VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

518

Total

285

Share

The impact of cognitive factors and economic conditions on the custom of xem tuoi of some rural intellectual couples in the Mekong Delta






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Vietnam is a country with historical traditions and a rich and diverse culture in all aspects. Vietnamese people possess good customs and beliefs for a long time. Xem tuoi – to study age compatibility of the couple – is a necessary pre-marriage custom; however, nowadays, this custom faces many controversial opinions. Even the majority of the rural couples in rural areas in the Mekong Delta said that Xem tuoi is no longer an important factor affecting their marital happiness because there is no difference in the economic and material conditions along with the age groups (appropriate, normal, unsuitable age). The study surveyed 48 couples who are teachers in Hung Khanh Trung B commune, Cho Lach district, Ben Tre province, then conducted a statistical analysis to show this situation. If the definition of marital happiness includes financial security, well-being, the degree of job and life satisfaction of the couple, from the traditional viewpoint, couples with “age compatibility” will have a higher happiness rate than other couples. Nevertheless, the study results showed that there was no statistically significant difference in the economic and material conditions of the couples in all age categories. Love, sympathy and sharing are the key factors leading to a successful happy marriage.

GIỚI THIỆU

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng 1 . Từ xưa đến nay, hôn nhân đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, là trách nhiệm duy trì nòi giống, là cơ sở để xây dựng các tổ chức xã hội.

Mọi người luôn hy vọng có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Trong phong tục đám cưới truyền thống, người Việt Nam thường rất chú ý tới vấn đề xem tuổi trước hôn nhân để mong có được những điều tốt đẹp. Xem tuổi theo dân gian là xem tuổi nam/nữ có phù hợp với bản mệnh của nhau hay không. Hay nói cách khác, xem tuổi chú ý đến vấn đề hợp - khắc trong tuổi tác. Người xưa cho rằng vợ chồng có hợp tuổi, hợp mệnh thì cuộc sống sau này mới gặp nhiều may mắn về sức khỏe, công danh, tài lộc cũng như tránh được những tai ương, biến cố bất ngờ xảy ra.

Ngược lại, vẫn có người quan niệm “hợp tuổi ko bằng hợp tính”. Vấn đề hạnh phúc gia đình phụ thuộc vào cách đối đãi lẫn nhau chứ không phụ thuộc vào tuổi tác hay ngày giờ. Xem tuổi là hành động nhằm trấn an tâm lý trước khi con cháu họ bước vào đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, đã không ít những cặp đôi yêu nhau tan vỡ và bất hòa vì việc xem bói toán tuổi tác. Có thể nói, xem tuổi là một trong những hoạt động không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay nữa, đừng nên đặt nặng vấn đề này để tránh gây ra những bi lụy không đáng tiếc.

Với sự tiến bộ của thời đại, điều kiện điều kiện kinh tế - vật chất và nhận thức của các cặp vợ chồng ngày nay đã được nâng cao rõ rệt; ngoài ra, sự phát triển của mạng thông tin làm cho con người dễ tiếp thu và giao lưu với những điều mới mẻ mà trước nay họ không thể tiếp cận được. Từ đó, nhiều cặp vợ chồng, nhất là nhóm vợ chồng trí thức, cho rằng xem tuổi không phải là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân. Điều này không chỉ xảy ra với các cặp vợ chồng ở đô thị mà còn đang diễn ra với các cặp vợ chồng vùng nông thôn. Bài nghiên cứu sẽ góp phần làm sáng tỏ hiện tượng xã hội này.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Khu vực khảo sát

Hưng Khánh Trung B là một xã thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xã có diện tích khoảng 1.024,03 ha, dân số năm 1999 là 7.334 người và mật độ dân số đạt 716 người/km² 2 . Năm 2019, xã có thu nhập bình quân đầu người khá cao, đạt 45,8 triệu đồng, hộ nghèo chỉ chiếm tỷ lệ 2,16%, hộ sử dụng điện đạt 99,55%, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn được đầu tư xây dựng khá tốt. Các thiết chế văn hoá xã, ấp được xây dựng hoàn chỉnh; toàn xã có 7/7 ấp, 4 trường học (có 02/04 trường đạt chuẩn quốc gia) và 7 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng dân gian đạt chuẩn văn hoá, số hộ gia đình văn hoá chiếm 84,05% 3 . Ngày 18/8/2019, xã Hưng Khánh Trung B đạt chuẩn nông thôn mới 4 .

Phương pháp khảo sát

Nghiên cứu tiến hành khảo sát các cặp vợ chồng trí thức, là giáo viên trên địa bàn xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào tháng 09 năm 2017. Phương pháp được sử dụng bao gồm chọn ngẫu nhiên, phỏng vấn và trả lời phiếu câu hỏi. Nhóm câu hỏi 1 về (i) mức độ “hợp tuổi” (rất hợp, hợp, bình thường, không hợp, rất không hợp), (ii) điều kiện kinh tế - vật chất của vợ chồng (thu nhập, sức khỏe, hài lòng trong công việc, và cuộc sống). Thu nhập xác định bằng triệu VNĐ/tháng, còn sức khỏe, hài lòng trong công việc, và cuộc sống được xác định bằng các giá trị chỉ mức độ (rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng, rất không hài lòng). Ở nhóm câu hỏi 2, nghiên cứu còn thu thập thêm các thông tin khác liên quan đến độ tuổi và một số quan điểm về hôn nhân của các cặp vợ chồng.

Xử lý số liệu

Để xác định sự khác biệt/không khác biệt về điều kiện kinh tế - vật chất của các cặp vợ chồng (thu nhập, sức khỏe, hài lòng trong công việc, và cuộc sống) giữa các dạng tuổi (rất hợp, hợp, bình thường, không hợp, rất không hợp), nghiên cứu tiến hành các phân tích thống kê. Về thu nhập, do đây là biến số liên tục nên phân tích phương sai một nhân tố ANOVA (Analysis of Variance) được tiến hành khi các giả thuyết về sự phân bố của số liệu cũng như sự đồng nhất của phương sai được thỏa mãn. Số liệu được chuyển về dạng Log(X+1) trước khi phân tích bằng phần mềm STATISTICA 7.0. Trong điều kiện không thõa mãn phân tích ANOVA, phân tích phi tham số Kruskal – Wallis được dùng để thay thế. Kiểm tra sự khác biệt giữa các nhóm bằng phân tích hậu kiểm Tukey HSD. Sự khác biệt thống kê giữa các biến còn lại (sức khỏe, hài lòng trong công việc và cuộc sống) ở các dạng tuổi được kiểm tra bằng kiểm định Chi bình phương (Chi Square test).

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thống kê về thông tin chung của các cặp vợ chồng trí thức trong nghiên cứu

Tổng số 48 cặp vợ chồng trí thức, là giáo viên ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã tham gia khảo sát. Tuy nhiên, ở từng câu hỏi, số lượng người trả lời có thể ít hơn 48, ví dụ thông tin về độ tuổi và tuổi kết hôn chỉ có 37 cặp tham gia trả lời. Nhìn chung, độ tuổi trung bình (± Standard Deviation) của chồng cao hơn vợ, cụ thể là 47,87 ± 10,86 và 43,00 ± 10,75. Người chồng có độ tuổi nhỏ nhất là 27, lớn nhất là 69; đối với người vợ, nhỏ nhất là 26, lớn nhất là 64. Các chỉ số thống kê cơ bản về độ tuổi của các cặp vợ chồng tham gia khảo sát được thể hiện trong Table 1 .

Table 1 Thống kê mô tả tuổi của các cặp vợ chồng

Các cặp vợ chồng tham gia khảo sát có độ tuổi trung bình rất đa dạng, từ trẻ đến trung niên, nhưng phần lớn tập trung từ 32,40 đến 57,40 tuổi. Đối với người chồng, nhóm tuổi < 26,1 có bảy người; 38,06 – 44,90 có tám người; 44,90 – 51,10 có bảy người; 51,10 – 57,40 có tám người. Đối với người vợ, nhóm tuổi < 26,1; 32,40 - 86,60; 44,90 – 51,10 chiếm số lượng cao, tương ứng đạt tám; chín; mười người ( Figure 1 A). Hầu hết nữ và nam kết hôn trong độ tuổi từ 17,50 đến 26,50 (29 người nữ và 23 người nam). Một người nam và hai người nữ kết hôn dưới 17,50 (lưu ý các người nữ/nam này kết hôn khoảng hơn 40 năm về trước). Có hai nam và một nữ kết hôn khá muộn (sau 38 tuổi). Một điều dễ nhận thấy là ở độ tuổi dưới 26,50, số lượng nữ kết hôn nhiều hơn nam (31 so với 24 người ); ngược lại, sau 26,50 tuổi thì số lượng nam kết hôn nhiều hơn nữ (13 và 6 người) ( Figure 1 B).

Figure 1 . Sơ đồ phân phối tần suất về thông tin chung của các cặp vợ chồng. (A) Độ tuổi hiện tại, (B) tuổi kết hôn

Một số thông tin về cách thức gặp nhau, so sánh tuổi vợ/chồng cũng được thu thập. Nhìn chung các cặp đến với nhau là do tự tìm hiểu (41 cặp, chiếm 91%), số ít còn lại do mai mối (bốn cặp, chiếm 9%) ( Figure 2 A). Rõ ràng, trong phần lớn các cặp vợ chồng tham gia khảo sát, độ tuổi chồng lớn hơn vợ chiếm 70%, bằng tuổi khoảng 27%, và chỉ có số ít vợ lớn tuổi hơn chồng (khoảng 3%) ( Figure 2 B).

Thông tin quan trọng nhất của nghiên cứu là xác định các dạng tuổi của các cặp vợ chồng tham gia khảo sát. Nhìn chung chỉ có ba dạng tuổi được xác định: Rất hợp (11 cặp, chiếm 26%), hợp (16 cặp, chiếm 37%), bình thường (16 cặp, chiếm 37%). Tổng thể các dạng tuổi tương đối cân bằng, yếu tố này sẽ phát huy tính chính xác của phân tích thống kê ( Figure 2 C).

Figure 2 . Tỷ lệ phần trăm thông tin chung của các cặp vợ chồng. (A) Cách thức gặp nhau, (B) so sánh tuổi vợ chồng, (C) các dạng tuổi

Quan điểm hôn nhân của các cặp vợ chồng trí thức

Một số quan điểm về hôn nhân và xem tuổi của các cặp vợ chồng cũng được khảo sát trong nghiên cứu. Về công tác chuẩn bị trước hôn nhân, phần lớn cặp vợ chồng cho rằng nên khám sức khỏe, đăng ký kết hôn, chuẩn bị vật chất/tinh thần và tìm hiểu nhau, tương ứng đạt 32%, 32%, 12%, và 12%. Số ít còn lại cho rằng nên chuẩn bị chụp ảnh cưới, tìm hiểu gia đình, và nên có việc làm ổn định ( Figure 3 A). Về quan điểm xem tuổi, do giáo viên thuộc nhóm tri thức nên hầu hết trung lập, rất không tin, và không tin (lần lượt là 36%, 32%, 15%); tuy nhiên số tin cũng chiếm đến 17% tổng số cặp khảo sát ( Figure 3 B). Nghiên cứu đặt vấn đề nếu con cái họ không hợp tuổi thì họ có đồng ý cho kết hôn không?. Phần lớn trả lời đồng ý và tùy theo quyết định của con cái họ (38% và 58%); tuy nhiên số ít vẫn phản đối (4%) ( Figure 3 C).

Figure 3 . Tỷ lệ phần trăm về một số quan điểm trong hôn nhân của các cặp vợ chồng. (A) Việc làm trước hôn nhân, (B) niềm tin vào xem tuổi, (C) quyết định cho phép con cái kết hôn nếu không hợp tuổi

So sánh điều kiện kinh tế - vật chất của các cặp vợ chồng trí thức ở các dạng tuổi

Thu nhập

Có sự giảm dần trong thu nhập trung bình (đơn vị: triệu VNĐ/tháng) của các cặp vợ chồng ở các dạng tuổi từ hợp – rất hợp – bình thường. Cụ thể thu nhập trung bình của các cặp vợ chồng ở dạng tuổi hợp cao nhất (16,25 ± 22,74), tiếp theo là rất hợp (14,93 ± 14,28), thấp nhất là bình thường (9,75 ± 7,91). Tuy nhiên, giá trị độ lệch chuẩn của thu nhập trung bình ở các dạng tuổi khá cao, chứng tỏ có sự dao động lớn về thu nhập trong từng dạng tuổi ( Table 2 ). Kết quả phân tích phương sai một nhân tố ANOVA cho thấy không có sự khác biệt ý nghĩa thống kê về thu nhập trung bình của các cặp vợ chồng ở các dạng tuổi ( p-value = 0,60 > 0,05).

Table 2 Thống kê mô tả thu nhập trung bình (đơn vị: triệu VNĐ/tháng) của các cặp vợ chồng ở các dạng tuổi

Tình hình sức khỏe và mức độ hài lòng với công việc, cuộc sống

Tình hình sức khỏe của các cặp vợ chồng tham gia khảo sát từ bình thường đến rất tốt. Tỷ lệ, sức khỏe rất tốt xuất hiện ở dạng tuổi rất hợp và hợp nhưng không xuất hiện ở dạng tuổi bình thường. Tỷ lệ lớn các cặp vợ chồng ở dạng tuổi hợp và bình thường cũng có sức khỏe tốt ( Figure 4 A). Các cặp vợ chồng ở dạng tuổi rất hợp và hợp có mức độ hài lòng (rất tốt) cao hơn so với dạng tuổi bình thường ở tiêu chí mức độ hài lòng trong công việc và cuộc sống. Ở dạng tuổi bình thường, ta thấy xuất hiện một số cặp vợ chồng không hài lòng với công việc và cuộc sống, ngoài ra ở dạng tuổi hợp cũng có cặp vợ chồng không hài lòng với cuộc sống ( Figure 4 B, C). Kết quả kiểm định Chi bình phương cho thấy không có sự khác biệt ý nghĩa thống kê về tình hình sức khỏe và mức độ hài lòng với công việc, cuộc sống của các cặp vợ chồng ở các dạng tuổi ( p-sức khỏe = 0,11, p-công việc = 0,18, p-cuộc sống = 0,42 ).

Figure 4 . Tình hình sức khỏe (A), mức độ thành công trong công việc (B), và hài lòng trong cuộc sống (C) của các cặp vợ chồng ở các dạng tuổi

Tác động của yếu tố nhận thức và điều kiện kinh tế - vật chất tới tập quán xem tuổi hiện nay

Ngày trước, khi nhận thức con người còn hạn chế, điều kiện kinh tế - xã hội hạn hẹp, cuộc sống hôn nhân đối với nhiều người là điều bất khả đoán định. Vậy nên, việc xem tuổi cũng như một số thủ tục, quy định khác trong hôn nhân xưa vốn có chức năng trấn an con người, thúc đẩy họ nhận thức theo chiều hướng biết trân quý hôn nhân, sống có trách nhiệm với nhau trong hôn nhân. Ngoài ra, hôn nhân truyền thống ít khi dựa vào tình yêu mà thường là do bố mẹ lựa chọn qua vai trò trung gian của mai mối. Một khi quyền lựa chọn nằm trong tay bố mẹ, việc tổ chức xem bát tự hung cát của đôi trẻ là có thể hiểu được. Một khi xem bát tự không thành, họ có quyền lựa chọn đối tác khác. Nhưng nếu bát tự phù hợp, mức độ thân thiết của hai gia đình càng trở nên cao hơn, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng hạnh phúc hôn nhân. Do đó, nếu đứng ở bối cảnh xã hội truyền thống xưa thì xem tuổi vẫn có chức năng nhất định không thể phủ nhận. Thực vậy, mỗi phong tục, tập quán văn hóa đều có giá trị đối với cộng đồng trong phương thức xã hội nhất định. Khi xã hội thay đổi thì các phong tục, tập quán ấy cũng thay đổi. Cho nên, khi giải quyết vấn đề phong tục, tập quán, chúng ta phải nhìn nhận, phân tích tìm hiểu từ cái gốc xã hội của nó.

Ngày nay, sự phát triển của xã hội, khoa học kỹ thuật đã làm cho nhận thức và điều kiện kinh tế - vật chất của các cặp vợ chồng được nâng cao, tư duy được mở rộng và tiếp cận với thế giới. Điều đó làm cho việc xem tuổi trở thành tập quán lỗi thời. Để từ từ loại bỏ các tập quán lỗi thời (ví dụ xem tuổi), biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phải được đặt lên hàng đầu. Muốn con người thay đổi hành vi, ta phải làm cho họ thay đổi và nâng cao nhận thức, vì hành vi chỉ là sự thể hiện bên ngoài của nhận thức. Khi một con người đã có sự hiểu biết về điều họ đang làm thì họ sẽ có cái nhìn khác, hành động khác. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng nếu cộng đồng được nâng cao nhận thức, trình độ học vấn và mức sống như hiện nay thì một số tập quán lâu đời, không còn chức năng xã hội, không còn phù hợp với thời đại mới sẽ nhanh chóng bị loại bỏ. Thực vậy, đa số các cặp vợ chồng trí thức là giáo viên vùng nông thôn trong nghiên cứu đã cho rằng xem tuổi không phải là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân của họ. Ngoài ra, nếu muốn loại bỏ các tập quán, tập tục không còn phù hợp thì không thể chỉ bằng kêu gọi, tuyên truyền hay giáo dục tư tưởng suông mà phải kết hợp với điều kiện vật chất – kinh tế cơ bản. Một ý tưởng hay, một quan niệm tốt nếu không có điều kiện vật chất – kinh tế làm nền tảng và môi trường thuận lợi thì cũng không thể triển khai hiệu quả trên thực tế.

Hiểu về hạnh phúc trong hôn nhân

Hạnh phúc hôn nhân nói chung được định nghĩa là sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong một bối cảnh xã hội cụ thể, bao gồm các nhu cầu về vật chất, tinh thần, môi trường tự nhiên và xã hội,… Hạnh phúc là sự đánh giá tổng thể về chất lượng cuộc sống, bao gồm những trạng thái tinh thần tích cực lẫn tiêu cực 5 . Một người có lo lắng, buồn phiền trong cuộc sống không có nghĩa là không hạnh phúc vì những lo lắng ấy góp phần xây dựng hạnhh phúc cho tương lai 6 . Như vậy mới thấy việc định nghĩa hạnh phúc nói chung và hạnh phúc gia đình nói riêng là vấn đề khá khó khăn. Theo kết quả từ Đề tài cấp Bộ “Hệ giá trị gia đình Việt Nam dưới góc nhìn xã hội học” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2014 tại tỉnh Thái Bình, giá trị “Khỏe mạnh” được xem như giá trị gia đình quan trọng nhất (99,3% người đồng ý), tiếp theo là “Có việc làm/thu nhập ổn định” (89,5%), các giá trị về tiện nghi cuộc sống cũng có sự đồng thuận cao (>80%) 7 . Từ đây, nghiên cứu cho rằng một số giá trị/tiêu chí cơ bản cấu thành nên hạnh phúc hôn nhân bao gồm: Sức khỏe, hài lòng trong công việc-cuộc sống, và điều kiện kinh tế. Các tiêu chí này được nghiên cứu sử dụng làm cơ sở để so sánh giữa các dạng tuổi.

Ở Việt Nam, hạnh phúc là đối tượng của nghiên cứu của khoa học thực nghiệm, đặc biệt là xã hội học; tuy nhiên, nghiên cứu về hạnh phúc xã hội nói chung, hạnh phúc của một nhóm xã hội nói riêng nhìn chung vẫn chưa được đầy đủ 8 . Việc hiểu rõ về hạnh phúc trong gia đình và những yếu tố chi phối đến nó rất quan trọng trong việc củng cố và duy trình hạnh phúc trong tương lai. Nếu cho rằng hạnh phúc hôn nhân bao gồm đảm bảo điều kiện tài chính, tình hình sức khỏe, mức độ hài lòng trong công việc và cuộc sống thì kết quả khảo sát cho thấy không có sự khác biệt ý nghĩa thống kê về mức độ hạnh phúc của các cặp vợ chồng ở các dạng tuổi. Từ đây, vai trò của xem tuổi trước hôn nhân bị suy giảm bởi thực tế cho thấy điều kiện kinh tế - vật chất của các cặp vợ chồng ở các dạng tuổi là không khác biệt.

Việc không đạt được hạnh phúc trong hôn nhân phần lớn do hai người không thể cảm thông để hòa hợp trong tính cách của nhau. Thật vậy, vì mỗi người lớn lên trong từng điều kiện, hoàn cảnh gia đình, môi trường giáo dục khác nhau nên sẽ hình thành nên cách suy nghĩ và lối sống khác nhau. Lúc mới gặp, con người thường chưa bộc lộ hết tính cách của mình. Cho nên, ban đầu gặp nhau, người ta có thể hợp nhau ở một khía cạnh nào đó, như trình độ học vấn, sở thích,… Song đây mới chỉ là hợp nhau trong bước đầu. Khi thành vợ chồng chung sống với nhau một thời gian, tính cách của mỗi người sẽ dần hiện rõ. Từ đó, những điểm bất đồng sẽ xuất hiện và gây ra bất hòa giữa đôi bên. Khi vợ chồng bất hòa, trước tiên cần bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân trên tinh thần hòa giải. Có tìm ra nguyên nhân thì ta mới thấu hiểu và cảm thông cho nhau được, từ đó mới có thể hóa giải bất hòa, chuyển hóa mâu thuẫn, xung khắc, bất đồng để rồi yêu thương nhau hơn. Như vậy, hai người mới tiếp tục sống chung hòa hợp với nhau được.

KẾT LUẬN

Phong tục hôn nhân là dấu mốc quan trọng của đời người và đồng thời cũng thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy vậy, văn hóa là một phạm trù có sự tiếp biến nên phong tục hôn nhân của mỗi dân tộc luôn có sự chọn lọc, phát triển và thay đổi cho phù hợp hơn với thời đại mới, trên nền tảng của bản sắc truyền thống. Nghiên cứu cho thấy vai trò của tập quán xem tuổi đang sụt giảm do sự nâng cao trong nhận thức và đời sống vật chất - kinh tế của người dân, thậm chí trong tư duy của cư dân vùng nông thôn, vì vậy không nên đặt nặng tập tục này trong đời sống cộng đồng xã hội.

LỜI CẢM ƠN

Tác giả chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của các thầy cô giáo đã tham gia khảo sát. Ngoài ra, nhóm tác giả cảm ơn Ban biên tập và Quý phản biện đã tham gia chỉnh sửa, góp ý, và hoàn thiện bài báo.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Trần Thành Thái lên ý tưởng nghiên cứu, chuẩn bị bản thảo.

Phan Thị Tuyết cung cấp thông tin phần tổng quan, hỗ trợ viết phần phương pháp nghiên cứu.

Trần Thành Thái và Phan Thị Tuyết chuẩn bị bảng câu hỏi, thực hiện khảo sát, và tham gia thảo luận kết quả.

References

  1. Quốc hội. Luật Hôn nhân và Gia đình. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, thành phố Hồ Chí Minh.. . 2014;:. Google Scholar
  2. Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ: Về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập xã, phường thuộc huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách, thị xã Bến Tre; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách để thành lập huyện Mỏ Cày Bắc thuộc tỉnh Bến Tre. Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2009. . ;:. Google Scholar
  3. Ủy ban Nhân dân Xã Hưng Khánh Trung B. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mói giai đoạn 2010-2020. . 2019;:. Google Scholar
  4. Báo Đồng Khởi. [Online]. [18/8/2019]. . 2017;:. Google Scholar
  5. OECD. OECD Guidelines on Measuring Subjective Well-being. OECD Publishing, Paris. . 2013;:. Google Scholar
  6. Văn Lê Ngọc. Hạnh phúc và sự cần thiết của hạnh phúc ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số 27(2): 3-14. . 2017;:. Google Scholar
  7. Trầm Bùi Thị Hương. Sự tương đồng và khác biệt trong lựa chọn giá trị gia đình (Qua cuộc khảo sát tại tỉnh Thái Bình). Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số 24(4): 56-64. . 2014;:. Google Scholar
  8. Trầm Bùi Thị Hương. Quan điểm của người phụ nữ về hạnh phúc (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Ninh Bình). Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số 27(2): 71-79. . 2017;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 3 (2021)
Page No.: 1066-1073
Published: Aug 8, 2021
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.575

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, T., & Tuyết, P. (2021). The impact of cognitive factors and economic conditions on the custom of xem tuoi of some rural intellectual couples in the Mekong Delta. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 5(3), 1066-1073. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v5i3.575

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 518 times
Download   = 285 times
View Article   = 0 times
Total   = 285 times