Abstract
Southern Vietnam is the central region of the Nguyen Dynasty. It occupies an important position in national defense and foreign affairs. The region has had the huge economic potential and can create a breakthrough for Vietnam's economic development up to now. However, due to the historical conditions and geographical location, political upheaval was tremendously popular during the period of the Nguyen Lords and early Nguyen Dynasty. Besides, the economic factors of international trade and the development of commodity production (specific social foundations) were high above the national standard. As a result, the central government had to use a special method of selecting and using local officials/mandarins. The officials selected must have been good in ``handling the statecraft'', who could understand and have/had a process of living and working in the South. As two eminent political kings, Gia Long and Minh Mang applied flexible measures, not taking the aristocratic nature of candidates very seriously. Both kings completely removed the ``hereditary'' regime, not following the Confucian model as in the North and the Central regions in selecting and using mandarins in the local government apparatus. This policy helped the Nguyen Dynasty build a dedicated, competent service bureau in the region. The policy is an exception in the history of recruiting mandarins under the Confucian perspective in the country/Vietnam, and to a certain extent, it has successfully promoted local socio-economic development. This paper aims to argue that it is difficult to apply a unified but rigid policy in Vietnam on issues related to the locality and that Southern Vietnam always demands more special attention in state policies.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bất kỳ chế độ nhà nước nào và vào bất kỳ thời đại nào, để bộ máy nhà nước vận hành tốt, đều tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng yếu tố có tính quyết định luôn là con người - những người phục vụ trong bộ máy đó. Thực tiễn đã chứng minh, trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu người lãnh đạo không biết nhìn nhận, thu hút, trọng dụng nhân tài thì không thể sớm tạo ra được sự bứt phá. Bởi vậy, việc làm sao để có những chính sách thích hợp trong việc sử dụng nhân tài luôn là mối quan tâm của Nhà nước ở mọi thời đại. Hiện nay, chính sách sử dụng nhân tài tham gia trong bộ máy chính quyền các cấp của đất nước ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Ở nhiều địa phương, việc sử dụng nhân tài vẫn còn theo kiểu phong trào, cụ thể là địa phương nào cũng có chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài, nhưng không thiết thực, hiệu quả, làm lãng phí nguồn chất xám của đất nước. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung làm sáng tỏ một số biện pháp mà vua Gia Long và Minh Mạng đã áp dụng trong việc sử dụng quan lại ở vùng đất Nam Bộ. Qua đó có thể tiếp thu được nhiều điều bổ ích trong việc “dụng hiền” của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Là vùng đất xuất hiện muộn nhất trên bản đồ Việt Nam, Nam Bộ có nhiều đặc điểm khác biệt so với các vùng đất khác trong cả nước. Tác giả Choi Byung Wook cho rằng, vùng đất Nam Bộ trong thời gian thống trị của các chúa Nguyễn “tồn tại như một vùng đất tách rời, với những bản sắc địa phương rõ rệt khác biệt với các vùng đất khác của Việt Nam” [ 1 , tr. 79]. Về chính trị , là vùng biên cương phía Nam của Việt Nam, Nam Bộ thường xuyên có những bất ổn về chính trị như những cuộc xâm lược của Xiêm La (vào các năm 1833, 1834, 1841, 1845), sự bất ổn trong triều đình Chân Lạp (do nhà Nguyễn bảo hộ), cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi năm 1833,… Về văn hoá - xã hội , Nam Bộ là vùng đất đa dạng về văn hóa do là nơi hội tụ của nhiều thành phần dân tộc (người Việt, người Hoa, người Khmer, người Chăm, Mạ, Stieng); về sinh hoạt tín ngưỡng ở Nam Bộ, Trịnh Hoài Đức chép: “sùng Phật, tin đồng cốt, phần nhiều trọng thần đàn bà” [ 2 , tr. 142]. Về kinh tế , với sự thuận lợi của điều kiện tự nhiên, cùng với những chính sách khẩn hoang tích cực của các chúa Nguyễn (về sau là các vua triều Nguyễn) và vai trò tích cực của người Hoa ở Nam Bộ, vùng đất này nhanh chóng trở thành một khu vực kinh tế năng động với sự khởi sắc của hoạt động thương mại. Trịnh Hoài Đức trong sách Gia Định thành thông chí đã miêu tả hoạt động kinh tế ở Nam Bộ: “hàng hoá bày bán trong các phố có: gấm, giấy, sứ, châu báu, sách, thuốc, trà… Những hoá vật ở đây theo đường sông, đường biển trở đến không thiếu món nào…” [ 2 , tr. 410]. Những điều này đặt ra yêu cầu sử dụng quan lại ở Nam Bộ phải là những người có tài “kinh bang tế thế” và phải có quá trình gắn với vùng đất Nam Bộ để có thể thay vua giải quyết công việc. Mặc dù không đưa ra những tuyên bố rõ ràng về chính sách sử dụng quan lại riêng cho Nam Bộ, nhưng vua Gia Long và Minh Mạng đã có nhiều hình thức và phương pháp khác nhau nhằm “ưu tiên” cho Nam Bộ, nhằm hướng tới một mục tiêu xa hơn là đáp ứng nhu cầu về nhân sự cho việc thiết lập bộ máy chính quyền ở đây.
Nguồn tài liệu được sử dụng trong bài viết này có thể chia thành 3 loại: (1) tài liệu do triều Nguyễn biên soạn bao gồm: Đ ại Nam t hực l ục, Gia Định thành thông chí , Phủ biên tạp lục, Đại Nam chính biên liệt truyện , … đây là các bộ chính sử do các quan lại triều đình biên soạn trong thế kỷ XIX và thế kỷ XX ghi lại các hoạt động của triều Nguyễn, chứa đựng nhiều cứ liệu liên quan đến nghiên cứu này (2) những công trình nghiên cứu đã xuất bản của các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài gắn với những trải nghiệm và quan sát về Nam Bộ; (3) những ghi chép, gia phả, di chúc của người dân Nam Bộ. Thông qua những nguồn tài liệu này, dựa vào phương pháp nghiên cứu lịch sử, phương pháp logic và phương pháp nghiên cứu liên ngành, bài viết bổ sung các phát hiện của các học giả đi trước bằng cách cho thấy một góc nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về biện pháp sử dụng người địa phương trong bộ máy chính quyền ở Nam Bộ của hai vị vua đầu triều Nguyễn, đồng thời đánh giá hiệu quả của biện pháp này thông qua những đóng góp của đội ngũ quan lại Nam Bộ trong việc khẩn hoang, phát triển kinh tế, ổn định chính trị của vùng đất Nam Bộ trong bối cảnh lịch sử đương thời cũng như những đánh giá của người dân Nam Bộ trong những giai đoạn sau.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Sử dụng “người địa phương” trong bộ máy chính quyền ở Nam Bộ
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, triều đình rất chú trọng tới những người làm việc trong bộ máy nhà nước, trước hết là chế độ tuyển dụng, trọng dụng nhân tài. Người làm quan phải là người có tài “dựng nước lấy học làm đầu, cần trị lấy nhân làm gốc”, thành phần xuất thân phần lớn là hoàng thân, quốc thích “cha truyền con nối” [ 3 , tr. 61,67]; đạo làm quan cốt ở hai điều “trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân” 4 . Một trong những biện pháp nhằm tránh kéo bè cánh, lạm quyền ức hiếp dân chúng, bảo đảm sự khách quantrong giải quyết công việc, triều đình phong kiến thường áp dụng biện pháp “hồi tỵ” (nghĩa là một người ở một vùng xác định không được bổ nhiệm chức vụ ở nơi đó). Hầu hết quan lại được bổ nhiệm cai trị tại những vùng, miền không phải quê hương của mình, ai làm sai sẽ bị nghiêm trị 5 . Những quy định này nhằm tạo nên một chế độ quan lại liêm chính, không bị chi phối bởi quan hệ họ hàng, dòng tộc, làng-xã.
Trong quá trình khảo sát bộ sách Đại Nam chính biên liệt truyện , phần nguồn gốc quan lại chúng tôi nhận thấy chính sách “hồi tỵ” cũng được triều Nguyễn áp dụng ở khu vực miền Bắc ngay sau khi vương triều được thiết lập, còn ở Nam Bộ chính sách này dường như chưa được áp dụng ít nhất cho đến năm 1832 khi vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách hành chính. Trong khoảng thời gian từ khi nhà Nguyễn thành lập (1802) đến khi vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách hành chính (1832), việc bổ nhiệm quan lại - nhất là đội ngũ quan lại cao cấp tham gia vào bộ máy chính quyền ở Nam Bộ chủ yếu là những người quê quán ở Nam Bộ.
Năm 1802 sau khi triều Nguyễn được thành lập, để cai trị đất nước trên một cương vực rộng lớn mới được thống nhất, triều Nguyễn thiết lập một cơ chế hành chính đặc biệt. Ở Trung Kỳ (Trung Bộ) chia thành 4 Dinh quân sự (trực doanh) và 8 Trấn địa phương do triều đình trực tiếp quản lý ; Bắc Kỳ (Bắc Bộ) chia thành 11 Trấn; Nam Kỳ (Nam Bộ) chia thành 5 Trấn . Cơ quan hành chính ở miền Bắc gọi là Bắc Thành Tổng trấn, cơ quan đặt ở Nam Bộ gọi là Gia Định thành Tổng trấn (tổng trấn có nghĩa là cai trị tất cả các trấn) . Người đứng đầu Gia Định thành được gọi là Gia Định thành tổng trấn- tức là quan Tổng trấn Gia Định thành [ 1 , tr. 79-80]. Quyền hạn của Tổng trấn Gia Định là rất lớn, thay triều đình giải quyết tất cả mọi công việc ở các Trấn do mình cai quản đồng thời kiêm luôn việc bảo hộ nước Chân Lạp. Bên dưới hàng ngũ quan lại cấp cao của Gia Định thành là bốn chức quan địa phương được gọi là tào , bao gồm: Hộ tào phụ trách hoạt động tài chính, Binh tào phụ trách quân đội, Hình tào phụ trách tư pháp, Công tào phụ trách xây dựng 6 .
Điều đáng chú ý là trong khi quê quán của cả 4 quan Tổng trấn Bắc thành đều không phải là người miền Bắc mà là từ miền Trung và Nam Bộ, cụ thể quê quán của 4 Tổng trấn Bắc thành lần lượt là Nguyễn Văn Thành ở Gia Định , Nguyễn Huỳnh Đức ở Định Tường, Lê Chất ở Bình Định và Trương Văn Minh ở Thanh Hoá, thì các quan Tổng trấn, Phó Tổng Trấn và Hiệp trấn Gia Định thành đều là người gốc Nam Bộ (ngoại trừ vài trường hợp cá biệt). Trong 24 năm (1808-1832) tồn tại của Gia Định thành đã trải qua 3 thời Tổng trấn, 4 Phó Tổng trấn và 2 Hiệp Trấn. Nguyễn Văn Nhơn, quan Tổng trấn đầu tiên của Gia Định thành là người An Giang thuộc Nam Bộ, Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Văn Duyệt là người Định Tường cũng thuộc Nam Bộ. Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh- hai Hiệp trấn lần lượt quê ở Biên Hoà và Phiên An. Trong số 4 Phó tổng trấn Gia Định thành, hiện nay chúng tôi mới xác định được quê quán của 2 người là Trương Tiến Bảo quê ở Vĩnh Long; Trần Văn Năng quê ở Khánh Hoà (miền Trung) 7 .
Bên cạnh đội ngũ quan lại cao cấp là các Tổng trấn, phó Tổng trấn, Hiệp trấn là người Nam Bộ, thì còn rất nhiều các chức vụ quan trọng khác trong bộ máy chính quyền ở Nam Bộ cũng do những người có xuất thân từ Nam Bộ nắm giữ. Trong ghi chép của Đại Nam chính biên liệt truyện , phần bản quán của 392 nhân vật giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền ở Nam Bộ dưới triều vua Gia Long cho thấy có 200/392 (51,01%) người quê quán ở Nam Bộ . Trong một nghiên cứu, tác giả Vũ Văn Quân (và cộng sự) đã chỉ rõ trong số 300 người đã từng làm quan ở Gia Định thì có hơn 200 người làm quan lâu năm ở đây và ngày càng nhiều quan chức xuất thân khoa cử có mặt trong bộ máy chính quyền. Điều dễ nhận thấy là các viên quan này phần lớn là người Đàng Trong (tức Nam Trung Bộ và Nam Bộ), những người ở miền Bắc rất ít và nắm giữ những chức vụ ít quan trọng [ 8 , tr. 415].
Cũng cần nói thêm vì sao nhà Nguyễn trong 30 năm đầu (1802-1832) vẫn phải nỗ lực tìm kiếm người tài quê quán ở Nam Bộ để đưa vào bộ máy chính quyền ở đây, trong khi số lượng những người đã đỗ qua các kỳ thi ở miền Bắc còn rất lớn nhưng vẫn không được bổ dụng . Về vấn đề này, tác giả Choi Byung Wook cho rằng: Do Nam Bộ trong suốt thời kỳ thống trị của các chúa Nguyễn là một chính quyền địa phương, với những bản sắc địa phương rõ nét, tồn tại khác biệt với những vùng đất khác của Việt Nam [ 1 , tr. 79] vì thế đòi hỏi đội ngũ quan lại ở đây phải thực sự là những người hiểu biết về địa bàn trấn nhậm,... Trong thực tế, năm 1821 Minh Mạng đã cử hai người tâm phúc (trong đó có một người quê ở Nghệ An) vào giữ các chức quan phụ trách giáo dục ở Gia Định thành. Mặc dù lưu lại ở đây 2 năm, nhưng cả hai đã thất bại trong việc thực thi nhiệm vụ của mình. Năm 1823 một trong số họ là Nguyễn Đăng Sở quay về Huế đã phàn nàn với vua Minh Mạng “Chỉ dụ của hoàng thượng xuống từ thành đến trấn, từ trấn rồi đến phủ huyện nhưng chưa từng ai hỏi tới học quan, thần dẫu có biết cũng không dám cử vượt” [ 9 , tr. 380]. Năm 1832, vua Minh Mạng cắt đặt quan lại người miền Bắc và miền Trung vào thay thế đội ngũ quan lại trong bộ máy chính quyền ở Nam Bộ, nhân dân Gia Định dưới sự lãnh đạo của Lê Văn Khôi đã nổi dậy chống lại những viên quan cai trị ở đây. Cuộc nổi dậy bắt đầu từ năm 1833 kéo dài đến năm 1835 mới bị dập tắt . Những vấn đề này gợi cho chúng tôi giả thuyết có sự liên quan mật thiết trong mối quan hệ giữa yếu tố chính trị và yếu tố kinh tế của vùng đất Nam Bộ với việc sử dụng quan lại ở đây.
Năm 1832 vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính trên cả nước, các Trấn thuộc Gia Định thành được tái cơ cấu lại thành 6 tỉnh , Gia Định lúc này được gọi là Nam Kỳ (Nam Bộ), chức Tổng trấn Gia Định thành bị xoá bỏ, thay vào đó là quan Tổng đốc . Ở Nam Bộ, từ sau cuộc cải cách của Minh Mạng, đặc biệt là sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1835), các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền của các tỉnh Nam Bộ phần lớn do các quan quê miền Bắc và miền Trung đã đỗ đạt khoa cử nắm giữ [ 10 , tr. 87]. Việc “ưu tiên” sử dụng quan lại quê quán ở Nam Bộ trong bộ máy chính quyền ở đây, đến đây chấm dứt.
Những đóng góp của đội ngũ quan lại người Nam Bộ
Gia Long và Minh Mạng đã lấy yêu cầu của thực tiễn để đặt ra chính sách sử dụng quan lại ở Nam Bộ và ở chừng mực nào đó chính sách này đã có hiệu quả nhất định. Trong thực tế, một số Tổng trấn, Phó Tổng Trấn, Hiệp trấn Gia Định thành, Bố chánh… ở Nam Bộ đã đảm trách tốt nhiệm vụ, góp phần ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế của vùng đất Nam Bộ và được nhân dân cho đến ngày nay vẫn kính trọng, tôn thờ. Dù nhiều người trong số họ không được cung cấp kiến thức chuyên môn thuộc các lĩnh vực kinh tế, quân sự, hành chính,… nhưng khi đối mặt với thực tế họ đã đảm nhiệm được những nhiệm vụ hoàn toàn xa lạ với những gì được học qua Nho học. Họ vừa là các võ tướng, vừa là các văn quan, vừa làm chính trị, vừa là các nhà kinh tế, quân sự ngoại giao,.. tiêu biểu như:
Nguyễn Văn Nhơn - Tổng Trấn đầu tiên của Gia Định thành , ngoài tài năng về quân sự, còn có nhiều đóng góp về giáo dục, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Một trong những đóng góp tiêu biểu của ông là đã dâng Sớ điều trần gồm 14 điều lên vua Gia Long xin chấn chỉnh, cải cách nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến vấn đề “quốc kế dân sinh” như: thuế, giáo dục, khoa cử, phong tục…và đều được nhà Vua cho thi hành. Sau khi Nguyễn Văn Nhơn mất, nhà Vua đã bãi chầu 3 ngày liền, ngự giá đến ban rượu tế và câu đối: “Vọng các quyết phò Vua, mãi rạng lòng son trong trời đất” và cho thờ ở thế miều và Trung hưng công thần miếu [ 11 , tr. 13-14]. Người dân Nam Bộ rất ngưỡng mộ tính cách, tài năng và công trạng của Nguyễn Văn Nhơn, họ đem bài vị của ông vào phối thờ ở Đình Tân Đông (ở Tiền Giang ngày nay), xem ông như vị thần hoàng bảo vệ dân làng. Hiện nay lăng mộ của Nguyễn Văn Nhơn ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Lê Văn Duyệt -Tổng trấn Gia Định thành hai lần , có những đóng góp to lớn đối với vùng đất Nam Bộ. Theo nhiều tài liệu ghi chép, thời kỳ Lê Văn Duyệt trấn nhậm, vùng đất Nam Bộ còn hoang hóa, trộm cắp hoành hành nhiều nơi, Lê Văn Duyệt đã chiêu mộ dân chúng cải tạo đồng ruộng, xây dựng làng xã, chăm lo đời sống dân chúng, trừng trị nạn tham ô, trộm cướp, vì thế làm cho nền kinh tế Nam Bộ có nhiều phát triển, đời sống nhân dân sung túc, nhiều tàu buôn của các nước Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Phương Tây,… đã cập bến Gia Định Bến Nghé để mua bán trao đổi hàng hoá. Năm 1822, Crawfurd người cầm đầu phái bộ ngoại giao của toàn quyền Ấn Độ ghé vào Bến Nghé và Gia Định, được yết kiến Lê Văn Duyệt đã viết về ông như sau: “Con người này ít học, nhưng lạ lùng thay lại có cái nhìn cởi mở hơn nhiều đại thần và cả nhà vua học rộng làu làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, mong muốn mở mang đất Gia Định trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông” [ 12 , tr. 81] . Không chỉ làm tốt công tác bảo hộ Chân Lạp, ngăn chặn hữu hiệu ý đồ xâm lược của Xiêm La, Lê Văn Duyệt còn đóng góp trong việc đào kênh Vĩnh Tế - một công trình có ý nghĩa to lớn về kinh tế, quốc phòng và hiệu quả mang lại rất lớn cho Việt Nam đến hiện nay. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Từ đấy đường sông mới khai thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng. Kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình đánh dấu xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Đó là nhờ công lao của tiền nhân với hơn 80.000 dân binh cùng một số vị quan trực tiếp chỉ huy, trong đó có Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt” [ 13 , tr. 612].
Đối với một số người dân Nam Bộ, hình ảnh Lê Văn Duyệt đã đi vào tâm thức như một vị thần, gọi đền thờ của Lê Văn Duyệt là Lăng Ông với tất cả lòng thành kính. Năm 1825 khi đến thăm Sài Gòn, Michel Đức Chaigneau đã nhận xét “Ông ta (Lê Văn Duyệt) là người rất tài năng cả trên chiến trường và trong lĩnh vực quản lý. Dân chúng sợ ông nhưng lại yêu mến ông thật lòng vì ông là người công bằng” [ 14 , tr.18]. Lăng Lê Văn Duyệt trở thành điểm hoạt động tín ngưỡng, điểm đến tâm linh của người Sài Gòn - Gia Định và người dân các tỉnh Nam Bộ. Vào đêm Giao thừa, hoặc đến ngày giỗ (30/7 âm lịch), hàng vạn người khắp nơi trong cả nước, trong đó có rất nhiều người Hoa đến cúng bái. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng nhận định: “Lê Văn Duyệt có công, bằng chứng là nhân gian ngưỡng mộ và kính trọng ông,…Chúng ta đều biết ở Nam Bộ, trong khoảng thời gian dài và có lẽ cũng còn sót lại cho đến tận hôm nay một câu thề độc: ‘nếu tôi gian dối thì xin thề trước Lăng Ông tôi sẽ bị vặn họng như con gà tôi mang đến cúng Tả quân’,… chúng ta nhận thức rằng sự tôn trọng kia liên quan chủ yếu đến công lao của ông đối với vùng đất mà ông trấn nhậm” [ 15 , tr. 261].
Nguyễn Huỳnh Đức-Tổng trấn Gia Định thành là người nghĩa khí, “văn võ song toàn”, được mọi người gọi là “Hổ tướng” vì có công lớn trong việc khai khẩn đất hoang, lập lên xóm làng ở Nam Bộ [ 16 , tr. 18]. Chính sử triều Nguyễn đánh giá về Nguyễn Huỳnh Đức như sau: “Thế tổ thường bảo thị thần rằng: Đức không chịu hàng giặc, khốn khó muôn hiểm theo trẫm gian lao, chí khi cao cả ấy hơn người tầm thường lắm. Sau khi đại địch cai trị ba trấn lớn (Quy Nhơn, Bắc Thành, Gia Định Thành), đức nghiệp, công lao, danh vọng, các bầy tôi không sánh được” [ 17 , tr. 257]. Sau khi mất, Nguyễn Huỳnh Đức được nhân dân trong vùng xem như một vị Thành hoàng. Lăng mộ của ông được xây dựng từ năm 1817 (trước khi ông mất) với diện tích hơn 3000m 2 , trên cổng Lăng đắp nổi dòng chữ “Tiền quân phủ” tại làng Tường Khánh xưa (nay là Tp.Tân An, Long An của Nam Bộ).
Bên cạnh ba vị quan Tổng trấn của Gia Định thành, trong bộ máy chính quyền của nhà Nguyễn ở Nam Bộ còn có sự tham gia của đội ngũ quan lại gốc người Hoa ở Nam Bộ và người Khmer, tiêu biểu như: Trịnh Hoài Đức - một công thần được ban tước Hiệp Trấn Gia Định thành, sau được triệu về kinh lãnh chức Thượng thư Bộ Lễ, kiên quản công việc của toà Khâm Giám Mục. Ông là một nhà thơ, nhà văn và một sử gia nổi tiếng của Việt Nam. Năm 1825 ông mất, được xây lăng mộ ở Biên Hoà, Đồng Nai. Năm 1938, trường Viễn đông Bác cổ xếp lăng mộ ông là di tích bảo tồn và hiện nay là di tích lịch sử quốc gia, hàng năm được nhân dân thờ cúng; Ngô Nhơn Tịnh - Hiệp trấn Gia Định được đánh giá là người quang minh rộng rãi, học rộng, làm thơ hay, được nhân dân yêu mến và thường được triều đình giao đi sứ giáo hảo với Nhà Thanh (Trung Quốc) và Chân lạp. Ngày nay lăng mộ của ông nằm trong khuôn viên chùa Giác Lâm (Q.Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh) được nhân dân hàng năm thờ cúng; Nguyễn Văn Tồn- người Khmer, được phong chức Thống đốc đồn Uy Viễn, có công rất lớn trong việc tập hợp người Kh’mer giúp Gia Long chống lại quân Xiêm. Ngày nay lăng mộ của ông ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, nhân dân trong vùng tôn kính, coi ông là vị thần bảo hộ che chở cho sinh dân trong khu vực. Hằng năm, vào những ngày đầu năm, cộng đồng cư dân Việt, Hoa, Kh’mer ở khắp các vùng và khách thập phương tập trung về lăng mộ Nguyễn Văn Tồn tổ chức cúng giỗ, lễ hội. Khu di tích như là một cơ sở sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng các sắc tộc .
Trong số những sĩ tử người Nam Bộ đỗ đạt qua các kỳ thi và tham gia vào bộ máy chính quyền ở Nam Bộ có nhiều đóng góp đối với vùng đất phía Nam, được nhân dân kính trọng và yêu mến, tiểu biểu như: Phan Thanh Giản - người Nam Bộ đầu tiên đậu Tiến sĩ khai khoa, làm quan dưới 3 triều vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) và có nhiều đóng góp trong việc phát triển văn hoá – giáo dục ở Nam Bộ, được triều đình cử đi sứ nhiều nước như: Trung Quốc, Indonesia, Singapore... Sau khi mất, được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long [ 18 , tr. 213]. Đền thờ của Phan Thanh Giản hiện nay ở huyện Ba Tri, Bến Tre. Từ lâu, nhân dân trong vùng coi ông là một vị thần Thành Hoàng Trương Minh Giảng đỗ cử nhân năm 1819, được bổ dụng nhiều chức vụ, sau lên chức Thượng thư bộ Hộ. Trương Minh Giảng được đánh giá là người “văn võ song toàn”, công thần bậc nhất của nhà Nguyễn, từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán, có công lớn trong việc dập tắt cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833) và đẩy lùi quân Xiêm đem lại bình yên cho vùng đất từ Gia Định; bên cạnh đó, ông còn có công rất lớn đối với nhân dân Nam Bộ (đặc biệt là nhân dân ở hai tỉnh An Giang và Hà Tiên nơi ông làm Tổng Trấn) trong việc hướng dẫn người dân biết dùng trâu, bò làm sức kéo, trồng dâu, dệt vải; tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Chăm, Hoa, Kh’mer; thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với hai nước Xiêm và Chân Lạp. Trương Minh Giảng được xếp đứng đầu trong 20 vị có công, khắc tên vào bia đá đặt ở Võ miếu (Huế) [ 19 , tr. 351]; Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đỗ Giải nguyên (thủ khoa) kỳ thi Hương ở Gia Định năm 1835 và được trao chức Quản cơ Trấn thủ đồn Vĩnh Thông ở Châu Đốc. Ông luôn đứng về phía nhân dân chống lại quan lại tham nhũng, nêu cao tinh thần trọng nghĩa khinh tài, giữ vững sĩ khí đúng như một vế câu liễn ghi trong đền thờ của ông: “Cương dũng đả cường hào, sĩ khí thiên thu bất hủ”. Lăng mộ của Bùi Hữu Nghĩa ngày nay ở thành Phố Cần Thơ, được xếp hạng di tích quốc gia. Hằng năm vào ngày giỗ nhân dân trong vùng nô nức đổ về nhang khói và tưởng niệm một nhà thơ khí phách, một nhân cách lớn của vùng đất Nam Bộ.
THẢO LUẬN
Kết quả nghiên cứu đã đóng góp thêm một mảng tư liệu về biện pháp sử dụng quan lại trong bộ máy chính quyền ở Nam Bộ của vua Gia Long và Minh Mạng cũng như những đóng góp của họ trong việc khẩn hoang, phát triển kinh tế, bảo đam an ninh chính trị của vùng đất phía Nam của tổ quốc trong bối cảnh lịch sử đương thời và những đánh giá của người dân Nam Bộ ngày nay thông qua các nghi lễ thời cúng- một vấn đề mà từ trước đến nay chưa có nhiều công trình đi sâu tìm hiểu. Trên cơ sở nội dung nghiên cứu đã giải quyết, chúng tôi cho rằng vẫn cần có thêm nhiều nguồn tư liệu hơn nữa để đi đến khẳng định có một chính sách riêng của vua Gia Long và Minh Mạng trong việc sử dụng quan lại ở Nam Bộ, nhưng những gì trình bày trong nghiên cứu này cho phép tạm đi đến nhận xét rằng Gia Long và Minh Mạng ít nhất đã có nhưng “ưu tiên” để thực hiện một chính sách như vậy thông qua những biện pháp và thực tế của việc triển khai những biện pháp đó ở Nam Bộ theo tinh thần “phương thức lập các chính sách, ắt cần phải tùy địa phương mà định quy chế”. Bên cạnh những mặt tích cực mà chúng tôi đã trình bày, biện pháp sử dụng quan lại ở Nam Bộ trong thời kỳ đầu triều Nguyễn cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, như: việc sử dụng “người địa phương” làm tăng thêm quyền lực của quan lại, tạo ra nguy cơ hình thành những thế lực cát cứ và trong thực tế nhiều trường hợp tham nhũng, chuyên quyền, ức hiếp nhân dân đã xảy ra trong một bộ phận quan lại Nam Bộ .
KẾT LUẬN
Nhìn lại biện pháp sử dụng quan lại của Gia Long và Minh Mạng chúng tôi nhận thấy hai vị vua đầu triều Nguyễn đã có nhiều hình thức và biện pháp khác biệt trong việc tuyển chọn và sử dụng quan lại ở vùng đất Nam Bộ so với miền Bắc, miền Trung và so với truyền thống tuyển chọn và sử dụng quan lại của các triều đại phong kiến của Việt Nam trước đó. Trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX, đội ngũ quan lại ở Nam Bộ đã liên tục phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng. Trong khoảng thời gian 28 năm (1813-1840), triều Nguyễn lấy đỗ tổng cộng 912 Cử nhân trong toàn quốc, trong đó có 94 Cử nhân là người Nam Bộ (chiếm 10,31%) [ 20 , tr. 198]. Theo Cao Xuân Dục, trong suốt thời gian triều Nguyễn tồn tại 1802-1945, triều đình lấy đỗ tổng cộng 5.220 Cử nhân trong cả nước (trong đó có 274 cử nhân là người Nam Bộ) . Phần lớn quan lại ở Nam Bộ thời kỳ này chưa tách rời với cuộc sống dân dã, chưa rơi vào lề thói sinh hoạt hủ bại của tầng lớp quan lại phong kiến hay khuôn mẫu “ứng xử kinh viện” của phần đông môn đệ Nho gia, mà vẫn gần gũi với cuộc sống đời thường . Với khả năng “thượng mã đề thương, hạ mã đề thi” (lên ngựa múa thương, xuống ngựa làm thơ) đã thể hiện tính năng động của đội ngũ quan lại Nam Bộ lúc bấy giờ – một sức mạnh tinh thần giúp họ thích ứng với thực tế cuộc sống nơi đây một cách mau chóng và có hiệu quả. Mặc dù còn bộc lộ những hạn chế, song thực tế những đóng góp của đội ngũ quan lại đối với vùng đất Nam Bộ trong thời kỳ này đã để lại những bài học có ý nghĩa sâu sắc không chỉ đối với thực tiễn lịch sử vùng đất Nam Bộ thời đó, mà còn có nhiều giá trị đáng để chúng ta ngày nay phải suy ngẫm.
DANH MỤC VIẾT TẮT
ĐHQG: Đại học Quốc gia
TP.HCM: thành phố Hồ Chí Minh
NXB: Nhà xuất bản
KHXH: Khoa học Xã hội
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Tác giả cam kết không có xung đột lợi ích liên quan đến nghiên cứu này.
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Bài viết là sản phẩm nghiên cứu riêng của tác giả. Để thực hiện bài viết này, tác giả đã tiến hành thu thập dữ liệu, tài liệu nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, đồng thời tiến hành khảo sát thực địa để bổ sung thêm những cứ liệu. Trên cơ sở xử lý nhiều nguồn tài liệu, cũng như những phân tích, đánh giá, đóng góp chính của bài viết gồm hai khía cạnh. Thứ nhất , dù hầu hết các các học giả đều thừa nhận so với truyền thống cũng như so với miền Bắc, vua Gia Long và Minh Mạng có những “ưu tiên” trong việc sử dụng quan lại ở Nam Bộ, nhưng chưa có công trình nào đến nay trình bày chi tiết và giải thích đầy đủ tại sao lại có những “ưu tiên” đó. Bài viết này đã làm sáng tỏ vấn đề này. Thứ hai , nghiên cứu này làm rõ tác dụng của những chính sách mà vua Gia Long và Minh Mạng áp dụng trong việc sử dụng quan lại thông qua những đóng góp của họ trong việc khẩn hoang, phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị của vùng đất Nam Bộ.
References
- Wook Choi Byung. Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng. Hà Nội: Nxb. Thế giới; 1996. . 2010;:. Google Scholar
- Đức Trịnh Hoài. Gia Định thành thông chí. Hà Nội: Nxb. Giáo dục. . 1999;:. Google Scholar
- Quang Nguyễn Phan. Thêm mấy điểm về cuộc bảo động của Lê Văn Khôi. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. . 1967;147:1833-1835. Google Scholar
- Thái Phạm Hồng. Tuyển dụng, sử dụng quan lại thời phong kiến Việt Nam và một số gợi mở. Tạp chí Tổ chức Nhà nước. . ;:. Google Scholar
- Dật Phạm Hữu. Phương thức dùng người của cha ông ta trong lịch sử. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia. . 1994;:. Google Scholar
- Hòa Lê Thị Thanh. Việc đào tạo và sử dụng quan lại của triều Nguyễn từ năm 1802-1884. Hà Nội: Nxb KHXH. 1998;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Chính biên liệt truyện. Huế: Nxb Thuận hóa. . 2013;:. Google Scholar
- Quân Vũ Văn, Hòa Quách Thị. Quy hoạch hành chính và quản lý dân cư - đất đai ở Nam Bộ dưới thời Nguyễn (1802-1858). In trong: Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ). Hà Nội: Nxb. Thế giới. . 2011;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Minh Mệnh chính yếu. Sài Gòn: Tủ sách Cổ Văn xuất bản. . 1972;2:. Google Scholar
- Tường Nguyễn Minh. Cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội. . 1996;:. Google Scholar
- Hùng Phan Mạnh, Triều Nguyễn Đông. Theo dấu người xưa. Tp.HCM: Nxb Tổng hợp. . 2017;:. Google Scholar
- Giang Hoàng Lại. Phan Thanh Giản nỗi đau trăm năm. Thanh Hóa: Nxb Hồng Đức. . 2001;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Hà Nội: Nxb Lao động. . 2012;:. Google Scholar
- Silvestre Jean. L'insurrection de Gia Dinh, la re1volte de Khoi (1832-1834). Revue Indochinoise. . 1915;:7-8. Google Scholar
- Đằng TB (cb). Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Tp.HCM: Nxb Tổng hợp. 2019;1:. Google Scholar
- Đường M. Tưởng nhớ vị "Hổ tướng"- Một danh nhân Nam Bộ thời cận đại. In trong Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức nhân vật-võ nghiệp và di sản. Tp.HCM: Nxb Đại học Quốc gia. . 2019;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam chính biên liệt truyện. Huế: Nxb Thuận Hóa. . 1993;:. Google Scholar
- Giang Hoàng Lại. Lê Văn Duyệt-từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông. Hà Nội: Nxb Văn hóa-thông tin. . 1999;:. Google Scholar
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 1, 2, 3, 4, 5, 6, 14. Hà Nội: Nxb Giáo Dục. . 2007;:. Google Scholar
- Thanh Cao Tự. Nho giáo ở Gia Định. Tp.HCM : Nxb Tp.HCM. . ;:. Google Scholar