Abstract
There is a considerable number of traditional Vietnamese houses that have been built in Dong Nai province, a region located in the southeastern part of Vietnam. Vietnamese history and culture can be well represented through the decorative arts and architecture of these traditional Vietnamese houses in Dong Nai, with the owners of the works immigrating to the southern land from central Vietnam since the 17th century. It is therefore possible to trace back the lifestyle and customs of the owners of these houses. In addition, those houses were not only a place to live, they also have the function of worshiping ancestors, being both a production and trading facilities at the same time. Those constructions may thus preserve the traditions and culture of the nation. The traditional Vietnamese houses in Dong Nai with all its outstanding features will be discussed within the scope of this paper. They will next be compared with the similar surviving works in the Central of Vietnam in order to pick up the cultural and artistic values of these traditional houses in Dong Nai province. The article will also compare the ancient houses in Dong Nai with other types of houses named ‘Timber framed’ and 'Beam construction’ in Quang Nam province, including some typical houses in the ancient City of Hue. In conclusion, it is necessary to preserve and protect the ancient houses in Dong Nai; thereby, planning to promote the value of those architectures in the future.
MỞ ĐẦU
Nhà ở cổ truyền của người Việt tại Đồng Nai là một loại hình di tích dân dụng có giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật và đặc trưng của một thời kỳ lịch sử. Loại hình di tích này ghi đậm dấu ấn văn hóa của lớp cư dân vùng “Ngũ Quảng” trong quá trình Nam tiến của người Việt từ sau thế kỷ XVII. Nghiên cứu, đánh giá về đặc trưng loại hình di tích nhà cổ ở Đồng Nai là để xác định niên đại, giá trị lịch sử – văn hóa, mối quan hệ văn hóa của loại hình di tích này đối với các di tích cùng loại ở miền Trung. Kết quả nghiên cứu sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quan hơn về nhà ở cổ truyền; Đồng thời góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của nhà ở cổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay.
Trong số 401 ngôi nhà cổ truyền trên toàn tỉnh Đồng Nai được thống kê vào các năm 1998 và năm 2000 [ 1 , tr.1], đến nay phần lớn các nhà cổ đã bị tháo dỡ và xây mới. Những ngôi nhà hiện còn đang được bảo tồn khá vững chắc, chúng được sử dụng để ở hoặc được gia chủ gìn giữ làm nhà thờ họ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát 27 ngôi nhà tiêu biểu ở Đồng Nai; trong đó có 9 nhà ở thành phố Biên Hòa, 1 nhà ở huyện Long Thành, 12 nhà ở huyện Nhơn Trạch và 5 nhà ở Vĩnh Cửu.
Trong giới hạn bài viết, tác giả chỉ đề cập đến đặc điểm cơ bản nhất của cấu trúc và trang trí nhà ở cổ truyền, đó là kết cấu bộ khung nhà, kiểu vì kèo cơ bản – yếu tố quan trọng nhất để chứng minh cho mối quan hệ giữa ngôi nhà cổ truyền của hai miền này. Trong đó, việc so sánh đôi mắt cửa – một đặc điểm trang trí thú vị của nhà cổ Đồng Nai và miền Trung sẽ cho thấy được tính tương đồng và khác biệt của nhà ở cổ truyền của người Việt tại Đồng Nai so với miền Trung.
Đối tượng nhà ở cổ truyền người Việt tại Đồng Nai mà tác giả chọn trong bài tham luận này có niên đại từ sau 1850 cho đến trước 1945.
NỘI DUNG
KẾT CẤU BỘ KHUNG NHÀ
Đứng tại trung tâm của một ngôi nhà, nhìn ra cửa chính, người ta đặt một ước lệ như sau: “đông vi tả, tây vi hữu” tức là bên tay trái là đông, bên tay phải là tây (đông tây ở đây không phải là hướng mặt trời); phía trước mặt là tiền thuộc mái trước, còn phía sau lưng là hậu thuộc mái sau [ 2 , tr.28]. Dựa vào những nguyên tắc trên, ta có thể tìm hiểu các tên gọi và cấu kiện một ngôi nhà cổ truyền theo thứ tự. Theo cách gọi tên các cấu kiện trong nhà cổ truyền người Việt ở Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng, theo cặp đôi một tiền và hậu của cột – 4 cột tạo thành 1 khung sườn, hai hàng cột cái giữa nhà được gọi là cột hàng nhất tiền và hậu, kế tiếp là các hàng cột quân được gọi là cột hàng nhì, hàng ba và cột hiên. Tương tự như vậy, ta gọi tên kèo lòng nhất, kèo lòng nhì, kèo lòng ba và kèo hiên, đồng thời gọi tên các cấu kiện khác trong nhà phân theo mặt trước và sau của ngôi nhà.
- Vật liệu xây dựng: Vật liệu chính để xây dựng lên những căn nhà ở cổ truyền người Việt tại Đồng Nai là gỗ. Với ưu thế về hệ thực vật và đất đá dồi dào, đa dạng, từ những thế kỷ XVIII, XIX Đồng Nai đã nổi tiếng với việc khai thác gỗ và cung cấp gỗ dựng nhà cho các tỉnh thuộc Nam bộ với các loại gỗ như: sao, trắc, gụ, giáng hương, căm xe, gõ, mun, cẩm lai, bằng lăng... Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục có viết: “Phủ Gia Định sản nhiều gỗ tốt. Xét sổ cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên kê thì hai xứ nguồn Đồng Môn và thủ Quang Hóa thuộc huyện Phúc Long có nhiều gỗ sao, gỗ trắc, gỗ giáng hương và gỗ gụ; nguồn Ba Can huyện Tân Bình có gỗ sao, gỗ trắc, gỗ giáng hương” [ 3 , tr. 412]. Đá tảng kê chân cột cũng là vật liệu địa phương với mỏ đá nổi tiếng ở Đồng Nai được khai thác từ thế kỷ XVIII với tên gọi làng đá Bửu Long (Biên Hòa). Trong lịch sử còn nhắc đến nguyên liệu đá ở Biên Hòa dùng trong việc xây dựng thành trì kiên cố, chẳng hạn năm 1790, chúa Nguyễn xây thành Bát Quái ở Gia Định đã dùng đến đá tảng của Biên Hòa [ 4 , tr. 129]. Ngoài ra, còn có chất liệu đất nung như gạch tàu lát nền nhà, ngói âm dương và ngói vảy cá lợp mái, đặc biệt có nhà ông Nguyễn Văn Thể (huyện Vĩnh Cửu) sử dụng đá ong để lát nền hiên.
- Quy trình xây dựng một ngôi nhà: Chúng tôi chọn xem xét trường hợp nhà Huỳnh Văn Sao (Biên Hòa) – ngôi nhà vừa mang tính truyền thống vừa mang tính điển hình của nhà ở cổ truyền người Việt tại Đồng Nai – để có thể xem xét kỹ lưỡng về kết cấu, dựa trên cơ sở đó mà rút ra những điểm cần lưu ý khi xem xét những ngôi nhà khác. Vì thế, cần tìm hiểu từ các bước tiến hành lập dựng một ngôi nhà với các cấu tạo cơ bản của nhà chính:
Ngôi nhà với mặt tiền hướng ra sông Đồng Nai, có niên đại xây dựng vào năm 1890, đã trải qua năm đời cư ngụ. Mặt đứng 3 gian 2 chái đối xứng, mặt bằng mái kiểu chữ Đinh ( 丁 ) với mái nhà bốn vạt hay còn gọi là 4 mái, lợp ngói âm dương, kết cấu vì kèo dạng xuyên trính ( Figure 1 và Figure 2 ).
Đặt đá tảng chân cột : Các cột gỗ được đặt trên các chân đá tảng hình vuông, cao hơn mặt sàn khoảng 3cm, đá tảng được chôn dưới lòng nhà, là vật chịu lực lớn nhất. Theo chiều ngang và sâu của nhà có 8 hàng cột, vậy tổng cộng có 48 cột (gồm nhà chính và nhà phụ), nếu tính cả cột hiên được xây bằng gạch thì tổng cộng có 56 cột. Kê cột trên chân đá tảng là một kỹ thuật tiến bộ so với việc chôn cột dưới đất (trước đây), vừa chống sụt lún vừa tránh mối mọt và nước xâm nhập phá hoại gỗ. ( Figure 3 )
Dựng cột, lắp trính : Kết cấu của nhà được tạo thành chủ yếu từ bộ khung sườn chính. Khung sườn chính là phần được tạo thành giữa hàng cột cái trước và sau, hai hàng cột cái được làm to hơn các hàng cột quân và là những cây cột cấu thành nên ngôi nhà. Toàn bộ cột trong nhà đều có tiết diện tròn, đầu cột thường được đẽo nhỏ hơn thân và chân cột. Cột gỗ trong nhà bao giờ cũng là số chẵn. Về phương pháp dựng nhà, người thợ dựng hai hàng cột cái rồi dùng thanh trính để liên kết hai hàng cột này lại với nhau. Những thanh trính có độ dày khoảng 33cm, được làm hơi cong theo chiều lên của mái, tiết diện trính có hình sáu cạnh sắc nét, không trang trí hoa văn. Trên thân cột được đục mộng để xuyên trính và ở hai đầu của trính cũng có lỗ mộng để đóng chốt sau khi đã lắp trính vào cột. ( Figure 4 )
Figure 3 . Mặt bằng sinh hoạt và phân bố cột nhà Huỳnh Văn Sao (Nguồn: Bảo tàng Đồng Nai)
Figure 4 . Sơ đồ kết cấu và các chi tiết nhà Huỳnh Văn Sao (Nguồn: Bảo tàng Đồng Nai)
Lắp xà ngang cố định khung ngang nhà và dựng cột quân : Sau khi lắp trính và tạo được một khung sườn cho ngôi nhà với mỗi 4 cột cái, người thợ tiến hành lắp các xà ngang cố định bộ khung theo theo chiều ngang của nhà, chiều cao của xà là 20cm, tiết diện hình vuông. Vị trí của xà ngang nằm ngay dưới đầu cột, các thanh xà ngang thấp dần theo vị trí của các hàng cột và theo độ dốc của mái, xà ngang không trang trí hoa văn. Trong một vài trường hợp như nhà Nguyễn Thị Hòa (Hiệp Hòa, Biên Hòa), nhà Lê Văn Ba (Bửu Hòa, Biên Hòa) và nhà Nguyễn Văn Lình (Hiệp Phước, Nhơn Trạch), không có chi tiết xà liên kết đầu cột riêng biệt mà hoành và xà đầu cột được kết hợp thành một kết cấu. Sau khi lắp xà, người thợ tiến hành lắp các hàng cột hàng nhì, hàng ba. Các hàng cột quân được liên kết đầu cột với nhau bằng kèo theo chiều dọc (chiều dốc của mái) và phía dưới là những thanh xà ngang liên kết theo chiều ngang.
Lắp kèo : Sau khi cố định hệ thống cột, người ta tiến hành đặt các thanh kèo . Kèo là những thanh kết nối các hàng cột cái với cột quân, nối giữa cột hàng nhất với cột hàng nhì, cứ liên tiếp thế cho đến mái hiên. Kèo được phân đoạn theo các khoảng của cột. Ở vị trí kèo lòng nhất tiền và hậu (khoảng giữa hai hàng cột cái) kèo tạo thành hình nóc tam giác. Chỗ giao nhau của 2 đầu kèo mái trước và mái sau được gọi là giao nguyên , đuôi kèo được lắp mộng vào đầu cột. Tiết diện kèo có hình 6 cạnh giống với tiết diện trính và có kích thước 30cm. Mặt trên của đuôi kèo được đóng các đinh gỗ để giữ kèo tiếp theo tức thanh kèo liên kết giữa cột cái và cột quân, trong nhà ở cổ truyền Đồng Nai, hệ thống kèo với kỹ thuật đầu kèo dưới gác lên đuôi kèo trên chạy dọc từ nóc mái xuống đến hiên người ta gọi là “ kèo chồng ”, đây được xem là đặc trưng kiến trúc thống nhất của toàn bộ nhà ở cổ truyền của khu vực này và cả Nam bộ. Kèo có hình dáng cong ở phần đuôi để dễ dàng cho sự tiếp nối của đầu kèo thiếp theo. Ở một số nhà phụ có hiện tượng sử dụng kèo suốt , tức chỉ đặt 1 thanh kèo duy nhất cho toàn bộ kết cấu vì kèo, trường hợp này rất ít gặp. “Về khả năng chịu lực kèo kẻ chuyền yếu hơn vì kèo suốt” [ 5 , tr. 73] nhưng nó lại linh hoạt về không gian, không bị hạn chế về độ dài của vật liệu, các thanh kèo cứ chồng lên nhau xuyên qua các hàng cột một cách liên tục.
Ở phần nóc tam giác dưới 2 cạnh bên của thanh kèo và trên cạnh đáy của thanh trính được lắp bộ trống cối có cánh dơi nằm trên thanh trính đỡ trực tiếp lấy phần giao nguyên của 2 đầu kèo, như vậy nhà xuyên trính kết cấu trụ đội hay bộ trống cối là một kết cấu mang tính chịu lực cao, trực tiếp cho hệ mái ( Figure 5 ). Ở Đồng Nai, kỹ thuật này khá phổ biến ở tất cả các nhà có kết cấu xuyên trính. Trong nhiều trường hợp nhà chính là kết cấu cột giữa, nhà phụ là kết cấu xuyên trính thì phần nóc tam giác dưới 2 thanh kèo là kết cấu thanh ngang và cột đội (trụ đội). Hình thức kết cấu bộ trống cối hay trụ đội luôn có đối với nhà xuyên trính bởi vị trí giao nguyên giữa 2 kèo lòng nhất nối hai hàng cột cái yếu hơn nhà cột giữa. Sang vị trí kèo lòng hai, lòng ba và kèo hiên, đầu kèo ít truyền lực trực tiếp vào cột, nó gối lên đuôi kèo phía trước, được liên kết chốt mộng rồi truyền lực trực tiếp vào đuôi kèo. Vì thế, vị trí đuôi kèo rất quan trọng. Trong thanh kèo, phần đuôi kèo luôn phình to ra một cách vững chắc ôm chặt lấy cột vừa truyền lực theo phương thẳng đứng, vừa truyền lực theo phương xiên hướng vào cột.
Figure 5 . Kết cấu xuyên trính với bộ trống cối có cánh dơi nhà Huỳnh Văn Sao (Nguồn: Cao Thu Nga)
Đặt đòn dông và hoành : Trên cùng của giao nguyên (phần liên kết của các thanh kèo lòng nhất) là chỗ để đặt đòn dông (đông). Ở Đồng Nai, đặt đòn dông là một việc quan trọng trong khi cất nhà, do đó phải làm lễ trước khi đặt đòn dông lên trên nóc nhà. Đòn dông là một thanh gỗ tròn có gốc nằm bên đông (trái) và ngọn nằm bên tây (phải), tương tự như vậy phía dưới căn nhà, họ bên nội thờ bên trái cây đòn dông (gốc), ngoại thờ bên phải (ngọn), ý chỉ nội là gốc.
Về cơ bản đòn dông (thanh nóc) có chức năng như những thanh hoành để đỡ mái. Trong một số trường hợp đòn dông có tiết diện vuông thì bao giờ kích thước cũng lớn hơn những thanh hoành. Hoành ở nhà Huỳnh Văn Sao có tiết diện vuông, đặt trên kèo, kích thước là 15cm. Ở vị trí các đầu cột phải được đặt hoành. Ở các khoảng giữa, được chia ra thành các khoảng đặt hoành đều nhau. Nhà Huỳnh Văn Sao là căn nhà có diện tích lớn, khoảng giữa hai hàng cột cái có tất cả 7 hoành, kể cả đòn dông, khoảng cách giữa cột hàng nhất và cột hàng nhì có 5 hoành và số lượng 5 hoành giữa các khoảng cột giữ đều cho đến mái hiên. Số lượng hoành phản ánh qui mô của ngôi nhà.
Đóng rui, lợp mái : Rui là những tấm ván bản to tiết diện vuông đặt vuông góc với hoành và song song với kèo, các thanh rui nằm cách nhau khoảng 10 – 12cm đỡ trực tiếp lấy các hàng ngói, khoảng cách rui giữa hai hàng cột theo chiều dọc nhà là 7 rui kể cả thanh rui nằm trên đỉnh cột.
Sau cùng là công việc đặt ngói, lắp cửa và đóng các bức ván vách bao quanh ngôi nhà và vách ngăn phân chia gian phòng bên trong. Đến đây, về cơ bản là đã hoàn thành xong việc dựng nhà.
ĐẶC TRƯNG NHÀ Ở CỔ TRUYỀN NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỒNG NAI
Về niên đại
Cơ sở để xác định niên đại tuyệt đối cho nhà ở cổ truyền của người Việt ở Đồng Nai chủ yếu dựa vào năm xây dựng (bằng số hoặc năm âm lịch ghi theo can chi phiên ra năm dương lịch) được in khắc trên mặt tiền hay trên cấu kiện kiến trúc, những ghi chép trong gia phả, lạc khoản trên hoành phi, bài vị thờ cúng hay truyền miệng qua các thế hệ trong gia đình. Việc xác định niên đại tương đối được xem xét qua bản vẽ kiến trúc (đối với nhà ảnh hưởng mặt tiền kiến trúc Pháp), hoặc thông dụng hơn là qua mặt bằng và cấu kiện kiến trúc theo những tiêu chí của một ngôi nhà dân gian truyền thống đã được xác định.
Về cơ bản là kiểu nhà 3x2, tức 3 gian 2 chái, đây là hình thức được duy trì xuyên suốt và phổ biến, các giai đoạn về sau có thêm kiểu mặt tiền nhà ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Thứ hai là kiểu mặt bằng mái chữ Nhất ( 一 ), chữ Nhị ( 二 ) hay còn gọi là nhà Sắp Đọi /Xếp Đọi, chữ Công ( 工 ), chữ Khẩu ( 口 ), mặt bằng nhà chữ Đinh ( 丁 ) cùng những biến thể của nó. Đây cũng là tiêu chí cơ bản của một ngôi nhà cổ truyền được xây dựng từ nửa sau thế kỷ XIX cho đến vài thập niên đầu của thế kỷ XX. Từ những dữ liệu về việc xác định niên đại cho nhà ở cổ truyền người Việt ở Đồng Nai, ta có thể thấy rằng trước năm 1850, loại hình này không tồn tại, điều này cũng khẳng định nhà ở cổ truyền gười Việt ở Đồng Nai còn lại đến ngày nay chỉ bắt đầu được xây dựng từ sau năm 1850 cho đến trước năm 1945.
Về mặt kiến trúc
Nhà ở cổ truyền người Việt ở Đồng Nai có những đặc điểm cơ bản của kiến trúc truyền thống Việt Nam với phong cách kiến trúc đơn giản, khoáng đạt nhưng chặt chẽ, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, phản ánh lối sống của từng gia đình và phong tục tập quán của cộng đồng. Vì thế, nhà ở Đồng Nai có đặc điểm chung với nhà ở nhiều vùng miền nước ta là mang “tính mở”. Đặc điểm riêng là thông thoáng cả về kết cấu lẫn trang trí, bộ khung chịu lực cũng được giảm thiểu vì không phải chống chọi với những cơn lốc, những trận lụt như miền Trung hay những đợt lũ quét, những ngày giá lạnh vào mùa đông như miền Bắc.
Có thể thấy, nhà gỗ cổ truyền của người Việt ở Đồng Nai sử dụng hợp lý vật liệu địa phương vì phần lớn vật liệu xây dựng nhà được khai thác chủ yếu trong địa bàn tỉnh. Khảo sát thực địa, chúng tôi ghi nhận các ngôi nhà cổ chủ yếu được xây dựng bằng gỗ đỏ, cẩm lai, mun, bằng lăng và căm xe - đây đều là những loại gỗ tốt, chịu được khí hậu nhiệt đới nắng mưa liên tục qua nhiều thế kỷ.
Hệ thống cột trong ngôi nhà ở cổ truyền ở Đồng Nai đều là cột tròn (giống với Huế, riêng Quảng Nam và phố cổ Hội An có cả cột tròn và cột vuông). Kết cấu kèo chồng có mặt trong tất cả các ngôi nhà cổ truyền ở đây
Kiến trúc nhà ở cổ truyền người Việt tại Đồng Nai chỉ có 2 kiểu kết cấu cơ bản là kết cấu cột giữa và kết cấu xuyên trính . Cả hai kiểu kết cấu này đều được sử dụng vì kèo chồng tức là đầu kèo dưới được đặt lên đuôi kèo trên xuyên qua cột (đặc điểm này giống với nhà ở Huế, Quảng Nam và Hội An).
Về mặt mỹ thuật trang trí
Những họa tiết trang trí điêu khắc trong nhà ở cổ truyền Đồng Nai gồm những đề tài cổ điển như tứ linh, tứ thời, tứ hữu, bát quả, bát vật, bát bảo, điển tích xưa, hoành phi và câu đối; các biểu tượng; hoa văn kỷ hà, hoa văn hình học, chữ Hán... Những họa tiết trang trí điêu khắc trên gỗ chủ yếu chỉ tập trung ở gian giữa, không gian thờ phụng và tiếp khách của ngôi nhà, một vài ngôi nhà trang trí đậm nét và tỉ mỉ trên cửa chính ( Figure 7 , Figure 8 , Figure 9 ) và bao lam như nhà dòng họ Đào ở Nhơn Trạch, hay trên vách ngăn nhà ông Nguyễn Văn Lợi ở Biên Hòa ( Figure 6 ). Các trang trí này ở trên kết cấu như cột, kèo, trính, khuôn bông, bao lam, tường, cửa; ở trên đồ nội thất như tủ thờ, bàn thờ, bộ bàn ghế...
Figure 6 . Chi tiết chạm khắc mẫu đơn phụng và Mai điểu trên vách ngăn nhà Nguyễn Văn Lợi, Biên Hòa (Nguồn: Cao Thu Nga)
Figure 7 . Họa tiết dây quả bí ngô trên cửa nhà dòng họ Đào, Nhơn Trạch (Nguồn: Cao Thu Nga)
Figure 8 . Chi tiết chạm khắc cúc trĩ ở hai bên cửa nhà họ Đào, Nhơn Trạch (Nguồn: Cao Thu Nga)
Figure 9 . Chi tiết chạm khắc phật thủ điệp ở hai bên cửa nhà họ Đào, Nhơn Trạch (Nguồn: Cao Thu Nga)
Có thể nói, kỹ thuật điêu khắc gỗ của các nghệ nhân thể hiện trên những ngôi nhà ở đây đã kết hợp nhuần nhuyễn cả chạm thủng, chạm lộng lẫn chạm nổi để có thể tạo nên cảm giác xa gần, nông sâu, chính phụ của các đồ án, nhìn giống như hình ảnh 3D ngày nay. Những hình tượng điêu khắc mang giá trị đặc biệt về kỹ thuật chạm khắc và nghệ thuật tạo hình. Trang trí hoa văn trong ngôi nhà cổ truyền ở Đồng Nai phản ánh nhiều yếu tố tự nhiên của quê hương Đông Nam bộ: từ những đề tài quen thuộc như hoa lá, chim chóc, châu chấu, chuồn chuồn… cho đến những đề tài dân dã như những trái cây đặc trưng của vùng đất này: xoài, ổi, giác, khổ qua, đào lộn hột, mận… Điêu khắc gỗ trên những ngôi nhà cổ truyền ở đây còn thể hiện tính cách con người Nam bộ thẳng thắn, không câu nệ, phóng khoáng, tự do và dễ thích nghi với môi trường và hoàn cảnh cụ thể.
Nói đến mắt cửa trong kiến trúc nhà ở gỗ cổ truyền không thể không nói đến nhà gỗ Hội An. Mắt cửa chính là một đặc trưng độc đáo và thú vị của phố cổ này và ở trong một số ngôi nhà gần làng mộc Văn Hà của Quảng Nam như Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh. Những mắt cửa được bố trí ở cửa chính ( Figure 10 ) và cửa trong nhà (ở gần trang thờ) [ 6 , tr.141].
Figure 10 . Một số kiểu mắt cửa nhà ở phố cổ Hội An. ( Nguồn: Cao Thu Nga )
Trong quá trình khảo sát tất cả những ngôi nhà cổ truyền trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tác giả bài viết bắt gặp 5 trường hợp nhà có trang trí đôi mắt trên khung cửa, tức phía trên cánh cửa, cách cánh cửa khoảng 30cm và mắt cửa bên trong nhà, phía trên bao lam – nơi bước vào không gian thờ tự, đó là các nhà: Huỳnh Văn Sao (Bửu Hòa, Biên Hòa), nhà ông Nguyễn Văn Lợi (Thống Nhất, Biên Hòa), nhà dòng họ Đào (Phước Thiền, Nhơn Trạch), nhà ông Trần Ngọc Khánh (Phước Thiền, Nhơn Trạch) và nhà ông Trần ngọc Du (Tân Vạn, Biên Hòa). Theo lời kể của gia đình nhà ông Nguyễn Văn Lợi, khi xây dựng, gia đình đã mời cánh thợ ở Thủ Dầu Một, Bình Dương về làm, thời bấy giờ nhóm thợ này chuyên đảm trách việc xây dựng cho nhiều nhà ở vùng Nhơn Trạch. Những cánh thợ này đều là di dân vùng Ngũ Quảng vào phương Nam lập nghiệp từ đời cha ông, do đó việc truyền lại nghề mộc dựng nhà cũng có sự tiếp nối. Mắt cửa trong 5 ngôi nhà trên đều là hình tròn, có tâm ở giữa, đường kính từ 8cm đến 15cm, dày 8cm, nhìn giống cái núm.
Trong văn hóa của cư dân vùng sông nước, mắt thường được vẽ lên thuyền như để chống chọi lại với thủy thần hung dữ trong cái bao la vô định của biển cả. Tục vẽ mắt thuyền xuất hiện ở Ai Cập từ 2700 năm trước Công Nguyên, ở Việt Nam tục lệ vẽ mắt thuyền đã in đậm trong dấu ấn văn hóa Việt Nam từ thế kỷ I trước Công Nguyên với bằng chứng được phát hiện trên thạp Đào Thịnh [ 7 , tr. 270, 273]. Đối với cư dân vùng Hội An, đôi mắt cửa trên ngôi nhà cũng hàm chứa quan niệm tín ngưỡng về sự tồn vong, suy thịnh của ngôi nhà. Đôi mắt cửa như một vị thần bảo hộ đầy quyền năng cho một ngôi nhà, một gia đình và mắt còn được xem như một cơ quan giám sát vô hình, có thể nhìn thấu mọi hành vi, suy nghĩ của con người ở trong nhà và kiểm soát khách ra vào [ 8 , tr.108]. Ở Hội An và một số huyện thuộc Quảng Nam, mắt cửa có nhiều hình dáng khác nhau như: bát quái, xoáy tròn, hoa cúc, lục giác, bát giác, vuông... với nhiều chạm khắc đa dạng. Còn ở Đồng Nai, mắt cửa là dạng hiếm gặp trong tổng số 5/401 ngôi nhà trên toàn tỉnh với kích thước khiêm tốn và chỉ có một kiểu trụ tròn có tâm điểm giữa ( Figure 11 ).
Figure 11 . Mắt cửa nhà dòng họ Đào (Nhơn Trạch, Đồng Nai) (Nguồn: Cao Thu Nga)
Tác giả cũng đã gặp trường hợp mắt cửa trong nhà cổ Huỳnh Phủ ở Thạnh Phú, Bến Tre (ngôi nhà này do cánh thợ người Huế xây dựng); nhà cổ Trần Văn Hổ ( Figure 12 ) và nhà cổ Trần Công Vàng ( Figure 13 ) ở Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Mắt cửa ở đây còn được điểm nhãn ở tâm bằng việc chấm sơn màu trắng, khiến đôi mắt như có hồn nhìn thấy mọi vật. Mắt cửa ở Đồng Nai được cố ý làm khác bằng cách không điểm nhãn sơn trắng nhằm phân biệt với mắt cửa của nhà ở Bình Dương, thể hiện sự tiếp nối nghề mộc của di dân vùng Ngũ Quảng vào lập nghiệp ở đất phương Nam từ nhiều thế kỷ trước. Đôi mắt cửa chính là nét đặc trưng được duy trì của cánh thợ này trong nhà cổ vùng Đông Nam bộ. Trang trí đôi mắt cửa trong nhà ở Đồng Nai là một đặc trưng của việc giao lưu, ảnh hưởng từ kỹ thuật và nghệ thuật trang trí mắt cửa ở nhà cổ của người dân Quảng Nam, Hội An. Bắt gặp đôi mắt cửa khiến người xem thấy hứng thú đến thi vị với sự gần gũi, độc đáo trong đôi mắt cửa của nhà ở cổ truyền người Việt tại Đồng Nai.
Figure 12 . Mắt cửa nhà cổ Trần Văn Hổ (Thủ Dầu Một, Bình Dương) ( Nguồn: Cao Thu Nga)
Figure 13 . Mắt cửa nhà cổ Trần Công Vàng (Thủ Dầu Một, Bình Dương) (Nguồn: Cao Thu Nga)
NHÀ Ở CỔ TRUYỀN NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỒNG NAI TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI NHÀ Ở CỔ TRUYỀN NGƯỜI VIỆT TẠI MIỀN TRUNG
Dựa vào những nghiên cứu của các học giả đi trước về nhà ở cổ truyền của người Việt cũng như qua khảo sát, điền dã của tác giả về nhà ở cổ truyền ở khu vực miền Trung, tác giả bài viết nhận thấy cần thiết phải so sánh nhà ở cổ truyền tại Đồng Nai với nhà ở cổ truyền của người Việt tại Trung bộ - nơi ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở cổ truyền của người Việt tại Đồng Nai. Nhà ở Đồng Nai nói riêng và nhà ở miền Nam nói chung đều là xuất phát từ nhà ở miền Bắc, miền Trung (chủ yếu) do quá trình di cư từ hơn 300 năm nay của người dân mang theo. Vì vậy kết cấu chủ yếu vẫn không xa rời kết cấu ban đầu của nhà miền Trung là nhà rọi ( rội ) và nhà rường . Tác giả chọn so sánh với những đặc trưng của nhà rọi, nhà rường ở Hội An, Quảng Nam và cụ thể với hai ngôi nhà điển hình ở Huế: nhà vườn công chúa An Hiên và nhà Trần Thị Bê ở làng Kim Long.
Nhà rọi và nhà rường ở Quảng Nam
Bộ khung nhà miền Trung có hai kiểu kết cấu vì kèo chính: vì kèo rọi (rội), vì kèo rường và một vài biến dạng: vì kèo trước rọi sau rường, vì kèo trên rường dưới rọi [ 9 , tr. 30-31].
Nhà rọi : Căn cứ vào kết cấu vì kèo cột của ngôi nhà, nhà rọi là nhà có hàng cột cái chống thẳng lên ngay dưới đòn dông và có hai hàng cột hàng nhì, hàng ba ở phía trước và phía sau, tổng cộng có 5 hàng cột chính và phía trước có hàng cột hiên. Có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu về tên gọi nhà có kết cấu rọi, nhưng tựu trung lại đều thống nhất rằng đây là loại nhà cột giữa chống lên đến nóc và chân cột có thể chôn sâu dưới đất hoặc có thể đặt trên đá tảng. Có thể nói thêm là cột chôn dưới đất là kỹ thuật dựng nhà đơn giản ban đầu, có trước và cột kê trên đá tảng là kỹ thuật tiến bộ hơn, có sau.
Nhà rường : Có nhiều kiểu gọi để xác định nhà rường ở Quảng Nam – nơi lưu giữ được nhiều ngôi nhà cổ có những nét tương đồng với nhà ở cổ truyền tại Đồng Nai. Theo nhiều nhà nghiên cứu về nhà ở cổ truyền Quảng Nam trong đó có Nguyễn Thượng Hỷ, để có sự thống nhất trong tên gọi các loại nhà, các cấu kiện trong một ngôi nhà cổ truyền thì căn cứ theo các kiểu thức về kỹ thuật, mỹ thuật trong quá trình làm bộ khung nhà, công năng sử dụng, mặt bằng sinh hoạt và cả vật liệu để phân loại. [ 10 , tr.175-186].
Qua những tư liệu thu thập được về nhà ở cổ truyền của người Việt ở Quảng Nam, tác giả nhận thấy rằng theo kiểu thức kỹ thuật để cấu tạo nên bộ khung nhà rường ở Quảng Nam là căn cứ vào kết cấu bộ vì kèo với hai bước cột cái được đưa rộng ra lòng nhà. Cấu trúc này có hai cột ở trung tâm vì kèo (cột hàng nhất) nằm về hai phía đối xứng với đòn dông, chúng được nối với nhau bằng một thanh dầm ngang ( trính/trến ). Trong một số trường hợp, phía trên của trính còn có một trụ ngắn chống nóc, hoặc được gác những tấm ván chạy dài suốt gian chính giữa của nhà nên còn có tên gọi là nhà rương (từ rương được Alexandre de Rhodes trong Từ điển Annam – Lusitan – Latinh giải thích từ năm 1651 “là một thứ tấm ván gần nóc nhà bằng gỗ”) [ 11 , tr. 196]. Nguyễn Bạt Tụy trong bài bài viết về “Những nhà xưa ở Quảng Nam” cũng định nghĩa: “Nhà rường là nhà có hai hàng cột cái ở hai bên nóc, đôi khi thêm hai hàng cột phía trước, hai hàng cột phía sau để đỡ các kèo, vị chi là 6 hàng cột”. Như vậy, có thể nói kết cấu cơ bản của bộ vì kèo nhà xuyên trính ở Đồng Nai giống với (ảnh hưởng từ) kết cấu vì kèo nhà rường của miền Trung. [ 12 , tr. 233].
Nhà vườn công chúa An Hiên ở Huế
( Figure 14 , Figure 15 , Figure 16 , Figure 17 )
Ngôi nhà có mặt bằng 3 gian 2 chái, kết cấu trính chồng trụ đội có cánh dơi ( Figure 16 ). Nhà có hình thức mái bốn vạt. Trước nhà có hồ nước hình vuông, mặt trước hồ nước là bình phong tiền lớn. Nhà có ngạch cửa cao ( Figure 17 ), hệ thống cột tròn được kê trên đá tảng chạm thành 2 tầng đẹp mắt. Gian giữa thờ Quan âm bồ tát, hai gian bên thờ các thành viên trong gia đình.
Figure 15 . Sân trước có hồ nước và bình phong tiền (từ trong nhà nhìn ra) (Nguồn: Cao Thu Nga)
Trong nhà có nhiều hình thức trang trí chạm khắc trên cấu kiện và đồ dùng nội thất đặc trưng của hoàng tộc như các con vật linh: rồng, phượng, kỳ lân; phúc đáo, khánh; các loại trái cây như phật thủ, đào, đu đủ, lựu, nho..., các con vật như dơi, sóc...
Figure 16 . Chi tiết vì kèo rường, trụ đội có cánh dơi ( Nguồn: Cao Thu Nga)
Nhà bà Trần Thị Bê, 145 Vạn Xuân, Kim Long, Huế
Đây là ngôi nhà vườn nằm trong khuôn viên đất rộng 5000m 2 ở sâu trong phường Kim Long. Mặt bằng nhà là kiểu 3 gian 2 chái (chiều ngang), mặt bằng cốt lõi (chiều sâu) của nhà chính là 3 gian x 3 gian, có hiên độc lập. Bước cột rộng nhất là gian giữa, các gian càng xa gian giữa thì càng bé dần đi. Nhà có hình thức mái bốn vạt. Toàn bộ hệ thống liên kết là kèo chồng , trính có kích thước lớn, không có chi tiết trụ đội hay trống cối ( Figure 18 ). Đặc điểm dễ nhận thấy ở nhà cổ truyền Huế là đóng ván trần ở khoảng giữa hàng cột cái tạo thành kho chứa đồ hay còn gọi là cái rương ( Figure 19 ), nhà bà Trần Thị Bê là một ví dụ. Điêu khắc trong nhà tuy không nhiều nhưng khá đẹp mắt, chủ yếu trên vách ván ngăn giữa gian với chái, ở thân và đuôi kèo – chỗ giao nhau giữa đuôi kèo trên và đầu kèo dưới với các đề tài như: hoa dây, cặp sáo trúc chạm nổi trên nền lá trúc, bình hồ lô trong nền cúc dây, đàn tì bà ẩn hiện trong hoa mai, đỉnh trầm.
Figure 18 . Chi tiết vì kèo thượng giao nguyênkhông có trụ đội ( Nguồn: Cao Thu Nga)
Figure 19 . Đóng ván trần dưới hai hàng cột cái tạo thành kho chứa đồ (còn gọi là rương) (Nguồn: Cao Thu Nga)
Những điểm tương đồng của nhà Đồng Nai và miền Trung
Điểm chung lớn nhất là nhà ở cổ truyền tại Đồng Nai có 2 kết cấu (khung) cột giữa và xuyên trính (ở miền Trung gọi là kết cấu rọi và rường ) đều được sử dụng vì kèo chồng . Tức là, đầu kèo dưới được đặt lên đuôi kèo trên xuyên qua cột, đặc điểm này giống với nhà ở Huế và Quảng Nam.
Về mặt bằng sinh hoạt, nhà cổ truyền ở Đồng Nai được bố trí giống với nhà ở miền Trung. Trong đó, nhà trên là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nhà dưới là không gian dành cho sinh hoạt thường nhật. Gian giữa phía sau hàng cột cái bên trong để thờ tự, gian bên ngoài tiếp khách, hai chái hai bên phía trước đặt ván ngựa, phía sau đặt buồng ngủ và nhà kho ở phía sau cùng. Đối với những gia đình với điều kiện kinh tế không khá giả lắm thì họ thường xây dựng nhà kiểu 3 gian không chái; không phân chia buồng ngủ và cũng không có không gian kho ở phía sau. Nhưng nhìn chung, hầu hết các nhà ở cổ truyền đều được xây dựng với hình thức mái bốn vạt có đầu hồi.
Ngoài ra, chi tiết mắt cửa trong nhà ở cổ truyền tại Đồng Nai còn là một đặc trưng của việc giao lưu, ảnh hưởng từ kỹ thuật và nghệ thuật trang trí mắt cửa trong nhà ở cổ truyền của người Việt tại miền Trung.
Những điểm khác nhau của nhà Đồng Nai và miền Trung
Trong bộ khung nhà rọi và nhà rường ở Quảng Nam có 4 kiểu vì (vài) cơ bản: vì luôn , vì chồng , vì trính chồng – trụ đội , vì vỏ cua . Bộ khung nhà cột giữa và nhà xuyên trính ở Đồng Nai chỉ có 2 kiểu vì , đó là vì kèo chồng và vì kèo luôn ( suố t). Kỹ thuật của kết cấu rường/xuyên trính với trụ chống nóc là hình thức được phát triển lên từ vì kèo nguyên thuỷ (vì kèo 3 cột hay vì kèo cột giữa, nhà xuyên tâm). Ở miền Trung, đặc biệt tại Quảng Nam, với nhà có loại vì này, trụ đội thường dài và thanh trính nằm xa xuống phía dưới đầu cột cái; còn ở Đồng Nai, mặc dù quy mô của vì kèo và cửa nhà được mở rộng đáng kể nhưng trụ lại được làm ngắn đi. Điều này chứng tỏ vai trò kết cấu của trụ đã bị giảm, thay vào đó, hình thức của trụ, cánh dơi và đấu đã được cách điệu hoá với những điêu khắc trang trí phong phú. Có thể nói rằng trụ đã trở thành một biểu tượng của cột giữa trong vì kèo truyền thống nguyên thủy.
Bộ khung nhà ở cổ truyền Đồng Nai chủ yếu là vì kèo chồng, đặc điểm này giống với nhà cổ truyền ở Huế và Quảng Nam. Riêng ở Hội An vẫn dùng kết cấu kèo chồng ở vì thân nhưng vì nóc chủ yếu lại là kết cấu chồng rường . Vì chồng rường của Hội An được xem như một đặc trưng nổi bật của nhà phố nơi đây bởi nó được trang trí khá công phu, lộng lẫy và có tiết diện các kết cấu lớn hơn cả nhà ở Huế, đặc biệt dưới mái hiên nhà Hội An sử dụng vì vỏ cua, đặc điểm này không có trong nhà ở cổ truyền tại Đồng Nai.
Nhà ở miền Trung có thêm cái rương tức đóng ván trần ở phần vị trí gần với trính, giữa hai hàng cột cái để tạo không gian chứa đồ như một cái kho, đặc điểm này có ở nhà bà Trần Thị Bê đã mô tả ở trên. Chi tiết này không thấy có ở nhà Đồng Nai, có thể do Đồng Nai không có lũ lụt như miền Trung nên bộ phận này được giản lược đi.
KẾT LUẬN
Nhà ở cổ truyền của người Việt ở Đồng Nai mang nhiều đặc trưng chung của nhà ở cổ truyền của người Việt về kết cấu kiến trúc và vật liệu xây dựng địa phương phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới ẩm. Tuy vậy, nhà cổ truyền ở Đồng Nai lại có đặc trưng riêng về lịch sử xây dựng, về văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của vùng đất Đồng Nai. Do đó, nhà cửa ở đây phù hợp với lối sống của con người Nam bộ. Có thể thấy rằng, ngôi nhà ngoài chức năng cư trú còn có chức năng thờ tự, kính nhớ tổ tiên nguồn cội; là một không gian sinh hoạt văn hóa giữa các thành viên và các thế hệ tiếp nối trong gia đình, dòng họ.
Kết cấu bộ khung nhà ở Đồng Nai qua phân tích và mô tả chứng tỏ đã có ảnh hưởng trực tiếp từ nhà ở cổ truyền ở khu vực miền Trung trong quá trình di dân về phương Nam từ hơn 300 năm trước. Điều này khẳng định sự kế thừa và tiếp biến văn hóa trong kiến trúc nhà ở của cộng đồng người Việt từ miền Trung vào miền Nam. Tuy vậy, ta vẫn thấy được những nét riêng biệt của nhà ở cổ truyền Đồng Nai trong kết cấu vì kèo được giản lược với hệ vì kèo chồng xuyên suốt và thống nhất.
Trang trí mỹ thuật trong kết cấu kiến trúc và đồ dùng nội thất là một trong những đặc trưng điển hình nhất của nhà ở Đồng Nai. Thông qua kỹ thuật chạm thủng, chạm lộng, chạm nổi... các đề tài trang trí điêu khắc được đục đẽo tỉ mỉ, tinh tế, giàu tính gợi cảm, thân thiết và gần gũi với thiên nhiên, con người. Đồng Nai là vùng đất đón nhận lớp cư dân vùng Ngũ Quảng vào khai hoang lập ấp, chính vì vậy nhà ở cũng mang nhiều nét tương đồng với nhà ở cổ truyền miền Trung, đặc biệt là vùng Huế và Quảng Nam.
Trong cuộc sống đương đại, ngôi nhà ở cổ truyền dần không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của con người. Do đó, trong khuôn viên đất ở của mỗi gia đình, người ta thường xây dựng thêm căn nhà kiểu mới để phục vụ cho hiện tại. Không gian sinh hoạt cũ không còn được bảo đảm mà bị thu hẹp lại thành ngôi nhà từ đường. Thực tế, phần lớn các ngôi nhà cổ hiện nay ở Đồng Nai chỉ dành cho việc thờ tự tổ tiên, giỗ lễ và tiếp khách khi cần thiết. Vì thế, việc cải tiến và sửa chữa nới rộng không gian bên hông hay phía sau nhà là điều không tránh khỏi. Việc này có vẻ đánh mất mỹ quan cho không gian của một ngôi nhà cổ độc lập nhưng lại đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt thường nhật của gia chủ. Dầu vậy, đây vẫn là giải pháp cho ngôi nhà không bị biến mất sau hơn trăm năm tồn tại ở Đồng Nai.
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Bản thảo này không có xung đột lợi ích.
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Để thực hiện bài viết này, tác giả đã điều tra, khảo sát toàn bộ nhà ở cổ truyền trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2007 đến năm 2020, qua đó sưu tầm tư liệu bằng cách chụp ảnh, đo vẽ, ghi chép lời kể của chủ nhân các ngôi nhà, thống kê số liệu đã khảo sát được. Đồng thời, tác giả cũng tham khảo, nghiên cứu tư liệu từ nhiều nguồn để hiểu rõ đặc điểm cấu kiện kiến trúc cũng như trang trí nội thất của nhà ở cổ truyền. Từ đó hiểu rõ hơn tổng thể ngôi nhà từ góc độ lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật... của nhà ở cổ truyền người Việt tại Đồng Nai.
References
- Trần Khang. Nhà ở truyền thống tỉnh Đồng Nai và tỉnh Tiền Giang. Báo cáo tại hội thảo "JICA DONGNAI HISTORICAL HOUSE RESTORATION. Tư liệu của Bảo tàng Đồng Nai. . 2002;:1. Google Scholar
- Phương Trần Kỳ, Yutaka Shigeeda, Oyama Akiko. Nhà xưa Quảng Nam: Tìm hiểu tên gọi các bộ phận cấu kiện của nhà Rường. Bản tin Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích, Trùng Tu di tích. . 2002;12:27-36. Google Scholar
- Đôn Lê Quý. Phủ Biên tạp lục, QVI: sản vật phong tục. Viện Sử học. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. . 2007;:. Google Scholar
- Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Biên Hoà - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển. Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai. . 1998;:. Google Scholar
- Hỷ Nguyễn Thượng, Sỹ Trần Toàn. Kết cấu kiến trúc nhà gỗ truyền thống tại Quảng Nam. Kỷ yếu Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam, Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam. . 2008;:73. Google Scholar
- Hỷ Nguyễn Thượng. Làng mộc xưa và phong cách dựng nhà Rường ở Quảng Nam. Kỷ yếu Nhà ở cổ truyền người Việt ở Quảng Nam, Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam. . 2008;:127-144. Google Scholar
- Lợi Nguyễn Thanh. Một góc nhìn về văn hóa Biển. TP.HCM: Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM. . 2014;:270-273. Google Scholar
- Ánh Trần. Nhà gỗ Hội An những giá trị và giải pháp bảo tồn. Quảng Nam: Nhà xuất bản Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An. . 2005;:108. Google Scholar
- Tụng Nguyễn Khắc. Tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôi nhà cổ truyền của người Việt miền Bắc và miền Trung. Tạp chí Kiến trúc. . 1994;2:30-33. Google Scholar
- Hỷ Nguyễn Thượng. Suy nghĩ về tên gọi các kiểu nhà truyền thống ở miền Trung. Kỷ yếu Nhà ở cổ truyền người Việt ở Quảng Nam, Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam. . 2008;:175-186. Google Scholar
- Alexandre de Rhodes. Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, NXB Khoa học Xã hội, TP. HCM. . 1994;:196. Google Scholar
- Tụy Nguyễn Bạt. Những nhà xưa ở Quảng Nam, Văn hóa nguyệt san, số 59 và số 60, Bộ Quốc gia Giáo dục. . 1961;:233-241. Google Scholar