VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

1770

Total

600

Share

The actual situation of students’ soft skills at some member universities of Vietnam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This study identifies and assesses the actual situation of students' soft skills at some member universities of Vietnam National University Ho Chi Minh City. To gather data, we surveyed 120 students at the University of Science and the University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University Ho Chi Minh City. The research results show that (1) Students are interested in practicing soft skills; (2) Students learn soft skills mainly through social networks, core subjects, and a number of extracurricular activities; (3) There is a wide variety of proficiency levels of groups of soft skills (the group with the highest level of proficiency is teamwork skills, and the lowest one is the group of business skills); and (4) The factors which affect students' soft skill training are their attitude, awareness and relationships with friends around. To improve the effectiveness of soft skill training for students, training units should strengthen the integration of soft skill training content in their curricular and extra-curricular training programs. In addition, students constantly improve soft skills through classroom subjects in an active way; join extracurricular activities, clubs, etc. The research results are a channel of reference to help students to improve their soft skills in order to meet learning requirements and find jobs after graduation.

Đặt vấn đề

Trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoài yêu cầu về kỹ năng chuyên môn (kỹ năng cứng), người lao động cần có những kỹ năng mềm (KNM) để bổ trợ cũng như thiết lập mối quan hệ và giải quyết tốt các vấn đề trong công việc 1 .

Đối với sinh viên, việc trang bị KNM trước khi ra trường trở nên vô cùng cần thiết, giúp tăng cơ hội tìm việc làm và để phát triển sự nghiệp về sau 2 . Nhận thức được tầm quan trọng của KNM, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã đưa nội dung giáo dục KNM vào chương trình đào tạo chính khóa (có sự kết hợp các hoạt động ngoại khóa). Tuy nhiên, mức độ sử dụng KNM của sinh viên nhìn chung chưa cao và chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng 3 .

Tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-TP.HCM), hiện còn thiếu những nghiên cứu cụ thể về mức độ sử dụng KNM của sinh viên. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm nhận diện, đánh giá thực trạng sử dụng KNM của sinh viên tại một số trường đại học thành viên. Kết quả nghiên cứu là kênh thông tin tham khảo giúp cho sinh viên từng bước hoàn thiện KNM nhằm đáp ứng yêu cầu học tập và tìm việc làm sau khi ra trường.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Khái niệm về kỹ năng mềm

Tùy theo hướng tiếp cận nghiên cứu, có nhiều khái niệm khác nhau về KNM. Nghiên cứu này sử dụng khái niệm của Lê Thị Hoài Lan (2017), vì khái niệm của tác giả nhấn mạnh đến tính chủ động, tự giác nhằm hoàn thiện các kỹ năng trong nhiều môi trường tương tác khác nhau. Theo đó, KNM được hiểu là hệ thống các kỹ năng cơ bản được thực hiện tự giác dựa trên tri thức về công việc, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử hay tương tác với xã hội, cộng đồng, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, tổ chức của mỗi cá nhân nhằm phát huy tối đa hiệu quả công việc và thành đạt trong cuộc sống 4 .

Khung kỹ năng mềm dành cho sinh viên

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của KNM, các tổ chức và cá nhân trên thế giới cũng như Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất khung đánh giá KNM khác nhau, cụ thể:

Hội đồng Kinh doanh Úc (BCA) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Úc (ACCI) (2002) đã xác định 08 KNM bắt buộc người lao động phải có gồm: (1) giao tiếp; (2) làm việc nhóm; (3) giải quyết vấn đề; (4) sáng tạo và mạo hiểm; (5) lập kế hoạch và tổ chức công việc; (6) quản lý bản thân; (7) học tập; (8) công nghệ 5 .

Bộ Lao động Hoa Kỳ cùng Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Hoa Kỳ đã xác lập 13 KNM cơ bản giúp thành công trong công việc, gồm: (1) học và tự học; (2) lắng nghe; (3) thuyết trình; (4) giải quyết vấn đề; (5) tư duy sáng tạo; (6) quản lý bản thân và tinh thần tự tôn; (7) xác lập mục tiêu/tạo động lực làm việc; (8) phát triển cá nhân và sự nghiệp; (9) giao tiếp và tạo lập quan hệ; (10) làm việc nhóm; (11) thương lượng; (12) tổ chức công việc hiệu quả; (13) lãnh đạo 5 .

Bộ Giáo dục Đại học Malaysia (2006) đã xác lập 07 nhóm KNM khác nhau, gồm: (1) giao tiếp; (2) tư duy phản biện và tìm kiếm thông tin; (3) làm việc nhóm; (4) học tập suốt đời và quản lý thông tin; (5) kinh doanh; (6) đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn; (7) lãnh đạo. Khung 07 nhóm kỹ năng này đã được áp dụng tại Đại học quốc gia Malaysia lần đầu tiên vào năm 2011 5 .

Trong đề tài nghiên cứu về giáo dục KNM cho sinh viên đại học của một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam , Nguyễn Thị Hảo (2015) đã đề xuất khung KNM cho sinh viên Việt Nam, gồm các kỹ năng: (1) giao tiếp; (2) thích ứng; (3) làm việc nhóm; (4) tư duy phản biện và giải quyết vấn đề; (5) lãnh đạo; (6) học tập suốt đời 6 .

Dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và đánh giá tổng quan, nhóm nghiên cứu cho rằng khung KNM của Bộ Giáo dục Đại học Malaysia ban hành năm 2006 5 phù hợp với thực trạng nền giáo dục và đặc điểm của đối tượng là sinh viên Việt Nam. Khung KNM này cũng phân chia các KNM thành các nhóm cụ thể, đảm bảo sinh viên được phát triển toàn diện và thích ứng tốt trong thời đại mới (trong đó có nhóm kỹ năng học tập suốt đời). Ngoài ra, khung KNM đã được lấy ý kiến chuyên gia trên diện rộng và được ban hành bởi cơ quan chuyên trách về giáo dục của Malaysia (Bộ Giáo dục Đại học Malaysia ban hành) nên có tính tin cậy cao.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để thực hiện mục tiêu nhận diện, đánh giá thực trạng sử dụng KNM của sinh viên tại một số trường đại học thành viên thuộc ĐHQG-TP.HCM, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát bằng bảng hỏi đối với 120 sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (đại diện cho khối ngành khoa học tự nhiên) và trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (đại diện cho khối ngành khoa học xã hội). Phương pháp được sử dụng chọn mẫu là phương pháp chọn mẫu hạn ngạch, với hai nhóm sinh viên đại cương và chuyên ngành. Các tác giả cho rằng kỹ năng mềm của sinh viên được hình thành và phát triển theo thời gian, cùng với khả năng hòa nhập và tương tác xã hội. Ngoài ra, càng về những năm cuối trước khi ra trường, mức độ nhận thức về sự cần thiết phải tự rèn luyện KNM của sinh viên càng tăng lên, để chuẩn bị cho tìm việc làm sau khi ra trường. Để đảm bảo cỡ mẫu tối thiểu khi xử lý số liệu khảo sát bằng phương pháp thống kê mô tả, tại mỗi trường, nhóm nghiên cứu lựa chọn khảo sát 30 sinh viên đang theo học chương trình đại cương và 30 sinh viên đang theo học chương trình chuyên ngành. Thời gian thực hiện khảo sát bảng hỏi từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2020.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thực trạng rèn luyện KNM của sinh viên tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Trong 120 sinh viên tham gia cuộc khảo sát, tỷ lệ sinh viên phân theo năm học (từ năm thứ nhất đến năm thứ tư) là 25% ở mỗi trường. Trong đó, tỷ lệ nữ chiếm 56,7% trong tổng số sinh viên tham gia khảo sát. Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu chính:

- Mức độ quan tâm đến KNM : Mức độ quan tâm của sinh viên đối với KNM lần lượt là rất quan tâm (55,9%), quan tâm (25,8%), bình thường (15,8%), không quan tâm (2,5%).

- Kênh thông tin sinh viên tiếp nhận KNM : Sinh viên tiếp nhận KNM thông qua: mạng xã hội và internet (96%); các môn học trong chương trình đào tạo (66%); trao đổi với bạn bè hoặc người thân (64%); hoạt động ngoại khoá do Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên tổ chức (53%); Khóa học KNM (44%).

- Nhận thức về mức độ cần thiết các nhóm KNM : Các nhóm kỹ năng sinh viên cho rằng rất cần thiết gồm: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn; kỹ năng tư duy phản biện và tìm kiếm thông tin. Các nhóm KNM đều được sinh viên cho rằng khá cần thiết gồm: kỹ năng học tập suốt đời và quản lý thông tin; kỹ năng lãnh đạo; kỹ năng kinh doanh (xem Figure 1 ).

Figure 1 . Mức độ cần thiết của các nhóm KNM

- Nhận thức vai trò của KNM : Nhìn chung, các sinh viên tham gia khảo sát đều nhận thấy tầm quan trọng của KNM trong học tập, sinh hoạt hiện tại và công việc trong tương lai. Trong đó, vai trò quan trọng nhất là giúp sinh viên giao tiếp tự tin hơn trước đám đông và giúp sinh viên hòa nhập vào môi trường làm việc một cách nhanh chóng (xem Table 1 ).

Table 1 Vai trò của KNM đối với học tập, công việc và cuộc sống

- Mức độ sử dụng thành thạo các KNM : Nhìn chung, sinh viên sử dụng khá thành thạo các KNM. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch về mức độ sử dụng giữa các nhóm. Trong đó, nhóm có mức độ thành thạo cao nhất là nhóm kỹ năng làm việc nhóm (4,01 điểm), thấp nhất là nhóm kỹ năng kinh doanh (3,43 điểm) (xem Figure 2 ).

Figure 2 . Mức độ sử dụng thành thạo 0 7 nhóm KNM của sinh viên

Trong mỗi nhóm kỹ năng, có sự chênh lệch về mức độ sử dụng các kỹ năng thành phần:

+ Đối với nhóm kỹ năng giao tiếp : Đây là nhóm kỹ năng sinh viên sử dụng khá thành thạo (với điểm số 3,84 điểm). Trong đó, điểm số cao nhất là kỹ năng phát triển khả năng giao tiếp bản thân. Có điểm số thấp nhất là kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể (xem Table 2 ).

Table 2 Điểm đánh gi á mức độ thành thạo đối với nhóm kỹ năng giao tiếp

+ Đối với nhóm kỹ năng tư duy phản biện và tìm kiếm thông tin : Đây là nhóm kỹ năng sinh viên sử dụng khá thành thạo (với điểm số 3,88 điểm). Trong đó, điểm số cao nhất là kỹ năng thấu hiểu và hòa nhập với văn hóa của cộng đồng hoặc môi trường làm việc mới. Có điểm số thấp nhất là kỹ năng tư duy đột phá (xem Table 3 ).

Table 3 Điểm đánh giá mức độ thành thạo đối với nhóm kỹ năng tư duy phản biện và tìm kiếm thông tin

+ Đối với nhóm kỹ năng làm việc nhóm : Đây là nhóm kỹ năng có điểm số trung bình cao nhất trong các nhóm KNM, với điểm số 4,01 (tương ứng mức độ sử dụng khá thành thạo). Trong nhóm này, điểm số của các kỹ năng bộ phận theo thứ tự từ cao đến thấp lần lượt như sau: Kỹ năng nhận biết và tôn trọng thái độ, hành vi và niềm tin của người khác (4,15 điểm); Kỹ năng sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của cả nhóm (4,13 điểm); Kỹ năng đóng góp vào việc lập kế hoạch và phối hợp vào nỗ lực chung của cả nhóm (3,98 điểm); Kỹ năng xây dựng mối quan hệ tốt, tương tác với mọi người và làm việc hiệu quả để cùng đạt được mục tiêu chung (3,96 điểm); Kỹ năng thấu hiểu và hoán đổi vị trí giữa trưởng nhóm và thành viên trong nhóm (3,83 điểm).

+ Đối với nhóm kỹ năng học tập suốt đời và quản lý thông tin : Đây là nhóm kỹ năng sinh viên sử dụng khá thành thạo (với điểm số 3,99). Điểm số đánh giá của các kỹ năng bộ phận lần lượt như sau: Kỹ năng tự học (4,08 điểm); Kỹ năng tìm kiếm và quản lý thông tin có liên quan từ nhiều nguồn khác nhau (4,05 điểm); Kỹ năng phát triển trí tò mò và tìm kiếm tri thức (3,83 điểm).

+ Đối với nhóm kỹ năng kinh doanh : Đây là nhóm kỹ năng sinh viên sử dụng khá thành thạo (với điểm số 3,42). Điểm số đánh giá của các kỹ năng bộ phận lần lượt như sau: Kỹ năng làm việc độc lập (3,86 điểm); Kỹ năng tạo lập và nắm bắt cơ hội công việc kinh doanh (3,31 điểm); Kỹ năng nhận diện được cơ hội kinh doanh (3,28 điểm).

+ Đối với nhóm kỹ năng đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn : Đây là nhóm kỹ năng sinh viên sử dụng khá thành thạo (với điểm số 3,97). Điểm số đánh giá của các kỹ năng bộ phận lần lượt như sau: Kỹ năng rèn luyện đạo đức, và chịu trách nhiệm với xã hội (4,19 điểm); Kỹ năng phân tích và ra quyết định để giải quyết vấn đề liên quan đến đạo đức (4,02 điểm); Kỹ năng nhận diện được sự ảnh hưởng của nền kinh tế, môi trường và văn hóa xã hội trong thực tế (3,71 điểm).

+ Đối với nhóm kỹ năng lãnh đạo : Đây là nhóm kỹ năng sinh viên sử dụng khá thành thạo (với điểm số 3,73). Điểm số đánh giá của các kỹ năng bộ phận lần lượt như sau: Kỹ năng thấu hiểu các thành viên trong nhóm (3,90 điểm); Kỹ năng giám sát các thành viên trong nhóm (3,80 điểm); Kỹ năng vận dụng các kiến thức cơ bản về lãnh đạo (3,61 điểm); Kỹ năng lãnh đạo một dự án (3,61 điểm).

Các yếu tố ảnh hưởng đến rèn luyện KNM của sinh viên tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Các yếu tố ảnh hưởng đến rèn luyện KNM của sinh viên tại các trường điển cứu được chia thành hai nhóm:

- Nhóm các yếu tố chủ quan, gồm: Nhận thức của sinh viên về học tập và rèn luyện kỹ năng; Thái độ và ý thức của sinh viên; Sự hứng thú của sinh viên; Mối quan hệ của sinh viên với bạn bè.

- Nhóm các yếu tố khách quan, gồm: Đặc điểm văn hóa và vùng miền; Môi trường gia đình và xã hội; Chương trình đào tạo của nhà trường; Phương pháp giảng dạy của giảng viên; Hoạt động và phong trào do Đoàn thanh niên và Hội sinh viên tổ chức; Tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Trong đó, điểm trung bình đánh giá của nhóm yếu tố chủ quan là 3,94 điểm, nhóm các yếu tố khách quan là 3,64 điểm. Trong các yếu tố chủ quan, thái độ và ý thức của sinh viên có điểm đánh giá lớn nhất (4,03 điểm). Trong các yếu tố khách quan, mối quan hệ với bạn bè có điểm đánh giá cao nhất (3,86 điểm). Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố đặc điểm văn hoá và vùng miền ảnh hưởng thấp nhất đến việc rèn luyện KNM của sinh viên (xem Figure 3 ).

Figure 3 . Các yếu tố ảnh hưởng đến việc học và rèn luyện KNM

thảo luận

Qua kết quả khảo sát, có thể rút ra một số nhận định về thực trạng KNM của sinh viên tại một số trường đại học thành viên thuộc ĐHQG-TP. HCM như sau:

Thứ nhất , kết quả nghiên cứu này tương thích với kết luận của Huỳnh Văn Sơn (2012) 3 và Tạ Quang Thảo (2014) 7 khi phần lớn sinh viên đều có nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết rèn luyện KNM đối với việc học hiện tại và công việc trong tương lai.

Thứ hai , việc sử dụng thành thạo các KNM của sinh viên hiện nay có sự chênh lệch đáng kể. Hai nhóm kỹ năng được đánh giá ở mức điểm cao là kỹ năng làm việc nhóm (4,01 điểm) và kỹ năng học tập suốt đời và quản lý thông tin (3,99 điểm). Sở dĩ như vậy có thể là do giảng viên thực hiện đánh giá thông qua các hình thức như thảo luận, viết tiểu luận đã gián tiếp giúp sinh viên rèn luyện hai kỹ năng này. Bên cạnh đó, nhóm kỹ năng kinh doanh có mức đánh giá thấp nhất (3,43 điểm), kế đến là kỹ năng lãnh đạo (3,73 điểm). Nhóm tác giả nhận định rằng nguyên nhân có thể là do chương trình đào tạo (ngoại khóa và chính khóa) của một số trường đại học chưa chú trọng đến việc hình thành kỹ năng kinh doanh này cho sinh viên; vai trò lãnh đạo nhóm (như nhóm học tập, nhóm dự án, các hoạt động ngoại khóa) còn tập trung vào một số cá nhân sinh viên có uy tín hoặc kinh nghiệm tổ chức, khiến cho điểm đánh giá trung bình giảm xuống; nhiều sinh viên dành thời gian cho việc học để đạt được thành tích học tập cao (thông qua điểm số) và tích lũy thêm nhiều chứng chỉ thay vì chú trọng rèn luyện KNM cho bản thân.

Thứ ba , trong các nhóm yếu tố tác động đến rèn luyện KNM của sinh viên, chủ yếu là do yếu tố chủ quan. Điều này xuất phát từ ý muốn, sự chủ động, nỗ lực trong học tập và rèn luyện của sinh viên.

Để nâng cao hiệu quả rèn luyện KNM cho sinh viên, nhóm nghiên cứu có một số đề xuất như sau:

- Đối với cấp ĐHQG-TP.HCM : Cần có hình thức khuyến khích các trường đại học thành viên triển khai công tác giáo dục KNM cho sinh viên ngay trong chương trình đào tạo, cũng như tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, ĐHQG-TP.HCM nên nghiên cứu và xây dựng bộ khung KNM riêng dành cho sinh viên thuộc khối ĐHQG.

- Đối với các Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn : Khuyến khích, hướng dẫn các Khoa/Bộ môn xem xét, lồng ghép nội dung giáo dục KNM vào trong chương trình đào tạo (chính khóa và ngoại khóa), nhất là nhóm kỹ năng kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo.

- Đối với Khoa/Bộ môn trực thuộc trường Đại học : Xem xét, lồng ghép các nội dung đào tạo KNM vào trong chương trình đào tạo chính khóa và ngoại khóa của đơn vị. Điều chỉnh chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo sao cho sát với yêu cầu rèn luyện từng nhóm KNM của sinh viên. Tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ giữa sinh viên với doanh nghiệp, đối tác.

- Đối với Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên : Tăng cường khảo sát định kỳ về thực trạng KNM và nhu cầu rèn luyện của sinh viên làm cơ sở xây dựng các hoạt động ngoại khóa phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với nhà Trường và các Khoa/Bộ môn trong việc tổ chức các phong trào, hoạt động rèn luyện KNM cho sinh viên.

- Đối với cá nhân sinh viên : Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố chủ quan (xuất phát từ phía sinh viên) có ảnh hưởng rất lớn đến việc rèn luyện KNM. Do vậy, sinh viên cần tích cực, chủ động hoàn thiện các KNM thông qua các môn học trên lớp; tham gia hoạt động ngoại khoá, các câu lạc bộ, đội, nhóm,... Các nhóm kỹ năng sinh viên nên tiếp tục phát huy là kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng học tập suốt đời và quản lý thông tin; kỹ năng đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn. Bên cạnh đó, sinh viên cần quan tâm và hoàn thiện hơn nữa nhóm kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng kinh doanh.

KẾT LUẬN

Trên cơ sở tổng quan tài liệu nghiên cứu, nhóm tác giả đã xác định được khung nghiên cứu KNM phù hợp với đối tượng sinh viên, từ đó vận dụng vào trường hợp cụ thể là sinh viên đang học tập tại một số trường đại học thành viên thuộc ĐHQG-TP.HCM. Kết quả nghiên cứu bước đầu nhận diện và đánh giá được: (1) Thực trạng KNM của sinh viên (thực trạng về kênh thông tin tiếp nhận KNM; mức độ quan tâm đến KNM; nhận thức về mức độ cần thiết các nhóm KNM; nhận thức vai trò của KNM; mức độ sử dụng thành thạo các KNM); (2) Các yếu tố ảnh hưởng đến rèn luyện KNM của sinh viên (trong đó, nhóm yếu tố chủ quan có mức độ quan trọng hơn nhóm yếu tố khách quan).

Nghiên cứu này cũng đã trình bày một số kết quả thảo luận và đề xuất kiến nghị cho các bên liên quan trong việc rèn luyện KNM cho sinh viên tại một số trường đại học thành viên thuộc ĐHQG-TP.HCM, trong đó, cần đảm bảo tính đồng bộ và liên tục trong quá trình thực hiện. Ở góc độ sinh viên, quan trọng nhất là cần tích cực, chủ động tham gia rèn luyện KNM mà bản thân sinh viên nhận thấy còn hạn chế.

Kết quả nghiên cứu này vừa là kênh thông tin tham khảo hữu ích để các tổ chức Đoàn thể vừa có thể xây dựng nội dung giáo dục KNM, đồng thời giúp cho sinh viên từng bước hoàn thiện KNM nhằm đáp ứng yêu cầu học tập và tìm việc làm sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, nghiên cứu không tránh khỏi một số hạn chế như phạm vi khảo sát chưa rộng (các tác giả mới tiếp cận, khảo sát sinh viên của 02 trường đại học thành viên của ĐHQG-TP.HCM); quy mô mẫu chưa đủ lớn và chưa thực sự đa dạng ở nhiều khoa/bộ môn; phương pháp chọn mẫu hạn ngạch phi tỷ lệ; thiếu các nội dung phỏng vấn giảng viên và các doanh nghiệp làm cơ sở bổ sung cho nhận định và đề xuất giải pháp. Do vậy, người đọc cần lưu ý rằng những ý kiến thảo luận được đưa ra là dựa trên các kết quả của cuộc khảo sát này.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG-TP. HCM, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2019-2020, với chủ đề “ Kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng và biện pháp giáo dục ”, do tác giả Lai Duy Long làm chủ nhiệm.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ĐHQG: Đại học Quốc gia

TP. HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

KNM: Kỹ năng mềm

ĐHQG-TPHCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả Lai Duy Long, Nguyễn Minh Đoàn, Nguyễn Thành Trung

1. Tổng quan tư liệu.

2. Lựa chọn (và dịch) khung KNM của Bộ Giáo dục Đại học Malaysia (2006).

3. Xây dựng bảng hỏi khảo sát, thực hiện khảo sát.

4. Phân tích kết quả khảo sát, lập bảng biểu, biểu đồ.

5. Viết bài nghiên cứu.

Tác giả Hoàng Trọng Tuân

1. Tư vấn cơ sở lý thuyết và lựa chọn khung KNM phù hợp với đối tượng sinh viên ĐHQG - TP. HCM.

2. Tư vấn, góp ý xây dựng bảng khảo sát, xác định cỡ mẫu, lựa chọn địa điểm khảo sát.

3. Tư vấn xử lý số liệu điều tra, phân tích và trình bày kết quả.

4. Xây dựng đề cương bài viết.

5. Biên tập và chỉnh sửa bài viết.

References

  1. Nghĩa Trần Dại. Thực trạng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường trung học phổ thông chuyên khu vực miền Trung Việt Nam qua hoạt động trải nghiệm. Tạp chí Giáo dục. . 2018;1(1):5-10. Google Scholar
  2. Bùi Loan Thuỳ, Nghiệm Phạm Đình. Kỹ năng mềm. [Online]. . 2010;:. Google Scholar
  3. Sơn Huỳnh Văn. Thực trạng một số kỹ năng mềm của sinh viên Đại học Sư phạm. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. . 2012;1(1):22-28. Google Scholar
  4. Lan Lê Thị Hoài. Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên khoa Kinh tế trường Đại học Đồng Nai theo tiếp cận chuẩn đầu ra. Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai. . 2017;1(1):80-94. Google Scholar
  5. Ministry of Higher Education Malaysia. Soft skills development module for Malaysian institutions of higher learning. Serdang: Universiti Putra Malaysia Publishers. . 2006;:. Google Scholar
  6. Hảo Nguyễn Thị. Giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên đại học của một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam. . 2015;:. Google Scholar
  7. Thảo Tạ Quang. Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên các trường Đại học, Cao Đẳng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Giáo dục. . 2014;1(1):27-29. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 2 (2021)
Page No.: 1035-1043
Published: Jun 9, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i2.641

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Hoang, T., Lai, L., Nguyen, D., & Nguyen, T. (2021). The actual situation of students’ soft skills at some member universities of Vietnam National University Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(2), 1035-1043. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i2.641

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1770 times
Download   = 600 times
View Article   = 0 times
Total   = 600 times