VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Article - Arts & Humanities

HTML

1876

Total

390

Share

Looking back on Vietnam-Australia relations: achievements and prospects






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

After a five-decade establishment, the relationship between Vietnam and Australia has been developed significantly, rapidly, and substantially. From the first humanitarian aid packages in the years of 1973-1979, through the freezing period of 1979-1989, economy and trading became the first remarkable flourishing field in the relationship between Vietnam and Australia. Entering the twenty-first century entails some new prosperities in the relationship between Vietnam and Australia. The scientific agricultural and educational relationships have been founded to become a central pillar. In the context that many challenges to Asia-Pacific security resulted from the rise of China, many rapid adjustments in the relations between major powers, and many developments in the strategic competition between powers in this region; Australia and Vietnam both have the need to promote bilateral relationship, affirming their positions of middle powers in the international stage, in the purpose of maintaining national interests themselves. Additionally, both the economic-political-social development of Australia and of Vietnam not only do not challenge the security interest and the stable development of Southeast Asia but also contribute to tightening the stable cooperation and development of this region. Therefore, the key trend in the relationship between Vietnam and Australia is to strengthen cooperation to develop on the basis of equality, mutual respect and mutual benefits.

Đặt vấn đề

Giai đoạn 1973-2020 đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của Australia cũng như Việt Nam. Đây là thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam, một dấu ấn ảnh hưởng to lớn đến sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Australia với Việt Nam trong thế kỷ 20, chỉ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Australia sau nhiều lần thất bại với chỗ dựa tưởng như vững chắc nhất lần lượt là các siêu cường hàng đầu thế giới (đế quốc Anh trong chiến tranh Thái Bình Dương và đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam), đã thiết lập và củng cố quan hệ rộng mở chưa từng thấy với hàng loạt các nước Đông Nam Á, các nước châu Á - Thái Bình Dương. Một nỗ lực cho thấy ham muốn của Australia trong việc trở thành công dân gương mẫu đi đầu ở châu Á Thái Bình Dương chính là sự sáng lập và đưa APEC đi vào hoạt động chính thức từ thập niên 80 của thế kỷ 20. Australia hậu chiến tranh Việt Nam đã tích cực hợp tác với Việt Nam, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác để giữ vững ổn định an ninh tự do hàng hải qua khu vực, đảm bảo trật tự khu vực dưới sự dẫn dắt của chủ nghĩa tự do phương Tây do Mỹ đứng đầu. Những thành tựu trong quan hệ Australia-Việt Nam thời kỳ này còn có vai trò của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc không ngừng đổi mới và hoàn thiện tư duy, lý luận về đối ngoại trong quan hệ với các nước trên thế giới. Theo đuổi chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế “thêm bạn bớt thù”, “sẵn sàng làm bạn”, “sẵn sàng làm đối tác tin cậy của các nước trên thế giới”, [ 1 , tr.83-84] là những điểm tương đồng dễ nhận thấy nhất trong đường lối đối ngoại của Việt Nam và Australia. Trên cơ sở những bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức đó, Việt Nam và Australia đã lần lượt thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (năm 2009), đối tác toàn diện tăng cường (năm 2013), và nâng tầm thành đối tác chiến lược (năm 2018).

Nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia được hai nước xác định rõ trong Tuyên bố chung về thiết lập đối tác chiến lược Việt Nam - Australia (năm 2018) là “mối quan hệ vững chắc và thực chất trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung”. Hai nước cũng xác định nội dung hợp tác chủ yếu là “tăng cường tiếp xúc giữa các quan chức cấp cao nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, sáng tạo, giáo dục, và các lĩnh vực khác như pháp luật và tư pháp, lao động và du lịch” 2 . Như vậy, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia gồm ba trụ cột chính là kinh tế-thương mại, ngoại giao-quốc phòng-an ninh, khoa học công nghệ-nông nghiệp-giáo dục.

Quan hệ Việt Nam - Australia: từ cấp đại sứ đến đối tác chiến lược

Quan hệ Việt Nam - Australia trên lĩnh vực ngoại giao - quốc phòng - an ninh

Tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Australia không ngừng được củng cố và phát triển với những chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Phía Việt Nam thăm Australia có Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 5 năm 1993), Tổng bí thư Đỗ Mười (tháng 7 năm 1995), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (tháng 3 năm 1998), Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 2 năm 1995, tháng 2 năm 1997, tháng 9 năm 2000), Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 5 năm 2005), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (tháng 10 năm 2006), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (tháng 10 năm 2007), Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (tháng 2 năm 2008), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 3 năm 2008), Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (tháng 5 năm 2008), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10 năm 2008), Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 9 năm 2009), Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm (7/9/2009), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (3/2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (3/2018), Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (tháng 4 năm 2018), Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (tháng 11 năm 2018), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (tháng 11 năm 2019). Phía Australia thăm Việt Nam có Thủ tướng Paul Keating (tháng 4 năm 1994), Toàn quyền Bill Hayden (tháng 4 năm 1995), Phó thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Tom Fisher (tháng 8 năm 1996), Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Alexander Downer (tháng 7 năm 1996, tháng 7 năm 1997, tháng 4 năm 1998, tháng 5 năm 2000, tháng 7 năm 2001, tháng 7 năm 2003), Thủ tướng John Howard (tháng 11 năm 2006), Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Stephen Smith (tháng 7 năm 2008), Chủ tịch Hạ viện Henri Jenkins (tháng 1 năm 2009), Bộ trưởng Nhập cư và Nhập tịch Chris Evans (tháng 1 năm 2009), Thủ tướng Julia Gillard (tháng 10 năm 2010), Ngoại trưởng Kelvin Rudd (tháng 4/2011), Toàn quyền Queentin Bryce, Ngoại trưởng Bob Carr (tháng 3/2012), Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith (tháng 8/2012), Chủ tịch Hạ viện Anna Burke (tháng 5/2013), Toàn quyền Peter Cosgrove (tháng 5 năm 2018), Ngoại trưởng Julie Bishop (tháng 5 năm 2018), Chủ tịch Hạ viện Tony Smith (tháng 7 năm 2018), Chủ tịch Thượng viện Scott Ryan (tháng 1 năm 2019), Ngoại trưởng Marise Payne (tháng 7 năm 2019) 3 . Về hoạt động trao đổi đoàn, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập quan hệ hợp tác - kết nghĩa với bang New South Wales nhân dịp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thăm New South Wales tháng 4 năm 2019. Australia còn hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam và hợp tác với Việt Nam trong vận chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc sang Sudan. Hai bên cũng tăng cường trao đổi chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, thiết lập cơ chế Đối thoại an ninh thường niên cấp Thứ trưởng, Hợp tác tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á - Âu (ASEM) ngày càng hiệu quả 4 .

Table 1 Thống kê thời gian và số lượng chuyên viếng thăm của các lãnh đạo cấp nhà nước giữa Việt Nam và Australia giai đoạn 1995-2020

Có thể thấy, trong Bảng 1, thống kê thời gian và số lượng chuyên viếng thăm của các lãnh đạo cấp nhà nước giữa Việt Nam và Australia giai đoạn 1995-2020, nổi bật hơn cả là số chuyến thăm của các Bộ trưởng Ngoại giao - quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao - thương mại Australia (chiếm 15/31 tổng số chuyến công du, viếng thăm của các lãnh đạo cấp nhà nước giữa Việt Nam và Australia giai đoạn 1995-2020). Đặc biệt, sự hiện diện của hai chuyến viếng thăm qua lại của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (vào 7/1995 và 9/2009) và Tổng toàn quyền Australia (vào tháng 4/1995 và 3/2012) vốn là hai nhân vật có tiếng nói, quyền lực gián tiếp không chính thức, tuy không phải là nguyên thủ của hai quốc gia nhưng lại là hai trụ cột quan trọng. Hai vị có nhiệm vụ quyết định mặt tinh thần, lãnh đạo hệ thống chính trị của hai nước. Cả hai lần viếng thăm đều gắn liền với hai cột mốc 1995 (nối lại bình thường hóa quan hệ song phương Việt Nam - Australia sau vấn đề Campuchia) và 2009 (nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác toàn diện). Hai chuyến thăm đặc biệt đó đã mở ra hai giai đoạn bùng nổ phát triển trong quan hệ Việt Nam -Australia với hàng loạt thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương được ký kết liên tục trong các năm 1996, 1997, 1998 và 2010, 2011, 2012. Đặc biệt, nếu phải đến thời kỳ cầm quyền của Barack Obama mới có chuyến công du cấp nguyên thủ quốc gia của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên đến Mỹ, thì chuyến thăm của tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đến Australia đã diễn ra từ năm 1995, ngay khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao sau thời kỳ “đóng băng” vì vấn đề Campuchia. Điều đó cho thấy sự tôn trọng khác biệt chế độ chính trị của Australia đối với Việt Nam từ khá sớm, một biểu hiện đáng kể trong quá trình thay đổi nhận thức của cả hai nước trong quan hệ quốc tế từ sau 1973 đến nay.

Quan hệ Việt Nam - Australia trên lĩnh vực kinh tế - thương mại

Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng đều từ mức 32,3 triệu USD năm 1990 lên 5585 tỷ USD năm 2008. Song do khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, kim ngạch thương mại song phương năm 2009 chỉ đạt 3327 tỷ USD 5 . Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Australia là dầu thô, hải sản, giày dép, quần áo, quả và hạt tươi hoặc khô. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là sữa, ngũ cốc, lúa mì, nhôm, thiết bị điện tử, dầu thực vật, các loại thuốc, động cơ mô tô, máy phát điện. Sự kiện Australia chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ vào năm 2009 đã đánh dấu bước nhận thức đầy đủ hơn về quan hệ hai nước. Với quyết định này, Australia cam kết thực hiện các quy định về chống bán phá giá và trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Australia bình đẳng như áp dụng cho các thành viên khác của WTO. Nội dung này khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng của Australia và Australia sẽ đẩy mạnh trao đổi thương mại với Việt Nam. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sự kiện Australia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ là đóng góp to lớn trên hai phương diện: thứ nhất, đây là sự công nhận thành tựu của Việt Nam trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; thứ hai, qua cam kết này, Australia tạo điều kiện để Việt Nam có môi trường thuận lợi hơn để hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế khu vực và từng bước hòa nhập năng động vào dòng chảy kinh tế toàn cầu. Thành tựu này là kết quả lòng tin chính trị của Australia vào Việt Nam [ 6 , tr.31-32]. Niềm tin chính trị này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Australia là đồng minh truyền thống của Mỹ ở Thái Bình Dương, cùng với Nhật Bản và Phillippines. Việc Australia công nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là kinh tế thị trường không chỉ thúc đẩy hàng hóa Việt Nam tiệm cận hơn đến tiêu chuẩn hàng hóa quốc tế bình đẳng với hàng hóa các nước tiên tiến khi nhập vào Australia mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Với cơ hội làm cầu nối trung gian này, Australia không chỉ thể hiện mình là “công dân gương mẫu có trách nhiệm” trong các vấn đề quốc tế khi thực hiện vai trò của một trung cường mà còn giúp làm sâu sắc hơn quan hệ Việt-Mỹ, từ đó củng cố vai trò của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á trong khi Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này. Tính đến tháng 8/2011, Australia có 243 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,23 tỷ USD, đứng thứ 20/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đầu tư của Australia tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghiệp nặng, công nghiệp thực phẩm, giáo dục, tài chính, y tế,… 5 Trong năm 2010, hai bên đã ký Thỏa thuận nguyên tắc về dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, Australia viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 160 triệu AUD để thực hiện Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm xây dựng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và các tuyến nối. Một số dự án lớn khác do Australia viện trợ có thể kể đến dự án xây cầu Mỹ Thuận, dự án cấp nước cho 5 thị xã Bắc Ninh - Bắc Giang - Hà Tĩnh - Vĩnh Long - Long An, các dự án cấp nước sạch và chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nguồn nước và môi trường [ 7 , tr.26-27].

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của thủ tướng Australia Scott Morrison từ ngày 22-24/8/2019, điểm nhấn quan trọng nhất là việc hai nước tiếp tục nâng tầm quan hệ trên cơ sở tin cậy, gắn bó và cùng có lợi. Có thể nói, hai nước còn rất nhiều tiềm năng để cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ. Điểm nhấn thứ hai là hai bên sẽ phát triển Chiến lược can dự kinh tế tăng cường với mục tiêu phấn đấu trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau 4 . Đặc biệt, sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP) đi vào triển khai đầu năm 2019, Việt Nam và Australia đã cùng tích cực phối hợp thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) theo lộ trình. Ngày 5/11/2020, trong khuôn khổ cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Bộ trưởng Phụ nữ Australia Marise Payne đã gửi lời chia buồn đến người dân Việt Nam bởi những mất mát thương đau về người và của do lũ lụt và sạt lở đất gây ra. Australia cũng tái định hướng nguồn lực của Chương trình Đổi mới Sáng tạo giữa Australia và Việt Nam (Aus4Innovation) nhằm nỗ lực cứu trợ, đồng thời hỗ trợ dự án nhóm đặc nhiệm phản ứng nhanh Đại học Công nghệ Sydney (UTS Rapido)Việt Nam cung cấp hệ thống xử lý nước uống cho các cộng đồng cư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh miền Trung Việt Nam 8 . Trong hai này 26 và 27 tháng 11 năm 2020, Ngày hội Hàng Việt Nam đã hoan nghênh các doanh nghiệp của bang Victoria tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đưa Victoria trở thành một trong những bang có quan hệ thực chất, hiệu quả với các địa phương của Việt Nam 9 .

Quan hệ Việt Nam - Australia trên lĩnh vực khoa học công nghệ - nông nghiệp - giáo dục

Phát triển nông nghiệp - nông thôn và quản lý Nhà nước - giáo dục vẫn là những lĩnh vực trọng tâm trong chương trình hợp tác phát triển Việt Nam - Australia. Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, Australia đã giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng và các khu chung cư phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, xây dựng trại giống tôm càng xanh ở Vũng Tàu năm 1988, trợ giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam về lâm nghiệp - lâm sinh trong các năm 1993-1994, viện trợ 3200 tấn thép để xây dựng cầu các sông Gianh, Hiền Lương, Lai Vu, Đức Huệ. Là một trong những nhà tài trợ đầu tiên hỗ trợ Việt Nam trong cấp nước và cải thiện điều kiện vệ sinh, Australia đã hỗ trợ phát triển cấp nước và cải thiện điều kiện vệ sinh ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Vĩnh Long. Các dự án tiếp theo của Australia đã hỗ trợ Đà Nẵng và ba thị xã: Bạc Liêu - Hà Tiên và Sa Đéc. Ngày 20/3/2002, Australia cũng đã ký một hiệp định trị giá 10 triệu AUD với Việt Nam viện trợ cho Dự án xây dựng năng lực Quản lý Nhà nước hiệu quả kéo dài 3 năm. Dự án quốc gia về Luật xây dựng được thực hiện từ năm 1994 đến năm 1997 với tổng số vốn ODA 1,9 triệu AUD của Australia đã giúp Bộ Xây dựng dự thảo các điều luật khuyến khích xây dựng an toàn và tiết kiệm Luật Quốc gia về Xây dựng ở Việt Nam [ 7 , tr.42-54]. Chính phủ Australia còn đồng tài trợ cho Dự án Beyond WTO giúp đỡ Việt Nam tăng cường năng lực để duy trì phát triển, giữ vững thành tựu trong xóa đói giảm nghèo và tìm ra các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDP) 2006-2010. Một trong những dự án điển hình trong lĩnh vực giúp Việt Nam tăng cường khả năng thích ứng và đối phó với thiên tai là Dự án Kiếm soát lũ tại Bắc Vàm Nao với tổng vốn đầu tư là 35,7 triệu USD do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Australia (AusAID) tài trợ không hoàn lại nhằm hỗ trợ tỉnh An Giang thành lập và triển khai có hiệu quả hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao. Dự án đã thúc đẩy tính bền vững xã hội và mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng bằng cách hỗ trợ các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phối hợp tốt hơn trong việc quản lý sử dụng đất và nước, đồng thời tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương trong việc lập kế hoạch, vận hành và duy trì hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, giúp đáp ứng nhu cầu nước của cộng đồng [ 7 , tr.56-58].

ACIAR (Australian Center for International Agricultural Research) là cơ quan chuyên về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế vì sự phát triển của Chính phủ Australia. ACIAR thực hiện bồi dưỡng năng lực cho cá nhân và viện nghiên cứu từ các quốc gia đang phát triển để thực hiện những dự án nghiên cứu nông nghiệp, thông qua mạng lưới các nhà khoa học trong và ngoài nước và các chương trình học bổng chính thức. Trọng tâm hoạt động xây dựng năng lực của ACIAR là học bổng John Allwright được triển khai từ năm 1986 dành cho các nhà nghiên cứu tham gia dự án ACIAR muốn học chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại trường đại học ở Australia. Bắt đầu với Chương trình học bổng cho sinh viên (Australian Student Tuition Assurance Scheme), Chương trình học bổng giáo dục đại học và sau đại học (Australian Development Cooperation Scholarships - ADCOS) từ năm 1992, Chương trình Học bổng Phát triển Australia chính thức ra mắt năm 1998 đã cung cấp học bổng dài hạn nhằm trang bị kĩ năng, kiến thức quan trọng cho sinh viên Việt Nam. Trong thời gian 1993-2001, học sinh sinh viên Việt Nam được nhận học bổng tài trợ của Australia với các lĩnh vực ưu tiên như đào tạo y tế, phát triển nông thôn, cải cách hành chính, khoa học công nghệ, kinh tế và luật pháp. Chương trình học bổng phát triển của Australia (Australian Development Scholarship), Chương trình đào tạo trong nước (The Vietnam-Australia English Language, Technical Training and Resources Program) được thực hiện để phát triển nhân lực, đào tạo kĩ thuật - tiếng Anh nhằm cung cấp các khóa học ngắn hạn trong nước cho quan chức chính phủ bậc trung. Từ năm 2009, Australia cam kết tài trợ cho Việt Nam 398 học bổng ngắn và dài hạn/năm, trong đó có 225 suất học bổng sau đại học và 30 học bổng tại Học viện Hoàng gia Melbourne - cơ sở đào tạo cấp đại học ngoại quốc đầu tiên ở Việt Nam. Nhiều trường đại học của Việt Nam cũng đã có chương trình liên kết đào tạo ở bậc đại học và sau đại học với các trường của Australia. Từ năm 2010, tổng số học bổng Australia cho Việt Nam mỗi năm đã lên đến 398 suất, trong đó có 225 suất dành cho các chương trình học sau đại học. Riêng năm 2011, để tạo nguồn nhân lực cơ sở cho tương lai Việt Nam, Australia đã cấp 247 học bổng cho chương trình học sau đại học cho năm học 2012-2013. Những người được nhận học bổng của Australia gồm quan chức chính phủ được đào tạo dưới sự bảo trợ của Australia có đóng góp quan trọng cho chính sách công của Việt Nam và những người đứng đầu trong các khu vực tư nhân, cùng với các sinh viên ở những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam. Trong đó, 2726 du học sinh hoàn thành chương trình đại học tại Australia theo học bổng viện trợ đã trở lại Việt Nam [ 7 , tr.59]. Năm 2011, AusAID đã viện trợ 500000 AUD thông qua Hội Chữ thập đỏ Quốc tế để giúp nhân dân vùng lũ giảm bớt khó khăn do thiên tai gây nên 10 . Hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã ngày càng phát triển thông qua các hình thức như liên kết đào tạo, đào tạo cán bộ quản lý dạy nghề, tổ chức hội thảo, tham quan khảo sát dạy nghề. Trong năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Giáo dục - Đào tạo hai nước đã ký kết văn kiện Bản ghi nhớ toàn diện đánh dấu sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Australia. Bản ghi nhớ là nền tảng quan trọng cho việc mở rộng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong tương lai 11 .

Một số nhận xét

Thứ nhất, quan hệ Australia - Việt Nam là tấm gương điển hình phản ánh xu hướng đối thoại - hợp tác vì sự hòa bình, ổn định và phát triển của châu Á Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Australia là một trong những nước phương Tây đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Campuchia trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, viện trợ phát triển của Australia dành cho Việt Nam cũng được khôi phục ngay trước ngày ký kết Hiệp ước hòa bình Campuchia tại Paris [ 12 , tr.83-84].

Thứ hai, quan hệ Australia - Việt Nam là quan hệ hợp tác chiến lược thành công, điển hình giữa hai mô hình chế độ chính trị - xã hội khác nhau, giữa một trung cường truyền thống ở châu Á Thái Bình Dương và một trung cường mới nổi ở Đông Nam Á nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược lẫn nhau thông qua hợp tác song phương cũng như đa phương. Việt Nam với vị trí địa chính trị đầy ý nghĩa chiến lược: hướng ra biển Đông giàu tài nguyên đã khiến Australia luôn quan tâm định hướng đến trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại, đặc biệt trong thiết lập và cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực chứa đựng lợi ích cốt lõi của Australia. Việc Việt Nam có vị trí địa chính trị chiến lược với Australia đã được tham khảo từ những lý do gồm:

Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia trấn giữ cửa ngõ giao thương đưa hàng hóa Australia từ Đông Nam Á lên Đông Bắc Á tới được các nền kinh tế hóa rồng, hóa hổ của châu Á là Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đang có mối quan hệ sâu sắc, tiến triển nhanh chóng và mạnh mẽ với Hoa Kỳ - quốc gia bảo hộ an ninh và là đồng minh hàng đầu của Australia từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Việc thiết lập quan hệ đối tác sâu sắc, toàn diện, chiến lược hay chiến lược toàn diện với Việt Nam trong tương lai sẽ giúp Australia vừa đảm bảo được mối quan hệ với Hoa Kỳ vừa đảm bảo được trật tự an ninh ổn định tại khu vực khi cùng tham gia chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa bá quyền bành trướng Trung Quốc trên biển Đông - nơi 60% hàng hóa Australia lưu thông qua lại tới khắp nơi trên thế giới (từ Nam lên Bắc cũng như từ Đông sang Tây).

Thứ ba, lợi ích quốc gia của Australia gắn liền, gắn chặt với an ninh Đông Nam Á [ 13 , tr.8], đặc biệt chi phối bởi tình trạng quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và các chủ thể khác xoay quanh vấn đề biển Đông. Có rất nhiều chủ thể tham gia trong vấn đề biển Đông - nơi hàng hóa Australia bắt buộc phải lưu thông qua để đến với các thị trường khác trên thế giới, song Việt Nam vẫn là chủ thể quyết định, có nhiều vấn đề nổi cộm nhất với Trung Quốc, là chủ thể chiếm phần lớn nhất diện tích trên biển của biển Đông (South China sea). An ninh Đông Nam Á nói chung, an ninh biển Đông nói riêng chịu sự chi phối rất lớn của mối quan hệ Việt - Trung. Vì vậy, tăng cường nâng tầm hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam để kìm hãm sự can thiệp của Trung Quốc đối với Đông Nam Á cũng là một nước đi để Australia giữ gìn ổn định an ninh khu vực, đảm bảo không ảnh hưởng tới nền kinh tế đặc biệt là nền ngoại thương của Australia. Bản thân thủ tướng Curtin của Australia cũng đã từng nói “Các cuộc chiến tranh lớn mà an ninh của Australia bị đe dọa sẽ không phải là chiến tranh của châu Âu. Chúng sẽ là cuộc chiến ở Thái Bình Dương.” 14 . Ngược lại, Australia là một mắt xích quan trọng trong cấu trúc đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á Thái Bình Dương mà Việt Nam có thể dựa vào để thúc đẩy một hệ thống hòa hợp quyền lực với sự trỗi dậy của Trung Quốc

Thứ tư, quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư là lĩnh vực hợp tác đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhất trong quan hệ Australia - Việt Nam. Bằng chứng là số lượng thỏa thuận, hiệp định đạt được giữa hai nước trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông hạ tầng luôn tăng dần đều qua thời gian theo cấp số nhân. Tuy nhiên, quan hệ chính trị - ngoại giao - an ninh mới là lĩnh vực Việt Nam giành được nhiều ưu thế vượt trội nhất so với các quốc gia Đông Nam Á khác trong quan hệ hợp tác với Australia. Bằng chứng là theo số liệu thống kê của website Tradingeconomics.com 15 , nhập khẩu của Australia từ Singapore đã cán mốc 14 tỉ USD vào năm 2008, và vẫn luôn duy trì ở mức từ 6 tỉ USD trở lên từ năm 2009 đến năm 2019, nhập khẩu của Australia từ Thái Lan cũng đã cán mốc 10 tỉ USD và duy trì ở mức từ 10 tỉ USD trở lên trong suốt thời gian từ năm 2012 đến năm 2019, nhập khẩu của Australia từ Indonesia cũng luôn đạt từ 4 tỉ USD trở lên trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2019. Trong khi đó, nhập khẩu của Australia từ Việt Nam chỉ mới đạt 4 tỉ USD từ năm 2017 đến nay. Về quan hệ chính trị - ngoại giao, so với Indonesia (mất 56 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1949 với Australia đến khi trở thành đối tác toàn diện của Australia vào năm 2005), Singapore (mất 31 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Australia vào năm 1965 đến khi trở thành đối tác chiến lược của Australia vào năm 1996), Thái Lan (mất 68 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Australia vào năm 1952 đến khi trở thành đối tác chiến lược của Australia vào năm 2020) là những đối tác truyền thống ở Đông Nam Á có lịch sử bang giao lâu đời với Australia từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam là đối tác tương đối mới với Australia nhưng đã đạt được niềm tin chính trị, trở thành đối tác chiến lược của Australia ở Đông Nam Á sau khoảng thời gian chỉ hơn hai mươi năm (1991-2018) từ ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao bằng nỗ lực của cả hai nước. Vì vậy, quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Australia còn dư địa rất lớn để phát triển tương xứng với mối quan hệ chính trị - ngoại giao - an ninh giữa hai nước. Đó là mối liên hệ hai chiều, tác động hữu cơ qua lại lẫn nhau vì quan hệ chính trị - ngoại giao - an ninh là động cơ tạo điều kiện nền tảng thuận lợi cho sự phát triển mối quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, nhưng quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư phát triển cũng góp phần đáng kể thúc đẩy hỗ trợ quan hệ chính trị - ngoại giao - an ninh.

Thứ năm, quan hệ Australia - Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau. Nếu trong giai đoạn từ sau thế chiến thứ nhất đến khi kết thúc thế chiến thứ hai, nhãn quan chính trị của Australia đối với Việt Nam không cho thấy điều gì đặc biệt như quan hệ láng giềng truyền thống giữa Australia với Indonesia và Malaysia (cũng là những quốc gia Đông Nam Á), thậm chí thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ cũng chỉ được Australia nhìn nhận như một chiến thắng của phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam thì trong suốt giai đoạn sau đó, nhãn quan chính trị của Australia đã liên tục thay đổi từ đối đầu sang đối thoại, từ đối thoại sang đối thoại tích cực, từ hợp tác song phương đến hợp tác toàn diện - hợp tác chiến lược. Sự thay đổi mau chóng đó chịu ảnh hưởng phần nhiều bởi nhân tố các nước lớn (Anh, Mỹ, và Trung Quốc) cũng như bởi chính sự chuyển hướng nhận thức chiến lược của Australia về Đông Nam Á nói riêng và châu Á Thái Bình Dương nói chung [ 12 , tr.16-17]. Đó là quá trình thay đổi chiến lược phản ánh xu thế vận động không ngừng của cục diện thế giới. Quan hệ quốc tế trên thế giới luôn gắn liền với hệ thống các trung tâm quyền lực là các chủ thể quốc gia trên trường quốc tế, luôn được chi phối và quyết định bởi những nước lớn có tham vọng bá chủ toàn cầu và nắm những lợi ích kinh tế - chính trị then chốt trên trường quốc tế.

Thứ sáu, lợi ích quốc gia - dân tộc là nhân tố then chốt đóng vai trò quyết định tác động và chi phối đáng kể đến sự phát triển của mối quan hệ Australia - Việt Nam. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam gắn liền với mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, từ đó hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, dưới nỗi sợ ám ảnh dai dẳng với Trung Quốc từ thời kỳ thảm họa da vàng, Australia đã bị góc nhìn của các nước lớn Anh, Mỹ chi phối, phản ánh Việt Nam thành quân bài bị phụ thuộc có lợi ích quốc gia gắn chặt với vai trò làm lá chắn kiên cố của hệ thống chủ nghĩa xã hội do Liên Xô và Trung Quốc đứng đầu dẫn dắt. Australia đã không nhìn nhận đầy đủ được tính độc lập, tự chủ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Australia đã chủ động, tích cực hội nhập khu vực sâu sắc và toàn diện hơn với nhãn quan chính trị xác đáng hơn về vai trò của Việt Nam trong khu vực, cũng như về bản chất tiến bộ của xu thế phát triển chủ đạo trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Thế kỷ XXI mở ra bối cảnh mới, tầm nhìn mới, hàng loạt dư địa mới và vận hội mới trong quan hệ Australia - Việt Nam với tốc độ phát triển mau chóng chưa từng thấy trong lịch sử. Điển hình là về kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Australia - Việt Nam theo United Nations Commodity Trade Statistics Database 16 đã tăng từ 1344 triệu USD vào năm 2001 lên con số 5096 triệu USD vào năm 2013, trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Australia - Việt Nam từ năm 1991 đến năm 1995 theo Australian Department of Foreign Affairs and Trade chỉ tăng 132 triệu AUD. Về chính trị - ngoại giao, chỉ có 9 chuyến công du - viếng thăm của lãnh đạo cấp Bộ trưởng và nguyên thủ của hai nước trong giai đoạn 1991-1999, trong khi đó đã có 22 chuyến công du - viếng thăm cấp cao giữa hai nước trong giai đoạn 2000-2018. Quan hệ hai nước chỉ ở cấp đại sứ trong giai đoạn 1973-1999, trong đó đặc biệt có gần 10 năm từ 1979-1989, Australia rơi vào tình thế lưỡng nan do tính lưỡng phân về bản sắc trong cách tiếp cận với vấn đề Campuchia và giải quyết quan hệ với Việt Nam theo chiều hướng căng thẳng hay hòa dịu. Giai đoạn 2000-2018 ngắn hơn giai đoạn 1973-1999 nhưng lại chứng kiến lần lượt sự ra đời của ba tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2009), Đối tác toàn diện tăng cường (2013), Đối tác chiến lược (2018) được ký kết giữa Việt Nam và Australia. Thoạt nhìn, lợi ích quốc gia - dân tộc của Australia thể hiện trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam là lợi ích an ninh phòng thủ, còn trong thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh đến nay là lợi ích kinh tế. Xét về nguồn gốc sâu xa, lợi ích an ninh kinh tế vẫn luôn chiếm giữ vị trí đáng kể, chi phối Australia trong quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng là minh chứng cho sự chuyển hướng chiến lược chung trong quá trình vận động của quan hệ quốc tế thời hiện đại từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay khi mối quan tâm chủ yếu của các nước trên thế giới đã chuyển trọng tâm từ đối đầu về ý thức hệ tư tưởng (trong Chiến tranh Lạnh) sang đối thoại vừa hợp tác vừa cạnh tranh chiến lược đan xen xoay quanh lĩnh vực kinh tế.

Kết luận

Trong kim ngạch thương mại song phương giữa Australia và Trung Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Chính nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là về khoáng sản và nhiên liệu, là một yếu tố quan trọng giúp cho Australia trở thành một trong những nền kinh tế phát triển hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng dương vượt qua cuộc suy thoái kinh tế thế giới 2008. Chính vì vậy Australia sẽ lâm vào thế lưỡng nan khi vừa phải bảo vệ các lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc, vừa phải thực hiện những biện pháp chiến lược kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong trường hợp Australia nhận thấy lợi ích từ hợp tác với Trung Quốc quá lớn không thể hi sinh thì khi Australia điều chỉnh chiến lược, quan hệ Việt Nam – Australia có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Bằng chứng điển hình là giai đoạn 1979-1989 khi quan hệ Việt - Trung đang căng thẳng cực độ, quan hệ Việt Nam - Australia cũng gần như “đóng băng” hoàn toàn. Australia vẫn luôn nỗ lực thông qua Indonesia là nước láng giềng gần nhất, đồng thời là anh cả của ASEAN để đề xuất và đưa vào thực tiễn những sáng kiến góp phần hòa giải vấn đề Campuchia, thúc đẩy hòa bình ổn định khu vực. Tuy nhiên, không có một lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia nào của Việt Nam cũng như Australia thực hiện công du, viếng thăm song phương trong giai đoạn này. Đến giai đoạn 2013-2015, khi vấn đề biển Đông leo thang, quan hệ Việt - Trung căng thẳng hơn bao giờ hết với hàng loạt hành động xâm lấn, bạo lực bằng vũ lực của hải quân, hải cảnh, hải giám Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một lần nữa, quan hệ Việt Nam – Australia chững lại. Mặc dù công bố Sách trắng Ngoại giao “Australia trong thế kỷ châu Á” năm 2010 nhưng Australia không hề tỏ thái độ kiên quyết, dứt khoát với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, cũng không đưa ra một cam kết hỗ trợ hay ủng hộ công khai Việt Nam qua bất kỳ thông cáo báo chí, thông báo ngoại giao nào, Tuy vẫn còn tồn tại những khác biệt giữa hai nước liên quan đến dân chủ, nhân quyền nhưng đây không phải là vấn đề lớn khi Australia không quá nhấn mạnh vấn đề này trong quan hệ với Việt Nam. Mặt khác, áp lực của cộng đồng người Việt lên chính phủ Australia liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền không lớn như ở Mỹ. Vì vậy, trong khi duy trì các cuộc đối thoại về nhân quyền như công cụ hóa giải khác biệt, nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Australia không để vấn đề này phủ bóng đen lên triển vọng lâu dài của quan hệ chiến lược song phương. Tóm lại, về lâu dài triển vọng quan hệ chiến lược Việt Nam - Australia có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cho Việt Nam và Australia là không nhỏ khi hai nước đều phải cân bằng lợi ích an ninh với lợi ích kinh tế, đồng thời điều chỉnh quan hệ song phương với Trung Quốc. Mặt khác, chiến lược tăng cường quan hệ với những cường quốc tầm trung như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ hay Hàn Quốc là lựa chọn khả dĩ với Việt Nam trong bối cảnh đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên biển Đông 17 .

Xét dưới mọi góc độ, Việt Nam không có lợi ích gì trong việc tự xung đột với Australia. Sự phát triển của Việt Nam không thách thức lợi ích của Australia ở khu vực. Do đó, có thể thấy rõ trong việc hợp tác với Việt Nam, Australia có lợi hơn là xung đột. Thêm vào đó, cộng đồng người Việt ở Australia có thể trở thành chất xúc tác trong hợp tác kinh tế. Thực tế, Australia cũng có nhu cầu thúc đẩy quan hệ với Việt Nam vì quyền lợi của Australia. Xuất phát từ lợi ích thực tế nói trên, Việt Nam và Australia hoàn toàn có thể mở rộng hợp tác vì lợi ích của mỗi bên. Củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cả hai cùng có lợi giữa Việt Nam và Australia sẽ góp phần tích cực cho hòa bình và phát triển ở khu vực.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ACIAR: Australian Center for International Agricultural Research

AUD: Autralian dollar

AusAID: Australian Agency for International Development

USD: United States dollar

WTO: World Trade Organization

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả đã sưu tầm tài liệu luận văn, các bài đăng từ các website uy tín của Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

References

  1. Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia. . 2011;:83-84. Google Scholar
  2. B.C. Tuyên bố chung về thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam - Australia. Thế giới & Việt Nam. . 2018;:. Google Scholar
  3. Australian Embassy Vietnam. Australia - Vietnam Relationship. Australian Embassy Vietnam. . ;:. Google Scholar
  4. Nam Ngô Hướng. Việt Nam - Australia: Hướng tới đối tác thương mại hàng đầu. Thế giới & Việt Nam. . 2019;:. Google Scholar
  5. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Australia. Các mốc trong quan hệ song phương. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Australia. . 2014;:. Google Scholar
  6. Sáng Huỳnh Tâm. Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Australia: thành tựu và triển vọng. Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á. . 2017;1:30-37. Google Scholar
  7. Khởi Lê Bá. Thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Autralia cho Việt Nam. Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. . 2012;:. Google Scholar
  8. Châu Bình. Australia viện trợ thêm 2 triệu AUD giúp miền Trung Việt Nam ứng phó với thiên tai. Thế giới & Việt Nam. . 2020;:. Google Scholar
  9. Ban Thời sự. Khuyến khích hợp tác giữa địa phương và doanh nghiệp Việt Nam - Australia. Báo điện tử VTV News. . 2010;:. Google Scholar
  10. Australian Government. Vietnam annual programme performance report 2011, Canberra: Australian Government. . 2012;:. Google Scholar
  11. B.C. Việt Nam - Australia ký bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục nghề nghiệp. Thế giới & Việt Nam. . 2019;:. Google Scholar
  12. Chiến Nguyễn Đình. Quan hệ Australia - Việt Nam giai đoạn 2001-2011. Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia TP.HCM. . 2016;:. Google Scholar
  13. Firth Stewart. Australia in International Politics: An introduction to Australian foreign policy. London: Routledge. . 2011;:. Google Scholar
  14. Robert Hawke. "Change Is Not Optional" An Address By The Prime Minister John Curtin Memorial Lecture Curtin University Perth. PM Transcript. . 1991;:. Google Scholar
  15. Trading Economics. Australia imports. Trading Economics. . ;:. Google Scholar
  16. United Nations Commodity Trade Statistics Database. United Nations Commodity Trade Statistics Database. . ;:. Google Scholar
  17. Hiep Le Hong. Australia and Vietnam deepen their strategic relationship. East Asia Forum. . 2012;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 3 (2021)
Page No.: 1172-1180
Published: Aug 28, 2021
Section: Article - Arts & Humanities
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.638

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Giang, N. (2021). Looking back on Vietnam-Australia relations: achievements and prospects. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(3), 1172-1180. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.638

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1876 times
PDF   = 390 times
XML   = 0 times
Total   = 390 times