VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

2243

Total

423

Share

Australia – a strategic alliance of the US in the period of Vietnam War (1954-1975)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Although located in a region having close historical-cultural relations with the area of Southeast Asia, Australia always considers itself and is considered a special outpost of the West in Asia-Pacific. Since World War II up to now, the strategic alliance between Australia and the US has been developed comprehensively and deeply. Particularly, with the purpose of getting the protection in terms of security from the US towards the Near-North region, it's obvious that Australia had to accept the fact that the number of killed and wounded soldiers, advisories, and military workers during the period of the Vietnam war was equivalent to that of the killed and wounded ones of the two World Wars when Australia participated along with the British troops. To illustrate the aforementioned content, this article focuses on analyzing some objective factors including the development of the movement of national liberation, the founding and rising of Chinese socialism, and the policies of Southeast Asia of the US during the period of post-World War II, along with some subjective factors influencing the founding and development of the strategic alliance between Australia and the US such as the national interest and the role of Australia during the Vietnam war, the economiccultural- political platforms of the US-Australia relations, and three-key factors expressing the depth of these relations including military, politics and diplomacy, culture and education, science and technology.

MỞ ĐẦU

Với dân số sống tập trung tại vùng biển phía Đông lục địa, Australia là quốc gia có mật độ dân số thưa thứ tư trên thế giới. Ngay từ khi những người da trắng đầu tiên đến định cư, lục địa này đã bị chi phối bởi cảm giác lo sợ những người Trung Quốc sẽ xâm nhập tràn ngập lãnh thổ, ngay khi thành lập nhà nước Liên bang vào năm 1901, nỗi lo sợ về an ninh quốc phòng vẫn luôn thường trực như một lý do khác tiếp nối cho truyền thống tìm kiếm một “người bảo hộ” về an ninh của Australia. Từ chiến tranh Thái Bình Dương (1942) trở về trước, Anh được xem là người “bảo hộ” an ninh của Australia. Tuy nhiên, kể từ khi chiến tranh Thái Bình Dương đe dọa trực tiếp đến thành phố Darwin, quan hệ Anh - Australia dần trở nên lỏng lẻo. Thông qua Hiệp ước phòng thủ Nam Thái Bình Dương (ANZUS), và Hiệp ước Manila (1951), Australia đã chính thức trở thành đồng minh quan trọng của Mỹ trong tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Quan hệ Australia-Hoa Kỳ trở thành hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Australia. Trong bối cảnh đó, Australia đã đứng về hàng ngũ các thế lực đồng minh của Mỹ công nhận chính quyền Sài Gòn, và cùng với Mỹ đưa quân tham chiến tại miền Nam Việt Nam trong cuộc Chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1965-1973.

Những cơ sở hình thành quan hệ đồng minh chiến lược giữa Australia và Hoa Kỳ

Những nhân tố khách quan

Đồng minh là sự cam kết chính thức giữa các quốc gia nhằm phối hợp hay tương trợ lẫn nhau để đối phó với vấn đề chung nào đó. Mục đích của đồng minh là tạo được quyền lực lớn hơn nhằm kiềm chế, cân bằng hoặc vượt hơn với quyền lực của đối thủ, đảm bảo lợi ích cho các thành viên. Sự hình thành đồng minh là một biện pháp tập hợp lực lượng, đó cũng là cách thức thay đổi cán cân so sánh quyền lực nhanh nhất. Đó là sự cam kết phối hợp giữa hai hay nhiều quốc gia hỗ trợ lẫn nhau về an ninh và quân sự. Trong các liên minh chính trị-quân sự đó có thể tồn tại các mối quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng những mối quan hệ ấy chỉ giúp củng cố mối quan hệ cơ bản và nổi trội nhất trong liên minh là quan hệ chính trị-quân sự.[ 1 , tr.236-237]

Waltz trong The origins of alliance cho rằng các nước đồng minh liên kết với cường quốc để đối phó với mối đe dọa hơn là với những sức mạnh kinh tế - quân sự. Các nước đồng minh vừa và nhỏ cảm thấy bị đe dọa trước những đối thủ vừa gần gũi về địa lý, vừa có lực lượng quân đội mang tính phòng vệ vượt trội và còn luôn mang tư tưởng tấn công, bành trướng ảnh hưởng. Sự gần gũi về mặt địa lý giữa Trung Quốc và Australia, học thuyết Nhất biên đảo của người Trung Quốc cùng với ưu thế về dân số, kết hợp với tư tưởng Mao mang khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cao tột độ là mối đe dọa an ninh thực sự có thể tấn công Australia theo nhận thức vào những năm 50 của thế kỷ XX. Waltz cũng cho rằng “ sự đóng góp của các quốc gia vừa và nhỏ đối với đồng minh thực sự có ích ngay cả trong thế giới lưỡng cực. Vì vậy, các chính sách và chiến lược của các cường quốc chủ yếu được hình thành phụ thuộc những tính toán và lợi ích riêng của các cường quốc chủ yếu đó. ” Đó là lý do, mặc dù Hoa Kỳ mạnh hơn cả Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippines nhưng các nước đồng minh này đã có ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, thậm chí đối với khu vực chứa đựng lợi quốc gia sống còn của Hoa Kỳ là Mỹ Latinh.

Ngày 16/12/1949, Mao Trạch Đông dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang thăm Liên Xô, đàm phán với Stalin tới ngày 14/02/1950, hai bên đã đạt được: Hiệp định chấp thuận cấp cho Trung Quốc khoản tín dụng 300 triệu USD trong 5 năm với lãi suất 1% kể từ ngày 01/01/1951, hiệp định về đường sắt Trường Xuân-cảng Lữ Thuận-Đại Liên, hiệp ước Hữu nghị-Đồng minh-Tương trợ Xô-Trung, Tuyên bố hủy bỏ hiệp ước Liên Xô - Trung Hoa dân quốc. Từ đây, hiệp ước đã tăng cường vị thế của Liên Xô tại khu vực, làm cán cân quyền lực nghiêng về hệ thống xã hội chủ nghĩa, mở ra điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ với Australia nhằm tạo lực đà cho chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh [ 2 , tr.76-79]

Một trong những nội dung chính của lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay cũng là một hệ quả của sự phát triển phong trào giải phóng dân tộc, là sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, sự ra đời hệ thống thuộc địa kiểu mới của chủ nghĩa thực dân mới. Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa thực dân mới không chỉ phụ thuộc vào tác động của sự phát triển chủ nghĩa xã hội trên thế giới, sự suy yếu của hệ thống thuộc địa theo chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện đại và sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các trung tâm quyền lực trong nội bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới, mà còn phụ thuộc tác động của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc đối với cuộc đấu tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình vì hòa bình, dân chủ, độc lập tự do, phát triển và tiến bộ xã hội. Ngoài ra, các hình thức nô dịch của chủ nghĩa thực dân kiểu mới cũng đa dạng, phong phú, linh hoạt và bao quát hơn sau sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, từ đó khiến cho lực lượng dân chủ, tiến bộ, yêu chuộng hòa bình tham gia đấu tranh cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nhiều hơn bao giờ hết. [ 3 , tr.208-228] Đồng thời, trên cơ sở thắng lợi liên tục của dòng thác lũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, nhiều quốc gia “thế giới thứ Ba” đã được thành lập, đã trỗi dậy, vươn mình, phát triển vượt bậc qua các chiến lược phát triển kinh tế khác nhau, trở thành những quốc gia có tiếng nói đáng kể trên trường quốc tế, làm thay đổi căn bản cục diện bản đồ chính trị thế giới, nhất là sự trỗi dậy, phát triển ngoạn mục của các nước Đông Á đã cho thấy minh chứng mạnh mẽ của sự thức tỉnh Châu Á, sự chuyển dịch dần cán cân quyền lực kinh tế quan trọng từ các trung tâm kinh tế thế giới truyền thống ở các quốc gia phát triển Tây Âu - Bắc Mỹ sang các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Vì vậy, có thể nói nội dung chính của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á sau chiến tranh thế giới thứ hai là tiến hành đấu tranh chống lại các hình thức áp bức, nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới để không chỉ giành độc lập dân tộc thực sự và toàn vẹn trên mọi lĩnh vực, từ đó làm biến đổi căn bản bản đồ cục diện chính trị thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy thời kỳ châu Á thức tỉnh mạnh mẽ hơn, tạo động lực cho sự chuyển dịch cán cân quyền lực giữa các quốc gia trên trường quốc tế. Từ đó, có thể nói, việc phong trào giải phóng dân tộc không ngừng lớn mạnh như một khối đồng minh vững chắc, tiến bộ đã trở thành một trong những nhân tố căn bản đánh bại hoàn toàn khối đồng minh thù địch gồm các nước tư bản chủ nghĩa có xu hướng thân Hoa Kỳ. Tác động lớn nhất của phong trào giải phóng dân tộc Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai chính là đã góp phần đáng kể làm sụp đổ căn bản cả hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, để lại bài học sâu sắc về sức mạnh của sự hợp tác cùng đấu tranh chống kẻ thù chung trong một khối đồng minh dựa trên những lợi ích chính đáng.

Những nhân tố chủ quan

Về cơ bản, Australia là nước TBCN hiện đại có nền tảng kinh tế lớn, phát triển, đại đa số lao động có trình độ cao, tầng lớp trung lưu cấp tiến chiếm số lượng đông đảo trong xã hội, tầng lớp đại tư sản tư bản công nghiệp tài chính - ngân hàng kết hợp với chủ kinh doanh của các tập đoàn kinh tế khổng lồ ngày càng chi phối các quyết sách chính trị của chính phủ, trở thành giai cấp nắm quyền thống trị kinh tế - xã hội Australia. Do đó, bản chất đường lối chính trị của các đảng chính trị tại Australia nhìn chung là bảo vệ tư sản vừa và nhỏ, tầng lớp đại tư sản cầm quyền, chống chủ nghĩa xã hội, tăng cường thực thi chủ nghĩa đa nguyên, đa văn hóa, phổ biến các giá trị dân chủ tự do. Tính chất ổn định về đường lối đối ngoại thể hiện cụ thể qua việc các đảng chính trị đều nhằm cùng một nguyên tắc cơ bản thống nhất với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, với nguyên tắc về sở hữu tư nhân, về kinh tế thị trường và thừa nhận sự phân tầng xã hội.[ 4 , tr.22-23]

Australia ban đầu chỉ nhìn nhận phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam như một phong trào dân tộc chủ nghĩa, là công việc nội bộ tình hình quốc gia và không phải là vùng lợi ích trực tiếp của Australia dù về kinh tế hay về an ninh quân sự quốc phòng. Trước khi Chiến tranh Lạnh bùng nổ, Australia coi cuộc kháng chiến Việt Nam chống lại chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai của thực dân Pháp là công việc nội bộ của một thuộc địa. Góc nhìn ấy được chia sẻ qua chính tin tức của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đăng tải trên tạp chí Current Notes on International Affairs “ Cao ủy Pháp tại Đông Dương đã ký kết một hiệp định với những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc, từ đó giải quyết ổn thỏa tranh chấp về việc quân đội Pháp hiện diện tại miền Bắc Việt Nam ”. [ 5 , tr.5-14] Theo đó, Việt Minh là một trào lưu dân tộc chủ nghĩa và tình hình chính trị Đông Dương vì vậy chưa phải mối hiểm họa đe dọa đến an ninh quốc phòng của Australia. Song sau khi các nhà nước và cách mạng ở Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc lần lượt ra đời thì góc nhìn của Australia đã thay đổi hoàn toàn.[ 6 , tr.45-46] Tuy nhiên, vì nhận thức không thể dựa vào Anh - một nước đế quốc có vùng lợi ích cốt lõi ở châu Âu và Bắc Phi, nên Australia đã quyết định chọn và thuyết phục Hoa Kỳ trở thành “người bảo hộ” mới. Và bằng việc tham gia hiệp ước phòng thủ Nam Thái Bình Dương ANZUS năm 1951 vốn được kỳ vọng như một cam kết thể hiện sự bảo vệ toàn diện của Mỹ đối với những lợi ích chiến lược của Canberra ở Đông Nam Á, có thể nói, Australia đã hưởng ứng ngay lập tức học thuyết Domino của Eisenhower, lấy tư cách đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ để tham chiến trực tiếp tại Việt Nam, bảo vệ an ninh phòng thủ Bắc Australia khỏi sự lây lan nguy hiểm của chủ nghĩa Mao. Rõ ràng, đó là lợi ích cốt lõi, thiết thực nhất khiến Australia tham chiến tại Việt Nam vì nhận thức mang tính bước ngoặt trong tư duy đối ngoại của chính phủ Australia “ Việt Nam không còn là vùng đất mà Australia không có lợi ích quốc gia trực tiếp nào ”.

Australia hình dung Việt Nam rơi vào tay Liên Xô hay Trung Quốc thì Mã Lai, Miến Điện, Thái Lan và Indonesia sẽ là những mục tiêu tiếp theo của chủ nghĩa xã hội. Australia nằm ở vị trí cuối cùng của dãy quân cờ domino, do đó, nếu không ngăn chặn sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương, Australia cũng sẽ bị đe dọa. Việc hàng loạt quân cờ sụp đổ, sẽ rơi vào sự kiểm soát của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc là một nỗi kinh hoàng đối với Australia - đất nước đã nuôi dưỡng hàng trăm năm nỗi căm thù khiếp sợ người Trung Quốc, những người buộc chính phủ Australia theo đuổi chính sách Nước Australia da trắng nhằm giảm sự chảy máu của nền kinh tế Australia những năm 1850 đến nay.

Pháp trao quyền tự trị cho chính phủ liên hiệp Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, Australia lập tức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao, các hoạt động viếng thăm và làm việc với chính phủ Bảo Đại được diễn ra giữa ngoại trưởng Australia Richard Cassey và Quốc trưởng Bảo Đại. Tất cả những động thái trên có thể được hiểu là do bối cảnh Chiến tranh Lạnh đã đưa Australia đứng về hàng ngũ những người dân tộc chủ nghĩa có cùng ý thức hệ dân chủ tự do với Australia để bảo đảm an ninh cho Bắc Australia, vốn chỉ cách Hà Nội một khoảng đúng bằng từ Perth (Tây Australia) tới Brisbane (Queensland). Việc giúp đỡ tối đa cho chính phủ Bảo Đại giành ưu thế so với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm 1956, việc kêu gọi nỗ lực tập trung kiến tạo một cấu trúc an ninh phòng thủ tập thể tại Đông Á chỉ bao gồm các nước đồng minh phương Tây trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính vị trí địa lý xa cách, biệt lập với các nước phương Tây, cùng với tâm lý mang trong mình là “ tiền đồn của phương Tây ở Thái Bình Dương ”, nên Australia luôn không ngừng kêu gọi thúc giục các nước đồng minh phương Tây chống lại “ thảm họa cộng sản xâm lăng ” để có thể đảm bảo an ninh khu vực giàu tài nguyên hàng đầu thế giới. Đó cũng là lý do chính sách Phòng thủ tiền tiêu của Australia ra đời như một công cụ ràng buộc sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á chặt chẽ hơn, từ đó có “ người bảo hộ ” về an ninh đảm bảo cho Australia.

Cho đến tận cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, khi Chiến tranh Việt Nam dần đi đến hồi kết, Australia vẫn tiếp tục xây dựng góc nhìn Đông Nam Á qua nhãn quan lợi ích chiến lược về an ninh khu vực và kinh tế quốc tế, từ đó hoạch định chính sách đối ngoại mới Hướng về châu Á đảm bảo lợi ích quốc gia về kinh tế và an ninh quốc phòng của Australia tại khu vực Đông Á. Những chính sách xoay quanh quyết định đưa quân tham chiến trực tiếp tại Việt Nam cho thấy trọng tâm chính sách đối ngoại của Australia giai đoạn này chính là nhận thức về một Đông Nam Á như khu vực ẩn chứa đầy những nguy cơ có thể đe dọa an ninh khu vực Cận Bắc của Australia bất cứ lúc nào. Trong khi đó, Mỹ tập trung lực lượng theo cái gọi là khác biệt ý thức hệ, thực chất là để tăng cường sức ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời ngăn chặn sức ảnh hưởng của mọi siêu cường trỗi dậy nào khác thách thức mưu đồ, tham vọng bá chủ toàn cầu của Mỹ. Việc Mỹ chấp nhận hợp tác quân sự với Australia, New Zealand cũng được xem là một bước của kế hoạch đó, đặc biệt khi các căn cứ quân sự của Mỹ không còn có khả năng phát triển và phát huy tác dụng ở Philippines, Australia lại đang “tự nguyện”, “mời gọi”. Tuy nhiên, quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ và Australia là “đồng sàng dị mộng”. Vì vậy, cách tiếp cận học thuyết Domino dù tương đồng ít nhiều nhưng chỉ phần nào cho thấy sự trùng khớp ngẫu nhiên giữa lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ và Australia khi tham chiến trực tiếp tại miền Nam Việt Nam.

Về cơ bản, lợi ích của Hoa Kỳ ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á hay Châu Á Thái Bình Dương nói chung trong giai đoạn 1954-1975 gồm ba nhóm: lợi ích sống còn, lợi ích chiến lược và lợi ích quan trọng khác. Về lợi ích sống còn của Hoa Kỳ ở Việt Nam, không gì khác hơn chính là mong muốn thiết lập bá quyền, mở rộng bá quyền ra toàn thế giới. Việc truyền bá giá trị dân chủ tự do và văn hóa đại chúng Mỹ chính là một bộ phận của mục tiêu bá chủ toàn cầu đó “ là người dẫn dắt cả thế giới còn trong bóng tối ”, từ đó thiết lập và duy trì vị trí, vai trò lãnh đạo một trật tự thế giới mới của Mỹ. Với việc luôn coi chủ nghĩa xã hội Trung Quốc là một mối đe dọa đối với nền an ninh chính trị toàn cầu của mình, Hoa Kỳ đã coi quan hệ Mỹ-Trung như một trong những nhân tố có thể làm thay đổi lợi ích của Mỹ, và quyết định quan trọng đến mối quan hệ của Hoa Kỳ với các nước đồng minh chiến lược trong Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ có bốn lợi ích chiến lược quan trọng tại Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung là:

1. một môi trường ổn định đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư thương mại của Hoa Kỳ tại khu vực,

2. an ninh thương mại khu vực Thái Bình Dương,

3. tự do giao thương đường biển,

4. ngăn chặn bất kỳ khối liên minh hay cường quốc nào trỗi dậy tại khu vực.[ 7 , tr.83-90]

Quan hệ đồng minh chiến lược Australia-Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Thắt chặt hợp tác quân sự, tham chiến cùng Mỹ tại miền Nam Việt Nam

Tiếp theo sau cuộc chiến tranh bán đảo Triều Tiên 1950-1953 với 300 binh lính bị hy sinh, tháng 7/1962, Australia gửi đến Việt Nam 30 cố vấn huấn luyện chiến thuật chống lại chiến tranh du kích. Chuyến đi đến miền Nam Việt Nam vào tháng 7 và tháng 8 năm 1962 của Đội huấn luyện quân sự Australia tại Việt Nam (AATTV) đã mở đầu cho sự tham chiến của Australia tại Việt Nam. Tháng 8/1964, lực lượng không quân hoàng gia Australia đã gửi một phi đội Lộc Nam tới cảng Vũng Tàu. Đến đầu năm 1965, khi miền Nam Việt Nam rõ ràng đã không thể ngăn chặn các thành viên xã hội chủ nghĩa miền Bắc được nữa, Hoa Kỳ bắt đầu leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Cuối năm 1965, Hoa Kỳ đã đưa 20 vạn quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Để hưởng ứng đáp lại như một sự ủng hộ trong vai trò đồng minh chiến lược của Mỹ, Australia đã gửi tiểu đoàn Đệ Nhất, Trung đoàn Hoàng gia Australia (IRAR) đến phục vụ sát cánh cùng Lữ đoàn không quân 173 của Hoa Kỳ tại Biên Hòa. Tháng 3/1966, chính phủ Australia thông báo gửi một lực lượng đặc biệt thay cho IRAR gồm hai tiểu đoàn và một phi đội RAAF đóng tại Núi Đất, Phước Tuy. Khác với RAAR, lực lượng đặc nhiệm này được giao cho một khu vực hoạt động riêng, gồm cả dự bị được tuyển mộ theo Đề án Quân dịch quốc gia năm 1964. Tất cả 9 tiểu đoàn RAR phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm ấy đến hết năm 1971. Vào giai đoạn đỉnh điểm cuối năm 1967 - đầu năm 1968, quân số Australia lên đến 8500 người bao gồm cả nhân viên phục vụ nói chung, cán bộ quân đội và quân trực tiếp chiến đấu nói riêng. 1/3 phi đội RAAF của lực lượng ném bom phản lực Canberra cũng đã được tham chiến vào năm 1967, các tàu khu trục của Hải quân hoàng gia cũng đã cùng những người lính tuần tra Hoa Kỳ tuần tra ngoài khơi miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra, Hải quân Hoàng gia Australia còn góp một đội lặn rà phá mặt biển, một trực thăng tháo rời được quân đội Hoa Kỳ vận hành vào tháng Mười năm 1967. 8

Tháng 6/1969, bất chấp bất lợi về địa bàn chiến đấu, không phải tại rừng núi hiểm trở mà tại một địa hình đô thị, đồng bằng duyên hải, ở miền Trung tỉnh Phước Tuy, quân đội Australia với ưu thế hai chiếc xe tăng bọc thép đã đẩy lùi 130 quân Giải phóng, bắt 8 bộ đội Việt Nam làm tù binh, và chỉ bị thương 8 người lính Australia. 9

Đến cuối năm 1970, Australia bắt đầu giảm nỗ lực quân sự tại miền Nam Việt Nam. Tiểu đoàn 8 khởi hành vào tháng 11 năm 1970 chỉ để bù đắp sự suy giảm về quân số Australia tại Phước Tuy. Việc rút quân tiếp tục được triển khai trong suốt năm 1971, tiểu đoàn cuối cùng đã rời khỏi Núi Đất, Phước Tuy vào ngày 7/11/1971. Đến tháng 12/1972, tổ Cố vấn trở thành những người lính Australia cuối cùng trở về quê nhà sau mười năm rưỡi phục vụ tại miền Nam Việt Nam (từ tháng 7/1962 tới tháng 12/1972). Ngày 11 tháng 01 năm 1973, thủ tướng Australia chính thức ban hành lệnh tuyên bố chấm dứt sự tham chiến của Australia tại Việt Nam, và chỉ giữ lại một trung đội bảo vệ sứ quán Australia tại Sài Gòn. Tháng Tư năm 1975, một phi đội RAAF của Hercules đã thực hiện nhiệm vụ nhân đạo quốc tế hỗ trợ người tị nạn, tiến hành sơ tán trẻ em Babylift khỏi Việt Nam, và ngày 25/04/1975, toàn bộ trung đội bảo vệ và nhân viên đại sứ quán Australia tại Sài Gòn đã rút về nước. 10

Sau hơn mười năm tham chiến tại miền Nam Việt Nam, 521 người lính Australia đã tử trận, hơn 3000 người bị thương. Từ 30 cố vấn huấn luyện chiến thuật chống lại chiến tranh du kích được gửi đến Việt Nam vào tháng 7/1962, quân số Australia đã lên đến 7672 binh lính chiến đấu tại Việt Nam vào cuối năm 1967 - đầu năm 1968. Trong vòng 9 năm từ 1965 đến 1973, đã có 8300 binh lính và gần 47000 nhân viên quân đội Australia được cử đến phục vụ chiến tranh tại Việt Nam. [ 11 , tr.23]

Củng cố và mở rộng quan hệ chính trị - an ninh Australia-Hoa Kỳ trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam

Là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Australia trong suốt nửa thế kỷ Chiến tranh Lạnh, ANZUS là hiệp ước an ninh phòng thủ song phương quan trọng nhất, vẫn tiếp tục tồn tại trên cơ sở chia sẻ lợi ích an ninh giữa các thành viên trong việc gạt bỏ sức ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội Liên Xô và Trung Quốc. Sự tồn tại của hiệp ước ANZUS vì vậy không có những yếu tố bấp bênh, không rõ ràng như các hiệp ước khác, quan hệ của Australia với Hoa Kỳ. Theo quan điểm của Australia, chính sự hiện diện về lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự ổn định về an ninh của cả khu vực, trong đó có Australia.

Nếu như ANZUS đóng vai trò hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Australia thì SEATO đã đặt cơ sở hợp pháp cho chính sách Phòng thủ tiền tiêu của quốc gia này. Trong khuôn khổ hiệp ước SEATO, Australia không che giấu quan điểm tìm kiếm sự bảo trợ an ninh của Hoa Kỳ trong không gian sinh tồn Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương. Nổi bật là phát biểu của Ngoại trưởng Australia Bury vào năm 1971 “ SEATO có giá trị đối với chúng ta vì Mỹ đã cam kết giúp đỡ không chỉ Australia, New Zealand mà còn với cả Philippines, Việt Nam Cộng hòa và Thái Lan ”. Mặc dù không chính thức đề cập đến chủ nghĩa xã hội nhưng Hoa Kỳ đã khẳng định cam kết của quốc gia này với các nước thành viên còn lại của hiệp ước chỉ áp dụng khi lãnh thổ và an ninh của các nước thành viên bị chủ nghĩa xã hội tấn công; đồng thời, liên tiếp trong các cuộc họp của SEATO năm 1956, 1958, 1960, 1961 đều thảo luận chương trình tăng cường lực lượng vũ trang trong từng quốc gia, các chương trình phối hợp hoạt động quân sự. Cùng với NATO, CENTO, ANZUS, SEATO, Hoa Kỳ đã thiết lập một hệ thống mạng lưới an ninh phòng thủ liên hoàn, bao vây chặt chẽ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Á Âu, từ đó kìm hãm phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân, phong trào cộng sản thế giới. Nhìn chung, mục tiêu của Australia khi tham dự vào ANZUS, SEATO đều là “ chống chủ nghĩa xã hội, và mối đe dọa từ sự bành trướng của Trung Quốc…thúc đẩy cùng tồn tại hòa bình, hiệu quả…bảo đảm nền an ninh quốc gia của Australia. Tư cách thành viên của chúng ta trong các hiệp ước ANZUS và SEATO đã phản ánh quan điểm này và đồng thời nói lên việc chúng ta không đủ khả năng để bảo đảm cho nền an ninh của mình nếu không có sự giúp đỡ của một nước lớn khác ” [ 4 , tr.94-100]

Định hình và phát triển hợp tác văn hóa-giáo dục-khoa học kĩ thuật trong quan hệ đồng minh chiến lược Australia - Hoa Kỳ giai đoạn Chiến tranh Việt Nam

Kể từ ngày 4 tháng 7 năm 1918, khi quân đội Australia và Hoa Kỳ lần đầu tiên sát cánh bên nhau trong Trận Hamel, binh lính Australia và Hoa Kỳ - thủy thủ - thủy quân lục chiến - lính không quân và phụ nữ đã phục vụ cùng nhau trong mọi cuộc xung đột lớn. Đây là biểu tượng của sự ràng buộc sâu sắc và lâu dài, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ tồn tại giữa Australia và Hoa Kỳ. Mối quan hệ giữa Australia và Hoa Kỳ là duy nhất về chiều rộng, chiều sâu và chiều dài và được đặc trưng bởi mối quan hệ văn hóa đích thực và tinh thần hợp tác. Mối quan hệ đương đại giữa hai quốc gia bao gồm nhiều lĩnh vực nỗ lực chung, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh, liên kết đầu tư và thương mại rộng lớn tạo công ăn việc làm cho người Australia và người Mỹ, trao đổi văn hóa, cạnh tranh thể thao, tham gia giáo dục, nghiên cứu và phát triển và du lịch.

Hiệp ước đầu tiên được ký giữa Hoa Kỳ và Australia là thỏa thuận năm 1949 thành lập Chương trình Fulbright và kể từ đó, hơn 5.000 người Australia và người Mỹ đã nhận được học bổng Fulbright. Hoa Kỳ và Australia đã ký kết một hiệp ước tương trợ pháp lý để tăng cường hợp tác song phương về các vấn đề pháp lý và chống ma túy. Hai nước cũng đã ký các hiệp ước hợp tác thương mại quốc phòng và thuế, cũng như các thỏa thuận về hợp tác y tế, không gian, khoa học và công nghệ, hợp tác quản lý khẩn cấp và an sinh xã hội. Nhiều tổ chức của Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động khoa học hợp tác tại Australia. 12

Năm 1950, Australia khởi xướng kế hoạch Colombo với mục tiêu viện trợ kinh tế cho các nước Nam Á và Đông Nam Á. Chỉ sau 4 năm, kế hoạch Colombo đã thu hút sự tham gia của Canada, New Zealand, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Sri Lanka và các quốc gia châu Á. Đây là một phần của kế hoạch ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội mà Australia, Hoa Kỳ và các nước đồng minh chiến lược khác của Mỹ đều muốn thông qua kế hoạch để đẩy lùi đói nghèo, từ đó thu hẹp phạm vi không gian ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội tại Nam Á và Đông Nam Á. Trong giai đoạn 1950-1971, nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm 8,2% tổng giá trị nhập khẩu của Australia, đồng thời, Hoa Kỳ cũng chiếm 15,2% giá trị xuất khẩu của Australia. Đây là đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia trong giai đoạn này, chỉ sau Anh. [ 11 , tr.25]

Kế hoạch Colombo ra đời năm 1950, thời điểm cuộc chiến tranh Triều Tiên đánh dấu làm cho bầu không khí căng thẳng, Công đảng tại Australia thất bại trước liên đảng Tự do - Quốc gia đẩy mạnh quan điểm của Hoa Kỳ. Kế hoạch Colombo tuy không phải là hiệp ước an ninh, phòng thủ nhưng về sâu xa, động cơ chính trị của nó cũng không nằm ngoài mục tiêu ngăn chặn chủ nghĩa xã hội như ANZUS, SEATO. Chính tính chính trị đó đã lý giải tại sao kế hoạch Colombo lại hoàn toàn bỏ trống miền Bắc Việt Nam - lãnh địa của chủ nghĩa xã hội. Với nhận thức coi đói nghèo, bệnh tật, lạc hậu là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, kế hoạch Colombo đã được đề ra để ổn định kinh tế - chính trị - tiến bộ xã hội Đông Nam Á và nhận được sự ủng hộ mang tính cam kết theo chu kỳ 3 năm từ các nước Australia, Canada, New Zealand. Tính đến năm 1968, Australia đã gửi hơn 1500 chuyên gia đến các quốc Á - Phi - Nam Thái Bình Dương, đào tạo hơn 9400 học sinh, sinh viên từ các nước này theo chương trình của kế hoạch Colombo. Bên cạnh đó, kế hoạch Colombo còn tập trung phát triển kinh tế theo nhu cầu của các quốc gia nhận viện trợ. Nhìn chung, các khoản viện trợ trong khuôn khổ Kế hoạch Colombo đã rút ngắn khoảng cách chênh lệch kinh tế xã hội giữa Australia và các quốc gia Đông Nam Á, từ đó đảm bảo các nước này không trở thành miền đất hứa đối với chủ nghĩa xã hội Trung Quốc và có thể đảm bảo an ninh phòng thủ cho Australia từ những quân cờ domino đầu tiên. Kế hoạch Colombo nhờ đó đã dẹp bỏ dần dần lo ngại của Australia về sự bành trướng ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á.[ 4 , tr.92-93]

KẾT LUẬN

Australia là một nước tư bản chủ nghĩa hiện đại, có tầng lớp đại tư sản, và các tập đoàn tư bản khai khoáng khổng lồ chi phối đáng kể chính sách kinh tế - chính trị xã hội của Australia. Với nền tảng tư tưởng chính trị chủ yếu đề cao những giá trị dân chủ tự do phương Tây, lại có vị trí địa lý đặc biệt là tiền đồn của phương Tây ở châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh luôn phải tìm kiếm một “ chiếc ô bảo hộ ” an ninh biên giới phía Bắc từ một “ người khổng lồ ” để chống lại mọi mối đe dọa có thể đến từ phương Bắc, Australia đã tìm kiếm, lôi kéo và “bán mình” cho mối quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Việt Nam (1954-1975). Đây không chỉ là cuộc chiến dai dẳng, ác liệt nhất trong lịch sử Australia và Hoa Kỳ, chính thức biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn của chủ nghĩa thực dân Mỹ kiểu mới để ngăn chặn và đẩy lùi hoàn toàn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc tràn xuống khu vực Đông Nam Á, mà còn là bước ngoặt chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến phi nghĩa của hàng loạt nước đồng minh và Hoa Kỳ với chủ nghĩa xã hội ở châu Á, để lại bài học sâu sắc cho nhân loại về sự quyết định của tính chính nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của bất kỳ mối quan hệ đồng minh nào được hình thành trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, để đánh đổi sự bảo hộ an ninh từ Hoa Kỳ đối với khu vực biên giới phía Bắc của đất nước, Australia đã phải chấp nhận số lượng đội cố vấn - nhân viên quốc phòng và thanh niên phục vụ nghĩa vụ quân sự bị thương vong bằng tổng số lượng thương vong trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới mà Australia đã quyết định tham chiến cùng Anh. Sự tham chiến của Australia trong Chiến tranh Việt Nam như một phương tiện đảm bảo sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương trước nguy cơ cao về sự rút lui của Anh khỏi bờ Đông kênh đào Suez.

Hiệp ước an ninh ANZUS được xem như hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Australia ở Đông Nam Á, là hiệp ước an ninh phòng thủ song phương quan trọng nhất, vẫn tiếp tục tồn tại trên cơ sở chia sẻ lợi ích an ninh giữa các thành viên trong việc gạt bỏ sức ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội. Sự tồn tại của hiệp ước ANZUS vì vậy không có những yếu tố bấp bênh, bất định như các hiệp ước quan hệ đồng minh khác. Quan hệ đồng minh chiến lược Australia - Hoa Kỳ trong khuôn khổ hiệp ước ANZUS đã giúp Hoa Kỳ có thể tận dụng lãnh thổ của Australia cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Ngược lại, những cam kết của Hoa Kỳ trong bảo vệ Australia khỏi tấn công, đe dọa về an ninh và quốc phòng từ Trung Quốc, Nhật Bản và các nước láng giềng trực tiếp Đông Nam Á cũng đã góp phần không nhỏ trong việc dẹp bỏ những ưu tư, lo lắng, quan ngại và ám ảnh sâu sắc của Australia. Hiệp ước ANZUS đã thể hiện rõ mối quan hệ đồng minh chiến lược chặt chẽ của Australia với Hoa Kỳ trên các lĩnh vực tình báo, công nghệ quốc phòng, các kế hoạch yểm trợ và hậu cần, qua đó hỗ trợ răn đe hiệu quả mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ trong vòng 1000 dặm quanh vùng lãnh thổ phía Bắc Australia. Cả một thế hệ những người Australia học cách nhìn thế giới qua lăng kính phiến diện của họ. Cả một thế hệ người dân Australia bị phân hóa mạnh mẽ bởi cuộc chiến này. Sự thất bại của quân đội Australia, Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh trực tiếp tham chiến khác đã đặt Liên minh Bảo thủ ở Australia bên bờ vực tín nhiệm thấp nhất và đi đến thất bại trong cuộc bầu cử năm 1972, dẫn đến sự trở lại của chính quyền Công đảng sau 23 năm vắng bóng trên chính trường (1949-1972) [ 4 ; tr.43-44]. Hiệp ước ANZUS đã thể hiện rõ mối quan hệ đồng minh chiến lược chặt chẽ của Australia với Hoa Kỳ trên các lĩnh vực hỗ trợ răn đe hiệu quả mọi cuộc tấn công vào trong 1000 dặm quanh vùng lãnh thổ phía Bắc Australia. Đồng minh với Hoa Kỳ trong thế kỷ XX vì vậy đã trở thành trụ cột trong chính sách đối ngoại của Australia nhằm bảo đảm chống lại một cuộc tấn công từ bên ngoài đe dọa nền an ninh của quốc gia này. Các thủ tướng từ cả hai chính đảng lớn đã đưa ra những tuyên bố thống nhất về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Australia với Hoa Kỳ: “Hoa Kỳ là anh cả của Australia” (Billy Hughes) [ 13 , tr.5]; “Hoa Kỳ là lá chắn của nó” (Harold Holt); và “Hoa Kỳ là một đồng minh trong suốt nhiều năm tới” (Julia Gillard) 14 .

Chiến tranh Việt Nam đã đi qua hơn bốn mươi năm. Quan hệ đồng minh chiến lược giữa Australia và Hoa Kỳ tuy đã gặp không ít gợn sóng, trục trặc, nhưng vẫn được xem như hòn đá tảng lớn nhất, được sự thống nhất rộng rãi nhất của cả lưỡng đảng cầm quyền lớn nhất Australia. Trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Australia vẫn là lợi ích cốt lõi về an ninh và kinh tế qua đường biển thông qua hàng loạt eo biển nằm trên tuyến đường thương mại biển huyết mạch Đông Nam Á. Nhưng hợp tác trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục - khoa học kĩ thuật giữa Australia và Hoa Kỳ đã ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đặc biệt, quan hệ hợp tác về giáo dục giữa Australia - Hoa Kỳ đã góp phần củng cố đáng kể sức mạnh mềm của Australia thông qua công nghệ xuất khẩu mô hình giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới. Bài học về thất bại của quan hệ đồng minh Australia-Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam sẽ vẫn còn có giá trị to lớn trong bối cảnh Australia cùng với các nước phương Tây đều đang ráo riết hình thành những khối quan hệ đồng minh về chính trị - an ninh có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế-chính trị thế giới nhằm mục đích gia tăng sức mạnh kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo đó, Australia cần tỉnh táo và tăng cường tính tự chủ, sáng tạo trong quan hệ đối ngoại, từ đó giảm phụ thuộc về kinh tế - chính trị - an ninh đến mức “bán mình” cho bất kỳ cường quốc thế giới nào.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

SEATO: South East Asia Treaty Organisation (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á)

NATO: North Atlantic Treaty Organisation (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương)

CENTO: The Central Treaty Organisation (Tổ chức Hiệp ước Trung ương)

ANZUS: Australia, New Zealand, United States Security Treaty (Khối Hiệp ước An ninh quân sự Australia, New Zealand, Mỹ)

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả đã sưu tầm tài liệu luận văn, luận án, kỷ yếu khoa học, các bài đăng từ Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, từ các website uy tín của Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Macquarie, Đại học Quốc gia Australia, website Academia, Researchgate, và website tài nguyên số của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

References

  1. Nam Hoàng Khắc. Quyền lực trong quan hệ quốc tế: lịch sử và vấn đề. Hà Nội: Nxb Văn hóa thông tin. . 2012;:. Google Scholar
  2. Thiện Lê Đức. Sự biến đổi địa chính trị Đông Nam Á từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM. . 2013;:. Google Scholar
  3. Quang Lê Văn. Lịch sử thế giới hiện đại. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM. . 1998;:. Google Scholar
  4. Hạnh Dỗ Thị. Quan hệ của Australia với Đông Nam Á từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Hồ Chí Minh: Nxb. Giáo dục. . 1999;:. Google Scholar
  5. Định TT. Australia tham dự cùng Đông Á - lịch sử phát triển của một định hướng đối ngoại. Phát triển khoa học và công nghệ. . 2017;(20):5-14. Google Scholar
  6. Đàn VX. Quan hệ Australia - Việt Nam: thành tựu và triển vọng. Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một. . 2011;2:45-46. Google Scholar
  7. Huân Vũ Dương. Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia. . 2003;:. Google Scholar
  8. Australian Living Peace Museum. Later Moratorium September 1970 and June 1971 [Online]. . ;:. Google Scholar
  9. . . ;:. Google Scholar
  10. Australian Living Peace Musem. Opposition to the Vietnam War in Australia [Online].? [cited 2019 Nov 27]. . ;:. Google Scholar
  11. Thảo DT. Quan hệ Úc - Mỹ từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM. . 2013;:. Google Scholar
  12. Australia and the Vietnam War. Battle of Binh Ba June 1969 [Online]. [cited 2019 Nov 27]. . ;:. Google Scholar
  13. G.G. Harry. The Australian - American alliance. Meanjin Quarterly. . 1968;(27):5. Google Scholar
  14. Gillard Julia. I Always Remember Thinking: American can do anything. Vital Speeches of the Day. . 2011;(77):162-166. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 1 (2021)
Page No.: 939-946
Published: Mar 31, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i1.650

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Giang, N. (2021). Australia – a strategic alliance of the US in the period of Vietnam War (1954-1975). VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(1), 939-946. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i1.650

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 2243 times
Download PDF   = 423 times
View Article   = 0 times
Total   = 423 times