VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

735

Total

459

Share

Japanese commercial activities in French Indochina from the late 19th century to 1945






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

From the late 19th century to the early 20th century, Japan promoted trade and investment in Southeast Asia, including French Indochina. As a subregion with an abundance of natural resources and potential consumption market, Indochina became an attractive destination for Japanese merchants and companies. The Japanese merchants moved into French Indochina from the end of the 19th century and the early 20th century together with the great surge of Japanese immigration to Southeast Asian countries since the end of the Meiji period. In the first phase, the number of Japanese merchants in Indochina was relatively small and mainly engaged in importing and exporting activities or grocery trading. In addition to merchants, Japanese economic zaibatsu and companies started to open representative offices or branches in Indochina such as Mitsui Bussan, Mitsubishi, Menka which focused on purchasing rice and coal. However, from the early 20th century to the late 1930s, commercial activities of Japanese merchants and companies in Indochina were restricted due to various reasons. From the late 1930s to the 1940s, along with Japanese commercial policy towards Southeast Asia, especially the entry of Japanese military into Indochina, the Japanese merchants and companies expanded their commercial activities in this region, through which the great impacts were put upon foreign trade activities in Indochina as well as the commercial relationship between Japan and Indochina.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Từ cuối thế kỷ XIX phần lớn các nước Đông Nam Á (trừ Thái Lan) đều nằm dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Ngoài trừ Siam là nước đầu tiên và duy nhất thiết lập ngoại giao chính thức với Nhật Bản vào năm 1887, quan hệ giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đều phải thông qua các nước mẫu quốc là Pháp, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha. Sau khi chính phủ Minh Trị được thành lập vào năm 1868, với phương châm "Phú quốc cường binh", bên cạnh việc tiến hành một chuỗi các cải cách tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực, chính quyền mới còn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ngoại thương. Thắng lợi của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905) không những giúp Nhật Bản tăng cường vị thế và sự ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á mà còn tạo cơ hội cho Nhật Bản đầy mạnh chính sách "Nam Tiến" trên lĩnh vực thương mại đối với khu vực này. Người Nhật đã có mặt tại Đông Dương thuộc Pháp từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các thương nhân và doanh nghiệp Nhật đã từng bước xác lập và mở rộng các cơ sở kinh doanh của mình tại vùng đất mà vốn thuộc đặc quyền của người Pháp và người Hoa. Tuy hoạt động thương mại của các thương nhân và doanh nghiệp Nhật Bản ở Đông Dương không phát triển mạnh mẽ như ở các nước Đông Nam Á khác như Đông Ấn Hà Lan, Malaya thuộc Anh, Philippines nhưng cũng có những điểm nổi bật và tầm quan trọng riêng cần được làm sáng tỏ. Bằng việc sử dụng phương pháp lịch sử và logic trong quá trình nghiên cứu mà cụ thể là căn cứ vào bối cảnh lịch sử trong từng giai đoạn cụ thể để phân tích những hoạt động thương mại của các thương nhân và các công ty Nhật Bản ở Đông Dương, bài viết hướng tới việc đánh giá một cách logic và có hệ thống những đặc điểm nổi bật đáng chú ý trong hoạt động thương mại của người Nhật ở tiểu vùng này.

Khái quát quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Dương từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945

Từ cuối thế kỷ XIX, với sự thành công của công cuộc Minh Trị Duy tân và đặc biệt là sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật, Nhật Bản muốn bành trướng thế lực về kinh tế và quân sự của mình ra toàn khu vực châu Á. Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật cũng rất chú ý đến một khu vực có tài nguyên phong phú và thị trường tiêu thụ rộng lớn như Đông Dương. Tuy nhiên, so với các nước Đông Nam Á khác như Đông Ấn Hà Lan, Philippines, Malaya thuộc Anh, Siam, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và Đông Dương chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Trong cán cân thương mại giữa Nhật Bản và Đông Dương, Nhật Bản luôn là nước nhập siêu chủ yếu là các mặt hàng như gạo, than đá, kim loại và bông sợi. Tuy Nhật Bản nhập rất nhiều hàng hoá từ Đông Dương nhưng kim ngạch xuất khẩu của Nhật đến Đông Dương chưa bao giờ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Điều này có thể thấy rõ thông qua số liệu được trình bày trong Table 1 . Nguyên nhân chính là do chính quyền thực dân Pháp muốn độc chiếm thị trường thuộc địa Đông Dương, biến vùng này trở thành nơi cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hóa của mẫu quốc. Để thực hiện chính sách này, Pháp đã dựng nên hàng rào thuế quan để ngăn cản hàng hóa của các nước khác nhập vào Đông Dương trong đó có Nhật Bản.

Table 1 Tỷ lệ mậu dịch giữa Nhật Bản và Đông Nam Á (1910 -1935) (Đơn vị: %) Nguồn: [ 1 , tr.292]

Từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, trước những biến động to lớn của tình hình thế giới mà đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã tác động lớn đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Đông Dương. Nếu như vào những năm 1920 - 1930, trong quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, các nước như Đông Ấn Hà Lan, Malaya thuộc Anh, Philippines chiếm vị trí áp đảo so với Đông Dương thì đến những năm 1940 xuất nhập khẩu của Nhật với Đông Dương chiếm vị trí số 1 ở Đông Nam Á. Vào năm 1942, kim ngạch thương mại giữa Đông Dương và Nhật Bản tăng một cách đột biến từ 26 triệu yên (năm 1939) lên 223 triệu yên (năm 1942) đối với nhập khẩu (nhập khẩu từ Đông Dương của Nhật Bản) và từ 1,9 triệu yên (1939) lên 144 triệu yên (1942) đối với xuất khẩu (xuất khẩu sang Đông Dương của Nhật Bản) ( Table 2 ). Việc Nhật Bản tăng cường quan hệ thương mại với Đông Dương không hướng tới mục đích phát triển của hai phía mà chỉ phục vụ cho nhu cầu của Nhật trong việc nhập những mặt hàng chiến lược như gạo, than đá, cao su.

Table 2 Kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và Đông Nam Á từ 1940 -1945 (Đơn vị: 1000 Yên) 2 , 3 , 4

Hoạt động thương mại của người Nhật ở Đông Dương từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945

Hoạt động của các thương nhân Nhật Bản

Người Nhật đã có mặt tại Đông Dương thuộc Pháp từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Phần lớn những di dân Nhật Bản ở Đông Dương đến từ những vùng nông thôn nghèo ở Kyushu như Nagazaki, Shimabara, Amakusa [ 5 , tr. 212]. Tuy nhiên, số lượng người Nhật ở Đông Dương chiếm số lượng rất hạn chế. Vào năm 1914 số lượng người Nhật ở Đông Nam Á là 13.855 người trong đó người Nhật ở Đông Dương chỉ có 161 người, chiếm không đến 2% số lượng người Nhật ở khu vực này [ 6 , tr. 351]. Đến những năm 1920 - 1930 số người Nhật ở Đông Dương tăng hơn 300 người, tiêu biểu là năm 1937 với số lượng 241 người [ 7 , tr. 129] trong đó tập trung đông nhất ở các trung tâm kinh tế như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Pnompenh.

Sự phát triển hoạt động thương mại của người Nhật ở Đông Dương được tiến hành theo các phương thức như sau: đến trực tiếp từ Nhật Bản; đến từ những vùng lãnh thổ do Nhật Bản cai trị; đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ không thuộc quyền cai trị của Nhật [ 8 , tr.198]. Trong các phương thức trên phương thức 1 bao gồm đối tượng là các di dân và các công ty, riêng phương thức 2 và 3, đối tượng chủ yếu là các công ty. Vào đầu thế kỷ XX, số lượng người Nhật hoạt động kinh doanh tương đối ít chủ yếu là chủ các nhà chứa. Vào năm 1900, trong số 12 người Nhật đang sinh sống ở khu vực Tonkin thì có 8 người hoạt động kinh doanh (6 người là chủ các nhà chứa, 2 người mở cửa hàng bán tạp phẩm) [ 5 , tr. 210]. Vào năm 1932 có 62 thương nhân Nhật Bản hoạt động tại Đông Dương [ 4 , tr.56]. Đến năm 1936 con số này tăng lên 76 người trong đó có 41 người là tiểu thương buôn bán tại các chợ trung tâm ở Sài Gòn Chợ Lớn [ 7 , tr.140]. Tại Hà Nội, trong số 53 người Nhật đang sinh sống thì có 4 thương nhân kinh doanh tạp hoá, bán dụng cụ sơn, đồ kim loại [ 9 , tr 100]. Từ sau khi Lãnh sự quán của Nhật Bản được mở tại Sài Gòn vào năm 1936, hoạt động thương mại và đầu tư của Nhật Bản vào Đông Dương được xúc tiến mạnh mẽ kéo theo sự gia tăng số lượng các thương nhân Nhật Bản tại khu vực này. Vào những năm cuối thập niên 1930 có hơn 200 người Nhật đăng ký lưu trú tại Đông Dương là các thương nhân và nhà đầu tư. Khi mới đến Đông Dương, các thương nhân Nhật Bản buôn bán các sản phẩm nội địa như gạo, than củi, hàng tiểu thủ công nghiệp, gỗ xây dựng...nhưng do sự cạnh tranh của thương nhân người Pháp và người Hoa nên phần lớn chuyển sang lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá. Vào năm 1935 Phòng Công thương Nhật Bản tại Đông Dương được thành lập tại Sài Gòn với 33 thành viên là các thương nhân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại các địa phương của Đông Dương như Sài Gòn Chợ Lớn, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng. Họ là những thương nhân có thế lực, đứng đầu các công ty lớn của Nhật ở Đông Dương như Oku Kazuo, Ishikawa Tokuo, Kuroshima Akira, Kuroshima Akira, Mizutani Otokichi, Nagashima Kikuo, Takeuchi Matsujiro, Ebara Kichinosuke, Yokoyama Seishu (Hải Phòng), Watanabe Tohichi, Yamada Ryutaro, Oda Naohiko, Sumida Kohichi, Kikuchi Ichinosuke, Shimomura Satoshi, Matsuda Satoshi, Yamada Kiyoshi (Hà Nội), Ninomiya Matsuhisa (Đà Nẵng), Takatani Makinosuke, Kato Tukasa (Nha Trang), Shiota Keijin, Matsushita Mitsuhiro, Morise Isamu, Murakami Katsuhiko, Tochi Masakazu, Kato Toshio, Miwa Takashi, Nishizaki Mitsugu, Kim So Ritsu, Vrinat, G.Y (Sài Gòn), Kyu Ren Shin, Shu Kin Paku, Ko To Ko (Chợ Lớn) [ 10 , tr.392-393]. Bên cạnh đó, các Hiệp hội người Nhật cũng được thành lập lần lượt tại Hải Phòng vào năm 1935 và Hà Nội vào năm 1937 với sự tham gia của rất nhiều thương nhân.

Bước sang những năm 1940, cùng với việc tiến vào Đông Dương của quân đội Nhật và những điều khoản có lợi cho công dân Nhật đang sống tại Đông Dương theo Hiệp ước Tokyo ngày 6/5/1941 giữa Pháp và Nhật, số lượng thương nhân Nhật Bản ở Đông Dương tăng lên đặc biệt là khu vực Nam Kỳ. Theo thống kê của Thống đốc Nam kỳ vào năm 1944, có 98 cửa hàng của thương nhân Nhật đang hoạt động ở Nam Kỳ trong đó có 74 cửa hàng đã đã được cấp giấy phép và 24 cửa hàng đã đăng ký nhưng chưa có giấy phép. Các cửa hàng này không chỉ tập trung ở Sài Gòn Chợ lớn mà còn ở những vùng xa trung tâm như Mỹ Tho, Biên Hoà. Ngoài ra có nhiều cửa hàng của người Nhật hoạt động chui tại Sài Gòn Chợ lớn mà không khai báo với Pháp. Các cửa hàng này chủ yếu kinh doanh vải, đồ sứ, giấy, hàng tạp hóa nhập khẩu từ Nhật [ 11 , tr. 142].

Nếu như thương nhân Nhật ở các nước Đông Ấn Hà Lan, Philippines hay Malaya thuộc Anh chiếm số lượng đông và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp (trồng và sản xuất gai, cao su), lâm nghiệp, thuỷ hải sản, thương mại thì ở Đông Dương số lượng thương nhân Nhật rất ít và phần lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại mà cụ thể là nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm của Nhật Bản và Đông Dương. Có 2 nguyên nhân khiến cho số lượng các thương nhân Nhật ở Đông Dương ít hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Thứ nhất là do chính sách khắt khe của thực dân Pháp đối với thương nhân nước ngoài nhằm bảo đảm ưu tiên cho thương nhân mẫu quốc. Thứ hai là do sự chiếm lĩnh thị trường Đông Dương của thương nhân người Hoa đã khiến cho các thương nhân Nhật gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, một vài thương nhân Nhật Bản ở Đông Dương còn tham gia các hoạt động mang tính chính trị. Tiêu biểu Yamane Doichi ở miền Bắc và Matsushita Mitsuhiro ở miền Nam là hai thương nhân người Nhật đã hỗ trợ cho phong trào giành độc lập của Việt Nam. Yamane Doichi đến Đông Dương vào năm 1937 và hoạt động thương mại tại Hà Nội. Ông đã thành lập “Viện nghiên cứu kinh tế Đông Dương” như một nơi để giao lưu kiến thức, thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, trí thức ở Đông Dương trong đó có những người Việt Nam đang hoạt động chống Pháp [ 12 , tr. 74]. Ông đã liên hệ và giúp đỡ cho các hoạt động của những người này trong thời gian từ cuối những năm 1930 đến đầu những năm 1940 trước khi trở về nước. Matsushita Mitsuhiro là thương nhân Nhật Bản đến Đông Dương vào năm 1912. Matsushita có quan hệ mật thiết với Kỳ Ngoại hầu Cường Để và có rất nhiều đóng góp đối với các hoạt động của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, một tổ chức trị được thành lập với mục đích đánh đuổi người Pháp tại Đông Dương, khôi phục chủ quyền cho Việt Nam. Vào năm 1943 khi thực dân Pháp tăng cường đàn áp những chí sĩ yêu nước Việt Nam, ông đã giúp đỡ Ngô Đình Diệm và Trần Trọng Kim trốn thoát sự truy sát của Pháp. Bên cạnh đó, Matsushita đã dùng tiền cá nhân để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động chống Pháp của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội và quân đội Cao Đài vào đầu những năm 1940.

Hoạt động của các công ty Nhật Bản

Từ những năm đầu thế kỷ XX, các tập đoàn kinh tế và công ty của Nhật Bản đã bắt đầu cử nhân sự đại diện hay mở các văn phòng đại diện, chi nhánh tại Đông Dương với lĩnh vực kinh doanh chính là thu mua lúa gạo. Tuy nhiên, trước những năm 1930, số lượng các công ty Nhật Bản rất ít và hoạt động không liên tục. Một số công ty hoạt động trong thời gian ngắn nhưng sau đó đóng cửa do bị thua lỗ hay ảnh hưởng từ sự biến động của nền kinh tế thế giới mà đặc biệt các cuộc khủng hoảng kinh tế. Từ năm 1907 công ty Mitsui Bussan đã cử nhân sự đại diện tại Sài Gòn để thu mua gạo. Đến 1909 do kinh doanh không tốt nên công ty này đã ngừng việc cử nhân sự đến Sài Gòn. Mãi cho đến năm 1918 sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 1 kết thúc, công ty Mitsui Bussan mới tái lập lại việc cử nhân sự đại diện tại Sài Gòn. Bên cạnh Sài Gòn, Mitsui Bussan còn cử nhân sự đại diện tại Hải Phòng để thu mua gạo Tonkin và xuất khẩu than đá nhưng cũng phải tạm ngừng vào năm 1920. Sau Mitsui thì các công ty Mitsubishi và Menka cũng tiến vào Đông Dương để kinh doanh gạo vào năm 1918 và 1925 nhưng đến cuối những năm 1930 thì rút lui khỏi Đông Dương do làm ăn không hiệu quả. Nguyên nhân thất bại của các công ty Nhật Bản ở Đông Dương trong giai đoạn này là do không thể cạnh tranh với các công ty của người Pháp trong việc thu mua, xuất khẩu gạo và không thể cạnh tranh với thương nhân người Hoa trong việc bán gạo ở thị trường nội địa Đông Dương thông qua các cửa hàng. Ngoài mua bán lúa gạo, nhiều công ty Nhật Bản ở Đông Dương còn kinh doanh các loại hàng hóa khác như than đá, tơ sợi, thực phẩm... Có 9 tập đoàn kinh lớn của Nhật Bản đã có măt tại Đông Dương như Mitsui Bussan, Mitsubishi Shoji, Nihon Menka, Daido Boeki, Sanko Shokai, Ataka Shokai, Iwai Shokai, Asano Bussan, Kanematsu Shoten. Ngoài các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng hoạt động ở Đông Dương từ những năm 1920 trong đó tiêu biểu là Dainan Koshi, 1 công ty chuyên về xuất nhập khẩu hàng hoá đầu tiên của Nhật Bản được thiết lập tại Đông Dương (không phải chi nhánh hay văn phòng đại diện mà là công ty mẹ) với trụ sở chính đặt tại Sài Gòn vào năm 1922. Ngoài ra, Dainan Koshi còn có 4 chi nhánh ở Đông Dương (Hà Nội, Hải Phòng, Chợ Lớn và Pnompenh) và 20 văn phòng đại diện ở các nước Đông Nam Á [ 8 , tr. 207].

Việc quân đội Nhật tiến vào Việt Nam vào năm 1940 đã tạo cơ hội thuận lợi cho các công ty Nhật Bản tăng cường sự hiện diện của mình ở Đông Dương. Phần với các công ty đã rút lui khỏi Đông Dương do thua lỗ trước đây đều đã quay trở lại, tái lập lại các văn phòng đại diện hay nâng cấp thành các chi nhánh. Bên cạnh đó, có nhiều công ty mới cũng ồ ạt tiến vào Đông Dương bằng cách tăng cường đầu tư vốn, thiết lập các cơ sở sản xuất. Vào năm 1940 vốn đầu tư của các công ty Nhật tại Đông Dương là 12,5 triệu franc, đến năm 1943 tăng 43 triệu francs [ 11 , tr. 143]. Table 3 sẽ cho thấy vốn đầu tư cụ thể của từng công ty Nhật Bản ở Đông Dương trong những năm 1940.

Table 3 Đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Đông Dương trong những năm 1940 (Đơn vị: 1000 Piastre, %) [ 13 , tr. 116]

Tại Đông Dương, các công ty Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như thương mại (90 triệu yên), lâm nghiệp (31 triệu yên), nông nghiệp (28 triệu yên), công nghiệp (17 triệu yên), tàu thuyền (16 triệu yên), giao thông đường bộ (8 triệu yên), khai khoáng (6 triệu yên), thuỷ hải sản (1 triệu yên), vận tải đường biển (1 triệu yên), các ngành khác (5 triệu yên). Tỷ lệ vốn đầu tư của Nhật Bản phân theo lĩnh vực được thể hiện theo Figure 1 .

Figure 1 . Sơ đồ đầu tư của công ty Nhật tại Đông Dương vào cuối năm 1944 [ 14 , tr.117]

Với những thuận lợi có được từ Hiệp ước Tokyo ngày 6/5/51941 giữa Pháp và Nhật quy định về các quyền lợi của các công ty Nhật Bản tại Đông Dương, số lượng các công ty tăng lên nhanh chóng đặc biệt là ở Sài Gòn Chợ Lớn, Hà Nội, Hải Phòng ( Table 4 ). Vào năm 1943, riêng ở Nam Kỳ, trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Đông Dương, có 106 công ty Nhật Bản hoạt động trong đó có 88 công ty chuyên về xuất nhập khẩu hàng hoá, 9 công ty chuyên về sản xuất công nghiệp, 9 công ty chuyên về vận tải đường biển và 1 công ty chuyên về vận tải đường bộ [ 15 , tr.71].

Table 4 Các công ty thương mại Nhật Bản ở Đông Dương vào đầu những năm 1940 [ 16 , tr. 118 - 119]

Bên cạnh các công ty, các ngân hàng lớn của Nhật Bản cũng lập chi nhánh ở Đông Dương. Ví dụ như Ngân hàng Yokohama đã mở chi nhánh tại Sài Gòn vào tháng 4 năm 1920. Để đảm bảo cho các hoạt động trong chi nhánh được thuận lợi, vào tháng 7 và tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Yokohama đều cử nhân viên đến chi nhánh Sài Gòn làm việc và những người này thường nắm giữ chức vụ thư ký và quản lý. Từ năm 1927 đến 1930 Ngân hàng Yokohama đã cử 125 nhân viên đến Sài Gòn làm việc trong đó có 38 thư ký và 87 quản lý [ 17 , tr. 109]. Bên cạnh ngân hàng của người Nhật, các ngân hàng của Trung Quốc cũng lập các chi nhánh của mình ở Sài Gòn như Ngân hàng Hoa Nam có trụ sở chính đóng tại Đài Loan. Vào năm 1929 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên các ngân hàng này đều bị đóng cửa do bị thua lỗ.

Đánh giá về hoạt động thương mại của công ty Nhật Bản tại Đông Dương

Hoạt động của các công ty Nhật Bản ở Đông Dương có những đặc điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, ngay từ khi đặt chân đến Đông Dương, các công ty Nhật Bản luôn phải đối mặt với những khó khăn từ chính sách độc quyền về nội thương lẫn ngoại thương của Pháp và sự cạnh tranh gay gắt của người Hoa. Bên cạnh đó, khác với các nước như Đông Ấn Hà Lan, Malaya thuộc Anh, các công ty Nhật Bản tại Đông Dương không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ Nhật Bản do quan hệ Nhật Bản - Pháp không tốt như quan hệ Nhật Bản - Hà Lan hay Nhật Bản - Anh. Mãi cho đến những năm 1940 chính phủ Nhật Bản mới hỗ trợ cho sự tiến xuất của các công ty tại Đông Dương thông qua viện trợ cho sự hoạt động của "10 công ty Nam Tiến” chuyên về nhập khẩu hay còn có tên gọi khác là “Tổ hợp các công ty nhập khẩu tại Đông Dương” [ 4 , tr. 83] do chính chính phủ Nhật Bản tuyển chọn.

Thứ hai, dưới áp lực từ chính quyền Pháp ở Đông Dương cũng như sự cạnh tranh gay gắt của các thương nhân người Hoa, các công ty Nhật Bản tại Đông Dương sử dụng rất nhiều cách thức kinh doanh khôn khéo như dùng hàng hóa nhập từ Nhật đổi lấy hàng hóa nội địa của người sản xuất hoặc người thu mua rồi mang bán lại với giá cao, sử dụng những nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật để chế biến sản phẩm ngay tại Đông Dương, tiến công thương mại vào vùng nông thôn của các địa phương với việc thiết lập mạng lưới các đại lý, cửa hàng đại diện của người Nhật để thay thế cho mạng lưới phân phối của người Pháp và Hoa.

Thứ ba, khi Chiến tranh Thế giới Thứ 2 bùng nổ với sự tham gia của Nhật Bản, các nước như Anh, Hà Lan, Mĩ đã thực hiện chính sách cấm vận đối với Nhật Bản mà đặc biệt là cấm xuất khẩu các mặt hành quan trọng như thiếc, cao su, sắt thép cho Nhật. Đông Dương trở thành nơi duy nhất có thể cung cấp những mặt hàng mà Nhật Bản đang cần. Do đó, trong giai đoạn 1941 - 1945, các công ty xuất nhập khẩu của Nhật có sự phát triển mạnh mẽ hơn giai đoạn trước đó. Bên cạnh đó, nhiều công ty của Nhật còn tìm cách tấn công vào các ngành sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, những lĩnh vực vốn thuộc về độc quyền của người Pháp và người bản xứ. Đến năm 1944 các công ty lớn của Nhật đã kiểm soát hầu như toàn bộ các nhà máy xay gạo, nhà máy nấu đường, xưởng sản xuất mỹ nghệ, cơ sở sản xuất gỗ, nhà máy chế biến hải sản, cơ sở khai thác lâm sản... ở Đông Dương. Với những thành công đó, giới doanh nghiệp Nhật đã thâu tóm hầu như toàn bộ nền nội thương lẫn ngoại thương của Đông Dương [ 18 , tr. 122]

Thứ tư, trong những năm 1941 - 1945, hoạt động của các công ty Nhật Bản tại Đông Dương bị chính phủ quân phiệt và quân đội lợi dụng để phục vụ cho chiến tranh. Các công ty được xem là bàn đạp để tấn công vào Đông Dương thông qua đầu tư và hoạt động thương mại. Chính phủ Nhật đã chỉ định cho các công ty như Mitsui, Dainan, Murakami, Namba, Akatsuya, Mitsubishi thu mua và nắm giữ toàn bộ gạo, bắp, ngũ cốc của Đông Dương và chuyển trực tiếp cho các tàu hải quân Nhật đang tham gia chiến tranh. Bên cạnh đó, các công ty Nhật tại Đông Dương còn bị chính phủ sử dụng như công cụ để quản lý hoạt động nội thương và ngoại thương của Đông Dương. Ví dụ như ở khu vực Nam Kỳ của Đông Dương, công ty Daido Boeki được chỉ định quản lý và phân phối toàn bộ các sản phẩm tơ sợi nhập khẩu tại Đông Dương. Mỗi nhà nhập khẩu phải khai rõ số lượng tơ sợi nhập khẩu cho công ty Daido Boeki và công ty này được độc quyền về tiêu thụ. Danh sách các cơ sở bán lẻ tơ sợi được công ty Daido boeki phân phối tại Đông Dương đều phải được chính phủ Nhật Bản xét và phê duyệt [ 11 , tr.149].

KẾT LUẬN

Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, các thương nhân và công ty Nhật Bản cũng đã tiến vào khu vực Đông Dương. Trong giai đoạn trước những năm 1930, hoạt động thương mại của người Nhật ở Đông Dương không phát triển mạnh mẽ như ở các nước Đông Nam Á khác như Đông Ấn Hà Lan, Malaya thuộc Anh, Philippines do những rào cản trong chính sách kinh tế khắt khe của thực dân Pháp cũng như sự cạnh tranh của các thương nhân Hoa kiều và phương Tây. Hoạt động thương mại của các thương nhân và công ty Nhật Bản tại Đông Dương từ giữa những năm 1930 đã có sự phát triển cả về lượng lẫn về chất so với giai đoạn trước đó. Tuy sự gia tăng không ngừng về số lượng và hoạt động của các thương nhân và doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Đông Dương cũng như quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Dương nhưng thực tế chỉ mang đến lợi ích cho chính Nhật Bản chứ không phải cho người dân bản xứ. Sự hiện diện của các thương nhân và công ty Nhật ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục tồn tại khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai diễn ra và chỉ thực sự biến mất sau khi Nhật Bản bị bại trận. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản đã phục hồi một cách nhanh chóng và một lần nữa các thương nhân và công ty Nhật lại tiến vào các nước Đông Dương. Do đó có thể nói những bước "Nam tiến" về mặt thương mại của người Nhật ở Đông Dương trong giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới thứ hai đã cung cấp những tiền đề hết sức quan trọng cho việc thực hiện chính sách "ngoại giao kinh tế" cũng như hoạt động của các thương nhân và doanh nghiệp Nhật tại Đông Dương trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và cả trong giai đoạn hiện nay.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG - HCM) trong khuôn khổ đề tài mã số C2019-18b-08.

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

- Sưu tầm, khai thác những tư liệu mới về tiến trình tiếp cận, triển khai và phát triển các hoạt động thương mại của người Nhật ở khu vực Đông Dương giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945. Các tư liệu được khai thác và sử dụng được viết bằng các ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật và đều là những tư liệu đáng tin cậy.

- Góp phần làm sáng tỏ một thời kỳ quan trọng trong lịch sử quan hệ kinh tế thương mại giữa Nhật Bản và Đông Dương (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945), một thời kỳ mà chưa được nghiên cứu và đề cập nhiều trong giới học thuật ở Nhật Bản và Đông Nam Á.

References

  1. Shinya Sugiyama. Sự cọ sát về kinh tế của Đông Nam Á thời chiến. Tokyo: Dobunkan. . 1990;:. Google Scholar
  2. Cục thống kê Nhật Bản. Thống kê trường kỳ Nhật Bản. Tokyo: Cục thống kê Nhật Bản. . 1988;:. Google Scholar
  3. Hiệp hội Nam Dương. Bảng biểu thống kê mậu dịch Nam Dương. Tokyo: Hyoron. . 1943;:. Google Scholar
  4. Yasuyuki Hikita. Khối thịnh vượng chung Nam Phương.Tokyo: Taga. . 1995;:. Google Scholar
  5. Dung Nguyen Manh. Japanese in Tokin during the first half of twentieth century. Vietnam - Indochina - Japan relations during the second world war. Waseda University Institute of Asia Pacific Studies. . 2017;:209-222. Google Scholar
  6. Kiichi Yamada. Tổng quan về Nam Dương. Tokyo: Heibonsha. . 1934;:. Google Scholar
  7. Isao Tanno. Nguồn gốc và chiến lược của các công ty Nhật Bản ở Đông Nam Á trong giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ 2. Tokyo: Dobunkan. . 2017;:. Google Scholar
  8. Yuyama Eiko. Japanese merchants' activities in French Indochina - A Study of the lacquer trade. Vietnam - Indochina - Japan relations during the second world war. Waseda University Institute of Asia Pacific Studies. . 2017;:197-208. Google Scholar
  9. Tomokazu Okada. Cư dân ở các phố phường Hà Nội thời kỳ thuộc địa - tầng lớp tiểu thương trong những năm 1930. Tạp chí Nghiên cứu Châu Á. . 2015;(05):87-114. Google Scholar
  10. Fusaji Takeuchi. Công ty Dainan và phong trào dân tộc của Việt Nam thời chiến: sự ra đời của công ty chủ nghĩa châu Á tại Đông Dương. Tạp chí nghiên cứu văn hoá Đông Dương. . 2017;(19):357-398. Google Scholar
  11. Quang Nguyễn Phan. Tương quan kinh tế Pháp - Nhật tại Nam Kỳ 1940 - 1945. Sự hiện diện của người Nhật ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn lịch sử 1940 - 1945. ĐHQG TP.HCM. . 1998;:125-157. Google Scholar
  12. Kyoichi Tachikawa. Nhật Bản và phong trào giành độc lập của Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Kỷ yếu Viện Nghiên cứu Quốc Phòng. . 2000;3:67-88. Google Scholar
  13. Cục điều tra kinh tế Đông Á - Đường sắt Nam Mãn Châu. Người Hoa ở Đông Dương. . 1939;:. Google Scholar
  14. Yukichika Tabuchi. Kế hoạch thực dân hoá của Nhật Bản đối với Đông Dương và thực trạng của nó. Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á - Lịch sử và Văn hoá. . 1980;(9):103-133. Google Scholar
  15. Nghiêm ĐH. Biến động xã hội ở Nam Kỳ dưới tác động của người Nhật 1940 - 1945. Sự hiện diện của người Nhật ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn lịch sử 1940 - 1945. ĐHQG TP.HCM. . 1998;:45-88. Google Scholar
  16. Hiệp hội thương mại Nhật Bản. Đông Dương thuộc Pháp và tình hình thương mại. Tokyo: Hiệp hội thương mại Nhật Bản. . 1941;:. Google Scholar
  17. Eiko Yuyama. Hoạt động của các công ty Nhật Bản ở Indochina - Khảo sát từ việc cử nhân viên đến Indochina của công ty Mitsui và Mitsubishi từ năm những1920 đến đầu những năm 1940. Tạp chí nghiên cứu kinh tế học Đại học Hokaido. . 2013;62(3):107-121. Google Scholar
  18. Ngọc Trần Thị Bích. Sự hiện diện của người Nhật ở Nam Kỳ- Tác động về mặt kinh tế (1940 - 1945). Sự hiện diện của người Nhật ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn lịch sử 1940 - 1945. ĐHQG TP.HCM. . 1998;:90-125. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 1 (2021)
Page No.: 919-927
Published: Mar 31, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i1.646

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Anh, H. (2021). Japanese commercial activities in French Indochina from the late 19th century to 1945. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(1), 919-927. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i1.646

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 735 times
Download PDF   = 459 times
View Article   = 0 times
Total   = 459 times