình về chế độ gia đình và sự biến đổi của nó. Sự nhìn lại và triển vọng của xã hội học gia đình tập đặc biệt từ sau những năm 1970;1998 (10) :111-138. . ;:. Google Scholar
  21. Kotani M. Văn hóa đa dạng & thay đổi của xã hội nhìn từ mộ. Life design report; 2018:9-12. . ;:. Google Scholar
  22. HP của công ty "Mộ tốt", Nhât Bản, Điều tra thực trạng người tiêu dùng mua mộ toàn quốc (lần 10). Truy cập 6/2020. . ;:. Google Scholar
  23. Noriko I. The current picture and overall trends of the Japanese family Based on Japanese general social survey Cumulative Data 2000-2010. Nghiên cứu xã hội học gia đình; 2011 23(1):30-42. . ;:. Google Scholar
  24. Naito R. Sự thay đổi hình dạng bia mộ ở Nhật Bản hiện đại. Báo cáo Hội nghiên cứu văn hóa tôn giáo Nanzan; 2010:23-42. . ;:. Google Scholar
  25. Makimura H. Mộ và gia đình. Tokishobo; 1996. . ;:. Google Scholar
  26. Oshi M. Chương 3: Cận thế. Luận điểm trong lịch sử Nhật Bản. Chokoshinsho; 2018:89-132. . ;:. Google Scholar
  27. HP của công ty "Mộ tốt", Nhât Bản, Điều tra thực trạng người tiêu dùng mua mộ toàn quốc (lần 11). Truy cập 6/2020. . ;:. Google Scholar
  28. Arichi T. Quan niệm gia đình của Nhật Bản cận đại. Kobundo; 1977. . ;:. Google Scholar
  29. Mori K. Bình luận Sự thay đổi gia đình và mộ của Inoue Haruyo 2002. Nghiên cứu xã hội học gia đình; 2005 (17)1:52-53. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 2 (2021)
Page No.: 1044-1055
Published: Jun 23, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i2.674

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Chau, N. T. H. (2021). Study about the change of “IE” traditional Japanese family through the research on the change of Japanese family grave “IE haka”. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(2), 1044-1055. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i2.674

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 744 times
Download   = 755 times
View Article   = 0 times
Total   = 755 times