VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

534

Total

385

Share

Research for tourism development model in Cu lao Gieng – An Giang






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Cu Lao Gieng (Gieng Island) – An Giang is gradually changing its face day by day from an isolated island with agriculture as a primary economic activity to a rural area for tourism development. The study proposes considering rural tourism as a specific approach not only to effectively exploit natural tourism potentials, humanistic tourism potentials, but also to help the region to solve its economic, cultural, and social problems in the community living on the island. From researched data and ethnographic fieldwork with participative observation in potential tourism areas through January to April 2020, positive results were achieved to identify natural resources in Gieng Island which are suitable for tourism development in rural areas. Since then, the study proposes tourism products for cultural and relic sightseeing tours, eco-tourism products for river tours, and specific agricultural eco-tourism products for Gieng Island. Positive rural tourism activities that contribute to increasing income and towards a sustainable livelihood for community participation. In addition to participating in the tourism development orientation of local authorities, the rural tourism model will harvest positive results if it receives closer attention from the community and businesses in the development process.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Phát triển du lịch góp phần mang lại những lợi ích thiết thực cho địa phương nói chung và hướng đến cộng đồng nói riêng. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trong Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 đã ước tính giá trị đóng góp trực tiếp của ngành du lịch trong GDP của tỉnh năm 2020 là 8.8% và đến năm 2025 sẽ đạt 15.3% 1 . Trong những năm gần đây, An Giang thông qua nhiều hình thức hợp tác, kêu gọi các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực trong đó có du lịch cùng nghiên cứu, đánh giá và triển khai đa dạng đề tài nhằm xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch tại các địa phương khảo sát có tiềm năng 2 . Nhận thức được tầm quan trọng và từng bước đầu tư bài bản các hạng mục cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, An Giang không chỉ hướng đến mục tiêu đón tiếp 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025 1 mà muốn tiến xa hơn nữa với mục tiêu trở thành điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch đến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và địa phương trong tỉnh nói riêng 3 . Trọng tâm phát triển du lịch theo hướng bền vững với các mục tiêu cụ thể: sản phẩm đa dạng, đặc thù thu hút khách; bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, môi trường tự nhiên vốn có, và mang lại giá trị kinh tế, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương.

Hiện nay, ngoài các khu điểm du lịch nổi tiếng đã được đưa vào khai thác và đón tiếp khách trên địa bàn tỉnh An Giang thì cù lao Giêng (Chợ Mới) chỉ mới được biết đến là một vùng đất với nhiều tiềm năng du lịch chưa được khám phá, vẫn còn giữ được những bản sắc riêng vốn có. Cù lao Giêng có diện tích khá nhỏ với chiều dài khoảng 12 km và chiều rộng 7 km 4 , địa hình thuộc dạng cồn bãi ở giữa cao và thấp dần sang hai bên nằm trên sông Tiền 5 . Với vị trí tương đối cô lập được bao quanh là sông Tiền, cù lao Giêng hiện vẫn còn giữ được những đặc trưng văn hóa của vùng cù lao sông nước miền Tây trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, và hiện trạng cảnh quan tự nhiên vẫn được duy trì và giữ gìn qua bao thế hệ trên vùng đất này. Cùng với lịch sử khai phá vùng đất An Giang, trước năm 1815 đã có người đến khai hoang và định cư trên vùng đất cù lao Giêng và thành lập các thôn: Toàn Đức, Toàn Đức Đông, Mỹ Chánh, Mỹ Hưng (thuộc xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân hiện nay) 6 . Lịch sử phát triển vùng đất tương đối sớm góp phần mang lại cho cù lao một bề dày văn hóa lịch sử thông qua các công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, phủ thờ; những nhân vật có công đóng góp ít nhiều cho lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử An Giang nói riêng, cũng như hình thành và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống giúp người dân ứng phó với cuộc sống miền sông nước Nam Bộ trong những ngày đầu mở cõi. Nhận thấy được những tiềm năng vốn có về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn của vùng đất cù lao Giêng, trong những năm gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều công tác triển khai tìm hiểu, đánh giá hiện trạng các tài nguyên tại địa phương nhằm xây dựng định hướng khai thác du lịch trong thời gian tới với mục tiêu thu hút được khoảng 17.500 lượt khách năm 2020 và 30-32.000 lượt khách năm 2025 7 .

Các tài liệu nghiên cứu về du lịch được thực hiện trên những địa bàn có dạng địa hình cồn bãi, cù lao ở Việt Nam khá đa dạng và phong phú. Với những nét tương đồng mặt địa hình, và các nguồn tài nguyên du lịch, Cồn Sơn (Cần Thơ) đã có quá trình phát triển mô hình du lịch cộng đồng tương đối thành công, thu hút được số lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Sự thành công của mô hình du lịch cộng đồng Cồn Sơn không chỉ giúp khai thác các nguồn tài nguyên du lịch sẵn có từ vùng sông nước, tham quan các làng bè nuôi cá, tham quan cảnh vật, vườn cây trái trên cồn mà còn giúp cộng đồng địa phương tạo thêm nguồn thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống kể từ khi hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ 8 . Mối quan hệ cũng như sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch trên các vùng đất cù lao cũng được nhiều học giả quan tâm và nghiên cứu, hướng tiếp cận cộng đồng không chỉ xem cộng đồng như là một nhân tố phát triển du lịch mà còn tìm hiểu cộng đồng như một nguồn tài nguyên đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa để khai thác du lịch 9 . Với tài nguyên vốn có là khu vực nông thôn, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống trên địa bàn tương tự cù lao Giêng cũng được khai thác phát triển loại hình du lịch nông thôn ở nhiều địa phương khác trong tỉnh An Giang 10 . Thông qua các công trình nghiên cứu về du lịch, có thể nhận thấy, với những nét tương đồng về địa hình, nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn, cảnh quan nông thôn, cộng đồng nông thôn thì cù lao Giêng hội tụ đầy đủ các tiềm năng vốn có để phát triển du lịch.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Thuật ngữ và khái niệm về du lịch nông thôn đã được đề cập rất nhiều trong các nghiên cứu về du lịch trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Bernard Lane trong bài viết “What is the rural tourism?” đã định nghĩa về du lịch nông thôn là: “ (1) Được diễn ra ở khu vực nông thôn; (2) Thiết thực cho nông thôn – hoạt động dựa trên những đặc điểm tiêu biểu của những khu vực nông thôn với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thế giới thiên nhiên, những di sản văn hóa, xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã; (3) Có quy mô nông thôn – bao gồm các công trình xây dựng cũng như quy mô khu định cư thường có quy mô nhỏ (thôn, bản); (4) Dựa trên đặc điểm, yếu tố truyền thống, phát triển chậm và được tổ chức chặt chẽ, gắn kết với các hộ dân địa phương. Được phát triển và quản lí chủ yếu bởi địa phương, phục vụ mục đích lâu dài của dân cư trong làng xã;(5) Với nhiều loại hình, thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi nông thôn .” 11 . Từ định nghĩa trên, có thể nhận thấy du lịch nông thôn mang đến cho khách du lịch sự tương tác qua lại với môi trường tự nhiên của vùng quê và cho phép họ tham gia vào các hoạt động truyền thống, lối sống của cư dân địa phương.

Hình thái du lịch nông thôn rất đa dạng, bên cạnh đó phụ thuộc vào tài nguyên trong các khu vực nông thôn. Có thể kể các phong cách du lịch ở một số khu vực trên cơ sở vận dụng đặc trưng của từng khu vực nông thôn đó, sẽ có du lịch di sản văn hóa, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông sinh học. Điều quan trọng trong phát triển du lịch nông thôn là vận dụng tính đặc sắc có ở từng vùng nông thôn. Sự hấp dẫn đặc biệt có thể kể đến trong hoạt động du lịch nông thôn bao gồm du lịch di sản (có thể bao gồm cả di sản văn hóa du lịch). Du lịch di sản có thể được xem như là một chuyến du lịch nghỉ ngơi với mục đích chủ yếu là tìm hiểu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, kinh nghiệm của nơi đến và các hoạt động điển hình của họ.

Loại hình hoạt động chủ yếu thứ hai của du lịch nông thôn là du lịch tự nhiên/du lịch sinh thái. Được miêu tả là quá trình hoạt động tham quan các khu vực tự nhiên với mục đích là thưởng thức cảnh quan thiên nhiên, cây cối và hệ động thực vật hoang dã. Du lịch dựa vào thiên nhiên có xu hướng hoàn toàn tôn trọng bảo tồn tự nhiên.

Loại hình hoạt động chủ yếu thứ ba của du lịch nông thôn là du lịch nông nghiệp bao gồm các hoạt động viếng thăm, tìm hiểu các công việc ở nông trại hoặc nông nghiệp, nghề làm vườn hoặc kinh doanh nông nghiệp. Với mục đích chính là thưởng thức, học hỏi, tìm hiểu các hoạt động ở trang trại nông nghiệp bao gồm các hoạt động như tham quan chợ nông sản, chợ đêm,…Sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu có nguồn gốc từ nông nghiệp, là một trong các yếu tố của nông thôn. Cơ sở lý luận về các loại hình hoạt động của du lịch nông thôn sẽ là cơ sở khoa học để nghiên cứu đề xuất phát triển mô hình du lịch nông thôn ở cù lao Giêng – An Giang.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để tiến hành nghiên cứu, các nguồn tài liệu thứ cấp có liên quan đến cù lao Giêng được tác giả tiến hành tìm hiểu, tổng hợp và phân tích thông qua sách, các bài nghiên cứu khoa học, các số liệu thống kê, văn bản chỉ đạo đã được các Sở, ngành công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông bởi sự kiểm duyệt của chính phủ. Nghiên cứu dữ liệu thứ cấp giúp tác giả nhận thức tổng quan về địa bàn nghiên cứu, tài nguyên và thực trạng phát triển du lịch hiện nay trên địa bàn cù lao Giêng. Song song với quá trình nghiên cứu tài liệu, phương pháp điền dã dân tộc học cũng được tiến hành tuần tự theo 2 giai đoạn khảo sát vào các tháng 01/2020 và 04/2020. Trong giai đoạn khảo sát đầu tiên, tiến hành điền dã chủ yếu tập trung các công trình kiến trúc tôn giáo, cơ sở thờ tự tại các địa điểm cụ thể: thánh đường cù lao Giêng, tu viện chúa Quan Phòng (xã Tấn Mỹ), Thành Hoa tự (chùa Đạo Nằm, xã Tấn Mỹ), chùa Phước Thành và công trình Dinh Ba Quan Thượng Đẳng (xã Bình Phước Xuân). Thời gian được chọn thực hiện khảo sát vào dịp Tết nguyên đán của cả nước (tháng 01/2020) với mục đích quan sát, đánh giá hiện trạng các cơ sở cung cấp dịch vụ xung quanh và sức chứa của các địa điểm tham quan khi đón tiếp số lượng lớn khách du lịch. Giai đoạn khảo sát lần 2 được thực hiện tại 03 hộ nông dân ở ấp Bình Tấn, 02 cơ sở làm dưa xoài ở xã Bình Phước Xuân và vài hộ dân sinh sống lâu đời (cư trú hơn 20 năm) trên vùng đất cù lao Giêng. Thời gian chọn thực hiện khảo sát vào tháng 04/2020 khi mùa vụ hoa màu ở xã Bình Phước Xuân đang vào giai đoạn thu hoạch, thực hiện điền dã trong giai đoạn này giúp ghi nhận những hoạt động nông nghiệp hiện đang triển khai, tìm hiểu các loại hoa màu cũng như vườn cây ăn trái trên địa bàn. Quá trình thực hiện điền dã thành từng đợt cụ thể và vào các giai đoạn thích hợp giúp tác giả đối chiếu, so sánh với nguồn dữ liệu thứ cấp, cũng như quan sát ghi nhận thêm nhiều thông tin về thực trạng những nguồn tài nguyên hiện có trên địa bàn cù lao Giêng.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tài nguyên du lịch tự nhiên ở cù lao Giêng – An Giang

Cù lao Giêng là vùng đất cù lao nằm trên sông Tiền thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Vị trí cù lao tương đối cô lập với các mặt tiếp giáp là sông nước, tuy nhiên với sự phát triển điều kiện cơ sở hạ tầng do tỉnh đầu tư trong những năm gần đây đã sẵn sàng giúp cù lao kết nối với các địa phương khác một cách dễ dàng hơn thông qua cầu Mỹ Luông (được khánh thành và thông xe năm 2014) cùng với hệ thống phà, đò giúp người dân dễ dàng di chuyển đi xung quanh các khu vực khác trong và ngoài tỉnh. Cù lao Giêng hiện nay có 3 xã bao gồm: xã Tấn Mỹ, xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân. Địa hình được bao bọc bởi sông Tiền cũng như hệ thống kênh rạch khá chằng chịt cung cấp lượng nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Hiện nay hầu như các xóm, ấp trên địa bàn các xã cù lao đã được thông suốt bởi hệ thống cầu đường bê tông, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Nhưng thông qua hệ thống sông, kênh rạch có thể giúp khai thác hoạt động du lịch đưa đón khách du lịch tham quan cù lao bằng đường sông. Các điểm đón trả khách đang được xây mới và cải tạo kết hợp với các bến đò đón khách hiện có tại 2 bên bờ của cù lao Giêng. Hiện nay, vẫn còn duy trì vận hành 2 bến đò: bến đò Rạch Sâu và bến đò chùa Đạo Nằm bên cạnh nhiều bến đò nhỏ khác có thể giúp khách tiếp cận vùng đất cù lao.

Chợ Mới có đất nông nghiệp chiếm hơn 70% diện tích đất toàn huyện 12 . Trong đó, đất trên vùng cù lao Giêng chủ yếu trồng hoa màu, vườn cây ăn trái lâu năm và trồng lúa. Với đặc trưng thổ nhưỡng là đất phù sa giúp cho hoạt động nông nghiệp của địa phương đạt năng suất và chất lượng cao. Những vườn xoài xum xuê, những mảng xanh hoa màu phủ xanh cả vùng cù lao Giêng tạo cho nơi đây khung cảnh nông thôn bình yên, mộc mạc. Phát triển du lịch không chỉ giúp tiêu thụ nông sản tại chỗ mà còn hỗ trợ tiêu thụ dài hạn đối với các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn khi hoạt động tương tác trong du lịch đã nâng cao lòng tin của khách tiêu dùng đối với chất lượng nông sản địa phương 13 . Các hoạt động này sẽ là kênh quảng bá “truyền miệng” hiệu quả cho hoạt động du lịch và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương trong dài hạn và gia tăng những khách hàng tiềm năng cho nông sản của địa phương trong tương lai.

Tài nguyên du lịch nhân văn ở cù lao Giêng – An Giang

Cù lao Giêng có lịch sử khai phá và hình thành trên 320 năm, việc khai hoang, lập làng được ghi lại trong nhiều nguồn tài liệu chính thống sẽ là cơ sở tiền đề cho hoạt động thu thập, ghi chép và nghiên cứu những nguồn gốc lịch sử có tính xác thực liên quan đến các tên gọi, địa danh, các công trình kiến trúc,..trong việc tạo nguồn tư liệu có giá trị để giới thiệu đến khách du lịch trong chương trình tham quan.

Hiện nay, nổi bật trên vùng đất cù lao là các công trình kiến trúc gắn liền với tôn giáo . Trong đó, Thánh đường cù lao Giêng là địa điểm được đưa vào khai thác, tạo điểm nhấn nổi bật trong chương trình tham quan với những nét độc đáo, đặc biệt của công trình này. Khai thác các giá trị lịch sử về thời gian là nhà thờ xuất hiện đầu tiên của tỉnh 14 , nguồn gốc quá trình xây dựng, kiến trúc đặc trưng, tên gọi địa phương gắn liền với công trình,.. Song song với thánh đường là tu viện Dòng chúa quan phòng tại cù lao Giêng cũng là một địa điểm tham quan hấp dẫn khách với những thông tin về nguồn gốc, lịch sử truyền giáo, chức năng và những thăng trầm biến cố của vùng đất được các chứng tích lịch sử ghi nhận. Ngoài ra còn có tu viện Dòng Phaxico, nhà thờ Rạch Sâu đều là những công trình kiến trúc có giá trị về mặt văn hóa lịch sử có thể nghiên cứu, chọn lọc và đưa vào các chương trình tham quan du lịch.

Các công trình kiến trúc tôn giáo ngoài các thánh đường, tu viện còn có thể kể đến các ngôi chùa. Thành Hoa tự (hay còn gọi là chùa đạo Nằm) độc đáo bởi tên gọi, và sự hình thành của ngôi chùa. Hay chùa Phước Thành – ngôi chùa mới được xây dựng trong thời gian gần đây nhưng trở thành điểm thu hút khách với quần thể tượng phật tổ A Di Đà và 48 vị Bồ tát Thánh chúng lớn nhất. Trở thành địa điểm mà các du khách thập phương với niềm tin tôn giáo lựa chọn đến để cầu sự may mắn, bình an. Có thể nhận thấy trên một diện tích không gian tương đối nhỏ, hẹp nhưng đã có rất nhiều cơ sở thờ tự của nhiều tôn giáo khác nhau cùng cộng cư trong một thời gian dài, các công trình kiến trúc tôn giáo này không chỉ là những điểm dừng chân, tham quan hấp dẫn thuần túy đối với khách du lịch khi đến với địa phương mà còn là địa điểm giúp du khách có những trải nghiệm đáng nhớ. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu lịch sử vùng đất cù lao Giêng không thể không kể đến công trình phủ thờ Nguyễn tộc hay còn gọi là Dinh Ba Quan Thượng Đẳng và các đình làng thờ thần hoàng. Đây được xem là cơ sở thờ tự của những bậc tiền nhân có công khai phá, lập xứ cù lao từ những ngày đầu. Khai thác các khía cạnh lịch sử, những câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền qua các thế hệ về việc hình thành, phát triển vùng đất sẽ là chất xúc tác thu hút khách du lịch muốn tìm hiểu, khám phá để biết thêm về vùng đất cù lao độc đáo này.

Vùng đất cù lao Giêng có vị trí vô cùng đặc biệt, sự cô lập từ những ngày đầu được khai phá, sự đa dạng của các tôn giáo trong quá trình cộng cư một thời gian dài trên một không gian hẹp dẫn đến sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trong cộng đồng, tạo nên những nét chấm phá đặc biệt trong đời sống văn hóa của người dân trên xứ cù lao . Sự hiếu khách, thân thiện, phóng khoáng được thể hiện trong tính cách của người dân nơi đây và cũng chính yếu tố này là một trong những điểm thu hút, hấp dẫn khách du lịch khi đến tham quan, tìm hiểu khám phá một địa phương khác. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của người dân cũng được thể hiện rõ nét qua các lễ hội cúng đình thần Tấn Mỹ, đình thần Bình Phước Xuân, lễ tết của dân tộc, các phong tục cưới hỏi ma chay với đầy đủ những nghi lễ thể hiện niềm tin, tín ngưỡng, mong cầu những điều tốt đẹp trong cuộc sống, vẫn được người dân duy trì tổ chức vào những dịp đặc biệt trong năm.

Để thích nghi được với cuộc sống từ bao đời nay, các nghề thủ công truyền thống của địa phương đã được hình thành và phát triển. Nghề đóng xuồng ghe, nghề đan lát tre nứa đã tồn tại qua bao thế hệ, giúp người dân mưu sinh trong điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, những làng nghề truyền thống này dần bị mai một trước sự phát triển của xã hội, những làng nghề từng vang bóng một thời dần khép mình lui vào quá khứ để lại sự hoài niệm cho bao thế hệ người dân xứ cù lao. Việc phát triển du lịch không chỉ giúp cải thiện thu nhập, mà thông qua hoạt động du lịch, góp phần làm sống lại những nghề thủ công của địa phương. Duy trì làng nghề như một tài sản chung của cộng đồng, phục dựng quy trình sản xuất phục vụ khách tham quan, tìm đầu ra cho các sản phẩm thủ công thông qua việc xây dựng các mặt hàng lưu niệm từ chính những sản phẩm làng nghề sẵn có tại địa phương.

Cù lao Giêng có thể được xem là cái nôi, vùng đất sinh thành ra nhiều nhân vật có đóng góp ít nhiều trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử tỉnh An Giang nói riêng. Những người con tiêu biểu của vùng đất cù lao có thể được kể đến như là: Thư hầu Nguyễn Văn Thư và hai người em của mình, là những người có công tham gia đánh giặc và đắp thành “Gia Định kinh”, cũng như “thành Diên Khánh” cho quân đội nhà Nguyễn. Đến khi các ông mất, được vua Gia Long truy tặng chức Chưởng dinh, tước hiệu Thư Ngọc Hầu; nhà cách mạng Ung Văn Khiêm với những đóng góp to lớn trong hai cuộc cách mạng của dân tộc; nhà văn Nguyễn Quang Sáng với các tác phẩm nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam như: Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1966), Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975) cũng như nhiều tác phẩm kịch khác; nhạc sĩ Hoàng Hiệp – tác giả của những ca khúc cách mạng đi vào lòng bao thế hệ thanh niên Việt Nam như: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Lá đỏ, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây,… 15 . Nghiên cứu các yếu tố lịch sử liên quan đến con người, địa danh Cù Lao Giêng góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu về lịch sử vùng đất và hình thành nhiều chuyên đề lịch sử giúp khách lựa chọn trong chương trình tham quan, khám phá vùng đất cù lao. Những trải nghiệm thực tế trên mảnh đất mang lại cho khách du lịch những thông tin trực quan, sống động, góp phần truyền tải niềm tự hào về mảnh đất có lịch sử hình thành không lâu nhưng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

Thực trạng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch ở cù lao Giêng – An Giang

Nhằm tạo tiền đề phát triển du lịch, cù lao Giêng hiện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các Sở, Ban ngành và huyện Chợ Mới tích cực nghiên cứu phương án, tìm hiểu và xác định các nguồn tài nguyên có tiềm năng để khai thác du lịch. Nhiều chương trình hành động, các hạng mục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kĩ thuật để phục vụ khách du lịch cũng được triển khai và trong quá trình hoàn thiện.

Table 1 Danh mục dự án ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch ba xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Trải qua 3 năm thực hiện đề án, đối chiếu với Table 1 : Danh mục dự án ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch ba xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 khi tiến hành diền dã dân tộc học, kết hợp quan sát, phỏng vấn sơ bộ đã ghi nhận được 11/20 danh mục đã và đang được tiến hành thi công với tổng kinh phí 93,184 tỷ đồng từ các nguồn vốn từ dự án Kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao, vốn chương trình Nông thôn mới, vốn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp kêu gọi đầu tư 16 . Các danh mục đầu tư hiện chú trọng cải tạo, xây mới và hoàn thiện các tuyến đường giao thông nhằm kết nối, tạo sự thuận tiện trong quá trình di chuyển giữa các điểm du lịch trên địa bàn cù lao. Mở rộng các tuyến đường liên ấp, liên xã giúp đa dạng phương tiện di chuyển có sức chứa lớn dễ dàng tiếp cận với các điểm du lịch trên cù lao song song đó là cải thiện môi trường sống của cộng đồng địa phương. Trong giai đoạn 2021-2025, các danh mục còn lại sẽ tiếp tục được kêu gọi đầu tư xây dựng và cải tạo nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch cho cù lao Giêng.

Table 2 Danh mục dự án ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất phát triển du lịch ba xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Bên cạnh đó, đối chiếu với Table 2 : Danh mục dự án ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất phát triển du lịch ba xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 , hiện các danh mục dự án đầu tư nhận được sự hỗ trợ từ địa phương trong các công tác hoàn thiện hồ sơ quy trình triển khai thực hiện với kinh phí dự kiến khoảng 355,146 tỷ đồng 16 . Có thể nhận thấy, cơ sở hạ tầng và vật chất ở cù lao Giêng đã cơ bản đáp ứng được các điều kiện phục vụ khách du lịch trong nước và đang hướng đến thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.

THẢO LUẬN

Theo định hướng phát triển du lịch do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề ra hiện nay, quan điểm phát triển du lịch Cù Lao Giêng cần phải: a) Gắn bó chặt chẽ với phong trào xây dựng nông thôn mới; b) Phát triển du lịch xanh, bền vững, thân thiện và góp phần giữ gìn, cải tạo cảnh quan môi trường vệ sinh; c) Phát triển du lịch trách nhiệm đảm bảo cho cộng đồng địa phương có cơ hội tham gia; d) Định hình thương hiệu và tạo dựng nhận thức về Cù Lao Giêng xanh đẹp, giàu giá trị văn hóa và những trải nghiệm sinh kế nông nghiệp thân thiện, mến khách 17 . Dựa trên những quan điểm phát triển, đối chiếu với mục tiêu tổng quát cũng như các mục tiêu cụ thể, nghiên cứu đề xuất xây dựng mô hình du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch cụ thể nhằm phát triển du lịch Cù Lao Giêng – An Giang.

Đầu tiên, với hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo, lịch sử tập trung dày đặc xung quanh 3 xã cù lao có thể xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tham quan di tích . Lập kế hoạch khảo sát những công trình kiến trúc, di tích trên địa bàn hiện có, xem xét hiện trạng và tiến hành xây dựng hệ thống thông tin về địa điểm tham quan như một nguồn tài liệu thứ cấp phục vụ cho việc quảng bá điểm đến và cung cấp thông tin cho khách du lịch tham quan tìm hiểu khi có nhu cầu. Hệ thống các công trình kiến trúc công giáo, lịch sử này sẽ là điều kiện tiên quyết trong việc thiết kế các tour tuyến tham quan tại cù lao Giêng và những yếu tố lịch sử, văn hóa, kiến trúc sẽ tạo nên nét hấp dẫn thu hút, đáp ứng yêu cầu thị hiếu về một điểm đến nhiều trải nghiệm thú vị. Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tham quan di tích có thể hướng đến thị trường khách du lịch hành hương không chỉ dành riêng cho các tín đồ Công giáo mà còn cả các tín đồ Phật giáo khi sự hòa hợp, đan xen của các công trình được xây dựng trên vùng đất cù lao Giêng.

Dựa vào điều kiện địa hình cù lao, xây dựng sản phẩm du lịch tham quan đường sông sẽ là sản phẩm thu hút khách du lịch muốn tìm hiểu về cuộc sống miền sông nước nơi đầu nguồn của dòng Mê kông . Không chỉ tạo cảnh quan tươi đẹp, mát mẻ trong lành, hệ thống sông, kênh rạch xung quanh cù lao là nơi ghi dấu đời sống vật chất, tinh thần của cư dân và mang đến cho du khách những trải nghiệm khó phai. Xét về văn hóa vật chất, đó là những sinh kế nông nghiệp theo mùa nước, những làng nghề đóng ghe xuồng phục vụ phương tiện đi lại trên sông, những món ăn được chế biến từ nguồn thủy sản nuôi, đánh bắt tại địa phương. Xét về mặt tinh thần, sông nước gắn bó với bao thế hệ người dân trên mảnh đất, là cội nguồn, quê hương và là chất xúc tác tình cảm giúp nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết nên ca khúc “ Trở về dòng sông tuổi thơ ”. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái tham quan sông nước mang lại cho du khách cơ hội được hòa mình vào thiên nhiên, vùng sông nước, quan sát cuộc sống sinh hoạt ven sông, tham quan các làng bè nuôi cá nhỏ tự phát của người dân, các vườn cây ăn trái ven bờ, trải nghiệm các hoạt động tắm sông, cồn ở hai bên bờ, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng sinh sống trên cù lao.

Cù lao Giêng là cù lao nông nghiệp với diện tích đất chủ yếu trồng xoài, canh tác hoa màu, trồng lúa. Dựa vào điều kiện canh tác nông nghiệp sẵn có việc nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp sẽ là hướng phát triển tiềm năng cho địa phương trong thời gian tới. Với hệ thống vườn xoài phủ xanh cù lao, đa dạng các giống xoài có năng suất cao, việc xây dựng các tour tham quan tìm hiểu hoạt động làm vườn tại đây cũng là mô hình thu hút các khách du lịch từ địa phương khác đến tham quan, học tập phương pháp canh tác. Ngoài những hoạt động thuần túy như tham quan vườn xoài, thu hoạch hoa màu,..cần hơn là những hoạt động mang tính giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, giới thiệu về những giống hoa màu, cây ăn trái đặc trưng của vùng đất cù lao, quy trình trồng và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn. Việc phát triển loại hình du lịch sinh thái gia tăng trải nghiệm hoạt động nông nghiệp sẽ góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cù lao Giêng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách và giúp phát triển bền vững cho nông nghiệp địa phương.

Đóng góp của du lịch nông thôn vào kinh tế của địa phương đã được nghiên cứu trên thế giới và khẳng định được hiệu quả của nó. Bên cạnh đó, du lịch nông thôn còn được xem là phương tiện để đối phó với sự suy giảm khả năng tạo ra thu nhập và phù hợp với những nguồn tài nguyên mà vùng nông thôn hiện có 18 , 19 , 20 . Phát triển du lịch nông thôn sẽ là hướng tiếp cận không chỉ phát triển du lịch cho vùng đất cù lao mà song song đó, góp phần đảm bảo các hoạt động nông nghiệp, diện tích đất canh tác của huyện Chợ Mới không bị thu hẹp do nhu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây khi mà chỉ có hoạt động nông nghiệp sẽ không đáp ứng được các nhu cầu trong đời sống của người dân. Hoạt động du lịch nông thôn phát triển sẽ là lựa chọn sinh kế bổ sung cho cư dân vùng cù lao có thêm thu nhập thông qua việc khai thác các nguồn sinh kế sẵn có của gia đình, cũng như tạo việc làm và hạn chế tình trạng li hương hiện đang xảy ra tại địa phương và các khu vực nông thôn khác trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo định hướng phát triển du lịch cù lao Giêng đến năm 2030, du lịch có thể giải quyết việc làm cho 760 người. Trong đó: 540 người lao động trực tiếp và 220 người lao động gián tiếp 17 .

Phát triển du lịch nông thôn sẽ kích thích sự sáng tạo của người nông dân trong việc chế biến các nông sản địa phương cung cấp cho khách. Những sản vật địa phương hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc bán thô các loại rau củ quả, trái cây. Khi lượng khách du lịch gia tăng, thông qua nhu cầu của khách sẽ đẩy mạnh các ý tưởng chế biến nông sản thành những mặt hàng mới, đa dạng, gia tăng giá trị và hấp dẫn du khách hơn trong quá trình tham quan mua sắm. Hiện nay, cù lao Giêng xác định các giống xoài là trái cây chủ đạo tạo thương hiệu và dấu ấn cho địa phương, do vậy trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc cung cấp trái cây, hay là dưa xoài như hiện nay mà cần có sự nghiên cứu phát triển thêm nhiều sản phẩm khác được chế biến từ nguyên liệu là xoài. Việc xác định sản phẩm đặc trưng góp phần nhận dạng thương hiệu du lịch nông thôn cù lao Giêng trên thị trường du lịch của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động du lịch phát triển ngoài mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương, cải thiện thu nhập cho những hộ dân tham gia trực tiếp trong hoạt động du lịch mà bên cạnh đó còn góp chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong nhiều khía cạnh, có thể kể đến như: gia tăng niềm tự hào về vùng đất cù lao Giêng, có ý thức hơn trong việc cải tạo môi trường sống của gia đình, trong làng xóm, bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức người dân trong vấn đề bảo tồn những nét đẹp văn hóa cộng đồng là những kết quả tích cực mà giá trị của loại hình du lịch nông thôn hướng đến.

KẾT LUẬN

Du lịch nông thôn không phải là mô hình du lịch mới của tỉnh An Giang nói riêng và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tuy nhiên, với vị trí ở khu vực nông thôn, sự đa dạng các loại tài nguyên du lịch, hoạt động canh tác nông nghiệp thuần túy, hệ thống sông, ngòi chằng chịt và cuộc sống nông thôn miền Tây sông nước bao đời nay dường như vẫn hiện hữu trên xứ cù lao Giêng,.. thì phát triển du lịch nông thôn sẽ là hướng triển khai du lịch thiết thực, mang lại hiệu quả cho địa phương.

Tuy nhiên, để du lịch cù lao Giêng phát triển bền vững và có sức thu hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước thì cần có chiến lược, sự vào cuộc của các bên liên quan trong vấn đề nghiên cứu, khảo sát, và xây dựng nên các sản phẩm du lịch nông thôn mang những màu sắc mới. Bên cạnh đó vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa và sinh kế bền vững của người dân vùng cù lao cũng cần được nghiêm túc quan tâm theo dõi và triển khai phù hợp. Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững du lịch nông thôn cù lao Giêng – An Giang trong những thời gian sắp tới.

Tuyên bố về xung đột lợi ích

Bản thảo này không có xung đột lợi ích

Tuyên bố đóng góp của tác giả

+ Bài viết được thực hiện dựa trên kết quả thực địa, và tham khảo một số bài viết và công trình nghiên cứu có liên quan đến chủ đề nghiên cứu.

+ Tuyên bố đóng góp về mặt khoa học của nghiên cứu:

Bài viết đóng góp về mặt lí luận đó là đề xuất mô hình phát triển du lịch nông thôn, được xem là mô hình hữu hiệu cho việc phát triển du lịch ở các địa phương nông thôn trên thế giới và ở Việt Nam. Mô hình đã được nhiều nghiên cứu xác nhận về tính hiệu quả trong việc cải thiện các vấn đề ở khu vực nông thôn. Đóng góp về mặt thực tiễn của bài viết đó là phân tích nhằm thể hiện rõ những nguồn tài nguyên trên địa bàn Cù Lao Giêng – tỉnh An Giang phù hợp để triển khai du lịch nông thôn.

References

  1. Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang. Công văn Số: 59/CTr-UBND, Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. An Giang. . 2017;:. Google Scholar
  2. UBND tỉnh An Giang, Sở Khoa học Công nghệ. Công văn Số: 894/SKHCN-VP, Về việc cung cấp thông tin và đề xuất các hoạt động xây dựng Chương trình phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2020-2025. An Giang. . 2020;:. Google Scholar
  3. Thủ tướng chính phủ. Số 2227/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Longđến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Hà Nội. . 2016;:. Google Scholar
  4. Cù lao Giêng [online]. [cited 2020 Apr 4]. . 2020;:. Google Scholar
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.Địa chí An Giang [Lưu hành nội bộ]. An Giang. . 2003;:. Google Scholar
  6. Kiến Phan Văn. Diện mạo kinh tế An Giang trong các thế kỷ XVII - XX [Luận văn thạc sĩ]. Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. . 2007;:. Google Scholar
  7. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang. Công văn Số: 1273/QĐ-UBND, Quyết định về việc phê duyệt "Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chợ Mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. An Giang. . 2017;:. Google Scholar
  8. Nga Trương Hoàng Tố. Lòng tin của người dân trong quá trình chuyển đổi mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn, Cần Thơ [Luận văn thạc sĩ]. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. . 2020;:. Google Scholar
  9. Cúc Phạm Thị Hồng. Sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch tại cù lao Bình Hòa Phước, tỉnh Vĩnh Long [Luận văn Thạc sĩ]. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. . 2009;:. Google Scholar
  10. Vân Trần Thị Tuyết. Nghiên cứu phát triển du lịch nông thôn tỉnh An Giang [Luận văn thạc sĩ]. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. . 2015;:. Google Scholar
  11. Land Bernard. What is the rural tourism? Journal of Sustainable Tourism. . 1994;2:7-21. Google Scholar
  12. Cục thống kê tỉnh An Giang. Niên giám thống kê tỉnh An Giang năm 2016. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thanh niên. . 2017;:22. Google Scholar
  13. Su M.M.. Livelihood sustainability in a rural tourism destination - Hetu Town, Anhui Province, China. Tourism Management. . 2019;71:272-281. Google Scholar
  14. Kỷ lục An Giang 2009. Hà Nội: Nhà xuất bản Thông tấn Hà Nội. . 2010;:. Google Scholar
  15. Thái Dương Tô Quốc, Tấn Lâm Thành. Những đóng góp thầm lặng của "Đất Cù Lao Giêng" cho tiến trình lịch sử tỉnh An Giang. Hội thảo khoa học "Sự kiện và nhân vật lịch sử Chợ Mới 320 năm". Chợ Mới. . 2019;:. Google Scholar
  16. Châu Hạnh. Thực hiện quy hoạch phát triển du lịch ba xã cù lao Giêng [online]. [cited 2020 Jun 9]. . 2020;:. Google Scholar
  17. Kỵ Minh. Chợ Mới làm việc với Trung tâm Xúc tiến Thương Mại và Đầu tư An Giang [online]. [cited 2020 Agu 21]. . 2020;:. Google Scholar
  18. UBND tỉnh An Giang. Công văn Số: 3768/QĐ-UBND, Quyết định Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch ba xã Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. An Giang. . 2017;:. Google Scholar
  19. Fleischer A., Tchetchik A.. Does rural tourism benefit from agriculture? Tourism Management. . 2005;26(4):493-501. Google Scholar
  20. OECD. Tourism policy and international tourism in OECD countries: 1991-1992. Organization for Economic Co-Operation and Development. . 1994;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 1 (2021)
Page No.: 891-899
Published: Mar 31, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i1.643

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Van, T. (2021). Research for tourism development model in Cu lao Gieng – An Giang. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(1), 891-899. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i1.643

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 534 times
Download PDF   = 385 times
View Article   = 0 times
Total   = 385 times